Câu lạc bộ cờ tướng VNAV

Discussion in 'Bang hội / Câu lạc bộ' started by alex_ferguson, 3/3/10.

  1. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    Chào các bác !
    Như các bác đã biết , bóng đá được coi là môn thể thao "vua" . Nó rèn luyện cho đôi chân thêm dẻo dai , sức khỏe thêm sung mãn và rất nhiều lợi ích khác . Có thể rất nhiều bác thích bóng đá nhưng lại không thích đá bóng ( Vì nhiều lý do như gia đình , công việc , thời gian .... hay ngại đi giày - mặc quần đùi :D ) . Hãy cố gắng sắp xếp công việc hợp lý để tham gia cùng FC VNAV vào tối thứ 7 hàng tuần 19h30 trực tiếp trên sân bách khoa HN . :D
    .......Chết! lan man quá ! :mrgreen:
    Vâng ! chủ đề chính là môn Cờ tướng ( Chắc nhiều bác thích ......giống em :lol: ). Em xin mạn phép lập topic này để các thành viên sau những giờ làm việc mệt mỏi được thư giãn phần nào với môn thể thao này !
    * Một số trang web chơi cờ trực tuyến :
    http://vn.clubxiangqi.com
    http://vietson.com/cotuong
    http://cotuong.blogtiengviet.net
    Mời các bác vào thảo luận và giao lưu !


    * Đôi nét về môn thể thao trí óc :

    + Giới thiệu chung :

    Mục đích của ván cờ được tiến hành giữa hai người, một người cầm quân Trắng (hay Đỏ), một người cầm quân Đen (hay Xanh lá cây). Mục đích của mỗi người là tìm mọi cách đi quân trên bàn cờ theo đúng luật để chiếu bí Tướng (hay Soái) của đối phương và giành thắng lợi.

    - Bàn cờ và quân cờ

    Tướng, Sỹ và Cửu cung
    Bàn cờ là một hình chữ nhật do 9 đường dọc và 10 đường ngang cắt nhau vuông góc tại 90 điểm hợp thành. Một khoảng trống gọi là sông (hay hà) nằm ngang giữa bàn cờ, chia bàn cờ thành hai phần đối xứng bằng nhau. Mỗi bên có một cung Tướng hình vuông (Cửu cung) do 4 ô hợp thành tại các đường dọc 4, 5, 6 kể từ đường ngang cuối của mỗi bên, trong 4 ô này có vẽ hai đường chéo xuyên qua.

    Theo quy ước, khi bàn cờ được quan sát chính diện, phía dưới sẽ là quân Trắng (hoặc Đỏ), phía trên sẽ là quân Đen. Các đường dọc bên Trắng (Đỏ) được đánh số từ 1 đến 9 từ phải qua trái. Các đường dọc bên Đen được đánh số từ 9 tới 1 từ phải qua trái.

    Ranh giới giữa hai bên là "sông" (hà). Con sông này có tên là "Sở hà Hán giới" (楚河漢界)- con sông định ra biên giới giữa nước Sở và nước Hán. Theo lịch sử Trung Hoa cổ thì khởi nghiệp nhà Hán, Lưu Bang có cuộc chiến liên miên với Sở vương là Hạng Võ. Cuộc chiến giữa hai bên làm trăm họ lầm than. Hạng Võ bèn nói với Hán vương: "Mấy năm nay thiên hạ khốn khổ chỉ vì hai chúng ta. Bây giờ quyết một trận sống mái để khỏi làm khổ thiên hạ nữa". Hán vương trả lời: "Ta chỉ đấu trí chứ không thèm đấu sức". Hai bên giáp mặt nhau ở khe Quảng Vũ. Hán vương bèn kể 10 tội lớn của Hạng vương, Hạng vương tức giận dùng nỏ bắn trúng Hán vương, Hán vương đeo tên chạy vào Thành Cao. Hai bên giữ vững đất của mình. Mãi đến khi thấy không còn đủ lực lượng để triệt hạ lẫn nhau, hai bên mới chịu giao ước chia đôi thiên hạ: từ Hồng Câu về Tây thuộc Hán, từ Hồng Câu về Đông thuộc Sở. Từ điển tích này, người ta hình dung bàn cờ tướng như hai quốc gia Hán và Sở, coi ranh giới là một dòng sông. Cho tới nay, trên các bàn cờ tướng, ở khoảng "hà" nằm chính giữa, chia đôi bàn cờ, người ta thường ghi "Sở hà Hán giới" (bằng chữ Hán) là vì như vậy.

    Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải có đủ 32 quân, chia đều cho mỗi bên gồm 16 quân Trắng (Đỏ) và 16 quân Đen, gồm 7 loại quân . Tuy tên quân cờ của mỗi bên có thể viết khác nhau (ký hiệu theo chữ Hán) nhưng giá trị và cách đi quân của chúng lại giống nhau hoàn toàn. Bảy loại quân có ký hiệu và số lượng cho mỗi bên như sau:

    - Quân , số lượng , ký hiệu :
    Tướng 1 ( T )
    Sỹ 2 ( S )
    Tượng 2 ( Tg )
    Xe 2 ( X )
    Pháo 2 ( P )
    Mã 2 ( M )
    Tốt 5 ( B )

    - Ký hiệu theo chuẩn quốc tế :

    Tốt : ký hiệu P
    Pháo : C
    Xe : R
    Mã : H
    Tượng : E
    Sĩ : A
    Tướng : K
    Tiền : là dấu cộng + ví dụ tiền pháo : C+
    Hậu : dấu trừ - ví dụ hậu mã : H-
    Tiến ( đi tới ) : dấu + (ví dụ Binh 1 tiến 1 C1+1
    Thoái (đi lui): dấu trừ - (ví dụ hậu pháo thoái 1 C--1 )
    Bình (đi ngang) : dấu chấm . hoặc là dấu bằng = (ví dụ pháo 2 bình 5 C2.5

    + Lịch sử cờ tướng :

    Đây loại cờ có từ khoảng thế kỷ 7. Cờ tướng được bắt nguồn từ Saturanga, một loại cờ cổ được phát minh ở Ấn Độ từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 6 (trước cờ tướng khoảng 200 năm). Chính Saturanga được phát minh từ Ấn Độ, sau đó đi về phía tây, trở thành cờ vua và đi về phía Đông trở thành cờ tướng. Người Trung Quốc cũng đã thừa nhận điều này.

    Cờ tướng cổ đại không có quân Pháo. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất là quân Pháo được bổ sung từ thời nhà Đường (sau năm 618), là quân cờ ra đời muộn nhất trong bàn cờ tướng, bởi cho tới thời đó, con người mới tìm ra vũ khí pháo để sử dụng trong chiến tranh.

    Tuy nhiên, người Trung Hoa đã cải tiến bàn cờ Saturanga như sau:

    Họ không dùng "ô", không dùng hai màu để phân biệt ô, mà họ chuyển sang dùng "đường" để đặt quân và đi quân. Chỉ với động tác này, họ đã tăng thêm số điểm đi quân từ 64 của Saturanga lên 81.
    Đã là hai quốc gia đối kháng thì phải có biên giới rõ ràng, từ đó, họ đặt ra "hà", tức là sông. Khi "hà" xuất hiện trên bàn cờ, 18 điểm đặt quân nữa được tăng thêm. Như vậy, bàn cờ tướng bây giờ đã là 90 điểm so với 64, đó là một sự mở rộng đáng kể. Tuy nhiên, diện tích chung của bàn cờ hầu như không tăng mấy (chỉ tăng thêm 8 ô) so với số điểm tăng lên tới 1 phần 3.
    Đã là quốc gia thì phải có cung cấm (宮) và không thể đi khắp bàn cờ như kiểu trò chơi Saturanga được. Thế là "Cửu cung" đã được tạo ra. Điều này thể hiện tư duy phương Đông hết sức rõ ràng.
    Bàn cờ Saturanga có hình dáng quân cờ là những hình khối, nhưng cờ Tướng thì quân nào trông cũng giống quân nào, chỉ có mỗi tên là khác nhau, lại được viết bằng chữ Hán. Đây có thể là lý do khiến cờ tướng không được phổ biến bằng cờ vua, chỉ cần liếc qua là có thể nhận ra đâu là Vua, đâu là Hoàng hậu, kỵ sỹ, v.v. Tuy nhiên, đối với người Trung Hoa thì việc thuộc mặt cờ này là không có vấn đề gì khó khăn. Có lẽ việc cải tiến này cũng một phần là do điều kiện kinh tế bấy giờ chưa sản xuất được bộ cờ có hình khối phức tạp như cờ vua. Cờ tướng không phải là một trò chơi sang trọng, muốn tạo ra một bàn cờ tướng cực kỳ đơn giản, chỉ cần lấy que vạch xuống nền đất cũng xong, còn cờ vua thì mất công hơn nhiều khi phải tạo ra các ô đen/trắng xen kẽ nhau.
    Gần đây ngày càng có nhiều ý kiến đề nghị cải cách hình dáng các quân cờ tướng và trên thực tế người ta đã đưa những phác thảo của những bộ quân mới bằng hình tượng thay cho chữ viết, nhất là khi cờ tướng được chơi ở những nước không sử dụng tiếng Trung Quốc.
    Với sự thay đổi bố cục bàn cờ, người Trung Hoa đã phải có những điều chỉnh để lấy lại sự cân bằng cho bàn cờ. Đó chính là những ngoại lệ mà người chơi phải tự nhớ.

    + Xuất xứ tên gọi :

    Bàn cờ tướng thật sự là một trận địa sinh động, có tầng có lớp và thật hoàn hảo: đủ các binh chủng trên chiến trường, công có, thủ có, các quân được chia thành ba lớp xen kẽ hài hoà. Lại còn có cả sông, cung cấm. Hình tượng quốc gia hoàn chỉnh, có vua tôi, có 5 binh chủng, có quan ở nhà, quân ra trận v.v..., vừa có ý nghĩa, vừa mang sắc thái phương Đông rõ nét, vì vậy người Trung Hoa đặt tên cho cờ này là Tượng kỳ (象棋) với ý nghĩa "tượng" là hình tượng, tức là cờ có đầy đủ ý nghĩa được thể hiện bằng hàng loạt các hình tượng.

    Tuy nhiên, cũng có một số tài liệu lý giải rằng, vì Trung Hoa không có voi, khi tiếp nhận Saturanga thấy trong các quan có quân voi lạ nên người Trung Hoa bèn gọi là "tượng kỳ" để kỷ niệm một loại cờ lạ có con voi. Như thế có người suy ra "tượng kỳ" có nghĩa là cờ voi.

