Một người bạn yêu âm nhạc gửi đến cho tôi mấy bản photo bài viết của Vũ Nhật Tân, đăng trên tờ Tia sáng. Cũng là sự chia sẻ như anh bạn, tôi xin gửi lên đây những bài viết đó. Thân. Những vòng tròn Chiều mùa đông rét đậm, tôi nổi hứng đạp xe lang thang. Hà Nội bây giờ nhiều ô tô, nhiều xe máy, chen lấn nhau ngoài đường. Chiếc xe đạp của tôi hiệu Mifa do Cộng hòa dân chủ Đức (cũ) sản xuất từ những năm 1980, đã vài tháng nay bận bịu không ngó ngàng đến, bụi bám đầy. Tôi dắt xe ra đầu ngõ nhờ cậu nhỏ xịt nước rửa qua, bơm tròn hai lốp, rồi lên đường. Cách đây không lâu, khoảng mươi mười lăm năm, có được một xe đạp loại mới như chiếc... tôi đang đi đây, hay hàng hiệu Eska hoặc Favorites do Tiệp Khắc (cũ) sản xuất, hoặc ít nhất cũng là đi mua phụ tùng về nhà tự lắp ráp, ngày đó gọi là "gióng" một "con" xe, bằng chính đôi tay và mồ hôi công sức của mình, đem ra đạp vài vòng quanh Bờ Hồ, đi dọc đường Thanh Niên, rồi một đôi khi, nhờ số trời may mắn, lại được chở theo cô bạn gái nữa, thì đã vô cùng mãn nguyện... Cũng thời gian ấy, tôi và mấy cậu bạn, thay vì bỏ tiền bỏ công tìm kiếm phụ tùng về lắp ráp xe đạp thì lại tốn nhiều thời gian loay hoay "dựng" những bộ máy nghe nhạc, rất đơn giản, thoạt đầu chỉ là mua lại những cái đài Melodia của Liên Xô (cũ) loại có đầu quay đĩa, radio, ampli và loa sẵn bên trong. Chúng đã từng bị thải rồi bày chất đống ở chợ Trời vì cả vạn lý do: loa rè, kim đĩa quá mòn, radio hỏng, chập tụ, cháy bóng đèn..; chúng tôi thì góp tiền (phải chung tiền tuy giá rất rẻ) mua về, mở tung ra, tìm cách chữa, thay tụ hỏng, thay bóng đèn, nối dây loa, gắn mặt loa bị rách.., tóm lại làm đủ mọi cách cho nó kêu lên. Một cậu bạn đã tìm được cách thay cục công suất, một cậu khác kỳ công nhờ mua kim đĩa tận trong Saigon, có hôm tôi xin được hai cái loa cao (steep) đem về gắn vào bộ Melodia, phải mất cả tháng sau để đấu nối cho nó kêu lên được, rồi cả chiều hôm đó thực sự là bữa liên hoan: âm thanh nghe mạnh hơn, rộng hơn, hay hơn hẳn. Gần đây tôi lắp truyền hình cáp nhân tiện nối luôn internet tốc độ cao, những tối rảnh rỗi ngồi nhà bấm hết kênh này sang kênh kia, có lúc chợt gặp một chương trình của dân chơi xe-máy trên kênh Discovery, họ tự mua đồ, máy móc, động cơ, tự thiết kế, lắp ráp, và hoàn chỉnh chiếc xe với niềm đam mê, kiên trì, chăm chỉ, và đầy khám phá. Thời gian hoàn thành một xe có khi dài tới hàng năm vì chỉ có thể lắp những lúc rảnh rỗi hoặc sau giờ làm việc, mỗi chiếc thực sự là một công trình, một tác phẩm của sự sáng tạo. Mấy hôm trước, tôi tình cờ tìm được một trang web của dân audiophile (người chơi âm thanh) rồi lang thang trong đó đến gần sáng, mê quá, vì không chỉ được nghe, được xem, được đọc về những thành quả mới nhất trong quá trình thiết kế, xây dựng, và khám phá âm thanh của bạn bè khắp nơi, mà còn được chiêm ngưỡng (tất nhiên chỉ trên màn hình) ảnh chụp và video quay lại một căn phòng hi-end (âm thanh cao cấp) của một tay người Nhật. Căn phòng chỉ rộng 12m hình chữ nhật, không bàn ghế, không cửa sổ, toàn bộ tường, trần, sàn đều được thiết kế và lắp ráp bởi những mẩu gỗ, kim loại, thậm chí bằng xốp và vải đủ loại, từ cửa phòng nhìn vào thấy hai cái màng loa mỗi cái đường kính cỡ 35cm gắn luôn vào hai góc tường, dưới sàn nhà và trên trần là những hệ thống thoát âm đủ loại trầm, trung, cao khá phức tạp. Chắc hẳn tay audiophile này mê nhạc lắm, và cũng thay vì bỏ thời gian đi mua đồ lắp xe-máy như mấy nhóm trên kênh Discovery kia, thì hắn lại mày mò tự thiết kế và "dựng" nguyên một căn phòng chỉ để chơi âm thanh, quả là độc đáo. Đi xa hơn nữa, không chỉ chơi âm thanh, một nhóm người Úc đang tìm cách chế tạo ra những loại nhạc cụ mới, họ lập riêng một trang web vừa để quảng bá vừa tạo mối liên kết với những người chung sở thích trên khắp thế giới. Bộ sưu tầm nhạc cụ tự tạo của họ khá đa dạng, có những cây kèn chỉ đơn giản là một miếng nhôm quấn lại, bộ sáo khoét từ ống plastics, hay một dàn trống làm bằng thùng đựng sơn úp ngược, được cắt gọt và khoan lỗ để xác định cao độ. Nước Úc rộng lớn nhưng thưa người, cuối năm 2003 tôi có đến Perth nằm ở miền tây trong chuyến công tác dài hơn một tháng, cả thành phố rộng gần gấp ba lần Hà Nội chỉ vỏn vẹn có 2 triệu dân sinh sống. Studio của một người bạn nhạc sĩ nằm ở ngoại ô rộng như khu xưởng máy. Ngoài phòng âm thanh, nghe nhạc, anh bạn còn đam mê chế tác nhạc cụ, thường đem những cây "đàn" vừa hoàn thành hoặc đang làm dở ra ngoài đồng cỏ, giữa thảo nguyên, vừa chơi thử vừa thưởng thức tiếng nhạc hòa trong không gian... Mải miết đạp xe, tôi đã dạo mấy vòng quanh hồ Trúc Bạch. Trời rét vậy mà vẫn có người câu cá. Ở ven bờ, xa hơn một chút có mấy cậu nhỏ đang thi nhau quăng những viên sỏi bé xíu xuống mặt hồ xem ai ném dài hơn. Tiếng sỏi chạm mặt nước lõm bõm, từ khoảng trung tâm nơi viên sỏi rơi xuống, xuất hiện những vòng tròn lan rộng dần, viên sỏi càng lớn thì gờ sóng càng cao và lan xa. Âm thanh truyền trong không khí cũng cùng nguyên lý như vậy, đẳng hướng, và tai mỗi người chỉ nhận được một phần trong vòng tròn âm thanh đang lan tỏa thôi. Một phần vừa đầy đủ vừa khác biệt, bằng chứng là trong cùng một không gian với một nguồn phát âm, những người ở các vị trí khác nhau sẽ cảm nhận được (một phần đầy đủ - đối với người đó, nhưng giữa người này với người khi thì sự thu nhận) âm thanh (lại) khác nhau. Những vòng tròn đó được gọi là "sóng âm", và khoảng cách giữa vòng tròn này với vòng tròn kia gọi là "bước sóng". Tuy vậy, các sóng âm và bước sóng lại phụ thuộc khá nhiều vào vị trí của nguồn phát âm, của không gian xung quanh, của nhiệt độ môi trường và thời tiết. Hơn nữa, sự khác biệt giữa các hệ thống thu và phát âm thanh, sự tương thích và đồng bộ trong từng cụm "dàn máy", rồi tâm lý của người nghe nữa, tất cả đều ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng (cảm nhận) âm thanh... Chơi âm nhạc và âm thanh là vô cùng khó, đòi hỏi nhiều tiền bạc, thời gian, chi tiết, sự tinh tế, niềm đam mê.., là một người trong nghề, tôi cảm phục dân audiophile, những người dành trọn sự yêu thích và say mê của mình cho việc chế tạo và tận hưởng những con "sóng" âm thanh, những vòng tròn thi vị nhưng vô hình ấy... Vũ Nhật Tân
Vũ Nhật Tân tạo ngôn ngữ mới cho âm nhạc VN Anh được biết đến với vai trò người giới thiệu nghệ thuật sắp đặt âm thanh với công chúng VN. Vừa trở về từ Festival nghệ thuật đương đại, tổ chức tại Trung Quốc, anh đã lao ngay vào công việc biểu diễn với chương trình "Âm hưởng Phố" ở Nhà hát Lớn Hà Nội hôm 14/11. - Anh có thể kể đôi chút về hoạt động biểu diễn tại Trung Quốc? - Tôi tham dự một số workshop về nghệ thuật đương đại và trình diễn 4 buổi nghệ thuật tổng hợp. Tôi chơi sáo Tây Nguyên một cách ngẫu hứng, nghệ sĩ Thanh Thuỷ biểu diễn đàn tranh, một nghệ sĩ Trung Quốc chơi đàn cổ cầm. Âm thanh của các loại nhạc cụ trở nên nổi bật, trong trẻo hơn trên nền không gian hội hoạ sắp đặt. Nhiều nghệ sĩ nước bạn tỏ ra ngỡ ngàng khi những âm thanh của VN vang lên. - Điều gì đã thôi thúc anh đi theo nghệ thuật sắp đặt âm thanh, vẫn còn rất mới lạ ở VN? - Hoàn toàn do đam mê. Tôi đã cảm thấy như được cổ vũ khi một tác phẩm tôi viết cho dàn nhạc giao hưởng được biểu diễn thành công trong Festival âm nhạc đương đại ở Basel, Thụy Sĩ, năm 1995. Trên nền nhạc, một nữ họa sĩ Hàn Quốc viết thư pháp bằng cách ngậm mực nho trong miệng và vẽ bằng lưỡi trên băng giấy dài 20 m, và tôi thổi sáo đầy ngẫu hứng bên cạnh. Ngoài ra, tôi giới thiệu loại hình nghệ thuật mới vì muốn âm nhạc trong nước trở nên phong phú hơn. Ở VN, phần lớn mọi người chỉ biết đến thanh nhạc, ngay cả thanh nhạc cũng thường bó gọn trong thể loại pop. Đó là một thiệt thòi cho khán giả cũng như các nghệ sĩ. - Nhưng ở VN, anh dường như đơn độc trên con đường nghệ thuật này? - Quả là ban đầu, tôi gặp khó khăn trong việc phổ biến các tác phẩm ở trong nước. Một số người cho rằng tôi không biết viết nhạc, và rằng nhạc của tôi "tây" quá. Nghịch lý là giới chuyên môn nước ngoài lại đánh giá âm nhạc của tôi có ngôn ngữ hiện đại, đậm màu Á Đông, phù hợp với xu hướng chung của thời đại. Tuy nhiên, hiện tại, tôi đã tìm được một số cộng sự có chung niềm đam mê và thành lập một nhóm nghệ thuật đương đại xuyên Việt, trong đó có nhà tạo mẫu Ngô Thái Uyên, nhà thơ - hoạ sĩ Ly Hoàng Ly, hoạ sĩ Bùi Công Khánh, nghệ sĩ trình diễn đa phương tiện (multimedia) Richard Trần (Việt kiều Mỹ) và Huỳnh Bội Trân (Việt kiều ở Australia)... Nhóm sẽ có một cuộc hội thảo vào 22-24/12 tại TP HCM, trao đổi về nghệ thuật mới với sinh viên Đại học Mỹ thuật và Nhạc viện TP HCM. - Nghệ thuật trình diễn của các hoạ sĩ bắt đầu có dấu hiệu của sự lặp lại. Vậy anh sẽ làm gì để sắp đặt âm thanh không bị rơi vào lối mòn? - Bản thân tôi sẽ cố gắng tìm kiếm nhiều loại nhạc cụ mới, và chơi theo ý đồ cụ thể, trình diễn có ý tưởng, bố cục rõ ràng. Tôi hiện có thể chơi sáo, piano, búng guitar, làm chủ bộ gõ, nói chung nhạc cụ nào cũng đánh được, nhưng theo một ngôn ngữ mới. - Sắp đặt âm thanh dường như vẫn chỉ là cuộc chơi dành cho giới nghệ sĩ. Anh sẽ làm gì để môn nghệ thuật này tiếp cận với công chúng rộng rãi hơn? - Thể loại nghệ thuật này rất kén khán giả và tôi không có hoài bão phổ biến nó. Ngay cả ở nước ngoài cũng vậy, những nghệ sĩ theo đuổi môn nghệ thuật này thường sống rất vất vả, nếu không nói là tồi tệ. Một người bạn nghệ sĩ của tôi ở New York hàng ngày phải lau dọn một toà nhà 14 tầng để có tiền theo đuổi niềm đam mê. Nhưng tôi thực sự mê cuộc sống ở New York, nó rất cởi mở và phóng khoáng, thích hợp cho việc sáng tạo. - Là giảng viên của Nhạc viện Hà Nội, anh có giới thiệu cho học trò những xu thế âm nhạc mới của thế giới? - Ban đầu, tôi cũng có một số thay đổi trong chương trình giảng dạy, nhưng không được nhà trường và sinh viên ủng hộ. Tuy nhiên, tôi vẫn tìm cách giúp học trò tiếp cận với nghệ thuật đương đại. Bằng cách này, khi học về một nhạc cụ nào đó, học sinh có thể hình dung cụ thể phải bấm phím ra sao, âm thanh phát ra như thế nào. Ngoài ra, tôi cũng giới thiệu thuật ngữ bằng tiếng Anh để học trò khỏi bỡ ngỡ khi tiếp xúc với âm nhạc thế giới. Hiện nay, âm nhạc VN chậm hơn thế giới cả thế kỷ cả về mặt sáng tác lẫn trình diễn. Trong khi đó, âm nhạc cổ truyền lại không được gìn giữ, bảo vệ. - Theo anh, đâu là lý do nhạc cổ truyền của VN bị mai một? - Đó là do nhạc cổ truyền không được đầu tư đúng mức. Chẳng phải VN không có đủ tiền để rót vào các dự án bảo tồn nghệ thuật, mà vì các nguồn vốn không được phân bổ một cách hợp lý. Chẳng nước nào trên thế giới tài trợ cho các liên hoan ca nhạc quần chúng như Việt Nam. Cá nhân tôi cũng tham gia sáng lập nhóm ca trù Thái Hà, biểu diễn và thu CD ở Anh, Pháp... Sắp tới, chúng tôi dự định mở rộng lĩnh vực trình diễn sang cả hát chèo, hát văn... Thu Trang thực hiện Nguồn: VnExpress
Các tài năng âm nhạc hàn lâm đang ở đâu? Việc các nghệ sĩ tài năng sống và làm việc ở nước ngoài là bình thường. Chỉ có điều không bình thường là trong tất cả các gương mặt nổi bật và hàng đầu, con số về làm việc trong nước quá ít... Trong lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, riêng về biểu diễn nhạc cụ giao hưởng như chỉ huy, đàn dây (violin, viola, cello, double bass), piano, kèn, bộ gõ, ta có thể kể đến lớp nghệ sĩ đầu tiên như Trọng Bằng, Quang Hải (chỉ huy), Tạ Bôn, Bích Ngọc (violin), Bùi Gia Tường (cello), Thái Thị Liên (piano)… Từ lớp nghệ sĩ này đã đào tạo được thế hệ thứ hai: Thiếu Hoa (chỉ huy), Ngô Thành, Khắc Hoan, Bùi Công Thành, Trần Mạnh Hùng (violin), Nguyễn Anh Tuấn (viola), Ngô Hoàng Quân (cello), Trần Thu Hà, Tôn Nữ nguyệt Minh, Đặng Thái Sơn (piano), Vũ Chí Nguyện (gõ), Hồng Nhung, Phúc Linh (kèn)… Thế hệ thứ ba chưa ai qua được Đặng Thái Sơn nhưng nói chung đã qua được lớp trước. Họ đang ở đâu? Có một thời đầu những năm 1980, báo chí trong nước nói nhiều đến hai anh