Thời những năm 78-82 của thế kỷ trước em đã từng đắm say giọng ca này với một số bài hát như con kênh ta đào ( hát cùng ca sỹ Thanh Hoa ) chiều trên bến cảng- một bài hát và nhiều ca khúc nữa ..đến bây gìơ còn đọng trong em đầy ký ức một thời ..một giọng ca trong, âm vực tốt, được rèn giũa, đào tạo cơ bản, một ca sỹ tài hoa nhưng bạc mệnh, sau này những bài hát của anh về Hà nội nơi anh sinh ra lớn lên và thành danh Có bác nào có tư liệu cũ về ca sỹ Ngọc Tân hát những năm 70-80 của thế kỷ trước cho em được chia sẻ cùng với. Rất mong được thêm thông tin về ca sỹ này. Trân trọng
em cũng rất thích chất giọng nam trung của Ngọc Tân, và có khoảng 5 CD của ca sỹ này như "Hà nội ngày chia xa", "Vâng trăng và con đường", "Chảy đi sông ơi", "Biển đêm"...em đặc biệt ấn tượng khi Ngọc Tân vừa chơi Piano vừa hát "Biển đêm" của Quang Vinh, dường như anh trút cả lòng mình vào tác phẩm : "Biển, biển ơi, giữa trời đêm lộng gió tìm ai, biển , biển ơi, thức cùng em có triệu ngàn tinh tú và mênh mông thời gian. Biển , biển ơi, nơi xa vời em có biết trăng anh gọi em cồn cào tiếng sóng, néu nơi ấy em thấy lòng xao động , là tình anh vang vọng ngóng em...", hichic Mời các bác tiếp ạ
Em cũng hâm mộ cụ này."Hà nội ngày chia xa" ko những các bài hát hay,mà còn là 1 trong những đĩa VN em thấy thâu âm cũng rất tốt,nghe ko bị ồn,ko dính rất tách bạch,vừa tầm. Ghét nhất là trên Hồ gươm audio thỉnh thoảng có những cuốn CD nhạc Việt nam(trong dó có những cuốn Ngọc Tân) ghi toàn tiếng Anh,chắc để bán cho Tây
"Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến Cảng, ta chia tay nhau, sao lòng bao lưu luyến..." Nghe Ngọc Tân hát bài này sao mà chất chứa tình cảm, không ca sỹ nào hay hơn anh ở nhạc phẩm này!
Em xin chia sẻ cùng các bác những cảm xúc về Ngọc Tân, một ca sĩ, một người nghệ sĩ lớn đã cống hiến trọn đời mình cho nghệ thuật, và trong em cũng như rất nhiều người hâm mộ anh, dù anh đi xa nhưng hình ảnh của anh với cây đàn guitar trên sân khấu và những bài hát của anh sẽ mãi mãi theo chúng ta suốt cuộc đời này. Tiếng hát của Ngọc Tân như thấm sâu vào lòng người nghe bởi chất giọng mượt mà, bởi tiếng đàn piano điêu luyện, tình cảm nồng nàn của người ca sĩ và nhất là bằng những lời hát chân thật, đời thường. Với chất giọng khoẻ, ấm, với một phong cách biểu diễn nhiệt tình, Ngọc Tân thật sự đã sống hết mình với những bài hát của mình. Giờ đây, ca sỹ Ngọc Tân đã nằm lặng lẽ ở một góc nghĩa trang Văn Điển - Hà Nội. Trên mộ anh 4 mùa luôn có hoa tươi của những người hâm mộ… Và năm tháng trôi qua dần hé lộ những gì còn là bí ẩn xung quanh người ca sỹ có giọng hát vàng về biển cả, về tình yêu và về Hà nội này… … Năm 1981, đang trên đỉnh cao nghệ thuật, Ngọc Tân đột ngột vượt biên. Tàu đi từ vùng biển Đông Bắc trong một đêm yên ắng, đã tưởng yên, nhưng bão tố nổi lên, con tàu bị đánh dạt vào tận vùng biển miền trung, kẻ sống, người