Đôi điều chia sẻ về dụng cụ cơ khí tại thị trường Nhật Bản

Discussion in 'Trao đổi, thảo luận về kỹ thuật' started by tai_trau, 23/2/17.

  1. tai_trau

    tai_trau Moderator

    Joined:
    11/4/06
    Messages:
    15.496
    Likes Received:
    4.703
    Location:
    Hà Nội
    Đây là bài viết của bác AudioNga. Em tách ra để các bác có thể bàn luận thêm hoặc tham khảo nếu thấy hữu ích.
    Cám ơn bác AudioNga đã chia sẻ.
    Link bài viết ban đầu tại đây:
    viewtopic.php?f=35&t=89249&start=25


    Đôi điều chia sẻ về dụng cụ cơ khí tại thị trường Nhật Bản
    Bài viết này có thể giúp ích đôi chút cho bác nào quan tâm

    Tuy nghiên cứu và làm việc trong ngành Điện tử nhưng một (trong những) đam mê lớn khác của em là cơ khí. Đã mê thì thường xuyên phải được phê nên đi đâu, ở đâu em cũng lọ mọ ngóc ngách. Và tất nhiên là sống ở thiên đường công nghệ như Nhật thì chuyện em bị phát cuồng vì kim loại là điều khó tránh. Sau một thời gian ngập ngụa trong sắt thép, Việt Hùng Đào em cũng đỡ mê nguội để share một số kinh nghiệm cũng như nhận định (mang tính cá nhân) cho bạn bè ai quan tâm thì tham khảo. :D

    Đầu tiên là em tìm cách lí giải tại sao dụng cụ của Nhật (thường) tốt - Với đồ cơ khí, lí do đầu tiên phải nói đến là vật liệu. Công nghệ vật liệu ở đất nước này quá tuyệt. Vì tuyệt nên cứ mua phôi thép về làm bừa phứa cũng đã ra được một thứ chất lượng kha khá. Nhưng cũng không có doanh nghiệp nào ở đây làm bừa cả. Tất cả đều đi theo khoa học và được khoa học dẫn đường chỉ lối. Mọi thứ đều được nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá, rồi cải tiến, và hoàn thiện dần qua các đời sản phẩm. Thế nên xuất hiện tổ hợp lí do thứ hai là máy móc, công nghệ chế tạo, và bí quyết... "công ty truyền". Ngoài máy móc xịn, được bảo dưỡng chuẩn và thay thế đúng hạn, mỗi hãng đều có quy trình nhiệt luyện, tôi, ram, xử lý bề mặt, trộn phụ gia, hay abc riêng đã được nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm qua nhiều chục năm, thậm chí là hàng thế kỷ. Những bí quyết này làm cho sản phẩm của họ đã tốt lại càng tốt nữa, đảm bảo không phải ai có phôi thép cũng chế được thành phẩm có chất lượng tương tự. Thế nên có hãng tự tin in trên vỏ các dòng chữ đầy kiêu hãnh như Kobe steel, Nachi steel, etc. như là một con tem cho chất lượng. Lí do thứ ba là lí do con người. Ai đã tiếp xúc với người Nhật sẽ hiểu tại sao đồ của họ tốt. Chính xác, cẩn thận, tỉ mẩn từ con ốc là điều kiện cần để sinh ra cả một nền công nghiệp cơ khí đỉnh cao. Chất lượng sản phẩm do người Nhật kiểm soát thì rất ổn định. Họ ko hay úi xùi và tặc lưỡi như phần đông dân số TG. Về cơ bản: hỏng là vứt, kém là làm lại, pát là pass mà fêu là fail, ko tiếc, ko tận dụng. Và thêm một lí do nữa không kém phần quan trọng là Nhật ít bị Tàu hóa hơn so với trung bình cộng của TG. Có thể thấy đồ Tàu ở đây cũng tràn nhưng không ngập, không át được đồ trong nước. Bản thân người Nhật có độ tự tôn dân tộc khá cao + phần lớn anti-Tàu nên hàng Tàu khó (chứ không phải không thể) len vào những nơi mà người ta nghĩ là cần phải chuẩn. Nhìn cách người Nhật nhìn và nói về hàng Tàu thì đoán rằng với họ, đó chỉ là hàng phục vụ cuộc sống hàng ngày dạng zớ zẩn thôi. Cái gì cần xịn thì phải là đồ trong nước, ở đó đồ Tàu ít có cửa. Đó cũng là may mắn cho những người ghét Made in China và thích Made in Japan vì tìm chữ Japan không hề khó. Càng đồ chuẩn thì tìm càng dễ. Vì sản phẩm đầu ra luôn có thị trường khá ổn định nên chỉ có công ty chết vì ko cạnh tranh được chứ ko có chuyện tất cả bị chết vì hết khách. Rõ ràng, đây là điều kiện cần để duy trì những thứ gọi là công ty truyền như trên.

