Hôm nay e chia sẻ câu chuyện buồn về chuyến đi New Zealand hồi đầu tháng 3/2013. Bài viết này của em đã được gửi qua email đến Đại sứ quán NZ ở Hà Nội và lãnh sự quán NZ tại TPHCM chiều nay, đồng thời đưa lên facebook của một số bạn bè nhằm biểu lộ phản ứng chính thức của em với những gì cơ quan xuất nhập cảnh NZ đã gây ra cho em. Nếu các bác thấy đồng cảm với em, xin vui lòng chia sẻ thêm cho nhiều người cùng biết, vì lòng tự trọng của mỗi công dân Việt Nam. THẤT VỌNG NEW ZEALAND Khoảng giữa năm 2012, tôi nghe một người bạn kể về việc chuẩn bị mở 1 nhà hàng ở Auckland, New Zealand (NZ). Hỏi kỹ hơn tôi được biết là bạn tôi đăng ký theo một chương trình khuyến khích nhập cư của NZ, cho phép người nước ngoài hội đủ một số điều kiện nhất định có thể nộp đơn đăng ký hoạt động kinh doanh tại NZ và được cấp visa dài hạn gọi là LTBV (Long term business visa). Bạn tôi đã giới thiệu cho tôi người cung cấp dịch vụ tư vấn định cư (immigration advisor) đang làm hồ sơ cho gia đình bạn để tìm hiểu thêm, đây là một người tư vấn định cư hợp pháp, có giấy phép của chính phủ NZ. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy chương trình LBTV có một số lợi ích đáng quan tâm và mình cũng hội đủ những điều kiện mà chương trình này yêu cầu nên muốn tìm hiểu xa hơn xem thử có cơ hội mới nào không. Tôi đã yêu cầu người tư vấn này thu xếp cho tôi một chuyến đi thăm thực tế NZ để xem ngành kinh doanh của mình có cơ hội ở đó không, cuộc sống bên đó có phù hợp với mình không - trước khi quyết định tham gia chương trình. Tôi ủy quyền cho người tư vấn nộp hồ sơ xin visa nhập cảnh theo diện doanh nhân vào giữa tháng 11/2012, với mục đích rõ ràng là đến thăm NZ để tìm hiểu về ngành hàng mình kinh doanh ở đó và cuộc sống ở đó trước khi quyết định đăng ký theo chương trình LBTV. Ước tính sẽ có visa trước lễ Giáng sinh và tôi đã book vé máy bay, khách sạn cho chuyến đi dự kiến từ 10-24/1/2013. Tuy nhiên ngay trước ngày Noel tôi được yêu cầu bổ sung giấy tờ để chứng minh tôi có đủ điều kiện tài chính và kinh nghiệm kinh doanh theo tiêu chuẩn chương trình LBTV (mặc dù tôi chưa đăng ký chính thức vào chương trình này). Tôi đã bổ sung đầy đủ theo yêu cầu của lãnh sự quán nhưng đến ngày 6/1 tôi vẫn chưa có xác nhận visa nên đã hủy vé và khách sạn đăng ký trước đó. Đến ngày 8/1/2013 lãnh sự quán NZ tại TPHCM thông báo visa của tôi đã được chấp thuận (visa số 11009175, hộ chiếu số B4760955). Khi đó tôi đã hủy mọi booking, thay đổi kế hoạch và không thu xếp đi ngay được nữa nên đến 9/3/2013 tôi mới khởi hành đi NZ qua hàng không Singapore Airlines, với niềm háo hức khám phá một đất nước mới, mà theo bạn tôi mô tả là rất tươi đẹp và thanh bình. Tuy nhiên, sau khoảng 20h bay và chờ đợi quá cảnh, đón chờ tôi ở phía trước là những điều mà chưa bao giờ tôi hình dung mình sẽ gặp trong đời, ở cái đất nước thanh bình đó. Đáp xuống sân bay Auckland lúc 12h trưa (giờ địa phương), tôi lấy hành lý, đổi một ít tiền NZ rồi bước ra cổng kiểm soát, thầm nhủ sắp được đến khách