    Mà có khi chữ "tượng" là sự kết hợp một cách ngẫu nhiên cả hai ý nghĩa trên, vì chữ "tượng" chỉ có một cách viết mà thôi và nó có hình dáng con voi thật.

    Ở Việt Nam thì từ xưa tới nay vẫn gọi là cờ tướng chứ không ai gọi là cờ tượng cả. Tướng cầm đầu thì phải gọi là cờ tướng. Đó cũng là nét hay của ngôn ngữ Việt, dễ gần gũi, dễ hiểu. Khi cờ vua du nhập vào Trung Quốc, họ gọi nó bằng cái tên rất dài là "Quốc tế tượng kỳ" (cờ voi thế giới) và cho đến nay họ vẫn gọi như vậy, trong khi người Việt chỉ gọi một tên ngắn gọn lại là cờ vua.

    + Các quân cờ

    Tướng

    Tướng (hay Soái)Ở Trung Hoa, vua là thiên tử (con trời), do vậy, nếu nhắc tới vua thì phải tôn kính, sùng bái. Bất cứ một hành động, một câu nói nào hớ hênh đối với vua đều bọ ghép vào tội "khi quân" và bị xử trảm. Có quân vua trên bàn cờ Saturanga là bình thường, nhưng sang tới Trung Hoa thì không thể được. Các quan lại trong triều đình không thể cam lòng nhìn đám dân quê cứ réo lên tên vua ầm chiếu, rượt đuổi, khi đã hãm được thành thì lại cầm một quân, có khi chỉ là một quân tốt quèn, đạp lên đầu vua đánh chát, rồi hét lên "giết!" một cách hả hê. Biết đâu lại chẳng có kẻ lợi dụng trò chơi này để bày tỏ sự bất phục của mình với vương triều. Các nhà cải cách đã cải tên từ "vua" thành "tướng" hay "soái" cho quân này, với lời giải thích: Tướng hay soái là chỉ huy cao nhất, quan trọng nhất; bên nào giết được tướng hay soái thì hiển nhiên thừa thắng trận, đâu cần tới lượt vua. Cách cải cách tên này đã giải thoát một trong những vấn đề tế nhị và phức tạp nhất về mặt ý thức hệ, và chỉ có như thế trò chơi Saturanga mới được chấp nhận. Tuy nhiên, đó chỉ là cách thay đổi tên, thay đổi bề ngoài, hình thức mà thôi, chứ quân cờ này thực chất vẫn là vua. Vì tướng thì phải xông pha trận mạc, không thể ru rú trong cung, có hai Tượng và Sỹ kè kè bên cạnh bảo vệ. Cách đổi tên chỉ là một mẹo vặt để giữ sỹ diện cho vua mà thôi.

    Tướng được chốt chặt trong cung và có tới 2 Sỹ và Tượng canh gác hai bên. Khi lâm nguy, tất cả sẵn sàng xả thân "hộ giá". Chính điều này làm cho quân địch dù có liều chết lăn xả vào cũng không chắc đã thắng được. Như thế muốn thắng một ván cờ cũng rất khó khăn, cơ may hoà cờ là rất lớn. Từ một thực tế như vậy, luật "lộ mặt Tướng" được thiết lập: một bên Tướng đã chiếm được một lộ rồi mà Tướng bên kia thò mặt ra lộ ấy là bị thua ngay lập tức, dù hai Tướng ở cách xa nhau muôn trùng. Chính điều này làm cho sự việc trở nên rất khó giải thích bởi cả Saturanga cũng như cờ vua đều không có tuyệt chiêu này. Thực ra đây chỉ là một quy định đơn thuần mang tính kỹ thuật nhằm cứu vãn cho sự ỳ ạch của cờ tướng, cho sự quá kín mít của Cửu cung. Việc Tướng chiếm lộ thông chính là việc phong luôn cho Tướng vai trò kép "Xe và Tướng". Xe là quân cực mạnh, do đó chiến thắng sẽ dễ dàng hơn.

    Do có luật "lộ mặt Tướng" nên sẽ có hệ quả: Tướng bên này mặc nhiên chiếm luôn một phần ba diện tích Cửu cung của đối phương, khiến đất nương thân của đối phương bị thu hẹp đáng kể. Đó là chưa nói nếu Tướng chiếm được lộ giữa thì Tướng của đối phương mất tới hai phần ba cung cấm của mình, nghỉa là chỉ còn vỏn vẹn có 3 điểm dể di chuyển. Lúc đó đối phương chỉ còn 1 quân cũng có thể tóm gọn được dù rằng đang ở ngay trong cung cấm của mình. Trong khi cờ tướng khi Tướng mất hết đường chạy thì thua chứ không hoà như trong cờ vua. Vì vậy, tỷ số thắng thua ở cờ tướng sau khi có ngoại lệ này đã tăng vọt, chấm dứt tình trạng hoà cờ trì trệ như từ trước đến nay.

    Tính theo khả năng chiến đấu thì Tướng là quân yếu nhất do chỉ đi nước một và bị giới hạn trong cung. Tuy nhiên trong nhiều tình huống, đặc biệt khi cờ tàn đòn "lộ mặt tướng" lại tỏ ra rất hiểm và mạnh. Lúc này Tướng mạnh ngang với Xe.

    Sỹ

    Sỹ trong cờ vua, quân cố vấn được đổi thành quân Hoàng hậu, nhưng ở Trung Hoa, phụ nữ không được tham gia chính sự nên không thể có mặt bên cạnh vua trong bàn cờ được. Trong cờ tướng, quân Sỹ có vai trò "hộ giá" cho Tướng (hoặc Soái). Chúng đứng ngay sát cạnh Tướng, chỉ đi từng bước một và đi theo đường chéo trong Cửu cung. Như vậy, chúng chỉ di chuyển và đứng tại 5 điểm và được coi là quân cờ yếu nhất vì bị hạn chế nước đi. Sỹ có chức năng trong việc bảo vệ Tướng, mất Sỹ được cho là nguy hiểm khi đối phương còn đủ 2 Xe hoặc dùng Xe Mã Tốt tấn công. Bỏ Pháo ăn Sỹ rồi dùng 2 Xe tấn công là đòn chiến thuật thường thấy.
    Trong tàn cuộc, Sỹ thường được đưa lên cao để làm ngòi cho Pháo tấn công.

    Tượng / Voi

    Tượng / Tịnh quân Tượng đứng bên cạnh quân Sỹ và tương đương với Tượng trong cờ vua. Quân này đi theo đường chéo của hình vuông gồm 4 ô cờ. Chúng không được qua sông, chúng có nhiệm vụ ở lại bên này sông để bảo vệ vua. Chỉ có 7 điểm mà Tượng có thể di chuyển tới và đứng ở đó.
    Tượng sẽ không di chuyển được đến vị trí đã nêu nếu có 1 quân đặt tại vị trí giữa của hình vuông 4 ô. Khi đó ta gọi là Tượng bị cản và vị trí cản được gọi là "mắt Tượng".
    Tượng được tính là mạnh hơn Sĩ một chút. Khả năng phòng thủ của Tượng cũng được tính nhỉnh hơn. Nói chung mất Tượng cờ dễ nguy hơn mất Sĩ.

    Xe


    Quân Xe đi và ăn theo một đường thẳng đứng hoặc ngang giống hệt quân Xe trong cờ vua. Chúng bắt đầu nước đi từ phía góc của bàn cờ, chúng được coi là quân cờ mạnh nhất trong cờ tướng.

    Pháo


    Quân Pháo đi giống quân Xe, theo chiều thẳng đứng hoặc ngang, nhưng ăn quân bằng cách nhảy qua 1 quân cờ khác. Hãy tưởng tượng Cửu cung với thành cao hào sâu, có lực lượng bảo vệ canh gác ngày đêm, Tướng thì chẳng bao giờ ra khỏi cung, lấy cách gì mà đột phá vào đây. Xe tuy thông suốt như thế nhưng nếu có quân đứng chặn đường thì cũng phải dừng lại. Nhưng với Pháo thì bất chấp tất cả. Pháo có thể kéo tới tận góc mà nã đạn cầu vồng vào trong cấm cung tiêu diệt Tướng. Pháo có thể kéo hẳn về cung mình dùng chính Sỹ cuả mình làm ngòi để chiếu hết tướng đối phương. Quân Pháo có quyền lực mạnh ở lúc bắt đầu, lúc bàn cờ còn nhiều quân, nhưng quyền lực đó giảm dần về sau. Trên thực tế thì có tới 70% khai cuộc là dùng Pháo. Đơn giản và thô lỗ nhất là nã ngay Pháo tiêu diệt Mã đối phương (người chơi như thế gọi là hiếu sát). Còn thông thường là hai bên cùng kéo pháo vào lộ giữa, gọi là đương đầu Pháo. Kéo Pháo cùng bên gọi là trận Thuận Pháo, kéo Pháo vào ngược bên nhau gọi là trận Nghịch Pháo (hay Liệt Pháo).

    Cờ tướng cổ đại không có quân Pháo. Các nhà nghiên cứu đều nhất trí là quân Pháo được bổ sung từ thời nhà Đường. Đây là quân cờ ra đời muộn nhất trên bàn cờ tướng vì tới thời đó, pháo được sử dụng trong chiến tranh với hình thức là một loại máy dùng để bắn những viên đá to. Bấy giờ, từ Pháo trong chữ Hán được viết với bộ "thạch", nghĩa là đá. Cho đến đời nhà Tống, khi loại pháo mới mang thuốc nổ được phát minh thì quân Pháo đã được viết lại với bộ "hỏa".

    Kể từ khi xuất hiện Pháo, bàn cờ tướng trở nên cực kỳ sôi động, khói lửa mịt mù từ đầu tới cuối trận với biết bao nhiêu đòn Pháo vô cùng hiểm hóc. Chính cặp Pháo này đã nâng cờ tướng lên một tầm cao hoàn toàn mới, khiến cho cờ tướng trở nên cực kỳ độc đáo, tách rời bỏ hoàn toàn bóng dáng của trò Saturanga. Người châu Âu, châu Mỹ cũng có Pháo nhưng họ không nghĩ tới và không đưa được Pháo vào bàn cờ, muốn có được nó thì phải thay đổi hoàn toàn cấu trúc của bàn cờ. Nếu cờ vua vẫn để nguyên 64 ô đen trắng thì Pháo đặt vào đâu được. Đặt vào có khi lại bị vào trường hợp "quân mình bắn quân ta".

