Xuất xứ của những khúc xuân ca

Discussion in 'Âm nhạc' started by nck_kool, 14/1/09.

  1. nck_kool

    nck_kool Advanced Member

    Joined:
    8/3/06
    Messages:
    6.580
    Likes Received:
    5
    Location:
    Tây Bắc
    Mùa xuân đang về với đất trời, với con người. Và thoảng đâu đây quanh ta, rất gần, là những khúc ca xuân rộn rã. Những giai điệu vượt thời gian ấy đã gieo vào lòng ta những cảm xúc rộn ràng, sâu lắng. Mùa xuân Kỷ Sửu đang về, hãy dành ít phút để tìm hiểu thời điểm và nguồn cảm hứng nào đã giúp người nhạc sỹ viết được những khúc xuân ca ấy

    [​IMG]

    Văn Cao: Mùa xuân đầu tiên

    Mùa xuân năm 1976, sau 30 năm xa cách, hai miền Nam - Bắc mới được cùng chung vui một cái Tết thống nhất. Trong không khí rạo rực của những ngày xuân đầu tiên bình yên ấy, giai điệu của một bản Valse nhẹ nhàng đang định hình trong đầu ông. Lời đầu trong ca khúc “Mùa xuân đầu tiên”, Văn Cao đưa đến cho người nghe những nét quen thuộc giản dị mà xiết bao ấm áp: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về”.

    Ngay từ khi ra đời “Mùa xuân đầu tiên” đã được Nhà xuất bản Âm nhạc Matxcơva của Liên Xô (cũ) dịch ra tiếng Nga và ấn hành tại Nga. Khi đó, người nhạc sĩ của chúng ta được nhận 100 rúp tiền nhuận bút. Nhưng còn ở Việt Nam, “Mùa xuân đầu tiên” mãi tận những ngày cuối năm 1976 mới được in trên Báo Sài Gòn Giải phóng. 12 năm sau (1988), ca khúc mới trở về với người nghe cùng tuyển tập “Thiên Thai” của Văn Cao.

    Ngọc Khuê: Mùa xuân làng lúa làng hoa

    Nhạc sỹ Ngọc Khuê đã trải lòng mình: Từ lâu, tôi đã muốn viết một ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là về hồ Tây nhưng viết mãi mà chưa thành. Bởi vì tôi muốn ca khúc ấy sao cho nó là của riêng mình nhưng mọi người vẫn có thể thấy mình trong đó. Mà bài hát về Hà Nội thì đã có nhiều nhạc sỹ viết thành công rồi. Nhiều lần đi qua hồ Tây, tôi thấy nơi đây không chỉ có nhiều làng hoa mà ở phía Xuân La, Xuân Đỉnh còn nhiều làng lúa. Vậy là một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn trai ở gần hồ Tây tôi mới bật ra câu hát đầu tiên: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng”. Câu hát đầu tiên ấy đã xuất hiện và nhờ đó, về nhà tôi đã viết xong bài hát. Tôi viết hai phần này thật khó khăn, nhất là đoạn mở đầu.

    Bài hát lúc đầu được tôi đặt tựa là “Làng lúa, làng hoa”. Sau đó, đến mùa xuân năm 1982, tôi mang tới Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam và được nhạc sỹ Thế Song - biên tập viên chuyên mục ca nhạc của Đài góp ý nên thêm 2 chữ “mùa xuân” vào tên bài vì bài hát có nhiều chữ về mùa xuân đồng thời theo kinh nghiệm của ông, như thế bài hát sẽ có được “lợi thế” nhiều hơn. Tôi thấy góp ý đó rất chân thành và ngay sau đó, ca sỹ Thanh Hoa là người đầu tiên thể hiện bài hát này.

    Dương Thụ: Lắng nghe mùa xuân về

    "Lắng nghe mùa xuân về" được nhạc sỹ Dương Thụ viết năm 1998, nhưng viết xong rồi lại bỏ đấy vì lúc ấy đưa ra chưa thích hợp. Nhiều người nghĩ ông viết ca khúc trong một lần ra Hà Nội khi thời tiết đang cữ mưa phùn và gió bấc, nhưng hóa ra lại không đúng. Dương Thụ viết "Lắng nghe mùa xuân về" ngay tại đất Sài Gòn nhiều nắng và gió. Đóng cửa lại và vẫn thủy chung với tiết tấu Allegretto để tưởng tượng hơi xuân Hà Nội ùa vào lòng người: “Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường/ Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng...”.

    Mãi tới đầu năm 1999 ca khúc "Lắng nghe mùa xuân về" mới được phổ biến. Và bất ngờ hơn là gần như cùng một thời gian, "Lắng nghe mùa xuân về" được 3 “ngôi sao” trong làng ca nhạc lúc đó thể hiện: Hồng Nhung, Thanh Lam và Mỹ Linh. Ngay lập tức Lắng nghe mùa xuân về đã chinh phục được khán thính giả và tới nay, trở thành một giai điệu đẹp về mùa xuân.

    (Theo Mai Hồng - báo Giao thông vận tải)
     
    Tags:
  2. tai_trau

    tai_trau Moderator

    Joined:
    11/4/06
    Messages:
    15.527
    Likes Received:
    4.933
    Location:
    Hà Nội
    Tặng bác kul thêm tý thông tin về em gái trong làng lúa làng hoa...

    Cô gái trong ca khúc Mùa xuân làng lúa làng hoa
    Có một ca khúc Việt, mỗi khi Tết đến Xuân về lại được vang lên, khiến lòng người xôn xao, náo nức. Đó là bài hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa”. Nhưng tác giả bài hát là ai, ca khúc này được viết ra thế nào, có lẽ còn ít người biết tới.

    “Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng/ Lúa ơi! Thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng/ Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngọt ngào/ Hương hoa bay dạt dào làng hoa em gọi mùa/ Mùa xuân!”.

    Một chiều Hà Nội se lạnh, tôi đã được ngồi với tác giả bài hát- nhạc sĩ Ngọc Khuê bên ấm trà nghi ngút khói...

    “Tôi sinh năm 1947 tại Hoài Đức (Hà Tây cũ). Năm mười tám tuổi, tôi bắt đầu rời quê hương, bước vào cuộc đời quân ngũ, sau đó trở thành lính cao xạ pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng.

    Năm 1974 thì được chuyển về đoàn Văn công Phòng không - Không quân, làm diễn viên hát, và gắn bó với Quân chủng Phòng không -Không quân đến lúc nghỉ hưu”.

    Nhắc tới Ngọc Khuê là nhắc tới Mùa xuân làng lúa làng hoa…

    Nhiều người cũng nói như vậy. Có người còn gọi tôi là “ông Làng lúa làng hoa” nữa (Cười). Cũng như nhiều nhạc sĩ khác, từ lâu tôi muốn viết một ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là về mùa xuân Hà Nội, nhưng viết mãi mà chưa thành. Tôi muốn ca khúc ấy tuy là đứa con riêng của tác giả nhưng mọi người vẫn có thể thấy mình trong đó.

    Mỗi khi nghe ca khúc này, hình ảnh người con gái dịu dàng, chăm chỉ vun xới cho mùa màng hiện lên đẹp và đáng yêu, tràn đầy sức sống mùa xuân. Bây giờ ông có thể tiết lộ “em” trong bài hát này là ai không?

    Không biết tôi có nên kể chuyện này?(Cười) Chuyện là: Quãng năm 1978, hay 1979 gì đó, tôi có quen một cô gái và thú thật cũng rất muốn viết ca khúc để tặng. Đôi khi chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những con đường ven hồ Tây, Hà Nội. Tôi nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để làm cái cớ.

    Định như vậy rồi nhưng khi viết thì vẫn thấy khó, thấy không ổn. Tôi đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại. Cho tới một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây tôi mới phát hiện ra rằng hồ Tây không chỉ có hoa.

    Phía bên Xuân La, Xuân Đỉnh còn là “làng lúa”. Lâu nay người ta thường gọi đó là những cánh đồng lúa xanh mướt hay chín vàng. Nhưng tôi muốn ví đó là những “làng lúa”.

    Sự “phát hiện” đó cộng với hình ảnh những “làng hoa” ấp ủ bấy lâu đã giúp tôi bật ra câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng,…”. Câu hát đầu tiên ấy đã xuất hiện, và nhờ đó, về nhà tôi đã viết xong bài hát.

    Câu hát ở giữa bài, lại được viết ra đầu tiên?

    Trước đây có một nhạc sĩ-nhà nghiên cứu về âm nhạc khi giới thiệu bài hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa” của tôi có viết: “Thật ra, theo tôi hiểu, đâu có phải tác giả chủ ý phải viết, phải cấu tạo đoạn đầu bài hát như thế để dẫn dắt người nghe”.

    Đây là cách hiểu chưa đúng. Bởi trên thực tế, cảm xúc của buổi chiều cuối năm 1981 ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp tôi hoàn thành đoạn chính của bài hát trước. Đến khi về nhà tôi mới ngồi viết phần đầu và phần kết của bài hát.

    Tôi viết hai phần này thật khó khăn, nhất là đoạn mở đầu: “Bên lúa, anh bên lúa/ Cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa, hoa hơm ngát bốn mùa…”.

    Tôi đã thử bằng nhiều cách khác nhau để mở đầu bài hát, cuối cùng thấy hợp lý khi lấy âm hưởng của một điệu hò (ở điệu hò tiết tấu bốn nét móc kép nhịp 2/4, trong bài này biến thành chùm 4 móc đơn nhịp 6/8 và nhóm tiết tấu này được duy trì hết bài) để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương hồ Tây, sự dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa.

    Đó là một sự giao duyên tình tứ rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái mà tôi nghĩ rằng chỉ có ở những làng mạc lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven hồ Tây- Hà Nội.



    Một thời khán giả đã được nghe giọng hát của Ngọc Khuê trầm ấm (cùng với Minh Nguyệt) trên sóng phát thanh qua ca khúc Đưa em đi hái măng rừng, Sapa thành phố trong sương, Tiếng hát từ hai đầu dây.

    Bài hát đầu tiên hoàn thành và được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1968 là ca khúc Tiếng hát bên dòng sông Mã khi Ngọc Khuê còn là anh lính cao xạ pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng.

    Rồi âm nhạc trở thành sức hút ghê gớm với người lính ấy, Ngọc Khuê đã sáng tác hàng loạt ca khúc như: Hạt nắng, hạt mưa, Mùa xuân làng lúa làng hoa, Tình ca người lính, Khoảng trời riêng em, Tìm em nơi phố nhỏ...

    Rồi đến đoạn kết của bài hát, vừa là cao trào của âm nhạc, vừa là một tình cảm như đột ngột bừng dậy của tình yêu đôi lứa. Đến đây thì hồ Tây chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để nhường chỗ cho tình yêu và hạnh phúc của con người.

    Với tôi, lúa và hoa như một biểu tượng đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Làng lúa – làng hoa, cả mùa xuân nữa dường như mới chỉ bắt đầu.

    Thưa ông, thế còn cô gái trong bài hát?

    Ừ, thì đó cũng chỉ là một… cô gái thôi mà (cười). Hồi đó, chúng tôi thường hay đặt “bí danh” cho nhau bằng những con số. Cái tên của tôi khi viết tắt là “K” được “dịch” sang con số 12, còn tên cô ấy là số 13 (nhạc sĩ Ngọc Khuê nhất quyết không tiết lộ tên thật của cô gái, song theo suy luận của chúng tôi, tên của cô có chữ cái đầu là “B”-NV).

    Hồi ấy vợ tôi đang dạy học ở quê, khi láng máng biết được chuyện này, cũng hơi “ghen” một tí. Nhưng cái quan trọng là tôi cũng biết đi và biết dừng.

    Mình làm nghệ thuật, những phút xao lòng như vậy cũng khó tránh. Nhưng nhờ thế mà mình viết được một Làng lúa, làng hoa. Bây giờ chúng tôi cũng thành ông thành bà, cô ấy giờ làm ở Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội, thi thoảng vẫn gặp nhau, và coi nhau như bạn bè thân thiết.

    Được biết, lúc đầu tên của bài hát là Làng lúa, làng hoa, không có Mùa xuân?

