Hướng dẫn nhiếp ảnh số cơ bản

Discussion in 'Hỏi đáp, kinh nghiệm' started by Tuannguyen_71, 25/2/09.

  1. Tuannguyen_71

    Tuannguyen_71 Advanced Member

    Joined:
    9/7/06
    Messages:
    850
    Likes Received:
    222
    Location:
    TP.HCM
    Thưa các bác, dạo này thấy phong trào "săn bắt con nghệ thuật" của forum ta lên cao quá, em cũng hứng chí lôi sách cũ ra học lại để khỏi tụt hậu với đời. Nhân thấy lại quyển cẩm nang khá hay, ngắn gọn dễ hiểu dễ làm theo nên em tranh thủ lược dịch + bổ sung vài ý từ tài liệu khác để phục vụ các bác mới bước đầu tìm hiểu nhiếp ảnh, cũng coi như em ôn tập. Xin nhấn mạnh, là e chỉ mong phục vụ các bác amateur mới vào nghề thôi nhé, không có khả năng hướng dẫn chuyên sâu (xin nhường các bậc cao thủ).
    Em cũng xin khẳng định luôn về mặt bản quyền là e không "chôm" bài của bất kỳ ai hay forum nào. Hầu hết bài viết là dịch từ cuốn "The Ultimate Guide to Digital Photography" e mua được ở nước ngoài. Với các máy móc hiện đại ngày nay thì người chơi ảnh không cần phải bận tâm nhiều về các khía cạnh kỹ thuật chuyên sâu mà chỉ cần học hỏi cách vận dụng các thành quả kỹ thuật có sẵn trên máy để sáng tác thôi. Loạt bài dịch này của em cũng chỉ thiên về hướng ứng dụng đó chứ không đi vào giải thích các khái niệm chuyên môn.
    Tất nhiên những kiến thức này cũng không mới mẻ gì mà cũng đã có đâu đó trên các forum khác, cũng có thể có người bảo sao không qua photo forum mà chơi nhưng e nghĩ mình kiếm cơm ở đây thì phải phục vụ anh em ở đây mới là phải đạo, thêm nữa không phải member nào cũng có đủ thời gian dạo khắp các loại forum. Vài lời mạo muội, có gì xin các bác chỉ bảo thêm ạ.
     
    Tags:
  2. Tuannguyen_71

    Tuannguyen_71 Advanced Member

    Joined:
    9/7/06
    Messages:
    850
    Likes Received:
    222
    Location:
    TP.HCM
    THE ULTIMATE GUIDE TO DIGITAL PHOTOGRAPHY

    Bài 1: Điều chỉnh khẩu độ & tốc độ chụp

    Mặc dù công nghệ kỹ thuật có thể thay đổi nhưng những nguyên tắc cơ bản của việc chụp ảnh vẫn y nguyên như 100 năm trước. Có hàng đống sách nhồi đầy những công thức và lý thuyết về ống kính và nhiếp ảnh, nhưng may thay tất cả những gì bạn cần biết chỉ là vài nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi sẽ chỉ cho bạn trong khóa học cấp tốc này, một chút kiến thức mà nếu bạn nắm vững bạn sẽ tiến xa trên con đường nhiếp ảnh.

    Chúng ta sẽ bắt đầu với khẩu độ, tốc độ và ảnh hưởng của chúng tới bức ảnh của bạn.

    Điều chỉnh khẩu độ ống kính (Aperture)

    Mặc dù các loại máy đời mới hiện đại được trang bị hàng loại tính năng rối rắm, về cơ bản chúng cũng chỉ là 1 cái hộp chứa 1 bộ phận cảm quang bên trong (đó là phim trong nhiếp ảnh truyền thống, và tấm sensor với nhiếp ảnh số ngày nay). Ống kính định hướng ánh sáng đến bộ phận cảm quang này và hình ảnh được ghi lại. Vấn đề duy nhất là bạn cần phải kiểm soát được lượng ánh sáng tác động vào bộ phận cảm quang. Điều đó được thực hiện qua việc điều chỉnh khẩu độ của ống kính và tốc độ chụp _ 2 thông số cơ bản nhất để tạo thành 1 bức ảnh.

    Khẩu độ (hay độ mở) của ống kính, được điều chỉnh mở lớn hay khép nhỏ bởi những lá thép nằm trong ống kính, quyết định lượng ánh sáng tác động đến sensor khi bạn chụp; còn tốc độ chụp, điều chỉnh bởi thời gian đóng mở một màn che phía trước sensor, kiểm soát thời gian lượng ánh sáng đó tác động vào sensor. Phối hợp 2 thông số này bạn sẽ có độ phơi sáng mong muốn trong mọi điều kiện chụp. VD: tốc độ chụp nhanh + khẩu độ khép nhỏ để chụp trong hoàn cảnh ánh sáng mạnh như trời nắng gắt ngoài bãi biển. Ngược lại, tốc độ chậm + khẩu độ mở lớn để chụp nơi thiếu ánh sáng. Một bức ảnh có độ phơi sáng đúng sẽ tái tạo trung thực những mức sáng mà mắt người cảm nhận được, bức ảnh phơi sáng thiếu sẽ bị tối đen , bức ảnh phơi sáng dư sẽ trắng lóa (mà ta hay nói là thiếu sáng, thừa sáng).

    Khoảng rõ nét (depth of field, depth of focus): Tuy nhiên, điều chỉnh độ phơi sáng không phải là mục đích duy nhất của khẩu độ và tốc độ. Ngoài việc kiểm soát độ phơi sáng, thay đổi các thông số này còn tạo ra những hiệu ứng khác cho bức ảnh của bạn. Hiệu ứng chính gắn liền với khẩu độ là khoảng rõ nét của ảnh (còn gọi là chiều sâu ảnh trường). Nguồn gốc hình thành khoảng rõ nét này khá phức tạp nhưng quy tắc ứng dụng nó thì đơn giản: khẩu độ ống kính khép nhỏ sẽ khiến cho nhiều vật thể của cảnh chụp nằm trong khoảng rõ nét hơn là khẩu độ mở lớn. Vận dụng nó phù hợp bạn sẽ đạt được hiệu quả sáng tạo mong muốn: mở khẩu độ thật lớn để xóa mờ hậu cảnh khi chụp chân dung hay khép nhỏ tối đa để làm rõ nét từ cành cây trước mặt đến ngọn núi xa xa khi chụp phong cảnh.

    Độ sắc nét của ảnh (image sharpness): khẩu độ cũng có thể ảnh hưởng phần nào tới độ nét của bức ảnh, đặc biệt nếu bạn dùng máy DSLR. Một bức ảnh có thể nhìn kém sắc nét mặc dù, xét về kỹ thuật, đối tượng chụp vẫn nằm đúng khoảng rõ nét (in focus). Điều này thường xảy ra khi bạn chụp ở khẩu độ mở tối đa của ống kính, lúc này toàn bộ bề mặt thấu kính được sử dụng mà chất lượng quang học của thấu kính thường bị suy giảm ở phần rìa ngoài (vì thế mà các ống kính vẫn duy trì được chất lượng tốt ở độ mở lớn rất đắt tiền). Khép bớt khẩu độ 1, 2 nấc sẽ hạn chế được vấn đề này, đồng thời giúp giảm thiểu các lỗi quang sai khác.

