Optoma HD90 : Công nghệ 3LED, xu thế tương lai

Discussion in 'Kinh nghiệm' started by nhuthungfoto, 23/1/14.

  1. nhuthungfoto

    nhuthungfoto Advanced Member

    Joined:
    10/4/06
    Messages:
    4.735
    Likes Received:
    52
    Bài Review của thành viên Tricu​

    Thông tin về sự có mặt của Optoma HD90/91 đã phong phanh từ khá lâu. Và Optoma dự kiến sẽ cho ra mắt model này vào đầu quý I 2014. Và quả thật Optoma đã giữ lời hứa của mình. Nhận 2 máy HD90 từ nhà nhập khẩu Hoàng Đạo vào thứ 2 tuần trước, nhưng mãi đến tận hôm nay em mới có thời gian để tiến hành phẫu thuật em nó.

    Có thể nói ngoài những hãng máy chiếu siêu cao cấp như Digital Projection, Projectiondesign, Runco hay Sim2, Optoma là một trong những công ty máy chiếu đại trà đầu tiên tung ra dòng máy chiếu cinema dùng công nghệ LED. Trước đó ViewSonic cũng tung ra dòng máy chiếu Hybrid Pro9000 vốn sử dụng kết hợp một chip LED đỏ kết hợp với bóng Laser cho màu xanh dương và xanh lá. Tuy nhiên Pro9000 không được đánh giá cao trong thị trường máy chiếu cinema do hạn chế về độ tương phản cũng như chính xác màu.

    Việc tung ra máy chiếu LED HD90/91 của Optoma có thể nói là một tin gây chấn động đối với các fan của cinema projector. Các diễn đàn AV nổi tiếng như avs hay hometheatreshark đều dành ra hàng chục trang bàn luận sôi nổi về sản phẩm hot này của Optoma.

    Em quả thực khá may mắn vì được review máy này khá sớm. Model HD90 khác so với HD91 chủ yếu ở hệ thống lens. Lens của HD90 sử dụng là Wide angle sử dụng cho chiếu gần, vốn thích hợp với điều kiện nhỏ hẹp của phòng chiếu cho thị trường châu Âu và châu Á. Trong khi đó HD91 dự kiến sẽ dùng lens chiếu xa thích hợp cho thị trường bắc Mỹ. Và HD90 cũng có thông số về độ sáng cao hơn HD91, 1200lumens so với 1000lumens của HD91.

    Ngoại hình

    [​IMG]

    HD90 có ngoại hình khá to so với một máy chiếu LED. Em đã có dịp sử dụng quá khá nhiều máy chiếu LED dòng PICO (máy chiếu mini bỏ túi) của Optoma, Infocus, và một số hãng Trung Quốc có kích thước siêu nhỏ. Bởi vì máy chiếu LED không cần nhiều không gian cho việc tản nhiệt như ở các máy chiếu dùng đèn UHP truyền thống. Thế nhưng HD90 vẫn rất đô con, nặng khoảng 7kg và khá dài do được trang bị một hệ thống Lens hoành tráng. Máy có hệ thống lens shift dọc, ngang giống như người anh HD83 của mình.

    Lợi thế của công nghệ LED của HD90

    Việc sử dụng công nghệ 3LED (3 chip LED R G B) đem đến cho HD90 những lợi thế to lớn so với các công nghệ cũ dung bòng đèn UHP (Ultra High Pressure) truyền thống.

    1.Thứ nhất là công nghệ 3LED cho dải màu đỏ, xanh dương và xanh lá rộng và đều hơn rất nhiều so với việc dùng bóng đèn trắng UHP vốn luôn hạn chế về màu đỏ, và thừa màu xanh dương. Vì thế cũng dễ hình dung rằng 1000lumens của bóng đèn LED sang hơn rất nhiều so với 1000lumens của đèn UHP. Bởi lẽ với đèn UHP khi tăng cao độ sáng thì hình ảnh sẽ bị ngả xanh lá, không thích hợp cho việc chiếu phim. Trong ánh sáng trắng thì xanh lá chiếm 72% vì độ sáng. Vì thế tăng độ sáng xanh lá làm tăng rất nhiều lumens tổng. Các bác có thể test bằng các chuyển máy chiếu sang chế độ bright hay dynamic sẽ thấy màu bị ngả xanh lá rất nhiều.

