Kinh nghiệm đó đây về loa

Discussion in 'Loa' started by Cellist, 21/12/05.

  1. hoangtrong

    hoangtrong Advanced Member

    Joined:
    2/5/13
    Messages:
    3.539
    Likes Received:
    2.184
    Location:
    Sài Gòn - Gia Định
    Em xin chia sẻ kinh nghiệm chơi loa hội trường của em. Em đang nghe Altec 9815, đây là dòng pro dùng trong hội trường, hãng xếp vào loại full range, có 2 đường tiếng, 1 bass 16 inches và 1 treble horn Mantaray, phân tần cắt ở 630 Hz. Loa này để nơi công cộng nên trung âm kinh khủng. Cặp loa em lấy thì lai phân tầng, không còn phân tần gốc, mà dùng phân tần Aletc N800 cắt tần ở 800 Hz, nên dễ nghe hơn 1 chút. Altec dòng home thì thường cắt tần ở 1200 hay 1500 Hz, năng lượng ít dồn vào treble horn nên dễ nghe hơn trong không gian nhỏ.

    Bất lợi của loa dùng cho hội trường khi đưa vào nhà để sử dụng đó là hạn chế trường âm của nó, được chế tạo để phát âm thanh đi xa trong không gian lớn, nay đưa vào phòng trong nhà, cảm giác là âm thanh quất vào mặt như đi dưới cơn mưa nặng hạt gió thối hạt mưa đập vào mặt mình, nghe rất khó chịu, y như loa phát thanh phường. Việc khai thác nó trong nhà thật không dễ dàng.

    Việc đầu tiên là trên phân tần chỉnh trường âm của treble, nên giảm tối đa để âm lượng của phần mid và treble giảm xuống cho người nghe đỡ khó chịu, nếu đánh biamp thì canh chỉnh vol cho vừa tai.

    Việc thứ hai là thường các loa này để chuyển tải tiếng nói là chính nên bass không mạnh mẽ lắm, nên dùng dây loa đồng OFC tiết diện lớn (cỡ 4 mm vuông/sợi đơn) để chuyển tải năng lượng kịp thời cho driver bass, nếu không sẽ bị thiếu trung trầm và trầm rất nhiều, nghe rất chói khi lên cao trào và âm sáng quá. Trước khi thay dây, em đã thử nhiều amp và các loại bóng vẫn chưa được, khi tìm được dây loa thì các thay đổi kia mới thấy hiệu quả. Nay loa 9815 của em nghe bass cũng khá tốt, thoải mái khi nghe vocal, jazz, kể cả pop, trừ nhạc sàn ra :)

    Việc thứ ba là tìm amp có công suất đủ lớn để có thể kiểm soát được cái loa, tiếng sẽ chặt chẽ, không bị lùng bùng, nhất là tiếng bass.

    Việc thứ tư là nguồn phát, tìm 1 CD tiếng dày, ấm sẽ phù hợp với loa hội trường vốn nghe khô, mộc.

    Một khi khai thác được rồi chất âm cũng khá đặc biệt, tiếng trung là thế mạnh của loa hội trường một khi được chế ngự và kiểm soát hoàn toàn.

    Một bác ở Cam Ranh đang vật vã với Altec 9812 giống như em cách đây 4 tháng, em cũng đang góp ý giúp bác ấy đây. Vài dòng chia sẻ :)
     
  2. Onapthanh

    Onapthanh Advanced Member

    Joined:
    30/4/13
    Messages:
    54
    Likes Received:
    52
    Location:
    Công ty Cổ phần Ổn áp Biến áp Standa Việt Nam
    Nge bác tâm tình về loa mà tỉnh cả người, kỹ thuật thiết kế và tạo ra mộtc chiếc loa là chuyện thi công còn nghe thì cũng cần có kiến thức riêng về từng dòng thì mới thấy hết được ưu điểm của nó
     
  3. tunglamtunglinh

    tunglamtunglinh New Member

    Joined:
    13/3/14
    Messages:
    3
    Likes Received:
    0
    Em cảm ơn bác hoangtrong đã chia sẻ!

    Em sẽ ngâm cứu vụ phân tần để cho vừa tai và không ảnh hưởng nhiều hàng xóm. Vì loa có sẵn công suất rồi, em chỉ cắm điện là nghe thôi (tuy nhiên cũng đang ngâm cứu thêm nguồn điện để ổn định) và con sub sẽ nối trực tiếp với con toàn dải, nên em chắc chắn là ko lùng bùng. Em đang lo nhất là 1 bộ phát đạt tiêu chí bác nêu, micro và bộ trộn, nếu bác thấy con nào tầm tầm, hay hay 2nd hay 50th hand bác tư vấn giúp. Chúc bác một tuần mới có nhiều niềm vui!
     
  4. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Chào các bác,
    em đang muốn giảm tải bớt một nửa bộ sưu tập đĩa than của mình, do không đủ khả năng bảo quản cũng như túng xèng. Bác nào muốn làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình hoặc đơn giản là gặp em xem đĩa chém gió cho vui xin liên lạc với em. Em xin lấy một bộ đĩa làm ví dụ để các bác tham khảo.

    Nếu thông tin em đăng lên đây vi phạm quy định của VNAV, các bác mod làm ơn chuyển hộ em đến đúng mục quy định với ạ. Xin cảm ơn!


    https://www.facebook.com/pages/XưỞng-TưỞng/663889157033947
    -----------------------

    Tác phẩm: 32 bản sonata cho piano của Beethoven
    Tác giả: Ludwig van Beethoven.
    Thể loại: độc tấu piano.
    Bản thu: năm 1967, bởi Amadeo.
    Tình trạng: cả bộ 11 đĩa gần mới, không vết xước, vỏ đĩa tốt, không rách.
    Nghệ sĩ trình tấu: nghệ sĩ dương cầm Friedrich Gulda.

    Tóm tắt & đánh giá cá nhân: 32 bản sonata cho đàn piano của Beethoven được coi là bộ tác phẩm kinh điển đồ sộ nhất viết cho đàn piano, và sáng ngang tầm với hai bộ tác phẩm kinh điển khác của Beethoven là bộ 9 bản giao hưởng và bộ 16 tứ tấu đàn dây. Cả ba bộ có điểm chung là được sáng tác trải dài trong suốt sự nghiệp của Beethoven, mang trong mình những đặc trưng âm nhạc Beethoven thời kỳ đầu (ảnh hưởng Haydn, Mozart), thời kỳ giữa (lãng mạn Beethoven) và thời kỳ cuối (trăn trở Beethoven). Tôi nghĩ, bộ 32 sonata cho piano này cũng là bộ thể hiện con người Beethoven và âm nhạc của ông dưới góc độ cá nhân nhất, bộc bạch nhiều tình cảm nội tâm nhất.
    Bản thu trọn bộ cả 32 sonata cho piano của Beethoven này là bản thu trọn bộ tác phẩm lần thứ 4 của Friedrich Gulda (1930 - *, Áo) – người được gọi là “nghệ sĩ dương cầm Beethoven”, mặc dù ông không hề cố tình trở thành nghệ sĩ chuyên chơi nhạc Beethoven. Gulda cũng là một trường hợp đặc biệt – khi 16 tuổi đã lừng danh, nhưng không giống như nhiều thần đồng sớm lụi tàn khác, Gulda không bao giờ hài lòng với chính mình, với những gì đã làm được. Tài năng âm nhạc [và khả năng tự phản tỉnh] của ông mạnh mẽ đến mức có thời kỳ Gulda bị khủng hoảng vì cảm thấy buồn chán với [giới hạn của] âm nhạc nói chung, không chỉ riêng nhạc cổ điển. Nhưng ông đã vượt qua để mỗi lần trở lại đều hoàn hảo hơn, bùng nổ hơn.
    Bản thu 32 sonata cho piano của Gulda được thực hiện năm 1953, khi ông mới 23 tuổi đã được nhiều nhà phê bình trứ danh đánh giá là hoàn hảo. Bản thu lần thứ hai cho Decca càng nổi tiếng hơn. Đến bản thu thứ ba cho đài phát thanh Áo thì người ta đã bảo nhau rằng: không thể hơn nữa, không ai chơi Beethoven được hơn thế nữa, kể cả chính Gulda. Thế nhưng Gulda vẫn không dừng lại, khi vào năm 1967, ông quyết định thu lần thứ tư và phát biểu rằng những bản thu trước chỉ đủ tốt để làm ví dụ cho sinh viên tập chơi, và rằng ở tuổi này (37 tuổi), ông mới đủ trưởng thành về trí tuệ trong khi kỹ thuật chơi đàn vẫn tốt như hồi trẻ, để tạo nên một bản thu hoàn hảo.
    Theo cảm nhận cá nhân tôi, Gulda đã thực sự làm được điều ông muốn qua bản thu này. Chơi chính xác, chi tiết, rõ ràng đến trong suốt về mặt phân tích cấu trúc tác phẩm, với tốc độ cao và không hề khoan nhượng đối với những đoạn lờ mờ không rõ ý bởi những nghệ sĩ dương cầm khác trước ông, Gulda đã tạo nên một chuẩn mực mới trong việc hiểu và diễn tấu các sonata cho piano của Beethoven. Không chỉ vậy, tất cả những điều xem như lạnh lùng, lý trí bề trong cách thể hiện trên đối với người nghe không tinh chỉ là bề nổi của núi băng (!) tình cảm vô cùng nhạy cảm ông dấu phía dưới mỗi nốt nhạc. Nghe những chương chậm mấy sonatas cuối (30, 31, 32) chẳng hạn – tiết tấu nhanh, nghe lành lạnh ấy rõ ràng không lý trí tí nào, thậm chí quá điên, quá dồn nén, bởi từng nốt đàn ngân lên không hề hời hợt chút nào.
     