    Chỉ số khẩu độ: Độ mở của ống kính được biểu thị bằng dãy số F trên các ống kính điều khiển cơ học đời cũ hoặc bằng các giá trị Av trên máy ảnh số hiện nay gồm 1, 1.4, 1.8, 2, 2.8…11, 22, 32. Bạn không cần tìm hiểu nhiều về cách thức hình thành dãy số này mà chỉ cần nhớ một điều: chỉ số khẩu độ và độ mở ống kính có tương quan tỷ lệ nghịch với nhau _ số càng nhỏ tương ứng với ống kính mở càng lớn, lượng ánh sáng vào càng nhiều, số càng lớn thì khẩu độ càng nhỏ, lượng ánh sáng vào càng ít. Vì vậy, khi cần đóng nhỏ khẩu độ thì bạn lại phải tăng chỉ số lên và ngược lại .
    Các ống kính bình thường có dãy khẩu độ từ 3.5 hay 4 - 22, các ống kính có chỉ số khẩu độ từ 2.8 trở xuống được gọi là ống kính “nhanh” và thường đắt tiền nhưng rất được ưa chuộng bởi các nhiếp ảnh gia chụp thể thao hay sinh hoạt đường phố do tác nghiệp được trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau.

    Điều chỉnh tốc độ chụp (shutter speed)

    Cùng với khẩu độ ống kính, tốc độ chụp là thông số thứ 2 bạn cần nắm vững để chụp được những tấm ảnh đúng sáng. Cụm từ “tốc độ chụp” có thể gây lúng túng đôi chút với những ai mới làm quen với nhiếp ảnh, vì thực ra nó không biểu thị tốc độ đóng mở của màn chắn sensor (màn trập _ theo ngôn ngữ chuyên nghiệp :D) mà biểu thị khoảng thời gian cái màn trập đó mở ra cho ánh sáng lọt vào (thuật ngữ "thời chụp" có lẽ thích hợp và dễ hiểu hơn). Màn trập đơn giản chỉ là 1 cái màn che trước sensor không cho ánh sáng lọt vào, chỉ mở ra khi bạn nhấn nút chụp và chỉ duy trì trạng thái mở trong 1 khoảng thời gian đã được bạn ấn định trước. Chỉ số tốc độ được biểu thị bằng giây và các phân số của giây như 1s, 2s, …1/60, 1/125, 1/250…, 1/8000. Thường thì người ta lược bỏ phần tử số của phân số và chỉ ghi là 60, 125, 250… Hầu hết các bức ảnh thông thường được chụp với tốc độ trong khoảng 1/60 – 1/250s.
    Giống như khẩu độ, ngoài việc kiểm soát lượng ánh sáng tác động vào cảm biến, tốc độ còn có hiệu ứng khác đối với ảnh chụp. Một bức ảnh là sự bắt đứng của 1 khoảnh khắc thời gian, vì thế tùy vào tốc độ chụp khác nhau ta sẽ có những khoảnh khắc dài ngắn khác nhau. Bạn có thể tùy biến tốc độ để tạo ra những hiệu quả sáng tạo kỳ thú nhưng bạn cũng cần lưu ý để tránh những vấn đề của nó.

    Tốc độ chụp khác nhau sẽ mang đến cho bạn 3 loại hiệu ứng sáng tạo khác nhau: bắt đứng 1 hành động hay chuyển động với tốc độ thật nhanh, tạo hiệu ứng huyền ảo cho chuyển động với tốc độ chụp chậm tới vài giây hoặc lâu hơn, và tạo ra ấn tượng sinh động cho hành động với 1 tốc độ chụp vừa phải thích hợp.

    Tốc độ thích hợp để bắt đúng chuyển động của đối tượng chụp tùy thuộc vào ý đồ chụp và các yếu tố sau: tốc độ chuyển động của đối tượng, khoảng cách từ máy đến đối tượng và góc tương quan giữa trục ống kính với hướng di chuyển của đối tượng. Thông thường thì với tốc độ 1/250s trở lên bạn có thể bắt đứng 1 hành động mà không bị mờ nhòe. Với các hiệu ứng của tốc độ chụp chậm, cách tốt nhất là chụp thử và rút kinh nghiệm cho từng tình huống.

    Tạo sự sinh động cho hành động: Thách thức lớn nhất trong việc chọn tốc độ chụp một hành động là làm sao tốc độ đủ chậm khiến cho đối tượng hơi bị mờ nhòe để diễn tả sự chuyển động nhưng không chậm đến mức khiến cho cả bức ảnh biến thành 1 mớ hỗn độn. Hãy thử các tốc độ từ 1/10s – 1/30s, tất nhiên với những điều chỉnh khẩu độ tương ứng để đảm bảo ảnh đúng sáng và nên sử dụng chân máy.

    Tốc độ chụp và sự rung máy: Nếu bạn giữ máy bằng tay, bạn cần phải chú ý đến điều này: bạn không thể nào giữ máy cố định tuyệt đối, tay bạn luôn luôn có sự rung nhẹ cho dù bạn có giữ máy chắc thế nào đi nữa. Thông thường với tốc độ chụp 1/125s thì bạn không phải lo lắng vì sự rung tay không đủ thời gian gây hậu quả tới bức ảnh, nhưng với tốc độ từ 1/60s hoặc chậm hơn, rung tay sẽ gây ra sự mờ nhòe làm hỏng bức ảnh. Tuy nhiên giới hạn tốc độ an toàn tối thiểu còn phụ thuộc vào trọng lượng bộ máy và tiêu cự ống kính bạn sử dụng.

    Làm thế nào để tránh bị rung máy: Có nhiều cách bạn có thể làm để giảm thiểu tác hại của sự rung máy.

    Đầu tiên là, quá hiển nhiên, giữ máy cho thật chắc bằng cách ép 2 tay sát người tựa hẳn lên ngực, thở hết hơi khỏi lồng ngực trước khi bấm máy, đừng bấm máy một cách đột ngột rồi thả ra ngay mà hãy nhấn xuống từ từ và giữ nguyên ngón tay tại nút bấm thêm khoảng nửa giây sau khi chụp. Thực hành theo hướng dẫn trên và bạn sẽ thấy mình giữ máy chụp tay được ở những tốc độ chậm hơn so với trước đó.

    Dựa người vào đâu đó: Nếu bạn có thể tựa mình vào vật gì đó bạn sẽ có thể giữ máy chắc chắn hơn _ dựa vào khung cửa hay thân cây, tì khuỷu tay lên lưng ghế, quỳ xuống đất… Tất nhiên lý tưởng nhất là sử dụng chân máy nhưng nó khá cồng kềnh để mang theo khắp nơi. Một dụng cụ phụ trợ tốt là một cái túi nhỏ nhồi hạt xốp (ai cũng có thể tự làm), nó cho phép bạn cố định máy trên những vị trí không bằng phẳng (như trạc cây hay bờ tường) nhưng vẫn đủ linh hoạt để xoay sở với việc bố cục.

    Bên cạnh đó, máy ảnh cũng có thể giúp bạn phần nào. Nếu bạn phải chụp với tốc độ chậm trong điều kiện ánh sáng yếu, hãy mở chế độ chụp liên thanh (burst mode). Cố giữ máy chắc tối đa như hướng dẫn ở trên, bấm và giữ nút chụp để máy chụp liên tục 4, 5 kiểu. Bạn sẽ tìm được 1 hay 2 tấm ảnh rõ nét hơn các ảnh khác bởi vì thời điểm màn trập nhảy rơi đúng vào giữa 2 nhịp đập của tim bạn _ dù bạn có tin hay không thì nhịp tim bạn cũng có thể tác động đáng kể đến sự rung máy.