em Dương Văn Thắng và Dương Minh Chính (con của giảng viên violin Dương Văn Chinh), hai violonist trẻ xuất sắc vốn là học sinh của Nhạc viện Hà Nội được cử đi học tại Liên xô, đến nay, người còn dạy ở Nga người làm việc ở đâu không thấy ai nói đến. Sau Thắng và Chính, từ Nhạc viện Hà nội đi Nga và các nước còn có Đỗ Phượng Như, Nguyễn Nguyệt Thu, Nguyễn Công Thắng, Bùi Tuấn Dương, Nguyễn Bích Trà, Trinh Hương và một số người nữa... Phượng Như là con nhà nòi, bố học violon ở Nga, mẹ học ballet, bác ruột bên nội và ngoại là Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi. Như đã tham gia cuộc thi Tchaikovsky 1994, năm 1996 Như là violon 1 của tứ tấu Dominant đã giành giải nhất cuộc thi Tứ tấu cho đàn dây mang tên Shostakovich (St. Peterburg). Khi còn là sinh viên năm thứ tư của Nhạc viện Tchaikovsky, Như đã là soloist trong Moscow Philharmonic Orchestra. Một điều rất tiếc là Như chưa có một recital nào tại VN. Nguyệt Thu học viola theo nghề của bố, Thu tốt nghiệp cùng năm với Như (1999). Hai sinh viên xuất sắc điểm 5+ này được vinh dự biểu diễn trong Kỷ niệm khóa tốt nghiệp thứ 130 của Nhạc viện Tchaikovsky nổi tiếng thế giới. Hè 1999, về nước với giải Nhì cuộc thi âm nhạc quốc tế Yuri Bashmet ( tại Nga,12/1997), Nhạc viện Hà nội, gia đình và cả báo chí vận động Thu mới tìm được tài trợ để có một đêm diễn tại Nhà hát Lớn. Bùi Tuấn Dương giải Nhất violon Cuộc thi Quốc gia Âm nhạc mùa thu 1993, năm 1997 tham gia Dàn nhạc Trẻ châu Á. Năm 1999 nhờ sự tổ chức của Tổng lãnh sự Ba Lan và tài trợ của nhiều công ty đã có một chương trình biểu diễn cùng nghệ sĩ piano trẻ Ba Lan Katarzyna Borek tại TP.HCM, sau đó lại học tiếp tại Nhạc viện TP Gdansk (Ba Lan). Từ đó đến nay không có thông tin về anh. Hà Nội còn nhiều tài năng khác, nhưng giờ này vẫn còn ở nước ngoài. Lê Phi Phi học chỉ huy ở Nga sau đó lấy vợ người Nam Tư rồi sang chỉ huy một dàn nhạc ở đấy. Năm vừa qua anh được bầu trong danh sách những người Vinh danh nước Việt. Nguyễn Công Thắng (giải Nhất violon, Cuộc thi Quốc gia Âm nhạc Mùa Thu 1990), học ở Nga rồi về học tiếp tại Nhạc viện Hà Nội, sau đấy học tiếp tại Hong Kong. Là giảng viên ở Nhạc viện Hà Nội một số năm, hiện nay anh cùng vợ sang giảng dạy tại Thái Lan. Giáo sư Bích Ngọc là thầy dạy của Bùi Công Thành khi anh còn học ở Nhạc viện Hà Nội. Khi thầy trò cùng dạy ở Nhạc viện TP.HCM chính họ đã đào tạo ra lớp học trò giỏi như Nguyễn Hữu Nguyên, Tăng Thành Nam, Nguyễn Khôi Nam, Trần Hữu Quốc, Nguyễn Quốc Trường, Bùi Công Duy. Hữu Nguyên và Tăng Thành Nam đã được giải Nhất môn violon ở Cuộc thi Quốc gia Âm nhạc Mùa Thu lần 1 và 2. Sau đấy Nguyên tìm được đường du học tại Pháp, bằng một nghị lực phi thường, niềm say mê âm nhạc lớn và tài năng, Nguyên đã làm được những điều như cổ tích: thi vào được Nhạc viện Quốc gia Paris (Conservatoire National Superieur de Musique de Paris), ngôi trường số 1 nước Pháp và nổi tiếng thế giới (khó ở chỗ vào được là có học bổng, miễn học phí như công dân Pháp, chứ không phải học bằng kinh phí Nhà nước VN). Nguyên đã mở đường để Khôi Nam (em ruột Nguyên), Tăng Thành Nam, Lê Hồ Hải (piano) sau đó du học Pháp ở thời điểm mà cánh cửa du học gần như đóng lại với các sinh viên biểu diễn nhạc cụ giao hưởng (sau khi Liên xô và các nước Đông Âu không còn cấp học bổng khoảng thời gian 1990 đến 2000). Tăng Thành Nam và Lê Hồ Hải trở về TP.HCM. Tăng Thành Nam hiện là nghệ sĩ độc tấu (soloist) và là concertmaster Dàn nhạc Giao hưởng thuộc Nhà hát Giao hưởng Vũ Kịch TP.HCM. Còn Lê Hồ Hải là giảng viên Khoa piano, Nhạc viện TP.HCM. Hai anh em Hữu Nguyên và Khôi Nam sau khi tốt nghiệp Cao học tại Nhạc viện QG Paris đã thi đỗ vào Dàn nhạc QG Pháp (ONF), hiện nay Nguyên ngồi ở vị trí soloist thứ 3 của ONF. Hàng năm vẫn về diễn tại VN và cả hai đều được mời độc tấu với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia VN. Nguyên còn được mời diễn trong Toyota Classics 2002. Quốc Trường là học trò của cố GS Bích Ngọc. Tham gia Dàn nhạc trẻ châu Á-AYO ba lần, Trường được nhạc trưởng Mark Churchill (Mỹ) chú ý và ông tạo cơ hội cho Trường du học Mỹ. Trường thi đỗ vào Nhạc viện New England - NEC (Boston, MASS, Mỹ), là một trường nhạc nổi tiếng thế giới. Sau khi tốt nghiệp, Quốc Trường chơi trong dàn nhạc tại Miami để chờ trúng tuyển vào một dàn lớn nào đó tại Mỹ. Bùi Công Duy học đàn với cha là nghệ sĩ Bùi Công Thành, năm 1991 cả hai cha con sang Nga để Duy có thể du học. Người cha phải chịu nhiều vất vả để Duy thành tài và năm 1997 Duy giành được giải quốc tế giá trị: Giải Nhất Cuộc thi Tchaikovsky trẻ (tại Saint- Petersbourg). Anh đã vào vòng 2 của cuộc thi gồm 4 vòng rất nổi tiếng J. Thibaud (Paris, Pháp) năm 2002. Có thể khẳng định Duy là nghệ sĩ violon hàng đầu của VN hiện nay. Anh đã về nước diễn rất nhiều, đặc biệt là hai lần độc tấu trong chương trình hòa nhạc Toyota Classics (2001 và 2004) và soloist trong Dàn nhạc Giao hưởng QG VN biểu diễn ở Tuần Dàn nhạc châu Á tại Nhật 10-2004. Theo như dự kiến, hết năm nay, sau khi tốt nghiệp Cao học tại Nhạc viện Tchaikovsky, Duy sẽ cùng vợ là pianist Trinh Hương về Hà nội. Cùng trong số trò của thầy Bùi Công Thành tại Nhạc viện TP.HCM còn có Trần Hữu Quốc, anh đã tốt nghiệp Cao học tại Nhạc viện Gnesin (Moskva, Nga) năm 2002, đã được giải Ba violon cuộc thi First Delphic Games (Moskva, Nga) năm 2000, đã thi Cuộc thi Quốc tế Tchaikovsky 2002. Quốc đã về VN biểu diễn ba lần và gây được tiếng vang. Hiện nay Quốc lấy vợ Hàn Quốc là một nghệ sĩ piano học cùng trường, năm 2003 cả hai đã về Hàn quốc. Quốc dạy tại hai trường đại học và làm concertmaster ba dàn nhạc ở Seoul và thành phố khác. Hai chị em Linh Chi và Tuấn Cương đều có người thầy đầu tiên là cha của họ (PGS Hoàng Cương, hiện là GĐ Nhạc viện TP.HCM) và đạt được thành tích rất xuất sắc. Chi tốt nghiệp Cao học tại Nhạc viện Tchaikovsky, có hai giải violon quốc tế, hiện nay là thành viên Dàn nhạc