    Mã / Ngựa

    Với bàn cờ được cải tiến như hiện nay, đất rộng và có vô số đường để tung hoành, Mã sẽ phi nước đại trên khắp bàn cờ. Sự thái quá của Mã như thế sẽ làm cho việc tiêu diệt quân trở nên quá nhanh, công mạnh hơn thủ, và nhất là Tướng sẽ bị uy hiếp nặng nề nếu hai Mã đối phương sang được trận địa bên này. Mã trong cờ vua không bị luật cản bởi bàn cờ vua chật hẹp, các Tốt của cờ vua móc xích nhau cản trở rất lớn nên việc tung hoành của Mã so với bàn cờ tướng là khó khăn hơn nhiều. Nếu không có ngoại lệ để giảm bớt đà của Mã trong bàn cờ tướng thì các đòn đánh thâm hậu dễ bị phá sản và vai trò của các quân sẽ bị mất cân đối. Từ khi có luật cản Mã, cờ trở nên ôn hoà, sâu sắc và mưu mẹo phải cao hơn, nghệ thuật dùng quân để "cản Mã" cũng tinh vi hơn, khiến cho Mã dù đã "ngọa tào" hay "song Mã ẩm tuyền" cũng không dễ gì bắt được Tướng đối phương nếu bất ngờ bị một quân khác chèn vào "chân". Những đòn nhằm vào tướng như thế nếu ở cờ vua thì vua hết đường cựa nhưng ở cờ tướng thì vua hoàn toàn có thể rút Xe hoặc Pháo từ trận địa xa phía bên kia về để cứu nguy nhờ phép cản Mã tài tình. Nếu ở Pháo có nguyên tắc mà không người chơi cờ nào không thuộc là "cờ tàn Pháo hoàn" với vai trò hỗ trợ Pháo của Sỹ là vô cùng quan trọng thì đối với Mã ở cờ tàn là việc tích cực ào lên tấn công. Khi đó những nước chống đỡ của đối phương phụ thuộc rất nhiều vào vị trí làm thế nào để cản được chân Mã hơn là làm thế nào để tiêu diệt được Mã, bởi bàn cờ lúc này rất trống trải, Mã tha hồ tung hoành. Quân mã đại diện cho đơn vị lính kị binh, đó là sự mô phỏng hình tượng kị binh cầm giáo phi đại đâm xiên kẻ thù. Chính vì bắt buộc phải dùng tốc độ thì sát thương mới cao nên để hạn chế kị binh hay bắt chết mã chỉ có cách là chèn chân tương ứng với "cản mã" như ở trên. Đó là sự tinh tế thâm thúy của người Trung Hoa so với phương Tây dù rằng việc sử dụng kị binh phương tây nắm rất rõ

    Tốt / Binh

    Tốt (hoặc Binh) binh pháp của Trung Hoa không giống như của Ấn Độ. Trên nền tảng quân sự của mình, người Trung Hoa đã sáng tạo ra cách bày quân như sau: Thứ nhất, lính tráng phải ra nơi biên ải để giữ gìn đất nước. Như vậy, sát với sông, người ta cắt cử 5 quân Tốt cách đều nhau để giữ tuyến đầu. Trận chiến bây giờ không nằm ở hai hàng dưới nữa mà đã được đẩy lên rất cao phía trên. Việc các quân Tốt chỉ có số lượng như vậy đã tránh được chuyện "bịt đường" như ở cờ vua, tạo sẵn ra 4 đường mở cho các quân bên dưới có thể năng động xông lên, thậm chí tấn công được ngay chứ không bị bó chân ngay từ đầu như ở cờ vua. Cách bố trí 5 quân Tốt này là phương án tối ưu nhất cho cấu trúc của bàn cờ, vì nếu là 4 hay 6 thì khó đặt ở bàn cờ cho cân đối. Quân Tốt ở đây tương tự như quân Tốt ở cờ vua, chúng đi thẳng theo chiều đứng và có thể ăn quân từng bước một. Khi Tốt qua được sông, chúng có thể đi và ăn theo chiều ngang. Không giống như trong cờ vua, chúng không có luật phong Hậu, hay Xe,... khi đi đến hết bàn cờ, lúc này, chúng được gọi là Tốt lụt. Việc mất mát một vài Tốt ngay từ đầu cũng không thành một "thảm họa" như trong cờ vua.

    Hình dạng bàn cờ và quân cờ :
    bàn cờ
    [​IMG]

    quân cờ
    [​IMG]

    bàn và quân
    [​IMG]


    Cách đọc ký hiệu trên bàn cờ


    Dấu chấm (.) là tiến/tấn
    Dấu gạch ngang (–) là đi ngang (bình)
    Dấu gạch chéo (/) là lùi (thoái)

    VD :
    1 , P2-5 M8.7
    Nước thứ nhất đỏ đi pháo 2 bình 5 ( Tức pháo đầu ) , đen đi mã 8 tấn 7

    Hoặc

    2 , P8/1 B7.1
    Nước thứ hai đỏ đi pháo 8 thoái 1 , đen đi tốt 7 tấn 1

    Nếu có 3 Tốt nằm trên cùng một cột thì ký hiệu Bt (Binh trước), Bg (Binh giữa), Bs (Binh sau).
     
    Tags:
  2. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    Cờ Tướng Khai cuộc cẩm nang
    ( Các bác tham khảo cuốn sách này )
    Tác giả: Trần Tấn Mỹ, Lê Thiên Vị, Phạm Tấn Hoà, Quách Anh Tú

    Sách "Cờ Tướng Khai cuộc cẩm nang" là một trong những quyển sách tiếng Việt rất có giá trị về
    khai cuộc. Bạn có thể tìm thấy ở quyển này những kiến thức cơ bản về khai cuộc như mục tiêu của khai cuộc, cách chơi khai cuộc. Sách đã đề cập đến hầu hết các loại khai cuộc phổ biến cùng nhiều biến. Các khai cuộc và biến này đã được các tác giả phân loại khoa học và bình chú công phu...
    Lưu ý:
    Nhóm tác giả sách Trần Tấn Mỹ, Lê Thiên Vị, Phạm Tấn Hoà, Quách Anh Tú vừa là những kỳ thủ rất nổi tiếng, vừa là các huấn luyện viên và người nghiên cứu cờ lâu năm. Đặc biệt họ đều là những người rất tâm huyết với việc truyền bá các kiến thức cờ và đào tạo lớp trẻ.


    Lời nói đầu :

    Khai cuộc là một vấn đề chiến lược rất rộng lớn. Muốn nghiên cứu sâu phải có một tập thể các chuyên gia nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được. Liên đoàn cờ trong những năm gần đây, bước đầu nghiên cứu một số thế trận nổi tiếng, thịnh hành, giúp phần nào tư liệu cho các bạn hội viên và người hâm mộ Cờ Tướng gần xa tham khảo. Tuy các tài liệu đó chưa phải là những công trình nghiên cứu sâu nhưng nó chỉ phù hợp với những bạn có trình độ khá, còn phần đông các bạn chơi cờ trình độ yếu chưa thể tiếp thu được.
    Để đáp ứng phần nào nguyện vọng của số đông này, chúng tôi cho xuất bản quyển "Cờ Tướng khai cuộc cẩm nang" nhằm hướng dẫn lại những vấn đề thuộc phần kiến thức phổ thông. Đối tượng chủ yếu là những bạn chơi cờ trình độ trung bình trở xuống, đặc biệt là nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các em thanh thiếu niên mới bước đầu tiếp cận với Cờ Tướng. Nhưng đối với các bạn huấn luyện viên, hướng dẫn viên về cờ, sách cũng cung cấp nhiều tư liệu có giá trị về phương pháp sư phạm để các bạn tham khảo giảng dậy.
    Sách gồm bốn chương, với chương đầu nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của khai cuộc. Qua chương này gợi ý hướng dẫn cho người chơi một phương pháp thẩm định, đánh giá thế cờ, đồng thời trình bầy rõ khái niệm về thế và lực, quyền chủ động và vấn đề lời quân, lời chất. Nhưng trọng tâm của sách là ở chương hai và chương ba: chương hai trình bầy cụ thể những nguyên tắc cơ bản trong khai cuộc, còn chương ba hướng dẫn cách đi tiên và cách đi hậu. Thực chất chương ba chỉ để minh hoạ rõ hơn các vấn đề trong chương hai và giúp cho người đọc quán triệt đầy đủ các nguyên tắc ra quân. Mặt khác, qua hai chương này, bằng những ván cờ sinh động gợi lên những ý niệm ban đầu về chiến lược, về kế hoạch bố trí quân để tấn công, phản công hay phòng ngự. Và tuy chủ đề đi sâu giai đoạn khai cuộc nhưng qua các ván đấu của các danh thủ, giai đoạn trung cuộc và tàn cuộc cũng được nêu ra với những đòn chiến thuật truy quân, ăn quân, đổi quân, giành thế, thí quân cùng những pha phối hợp chiếu bí rất ngoạn mục, hấp dẫn. Điều này phù hợp với trình độ và tâm lý của những người mới tiếp cận với bộ môn cờ. Phần cuối cùng là chương mở rộng kiến thức, giới thiệu một số thế trận thông dụng hiện đại, làm cơ sở bước đầu để sau này anh em có điều kiện đi sâu nghiên cứu chuyên cuộc.

