======= Ludwig van Beethoven (17 tháng 12, 1770 tại Bonn - 26 tháng 3, 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Vienna, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter)cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại và ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sỹ, và khán giả về sau. Trong số những tác phẩm lớn của ông phải kể đến các bản giao hưởng như bản giao hưởng số 5, số 9, số 6, các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sô-nát Thống thiết (Pathétique) và Ánh trăng (Moonlight)... =========== Ludwig van Beethoven sinh ra trong một gia đình nhạc sĩ, tuy nhiên tổ tiên là những người nông dân và thợ thủ công có nguồn gốc từ Flanders. Chữ "van" trong tên ông không có nghĩa là xuất thân từ dòng dõi quý tộc (adlige Herkunft) mà đơn thuần chỉ là từ để chỉ nguồn gốc địa phương (örtliche Herkunft). Ông nội của ông, cũng mang tên Ludwig van Beethoven, là một người chỉ huy dàn nhạc cung đình ở Bonn. Cha ông, Johann van Beethoven, là một ca sĩ giọng tenor trong giáo đường hoàng gia ở Bonn. Mẹ của Beethoven là Maria Magdalena Keverich. Ludwig van Beethoven là con trai đầu trong gia đình. Ông sinh ngày 16 (hoặc 17) tháng 12 năm 1770, làm lễ rửa tội ngày 17 tháng 12 năm 1770 và mang tên của ông nội. Cha của Ludwig van Beethoven vốn rất ngưỡng mộ Wolfgang Amadeus Mozart, người chỉ mới 6 tuổi đã là một nhà soạn nhạc. Ông cũng muốn Beethoven trở thành một thần đồng như thế. Chính vì ước muốn này mà ông bắt đầu dạy dương cầm cho Beethoven. Tuy nhiên kỷ luật nghiêm ngặt của ông bố lại làm ngăn trở sự phát triển của cậu con trai. Ông thường dựng Beethoven dậy vào lúc nửa đêm để tập chơi dương cầm. Do vậy Beethoven thường rất mệt mỏi và không tập trung được khi đến trường. Khi Beethoven được 11 tuổi, theo quyết định của cha, Beethoven phải nghỉ học để tập trung vào âm nhạc. Cuộc sống của Beethoven cũng có rất nhiều khó khăn. Cha ông là một người nghiện rượu, mẹ ông lại hay đau ốm. Trong sáu anh chị em của Beethoven chỉ còn có hai người sống sót. Trong khi mối quan hệ giữa Beethoven với cha rất căng thẳng và xa cách thì ông lại rất thương yêu mẹ. Vào khoảng 5 tuổi ông bị chứng viêm tai giữa nhưng bố mẹ ông không biết. Do vậy ông đã không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Có lẽ đây là nguyên nhân làm ông bị điếc về sau này. May mắn là các đồng nghiệp của cha ông đã phát hiện ra tài năng thiên phú của Beethoven. Mọi người tìm cách thuyết phục cha Beethoven cho phép để Beethoven được tiếp tục theo học nhạc với các thầy dạy nhạc khác. Trong số các thầy dạy của Beethoven, có thể kể tên Christian Gottlob Neefe (nghệ sĩ dương cầm, đại phong cầm và cũng là một nhà soạn nhạc) và Franz Anton Ries (nghệ sĩ vĩ cầm). Năm 1782 chính Neefe đã cho xuất bản tác phẩm đầu tiên của Beethoven, bản "Các variation cho clavecin của bản march của Ernst Christoph Dressler". Cũng chính trong năm này, Beethoven trở thành người đại diện cho Neefe ở dàn nhạc hoàng gia với vai trò nghệ sĩ đại phong cầm. Năm 14 tuổi, Beethoven giành được vị trí chính thức là nghệ sĩ chơi đại phong cầm trong dàn nhạc này. Tuy nhiên trong thời gian này ông vẫn tiếp tục luyện tập dương cầm. Để tiếp tục học hỏi, năm 1787, Beethoven đến Vienna. Trong túi áo, ông có một giấy giới thiệu của Tuyển hầu tước (Kurfürst) Maximilian Franz, em trai út của Hoàng đế Joseph II. Mục đích chính của chuyến đi là được theo học Wolfgang Amadeus Mozart. Vào thời điểm ấy, rất nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như Joseph Haydn đã biến thủ đô của Áo thành trung tâm âm nhạc của cả châu Âu. Tuy nhiên ước mơ theo học Mozart đã không thực hiện được vì lúc đó nhà soạn nhạc thiên tài này quá bận bịu. Hơn nữa, Beethoven cũng chỉ ở Vienna được hai tháng thì mẹ ông bị bênh nặng nên ông đành quay về Bonn. Không bao lâu sau khi ông trở về Bonn thì mẹ ông cũng qua đời. Năm 19 tuổi (1789, Beethoven bắt đầu theo học tại Đại học Bonn. Tại đây và đặc biệt là thông qua Eulogius Schneider, ông đã nhanh chóng tiếp cận với những tư tưởng của Cách mạng Pháp. Niềm hứng khởi của ông về những tư tưởng tự do và bác ái của cuộc cách mạng được phản ánh trong các tác phẩm của ông sau này, đặc biệt là trong vở nhạc kịch Fidelio. Năm 22 tuổi, lần thứ hai Ludwig van Beethoven lại đến Vienna và lần này ông không bao giờ quay trở lại Bonn, thành phố quê hương của ông, nữa. Cha ông đã qua đời. Lãnh địa của vương hầu nơi đây đã bị diệt vong bởi sự xâm chiếm của người Pháp. Vào thời điểm đó, Wolfgang Amadeus Mozart cũng đã qua đời trong lặng lẽ. Tuy nhiên Beethoven được Joseph Haydn và Antonio Salieri nhận làm học trò. Nhờ sự giới thiệu cũng như thiên tài của mình, Beethoven đã được những người có thế lực bậc nhất của Vienna như Nam tước van Swieten và nữ vương hầu Lichnowski nhận đỡ đầu. Trong cuộc đời của mình, Ludwig van Beethoven đã phải chịu đựng sự hành hạ đau đớn về mặt thể xác. Nguyên nhân bệnh tật của ông cho đến hôm nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học. Có một thời người ta cho rằng Ludwig van Beethoven mắc bệnh giang mai bẩm sinh. Vào đầu tháng 12 năm 2005, Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Chicago đã đưa ra bằng chứng là ngay từ thời thanh niên Ludwig van Beethoven đã bị nhiễm độc chì rất nặng. Công bố này dựa vào sự phân tích một mẫu xương sọ của Ludwig van Beethoven bằng X quang. Như vậy có thể nói ngay từ khi ông mới 20 tuổi Ludwig van Beethoven đã chịu đựng tác động rất nặng của tình trạng nhiễm độc chì. Tài liệu lịch sử còn cho biết, ngay từ khoảng 20 tuổi, tính cách của Ludwig van Beethoven đã bắt đầu thay đổi. Cùng thời gian đó, ông cũng thường than phiền về chứng đau bụng không rõ nguyên do của mình. Tuy nhiên người ta vẫn chưa rõ liệu chứng điếc của ông có phải do nhiễm độc chì hay không. Vào khoảng 30 tuổi, Ludwig van Beethoven bắt đầu biểu lộ những triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ hóa thính giác và triệu chứng này ngày càng tồi tệ hơn, không có cách gì cứu vãn. Đến năm 1819 thì ông điếc hoàn toàn chính vì vậy ông không còn trình diễn nữa cũng như không thể chỉ huy dàn nhạc được. Việc giao tiếp lúc này đối với ông cũng cực kỳ khó khăn.
Wolfgang Amadeus Mozart Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27 tháng giêng, 1756, tại Salzburg, Thánh chế La Mã (nay Áo). Leopold Mozart, một nhạc sĩ vĩ cầm và cũng là một giáo viên, đã đích thân giáo dục con trai của ông. Wolfgang không phải cắp sách đến trường; thay vào đó cậu được học tại nhà với cha và chị gái của cậu. Âm nhạc là môn học chính. Tuy nhiên, cậu bé Mozart vẫn được học toán, môn học cậu rất thích, và các môn khác như La tinh, tiếng Pháp, tiếng Ý và một ít tiếng Anh. Cậu cũng đọc rất nhiều văn học kịch nghệ, đó là chất liệu mà cậu sẽ dùng để viết ôpêra sau này. Wolfgang không thèm chơi những trò chơi trẻ con bình thường, trừ phi có liên quan tới âm nhạc. Cậu ta bắt đầu soạn nhạc cho đàn phím từ lúc bốn hoặc năm tuổi, viết những bản nhạc hòa tấu khi cậu lên sáu. Những bản sônat cho đàn vĩ cầm được xuất bản khi cậu lên tám. Thật ra có thể nói rằng Mozart đã khởi đầu sự nghiệp âm nhạc trước thời gian cậu lên năm và tiếp diễn cho đến ngày qua đời, ngót ba mươi năm âm nhạc. Học vấn của Mozart phát triển sau những chuyến du lịch, được xem như những cột mốc trong cuộc đời cậu. Khi cậu lên sáu, Wolfgang và người chị, lớn hơn cậu năm tuổi và cũng một thần đồng âm nhạc, cùng đi với cha của họ đến München. Cuối năm đó họ chơi nhạc cho Hoàng hậu của Wien. Gia đình Mozart nổi danh khắp những nơi cậu đến, và Wolfgang, với tài năng sớm phát triển của cậu, đã chinh phục mọi người. Quan trọng hơn, Mozart đã có cho cơ hội để nghe thấy âm nhạc thịnh hành trong các thành phố này. Mozart đã gặp những nhạc sĩ khác và bắt đầu thành hình quan điểm về sự nghiệp của họ. Mozart có ký ức chi tiết âm nhạc phi thường, ông có thể hợp nhất tinh hoa âm nhạc khác nhau của quốc gia này với quốc gia khác vào trong tác phẩm của mình. Tại Luân Đôn, Mozart gặp Johann Christian Bach, con trai của nhạc gia vĩ đại Johann Sebastian Bach, Christian bị gây ấn tượng, đã trở thành người dẫn dắt nhạc sĩ Mozart trẻ và quan tâm theo dõi sự nghiệp của cậu. Trở về nước, Mozart nghiên cứu tổng phổ âm nhạc của J. C. Bach, và ảnh hưởng của Bach được phản chiếu trong tác phẩm của Mozart vào thời gian ấy. Sự nghiệp Khoảng cuối năm 1769, năng khiếu âm nhạc sớm phát triển của Mozart đã bắt đầu bộc phát, tuy mới chỉ lên mười ba, cậu bắt đầu sự nghiệp sáng tác một cách nghiêm túc. Đức Tổng giám mục tại Salzburg đã chấp nhận Mozart như một nhạc trưởng, bằng cách cấp một khoản thu nhập cho cậu. Hai cha con Mozart đã thực hiện ba chuyến viễn du sang Ý để công diễn, họ đã được công nhận và gây được sự chú ý đến sự nghiệp của cậu trong giới quý tộc ở đó. Tại Milano Mozart được ủy nhiệm để viết ôpêra, vở Mitridate, do chính Mozart chỉ huy, đã được tán thưởng nồng nhiệt. Trở về Salzburg, Mozart biên soạn một loạt symphony và nhạc phụng tự cho Giáo hội. Việc trở về Salzburg của Wolfgang vào 1773 là một trong những cột mốc, lúc ấy có một sự bùng nổ sáng tác khác thường, và một sự chuyển tiếp ra khỏi ảnh hưởng âm nhạc Ý để thiên về phong cách âm nhạc Đức, được đại diện bởi Joseph Haydn. Vị Tổng giám mục mới, Ngài Hieronymus, Bá tước Colloredo, không mấy hài lòng với tần suất yêu cầu của Mozart. Về phần Mozart, khi thấy mức sống của Salzburg bị leo thang, nhưng sự yêu chuộng nghệ thuật thì xuống dốc đáng đau buồn, lúc ấy, mối quan hệ của Mozart với Bá tước Colloredo ngày càng trở nên gay gắt. Cuối cùng, vào tháng 8 năm 1777, ở tuổi hai mươi mốt, Wolfgang xin từ nhiệm, và Bá tước Colloredo đã đồng ý. Thời gian này, Leopold quyết định rằng ông phải còn ở lại phục vụ nhà thờ. Cho nên Wolfgang cùng mẹ đã chuyển đi München rồi đến Mannheim. Trong những thành phố này, Mozart có cơ hội để trình diễn với một số những nhạc sĩ tinh tế nhất Châu Âu, nhưng không có việc làm lâu dài nào. Tuy vậy, Mozart đã lưu lại Mannheim một ít lâu. Anh đã phải lòng một ca sĩ mười sáu tuổi vừa tài năng vừa xinh đẹp, tiểu thư Aloysia Weber. Wolfgang đã làm kinh hoảng người cha, khiến ông ấy phải ra sức thuyết phục con trai chuyển tới Paris. Tại Paris, Mozart biên soạn giáo trình âm nhạc, tiếp xúc các nhà xuất bản, viết bất cứ cái gì anh có thể bán hoặc trình diễn - những bản sônat cho đàn viôlông và đàn phím, một công-xéc-tô cho sáo và thụ cầm, những bản biến tấu đàn phím, và symphony Paris của anh. Nhưng thành phố này tỏ ra là sự chán nản khác. Mozart tiếp tục đánh vật với khoản tài chính eo hẹp và lại bị đè nặng thêm bằng cái chết của người mẹ. Buồn bã và miễn cưỡng, anh trở về Salzburg quê cha, mang theo nợ nần, nhưng tin tưởng rằng viễn cảnh của mình sẽ sáng sủa hơn. Người yêu của anh, tiểu thư Aloysia, trong thời gian ấy đã chuyển