Giao hưởng thành phố Cordoba của Tây Ban Nha. Tuấn Cương, giải Nhất Cuộc thi quốc gia Âm nhạc Mùa thu 1990, tham gia mấy cuộc thi quốc tế là L.Spohr và L. Mozart và có giải, tốt nghiệp Nhạc viện Freiburg (Đức) anh đã trúng tuyển làm thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Hamburg (Đức), một chỗ làm như mơ của các nghệ sĩ biểu diễn. Bích Trà học sơ cấp ở Nhạc viện Hà Nội (với GS Trần Thu Hà, PGS Hữu Tuấn) trước khi đi Liên Xô học và luôn khẳng định là một pianist hàng đầu ở VN (sau Đặng Thái Sơn và Tôn nữ Nguyệt Minh). Đã tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky năm 1998, Bích Trà còn tốt nghiệp khóa Cao học tại Nhạc viện Hoàng gia London (Anh) về biểu diễn. Đã tham gia nhiều cuộc thi quốc tế, được giải Nhất cuộc thi R.William & F.Amy (Anh) vào năm 2000. Bích Trà đã có những chương trình biểu diễn ở Anh và các nước khác, từ 1997 đến nay, chị là người có nhiều recital piano nhất tại VN (gần như năm nào cũng có 1 recital ) tuy vậy giờ đây chị vẫn đang còn ở Anh. Một tài năng không thể không nói là Văn Hùng Cường, tốt nghiệp trung cấp tại Nhạc viện TP.HCM (học các thầy, cô Cúc Xuân, Đặng Hồng Quang), anh du học tự túc tại Nhạc viện Tchaikovsky. Cũng như Bích Trà, Cường chọn được học với GS nổi tiếng của trường phái piano Nga. Sau khi tốt nghiệp tại đây anh lại giành được học bổng để học Cao học tại Nhạc viện Cleveland (Mỹ). Cường là một pianist VN tham gia nhiều cuộc thi nhất (ở Mỹ, Canada, Australia, Nhật, Hàn quốc) và đã giành nhiều giải nên được biểu diễn ở những điểm diễn nổi tiếng như Carnegie Hall, Lincoln Centre (New York). Hiện nay Cường lại học tiếp chỉ huy ở Mỹ. Trên đây là những nghệ sĩ vẫn có những mối liên hệ với trong nước, đôi khi trên mạng ta còn gặp những bất ngờ, chẳng hạn Quỳnh Nguyễn. Chị đã học ở Nhạc viện Gnessin (Nga) sau đó lấy bằng cử nhân (bachelor) tại Juilliard School (Mỹ), cao học (master) tại Manenes College of Music và tiến sĩ ( doctor) tại City University of New York. Chị đã có recital tại Carnegie Halls Weill Recital Hall (New York) 3-2001 và nhiều chương trình diễn tại Mỹ. Việc các nghệ sĩ tài năng sống và làm việc ở nước ngoài là bình thường. Chỉ có điều không bình thường là trong tất cả các gương mặt nổi bật và hàng đầu vừa kể ở trên, con số về làm việc trong nước quá ít. Nếu nhìn vào đội ngũ giảng viên ở các Nhạc viện sau khi những Giáo sư nổi tiếng về hưu hay đã mất, chưa thấy có một gương mặt trẻ tài năng nào thế chỗ, vậy thì làm sao có được một lớp mầm non triển vọng. Sự hụt hẫng thể hiện rõ ở chỗ sau hai Cuộc thi Quốc gia Âm nhạc Mùa thu 1990 và 1993 cho đến nay vẫn chưa tổ chức được cuộc thi thứ ba (tất nhiên có nhiều lý do nhưng lý do chính vẫn là không có các tài năng để mà thi). Đào tạo những người như số kể ở trên đôi khi cả chục năm mới có được một, vậy mà hiện không có thầy giỏi (còn ở nước ngoài cả) thì việc tụt hậu nhiều năm là nguy cơ rõ ràng. Theo Thể Thao và Văn hóa
Giới tính trong âm nhạc Giới tính trong âm nhạc Giới tính có ảnh hưởng đến âm nhạc trong cả ba giai đoạn: soạn nhạc, chơi nhạc, và nghe nhạc Các nhà soạn nhạc nữ thường dành nhiều thời gian cho những chi tiết trong tác phẩm, chẳng hạn như làm sao để tiếng đàn violon trong phần cuối của đoạn kết chương một nối tiếp sang tiếng sáo flute thuộc đoạn đầu chương hai được dịu dàng, mềm mại nhất; hoặc dành phần lớn thời gian trong phòng thu âm để chỉnh giọng của cô ca sĩ này sao cho đừng vang quá, nhưng cũng không mềm quá, mỗi khi cô ấy hát đến từ "anh" ở đầu và cuối đoạn giữa cũng như ở cuối phần kết câu, mà đôi khi chỉ vì cô ca sĩ kia ăn mặc hơi "chóe" cũng làm cho nữ tác giả cảm thấy giọng hát ấy "chua" theo. Các nữ nhạc công luôn dành nhiều sự quan tâm tới trang phục của mình mỗi khi biểu diễn cũng như tư thế chơi nhạc trên sân khấu, âm nhạc do họ chơi sẽ bị tác động bởi cách bài trí sân khấu, ánh sáng, cách ăn mặc của các cô gái cùng chơi nhạc bên cạnh, và vẻ mặt của nhạc trưởng nữa. Đối với các nữ ca sĩ thì, đương nhiên, trang phục của quan trọng không kém gì âm nhạc mà các cô sẽ hát, thậm chí nhiều khán giả phàn nàn rằng ca sĩ của chúng ta chỉ quan tâm đến phục trang, nhảy và múa, chứ mấy ai để ý đến phần âm nhạc của bài hát, và khán giả cả nam lẫn nữ thì chỉ "xem" nhạc bằng mắt chứ mấy ai đến rạp nghe nhạc bằng tai đâu! Thực ra không nên quá khe khắt đối với các nữ ca sĩ, bởi phụ nữ làm đẹp là chuyện... đương nhiên. Chỉ có điều quan niệm "đẹp" của các cô so với cái "đẹp" của khán giả đôi khi không trùng nhau, chẳng hạn như muốn khoe đôi chân dài thì phải diện váy ngắn nhưng lại bị chê là "hớ hênh"...; mỗi ca sĩ khi ra trước sân khấu đều chịu nhiều sức ép từ các yếu tố âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, phục trang, khán giả..., trong khi nam ca sĩ tuy có được ít sự lựa chọn về trang phục nhưng lại tập trung hơn vào phần hát, còn nữ ca sĩ thì luôn có nhiều lựa chọn về trang điểm và phục trang lại thường bị phân tâm và khi biểu diễn, luôn phải giữ cân bằng giữa sự "tạo dáng" của cơ thể với sự "tạo âm (nhạc)" của giọng hát. Khảo sát nhanh một số websites âm nhạc như nhacviet, nhacso, giaidieuxanh, yeuamnhac... có thể nhận thấy ngay rằng tỷ lệ người nghe là nữ yêu cầu những bài hát trữ tình nhiều hơn hẳn phía nam giới, những bài hát xuất xứ từ Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan thường được thính giả nữ chọn, trong khi bên nhóm nam lại tìm kiếm loại nhạc mạnh hơn trong HipHop, Rock, và Rap...; một điều khá thú vị là đối với các nhóm nhạc nữ (girlband) trong nước, thì khán giả nữ thích được xem họ biểu diễn trực tiếp, trên TV, hay xem qua đĩa hình, trong khi phần lớn khán giả nam chỉ cần nghe là đủ. Đơn giản là vì các cô gái trẻ luôn có nhu cầu về thời trang, khi nghe hát tốt nhất là nên có hình để xem những cô ca sĩ (đã quen hay chưa quen biết nào đó) ăn mặc như thế nào, trong khi đó các nữ khán giả thường rất chịu khó "soi lại" nữ ca sĩ từ dáng