chết. Như một định mệnh, Hà, người vợ yêu quý của Ngọc Tân vĩnh viễn nằm lại vùng biển Hà Tĩnh này, còn Ngọc Tân từ đây vướng vòng lao lý. Bài hát từng mang vinh quang cho Ngọc Tân: “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến Cảng, ta chia tay nhau, trong lòng bao lưu luyến…”, cải biên lại lời: ”Một chiều mùa hè, Ngọc Tân ra Bến Cảng, Tân mong đi Tây, nhưng lại không đi thoát…”. Hơn một năm lao tù, khi ra, hai bàn tay trắng. Bối cảnh thời gian ấy còn rất nhiều khó khăn, định kiến, tội “vượt biên” kể như “trọng tội”, cho nên dù được ra tù, nhưng cánh cửa nghệ thuật gần như đã đóng sầm lại trước mặt Ngọc Tân. Nhưng, như một chiếc lò xo càng nén thì sức bật càng mạnh mẽ, Ngọc Tân tìm mọi cách để trở lại con đường nghệ thuật… Vượt qua nhiều cửa ải, cùng với sự hỗ trợ tác động của nhiều người thân thiết, Ngọc Tân cũng chỉ có thể xin đuợc một giấy phép biểu diễn của Sở VHTT Hà nội cho phép Tân diễn ở ”ngoại thành và các tỉnh bạn lân cận”. Chỉ còn hy vọng đi vào TPHCM, hy vọng vào sự cởi mở, phóng khoáng của miền đất phương Nam này. Trước tiên, lên Tây Nguyên, với sự giới thiệu của một vài người bạn nghệ thuật để đầu quân về Đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng, lặng lẽ trong vai trò một giáo viên thanh nhạc cho các ca sỹ trong đoàn, với thù lao chủ yếu là những rổ khoai, đĩa sắn, và thi thỏang có thêm dăm ba quả trứng gà vì trò quá yêu quý thày mà chắt chiu dành cho thầy… Sau gần nửa năm, cho đến khi hoàn thành hợp đồng, Ngọc Tân mới xuôi về Sài gòn. Thoạt đầu, anh hợp cùng Trần Tiến thành một” cặp bài trùng” nghệ thuật, với tên gọi mới là Bảo Hà (ghép tên đệm của con - Bảo Long - và tên của mẹ cháu - Hà). Đêm đêm, hai chàng ca sỹ cao to chở nhau trên một chiếc PC “đèn đỏ thì chạy, mà đèn xanh thì dừng” chạy show trên các sân khấu…Cũng có khi họ có hợp đồng (cùng ca sỹ Thanh Lan hay theo “ông bầu” Vũ Ân Khoa) ra miền bắc trình diễn, nhưng dù với tên gọi mới là Bảo Hà, nhiều địa phương vẫn kiên quyết không cho Ngọc Tân trình diễn. Có nơi bởi không biết Bảo Hà là ai cho nên thoạt đầu cho diễn, đến khi thấy băng rôn căng lên ai đó viết thêm vào : Ca sỹ Ngọc Hà (chính là Ngọc Tân) đã báo hại Tân đến sát giờ diễn thì bị…thổi còi dừng! Ngọc Tân tâm sự có đêm ở rạp Hồng Hà (Hà Nội), trong lúc bên trong Trần Tiến và Thanh Lan biểu diễn, thì bên ngòai Ngọc Tân lặng lẽ ngồi chờ ở một quán chè chén 5 xu trước cửa nhà hát. Nghĩ đất quê mình, sân khấu từng là của mình, thế mà giờ dây thui thủi thế này, nhấp một ngụm nườc lại ứa ra một hàng nước mắt tủi cực ướt nhòa cặp kính trắng… … Chỉ đến khi chính thức được về Đoàn ca múa nhạc Bông Sen TP HCM, Ngọc Tân mới trở lại với chính mình, trở lại với tên gọi Ngọc Tân, với con đường nghệ thuật mà anh đã thầm hứa sẽ theo đuổi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay…Và lời thầm hứa ấy, từ những ngày tháng mới bước vào đời, cũng như