Hát rong Paris, hát rong Hà Nội

Discussion in 'Âm nhạc' started by nguyenvu, 15/4/06.

  1. nguyenvu

    nguyenvu Advanced Member

    Joined:
    9/12/05
    Messages:
    59
    Likes Received:
    0
    Location:
    Hanoi
    Hát rong Paris, hát rong Hà Nội

    Vẳng đâu đó một câu trong bài hát của nhạc sỹ Trần Long Ẩn “Cũng đành, xin làm người hát rong…” Cái nghề hát rong, đâu có gì là xấu. Có cô bé nọ cũng nhờ đi hát rong mà được phát hiện tài năng, rồi trở thành danh ca. Hát rong thời cũng có năm bảy đường…

    Đến Paris đặc biệt là vào mùa hè, mùa du lịch, du khách từ khắp nơi trên thế giới sẽ được thấy một Paris vô cùng sống động, Paris đầy ắp âm nhạc. Thành phố lúc này có thể ví như một cô gái tươi tắn và vui nhộn, vừa nhảy chân sáo, vừa luôn miệng hát. Âm nhạc vang lên ở khắp nơi, trên đường phố, trong bến tàu điện ngầm, trong các quán ăn… Tạo nên bộ mặt hân hoan ấy của thành phố chính là những người nghệ sĩ vô danh, những nhạc công đang vật lộn với cuộc mưu sinh, cả đời khó có cơ hội được đứng trên sân khấu lớn.

    Âm nhạc, niềm đam mê và … “cần câu” bánh mỳ

    Gần lối xuống bến métro Abbesse quận 18, một nhạc công già đang say sưa chơi đoạn nhạc về mùa hạ trong “Giao hưởng bốn mùa” của Vivaldi, réo rắt, tươi vui. Vừa lướt những ngón tay trên phím chiếc piano nhỏ cũ kỹ, ông vừa dậm chân đánh nhịp, vừa lắc lư đầu như thể đang bị thôi miên bởi chính những thanh âm mà ông tạo nên. Khán giả của ông là các khách bộ hành, khách du lịch, những người vừa ra khỏi hay đang chuẩn bị xuống bến métro… Có người dừng lại thật lâu, thích thú lắng nghe rồi bỏ vài đồng xu lẻ vào cái ống sắt đựng tiền gần chân đàn. Có người liếc qua rồi lẳng lặng bỏ đi. Có người làm ngơ như chẳng hề nhìn thấy ông, có lẽ họ đang vội vã với bao bộn bề cuộc sống… Hình như, chỉ các khách du lịch hay những người mới đến Paris mới hay dừng lại và say sưa lắng nghe những nghệ sĩ vô danh chơi đàn trên đường phố. Còn phần lớn dân Paris đã quá quen với điều này.

    Có lần, khi thấy tôi khen ngợi người nữ nhạc công trong bến métro Trocadéro, một người bạn Pháp của tôi còn nói: “Có gì lạ đâu, ở đây nhiều người như họ lắm, họ không chơi nhạc để vui, mà để kiếm tiền ý mà” (!). Vâng, có thể những nhạc công ấy chơi nhạc để kiếm tiền là chính. Nhưng hãy nhìn vào mắt họ mà xem, tôi đảm bảo đã hơn một lần nhìn thấy sự đam mê, thấy tình yêu âm nhạc trong những đôi mắt ấy. Những đồng xu lẻ của bạn, của tôi, của anh, của chị… thỉnh thoảng lại loảng xoảng rơi xuống chiếc ống bơ, hay xuống chiếc hộp đựng đàn… Cảm ơn… Dù bạn để vào đó chỉ một đồng xu, hay nhiều hơn, hay không để đồng nào, thì bản nhạc ấy vẫn được chơi một cách say sưa như thế. Ở Abbesse là bác nhạc công già, ở Ménilmontant là anh chàng người Trung Quốc với cây sáo trúc, ở Concorde là một phụ nữ chơi đàn organ, ở Bastille là cả một dàn nhạc công 10 người đến từ Ucraina … Và không chỉ bên ngoài hay bên trong các bến métro, mà cả trong các toa xe, trên đường phố, trong các quán ăn, bạn cũng có thể được nghe những bản nhạc, bài hát tuyệt vời, thường là những bản cổ điển mà nhiều người biết.