  5. Dang Quang Hai

    Dang Quang Hai Advanced Member

    Joined:
    29/10/13
    Messages:
    122
    Likes Received:
    69
    Bài viết hay quá ! em xin phép đánh dấu để đọc dần ah
     
  6. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Hôm nay lọ mọ vào lại.. chốn xưa và nhìn thấy bài mình viết cách đây đúng 5 năm. Dù bây giờ nếu được viết lại, mình sẽ viết hơi khác (bỏ nhiều đoạn tiền giả định người đọc hiểu các quy tắc suy luận logic cơ bản và hiểu một số thuật ngữ triết, toán, nhạc) cho dễ hiểu đối với bạn đọc bình thường, nhưng vẫn xin chia sẻ lại cho các bạn yêu nhạc. Nếu có thể, các bạn nên tìm bài này (google 4'33" và những hoàng đế cởi truồng) trên trang nguồn để đọc thêm các phản hồi thú vị. Chú ý: bài dạng tản văn dài, đoạn đầu về toán học với âm nhạc và về nhạc Bach mình viết để rào trước đón sau các phản biện có thể xảy ra. Bạn nào muốn đọc thẳng nhận xét của mình về tác phẩm 4'33" của John Cage có thể lướt qua.

    -----------

    Tựa đề: 4'33" và những hoàng đế cởi truồng
    Người viết: mình
    Đăng trên: (tên nhạy cảm) 27/08/2009




    *********
    Tại sao toán học không phải là âm nhạc?

    Một cách trực giác, có lẽ ai cũng biết toán học và âm nhạc không giống nhau. Nhưng trình bày nó một cách hình thức không dễ. Theo thiển ý của tôi, điểm khác biệt mấu chốt giữa toán học và âm nhạc nằm ở chỗ một lý thuyết toán học có tính khách quan tuyệt đối còn một tác phẩm âm nhạc chỉ có tính khách quan tương đối, tức là có tính chủ quan.

    Toán học không có chỗ cho cảm nhận chủ quan. Một lý thuyết toán học là đúng hoặc sai, bất chấp việc người ta cảm nhận nó là hay hoặc dở. Giá trị của nó chỉ được xác định bởi việc nó đúng hay sai.

    Nhưng mặc cho một bản nhạc có một giá trị khách quan tương đối được xác định bởi giới chuyên môn, bởi lịch sử v.v., thì người ta vẫn có thể nhận xét về nó một cách hoàn toàn chủ quan. Khi nghe một bản nhạc, cảm nhận của chúng ta về nó có thể hoàn toàn không chứa đựng một mẩu lý trí nào. Hơn thế nữa, chúng ta có thể không cần hiểu tí gì về âm luật, về ý đồ hay tư tưởng tình cảm của tác giả gửi gắm trong tác phẩm, mà vẫn thích hoặc không, tức là thấy hay hoặc dở, bất chấp ông nhạc sĩ A bà nghệ sĩ B nói gì làm gì. Tính chủ quan trong thưởng thức âm nhạc là một sự thật khách quan không thể phủ nhận.

    Trong âm nhạc hiện đại, có những nhạc sĩ đã phát biểu rất nhiều về sự hay, sự sâu sắc trong tác phẩm của họ một cách hùng hồn mà người nghe không thấy vậy. Chẳng hạn, ông nhạc sĩ X viết một bản nhạc mà khoảng cách giữa các nốt tuân theo chuỗi Fibonacci (1) về thời gian, tức là nốt thứ hai vang lên sau nốt thứ nhất 1s, nốt thứ ba sau nốt thứ hai 1s, nốt thứ tư sau nốt thứ ba 2s, nốt thứ năm sau nốt thứ tư 3s… X khăng khăng rằng bản nhạc này là một tuyệt tác, vì rằng nó hàm chứa những chân lý sâu sắc về nhiều quá trình phát triển của động thực vật diễn ra trong tự nhiên.

    Vâng, cứ cho là tác phẩm của X sâu sắc đi, thì nghe nó vẫn cứ dở. Vấn đề có phải chỉ nằm ở tính chủ quan trong thưởng thức âm nhạc hay không? Theo tôi thì không chỉ vậy. Ở đây còn có cả câu chuyện về tính độc lập tương đối giữa tư tưởng của tác phẩm và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Nó mang dấu ấn của sự khác biệt giữa triết học và âm nhạc mà tôi sẽ bàn tới trong câu hỏi tiếp theo đây.

    *********
    Tại sao chúng ta yêu nhạc Bach?

    Bach dùng toán nhưng không làm toán. Những tính toán, sắp xếp kỹ lưỡng về cấu trúc của Bach cho một tác phẩm nhằm đem lại hai điều: truyền tải những thông điệp mang theo tư tưởng, tình cảm của ông và mang đến sự thỏa mãn tâm lý về âm thanh cho người nghe.

    Bach triết lý nhưng không triết lý suông. Nếu chỉ để bày tỏ lòng kính Chúa một cách cụ thể, có lẽ Bach đã viết văn xuôi, chứ không viết những bản nhạc có lời. Và những bản nhạc không lời của Bach vẫn hay, không cần Bach phải giải thích tư tưởng ông gửi gắm trong nó với người nghe. Thậm chí, kể cả đối với những người vô thần phản cảm với tôn giáo, đã hiểu nội dung tôn giáo trong các bản nhạc mang màu sắc tôn giáo của Bach, thì họ vẫn có thể thấy chúng hay – hay vì giai điệu hay hoặc vì họ có thể hiểu nội dung của chúng một cách phi tôn giáo.

    Ông nhạc sĩ X kia đã nhầm, khi hầu như hoàn toàn đánh đồng tư tưởng với giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chính xác hơn, X đã sai lầm khi cho rằng một chuỗi âm thanh mang trong mình một mẩu toán học cộng một chút triết học sẽ tạo ra một tác phẩm âm nhạc tuyệt tác. Cũng có thể ông ta không nhầm, mà là cố tình nhầm, bởi vì ông ta thiếu cái mà Bach không thiếu: tài năng âm nhạc. Đó là khả năng sáng tạo giai điệu, xử lý tác phẩm, kiến thức, vốn sống và có lẽ đây mới là yếu tố quan trọng nhất: cảm xúc. Khác với những người như ông X, Bach biết cách phối hợp hoàn hảo toán học và triết học với tài năng âm nhạc của mình để tạo ra những tuyệt tác mà chúng ta yêu thích.