những ngày tháng tăm tối nhất, đã được anh giữ trọn đến cùng… Nghệ thuật bao giờ cũng đồng nghĩa với sáng tạo, đồng nghĩa với cái mới. Đây cũng là tâm niệm của Ngọc Tân. Năm 1979, lần đầu tiên Ngọc Tân đươc cử đi tham dự một cuộc thi âm nhạc quốc tế (Con người và biển cả). Dù đã có sẵn 20 ca khúc về đề tài biển đã thân quen và được một hội đồng tuyển chọn giúp để chọn một bài hát thích hơp nhất mang đến cuộc thi, nhưng dường như anh vẫn chưa bằng lòng, vẫn cất công tìm kiếm thêm. Thế rồi có một buổi trưa đang dạp xe trên đường, bỗng nghe tiếng gọi từ trong một quán nước. Thì ra đó là ca sỹ Hòang Long (Đòan ca múa bộ đội biên phòng). Trong lúc hàn huyên, Hòang Long hát cho Ngọc Tân nghe một sáng tác còn tươi nguyên nét mực của một nhạc sỹ quân đội, mà theo Hòang Long thì chưa có ai biết, chưa gửi cho ai, chưa có ai hát…Vốn rất nhạy cảm, Ngọc Tân xin bà chủ quán một tờ giấy và liền “tốc ký”ngay theo tiếng hát Hòang Long . Ít ngày sau, bài hát này theo Ngọc Tân đến với cuộc thi…Đó chính là bài hát “Chiều trên bến cảng” của nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, sau này rất nổi tiếng cả trong và ngòai nước… … Một điều cũng rất đáng quý ở Ngọc Tân là, dù là một sao rực rỡ, được đông đảo công đảo công chúng yêu quý, ngưỡng mộ, nhưng trên con đường đời cũng như con đường nghệ thuật, anh sống rất khiếm tốn, bình đẳng, không phân biệt sang hèn. Bạn thân của anh có khi là một người thợ may, một anh chàng ca sĩ quan họ chân quê, một thầy giáo phổ thông cơ sở… Trong âm nhạc cũng vậy, những sáng tác do anh thể hiện chỉ lấy tiêu chí “hay” làm đầu, chứ không vì tác giả của bài hát là ai, địa vị trong xã hội thế nào. Chính vì vậy cho nên anh đã đến với những sáng tác của Lương Hải, là một người thợ sửa xe máy ở Hà nội, hay Lê Vinh mà sau này Ngoc Tân đã không bao giờ quên được đôi bàn tay vàng khè và còn thơm mùi vec ni của anh chàng thợ mộc này khi trao gửi những sáng tác đầu tay cho Ngọc Tân ở buổi đầu gặp gỡ… Ngôi nhà của bố mẹ Ngọc Tân nằm trên đường phố Huế, nhìn thẳng mặt ra chợ Giời. Chỉ vài bước chân, là có thể lọt sang thế giới ấy, thế giới của buôn bán, kinh doanh, thế giới mà ngày ấy còn gọi là con phe, con buôn…nhưng bao giờ cũng giàu có hơn người. Phi thương thì bất phú. Từ rất sớm Ngọc Tân hiểu điều ấy. Nhưng tiếng gọi nghệ thuật đã mạnh mẽ hơn rất nhiều với anh. Và anh đã đi theo tiếng gọi này. Nhưng, cơm áo vốn dĩ không đùa với khách thơ, lại có lúc hơn 10 năm đứng thầm lặng trong dàn hợp xướng, lương ba cọc ba đồng, lại có lúc ra tù hai bàn tay trắng…cho nên để có thể tồn tại, để có thể làm nghệ thuật, Ngọc Tân luôn có thêm một nghề tay trái là kinh doanh. Và cũng như làm nghệ thuật, trên thương trường, dù cũng rất trần ai và nhọc nhằn, Ngọc Tân cũng lại rất thành công. Từ năm 1994, Ngọc Tân bỗng “ngộ” ra một điều rằng: không kinh doanh gì bằng kinh doanh chính tiêng hát của mình. Và từ đó. anh trở thành một “ông bầu” của chính mình, của nhiều live show Ngọc Tân cũng như nhiều chương trình nghệ thuật. Phải ghi nhận rằng trong lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật, Ngọc Tân là một siêu bầu không ai có thể qua mặt, với gần 160 suất diễn luôn thành công cả về nghệ thuật và doanh thu… Như tất thảy những người nhiều thăng trầm, Ngọc Tân rất quý trọng đồng tiền. Nhưng rồi chính anh cũng lại là một trong những nghệ sỹ vào lọai nhiệt tâm và nhiều đóng góp cho các họat đông từ thiện. Nhìn vóc dáng to cao của Ngọc Tân, ai cũng cho rằng sức khỏe của anh là tuyệt vời. Ngọc Tân cũng luôn nghĩ như vậy. Thế nhưng 5 năm trước, trong một lần ra chăm sóc bố bị bạo bệnh ở Hà Nội (cũng căn bệnh sau này đã cướp Ngọc Tân ra đi), lúc vào viện không biết thế nào anh lại đòi chụp cắt lớp. Và rồi khi biết kết quả, anh đã bàng hoàng khi biết trong gan của anh có một khối u… Từ đây, dù khối u đó ban đầu chỉ xác định là một “nang nước”, nhưng một cuộc chiến đấu với bệnh tật bắt đầu được bừng lên trong Ngọc Tân. Đủ cách, đủ kiểu, kể cả làm hình nộm đem lên một ngôi chùa ở Lạng Sơn cúng bái…Ở nơi nào có thuốc hay, có thầy giỏi, là Ngọc Tân tìm đến. Anh yêu cuộc sống, yêu gia đình, yêu nghệ thuật. . . và quyết không đầu hàng số phận. Nhưng Ngọc Tân ra đi ở tuổi 56 khi thời gian "cống hiến" vẫn còn rất dài, để lại phía sau bao dự định, toan tính rằng sẽ "tái xuất" khán giả Thủ đô bằng một liveshow cuối thu, mà anh ao ước sẽ hay không kém gì "Biển của một thời" (liveshow của anh năm 1994). Cũng may là trước khi mất, anh đã kịp cho ra đời album "Hà Nội - ngày chia xa", để khán giả giờ đây vẫn có thể nghe lại những bài hát về Hà Nội của anh. Có người nói "Chiếc lá cuối cùng níu giữ Ngọc Tân ở lại với cuộc đời là niềm đam mê âm nhạc, nay cũng đành bất lực trước căn bệnh trầm kha". Chuyện bây giờ mới kể về anh - khi anh không còn nữa, làm chúng ta càng thêm nhớ về anh - nhớ về một con người đã từng vượt qua rất nhiều bão tố của biển khơi và bão tố của cuộc đời, một nghệ sỹ đã từng chiến thắng bóng tối để trở thành một ngôi sao nghệ thuật rực rỡ, đã từng chiến thắng đói nghèo để có một đời sống kinh tế vững vàng và cũng là một số phận không ít vinh quang, thăng trầm, cay đắng, nhưng luôn giàu ý chí vươn lên… Vĩnh biệt Ngọc Tân Nguồn: giaidieuxanh.net http://www.giaidieuxanh.com.vn/thegioin ... 05/566749/
Vâng nghe những câu hát đầu tiên này càng thấy nhớ Ngọc Tân, một ca sỹ tài hoa mà bạc mệnh, Nghe Ngọc Tâm hát ta cảm thấy như Anh đang rút hết lòng dạ mình ra để gửi gắm vào các bài hát mà anh thể hiện, Bài chiều trên bến cảng là 1 bài ca em không thể quên được giọng ca của anh ngày ấy của những năm 80 của thế kỷ trước. Cảm ơn bác Fee.. ,lovebasso rhythm_rainv2 và các bác đã chia sẻ trên topic này
Cho tôi thắp một nén nhang cho ca sĩ Ngọc Tân , một ca sĩ tôi đã ngưỡng mộ với chất giọng truyền cảm của Anh.