    Chúng tôi đâu phải là ăn xin…

    Tôi gặp Altol ở bến tàu điện ngầm Domesnil. Tôi cũng không biết mình viết tên anh như thế đúng chưa vì Altol là người Ucraina. Anh nói thứ tiếng Pháp với trọng âm của tiếng Nga, nghe là lạ… Anh sống ở vùng ngoại ô phía Nam Paris, với vợ và 3 đứa con. Cả nhà anh đến Paris đã được 2 năm. Ở đây, anh có thể kiếm tiền nhiều gấp 4 lần hồi còn ở Ucraina, và nhờ chơi đàn ở các bến tàu điện ngầm mà anh nuôi sống được gia đình. Vợ anh tới giờ vẫn chưa kiếm được việc làm. Các con anh đều còn nhỏ và đang đi học. Altol kể, để được biểu diễn ở các bến metro, anh cũng phải xin giấy phép chứ không phải cứ tự nhiên mang đàn ra đó đánh: “Nếu có ai nghĩ rằng chúng tôi cũng giống như những người ăn mày thì họ nhầm. Ở đây, chơi đàn, hát, hay diễn ảo thuật trên đường phố đều được coi là những nghề nghiệp hẳn hoi, được cấp giấy phép hành nghề, và cũng phải nộp thuế theo luật định…”. Altol vừa nói vừa đeo chiếc accordéon lên ngực, chuẩn bị bắt đầu một ngày làm việc bình thường của anh ở bến tàu điện ngầm Domesnil. Bản nhạc ưa thích nhất của anh là Ca-chiu-xa, một bài hát Nga vui nhộn mà mỗi khi anh chơi, hầu như ai đi qua cũng nhún nhảy hoặc hát theo.

    Sáng chủ nhật, một anh hề bôi mặt bằng bột đủ màu, chiếc mũi to đỏ như quả cà chua, vừa làm trò vừa tung hứng trên hè phố Yvonne Le Tac gần đồi Montmartre. Đây là một trong những khu du lịch nổi tiếng của Paris, nơi du khách thường tới để chiêm ngưỡng nhà thờ Sacré Coeur tọa lạc trên đồi Montmartre. Bao quanh anh hề có tới hai chục khán giả, cả người lớn lẫn trẻ con. Tiếng cười giòn giã không ngớt vang lên mỗi khi anh thực hiện một cú nhào lộn hỏng, hay đánh rơi những trái bóng một cách cố ý. Đám trẻ thường dễ tính, còn người lớn thì thấy lũ trẻ cười là đã thấy vui rồi. Cứ thế, hết trò này đến trò khác, lượt khách này đi, lượt khách khác tới… Hết buổi sáng, những đồng xu trong mũ anh hề lại rổn rảng chui vào chiếc hầu bao khâu dưới áo… Và anh chẳng hề nghèo như ai đó nghĩ…

    Trong các quán ăn mọc lên như nấm trên đồi Montmartre, gần nhà thờ Sacré Coeur, hầu như quán nào cũng có “nhạc sống”. Hầu hết những người chơi nhạc ở đó đều là người Pháp. Còn những người hát trong bến tàu điện ngầm thì có nhiều quốc tịch khác nhau.

    Theo lời anh bạn người Pháp của tôi thì những “nghệ sĩ đường phố” này, nếu có đăng ký hành nghề thì cũng chỉ phải đóng một khoản thuế nhỏ mang tính tượng trưng. Những người chơi trong bến métro thậm chí còn phải qua vòng tuyển chọn của RATP – công ty quốc gia phụ trách mạng lưới giao thông Paris. Còn số ít người khác, thường là những người đã có “thâm niên”, trốn đăng ký để khỏi đóng thuế, nhưng lại có nguy cơ bị phạt nếu có nhân viên an ninh đến kiểm tra.

    Trông người lại ngẫm đến ta…

    Ở Paris, không phải không có cảnh một nhạc công chơi nhạc xong lại chìa tay xin tiền của khách, nhưng rất hiếm hoi. Những người như thế thường là dân nhập cư trái phép, không có nơi biểu diễn cố định và không có giấy phép hành nghề. Họ cũng khá “lành”, chỉ một cái lắc đầu, họ sẽ đi ngay, không bao giờ nì nèo.

    Nhớ dạo còn ở nhà, thỉnh thoảng tôi cùng bạn bè ra mấy quán café hồ Ngọc Khánh uống nước. Lần nào cũng gặp một cậu trai khập khiễng, thổi sáo bằng mũi, thường là những bài nhạc vàng nghe rất thê lương. Cậu ta cứ đi đến từng bàn, thổi hoài, thổi mãi, cho tới khi nào được tiền, hoặc bị đuổi thì mới đi. Có ai cho tiền, thì cũng là để “tống khứ” cho nhanh cái âm thanh tra tấn lỗ tai. Trên đường phố nhà mình bây giờ đã hết cảnh những người hát rong với một cái micro và cây đàn có lắp tăng âm, vừa đi vừa nỉ non khắp các đường phố để kiếm tiền.

