Một người dám từ khước hào quang, để bước Nhạc sĩ Việt Anh là một nhạc sĩ nổi tiếng, và rất trẻ, anh sinh năm 1976. Với một người trẻ, được choàng lên vai những vòng nguyệt quế từ rất sớm đã là một việc không phải dễ dàng, thì khước từ nó, để bước tiếp - đương nhiên là một khó khăn gấp bội. Vậy mà Việt Anh làm được. Ngay trong những tháng ngày vinh quang nhất, khi các ca khúc của anh như Người đi xa mãi, Mưa phi trường, Không còn mùa thu, Hoa có vàng nơi ấy, Dòng sông lơ đãng, Đêm nằm mơ phố... luôn nằm trên môi người mộ điệu, cũng như công việc hòa thanh, phối khí đang hanh thông, anh quyết định tạm xa lánh hào quang, lặng lẽ đi du học về âm nhạc ở Auckland, New Zealand. Đó là nơi, thay vì ở lại quê nhà để củng cố vị trí của mình trong làng âm nhạc, anh phải chạy bàn hàng đêm trong một quán ăn để mưu sinh...Từ khước hào quang - là câu chuyện về quyết định của cá nhân nhạc sĩ Việt Anh. Còn ở vai trò một thính giả yêu mến âm nhạc Việt Anh, tôi vừa thấy một bước chân vững chãi lên đường ... Những tình ca thấm đẫm chất văn chương Điểm rực rỡ nhất trong những tình khúc Việt Anh, theo cá nhân người viết, chính là phần ca từ thấm đẫm chất văn chương. Nhạc sĩ Việt Anh được thừa hưởng một nền giáo dục âm nhạc nhà nòi, nghiêm cẩn từ bé khi bố mẹ anh đều là những nghệ sĩ danh tiếng. Có lẽ đó cũng là một trong những căn do mang tính nền tảng giúp anh tránh được những khiếm khuyết về sự mòn sáo, sự dễ dãi, sự chểnh mảng thường thấy trong phần ca từ của không ít các nhạc sĩ trẻ thời gian gần đây. Trong âm nhạc Việt Anh, bóc tách phần lời ca ra khỏi những nốt đen trắng, chúng ta có ngay những hình ảnh chạm đến vẻ đẹp trong ngần, nguyên sơ của nghệ thuật, thứ ánh sáng chấp chới ở vô biên. "Từng ngón tay khép như nụ hoa trắng Bỏ lại hàng cây ngơ ngác sau lưng..." (Trích ca khúc Dòng sông lơ đãng ) "Rồi mai anh thấy mình đau nhói trong từng ngón tay Sao em chẳng giấu nỗi buồn trong mắt" (Trích ca khúc Nơi mùa thu bắt đầu) " Đêm tàn cho trăng khuyết ra đi theo người Ru mai buồn từng cánh rơi ngoài sân mưa..." (Trích ca khúc Hoa có vàng nơi ấy) Còn nữa, cuốn theo chủ điểm này, tôi có thể kể miên man : "Khi rừng tan tác em ngồi xõa tóc theo mây Có những chiều, mây tìm em, khan giọng Gió hay đêm vỗ về, một ngày vắng xa tôi trong đời Những đôi môi quen, lạ, chỉ làm tôi nhớ em hơn..." (Trích ca khúc Dấu đêm) Cũng bởi nét đẹp cần được chú tâm chiêm ngưỡng này, người viết sẽ còn quay lại phần ca từ trong ca khúc Việt Anh ở một bài viết khác, về sau. Cô đơn tuôn lơ đãng, thành sông Phải nói ngay rằng, khi âm nhạc đã chọn Việt Anh để ký thác sự tinh tế trong ca từ, sự bay bổng của giai điệu, thì đồng thời, nó cũng để lại anh một tâm tư cô đơn khôn cùng, thứ buộc phải chảy, phải tuôn, lơ đãng, thành sông... Tình ca của anh không