của đôi giày cho đến bộ váy, áo, khăn quàng, rồi kiểu tóc, màu son môi và kiểu mi mắt nữa, khá là chi tiết, khá là "phức tạp"..., và chính những điểm đặc trưng phụ nữ đó đã, đang và luôn ảnh hưởng đến trạng thái biểu diễn của các nữ ca sĩ trên sân khấu, bởi họ phải cùng một lúc "thuận theo" nhiều đối tượng khán giả khác nhau, tuổi tác khác nhau, giới tính khác nhau, trên cả ba lĩnh vực là âm nhạc, thời trang và hình dáng. Đối với nam ca sĩ, mọi việc có vẻ đơn giản hơn một chút, do ít bận tâm hơn và cũng ít bị "soi" hơn vào ngoại hình và trang phục, họ có được thời gian và tâm trí dành cho âm nhạc nhiều hơn và mạnh hơn. Những nam ca sĩ giỏi của dòng nhạc Rock và HipHop có thể dành hầu hết khả năng của mình vào việc thể hiện âm nhạc, kéo người nghe vào trong không gian âm nhạc và âm thanh rộng lớn, tập trung nhiều hơn vào lời ca và sự biểu cảm âm nhạc, điều đó giải thích tại sao tại các sân khấu âm nhạc lớn ở Mỹ và Châu Âu, số lượng bài hát do các nam ca sĩ thể hiện lại được ưa chuộng nhiều hơn hẳn so với phía nữ, và tỷ lệ nhóm nhạc nam (boyband) thành công nhiều hơn so với các nhóm nhạc nữ (girlband). Đối với một nhóm nhạc nữ, nếu một cô trong nhóm đi lấy chồng, thì khả năng cô ấy rời bỏ nhóm và phần còn lại đứng trước khả năng tan rã nhiều hơn trong khi đối với nhóm nhạc nam, việc thành lập gia đình của một ai đó trong nhóm hầu như không ảnh hưởng gì tới số lượng thành viên và chất lượng nghệ thuật của nhóm, đôi khi còn tăng thêm chất thi vị trong những tác phẩm mới nữa. Trong khi nữ giới chiếm tỷ lệ thấp trong việc soạn nhạc, tương đương với nam giới trong quá trình chơi (biểu diễn) nhạc, thì lại áp đảo về số lượng người nghe nhạc. Thực tế cho thấy số lượng phụ nữ (đặc biệt là nhóm trẻ) và thời gian họ dành cho âm nhạc lớn hơn nhiều lần so với phía nam giới. Trong thị trường âm nhạc, đa số luôn mạnh hơn thiểu số, vậy có nghĩa là trong khi nam giới tập trung soạn nhạc, tạo ra nhạc thì phụ nữ có thể đi mua sắm, làm đẹp, và trang điểm, rồi quay lại thưởng thức thế giới âm nhạc vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng ấy... Vũ Nhật Tân
Chơi âm thanh thật khó Tháng mười một, thời tiết cuối thu, trời se lạnh. Buổi chiều đi dọc phố Bà Triệu thoáng mùi hoa sữa, tôi ghé thăm nhà người bạn làm nghề ảnh: chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh, in phóng ảnh, trong nhà lỉnh kỉnh đồ nghề máy móc: chân đèn, giá đỡ, máy ảnh phim, máy ảnh số, máy tính, "phòng" tối, máy in..., cậu bạn vừa tạm đóng cửa hàng, bật ngọn đèn dây tóc 25W mờ mờ ngồi thu mình trước màn hình máy tính "Tớ rất ghét cái thứ ánh sáng đèn neon vừa lạnh lùng vừa nhợt nhạt, nghe nói loại đèn này có tần số nhấp nháy nhiều và nhanh làm hại mắt nếu phải làm việc lâu dưới ánh sáng của nó", vừa nói anh bạn vừa chỉ vào màn vi tính: "cậu thấy hình gì đây không? một vài mảnh ảnh chụp cầu Long Biên tớ vừa cắt ra rồi dán lung tung lại với nhau, hì, tớ đang chạy thử một phần mềm tạo ảnh vừa download được về, rồi thức suốt đêm loay hoay cài đặt đấy". Tôi nhìn vào màn hình, đường nét cầu Long Biên, con thuyền, mặt nước sông Hồng và mây... đan trộn lại với nhau. Thời còn sinh viên, tan học (và trốn học) về, thỉnh thoảng chúng tôi đạp xe lên cầu Long Biên, ngày ấy cầu vẫn là tuyến đường vượt sông quan trọng nhất của Hà Nội, rất đông đúc, phần lớn là xe đạp mà vẫn thường xuyên tắc ngẽn chỉ vì một, hai cái ôtô cũ rích tự nhiên chết máy, cả ngàn người xếp hàng dọc trên cầu chờ tới lượt mình dắt chiếc xe đạp cũng cà tàng luồn sang bên cạnh ôtô rồi đạp thật nhanh cho thoát hết sang đầu cầu bên kia. Có lần, trong lúc chờ đường tắc, cả bọn kiễng chân nghểnh cổ nhìn mãi lên phía trước không thấy cái ôtô chết máy ở đâu, biết là đoạn tắc chắc chắn ở xa tít đằng... xa, liền yên tâm rủ nhau... hóng gió, ngó xuống nước đếm xem có bao nhiêu chiếc thuyền lừ lừ chạy xuôi và ngược dưới cầu, rồi bàn với nhau về sự tỷ lệ thuận giữa độ dài, tải trọng, và âm thanh (tiếng máy) phát ra từ cuối mỗi con tàu, càng dài, càng chở nặng, thì tiếng máy nổ càng mạnh và gằn, nhất là khi nó cố gắng bơi ngược dòng nước đang chảy nhanh, nghe lạch phạch từng nhát một, nặng đến nỗi như muốn đứt tung ống xả hoặc dứt rời mảnh chân vịt rơi xuống sông. Bây giờ là lúc mà nhiều người mơ ước việc sở hữu xe hơi, trên đường phố xe máy đã hầu như thay thế xe đạp, những cây cầu mới đã và đang bắc ngang sông Hồng, thì Long Biên quay trở lại với sự thanh bình, người và xe qua thưa thớt. Tôi thường phóng xe máy đến gửi bên chợ Đồng Xuân rồi đi bộ lên cầu, gió sông Hồng buổi đêm mát lạnh, trên cầu bây giờ vừa là luồng giao thông dành cho xe thô sơ, vừa là nơi hẹn hò của nhiều đôi lứa, vừa là tuyến đi bộ tập thể dục của người cao tuổi, lại vừa là nơi hóng mát của vài nhóm khách du lịch tò mò...; và hàng ngày sau 19h tối, nhiều chuyến tàu hỏa lần lượt "bò" qua cầu, tiếng va chạm khủng khiếp của sắt thép giữa một bên là đoàn tầu và một bên là cây cầu mà mỗi bên đều nặng cả trăm ngàn tấn, làm phần lớn "du khách" đang có mặt trên đó phải bịt tai, nhăn mặt. Cây cầu hơn trăm tuổi rung ầm ầm, thảm nhựa và bê tông dưới chân rên lên bần bật, một cảm giác thật mạnh mỗi khi đứng tựa vào thành lancan bằng sắt chứng kiến cả đoàn tàu chầm chậm chạy ngang qua, những khối âm thanh hùng mạnh chuyển động nặng trĩu mà chỉ khi truyền trực tiếp vào tai mới thấy được hết bề dày của nó, mạnh hơn bất kỳ một bản giao hưởng nào, một dàn nhạc nào, hay một bộ techno công suất lớn nào đó... Tôi đã từng "bày trò" mượn bộ máy thu âm cũ, tự mang lên cầu lắp đặt để tìm cách thu lại hệ âm thanh hùng vĩ ấy, nhưng than ôi, khi xong việc về nhà, nối vào cái ampli cổ với đôi loa thùng tự tạo, thì "thành quả" âm thanh kia biến đi đâu hết, chỉ còn là một mớ tiếng ồn hỗn loạn, nghe phẳng dẹt, mỏng bẹt, và vô cùng... chán, thế mới biết rằng đôi tai mình khi cảm nhận trực tiếp thì không thể có phương tiện gì thay thế được! Không gì bằng kiếm được