đi với gia đình tới Wien, nơi mà người ta muốn cô ấy kết hôn với một diễn viên kiêm họa sĩ tài tử, Joseph Lange. Khi nhận nhiệm vụ nhạc trưởng và đệm đại phong cầm cho nhà thờ lớn, Mozart cảm thấy những nhiệm vụ đó quá tẻ nhạt. Vào 1781 anh tới München để diễn ôpêra, vở Idomeneo, một thành công rực rỡ. Sau đó, được tòa Tổng giám mục triệu hồi về Wien, Mozart đã tìm thấy một công việc có uy tín. Nhưng mối quan hệ căng thẳng giữa vị giáo sĩ và nhạc sĩ đã khiến Mozart cuối cùng đã tự rút lui vào tháng 6 năm đó. Có lẽ trong những tháng kế tiếp Mozart đã gặp Haydn lần thứ nhất, người nhạc sĩ này đang viếng thăm Wien. Tình bằng hữu phát triển đã mang lại ảnh hưởng cho tốt công việc của cả hai nhạc sĩ về sau. Mozart, trong thời gian ấy, đã cư ngụ với gia đình Weber, và rồi, vào năm 1782, kết hôn với tiểu thư Constanze, em gái của Aloysia, mặc dù gặp sự phản đối mạnh mẽ của cha ruột. Từ đó, có một sự lãnh đạm giữa Wolfgang và cha của anh mà không bao giờ hàn gắn được. Trong những vấn đề tài chánh, cả Wolfgang lẫn Constanze đều không thận trọng. Họ đã sớm rơi vào tình trạng khó khăn. Không có khả năng để giữ một sự chỉ định lâu dài, Mozart lại soạn giáo trình và viết nhạc để kiếm tiền. Vì muốn được nêu danh như một người chơi pianô, ông viết nhiều những công-xéc-tô pianô tuyệt vời cho chính mình. Một thời gian sau, ông đạt được kết quả đáng kể. Thành công vang dội sau vở ôpêra Le nozze di Figaro (Đám cưới Figaro), Mozart du lịch tới Praha, nơi ông được ủy nhiệm viết một ôpêra mới. Hợp tác với văn hào Lorenzo da Ponte, trong năm 1787, Mozart hoàn thành vở Don Giovanni. Đa số nọi người khen ngợi, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng âm nhạc của ông ngày càng khó tiếp cận hơn. Phong thái âm nhạc nhẹ nhàng trước đây của ông đang biến mất dần; nhạc công và thính giả có nhiều lời than phiền là ngày càng khó cảm thụ hơn. Mười năm cuối đời của Mozart là một thời kỳ dài của cả sự đau khổ do tài chính kiệt quệ, lẫn sức mạnh sáng tạo khác thường. Ba bản symphony cuối cùng, được viết trong vòng sáu tuần lễ vào năm 1788 đã không bao giờ được trình tấu lúc sinh thời của ông. Tổng cộng, những năm này ông đã sáng tác những hơn hai trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Năm 1791 Mozart gặp khó khăn trong việc soạn nhạc cho vở ôpêra Die Zauberflöte (Cây sáo thần), khi hợp tác với văn hào Emanuel Schikaneder. Công việc bị gián đoạn trong tháng 7 vì một chuyến viếng thăm của nhân vật lạ mặt huyền bí đã đưa ra đề nghị hậu hĩnh cho tác phẩm Requiem. Tâm hồn bị chấn động với đề tài này vì cảm nghiệm sự suy tàn do sức khoẻ cạn kiệt, Mozart trở nên bị ám ảnh với nhạc đề lễ mồ dành cho sự ra đi của chính mình. Có nhiều giả thuyết cố lý giải rằng ai có thể đã ủy nhiệm một công việc như vậy. Một nhà sáng tác nào đó muốn sử dụng tác phẩm với tên của họ? Một người bạn già cố gắng bí mật giúp đỡ Mozart về mặt tài chính? Tháng 9, tác phẩm Die Zauberflöte được hoàn thành và trình diễn. Mozart viết tiếp Requiem, nhưng không thể hoàn thành nó. Thần chết đến viếng vào ngày 5 tháng mười hai. Hôm sau, bạn bè đến tham dự tang lễ ngoài trời; Constanze không đủ sức để có mặt. Sau đó, giữa một cơn bão dữ dội, thi hài được chuyên chở không có người đưa tiễn tới một đất thánh bên ngoài cổng thành phố, trong phần mộ của người nghèo vô danh, Mozart yên giấc ngàn thu.
Johann Sebastian Bach (* 21 tháng ba năm 1685 tại Eisenach; † 28 tháng sáu năm 1750 tại Leipzig) là nhà soạn nhạc Baroque người Đức và nghệ sĩ chơi đàn organ và clavecin (cla-vơ-xanh) nổi tiếng. Ngày nay ông được xem như một trong những nhà soạn nhạc lớn nhất có ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ nền âm nhạc sau này. Các tác phẩm của ông được trình bày trên toàn thế giới cả ở nguyên thể cũng như rất nhiều biến tấu khác. Eisenach 1685-1695 Johann Sebastian Bach là con út trong tám người con của Johann Ambrosius Bach và Elisabeth Bach (nguyên họ Lämmerhirt). Thời thơ ấu của ông trải qua tại Eisenach nơi ông lần đầu tiếp xúc với nhạc nhà thờ và nhạc organ qua người bác, anh sinh đôi của cha mình, là Johann Christoph Bach, nhạc công chơi organ tại nhà thờ Georgekirche. Năm 8 tuổi ông vào học trường latinh của Tu viện dòng Dominic. Mẹ ông mất ngày 3 tháng năm năm 1694. Ngày 27 tháng mười một năm 1694 cha ông tái giá với bà quả phụ Barbara Margaretha Bartholomäi (nguyên họ Keul). Chỉ ít lâu sau đó cha ông qua đời (ngày 20 tháng hai năm 1695). Johann Sebastian cùng với người anh Johann Jacob dời đến ở cùng người anh lớn hơn là Johann Christoph Bach (1671-1721) tại Ohrdruf. Ohrdruf 1695-1700 Tại Ohrdruf Johann Sebastian Bach theo học lycée đến hết phổ thông và có được trình độ học vấn cao hơn các bậc cha chú. Những năm học secunda ông học cùng lớp với người em họ Johann Ernst Bach và người bạn tri kỷ của mình là George Erdmann. Johann Christoph Bach, người anh lớn hơn 14 tuổi và là nhạc công chơi organ tại Ohrdruf, đảm nhiệm tiếp tục việc nuôi dạy và đào tạo âm nhạc. J.S. Bach đã học được từ anh mình cách chơi đàn organ và cách soạn nhạc. Việc hát trong dàn hợp xướng đóng góp một phần cho sinh nhai của ông. Ngày 19 tháng giêng năm 1700 George Erdmann rời Ohrdruf chuyển đến Lüneburg. Ít lâu sau, ngày 15 tháng ba J.S. Bach cũng đi Lüneburg theo người bạn của ông. J.S. Bach và George Erdmann học dự thính tại trường tu Michaelis của Lüneburg. Họ hát bè cao (descant) trong hợp xướng thánh lễ. Georg Böhm khi đó là nhạc công chơi organ tại nhà thờ Johanniskirche. Ảnh hưởng của Böhm đến J.S. Bach có thể nhận thấy rõ ở những tác phẩm dành cho đàn organ thời đầu của ông. Ông tự trau dồi kỹ thuật chơi organ bằng những lần viếng thăm nhạc công organ nổi tiếng Johann Adam Reincken tại Celle và Hamburg. Lễ Phục sinh năm 1702 J.S. Bach rời Lüneburg, có lẽ để xin vào chân chơi organ còn trống tại Sangerhausen. Đến đây thiếu mất khoảng một năm trong tiểu sử của ông. Weimar 1703-1703 Muộn nhất từ tháng ba năm 1703 J.S. Bach được nhận làm lakai (phục vụ mặc đồng phục) và chơi vĩ cầm cho kapelle (dàn nhạc nhỏ thường chơi cho nhà thờ) tư của Johann Ernst, quận công cai quản vùng Sachsen-Weimar. Buổi chơi thử organ ngày 17 tháng ba năm 1703 đã kết nối J.S. Bach với hội đồng quản trị Arnstadt, người đưa ông vào làm nhạc công organ vào tháng tám cùng năm. Arnstadt 1703-1707 Ngày 9 tháng tám năm 1703 J.S. Bach được bổ nhiệm chơi organ cho Nhà thờ mới (Neue Kirche) ở Arnstadt mà không cần chơi thử thêm. Với 50 Gulden tiền lương và 30 Gulden tiền ăn ở ông chỉ chịu trách nhiệm chính thức về việc chơi organ chứ không về sắp xếp phối bè nhạc. Tuy nhiên bắt đầu từ một khoảng thời gian xem ra ông đã phải có bổn phận với dàn đồng ca của lycée, nơi thường xuyên xảy ra những tranh cãi do thiếu kỷ luật. Năm 1705 ông đã từng to tiếng với một học sinh còn lớn tuổi hơn cả ông sau khi gọi ông này là một tay thổi kèn dê. Tháng mười năm 1705 J.S. Bach được nhận nghỉ phép bốn tuần đi Lübeck thăm nhạc sĩ Dietrich Buxtehude nhưng ông tự ý kéo dài thành ba tháng. Cho dù đã lo một người thế chân nhưng vì chuyện đó và vì những "sự sao nhãng trong công việc" khiến ông bị tước khỏi ghế dự họp của cộng đồng. Ông từng bị nhắc nhở không được gây xáo trộn các hợp xướng trong thánh lễ bằng những khúc giữa, những cách điệu hay biến tố. (Thí dụ hai bản In dulci jubilo, BWV 729, và Herr Jesu Christ, dich zu uns wend, BWV 726.) J.S. Bach luôn có những mâu thuẫn như vậy với hội đồng. Ngày 11 tháng mười một ông lại bị nhắc nhở một lần nữa về công tác với dàn đồng ca của trường. Lần khác ông lại bị kiện là đã đưa một "bà cô lạ" lên bục đồng ca. Mühlhausen 1707-1708 Sau khi biểu diễn tại Mühlhausen ngày 24 tháng tư năm 1707 J.S. Bach đến làm việc tại nhà thờ Divi Blasii làm chân chơi organ. Ông lĩnh 85 Gulden lương, thêm vào đó các vật phẩm và thu nhập thêm từ các nhà thờ lân cận. Cũng như tại Arnstadt, ông được trả lương cao hơn bất cứ người nào trước và sau ông. Điều này giúp ông có điều kiện lập gia đình. Ngày 17 tháng mười năm 1707 ông đính hôn với người em họ bậc hai của mình là Maria Barbara tại Dornheim. Theo hợp đồng, J.S. Bach đã sáng tác bản cantata Gott ist mein König (BWV 71) nhân ngày lễ đổi hội đồng quản trị ngày 4 tháng hai năm 1708, là bản duy nhất trong thời gian này còn lại bản in. Sau đó ít lâu ông đã đủ khả năng nâng cấp và sửa chữa chiếc organ. Tháng sáu năm 1708 J.S. Bach đi Weimar để kết thúc các công việc sửa chữa chiếc organ ở đó và chơi trước quận công Wilhelm Ernst. Ông này đưa ra đề nghị để J.S. Bach chơi organ và phụ trách âm nhạc trong cung đình với mức lương 150 Gulden chưa kể vật phẩm. Vụ hỏa hoạn tại Mühlhausen đã khiến đời sống trở nên đắt đỏ hơn. Lý do tài chính đã dẫn đến việc J.S. Bach xin thôi việc vào ngày 25 tháng sáu năm 1708, chưa đầy một năm kể từ khi nhậm chức. Người kế nghiệp ông là Johann Friedrich Bach. Tuy vậy J.S. Bach vẫn luôn gắn bó với thành phố Mühlhausen. Cả hai lần đổi hội đồng quản trị vào năm 1709 và 1710 ông đều nhận được hợp đồng sáng tác cantata, cả hai được in bằng chi phí của hội đồng ở đó nhưng đều bị thất lạc. Nhạc công cung đình Weimar 1708-1717 Tháng sáu năm 1708 J.S. Bach cùng người vợ đang thai nghén dọn đến ở Weimar. Đứa con đầu của họ ra đời tháng mười hai năm đó. Trong thời gian ở Weimar họ có thêm năm người con nữa. Trong thời gian làm việc tại Wilhelmsburg của quận công Wilhelm Ernst, J.S. Bach có quan hệ mật thiết với Ernst August I, cháu của Wilhelm. Phần lớn các sáng tác cho organ của J.S. Bach xuất hiện trong thời gian ở Weimar, trong số đó là bản Passacaglia của ông và rất nhiều toccata và fuga. Cũng ở đây ông đã chắp bút cuốn sách nhỏ cho đàn organ, một bộ sưu tập 164 khúc dạo đầu hợp xướng nhưng chỉ 44 bản trong số đó được ông hoàn thành. Ngày 21 và 22 tháng hai năm 1713 J.S. Bach tới Weißenfels nhân dịp sinh nhật quận công Christian von Sachsen-Weißenfels. Có lẽ bản Cantata đi săn (Jagdkantate) BWV 208, bản cantata dân dã được biết đến sớm nhất của ông, đã được trình diễn ở đây. Chỉ có ít bản cantata nhà thờ sáng tác trong thời đầu ở Weimar được lưu truyền lại. Khoảng cuối năm 1713 sau khi trình diễn thử một bản cantata J.S. Bach được đề nghị chân chơi organ trong nhà thờ Liebfrauenkirche của Halle. Không ai rõ vì sao ông quan tâm đến chân này. Ông nhận được sự bổ nhiệm của ban chấp sự nhà thờ ngày 14 tháng mười hai nhưng chần chừ ký tên vào hợp đồng và chính thức gửi lời từ chối vào 19 tháng ba năm sau với lý do mức lương không như ông mong đợi. Nhạc công chủ đạo ở Weimar Ngày 2 tháng 3 năm 1714 Bach được chọn làm nhạc công chủ đạo (Konzertmeister) ở Weimar. Mặc dù theo thứ bậc ông nằm dưới chỉ huy và phó chỉ huy kapelle, nhưng ông được nhận một mức lương là 250 Gulde, cao hơn cả hai người kia. Chức vụ mới này đi kèm với trách nhiệm bốn tuần một lần phải sáng tác một bản