phải là những đôi môi ngon vừa chạm, những đồi chiều lứa đôi, càng không phải là những gian phòng trưng bày hoa và váy cưới. Tình ca của Việt Anh, phần lớn, chính là những tình ca một mình mà thôi. Đó, có đôi khi là những độc thoại của một người sở hữu một thế giới nội tâm dữ dội, nhưng hiền lành, náo động, nhưng thinh lặng. "Trong cơn mơ đêm nhẹ như gió, trôi qua không gian và nguôi lắng dần, những điều tôi chưa nói với em. Hôm chia tay cây vừa trút lá Hôm chia tay ô cửa vẫn sáng đèn Hát gì lên đi đêm quá yên Trôi theo cơn mơ dòng sông chói chang Trôi theo cơn mơ niềm đau rất thật Có bình yên nào không xót xa..." (Trích ca khúc Chưa bao giờ) "Yêu em tình tôi lặng lẽ Chợt cả đại dương về hóa mưa ngàn Đêm khuya tầm xuân còn ngái ngủ Mơ nơi ngoài kia đường phố đông người..." (Trích ca khúc Chiều biển vắng thênh thang) Và, những đối thoại, nếu có, là những đối thoại tượng trưng của người nhạc sĩ, với những kỷ niệm, với dĩ vãng, với bình yên, và cả xót xa. "Bây giờ em biết vì sao gặp nhau biển xô sóng trào Ngồi nghe chiều yên gió lộng, giữa muôn vàn hoa Đi về đâu cũng là thế, buồn kia còn trong dáng ngồi Thiên đường xưa khép lại từ muôn năm rồi..." (Trích ca khúc Chưa bao giờ) Cho đến cả khi lựa chọn những khuôn khổ, những nhịp phách vui tươi hơn cho ca khúc của mình, thì trong âm nhạc Việt Anh, nỗi cô đơn vẫn hiện hữu, bằng khoảng cách, bằng bâng khuâng : "Người đi xa mãi, trọn đời chẳng đến bên tôi, Người đi xa mãi, sương sớm phai mờ dấu chân..." (Trích ca khúc Người đi xa mãi) "Anh nhớ em buồn vui nơi đó Anh nhớ em từng đêm gió về Bao ước mơ một đời thiếu nữ Theo lá rơi con sông mùa thu..." (Trích ca khúc Tình yêu tôi hát) Phải nói rằng, người viết bài này đã có lần cố công tìm kiếm một dung nhan một người nữ cụ thể trong rất nhiều ca khúc Việt Anh, thế mà chỉ thấy bóng dáng, chỉ thấy dấu hài để lại của nàng mà thôi. "Em như là sương khói, mong manh về trên phố, Đâu hay một hôm gió mùa thu. Đâu hay mùa thu gió, đêm qua mặc thêm áo, Tay em lạnh mùa đông ngoài phố..." (Trích ca khúc Đêm nằm mơ phố) Sông còn trôi, mải miết Ra đi là để quay về. Nhạc sĩ Việt Anh đã chính thức trở lại với việc sáng tác ca khúc, hòa thanh ,đồng hành với đó, là sáng tác trong lĩnh vực khí nhạc, một chân trời mới mẻ, mà trong anh thì nhiều khao khát. Người viết những dòng này đang ở mùa thu, giả sử Sài Gòn có thực một mùa thu. Và, bên trong thành thị náo nhiệt này, tôi thấy âm nhạc Việt Anh đang tuôn thành sông, và trôi, còn trôi mải miết... Nguyễn Đăng Khoa Sài Gòn, 23.8.2015
Rất thích nhạc của nhạc sĩ Việt Anh, ca từ đẹp, tươi sáng, rất Việt Nam, vẫn còn nhớ bài "Tình yêu tôi hát" một trong những hit thưở xưa em rất thích
Em đã từng gặp nhạc sĩ, tác giả bài hát mà em rất thích : Dòng sông lơ đãng. Nhiệt tình, dễ gần và rất đẹp trai