    *********
    Âm thanh versus âm nhạc

    [Xin quí vị kiên nhẫn thêm một chút, chúng ta sắp đến đích rồi.]

    Người ta đã tranh cãi rất nhiều về việc liệu một tập hợp tiếng động bất kỳ có phải là một tác phẩm âm nhạc hay không và câu trả lời phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như hoàn cảnh, thời điểm, trào lưu, lập trường v.v. cho nên tôi sẽ không lạm bàn thêm. Tạm thời, tôi xin chấp nhận là có.

    Vậy im lặng có phải là âm nhạc hay không?

    Lần này, lý trí lành mạnh nói với tôi rằng không.

    Mặc dù im lặng cũng là một hiện thể đặc thù của âm thanh, giống như tiếng động, nên người ta cũng có thể xếp nó vào phạm trù âm thanh, nhưng với sự im lặng, cái giới hạn phân biệt âm thanh với âm nhạc đã bị phá vỡ hoàn toàn. Phải chấp nhận một chuỗi gồm mười tiếng động bất kỳ là một tác phẩm âm nhạc là một việc không bình thường với nhiều người. Nhưng phải chấp nhận chỉ một tiếng động cũng là một tác phẩm âm nhạc thì quả là một việc điên rồ vượt qua sức chịu đựng của đại đa số chúng ta. Đằng này, có người còn muốn chúng ta chấp nhận không một tiếng động nào cũng là một tác phẩm âm nhạc!

    *********
    4’33“

    Bản 4’33” là một tập hợp âm thanh im lặng mà John Cage và những tín đồ của ông ta gọi là một tác phẩm âm nhạc. Không chỉ vậy, Cage còn gọi nó là tác phẩm tiêu biểu của mình vì nó thể hiện tư tưởng của ông một cách triệt để nhất: đạt được tính ngẫu nhiên tuyệt đối trong âm nhạc.

    Trong trường hợp này, Cage đã vượt xa cả ông nhạc sĩ X trong việc đánh đồng tư tưởng với giá trị âm nhạc của tác phẩm.

    Diễn giải phổ thông nhất của 4’33” là: với 4’33”, Cage biến chúng ta – những khán giả – trở thành chính những nghệ sĩ trình tấu. Như vậy, từ vai trò là kẻ bị động thuần túy, khán giả trở thành kẻ chủ động. Âm nhạc của 4’33” bao gồm tất cả những gì là âm thanh phát ra bởi những người có mặt và môi trường xung quanh. Vì không thể biết trước những âm thanh gì sẽ nổi lên, âm nhạc của Cage có tính ngẫu nhiên tuyệt đối.

    Những tín đồ của Cage vẫn thường tán tụng 4’33” theo nhiều cách nữa, có lẽ là để cho nó thêm phần long trọng. Có người tán rằng Cage muốn nói lên cái gọi là “Sự nghe lắng nghe chính bản thân nó.” rồi… chấm hết. Một số người lại chốt một câu: “Hãy lắng nghe im lặng để thấy im lặng không phải là lặng im.” hay “Im lặng không phải là tuyệt đối.” v.v.

    Tóm lại là, dù người ta đại diễn kiểu gì đi chăng nữa về sự sâu sắc của 4’33”thì thực tế mà khán giả nhận được khi nghe 4’33” rất có thể chỉ là vài ba tiếng… xì hơi, tuy không điếc tai nhưng điếc mũi.

    *********
    … và những ai cởi truồng

    Vâng, người ta có thể tán 4’33” theo đủ các cách khác nhau. Từ không có gì cả người ta có thể suy diễn ra bất kỳ cái gì, tức là ra tất cả. Tất cả mọi suy diễn đều sẽ đúng. Nhưng tôi vẫn chưa nói tới điểm chính yếu nhất, đó là ý kiến của quí vị về 4’33”. Thứ nhất, quí vị có thấy 4′33″ là một tác phẩm âm nhạc không? Nếu câu trả lời của quí vị là có, thì để có được tiếng nói chung trong khoảnh khắc quyết định này, tôi cũng xin tạm đồng ý rằng 4’33” là âm nhạc và mọi diễn giải sâu sắc của quí vị về nội dung tư tưởng của 4’33” đều đúng. Và đây là câu hỏi thứ hai: Quí vị có thấy 4’33” hay không? Nếu câu trả lời lại là có, thì tôi phải thành thật mà nói rằng quí vị đang đóng vai hoàng đế cởi truồng.

    Vâng, Cage đóng vai trò người thợ may, còn quí vị đóng vai hoàng đế. Các vị cũng giống như ông hoàng đế cởi truồng, nhưng lại nghĩ mình đang mặc một bộ quần áo đẹp nhất, quí giá nhất.

    Tôi không nói rằng quan điểm duy tâm chủ quan của quí vị là sai hay dở. Quí vị có thể nhìn thế giới như là cái nó là trong tưởng tượng hay mong muốn, bất chấp cái nó là trong thực tế. Tôi chỉ làm một công việc, rất có thể là thừa, là chỉ ra thực tế. Không chỉ vậy, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng quí vị. Quí vị đã nhập vai rất đạt, đến mức tôi còn nghi ngờ rằng không hiểu liệu quí vị có bị nhập vai đến mức tưởng quí vị thực sự là các hoàng đế hay không.

    *********
    ... vì sự nhạy cảm của con số 4’33” và từ cởi truồng

    4’33” là một con số nhạy cảm. Cởi truồng cũng vậy. Sự kết hợp giữa chúng dễ dẫn đến những liên tưởng mà có lẽ cả giới phê bình âm nhạc chưa từng nghĩ tới nhưng chúng ta ai cũng nghĩ tới, ngày ngày. Chúng ta biết 4’33” là khoảng thời gian cầm cự trung bình của một người đàn ông khi hoạt động tính dục. Bởi vậy 4’33” là một thực tế khách quan cần được tôn trọng, và một lời chê bai nó rất dễ dẫn đến những xung đột đôi lứa đáng tiếc, nhiều khi không thể cứu vãn. Thế nhưng, trường hợp 4’33” rất có thể là ngoại lệ duy nhất. Những câu cảm thán đầy tính ngợi ca như:

    “Chao ôi, hết rồi ư?”

    “Sao mà ngắn thế?”

    “…”

    và những biểu cảm kiểu:

    mãi vẫn mộng du, hay

    co giật từng hồi như bị động kinh cấp tính (2)…

    rất có thể sẽ làm các hoàng đế cởi truồng khác rưng rưng nước mắt hạnh phúc, còn Cage dưới suối vàng lại tủm tỉm cười.

    *********
    Hạ màn

    Tái bút: Vài lời cuối cho nhau

    Nếu chúng ta thực sự coi 4’33” là tác phẩm tiêu biểu của Cage, thì Cage xứng đáng với danh hiệu con buôn âm nhạc, hoặc trang nhã hơn – một nghệ sĩ trình diễn (performance art) về âm thanh (3), chứ không phải là một nhạc sĩ. Rất may, sự nghiệp âm nhạc của Cage không bắt đầu với 4’33” và cũng không chấm dứt bởi nó. Tính ngẫu nhiên mà Cage sùng bái không ngăn cản được một thực tế xảy ra: người ta có thể thấy ở đâu đó, về một số khía cạnh nào đó, trong các tác phẩm của Cage vẫn có tính phi ngẫu nhiên. Chẳng hạn tôi cho rằng Nhạc của Dịch (Music of Changes) [Cage viết sau khi đọc Kinh Dịch] là một tác phẩm dạng này và nó có giá trị. Đó là chưa kể tới những tác phẩm viết theo lối chuỗi (serial music) mà Cage viết để chứng tỏ khả năng với Pierre Boulez trong thời kỳ hai người đối lập gay gắt về tư tưởng.