    Chương I Khai cuộc - mấy khái niệm cơ bản

    I. Ý nghĩa và tầm quan trọng của khai cuộc

    Xét theo thứ tự thời gian, một ván cờ thường được chia làm ba giai đoạn: khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc. Sự phân chia này tuy có tính cách qui ước nhằm dễ dàng nghiên cứu nhưng nó phản ánh một thực tế là có giai đoạn mở đầu rất quan trọng. Giai đoạn này gồm bao nhiêu nước thì chưa có sự thống nhất giữa những nhà nghiên cứu, nhưng thông thường người ta cho rằng giai đoạn này phải kéo dài từ 8 đến 12 nước đi đầu tiên. Sở dĩ nói giai đoạn này rất quan trọng vì nó thực sự có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ quá trình diễn biến ván cờ. Ta thấy nhiều ván do khai cuộc tồi nên kết thúc sớm, không có giai đoạn tàn cuộc, thậm chí do khai cuộc lỗi lầm nghiêm trọng cũng không có cả giai đoạn trung cuộc.
    Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của khai cuộc phải trải qua nhiều chặng đường lần lần mới sáng tỏ, vì không phải từ thời xa xưa các tay cờ đã có ngay được những nhận thức đúng đắn. Bởi thời trước, hầu hết các tay cờ đều nhận định rằng ván cờ căng thẳng, quyết liệt và nổi rõ sự hơn kém là ở giai đoạn trung cuộc và tàn cuộc. Như vậy theo họ nghĩ, hai giai đoạn sau phải quan trọng, quyết định hơn giai đoạn đầu. Với nhận thức như thế nên họ chỉ quan tâm nghiên cứu trung cuộc và tàn cuộc, ít khi chịu gia công học tập và nghiên cứu khai cuộc. Trong khi đó một số danh kỳ các thế kỷ trước có lúc đua nhau nghiên cứu tổng kết cờ tàn và cờ thế nên vô hình trung củng cố thêm những nhận thức lệch lạc trên. Điều tệ hại là nó tác động khiến một số tay cờ có quan điểm đánh giá rất thấp vai trò của khai cuộc và coi như không cần thiết phải nghiên cứu. Họ nghĩ "vô chiêu thắng hữu chiêu" là không cần học tập, chơi không bài bản cũng thắng được những người chơi theo sách vở, nhưng họ không biết muốn chơi được kiểu "vô chiêu" lại càng phải nghiên cứu, học tập kỹ hơn ai hết. Đến đầu thế kỷ 20 thì mọi chuyện đã sáng tỏ, hầu hết các danh thủ đều khẳng định khai cuộc có tầm quan trọng đặc biệt. Những ai chơi cờ theo ngẫu hứng trong khai cuộc đều không thể đương cự được với những người có học tập, nghiên cứu. Chính từ thực tiễn thi đầu các danh thủ đã rút ra kết luận đó. Nhưng rồi lại có những quan điểm lệch lạc khác khi có một số người lại đề cao quá mức giai đoạn này. Cho nên đã có lúc cũng nổi lên những cuộc tranh luận xung quanh nhận định, đánh giá lại vị trí và tầm quan trọng của khai cuộc. Cuối cùng người ta đã phân tích khách quan và thống nhất kết luận rằng cả ba giai đoạn khai, trung, tàn cuộc đều có ý nghĩa và tầm quan trọng quyết định, và các giai đoạn đều có mối quan hệ khăng khít với nhau. Chơi khai cuộc tốt thì mới có một trung cuộc ưu thế và từ một trung cuộc ưu thế mới dẫn về một tàn cuộc thắng lợi. Tuy nhiên để thấy rõ tầm quan trọng nổi bật của khai cuộc người ta thường nêu một tỷ lệ đáng tham khảo là phần khai cuộc quyết định 40%, còn phần trung và tàn cuộc mỗi giai đoạn quyết định khoảng 30%.
    Tóm lại, khai cuộc là giai đoạn triển khai các lực lượng, khởi sự từ nước đi đầu tiên và chấm dứt với sự điều động hầu hết các quân chủ lực ở cả hai cánh để tạo thành một thế trận tấn công hoặc phòng thủ. Việc hình thành một thế trận phải xuất phát từ một kế hoạch hẳn hoi, đó là chiến lược dàn trận của người điều khiển trận đấu.
    II. Mục tiêu ván cờ và mục tiêu trong khai cuộc

    Để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của những nước đi trong chiến lược dàn quân, ta cần phải nắm vững mục tiêu trong khai cuộc. Bài học đầu tiên cho những người mới học chơi cờ đã chỉ rõ "chiếu bí Tướng đối phương là mục tiêu chính của ván cờ", nhưng trong giai đoạn khai cuộc, mục tiêu này chỉ là một mục tiêu phụ. Bởi lẽ giai đoạn này các quân cờ mới được triển khai, chưa có điều kiện gì để bắt bí Tướng đối phương. Tất nhiên trong một vài trường hợp hãn hữu, gặp phải đối phương chơi quá tồi hay đãng trí thế nào đó ta cũng có thể bắt được Tướng ngay trong khai cuộc. Nhưng với những đối thủ tương đối có trình độ thì mục tiêu trong khai cuộc phải đặt thấp hơn, không thể chủ quan đặt mục tiêu quá cao, sẽ là điều không tưởng đối với những người chơi cờ ngay nay. Hẳn nhiên những mục tiêu đề ra trong khai cuộc phải luôn gắn với mục tiêu tối hậu và chiếu bí kẻ địch.
    Vậy thì mục tiêu trong khai cuộc là gì?
    Những nước triển khai quân hợp lý, chính xác trong khai cuộc sẽ tạo một nền tảng vững chắc cho một thế trận trước khi chuyển sang giai đoạn trung cuộc. Như vậy mục tiêu ban đầu trong khai cuộc là các quân phải cố giành cho được những vị trí thuận lợi trên bàn cờ, tiếp đó là tiêu diệt một bộ phận nhỏ sinh lực địch - thường là một hai con Tốt. Từ những thắng lợi nhỏ đó dẫn đến những ưu thế làm nền tảng vững chắc cho trung cuộc và tàn cuộc. Mặt khác cũng đòi hỏi trong thế trận của ta không được có những điểm yếu - những điểm mà ta phải luôn canh chừng đối phương khai thác gây khó khăn cho ta. Ngược lại, ta phải cố gắng không cho đối phương chiếm những vị trí tốt, tìm cách phong tỏa ngăn cản để đối phương triển khai càng chậm càng tốt hoặc uy hiếp, đe dọa ngay những điểm yếu của họ.
    Trong Cờ Tướng người ta thường phân biệt các trường hợp để đánh giá: nếu ta đi trước, các quân chiếm vị trí tốt và chực chờ tấn công, buộc đối phương phải đề phòng đối phó, người ta gọi đó là giành quyền chủ động, ngược lại là đối phương bị động. Đó là mức thấp nhất của một ưu thế. Trường hợp ta tiêu diệt 1-2 con Tốt hoặc Mã thì chỉ mới là lời quân, nếu ta đồng thời cũng giữ quyền chủ động thì đó mới là một ưu thế. Thông thường người ta quan niệm giành được quyền chủ động là được tiên còn bị động đối phó là hậu thủ. Trong nhiều trường hợp bên được tiên chơi không chính xác bị đối phương trả đòn, phản kích phải chống đỡ thì gọi là mất tiên, còn bên đối phương gọi là phản tiên. Như vậy có thể nói mục tiêu của khai cuộc đối với bên đi tiên vốn nắm quyền chủ động thì phải tiếp tục giữ cho được quyền chủ động này lâu dài, tiến lên kiếm lời 1-2 Tốt hoặc nếu có thể thì lời quân (hơn 1 Mã hoặc 1 Pháo) hay lời chất (Pháo hoặc Mã đổi lấy Xe). Trong kế hoạch tiêu diệt sinh lực địch, có khi người ta cũng nhằm đến việc lời Sĩ hoặc Tượng của đối phương để chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho giai đoạn trung, tàn cuộc sau này. Còn đối với bên đi hậu vốn phải bị động chống đỡ cần cố gắng chơi chính xác để không cho đối phương khai thác tấn công, lần lần đưa đến thế cân bằng. Nếu đối phương sơ hở phải kịp thời khai thác trả đòn giành lại quyền chủ động rồi tiến lên giành ưu thế.
    Lúc này cần nói rõ thêm vấn đề ưu thế với vấn đề lời quân, lời chất. Vì những vấn đề này thường xuyên đặt ra cho mọi đối thủ, đặc biệt là thường nẩy sinh ngay trong khai cuộc.
    Như trên đã nêu, thông thường người ta đánh giá một thế cờ căn cứ vào hai yếu tố: nước tiên và thực lực. Nước tiên là giành được quyền chủ động, còn thực lực là xem xét tương gian quân số đôi bên. Nếu một bên có cả hai yếu tố vừa chủ động, vừa hơn quân, hơn chất thì rõ ràng bên đó đang chiếm ưu thế.
    Nhưng trong thực tiến thi đấu thường xảy ra hiện tượng: một bên sẵn sàng hi sinh quân để giành lấy thế chủ động tấn công, có thể uy hiếp đối phương rất mạnh thì người ta coi đó là ưu thế. Bên lời quân, lời chất phải bị động đối phó thì không thể đánh giá là ưu thế được mà phải gọi là thất thế. Muốn cứu vãn tình trạng bị uy hiếp bên thất thế thường phải hi sinh quân để giảm bớt áp lực của đối phương.
    Chẳng hạn ván cờ bên: Trắng lời quân nhưng thất thế, Đen lỗ quân nhưng đang có thế tấn công.
    Như vậy giữa hai yếu tố thế chủ động với lời quân hoặc lời chất thì yếu tố đầu luôn được đánh giá cao hơn yếu tố sau. Thế nhưng yếu tố chủ động chỉ là một tình thế tạm thời, nếu khéo phát huy thì có thể biến thành thắng lợi, ăn quân, hơn chất trở lại hoặc chiếu bí Tướng đối phương. Còn nếu không biết phát huy để đối phương tập hợp được lực lượng chi viện xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc thì yếu tố chủ động sẽ mất dần đi. Trong khi đó yếu tố hơn quân, hơn chất thường là tình trạng kéo dài, nếu không có gì bắt buộc họ phải hi sinh, trả quân, trả chất thì yếu tố này càng lúc càng trở nên quan trọng. Bởi vì khi thế cờ đã lập lại cần bằng thì yếu tố lực lượng sẽ là yếu tố chi phối.
    Từ thế kỷ 16, 17 các danh kỳ đã nhận thức đúng đắn về hai yếu tố này nên bài "Kỳ kinh luận" có ghi: "Bỏ quân cần được nước tiên. Bắt quân chớ để hậu thủ". Chu Tấn Trinh viết quyển "Quất trung bí" đã lặp lại quan điểm này trong bài "Toàn chỉ" của mình và cho đến nay dù trình độ cờ đã phát triển rất cao, vẫn chưa có một danh thủ nào tỏ ra phản bác quan điểm trên.
    III. Những cơ sở để đánh giá một thế cờ

