Những thiên thần trong bóng đêm *Những em bé bị ung thư ở Khoa Nhi Bệnh viện K2, Văn Điển, Hà Nội Bài: Đinh Hiền Ảnh: papill “Mẹ Thúy ơi, thằng Hùng làm sao ấy. Con ơi tỉnh lại đi, đừng dọa mẹ con ơi...” - mẹ Thim đang chăm sóc con mình ở giường bên cạnh thảng thốt la toáng lên và nhào sang giường của Hùng - cậu bé 6 tuổi đang ngồi thu lu một góc, tay chống cằm đăm chiêu như một ông lão 60, ai hỏi gì cũng không nói, trêu gì cũng không cười, ánh mắt bé mệt mỏi như muốn díp lại. Thoáng thấy bóng mẹ mình chạy về, Hùng ứa nước mắt: “Mẹ ơi, con đau đầu quá”. Chị Thanh - người phụ nữ gầy gò, trông già hơn so với tuổi 31 rất nhiều, đưa tay xoa cái đầu rụng tóc trọc lốc vì truyền quá nhiều hóa chất của con, run rẩy không ra tiếng: “Mẹ biết rồi, Hùng thương mẹ thì cố gắng lên...”. Cậu bé 6 tuổi không nói gì, khẽ gật đầu, đôi lông mày bé nhỏ nhíu lại chịu đựng cơn đau. Tôi vội nhìn xuống hai cánh tay, hai ống chân và cả trên đầu Hùng, ứa nước mắt vì trên thân hình non nớt ấy, không còn chỗ nào là không có vết thâm tím của kim truyền chọc vào. “Cho con về đi học thôi...” Chị Vũ Diệu Thanh, mẹ của bé Hùng kể, chị vốn là giáo viên dạy ở Trường THCS Cát Trù, Cẩm Khê, Phú Thọ, nhưng mấy năm nay phải xin nghỉ dạy để lên đây chăm con. Hùng đã được đi học lớp 1, nhưng chỉ được 16 ngày thì phải nghỉ và từ Tết đến giờ thì bé chưa một lần được về nhà thăm ông bà, thăm đứa em nhỏ. “Bác sĩ bảo, cháu đã bị di căn lên não rồi nên em phải bỏ dạy lên chăm cho cháu đỡ tủi. Ngộ nhỡ ra...” - chị Thúy bỏ lửng câu nói. “Em cháu ở nhà mới gần 1 tuổi cũng phải bỏ đó cho bà ngoại trông, vì mẹ lên viện chăm anh lâu quá nên khi về cháu quên mặt mẹ, cứ nhìn thấy mẹ là khóc ré lên”. Hùng ngửa cổ nghe mẹ nói chuyện với khách, thỉnh thoảng lại khẽ giật áo chị Thúy, cái miệng trẻ thơ xinh xắn thốt ra những lời than nghe nhức lòng người lớn: “Buốt quá mẹ ơi. Cho con về đi học thôi mẹ ơi...”. Những lúc ấy, chị Thúy lại lấy ngón tay gãi nhẹ nhẹ vào cạnh chỗ kim truyền, vì bé đang bị truyền đường nên buốt lắm. “Cố lên con. Chỉ 100 thôi mà (100ml – PV), rồi cho anh Thanh (Thanh là cậu bé 9 tuổi nằm giường bên cạnh, cũng bị bệnh bạch cầu)”. Tôi gọi những em bé như Hùng, như Thanh, như Đức, như Lan Anh, như Hà... – các em bé đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác hiện đang điều trị ở Khoa Nhi Bệnh viện K2 này là những thiên thần trong bóng đêm, bởi chỉ có thiên thần mới có thể líu lo cất tiếng hát trong những cơn đau quái ác mà cuộc đời bất hạnh của các em sớm phải chịu đựng. Tất cả những em bé này đều thường trực trên cánh tay một đống kim tiêm được nẹp bằng băng y tế để tiện cho việc truyền dịch, thế nhưng, mỗi lần cắm kim chỉ được 3 hôm là lại phải thay kim mới, thế nên việc “lấy ven” với các bé đã quen thuộc như ăn cơm, uống thuốc hằng ngày. 4 năm ở bệnh viện, chị Thúy không đếm được bao nhiêu lần con mình bị chọc tủy, bao nhiêu lần bị tiêm, bị truyền, mỗi lần như thế là lòng người mẹ trẻ lại như có hàng ngàn mũi dao đâm. Hùng thương mẹ lắm, có lần phải vào lấy tủy, bé biết là rất đau nên chắp tay lạy mẹ rối rít. Chị Thuý nuốt nước mắt: “Hùng thương bố mẹ, thương em thì nghe lời bác sĩ rồi còn khỏi bệnh về đi học”. Thế là bé không khóc nữa, lúc bác sĩ lấy tủy cũng không khóc nhưng chị Thúy thấy hai bên má bé giàn giụa nước mắt. Chao ôi! Nghị lực của một em bé 6 tuổi phải ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà sao thật xót xa. Tiếng hát thiên thần Không có gì khổ tâm hơn đối với những ông bố, bà mẹ chăm con nơi đây khi thấy con mình muốn được bố mẹ đưa đi chơi mà không được, bởi các bé quá yếu và nữa, còn một đống dây nhợ lằng nhằng dính trên cơ thể, vì thế gần như 24/24h, các bé phải nằm trên chiếc giường bệnh viện nhỏ xíu, nóng nực. Cậu bé Bùi Trung Đức, 13 tuổi, nhà ở Xuân Trường, Nam Định có gương mặt thông minh sáng rỡ. Khi chúng tôi đến thấy em đang đọc cuốn truyện cổ tích dân gian Việt Nam đã sờn hết gáy. Còn ngay giường bên cạnh, cô bé Lan Anh đang đọc cuốn tiếu lâm “Chồng cười... vợ cấm cười”. Tôi đoán rằng, đó có lẽ là nguồn an ủi tinh thần duy nhất của các bé đã biết chữ ở đây, và có lẽ những cuốn sách ấy, Đức và Lan Anh cũng đã đọc đi đọc lại hàng chục lần. Mẹ Đức kể, bé đang học lớp 6 thì bị ung thư xương, thế là chỉ học được hết học kỳ 1, còn sang học kỳ 2 phải lên đây chữa trị. Đức hồn nhiên kể với khuôn mặt rạng rỡ, em là lớp trưởng, là học sinh giỏi, nếu mà em được về đi học thì chắc chắn là lại xếp thứ nhất. Em hồn nhiên, em vui vẻ bởi em không ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh mà mình đang mang, sự vô tư của em càng khiến mẹ em nát lòng, thế nên em vẫn có những niềm vui con trẻ, khao khát được ra sân chơi và những lúc người khỏe lên một chút cũng vác gối ném các bạn giường bên cạnh và cười khanh khách. Còn cậu bé Thanh, 9 tuổi, nhà ở Ứng Hòa, Hà Nội, cậu bé lém lỉnh nhất và cũng hiếu động nhất trong các bé ở đây chỉ có mỗi một khao khát, mong chờ duy nhất là đến thứ 3 hằng tuần để còn được vào sân chơi dành cho trẻ em của bệnh viện. Bởi vì, chỉ có thứ 3 sân chơi mới mở cửa, còn ngày thường, nó bị rào bằng một cánh cổng sắt có then khóa cẩn thận, thế nên các bé dù rất muốn vào cũng chỉ đứng ngoài nhìn cho đỡ thèm. Tôi ra ngó mảnh sân chơi, nó ướt lẹp nhẹp chỉ sau một trận mưa nhỏ, một vài đồ chơi giống như những sân chơi ở các khu tập thể cũ, đu quay, thú nhún cũng ướt lẹp nhẹp nước mưa. Vậy mà nó là khao khát của các em bé nơi đây. Cũng đúng thôi, cuộc sống tinh thần của các bé đâu còn gì khác ngoài những câu chuyện mẹ kể hằng đêm, với mục đích ru con vào giấc ngủ cho dễ hơn. Thế nhưng, chuyện mẹ kể đêm nào cũng có ông Bụt hiện ra, mà sao các bé ở đây chờ mãi, chờ mãi mà không có ông Bụt nào đến đưa các bé về nhà. Phòng đồ chơi bé xíu nhưng các bé không thể tự tiện vào lấy, và chơi xong thì phải mang... trả. Thế nhưng, thứ 3 cũng là ngày các bé phải truyền hóa chất và ngày đó cũng là ngày ám ảnh nhất trong trí óc non nớt của các bé ở đây. Trẻ con thì ở đâu cũng giống nhau, chúng muốn được sở hữu riêng một chiếc ôtô nhựa, một con búp bê hoặc bất cứ đồ chơi nào đó, bởi với chúng, mỗi một đồ vật ấy còn chứa đựng quanh đó rất nhiều câu chuyện, những mơ ước mà chỉ những em bé mới có thể tưởng tượng được ra. Và vì thế, chúng muốn được ôm gấu, muốn cô búp bê được nằm trên cánh tay mình mỗi đêm nhưng đôi khi, ước mơ mỏng manh ấy cũng thật khó thực hiện. Tất cả các ông bố, bà mẹ lên chăm con ở đây đều có hoàn cảnh nghèo khổ, hầu hết họ làm ruộng và coi những bệnh nhi tội nghiệp trong phòng là con mình và ngược lại, các bé cũng đều gọi họ là “mẹ Thim, mẹ Thúy, mẹ Mùi, mẹ Thư...”. Những số phận không may mắn vô tình gắn kết họ lại với nhau. Người ít thì vài tháng, người nhiều cũng 3-4 năm theo con lên bệnh viện này. Vì thế, họ coi nhau như người trong gia đình và đều có trách nhiệm trông giúp các bé mỗi khi đi nấu nướng, giặt giũ… Mỗi một ngày trôi qua, là thêm một tia hy vọng cho các ông bố, bà mẹ nơi đây, họ mong sao một ngày có thể dài ra thêm vài tiếng, để thời gian được ở bên đứa con thân yêu nhiều hơn, còn với mỗi đứa trẻ đã vào giai đoạn cuối, chỉ cần một giờ trôi qua cũng là một cực hình với các em. Sự can thiệp của y học khi đã quá muộn dường như không còn ý nghĩa. Tôi thầm nghĩ, đôi khi sự giải thoát lại là phương cách hữu hiệu giúp các bé