tấm vé vào phòng hòa nhạc, trực tiếp thưởng thức sự chuyển động của âm thanh được phát ra từ những nhạc cụ thật và do những nhạc công tài ba chơi, bởi vì công nghệ thu và phát âm hiện nay cho dù dùng chuẩn tương tự (analogue) hay mã số (digital) đều chưa thể đủ để ghi và tái tạo được những âm thanh thực. Dân chơi âm thanh mộc cao cấp (hi-end analogue) cho dù đã đổ nhiều tiền vào hệ thống phát âm (đầu đọc đĩa than hay băng cối, qua nhiều tầng tăng âm, hệ thống dây nối và loa phức hợp) rồi nhiều công tìm mua loại đĩa nhựa dày có in dấu "audiophile", cũng là đang cố gắng tạo cho mình cảm giác như được nghe nhạc "thật", tất nhiên là hơn đứt lối nghe nhạc qua đĩa CD, nhưng còn xa lắm mới gần được đến cảm giác âm thanh thực trong nhà hát. Mà để nghe được âm thanh thực ở đó cũng không đơn giản, vì âm thanh vang ra hay hoặc dở còn tùy vào cấu trúc và kiến trúc của nhà hát ấy nữa. Trên thế giới đã có những kinh nghiệm thất bại cay đắng, khi một nhà hát xây xong nhưng âm thanh lại bị "câm", "âm tiếng", thiếu mất độ vang và độ rộng cần thiết, đôi khi chỉ vì một vài lỗi nhỏ trong cấu trúc và thi công mà phải dừng lại, tạo thêm hệ thống thành vang, vách phản âm, lỗ thoát âm vô cùng phức tạp... Nghề chơi âm thanh thật lắm công phu. Nghe được nhạc cũng khó lắm. Có người nói rằng "để chiều được đôi tai vừa tốn kém vừa khó hơn chiều cái mắt nhiều lần", chẳng biết ai nói vậy có đúng hay không, nhưng tôi thì thấy nghề (làm và chơi) âm thanh khó khăn cũng gần như vậy... Vũ Nhật Tân
Thời gian và không gian âm nhạc Âm nhạc là môn nghệ thuật của thời gian, âm nhạc trải ra theo thời gian, một tác phẩm âm nhạc bao giờ cũng có mở đầu, có tiếp diễn, và có kết thúc. Người thưởng thức âm nhạc luôn bị bắt buộc (một cách hoàn toàn tự nhiên) phải tuân theo trình tự thời gian: từ lúc bắt đầu đến khi tác phẩm kết thúc hết bao nhiêu phút, bao nhiêu giây, và đó cũng chính là độ dài của tác phẩm âm nhạc ấy Vì là môn nghệ thuật của thời gian, nên âm nhạc chịu sự chi phối của các qui luật tương đối của thời gian, một tác phẩm âm nhạc khi vang lên bao giờ cũng đến với người nghe dần dần (với nghĩa đen) theo thời gian trôi: bản "Bolero" của nhà soạn nhạc người Pháp Ravel ở những phút đầu tiên nghe thật chậm và nhẹ nhàng, nhưng dần dần âm nhạc cuốn dần lên, nhanh dần lên, mạnh dần lên, người nghe có cảm giác thời gian trôi nhanh lên, không gian mở rộng ra, cả một khối âm thanh đồ sộ đang cuồn cuộn chảy. Khi âm nhạc vang lên nhẹ nhàng, người nghe cảm thấy thời gian trôi chậm, không gian dường như mỏng manh, khi âm nhạc được đẩy lên mạnh hơn, người nghe sẽ cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn và không gian được mở rộng hơn Âm nhạc cũng là môn nghệ thuật của thính giác, khác hẳn với hội họa, điêu khắc, kiến trúc... là những ngành nghệ thuật thị giác. Đối với nghệ thuật thị giác, người xem vừa có thể tiếp nhận (thưởng thức) tác phẩm ở chi tiết, vừa có thể xem (nhận thức) tác phẩm ở dạng toàn thể, bởi hầu hết các chi tiết lẫn toàn bộ (bức tranh, pho tượng, hay ngôi nhà) đều được hiển thị trước mắt, thậm chí nếu những chi tiết bị che khuất ở góc nhìn này, thì vẫn có thể được thấy ở góc nhìn kia...; nghệ thuật của thính giác thì hoàn toàn khác, người nghe chỉ có thể tiếp nhận tác phẩm ở từng (và từ) chi tiết (vang lên trước và tiếp theo sau) tuân theo thời gian trôi, cuối cùng thì cấu trúc toàn thể của tác phẩm (âm nhạc) chỉ đọng lại (hiển thị) trong trí nhớ và dường như vô hình, không thể cân đong, đo đếm một tác phẩm âm nhạc trong không gian được Trong chương trinh học nhạc của toàn bộ các trường âm nhạc từ chuyên nghiệp đến không chuyên trên khắp thế giới, môn học và giờ luyện tai nghe, luyện trí nhớ, là một trong những môn quan trọng nhất, tốn nhiều thời gian luyện tập nhất, bởi vì một tác phẩm âm nhạc chỉ tồn tại trong trí nhớ của người nghe sau khi họ đã tiếp nhận (và ghi nhớ) từng chi tiết (âm nhạc hoặc âm thanh) theo thời gian tác phẩm ấy đã diễn ra, bất kỳ một tác phẩm âm nào cũng vậy, đều trải dài theo thời gian, và chỉ hình thành toàn bộ trong trí nhớ người nghe mà thôi... Có những buổi chiều muộn mùa thu, trời đất khô cong se lạnh, tôi lang thang dọc mấy dãy phố chợ Trời chuyên bán các loại loa và ampli cũ, nhìn những đống loa xếp chồng lên nhau, cái to nặng ở dưới, cái nhỏ nhẹ ở trên, rồi ngó vào tận bên trong của từng chiếc loa cũng vậy, ô loa to phát ra tiếng trầm luôn được lắp dưới cùng, ô loa trung phát ra tiếng trung luôn nằm giữa, ô loa nhỏ phát ra tiếng cao thì ở trên, cấu trúc ấy không thấy bị đảo ngược bao giờ, bởi nó tuân theo cảm nhận (và cảm giác) của chính chúng ta: những âm thanh trầm luôn cho cảm giác nặng và chìm xuống dưới, những âm thanh cao nghe thấy nhẹ và nổi lên trên. Cũng giống như mỗi khi nghe một dàn nhạc giao hưởng hòa tấu, ta cảm thấy cả khối âm thanh lớn chuyển động, không gian rộng, nặng và sâu, nhưng khi nghe chỉ một tiếng violon độc tấu, ta lại hình dung ra những đường nét mỏng bay, không gian nhỏ và nhẹ Âm nhạc ôm trong lòng nó cả thời gian và không gian, âm nhạc chuyển động, thời gian và không gian dường như cũng co dãn theo, một cấu trúc thời gian và không gian cảm tính, cũng như chính âm nhạc, chỉ tồn tại trong trí nhớ và trong trí tưởng tượng của người nghe mà thôi Vũ Nhật Tân