    Tiếp theo là một số nhận định về máy công cụ cầm tay như khoan, mài, sọc, cưa cắt - Hãng sản xuất thì nhiều nhưng nổi bật là các tên tuổi: Hitachi, Makita, Ryobi, Bosch. Dòng sản phẩm của các hãng này cũng sêm sêm nhau ngoại trừ Bosch (của Đức) hơi thiên về đồ phá phách. Hitachi và Makita có vẻ nhỉnh hơn Ryobi về đẳng cấp một chút. Nhất là các máy vỏ kim loại đúc của hai hãng này thì khỏi bàn về chất lượng. Cầm máy lên cảm nhận rõ độ chắc, lì và đặc biệt là ít rung khi chạy. Đổi lại là cầm hơi mỏi tay và phần lớn là ko có khả năng chỉnh tốc. Ấn mạnh hay nhẹ đều thấy máy quay tí thò lò như nhau, thường là quá nhanh khi cần... chầm chậm :D. Các máy vỏ nhựa có vẻ rệu rã hơn chút nhưng cũng vẫn rất tốt và thường có khả năng "bóp nhẹ khi muốn... từ từ". Riêng Ryobi thì máy khá nhẹ và có vẻ hàng mã nhất (?) nhưng chưa dùng nhiều nên em chưa dám chắc. Đồ của Bosch thì nổi tiếng thế giới rồi nhưng một điều quan trọng khi thẩm định là ai sản xuất. Made in China, PRC (nguy hiểm hóa chữ China) rất nhiều và nên tránh mặc dù nhìn thường là rất đẹp. Khi mua đồ cũ, máy Made in Thụy Sĩ và Đức thường xấu hơn, giá cao hơn, khó tìm hơn nhưng dùng thì khác hẳn. Một đặc điểm chung của các máy công cụ ở Nhật là toàn 100V. Sau lịch sử ba năm lọ mọ, hi vọng mua được cá thể chạy 220V dùng nội địa vẫn chỉ hoàn toàn là mơ ước của em.

    Tiếp nữa là dụng cụ cơ khí thông dụng như kìm, cờ lê, mỏ lết, tua-vít, chìa lục giác, etc. - Hãng sản xuất còn nhiều hơn như: Tone, KTC, Wise, Vessel, Engineer, SK11, TOP, Snap-on, Koken … Trong số này, được đánh giá cao nhất có thể là Snap-on, Tone, và KTC. Snap-on là hãng của Mỹ nhưng ở Nhật dùng khá nhiều nên cũng rất phổ biến. Tone là hãng khá lâu của Nhật mặc dù tên thì không Nhật lắm. Dụng cụ của các hãng này dù cũ hay mới đều được bán với giá cao ngất. Một chiếc kìm có thể có giá đến hàng triệu hay một bộ chìa lục giác có thể đến trên vài triệu VNĐ. Có những tủ kéo với đầy đủ các dụng cụ cơ bản được bán theo set với giá đến cả trăm triệu. Một đại thụ khác là KTC (Kyoto Tool Company). Đây cũng là một hãng rất lâu đời của Nhật được lấy tên (và đặt trụ sở) theo cố đô Kyoto của Nhật. Hãng này rất thông dụng và sản phẩm cũng cao cấp sêm sêm Tone nhưng giá bán thì thấp hơn tí chút. Cả ba hãng trên có thể nói là những hãng sản xuất tool phong phú và cao cấp nhất ở thị trường này. Về chất lượng dụng cụ, nói hơi quá một chút, mua một lần dùng mãi mãi. Do đó, người bán đồ cũ không thiếu và người cần mua đồ cũ cũng rất nhiều. Một số đồ có thể lấm lem, rỉ sét (như lôi từ chuồng lợn về) nhưng giá vẫn vài trăm đến vài nghìn yên (1000 JPY ~ 200.000 VNĐ). Nếu vô tình gặp ai/nơi nào bán bất cứ đồ gì của Snap-on, Tone, hay KTC mà giá dưới 100.000 VNĐ thì ta có thể mua không cần phải nghĩ. Một sự lựa chọn dễ thở hơn là sản phẩm của SK11, TOP. Các hãng này cũng sản xuất những dụng cụ cơ khí tương tự nhưng hướng tới thị trường tương đối đại trà. Không những giá rẻ hơn mà nhìn bề ngoài, sản phẩm của SK11 và TOP còn khá bắt mắt. Tuy nhiên, cái gì cũng có lí do của nó cả. Ngoài các hãng trên, Vessel, Engineer, Anex … là các hãng sản xuất hướng cũng tới thị trường bình dân hơn và có vẻ ít phong phú về mặt hàng. Các hãng này cũng hướng tới các dụng cụ nhẹ cân và nhẹ đô hơn để dùng trong các lĩnh vực điện, gia đình. Nói là nhẹ đô nhưng giá vẫn không rẻ, một chiếc tua-vít vẫn dao động từ 100.000 – 500.000 VNĐ. Đồ của các hãng này phù hợp với những ai làm việc trong các lĩnh vực điện, điện tử lâu dài. Việc dùng dụng cụ tốt và phù hợp là điều kiện cần để sửa mà không phá khi làm việc với máy móc. Đối với một số dụng cụ, ta cần lưu ý khi mua vì có hai hệ khác nhau là hệ inch và metric. Hệ thông dụng ở nước ta là metric (đơn vị đo là mm, cm) trong khi hệ ít dùng hơn là inch (đơn vị đo là 1/4, 3/8, 1/2, … inch) có thể gặp đâu đó trong các máy nhập về. Sai hệ có thể dẫn đến bỏ xó dụng cụ vì ... lồng mãi không có cái nào vừa. :D

