Giao hưởng đầu xuân - số 6 của Beethoven

Discussion in 'Âm nhạc' started by moonbeam, 8/2/11.

  1. moonbeam

    moonbeam Advanced Member

    Joined:
    9/2/07
    Messages:
    503
    Likes Received:
    5
    Location:
    Hà Nội
    Đợt rét tê tái dài kỉ lục của mùa đông vừa qua đã kết thúc, miền Bắc hân hoan đón mùa xuân mới tràn về trong tiết trời ấm áp, bỗng dưng em muốn viết về một bản nhạc mà em đã nghe khá nhiều lần trong suốt đợt Tết vừa rồi - Giao hưởng số 6, thường được gọi là giao hưởng Đồng quê, mang một sắc thái riêng rất đặc biệt trong số các bản giao hưởng nổi tiếng của Beethoven.

    Một chút về lịch sử: giao hưởng số 6 được công diễn lần đầu cùng với giao hưởng số 5 nổi tiếng (có lẽ là nổi tiếng nhất trong số các giao hưởng của Beethoven). Không khí của 2 bản nhạc này gần như trái ngược hẳn nhau, trong khi số 5 - Định mệnh - mạnh mẽ và đầy kịch tính thì số 6 - Đồng quê - lại rất nhẹ nhàng thư thái. Sau buổi công diễn đầu tiên đó, số 6 được đón nhận khá lạnh nhạt, lí do chính là vì nó đã bị lu mờ khi đứng ngay cạnh một số 5 quá chói lọi và ấn tượng. Nhưng thời gian đã trả lời cho tất cả, mưa dầm thấm lâu, số 6 lặng lẽ và êm ái ngấm sâu vào lòng bao thế hệ người nghe nhạc cổ điển, và đến nay nó đã giữ riêng cho mình vị trí vững chắc trong kho tàng các bản giao hưởng nổi tiếng của nhân loại.

    Sơ lược về nội dung: số 6 của Beethoven là một bản giao hưởng gồm 5 chương, với nội dung chính ngợi ca thiên nhiên tươi đẹp qua lăng kính tâm hồn của tác giả, mà theo lời ông là “thiên về biểu đạt cảm xúc hơn là một bức tranh tả cảnh”.

    Chương 1 diễn tả những cảm xúc thanh thản và vui vẻ bừng tỉnh trong lòng tác giả khi ông về với thiên nhiên tươi đẹp của vùng thôn quê. Giai điệu mở đầu làm em liên tưởng ngay tới sự thay đổi của cảnh vật hai bên đường trong một chuyến đi từ thành thị về vùng nông thông: thiên nhiên dần trải rộng ra trước mắt, có thể nghe thấy cả những tiếng chim chóc líu lo được điểm xuyết bởi tiếng sáo flute ẩn sau nền không gian xanh mát đang được bộ đàn dây (strings) thể hiện. Trong chương này, nhiều giai điệu ngắn riêng rẽ liên tục được lặp lại và phát triển không ngừng trong một sự đan xen hoà quyện lẫn nhau đã tạo ra một tổng thể thật hài hoà, cân đối. Có lẽ đó cũng chính là cảm nhận của tác giả về thiên nhiên - một tổng thể cân đối, hài hoà được tạo nên bởi sự hoà quyện đan xen lẫn nhau của vạn vật đang không ngừng phát triển.

    Chương 2 – với tiêu đề "Cảnh bên dòng suối" - bắt đầu bằng một giai điệu thanh bình và mềm mại miêu tả dòng nước chảy được thể hiện bởi bộ đàn dây(strings). Với cá nhân em, cách thể hiện của bộ dây trong chương này đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt, trong khi bè thấp (cello) dày dặn chậm rãi thể hiện dòng nước chảy hiền hoà uốn lượn thì bè cao (violin) thêm vào đó những gợn sóng nhấp nhô duyên dáng và rất nhiều những cảnh vật xinh tươi bên bờ suối nữa mà em không hình dung cụ thể ra được. Dòng nước tạo ra bởi giai điệu của bộ dây này tiếp tục được phát triển với sự tham gia của các nhạc cụ thuộc bộ gỗ(woodwinds). Về cuối chương, các nhạc cụ của bộ gỗ tách ra khỏi giai điệu chính và thể hiện một cách độc đáo những tiếng chim bên bờ suối. Ai đó đã nói, trong tổng phổ của chương 2 này, Beethoven thậm chí đã xác định rõ từng loài chim: sáo flute hót tiếng chim sơn ca (nightingale) - cái này em thấy rõ ràng nhất, kèn oboe thể hiện tiếng chim cút (quail) và kèn clarinet thể hiện tiếng chim cúc cu (cuckoo) - 2 cái này thì mù mờ hơn :|

    Ba chương cuối hoàn toàn liền mạch với nhau và không có quãng nghỉ giữa các chương.