hết đau đớn và được tự do chơi đùa trong thế giới không còn phải ám ảnh bởi những bóng áo trắng, những mũi kim tiêm, những lần rút tuỷ mà đến người lớn còn không chịu nổi... Trong lúc đang trò chuyện với Lan Anh – cô bé có gương mặt xinh xắn, trắng trẻo nhưng tóc đã bị rụng từng mảng thì ở giường bên cạnh, bé Hùng lại một lần nữa tụt áp, thân nhiệt của bé chỉ còn... 34 độ. Mẹ Hùng vội vàng pha cốc nước đường nóng có lát gừng cay xè và như biết “nhiệm vụ” của mình, Hùng mếu máo, trợn mắt nuốt những thìa nước nóng đến bỏng mồm. Thế nhưng, khi bị cậu bé Thanh “lêu lêu” khóc nhè thì Hùng xấu hổ, cười ngượng nghịu và úp mặt xuống gối. Có một sự thật xót xa rằng, các bà mẹ nơi đây không thể khóc hoặc ủ rũ trước mặt con, bởi họ là điểm tựa tinh thần duy nhất cho con mình. Chỉ những khi các bé đã chìm sâu vào giấc ngủ mỏi mệt, họ mới dám khóc. Thế nên, nỗi đau ấy của họ chỉ có màn đêm tĩnh lặng mới thấu hiểu, còn ngày thường, nó như lặn vào trong, tôi hiểu rằng, đó là một sự gắng gượng, một sự chống đỡ dù biết trước số phận đã sắp đặt như thế. Còn gì đau hơn khi biết trước con mình sẽ bị vĩnh viễn mất đi đôi mắt trong veo mà không thể làm gì khác. Bé L mới gần 2 tuổi, có đôi mắt đen nhánh, trong veo, thế nên không ai muốn tin đôi mắt ấy đang mờ dần và một ngày nào đó bé sẽ không còn nhìn thấy gì nữa. Nhưng nào bé có biết sự thật đắng cay ấy đang đến rất gần với mình, thế nên trong lúc được mẹ ẵm ngửa đi dọc hành lang với một chai nước truyền lủng lẳng, đôi mắt bé nhắm nghiền, bàn tay nhỏ xíu nắm chặt con gấu bông xỉn màu và đôi môi nhỏ xinh vẫn ngọng nghịu cất lên tiếng hát của một thiên thần... .............................. .............................. ............... Box: Anh Phạm Hữu Tuấn - một thành viên trong Câu lạc bộ Vespa cổ Cầu giấy Hà Nội kể: “Tháng trước, khi chúng tôi đến đây thăm các bé đã nảy ra dự định sẽ xin tài trợ để nâng cấp mảnh sân chơi của bệnh viện cho khô ráo hơn và sẽ thực hiện một số hoạt động khác như vẽ tranh trên tường, quyên góp tiền mua đồ chơi... còn thấy bé H cầm quyển truyện đọc thật to, thế mà chỉ sau gần 1 tháng trở lại bé đã đi rồi. Tôi sợ mỗi một lần trở lại là thêm một lần phải chứng kiến những cuộc chia ly định mệnh...”. Chuyện mẹ kể đêm nào cũng có ông Bụt hiện ra, mà sao các bé ở đây chờ mãi, chờ mãi vẫn không có ông Bụt nào đến đưa các bé về nhà. Chúng tôi - những người viết bài này mong rằng, các em bé đang điều trị ở Khoa Nhi, Bệnh viện K này sẽ nhận được sự chia sẻ không chỉ của nhóm Vespa cổ Cầu Giấy Hà Nội, mà mỗi cánh thư của các bạn nhỏ khắp mọi miền đất nước gửi về cũng như những món quà đơn giản như gấu bông, búp bê, truyện tranh... sẽ là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với các em. Chúng tôi sẽ là cầu nối để chuyển những món quà ấy đến cho các em - những số phận kém may mắn đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của những tấm lòng nhân ái. Lời tác giả: Giờ thì tôi nghĩ về những việc tôi đã làm, đang làm và sẽ làm không phải là một chương trình, mang tính phong trào nữa.Tôi đã cố gắng chia sẻ 1 chút sức mình cho những điều thiệt thòi của những người kém may mắn hơn tôi, tôi có nhiều thứ hơn họ, tôi chẳng phải bớt 1 thứ gì của tôi cho họ vì tôi có sẵn những thứ tôi có thể dành riêng cho họ đó là tình cảm, sự quan tâm và một chút ít vật chất. Tôi vui vì tôi đã làm những điều ấy và có nhiều người đang làm như tôi
Thế mới thấy chúng ta sinh ra đã có được nhiều thứ thật là quý giá. Trong đó cái quý nhất là sức khỏe và trí tuệ. Hãy gìn giữ lấy nó và nếu có thể chúng ta hãy cùng chia sẻ cho những người kém may mắn hơn chúng ta. Nào, chúng ta hãy cùng hành động.