sạn ngả lưng nghỉ ngơi một lúc, ăn một bữa ra trò bù lại những bữa ăn vội vã trong chuyến bay rồi bắt đầu khám phá thành phố Auckland. Đến cổng kiểm soát hải quan, một viên chức bảo tôi rẽ vào khu vực kiểm tra hành lý. Tôi OK ngay, vẫn vui vẻ vì chả có gì phải lo ngại, không biết rằng mình sắp gặp rắc rối lớn. Suốt hơn 1 tiếng đồng hồ nhân viên hải quan kiểm tra kỹ lưỡng tới từng đường viến của cái vali (chỉ có vài bộ quần áo, ít thuốc viêm họng đang uống và một số thuốc cảm, đau bụng phòng trường hợp khẩn cấp) và cái ba lô (chỉ có 2 cái máy ảnh + ipad và áo khoác) nhưng không tìm thấy gì vi phạm. Khi được xếp đồ đạc lại vào vali, tôi thở phào nghĩ sắp được ăn trưa. Nhưng không, viên chức hải quan yêu cầu tôi lên gặp một viên chức khác phụ trách nhập cảnh, và cơn ác mộng bắt đầu. Tôi đã bị giữ lại phỏng vấn hơn 10h đồng hồ (ngắt quãng, có lúc nghỉ và chờ đợi chứ không phải liên tục), lúc đầu trực tiếp, sau đó có bổ sung thêm phiên dịch, rồi lấy dấu vân tay. Cuộc phỏng vấn xoay quanh những vấn đề về chuyến đi NZ của tôi, lặp đi lặp lại và tôi đã trả lời trung thực, rõ rảng mọi thứ. Sau cùng, viên chức đó hỏi đi hỏi lại tôi vài câu hỏi cắc cớ một cách phi lý: “vì sao tôi lại về Việt Nam (VN) vào ngày đó chứ không phải ngày khác? Có lý do gì bắt buộc tôi phải về VN vào đúng ngày đó chứ không phải ngày khác? Tôi hãy đưa ra điều gì đó để thuyết phục anh ta tin rằng tôi sẽ rời khỏi NZ về VN đúng như lịch đã đăng ký chứ không trốn ở lại. Nếu tôi thuyết phục được anh ta tin tôi sẽ về VN thì anh ta cho tôi vào, nếu không thì anh ta không cho tôi vào.” Tôi trả lời rằng tôi có gia đình (2 con nhỏ), công việc kinh doanh, tài sản của tôi ở VN và tôi đã chứng minh tất cả những thứ đó trong hồ sơ xin cấp visa, những thứ tôi đem theo người thể hiện rõ tôi là người có thu nhập cao. Mục đích tôi qua đây chỉ để có cái nhìn thực tế về hoạt động kinh doanh và cuộc sống ở đây nhằm phục vụ cho việc ra quyết định nộp hồ sơ tham gia LBTV hay không. Còn bây giờ, sau 20h bay, quá cảnh cộng thêm hơn 10 tiếng bị tạm giữ tôi đã rất mệt mỏi, bắt tôi nghĩ ra điều gì nữa để thuyết phục anh thì tôi chịu, anh không cho vào thì tôi đi về. Thế là anh ta quyết định hủy bỏ visa, từ chối không cho tôi nhập cảnh với lý do là anh ta không tin tôi sẽ ra về mà nghĩ tôi trốn ở lại làm việc chui ở NZ. Tôi là một công dân lương thiện, hồ sơ đầy đủ, được cấp visa hợp pháp, mục đích rõ ràng, đem theo người bộ máy ảnh Canon 5D mark 3 trị giá hơn 4000 USD, máy ảnh dự phòng là cái Sony RX-100 trị giá hơn 600 USD (tôi thích chụp ảnh nên luôn đem theo máy ảnh khi đi xa), smartphone Nokia Lumia 920 mới ra mắt, cao cấp nhất thời điểm đó cũng 600 USD và một cái ipad, những món đồ mà không ai sử dụng để làm việc chui. Ngoài ra là vài nghìn USD tiền mặt và một số thẻ tín dụng quốc tế đủ loại (VISA, Master, Amex). Tôi bay đến NZ qua hãng hàng không hàng đầu thế giới với vé khứ hồi, đăng ký 10 đêm ở một khách sạn 4 sao tại Auckland. Những thứ này (mà hải quan NZ đã biết rõ khi kiểm