    [​IMG]

    2.Việc dùng LED 3 màu cho phép loại bỏ bánh xe màu, giúp giảm kích thước máy, độ ồn hoạt động, nguy cơ hỏng hóc bánh xe màu và đặc biệt là khắc phục hoàn toàn hiện tượng cầu vồng, vốn là điểm yếu có hữu của công nghệ DLP. Em cũng chẳng biết các hãng dùng công nghệ LCD hay LCoS sẽ còn lợi thế cạnh tranh nào so với DLP khi DLP đã khắc phục được hiện tượng cầu vồng. Vì trong bất cứ so sánh công nghệ nào mà các hãng LCD hay LCoS làm đều đem nhược điểm hiện tượng cầu vồng ra nói trước tiên.

    3.Độ nét cao. Về lý thuyết DLP 1 chip luôn dẫn đầu về độ nét so với LCD và LCoS. Lý do là hình ảnh chỉ do duy nhất 1 chip tạo ra. Trong khi đó 3LCD hay LCoS tạo hình bằng cách chồng 3 hình ảnh từ 3 tấm panel riêng biệt.

    4.Tuồi thọ bóng đèn. Cái này thì khỏi phải nói. Với 20.000h thì gần như máy chiếu LED sẽ trở nên bất tử. Cho là người dùng sử dụng máy chiếu như 1 chiếc TV, với 5h xem mỗi ngày thì cũng phải đến 11 năm mới phải nghĩ đến việc thay bóng đèn. Hic, em nghĩ chắc sau này có khi máy chiếu cũng có mặt trong danh sách tài sản thừa kế hay của hồi môn.

    [​IMG]

    5.Khả năng điều chỉnh độ sáng đèn tùy ý. Cái này những bác dùng máy chiếu có hệ thống máy chiếu cao cấp có trang bị manual Iris đều biết ạ. Nhưng thay vì phải sử dụng cửa Iris, HD90 cho phép điều chỉnh trực tiếp độ sáng của LED. Vì thế tùy vào điều kiện phòng chiếu, kích thươc màn hình mà người dùng có thề chỉnh độ sáng đèn nằm tối ưu độ tương phản thực (native contrast).

    6.Việc bật tắt máy chiếu bây giờ gần như là tức thời, không cần thời gian làm nóng hay làm nguội như ở bóng đèn. Nhiệt độ hoạt động của chip LED chỉ là 90 độ C so với 900 độ của bóng UHP. Vì thế máy hoạt động rất mát và hầu như không nghe thấy tiếng ồn của quạt tản nhiệt.

    7.Tiết kiệm điện. 150W, bằng khoảng 1/3 máy chiếu thường. Người dùng có thể dùng như 1 cái TV mà không lo trả tiền điện mệt nghỉ. Hic cứ nghĩ đến cái máy chiếu em đang sử dụng ăn gần 600W mà em xót hết cả ruột.
    Bên cạnh việc sử dụng công nghệ LED, HD90 còn được trang bị một số công nghệ nổi bật như hệ thống quản lý màu CMS+ (Color Management Control) cho phép tùy chình các mày cơ bản Primary và Secondary. Vì thế cho phép calibrate máy tối đa. Tính năng Ultra Detail cho phép tăng độ chi tiết hình ảnh bằng thuật toán, giống như công nghệ sử dụng trong sản phẩm của hãng Darbee.

    Thôi, lý thuyết như vậy là tạm đủ rồi ạ. Em xin lỗi các bác vì công nghệ này quá tuyệt quá nên em đi hơi chi tiết. Mình chuyển qua trình chiếu và đo đạc thực tế thôi ạ. Cuối cùng thì cũng vẩn lại là trăm nghe không bằng 1 thấy, mà trăm thấy cũng không bằng 1 sờ (đo) ạ.