cantata nhà thờ vào chủ nhật. Bản đầu tiên là bản Himmelskönig sei willkommen (Mừng đón vua trời) BWV 182 ra đời ngày 25 tháng 3, lễ đầu trước Phục sinh (Palmsonntag), cũng trùng với ngày Đức mẹ Maria báo tin. Kế tiếp đó là ít nhất 20 tác phẩm, tạo nền tảng cho những bộ cantata hàng năm của Leipzig sau này. Thời gian sau đó Bach có ý tìm một chỗ làm mới và tìm được một chỗ ở cung của quận chúa Leopold von Anhalt. Lý do của bước đi này chỉ có thể phỏng đoán. Ngày 1 tháng 12 năm 1716 Johann Samuel Drese, người chỉ huy kapelle thứ nhất qua đời. Khi đó chưa có một quy định về người kế tục, song con trai của Drese là Johann Wilhelm có ưu thế hơn, vì anh ta trong cương vị phó chỉ huy kapelle từ lâu đã được xem như người giải quyết những công vụ của cha mình. Con đường thăng tiến lên chức chỉ huy kapelle của Bach xem ra như thế bị chặn lại. Ngày 5 tháng 8 Bach ký tên nhận chỗ làm mới ở Köthen mà trước đó không xin thôi việc ở Weimar. Khi ông muốn hoàn tất thủ tục này, ông không nhận được sự từ chức, thay vào đó ngày 6 tháng 11 bị bắt vì "sự khai báo cứng đầu cứng cổ" trước tòa. Mãi đến ngày 2 tháng 12 ông mới được thả và bị sa thải. Một chuyện xảy ra vào mùa thu năm 1717 theo đó Bach đi Dresden để thi đấu với Louis Marchand, một nhạc công organ bậc thầy. Ông không làm được điều này vì Marchand đã rời đi vào sáng sớm hôm hẹn. Köthen 1717-1723 Từ tháng mười hai năm 1717 Bach làm chỉ huy kapelle ở Köthen. Ông đánh giá cao ngài quận công yêu âm nhạc Leopold và chơi thân với ông này, có thể thấy qua việc cả quận công lẫn anh chị em của mình là August Ludwig và Eleonora Wilhelmine cùng làm đỡ đầu cho con trai của Bach là Leopold August. Đứa bé chết chưa đầy một năm sau đó. Trong khoảng thời gian từ 15 đến 18 tháng mười hai năm 1717 Bach có mặt tại Leipzig vì công việc kiểm tra đàn organ tại nhà thờ Paulinerkirche. Năm 1720, khi từ Karlsbad trở về sau hai tháng công du Bach được tin vợ ông, bà Maria Barbara, đã qua đời sau một cơn bệnh ngắn và đã được chôn cất ngày 7 tháng bảy. Ngày 3 tháng mười hai năm 1721 ông đính hôn với Anna Magdalena, con gái út của Johann Kaspar Wilcke, nhạc công thổi trompet của cung đình, và là nữ sopranist tới hát ở cung điện Köthen năm trước đó. Lần hôn nhân này cũng đem lại nhiều người con song trong số họ phần lớn đều chết từ nhỏ. Có lẽ những điều này mang ý nghĩa như một bước ngoặt trong cuộc đời của Bach. Ngay cả quận công Leopold xem ra cũng đổi hướng từ nhạc ensemble của Bach sang nhạc dương cầm. Một đoạn trong bức thư Bach viết ngày 20 tháng mười năm 1730 cho người bạn thời niên thiếu của mình là Georg Erdmann có nhắc đến sự thay đổi về sở thích nhạc của cung đình mà Bach đã đổ lỗi một cách bất công cho vợ của quận công là "một người không quan tâm gì đến âm nhạc cả" [1]. Điều này có thể được khẳng định qua việc sau khi Bach thôi làm ở đó không ai thế chân ông nữa. Tuy vậy ông vẫn được tiếp tục giữ danh hiệu chỉ huy kapelle và lo về nhạc cho các ngày lễ của hoàng gia cho tới 1728 khi quận chúa qua đời. Để hỗ trợ cho việc giáo dục âm nhạc cho các con của mình, năm 1720 Bach viết cuốn "Sổ tay dương cầm" cho người con cả là Wilhelm Friedemann, trong đó là một số bản invention hai và ba giọng. Trong cuốn Sổ tay dương cầm dành cho Anna Magdalena viết năm 1722 có thể tìm thấy những bản thảo đầu của tổ khúc Pháp. Những sáng tác này bên cạnh Chiếc dương cầm được hiệu chỉnh âm tốt và sáu bản sonate viết cho violon là những sáng tác cho nhạc cụ ra đời trong thời gian ở Köthen. Ngoài ra còn lưu truyền một số bản cantata cho các lễ sinh nhật và năm mới, nhưng không phải tất cả các ngày lễ. Một điều chắc chắn là Bach đã viết cho cung đình một số lượng đáng kể concerto nhưng hầu hết bị thất lạc hoặc được sửa lại dùng trong các concerto cho cla-vơ-xanh hay các bản cantata sau này. Tháng chín năm 1720 vị trí chơi organ tại nhà thờ Thánh Giắc (St. Jakob) ở Hamburg trống ra và Bach xin vào chân đó. Ông được hội đồng quản trị Hamburg cho phép chơi thử nhưng sau đó từ chối, lý do chắc vì việc tiếp nhận chỗ làm mới này đi kèm với một khoản tiền mua lại đáng kể. Có lẽ cả những bản Brandenburgische Konzerte (BWV 1046-1051) viết tặng bá tước Christian Ludwig von Brandenburg cũng có thể được xem như có liên hệ với việc tìm một chỗ làm mới của Bach. Cái chết của Johann Kuhnau ngày 5 tháng sáu năm 1722 khiến Leipzig thiếu đi người chỉ huy ban nhạc nhà thờ Thomas (kantor). Sau lần tuyển đầu ngày 14 tháng sáu Georg Philipp Telemann được chọn nhưng ông này ở lại Hamburg vì được tăng lương, nên phải tuyển lần hai, trong số ứng cử ngoài Bach còn có Georg Friedrich Kauffmann, ông này tự nguyện rút lui, Johann Christoph Graupner - chỉ huy kapelle của Darmstadt và Balthasar Schott - nhạc công chơi organ của Nhà thờ mới Leipzig. Trong buổi thi tuyển hôm 7 tháng hai năm 1723 Bach trình diễn bản cantata Jesu nahm zu sich die Zwölfe BWV 22. Người được chọn trong lần này là Graupner nhưng ông này phải từ chối vì thống lĩnh bang Hessen khước từ đơn xin thôi việc của ông. Như vậy, Bach đã trở thành chỉ huy ban nhạc nhà thờ Thomas như là "lựa chọn thứ hai", và ông giữ chức vụ này cho đến cuối đời. Leipzig 1723-1750 Một tranh khắc năm 1723 của JG Krügner về nhà nhờ thánh Thomas, trường thánh Thomas nằm bên trái bức tranhVào năm 1723, Bach được bầu làm người đều khiển dàn đồng ca và đạo diễn âm nhạc của trường thánh Thomas, thành phố Leipzig. Vị trí này đòi hỏi ông phải dạy cho những sinh viên của trường thánh Thomas hát và tổ chức hòa nhạc ở hai nhà thờ chính ở Leipzig. Những năm đầu của nhiệm kỳ này, Bach đã soạn vài bản cantata mỗi tuần trong gần như cả năm. Ông đã viết năm bản cantata trong vòng 6 năm ở Leipzig. Dù làm việc cật lực và phải làm nhiều việc vặt khác ở trường nhưng ông vẫn sáng tác được vài bài thuộc vào hàng sâu sắc nhất trong những tác phẩm của ông, hầu hết đã được gìn giữ. hầu hết những bản cantana vào thời kỳ này giải nghĩa những bài giảng ngày chủ nhật trong Kinh thánh vào trong tuần chúng được biểu diển; vài bài khác được viết dựa trên những bài thánh ca cổ điển như "Dậy mà đi" (dịch theo tên của bài thánh ca người dịch nghe được trong nhà thờ, không sát gốc) và "Hạnh phúc và giàu có hãy đến đây". Vào những ngày đặc biệt như Lễ giáng sinh, thứ sáu tuần thánh và phục sinh, Bach viết những bản cantata hay bất thường, đặc biệt là bản "ca tụng đức mẹ" cho lễ giáng sinh và "yêu mến thánh Matthew" cho thứ sáu tuần thánh, tự ông đánh giá bài này là hay nhất trong những tác phẩm của mình. Cách thể hiện những thông điệp thiêng liêng trong công giáo của Bach được người nghe nhật xét thật mạnh mẽ và thật đẹp đẽ đến mức ở Đức đôi khi người ta gọi ông là "tông đồ thứ năm".
Tôi tham gia với: Joseph Haydn "cha đẻ" của giao hưởng Người ta gọi Haydn là "cha đẻ" của giao hưởng và tứ tấu. Trước ông, các bậc tiền bối đã viết rất nhiều tứ tấu, giao hưởng nhưng chỉ trong sáng tác của Haydn, các thể tài này mới trở thành "cổ điển" theo nghĩa "kinh điển", "mẫu mực". Rạng sáng ngày 31.3.1972, bà đỡ đẻ của làng Rorhau gần thành phố Vienna nước Áo đón thằng bé con ông thợ mộc đóng xe ngựa vừa mới chào đời, mà không hề biết bà đã nâng trên tay mình một nhà soạn nhạc vĩ đại của thế giới sau này: Joseph Haydn. Vào những buổi chiều rảnh rỗi, sau khi lắp xong chiếc bánh xe ngựa, ông thợ mộc lại quẳng đồ nghề vào góc nhà và ôm lấy cây đàn Harp, hát cùng những người nông dân trong làng. Cậu bé Haydn đã được nuôi nấng bằng bầu sữa mẹ và tình yêu âm nhạc của cha như thế. Năm lên 8 tuổi, Haydn được Reutter đưa vào dàn đồng ca nhà thờ Thánh Stephen ở Vienna, nơi ông làm Kapellmeister (chỉ huy dàn nhạc). Đây là trường đào tạo âm nhạc duy nhất của haydn, mặc dù suốt 9 năm trời, cậu chỉ được chỉ huy ấy dạy cho 2 buổi học! Khi Haydn bị mất giọng, ông Reutter cho Haydn ra đường. Để kiếm sống, anh đã phải làm tất cả - từ dạy nhạc cho lũ nhóc con đến chơi violon trong những dạ tiệc tưng bừng ở các cung điện nằm rải khắp hai bên bờ sông Danube, thậm chí trên các quảng trường lúc nào cũng đông đúc người nhảy múa. Chính những năm này, Haydn bắt đầu viết bản giao hưởng đầu tiên của mình. Rất nhanh chàng trai hiểu rằng anh phải tự hoàn thiện mình nhiều nữa. Không đủ hoàn thiện mình để theo học những nhà soạn nhạc, ca sĩ, nhà sư phạm Italia nổi tiếng Porpora, Haydn đã nhận làm người đệm đàn cho ông và kiêm chức năng... người hầu! Năm 1761, Paul Anton Esterhazy, một vị hoàng thân nổi tiếng giàu có người Hungary, mến mộ tài danh Haydn nên đã mời ânh về làm Kapellmeistadt, một thành phố nhỏ ở Hungary, cách Vienna chứng 30 dặm, hoàng thân Esterhazy đã dựng nên một cung điện mùa hè theo quy mô của cung điện Versailles và haydn đã sống 30 năm ở đây. Vị hoàng thân là người yêu âm nhạc đến cực đoan. Theo yêu cầu của ông ta và đám đông công nương,bá tước bạn bè ông ta, Haydn đã viết hết giao hưởng, tứ tấu (quartet) này đến tứ tấu, giao hưởng khác. Lao động hết mình đã giúp cho tài năng Haydn ngày càng hoàn thiện. tên tuổi ông bắt đầu vượt qua biên giới nước Áo. Thế nhưng, hoàng thân Esterhazy luôn muốn thấy vị Kapellmeistadt "của mình"xuất hiện khi ông giơ tay ra hiệu. vậy là ông không được ra khỏi lãnh địa của vị hoàng thân này. Mùa đông năm 1784-1785, Haydn gặp Mozart ở Vienna. Mặc dù hơn người cùng thời vĩ đại của mình 24 tuổi, Haydn vẫn bị đắm say bởi âm nhạc của Mozart. Họ thường cùng chơi các tứ tấu của Haydn (Mozart chơi Viola, Haydn chơi Violon) mà Mozart thường nhận mình là học trò của Haydn trong thể tài này. Cùng thời gian này, 6 bản giao hưởng Paris của ông được biểu diễn ở thủ đô nước Pháp và thành công vang dội, những đặc sắc nhất trong số đó là bản giao hưởng số 45, còn được gọi là bản Giao hưởng "Giã biệt" Tháng 11.1790, hoàng thân Esterhazy "già" chết, người thừa kế của ông ta, ông hoàng trẻ thích những cuộc săn thú sôi động trên những cánh rừng, đồng cỏ hơn là ngồi lặng trong phòng hòa nhạc để tắm trong dòng suối âm thanh kỳ ảo. Dàn nhạc được giải tán. Nhưng lòng kiêu hãnh của dòng họ Esterhazy vẫn bắt ông ta giữ Haydn nổi tiếng một cách hình thức trong chức vụ Kapellmeistadt không có dàn nhạc! Haydn được nhận một khoản tiền lương để mãi vẫn là "người hầu" của gia đình Esterhazy. Haydn chỉ được tự do khi đã gần 60 tuổi! Năm 1792, ông trở về Vienna và gặp Beethoven. Beethoven đã hồi hộp đến run người khi được Haydn nghe cậu chơi những sáng tác đầu tay của mình và xoa đầu! Haydn đã tiên đoán được tương lai rực rỡ của nhà soạn nhạc vĩ đại người đức này. Trong lần đến Anh đầu tiên, ông đã được nghe Oratorio của Hadel trong tu viện Wesminster. Nó gây ấn tượng mạnh đến Haydn. Trở về Vienna ông viết 2 kiệt tác cuối cùng của mình: Oratorio The Creation (1798) và The Seasons (1801) Năm 1809, Haydn đã chết trên giường bệnh tại Vienna. Sau này, người ta đã đưa thi hài ông về cung điện của Esterhazy.