    Khi tiến hành một ván cờ, luôn luôn phải đánh giá đi đánh giá lại tình hình diễn biến của nó. Đánh giá không phải chỉ để biết ta đang bị động, cân bằng hay chủ động, hoặc đang ưu thế hay kém phân, mà đánh giá còn để biết những chỗ mạnh, chỗ yếu của ta cũng như của đối phương. Từ đánh giá, nhận định đúng thực chất tình hình thế trận, mới có thể đề ra một kế hoạch chơi tiếp ở giai đoạn sau.
    Thông thường, nếu đánh giá tổng quát để biết ai ưu thế, ai kém phân, người ta chỉ cần xem xét hai yếu tố nước tiên và thực lực, còn như đánh giá toàn diện đầy đủ các mặt thì phải căn cứ vào các yếu tố sau đây:
    1. Vị trí các quân chủ lực :
    Xem xét vị trí các quân chủ lực gồm các quân Xe, Pháo và Mã là để thấy chúng có khả năng kiểm soát các đường ngang, đường dọc hoặc các điểm trên bàn cờ. Nếu các quân kiểm soát được nhiều đường nhiều điểm và có tính cơ động cao thì đó là chúng có vị trí tốt, có thể tiến sang tấn công hoặc cần thiết có thể quay về phòng thủ.
    Ở đây không dừng lại sự đánh giá một cách chung mà cần thiết phải đánh giá vai trò, tác dụng từng quân cờ của ta cũng như của đối phương. Khi mới học chơi cờ, ta biết sức mạnh của một Xe bằng hai Pháo hoặc bằng hai Mã cộng với một Tốt. Đó là đơn thuần so sánh sức mạnh vốn có của các quân mà không nói gì đến vị trí của chúng. Nhưng khi tiến hành trận đầu thì các quân luôn đứng ở những vị trí khác nhau, có quân ở vị trí tốt, có quân ở vị trí xấu. Như vậy việc so sánh sức mạnh giữa các quân phải căn cứ vào sức mạnh và vị trí của nó tức là lực và thế của nó. Như nói Xe 10, Pháo 5, Mã 4,5; đó là sức mạnh vốn có hay là "lực" của từng quân, còn vị trí của nó đứng sẽ tạo nên một cái "thế" riêng biệt. Ta thấy lực của một quân cờ có thể tăng thêm hoặc giảm đi do thế đứng tốt hay xấu. Trong từng ván cờ cụ thể, ta thấy đôi khi Mã mạnh hơn Pháo hoặc mạnh hơn Xe, thậm chí Tốt có khi mạnh hơn cả Pháo lẫn Xe.
    Lạc nước, hai Xe đành bỏ phí
    Gặp thời, một Tốt cũng thành công.(Thơ Hồ Chủ tịch)
    Để giúp người mới học chơi cờ biết được sức mạnh vốn có của các quân, những nhà nghiên cứu đã đưa ra một bảng so sánh như sau:
    Nếu khởi đầu lấy con Tốt làm chuẩn để định giá trị sức mạnh của nó là 1 thì các quân khác có giá trị so sánh là:
    • Mã 4,5
    • Pháo 5
    • Xe 10
    • Sĩ 2
    • Tượng 2,5
    • Tướng không định được, vì mất Tướng bị xử thua nên không thể so sánh. Tuy nhiên trong một số trường hợp Tướng cũng có thể trợ công khiến nó có giá trị bằng một trong ba loại quân chủ lực.
    Nói Tốt có sức mạnh là 1 nhưng khi đã qua hà phải đánh giá sức mạnh của nó là 2. Trường hợp có hai Tốt qua hà mà chúng liên kết được với nhau phải thấy sức mạnh nó tăng lên, không phải 2 + 2 = 4 mà phải là 4, 5 hoặc 5, nghĩa là tương đương sức mạnh của một Mã hoặc một Pháo. Còn con Tốt đầu cũng phải thấy nó quan trọng hơn các con Tốt khác. Không phải chỉ có các Tốt qua hà liên kết mới tăng thêm sức mạnh mà các quân chủ lực có chỗ đứng tốt, liên kết phối hợp nhau, sức mạnh của chúng cũng được nhân lên nhiều hơn, khác hẳn với trường hợp chúng đứng riêng lẻ, tản lạc. Với bảng giá trị trên cho phép các đấu thủ tính toán thiệt hơn khi đổi quân, nhưng đó chỉ là sức mạnh ban đầu, còn sức mạnh thực tế thì phải xem xét kỹ vị trí của từng quân trong một thế cờ cụ thể. Không thể đổi một con Mã hay lấy một con Pháo dở thậm chí lấy một con Xe dở mà tưởng là lời chất để rồi xổng mất ván cờ.

    2. Yếu tố lực lượng

    Lực lượng là một yếu tố quan trọng thường quyết định thắng lợi của ván cờ. Nếu không có những tình huống sơ hở để bị các đòn phối hợp chiếu bí thì thường bên nào hơn quân hoặc hơn chất sẽ giành thắng lợi cuối cùng. Như Xe, Pháo, Mã phải thắng Xe, Mã bền Sĩ, Tượng hoặc Xe, Pháo và một Tốt phải thắng Xe bền Sĩ, Tượng.
    Tuy nhiên như trên đã nêu, quân cờ bao giờ cũng có lực và thế cho nên không phải chỉ tính sức mạnh đơn thuần bằng quân số. Điều này giải thích vì sao có nhiều ván cờ đông quân hơn mà thua, ít quân hơn mà chiến thắng, đó là do thế cờ quyết định. Mà thế cờ là do nhiều quân tạo nên, chúng liên kết phối hợp nhau làm tăng sức mạnh của chúng. Do đó yếu tố lực lượng thường được nêu ra sau yếu tố vị trí của các quân.
    Thế nhưng cũng không nên cường điệu quá đáng yếu tố vị trí và đánh giá thấp yếu tố lực lượng. Có thể trong giai đoạn khai cuộc và trung cuộc thì yếu tố vị trí các quân giữ vai trò chi phối nhưng khi chuyển sang giai đoạn tàn cuộc thì yếu tố lực lượng càng lúc càng nổi rõ hơn.
    Trong khi xem xét yếu tố lực lượng không thể xem nhẹ vai trò của các quân Tốt. Tạm thời một lúc nào đó, các Tốt chưa đóng vai trò gì đáng chú ý, nhưng khi bắt đầu kết thúc giai đoạn khai cuộc, chuyển qua trung cuộc thì các Tốt thường nổi lên như những nhân tố quan trọng, thậm chí quyết định thắng, bại hay hòa trong giai đoạn trung tàn. Nêu điểm này để thấy, ngay trong giai đoạn khai cuộc các danh thủ thường đặt mục tiêu giành thế chủ động và kiếm lời Tốt là tốt lắm rồi.

    3. Yếu tố hệ thống phòng thủ
    Đánh giá một thế cờ phải đánh giá cả hệ thống phòng thủ của hai bên. Hệ thống phòng thủ chủ yếu là nói vai trò của các quân Sĩ, Tượng, cả Tốt đầu và 1-2 quân chủ lực bảo vệ, che chở chúng. Nếu chúng được bố trí trong thế liên hoàn, gắn bó chặt chẽ nhau để nương tựa nhau, bảo vệ cho Tướng là một hệ thống phòng thủ mạnh và ngược lại là một hệ thống phòng thủ tồi, có khiếm khuyết.
    Một bên có thể hơn về lực lượng nhưng không chắc giành được thắng lợi nếu đối phương có hệ thống phòng thủ vững chắc. Còn một bên tuy lực lượng ít hơn nhưng có khả năng giành chiến thắng do hệ thống phòng thủ của đối phương sơ hở hay sứt mẻ, không đủ sức chống đỡ.
    Với kinh nghiệm trận mạc, các danh thủ có nhiều cách công phá các hệ thống phòng thủ, từ tấn công chính diện đến tấn công cánh. Nếu cần thiết, họ bỏ Mã đổi lấy Tượng, thậm chí bỏ cả Xe đổi lấy Sĩ để làm cho thế phòng thủ của đối phương yếu đi rồi phối hợp quân tiến lên chiếu bí. Tuy nhiên không phải bao giờ hi sinh quân để phá hệ thống phòng thủ của đối phương cũng đều giành được thắng lợi. Trong từng thế cờ cụ thể, mới thấy rõ lúc nào hi sinh là đúng, lúc nào hi sinh là không đúng và cũng từ những kiểu tấn công này, những tay cờ chơi thường xuyên có nhiều kinh nghiệm, hiểu sâu bản chất của những hệ thống phòng thủ, phân biệt được thế nào là phòng thủ vững chắc, thế nào là phòng thủ kém hiệu quả. Có nhiều hệ thống phòng thủ, đôi khi nhìn bề ngoài tưởng là yếu kém nhưng lại đảm bảo hiệu quả hơn hết, ngược lại có một số hệ thống phòng thủ với các quân liên hoàn nhưng đó lại là hiện tượng bên ngoài, chỉ vững chắc tạm thời mà thôi; khi đối phương hi sinh quân, đột phá thì toàn bộ hệ thống tan rã rất nhanh chóng. Đây là những vấn đề rất lý thú mà phần sau chúng ta sẽ khảo sát trực tiếp trong những ván cờ minh họa ở chương II và III.

    IV. Thẩm định, đánh giá một số ván cờ cụ thể

    Sự khác biệt giữa người chơi cờ giỏi với người chơi cờ kém không phải ở chỗ khả năng tính toán được nhiều hay ít số lượng nước đi mà sự khác biệt chính là sau một loạt nước đi, người chơi giỏi đánh giá được nhanh chóng và chính xác bên nào ưu, bên nào kém; còn người chơi dở không thể đánh giá đúng được. Nhắc lại điều này để nói vấn đề thẩm định, đánh giá thế cờ sau một vài nước đi là rất cần thiết và nếu đánh giá chính xác nó sẽ quyết định rất lớn cho bước thắng lợi tiếp sau. Thế có nghĩa là chơi một ván cờ không phải chỉ thẩm định đánh giá một lần, mà đó là một việc thường xuyên, nó luôn đi kèm với việc chọn lựa phương án và tính toán nước đi. Trong giai đoạn khai cuộc, việc thẩm định, đánh giá này càng giữ vai trò quan trọng, đôi khi quyết định hẳn cho sự thắng bại sau này.