    Đúng rồi, vì tôi nghĩ thế là đủ. Với lại tôi rất thích chữ “làng lúa”, “làng hoa” nên đã đặt luôn cho bài hát như vậy. Viết xong bài hát, tôi sướng lắm. Tôi nhớ khi ấy có hát cho “13” nghe, cô ấy vui lắm.

    Bên góc bản thảo, tôi cũng trân trọng đề dòng chữ: “Tặng bạn tôi: 13” kia mà. Sau đó, đến mùa xuân năm 1982, tôi mang bài hát tới Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam.

    Ngày ấy, nhà khá giả mới có chiếc tivi, mà thời lượng phát sóng của truyền hình lại không phải 24/24 tiếng như bây giờ, nên Đài Tiếng nói Việt Nam là nhất. Gửi ca khúc đến Đài và được duyệt để dàn dựng phát sóng cũng là một niềm khích lệ lớn rồi.

    Hồi đó, nhạc sĩ Hoàng Tạo và nhạc sĩ Thế Song đang phụ trách. Nghe xong bài hát này, nhạc sĩ Thế Song khuyên tôi nên thêm 2 chữ “Mùa xuân” vào tên bài hát vì bài hát có nhiều chữ về mùa xuân,... Sau đó, ca sĩ Thanh Hoa là người đầu tiên thể hiện bài hát này

    Đến bây giờ ông thấy lời khuyên của nhạc sĩ Thế Song thế nào? Và sau Thanh Hoa, ca sĩ nào thể hiện bài hát này ông thấy thích?

    Góp ý của nhạc sĩ Thế Song là chính xác. Nhờ thế mà bây giờ mùa xuân nào ca khúc của tôi cũng được vang lên. Tôi nghĩ, nếu chỉ để Làng lúa, làng hoa thì ít lợi thế hơn. Còn về ca sĩ, sau Thanh Hoa, có nhiều người hát, nhưng tôi thích Trung Anh, và gần đây là ca sĩ Tố Nga và Mỹ Lệ.

    Một câu hỏi riêng tư nữa: Ngoài cái “được” là nói chuyện riêng của mình mà trúng cái chung, Mùa xuân làng lúa làng hoa còn “cho” ông điều gì?

    (Cười) Tôi viết đến nay tới hơn 300 bài rồi. Sau này tôi có viết được ca khúc Hạt nắng, hạt mưa – một bài mà tôi rất thích, nhiều bạn bè trong giới nhạc cũng thích, vì nó có hình tượng âm nhạc khỏe, kỹ thuật viết cũng tốt nữa, lại được giải đặc biệt trong Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc nhưng vẫn không “vượt” được Mùa xuân làng lúa làng hoa về sự phổ biến. Mùa xuân làng lúa làng hoa cho tôi nhiều thứ. Bây giờ, mỗi lần tới Trung tâm bản quyền nhận nhuận bút, thì Mùa xuân làng lúa làng hoa phải chiếm tới 60%.

    * * *

    Chiều cuối đông, mặt trời đi ngủ sớm. Trước khi chia tay Ngọc Khuê, tôi nói với ông rằng, người ta bảo internet là một kho dữ liệu khổng lồ, nhưng tìm thông tin về ông trên mạng còn khó hơn gặp ông ở ngoài đời – vì cái tên Ngọc Khuê của ông dễ lẫn với ca sĩ trẻ Ngọc Khuê “Thị Mầu”.

    Nhạc sĩ Ngọc Khuê cười giòn: “Cũng may mà cô ấy là ca sĩ chứ không phải là nhạc sĩ, và là… phụ nữ”.

    Ông nói thêm: “Tôi nghĩ, các bạn trẻ sau này, dù tên khai sinh cha mẹ đặt thế nào, nhưng nếu làm nghệ thuật, cũng nên chọn cho mình một “nghệ danh” thật độc đáo, để không trùng với những người cùng ngành nghề đã đi trước”.

    Cá nhân tôi cũng nghĩ rằng đây là một lời khuyên đáng suy nghĩ của một người đi trước.

    Sau buổi gặp gỡ nhạc sĩ Ngọc Khuê, vẫn có một điều tôi muốn tìm hiểu, người con gái làm cảm hứng cho nhạc sĩ viết nên ca khúc đó, là ai? Tôi đã gọi điện và thử thuyết phục Ngọc Khuê thêm một lần nữa. Ông vẫn từ chối, nhưng hỏi lại rằng có nhất thiết cần phải biết không? Tôi nói, lời giải đáp này không phải dành cho riêng tôi mà cho tất cả những ai hâm mộ bát hát của ông.

    Nhạc sĩ Ngọc Khuê cười giòn vang trong điện thoại. Rồi ông đồng ý cung cấp cho tôi địa chỉ email và danh tính của “người con gái”– với điều kiện tôi không được tiết lộ lên báo chí khi chưa có sự ưng thuận của người phụ nữ ấy.

    Và qua email, tôi đã “gặp” được “em” trong bài hát Mùa xuân làng lúa làng hoa của nhạc sĩ Ngọc Khuê. Trong thư hồi âm cho tôi, chị đã tâm sự chân tình thế này: “Rất cảm ơn vì bạn đã quan tâm và có ý định phỏng vấn mình về bài hát Mùa xuân làng lúa làng hoa của nhạc sĩ Ngọc Khuê.

    Đối với bất cứ ai cũng vậy, có được cái may mắn làm nguồn cảm hứng sáng tác cho nhạc sĩ viết nên bài hát, được công chúng ở nhiều lứa tuổi đón nhận và dành cho nó nhiều cảm tình và sự yêu thích, và là bài hát đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ, ai mà chẳng cảm thấy tự hào. Song đã từ nhiều năm nay mình luôn giữ điều đó cho riêng mình và không có ý định chia sẻ điều đó trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ phía mình.

    Tất nhiên quyền chia sẻ với công chúng thuộc về nhạc sĩ Ngọc Khuê và công chúng cũng có quyền được biết về xuất xứ ra đời cũng như nguồn cảm hứng sáng tác của nhạc sĩ, đó là đòi hỏi chính đáng. Vì vậy mình muốn đề nghị bạn trao đổi với nhạc sĩ và mình tôn trọng tất cả các thông tin do nhạc sĩ cung cấp (…)

    Mình rất mong bạn thông cảm. Mình tin rằng bài hát Làng lúa Làng hoa, đối với tất cả công chúng yêu thích nó, đều tìm thấy một cảm xúc chung là tình yêu mùa xuân, yêu Hà Nội, tình yêu đôi lứa thắm thiết, ngọt ngào, da diết và mang đến một sự lạc quan bất tận cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn thách thức”.

    Tôi nghĩ, đó là những tâm sự thật lòng của chị. Chị là người có danh có phận. Nhưng có lẽ, với độc giả, sau khi đọc những tâm sự riêng của chị, thì tên chị là gì đến bây giờ không còn quan trọng nữa…

    Nguồn: http://www.xaluan.com/modules.php?name= ... &sid=92412
     
  3. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Bây giờ thì mùa xuân đến không khí cũng phai nhạt lắm rồi. Lúc còn nhỏ mỗi lần tết đến thì nghe loa phát thanh phát bài "Em ơi mùa xuân đến rồi đó" là cứ thấy rộn rã, lâng lâng. Bác nào biết tiểu sử của ca khúc này không?
     
  4. loadeu

    loadeu Advanced Member

    Joined:
    8/7/07
    Messages:
    5.844
    Likes Received:
    45
    Location:
    Xã đoàn Gầm cầu
    :::Quỳnh Giao :::
    Xuân Ca Ngày Cũ - Từ La Hối đến Nguyễn Hiền


    Khi các nụ thủy tiên đầu tiên tỏa hương thơm trong nhà thì dù chưa nghe được tiếng pháo, người người đã thấy rộn ràng trong tâm tưởng những khúc nhạc Xuân của thời trước, nay đã thành Xuân ca của mọi thời.

    Trong số này, có lẽ nên hồi tưởng lại La Hối và bài Xuân và Tuổi Trẻ.

    La Hối là nhạc sĩ có duy nhất một tác phẩm, nhưng lại nổi tiếng nhờ ca khúc duy nhất ấy. “Xuân và Tuổi Trẻ” là bài hát không thể thiếu mỗi độ Xuân về. Ông vốn là người Việt lai Hoa, nên dù viết bằng Việt ngữ, bài hát có âm hưởng Trung Hoa rất đặc biệt. Ngay từ đầu thập niên 1950 thính giả đã yêu thích bài hát vì ý nhạc phong phú, vi vút như những cánh bướm chập chờn.

    Nhưng, trong nghề với nhau thì các ca sĩ thì thường dễ hụt hơi vì đoạn chuyển khúc:

    Vui hát đi cho lòng thêm sướng,

    Vui hát đi cho lòng thêm tươi,

    Ta hát ca đón mừng Xuân mới,

    Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái...

    Mười trường canh hát liền một hơi không được ngắt! Và “...hăng hái” phải được ngân khá dài.

    Rời xa chúng ta được ba năm, Nguyễn Hiền là tác giả của những bài hát nhẹ nhàng đầm ấm cũng cống hiến một bản nhạc về Xuân rất đẹp, phổ thơ Kim Tuấn. Ðó là “Anh Cho Em Mùa Xuân”, nổi tiếng trong thời kỳ 1960-1970. Ðây là một bài ca về Mùa Xuân mà cũng là một bài ngợi ca quê hương với nét nhạc rất trữ tình.

    Giữa hai tác giả ấy và cùng trong dòng nhạc nhẹ nhàng, thanh cao, thích hợp với mọi thời kỳ, Tuấn Khanh, tác giả của “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” có tác phẩm “Mộng Ðêm Xuân” nhịp “Boston” tha thiết và êm đềm như một bài thơ. Thế rồi, qua những năm dài chiến chinh, Xuân của người lính chiến cũng trở thành Xuân của mọi người. Ngày nay dù chinh chiến đã tàn, ít ai quên được những bài Xuân ca viết cho chiến sĩ. Tiêu biểu nhất có Nguyễn Văn Ðông với “Phiên Gác Ðêm Xuân” và Trần Thiện Thanh với “Ðồn Vắng Chiều Xuân”...

    Nói tới nhạc Xuân của Việt Nam, không thể không nhắc tới Phạm Duy.

    Ông đã soạn tám bài hát về Xuân: “Hoa Xuân”, “Ðêm Xuân”, “Xuân Thì”, “Xuân Nồng”, “Xuân Ca”, “Xuân Hành”, “Tuổi Xuân”, “Xuân Hiền”. Ðó là không kể tới “Bến Xuân” soạn chung với Văn Cao, hoặc “Xuân Trên Buôn” dân ca cải tiến của sắc dân Ê Ðê và “Mùa Xuân Yêu Em”, phổ thơ Ðỗ Quý Toàn.

    Trong các ca khúc trên, bài “Hoa Xuân” được hát nhiều nhất vào dịp Nguyên Ðán. Lời ca và nét nhạc bình dị, tươi tắn, diễn tả trạng thái tâm hồn phơi phới trước thiên nhiên và đồng loại. Lãng mạn nhất thì có “Ðêm Xuân”. Nghe “Ðêm Xuân”, ta hiểu thế nào và tại sao các cụ ta xưa thường dùng chữ “Xuân” để tả những gì đẹp đẽ và thơ mộng.

    Riêng với người viết, nhạc và lời của “Xuân Thì” là một công phu trác tuyệt.

    “Xuân Thì” không tả cảnh Xuân mà là tâm sự của tác giả về mình, về nhân thế, với đặc tính cố hữu trong lời ca của Phạm Duy là lòng nhân ái. Ông mong có một Mùa Xuân thái hòa cho nhân loại. Ông thương từ cây súng cô đơn đến những nụ đào nở trên lối mòn chiến xa. Ông ôm nhân loại trong mình, cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men. Cùng với lời ca súc tích và đầy hình ảnh, Phạm Duy dùng cách chuyển khúc từ giai điệu “thứ” sang “trưởng” thật thần tình để diễn tả nỗi hân hoan thăng hoa từ sự khổ đau.