Tôi cũng nhiều lần tiếp xúc với các bệnh nhi ung thư, chơi cùng các bé, chia sẻ những nỗi đau của gia đình các bé mới càng thấy mình quá may mắn. Cứ mỗi lần quay lại bệnh viện thăm các bé, lại được bác sĩ báo tin bé A đã mất, bé B chỉ còn sống được mấy ngày nữa... mỗi lần như thế là tim tôi như thắt lại, không kìm nén được sự xúc động. Được biết các thành viên của BTA - VNAV cũng đã thường xuyên tổ chức gây quỹ ủng hộ các bệnh nhi ung thư ở BV Ung bướu Tp.HCM. Tôi thiết nghĩ việc làm đáng quý nên được nhân rộng trên toàn mạng VNAV và góp phần hỗ trợ cho cả các bệnh nhi ung thư cả nước thì ý nghĩa biết mấy.
Cứ nghe đến trẻ con là em lại nao lòng. Thật xúc động. Các bác có tổ chức hoạt động gì thì cho em tham gia với.
Em lấy từ đây bác ạ. Tôi xin pót bài báo số 94 lên đây. Và số tới chúng tôi lại tiếp tục thự hiện bài tiếp theo nhưng sẽ cụ thể tường trường hợp, vì sau khi số báo 94 phát hành ban thứ ký toàn soạn báo nhận đc rất nhiều phản hồi của độc giả về báo và họ muốn tìm hiểu từng hoàn cảnh và muốn góp sức mình cho các cháu qua cầu nối là Báo CAND. Cụ thể là hôm Cn tuần trước (31-5) khi thực hiện phần cuối công việc ở viện K chúng tôi vô tình gặp 1 số người vào tìm các bé để tặng quà 1-6 và có chia sẻ là đa đcọ dc bài báo trên báo ANTG giữa tháng. Tôi thực sự vui gấp ngàn lần khi mình làm đc thêm 1 điều có ích. Cảm ơn mọi ng đã ủng hộ. Trang 21 ANTG số 94. Những thiên thần trong bóng đêm *Những em bé bị ung thư ở Khoa Nhi Bệnh viện K2, Văn Điển, Hà Nội Bài: Đinh Hiền Tác giả bài này cùng hội Vespa Cầu Giấy với em.
Cảm ơn bác Hoàn. Ô thế bác cũng hội Vespa Cầu Giấy à? Em cũng ở Cầu Giấy, cũng đi xe Con Ong nhưng có thấy hội nào đâu :?: Em tìm trên mạng cũng thấy các diễn đàn khác đã có hoạt động nhân đạo tại đây từ một vài năm nay. Cảm ơn bác đã gửi nguồn, em sẽ gửi thông tin với đồng nghiệp để mọi người cùng chia sẻ.
Những em bé, những hoàn cảnh rất đáng thương, rất đáng để cho chúng ta quan tâm chia sẻ, sau những bộn bề, bon chen với cuộc sống thường nhật, chúng ta đôi lúc đã lãng quên, hãy chậm lại để thấy cuộc sống còn nhiều điều cần làm cho các em lắm.
http://vespafriends.com/forum/showthread.php?t=2390 Đây là nơi Sinh hoạt của AE VCH, mong bác có dịp sáng CN hàng tuần qua Tô Hiệu với anh em. Có gì bác liên lạc với anh Tunggt71 nhé.
Chuẩn bị làm giai đoạn 2 của chương trình bác ạ. Trên 1 số báo cũng như Tivi sẽ phát sóng về chương trình này http://vespafriends.com/forum/showthread.php?t=2702