GIỚI THIỆU DÀN NHẠC GIAO HƯỞNG BERLIN PHILHARMONIC (BPO) [align=justify]Năm 1882, thủ đô nước Đức là trung tâm phát triển của rất nhiều ngành nghề. Nước Đức đang dẫn đầu thế giới trong khoa học, kỹ thuật, kịch nghệ nhưng nhạc cổ điển lại chỉ giới hạn ở một dàn nhạc hạng hai, do triều đình tài trợ. Khi nhạc trưởng dàn nhạc quyết định không những cắt giảm khoản tiền lương còm cõi của các nhạc công mà còn hạ thấp phẩm giá của họ bằng cách cho họ đi vé tàu hạng bét trong một chuyến lưu diễn Ba Lan, các thành viên của dàn nhạc đã nổi loạn. Tháng 10/1882, 50 người trong tổng số 74 thành viên rời bỏ sự bảo trợ bấp bênh của triều đình và lập nên một dàn nhạc riêng: dàn nhạc Philharmonic (sau này mới có thêm chữ Berlin). Bị ám ảnh bởi sự nhẫn tâm của người nhạc trưởng trước, các nhạc công đã quyết định một điều mạo hiểm chưa từng thấy: tự quản lý dàn nhạc. Hầu hết các nhạc công này còn khá trẻ, dưới 30 tuổi, đầy tham vọng và rất may mắn nhận được sự nâng đỡ của nghệ sỹ vĩ cầm lừng danh Joseph Joachim (người được Brahms đề tặng bản Violin Concerto duy nhất của ông). Vào mùa trình diễn đầu tiên, BPO đã tổ chức 50 buổi hòa nhạc giới thiệu cả các tác phẩm cổ điển lẫn các bản nhạc phổ thông được ưa chuộng vào thời đó (các bản waltz của Johann Strauss). Với uy tín của Joachim, dàn nhạc nhận được nhiều tiền tài trợ từ ngân hàng của gia đình nhạc sỹ Mendelssohn và thu hút được sự chú ý của nhạc trưởng nổi tiếng Han Von Bulow. Dưới sự dẫn dắt của Von Bulow, vốn tiết mục của dàn nhạc được mở rộng với những tác phẩm của Richard Strauss, Grieg, Saint-Saens. Khi Von Bulow nghỉ hưu, dàn nhạc (giờ đây đã nổi tiếng) thuê Arthur Nikisch, và sau đó vào năm 1922 là Wilhelm Furtwangler làm nhạc trưởng. Thời kỳ hoàng kim của dàn nhạc kéo dài tới giữa thập niên 1930, khi chế độ Đức quốc xã đuổi những nhạc công người Do Thái ra khỏi dàn nhạc và cấm biểu diễn tác phẩm của các nhạc sỹ Do Thái như Hindemith và Schoenberg. Mãi sau khi chiến tranh kết thúc, dàn nhạc mới hồi sinh. Những nhạc trưởng đầu tiên của BPO là những người xuất sắc nhất Trung Âu, khách mời của dàn nhạc gồm các tên tuổi lừng danh như Lorin Maazel, Seiji Ozawa, Bruno Walter, Otto Klemperer, Richard Strauss... Một số người không chỉ nổi tiếng trong âm nhạc mà còn nhiều tai tiếng, thậm chí xì-căng-đan, trong xã hội. Về chính trị, người nhiều tai tiếng nhất là Wilhelm Furtwangler, xuất hiện lần đầu với BPO năm 1917, sau đó giữ vị trí nhạc trưởng từ 1922 - 1945. Không có gì phải bàn về tài năng âm nhạc của ông, nhưng ông còn là thành viên của Đảng quốc xã và đã trình diễn nhiều lần trước Adolf Hitler. Mặc dù ông đã giúp nhiều nhạc công Do Thái không phải vào trại tập trung nhưng vị nhạc trưởng quý tộc này không hề bày tỏ sự hối tiếc nào về quan điểm chính trị của mình. Sau chiến tranh, Furtwangler bị cô lập như một biểu tượng xấu xa của Đức quốc xã. Sự kiện nổi bật là khi ông chuẩn bị đưa BPO sang Mỹ lưu diễn, Arturo Toscasini, một nhạc trưởng danh tiếng khác đang làm việc tại New York, đã tuyên bố sẽ rào nhà hát lại không cho Furtwangler vào. Vậy là chương trình lưu diễn bị hủy bỏ. Những năm đầu sau Thế chiến thứ 2, không ai nghe BPO. Băng ghi âm các buổi hòa nhạc của Furtwangler bị thất lạc, tên tuổi ông hầu như bị lãng quên cho đến khi nhạc trưởng,đđồng thời là pianist nổi tiếng, Daniel Barenboim, người Do Thái gốc Argentine, tình cờ bắt gặp những băng ghi âm này và tuyên bố với mọi người rằng chúng xứng đáng nằm trong danh mục những bản diễn tấu hàng đầu của mọi thời đại. Ngày nay hầu hết các bản ghi âm này đều đã được xuất bản, tuy chất lượng âm thanh của chúng rất kém nhưng sự diễn tấu các nhạc phẩm của Beethoven, Richard Strauss và Bruckner thật tuyệt vời. Furtwangler tiếp cận âm nhạc với sự sùng kính tột độ khiến cho mỗi nốt nhạc, mỗi hợp âm đều vang lên như những nghi lễ tôn giáo. Bây giờ hãy quay trở lại với tài năng của BPO. Khi xem những bộ phim