    Một kế sách nữa là hãy lùi ra xa (hoặc zoom out). Bạn càng đứng gần (hoặc zoom in càng gần) thì ảnh hưởng của sự rung máy càng lớn. Tuy nhiên cần nhớ mục đích chính của zoom (cả bằng chân lẫn bằng ống kính) là để tạo bố cục ảnh phù hợp chứ không phải để chữa parkinson :D .

    Lợi ích của việc tùy chỉnh ISO trên máy ảnh số: thay đổi độ nhạy sáng ISO tùy thích là điểu mà máy chụp phim không thể làm được như máy số. Bạn có thể tận dụng tính năng này khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu _ tăng chỉ số ISO lên và bạn có thể chụp với tốc độ nhanh hơn, hệ quả tất yếu là giảm nguy cơ rung máy.

    Quy tắc vàng: Lỗi do rung máy rất khó phát hiện khi bạn xem lại hình trên cái lcd nhỏ xíu của máy ảnh, cho dù bạn có phóng đại hết cỡ. Tất cả có vẻ hoàn hảo. Nhưng khi bạn trở về nhà và load ảnh vào máy tính thì ôi thôi, sao nó lại bị nhòe thế này :( .
    Hầu hết các khóa dạy nhiếp ảnh đều dạy bạn là tốc độ chụp an toàn tối thiểu là bằng (hoặc số gần nhất bằng) với tiêu cự ống kính đang sử dụng. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng máy cùng ống kính pro nặng trịch và thường xuyên phóng ảnh khổ lớn thì quy tắc vàng thực sự là hãy nhân đôi số đó lên, tức tốc độ chụp an toàn khi giữ máy bằng tay phải gấp đôi tiêu cự đang chụp.

    Đón xem
    Bài 2: Camera settings: camera modes, ISO sensitivity, white balance, metering modes, histograms
     
  3. giahy

    giahy Advanced Member

    Joined:
    22/10/07
    Messages:
    1.983
    Likes Received:
    29
    Hay quá. Cảm ơn bác nhiều.
    Mời bác tiếp đi ạ.
     
  4. taiken

    taiken Advanced Member

    Joined:
    10/2/06
    Messages:
    362
    Likes Received:
    1
    Location:
    Sai Gon
    Lúc trước được anh Tuấn cho mượn cuốn "The Ultimate Guide to Digital Photography" này rồi nhưng toàn tiếng Anh nên cũng lười xem, nay lại được dịch nữa thì là nhất rồi :D

    Xin cảm ơn anh!
     
  5. herohn

    herohn Advanced Member

    Joined:
    19/11/08
    Messages:
    420
    Likes Received:
    0
    Cám ơn bài viết của bác!

    Khúc dạo đầu của bác cũng rất hay và đủ ý! :D Em đang đợi các bài tiếp theo.

    Thanks & Best Regards,
    NCC
     
  6. titoet

    titoet Advanced Member

    Joined:
    25/11/07
    Messages:
    1.504
    Likes Received:
    3
    Location:
    Sai Gon
    Lại có tài liệu để xóa mù rồi. Cám ơn bác chủ shop cd ạ! :D
     
  7. gacon

    gacon Advanced Member

    Joined:
    25/12/07
    Messages:
    1.359
    Likes Received:
    9
    Location:
    hanoi
    Thnx bác, kiến thức của em bắt đầu nhíc lên khỏi số 0 rồi :mrgreen:
     
  8. vua bo cap

    vua bo cap Advanced Member

    Joined:
    2/6/08
    Messages:
    1.034
    Likes Received:
    14
    Location:
    Biên Hòa, ĐN
    Bài viết của bác rất hay, Em cũng từng đi shoot nhiều hội nghị, cưới hỏi rùi, nhưng để nói được lý thuyết thì thật là khó với em :mrgreen: , (vì chỉ la tay ngang :mrgreen: ),
    Tiếp đi bác. :)
     
  9. Tuannguyen_71

    Tuannguyen_71 Advanced Member

    Joined:
    9/7/06
    Messages:
    850
    Likes Received:
    222
    Location:
    TP.HCM
    THE ULTIMATE GUIDE TO DIGITAL PHOTOGRAPHY

    Bài 2: Camera settings (phần 1)

    Các máy ảnh số ngày nay thường được lèn đầy ắp các chế độ chụp, các nút điều chỉnh, các trình đơn và nhiều tính năng khác. Tuy chúng có thể làm bạn bối rối nhưng đừng coi chúng là trở ngại _ vì đó chính là lợi ích của nhiếp ảnh số: sự linh hoạt. Một số tính năng cực kỳ hữu dụng trong khi một số khác thì không mấy khi được dùng đến. Trong phần tiếp theo này chúng ta sẽ tìm hiểu về các tính năng liên quan đến việc chụp ảnh mà bạn nhất thiết phải biết, và tác động của chúng lên những bức ảnh bạn chụp.

    Các chế độ chụp của máy ảnh

    Nếu bạn chỉ sử dụng máy ảnh của bạn ở mỗi chế độ tự động hoàn toàn thì thật là thiếu sót. Tất cả các máy ảnh DSLR và nhiều máy ảnh số bỏ túi loại tốt đều có các chế độ chụp từ bán tự động đến chỉnh tay hoàn toàn cho phép bạn lựa chọn những gì mình muốn trong sáng tác thay vì để con chip trong máy ảnh quyết định giúp. Dưới đây chúng ta sẽ điểm qua những chế độ chụp chính yếu mà hầu như máy ảnh nào cũng có. Ngoài chế độ chụp tự động hoàn toàn (thường được ký hiệu bằng 1 hình chữ nhật màu xanh), có 4 chế độ chụp cơ bản được ký hiệu là P, A (hay Av), S (hay Tv) và M. P là viết tắt của Program, A là Aperture (khẩu độ), S là Shutter (tốc độ _ hay Time, thời chụp), M là Manual (chỉnh tay).

    Chế độ Program (P mode): khi bạn nhận ra những hạn chế của việc chụp tự động hoàn toàn thì chế độ P sẽ là nấc thang kế tiếp trên con đường học hỏi. Chế độ P vẫn chưa cho phép bạn tự chủ về khẩu độ lẫn thời chụp nhưng nó cho bạn truy xuất qua trình đơn (menu) đến những tùy chọn thường bị khóa trong chế độ tự động hoàn toàn. Với máy DSLR, nó cho phép bạn chọn lưu ảnh theo định dạng RAW và tùy chọn độ nhạy sáng ISO. Nếu bạn thay đổi 1 thông số nào đó có ảnh hưởng đến độ phơi sáng, ví dụ như tăng ISO lên, thì máy ảnh sẽ tự động giảm thời chụp để giữ cho ảnh đúng sáng. Bạn cũng có nhiều quyền điều khiển hơn với các chế độ lấy nét. Bạn có thể làm vài điều chỉnh nho nhỏ với độ phơi sáng và máy ảnh sẽ tự động đồng bộ các thông số liên quan khác.