tra hành lý), chứng tỏ tôi là người có khả năng tài chính, và hoàn toàn có thể sẽ là người đem tiền đến để đầu tư ở NZ trong tương lai. Vậy mà viên chức ấy, bằng một ác cảm mơ hồ nào đó, đã không tin tôi, quy kết tôi sẽ ở lại làm việc chui chứ không ra về. Trong khi tôi không vi phạm bất cứ điều gì của pháp luật NZ và cũng không thể hiện điều gì gây nguy hại cho NZ thì việc quy kết và từ chối nhập cảnh này hiển nhiên là sự kỳ thị với người VN, cho rằng người VN không đáng tin (cho dù có đầy đủ giấy tờ, tiền bạc), tôi không thích cho anh vào đất nước tôi. Sau khi bị từ chối nhập cảnh NZ, 2h sáng cảnh sát NZ dẫn tôi ra chuyến bay sớm nhất về Singapore. Passport và thẻ lên máy bay của tôi bị giao cho tổ tiếp viên của Singapore Airlines. Nỗi bất bình uất nghẹn trong cổ khiến hơn 10h bay tôi không thể nuốt trôi suất ăn trên máy bay và cũng không thể ngủ mặc dù mắt cay xè. Khi hạ cánh xuống sân bay Changi của Singapore, tôi bị yêu cầu ngồi lại cho đến khi mọi hành khách xuống hết và 1 cảnh sát Singapore lên tiếp nhận tôi, dẫn giải về khu vực cách ly trong sân bay để chờ chuyến bay về VN. Lúc đó là hơn 5h sáng (giờ địa phương), tôi lại bị giữ trong khu vực cách ly như một tội phạm, không được ra ngoài ăn sáng, không được sử dụng điện thoại hay ipad dù chỉ để đọc sách cho qua thời gian. Đến gần 10h30, cảnh sát Sing lại dẫn giải tôi ra chuyến bay về VN. 12h trưa ngày 11/3/2013 về đến sân bay TSN, tôi đã trải qua đúng 48h chỉ để bay, chờ quá cảnh và bị tạm giữ như một tội phạm, chỉ thiếu cái còng tay. Ngoài những thiệt hại về tiền bạc, thời gian, công sức, là tổn thương nặng nề về tinh thần do sự kỳ thị của viên chức nhập cảnh gây ra. Ngay khi về nước, tôi đã yêu cầu người tư vấn visa gửi khiếu nại và đề nghị cơ quan nhập cảnh của NZ giải thích vì sao đã xét cấp visa hợp lệ mà khi tôi đến lại không cho tôi nhập cảnh. Người tư vấn báo cho tôi rằng đã gửi yêu cầu đến cơ quan nhập cảnh NZ và phải chờ từ 4-8 tuần mới có trả lời. Đến nay đã qua 8 tuần tôi vẫn chưa có bất cứ hồi âm nào. Nhưng cơn ác mộng vẫn chưa chấm dứt, khi tôi có việc đi Singapore vào ngày 16/5/2013, tôi đã bị chặn lại ở cửa khẩu Singapore hơn 1h để hỏi vì sao NZ không cho tôi vào và lại bị lấy dấu vân tay lưu hồ sơ như một nghi phạm. Tôi đã ra vào Singapore hàng chục lần trong những năm qua, chưa từng có vấn đề gì. Vậy mà giờ đây, khi đến một đất nước đã quá quen thuộc với mình, tôi cũng bị nghi ngờ như tội phạm, chỉ vì sự từ chối nhập cảnh vô lý của một viên chức NZ kỳ thị người VN. Việc bị từ chối nhập cảnh NZ không chỉ gây hậu quả giới hạn trong chuyến viếng thăm NZ không thành mà đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư cách công dân của tôi khi đến các nước khác. Việc cơ quan nhập cảnh NZ chia sẻ thông tin cá nhân của tôi như một đối tượng xấu cần cảnh giác với các quốc gia khác khiến cho tôi bị nghi ngờ khắp nơi trong khi tôi chưa từng làm bất cứ điều gì phương hại đến NZ, chưa từng vi phạm pháp luật NZ hay bất cứ quốc gia nào khác, là một sự xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự công dân và quyền con người của tôi. Tôi không thể ngờ những người đại diện chính quyền của một quốc gia được gọi là phát triển cao lại có thể hành xử bất nhất và bất cận nhân tình như vậy. Tại sao lãnh sự quán NZ tại TPHCM không yêu cầu bổ sung thêm mọi thứ họ nghĩ là cần thiết để chứng minh tôi sẽ quay về VN trước khi cấp visa? Tại sao lãnh sự quán không phỏng vấn tôi trước khi cấp visa? Đằng này lại để tôi tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức bay sang đến Auckland rồi mới chặn lại phỏng vấn và đòi hỏi tôi phải có thêm bằng chứng thuyết phục ngay lúc đó. Nếu nghi ngờ tôi, sao không từ chối cấp visa ngay tại TPHCM mà để tôi tiêu tốn hàng ngàn USD mua vé máy bay, đặt khách sạn… rồi lại từ chối nhập cảnh khi tôi đến nơi? Phải chăng lãnh sự quán đã làm việc tắc trách, bỏ qua công đoạn xét duyệt nào đó khiến viên chức phụ trách nhập cảnh tại cửa khẩu nghi ngờ visa của tôi? Hay anh ta cho rằng lãnh sự quán NZ tại TPHCM đã nhận hối lộ để cấp visa cho tôi (tương tự như vụ viên chức lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM mới bị phát hiện gần đây) nên coi visa đó không có giá trị? Trong trường hợp đó thì tôi cũng chỉ là nạn nhân của những vấn đề nội bộ giữa những người đại diện cho chính quyền NZ, vì tôi không hề làm gì bất hợp pháp để có visa. Tôi thuật lại chuyện này cho mọi người VN cùng biết để cảnh giác về sự kỳ thị này khi có ý định đi đến NZ, dù với lý do gì. Bạn có thể gặp những rủi ro bất ngờ và nghiêm trọng, không chỉ gây hậu quả nhất thời mà để lại tác hại lâu dài. Đối với riêng tôi, qua lăng kính hành xử của các viên chức xuất nhập cảnh, NZ không còn là một đất nước tươi đẹp thanh bình nữa mà là một quốc gia cư xử bất nhất, lừa dối tôi khi cấp visa cho tôi nhưng lại đuổi tôi về khi tôi đến cửa, xúc phạm danh dự tôi, không tôn trọng nhân quyền và đã gây tổn thất nặng nề cho tôi về nhiều mặt.
Thành thực chia sẻ cùng anh về nhưng mất mát trong chuyến đi này: Mất nhiều tiền, mất thời gian, mất sức lực và hơn cả là mất đi niềm tin về 1 cộng đồng văn minh. Chúc anh thành công hơn nữa để cái đất nước đó hay nhóm người đó phải hối tiếc vì mất đi 1 cơ hội được đầu tư, hợp tác.
chia sẻ và đồng cảm với bác, con người đó là đại diện cho một quốc gia mà thể hiện như bôi nhọ quốc thể . Cách đây 2 năm cậu em em (đi du học) từ Phần Lan sang thăm chị gái tại UK lúc quay về bị lỡ chuyến tàu từ Hansiky về nhà (60km), lúc đó là 1h đêm (giờ địa phương), không 1 cửa hàng nào mở cửa, điện thoại quên bên chỗ chị, thời tiết đang - 5 độ vậy mà tay bảo vệ nhà ga nhất quyết đuổi không cho vào trong nhà chờ hành khách, trong khi hắn vào phòng có lò sưởi ga. Một sự thể hiện đối xử với người nước ngoài thậm tệ không còn nhân văn
E đọc bài viết của bác mà rất đắng cay, thành thật chia sẻ cùng bác. E cũng có ý định sang NZ mà nghe bác nói làm e cũng chừng lại. Thiết nghĩ sự việc sẽ được làm sáng tỏ. Nếu bác có feedback từ họ thì inform trên này luôn để e được biết tí.