    Em chiếu thử ở chế độ Cinema, tắt Dynamic black và các thông số đều ở mặc định. Cảm giác đều tiên là quá hớp về độ nét và màu đen.

    Độ nét

    Độ nét của HD90 vượt trội so với bất cứ máy chiếu nào mà em đã review, kể cả người anh HD83, Epson 8100, hay Sony HW50 là những máy chiếu được trang bị lens lớn cao cấp. Theo em suy đoán thì có 2 nguyên nhân. 1 là hệ thống lens của HD90 rất tốt, lý do khác là do HD90 dùng hệ thống 3LED. So với DLP dùng bánh xe màu thì việc chồng lắp các màu cơ bản khác nhau lên nhau cho một hình ảnh vật thể chuyển động kiểu gì cũng nhòe ít nhiều, dù bánh xe quay nhanh cỡ mấy. Trong khi đó công nghệ 3LCD hay LCoS cũng bị không nét do tạo hình ảnh bằng cách chồng 3 hình ảnh của 3 màu khác nhau lên nhau, nên luôn có hiện tượng lệch ít nhiều giữa 3 hình (not convergence). Sony hay JVC cho phép chỉnh sửa hiện tương không convergence này bằng tính năng điều chỉnh Panel Alignment, nhưng không phải lúc nào cũng giải quyết được triệt để vấn đề. Em có một anh khách hang sử dụng máy Mitsubishi HC9000D là dòng cao nhất của hãng. Máy sử dụng công nghệ LCoS, tuy nhiên trong quá trính vận chuyển từ Mỹ về máy bị lệch panel nên không các nào focus lại cho nét được.

    [​IMG]
    Optoma HD83

    [​IMG]
    Optoma HD90

    Độ nét của HD90 tỏ ra vượt trội tại các chi tiết như các ô cửa sổ, hay các quạt thông gió trên tòa nhà cao tầng.

    Lưu ý là toàn bộ các screenshot bên dưới đều để ở chế độ mặc định cinema.

    Màu đen

    Về màu đen thì rõ ràng là HD90 hơn hẳn so với các máy chiếu thế hệ trước. Để dễ hình dung em chụp 2 hình so sánh giữa HD90, HD83 vốn nổi tiếng là máy chiếu có độ tương phản native rất cao. Lưu ý rằng trong tất cả các review em luôn tắt chức năng Auto Iris của máy để có thể test chính xác độ tương phản cũng như màu đen thực native của máy chiếu.

    [​IMG]
    Optoma HD83

    [​IMG]
    Optoma HD90

    Với mức đèn ở 70%, gần như rất khó phân biệt giữa 2 vạch đen và khung màn hình. Cũng giống như những lần review trước, em rất chú trọng vào khả năng thể hiện màu đen cũng như màu trắng của máy chiếu. Thế nhưng đó không phải tất cả. Chúng ta đều biết là màu đen hay màu trắng tốt đều có khả năng phải đánh đổi bằng độ chi tiết của máy chiếu. Nếu một máy chiếu vừa thể hiện được màu đen nhưng vẫn giữ được độ chi tiết cao thì điều đó quá tuyệt vời. Nó thể hiện máy có độ tương phản cao và khả năng bám greyscale tốt.

    Độ chi tiết vùng tối

    Em tiến hành một loạt những thử nghiệm so sánh giữa HD90 và HD83 (nhà vô địch về độ chi tiết trong vùng tối trong cuộc thi đấu “Clash of the Titans lần trước”)
    Các chi tiết trong vùng tối của bộ phim Riddick đều được thể hiện rất rõ và tốt. Độ chi tiết và tương phản trên bề mặt của các phiến đá tỏ ra vượt trội, trong khi đó màu đen vẫn được duy trì ở mức rất cao. Nhờ có được độ tương phản và chi tiết cao, hình ảnh của HD90 rất sâu, cho cảm giác 3 chiều rất tốt.