    Ở xứ ta, họ được coi là những người “ăn mày” thực sự, có khác chăng chỉ ở cách thức mà thôi. Thay vì kiếm tiền bằng cách gợi lòng thương, thì họ kiếm tiền bằng cách gây phiền hà cho người khác, để người ta “sợ” mà phải cho tiền. Vẳng đâu đó một câu hát trong bài hát của nhạc sỹ Trần Long Ẩn “Cũng đành, xin làm người hát rong…” Cái nghề hát rong, đâu có gì là xấu. Có cô bé nọ cũng nhờ đi hát rong mà được phát hiện tài năng, rồi trở thành danh ca. Hát rong thời cũng có năm bảy đường…

    Vũ Ngọc Tuấn Kiên
     
    Tags:
  2. garfieldfatcat

    garfieldfatcat Advanced Member

    Joined:
    19/12/05
    Messages:
    921
    Likes Received:
    6
    Location:
    Sài Gòn
    Bài viết thật hay :) :)
     
  3. Rumbeng

    Rumbeng Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    3.139
    Likes Received:
    32
    Location:
    P.Phú Mỹ Q.7 - TP HCM
    Năm 96, em có dịp sang Paris đúng dịp ngày 22/06 , thế là ở đâu họ cũng hát, hát rất tự nhiên .

    Còn hát rong trên metro thì em thấy họ đi thành nhóm , không có "xin" mà hình như là ta phải bỏ tiền vào mũ, họ chỉ cầm mũ đi 1 lượt toa, không dừng lâu để có ý định làm phiền ai cả .
     
  4. Constancy

    Constancy Approved Member

    Joined:
    5/12/05
    Messages:
    16
    Likes Received:
    0
    Giờ thì họ không hát rong trong métro mà họ hát rong ở bến métro. Đến Paris, một đặc trưng ở các bến métro là hầu như bến nào cũng có người hát (thật ra là chơi đàn, còn hát là trên đường phố). Những người đứng lại lắng nghe và bỏ tiền hầu hết đều là du khách. Còn người dân Paris có lẽ quá tất bật với cuộc sống (nào là sợ nhỡ bus, nhỡ métro, nhỡ tramway) mà không còn mấy thời gian đứng lại tận hưởng một chút thi vị của cuộc sống.

    Em thì không sống ở Paris nhưng trên đây là những gì em nhận thấy qua mấy ngày đi chu du ở đó.

    Ở chỗ em ở thì em hay gặp người ta kéo đàn hát rong. Loại đàn này lạ lắm, em không biết là gì. Đại loại là thấy người ta có một cái máy, cái máy đó có một cái tay quay, người ta cứ quay tay đó thì ở một đầu kia của máy tuôn ra những "bản nhạc" (có thể gọi là như thế không) được làm bằng giấy nhưng có thủng lỗ chỗ (mà theo em là thủng có chủ ý, phù hợp với nốt nhạc).

    Ngoài ra em còn thấy người ta kéo "đàn". "Đàn" này là một cái trục bằng sắt, trên đó có những vân lồi. Tay quay cũng có những vân lồi. Khi quay thì hai vân lồi đó chạm vào nhau tạo nên tiếng nhạc. Nhưng cái hay là người ta chế ra được thành một bản nhạc quen thuộc từ những vân lồi đó.
     
  5. Aries

    Aries Advanced Member

    Joined:
    2/12/05
    Messages:
    6.514
    Likes Received:
    56
    Location:
    VNAV
    Máy móc ở chỗ em lạ quá :?: :?: :?:
     
  6. nguyenvu

    nguyenvu Advanced Member

    Joined:
    9/12/05
    Messages:
    59
    Likes Received:
    0
    Location:
    Hanoi
    Tôi đã gặp được ở đâu đó, không nhớ là ở Đức hay Pháp gì đó một chiếc xe chơi nhạc, lớn bằng khoảng cái xe ôtô 16 chỗ, trang trí theo lối cổ. Trên đó họ để một bộ máy chơi nhạc. Bản nhạc là những tấm bìa dày được đục lỗ, gấp lại với nhau như giấy kê các cuộc gọi điện thoại hàng tháng ta vẫn nhận. Khi đặt vào máy, nó sẽ lật từng trang, căn cứ vào các lỗ thủng đục sẵn, hệ thống cơ khí sẽ chuyển động và phát ra các âm thanh tương ứng. Máy này chơi được cả nhạc giao hưởng, đầy đủ các hợp âm. Tiếc là cái ảnh chụp được không biết để vào đâu để các bạn xem.
     

Share This Page

Loading...