Cám ơn bác rhythm_rainv2 đã có một bài viết rất đầy đủ và chi tiết về CS Ngọc Tân, người ca sỹ tài hoa mà em rất ngưỡng mộ. Em đã từng gặp Ngọc Tân ở ngoài đời, anh ấy rất giản dị với chiếc Vespa màu xám và cách nói chuyện mộc mạc. Ngọc Tân thành công với rất nhiều bài hát nhưng em có cảm giác "Khoảnh khắc" là ca khúc anh ấy đã hát bằng với tất cả tâm sự, nỗi lòng của mình, suy cho cùng, cũng là một người đàn ông không may mắn.
Ca khúc mà ca sĩ Ngọc Tân trình bày thành công nhất theo em đó là "Koibito Yo" của nhạc sĩ người Nhật Itsuwa Mayumi. Ca khúc này được dịch sang tiếng Việt với tiêu đề là "Người yêu dấu ơi" Koibito Yo Itsuwa Mayumi - 1980 Kareha chiru yuugure wa Kuruhi no samusa wo monogatari Ame ni kowareta benchi niwa Ai wo sasayaku uta mo nai Koibito yo, soba ni ite Kogoeru watashi no soba ni ite yo Soshite hitokoto kono wakarebanashi ga Joudan dayo to waratte hoshii Jarimichi wo kakeashi de Marason bito ga yuki sugiru Marude boukyaku nozomu yoni Tomaru watashi wo sasotteru Koibito yo, sayonara Kisetsu wa megutte kuru keredo Anohi no hutari yoi no nagareboshi Hikatte wa kieru mujou no yumeyo Koibito yo, soba ni ite Kogoeru watashi no soba ni ite yo Soshite hitokoto kono wakarebanashi ga Joudan dayo to waratte hoshii i Tạm dịch: (sưu tầm) Hoàng hôn với những chiếc lá thu vàng rơi rụng báo hiệu những ngày giá lạnh đang đến. Ðã hết rồi những bản tình ca, còn chăng là mưa rơi trên chiếc ghế xiêu vẹo. Người yêu dấu ơi, hãy về với tôi, hãy cười và nói với tôi rằng câu nói chia tay chỉ là lời nói đùa mà thôi. Người chạy bộ ngang qua trên con đường đá sỏi như muốn nói với tôi đang ngồi yên như tượng đá, hãy quên đi tất cả. Người yêu dấu ơi, mùa này tiếp nối mùa kia, nhưng hai người ngày nào giờ đã chia xa. Một ánh sao rơi, chợt sáng lên rồi vụt tắt trên bầu trời của đêm hôm đó, mang theo giấc mơ tình yêu vô tình. Người yêu dấu ơi, hãy về với tôi, hãy cười và nói với tôi rằng câu nói chia tay chỉ là lời nói đùa mà thôi. Bài này được nhiều nhạc sĩ dịch ra lời Việt như Phạm Duy, Khúc Lan. Đây là lời mà ca sĩ Ngọc Tân hát, không biết nhạc sĩ nào dịch. Chiều hoàng hôn rơi lá, bao lá cây thu vàng Chờ mùa đông, từng cơn gió tuyết trắng lạnh về. Ôi, tháng năm với những thời gian buồn trôi đi mãi, và trên ghế đá kia phai màu, người yêu dấu không thấy đâu. Người yêu dấu ơi, người về với tôi với bao thời gian, với bao kỷ niệm. Ngồi ngắm sao rơi trời đêm. Bầu trời loé sáng đêm đen. Và từng tiếc mãi không quên giấc mơ tình yêu vô tình chợt tắt trong đêm đông về.