    V. Vài nét về lịch sử phát triển khai cuộc

    Để có thể tiếp cận với Cờ Tướng một cách thuận lợi, chúng ta cần tìm hiểu qua những chặng đường phát triển của nó, đặc biệt là tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của những thế trận ra quân, tức là khai cuộc. Từ việc tìm hiểu này chúng ta sẽ có cái nhìn khái quát và dự kiến được phần nào triển vọng của Cờ Tướng nói chung và các kiểu khai cuộc nói riêng trong tương lai.
    Theo các nhà nghiên cứu thì Cờ Tướng tuy có nguồn gốc xuất hiện từ lâu đời nhưng phải đến thế kỷ 12 các hình thức bàn cờ, quân cờ và các qui tắc, luật chơi mới được sửa đổi, bổ sung đầy đủ giống như hiện nay. Vì từ đời nhà Đường, khoảng thế kỷ thứ 8, Cờ Tướng còn rất giống Cờ Vua, các quân đi trên các ô chứ không phải trên các đường và chưa có các quân Pháo. Mãi đến cuối đời Tống - tức là thời Nam Tống (1201 - 1276) mới có các quân Pháo, số Tốt giảm bớt, các qui tắc, luật chơi thay đổi thì Cờ Tướng mới phát triển mạnh trong dân gian, và cũng bắt đầu từ đó nhiều thế trận được xây dựng và định hình. Những thế trận đầu tiên xuất hiện là những trận đấu Pháo, gồm Thuận Pháo và Nghịch Pháo. Theo các nhà nghiên cứu thì những thế trận này rất sôi nổi và thịnh hành trong suốt nhiều thế kỷ. Do đó mà những quyển kỳ phổ cổ xưa nhất chỉ đề cập đến các kiểu chơi này. Như Du hí đại toàn (?),Kim bằng thập bát biểnK, Thích tình nhã thú và đặc biệt là Quất trung bí giới thiệu khá sâu sắc về các trận Thuận Pháo và Nghịch Pháo. Trong các thế kỷ 15, 16 bắt đầu xuất hiện nhiều kiểu chơi mới, nhưng phải đến cuối thế kỷ 17, sau khi Vương Tái Việt xuất bản quyển Mai hoa phổ thì các trận Bình Phong Mã, Đơn Đề Mã, Chuyển Giác Mã và Quá Cung Pháo mới thực sự thịnh hành.
    Có thể nói Cờ Tướng từ khi định hình đến thế kỷ 19 là thời kỳ khai phá, xây dựng nền tảng với sự xuất hiện nhiều chiến lược dàn quân cơ bản để vào thế kỷ 20, Cờ Tướng tiến lên thời kỳ phát triển rực rỡ đầy sáng tạo. Thế nhưng nhìn lại chặng đường từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19, ngoài một số thành tựu đáng phấn khởi, cũng cần thấy những mặt hạn chế của thời đại. Đó là số lượng cổ phổ còn lưu lại quá ít và các danh kỳ viết sách, phần lớn nặng về "chủ nghĩa kinh nghiệm" chứ chưa có sự phân tích, lý luận để làm sáng tỏ các vấn đề. Mặt khác, các tài liệu, sách cổ thường không khách quan, trình bày các thế trận thiên lệch một bên nên không thuyết phục cao người xem. Một số thế trận mang tư tưởng tấn công táo bạo, bất chấp nguy hiểm và không cần đếm xỉa gì đến thế phòng thủ bên nhà, chỉ biết tấn công chiếu bí cho được Tướng đối phương mà thôi. Điều này cho thấy các tài liệu, sách vở thời xưa chưa đặt vấn đề nghiên cứu một cách công bằng và khách quan để người sau có thể kế thừa và phát huy một cách thuận lợi.
    Sang thế kỷ 20, các danh thủ kế thừa tất cả những tinh hoa, thành tựu của những thế kỷ trước nhưng đồng thời cũng thấy những mặt hạn chế trên nên họ ra sức sáng tạo bổ sung. Với quan điểm đúng đắn, khách quan, họ nghiên cứu nhiều kiểu khai cuộc mới có kết hợp giữa lý luận và thực tiến, so với những quyển kỳ phổ cổ xưa thì có một khoảng cách rõ rệt.
    Các thế trận mới như Tiên nhân chỉ lộ, Phản Công Mã, Thiết Đơn Đề, Uyên Ương Pháo, Sĩ Giác Pháo... đều là những sáng tạo của các danh kỳ ở thế kỷ này, đã làm cho các kiểu ra quân thêm phong phú, đa dạng. Thế nhưng các danh kỳ đương đại không dừng lại đó. Cùng với những trào lưu cách tân, đổi mới trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thẩm mỹ, âm nhạc, hội họa... làng cờ cũng có nhiều tư duy mới.
    Thật vậy, làng cờ Trung Quốc cũng như làng cờ Việt Nam và nhiều nước khác từ các thập niên 60, 70 bỗng nổi lên những luồng gió mới muốn "cách tân" nhiều thế trận xưa cũ mà nhiều người đã bắt đầu nhàm chán, để tạo ra những kiểu chơi mới hấp dẫn, sinh động hơn. Tư tưởng chiến lược dàn quân hiện đại tuân thủ các nguyên tắc ra quân, tức là triển khai toàn diện quân hai cánh rồi mới bắt đầu mở những đợt tấn công. Đa số các danh thủ đương đại đều thiên về tư tưởng tấn công nhưng không mạo hiểm, liều lĩnh đến mức "chiến thắng hay là chết" mà phương châm phải là "phi thẳng tất hoà". Do đó mục tiêu trong giai đoạn khai cuộc chủ yếu là giành thế chứ không phải là ăn quân. Nếu đi trước thì phải duy trì lâu dài quyền chủ động tiến lên chiếm ưu thế và phát huy ưu thế càng lúc càng lớn hơn; ngược lại bên đi sau cố gắng tranh giành các vị trí tốt, hạn chế quyền chủ động của đối phương tiến lên đạt thế cân bằng và giành quyền chủ động.
    Vấn đề thế và lực lượng như trên đã nêu, các danh thủ đều nhất trí với các quan điểm của những người đi trước và biết tận dụng tạo nên nhiều tình huống căng thẳng, quyết liệt. Tiêu chuẩn của những ván cờ hay chính là có nhiều tình huống gay cấn, căng thẳng và có những đòn đánh phối hợp lý thú. Do đó kiểu chơi mới thường có những trường hợp hi sinh quân để lấy thế, đồng thời né tránh những kiểu đổi quân đơn giản để tạo cho thế cờ thêm phức tạp. Những tình huống "các hữu cố kỵ" tức là hai bên đều có những chỗ nguy hiểm "chết người", ngày trước người ta không dám thực hiện thì ngày nay các danh thủ lại thích chơi, thử thách thần kinh lẫn nhau. Để duy trì thế căng thẳng, phức tạp họ thường chuyển thế trận ban đầu thành những thế trận khác, như từ Đơn Đề Mã thành Bán Đồ Liệt Thủ Pháo, từ Thuận Pháo thành Bình Phong Mã, Phản Công Mã hay ngược lại. Điều này đòi hỏi những người chơi cờ hiện đại phải có một kiến thức rất uyên bác về nhiều loại khai cuộc khác nhau.
    Tóm lại, lịch sử hình thành và phát triển khai cuộc là một quá trình tiến lên không ngừng, từ chủ nghĩa kinh nghiệm đến tinh thần khoa học, kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, từ sơ khai đến hoàn thiện và ngày càng hoàn thiện ở đỉnh cao hơn.
    Biết được lịch sử hình thành và phát triển này để chúng ta luôn luôn nhạy bén với những cái mới, nắm bắt được những thành tựu đương đại. Trên cơ sở này chúng ta cần phát huy ngày một cao hơn, làm cho Cờ Tướng mãi mãi là một trò chơi trí tuệ luôn hấp dẫn, sinh động đối với cuộc sống của con người.
     
  3. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    Chương II Những nguyên tắc cơ bản trong khai cuộc

    Đi sâu tìm hiểu một số sách cổ thì thấy người xưa có dạy những nguyên tắc chơi cờ. Đó là những nguyên tắc chung chứ không nêu riêng cho phần khai cuộc. Chẳng hạn bài "Tượng dịch" của Lưu Khắc Trang thời Nam Tống (1187 - 1269) nêu nhiều nguyên tắc chơi cờ rất đáng chú ý, hoặc rõ nhất là "Mười bí quyết chơi cờ" nêu trong Sự lâm quảng ký (Phần "Nghệ văn loại") của Trần Nguyên Tịnh cũng thời Nam Tống cho đến tận ngày nay nhiều điểm vẫn còn giữ nguyên giá trị. Thế nhưng nếu đem những nguyên tắc này áp dụng cho khai cuộc thì còn chung quá và nhiều điểm cũng không phù hợp.
    Nay tổng kết kinh nghiệm của các danh thủ đương đại để vạch thành các nguyên tắc vận dụng cụ thể vào khai cuộc thì rõ ràng và phù hợp hơn. Có 7 nguyên tắc cơ bản cần chú ý sau đây:

    1. Phải nhanh chóng triển khai toàn bộ quân chủ lực
    2. Phải hình thành một thế bố trí quân linh hoạt
    3. Phải sử dụng hợp lý các nước đi Tốt và Sĩ, Tượng
    4. Trong khai cuộc không nên sử dụng một quân đi nhiều lần
    5. Khi chưa triển khai đủ lực lượng thì không nên vội tấn công
    6. Không nên tham lợi nhỏ mà bị bẫy
    7. Phải tránh tình trạng các quân cản trở nhau

    I. Phải nhanh chóng triển khai toàn bộ quân chủ lực


    Giai đoạn khai cuộc là giai đoạn ra quân, bố trí đội hình lực lượng để săụn sàng tấn công hay phòng thủ. Giai đoạn này đòi hỏi các quân chủ lực Xe, Pháo và Mã của cả hai cánh phải được huy động nhanh chóng tiến lên chiếm lấy những điểm thuận lợi. Cụ thể là hai Xe phải ra cho sớm để giành lấy các thông lộ 2, 4 hoặc 6, 8, còn Pháo thì tuỳ từng kiểu chơi bố trí cho đúng chỗ để sẵn sàng tham gia tấn công hoặc tiếp ứng phòng thủ. Đối với Mã cũng vậy, cần triển khai sớm để bảo vệ Tốt đầu, thường một con ở nhà phòng thủ, một con sẵn sàng nhảy qua phối hợp cùng các quân khác tấn công.
    Việc đưa quân nào tấn công trước, quân nào chực chờ tiếp ứng và quân nào nhất thiết phải ở lại bên nhà để phòng thủ đều phải có kế hoạch. Không được tùy hứng điều động lung tung, nhất là không xác định rõ nhiệm vụ từng quân cờ cụ thể thì hàng ngũ sẽ mau rối loạn. Khi chơi có kế hoạch, tức là các quân được bố trí theo một đội hình chiến đấu thì sang giai đoạn trung cuộc sẽ dễ dàng thực hiện các ý đồ chiến lược một cách chủ động.
    Sau đây chúng ta xem một số ván cờ cụ thể minh họa để thấy thực hiện đúng nguyên tắc thì giành ưu thế còn không theo nguyên tắc sẽ bị động và thất bại như thế nào.


    II. Phải hình thành một thế bố trí quân linh hoạt

    Nhanh chóng triển khai các quân chủ lực là để dàn thành một thế trận với yêu cầu là các quân đều phát huy tốt chức năng của mình. Đó là thế bố trí quân linh hoạt hay còn gọi là có tính cơ động cao. Muốn tấn công thì có ngay điều kiện liên kết các quân để tấn công hoặc cần thiết phải phòng thủ thì cũng dễ dàng chuyển sang phòng thủ, cánh mặt cánh trái hô ứng có nhau. Hoặc cũng có thể chuyển thế trận này sang thế trận khác mà vẫn chủ động hay vẫn giữ vững thế phòng ngự. Trái với linh hoạt là bị phong tỏa, bị ngăn cản tầm hoạt động, các quân di chuyển khó khăn trong tình thế ngột ngạt.