    Bản “Xuân Nồng” của ông hoàn toàn tả cảnh Xuân, mà là mùa Xuân miền Nam. “Xuân về không có mưa phùn mà chỉ có bụi xe”... nhưng vẫn là Xuân nên thơ. Nét nhạc Phạm Duy thường đi đôi với lời, nên tình và cảnh của ngày Xuân trong Nam được diễn tả bằng nhịp ba linh hoạt với âm giai “Fa trưởng” trong sáng.

    “Xuân Ca” và “Xuân Hành” là hai ca khúc Phạm Duy soạn theo khuynh hướng những bài hát tâm linh. Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Hãy hưởng Mùa Xuân trong từng chớp mắt trong cuộc sống ngắn ngủi này. Mùa Xuân của Phạm Duy có từ trong đêm tân hôn của cha mẹ, và từ đó ông ra đời góp chung câu gào thiết tha cho Mùa Xuân vĩnh cửu. Nếu chết đi thì xin được tái sinh nhiều lần để được tiếp tục đi mãi trong Mùa Xuân. Bài này soạn theo giai điệu ngũ cung, rất Việt Nam.

    Một bậc sư trong nghệ thuật dung hợp cái rất Tây và rất Ðông trong tân nhạc là Dương Thiệu Tước. Ông vua của tiết điệu bán cổ điển Tây phương trong nhạc Việt đã cống hiến cho chúng ta bản luân vũ được coi là hay nhất của Việt Nam, ca khúc “Bến Xuân Xanh”.

    Dương Thiệu Tước sáng tác “Bến Xuân Xanh” rất công phu. Tác phẩm dài tổng cộng 180 trường canh (gấp ba một bài luân vũ trung bình có 64 trường canh, như “Thu Vàng” của Cung Tiến) và được viết bằng âm giai “Do trưởng”, loại âm giai được coi là “sáng”. (Xin có đôi lời về nhạc thuật ở đây: giới sáng tác nhạc cho âm giai “Ré giáng trưởng” và “La giáng trưởng” là âm giai “dịu” nhất. Âm giai “Sol thứ” và “Si thứ” là âm giai “buồn” nhất. Âm giai “Do trưởng” và “Fa trưởng” là âm giai “sáng” nhất)

    Vì thế, “Bến Xuân Xanh” đòi hòi ca sĩ phải trình bày đúng âm giai nguyên thủy. Khi nghe một người trình bày không đúng “ton” (thí dụ người hát không lên được những nốt cao nhất của bài hát, phải hạ xuống một hay hai “cung”) thì ông hơi hơi buồn. Ðoạn biến khúc của “Bến Xuân Xanh” được Dương Thiệu Tước chuyển sang âm giai “La giáng trưởng” trở nên êm dịu lạ thường trước khi về lại cung “Do trưởng” trong sáng.

    Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước còn soạn phần nhạc mở đầu (introduction) và kết thúc (Coda) thật vi vút, du dương. Lời ca trong “Bến Xuân Xanh” tràn đầy thơ, nhạc, hoa, nắng, gió và sóng nước: toàn những biểu tượng lung linh rực rỡ của Mùa Xuân. Khi Dương Thiệu Tước vừa tạ thế ở trong nước, trong dịp tưởng niệm ông ở hải ngoại, 12 năm về trước, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi đã nhắc tới bản luân vũ này với lòng khâm phục. Không thua kém gì các nhạc khúc về sông nước nổi tiếng của Tây phương!

    Ngoài “Bến Xuân Xanh” độc đáo nói trên, Dương Thiệu Tước có soạn ba bài khác về Mùa Xuân, là “Vui Xuân”, “Vườn Xuân Thắm Tươi”, và “Tìm Xuân”. Nhưng chỉ cần viết một “Bến Xuân Xanh” thôi, Dương Thiệu Tước đã xứng đáng với một chỗ đứng sáng chói trong nền tân nhạc Việt Nam.

    Một nhạc sĩ khác cũng xứng đáng với ngôi vị trên mà lại không được quần chúng để ý, và chỉ được giới thẩm âm biết tới, đó là Vũ Thành. Người nghệ sĩ tài hoa này có ca khúc mang tựa đề về Mùa Xuân là “Tình Xuân”. Cũng với âm giai sáng “Do trưởng”, ông dùng ý nhạc cao sang, thanh thoát, cho ta nghe và thấy được một Mùa Xuân đầy sắc hương thi vị. Tuy nhiều sáng tác khác của ông không có tựa đề về Mùa Xuân nhưng luôn luôn gợi nhớ tới Xuân. Câu mở đầu của bản “Nhớ Bạn” là “Xuân vương trên ngàn hoa...” Bản “Say Nhạc Canh Tàn” cũng mở đầu bằng “Gió Xuân đưa mây vật vờ...”

    Nhạc Vũ Thành cũng như con người nghệ sĩ của ông: già dặn, thanh cao mà ẩn dật như một cội mai...

    Sau cùng, nói về Mùa Xuân trong nhạc, xin nhắc tới Phạm Ðình Chương, người được thính giả mang nợ nhiều nhất mỗi khi Xuân về. Ngày Xuân có thể thiếu pháo mà không thể không có “Ly Rượu Mừng”! Có lần ông nói đùa: “Nếu mọi người chỉ cần trả một đồng thôi mỗi khi hát ‘Ly Rượu Mừng’, thì tôi đã thành triệu phú từ lâu”. Ngoài nét nhạc phơi phới hân hoan, dễ nghe dễ hát, lời ca lại mang nội dung thích hợp với mọi tầng lớp thính giả. Vì thế “Ly Rượu Mừng” không chỉ được cất lên mỗi dịp Tết Nguyên Ðán mà còn thường được mọi người chung hát tại các buổi họp mặt, tiệc tùng, cưới hỏi...

    Một bản nhạc Xuân khác của Phạm Ðình Chương cũng thường được nghe trình bày hợp ca tại các đài phát thanh, hay đồng ca vào những dịp họp mặt tất niên tại các trường học là bản “Ðón Xuân”. Nhưng thật ra, bài Xuân ca tuyệt vời nhất của Phạm Ðình Chương chính là “Xuân Tha Hương”. Tác phẩm này được viết với nhịp điệu Boston 3/4 chậm rãi, tha thiết. Âm giai “Ré trưởng” không quá cao hoặc quá thấp nên thích hợp với mọi giọng hát. Ý nhạc nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhờ ông dùng nhiều chuyển âm. Gần như cứ hai trường canh ông lại thay đổi hợp âm, mang lại cho “Xuân Tha Hương” sắc thái đặc biệt Phạm Ðình Chương.

    Bản nhạc còn tuyệt vời vì lời ca buồn man mác, nhẹ nhàng kín đáo chứ không rũ rượi sầu thảm. Trong thập niên 60 khi bài hát được thịnh hành, người ta yêu lời ca vì nhớ tới Hà Nội và những ngày Xuân êm đềm xa xưa.
    .........................



    ......Em nhặt được bài này ạ
     
  5. regular

    regular Advanced Member

    Joined:
    6/6/07
    Messages:
    7.375
    Likes Received:
    22
    Location:
    Non-Groups
    Ly Rượu Mừng
    Mỗi độ xuân về, giữa cơn gió lạnh của những ngày đông ở xứ người, lòng người chợt vương một nỗi buồn man mác của kẻ tha hương khi nhớ về chuỗi ký ức ở một nơi xa lắm. Bên ấy, mùa xuân đang trở về trên những chậu cúc vàng rực rỡ, mồng gà đỏ thắm, những cây tắc kiểng no tròn bụ bẩm trái căng chín mọng... Và hơn thế nữa những cánh mai vàng nở rộ trong nắng xuân ấm áp. Đẹp kiêu sa đến nao cả lòng người. Hương xuân thanh thoát, tình xuân nồng nàn. Cho dù có thờ ơ cách mấy mùa xuân cũng đến bên mình để nhuộm hồng đôi má cô gái xuân thì, làm rạng rỡ nụ cười trẻ thơ. Người ta vẫn cho rằng mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, khi những mầm lá non vừa nhú trên cành lộc biếc là một sức sống mới bắt đầu. Đứng trước cửa giao mùa người có chút xao lòng khi nhớ về những dâu bể của năm tháng qua, tình cũ phai nhòa, bạn bè người thân đã có người ra đi không trở lại... Một thoáng ngậm ngùi khi nhớ về những chiều xuân năm xưa, khi mái tóc còn xanh, tâm hồn
    còn mênh mang nét hồn nhiên tuổi trẻ. Xôn xao mong đợi từng ngày để đón tân niên, trao nhau lời chúc đầu năm, mời nhau miếng mứt thân tình, ly rượu nồng ấm... Và cùng nhau cất lên khúc hát mừng xuân rộn ràng:

    Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi...


    Bằng nhịp điệu Valse sôi nổi. Từ năm 1955, bản nhạc Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lần đầu tiên được đăng trên số báo Tết Đời Mới đã trở thành một khúc hoan ca không thể thiếu trong những buổi tiệc tân niên, người ở xa quay buớc trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, khi bạn bè thân hữu gặp gỡ trong ngày họp mặt đầu năm của những gia đình Việt Nam. Người ta tạm quên đi những bon chen nhọc nhằn của đời sống và cùng nâng ly rượu hát lên câu chúc mừng năm mới:

    Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
    Người thương gia lợi tức
    Người công nhân ấm no
    Thoát ly đời gian lao nghèo khó...


    Tiếng hát hòa lẫn vào niềm mơ ước chung giản dị cơm no, áo ấm của con người:

    Á... a... a...a
    Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
    Á... a... a... a
    Muôn lòng xao xuyến duyên đời...


    Có gì hơn nữa khi lòng người tràn ngập niềm vui, khi mối duyên thắm trở thành vĩnh cửu dưới mái ấm ngôi nhà se se mùi mứt tết ngọt lịm bên bếp lửa hồng. Người phụ nữ khéo tay lựa từng hột nếp tím, ủ men làm nên ly rượu cẩm cay nồng để:

    Rót thêm tràn đầy chén quan san
    Chúc người binh sĩ lên đàng
    Chiến đấu công thành
    Sống cuộc đời lành
    Mừng người vì nước quên thân mình...


    Mùa xuân không chỉ đơn thuần trong tình yêu tuổi trẻ. Nó còn bao la hơn nữa đó là tình yêu quê hương, đất nước. Người trai trẻ bỏ lại niềm vui sau lưng, người thân yêu nơi chốn quê nhà, lên đường làm tròn bổn phận người trai trong thời chinh chiến. Giữa hoan khúc rộn ràng của nhịp xuân, tiết tấu bài hát chợt nhẹ nhàng hẳn đi khi nói về người mẹ già đang mòn mỏi trông chờ người con nơi phương xa:

    Kìa nơi xa xa, có bà mẹ già
    Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
    Chúc bà một sớm quê hương
    Bước con về hòa nỗi yêu thương...

    Quê hương của mẹ có nếp nhà tranh khói lam chiều tỏa ấm. Chậu cúc vàng nở rộ bên hiên nhà. Gốc mai già cha đã tỉ mỉ ngắt từng cọng lá để chờ đúng giao mùa nở tung trăm cánh diệu kỳ. Đêm ba mươi Tết có em ngồi trông nồi bánh chưng khuya mà nhớ về anh thiết tha trìu mến. Mùa xuân tươi vui là mùa xuân xum họp gia đình, bạn bè thân thiết. Mong anh trở về cùng em bên bếp lửa hồng, cho mắt mẹ thôi lệ nhòa, rạng rỡ niềm vui đoàn tụ:

    Á... a... a... a...
    Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
    Á... a... a... a...
    Chúc mẹ hiền dứt ưu tình...


    Nụ cười đã trở về trên môi mẹ già, vòng tay mở rộng chờ đón người con yêu bao năm dài biền biệt. Tiếng nói vang vang, nụ cười rộn rã của người thanh niên làm ấm áp mái tranh nghèo thiếu bàn tay con chăm sóc. Nguyện ước cho quê hương được thanh bình, cho tình yêu đôi lứa được ươm hoa kết trái như đôi chim non ríu rít đang mớm
    mồi cho nhau trên cành lộc biếc:

    Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
    Xây tổ ấm trên cành yêu thương...

