Hôm nay e tình cờ đọc được một bài hay hay, lại muốn chia xẻ với các bác (đúng là "cái nết đánh chết không chừa" :lol: ) Sự bất định của khoa học và các giá trị Richard P. Feynman (1918-1988) là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ được trao giải thưởng Nobel vì những cống hiến quan trọng trong việc xây dựng lý thuyết điện động lực học lượng tử. Tên của ông gắn với phương pháp giản đồ (Feynman diagrams) mà tất cả những người nghiên cứu vật lý lý thuyết đều biết. Feynman được tôn vinh với nhiều giải thưởng và danh hiệu. Ông là tác giả của bộ sách Những bài giảng vật lý của Feynman (Feynman Lectures on Phyics) rất nổi tiếng cũng như nhiều tác phẩm về khoa học dành cho những người bình thường. Một trong số đó là tác phẩm Ý nghĩa của tất cả mọi thứ (The meaning of it all) - ghi chép lại ba bài giảng tại Đại học Washington (Seattle) năm 1963. Ba bài giảng có nhan đề lần lượt là: Sự bất định của khoa học (The Uncertainty of Science), Sự bất định của các giá trị (The Uncertainty of Values), Cái thời đại không khoa học này (This Unscientific Age). Dưới đây là một số trích đoạn của bài giảng thứ nhất. Quy luật cũ có thể không đúng. Làm sao mà một quan sát lại có thể không đúng? Nếu nó đã được kiểm tra cẩn thận, làm sao lại có thể sai? Tại sao các nhà vật lý lại cứ luôn thay đổi các quy luật? Câu trả lời là: thứ nhất, các quy luật không phải là những quan sát, và thứ hai, các thí nghiệm luôn luôn không chính xác. Các quy luật là những quy luật được phỏng đoán, là những ngoại suy, chứ không phải là thứ gì đó mà các quan sát khẳng định. Những quy luật chính là những phỏng đoán tốt cho tới nay vẫn lọt qua được cái rây lọc. Và sau này lại xảy ra việc có được cái rây lọc có lỗ nhỏ hơn những rây lọc trước kia đã dùng, và lúc ấy thì định luật bị [rây lọc] mắc lại. Vậy những định luật là được phỏng đoán; chúng là những ngoại suy cho cái còn chưa biết. Anh không biết sẽ xảy ra điều gì, vậy nên anh đoán thử. Thí dụ như người ta đã tin - người ta đã khám phá - là sự chuyển động không ảnh hưởng đến trọng lượng của một vật - là nếu anh quay con cù và cân nó, rồi sau lại cân nó khi nó đứng yên, trọng lượng của con cù vẫn như vậy. Đó là kết quả của một quan sát. Thế nhưng anh không thể cân một cái gì đó thật chính xác đến một phần tỷ. Song nay thì ta hiểu rằng một con cù đang quay cân nặng hơn con cù đứng yên một chút xíu, ít hơn một phần tỷ. Nếu con cù quay đủ nhanh sao cho tốc độ của mép ngoài con cù đạt tới 186.000 dặm (miles) một giây, thì trọng lượng của nó tăng đáng kể - nhưng phải tới mức đó mới được. Những thí nghiệm đầu tiên được thực hiện với những con cù quay chậm hơn tốc độ 186.000 dặm một giây rất nhiều. Lúc đó người ta tưởng rằng khối lượng của con cù đang quay và con cù đứng yên đích xác là như nhau, và ai đó đã phỏng đoán là khối lượng không bao giờ thay đổi [khi chuyển động]. Sao mà ngớ ngẩn thế! Thật là ngốc nghếch! Đây chỉ là một quy luật được phỏng đoán, một sự ngoại suy. Sao anh ta lại làm một việc không khoa học đến thế? Ở đây không có gì là không khoa học cả; đó chỉ là sự bất định. Nếu không phỏng đoán thì mới là không khoa học. Cần phải phỏng đoán bởi vì chỉ có những ngoại suy mới có được giá trị thực nào đó. Đó là nguyên tắc duy nhất đáng nên biết về cái mà anh nghĩ sẽ xảy ra trong trường hợp anh chưa thử. Tri thức chẳng có chút giá trị thực nào, nếu tất cả những