    III. Phải sử dụng hợp lý các nước đi Tốt và Sĩ, Tượng

    Yêu cầu triển khai toàn bộ các quân chủ lực đương nhiên phải hạn chế việc đi các Tốt cũng như Sĩ, Tượng. Thế nhưng cần lưu ý: các Mã muốn linh hoạt thì phải tiến các Tốt 3, 7 hoặc Tốt biên. Còn các Xe muốn thông, từ cánh mặt sang cánh trái hay ngược lại thì không vội gì lên Sĩ. Trong một số thế trận, như Đơn Đề Mã, Phản Công Mã muốn chuyển sang chơi Thuận Pháo hoặc Nghịch Pháo thì không nên vội lên Tượng.
    Cần nhận rõ các Tốt tiến lên làm cho các Mã linh hoạt đồng thời cũng khống chế Tốt đối phương khiến chúng không lên được, làm ngột ngạt các Mã của chúng. Một số đòn chiến thuật, hi sinh Tốt để chiếm thế rất lợi hại, đặc biệt khi phía sau có Pháo, tiến Tốt qua uy hiếp Mã đối phương thường diễn ra. Con Tốt đầu có vai trò rất đặc biệt: vừa là một bộ phận để phòng thủ vừa là một quân xung kích tấn công, do đó phải thật thận trọng khi đi Tốt đầu. Đối với Sĩ, Tượng khi chưa cần thiết thường để lỡ thời cơ ra quân, phối hợp tấn công, trả đòn.

    IV. Trong khai cuộc không nên sử dụng một quân đi nhiều lần

    Khai cuộc là một cuộc chạy đua việc động binh, đưa các quân ra bố trí trận thế. Nếu ta chỉ sử dụng hai, ba quân thôi thì hẳn là các quân khác chưa được điều động ra ứng chiến và nếu đối phương ra quân đầy đủ lại tiến hành một cuộc tấn công nào đó thì ta sẽ không có lực lượng đối phó kịp thời.
    Kinh nghiệm cho thấy trong khai cuộc với 10 hoặc 12 nước đi ban đầu ta phải huy động ít nhất 6 - 7 quân khác nhau, nếu ít hơn thì thường là bị động đối phó.

    V. Khi chưa triển khai đủ lực lượng thì không nên vội tấn công

    Nguyên tắc này coi như "hệ luận" của các nguyên tắc trên, vì nếu chỉ mới triển khai vài ba quân mà vội mở cuộc tấn công thì rất nguy hiểm. Đối phương động binh đầy đủ sẽ bẻ gẫy dễ dàng một cuộc tấn công như vậy. Dĩ nhiên trong một số trường hợp do đối phương dàn quân sơ hở thì ta có thể tranh thủ thời cơ mở đợt tấn công với mục đích gây tổn thất hoặc gây khó khăn cho đối phương.

    VI. Không nên tham lợi nhỏ mà bị bẫy

    Khi khai cuộc không phải chỉ ra nhanh các quân mà còn phải tạo một thế liên hoàn giữa chúng, trong đó cần có những cái bẫy để nhử đối phương. Những người chơi cờ thiếu kinh nghiệm ham rượt đuổi, bắt quân, bắt Tốt thường bị vây hãm, có khi bị mất quân luôn.
    Do đó nguyên tắc này dạy chúng ta phải luôn luôn nhìn toàn diện, đừng phiến diện, đừng tham một lợi nhỏ mà bị mắc mưu đối phương.
    Về những loại bẫy trong khai cuộc thì có rất nhiều, mỗi thế trận đều có những kiểu bẫy riêng. Sau đây xin giới thiệu một số bẫy thường gặp nhất trong các thế trận thông dụng.

    VII. Phải tránh tình trạng các quân cản trở nhau

    Cần lưu ý trong một số thế trận như Quá Cung Pháo, Kim Câu Pháo hoặc Quá Cung Liễm Pháo... dồn quân sang một cánh dễ xảy ra tình trạng các quân dồn cục lại, khó bề xoay trở. Các quân đã không linh hoạt thì cũng khó phát huy hết khả năng của chúng, dễ bị đối phương vây ép. Cho nên nguyên tắc này lưu ý cách triển khai quân sao cho nhịp nhàng mới hình thành được một thế trận vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các giai đoạn sau.
     
  4. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    Chương III: Cách đi tiên - cách đi hậu

    Khi tiến hành một ván cờ, dù đi trước hay đi sau đều phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong khai cuộc, vì đó chính là những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn. Nhưng các nguyên tắc được nêu trên chỉ mới là những định hướng, cần phải được cụ thể hóa rõ hơn. Do đó phần trình bày sau đây sẽ nêu thêm những kinh nghiệm cụ thể giúp các bác mới học đỡ phải lúng túng khi cầm quân đi tiên hoặc đi hậu.

    I. CÁCH ĐI TIÊN

    Được đi trước tấn công đối phương là một lợi thế quan trọng vì người đi trước hoàn toàn chủ động lựa chọn thế trận theo ý thích và thường bắt buộc đối phương phải đối phó theo mình. Những người chơi cờ cao thường phát huy có hiệu quả nước tiên đến mức chơi không thắng thì hòa chứ hiếm khi thua. Cho nên trong thi đấu Cờ Tướng xưa kia thường qui định một cặp đấu thủ phải gặp nhau trong hai ván thì mới công bằng, để mỗi người được đi trước một ván.
    Sau đây chúng ta xem những ván cờ mà bên đi sau có những sai lầm do vi phạm các nguyên tắc cơ bản để bên đi trước giành thắng lợi dễ dàng. Tuy nhiên bên đi trước muốn giành chiến thắng thì phải có kế hoạch đúng, chọn đúng mục tiêu tấn công, biết cách phối hợp sức mạnh các quân, trên cơ sở này thừa cơ bên đi sau sai lầm, bên đi trước mới giành chiến thắng.

    CHƠI PHÁO ĐẦU, MỤC TIÊU LÀ CON TỐT ĐẦU

    Như đã nói ở trên, trong năm con Tốt thì con Tốt đầu là quan trọng hơn cả vì nó là một quân trong hệ thống phòng thủ che chắn tiền đồn bảo vệ trung lộ, đồng thời có cơ hội nó tiến lên thành một mũi tấn công. Khi bên đi trước chơi Pháo đầu thì con Tốt 5 của Đen chính là mục tiêu đầu tiên của Pháo. Mấy ván cờ sau đây là bài học cổ điển cho thấy tầm quan trọng của Tốt đầu.



    Ván 24: Thế trận thuận Pháo

    1. P2-5 P8-5 2. M2.3 M8.7
    3. X1.1 X9-8 4. X1-6 X8.6
    5. X6.7 M2.1? 6. X9.1

    Bên tiên xông xáo ra cả hai Xe để tấn công quyết liệt đối phương, mục tiêu quan trọng là con Tốt đầu của Đen mà con Tốt này có Mã bảo vệ. Kế hoạch của Trắng là phải diệt con Mã bảo vệ này rồi mới diệt được Tốt đầu. Làm sao diệt được con Mã 7 của Đen khi mà nó được con Pháo 2 của phe nó bảo vệ?

    Vậy khâu đầu tiên phải dụ con Pháo 2 Đen "tham ăn" quên nhiệm vụ bảo vệ Mã để nó rời bỏ vị trí phòng thủ đó đã, bằng cách Xe Trắng tiến lên phế bỏ Mã hay dùng Mã làm mồi nhử Pháo đối phương!

    6. ... P2.7??
    7. P8.5!

    Đối phương đã trúng kế, cấp tốc đưa Pháo Trắng tấn công Mã 7. Bây giờ Đen có 5 phương án chống đỡ là M7/8 hoặc X8-7 hoặc X8/4 hoặc S6.5 hoặc P2/2. Tất cả các phương án đều thất bại, quyển "Thế trận Thuận Pháo cổ điển và hiện đại" đã trình bày rõ các phương án này. Ở đây chỉ chọn một phương án để thấy diễn biến tiếp khi mất Tốt đầu thì Đen thua nhanh chóng như thế nào.

    7. ... M7/8?
    8. P5.4 S6.5
    9. X9-6

    Các quân Trắng phối hợp tấn công trực tiếp Tướng Đen mà Đen không có một quân nào kịp chi viện cứu giá, dù còn đủ sáu quân chủ lực.

    9. ... Tg5-6 10. Xt.1 Tg6.1
    11. Xt/1 P5-6 12. P8-5 Tg6/1
    13. Ps-4 P6-8 14. Xt-5 T3.5
    15. X6-4 P2/7 16. P4.1

    Đen chịu thua.
     
  5. oDoh5

    oDoh5 Advanced Member

    Joined:
    30/3/09
    Messages:
    2.001
    Likes Received:
    5
    Location:
    DNCity
    Hừm, mới đánh cờ tướng xong vô gặp topic này :D . Trưa nào em chả... thua vài ván. Cho em tham gia thành viên câu lạc bộ tướng cờ nhé :D
     
  6. TrieuSon

    TrieuSon Advanced Member

    Joined:
    29/12/07
    Messages:
    497
    Likes Received:
    6
    Location:
    Việt Nam
    em có khả năng chơi đc cờ tướng nhưng thật sự chưa cao, nhưng mấy tay mới chơi cờ tướng là em luộc hết, còn mất tay đại kiện tướng thì chưa có tay nào thắng được em. Vì em không chơi với tay đại kiện tướng nào hết. hihihi

    Pháo đầu mã đội xe đâm chọc...
     
  7. BachDuong

    BachDuong Moderator

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    4.997
    Likes Received:
    871
    Location:
    Hanoi
    Lâu nay mới gặp lại chủ đề này trên VNAV. Có bác nào đánh cờ không thì em mời làm một ván. Cờ em cao như vịt chặt chân :D
     
  8. thanhyk

    thanhyk Advanced Member

    Joined:
    21/2/09
    Messages:
    373
    Likes Received:
    8
    Em cũng thế, các tay mơ mới học chơi là em thịt ngon lành. Còn gặp cao thủ cờ, em giao kèo cho có ăn thua (để ý các cao thủ đánh với nhau hay hòa nên chán lắm): bàn đầu chấp em 2 xe, bàn sau em chấp lại 2 xe, đánh rất nhiều ván cũng chưa gặp ai thịt em bao giờ. RÕ CHÁN :lol:
     
  9. Rubik

    Rubik Advanced Member

    Joined:
    16/10/09
    Messages:
    644
    Likes Received:
    0
    Location:
    Vui đâu chầu đấy
    Em thì gặp ai em cũng chấp đôi mã nên khối chú sợ sau mới biết là em trưa sạch nước cản nên bỏ đi cho đỡ vướng :lol:
     
  10. KING

    KING Advanced Members

    Joined:
    23/8/06
    Messages:
    7.570
    Likes Received:
    34
    Location:
    247Express
    Cái tay alex này, cũng biết dọn đường trước khi nghỉ hưu đây

    Nghe giang hồ đồn thổi, hết mùa giải ngoại hạng này (xét thấy khó có thể vô địch mãi được) lão già gân mũi đỏ alex quyết định giải nghệ cầm quân.