    Người ta nói rằng Cage có ảnh hưởng không nhỏ đối với các nhạc sĩ sau ông. Tôi không biết cụ thể họ chịu những ảnh hưởng gì của Cage, nhưng điều đó không nói lên rằng Cage là một nhạc sĩ lớn. Tôi thích câu Arnold Schönberg đã nói trong một lần được hỏi: “Tôi cho rằng Cage là một nhà phát minh lớn, chứ không phải là một nhạc sĩ lớn”. Có lẽ, khó có ai hiểu rõ trò hơn thầy, mà Schönberg không chỉ là một người thầy tầm thường, càng không phải là một nhạc sĩ tầm thường. Thậm chí, cả với tư cách là một nhà cải cách âm nhạc, Cage cũng khó mà so được với Schönberg – người đã thực sự tạo ra cuộc cách mạng triệt để nhất trong lịch sử âm nhạc.

    ____________

    Chú thích:

    1. Trong toán học, dãy số Fibonacci: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21,… (tức là cứ số sau thì bằng tổng của hai số trước nó) là một dãy số rất đặc biệt. Nó mô phỏng rất nhiều quá trình xảy ra trong tự nhiên, chẳng hạn tốc độ tăng trưởng của đàn thỏ. Trong trường hợp này, tham khảoWikipedia không tồi.

    2. Tôi xin kể hai chuyện giang hồ đồn đại để minh họa. Chuyện thứ nhất: Trong buổi diễn tập tốt nghiệp của học trò mình, anh Trọng Bằng ở dưới sân khấu vẫn còn tiếp tục say sưa hoa chân múa tay bắt nhịp chỉ huy như người mộng du, mặc cho bản Giao hưởng số 5 của Beethoven do học trò anh chỉ huy đã sớm kết thúc. Chuyện thứ hai: trong buổi diễn tập biểu diễn bản concerto số 5 cho dương cầm và dàn nhạc của Beethoven, anh trai của chị Tôn Nữ Nguyệt Minh, vốn cũng là một nghệ sĩ dương cầm, ngồi dưới sân khấu cũng vung tay chơi không tiếng theo. Không hiểu trình độ của anh so với chị Nguyệt Minh ra sao, nhưng có một điều chắc chắn: anh biểu cảm [bằng cơ thể] mãnh liệt hơn chị Nguyệt Minh nhiều; [dường như] anh xúc động đến mức mặt mũi đau đớn, tay chân run rẩy, cơ thể co giật từng cơn như người bị khó thở, đau tim hoặc động kinh.

    3. Đã sửa lại từ ”xếp đặt” thành ”trình diễn” nhờ góp ý của anh Như Huy.
     
    LắngNghe likes this.
  7. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Sacroyant Nguyen nói:

    27/08/2009 lúc 3:33 chiều

    Rất tuyệt, thưa ông Nguyễn Khánh Hưng. Bài viết của ông diễn giải giúp tôi những điều đã làm tôi suy nghĩ kể từ khi nghe ông Nguyễn Đình Đăng đề cập đến tác phẩm âm nhạc 4’33“ (sau đây xin nói gọn là 4′33).


    Nếu xét trên bình diện tư tưởng, tôi cho rằng 4’33 thể hiện được một chút tinh thần Đông Phương. Đó là cái triết thuyết sắc – không, vô – hữu mà ta thường bắt gặp nơi Khổng Lão Trang hay trong Phật học. Những triết thuyết ấy đã được áp dụng vào các lĩnh vực riêng biệt để hôm nay chúng ta có võ thuật phi võ thuật kiểu Lý Tiểu Long, hay triết học phi triết học kiểu Jiddu Krishnamurti… Vậy thì cũng không có gì lạ nếu Cage cố ý gọi 4′33 của ông ta là một thứ “âm nhạc phi âm nhạc”!

    Nhưng khi “Cage cho rằng âm nhạc không phải là một cách để giao tiếp, cũng không phải là cách để tự biểu hiện.”, thì tôi không thể nào chấp nhận. Bởi lẽ âm nhạc cũng là một ngôn ngữ có cú pháp và những chuẩn tắc của nó. Mà mục đích của ngôn ngữ là gì nếu không phải để giúp con người giao tiếp và/hoặc tự biểu hiện.

    Theo quan điểm của tôi, âm nhạc là một tập hợp nhỏ hơn nằm bên trong tập hợp âm thanh vô cùng tận của vũ trụ. Nói “âm nhạc là âm thanh” thì không sai, nhưng nói “âm thanh là âm nhạc” thì không chắc chắn đúng, do đó mới phát sinh thuật ngữ “âm thanh âm nhạc” để chỉ cụ thể một loại âm thanh mang nhạc tính.

    Mệnh đề “Im lặng là một trạng thái khác của âm thanh” có thể có lý. Nhưng bảo im lặng là âm nhạc thì tôi xin thua!

    m xin copy lại cách phản hồi về bài viết trên vào đây cho các bác các bạn đọc thêm:
    ---------------------
     
  8. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Đào Nguyên nói:

    28/08/2009 lúc 6:15 sáng

    Được làm vua ở truồng 4′33″
    Ai chỉ chỏ cười nói ta cho vào máy
    Xay!
    Làm thường dân trần truồng dạo phố
    Trong 1′35″
    Coi chừng công an đến xúc nếu không
    Chạy!!
    Phó thường dân nơi núi rừng “học tập”
    Chiều chiều “chuổng cời” ôm nhau tắm trong gió bấc
    Đếch ai bảo rằng chúng ta
    Gay!!!
    Nói vậy chớ tại Paris vừa qua thanh niên thiếu nữ trần truồng như nhộng đạp xe đạp biểu tình hàng giờ và được các ‘bạn dân’ bảo vệ đàng hoàng. Có sao đâu!
    Quần, áo, truồng, $$$, vàng, mộc dược, nhủ hương, sừng tê giác, ngà voi, kim cương, giẻ rách, xe đạp, xe hơi …thảy đều là hư không. Cái chi chì cũng đều có ích, và nên hỏi ta đã làm chi với cái chi chi đó vào cuối cuộc đời.
    Đôi dòng góp ý cho vui cửa vui nhà nhé!;-))
     
  9. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    chanqua nói:

    28/08/2009 lúc 7:49 sáng

    Trong toán học cũng có cả con buôn kia mà! Một anh bạn của tôi có một thời làm MathBio (Toán Sinh) và nghiên cứu các khía cạnh toán học của những mô hình xuất phát từ sinh học. Gần đây anh quay về lý thuyết toán thuần túy và khi tôi hỏi tại sao thì anh ấy trả lời “Có cảm giác rằng ngày càng nhiều lũ lừa đảo và con buôn khoa học”. Té ra là khi anh được mời đọc báo cáo tại một hội thảo về toán ứng dụng của SIAM thì anh nhận xét rằng chỉ có bài anh đọc là có phát biểu các định lý với chứng minh toán học chặt chẽ, còn lại là các bài với mô hình được đưa ra cũng với những dữ liệu chạy trên computer rồi múa may bảo rằng cái model của mình là good! Toán học cần chứng minh! Vậy trong các bài báo đó ở một hội thảo toán ứng dụng thì đâu là phần của toán? Anh bạn tôi chán và bảo chỉ một lũ muốn publish craps và anh ta bye bye bọn ấy từ đó!

    Các ngành khoa học khác cũng vậy. Không hiểu có phải do toán hơi khó nhai và nhiều người sợ nên một số nhà “khoa học” (với cái kiến thức toán tàm tạm) thỉnh thoảng lại dùng vài cái phương trình sơ đẳng (diiference / ordinary differential) đưa vào mấy cái models rồi chạy máy tính (simulation), để ra vài cái đồ thị rồi nói rằng cái model của mình là the best! Dân làm toán thì sẽ cười mà bảo “máy tính nó làm tính cho anh” và “anh chạy máy bao nhiêu lần thì đủ để nói cái của nh là the best?”. Nhưng không sao! Dân không làm toán thì sợ khiếp vía vì đa số chỉ học hết calculus rồi thôi. Vậy là đủ để kiếm cháo rồi.