    Lời chúc Tết càng rộn ràng hơn nữa trong những nụ cười viên mãn, tiếng cụng ly mời chào thân thiết của bạn bè. Người ta hát những bài ca vui, đọc những vần thơ hay đã được người nghệ sĩ trau chuốt gửi tặng cho đời. Người nghệ sĩ cầm bút lên để viết về mối giao cảm theo mùa. Đêm xuân rạo rực, hồn xuân thắm tươi. Sức sống của cả năm dường như đang bắt đầu từ những giây phút thiêng liêng, vô hình lan theo làn khói hương trầm nghi ngút. Người ta khai bút đầu năm bằng những ý xuân nồng nàn mong cho tình
    xuân luôn tươi trẻ:

    Nào cạn ly mừng người nghệ sĩ
    Nét thi ca chấm phá tô lên đời mới...

    Giữa giây phút thiêng liêng của đêm Giao thừa, bao nhiêu tị hiềm đắng cay chợt biến mất. Có những khuôn mặt tưởng đã từng quên giờ đây trong khoảng không gian vô tận của phút giao mùa, chợt hiểu, ánh mắt đó, nụ cười đó, vẫn còn tồn tại mãi trong tâm trí không nguôi:

    Bạn hỡi vang lên
    Lời hứa thiêng liêng
    Chúc non sông hòa bình
    Ngày máu xương thôi tuôn rơi
    Ngày ấy quê hương yên vui
    Đợi anh về trong chén tình đầy vơi...

    Niềm mơ ước thanh bình trong Ly Rượu Mừng chính là lời cầu chúc chân thành của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Mơ ước của một người nhạc sĩ đã trải qua bao nỗi thăng trầm của đất nước. Lời nhạc giản dị, điệu nhạc rộn ràng. Người nhạc sĩ thiên tài đã viết về niềm mơ ước rất chung của bao người trong những nốt nhạc thiết tha. Không đơn giản chỉ là một nỗi niềm riêng tư dành cho anh, hay cho em, mà còn có bóng dáng của quê hương đất nước trong thời chinh chiến:

    Nhấc cao ly này
    Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
    Nước non thanh bình
    Muôn người hạnh phúc chan hòa...

    Cuối cùng, niềm mơ ước đã được dâng lên cao vút trong phần kết thật tròn trịa tràn đầy gửi đến mọi người, mọi nhà:

    Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
    Hương thanh bình dâng phơi phới.


    Điệu nhạc ấy, lời nhạc ấy đã khiến Ly Rượu Mừng trở thành bất tử theo thời gian dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Người nhạc sĩ thiên tài nay đã khuất, nhưng mỗi khi xuân về, nếu chúng ta có cùng nắm tay nhau cất lên khúc nhạc mừng xuân, hãy nhớ về ông, hãy nhớ về những người bạn, người thân đã ra đi... với lòng tha thiết cho một tình yêu chân thành, vĩnh cửu.



    ................Em mới lụm được món này.
    Em có thói quen, Hàng năm cứ ngày mùng 1 tết là em phải nghe bài này. :D
     
  6. tuhodogo

    tuhodogo Advanced Member

    Joined:
    27/4/06
    Messages:
    895
    Likes Received:
    5
    Location:
    Hà Nội
    "Rồi rặt dìu
    Mùa xuân
    Theo én về ..."
    Nhắm mắt lại ... Ta thấy: Đôi tình nhân "nàng xuân" & "chàng én" đang dìu nhau đi theo điệu Valse dập dìu ... thật trữ tình.
    Lời bài hát, nếu chỉ diễn văn, hay diễn vần thì đều bình thường, không gợi chút gì xao động trong lòng người đọc (điều mà ai cũng biếti rồi - khổ lắm, nói mãi) Nhưng trong điệu Valse - Mùa xuân đầu tiên - của cố nhạc sĩ Văn Cao lại khác, nó đằm thắm, thiết tha, lâng lâng với niềm vui thật là bình dị ...
    Không hiểu vì sao mà một nét xuân đẹp đến vậy mà phải chịu "truân chuyên" lâu đến thế ...!
    Mời các bác GHÉ VÀO ĐÂY để lắng nghe giai điệu tình tứ của Mùa Xuân Đầu Tiên - Trong phút giây hồi hộp đón chờ mùa xuân đang tới ... :D
    Thân mến !
     
  7. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Gái Xuân

    Nhạc: Từ Vũ- Thơ: Nguyễn Bính

    Em như cô gái hãy còn Xuân
    Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
    Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
    Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân

    Xuân đi, Xuân đến, hãy còn Xuân
    Cô gái trông Xuân đến bao lần
    Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
    Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân

    Lòng Xuân lơ đãng, má Xuân hồng
    Cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng
    Đôi tám Xuân đi trên mái tóc
    Đêm Xuân cô ngủ có buồn không?

    Em như cô gái hãy còn Xuân
    Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
    Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
    Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân


    Mỗi dịp Tết đến, những giai điệu quen thuộc của bài hát Gái Xuân lại vang lên: “Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần...” Ai cũng biết đó là một bài phổ từ thơ Nguyễn Bính, nhưng tên người phổ nhạc thì rất ít người biết. Một phóng viên báo Thanh Niên cho biết đã gặp một vài nhạc sĩ “cổ lai hy” để tìm hiểu nhưng chính họ cũng hụt trí nhớ. Cũng chính vì thế mà phóng viên TN đã đi tìm tác giả bài Gái Xuân và cuối cùng đã xác định được tác giả bài hát này là nhạc sĩ Từ Vũ, hiện ở số 19/14 Nguyễn Cửu Đàm (Tân Bình, SG). Phóng viên TN ghi lại chuyện này như sau.
    NS Từ Vũ có vẻ bất ngờ và miễn cưỡng khi tiếp nhà báo. Nhưng ông cũng cho phóng viên xem một chồng bản nhạc cũ, trong đó có vài tác phẩm của ông (kể cả bản gốc bài Gái Xuân). Ông kể: “Xuân Quý Tỵ (1953), tôi đang học lớp điện tử trong khuôn viên trường Petrus Ký. Lúc ấy tôi 21 tuổi sống xa gia đình, không bạn bè giữa Sài Gòn phồn hoa, đô hội. Buồn, chỉ biết lục sách báo ra đọc. Tình cờ mớ sách gối đầu giường có tập thơ Mây Tần của Nguyễn Bính. Tôi đọc thấy bài Gái Xuân, một bài thơ ngắn (chỉ hai khổ thơ) nhưng lại có hấp lực dẫn dắt tâm trí tôi quay về với cố hương ở Thường Tín (Hà Đông). Hà Đông là quê lụa nên câu Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân như đưa tôi về trong hoài niệm...Rồi những câu “Lòng Xuân lơ đãng, ý xuân nồng. Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng. Đôi tám xuân đi trên mái tóc. Đêm xuân cô ngủ có buồn không?. Tài tính nét thơ Nguyễn Bính diễn tả tâm trạng cô gái mới lớn. Tôi cũng là thằng trai 21 tuổi. Thấm nhau lắm anh ạ. Tôi đọc bài thơ dăm lần là đã ngấm, cầm bút giấy viết luôn một mạch”. PV hỏi: Với cây đàn guitar? Ông lắc đầu và nói: Ồ không, giấy bút và solfé cho đến lúc bản nhạc hoàn tất, sau đó mới dùng guitar để thẩm âm lại.
    Khi phóng viên nói: “Thưa nhạc sĩ, chúng ta trở về với bài Gái Xuân”, thì ông nói ngay: :Xin đừng gọi tôi là nhạc sĩ. Cho đến bây giờ tôi cũng tự thấy mình là kẻ ngoại đạo trong lĩnh vực sáng tác và ca nhạc, nhưng tôi vẫn còn đó một niềm đam mê. Số là năm 1950 tôi theo gia đình vào Sài Gòn, một lần ghé vô tiệm nhạc trên đường Catinat tôi mua được cuốn L’art de Composition Musicale. Cuốn sách đã cho tôi những căn bản về sáng tác. Tôi viết Gái Xuân trong giai đoạn này. Viết, nhưng bài thơ quá ngắn, tôi mạn phép tác giả (đến nay tôi vẫn chưa từng gặp Nguyễn Bính lần nào), thêm vô hai câu của tôi: ”Xuân đi, xuân đến hãy còn xuân. Cô gái trông Xuân biết bao lần” để đủ độ dài thích hợp. Viết xong, cũng không nghĩ bài hát sẽ được phổ biến.”
    Bạn,
    Nhạc sĩ Từ Vũ kể tiếp: Dạo đó, tôi quen với ca sĩ Linh Sơn bèn nhờ cô ấy hát nhưng do cô ấy quá bận rộn, chúng tôi không có dịp trao đổi nên ngày ra mắt Gái Xuân, thú thật tôi vẫn chưa ưng ý lắm. Sau đó, tình cờ tôi gặp nữ ca sĩ Tâm Vấn ở Đài phát thanh Sài Gòn, Tâm Vấn trách: Sao anh không tặng tôi bài hát của anh. Tôi đã chép tặng Tâm Vấn trên một tờ giấy. Sau đó tôi phải theo bố ra Phan Thiết nên cũng chẳng biết Tâm Vấn “xử lý” như thế nào với bài hát của tôi, chỉ thấy bạn bè viết thư ra cho biết Tâm Vấn hát bài Gái Xuân rất hay và hát thường xuyên ở đài phát thanh. Ở Phan Thiết, trong một đêm lang thang ngoài phố, tình cờ tôi nghe Đài Phát thanh Huế phát bài hát này qua tiếng hát của cô Diệu Hương. Tôi không biết Diệu Hương là ai nhưng tiếng hát ấy đã làm tôi đứng tựa cột đèn, ngây ngất, đến bây giờ cảm giác ấy vẫn còn.


    (Sưu tầm)
     
  8. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Anh Cho Em Mùa Xuân
    Thơ: Kim Tuấn; Nhạc: Nguyễn Hiền

    Anh cho em mùa xuân

    Nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ

    Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn hè phố,

    Mắt buồn vin ngọn cây



    Anh cho em mùa xuân

    Mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá

    Lời thơ thương cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng

    Trong khói chiều chơi vơi.



    Đất mẹ đầy cỏ lúa, đồng ta xanh mấy mùa

    Ngoài đê diều căng gió, thoảng câu hò đôi lứa

    Trong xóm vang chuông chùa, trăng sáng soi liếp dừa

    Con sông dài mấy nhánh, cát trắng bờ quê xưa



    Anh cho em mùa xuân

    Trẻ nô đùa khắp trời niềm yêu đời phơi phới

    Bàn tay thơm sữa ngọt, dãy đất hiền chim hót,

    Mái nhà xinh kề nhau



    Anh cho em mùa xuân

    Đường hoa vào phố nhỏ, nhạc chan hòa đây đó

    Tình yêu non nước này, bài thơ còn xao xuyến

    Rung nắng vàng ban mai



    Anh cho em mùa xuân.

    Nhạc thơ tràn muôn lối.

    Trong nhạc mục chủ đề mùa xuân thì ca khúc Anh cho em mùa xuân (thơ Kim Tuấn, nhạc Nguyễn Hiền) là bản nhạc không thể thiếu. Điệu tango vui tươi, rộn rã - ca từ trong sáng, yêu đời: "Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ. Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn vỉa phố, mắt buồn vin ngọn cây...". Dù đã ra đời cách đây hơn 40 năm nhưng Anh cho em mùa xuân vẫn được rất nhiều người ưa thích - kể cả giới trẻ hiện đại.