Frédéric Chopin (1810-1849) Từ lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng như một thiên tài âm nhạc năm lên tám tuổi, cho đến tận hôm nay, Chopin vẫn tiếp tục khiến cho thế giới không ngừng kinh ngạc, không ngừng tranh luận quanh cuộc kiếm tìm một định nghĩa về âm nhạc của ông - “người thi sĩ dương cầm vĩ đại cuối cùng...” Frédéric Chopin - nhạc sĩ pianô, nhà soạn nhạc nổi tiếng Ba Lan. Cha ông là người Pháp, tên là Nicôla Sôpanh, quê ở Lôren (Pháp) làm gia sư ở gia đình nữ bá tước Xcabêc. Mẹ ông là người họ hàng và là thị nữ của nữ bá tước trên. Sôpanh học đàn pianô từ nhỏ và tỏ ra có năng khiếu âm nhạc. Từ 1826-1829, ông học ở Học viện âm nhạc, đạt kết quả tốt và bước đầu sáng tác âm nhạc. Khi cuộc cách mạng của nhân dân Ba Lan do tầng lớp quý tộc yêu nước lãnh đạo chống ách thống trị Nga hoàng (1830-1831), bị đàn áp, Sôpanh rời quê hương Ba Lan sang sống bên Pháp, và hòa nhập vào xã hội thượng lưu Pari. Ông dạy nhạc cho những tiểu thư quý tộc. Năm 1832-1835, ông thu nhập và cho xuất bản những bản nhạc được soạn thảo khi còn ở Vacsava (Ba Lan), và sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng khác. Năm 1836 ông bị ốm, có triệu chứng mắc bệnh lao phổi. Năm 1837, ông gặp nữ văn sĩ Gioocgiơ Xăng. Hai người rời xã hội Pari huyên náo, tìm đến những nơi yên tỉnh để bồi dưỡng sức khỏe. Thời gian này, hoạt động sáng tạo nghệ thuật của ông phát triển đến đỉnh cao. Năm 1848, sau chuyến du lịch sang Luân Đôn (Anh) và Xcốtlen, ông trở về Pari và mất ở đó ngày 17-10-1849. Những tác phẩm của Sôpanh có nhiều loại, có loại, có loại cho dàn nhạc, cho nhạc thính phòng, nhưng chủ yếu là cho đàn pianô. Những bản nhạc của ông có tính chất lãng mạn dịu dàng, buồn man mác, ông đã kết hợp truyền thống cổ điển với dân ca Ba Lan. Một số bản nhạc của ông đã nói lên sự phẫn nộ căm uất cũng như sự thương nhớ tổ quốc Ba Lan bị nô dịch của ông. Ông là người cách tân phương pháp biểu diễn pianô trong lãnh vực hòa âm và phối khí. Rời Warszawa (Ba Lan) khi vừa tròn hai mươi mốt tuổi, tạm biệt người thân và ngôi làng Zelazowa Wola yêu dấu với lời hứa sẽ trở về, Chopin không biết rằng, phía trước ông là mười tám năm xa xứ, rằng lần chia tay ấy là lần cuối cùng ông được nhìn thấy mẹ, cha… Cuộc khởi nghĩa Warszawa và những năm tháng loạn lạc chiến tranh sau đó đã khiến ông mãi mãi không thể nào quay trở lại quê nhà. Mười tám năm ấy là mười tám năm của buồn và nhớ, của hy vọng và tuyệt vọng, của hạnh phúc và đau khổ…Mười tám năm của nỗi đau mất cha, của những âu lo cho tuổi tác và sự hao gầy của mẹ, của những ước vọng không thành về một đất nước Ba Lan yên bình và độc lập…mười tám năm chiến đấu với ốm đau, bệnh tật - chiến đấu chỉ cho một ước mơ giản dị là được trở về quê hương…Để rồi, cuối cùng ông chỉ có thể gửi lại lời trăn trối: hãy mang nắm đất quê hương mà ông vẫn hằng giữ rắc lên ngôi mộ của ông và hãy mang trái tim ông về Tổ Quốc…Tất cả, tất cả nỗi niềm thương nhớ đó đã trở thành ngọn lửa bất tử, thắp sáng và sưởi ấm trong từng nốt nhạc của ông-nhà thơ của những nỗi buồn xa xứ. Ngôi nhà nhỏ, với những khung cửa sổ luôn rộng mở, những bức tường vôi trắng, nơi Chopin cất tiếng khóc chào đời, vẫn nằm lặng lẽ, yên bình dưới tán lá của những cây phong, cây sồi cổ thụ, trong một khu rừng nhỏ của làng Zelazowa Wola đẹp như cổ tích. M ùa xuân, ngôi nhà và khu rừng như sáng bừng lên bởi sắc xanh tươi của lộc biếc, sắc vàng như nắng của hoa Bồ Công Anh trải trên thảm cỏ và sắc trắng muốt đến nao lòng của hoa táo trong những khu vườn phía xa xa… Mùa hạ, những bông hoa Tường Vi nở hồng trong khu vườn nhỏ trước sân nhà. Ngôi nhà nhỏ như chìm trong giấc ngủ yên bình giữa tiếng rì rào của gió và tiếng chim hót trên cao… Mùa thu, cây liễu cổ thụ trong vườn, người bạn thân thiết của Chopin thuở bé, toả bóng trầm mặc xuống con suối nhỏ. Những cây phong, cây sồi, cây bạch dương đua nhau khoe sắc vàng rực rỡ, sau đó chuyển thành màu đỏ rực như nỗi nhớ mong người chủ nhỏ Fred (Fredric Chopin)… Mùa đông, ánh đèn trong ô cửa sổ sưởi ấm lòng khách đến thăm, ngồi bên chiếc đàn nhỏ, nơi Chopin làm quen những nốt nhạc đầu tiên, ta có thể nhìn thấy những bông tuyết bay đầy trong gió, khoảng sân và cả khu vườn ngập trong một màu trắng trinh nguyên, thời gian và không gian như chững lại, tưởng chừng như chỉ ít phút nữa thôi, chú bé Fred với mái tóc xoăn vàng óng đẹp như là một thiên thần sẽ bước ra từ sau cánh cửa kia… Có một điều rất lạ, trong khu rừng nhỏ không bao giờ vắng đi tiếng gió, những cơn gió nhẹ và buồn thổi từ cánh rừng già Kampinos thâm nghiêm, băng qua cánh đồng làng, quấn quýt quanh ngôi nhà nhỏ, rồi tinh nghịch trốn tìm trên những con đường rải sỏi … Tôi gọi đó là “gió Kampinos”, những ngọn gió hình như đã mang Chopin về lại quê nhà…những ngọn gió đến và đi, phiêu bồng qua năm tháng, những “ngọn gió Chopin”, những ngon gió của nhớ thương và hội ngộ… Mùa hè năm 1999, trong một dịp tình cờ, tôi đã đến Mallorca, hòn đảo xinh đẹp giữa lòng Địa Trung Hải. Tại đây, tôi đã tìm đến Valldemossa, ngôi làng cổ nằm chênh vênh trên sườn núi, nơi Chopin cùng George Sand trải qua mùa đông năm 1838. Trong ngôi làng đó, tôi gặp một căn phòng nhỏ cũ kỹ với mái vòm cao và khung cửa hẹp, nơi Chopin đã từng đứng lặng im bên cây đàn dương cầm được George Sand mang từ Pháp đến cho ông, hình dung nên những nốt nhạc đầu tiên của những bản Prelude trĩu nặng nỗi buồn vĩnh cửu. Tôi đã ngồi lặng im bên một gốc ô liu già, nghe gió từ biển thổi về và cảm nhận được nỗi buồn của Chopin như một sự đồng cảm của người xa xứ, cũng như ông, tôi xa quê nhà đã gần mười năm…Người ta nói, trong những bản Prelude được Chopin viết ra từ căn phòng hẹp trên đảo này có tiếng mưa rơi của đêm buồn giông bão mùa đông năm 1838. Tôi thì nghĩ rằng đó là những giọt nước mắt rơi cho nỗi nhớ quê hương và ngày về xa ngái… Âm nhạc của Chopin không chỉ có nỗi buồn, bên cạnh nước mắt nhớ thương còn có những tia nắng ngập tràn hy vọng về một đất nước Ba Lan rạng rỡ cùng tiếng nhạc ngựa reo vui của ngày trở về…Trong những năm tháng sống tại Ba Lan, khi cồn cào nỗi nhớ quê nhà, tôi thường tìm đến nhạc Chopin như một nguồn an ủi, làm dịu đi nỗi nhớ. Không hiểu sao mỗi khi nghe những Dạ khúc (Nocturne) của ông, tôi luôn có cảm giác khoảnh khắc ấy mình được bay lên, nhìn thấy trọn vẹn quê nhà dấu yêu…Hãy đi đến tận cùng nỗi nhớ của mình, ở đó bạn sẽ gặp Chopin! Một chiều cuối đông 2001, tôi đã đến ngôi nhà thờ mang tên Cây Thánh Giá nằm trong lòng thành cổ Warszawa, nơi trái tim lưu lạc của Chopin quay về và vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Ngồi trong chiều vắng, bên cây cột đá với tấm bia khắc tên ông, tôi đã nói lời từ biệt Chopin. Cũng như ông, tôi đã có những năm xa xứ nhưng hạnh phúc hơn ông tôi còn có quê hương yên bình để quay về . Còn ông, chẳng phải ông cũng đã quay về bằng trái tim bên cạnh tôi đây, bằng những cơn gió “Kapinos” thổi hoài không dứt trên ngôi nhà của mẹ đó sao?
Franz Schubert là một nhạc sĩ thiên tài để lại cho hậu thế một di sản âm nhạc cổ điển đồ sộ. Ông đã viết 10 bản sonate, 10 bản giao hưởng, 5 vở opera... Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bản tình ca "Khúc nhạc chiều" (Serenade). Giai điệu lắng đọng và lãng mạn của khúc nhạc bắt nguồn từ một mối tình xót xa của ông khiến nhân loại hàng trăm năm sau vẫn phải rung động mỗi khi tiếng vĩ cầm trỗi lên những hợp âm đầu. Khi mới tuổi 18, Schubert viết bản lider (ca khúc thơ có đệm đàn piano) đầu tiên. Schubert từng có 15 năm làm thầy giáo tiểu học nhưng thời gian ông dành cho âm nhạc nhiều hơn dạy học. Trong số 10 bản giao hưởng đồ sộ của ông có một bản giọng si thứ, sáng tác vào năm 1822 chưa hoàn thành. Sau này, giới phê bình âm nhạc gọi tên là bản Giao hưởng bỏ dở. Mãi về sau, người ta mới biết được Schubert rất hay bị đau ốm, nên ông không thể hoàn thành trọn vẹn bản giao hưởng tuyệt vời này. Đây là bản giao hưởng duy nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển chỉ có hai chương. Tuy nhiên, chính sự dang dở ấy đã khai mở một mạch nguồn âm nhạc vô tận, mà sau này nhiều nhạc sĩ đã sử dụng nguồn hứng "dang dở" để phát triển ý nhạc theo cảm xúc riêng. Năm 1815, Hoàng đế nước Pháp Napoleon bị phế truất. Niềm hy vọng về tự do và cách mạng thổi bùng khắp nơi. Ban ngày, người dân bàn tán về số phận của châu Âu, ban đêm khiêu vũ trong các quán rượu, nhà hàng và các lâu đài quý tộc. Chính những nơi này sinh ra những điệu valse, mà sau này dòng họ Johann Strauss đã khai thác triệt để và trở thành những bản valse bất tử của nhân loại. Khi ấy, Schubert thường thết đãi bạn bè nhạc sĩ bằng những bản nhạc do mình sáng tác trong những buổi dạ hội mang tên Những buổi tối Schubert. Các sáng tác của ông được giới nhạc sĩ đương thời ngưỡng mộ. Thế nhưng, ông lại không có được vị trí xứng đáng trong danh sách những nhạc sĩ hàng đầu của thành Vienne lúc bấy giờ. Hoàn cảnh của Schuberrt có một điểm tương đồng với Mozart - ông rất nghèo. Đôi khi, ông viết liên tục không nghỉ trong một ngày, chỉ mong kiếm được một khoản kha khá từ các nhà xuất bản. Tuy nhiên, do biết Schubert nghèo và rất cần tiền nên họ mua các tác phẩm của ông với giá rẻ mạt. Dẫu buồn, Schubert vẫn miệt mài sáng tác. Nhưng nỗi đau của ông không thể không thấp thoáng trong các tác phẩm. Nhạc của ông thấm đượm nỗi u buồn và ca ngợi sự chịu đựng phi thường của con người trước số phận bất hạnh. Những giai điệu ấy cũng chan chứa tình yêu cuộc sống cho đến phút cuối cuộc đời. Khúc nhạc chiều bất hủ của ông sáng tác là để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu. Để làm cho nàng bất ngờ, ông nhờ một bạn thân là ca sĩ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Oái ăm thay, sau này cô gái ấy lại đem lòng yêu người trình bày ca khúc. Schubert vẫn chỉ là con số không trong đời nàng. Vào một ngày mùa đông năm 1828, nhạc sĩ thiên tài giã từ thế giới ở tuổi 32, vì căn bệnh thủy đậu tại nhà của một người anh em ở ngoại ô thành Vienne. Khi ông mất, người ta kiểm kê tài sản và chỉ đếm được vẻn vẹn 6 shilling đồng sáu xu và một đống bản thảo nhạc viết tay.