    Tiếp nữa nữa là bàn về dụng cụ đo như thước kẹp, panme, thước thẳng, thước góc, dưỡng, etc. - Hãng sản xuất cũng phong phú, nhưng nổi tiếng là Mitutoyo, Tajima, Niigata Seiki, Shinwa. Mitutoyo rất nổi tiếng về thước kẹp, panme, thước đo độ sâu, độ tròn, gauge. Trong khi đó, các hãng còn lại xác định khó chiến với Mitutoyo ở những khoản này nên chú trọng những thứ có vẻ đơn giản hơn. Sản phẩm của Mitutoyo chất lượng rất cao và giá cũng rất… cứng. Một chiếc thước kẹp có thể đến vài triệu trong khi một chiếc panme có thể đến cả chục triệu VNĐ. Sản phẩm của Tajima, Niigata Seiki, và Shinwa (logo hình con chim cánh cụt) có giá mềm hơn một chút và tương đối thông dụng. Tuy nhiên, đơn vị tính của các đồ này vẫn là trăm yên và nghìn yên. Có thể với nhiều người, những giá này là rất cao và hơi vô lý nhưng thật ra là hợp lý. Chế tạo dụng cụ đo đạc chính xác không chỉ yêu cầu hệ thống máy móc tốt mà còn đòi hỏi việc sử dụng các vật liệu nền đắt tiền (bền, độ cứng cao, dãn nở nhiệt nhỏ, etc.). Một lưu ý đối với dụng cụ của Shinwa là Made in China rất nhiều nhưng việc tìm Japan cũng không khó.

    Nói một chút về dụng cụ cắt gọt như mũi khoan, mũi taro, phay - Các hãng tên tuổi có thể kể đến là: Nachi, Kobe, Riken, Kobelco, etc. Các hãng này đều là những hãng rất nổi tiếng, đặc biệt là Nachi. Loại thép phổ biến được sử dụng của các hãng này khi chế tạo các dụng cụ phổ thông là thép gió SKH9 (SKH55 theo chuẩn của JIS). Về cơ bản, cứ Made in Japan, một trong 4 hãng trên, thép gió (HSS – High Speed Steel) là chất lượng được đảm bảo. Nếu ai tò mò có thể đọc tiêu chuẩn sản xuất mũi khoan JIS B 4301 mà các hãng này phải theo để thấy được lí do tại sao nó đắt và tại sao nó không có khả năng vừa quay vừa rang lạc như mũi khoan của Tàu. Giá mũi khoan tăng theo đường kính nhưng về cơ bản là ~100.000 VNĐ cho một mũi 1 mm (giá niêm yết của hãng). Mua đồ NOS (đồ lưu kho lâu nhưng chưa qua sử dụng) có giá rẻ hơn nhưng vẫn cao hơn giá của 1 chục mũi khoan tương tự niêm yết tại chợ Trời của ta. Nói là lưu kho nhưng mở túi ra vẫn đẹp như mới vì được bảo quản rất tốt. Đây là loại ta nên dùng, thậm chí là rất nên dùng vì hàng mới sản xuất chưa chắc đã có quốc tịch Nhật (thay vào đó là Singapore).