    Về hoàn cảnh ra đời của Anh cho em mùa xuân, nhạc sĩ Nguyễn Hiền tiết lộ: "Đó là ngày mùng 5 Tết 1962, tôi đi làm trong một không gian vẫn còn hơi hướm tết. Đến sở, trên bàn làm việc của tôi có một tập thơ còn thơm mùi giấy mới. Đó là tập 40 bài thơ của các nhà thơ Vương Đức Lệ, Định Giang, Kim Tuấn và một người nữa tôi không nhớ tên. Tôi lần giở đọc qua từng bài và bắt gặp bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân. Đó là một bài thơ ngũ ngôn đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc: "...Anh cho em mùa xuân. Mùa xuân này tất cả. Lộc non vừa trẩy lá. Thơ còn thương cõi đời. Con chim mừng ríu rít. Vui khói chiều chơi vơi. Đất mẹ gầy có lúa. Đồng ta xanh mấy mùa. Con trâu từ đồng cỏ. Khua mõ về rộn khua. Ngoài đê diều thẳng cánh. Trong xóm vang chuông chùa. Chiều in vào bóng núi. Câu hát hò vẳng đưa. Tóc mẹ già mây bạc. Trăng chờ trong liếp dừa. Con sông dài mấy nhánh. Cát trắng bờ quê xưa...". Vậy là chỉ trong buổi sáng hôm đó tôi phổ nhạc xong bài thơ. Điều buồn cười là tôi lấy luôn 3 câu thơ đầu tiên phổ thành 1 câu nhạc (Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều đông nào nhung nhớ...) thấy rất "ngọt" nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc. Tôi lấy câu thơ đầu tiên để đặt tên cho ca khúc này. Sáng hôm sau có một nhà thơ còn rất trẻ xưng tên là Kim Tuấn đến gặp tôi, hỏi: "Có gửi cho nhạc sĩ một tập thơ, không biết đã nhận chưa?". Tôi trả lời: "Nhận được rồi và riêng bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân của Kim Tuấn thì tôi đã phổ thành ca khúc". Kim Tuấn rất ngạc nhiên và sau khi nghe tôi hát thì anh rất vui. Tình cờ ông Giám đốc Hãng đĩa Asia cũng có mặt. Ông ấy lấy bài hát giao cho ca sĩ Lệ Thanh thâu đĩa và sau đó hát trên đài phát thanh. Từ đó, tôi và Kim Tuấn đã có một mối quan hệ - mối duyên văn nghệ rất tốt đẹp... 3 ngày trước khi tôi lên máy bay sang định cư ở Mỹ (1988), Kim Tuấn rủ tôi đi uống cà phê, chúng tôi đã chia tay nhau thật vui vẻ. Ai ngờ, đó là lần cuối cùng của chúng tôi...".

    Nguyễn Hiền sinh năm 1927, ông là một trong những nhạc sĩ sinh trưởng và thành danh ở Hà Nội: Hoàng Trọng, Hoàng Dương, Văn Phụng, Nguyễn Văn Khánh... Ca khúc đầu tay của ông là Người em nhỏ (phổ thơ Nguyễn Thiệu Giang) để dành tặng cho người yêu - người vợ cho đến hết đời của ông là Nguyễn Thị An (cháu gọi nhà thơ Tú Mỡ là chú). Hai ông bà chỉ biết mặt nhau trước ngày cưới 2 tuần bởi mối lương duyên của họ là do cha mẹ đôi bên (vốn là bạn bè) đính ước. Nhưng...: "Vừa thấy anh ấy là tôi yêu ngay. Anh sinh viên Trường Bưởi ấy trông rất đẹp trai và... nghệ sĩ !". Đến cuối đời, bà An vẫn còn nhớ cái thuở ban đầu lưu luyến ấy và ngày cưới của họ: 22.2.1953.

    Những nhạc phẩm tiêu biểu của Nguyễn Hiền: Hai mươi câu của tuổi trẻ (thơ Song Hồ), Huyền Trân công chúa, Giã từ thơ ngây, Tìm đâu, Về bến xưa (lời Thiện Huấn), Buồn ga nhỏ (viết chung với Minh Kỳ), Hoa bướm ngày xưa (lời Thanh Nam), Lá thư gởi mẹ, Mái tóc dạ hương, Gởi một cánh chim, Tiếng hát học trò, Lá rơi bên thềm, Hồ Than Thở, Hương thề, Ngàn năm mây bay... Dòng nhạc của Nguyễn Hiền nhẹ nhàng, êm đềm thật gần với lòng người... Ông vừa từ trần ngày 23.12.2005, thọ 79 tuổi.



    Nhà thơ Kim Tuấn

    Kim Tuấn tên thật là Vĩnh Khuê, sinh năm 1940 tại Huế - hậu duệ đời thứ 5 của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Trải qua thời thơ ấu ở Phan Thiết rồi vào Sài Gòn vừa đi làm vừa đi học, làm thơ từ đầu thập niên 1960 và là thi sĩ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trước 1975: 17 bài (trong đó có 2 bài rất nổi tiếng là Anh cho em mùa xuân - Nguyễn Hiền phổ nhạc và Những bước chân âm thầm do nhạc sĩ Y Vân phổ từ bài thơ có tên Kỷ niệm). Về bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân, Kim Tuấn cho biết: "Tôi làm bài thơ này để nhớ về quê mẹ: Hà Tĩnh - vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo với mơ ước "Đất mẹ gầy có lúa" - có lúa chứ không phải cỏ lúa như nhiều người vẫn hát nhầm (cỏ lúa thì phải nhổ đi chứ ai lại mơ ước có thêm!). Bài thơ này tôi sáng tác vào đầu thập niên 1960, sau đó in trong tập Ngàn thương (chung với Định Giang) và được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thành ca khúc. Đã có nhiều ca sĩ thể hiện bài hát này nhưng tôi thích giọng ca của Hà Thanh hơn cả và điều làm tôi ray rứt là cho tới nay vẫn chưa nói được với nữ ca sĩ này một lời cám ơn..." - Kim Tuấn đã thổ lộ với người viết bài này như vậy trong một cuộc phỏng vấn vào trung tuần tháng 11.2002 tại văn phòng Trường dạy tiếng Anh và dạy nghề Thăng Long - do anh sáng lập và làm hiệu trưởng. Anh đột ngột qua đời vào lúc 1 giờ ngày 11.9.2003 bởi căn bệnh nhồi máu cơ tim.

    http://vietbao.vn/Van-hoa/Anh-cho-em-mu ... 82282/181/
     
  9. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Đón Xuân Này, Nhớ Xuân Xưa

    Đón Xuân Này, Nhớ Xuân Xưa

    Sáng tác: Châu Kỳ


    Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
    Một chiều xuân em đã hẹn hò
    Như ươm tình trong cánh hoa mơ,
    đưa hương theo làn gió
    Em nói rằng em viết thành thơ

    Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
    Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa
    Em đứng chờ tôi trước song thưa
    Tôi đi qua đầu ngõ
    Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa

    Xuân đến xuân đi, xuân về gieo thương nhớ
    Xuân qua để tôi chờ
    Xuân đến xuân đi, xuân về mơn lá hoa,
    Xuân qua rung đường tơ

    Bước sông hồ như đắm như mơ
    Trở về đây khi gió sang mùa
    Mong ước tìm cô gái Xuân xưa,
    cho vơi bao niềm nhớ
    Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ



    Sáng ngày 6-1-2008,nhạc sĩ Châu Kỳ đã qua đời. Trái tim lãng tử của ông ngừng đập ở tuổi 86, nhẹ nhàng và lặng lẽ như chính những ca khúc trữ tình của ông len lỏi vào lòng công chúng.
    Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh năm 1923 tại Huế. Những ai yêu dòng nhạc quê hương và nhạc tình từ thời kì trước và sau năm 75 hẳn sẽ không thể không biết đến người nhạc sĩ tài ba này với kho tàng sáng tác của ông lên tới hơn 300 bài hát.

    Nhạc sĩ Châu Kỳ nổi tiếng với những ca khúc: Sao chưa thấy hồi âm, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Trở về, Huế xưa, Được tin em lấy chồng…
    Thành thật mà nói, tài sản âm nhạc của Châu Kỳ có không ít ca khúc dù người nào có ác cảm với nhạc "sến" vẫn phải thừa nhận giá trị nhất định, ví dụ: Thương về miền Trung hay Đón xuân này, nhớ xuân xưa.

    Rong chơi trong cuộc đời suốt 85 năm. Chừng ấy thời gian, ông đã để đời rất nhiều ca khúc, được nhiều người yêu mến. Trong những ca khúc đó, khán giả cả nước ít người chưa một lần nghe bài Đón xuân này, nhớ xuân xưa, nhất là vào mỗi dịp xuân về: “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, một chiều xuân em đã hẹn hò. Như ướm tình trong cánh hoa mơ, khơi hương theo làn gió. Hỏi nhau rằng nên viết thành thơ..”. Lời bài hát cứ gợi một nỗi buồn man mác.

    85 mùa Xuân của Châu Kỳ đã khép lại, nhưng mùa Xuân này chắc chắn người ta vẫn hát và vẫn nghe: "Bước sông hồ như đắm như mơ. Trở về đây khi gió sang mùa. Mong ước tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ. Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ".



    (Sưu tầm)
    Bài này theo e hai ca sĩ thể hiện thành công nhất là Duy Quang và Hương Lan.
     
  10. Kiencon

    Kiencon Advanced Member

    Joined:
    18/5/06
    Messages:
    590
    Likes Received:
    4
    Bác minhtriet cho em chút thông tin về bài:CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM của Hoài An do Hoàng Oanh hát đi.Em đang nghe CD Xuân do Hoàng Anh hát nè,hay quá Bác ạ.
    "Trên đường đi lể Xuân đầu năm
    Qua một năm ruột rối tơ tằm
    Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
    May nhiều rủi ít ngóng trong
    Vui cùng pháo đỏ rượu hồng..."

    Cầu mong năm mới mọi điều được như ý nghĩa của bài hát.
    Nhớ nhà quá! :( :( :(
     
  11. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Chào bác.
    E lục tung cả Gu Gồ mà cũng không tìm thông tin gì về bài hát này, chỉ biết là của nhạc sĩ Hoài An mà thôi. Ngay cả thông tin về nhạc sĩ Hoài an cũng vỏn vẹn mấy dòng:
    "Trước 1975, nhạc sĩ Hoài An từng là một tên tuổi trong dòng nhạc boléro với các ca khúc Câu chuyện đầu năm, Dựng một mùa hoa, Gởi ánh trăng thề, Kỷ niệm nào buồn, Tấm ảnh không hồn... Nhạc sĩ Hoài An hiện sống gần chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình - TP.HCM) nhưng do tuổi cao và bệnh tật nên ông không còn minh mẫn"

    Đặc biệt là ông còn sáng tac ca khúc nhạc xuân rất hay nữa là "Tâm Sự Ngày Xuân"

    Câu Chuyện Đầu Năm

    Trên đường đi lễ Xuân đầu năm
    Qua một năm ruột rối tơ tằm
    Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
    May nhiều rủi ít ngóng trông,
    Vui cùng pháo nổ rượu hồng

    Ta cùng nhau đón thêm mùa xuân
    Xuân dù thay đổi biết bao lần
    Xin khấn nguyện kết chặt tình thân
    Vin cành lộc những bâng khuâng
    Năm này chắc gặp tình quân!

    Xuân mang niềm tin tới
    Bao la nguồn yêu mới, như hoa mai nở phơi phới
    Thế gian thay nụ cười
    Đón cho nhau cuộc đời, trên đất mẹ vui khắp nơi
    Xuân gieo lộc khắp chốn
    Xuân đi rồi xuân đến, cho nhân gian đầy lưu luyến
    Đón xuân trên mọi miền
    Viết thư thăm bạn hiền,
    một lời nguyền xin chớ quên

    Mong đầu năm cuối năm gặp may,
    Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy
    Trên bước đường danh lợi rồng mây
    Duyên vừa đẹp ý đắp xây
    Ôm nàng Xuân đẹp vào tay!



    Tâm Sự Ngày Xuân

    Trông thế gian đang vui mừng đón xuân
    Chắc nàng xuân năm nay đẹp bội phần
    Ngắm rừng hoa mai đua nở tuyệt trần
    Đổi hương thay phấn giữa đêm chờ tin báo xuân

    Tôi đón xuân giữa lúc còn chiến chinh
    Chúc mừng xuân bên ly rượu hành trình
    Chúc người trai đi xây dựng hoà bình
    Để cho đất nước vui trọn mùa xuân thắm xinh

    Xuân đến ban cho muôn niềm tin
    Đất mẹ mau bình yên, ruộng cày thêm nhiều luống
    Hạnh phúc dâng triền miên,xe những mối lương duyên
    Mái tranh chung bóng nguyệt, gia đình lại đoàn viên
    Xuân tới đây với muôn ngàn thiết tha
    Chúc trần gian năm nay được thuận hoà
    Với một năm xuân vui vẻ đậm đà
    Cùng xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua...