    Tôi lấy một thí dụ nhé. Một anh làm nghiên cứu về thịt bò đông lạnh và kỹ nghệ tủ lạnh, biết võ vẽ về calculus và programming, viết một lô các “công trình” loại như trên. Dùng máy tính để chạy trên vài trường hợp làm vài so sánh với các models khác rồi cho rằng cái model của anh ấy là tốt nhất, mô tả tốt nhất cái lạnh của miếng thịt bò! Tôi biết rằng khoa học thực nghiệm thì phải như thế nên không đòi hỏi anh ta những chứng minh toán học chặt chẽ nhưng tôi đánh giá anh ta thấp hơn dân ngồi trong phòng thí nghiệm! Tại sao? Cái model của anh ta đã được đơn giản hóa quá mức vì đời thực thì quá phức tạp và, quan trọng hơn, khả năng toán của nh ấy chỉ có thế thôi! Nhưng thế là cũng được một lô bài báo “khoa học”.

    Đời nó thế!
     
  10. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Lề Trái nói:

    29/08/2009 lúc 5:10 sáng

    Đọc bài này tôi hơi thấy buồn (cười). Chuyện John Cage thế giới này đã giải quyết từ những năm 70, không ngờ hơn 30 năm sau mới bò tới VN hải ngoại. Không ngờ tính bảo thủ của dân tộc ta có thể mặc nhiên như không bất kể ở đâu, thâm sơn cùng cốc hay những trung tâm white-hot nhất của thế giới về sáng tạo.

    Nhận định của Schönberg chỉ là nhận định, cũng như Boulez từng hét “Schönberg est mort”. Đem nó để tham khảo thì được chứ đưa thành chân lý…

    Khả năng John Cage như một composer đặc trưng của thế kỷ 20 đã được minh xác, tại sao tôi phải làm lại một lần nữa với người Việt là một điều đáng suy ngẫm. Thôi thì…

    Freeman Etudes
    http://www.youtube.com/watch?v=YflfGMo3O2Q

    Etudes Australes
    http://www.youtube.com/watch?v=JohydSPu ... re=related

    Tôi không kể đến Sonatas & Interludes vì lúc sáng tác Bacchanale cho Merce Cunningham & Co, Cage cần dàn Gamelan nhưng chỉ có mỗi cây piano, Sonatas & Interludes cũng nằm trong diện này.

    Về mặt lý thuyết, nếu xét quan hệ giữa những dấu (khoảng) lặng và âm thanh, sự tương quan giữa 2 thành phần đó như thế nào. Nếu kết luận kiểu Leibniz, tức là khoảng lặng làm nổi âm thanh, ta sẽ phải loại trường hợp Takemitsu. Nếu chúng có quan hệ bình đẳng thì 4′33” hoàn toàn có lý để tồn tại. Ta xét ngược những bản nhạc perpetuo mobile kiểu ong, ruồi, muỗi trong đó không có 1 dấu lặng nào, nhưng nó vẫn được chấp nhận về sự tồn tại. Tôi hy vọng có người sẽ lên tiếng phản đối rằng khoảng lặng nằm giữa 2 nốt nhạc. Với lỗ tai chủ quan như tôi, good luck trong việc chứng minh tồn tại khoảng lặng giữa 2 nốt móc kép ở tốc độ nốt đen = 128 hay nhanh hơn. Tức là khoảng lặng trong những bản nhạc ruồi muỗi (hầu như) hoàn toàn biến mất. Thêm một bước nữa, một nốt ngân dài có thể là âm nhạc được không. Ở Sequenza VII của Berio cho oboe, ta có thể xem như một bản Variations trên nốt Si. Bản nhạc cũng ghi rõ nốt Si từ bất cứ nguồn nào (electronic hay instrumental) ngân từ đầu đến cuối bản. Đó là biến tấu, chủ đề có đứng vững không. LaMonte Young và Pauline Oliveros với Deep Listening Band của bà trả lời câu hỏi này. Oliveros gọi sáng tác của mình là Meditations, thường là dựa trên 1 nốt như là điểm tập trung (point of focus). Có lẽ bắt nguồn từ Messiaen, trong cuốn lý thuyết duy nhất của mình, Messiaen suy luận khi nghe 1 nốt, người soạn nhạc phải nghe được hết tất cả các âm bồi (harmonic tones) của nốt đó.

    4′33″ chỉ là một bước kế. Người can đảm đi bước đó là Cage.

    Tôi chưa bàn đến đóng góp quan trọng nhất của 4′33″ trong quan hệ giữa âm thanh/âm nhạc. Ai muốn biết thêm, có thể tham khảo những từ khóa như music concrete hay computer music, từ đó dẫn ra kết luận riêng cho mình.

    John Cage có quan hệ mật thiết với những nghệ sĩ thời đó như Jasper Johns, Rauschenberg, hay Indiana. 4′33″ chỉ là những tư duy nghệ thuật thời bấy giờ được Cage ứng dụng cho âm nhạc.

    Có nên nhắc lại nhận định của Goya khi nhà thờ (nắm quyền lực thời đó) kết luận bức Maja desnuda của mình là khiêu dâm không nhỉ?
     
  11. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Nguyễn Khánh Hưng nói:

    01/09/2009 lúc 12:06 sáng

    Thưa ông Như Huy, xin cảm ơn ông đã giúp tôi chuyện thuật ngữ. Dù việc sửa chữa này không hệ trọng, nhưng tôi sẽ làm.

    ——————–

    Thưa ông Sacroyant Nguyễn, ông viết: “”Theo quan điểm của tôi, âm nhạc là một tập hợp nhỏ hơn nằm bên trong tập hợp âm thanh vô cùng tận của vũ trụ. Nói “âm nhạc là âm thanh” thì không sai, nhưng nói “âm thanh là âm nhạc” thì không chắc chắn đúng, do đó mới phát sinh thuật ngữ “âm thanh âm nhạc” để chỉ cụ thể một loại âm thanh mang nhạc tính.”

    Vâng, tôi cũng cùng quan điểm với ông. Xin cảm ơn ông đã chia sẻ.

    ————————-

    Thưa ông Đào Nguyên. Tôi xin góp thêm vài lời. Tôi viết bài này đúng là không chỉ để nói chuyện âm nhạc, tôi muốn gợi đến những chuyện xa hơn. Chẳng hạn, tôi nghĩ ở VN ta có nhiều hoàng đế cởi truồng lắm, ngày càng nhiều. Không chỉ bọn trọc phú (nhà giàu mới nổi) mà còn cả giới trung, thanh niên được xã hội đánh giá chung là học vấn và thành đạt.

    ———————–

    Thưa ông chanqua: xin cảm ơn ông đã chia sẻ. Tôi cũng đồng ý về chuyện làm tiền trong khoa học kỹ thuật. Không giấu gì ông, tôi cũng là người sang ngang, bỏ ngành có thể kiếm ra tiền để học ngành tôi thích.
     
  12. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Nguyễn Khánh Hưng nói:

    01/09/2009 lúc 12:16 sáng

    Thưa ông Lề Trái: sau khi đọc phản hồi của ông, tôi cũng thấy buồn cười.

    Ông viết: „Chuyện John Cage thế giới này đã giải quyết từ những năm 70, không ngờ hơn 30 năm sau mới bò tới VN hải ngoại. Không ngờ tính bảo thủ của dân tộc ta có thể mặc nhiên như không bất kể ở đâu, thâm sơn cùng cốc hay những trung tâm white-hot nhất của thế giới về sáng tạo.“

    Thưa ông, ông là người đầu tiên nói cho tôi biết rằng việc xét lại giá trị nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật là một hành động lạc hậu. Về phần mình, tôi thấy tôi hoặc bất kỳ ai khác cũng có quyền xét lại Cage [bất chấp ông nhạc sĩ A bà nghệ sĩ B nói gì làm gì vào những năm 70]. Đó cũng là lý do tại sao tôi phải lan man chuyện toán học ở đây. Tôi đã muốn làm nổi bật một điều: tính chủ quan của âm nhạc và của việc thưởng thức, đánh giá nó.