    Viết một chút về dụng cụ cơ khí lại ngẫm về điều kiện làm việc ở nước mình - Lấy ví dụ về một chiếc chìa lục giác thông dụng: giá 6k, mua về có 6 cạnh, dùng 6 lần thì có thêm 6 cạnh nữa, dùng 60 lần thì gần tròn và vặn liên tục một lúc thì tròn hẳn. Tuy nhiên, điều nguy hiểm không phải ở việc tốn tiền mua dụng cụ mà là việc dùng dụng cụ 12 cạnh này để vặn các con ốc 6 cạnh khác. Khi tháo một cái máy gì đó, dụng cụ hỏng gây hỏng ốc, ốc hỏng tiếp tục phá dụng cụ. Không tháo được ốc thì mài bỏ, cạy, đập. Khi lắp lại thì buộc dây, dán keo. Lần hỏng tiếp theo lại phá keo, khoan, đập... được hai lần là đi đời cái máy. Một vòng luẩn quẩn phá lẫn nhau, tốn tiền và hỏng tất cả. Cũng đúng thôi, dụng cụ và ốc có cùng độ cứng, vặn mạnh thì cả hai bị thương tật như nhau là đương nhiên rồi, chỉ khổ cái thân máy thôi.

    Xét cho cùng - Người Nhật hay phương Tây chấp nhận tốn kém để chế tạo dụng cụ rất đắt tiền nhưng đảm bảo không lãng phí. Vì vậy, là một công dân sống và làm việc trong ngành công nghệ, nếu chúng ta xác định sẽ đụng tay đụng chân vào một việc nào đó nhiều hơn mười chục lần thì phải cân nhắc nghiêm túc về một bộ công cụ tốt. Đó là điều kiện cần để công việc trở nên trôi chảy và an toàn. Với internet, việc mua dụng cụ tốt không khó, cái khó là từ bỏ (hoặc giảm bớt) suy nghĩ phải ngon, bổ, và RẺ.

    Tạm kết là vậy!

    Trước khi kết thúc bài viết, em xin bật mí thêm một thông tin trong lề nhưng hơi lan man là về cái... lô-gô. Trên nhiều dụng cụ của Nhật, ta hay gặp một lô-gô tròn tròn giống nhau. Hình tròn này là hình tròn hở, bên trong có mấy nét như chữ S hay móc câu dính với nhau. Lô-gô này đôi khi làm ta lầm tưởng là cái gì đặc biệt hay sản phẩm của cùng 1 hãng. Thực chất đây là lô-gô của JIS - Japanese Industrial Standards, tổ chức quy định các chuẩn trong sản xuất công nghiệp của Nhật. Sản phẩm có lô-gô này chỉ đơn giản là đã đảm bảo tiêu chuẩn tương ứng thôi.

    Chỉ... thôi nhưng là khó đấy :lol:

    - AudioNga -

    P/S: Thỉnh thoảng, khi có thời gian, em sẽ post một bài kiểu như thế này để chia sẻ những gì mà em nghĩ là có thể giúp ích cho anh em. Thông tin trong mỗi bài về cơ bản là tương đối hoàn chỉnh nhưng thỉnh thoảng có thể sẽ được chỉnh sửa để hoàn thiện thêm. Nội dung bài viết về cơ bản là kiến thức và cảm nhận của cá nhân em nên có thể không chuẩn xác và khách quan 100%. Nếu bác nào thấy có điểm chưa chuẩn hoặc cần bổ xung thì pm cho em để em cân nhắc việc gá thêm vào. Khi đó, đoạn các bác viết sẽ được ghi rõ tác giả để tri ân người viết về tình và ko vi phạm bản quyền về lý :D
     
    Tags:
    Vinhoankiem likes this.
  2. DanielTran

    DanielTran Advanced Member

    Joined:
    26/1/07
    Messages:
    608
    Likes Received:
    147
    Location:
    Saigon
    Re: Đôi điều chia sẻ về dụng cụ cơ khí tại thị trường Nhật B

    Một bài review rất chất lượng, em xin phép còm để đánh dấu ạ.

    Có câu chuyện hài về việc một cty Nhật đấu thầu cung cấp lô hàng cơ khí cho người Mỹ. Đầu tiên để thăm dò năng lực đối tác, phía Mỹ yêu cầu 10 000 đơn vị, chỉ cho phép sai số 0,3 phần nghìn, nghĩa là có tối đa 3 sản phẩm hỏng. Đúng ngày đúng tháng lô hàng được gửi đến cty Mỹ, có đúng 3 sản phẩm hỏng. Đại diện phía Nhật cho biết 3 sản phẩm này đã được đặc biệt làm cho hỏng để đúng với yêu cầu đơn hàng.