    Bài Câu Chuyện Đầu Năm e thấy ca sĩ Hoàng Anh, Hương Lan, Huy Sinh ai hát cũng phê cả :D, tuy nhiên e thích giọng ca sĩ Huy Sinh hơn, có lẽ là phần hòa âm hay hơn :D

    Mời các bác nghe bài này qua giọng ca của ca sĩ Hoàng Oanh:
    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=0_8aO-nnI4
    Ca sĩ Hương Lan:
    http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=2b2tvVgoTh
    Ca sĩ Huy Sinh:
    http://music.vuilen.com/play.php?albumid=72&songid=843
     
  12. Kiencon

    Kiencon Advanced Member

    Joined:
    18/5/06
    Messages:
    590
    Likes Received:
    4
    Cảm ơn Bác đã tìm được chút thông tin về bài hát mà em thích. Bác giới thiệu thêm đi Bác ơi.
     
  13. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Để tối này e post tiếp, e mê nhạc xuân lắm nên vừa rồi đã đặt 10 đĩa F1 để nghe tết :D
     
  14. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi,
    Xuân tàn hoa rụng còn gì vui Xuân
    (Nguyễn công Trứ)

    Thời gian cứ thế mà trôi. Mười hai con giáp thay nhau chạy. Hết con này đi, con kia lại kéo tới, đúng như tục ngữ ta vẫn thường nói: "Năm hết, Tết đến!".

    Thắm thoát Đông qua và Xuân lại về. Khắp nơi, tất cả mọi người, già trẻ lớn bé hớn hở vui mừng, yêu đời ca hát chờ đón nàng Xuân.

    Nhạc sĩ Minh Kỳ đã chào đón nàng Xuân:
    Một bài ca đón chào mừng, hoà theo tiếng pháo đì đùng,
    Mừng Xuân nay đã về rồi và Đông đã tàn qua
    Về gieo bao thắm tươi, lòng ta thấy yêu đời

    (Xuân đã về của NS Minh Kỳ)

    Xuân đã về, vạn vật đổi thay. Người nhạc sĩ mượn lời nhạc để diễn tả cảnh Xuân:


    Ca khúc Xuân Đã Về

    Xuân đã về, xuân đã về !
    Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
    Trên cánh đồng, chim hót mừng,
    đang thướt tha từng đàn tung bay vui say
    Xuân đã về, xuân đã về !
    Ngàn hoa hé môi cười tươi đón gió mới
    Xuân đã về, xuân đã về !
    Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân


    ĐK:

    Ngoài trời bao la xinh tươi
    bao cô gái đẹp cười trông xinh như hoa
    Lập lòe tà áo xanh xanh
    chen bông tím vàng đẹp hơn tiên nga
    Vài bầy em bé rúc rích,
    khúc khích tiếng cười rủ nhau vui ca
    Từng đàn chim non xinh xinh
    tung bay khắp trời cùng ríu rít ca



    Một bài ca đón chào mừng
    hòa theo tiếng pháo đì đùng
    Mừng xuân nay đã về rồi
    và đông đã tàn qua

    Ngập trời bao tiếng chào mừng,
    nàng xuân duyên dáng về rồi
    Về gieo bao thắm tươi vui
    lòng ta thấy yêu đời


    Xuân đã về, xuân đã về !
    Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
    Xuân đã về, trên cánh đồng,
    bao bác nông ngưng cày ruộng vui say xuân
    Xuân đã về, xuân đã về !
    Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới
    Xuân đã về, xuân đã về !
    Ta hát vang chào mừng xuân sang, xuân sang


    NHẠC DẠO HÁT TIẾP

    ĐK:
    Ngoài trời bao la xinh tươi
    bao cô gái đẹp cười trông xinh như hoa
    Lập lòe tà áo xanh xanh
    chen bông tím vàng đẹp hơn tiên nga

    Vài bầy em bé rúc rích,
    khúc khích tiếng cười rủ nhau vui ca
    Từng đàn chim non xinh xinh
    tung bay khắp trời cùng ríu rít ca

    Một bài ca đón chào mừng
    hòa theo tiếng pháo đì đùng
    Mừng xuân nay đã về rồi
    và đông đã tàn qua

    Ngập trời bao tiếng chào mừng,
    nàng xuân duyên dáng về rồi
    Về gieo bao thắm tươi vui
    lòng ta thấy yêu đời


    Xuân đã về, xuân đã về !
    Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
    Xuân đã về, trên cánh đồng,
    bao bác nông ngưng cày ruộng vui say xuân
    Xuân đã về, xuân đã về !
    Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới
    Xuân đã về, xuân đã về !
    Ta hát vang chào mừng xuân sang, xuân sang....

    KẾT

    Xuân đã về, xuân đã về !
    Ta hát vang chào mừng xuân sang, xuân sang....


    (Sưu tầm)
     
  15. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Cánh Thiệp Đầu Xuân

    Kỷ niệm 50 năm viết nhạc của nhạc sĩ LÊ DINH

    Trước nhất là về cái tên. Cách nay 7 năm, nhân dịp tham dự một buổi họp mặt do một nhà thơ thân hữu ở Montréal tổ chức đón tiếp thi sĩ Hà Huyền Chi từ Lacey (WA) qua thăm bạn bè ở Montréal, có một ông khách hỏi sao tôi lấy tên Lê Dinh? Tôi trả lời rằng tên trong khai sinh của tôi là Lê văn Dinh, chữ Lê Dinh lấy từ đó ra, chỉ bỏ bớt chữ "văn" cho đỡ luộm thuộm mà thôi. Ông bạn này mỉm cười khó hiểu và thú thật cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu ý nghĩa cái mỉm cười của ông khách lạ này. Có lẽ theo ông, tên tôi không lấy gì làm văn hoa cho lắm, không biết có phải vậy không? Nói về cái tên trong giới nhạc sĩ, phần đông lấy tên thật của mình làm tên riêng, có khi giữ nguyên, có khi bỏ bớt chữ giữa, có khi bỏ bớt chữ đầu hoặc chữ cuối. Cũng có những nhạc sĩ lấy những tên lạ hoắc, không ăn nhập gì tới cái tên trong khai sinh, nhưng có một ý nghĩa riêng tư nào đó, rất quý đối với họ. Tôi cũng thường hay nói với bạn bè trong giới sáng tác rằng tôi sinh ra ở làng Vĩnh Hựu của tỉnh Gò Công năm xưa (Bây giờ Gò Công không còn là tỉnh nữa) cho nên dù có muốn - cũng như nhiều nghệ sĩ khác, lấy tên nơi chôn nhau cắt rún của mình - tôi cũng không thể lấy được biệt danh Lê Vĩnh Hựu, vừa khó đọc, vừa khó nhớ. Những làng kế cận làng Vĩnh Hựu của tôi cũng đều bắt đầu bằng chữ Vĩnh, như Vĩnh Trị, Vĩnh Viễn, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh... nếu tôi sinh ra ở Vĩnh Trị, tôi có thể lấy tên Lê Vĩnh Trị chẳng hạn, để ghi nhớ quê hương của mình như các nhà văn Hà Kỳ Lam, Trà Lũ... ghép hay lấy tên nơi sinh trưởng để làm biệt danh của mình, vì dù sao Lê Vĩnh Trị còn nghe được hơn là Lê Vĩnh Hựu (người bình dân miền Nam sẽ đọc là Lê Dĩnh Hụ).
    Người bạn lâu năm của chúng tôi là nhạc sĩ Minh Kỳ, tên thật là Vĩnh Mỹ, người hoàng phái, đã qua đời từ 31 năm nay, cho nên tôi rất lấy làm tiếc vì cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu do đâu anh lấy tên Minh Kỳ để rồi không bao giờ còn hỏi được nữa. Còn nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật là Trần An Bường, rồi sửa "trại" ra là "Anh Bằng", nghe đâu anh cũng lấy tên từ một con sông hay một cái làng nào ở miền Bắc, nơi sinh trưởng của anh. Ngày xưa, tôi và Minh Kỳ thường hay nói giỡn chơi với Anh Bằng rằng không ai khôn bằng anh, lấy biệt danh Anh Bằng thì già trẻ bé lớn gì cũng phải gọi anh bằng "anh" hết. Nhất là phái nữ, khi nói chuyện với Anh Bằng thì thế nào cũng bắt đầu bằng tiếng "anh" ngọt xớt: Anh Bằng ơi... Nhạc sĩ sáng tác có tên bắt đầu bằng "Anh" khá nhiều như Anh Việt, Anh Thy, Anh Huy, Anh Hoa, Anh Sơn, Anh Việt Thu, Anh Việt Thanh v.v... nhưng chưa thấy nhạc sĩ nào cả gan lấy tên bắt đầu bằng chữ "Ông" cả.

    Nhắc đến Minh Kỳ, trước khi thành lập nhóm Lê Minh Bằng, Minh Kỳ và tôi thường hay sáng tác chung. Anh có biệt tài viết nhạc rất nhanh, nhưng nhanh mà hay chứ không phải nhanh mà dở. Chẳng hạn như trường hợp bài "Cánh thiệp đầu Xuân". Một buổi trưa vào khoảng tháng 11 năm 1964 (Giáp Thìn), gần đến Tết Ất Tỵ, anh đến nhà tôi ở cư xá Chu Mạnh Trinh (Phú Nhuận) bằng chiếc Lambretta trắng của anh. Nghe tiếng Lambretta quen thuộc từ xa là tôi biết anh Minh Kỳ đến. Đưa cho tôi bản nháp một bài nhạc chưa có tên, anh bảo tôi xem lại và viết lời gấp để kịp cho trình bày trong dịp Xuân, ngày mai phải có tựa bài và lời ca cho anh. Biết tính ý nóng nảy và gấp rút của anh, tôi nhận bản thảo anh đưa và báo hại đêm đó, tôi phải thức đến quá nửa khuya mới hoàn tất bài "Cánh thiệp đầu Xuân" mà sau này và cho mãi đến bây giờ, mỗi dịp Xuân về, quý độc giả thường nghe nhiều ca sĩ trình bày qua làn sóng phát thanh cũng như ở những buổi nhạc hội mừng Xuân:
    Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng
    Xuân đến rồi đây nào ai biết không
    Mang những hoài mong đi vào ngày tháng
    Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang...


    Hôm sau, Minh Kỳ đến xem bản nhạc đã hoàn tất và chúng tôi ngồi lại hát thử, anh bảo rằng chắc chắn bài này sẽ "ăn". Chữ "ăn" đây là ăn khách, có nghĩa là sẽ được nhiều người ưa thích và như vậy sẽ tái bản nhanh. Mà quả thật vậy, khi bài hát này được trình bày vài lần trên đài phát thanh, anh Lê Mộng Bảo, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam liền tìm chúng tôi để hỏi mua bản quyền xuất bản vĩnh viễn và liên tiếp rất nhiều năm sau nữa, bản nhạc này được tái bản nhiều lần.

    Nhưng chưa hết, sau khi lấy bài nhạc "Cánh thiệp đầu Xuân" và trước khi ra về, Minh Kỳ còn trao cho tôi một bài khác, cũng nhạc không thôi, chưa có lời, chưa có tựa và nhịp điệu rộn rã, có vẻ Xuân, bảo tôi làm tiếp lời thêm một bài nữa cũng về... Xuân. Cầm bản nháp trong tay, sau khi Minh Kỳ ra về rồi, tôi mới nghĩ thật khó mà viết lời cho hai bản nhạc cùng đề tài Xuân mà không giống nhau. Cũng lại phải nửa đêm thức trắng để tìm cách viết lời ca sao cho khác đi, và vài ngày sau, một bài về Xuân thứù hai ra đời, có cái tựa "Hạnh phúc đầu Xuân" như sau:
    Thắm thoát là đây, một mùa Xuân mới với ngàn cánh mai vàng
    Nụ cười trên môi, trên làn má ai đón Xuân tươi vừa sang
    Biết chúc chi đây, khi làn gió Xuân về, giấy trắng ghi lại đôi giòng nhạc tâm tư, làm thơ trao duyên, gửi người đôi câu chúc nhau "hạnh phúc đầu Xuân".
    Xuân nay tôi chúc, người miền biên cương...