Có mấy ý nhỏ E muốn nêu ra để bác thấy có thể trường hợp mắc phải của bác xảy ra . Đối với Phương Tây trong trường hợp bác nêu có thể bác đã bị họ nghi ngờ gì đó trong quá trình khám xét ? Với Phương Tây ở khía cạnh Luật pháp bác nên hợp tác thay vì hiểu là trình bày Bác cần trả lời thích đáng các câu hỏi của họ trên phương diện hợp tác thay vì vòng vo tam quốc chừng mực nào đó càng ngắn, xúc tíc càng có giá trị , việc bác trình bày như là đồ đạc giá trị hay tiền bạc với họ đều ít giá trị trong trường hợp này, Đa số các câu hỏi đưa ra của họ thường ở trình độ cao có tính xem xét mức độ nói thật về mụch đích nhập cảnh của bác và nhiều khi câu hỏi họ đặt ra rất vu vơ, nếu không linh hoạt sẽ rất khó mà đáp ứng sự tin tưởng ở họ.và chính các câu hỏi đó sẽ loại bác khi nhập cảnh vào NZ lúc này bác sẽ được hệ thống an ninh của họ lưu tâm tối đa như bác đã thấy, Bác phải lưu ý thêm là với Visa business hay loại thường Phương Tây họ không đánh giá trên giá trị bác qua đó là gì hết trừ các bác Tai thiệt to còn lại thì cứ đúng luật mà làm không vì bác mang danh Business hay là công dân thường. Cách đây mấy tháng có Ông nghị Australia qua Malaysia với hộ chiếu Ngaọi giao mà còn bị y như bác đó (từ chối nhập cảnh ) Tất nhiên trường hợp Ông này có lý do chính trị nhưng ở góc độ Ngoại giao là mức độ không phải hạng xoàng nhưng nếu cần họ vẫn Áp dụng nếu thấy cần thiết mà không sợ Ông Nghị ấy phản đối
Cảm ơn các bác đã chia sẻ. @bác thinhgia: e cũng hiểu là có visa có khi vẫn bị từ chối nhập cảnh. Điều làm e phẫn nộ là cái lý do nó dùng để từ chối thì mình đã có hồ sơ chứng minh rõ ràng rồi. E xin post 1 đoạn thư trao đổi giữa người tư vấn và viên chức lãnh sự quán thể hiện rât rõ mục đích chuyến đi của em trong việc xin visa. " I would also note that the purpose and intention of the trip has been provided (though our emails may have crossed). However, for the sake of clarity, the purpose and intention of Tuan's trip to New Zealand is to carry out a feasibility study into establishing, in NZ, a similar business to the one he currently owns and operates. This will include viewing relevant shops, analysing competitors, analysing pricing and taking legal advice on company formation, employment law etc. This is not something which can be done adequately from Vietnam and such trips are encouraged by the business visa team. Assuming he is happy with the result he will return to Vietnam and move forward with his migration under the LTBV. A successful trip will mean investment and job creation within New Zealand. Is this explanation sufficiently in depth for your requirements with regards to the purpose and intention of Tuan's trip? " Tất nhiên họ có quyền nghi ngờ, từ chối mình ..... Nhưng mình cũng có quyền lên tiếng để tự bảo vệ danh dự của mình thay vì nhẫn nhục cam chịu làm công dân hạng hai chứ, phải không các bác? E biết đối với phía NZ thì câu chuyện của e chắc chả làm cho họ bận tâm, nhưng e vẫn phải viết - vì chính mình trước, sau đó vì ai được thêm thì vì... :evil:
NZ thì em chưa đi nhưng Úc thì kha khá. Em nghĩ vấn đề có thể phát sinh trong 10 tiếng bác bị tra tấn khi 1 số câu hỏi của họ không được thỏa mãn. (MK, nhưng em chưa nghĩ ra lý do cụ thể gì hết). Chia sẻ với bác 1 câu chuyện em chứng kiến để bác thấy mình không "cô đơn". Đợt em sang Mĩ theo diện khách mời của chính phủ Mĩ. Đoàn em có 26 người, đại diện 26 quốc gia đến thăm Mĩ. Trong quá trình lưu chuyển ở đất Mĩ qua rất nhiều tiểu bang, ông bạn là đại diện của Nigeria luôn luôn bị hải quan chặn lại, lục soát hành lý và thân thể trước mắt hàng trăm người mặc dù trong tay mỗi người đều có 1 bức thư của Bộ NG Mĩ nói rằng "thằng nào cầm thư này là khách mời của CP Hoa Kì, các cơ quan hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện giúp đỡ tối đa khi ở Mĩ". Cu cậu người Phi kia tức đến phát điên, nhưng qua cả chục sân bay vẫn bị đối xử y chang thế. Vừa tức vừa nhục mà vẫn phải chịu. Xin chia buồn với bác về sự cố quá đáng này. Em không khoái sang NZ sau vụ của bác nữa, dù chỉ là vì 1 con sâu.