    Chương 3 với nhịp điệu vui tươi nhanh nhẹn miêu tả cảnh hội hè thôn dã, nơi những người nông dân say sưa đánh chén và vui vẻ nhảy múa. Chương này khá ngắn và hội hè kết thúc đột ngột khi một cơn giông xuất hiện với những đám mây đen kéo đến rất nhanh, những hạt mưa bắt đầu rơi và cơn thịnh nộ của thiên nhiên xảy ra ngay sau đó.
    Chương 4 – Giông tố - đúng như tên gọi của nó, miêu tả một cơn giông lớn kèm sấm chớp. Nét nhạc dường như có đan xen cả cảm giác lo âu sợ hãi của con người khi tự thấy mình quá bé nhỏ trước sức mạnh của thiên nhiên nhiên được thể hiện khá rõ ràng trong giai điệu và nhịp điệu: sấm, chớp, gió lốc giật từng cơn và từng đợt mưa liên tiếp táp xuống. Âm nhạc trong chương này thường gây ấn tượng rất mạnh đối với người nghe, bình luận về nó, Hector Berlioz viết: "Beethoven đã bỏ xa phía sau tất cả những gì người khác thử sáng tác trong thể loại này". Cuối chương, cơn giông cũng dần trôi qua với những đợt sấm lác đác vọng lại từ phía xa chân trời và kết thúc với một chủ đề chuyển tiếp vào chương cuối. Một số người diễn giải chủ đề này là sự miêu tả về một chiếc cầu vồng xuất hiện sau cơn giông, đối với cá nhân em, thì nó lại giống với sự miêu tả bầu trời trong xanh cao vút lộ ra sau khi cơn giông đã đi qua hơn. Sự chuyển tiếp này hoàn hảo đến mức một số người thậm chí đã coi chương 4 chỉ là một khúc dạo đầu xuất sắc của chương 5, hơn là một chương riêng biệt.
    Chương 5 có tên gọi “Bài ca mục đồng: niềm hạnh phúc và biết ơn Chúa trời sau khi cơn bão qua đi”. Cũng đúng như tên gọi, chương 5 mang trở lại cho bản giao hưởng một sắc thái tràn ngập niềm vui và đầy sự thanh thản, bắt đầu với một giai điệu êm ả do bộ đàn dây thể hiện. Giai điệu này được phát triển dần lên với sự tham gia của ngày càng nhiều các nhạc cụ trong dàn nhạc, giống như không gian trời đất bao la dần rộng mở trở lại, đó đây lác đác những tiếng kèn vui vẻ của horn và clarinet. Giai điệu chính ngân lên càng lúc càng tươi mát và quyến rũ đúng như cảnh sắc thiên nhiên vạn vật rạng rỡ cũng như lòng người khoan khoái nhẹ nhàng sau cơn dông tố, trước khi lắng dần xuống và bản giao hưởng được kết thúc với hai hợp âm hoành tráng.

    Không mang nhiều âm hưởng hùng tráng, nội dung kịch tính hay tầm vóc tư tưởng to lớn như một số giao hưởng nổi tiếng khác của Beethoven, số 6 - đúng như tên gọi “Đồng quê” của nó - thật tự nhiên và hài hoà, cân đối. Em cũng chẳng biết thiên nhiên trong đó có phải là vào mùa xuân hay không (có lẽ là không phải), nhưng bản nhạc này (nhất là chương 1, 2 và 5) làm em có cảm giác thư thái và vui vẻ dễ chịu, rất giống như khi ngắm đất nhìn trời trong những ngày đầu xuân này.

    Bài viết lê thê của em đến đây là hết, chúc các bác năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và nghe nhạc không bao giờ chán! :D
     
    Tags:
  2. searchervn

    searchervn Advanced Member

    Joined:
    15/9/06
    Messages:
    1.127
    Likes Received:
    1
    Location:
    Sài Gòn
    Re: Thiên nhiên tươi đẹp đầu xuân và "số 6" của Beethoven

    Chúc mừng bác Moonbeam và bài review hoàn toàn không lê thê chút nào, trái lại là đọc rất đã. Có thể thấy bác đã đưa những cảm nhận và hiểu biết sâu sắc về âm nhạc, hòa âm và nhạc cụ vào trong bài review. Đây là điều rất quý để anh em có thể tìm hiểu thêm về "âm nhạc bác học" vốn dĩ luôn chứa đựng vô số nét quyến rũ.