    Còn câu ông chêm thêm về tính bảo thủ của dân tộc ta thì thú thật là tôi không muốn bàn tiếp. Lỗi ngụy luận (fallacy)! Ông có thể phán tôi là lạc hậu [vì không kịp cập nhật thông tin từ năm 70], nhưng bảo thủ thì e rằng không thích hợp, thưa ông. Nếu ông Phạm Quang Tuấn hay một số người khác bên kia chiến tuyến có thời gian vào đây đọc, chắc hẳn ông sẽ bị khoác ngay một chiếc áo choàng ngụy luận (fallacy) rất hào hoa phong nhã lên người. Nhưng nó chưa phải là lỗi ngụy luận cuối cùng trong bài ông viết đâu.

    Ông viết: „Nhận định của Schönberg chỉ là nhận định, cũng như Boulez từng hét “Schönberg est mort”. Đem nó để tham khảo thì được chứ đưa thành chân lý…“

    Thưa ông, xin thông báo là ông đã mắc lỗi ngụy luận thứ hai. Tôi đã viết: „Tôi thích câu Schönberg nói ..“. Xin ông để ý kỹ chữ „thích“.
    Vâng, tôi không bảo rằng câu Schönberg nói là chân lý, càng không bảo là nó [chắc chắn] đúng. Tôi xin nhắc lại một lần nữa về tính chủ quan của âm nhạc, của việc thưởng thức và đánh giá nó.

    Ông viết: „.. 4′33″ chỉ là một bước kế. Người can đảm đi bước đó là Cage.
    Tôi chưa bàn đến đóng góp quan trọng nhất của 4′33″ trong quan hệ giữa âm thanh/âm nhạc. Ai muốn biết thêm, có thể tham khảo những từ khóa như music concrete hay computer music, từ đó dẫn ra kết luận riêng cho mình.
    John Cage có quan hệ mật thiết với những nghệ sĩ thời đó như Jasper Johns, Rauschenberg, hay Indiana. 4′33″ chỉ là những tư duy nghệ thuật thời bấy giờ được Cage ứng dụng cho âm nhạc.
    Có nên nhắc lại nhận định của Goya khi nhà thờ (nắm quyền lực thời đó) kết luận bức Maja desnuda của mình là khiêu dâm không nhỉ?“

    Nếu ông cho rằng „vài ba tiếng.. xì hơi“ mà tôi đã viết, cũng là những nốt nhạc được nổi bật lên, nhờ [khoảng lặng dài] 4’33“, hay đơn giản 4′33″ là một tuyệt tác, giống như những hoàng đế cởi truồng khác, thì xin báo cáo là: ông đã không khảo mà xưng.

    Tôi cũng không thấy sự tương tự giữa 4′33″ với âm nhạc và bức tranh Maja desnuda với hội họa, thưa ông. Ông lại mắc lỗi ngụy luận tiếp theo rồi đấy.

    Thôi thì, vì sự lạc hậu so với những năm 70 của mình, tôi rất hy vọng được ông khai sáng, [thông qua việc kể lại đánh giá của giới chuyên môn về Cage trong những năm 70] và về sự quan trọng của 4′33″ trong liên hệ giữa âm thanh và âm nhạc. Chỉ sau đó, một cuộc nói chuyện giữa chúng ta về Cage mới có thể có chút ý nghĩa nào chăng?
     
  13. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Lề Trái nói:

    01/09/2009 lúc 5:11 sáng

    Theo lý thuyết về fallacy, không ai có thể suy diễn thêm hơn những gì (đã được) viết xuống hay nói ra mặc dù ngữ cảnh có muốn nói gì đi nữa. Tương tự, nhà nước XY hiện thời không bao giờ đàn áp báo chí hay dân chủ vì nhà nước chưa bao giờ nói mình đàn áp và phần lớn những kẻ được (bị) nhà nước “mời” lên làm việc đã thú nhận. Đơn giản vì nếu ai nói nhà nước đang đàn áp dân chủ, sẽ rơi thẳng vào fallacy (lại fallacy!) đoán ý nghĩ của đảng, hay đặt vào mồm những gì đảng không nói (và vì vậy, không nghĩ). Ôi nếu thế giới này chỉ có vậy!
    Đấy nhé, đừng bảo những kẻ giấu tên không làm lợi gì cho nhà nước . Đảng ta chỉ cần nống lên fallacies thì, về mặt lý thuyết, sự tồn tại của rất nhiều websites, kể cả Z, hoàn toàn mất ý nghĩa. Tại sao tới giờ này đảng chưa làm nhỉ? Ít nhất có một loạt “trí thức” sẽ ủng hộ, kể cả những “non-political”. Trước giờ đảng đã nhận cái gì đâu. Những kẻ nói đảng ta thế này thế nọ chẳng qua chỉ là ngụy biện cả.
    Coi như ngành semantics đi đời, (theo tôi, hữu hiệu nhất trong việc giải quyết nghịch lý) và cả ví dụ của Martin Gregor-Dellin về Honecker.
    Martin Gregor-Dellin cho ta một ví dụ thú vị về trường hợp này khi nghiên cứu về mặt ý nghĩa (semantics) của xã hội chủ nghĩa ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Ông ta phân tích bài diễn thuyết của Erich Honecker và vấp phải câu nói, “Theo thường lệ, Đảng ta sẽ lập kế hoạch và lãnh đạo với hướng nhìn về tương lai.” Gregor-Dellin đáp lại: “Ở đây lời nói phản thùng kẻ nói dối. Nó lột mặt nạ một kẻ đáng lẽ điều hành lại hành xử như một tên cơ hội. Vì vậy luật pháp không phải do hiện thực kinh tế và xã hội quyết định mà do chính đảng “lập kế hoạch và lãnh đạo theo lệ thường.” Nhiệm vụ của tôi không phải chứng minh Honecker đang đi ngược lại chủ nghĩa Marx. Dẫn chứng cho thấy trong khoảnh khắc, ngôn ngữ độc lập với tư duy đã làm khổ người nói. Cái hiện lên là bản chất bất cần của trung ương đảng trong sự đồng thuận rằng luật lệ thay vì phục vụ, phải được áp đặt”.

    Tôi không nói đánh giá lại là sai. Cách đây chừng vài năm, bên Anh đem những bản thiết kế của Da Vinci thành hiện thực. Thất vọng tràn trề; 10 cái thì 8 cái không xài được, 2 cần điều chỉnh trên 50% dữ kiện. Cái mà tôi nói chỉ ra tính bảo thủ là không đưa ra được vấn đề gì mới. Những vấn đề đưa ra đã được thế giới giải quyết cách đây hơn 30 năm, lại dẫn câu nhận định của Schonberg rồi nói là mình chỉ thích . Tất nhiên ông (và Sacroyant Nguyễn) đều không mắc lỗi fallacy nào hết. Thôi thì tôi bắt chước các ngài mà dẫn ra 1 câu “liars, pants on fire”. Tất nhiên tôi chỉ thích mà không ám chỉ gì/ai cả .