Lúc còn sinh thời trả lời báo chí ca sỹ Ngọc Tân có nói ông chỉ thích hát những bài mới và lạ ít ai hát, ông đã thử hát nhạc Trịnh theo ông là nghe rất dở và kì nên ông không hát nhạc Trịnh; đó là tư cách và lòng tự trọng của một ca sỹ lớn ! Chả bù lại những ca sỹ sau này, em nào cũng muốn hát nhạc Trịnh rồi chế biến tùm lum như một món thời trang thời thượng, thật kịch cưỡng.
Người tài như vậy mà lại ra đi quá sớm, anh ra đi trong lúc tài năng đang ở đỉnh cao làm hụt hẫng biết bao người, nhất là những người thích giọng ca của anh về Hà Nội.
Phải thừa nhận Ngọc Tân là một giọng ca nam tính, truyền cảm hiếm thấy. Ông mất rồi mới thấy thèm một chất giọng nam của dòng nhạc nhẹ cho ra nam. Giờ mấy ổng õng ẹo, baby nghe phát gớm!
Em khoái nhất ông này hát "Em ơi Hà nội phố" và "Người yêu dấu ơi " ngày trước hay phát trên đài phát thanh, nghe tình cảm vô cùng
"Cháy hết mình, cánh phượng nhẹ nhàng rơi..." lần đó e đi nghe ở nhà hát TpHCM, thấy trong mắt ông hoen nước. Phải nói chưa ai hát Hà Nội và tôi hay bằng Ngọc Tân hát. Album Hà Nội ngày chia xa là CD cuối cùng của Ngọc Tân thì phải, hôm trước e lục lại được đĩa này, trước kia nghe bằng bán dẫn, giờ nghe lại bằng đèn thấy lạ, bất ngờ, tình cảm lắm.
Em thích nghe bài Hà Nội ngày chia xa, rất đi vào lòng người, và lại càng thấy hay hơn khi biết rằng giọng hát đó đã ra đi mãi mãi. Chúc anh yên nghỉ thanh bình!
Theo cá nhân em, "Khoảnh khắc" tuy chưa phải là bài hay nhất mà Ngọc Tân thể hiện, nhưng cái nỗi đau khi mất đi người vợ yêu dấu, nỗi day dứt, trằn trọc, ân hận, xót xa... dường như đã nằm cả trong bài hát này... Mỗi khi nghe Ngọc Tân hát "Khoảnh khắc", em thấy lòng mình ấm áp lạ thường...
Theo cá nhân em, "Khoảnh khắc" tuy chưa phải là bài hay nhất mà Ngọc Tân thể hiện, nhưng cái nỗi đau khi mất đi người vợ yêu dấu, nỗi day dứt, trằn trọc, ân hận, xót xa... dường như đã nằm cả trong bài hát này... Mỗi khi nghe Ngọc Tân hát "Khoảnh khắc", em thấy lòng mình ấm áp lạ thường... Xem các bác nói đến ca sỹ Ngọc Tân E chạy ra 33 hàng bài làm 1 đĩa Khoảnh Khắc về nghe phê cúa các bác ạ (vì lâu ko nghe bác này hát)E thấy bác này thể Hiện Hà Nội và tôi hay quá
Em cũng hay nghe Ngọc Tân, phải nói nghe Ngọc Tân hát, dù chỉ là qua đĩa CD nhưng vẫn thấy được tình cảm của người hát đặt trọn vào lời hát. Bài em đặc biệt thích ở giọng ca truyền cảm này chính là "Biển đêm". Nghe anh hát "..biển, biển ơi, giữa trời đêm lộng gió.. ta gọi em nồng nàn con sóng.." mà thấy xót xa một niềm tâm sự gửi đến người vợ yêu dấu. Một bài hát để lại rất nhiều cảm xúc.
em nghe nói trước đây anh Ngoc Tân nhà mình sửa chữa....đồng hồ ở Chợ trời đúng ko các bác, em chỉ nghe nói thế thôi nhé ko biết đúng hay sai
Chẳng hiểu sao nhiều người yêu thích tiếng ca Ngọc tân thế mà em lại chẳng thích tẹo nào. Huhu. Xem ra nhận thức của em kém roài.