gì anh có thể nói cho tôi biết là cái đã xảy ra ngày hôm qua. Cần thiết là phải nói được cái gì sẽ xảy ra ngày mai, nếu anh làm một cái gì đó - đó không những là cần thiết mà còn thú vị nữa. Chỉ có điều anh phải thật mong muốn dính líu sâu vào việc này. Mọi định luật khoa học, mọi nguyên lý khoa học, mọi phát ngôn kết quả của một quan sát đều là một thứ tổng kết nào đó đã bỏ qua những chi tiết, bởi vì không có cái gì có thể phát ngôn thật chính xác. Con người đơn giản là quên mất - lẽ ra anh ta phải phát ngôn định luật: “khối lượng không thay đổi nhiều khi tốc độ không cao lắm.” Trò chơi là phải tạo ra định luật đặc thù rồi sau đó xem thử nó có đi qua được cái rây lọc hay không. Cho nên sự phỏng đoán đặc thù là khối lượng không bao giờ thay đổi gì hết. Một khả năng đầy hứng thú! Không có hại gì hết nếu té ra không phải như thế. Đây chỉ là sự bất định, và chẳng có hại gì cả khi ở tình trạng bất định. Chẳng thà nói được điều gì đó mà mình chưa chắc chắn, còn hơn chẳng nói điều gì hết cả. Tất cả mọi thứ chúng tôi nói trong khoa học đều là bất định, bởi vì chúng chỉ là những kết luận, đây là tất yếu và là sự thật. Chúng là những phỏng đoán xem cái gì sẽ xảy ra, và anh không thể biết được cái gì sẽ [thực sự] xảy ra, bởi vì chúng tôi còn chưa làm các thí nghiệm thật đầy đủ nhất. Thật kỳ dị là hiệu ứng khối lượng của con cù đang quay quá nhỏ bé, anh có thể bảo rằng: ”Ồ, có khác biệt gì đâu”. Thế nhưng để có được một định luật đúng đắn, hay ít nhất cũng đi lọt qua được những rây lọc liên tiếp gắn với nhiều quan sát hơn nữa, lại đòi hỏi phải có trí tuệ và trí tưởng tượng phi thường, phải có sự đổi mới hoàn toàn triết học của chúng tôi, đổi mới sự hiểu biết của chúng tôi về không gian và thời gian. Tôi đang nói đến lý thuyết tương đối. Xảy ra việc để cho những hiệu ứng nhỏ bé trở nên đáng kể luôn luôn đòi hỏi phải có những cải biến ý tưởng mang tính cách mạng nhất. Cho nên, các nhà khoa học thường phải quan hệ với hoài nghi và bất định. Tất cả tri thức khoa học là bất định. Trải nghiệm với hoài nghi và bất định như thế là điều thật quan trọng. Tôi tin rằng đó là giá trị rất lớn và là thứ được mở rộng vượt ra ngoài khoa học. Tôi tin rằng để giải quyết bất cứ vấn đề nào trước kia chưa từng được giải quyết, anh phải hé mở cánh cửa cho sự chưa biết. Anh phải cho phép có khả năng là anh không thật đúng lắm. Nếu không thế, mà anh cứ quyết định thì anh có thể không giải quyết được vấn đề ấy. Khi một nhà khoa học bảo với anh rằng ông ta không biết lời giải đáp, ông ta là một người không hiểu biết. Khi ông ta bảo anh rằng ông ta có một linh cảm là có thể giải quyết thế nào, ông ta đang bất định về chuyện này. Khi ông ta khá chắc chắn là sẽ giải quyết thế nào và ông ta bảo anh rằng: “Theo cách này thì sẽ giải quyết được, tôi đánh cuộc với anh đó,” ông ta vẫn còn có đôi chút hoài nghi. Và điều cực kỳ quan trọng để đạt được tiến bộ là chúng tôi thừa nhận sự không hiểu biết ấy, nỗi hoài nghi ấy. Bởi vì khi chúng tôi có hoài nghi, chúng tôi sẽ đề xuất tìm kiếm những ý tưởng mới theo những phương hướng mới. Loại việc phát triển khoa học không phải là cái loại việc mà anh chỉ quan sát không thôi, nhưng quan trọng hơn nhiều là loại việc mà anh sáng tạo ra những thứ mới mẻ để thí nghiệm. Nếu chúng tôi không có khả năng hay không mong muốn nhìn theo bất cứ phương hướng mới nào, nếu chúng tôi không có hoài