    Trở lại vấn đề chính. Tới đây tôi phải đi sâu một tí về kỹ thuật. Xin hỏi lại ông NKH định nghĩa những “âm thanh mang nhạc tính” có tồn tại hay không hay chỉ từ những “lý trí lành mạnh” mà ra?
    Bản Kontakte của Stockhausen
    http://www.youtube.com/watch?v=aNt6a5xFOnE
    nên xem là bản dịch từ âm thanh qua âm nhạc hay ngược lại, và trong bản này, âm thanh nào không mang tính âm nhạc và âm thanh nào mang tính âm nhạc? Ông chỉ cần chỉ số phút, giây nơi âm thanh mang/không mang tính âm nhạc xảy ra. Sở dĩ phần đầu câu hỏi được đặt ra vì tồn tại một bản Kontakte cho instruments & electronics .
    Một ví dụ cụ thể về ý nghĩa của âm thanh; phim kinh dị khi sắp tới đoạn gay cấn, ai thử bịt mắt lại và chỉ nghe những tiếng động xem có tạo nên hình ảnh/ý nghĩa gì.
    Đây là âm thanh đã qua bàn tay phù thủy của Stockhausen. Nếu ông nghe những bản nhạc thời sơ khởi của musique concrete, cái biên giới giữa âm thanh (ngoài đời) và âm thanh (điện tử) còn mù mờ hơn nữa chứ đừng nói tới âm thanh và âm nhạc. Bản Sequenza Berio viết cho Cathy Berberian, yep, có cả (gần như) hắt xì.
    Thời 60’s có phong trào found objects của giới nghệ sĩ trẻ. Rauschenberg từng nói ông thường kiếm tài liệu từ những đống rác. Một trong những tác phẩm tiêu biểu thời đó của ông:
    http://www.centrepompidou.fr/education/ ... erg-EN.htm
    found sounds là câu trả lời của phong trào này bên âm nhạc. Chữ “found” ở đây có nghĩa gần như ở dạng nguyên thủy, ít chế biến lại. Vì vậy mới nảy sinh ra định nghĩa âm nhạc là “organized sound events”. Cage ảnh hưởng Thiền phương Đông, muốn âm thanh phát triển tự nhiên và muốn mọi người chú ý tới sự phát triển tự nhiên của âm thanh, vì vậy 4′33″ ra đời . Cũng như xem hoa (quỳnh) nở.
    Vì tôi xem 4′33″ là một bước tự nhiên, bản thân tôi không cho là lớn hay nhỏ . Đúng, 4′33″ là một mốc đường quan trọng, nhưng nó cũng chỉ là mốc đường . Tôi không dừng lại để thắp nhang hay lập đền thờ. Nghệ thuật thế giới (nói chung) phát triển, và vì vậy sinh ra nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên mỗi lần “nghe” lại 4′33″, “hiệu ứng John Cage” vẫn còn dư âm.
    Đọc ông luận về fallacy tôi đã biết ngay ông (có vẻ) thắc mắc về Goya và Maja desnuda. Tôi miễn bàn.
     
  14. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Phạm Quang Tuấn nói:

    01/09/2009 lúc 8:19 sáng

    Bác LT:

    “Theo lý thuyết về fallacy, không ai có thể suy diễn thêm hơn những gì (đã được) viết xuống hay nói ra mặc dù ngữ cảnh có muốn nói gì đi nữa.”

    Tôi chưa thấy cái lý thuyết kỳ quặc đó ở đâu cả. Đọc bất cứ cái gì cũng phải theo ngữ cảnh, bởi vì câu nói câu viết không bao giờ diễn tả đầy đủ.
     
  15. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Nguyễn Khánh Hưng nói:

    01/09/2009 lúc 1:14 chiều

    Thưa ông Lề Trái, như đã nói, tôi đã cố để lý giải sự thận trọng của mình khi chỉ dám nói thích ý kiến của Schoenberg về Cage, mà không nói nó là chân lý. Dĩ nhiên, tôi tin và đồng ý với Schoenberg nên mới thích, nhưng tôi không bảo nó là chân lý. Đó là điều ông đã gán cho tôi. Tôi nói như vậy không phải là để tránh đòn, như ông đang muốn ám chỉ.
    Đối với tôi, chỉ các sự thật của ngành toán học và logic – tức là các sự thật tầm thường – mới có giá trị khách quan tuyệt đối, tức là chân lý. Tất cả những sự thật [đủ phức tạp] khác, cho dù được phát biểu bởi hai nhân vật mà tôi hết sức tôn kính là Einstein trong vật lý hay Darwin trong sinh học, đối với tôi cũng chỉ là những thứ tôi có thể thích/tin hoặc không, vì chúng vẫn có xác suất [sẽ] sai nhất định, không nói gì tới Schoenberg và âm nhạc.

    Về Stockhausen và Những liên lạc (Kontakte): thưa ông, tôi chỉ phản đối việc người ta coi một tác phẩm không có một nốt nhạc nào là âm nhạc. Tôi chỉ không chấp nhận trường hợp phá giới hạn. Tôi nghĩ, tôi đã viết rõ điều này trong bài.
    Mặc dù tôi không hiểu cái mớ lý thuyết mang tên Thức khoảnh khắc(Momentform) Stockhausen cài cho Những liên lạc nhưng tôi vẫn thường nghe nó [năm vài lần] và thấy nó khá hay. Đối với tôi nó vẫn là âm nhạc, vì có hai thứ: các âm thanh và cấu trúc nhất định.
    Những câu hỏi kiểu âm thanh nào mang nhạc tính và âm thanh nào không mang nhạc tính đối với tôi là vô bổ. Theo tôi, đó chỉ là một trò chơi định nghĩa và ai cũng có thể định nghĩa theo cách của mình.

    Tuy nhiên, tôi khá tò mò muốn biết người ta đã định nghĩa chúng như thế nào. Vì sự thiếu hiểu biết về những lý luận, định nghĩa đó, nên tôi rất mong ông có thể bỏ chút thời gian giải thích kỹ càng giúp tôi “sự chuyển hóa từ âm thanh sang âm nhạc” trong Những liên lạc. Xin cảm ơn.

    Về những điều khác ông nhắc tới, tôi cũng xin miễn bàn.
     
  16. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Sacroyant Nguyen nói:

    01/09/2009 lúc 1:48 chiều

    Xin chào ông Lề Trái,

    Mới xem comment của ông, tôi cứ tưởng mình đã vào nhầm một chủ đề khác. May mà sau cùng ông vẫn nhớ trở lại với John Cage và 4′33.

    Nếu từng nghe qua thể loại nhạc New Age, chắc ông cũng nhận thấy khoảng cách giữa âm thanh tự nhiên và âm thanh âm nhạc được người ta cố gắng rút ngắn như thế nào. Ngay cả bản Serenata Op.6 – một tác phẩm cổ điển chính thống của nhà soạn nhạc người Ý Enrico Toselli (1883-1926) – khi được André Rieu trình diễn theo phong cách New Age cũng được đưa vào những tiếng chim ríu rít (http://www.youtube.com/watch?v=xgBY5E5U1uk). Tôi không phủ nhận vai trò của âm thanh tự nhiên trong âm nhạc. Nếu vận dụng khéo léo, hài hòa, âm thanh tự nhiên có khả năng thêm vào bản nhạc những liên tưởng rất kỳ thú. Nhưng im lặng là một phạm trù khác.

    Im lặng thể hiện qua những quãng lặng trong bản nhạc là một sự im lặng có chủ ý và đã được định lượng bởi người sáng tác. Nó thường giữ nhiệm vụ thông báo sự kết thúc của một nét nhạc, một đoạn nhạc, hay một dòng giai điệu, như dấu chấm câu trong nghệ thuật văn học. Nhưng im lặng trong 4′33 có 2 cách hiểu :

    1. Đây là sự im lặng hoàn toàn, đồng nghĩa với trạng thái không – âm – thanh tuyệt đối.

    2. Đây là sự im lặng tương đối, làm nền cho những TIẾNG ĐỘNG khác xuất hiện ngẫu nhiên.

    Trong trường hợp thứ nhất, người nghe nhạc không nghe thấy gì cả, nhưng được gợi ý trước rằng mình đang nghe một bản nhạc. Nếu họ tin theo và tự cảm thấy rằng mình đang nghe một bản nhạc thực sự thì chỉ có thể nói họ là những tín đồ Duy tâm chủ nghĩa đang bị lừa dối và tự biến mình thành những “hoàng đế cởi truồng” – theo cách nói của ông Nguyễn Khánh Hưng.