Đôi vợ chồng tài hoa R.Schumann & Clara Wieck Schumann Một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của TK 19 - Robert Schumann - cả cuộc đời và tác phẩm là hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn. Vợ ông - bà Clara Wieck Schumann cũng nổi tiếng không kém gì chồng. Trai anh hùng Ông không quá nổi tiếng với những tác phẩm lớn như giao hưởng hay concerto, sự tài hoa của ông thể hiện đầy đủ nhất trong các ca khúc và những bản nhạc dành cho piano. Schumann có khả năng phi thường trong việc truyền tải cảm xúc sâu sắc, tao nhã. Ta sẽ cảm nhận được điều ấy qua chùm ca khúc Dichterliebe (A Poet's Love) và bộ sưu tập đoản khúc cho piano như Phantasiestucke (Fantastic Pieces), Kinderszenen (Scenes form Childhood) và Waldszenen (Forest Scenes). Schumann là nghệ sĩ đã đạt đến ''ranh giới khó nắm bắt'' giữa nhạc và thơ lãng mạn. Nhà soạn nhạc người Đức này để lại cho đời nhiều tuyệt tác, trong đó không thể không kể tới Davidsbundlertanze (1837), Dichterliebe (1840) và bản ngũ tấu cho piano & đàn dây... Những năm đầu sáng tác, Schumann đã coi piano như cuốn sổ nhật ký ghi lại suy nghĩ và cảm nhận của ông. Sau này, trong lúc xây dựng các quy tắc cơ bản cho phê bình lý luận âm nhạc ("New Journal for Music"), ông dường như vẫn tiếp tục giữ sợi dây liên kết với tất cả thể loại nhạc. Rất nhiều ca khúc, bài thơ phổ nhạc, đoản khúc cho piano đều in đậm dấu ấn ấy. Những bản giao hưởng của Schumann sau thời gian dài bị lãng quên, nay đã được đánh giá đúng mức vì sự sáng tạo trong giai điệu, hình thức. Schumann, Robert (Alexander) sinh ngày 8/6/1810 tại Zwickau, mất ngày 29/7/1856. Ông là con trai người bán sách, từ nhỏ đã sớm bộ lộ tài năng âm nhạc và tỏ ra hứng thú với đàn piano cũng như viết nhạc, sáng tác văn chương. Năm 1821, ông tới Leipzig học luật nhưng lại dành phần lớn thời gian vào các hoạt động âm nhạc, xã hội, văn chương. Ông bắt đầu viết một số tác phẩm cho piano và theo học âm nhạc từ Friedrich Wieck. Schumann quyết tâm thuyết phục gia đình để từ bỏ ngành luật và theo đuổi mơ ước thành nghệ sĩ piano. Năm 1830, ông tới sống cùng Wieck ở Leipzig. Bất hạnh thay! Schumann lại gặp rủi ro không ngờ, các ngón tay ông trở nên yếu đến nỗi phải dùng máy trợ giúp, nhưng ông không từ bỏ việc sáng tác. Năm 1834, Schumann thành lập tạp chí âm nhạc Neue Zeitschrift fur Musik; ông vừa là chủ bút, vừa là phóng viên hàng đầu của báo trong nhiều năm. Ông là một nhà phê bình lỗi lạc, tài ba; mọi bài viết của ông đều thể hiện rõ khuynh hướng tiên bộ trong tư duy âm nhạc thời bấy giờ. Đôi khi ông sử dụng bút danh Eusebius và Florestan. Những bản nhạc ông viết thời kỳ này phần lớn dành cho piano. Năm 1835, ông yêu con gái của Wieck là Clara, nhưng Wieck đã bằng mọi cách chia rẽ họ. Hai người thề non hẹn biển nhưng nhiều lúc Schumann vẫn rơi vào tình trạng chán chường, thất vọng. Trải qua nhiều cuộc cãi vã, thậm chí đối chất trước toà án với Wieck, họ cưới nhau năm 1840. Thời gian này Schumann viết tổng cộng 150 ca khúc, hầu hết là những bài hát hay nhất của ông, nổi tiếng là chùm Frauenliebe und Leben ('A Woman's Love and Life') và Dichterliebe ('A Poet's Love'). Nội dung là một câu chuyện bi kịch lãng mạn về một tình yêu chóng đơm hoa nhưng cũng sớm lụi tàn, về niềm khát khao được sống và tận hưởng hạnh phúc. Schumann - một nhà soạn nhạc cho piano - đã biến cây đàn ấy thành một công cụ tuyệt vời thể hiện cảm xúc, tạo ấn tượng mạnh vào lúc ca khúc kết thúc. Năm 1841, Schumann trở lại với dàn nhạc, ông viết những bản giao hưởng, những đoản khúc thanh thoát, trữ tình cho piano và dàn nhạc của Clara. Năm 1842, khi Clara mải mê cho tour lưu diễn, thì Schumann dồn tâm sức sáng tác ba bản nhạc cho bộ tứ đàn dây cũng như một số tác phẩm ngũ tấu piano. Năm 1843, ông viết bản trường ca oratorio và tham gia giảng dạy ở trường nhạc mới tại Leipzig nơi Mendelssohn làm hiệu trưởng. Một năm sau, ông cùng Clara chuyển đến Dresden. Sự chán nản, mệt mỏi hạn chế khả năng sáng tác của ông. Mãi tới năm 1847, ông mới lại viết nhạc. Năm 1854, Schumann mắc chứng ảo giác, nhiều lần ông cố gắng tự vẫn (ông luôn sợ mình phát điên). Hai năm sau, ông qua đời trong một trại tâm thần. Gái thuyền quyên Clara Wieck Schumann sinh ngày 13/9/1819 tại Leipzig, mất ngày 20/5/1896 ở Frankfurt. Đây là những lời tâm sự của bà: ''Viết nhạc mang lại cho tôi cảm giác vui thích tuyệt vời... Không gì hơn niềm vui sáng tạo, một người không muốn lãng quên bản thân chỉ khi họ được sống trong thế giới âm thanh''. Cũng giống như chồng, bà vừa là nghệ sĩ piano vừa là nhà soạn nhạc. Clara Schumann với khả năng và tài nghệ của mình đã vượt qua mọi trở ngại, khó khăn với một nhà soạn nhạc nữ trong thế kỷ 19. Trên thực tế, đã có khá nhiều phụ nữ ''có thể làm điều đó'' cả lúc trước và trong thời kỳ của Schumann. Tuy nhiên, nỗ lực của họ lại luôn bị cản trở, bị chỉ trích. Clara Schumann sinh trưởng trong một gia đình âm nhạc. Mẹ bà là nữ ca sĩ thành công, còn cha Friedrich Wieck là giảng viên piano nổi tiếng. Chính ông đã khuyến khích và ủng hộ con gái biểu diễn, viết nhạc từ rất sớm. Năm 1840, bà lập gia đình với một trong số các sinh viên của cha Robert Schumann. Clara sáng tác những bản biến tấu các khúc nhạc dạo của Robert. Họ cùng nhau viết nên chùm ca khúc Friedrich Rückert. Sau khi Robert qua đời, Clara vẫn tiếp tục hoạt động âm nhạc. Âm nhạc của Clara Schumann là điển hình của kỷ nguyên lãng mạn. Bản thân bà cũng chính là người biểu diễn các tác phẩm của mình (đoản khúc cho solo piano hay concerto cho piano).
Em có cái bộ đĩa St. Matthew's passion này nghe hay lắm (3 CD) do Karl Richter chỉ huy. Có điều dịch là "yêu mến thánh Matthew" thì không ổn đâu. Đúng nghĩ của nó là chuyện kể của thánh Matthew về khổ hình của Chúa. Passion được phát triển thành một nhánh nhỏ trong dòng nhạc thánh ca. Nhạc vừa êm ái vừa hoành tráng. Phải những bộ dàn có độ chi tiết rất cao mới thể hiện hết được vì âm sắc của dàn đồng ca cùng với dàn nhạc rất phức tạp. Một bộ đĩa nên nghe đối với ai thích nhạc thánh ca.
Franz Liszt (1811-1886) 1. Thân thế và sự nghiệp: Liszt là nhà nhạc sĩ Hungari vĩ đại, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn piano tài ba của thế kỷ XIX ở châu Âu. Từ Liszt trở đi nền âm nhạc Hung đứng ngang hàng âm nhạc thế giới. Liszt sinh ngày 22/10/1810 ở Ðôbôrian- lãnh đạo của công tước vùng Extecgadi. Tổ tiên của Liszt là nhà nông dân và thợ thủ công nghiệp. Bố của nhạc sĩ đã phục vụ nhiều năm trong các dinh của các công tước vùng Extéc Âydenxtát. Mẹ của ông là người gốc ÁO. ¤NG BỐ RẤT SAY MÊ ÂM NHẠC, CŨNG BIẾT MỘT SỐ LOẠI đàn và sáng tác nhưng vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên ông không trở thành nhạc sĩ được. Ông đã truyền lòng nhiệt tình đó cho con trai và và dạy cho Liszt chơi đàn piano ngay từ lúc còn nhỏ. Cậu bé tỏ ra có năng khiếu đặc biệt, chưa đầy 9 tuổi đã bắt đầu biểu diễn trước công chúng đông đảo và lên 10 tuổi đã tham gia biểu diễn cùng với dàn nhạc giao hưởng. Liszt đến Vienna học tập trong ba năm (vào 1820), ở đây cậu bé học piano với một nghệ sĩ nổi tiếng, học trò của Beethoven là Kacla Trécni và học lý thuyết âm nhạc với nhạc sĩ Ý ANTONIO XALÊRI. Tháng 12/1823, bố cậu lại đưa cậu đến Paris để học tập nhưng ở đây Liszt không được chấp nhận vào nhạc viện vì cậu là người ngoại quốc. Cậu đã phải tự học tư về sáng tác với nhạc sĩ Fécdinăng Paoer và piano với giáo sư nhạc viện là Anton Râykha- người Tiệp. Trong ba năm ở Paris, List đã ba lần đi biểu diễn ở Anh và các thành phố khác ở Pháp và Thuỵ Sĩ. Thời gian ở Paris là thời kỳ hình thành nên quan điểm thẩm mỹ và tài năng của Liszt. Năm 1835-1847 là thời kỳ mới trong sáng tác và biểu diễn của Liszt. Bốn năm đầu (1835-1839) ông sống ở Thuỵ Sĩ và Ý. Thời kỳ ở Vâyma (1848-1861) là thời kỳ sáng tác chủ yếu của Liszt vì lúc này ông đã chấm dứt biểu diễn trong một thời gian dài. Ở đây,ông luôn phải chống đỡ với sự đả kích của trường phái "Leipzig" và không được thừa nhận mặc dù ông đã đóng góp rất nhiều sức lực cho nền nghệ thuật của Ðức. Ông quyết định rời Vâyma sống ở Rome. Mệt mỏi với cuộc đấu tranh ngoài xã hội, đau khổ vì những mất mát trong cuộc sống riêng (con trai và con gái chết) và chịu ảnh hưởng xấu của người vợ kế sùng đạo là K.Vihenxtanh, Liszt đã tìm sự an ủi trong tôn giáo và có thời kỳ làm linh mục. Ðó là những năm khủng hoảng trong cuộc đời của Liszt (1861-1869). Những năm cuối đời (1869-1886) khi thì Liszt sống ở Vâyma, khi thì ở Rome, hàng năm một vài tháng về Tổ quốc. Trong thời gian ở Vâyma ông đã mở nhiều lớp dạy học không lấy tiền. Liszt mất ngày 31/7/1886 ở Bairây (Ðức) trong thời gian tham dự những buổi trình diễn những tác phẩm nhạc kịch của Wagner người mà Liszt đánh giá rất cao. 2. Ðặc điểm sáng tác và tác phẩm: Cuộc đời gắn liền với âm nhạc châu Âu, âm nhạc của ông luôn hướng về đề tài dân tộc (đặc biệt là dân tộc Hung), phản ánh những khía cạnh điển hình trong cuộc sống tinh thần và tình cảm của những người tiến bộ của thế kỷ XIX. Ðó là cuộc đấu tranh, niềm say mê, những nổi suy tư, hy vọng, hoài nghi, thất vọng....của họ. Những tác phẩm này nổi lên khuynh hướng hiện thực kết hợp với những ước mơ lãng mạn tiến bộ, với những hình tượng rõ ràng, cụ thể và nội dung đậm đà. Giai điệu và cấu trúc điệu thức (cách tiến hành giai điệu và sử dụng "gam Hungari"...) ngay cả những giai điệu mang tính chất ngâm vịnh của Liszt cũng thấy rõ sự biến thể độc đáo của những hình thức ngẫu hứng kể chuyện dân gian. Tác phẩm: - Sáng tác cho piano: những tác phẩm cải biên dân ca, vũ ca, phóng tác tự do trên chủ đề của người khác. Ví dụ như: cải biên 50 bài hát cho Schubert, 15 bài hát của Schumann cho piano. Aria hay opera của Rotxini. Các tác phẩm của Chopin và Mendelssohn cũng được chuyển thể trong đó nổi tiếng là có Tanhâyde của Wagner. - Các tác phẩm chuyển thể: Tác phẩm "ẢO TƯỞNG" CỦA BÉCLIÔ; SAU ĐÓ LÀ GIAO HƯỞNG HARÔN Ở Ý và những uvectuya của ông, nhiều giao hưởng của Beethoven (số 5,6,7), nhiều uvectuya trong các vở nhạc kịch của Rôtsxini, Vebe (Mũi tên thần), Wagner (Tâyhâyde)....sáu prluyt và fuga..... - Thể loại etuyt: Năm 1838 Liszt soạn xong tập "Những tập etuyt lớn" sau đó sửa đổi thành "Những etuyt cao cấp" (1851). Trong 12 bản của tập etuyt này thì có 10 bản có tiêu đề (trừ bản số 2 và số 10 không có tiêu đề). Trong những etuyt này, Liszt đề ra bốn loại thủ pháp cho piano: những quãng tám và những hợp âm, láy, những nốt đôi, gam và hoà âm. - Tiểu phẩm có tiêu đề nổi tiếng như: Những năm chu du, Anbom của người du tử, Năm thứ nhất của cuộc chu du xuất bản ( năm 1855). Phần lớn những khúc nhạc trong tập này miêu tả những cảnh thiên nhiên như: Trên hồ Valenxtác, Nguồn nước, Những tiếng chuông ở Giơnevơ, Ðồng quê, Nhớ xứ sở, Miếu Uyliemten, Cơn giông, Thung lũng Obécman, Những năm thứ hai của những cuộc chu du (1838-1858) gồm bảy khúc, Cuộc hôn lễ, Ba bản sonata của Pêt'rắc, Sau khi đọc Ðăngtơ, Những năm thứ ba của những cuộc chu du (1867-1877)... - Viết 19 bản Rapsodie Hungari: số 2,6 mang tính chất vũ khúc, số 2 và 12 ngâm vịnh, 14 với cảm xúc anh hùng .