nghi hay thừa nhận sự không hiểu biết, chúng tôi hẳn đã không có được một ý tưởng mới nào hết. Hẳn đã chẳng có cái gì đáng để kiểm tra lại, bởi vì chúng tôi hẳn đã biết rõ cái gì là đúng. Vậy nên ngày nay cái mà chúng tôi gọi là tri thức khoa học chính là một khối các phát ngôn của sự bất định ở những mức độ khác nhau. Một số phát ngôn là không chắc chắn nhiều nhất; một số khác là gần như chắc chắn; nhưng chẳng có phát ngôn nào là tuyệt đối chắc chắn cả. Các nhà khoa học quen thuộc với chuyện này. Chúng tôi biết rằng sống và không hiểu biết là chuyện phù hợp với nhau. Một số người bảo rằng: “Làm sao anh sống được mà không hiểu biết?” Tôi không hiểu họ muốn nói gì. Tôi luôn luôn sống mà không hiểu biết. Thật là dễ dàng. Làm cách nào mà anh hiểu biết, ấy chính là điều tôi muốn biết. Quyền tự do được hoài nghi này là vấn đề quan trọng trong khoa học và tôi tin rằng [nó quan trọng] cả trong những lĩnh vực khác nữa. Quyền tự do ấy là thành quả của một cuộc đấu tranh. Đó là cuộc đấu tranh để được phép hoài nghi, để được cảm thấy không chắc chắn. Và tôi không muốn chúng ta quên đi tầm quan trọng của cuộc đấu tranh và để cho mọi thứ tiêu tan vì bỏ cuộc. Tôi cảm thấy có trách nhiệm với tư cách nhà khoa học, là người biết rõ giá trị to lớn của triết lý thật thỏa đáng của sự không hiểu biết, và sự tiến bộ trở thành khả dĩ là nhờ triết lý như thế, sự tiến bộ là kết quả của quyền tự do tư tưởng. Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải tuyên bố giá trị của quyền tự do ấy, và dạy dỗ nỗi hoài nghi đó không phải là chuyện cần phải e ngại mà là chuyện cần phải hoan nghênh như một khả năng có tiềm lực mới mẻ cho loài người. Nếu anh biết là anh không chắc chắn lắm, anh có cơ hội để cải tiến tình hình. Tôi muốn yêu cầu quyền tự do ấy cho những thế hệ tương lai. Hoài nghi rõ ràng là một giá trị trong khoa học. Liệu có phải như thế không trong các lĩnh vực khác là vấn đề còn để ngỏ và là chuyện còn bất định. Tôi dự tính trong những bài giảng tiếp theo sẽ thảo luận chính về điểm này và sẽ cố gắng chứng minh rằng hoài nghi là quan trọng và hoài nghi không phải là thứ đáng sợ mà là thứ có giá trị lớn. *** Nguyễn Văn Trọng dịch Nguồn: Tạp chí Tia Sáng
...Sự bất định của khoa học (The Uncertainty of Science), Sự bất định của các giá trị (The Uncertainty of Values), Cái thời đại không khoa học này (This Unscientific Age).... Hic! Em thích nhất cái dẫn dắt như trên! Ôi, cái thời đại không khoa học này !
cảm ơn bác CD Shop đã sưu tầm 1 bài khá hay. món này dân audio gặp hoài . mới ngày hôm nay bê loa về review tép tơi nhuyễn, bass tròn sâu , mid mượt mà không gian âm nhạc rộng khắp, một tuần sau đã thấy ôm cặp loa+ampli khác và lại review như thấy ca sĩ đứng trước mặt mình, nghe tiếng lấy hơi da diết. 1 tháng sau lại đổi nữa và không biết dùng từ gì để review được nữa nên chỉ còn biết nói seri 7 đã hay như vậy thì seri 8 phải hay cở nào, phải dùng từ tinh tế mới lột tã được hết chất âm của bộ dàn. :lol: hồi trước hay vào đọc trong các club thấy việc này xảy ra thường xuyên. ở cuộc sống thường ngày cũng vậy, cùng 1 sự việc nhưng năm 20 tuổi thấy khác, 25t lại thấy khác 40t lại thấy khác nữa.
Mọi định luật khoa học đều được chứng minh dựa vào các .....Tiên đề. Mà Tiên đề là......không chứng minh được, chỉ suy đoán là nó đúng, đến khi tiên đề sai hoặc cần thêm điều kiện thì......định luật sai luôn.