    Trong trường hợp thứ hai, ngay cả khi nhắm mắt kết luận những tiếng động ngẫu nhiên xuất hiện trong quá trình biểu diễu 4′33 là âm nhạc, người ta cũng không thể đem ghép chúng vào 4′33 để biến thành một yếu tố thuộc về 4′33 chỉ vì chúng diễn tra trong cùng một phạm vi không – thời gian. Nói rõ hơn, những tiếng động ngẫu nhiên kia và 4′33 là những hiện tượng khách quan độc lập với nhau tuy xảy ra cùng nơi cùng lúc, nên không thể cho rằng đấy là nội dung 4′33 hàm chứa. Vậy thì cái mà thính giả được nghe nào phải 4′33 mà cứ khen lấy khen để 4′33 ?!

    Nghe ông nhắc tới “La maja desnuda”, tôi nhớ lại cuộc tranh luận giữa giáo hội với F.Goya về quan điểm nghệ thuật. Trong cuộc tự biện hộ mà kết quả là sống hay chết, Goya đã phát biểu một tuyên ngôn về nghệ thuật hội họa mà tôi chỉ nhớ đại ý : Vẻ đẹp thân thể phụ nữ là kiệt tác của tạo hóa, còn liên tưởng về nhục dục khi xem tranh chỉ phát sinh nơi những tâm trí sa đọa. Tuyên ngôn ấy thể hiện khát vọng chung của giới nghệ sĩ Tây Ban Nha thời bấy giờ muốn vùng lên dành lại quyền tự do sáng tạo nghệ thuật trước sự kìm hãm của nhà thờ, nên được hưởng ứng mạnh mẽ và Goya đã thoát nạn cùng với những bức họa Maja của ông.

    Nhưng không thể so sánh 4′33 của J. Cage với “Maja khỏa thân” của F. Goya. Vì nàng Maja dù mặc quần áo (vestida) hay khỏa thân (desnuda) vẫn cứ là những hiện thể nhận thức được bằng tri giác chứ không phải cái vô thanh vô hình kiểu 4′33.

    Thưa ông, có lẽ là việc làm vô bổ khi chúng ta cố gắng tranh cãi xem 4′33 là âm nhạc đích thực hay một cái gì đó mạo danh âm nhạc. Đây là vấn đề quan điểm khác nhau, và chắc ông cũng nhận ra rằng, trong khi ông hay ai đó có thể đưa ra hàng tá lý luận để bảo vệ 4′33, thì ông Nguyễn Khánh Hưng hay ai đó cũng thừa lý luận để ném 4′33 vào sọt rác. Kết quả là chúng ta chẳng đi đến đâu, và bất luận ai thắng ai thua, 4′33 vẫn sẽ mãi còn đó trong lịch sử âm nhạc thế giới.

    Trân trọng cách nhìn của ông.
    —---------------------------


    KẾT THÚC PHẦN PHẢN HỒI.
     
  17. syen

    syen Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    6.770
    Likes Received:
    114
    Location:
    Bang KenKen
    Lâu lắm mới lại thấy bác xuất hiện với những chia sẻ đáng quý.
    Bác coa quay lại Đức nữa không hay định cư hẳn Việt Nam?
     
  18. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Chào bác, em đã về hẳn Việt Nam để sống đời nông dân không biết làm việc gì không có việc gì làm.
    Em hy vọng bài viết dài dòng trên đây cũng như những phản hồi của nó không làm các bác, các bạn đọc cảm thấy mệt. Em viết nó 5 năm trước, trong một quãng thời gian đầu rối óc loạn và viết cho những người đầu óc phức tạp nên tiền giả định độc giả biết rất nhiều kiến thức nền về logic, toán, triết, nhạc.. nên có nhiều câu khó hiểu, nhiều ý chỉ viết khơi mào ra rồi ngừng để họ tự suy luận. Nếu em viết lại hay sửa lại, bài sẽ ngắn đi chừng 1/3 và gọn gàng dễ hiểu hơn nhiều. Nhưng thôi em xin để dành năng lượng cho những bài viết về âm nhạc trong tương lai và khiêu khích ý chí chịu bỏ thời gian ngồi tìm hiểu, suy luận của các bác, các bạn.

    Chúc mọi người đọc vui.
     
  19. Đức Sơn Tây

    Đức Sơn Tây Advanced Member

    Joined:
    2/9/13
    Messages:
    198
    Likes Received:
    2
    Location:
    Hà nội. Việt nam.
    Cảm ơn bác chủ đã giúp em sáng tỏ nhiều điều. Chúc bác luôn Vui Khoẻ và Hạnh phúc!
     
  20. Appricot

    Appricot Advanced Member

    Joined:
    29/9/14
    Messages:
    398
    Likes Received:
    107
    Location:
    Hà-nội
    âm nhạc của người German quá xuất sắc...âm thanh của người German quá bình thường.
     
  21. FieldCoil Adventure

    FieldCoil Adventure Advanced Member

    Joined:
    5/10/14
    Messages:
    601
    Likes Received:
    251
    Nhưng trong gần hơn nửa thế kỷ qua thì âm nhạc của người Đức cũng không có gì xuất sắc. Lý giải ư ?
    Có thể họ thiên quá nhiều về thực tế , thực dụng ? Hay tập trung nhiều về cải cách, cải tổ chính trị Đông Tây, mà lãng quên nhiều về nghệ thuật ?
     
  22. lenamvl

    lenamvl Advanced Member

    Joined:
    5/3/14
    Messages:
    4.874
    Likes Received:
    1.823
    .

    Quả thật các ban nhạc Rock của Đức rất giỏi và vì vậy họ chỉ xếp sau Mỹ , Anh .
    Về âm thanh thì mình chỉ được nghe 1 vài loại nên không dám vơ đũa cả nắm nhưng loa Đức nghe không sướng bằng loa Ý , Anh
     
  23. duocpham1987

    duocpham1987 Advanced Member

    Joined:
    3/11/14
    Messages:
    59
    Likes Received:
    54
    Những cuộn dây cho dòng loa Siemens Klang film của Đức. Dây loa được hãng Siemmens cổ sản xuất từ những năm 1950 dây đồng hợp kim với các kim loại quý hiếm tối ưu hóa chất lượng chuyển tải tín hiệu. Đây là những bộ day loa rẻ mà rất hay, không biết anh em nào có dung chưa. cho ý kiến.
     
  24. Cellist

    Cellist Advanced Member

    Joined:
    8/12/05
    Messages:
    181
    Likes Received:
    31
    Xin lỗi vì quá lâu em không quay lại diễn đàn.

    Thực sự là em đang không hiểu có bác chê âm nhạc Đức nửa thế kỷ nay không có gì là xuất sắc là chê thể loại âm nhạc nào?

    Nếu nói đến âm nhạc nghiêm túc - gọi chung là khí nhạc mà nhạc cổ điển là một mảng lớn của nó - thì nước Đức ở nửa sau thế kỷ 20 cũng vẫn là nơi xuất sắc nhất, với một nhân vật xin kể tên ngay là Karl-Heinz Stockhausen. Stockhausen được giới chuyên môn gọi là Beethoven của thế kỷ 20, thậm chí các nhà soạn nhạc hạng tốp của thế kỷ 20 từ John Cage ở Mỹ, Luigi Nono ở Ý hay Pierre Boulez ở Pháp cũng phải ngả mũ gọi ông ấy là trùm, chứ không kèn cựa gì.
    ***

    Về đồ Audio Đức cũng vậy. Em vẫn cho là chưa có hãng nào ở nước khác vượt qua được người Đức trong việc chế tạo đồ Audio. Nhưng đây lại là chuyện khác, khó mà có ai phục ai được do mỗi người nghe một loại nhạc, một gu, nên em xin không bàn.

    Rất xin lỗi nếu ý kiến của em làm phật lòng các bác!
     
    phi_phi likes this.
  25. quangnt

    quangnt Advanced Member

    Joined:
    29/10/11
    Messages:
    2.410
    Likes Received:
    123
    em đánh dấu phát, văn phong rất hay, kiến thức diễn đạt dễ hiểu, thanks
     

Share This Page

Loading...