Em nghĩ về mặt pháp lý bác có quyền khiếu lại cũng như nêu ý kiến của mình đối với Lãnh sự NZ hay kiện họ nếu bác thấy luật pháp cho phép tiến hành. tuy nhiên em nghĩ điều trên đây không phải là điều mà chúng ta mong muốn. Em chỉ muốn nói là có nhiều khi chung ta không hiểu phương thức giao tiếp mà Người phuơng tây họ làm thì chúng ta đôi khi bị thiệt thòi trong trường hợp như bác đã bị xảy ra. Với tính chất xảy ra lúc này em nghĩ vụ việc của bác không khác gì một việc Interview tại HQ NZ lúc này khi họ đặt câu hỏi bác cần trả lời đúng tính chất, đúng câu hỏi, đúng trọng tâm, đôi khi cần chút tỉnh táo đối với các câu hỏi khó chịu của họ cũng như câu hỏi không có chủ đích, vu vơ......lúc này cần nhiều hơn một chút kinh nghiệm nếu có hoặc sự tỉnh táo kịp thời may chăng bác mới qua được vòng loại này..... Vì sự việc bác nói ít chi tiết trong các câu hỏi hoặc bác cũng khó mà nhớ hết cho được tất cả, Nhưng với những gì em trải qua thì em hiểu bác có vấn đề khi trả lời họ và không nắm rõ tập quán,phong tục địa phương, văn hóa của họ khi đối đáp nên khi đó bác dễ bị họ làm khó. Bác lưu ý là đối với Tư bản nói chung những trường hợp xảy ra tương tự đối với chính người phương tây " Tóc xoăn " vẫn có thể là bình thường mà không nên đặt nặng yếu tố kỳ thị vào đó vì có những lý do em không giải thích hết một lúc trên này được. Khía cạnh khác thì sự kỳ thì nói chung thì Ngay Viêt nam ta cũng có khi Kỳ thị chính chúng ta thì Tây họ cũng vậy thôi Em chỉ giải thích được sơ qua vậy chắc bác cũng không khó để nhận thấy vấn đề kỳ thị như em nói....
Em có ông bạn đồng nghiệp năm ngoái qua Phillipines công tác, khi làm thủ tục nhập cảnh cũng bị giữ lại phỏng vấn mấy giờ. Sau đó ổng được cho qua với lời giải thích của nhân viên ở đó là vì ổng có cái tên rất similar với 1 tên đang bị truy nã bới Interpol. Trường hợp của bác CDshop, có thể đã xảy ra hiểu lầm với nhân viên kia trong cuộc phỏng vấn bác. Nhưng cũng có thể có điều gì đó khiến họ để ý ngay từ lúc lục soát hành lý của bác, thậm chí trước đó (ko lẽ họ làm thế với 100% người VN nhập cảnh vào NZ). Còn về khả năng bị kỳ thị, em tin là khả năng này cũng có thật và điều này phải bị lên án. Quả thật lúc đọc bài trên của bác em cũng thấy ức. Nếu nhân viên kia đã áp dụng phương pháp phỏng vấn khai thác tâm lý vào trường hợp của bác thì rõ ràng cái quy trình đó đem dẹp đi là vừa. Chia sẻ cùng bác, mong bác sớm trút bỏ nỗi bực dọc này.
Xin chia sẻ cùng bác CDShop, đây cũng là 1 kinh nghiệm quý báu để anh em tham khảo. Không biết khi đó bác có cử chỉ/hành động gì đó mang tính quỵ lụy tay custom kia không, hoặc bác đã trả lời câu hỏi không nhất quán khi có 2 thằng hỏi cùng 1 câu hay ko, tụi này nó có phòng phân tích nên có thể phát hiện ra điều gì đó nên nhất quyết ko cho bác vào. Theo kinh nghiệm của em, em cứ hiên ngang mà phối hợp...chả sợ bố con thằng nào. Bác thúc giục mạnh tụi lãnh sự quán coi kết quả ra sao nhé. Nếu bác muốn chửi nó bằng tiếng mẹ đẻ của nó bác cứ viết cho em.