    Chế độ ưu tiên thời chụp (Tv hay S mode): đây là chế độ ưa thích của các nhiếp ảnh gia thể thao và bất kỳ ai thích chụp ảnh hành động hay các đối tượng di động. Nguyên tắc hoạt động của chế độ này rất đơn giản: điều duy nhất bạn cần làm là chọn thời chụp bạn muốn và máy ảnh sẽ thiết lập thông số còn lại _ khẩu độ _ để ảnh được phơi sáng đúng. Tại sao chế độ này hữu ích? Bởi vì khi bạn muốn bắt được 1 hành động nhanh, điều cốt yếu là tốc độ phải đủ nhanh, những yếu tố khác như khoảng rõ nét hay đặt ISO thấp (để ảnh mịn hơn) không quan trọng. Vì bạn đã xác lập 1 thời chụp nhất định, máy ảnh sẽ phối hợp các thông số khác sao cho đúng sáng để bạn có thể tập trung theo dõi hành động.

    Chế độ ưu tiên khẩu độ (Av mode): chế độ Av là nghịch đảo của chế độ Tv, và được sử dụng thường xuyên trong chụp ảnh chân dung, và phong cảnh. Như tên gọi đã thể hiện rõ, bạn chọn khẩu độ muốn sử dụng và máy ảnh sẽ tự tính toán thời chụp để phơi sáng đúng mức. Nhớ rằng khẩu độ không chỉ điều chỉnh lượng ánh sáng vào cảm biến mà còn tác động đến khoảng rõ nét của ảnh. Khi chụp chân dung, ta thường mở khẩu độ thật lớn để có khoảng rõ nét mỏng, nhờ đó phần hậu cảnh nằm ngoài khoảng rõ sẽ bị xóa nhòa và lảm nổi bật đối tượng chụp. Ngược lại, khi chụp phong cảnh, thường bạn sẽ muốn lấy được càng nhiều chi tiết rõ nét càng tốt và bạn sẽ đặt 1 khẩu độ thật nhỏ để có được khoảng rõ sâu tối đa, máy ảnh sẽ tự thiết lập thời chụp tương ứng.
    Ở đây có 1 điểm cần lưu ý: khi bạn đặt khẩu độ nhỏ thì máy sẽ tăng thời gian phơi sáng để bù cho lượng ánh sáng bị hạn chế, nghĩa là thời chụp giảm đi, có thể dưới mức an toàn để giữ máy bằng tay, hãy nhớ kiểm tra thông số trước khi chụp và sử dụng chân máy nếu cần thiết. Khi chụp phong cảnh ta thường đặt chỉ số ISO thấp để đạt độ nét tối đa, nên hiếm khi sử dụng biện pháp tăng chỉ số ISO để tăng thời chụp.

    Chế độ chỉnh tay hoàn toàn (Manual mode): không dành cho những người nhút nhát, chế độ này cho bạn toàn quyền thiết lập mọi thông số trên máy ảnh. Bạn có thể thay đổi tất cả các chức năng, tùy biến … trong trình đơn. Khẩu độ và thời chụp được thiết lập độc lập với nhau, tùy theo ý bạn. Điều này có nghĩa là, bạn có thể đặt các thông số phơi sáng sai bét nhè, trừ phi bạn biết rõ mình đang làm cái gì, và máy ảnh không thực hiện bất cứ sự chỉnh sửa nào. Chế độ chỉnh tay rất khó sử dụng và bạn cần tốn nhiều thời gian học hỏi và thực hành trước khi xách máy đi chụp bất kỳ cái gì. Nhưng một khi bạn làm chủ được nó, đó sẽ là cách hữu dụng nhất để sử dụng máy ảnh của bạn, chưa kể đó chính là lý do tốt nhất để mua một cái máy ảnh DSLR :D .

    Các chế độ tự động khác: nhiều máy ảnh số hiện nay được trang bị hàng chục chế độ chụp khác nhau, được thiết kế cho từng tình huống cụ thể như chụp tuyết, chụp hoàng hôn, chụp thể thao, pháo hoa… Thực ra tất cả các chế độ đó đều dựa trên 4 chế độ cơ bản PASM ở trên, vì thế một khi bạn đã quen thuộc với các chế độ cơ bản thì những chế độ kia chỉ có tính chất trang trí mà thôi. Đó cũng là lý do máy pro chỉ có PASM trong khi những máy ảnh compact có 1 danh sách dài dằng dặc các kiểu chế độ. VD trong chế độ tự động chụp thể thao, máy sẽ ưu tiên cho thời chụp hơn các thông số khác nhưng không cho phép bạn tự xác định thời chụp. Lý do: nếu bạn thiếu kinh nghiệm, bạn có thể đẩy thời chụp lên qua nhanh khiến cho máy không có đủ mức khẩu độ bù trừ tương ứng và ảnh của bạn sẽ bị thiếu sáng. Nói chung, vài chế độ tự động có thể có ích nhưng bạn sẽ kiểm soát được kết quả cuối cùng tốt hơn nếu bạn dùng các chế độ chỉnh tay hay bán tự động.
     
  10. Tuannguyen_71

    Tuannguyen_71 Advanced Member

    Joined:
    9/7/06
    Messages:
    850
    Likes Received:
    222
    Location:
    TP.HCM
    THE ULTIMATE GUIDE TO DIGITAL PHOTOGRAPHY

    Bài 2: Camera settings (phần 2)

    Độ nhạy sáng ISO

    Số megapixel mà máy ảnh đạt được từng là công cụ quảng cáo mạnh nhất trên thị trường máy ảnh số nhưng ngày nay bạn thường thấy thêm 1 con số nữa, đó là chỉ số độ nhạy sáng ISO, có thể lên tới 1600, 3200 hay thậm chí 6400. Nói một cách đơn giản, máy ảnh có chỉ số ISO tối đa càng cao thì lượng ánh sáng cần thiết để chụp được ảnh càng nhỏ, nghĩa là tính khả dụng của máy trong điều kiện ánh sáng yếu càng lớn. Tất nhiên là không tính đến việc dùng đèn flash. Tại sao lại không dùng flash nhỉ? Vì flash thường không phải là công cụ tốt để bổ sung ánh sáng cho cảnh chụp. Trong khi ánh sáng tự nhiên thường mượt mà và tôn chủ đề lên, thì flash lại tạo ra những bóng đổ khó chịu không đúng chỗ làm hỏng bức ảnh. Thậm chí, với ảnh chân dung, flash có thể khiến 1 đối tượng hấp dẫn trông như vừa trải qua 1 tháng ăn chơi vô độ. Đây là lúc chức năng chỉnh ISO thể hiện vai trò của nó. Hãy tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 chỉ số ISO lên và bạn có thể chụp những gì mình muốn mà không cần đến flash. Đối với máy ảnh số điều đó quá đơn giản, chỉ cần khuếch đại các tín hiệu số thu được từ cảm biến.

    Ví dụ bạn đang chụp một bữa tiệc trong nhà cùng bạn bè với ISO đặt ở 100, thời chụp cần thiết có thể lên tới 1/2s và chắc chắn ảnh của bạn sẽ bị nhòe do rung máy. Tăng ISO lên 400, bạn sẽ có thời chụp rút ngắn còn 1/8s và bạn có cơ may có vài tấm ảnh nhìn tạm được. Nhưng nếu máy ảnh của bạn có chỉ số ISO lên tới 3200 thì trong cùng điều kiện ánh sáng đó bạn chỉ cần thời chụp 1/60s, và bạn có thể có những tấm ảnh khá rõ nét, đặc biệt nếu bạn để máy chụp liên thanh.