    Đang làm việc quần quật cả tuần, nay nghỉ đâm ra khủng hoảng. Lão ta dọn đường lập bang cờ để khuây khỏa thôi mà.

    Trước còn xuân, mỗi ngày xỏ giầy mỗi trận, đợt này thấy sức khỏe yếu hắn giảm cường độ xuống tuần ra sân 3 ngày nhưng mỗi ngày 2 trận !!!

    Tin này mới hé lộ ở Việt Nam thôi, tung ra ngoài quả này thì cổ phiếu của MỜ U có mà rớt thê thảm.

    Thời trai trẻ, alex quầy đùi áo số chuyên trị món "bê tông" Ý. Nay chuyển sang món cờ quạt, đảm bảo vẫn tật xấu, suốt ngày phòng thủ hòng thủ hòa. Bác nào điều trị được cái món này thì cho lão ta một trận.

    Em thì em đếch biết cờ quạt là gì, cứ thấy vui là zô thôi, cho em làm đội cổ vũ, có duyệt thì duyệt. Không duyệt thì em té sang chỗ khác chơi đây !!!

    Thôi, em té đây không lão già mũi đỏ lại vào múc em thì chít !!!
     
  11. lynhan159

    lynhan159 Advanced Member

    Joined:
    16/10/07
    Messages:
    3.017
    Likes Received:
    5
    Location:
    Phú Nhuận Bang, Sài Gòn
    Mời bác Alex_ferguson tiếp đi ạ! em rất thích vừa nghe nhạc vừa online chơi cờ tướng mặc dù em mới biết oánh cờ :lol:
    vậy nick của bác trên http://vn.clubxiangqi.com là gì để em tiện học hỏi bác vài nước khai quân em đi chiến đấu ạ? thanks
     
  12. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    Bác cứ chơi nhiều là sẽ cao thôi !
    "Pháo đầu - xuất tướng - xe đâm thọc" bác nhớ kĩ chiêu này nhé ! :D
     
  13. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    nick hay dùng trên đó của em là ngvtuan , em chơi cũng thường thôi cứ đến 19xx rồi lại về 18xx chán :(
     
  14. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    Một số khai cuộc hay dùng



    (Lưu ý: Trong Hình vẽ thì bên đi Tiên luôn là bên nằm dưới còn bên đi Hậu luôn nằm trên. Và em chỉ đăng hình đi quân bên tay phải trước, vì đa số người Việt thuận tay phải, còn thực tế vẫn có thể có người đi bên cánh trái trước - vì thuận tay trái hoặc vì muốn làm khác thông thường. Thật ra cũng như nhau cả, vì bàn cờ có tính đối xứng, các bác chỉ cần nhớ 1 bên cũng suy ra được bên kia tương ứng)

    Bên đi trước (bên Tiên):

    A. Đương Đầu Pháo (thường gọi là Trung Pháo hay Pháo Đầu):
    1/ Pháo 2 bình 5 (P2-5) ... [​IMG] tương ứng tay trái là: 1/ P8-5 ...



    B. Tiên Nhân Chỉ Lộ
    1/ Chốt 3 tấn 1 (C3.1) ... ] tương ứng tay trái: 1/ C7.1 ...



    C. Phi Tượng
    1/ Tượng 3 tấn 5 (T3.5) ... tương ứng: 1/ T7.5 ...



    D. Khởi Mã
    1/ Mã 2 tấn 3 (M2.3) ... [​IMG] tương ứng: 1/ M8.7 ...



    E. Quá Cung Pháo
    1/ Pháo 2 bình 6 (P2-6) ...[​IMG] tương ứng 1/ P8-4 ...



    Ngoài ra còn các thế đi tiên khác như Sĩ Giác Pháo (P2-4), Kim Câu Pháo (P2-3), Tuần Hà Pháo (P2.2), Điệp Pháo (Uyên Ương Pháo: P2.1) ... nhưng ít gặp hơn, trước tiên các bác cứ nhớ vài thế cơ bản trên là đủ
     
  15. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội

    Bên đi sau (bên Hậu):
    ở đây em chọn bên Tiên sẽ khai cuộc bằng Pháo Đầu, vì Pháo Đầu vẫn được xem là thế trận đi Tiên mạnh nhất (quan niệm này đã có từ lâu đời cho đến vài thập niên gần đây mới có thay đổi), do đó tên gọi của thế trận bên Hậu sẽ thêm vào mấy chữ "chống Pháo Đầu" hay "đối Trung Pháo"


    A. Thuận Pháo (còn gọi là Thuận Thủ Pháo hay Pháo Thuận)
    2 pháo vào cùng 1 bên
    1/ P2-5 P8-5
    2/ .................
    [​IMG]


    B. Nghịch Pháo (còn gọi là Liệt Thủ Pháo hay Liệt Pháo)
    2 pháo vào ngược nhau
    1/ P2-5 P2-5
    2/ ..............
    [​IMG]

    C. Đơn Đề Mã
    Chia ra 2 phần : tả đơn đề mã và hữu đơn đề mã
    1 mã nhảy ra biên phải hoặc trái

    1/ P2-5 M8.7
    2/ M2.3 M2.1
    3/ ................
    [​IMG]


    D. Bình Phong Mã
    2 mã nhảy vào giữa giữ tốt đầu ( trận này phòng ngự chắc chắn , phản công rất hay )

    1/ P2-5 M8.7
    2/ M2.3 M2.3
    3/ ...............
    [​IMG]

    E. Phản Cung Mã còn có tên gọi khác là giáp mã

    1/ P2-5 M2.3
    2/ M2.3 P8-6
    3/ X1-2 M8.7
    4/ ...............
    [​IMG]

    Ngoài ra bên Hậu cũng còn nhiều phương án khác như là Tam Bộ Hổ, Quy Bối Pháo, Bán Đồ Liệt Pháo (nửa cõi sơn hà) ... nhưng cũng là những phương án ít được sử dụng hơn những phương án đã giới thiệu ở trên.

    Từ đầu thế kỷ 20, các danh kỳ đã bắt đầu chú trọng nghiên cứu khai cuộc và đã tìm ra nhiều nước biến mới, nhiều phương án đối phó nhau... nên Khai cuộc dần đi vào chuyên sâu hơn, phân thành nhiều phương án nhỏ trong 1 thế khai cuộc tổng quát. Vì vậy các bác có thể gặp trong các sách, báo cờ tướng những trận đấu ghi là " 2 bên chơi theo thế trận Thuận Pháo Hoành Xa đối Trực Xa Tuần Hà " thay vì chỉ là Thuận Pháo đơn giản. Hoặc ghi là : 2 danh thủ đã gặp nhau trong trận " Trung Pháo Quá Hà Xa đối Bình Phong Mã tấn tam binh " thay vì "Pháo Đầu vs Bình Phong Mã" thông thường.
    Nếu các bác đã nắm được những tên gọi cơ bản thì nghe tên đó rất thường, nhưng những người ko biết lý thuyết nghe thì chẳng hiểu gì cả, mà cũng không quan trọng lắm.

    Nói chung chỉ cần biết sơ tên gọi và các nước khởi đầu cơ bản, sau đó các bác có thể đi sâu hơn vào 1 loại khai cuộc nào đó... tuỳ vào địa phương (cũng có nghĩa là những đối thủ thường chơi) hoặc sở thích cá nhân !
     
  16. thanhyk

    thanhyk Advanced Member

    Joined:
    21/2/09
    Messages:
    373
    Likes Received:
    8
    Các bác bàn luận làm em nhớ tới bài thơ về chơi cờ của Hồ Xuân Hương. Mời bác Alex diễn giải thế cờ đó ạ :lol:
     
  17. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    Bài này thì em biết , nhưng post không tiện bác ah ! :D
     
  18. tranman

    tranman Moderator

    Joined:
    10/7/06
    Messages:
    5.046
    Likes Received:
    1.685
    Đúng rồi bác, tập trung vào chuyên môn thôi. Em cũng mê cờ tướng lắm, tiếc là mấy năm nay ít có thời gian để trao dồi.
     
  19. Mr King

    Mr King Advanced Member

    Joined:
    7/2/07
    Messages:
    80
    Likes Received:
    0
    Location:
    Việt Nam
    Có bác nào hay chơi cờ tướng trên Zingplay ko ạh, bác nào giao lưu với em ko, em cờ thấp nhưng buổi trưa hay tranh thủ làm vài ván, có bác nào chơi thì pm cho em giao lưu vài ván cho vui.
     
  20. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    Em mong muốn được giao lưu với các bác nhà mình , bác nào ở HN nếu rảnh cứ call , sms cho em . :D Địa điểm , bàn và quân lúc nào cũng sẵn sàng :lol:
     
  21. thanhchi

    thanhchi Advanced Member

    Joined:
    25/8/06
    Messages:
    6.475
    Likes Received:
    73
    Location:
    HCM
    Bác chơi cờ nhỏ hay cờ to?

    Nếu chơi cờ nhỏ thì ra tiệm vàng mua thêm 15 chỉ vàng để lấy 15 bộ vỏ hộp.

    Chơi cờ up bác ha. :mrgreen: :mrgreen:
     
  22. Viagraless

    Viagraless Advanced Member

    Joined:
    4/12/05
    Messages:
    5.592
    Likes Received:
    253
    Hic, nhìn Nick name của bác em đoán bác oánh cờ kiểu Anh, tức là thọc Pháo sâu 2 bên rồi tạt cánh ...cho Xe oánh đầu :lol:
     
  23. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    Bác via nói chuẩn ! Trong cờ tướng gọi là pháo giác đó bác :D ( có câu : Pháo giác là bác pháo đầu ) :lol:
     
  24. alex_ferguson

    alex_ferguson Advanced Member

    Joined:
    7/10/08
    Messages:
    445
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hoàng Mai - Hà Nội
    16 chỉ mới đủ bác ơi ! Thỉnh thoảng em cũng chơi úp , nhưng loại này mang tính chất may rủi lắm bác ah :mrgreen:
     
  25. chikien

    chikien Advanced Member

    Joined:
    24/7/07
    Messages:
    834
    Likes Received:
    9
    15 đủ rồi, có ai úp tướng đâu bác, món này chơi ăn xiền phê phết :p
     

Share This Page

Loading...