Johannes Brahms (Hamburg, May 7, 1833 - Vienna, April 3, 1897)German composer of the late Tahomatic period 1 .Thân thế và sự nghiệp: Johannes Brahms sinh ngày 7/5/1833 tại Hambua. Bố nhạc sĩ là nhạc công thổi kèn và đàn congt'ro-batxơ. Tuổi trẻ sống trong cảnh nghèo túng. Năm 13 tuổi cậu bé đã phải đi làm thuê trong các tiệm nhảy, sau đó kiếm sống bằng cách dạy tư và đệm đàn piano trong các giờ nghỉ giải lao ở nhà hát. Bên cạnh đó cậu học sáng tác với E.Macxen. Nhưng sáng tác thời trẻ của Brahms không nổi tiếng vì đó là những sáng tác dùng để kiếm ăn hàng ngày (gần 150 tác phẩm). Năm 1853 Brahms rời thành phố quê hương đi biểu diễn lưu động với một nhạc sĩ vĩ cầm người Hungari là E.Remeni. Thời kỳ ông có dịp gặp gỡ và làm quen với Schumann và Schumann rất quan tâm đến tài năng của Brahms đã viết bài ca ngợi Brahms hết lời. Năm 1862 bắt đầu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Brahms: ông di cư đến Vienna và sống ở đó cho đến lúc chết. Ở đây ông tham gia các hoạt động trong nhiều tổ chức âm nhạc, trình diễn các tác phẩm của mình và nhiều tác giả khác, dần dần gây được uy tín trong giới hâm mộ âm nhạc ở Vienna. Thời gian này ông đi thăm nhiều nước ở châu Âu như Hungari, Ba Lan, Thuỵ Sĩ, Hà Lan và 8 lần sang Ý. Brahms mất ngày 3 tháng 4 năm 1897 ở Vienna. 2.Ðặc điểm sáng tác và những tác phẩm tiêu biểu: 1.Thể loại sáng tác: chủ yếu của ông là những tác phẩm cho khí nhạc (bao gồm cả giao hưởng và thính phòng) và nhạc hát (romantic và hợp xướng). Âm nhạc của Brahms đã thể hiện sự gắn bó chặt chẽ và hữu cơ với nền âm nhạc dân chủ, phản ánh những sinh hoạt của nhân dân Đức và Áo. Những nhân tố âm nhạc của Đức, Áo, Hungari và Xlavơ (Tiệp, Serbia và những nước khác) được kết thành một thể thống nhất trong nghệ thuật âm nhạc của ông. 2.Nội dung: Sự đấu tranh cho quyền tự do cá nhân, ca ngợi sự dũng cảm và cao thượng của con người. 3.Tác phẩm: Sáng tác cho piano: Brahms đã viết một số lượng lớn tác phẩm cho đàn piano trong đó có 3 sonata trong opus đầu, một loạt liên khúc biến tấu (theo chủ đề của Henden, Schuman, Paganint...), hàng loạt vũ khúc valse, vũ khúc Hungari 4 tay và nhiều tiểu phẩm. Những tác phẩm của piano của Brahms là những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, phản ánh đời sống sinh hoạt thời bấy giờ. Sáng tác cho giao hưởng: ông đóng góp những cống hiến lớn cho nền nghệ thuật giao hưởng Ðức thế kỷ XIX, bao gồm những tác phẩm sau: 2 Serenat, 2 Uvectuya (Bi kịch và Ngày hội), biến tấu trên những chủ đề Haydn và 4 giao hưởng (Cm, Dm, F và Em). Ngoài những giao hưởng còn sáng tác những Concertos: 2 cho piano (Dm, Bm) một cho violon (là tác phẩm nổi tiếng thường được đưa vào biểu diễn violon). Sáng tác cho khí nhạc thính phòng: 24 tác phẩm lớn, phần nhiều có cấu trúc c-moll op.101 là bản xuất sắc hơn cả. Ngoài ra còn bản ngũ tấu piano ( f moll op.34) là tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực âm nhạc thính phòng. Sáng tác cho thanh nhạc: 380 tác phẩm cho thanh nhạc trong số đó có gần 200 bài đơn ca và piano (không kể dân ca cải biên), 20 bài song ca, 60 bài tứ ca, đồng ca và đồng ca không có nhạc đệm. Ông đã soạn nhiều tuyển tập dân ca chọn lọc gọi là "những bài dân ca Ðức cho hát và piano".
Richard Wagner (Leipzig, May 22, 1813 - Venice, February 13, 1883) German composer of the Tahomatic period 1.Thân thế và sự nghiệp: Wagner là nhà soạn nhạc của châu Âu thế kỷ 19, một nhà cải cách nhạc kịch táo bạo, là người kết thúc chủ nghĩa lãng mạn của Ðức. Wagner được đề cao là nhà Cách Mạng của nền nghệ thuật nhạc kịch. Thiên tài của ông xuất hiện trong phạm vị rộng, ông không chỉ là nhà soạn nhạc mà còn là nhà thơ, kịch sĩ và viết kịch bản, là một trong những người sáng lập ra nền nghệ thuật chỉ huy đương đại và còn viết nhiều những tác phẩm quan trọng của lĩnh vực thẩm mỹ. Wagner sinh ngày 22/5/1813 ở Leipzig- Ðức. Bố là một viên chức cảnh sát. Sau khi ra đời được nửa năm thì bố chết. Wagner sống và lớn lên trong gia đình bố dượng- một kịch sĩ tài năng kiêm hoạ sĩ và nhà văn tên tuổi là Lútvích Hâye. Wagner bắt đầu học âm nhạc vào lúc 15 tuổi nhưng năng khiếu về sân khấu và âm nhạc biểu lộ rất sớm ở cậu bé. Khi Cách Mạng bùng nổ ở Ðrexden, Wagner đã tham gia hàng ngũ những người khởi nghĩa. Tháng 5/1849 khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Wagner bị truy nã ông phải chạy trốn ra nước ngoài trong 10 năm (1849-1858), Wagner sống ở Thuỵ Sĩ. Năm 1864 cuộc đời của Wagner bước sang một bước ngoặc. Vua Ludwig đệ nhị Bavacxki nhận bảo trợ cho sự nghiệp nhạc kịch của ông và tạo mọi điều kiện cho Wagner thực hiện những dự kiến về nghệ thuật của mình. Ông mất này 13/2/1883, thọ 70 tuổi sau nửa năm dựng vở cuối cùng vào thời GIAN NGHỈ Ở VƠNIDƠ TRÊN ĐẤT Ý. 2.Ðặc điểm sáng tác và tác phẩm: Ðề tài hầu hết đưa vào truyện dân gian Ðức và chuyện thần thoại, đề cập đến những vấn đề nóng hổi của thời đại. Ông kế thừa truyền thống âm nhạc cổ điển Vienna (hình tượng anh hùng của Beethoven và triết lý sâu sắc của Bach). Wagner sáng tác tất cả 13 vở nhạc kịch, trong đó nổi tiếng như: - 1840-1842: Người hoa tiêu Hà Lan - 1840: Người thuỷ thủ phiêu lãng, Taxôzê... - Tannhọuser (1845) and Lohengrin (1848) - 1849-1858: Chiếc nhẫn của Nibelugen, Vàng ở sông Ranh (1852-18540; Trixtan và Idon (1857-1859), Sự diệt vong của các vị thần, Jewishness in Music (1861-1867), Opera and Drama. - Vở Opera cuối cùng của Wagner là Parsifal, một câu chuyện về tôn giáo được diễn ở Bayreuthu vào năm 1882.