    [​IMG]
    Optoma HD83

    [​IMG]
    Optoma HD90

    Màu da

    Với HD90, màu da của Channing Tatum sáng và tự nhiên hơn. Ngoài ra cũng có thể thấy độ chi tiết trên da, tóc, màu đen của hậu cảnh cũng vượt hơn khá nhiều so với HD83.

    [​IMG]
    Optoma HD83

    [​IMG]
    Optoma HD90

    Độ sáng, độ chính xác màu và khả năng calibrate

    Độ sáng

    Chế độ cinema: 675lumens (12ftL)
    Chế độ bright: 956lumens (17ftL)

    Độ sáng của HD90 ở chế độ cinema chưa cân chỉnh là 675lumens. Ở một phòng được kiểm soát đầy đủ, đây là độ sáng tốt cho nhu cầu cinema. Thậm chí khi mở đèn thì hình ảnh vẫn khá tốt khi chiếu trên màn chiếu trắng 140in dùng làm review. Chuyển sang chế độ Bright thì độ sáng tăng lên 956lumens và tất nhiên màu sắc bị lệch nhiều qua màu xanh lá.

    [​IMG]
    Cân bằng màu sau tinh chỉnh

    [​IMG]
    Nhiệt độ màu sau tinh chỉnh

    [​IMG]
    Gamma sau tinh chỉnh

    Thông số tinh chỉnh
    R gain: 4
    G gain: 0
    B gain: 0
    R offset: -1
    G offset: 0
    B offset: -1

    Việc cân bằng trắng cho HD90 khá đơn giản và dễ dàng, và cũng không phải can thiệp nhiều. Cân bằng trắng giúp tối ưu hóa độ chi tiết, độ chính xác màu của máy chiếu trên toàn bộ thang xám greyscale. Có thể hình dùng việc cân bằng xám giúp đảm bảo 3 thành phần màu cơ bản của máy chiếu R G B luôn cân bằng tại tất cả các độ sáng khác nhau của máy chiếu. Hiện nay hầu hết các máy chiếu đều cho phép cân bằng trắng.

    Calibrate nâng cao CMS (Color Management System)

    Do được trang bị hệ thống quản lý màu CMS, nên HD90 cho phép calibrate sâu hơn. Cụ thể là em có thể hiệu chỉnh 3 màu cơ bản RGB là Red Green Blue và luôn cả 3 màu phụ là CYM (Cyan Yellow Magenta)
    Trong các lần review trước, các bước calibrate 1 máy chiếu chỉ dừng ở việc cân chỉnh vùng sáng (contrast), vùng tối (brightness) và cân bằng trắng (greyscale calibrate). Tuy nhiên với HD90 em có thể cân chỉnh luôn cả các màu cơ bản để đảm bảo hình ảnh của máy có độ chính xác màu tuyệt đối.

    Em sẽ bắt đầu bằng một vài khái niệm về việc cân chỉnh màu cơ bản. Tất cả các màu thể hiện bởi máy chiếu đều nằm trong một tam giác màu với 3 đỉnh là 3 màu cơ bản là R G B. Các màu còn lại chỉ là việc pha trộn giữa 3 màu cơ bản này. Mỗi màu cụ thể được xác định bằng 1 tọa độ (x,y) và độ sáng Y. 3 màu cơ bản R G B cũng có tọa độ (x,y) và độ sáng nhất định được quy định bởi các hiệp hội màn hình.

    Việc cân chỉnh sẽ giúp đảm bảo đưa 3 màu cơ bản và 3 màu phụ về đúng chuẩn, từ đó đảm bảo cho việc pha trộn các màu khác từ 3 màu cơ bản này cũng chính xác hơn.

    Chuẩn quy định cho 6 màu RGBCYM là
    Màu xyY (độ sáng)
    R 0.6400.3300.213
    G 0.3000.6000.715
    B 0.1500.0600.073
    C 0.2250.3290.787
    Y 0.4190.5050.928
    M 0.3210.1540.285
    W (White) 0.3120.3291.000

    Lưu ý màu trắng có thể pha trộn bởi 3 màu chính hoặc 3 màu phụ.