    Mặt trái của ISO cao: Nếu ISO cao có lợi như thế thì tại sao các máy ảnh số vẫn duy trì cái chỉ số 100 nhàm chán đó? Bởi vì nhược điểm khi đặt chỉ số ISO cao là ảnh sẽ bị nhiễu. Nó biểu hiện trên bức ảnh dưới dạng những đốm màu và các hạt lấm tấm. Nguyên nhân là khi máy ảnh khuếch đại các tín hiệu số từ cảm biến, nó cũng khuếch đại luôn các tạp nhiễu nội tại mà mọi thiết bị điện tử đều có. Hiệu ứng này giống hệt như tiếng ù nền mà bạn nghe thấy khi vặn to volume tivi hay dàn hi-fi. Đặt chỉ số ISO càng cao, tức là mở volume càng lớn, và nhiễu cũng càng lớn. Thật là tệ! Cho đến gần đây, hầu hết các máy ảnh số loại bỏ túi không thể đặt ISO lớn hơn 400 vì sẽ cho ra những bức ảnh không thể chấp nhận được. Nhưng kỹ thuật ngày càng tiến bộ và xuất hiện ngày càng nhiều máy ảnh có thể đặt ISO lên tới 6400. Tuy nhiên đừng bị đánh lừa bởi những con số đó, việc máy ảnh của bạn cho phép đặt ISO tới 1600, 3200 hay 6400 không đồng nghĩa với việc bạn có thể chụp những bức ảnh khả dụng ở độ nhạy đó. Bạn cần phải tự thực nghiệm để xác định lên tới số ISO nào thì chất lượng ảnh còn chấp nhận được. Lưu ý: thế nào là chấp nhận được cũng còn tùy thuộc vào việc bạn chụp cái gì và đôi khi một chút nhiễu sẽ làm tăng hiệu quả thị giác cho bức ảnh.

    Kiểm soát thiết lập ISO của máy ảnh: Ở chế độ tự động hoàn toàn, máy ảnh sẽ cố gắng giữ ISO ở mức thấp nhất có thể để bảo đảm ảnh được rõ nét, và thay vì nâng ISO lên nó sẽ tự động bật flash gắn kèm (built-in flash, nếu có)_ điều mà bạn không muốn. Hãy chuyển máy ảnh qua các chế độ chụp nâng cao (như Av hay P) rồi tìm trong trình đơn máy mục ISO setting để đặt đúng mức ISO bạn muốn. Tất nhiên bạn cũng có thể làm theo hướng ngược lại: nếu bạn chụp phong cảnh với ánh sáng yếu nhưng có chân máy vững chắc bạn có thể bắt máy chụp ở mức ISO thấp nhất để đạt độ chi tiết tối đa. Nếu bạn chỉ chụp ảnh để chia xẻ trên internet thì bạn có thể yên tâm sử dụng ISO cao vì hiệu ứng nhiễu hầu như không thể nhận ra khi ảnh được giảm độ phân giải và kích thước cho phù hợp với các ứng dụng web.

    (Để khắc phục những nhược điểm của flash bạn có thể dùng tấm tản sáng, dùng 2 hay 3 đèn từ nhiều hướng cùng lúc hoặc dùng kỹ thuật đánh flash gián tiếp _ không chiếu đèn trực tiếp vào đối tượng mà hướng đèn vào một mặt phẳng khác để ánh sáng phản xạ từ đó chiếu lên đối tượng _ nhưng đó lại là 1 câu chuyện khác.) :D
     
  11. Tuannguyen_71

    Tuannguyen_71 Advanced Member

    Joined:
    9/7/06
    Messages:
    850
    Likes Received:
    222
    Location:
    TP.HCM
    THE ULTIMATE GUIDE TO DIGITAL PHOTOGRAPHY

    Bài 2: Camera settings (phần 3)


    Cân bằng trắng (White Balance _ WB)

    Cũng tương tự như với chỉ số ISO, máy ảnh của bạn thường tự động thiết lập thông số cân bằng trắng. Thiết lập tự động này tương đối đúng ở mức độ nào đó nhưng hiếm khi đúng tuyệt đối. Trong hầu hết các tình huống chụp thông thường, bạn có thể phó thác việc này cho máy ảnh nhưng khi bạn muốn đạt được 1 bức ảnh hoàn hảo về màu sắc, hãy dành vài giây để tự xác lập thông số này.

    Cân bằng trắng là gì? Chúng ta nhìn thấy được mọi vật xung quanh là vì chúng phản xạ ánh sáng. Các vật thể có màu sắc khác nhau là do chúng hấp thu và phản xạ các sóng ánh sáng khác nhau trong dải quang phổ. Một vật thể mà ta nhìn thấy màu trắng nghĩa là nó phản xạ hầu hết dải quang phổ của ánh sáng mặt trời, tức là loại ánh sáng trắng như chúng ta thường gọi. Nhưng nếu ánh sáng chiếu lên vật thể không phải là ánh sáng trắng thì khi đó cái vật thể trắng đó cũng không còn trắng nữa. Tuy nhiên hệ thống mắt và thần kinh thị giác của con người có khả năng tự động bù trừ sai biệt màu sắc đó và cái gì mà chúng ta đã biết là màu trắng thì ta vẫn cảm thấy nó trắng. Máy ảnh thì không thông minh như thế và để ghi nhận màu trắng của nững vật thể trắng, lấy đó làm chuẩn cho các màu khác, nó áp dụng bù màu bằng cách suy đoán loại ánh sáng chiếu lên vật thể mà bạn đang chụp rồi điều chỉnh những thông số cần thiết.

    VD: ánh sáng mặt trời có nhiều sắc lam hơn là ánh đèn dây tóc (tungsten), nếu bạn đang chụp ngoài trời và máy ảnh nhận biết đúng điều đó thì nó sẽ điều chỉnh giảm bớt sắc lam và màu sắc tổng thể sẽ cân bằng. Nếu nó nghĩ sai và cho rằng bạn đang ở trong nhà, dưới ánh sáng vàng của đèn dây tóc thì nó sẽ tăng sắc lam lên để cân bằng tổng thể màu, khiến cho toàn bộ bức ảnh của bạn bị ngả sang màu lam (thuật ngữ chuyên môn gọi là bị áp sắc).

    Thiết lập chính xác độ cân bằng trắng: Để tránh cho máy ảnh phải đoán (và có thể sai), bạn cần chỉ rõ cho nó biết là bạn đang ở trong điều kiện ánh sáng nào bằng cách đặt thông số WB phù hợp. Có 2 cách để thực hiện điều này, cách 1 rất nhanh và dễ và cũng khá chính xác, cách 2 chậm hơn 1 chút nhưng sẽ chính xác tuyệt đối nếu bạn làm đúng.