    XX cũng xin chia sẻ 1 vài hiểu biết sơ bộ về các Symphony của Beethoven:

    - Symphony 1 & 2: rất gần với trường phái giao hưởng thành Vien, nhiều ảnh hưởng từ Mozart và Haydn

    - Symphony 3 (Eroica - Anh Hùng Ca): 1 giai đoạn mới bắt đầu, với sự cách mạng trong hòa âm, lần đầu tiên, thể loại March (Hành khúc) được đưa vào Symphony, và kể từ đây, thời kỳ của Giao hưởng theo kết cấu cổ điển xem như chấm dứt

    - Symphony 4: tiếp tục phát triển những sáng tạo và thể nghiệm từ No 3

    - Symphony 5 (Định Mệnh): Được xem là độc đáo với kết cấu Sonata (2 chủ đề) ngay trong chương 1, giai điệu cực dễ nhớ "Tăng tăng tăng tằng" :mrgreen:

    - Symphony 6 (The Pastoral - Đồng Quê): với những nét đẹp và thơ mộng mà bác @moon beam đã cảm nhận rất sâu sắc, được ví như 1 giao hưởng thơ được liên kết bởi các sắc thái giai điệu lãng mạn



    - Symphony 7 (The Apotheosis of Dance - Vũ điệu thiên thần): đưa sắc thái, giai điệu có tính thẩm mỹ vào tác phẩm

    - Symphony 8 (The Little Symphony - Bản giao hưởng nhỏ): tiếp tục những nét mới từ No 7, đồng thời mở ra hướng mới cho các Giao hưởng thời kỳ Lãng Mạn sau này

    - Symphony 9 (The symphony of Joy - Giao hưởng Niềm Vui): tuyệt đỉnh về Symphony của Beethoven, giàn đồng ca và solo đã cất giọng vang rền bài thơ "Ode the Joy" của Schiller, tràn ngập niềm vui và tự hào "Cả Thế Giới này là anh em". Với Symphony 9, Beethoven đã đưa vẻ đẹp âm nhạc qua các thời kỳ vào, đồng thời xây dựng nền tảng cho các nhà soạn nhạc sau này trong giai đoạn Lãng Mạn (đặc biệt là Brahms thần thánh :D)

    Chỉ việc nghe và nghiên cứu toàn tập Symphony của Beethoven thôi, đã là rất nhiều!
     

    Attached Files:

  3. DangtvFPT

    DangtvFPT Advanced Member

    Joined:
    3/9/10
    Messages:
    61
    Likes Received:
    0
    nội dung của " giao hưởng đồng quê" vốn đã rất rõ ràng, dễ dàng cảm nhận với chú thích của Beethoven, bài viết của tác giả cũng xoay quanh chủ đề này, tuy nhiên có nhiều liên tưởng rất mới mẻ, thú vị. Có lẽ đó là cảm nhận riêng của tác giả với giao hưởng này đó cũng là điều dễ hiểu bởi tác giả là người nghe nhạc lâu năm, với vốn kiễn thức âm nhạc, trí tưởng tượng phong phú và khả năng viết lách rất OK. hí hí :lol: :lol:.

    cám ơn tác giả vì bài viết, qua đây iem thêm yêu thích "giao hưởng đồng quê" hơn.

    em xin hết.

    ODE TO JOY :mrgreen: :mrgreen: :mrgreen:
     
  4. musique

    musique Advanced Member

    Joined:
    2/1/08
    Messages:
    3.622
    Likes Received:
    34
    Bác moonbeam viết review hay quá...em yêu thích cổ điển nhưng chưa thể tưởng tượng được như bác...hy vọng một ngày đầu em nó sáng ra :D :mrgreen:
     
  5. moonbeam

    moonbeam Advanced Member

    Joined:
    9/2/07
    Messages:
    503
    Likes Received:
    5
    Location:
    Hà Nội
    Re: Thiên nhiên tươi đẹp đầu xuân và "số 6" của Beethoven

    Các bác quá lời rồi, em chỉ cảm thấy sao thì nói vậy, hiểu biết của em về âm nhạc còn ít ỏi lắm, chỉ là hứng lên kìm không nổi nên đành liều múa rìu qua mắt thợ một chút thôi ạ.
    Em thấy có rất nhiều vnavers nghe nhạc cổ điển, trong số đó có không ít cao thủ mà ở box âm nhạc lại ít bài viết về thể loại này quá. Rất mong được đọc thật nhiều những bài viết của các bác để được mở mang thêm. :idea:
     
  6. DangtvFPT

    DangtvFPT Advanced Member

    Joined:
    3/9/10
    Messages:
    61
    Likes Received:
    0
    mình dự số " 5 "
     

Share This Page

Loading...