thằng Sing cũng miễn từ năm 1999 kìa cụ,nhưng mỗi lần đến............... đỏ thì dấu hình chữ nhật,đen thì dấu hình tam giác :lol: @ CD Shop lỗi lớn nhất là bác sở hữu Passport mầu xanh và có quốc tịch VN :shock: em mới đi qua vài nươc,nhưng ta chưa nhục bằng Passport của Ấn Độ bác ạ.................đành phải chấp nhận thôi,không kiện được đâu.hồi qua HK em kêu cả nhân viên lãnh sự vào cãi nhau với nó còn chẳng ăn thua gì :shock:
Bullshit quá bác nhỉ. Chia buồn cùng bác! Kỳ thị chủng tộc vẫn còn ở những nước văn minh nhất và ở cả những người tưởng là văn minh nhất, em chắc chắn điều đó. Nên bác chớ có buồn mà tổn hại đến mình châu. HT
đọc xong cái cuộc hành trình của bác thấy cũng ấm ức thật em cũng chỉ còn biết nói 1 câu : chia buồn cùng bác
Em chả có kinh nghiệm gì vụ này nên chỉ biết chia sè chút bực bội lẫn đắng cay với bác, trải qua 48h đó thật kinh khủng.
Bác Tuấn trải qua 10h pv kg phải là ít, bác giúp nếu còn nhớ có thể liệt kê những câu hỏi mà tụi nó đặt ra được kg? có thể đó là kinh nghiệm từ bác nhưng là bài học cho người khác nếu gặp phải. Thanks bác.
Tất cả người VN đang sinh sống hoặc quê quán ở Quảng Ninh, Hải Phòng đều gặp rắc rối lúc xin Visa và khi nhập cảnh vào Hồng Kông và Macao. Ngoài ra một số lãnh thổ và quốc gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada cũng rất khó khăn. Anh Tuấn CD: Cảnh Sát Hải Quan New Zealand làm theo kiểu máy móc (bắt buộc) theo hình thức thà xét nhầm còn hơn bỏ sót để ép các công dân đến từ các nước như Campuchia, Philipin, Viet Nam, Trung Quốc... Nhưng có lẽ lần này anh Tuấn đi hộ chiếu mới chăng? Vì anh Tuấn đã đi rất nhiều nước rồi phải không? Loạt bài ảnh của anh ở Châu Âu e đã xem. Thông thường sau khi vào được Châu Âu, Mỹ thì cũng có nghĩa việc xin Visa và nhập cảnh vào các nước "tư bản" cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Ngẫm lại cũng tại vì ta cầm hộ chiếu một nước nghèo E gặp cảnh tương tự như anh khi lần đầu tiên nhập cảnh vào Hàn Quốc, nhưng may mắn là Hải Quan còn cho phép nhập cảnh.
Trường hợp này chính em bị vì trùng họ tên với một đối tượng đang bị cảnh sát Nhật truy nã. Có lần sang Nhật em lại phải mất gần 1h để an ninh thẩm vấn và check thông tin. Nhưng lý do đó còn dễ thông cảm chứ trường hợp của bác chủ topic thì bức xúc thật.
Chia buồn bực với bác Tuấn. Em thì may mắn chưa bị vậy. Năm 1996-1997, em có đi Mỹ và Đức, bọn nó hỏi mấy câu cũ xì về việc có về lại VN không? Tính em nóng nên quát om xòm: tao rảnh hả? tao qua đó mang thêm ngoại tệ cho chúng mày còn không biết cám ơn còn giở giọng ban ơn hả ku? xong em bái bai chúng nó ra về, tự dưng sau đó chúng nó lại mời đi Mỹ chơi mới lọa. Nhưng nói thiệt, sáng sáng mỗi khi đi ngang đường Lê Duẩn thấy bà con mình xếp hàng dài dằng dặc chầu chực trước cổng lãnh sự Mỹ để được "xin vào Mỹ" thấy cứ nghẹn nghẹn, nỗi buồn nước "nhược tiểu" lại tràn đầy trong lòng. Vừa rồi lại nghe vụ lùm xùm nhận hối lộ từ việc cấp passport của mấy ông quan khoai Tây hay hạch họe dân ta thấy sự đời sao trái khuấy; khi có quyền lực, người ta quá dễ trở nên ngang ngược, ác ôn... như vụ Biển đông, bác Tuấn sẽ còn tức lòi gan nếu ngày nào đó muốn ra Côn Đảo chơi thì phải xin phép chú Chệt cấp visa...