    Cách 1: chọn 1 trong những thông số cài đặt sẵn trên máy ảnh của bạn phù hợp với hoàn cảnh ánh sáng thực tế. Thường có ít nhất 5 lựa chọn gồm: tungsten (đèn dây tóc), fluorescent (đèn huỳnh quang), flash dành cho lúc chụp trong nhà; và nắng gắt (sunny, sunlight), nhiều mây (cloudy), trong bóng râm (shadow)… dành cho chụp ngoài trời. Một số máy ảnh cho phép bạn chọn WB ngay cả ở chế độ tự động hoàn toàn, một số máy khác bắt bạn phải chuyển sang 1 chế độ bán tự động hay chỉnh tay. Chuyển qua chế độ chụp cần thiết, chọn kiểu WB phù hợp, thế là xong. Nhưng đừng quên chỉnh lại WB (hoặc trả nó về tự động) khi hoàn cảnh chụp thay đổi.

    Cách 2: Chụp mẫu. Với cách này, bạn sẽ báo cho máy ảnh biết chính xác điều kiện ánh sáng mình chụp bằng cách cho nó “nhìn thấy” một bề mặt màu trung tính dưới đúng ánh sáng đó. Thuật ngữ “trung tính” có thể hơi khó hiểu nếu bạn chưa quen, đại loại nếu 1 màu nào đó nhìn có vẻ ấm hay lạnh thì màu đó không “trung tính”.
    Hãy giữ 1 mảnh giấy hay bìa hoàn toàn trắng, không lẫn hay pha 1 màu nào khác (hoặc tốt hơn là một miếng bìa xám trung tính _ gray card_ có bán tại các camera shop) phía trước ống kính sao cho nó lấp đầy khung ngắm, được chiếu sáng trực tiếp và không bị bóng đổ của vật nào in lên.
    Chụp tấm bìa đó rồi nạp ảnh đó vào mục Custom White Balance trong trình đơn máy. Từ việc phân tích màu mẫu trung tính đó, máy ảnh sẽ suy ra phải thực hiện cân bằng trắng như thế nào cho đúng và ghi nhận chính xác các màu sắc khác của khung cảnh. Bức ảnh của bạn sẽ không bị sai sắc.

    Tất nhiên cũng có những tình huống mà bạn muốn bức ảnh có màu sắc không giống như thực tế, bạn có thể muốn bức ảnh có tông màu ấm áp hơn. Đừng lo về việc đó. Điều thú vị trong nhiếp ảnh kỹ thuật số là bạn có thể làm tất cả những điều chỉnh đại loại như thế trên máy tính, sau khi bạn tải ảnh vào. Tốt nhất là luôn luôn khởi đầu bằng cách ghi lại dữ liệu cơ bản một cách chính xác rồi hãy sử dụng software để biến hóa dữ liệu đó tùy thích. :D
     
  12. gacon

    gacon Advanced Member

    Joined:
    25/12/07
    Messages:
    1.359
    Likes Received:
    9
    Location:
    hanoi
    Thnx bác !
    Bài của bác rất bổ ích cho những người chưa biết gì như em :)
     
  13. Batigol

    Batigol Advanced Member

    Joined:
    4/12/05
    Messages:
    319
    Likes Received:
    2
    Thanks bài viết rất hay và rất đáng giá.
    Có vài câu hỏi xin bác trả lời cho em:
    1. Trong điều kiện ánh sáng ban ngày, nắng đẹp, em đang sử dụng Nikon D80, lens fix 50 1/4. Vậy khi chụp chân dung thì em để khẩu độ bao nhiêu là hiệu quả nhất?
    3. Với cấu hình máy D80, lens 24-85 f2.8-4, trong điều kiện ánh sáng ban ngày để chụp phong cảnh em nên để tốc độ và khẩu độ khoảng bao nhiêu thì phù hợp?
    2. Với D80 khi chụp ở trong điều kiện thiếu sáng thì chụp ở ISO bao nhiêu thì ko bị noise khi duyệt ảnh ở màn hình 17"???
    Cảm ơn bác
     
  14. Tuannguyen_71

    Tuannguyen_71 Advanced Member

    Joined:
    9/7/06
    Messages:
    850
    Likes Received:
    222
    Location:
    TP.HCM
    Nguyên tắc chung cho 3 câu hỏi của bác thì đều đã đề cập trong những bài trên. Riêng câu 2, bác phải tự thực nghiệm để có đáp số vì e không phải người test và review máy ảnh nên cũng không biết. Còn câu 1 và 3, trả lời chi tiết không dễ vì còn tùy thuộc vào điều kiện chụp thực tế và ý đồ thể hiện của mỗi người. E chỉ trình bày thêm 1 chút về khoảng rõ nét để bác vận dụng thôi.
    Ngoài yếu tố khẩu độ, khoảng rõ nét của bức ảnh còn phụ thuộc vào 2 yếu tố nữa:
    - Tiêu cự ống kính _ càng dài thì khoảng rõ càng mỏng.
    - Cự ly chụp _ càng gần thì khoảng rõ càng mỏng.

    Do vậy khi bác chụp chân dung mà muốn xóa phông thì còn tùy thuộc vào phần hậu cảnh bác muốn xóa ở sát gần đối tượng chụp hay nằm xa xa mà chọn khẩu độ phù hợp. Hậu cảnh càng sát đối tượng thì khẩu độ càng phải mở lớn mới có hiệu quả. Và còn phải xét đến cự ly chụp của bác nữa, với cùng 1 khẩu độ, bác đứng càng xa đối tượng thì hiệu quả xóa phông càng giảm. Bác có thể chụp 1 loạt ảnh để so sánh và rút kinh nghiệm. Ngoài ra, nhiều máy có 1 nút bấm, khi nhấn nút đó thì khẩu độ ống kính sẽ khép lại đúng số bác đặt và bác có thể kiểm tra khoảng rõ nét qua kính ngắm.

    Chúc bác mau tiến bộ :D
     
  15. andy

    andy Advanced Member

    Joined:
    8/3/08
    Messages:
    1.092
    Likes Received:
    15
    Location:
    HCMC
    cám ơn bác nhiều lắm!
     
  16. Tuannguyen_71

    Tuannguyen_71 Advanced Member

    Joined:
    9/7/06
    Messages:
    850
    Likes Received:
    222
    Location:
    TP.HCM
    THE ULTIMATE GUIDE TO DIGITAL PHOTOGRAPHY

    Bài 2: Camera settings (phần 4)


    Các chế độ đo sáng (metering modes)

    Nhiếp ảnh là trò chơi với ánh sáng, bạn không thể chụp được những bức ảnh đẹp nếu bạn không tính được có bao nhiêu ánh sáng đang chiếu lên đối tượng bạn định chụp. Hầu như bạn không thể đoán đúng được lượng ánh sáng hiện có của khung cảnh vì hệ thống thị giác của mắt người luôn tự điều tiết theo ánh sáng xung quanh. Bạn cần phải dựa vào hệ thống đo sáng của máy ảnh để quyết định độ phơi sáng cần thiết. Nhưng ngay cả máy ảnh của bạn cũng có nhiều cách khác nhau để ước đoán lượng ánh sáng cần thiết.

    Cần biết rằng, điều chỉnh độ phơi sáng (kết hợp khẩu độ và thời chụp) thường là một sự thỏa hiệp vì máy ảnh không thể ghi nhận toàn bộ dải cường độ ánh sáng. Sự thỏa hiệp thường diễn ra như sau: bạn muốn có độ phơi sáng đúng cho 1 phần đặc biệt nào đó của bức ảnh và chấp nhận những phần khác sẽ chìm trong bóng tối hoặc trở nên trắng xóa do thiếu hay thừa sáng; hay là bạn chọn một mức phơi sáng trung bình nào đó để toàn cảnh đều hiện rõ tương đối; hay là bạn muốn kết hợp cả 2 cách trên nhưng hơi ưu tiên cho phần chi tiết bạn ưa thích. Ba lựa chọn trên cũng chính là những gì mà các chế độ đo sáng của máy ảnh cung cấp cho bạn.