xưa về các buổi hòa nhạc do Furtwangler chỉ huy, trông ông thật kỳ quặc: bàn tay vung vẩy tứ phía, cánh tay rất vụng về và dường như không hề ra hiệu cho bất kỳ nhạc công nào. Vậy ông ta chỉ huy bằng cách nào? Nhạc trưởng Neville Marriner, người đã từng chơi violin cùng BPO, giải thích: “Các nhạc công của BPO có kỹ thuật hòan hảo và khả năng cảm thụ âm nhạc tuyệt vời, thực sự họ không cần ai chỉ bảo khi nào bắt đầu chơi hay chơi với nhịp độ nào. Những gì Furtwangler làm là nhằm đạt đến cái hồn sâu thẳm của bản nhạc. Ông truyền đạt điều đó cho chúng tôi để chúng tôi có thể thể hiện bản nhạc mà không cần để ý đến kỹ thuật của ông.” Nhạc trưởng được coi là gắn bó nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất với BPO là nhạc trưởng người Ao Herbert Von Karajan. Ông cũng là một thành viên của Đảng Quốc xã đồng thời là người được Hitler ưa thích (nhưng có số phận chính trị may mắn hơn Furtwangler). Von Karajan trở thành nhạc trưởng BPO từ năm 1954, sau khi Furtwangler chết, cho đến năm 1989 khi ông cũng qua đời. Von Karajan là một người đàn ông đẹp trai và táo bạo – ông lái máy bay, đua xe hơi, huênh hoang về đời sống tình dục của mình và luôn cho rằng mình tài giỏi nhất thế giới. Ông thừa hưởng một dàn nhạc thấm đẫm tính lãng mạn của thế kỷ 19 và đã quen với kiểu âm nhạc thần thánh của Furtwangler. Từ tốn và thận trọng, Von Karajan thay đổi dàn nhạc theo định hướng của mình, quốc tế hóa dàn nhạc với các nhạc công đến từ khắp nơi trên thế giới. Vốn tiết mục của dàn nhạc cũng vượt ra ngoài khuôn khổ châu Âu với những nhạc trưởng khách mời. Vẫn còn những bản dàn dựng sùng kính, theo cảm xúc chủ quan kiểu Furtwangler, nhưng Von Karajan cũng chịu ảnh hưởng tương đương của Toscanini. Ông bám sát tổng phổ tới từng chi tiết, cố gắng đạt sự chính xác tối đa trong mỗi dòng nhạc. Von Karajan yêu dàn nhạc như chính bản thân mình. “Để chuẩn bị một buổi hòa nhạc với BPO,” ông nói, “trước tiên tôi phải cho dàn nhạc tập luyện hòan hảo, nắm vững mọi chi tiết và kỹ thuật. Sau đó, khi trình diễn tôi cho các nhạc công chơi một cách tự do để họ cùng sáng tạo âm nhạc với tôi – cùng chia xẻ cảm xúc với nhau.” Về những nhạc công của BPO, Karajan nói:" họ cho bạn những gì bạn muốn và còn hơn thế nữa, cho đến khi họ điều khiển bạn thay vì bạn điều khiển họ". Von Karajan, tương tự Hitler, đã dốc sức dựng lên một đế quốc âm nhạc, trong những năm sau đó ông khiến các nhạc công gần như phát điên với những buổi thu âm bất tận và lịch trình làm việc như của siêu nhân. Khi ông mất, dàn nhạc bầu một nhạc trưởng mới đối lập hòan toàn: Claudio Abbado. Abbado là một người thiên tả, thực tế và dân chủ (ông rất ghét được gọi là “maestro - nhạc trưởng đại sư”). ông cho xây dựng một phòng hòa nhạc thể nghiệm, tuyển chọn những tài năng trẻ và ông cố gắng “nhân tính hóa” BPO đã phần nào trở nên máy móc (cho dù đó là cái máy tốt nhất). Ngày 23/06/1999, BPO thực hiện một bước ngoặt cách mạng: bầu chọn Sir Simon Rattle làm nhạc trưởng và được ông chấp thuận. Có vẻ gì đó kỳ quặc khi người đàn ông trẻ tuổi (mới hơn 40), thậm chí nhìn hơi giống trẻ con này lại đứng đầu một dàn nhạc già dặn, oai nghiêm với bề dày truyền thống đáng nể. Tuy nhiên, BPO có cơ sở vững chắc khi đặt niềm tin vào Simon Rattle: khi mới hơn 20 tuổi, Rattle được đề nghị làm nhạc trưởng chính thức của dàn nhạc thành phố quê hương, Birmingham; thay vì dùng vị trí này như nấc thang để đi lên, ông đã dẫn dắt dàn nhạc tỉnh lẻ này thành một trong những dàn nhạc hay nhất nước Anh, với vốn tiết mục trải dài từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 21. Ông cũng từng chỉ huy nhiều dàn nhạc ở Anh và Mỹ với tư cách khách mời. Không có người nghệ sỹ nào muốn mình bị lỗi thời, BPO cũng vậy - bằng cách lựa chọn Simon Rattle, họ kỳ vọng những thành công rực rỡ hơn trong tương lai.[/align] Lược dịch từ tạp chí Bangkok Symphony. Đã đăng trên TCNN số 1, hay 2 gì đấy