    Cánh Thiệp Đầu Xuân
    Tác giả: Minh Kỳ - Lê Dinh

    Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng,
    Xuân đến rồi đây nào ai biết không?
    Mang những hoài mong đi vào ngày tháng
    Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang

    Tôi chúc gì đây vào mùa Xuân này
    Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai
    Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm
    Trong khi Xuân ấm mới tô đẹp tháng năm

    Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn
    Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình
    Để người anh yêu dấu quay về gia đình
    Tìm vui bên lửa ấm

    Tôi chúc yên lành người người khắp chốn
    Mong gió đưa duyên cho cô gái Xuân thì
    ước nguyện sao chóng thành rượu hồng xe duyên

    Tôi chúc ngày mai dầu đường xa vời
    Trai gái bền duyên đẹp tình lứa đôi
    Cho bướm vàng bay trên nẻo đường mới
    Vai trên vai những lúc tâm tình bên nhau

    Tôi chúc rồi đây người về phương nào
    Cho dẫu thời gian lạnh lùng lướt mau,
    Mong ước ngày sau như là ngày trước,
    Tay trong tay nhớ lúc TRAO THIỆP ĐẦU XUÂN


    Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn
    Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình
    Để người anh yêu dấu quay về gia đình
    Tìm vui bên lửa ấm

    Tôi chúc yên lành người người khắp chốn
    Mong gió đưa duyên cho cô gái Xuân thì
    ước nguyện sao chóng thành rượu hồng xe duyên

    Tôi chúc ngày mai dầu đường xa vời
    Trai gái bền duyên đẹp tình lứa đôi
    Cho bướm vàng bay trên nẻo đường mới
    Vai trên vai những lúc tâm tình bên nhau

    Tôi chúc rồi đây người về phương nào
    Cho dẫu thời gian lạnh lùng lướt mau,
    Mong ước ngày sau như là ngày trước,
    Tay trong tay nhớ lúc TRAO THIỆP ĐẦU XUÂN...



    Bài này có 2 ca sĩ thể hiện thành công là Hoàng Oanh và Hương Lan.
     
  16. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Mộng Chiều Xuân

    (Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Ngọc Bích)


    Một luồng gió lạnh bất ngờ tới quận Cam ...Gió thổi hiu hắt, lạnh lùng, mưa rơi từng hạt lấm tấm, làm chiều tưởng nhớ Ngọc Bích mang âm hưởng của những ngày cuối năm . Mọi người đi vội từ khu đậu xe vào nhà hàng Emerald Bay, lòng chùng xuống đôi chút ... Phần đông khán giả tham dự Chiều Ngọc Bích là thân hữu của nhạc sĩ, như lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nhưng cũng có các bác tới vì muốn được sống lại trong giây phút thời tình tứ, với nhạc lãng mạn, nhạc của thuở ban đầu tạo nên nền Âm Nhạc Việt Nam, còn gọi là Tân Nhạc.

    "Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
    Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
    Vui nguồn sống mơ những ngày mong chờ
    Trách ai đành tâm hững hờ
    Mối tình đầu xuân ai thấu chãng ?
    Lịng tha thiết vương theo tiếng đàn
    Mơ đời ái ân những ngày phong trần
    Sống trong mộng đẹp ngày xuân"


    Lời hát này nghe quen thuộc quá phải không các bạn trẻ ? Hẳn rồi, vì cứ độ xuân về ta lại nghe từ đài phát thanh, hay thỉnh thoảng cũng từ dĩa hát của ông bô bà bô . Bài hát quen thuộc đó là bài : "Mộng Chiều Xuân" của Nhạc Sĩ Ngọc Bích, viết từ đầu thập niên 50, cũng như phần đông những bài hát nổi tiếng của ông . Đó là các bản: "Khúc Nhạc Chiều Mơ, Thiếu Nữ Trên Mây Ngàn, Thuở Trăng Về, Đêm Trăng Xuân, Bến Đàn Xuân, Đôi Chim Giang Hồ ... "
    ......
    .


    Nhạc sĩ Ngọc Bích bắt đầu sáng tác từ năm 1947, khởi sự với các bản tình ca viết theo theo nhịp swing và blues mới lạ. Trong những năm đầu của thập niên 1950, một vài nhạc phẩm của Ngọc Bích đã được rất nhiều người ưa thích khi phát trên Đài Phát thanh Hà Nội như các bài Hương Tình, Trở Về Bến Mơ... qua giọng ca Tâm Vấn. Các ca khúc của ông thời gian đó còn nổi tiếng qua giọng ca của ca sĩ Anh Ngọc. Thanh niên Hà Nội ưa nhạc Ngọc Bích vì tính chất jazz của nó, đa số soạn theo nhịp swing rất mới mẻ so với những ca khúc khác. Vào lúc Tân Nhạc vừa phát triển, có ba ca sĩ thành danh vì chuyên hát nhạc của ba soạn giả : danh ca Minh Trang với nhạc Dương Thiệu Tước, nữ ca sĩ Thái Thanh với nhạc Phạm Duy còn tài tử Anh Ngọc, vì chuyên hát nhạc Ngọc Bích mà được nhiều người biết tới. Nhạc mang tính chất lãng mạn của Ngọc Bích lúc đó có phần ngang ngửa với nhạc Ðoàn Chuẩn, Từ Linh...
    Theo lời Nhạc Sĩ nguyễn Hiền, Nhạc Sĩ Ngọc Bích rất thận trọng trong lãnh vức sáng tác, chú ý nhiều về cách sử dụng các âm trình, cung bậc, tránh tối đa những quãng mang tính cách Âu Tây. Nhạc Sĩ luôn cố giữ bản sắc VN trong nhạc của mình, sợ mình làm nhạc có khuynh hướng tây phương
    [​IMG]
    NS Ngọc Bích và Phạm Duy.

    Vào năm 1954, bản Mộng Chiều Xuân viết theo nhịp điệu Tango, ông mặc nhiên trở thành người nhạc sĩ cấy âm vực tình yêu trong lòng người, đồng thời cũng là một nhạc sĩ vang danh ở các vũ trường. Mộng Chiều Xuân từ đó cho đến nay vẫn là một trong số ít các bản tình ca thấm sâu trong lòng giới yêu nhạc. Bạn không tin ư? Nếu bạn biết hát và biết đàn, hãy cùng tôi hòa theo giai điệu của tác giả:
    Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
    Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
    Vui nguồn sống mơ, những ngày mong chờ
    Trách ai đành tâm hững hờ


    Bạn cứ hát và đàn mãi đi, sẽ không chán đâu ! Nhạc và lời của Ngọc Bích đã ướp bằng thứ men say lạ kỳ để trở thành bãng lãng, vớ vẩn rất đáng yêu:
    Hãy trả lời lòng anh mấy câu
    Tình duyên với em trong kiếp nào
    Xuân còn thắm tươi. Anh còn mong chờ
    Ái ân kẻo tàn ngày mơ...


    Nét nhạc tài hoa của ông còn được nối tiếp qia các nhạc phẩm ngày được mọi giới ưa thích đều thuộc nằm lòng như: Thu Về, Khúc Nhạc Chiều Mơ, Đôi Chim Giang Hồ...


    Mộng Chiều Xuân

    Gió chiều thầm vương bao nhớ nhung
    Người yêu thoáng qua trong giấc mộng
    Vui nguồn sống mơ
    Những ngày mong chờ
    Trách ai đành tâm hững hờ

    Mối tình đầu xuân ai thấu chăng?
    Lòng tha thiết vương theo tiếng đàn
    Mơ đời ái ân những ngày phong trần
    Sống trong mộng đẹp ngày xuân

    Ngây thơ giáng huyền đến trong mơ
    Lòng anh bớt sầu
    Mộng vàng phút tan theo gió chiều
    Biết em về đâu

    Hãy trả lời anh thêm mấy câu
    Tình duyên với em trong kiếp nào
    Xuân còn thắm tươi
    Anh còn mong chờ
    Ái ân kẻo tàn ngày mơ!


    (Sưu tầm)
     
  17. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN
    NS: Nguyễn Văn Đông

    Bài ca đẹp như một bài thơ. Và càng đẹp hơn qua giọng ca của Trần Thái Hòa, trong một bản phối lịch lãm và dịu dàng. Bài ca của Nguyễn Văn Đông là một hồi ức về mối tình của ông, những ngày còn là một chàng lính trẻ công tác ở Hạ Uy Di, rồi gặp và yêu một cô gái người Pháp, bán hàng lưu niệm ở đó tên là Gina. Đôi tình nhân trẻ vẫn thường cùng nhau nghe " A beautiful Vienna" và mơ về một thành Vienna....Rồi thời thế lọan lạc, chàng trở về nước, nàng ở lại. Trong một buổi chiều mùa xuân, nỗi nhớ chất ngất, nhìn hoa nhớ người, nhạc sĩ đã viết nên bài ca, trong đó có câu hát thật gợi cảm :" người về còn nhớ khúc hát Người yêu dấu bên bờ thành Vienna...."



    1.
    Chiều nay thấy hoa cười chợt nhớ một người
    Chạnh lòng tôi khơi . . . bao niềm nhớ
    Người nơi xa xăm phương trời ấy
    Người còn buồn còn thương còn nhớ
    Nắng phai rồi . . . em ơi !

    2.
    Chiều Xuân có một người ngơ ngác đi tìm
    Một tình thương nơi . . . phương trời cũ
    Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
    Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
    Tìm đâu bóng . . . hình ai ?

    Người vê còn nhớ . . . khúc hát
    Người yêu dấu bên bờ thành Vienne
    Lòng này còn quyến . . . luyến mãi
    Đêm Xuân dài mà đâu có hay

    3.
    Chiều nay có một loài hoa vỡ bên trời
    Đợi mùa Xuân sang tô . . . màu nhớ
    Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
    Buồn tìm về tình ai đằm thắm
    Giờ vun vút trời mây . . .


    Bài này nhiều ca sĩ thể hiện, tuy nhiên, da diết nhất, sâu lắng nhất và mang đến cho chúng ta nhiều tưởng niệm nhất chính là giọng ca của ca sĩ Hà Thanh
    Mời các bác thưởng thức:
    http://www.nghenhac.info/nhacvietnam_pm ... 0&iType=20
    Hoặc qua giọng ca Trần Thái Hòa:
    http://www.tialia.com/music.php?mediaid=39269
    http://diendanvanhoathethao.net/showthread.php?t=7498
     
  18. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    He he, e lại giới thiệu với các bác một bài tình ca xứ Huế có liên quan đến mùa xuân :D, dành cho những ai xa Huế và những người yêu Huế.

    Tình Huế
    Sáng tác: Nguyễn Ngọc Thạch.

    Lòng đã hẹn thề sao chưa về thăm Huế người ơi.
    Áo tím ngày xưa, tím vần thơ, tím cả mong chờ,
    Một dòng sông Hương vẫn còn thương, vẫn nhớ câu hò,
    Ai chờ ai, một bóng con đò,
    Chiều phai rưng rưng bờ vai,

    Tình vẫn đợi chờ qua bao mùa xuân vắng người xưa,
    Lối cũ chiều mưa, tóc thề nghiêng chiếc nón ai về,
    Đường chiều bơ vơ thương tình ai em vẫn mong chờ,
    Cung đàn xưa gửi khúc tơ sầu
    Biết người xưa chừ nơi mô.

    Đến bao giờ người về xây mộng đẹp,
    Biết bao mùa, xuân hạ nhớ thu đông,
    Người xa quê, lỗi hẹn chưa lần về,
    Đã bao mùa, mai nở vẫn hoài mong,

    Mình còn xa nhau nên xuân về vẫn thấy nao nao,
    Tình đầu gửi trao như bài thơ chiếc nón hôm nào,
    Tình buồn ai ơi cho dù đôi ta cách phương trời,
    Nhưng tình quê em vẫn mong chờ,
    Nhớ nhau tiếng lòng gửi trao.
    ***
    Tình buồn ai ơi cho dù đôi ta cách phương trời,
    Nhưng tình quê em vẫn mong chờ, Huế thơ vẫn chờ người mơ.