Hector Berlioz - người được coi là ''cha đẻ'' của chủ nghĩa lãng mạn Pháp trong âm nhạc. Âm nhạc của ông luôn luôn độc đáo và chuẩn mực trong từng cung bậc. Nói một cách cực đoan, Hector luôn bị những đồng sự đương thời đánh giá là kẻ ''say mê đến mất trí, điên cuồng''. Người ta cảm thấy may mắn khi rất nhiều tác phẩm vĩ đại của ông ''vượt qua thời gian và không chấp nhận cái chết''. Ngày nay, một số ''công trình nghệ thuật'' nổi tiếng của Hector như Symphonie Fantastique, The Damnation of Faust, và The Requiem được biểu diễn định kỳ trong các buổi hòa nhạc. Ảnh hưởng của nhà soạn nhạc lừng danh, tác giả của các tác phẩm giao hưởng, nhạc kịch, thánh ca bất hủ vẫn còn rất sâu đậm tới suốt thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 qua những bản hòa âm thanh nhã. Hector Berlioz là hiện thân của cảm giác lãng mạn thiên về ảo tưởng, mơ mộng. Ông có khả năng thể hiện rất thật những cảm xúc của mình, người ta thấy một tình yêu thiên nhiên lớn lao trong ''Harold in Italy," hay nỗi ám ảnh khiếp sợ kinh hoàng ở "Te Deum". Ông làm ''hồi sinh'' những giai điệu nhạc đồng quê Pháp, kết hợp chúng với những thang bậc mãnh liệt để phản ánh sâu sắc bối cảnh nước Pháp thời kỳ cách mạng. "D'amour l'ardente flamme" ("The ardent flame of love") là một giai điệu vĩ đại nhất trong chuỗi tác phẩm viết nên từ tâm hồn ấy. H.Berlioz sinh ngày 11/12/1803 tại quận Dauphine, Pháp. Khi còn nhỏ, thời gian chính của H.Berlioz dành cho việc học ở nhà. Cha ông dạy cho ông nhiều môn học khác nhau như tiếng Latin và văn học. Đương nhiên, ông cũng muốn con theo nghiệp mình là bác sĩ, vì vậy, Hector cũng sớm được cha truyền dạy cho những kiến thức y học cơ bản. Mặc dù H.Berlioz chơi khá thuần thục sáo và guitar nhưng ông chỉ được phép xem âm nhạc là một sở thích. Mục đích và hướng phấn đấu của ông tập trung vào ngành y. Y học và âm nhạc Năm 1821, ở tuổi 18, H.Berlioz rời gia đình lên Paris vào trường y khoa. Ông mô tả cảm giác đầu tiên của mình về một cuộc giải phẫu trong bệnh viện như sau: ''Khi bước vào cái nhà xác đáng sợ ấy, tôi thấy những gương mặt khủng khiếp với cái đầu vỡ toang, máu đầy nơi chúng tôi đứng, không khí ngập mùi xú uế, hàng đàn chim tranh nhau những mẩu thịt thừa, còn loài chuột chui vội vào xó xỉnh gặm nhấm những đốt xương dính máu... Một cảm giác ghê rợn khiến tôi muốn nhào ra cửa sổ và trốn chạy về nhà mặc dù tử thần với tất cả vẻ gớm ghiếc đang đè chặt đầu gối tôi, khiến tôi khuỵu xuống. Tôi phải mất đúng 24 giờ để tự mình thoát khỏi cơn sốc từ cái nhìn đầu tiên, tự mình thoát khỏi những âm thanh va chạm của tiếng dao kéo, của lưỡi kim loại chạm vào da thịt và thoát khỏi ý tưởng thà chết còn hơn theo đuổi nghề nghiệp này''. Quá nhiều ''xúc cảm'' khi mới khởi nghiệp làm ''bác sĩ'', chán ngấy những xác chết và các bệnh viện lạnh lẽo, H.Berlioz luôn luôn ấp ủ dự định theo đuổi công việc khác. Ông tiếp tục theo học trường y hơn một năm để đáp ứng ước nguyện của cha. Thời gian này, H.Berlioz gặp Đoàn nhạc kịch Paris và lập tức ''chìm đắm trong tình yêu'' với nó. Ông thường xuyên tham dự các buổi biểu diễn tại nhà hát và bắt đầu xao nhãng việc học ở trường. Khi cha H.Berlioz phát hiện con trai mình chăm chú vào âm nhạc, cụ nổi giận và kiên quyết buộc ông trở về ngành y. Tuy nhiên, khi ấy, H.Berlioz đã bắt đầu sáng tác nhạc. Khi ông demo ''sản phẩm đầu tay'' trước nhà soạn nhạc Lesueur, lập tức được Lesueur nhận làm học trò. Cuối cùng, H.Berlioz đã trở thành sinh viên Nhạc viện Paris, vừa đúng niềm đam mê, vừa lựa chọn âm nhạc như một ''nghề'' chứ không còn là sở thích. Lãng mạn H.Berlioz luôn luôn là người đàn ông tràn đầy cảm xúc đắm say, nồng nàn. Điều này được thể hiện một cách rõ nét trong tình yêu cuộc sống của ông. H.Berlioz không bao giờ che giấu cảm xúc về một tình yêu mạnh mẽ, cuồng nhiệt. Mới 12 tuổi, Hector đã ''mê tít'' một cô gái hàng xóm tên là Estelle lúc ấy vừa 18. Trong Memoir, ông đã mô tả rất nhiều cảm nhận, suy nghĩ của ông về Estelle. Ông viết: "Khi tôi nhìn vào mắt cô ấy, tôi cảm thấy như có luồng điện chạy qua người. Sự thật là tôi đã yêu cô ấy, đơn phương, vô vọng. Tôi không dám mơ ước, không dám nhen nhóm trong lòng một chút ánh sáng của niềm tin, tôi cũng không rõ chuyện gì đang xảy ra với tôi nữa. Nhưng tôi vô cùng đau khổ và hằng đêm trằn trọc trong nỗi cô đơn. Tôi như một con chim nhỏ bị thương, lao vào giữa vườn cây rậm rạp không lối thoát. Tôi bị ám ảnh bởi bóng hình của nữ thần tình yêu. Tôi phát điên khi thấy bất kể người đàn ông nào đứng gần thần tượng của tôi. Thậm chí tới bây giờ, tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ lại hình ảnh bác tôi nhảy với cô ấy''. Một tên tuổi khác có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tràn đầy cảm xúc của H.Berlioz là Harriet Smithson. Smithson vốn là một nữ nghệ sĩ chuyên biểu diễn những tác phẩm của Shakespeare năm 1827. Lần đầu tiên, H.Berlioz nhìn thấy cô trong vai Ophelia ở vở Hamlet (cũng là tác phẩm đầu tiên của Shakespeare được giới thiệu cùng công chúng Paris). Lập tức rơi vào lưới của thần tình ái, H.Berlioz gửi đến Smithson nhiều bức thư và công khai bày tỏ một tình yêu chân thành. Chưa từng đối mặt với những tình cảm ''nóng hổi'' ấy, Smithson sợ hãi và từ chối. H.Berlioz chán nản, thất vọng nhưng cuối cùng cũng thoát khỏi tình trạng này. H.Berlioz gặp nhiều phụ nữ khác trước khi ''tái ngộ'' với Smithson năm 1832. (Trong số những "bóng hồng'' đã lướt qua đời ông có Camille Moke, người đã chấp thuận lời cầu hôn của ông nhưng lại cưới một người đàn ông giàu có khác khi H.Berlioz còn ở Italy.) Cuộc gặp gỡ thứ hai cùng Smithson đã ''đốt lên đống tro tàn đã nguội lạnh'' của Hector. Khi ấy, sự nghiệp và danh tiếng ủa Smithson gặp nhiều trắc trở, cô rất cần ai đó ủng hộ, động viên mình. Thời gian này, H.Berlioz đã hoàn tất bản Symphonie fantastique - kể câu chuyện một chàng nghệ sĩ trẻ yêu thương thiết tha cô gái trong giấc mơ. Bản giao hưởng thể hiện tình yêu vô bờ của Berlioz dành cho Smithson. Khi tác phẩm được công diễn, Smithson vô cùng xúc động, còn Berlioz tiếp tục theo đuổi, cuối cùng, họ cũng thành hôn. Thế kỷ 19 ở Pháp, các tác phẩm của Shakespeare và Beethoven có ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc đến những nghệ sĩ theo chủ nghĩa lãng mạn. H.Berlioz cũng không nằm ngoài số ấy. Ông viết về Hamlet như sau: "Shakespeare tác động đến tôi như tiếng sét. Ánh sáng lóe lên trong không trung ấy làm tôi sống lại với thế giới nghệ thuật. Tôi hiểu đó là một cảm giác lớn lao, vĩ đại và đẹp đẽ, có thể cảm hóa được bất cứ ai trên thế giới này''. Khi Berlioz tình cờ gặp Beethoven, ông như người ngẩn ngơ: "Cú sốc quá lớn như thể tôi gặp Shakespeare vậy. Beethoven mở ra trước mắt tôi một thế giới âm nhạc mới mẻ, giống như Shakespeare làm hồi sinh trong tôi một vũ trụ thi ca''. Chuyến đi đầu tiên của H.Berlioz ra nước ngoài vào những năm 1842-1843 (tới Bỉ và Đức). Năm 1845, ông đến Vienna, Prague và Pest. Hai năm sau, ông đi thăm St. Petersburg và Moscow. Năm 1848, ông ở London khá nhiều thời gian. Trong các chuyến đi, ông tập trung vào việc nghiên cứu âm nhạc và nhận ra rằng, để trở thành một nghệ sĩ bậc thầy, ông phải rèn luyện thêm rất nhiều kỹ năng. Năm 1844, ông xuất bản cuốn sách chuyên đề đầu tiên về nghệ thuật phối khí và sáng tác. Tác phẩm cuối cùng của H.Berlioz là vở nhạc kịch dựa trên tác phẩm Much Ado About Nothing của Shakespeare và được trình diễn năm 1862. Năm 1854, Smithson qua đời. Những năm cuối đời của nhà soạn nhạc tài năng bao phủ bởi đám mây đen của bệnh tật và nỗi chán chường, thất vọng. Con trai ông mất khi mới 33 tuổi (năm 1867) cùng nhiều cú sốc khác khiến sức khỏe của H.berlioz suy kiệt dần. Ông từ giã cuộc sống ngày 8/3/1869 tại Paris, thọ 65 tuổi.
=> Đủ thập đại cao nhân chưa ạ ? Còn Tchaikovsky thì vẫn có tranh cãi không biết có được xếp vào hàng thiên tài không ???
OK, em sẽ ghi biếu bác một bộ nghe thử. Trong này còn có cả Fischer-Dieskau góp mặt. Em rất khóai chất giọng của ông này. Chất giọng nam trung cực hay. http://www.mwolf.de/biography.html Ông này hát nhạc Schubert cũng rất hay.
Theo tài liệu mà người ngoài hành tinh thu thập được trên con tàu vũ trụ không người lái do loài người phóng vào không gian, còn một số ông nữa sống trước thời, và sau thời các nhân vật kể trên, cũng được xếp hạng thiên tài âm nhạc. Tuy nhiên, tác phẩm của các vị trước thời này có vẻ như không hay nên sau này hiếm thấy tác phẩm được chơi và ghi âm lại. Có lẽ do các vị đó thiên tài ở chỗ là người khai phá ? Còn các vị được liệt danh kể trên đã đưa âm nhạc lên đỉnh cao chăng ??? Còn những vị sau thời (hơi sau một tí thôi) các vị kể trên lại được chơi rất nhiều, như Strauss chẳng hạn, vì gần gũi với cuộc sống hiện đại chăng???
[quote như Strauss chẳng hạn, vì gần gũi với cuộc sống hiện đại chăng???[/quote] => Cảm ơn bạn đã nhắc nhở. Tôi khoái nhất thứ nhạc đì đùng xoắn tít của lão này, sao lại quên lão mới lạ: Johan Strauss Khi Johann Strauss qua đời năm 1849 ở tuổi 45, cả thành phố Vienna đã để tang ông, thương xót cho một nhân vật vĩ đại phải ra đi quá sớm. Năm mươi năm sau, với Johann Strauss con, không có nhiều người ủng hộ thể loại nhạc Valse của ông, họ không coi trọng những bản nhạc của ông như các thể loại nhạc giao hưởng khác. Những người hâm mộ gia đình Strauss đã phải đối mặt với những cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn để thuyết phục mọi người rằng âm nhạc của họ lành mạnh hơn ngàn lần những trò giải trí vô bổ của giới quý tộc trong xã hội thượng lưu.Tuy nhiên đó cũng là một sai sót khi bảo vệ một tài năng, những đoản khúc ấn tượng trong khi vẫn tồn tại một lượng lớn giới hạn về kĩ thuật trong nhạc Valse. Những sáng tác đầu tiên của Strauss vẫn nằm trong phạm vi của những quy ước, ví dụ trong Radetzky March rất tráng lệ, rực rỡ, Strauss đã tạo ra biểu tượng của lực lượng quân đội Habsburg, còn Blue Danube của Strauss con thì được ví như hình ảnh thu nhỏ của chủ nghĩa khoái lạc lộng lẫy và rực rỡ của một thành phố Vienna tráng lệ. Nhạc khiêu vũ Những giai điệu tưng bừng và lộng lẫy trong nhạc khiêu vũ của Strauss là một phần không thể thiếu trong những buổi lễ hội mừng năm mới. Trong những buổi hoà nhạc đầu xuân, dàn nhạc chơi trên một sân khấu được bao phủ bởi rực rỡ các loài hoa, và nhạc của Strauss mang đến cho người thưởng thức niềm vui, niềm hạnh phúc và sự hứng khởi trong giây phút khởi đầu một năm mới. Trong những gian phòng khiêu vũ của giới quý tộc, các đôi trai gái say sưa hoà mình cùng giai điệu Valse của Strauss. Người ta không chỉ khiêu vũ vào buổi tối, trong gian phòng rực rỡ ánh đèn, mà các buổi dạ tiệc còn được tổ chức ngoài vườn, âm nhạc của Strauss “khiêu vũ” cùng tiếng chim... Radetzky March của Strauss bố đã được biểu diễn hàng năm vào buổi hoà nhạc mừng năm mới ở nhà hát thành phố Vienna, đây là một bước tiến vượt bậc, mang đến lễ hội Kỉ niệm những ông vua nhạc khiêu vũ của thành phố một không khí mới vui nhộn hơn, tưng bừng và hạnh phúc hơn. Sau này, Johann Strauss con đã có những bản Valse chiếm vị trí hàng đầu trong số các tác phẩm phục vụ triều đình . Có thể kể đến Thunder and Lightning, Vienna Blood, Acceleration, Talé from the Vienna Woods, và đặc biệt là Blue Danube – một trong những bản nhạc hay nhất của thế kỉ 19. (Bản nhạc này tính cho đến nay đã được thu thanh hơn 70 lần, nằm trong danh mục cùng với những bản giao hưởng của Beethoven). Một lần, Strauss đã tâm sự, rằng ông kế tục thể loại Valse của bố mình, và thực vậy cấu trúc trong các bản Valse của Strauss con có những nét rất giống với những tác phẩm trước đây của Strauss bố: phần dạo đầu chầm chậm, 5 lần tái diễn của điệu Valse và phần kết nhanh gọn. Ngoài ra, ông đã phát triển, mở rộng phần giữa, giới thiệu những ý nghĩa rộng lớn hơn của sự thống nhất từ đầu đến cuối tác phẩm, làm nổi bật sự biến hoá muôn màu của kết cấu, điều làm những điệu Valse của ông trở nên tráng lệ hơn. Tuy nhiên, đây là thể loại âm nhạc dành cho sự di chuyển, dành cho khiêu vũ, dành cho sự bay bổng và sức sống của mùa xuân tươi trẻ. Nếu bạn không có một phòng khiêu vũ, chỉ có thể lắng nghe những điệu Valse qua CDs thì hãy thử tưởng tượng ra mình trong một khu vườn mùa xuân tràn ngập tiếng chim và hương hoa thơm ngát cùng với những giai điệu tuyệt vời sảng khoái của Strauss. Hãy luôn mang theo mình một vài đĩa nhạc Valse, chúng sẽ làm bạn vui trong mọi hoàn cảnh, ở bất cứ nơi đâu trong những ngày đầu năm mới. Một số đĩa nhạc được ưa thích nhất . New Year's Day Concert 1989 Vienna Phiharmonic Orchestra; Kleiber. . Strauss Waltzes and Polkas Vienna Phiharmonic Ochestra; Krauss. Thưởng thức: Bản Champagne Polka
Có một ông Strauss mà không liên quan gì đến mấy bố con nhà Strauss kia. Đó là Richard Strauss. Em cũng khoái nhạc nhạc của ông này. Nhacj của Richard Strauss là loại nhạc mạnh mẽ hoành tráng và được viết cho những dàn nhạc khổng lồ. Nếu có dịp mời các bác nghe thử bản An Alpine Symphony, Một bức tranh mô tả một ngày trên núi Alps, một không gian âm nhạc thật rộng lớn.