Âm nhạc và các loại hình nghệ thuật khác Nhưng âm nhạc còn làm nhiều hơn là chỉ biểu lộ cái không thể biểu lộ trong bản thân chúng ta; nó mở cho chúng ta lối vào cái thế giới siêu nhiên của cảm giác. Ngoại trừ những khoảnh khắc cao trào hiếm hoi trong cuộc sống của chúng ta, những niềm vui và nỗi tuyệt vọng của nó là quá cao quý đối với chúng ta; chúng không phải là của chúng ta; chúng thuộc về thần thánh và các vị anh hùng. Trong âm nhạc, siêu nhân được sinh ra trong cảm giác của chúng ta. Âm nhạc đem lại cho các xúc cảm cái mà thần thoại và thơ ca đem lại cho trí tưởng tượng - và triết học đem lại cho trí tuệ - nó đưa chúng ta chạm tới một cuộc sống cao thượng hơn, một cuộc sống mà chúng ta có lẽ có khả năng, nhưng không có cơ hội để thực hiện. Và khi làm điều đó, âm nhạc đem lại một sự phục vụ lớn lao; vì ngoài tình yêu và chiến tranh, cuộc sống, vốn đem lại vô số dịp cho những tư tưởng và hành động mãnh liệt, nhưng lại cung cấp rất ít cơ hội cho cảm giác đam mê. Cho đến giờ việc nghiên cứu nghệ thuật của chúng ta chỉ giới hạn trong cái gọi là âm nhạc tuyệt đối. Bây giờ chúng ta phải hoàn thành việc nghiên cứu bằng cách xem xét lướt qua sự kết hợp của âm nhạc với các nghệ thuật khác. Do tính chất trừu tượng của nó, âm nhạc, trong số tất cả các nghệ thuật khác, cho phép mình dễ dàng kết hợp với các nghệ thuật khác; nhưng ngay cả trong trường hợp của âm nhạc, khả năng kết hợp vẫn bị giới hạn bởi những sự đồng nhất rõ ràng giữa các nghệ thuật được kết hợp với nhau. Chẳng hạn, âm nhạc rất hợp với những nghệ thuật có thời gian tính, như thơ ca, nhảy múa, kịch nghệ và đặc biệt hợp với hai nghệ thuật đầu vì chúng có tiết tấu; nó cũng thống nhất với kiến trúc, bởi vì kiến trúc cũng là một nghệ thuật trừu tượng; nhưng với những nghệ thuật tĩnh tại và cụ thể như hội họa và điêu khắc thì nó không hợp. Người ta có thể đệm nhạc một bức tranh với một hợp âm riêng lẻ mà ý nghĩa xúc cảm của nó cũng đồng điệu với sự phối hợp màu sắc và các đối tượng được thể hiện trên đó, nhưng chỉ thế thôi chứ không còn gì hơn nữa; vì trải nghiệm thẩm mỹ về bức tranh là tức thời và hoàn toàn, trong khi trải nghiệm thẩm mỹ về âm nhạc đòi hỏi thời gian cho nó phát triển và thành tựu; do đó hai cái này chẳng mấy chốc sẽ đi đôi ngả, và người ta hoặc sẽ lờ tiếng nhạc đi hoặc sẽ thôi không ngắm bức tranh nữa. Dĩ nhiên, thoạt đầu âm nhạc luôn luôn kết hợp với một số môn nghệ thuật khác, mà trước hết, có lẽ là với nhảy múa. Trong hình thức sơ khai nhất của nó, nhảy múa là một biểu hiện tôn giáo công xã, ta sẽ chỉ nói vài lời về chúng, vì chúng thuộc về quá khứ, không phải nghệ thuật đương đại. Ngày nay nhảy múa là tự do cũng như âm nhạc. Vẻ đẹp của nhảy múa trước hết là ở sự thể hiện tự do và có tiết tấu của những thôi thúc buộc người ta phải cử động. Sự thể hiện này, nó là trực tiếp đối với vũ công, người thực hiện những thôi thúc của mình bằng những chuyển động thực sự, nhưng là gián tiếp và trong tư tưởng đối với người xem, vì họ chỉ trải nghiệm những hình tượng đang vận động được gợi lên bởi những chuyển động mà họ nhìn thấy, và rồi bằng cách cảm nhận những chuyển động này thành chân tay của vũ công, nhảy múa với vũ công trong trí tưởng tượng. Và giữ lại những biểu hiện tự do và phóng khoáng, mặc dù là gián tiếp, của những thôi thúc dồn nén phải cử động này là một cảm giác rất dễ chịu với chúng ta, những người mà cuộc sống chuyển động nhìn chung là rất nghèo nàn, vì bị tục lệ và nghề nghiệp giới hạn vào một vài dạng vận động rất hạn hẹp. Nhưng nhảy múa cũng ít thú vị với những người đàn ông ở chỗ nó không đáp ứng một yếu tố khác trong vẻ đẹp của nó: sự biểu lộ những cảm giác say đắm của khán giả. Những cảm giác này, mặc dù thực sự nằm trong tim của khán giả, dù sao vẫn được biểu hiện trong nhân vật vũ công, mà sự quyến rũ của họ là do họ tạo ra. Cuối cùng, nội dung của điệu múa có thể chỉ phong phú hơn thông qua việc sử dụng những trang phục mang tính chất biểu tượng và những cử chỉ bắt chước, gợi nên những tình cảm như vui sướng, yêu thương hay buồn rầu, những ý tưởng được ăn nhịp về cảm xúc như mùa xuân, hay những hành động như sự tỏ tình. Âm nhạc ngày nay, với trật tự tiết tấu và nội dung cảm xúc phong phú của chính nó, có một sự giống nhau rõ ràng với hình thức tiết tấu và thực chất đa tình say đắm của điệu nhảy, và vì vậy có thể đáp ứng tốt để đệm cho điệu múa. Kết quả của sự hợp nhất này là gia tăng sự trải nghiệm tiết tấu thông qua trung gian âm thanh, và điệu nhảy theo nhịp với âm nhạc, và thông qua tông cảm xúc được đẩy lên cao trào và tính nhậy cảm được gia tăng tạo ra bởi âm nhạc, làm sâu sắc hơn quan hệ giao cảm giữa vũ công và khán giả. Như vậy âm nhạc có được một sự diễn giải cụ thể thông qua điệu múa, và điệu múa có được sức mạnh cảm xúc thông qua âm nhạc. Trong sự hợp nhất này, cái được đối với điệu múa là rõ ràng và tuyệt đối; nhưng âm nhạc phải trả giá bằng tính cụ thể của nội dung mà nó lưu giữ, bằng cách mất đi sức mạnh biểu lộ những tâm trạng bên trong thoáng qua của nó - cái mà nó được về tính rõ ràng xác định thì nó lại mất về phạm vi và tính phổ biến. Và chỉ âm nhạc với tiết tấu mạnh mẽ và rõ ràng là có thể hợp nhất với vũ điệu; âm nhạc phức hợp và mơ hồ hơn, ngoài việc không có khả năng làm cho các tiết tấu tinh tế của nó ăn khớp với tiết tấu của một vũ điệu, còn có một sự đa dạng và cao cả trong ý nghĩa vượt xa nhân cách của bất cứ một cá nhân nào, vì thế nếu cố quy tụ nó vào một vũ công, bất kể họ quyến rũ dễ thương đến mức nào, cũng chỉ là một sự bắt chước bôi bác. So với sự hợp nhất của âm nhạc với nhảy múa thì sự hợp nhất của nó với thơ ca cũng gần như tương đương về tính chất tự nhiên và tính chất cổ xưa. Trong bài ca sự hợp nhất này là một sự hợp nhất thực sự; vì các â m bản thân chúng là âm thanh của từ ngữ được phát âm ra và được tinh lọc trong âm nhạc. Dĩ nhiên, không giống như âm nhạc tuyệt đối, ở đây âm thanh có ý nghĩa, không chỉ như các â m khác nhờ vào âm thanh của nó, mà còn qua ý nghĩa của nó nữa. Và như Schopenhauer đã nhận xét, điều này có lẽ cũng giống y như tính phổ quát, là cái có thể được minh họa bởi bất kỳ đối tượng nào là hiện thân của nó, cũng vậy nội dung âm nhạc mơ hồ của một âm có thể hòa lẫn với ý nghĩa cụ thể của một từ ngữ chỉ một cảm giác tương tự. Và nhiều người nghe nhạc không nghi ngờ gì sẽ được lợi từ việc âm nhạc trở nên rõ ràng lưu loát như thế; vì họ không thể cung cấp từ trí tưởng tượng của mình tính cụ thể mà âm nhạc vốn thiếu, họ vui mừng khi thi ca làm điều đó thay cho họ; nhưng cái lợi đó sẽ không có được