    Chế độ đo ma trận (matrix metering): còn được gọi là chế độ đo lượng giá (evaluative), là chế độ đo sáng mặc định của tất cả các máy ảnh khi ở chế độ chụp tự động. Chế độ này sử dụng những thuật toán phức tạp phân tích khung hình của bạn và so sánh với dữ liệu mẫu nạp sẵn trong máy để suy ra bạn đang chụp cái gì và thiết lập độ phơi sáng phù hợp. Chế độ này ít khi sai lệch nhiều và hầu như bạn chỉ cần điều chỉnh nó khi muốn đạt một hiệu ứng đặc biệt nào đó.

    Chế độ đo điểm (spot metering): Nhược điểm của kiểu đo ma trận là nó không thể biết phần nào của khung hình là phần bạn quan tâm nhất. Nếu bạn chụp một khuôn mặt được 1 luồng sáng chiếu lên, máy ảnh sẽ đưa ra một độ phơi sáng bình quân để lấy được chi tiết cả khuôn mặt trong ánh sáng mạnh và bối cảnh sáng lờ mờ xung quanh, và điều này sẽ phá hỏng sự kịch tính của bức ảnh _ điều bạn muốn là chỉ diễn tả khuôn mặt nổi bật trong luồng sáng, còn bối cảnh xung quanh sẽ chìm trong bóng tối.
    Khi đó chế độ đo điểm sẽ phát huy tác dụng, nó chỉ đo một phần rất nhỏ ở giữa khung hình (2-4% diện tích khung hình), cho bạn thông số phơi sáng cần thiết chỉ cho vùng đó, bỏ qua các phần khác của bức ảnh. Lưu ý: trừ phi bạn bố cục chủ đề ở đúng giữa khung hình, bạn sẽ phải kết hợp chế độ đo điểm với tính năng khóa thông số phơi sáng. Nghĩa là sau khi đo, bạn sẽ cần nhấn nút AE Lock để cố định thông số đo rồi bố cục lại để chụp, hoặc bạn có thể ghi nhớ thông số đo rồi chuyển qua chế độ manual, đặt khẩu độ và thời chụp theo thông số đó để chụp.

    Chế độ đo một phần (partial metering): Đây là một phiên bản an toàn hơn của kiểu đo điểm. Nó cũng tương tự như đo điểm nhưng với vùng đo hơi lớn hơn (khoảng 9-10% diện tích khung hình). Đo điểm rất hiệu quả khi bạn muốn có những bức ảnh kịch tính trong những hoàn cảnh ánh sáng phức tạp nhưng rủi ro của nó là nếu bạn để vùng đo lệch đi một tí thì kết quả sẽ sai hoàn toàn. Sử dụng chế độ đo 1 phần giúp bạn vận dụng hiệu quả của chế độ đo điểm một cách an toàn hơn.

    Chế độ đo trung bình ưu tiên vùng trung tâm: Đây là kiểu đo sáng được sử dụng khi máy ảnh chưa được tích hợp thành công các chip vi xử lý. Đúng như tên gọi, chế độ này đo ánh sáng của toàn khung hình rồi lấy độ phơi sáng bình quân giữa các vùng tối và vùng sáng nhưng tính ưu tiên một chút cho phần giữa khung hình. Mặc dù vẫn còn hiện diện trong nhiều máy ảnh số nhưng có lẽ chỉ để thỏa mãn tính hoài cổ của những người từng quen chụp phim. Không còn lý do gì để sử dụng nó sau khi đã có chế độ đo ma trận. Vài máy ảnh số thậm chí còn có chế độ đo trung bình-không-ưu tiên-vùng-trung-tâm, và nó cũng hoàn toàn vô dụng.
     
  17. Batigol

    Batigol Advanced Member

    Joined:
    4/12/05
    Messages:
    319
    Likes Received:
    2
    Hầu hết các khóa dạy nhiếp ảnh đều dạy bạn là tốc độ chụp an toàn tối thiểu là bằng (hoặc số gần nhất bằng) với tiêu cự ống kính đang sử dụng. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng máy cùng ống kính pro nặng trịch và thường xuyên phóng ảnh khổ lớn thì quy tắc vàng thực sự là hãy nhân đôi số đó lên, tức tốc độ chụp an toàn khi giữ máy bằng tay phải gấp đôi tiêu cự đang chụp.
    Bác lại cho em hỏi 1 chút: em đang dùng con fix 50mm/1.8 thì nên dùng tốc độ bao nhiêu? hoặc 85mm 1.4 thì tốc độ là bi nhiêu ????
     
  18. SixL6

    SixL6 Advanced Member

    Joined:
    10/9/06
    Messages:
    2.257
    Likes Received:
    13
    Location:
    THỦ ĐỨC GROUP
    Câu này em chịu quá :!:
     
  19. Blue_wave

    Blue_wave Advanced Member

    Joined:
    29/12/05
    Messages:
    1.791
    Likes Received:
    1
    Location:
    Hà nội
    - 1/60 với ok 50mm
    - 1/125 với ok 85mm
    Tuy nhiên công thức trên chỉ nên dùng để tham khảo. Tốc độ an toàn tối thiểu rất khác nhau đối với từng người chụp khác nhau, các bác nên tự làm thực nghiệm để biết được độ vững chãi của cánh tay mình đến đâu :)

    Đối với em thì khi chụp mẫu mặc bikini, dùng ok 85mm, hình đôi khi vẫn bị rung ở tốc độ 1/250 :mrgreen:
     
  20. HST

    HST Advanced Member

    Joined:
    22/5/06
    Messages:
    2.510
    Likes Received:
    1
    Location:
    Q3 - HCMC
    tip 1: máy nikon D-80, khi ở chế độ M em thường kiểm tra vị trí đo sáng {+...o...-} của máy ngay trong view finder xem có cân bằng chưa? nếu thấy nghiêng về bên + (thừa sáng) hoặc bên - (thiếu sáng) thì e dùng ngón cái se qua se lại cái nút dial chính qua bên trái hay phải đến khi về O là ok e shot (nút này chỉ chỉnh tốc độ, nút dial phía trước chỉnh khẩu độ). em cũng thường dùng các chế độ tự động và P xem lại máy nó set thế nào sau đó chuyển qua M set tương tự shot thử...rồi tự nghiệm ra cho mình kinh nghiệm.

    tip 2: copy mấy cái hình của những tay chuyên chụp đẹp về máy tính, bấm chuột phải, properties, bấm qua tab summay xem qua họ set thế nào và bắt chước

    tip 3: thường xuyên nghe lóm và học hỏi các cụ đi trước hoặc vô topic này luyện tiếp :lol:
     
  21. Batigol

    Batigol Advanced Member

    Joined:
    4/12/05
    Messages:
    319
    Likes Received:
    2
    tay run còn đỡ, chứ em còn ướt ....nước miếng cơ bác ạ
     
  22. decon

    decon Advanced Member

    Joined:
    9/4/06
    Messages:
    58
    Likes Received:
    1
    các bài viết hay quá !
     