    Bài này rất hay nhưng cũng ít người biết, rất nhiều ca sĩ đã thể hiện nhưng hay nhất chỉ có ca sĩ Hương Mơ.
    [​IMG]
    Mời các bác thưởng thức:
    http://www.tialia.com/music.php?mediaid=20762
     
  19. Hamcq

    Hamcq Advanced Member

    Joined:
    6/12/05
    Messages:
    874
    Likes Received:
    6
    Mời các bác thử nghe bài này, hơi hướm Phù tang

    Mùa Xuân hoa đào

    Sáng tác: Thanh Sơn
    Trình bày: Thanh Thúy


    Mùa Xuân mang cho thế gian giấc mơ thần tiên nhất đời
    Đường xa thăm viếng nhau lời chúc Xuân tha thiết nghe tuyệt vời.
    Giàu sang đón mùa Xuân lâu
    Nghèo không có mùa Xuân đâu
    Hai kiếp đời người thì đỉnh núi kẻ thì vực sâu đớn đau.

    Còn tôi nghe Xuân đến nhưng cớ sao lòng man mác buồn
    Tình nhân không có bạn bè mỗi nơi mỗi đứa ôi đoạn trường
    Lạc chân bước vào thênh không
    Hồn chợt thấy buồn mênh mông
    Đem bán cả cuộc đời nghệ sĩ cung nhạc lời ca cho thế nhân.

    Gió mơn trớn hôn lên hoa đào
    Như tiếng yêu thật ngọt ngào, thấy buồn sao.
    Thương nhớ nhau đi tìm trong giấc mơ
    Xin gửi mấy lời theo gió Xuân ngợp trời
    Mùa Xuân có hoa cớ sao ta thiếu tình.

    Mùa Xuân ơi mang đến chi với ta niềm đau phũ phàng
    Ngồi ôm nuối tiếc thương về cố nhân phút chốc cơn muộn màng.
    Mùa Xuân tới hằng năm qua
    Mình vẫn thiếu đời xa hoa
    Thôi cũng đành hẹn hò âu yếm hoa đào tình nhân với ta.
    * **
    http://music.quannhacvang.com/a000.php?loi=1318
     
  20. Doitmyself

    Doitmyself Advanced Member

    Joined:
    21/4/06
    Messages:
    312
    Likes Received:
    1
    Location:
    Saigon
    May mà bác tai trau cho cái link đi kèm. Đọc bài của bác đến đoạn trên chẳng hiểu ngô khoai gì cả. Lần sau bác có "cắt" rồi "dán" thì cũng nên đọc lại đọc lại trước khi đăng cho em đở đau đầu
     
  21. Trần Khánh Vân

    Trần Khánh Vân Advanced Member

    Joined:
    2/11/07
    Messages:
    172
    Likes Received:
    30
    Trong các bài xuân tôi thích nhất là bài Xuân Yêu Thương
    Xuân đã đến bên em, dáng xuân tuyệt vời, xuân đã đến bên người, xin người hãy cùng em vui xuân.
    Mang hạnh phúc cho đời, gió xuân tuyệt vời, mang say đắm cho người, xin người hãy cùng em vui xuân.
    Còn nhớ phút giây gặp gỡ, mùa xuân muôn hoa sắc hồng, chiều xuống gió xuân nồng cháy, người cho môi em ngỡ ngàng, người đến cho tình em chợt mở, muôn hoa thổn thức.
    Mang hạnh phúc tuyệt vời, nhớ nghe anh yêu, mang say đắm cho đời, ôi từng nụ hôn yêu thương....

    Đây là bài nhạc Pháp có tên là T'as Le Look Co Co (nhạc sỹ Richard Gotainer), viết lời Việt : Quỳnh Giang.
    T'as le look coco Coco t'as le look Pas de doute coco T'as le look qui te colle à la peau
    T'as le look cocoTu fais le beauPas de doute cocoT'as le look qui te colle à la peau
    * Look amoureux fauché Je t'aime en PCV Look drogué du seizième T'es bon chic bon genre Look jean pourri et sandales Hey t'as pas cent balles
    * Nœud pap cigare et smoking a c'est le standing Esemble Coco Chanel Pour les vraies demoiselles Look costard bleu et cravate Hey t'as les mains moites

    Lời Việt bài hát rất hay, có vần như một bài thơ, bài này được nhiều ca sỹ trong và ngoài nước hát thường với một giai điệu khá nhanh - vui vui nhưng nghe rất nhẹ nhàng.
    Tôi tìm kiếm mãi mà không biết người có tên Quỳnh Giang viết lời Việt này là ai, ở đâu? bạn nào biết xin đóng góp.
     
  22. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    Bài này là bài bốc nhất trong những bài nhạc Xuân mà e thích nhất qua giọng hát Kiều Nga, cách hòa âm bài này tạo ra một không khí tưng bừng nên bài này thường được đứng đầu trong album. Nhưng do nó là nhạc ngoại dịch sang lời Việt nên e không đưa lên.
     
  23. Hamcq

    Hamcq Advanced Member

    Joined:
    6/12/05
    Messages:
    874
    Likes Received:
    6
    Không hiểu nỗi tại sao " dịch giả" - (hay là gì ..giả) có thể tưởng tượng từ nội dung nguyên gốc ra thành nội dung tiếng Việt- quá siêu..thoát- như trên?
     
  24. minhtriet

    minhtriet Advanced Member

    Joined:
    12/2/08
    Messages:
    4.527
    Likes Received:
    5
    Location:
    Huế
    NHẠC SĨ TRẦN THIỆN THANH VỚI NHỮNG CA KHÚC XUÂN

    Chủ đề Xuân cũng không thể thiếu vắng trong dòng nhạc trữ tình của Trần Thiện Thanh khi những ” Đồn Vắng Chiều Xuân”, “Phút Giao Mùa”, “Đám Cưới Ngày Xuân”, “Mùa Xuân Lá Khô” v.v…đã trở thành những ca khúc phổ biến quen thuộc và mãi cho đến nay vẫn luôn được nhiều ca sĩ hải ngoại lẫn trong nước trình diễn vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc như thể hiện một sự ưu ái trân trọng đặc biệt đối với những danh tác được liệt vào hàng tiêu biểu của ông. Trong những khúc Xuân Ca này, “Đồn Vắng Chiều Xuân” là một tác phẩm mang kích thước đặc biệt nhất vì nó tổng hợp được những cảm ý đặc sắc, tuy trừu tượng phản ảnh trung thực tâm trạng của người lính trong giây phút thiêng liêng của thời khắc giao mùa, đất trời hòa hợp.
    Bài hát này được trải lót nhẹ nhàng bằng thể điệu Rhumba Boléro chuẩn nhịp cho chủ âm trưởng với tiết tấu âm thanh du dương, tăng nét thanh nhã trong phần nhập khúc qua ý tưởng: dù mọc lên hoang dại bên ven rừng trong lửa đạn ngập trời nơi miền hỏa tuyến, hoa mai vàng vẫn nở rộ với mùa Xuân mới, đưa hương Xuân bay tỏa khắp trời như một thông điệp hòa bình đơn giản nhất gửi đến cho muôn loài .
    Dòng suy tư này được chuyển âm thành những bức tranh rực rỡ màu sắc của “rừng mai vàng” giữa khung cảnh một buổi chiều Xuân thanh vắng. Tuyệt dịu nhất là hình ảnh của “ánh trăng thề” phản chiếu trên dòng sông được vớt lên để viết tên người tình, đã đưa thính giả đi vào thế giới tình cảm của người chiến sĩ , dù trên bước đường hành quân gian khổ vẫn không phai nhạt nét lãng mạn, mơ mộng qua những vần thơ gửi gấm tâm tình...

    ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN (1967)

    Ngày xửa ngày xưa đôi ta chung nón đôi ta chung đường.
    Lên sáu lên năm đôi ta cùng sách đôi ta cùng trường.

    Đường qua nhà em nghiêng nghiêng sân nắng,
    nghiêng nghiêng mây hồng.
    Chiều nao đuổi bướm, bướm bay vô vườn
    mà nước mắt rưng rưng ...

    Rồi một ngày kia em khoe áo mới xanh hơn mây trời.
    Hai đứa chung vui khi xuân vừa tới thơ ngây cuộc đời.
    Trò chơi trẻ con em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu.
    Chú rể ngân ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu.

    Mười mấy năm qua khi hoa vừa hé
    nhụy thì đời trai vui chinh chiến
    Anh xuôi miền xa bao lần đếm bước xuân qua
    Anh ơi, kỷ niệm xưa em còn giữ mãi trong lòng

    Em biết không em, xuân lại trở về,
    đường rừng chiều hoang sương xuống.
    Thương sao là thương trong màu tím sắc hoa xưa ...
    Dĩ vãng đâu trôi về nhắc ta ngày xưa.

    Chuyện xửa chuyện xưa,
    chuyện từ xuân trước xuân nay chưa nhòa

    Anh nói em nghe thương em từ lúc hoa chưa mặn mà
    Cầu cho mùa xuân nồng nàn trên má em thôi đợi chờ
    Giữa lòng chiều hoang nâng cánh sim rừng

    Ngỡ màu hoa tím năm xưa ...



    ĐỒN VẮNG CHIỀU XUÂN

    Đầu xuân năm đó anh ra đi
    Mùa xuân này đến anh chưa về
    Những hôm vừa xong phiên gác chiều
    Ven rừng kín hoa mai vàng
    Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ

    Mùa hoa năm đó ta chung đôi
    Mùa hoa này nữa xa nhau rồi
    Nhớ đêm hành quân thân ướt mềm
    Băng giòng sông loang trăng đầy
    Lòng muốn vớt ánh trăng thề viết tên em


    Đồn anh đóng ven rừng mai
    Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?
    Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy
    Cho chiến sĩ vui miền xa xôi...


    Hẹn em khi khắp nơi yên vui
    Mùa xuân ngày đó riêng đôi mình
    Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai
    Nhẹ rớt trên vai đầy, hồn chơi vơi
    Ngỡ giữa xuân vàng, dáng em sang
     
  25. Trần Khánh Vân

    Trần Khánh Vân Advanced Member

    Joined:
    2/11/07
    Messages:
    172
    Likes Received:
    30
    Ngoài những bài hát Việt rộn rã để vui xuân như Ly rượu mừng... còn một số sáng tác về xuân nhưng ở góc độ khác như nói lên nổi lòng của những người yêu nhau vì hoàn cảnh phải xa cách để rồi khi mùa xuân về lại đan áo ấm với cả tấm lòng để gởi cho người tình ở xa.
    Nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ viết bài Đan áo mùa xuân :
    Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ
    là em thôi mong nhớ xuân này chàng có về
    Hỏi hoa hoa chẳng nói, hỏi mây mây lặng đứng
    Hỏi gió gió ngập ngừng, hỏi nắng nắng ngại ngùng.
    Chim mách rằng anh đang ngoài chiến tuyến...

    Hai người xa cách đã lâu, vào độ xuân về cô gái mong ngóng người tình không biết có được về với mình không để rồi ngồi đan áo ấm cho anh mà nhớ lại mùa xuân nào đó cũng ngồi đan áo nhưng có anh về bên bếp lữa vui và anh hẹn một ngày xuân nào đó sẽ trở về...
    Anh sẽ về khi mai vàng trước ngõ
    và lang thang chim én mang sầu về cuối trời
    quà cho em là bướm và hoa thơm cỏ biếc
    với gió mát lưng đồi, với tiếng sáo tuyệt vời.
    Anh sẽ về khi không còn tiếng súng
    trời xanh cao tiếng hát, chim trổi nhạc đón mừng
    Để hoa xuân lại thắm để môi em lại ấm
    cho áo mới yêu đời cho tiếng sáo thêm vui.

    Đây là bài hát NS Phạm Thế Mỹ viết theo thể loại bolero và đặc biệt hơn nữa vào năm 1975 ca sỹ Lệ Thu (người rất ít hát bài nhạc bolero) đã thâu băng bài này.
    Bài hát hay quá, nghe Hoàng Oanh hát mà cảm động, mình tự hỏi không biết người ấy có được trở về hay không bao giờ ? để rồi cứ mỗi độ xuân về cô gái lại ngồi đan áo và thầm hát bài Đan áo mùa xuân với nhiều mong nhớ.
     

Share This Page

Loading...