Những năm 96-97 lâu lắc rồi họ hỏi như vậy đâu có gì lạ bác ơi. Những năm đó dư âm của các vụ "chôn dầu" còn đầy ra. Em nói thật nhiều khi đi chỗ nào thấy an ninh của nó lỏng quá em cũng hãi. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, em thấy vụ bác chủ topic là quá đáng, rất quá đáng. Kỉ niệm tệ nhất của cá nhân em là đi Ấn Độ. Thủ tục hành là chính ở nơi này thì VN quê mình chưa là cái đinh. Nhưng ơn giời em vẫn lọt.
Em chả biết nói gì, chia buồn cùng bác Tuấn. Em may mắn chưa gặp tình huống đó bao giờ, có lẽ do toàn đi theo dạng công tác. Em cũng nghe nói nhiều người bạn tự tổ chức đi chơi ở châu Âu hay gặp vấn đề visa nhưng chắc trường hợp của bác là nặng nhất. Chuyện visa của người Việt Nam, không phải do chúng ta nghèo đâu ạ. Người Cambodia hay Siri lanka, họ đi đâu cũng dễ dàng hơn ta nhiều.
Chia buồn cùng bác chủ, mong bác sớm vượt qua. No reject mình cũng chưa chắc đã phải là bad bác ạ. Cửa này đóng thì cửa khác mở thôi.
Có một lý do cũng đơn giản nhưng ít người ngờ đến: Đó là cái hộ chiếu mà mới quá hoặc mới cấp trước khi đi chưa thể hiện đến nước nào thì CQ XNC của nước đó sẽ rất chú ý, còn nếu cái hộ chiếu mà cũ có thể hiện đi nhiều nước trong đó có EU, Mỹ thì bọn nó không quan tâm lắm đâu Ok liền ah; Chia buồn với bác về chuyến đi không may này, mấy bác hay đi EU hay Mỹ gì đó khi đến vẫn được hải quan, CQ XNC của nước đó rất quan tâm thậm chí khám xét rất kỹ ah; nhưng vẫn vào được nên cũng không kêu ca gì.
trước tiên em chia sẻ những gì bác Tuấn chịu đựng, NZ em chưa đi nhưng ÚC thì em có đến mấy lần và có lần cũng bị nửa ngày và bị hỏi những câu hỏi có vè nhue rất ngớ ngẩn. ở NZ em không biết nhưng ở Úc thì vấn đề An ninh nông nghiệp đc đặt lên hàng đầu, bác mang bất kì loại thịt tươi sông nào vào đất nước đó đều có thể bị xếp vào diện khủng bố. Lý do họ giữ em lại để kiểm trất đơn giản: I'm Vietnamess, vì rất nhiều người VN đã tạo cho đất nước họ phải cảnh giác, và họ em rất nhiều câu hỏi khiến bực mình: tại sao mày đến đây, khi nào mày về, đến đây làm gì (mặc dù các vấn đề đã có trong hồ sơ) tại sao phảỉ đến đây để làm việc đó, sao không làm ở chỗ khác. rồi ở VN mày làm gì.... Kinh nghiệm của em là hợp tác... hợp tác và hợp tác.. không tỏ ra nôn nóng không tỏ ra khó chịu, họ hỏi gì đáp nấy, ngắn gọn không trình bày.... theo em biết ở nhiều nước bất kỳ một lý do nào mà họ cảm thấy có nguy cơ đến an ninh quốc gia họ có thể từ chối nhập cảnh. ở Úc các bác phải cận thận với mấy em cảnh sát 4 nhân nhỏ xíu như con chin-huahua, loại này chuyển soi thực phẩm... Trước khi đến nước nào cần tìm hiểu thông tin kỹ về các thủ tục nhập cảnh ở nước đó, nhất là khi mình là người VN.... còn việc chia sẻ thông tin về an ninh đối với các quốc gia là chuyện bình thường bác ạ, hồ sơ của bác sẽ đc chia sẻ đến những nước mà NZ có hợp tác về chia sẻ thông tin ....