    Nếu pha màu chính thì tỷ lệ sẽ là 21.3% R, 71.5 G và 7.3% B tương ứng với tỷ lệ phần trăm về độ sáng trong ánh sáng trắng (nhìn cột độ sáng Y). Ví dụ đo hình trắng tinh IRE100 có độ sáng Y là 1 thì phải chỉnh R có độ sáng tương ứng là 0.213. Công việc bân giờ chỉ là chỉnh cho 3 màu về các thông số chuẩn. Việc chỉnh ở 1 màu này sẽ ảnh hưởng đến các màu khác vì thế thông thường sẽ không thể chỉnh tất cả các màu chuẩn được mà chỉnh chỉnh sao cho về tổng thể sai lệch ít nhất.

    Việc chỉnh màu cơ bản khá phức tạp. Vì thế chỉ nên chỉnh nếu các bác có kinh nghiệm về vấn đề này và được trang bị các thiết bị cần thiết. Vì nếu các màu cơ bản sai thì đương nhiên tất cả các màu còn lại sẽ sai. Các máy cao cấp sẽ cho phép chỉnh màu trong menu của người dùng, và nếu muốn có thể reset lại. Còn các máy thường thì phải vào service menu, chỉnh sai là tèo luôn. Các bác cẩn thận nhé. Vì thế em chẳng bao giờ nghịch dại mà vào service menu mà calibrate cả.

    Vào CMS của HD90, chúng ta tiến hành chỉnh x, y và Y (brightness) cho từng màu. Việc chỉnh sẽ bao gồm chỉnh và check. Vì như em nói chỉnh màu này sẽ ảnh hưởng đến màu kia.

    Calibrate CMS Optoma HD90
    Đo màu trắng IRE100 làm chuẩn
    [​IMG]

    Tinh chỉnh màu đỏ
    [​IMG]

    [​IMG]

    Tinh chỉnh màu xanh lá
    [​IMG]

    [​IMG]

    Tinh chỉnh màu xanh dương
    [​IMG]

    [​IMG]


    So sánh độ chính xác của 3 màu cơ bản của chế độ mặc định Cinema và sau khi tinh chỉnh ở chế độ User vs Cinema

    [​IMG]
    Cinema

    [​IMG]
    User sau tinh chỉnh R G B

    Việc cân chỉnh cải thiện rất đáng kể độ chính xác của các màu cơ bản. Có thể thấy 3 màu cơ bản nằm ở đỉnh tam giác màu đã tiến sát so với chuẩn (tam giác màu trắng là chuẩn). Việc cân chỉnh 3 màu thứ cấp cũng được tiến hành tương tự như 3 màu cơ bản. Tuy nhiên do không đủ thời gian nên em không cân chỉnh 3 màu thứ cấp trong lần review này.

    Kết luận

    Như em nói lần trước, HD90 ra đời sẽ làm thay đổi cuộc chơi trên thị trường máy chiếu phim gia đình. Yếu điểm còn lại duy nhất của công nghệ DLP 3LED chỉ còn là độ sáng. Thế nhưng với độ sáng từ 675-956 lumens, HD90 thừa độ sáng cho nhu cầu của home cinema, nếu so với máy chiếu phim được đánh giá cao như Mitsubishi HC4000 có độ sáng ở mức 462 lumens.

    Có lẽ việc chuyển qua công nghệ 3LED là một xu thế tương lai không thể tránh khỏi. Em dự đoán trong thời gian ngắn sắp tới máy chiếu 3LED sẽ nhanh chóng thay thế máy chiếu dùng đèn truyền thống, cũng giống như TV LED đã làm khi thay thế TV dùng đèn huỳnh quang. Câu hỏi còn lại hiện nay chỉ là khi nào.
     
    Tags:
  2. sontuoc

    sontuoc Advanced Member

    Joined:
    15/8/07
    Messages:
    758
    Likes Received:
    182
    Nhiêu tiền một cái vậy bác? Nghe cùng ham mua về xem thay tivi
     

Share This Page

Loading...