    Tính hài hước của câu chuyện dựa trên sự hiểu nhầm của người Nhật khi đọc yêu cầu bằng tiếng Anh, vì vốn là họ nói chung không giỏi tiếng Anh cho lắm. Đồng thời cũng thể hiện sự thán phục không quá cường điệu về chất lượng gia công siêu hạng của người Nhật.
     
  3. tai_trau

    tai_trau Moderator

    Joined:
    11/4/06
    Messages:
    15.496
    Likes Received:
    4.703
    Location:
    Hà Nội
    Re: Đôi điều chia sẻ về dụng cụ cơ khí tại thị trường Nhật B

    Đồng ý với bác. Đây là 1 bài viết chất lượng.
    Rất mong các bác chia sẻ thêm kinh nghiệm của mình về mọi vấn đề với anh em trên diễn đàn.
     
  4. Pencil_Tube

    Pencil_Tube Advanced Member

    Joined:
    25/12/08
    Messages:
    1.218
    Likes Received:
    21
    Location:
    Gò Vấp - Tân Bình
    Re: Đôi điều chia sẻ về dụng cụ cơ khí tại thị trường Nhật B

    Nói về tool thì có một cty khá nổi tiếng là Wiha có nhà máy sx ở VN ạ, khu cn phía Bắc
     
  5. trungavr

    trungavr Advanced Member

    Joined:
    25/8/12
    Messages:
    175
    Likes Received:
    23
    Location:
    tp.hcm, vietnam
    Re: Đôi điều chia sẻ về dụng cụ cơ khí tại thị trường Nhật B

    E cũng là fan của tool và máy móc Japan, bài viết rát bổ ích. Tuy nhiên còn chưa đào sâu về công nghệ luyện kim cũng như chế tạo máy móc của từng hãng, e hóng tiếp, thanks bác audioNga và mod
     
  6. chanhoacompany

    chanhoacompany New Member

    Joined:
    2/1/18
    Messages:
    3
    Likes Received:
    1
    Nói về tool thì nhà mình có xài dụng cụ của hãng này , kiếm trên mạng thấy cái logo của nó [​IMG] , thấy xài cũng bền , ghi là của Nhật bản nhưng không biết phải Nhật không , hay là gia công ở bên Tàu
     
  7. huylam2ab

    huylam2ab Advanced Member

    Joined:
    17/12/12
    Messages:
    105
    Likes Received:
    352
    Location:
    HCM (Đầm Sen)
    Lâu lâu lại tiếp tục lên!
    Tại việt Nam thì mình mua dụng cụ của Nhật như tua vít, khoá, kềm kẹp v.v.. ở đâu các bác nhỉ. Trên shopee em thấy có nhưng nghi ngờ chất lượng nên em chư dám mua!


    Sent from my iPad using VNAV Community
     
  8. jh50_cent

    jh50_cent Advanced Member

    Joined:
    5/5/08
    Messages:
    252
    Likes Received:
    183
    em có cái thước kẹp peacock ko có tên trong hãng hiệu của japan chắc hàng địa phương quá
     
  9. gamut

    gamut Advanced Member

    Joined:
    9/9/12
    Messages:
    336
    Likes Received:
    792
    Location:
    Saigon
    Em có vài tích lũy kinh nghiệm sử dụng dụng cụ cơ khí Nhật bản
    Do Cty em sd nhiều dụng cụ đo đạc cần sự chính xác thì Mittutoyo là một sản phẩm thật sự tuyệt vời tuy giá thành không hề rẻ
    Tuy nhiên vài dụng cụ cầm tay ( tool), bánh xe thì sp made in Japan chỉ ở mức tốt, chưa thể gọi là xuất sắc như made in USA được ,đặc biệt thép của Mỹ nhìn đen đúa , lớp mạ ko bóng bẩy như sp Nhật nhưng chất lượng cực kỳ xuất sắc...
     
    tai_trau likes this.
  10. phanba

    phanba Advanced Member

    Joined:
    5/8/21
    Messages:
    65
    Likes Received:
    38

    Xem bài của mod nghe về dụng cụ cơ khí mà thèm nhỏ dãi...

    Hôm nào mạn phép mom men đến xem mượn dụng cụ của mod không hiểu có được không.... Vì có lần nghe ở đâu đó được câu nói:" Nhất đồ, nhì mới đến nghề...."
    Xin phép mod...
     

Share This Page

Loading...