nếu không chịu một mất mát tương xứng. Vì khi ý nghĩa âm nhạc được cụ thể hóa thông qua những cảm xúc vốn là chủ đề chính của bài hát, nó tất yếu mất đi sức mạnh (mà nếu không thế thì nó đã có) để biểu hiện cuộc sống nội tâm của con người ta - lại một lần nữa, cái mà nó được về tính rõ ràng xác định lại là cái nó mất đi về phạm vi biểu hiện. Nó không còn chiếm hữu những chức năng độc đáo của âm nhạc. Do đó, nếu yêu âm nhạc, ta sẽ không quan tâm đến việc ta có hiểu ý nghĩa của những từ ngữ đó hay không, và cái mà ta coi trọng trong bài hát sẽ chỉ là sự gần gũi đặc biệt nảy sinh từ công cụ nhạc khí của nó, giọng hát. Chỉ hiếm khi mới khác đi, như trong các bài hát của Schuman, khi sự diễn giải thi ca là đẹp đẽ và hoàn hảo đến mức nhất trí với cảm giác âm nhạc, đến mức ta thích chấp nhận hơn là thay thế nó bằng sự diễn giải của chính ta về bài thơ. Nhưng cho dù có như thế thì âm nhạc, nếu là âm nhạc thực sự, vẫn có giá trị mà không cần đến lời lẽ. Ở cực ngược lại là các bài hát, thường là các bài hát được ưa chuộng, trong đó âm nhạc không có mấy giá trị, mà thực sự chỉ để đệm cho lời ca. Tuy vậy, trong mọi trường hợp, âm nhạc có thể cho thơ ca vay mượn một chừng mực nào đó sự gần gũi vốn của chính nó, để cho chủ đề chính của nó được vang vọng sâu sắc hơn trong tâm hồn. Vậy mà nhiều bài thơ vẫn không sao thống nhất được với âm nhạc. Điều đó là sự thực, trước hết đối với những bài thơ ở trình độ trí tuệ cao, nơi các cảm xúc chứa đựng trong những tư tưởng phức tạp và trừu tượng. Ví dụ, người ta không thể dễ dàng phổ nhạc thơ Browning. Âm nhạc có thể có ý nghĩa sâu sắc, bí ẩn, thậm chí siêu hình, nhưng nó không thể có tính biện chứng. Những cảm xúc đi kèm với tư duy tinh tế mơ hồ, thậm chí khi mãnh liệt sôi nổi, cũng không phải là loại cảm xúc rộng lớn, phổ quát mà âm nhạc biểu hiện; chúng thiếu sự hòa hợp hoàn toàn với những biểu hiện âm nhạc; mặc dù, chúng được sắp xếp gọn ghẽ và có tính chất tĩnh tại, trong khi trong âm nhạc mọi thứ đều tuôn ra trong ánh sáng mờ ảo, giống như con sông cuộn chảy dưới ánh trăng. Mặt khác, các bài thơ biểu hiện những trạng thái phát triển nhanh của tâm trí, chứa đựng những biến chuyển nhanh, tinh tế, cũng không phù hợp tương tự với âm nhạc. vì âm nhạc mặc dù luôn chuyển động, nhưng luôn theo vận động chậm; nó cần có thời gian để đi hết chặng đường, và thời gian phát triển để thêu dệt, biến tấu và lặp lại chủ đề của nó. Và khó khăn này áp dụng theo một cách chung cho mọi sự hợp nhất giữa thơ ca và âm nhạc. vì lời lẽ chủ yếu mang tính chất thực tiễn và giao tiếp, và do đó cắt giảm cảm xúc mạnh mẽ mà chúng biểu hiện; trong khi âm thanh, có bao giờ có mục đích nào khác hơn là biểu lộ cảm xúc, rút chúng ra và mở lối cho chúng. Tuy vậy, thơ ca do tính xác định rõ ràng của nó, nên chỉ có thể tương thích với một phạm vi tương đối hẹp sự biến tấu, vượt khỏi phạm vi đó nó sẽ trở nên đơn điệu, trong khi âm nhạc do tính trừu tượng của nó lại cho phép biến tấu hầu như không giới hạn, và được làm phong phú thêm trong mỗi hình dạng mới trong đó ý nghĩa của nó xuất hiện. do đó, nếu thơ ca theo đúng nhịp với chuyển động chậm của âm nhạc và tuân thủ phương thức phát triển của nó, thì các vần thơ sẽ phải lặp đi lặp lại; nhưng điêu đó sẽ phá hoại hình thức thơ - như trong Ôratô (Thánh ca), với những điệp khúc vô nghĩa của nó. Cuối cùng, đặc trưng thời gian tính và phát triển của kịch nghệ dường như có vẻ phù hợp cho sự kết hợp với âm nhạc. Vậy mà sự kết hợp của hai nghệ thuật này cũng lại phải đương đầu với những khó khăn tương tự đã chắn đường sự kết nối giữa thơ ca và âm nhạc. Vận động của vở kịch là mau lẹ và thẳng một mạch, trong khi âm nhạc thì chậm rãi và theo đường vòng; do đó nếu âm nhạc cứ theo đường của nó thì hành động kịch sẽ phải dừng lại. H ệ quả là sẽ có ít hành động kịch thực sự hơn trong hầu hết các vở nhạc kịch, và thế chỗ sẽ là những màn hội thoại dài lê thê. Chỉ rất hiếm trường hợp - ví dụ như vở “Salome” của Strauss – htr đó ình thức kịch mới được bảo tồn. Thông thường thì sự kết hợp của hình thức âm nhạc cũng bị phá vỡ, và bị thay thế bằng mạch câu chuyện. Cuối cùng, như trong trường hợp bài hát, tính phổ quát của âm nhạc bị từ bỏ để ưu tiên cho diễn xuất được kịch bản ấn định cho nó. Thực vậy, trong leit - motif (chủ đề chính), như chữ mà Wagner dùng, nơi một đoản khúc được đưa ra với một ý nghĩa cố định về các tư tưởng hành động mà người nghe vẫn hiểu mỗi khi nó xuất hiện, khi đó thì vở nhạc kịch sẽ hoàn toàn không còn là âm nhạc theo nghĩa chặt chẽ của nó nữa, mà trở thành một ngôn ngữ âm nhạc. Nhưng trong vở opera, cũng như trong bài hát, âm nhạc, một khi là âm nhạc thực sự, có ý nghĩa độc lập của chính nó, và ý nghĩa đó được coi trọng mà không cần đến mise en scene (sự dàn cảnh) hay kịch bản. Và do đó chỉ hiếm trường hợp, như bài hát Toreador trong vở nhạc kịch “Carmen”, hành động kịch đến gần được với ý nghĩa bên trong của âm nhạc, và âm nhạc dường như được lợi từ sự diễn xuất. Vì thế nên giấc mơ của Wagner làm cho nhạc kịch trở thành sự tổng hợp của thi ca, kịch nghệ và âm nhạc, và do đó trở thành một nghệ thuật đẹp đẽ hơn các nghệ thuật riêng rẽ kia vẫn chỉ là một ảo tưởng sai lầm. Vì như ta đã nhiều lần nhìn thấy, trong việc kết hợp giữa các nghệ thuật có cái được cũng có cái mất; sẽ có những cái gì đó về hình thức hay ý nghĩa của mỗi nghệ thuật sẽ phải hy sinh. Tác phẩm sinh ra từ sự kết hợp này thực sự là một hình thức nghệ thuật mới, trong đó các yếu tố bị thay đổi và cá tính của chúng bị thủ tiêu phần nào; và giá trị của nó cũng là một giá trị mới, nó có thể bằng nhưng chắc chắn là không thể lớn hơn được giá trị của bất cứ một hình thức nghệ thuật riêng rẽ nào. Nói một cách dí dỏm là khi các bộ môn nghệ thuật được cộng với nhau, thì kết quả một cộng một sẽ không phải là hai, mà vẫn chỉ là một mà thôi. Dewitt H. Parker: Những nguyên lý mỹ học Trịnh Huy Hoá dịch -giaidieuxanh.net