  23. Tuannguyen_71

    Tuannguyen_71 Advanced Member

    Joined:
    9/7/06
    Messages:
    850
    Likes Received:
    222
    Location:
    TP.HCM
    THE ULTIMATE GUIDE TO DIGITAL PHOTOGRAPHY

    Bổ sung một số kiến thức nâng cao

    Kỹ thuật đo sáng nâng cao

    Mặc dù hầu hết mọi người chụp ảnh bình thường có thể yên tâm sử dụng cơ chế đo sáng có sẵn trong máy ảnh nhưng cơ chế đo sáng này không phải luôn luôn chính xác vì lý do dưới đây.

    Máy đo sáng tích hợp trong máy ảnh hoạt động theo cơ chế đo ánh sáng phản xạ. Nghĩa là nó ước đoán lượng ánh sáng chiếu lên đối tượng bằng cách đo lượng ánh sáng được phản xạ bởi đối tượng đó.
    Ánh sáng tự nhiên tại một thời điểm và vị trí nhất định chỉ có 1 cường độ duy nhất, nhưng cường độ của ánh sáng phản xạ không chỉ tùy thuộc vào nguồn sáng tự nhiên mà còn bị ảnh hưởng bởi tính chất màu sắc của vật phản xạ. Trong khi đó các máy đo lượng sáng phản xạ không hề nhận biết màu sắc của vật thể mà chỉ nhận biết lượng ánh sáng được phản chiếu.

    Ví dụ bạn chụp 2 con mèo, một đen và 1 trắng. Nếu bạn lần lượt chụp từng con tại cùng 1 chỗ, trong cùng 1 điều kiện ánh sáng với chế độ đo sáng auto, bạn sẽ thấy máy ảnh đặt độ phơi sáng lớn hơn cho con mèo đen. Hiển nhiên là, với mắt người thì con mèo đen không hề khó nhìn thấy hơn con mèo trắng và không cần phải thêm ánh sáng cho nó. Nhưng cái máy ảnh ngốc nghếch lại “nhìn” thấy ít ánh sáng phản xạ từ con mèo đen hơn, so với con trắng, và cho rằng nó cần có khẩu độ lớn hơn hay thời chụp dài hơn hoặc cả hai.

    Trong lý thuyết về màu sắc của ánh sáng, người ta quy độ sáng của mỗi màu sắc về một thang sắc độ xám với 2 màu đen và trắng ở mỗi đầu. Mọi màu sắc đều có 1 độ xám tương ứng trong thang sắc độ này. Màu đỏ, xanh dương và xanh lục có cùng 1 độ sáng và chiếm cùng 1 vị trí trên thang sắc độ, sắc độ xám ở vị trí đó có độ sáng bằng 18% _ độ xám 18% này được sử dụng làm chuẩn cho máy đo sáng. Mọi máy đo sáng phản xạ đều được lập trình nhằm đưa mọi màu sắc mà nó đang đo, kể cả màu trắng và màu đen, về độ sáng trung bình chuẩn ứng với độ xám 18% này.

    Dưới ánh sáng trời, những vật màu trắng thường phản xạ lượng sáng nhiều hơn 2 nấc khẩu độ so với mức trung bình chuẩn (18%), ngược lại những vật màu đen phản xạ lượng ánh sáng ít hơn 2 khẩu so với mức trung bình chuẩn (18%). Vì vậy khi bạn hướng máy ảnh vào con mèo trắng, máy đo tích hợp trong máy ảnh sẽ nghĩ “tôi không biết nó màu gì nhưng bất kể nó màu gì thì nó lượng ánh sáng phản xạ từ nó cũng nhiều hơn trung bình chuẩn 2 khẩu, nghĩa là vật này thừa sáng 2 khẩu và sẽ mất chi tiết _ nên ta cần khép bớt 2 khẩu lại.” Kết quả ảnh chụp là con mèo trắng sẽ bị thiếu sáng và bộ lông nó sẽ có màu cháo lòng. Tương tự nhưng theo hướng ngược lại với con mèo đen, màu đen sẽ không đủ đậm do bị chụp thừa sáng.

    Để khắc phục những sai lệch của máy đo tích hợp trong máy ảnh, ta có thể sử dụng 1 trong 2 phương pháp sau.

    1. Sử dụng 1 máy đo sáng cầm tay độc lập. Khi để máy vào vị trí của đối tượng định chụp, máy này sẽ đo được lượng ánh sáng chiếu trực tiếp lên đối tượng và hiển thị thông số phù hợp. Sau đó bạn chuyển máy ảnh qua chế độ chỉnh tay và đặt các thông số cần thiết theo kết quả từ máy đo. Những hạn chế của việc dùng máy đo độc lập là nó vô dụng khi cần chụp nhanh, thêm khối lượng vào túi đồ nghề vốn đã nặng nề của bạn và khá đắt.

    2.Sử dụng 1 miếng bìa xám trung tính chuẩn (18% gray card) mua ở các tiệm bán đồ máy ảnh, rất rẻ và gọn nhẹ. Đặt miếng bìa cạnh đối tượng định chụp sao cho nó có cùng điều kiện chiếu sáng như đối tượng, hướng ống kính vào miếng bìa và dùng hệ thống đo sáng của máy ảnh để đo rồi đặt thông số chụp theo kết quả đó. Cách này phù hợp cho hầu hết mọi người, từ mới chụp đến nâng cao, vừa cho số đo sáng chính xác vừa dùng để thiết lập độ cân bằng trắng chuẩn. Áp dụng nó thường xuyên và bạn sẽ thấy những bức ảnh của bạn khác hẳn trước kia.


    Nói thêm về khoảng rõ nét

    Khi mới tập chụp, chúng ta thường nghe nói rằng (và nhìn qua cũng có cảm giác như thế) tiêu cự ống kính có ảnh hưởng tới khoảng rõ nét, ống kính góc rộng thì có khoảng rõ sâu hơn ống kính tele. (ở phần trên cũng có chỗ mình trả lời như thế cho bác Batigol). Nhưng thực ra, xét thuần túy về kỹ thuật, khoảng rõ nét của một khẩu độ là như nhau trên bất kỳ ống kính nào, wide cũng như tele.
    Giả dụ ta chụp cùng một khung cảnh với các tiêu cự ống kính khác nhau nhưng đặt cùng 1 nấc khẩu độ. Nếu ta di chuyển vị trí đứng chụp sao cho với mọi ống kính ta thu được khuôn hình giống hệt nhau thì ta sẽ thấy các bức ảnh có khoảng rõ y hệt nhau. Các ống kính tele cho cảm giác khoảng rõ mỏng hơn là do chúng có độ phóng đại lớn hơn, nhưng nếu bạn lùi lại cho đến khi bạn bao quát đủ khung hình như với ống kính góc rộng thì với cùng một khẩu độ bạn sẽ có chính xác cùng một khoảng rõ nét.
     

    Attached Files:

  24. Batigol

    Batigol Advanced Member

    Joined:
    4/12/05
    Messages:
    319
    Likes Received:
    2
    update đi bác ui. Vụ đo sáng bằng grey card bác nói rõ hơn được ko ạ
     
  25. Tuannguyen_71

    Tuannguyen_71 Advanced Member

    Joined:
    9/7/06
    Messages:
    850
    Likes Received:
    222
    Location:
    TP.HCM
    update rồi đấy ạ, tuy chưa được như e muốn :D
     

Share This Page

Loading...