=> Cảm ơn bác! Bác có thể gửi cho em theo 2 đường: . Một là qua anh Tyro, anh ấy sẽ có đường gửi cho em . Nếu không tiện thì bác gửi theo bưu điện (em sẽ PM địa chỉ cho bác)
Richard Strauss là một trường hợp, một hiện tượng nghịch lý của thế kỷ 20 và có lẽ là của toàn bộ lịch sử âm nhạc. Ngọn đuốc cuối cùng của chủ nghĩa lãng mạn. Một nhà thơ, nhà biên kịch bẩm sinh, nhà chỉ huy kỳ tài, nhạc sỹ huyền thoại với ý thức tôn trọng tối thượng đối với cá tính nhưng lại có phong cách không thuần nhất. Richard Strauss viết hầu hết các thể loại âm nhạc: hai giao hưởng, hai vở ballet, một số concerto cho các loại nhạc cụ, tổ khúc cho dàn kèn, hòa tấu, thính phòng, hợp xướng… Tất cả những tác phẩm này chỉ đại diện một phần hạn hẹp trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông. Những thể loại tạo nên một R.Strauss huyền thoại là: 10 bản giao hưởng thơ đặc biệt, được gọi là “Strauss’s Tone Poems” với những cách tân táo bạo. 15 vở opera điển hình cho âm nhạc sân khấu trữ tình, ca ngợi nữ giới, ngoài sự phát triển tâm lý rất sâu sắc, âm nhạc đôi khi hài hước, nhục cảm - huê tình. Và khoảng 150 lieder - ca khúc trữ tình cổ điển Đức. Nhân vật đa tính cách Richard Strauss sinh ngày 11/6/1864 tại Munich, trùng họ với những nhạc sỹ của điệu valse và operette Vienna quyến rũ, nhưng Richard Strauss không có quan hệ huyết thống với dòng họ Strauss (Áo). Cha ông - Franc Joseph Strauss là nhạc sỹ chơi kèn cor trong Nhà hát Hoàng gia ở Munich. Bạn bè tặng ông cái tên vừa thân thương vừa bái phục “Joachim của kèn cor” (Joseph Joachim là nhạc sỹ chơi violon nổi tiếng người Đức). Mẹ của Richard Strauss là một phụ nữ trí thức, yêu âm nhạc. Bà đã dạy piano cho con trai từ khi lên 4 tuổi. Sau đó, Strauss học piano với Tombo, violon với Walter ..v.v… R.Strauss sáng tác từ khi chưa biết đọc và viết chữ, lên 6 tuổi đã sáng tác “Polra của bác thợ may” cho piano, “Ngày lễ Noel” và 1 overture cho dàn nhạc. Song song với việc học tập âm nhạc, R.Strauss còn học văn học, triết học, mỹ học, lịch sử nghệ thuật … ở trường đại học tổng hợp. Richard Strauss là một con người có cá tính mâu thuẫn. Rất đẹp trai, quyến rũ, hóm hỉnh, khiêu khích… nhưng lại là một nhà kinh doanh chín chắn, sống trong một sự sung túc mà ông biết quản lý gia sản một cách xuất sắc. Năm 30 tuổi (1894) lấy vợ, một cuộc hôn nhân hạnh phúc với nghệ sỹ opera - Pauline de Ahna, ca sỹ biểu diễn các ca khúc của chồng thành công nhất, đồng thời diễn vai chính trong các vở opera của Wagner và Strauss. Việc sáng tác của ông được tiến hành đều đặn, thường xuyên theo một trật tự không đổi: cứ đúng 9 giờ sáng ngồi vào bàn làm việc, tiếp tục từ chỗ dừng lại ngày hôm trước, viết một mạch không ngưng nghỉ tới 13 giờ. Sau ăn trưa, chơi thể thao rồi tiếp tục viết đến chiều. Buổi tối dành cho công việc chỉ huy tại nhà hát… Và cái “thời khóa biểu” ấy không ảnh hưởng tới cảm hứng, cũng như những chao đảo, thay đổi của cuộc sống không cản trở việc sáng tác của nhạc sỹ. Một cường độ làm việc phi thường, một sức chịu đựng như người máy “máu lạnh” vậy. Richard Strauss đã từng là giám đốc nhà hát opera, lãnh đạo Hội âm nhạc Đức, Liên hoan âm nhạc Salzburg (Áo), viện sỹ Viện Hàn lâm nghệ thuật Berlin, danh hiệu tiến sỹ danh dự của các Đại học tổng hợp Haidelberg và Oxford… Richard Strauss luôn đấu tranh cho sự thật, chân lý, công bằng và tự do và ghét sự dối trá, bảo thủ và xxx xuẩn thường làm cho cuộc sống trở nên vẩn đục. Đại diện cho giới âm nhạc Đức, R.Strauss đã đấu tranh thành công cương lĩnh bảo vệ quyền tác giả và nâng cao đời sống cho nhạc công và diễn viên ở các nhà hát. Liên khúc trào lộng “Chiếc gương của con buôn” chính là dư âm sau những cuộc bút chiến căng thẳng ấy. Với tính cách táo bạo và tự do, nhạc sỹ đôi khi cũng gặp phải một số điều phiền toái. Giới quý tộc Đức không ưa chuộng ông. Ông là đối tượng theo dõi của Gestapo và một thời gian bị cấm xuất ngoại. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông sống ở London và bị chính phủ Anh tịch biên tài sản. Sáng chói một phong cách chỉ huy Được nhà chỉ huy lỗi lạc Hans von Bulow dìu dắt tận tình và nghiêm khắc, Richard Strauss từ một trợ lý, trải qua các vị trí chỉ huy thứ ba, thứ hai và trở thành chỉ huy chính của các nhà hát lừng danh ở châu Âu. Sự nghiệp chỉ huy của ông cũng rất rực rỡ. Đặc biệt, trong khoảng thời gian của thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 và đầu tiên của thế kỷ 20, khi mà cả 3 nhà chỉ huy lỗi lạc hùng cứ tại 3 nhà hát tên tuổi ở châu Âu cùng hợp tác, quyết tâm nâng cao trình độ nghệ thuật opera lên tầm cao mới: Richard Strauss (Nhà hát opera Hoàng gia Berlin); Gustav Mahler (Nhà hát opera Vienna) và Arturo Toscanini (Nhà hát Alla Scala ở Milan). Năm 1924, Richard Strauss thôi giữ vị trí là chỉ huy chính (chỉ giữ vai trò khách mời). Lần cuối cùng biểu diễn là sau khi hòa bình lập lại, vào năm 1947, ông xuất hiện lẫy lừng tại London khi đã ở tuổi 83. Ông trở về Đức và qua đời ngày 8/9/1949, thọ 85 tuổi. Trong buổi tang lễ, theo nguyện vọng của tác giả, phần Final của “Hiệp sỹ hoa hồng” được chơi để tiễn đưa nhạc sỹ tới nơi vĩnh hằng… Diễn tả về phong thái chỉ huy của Richard Strauss, Romain Roland viết: “Khi chỉ huy, Richard Strauss đắm mình trong điệu vũ cuồng tín, ngay sau đó những chi tiết tinh tế nhất rung lên như mặt nước trong veo gợn lên những đợt sóng lan tỏa như bị ai đó liệng hòn sỏi …Song Richard Strauss có một lợi thế là biết cách “nghỉ”, tự điều chỉnh, lấy lại sự cân bằng và bình thản, khi đó động tác của Richard Strauss trở nên mềm mại, lịch lãm, duyên dáng, rõ nét nhưng hết sức tiết chế như thể hướng về nội tâm. Và thật là lạ lùng, đến thời điểm tác phẩm biểu hiện cao trào vũ bão nhất, kỹ thuật khó chơi nhất thì Strauss chỉ huy rất “lạnh”, rất “thép”, thường thì chỉ bằng tay phải còn tay trái… Strauss đút vào túi áo gilet!”… Để lại những chỉ dẫn cho thế hệ chỉ huy trẻ, năm 1925, Richard Strauss viết album “10 nguyên tắc vàng cho các chỉ huy trẻ”. “Strauss’s Tone Poems” Người ta gọi những giao hưởng thơ của Richard Strauss như vậy, bởi chúng đã đi rất xa, thoát khỏi khuôn mẫu giao hưởng thơ một chương có hình thức sonat của chủ nghĩa lãng mạn mà F.Liszt là cha đẻ. Thực chất, chúng như những tấn kịch không lời mà trong đó những yếu tố thơ và yếu tố tâm lý nhân vật dường như lấn lướt yếu tố âm nhạc - những tác phẩm fantastic khổng lồ, là bộ phận táo bạo nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông - chúng xứng đáng giữ vị trí chủ bài trong các chương trình hòa nhạc cho tới ngày hôm nay. Trong thời đại của mình, Richard Strauss đã trải qua một cuộc hành trình đến chóng mặt của những biến đổi mỹ học âm nhạc, những đối lập về hình thức và nội dung, chứng kiến những giao hưởng sừng sững của J.Brahms và K.H.Stockhausen, những cách tân của C.Debussy, G.Mahler và B.Bartok, những phát triển cách mạng của I.Stravinsky, những đổi thay của trường phái Viên mới, cũng như những tìm tòi của Messiaen. Và ở cuối đời thì âm nhạc điện tử đã bắt đầu nhập cuộc! Richard Strauss viết 10 giao hưởng thơ có tiêu đề với nhiều phong cách khác nhau: Từ Nước Ý (From Italy - 1886), Macbeth (1887), Don Juan (1889). Cái chết và biến hình (Death & Transfiguration - 1889), Till Eulenspiegel (1895), Zarathustra nói như thế (Thus spoke Zarathustra (1896), Don Quixote (1897), Cuộc đời một nhân vật (A hero’s life - 1898), Giao hưởng gia đình (Domestic symphony - 1903) và An Alpen symphony (1915). Với “Don Juan”, Strauss lần đầu tiên dành được sự chú ý của giới âm nhạc bởi một nghệ thuật phối khí biến ảo khôn lường. Đỉnh cao của nghệ thuật phối khí được ông thể hiện ở “Don Quixote”. Hiểu biết rành rẽ khả năng diễn tấu của tất cả các nhạc cụ, với trực cảm rất cao trong xử lý âm nhạc phức điệu, ông thực hiện những kết hợp hết sức khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật tuyệt vời ở các nhạc công như một nghệ sỹ độc tấu. Tổng phổ dẫu có rậm rạp và dày đặc, với lối chơi sinfonia concertante kỳ diệu, mọi chi tiết đều hiện rõ, không hề bị che khuất, bị chìm ngập hay bị triệt tiêu. Những thị hiếu, những uẩn khúc tâm hồn, những khoảnh khắc biến đổi tâm lý, những bức chân dung tự họa được ông phô bày công khai, trung thực, không mất công ngụy trang, rất hồn nhiên. “Cuộc đời của một nhân vật” và “Giao hưởng gia đình” ra đời trong ý thức hệ chủ quan như thế. Chủ đề thiên nhiên xuất hiện trong bản giao hưởng thơ cuối cùng “An Alpen Symphony”. Âm nhạc của R.Strauss được viết dựa theo dàn ý có kết cấu chặt chẽ, vững vàng, song với thủ pháp liên tục gây ngạc nhiên, bất ngờ, tôn trọng sự tự do trong vận hành. Âm nhạc của ông bay bổng, không câu nệ vào cấu trúc, đồng thời ông cũng là bậc thầy khi sử dụng khả năng kích động thần kinh của những nghịch âm và tìm chọn cho chúng những điệu thức tương hợp. Sự duy trì không dứt của những nghịch âm, sự mơ hồ của những giai điệu được thu hẹp thành những motif phát triển liên tục cho tới điểm cực độ của cao trào. Thính giả hoàn toàn bị thu hút bởi hình ảnh, màu sắc lung linh muôn vẻ kiểu kính vạn hoa (kaleidoscop) trong âm nhạc giao hưởng của ông. Nghệ thuật opera Richard Strauss viết cả thảy 15 vở opera: Gubtram (1893); Thành phố không lửa (Fewersnot - 1901); Salome (1905); Elektra (1908); Hiệp sỹ hoa hồng (Rosenkavalier - 1910); Ariane ở Naxos (1916); Người đàn bà không bóng (1918); Intermezzo (1923); Nàng Helene Ai Cập (1927); Avabella (1932); Người đàn bà im lặng (1935); Ngày hòa bình (1936); Daphné (1937); “Huyền thoại vui vẻ” hay “Tình yêu của Danae" (1940) và cuối cùng là Capriccio (1941). Tất thảy những biến đổi về tâm lý, về quan điểm triết học cũng như mỹ học đều được bộc lộ qua các vở opera của ông. Trong số những vở opera, Salome và Elektra là 2 vở trong thời kỳ “đen tối” theo "chủ nghĩa Schopenhauer". Đó là tấn thảm kịch của sự cuồng loạn, đồi bại, nhục cảm và huê tình (Salome) và là sự điên cuồng do hận thù (Elektra). Mặc dầu vậy, ngôn ngữ âm nhạc của Salome hoàn thiện hiếm thấy, nó làm Debussy say mê bởi những màu sắc, tiết tấu tân kỳ. Có lẽ, sau sự thái quá của Salome và Elektra, tác giả muốn quay trở lại tính chất giản dị và sự sảng khoái thính giác, ông viết “Hiệp sỹ hoa hồng” trong phong cách cổ điển của Mozart, ướp một chút hương thơm cho âm nhạc bằng tính chất baroque nhẹ nhàng, kiệm ước về mọi phương diện. Cốt truyện không có gì nổi bật, đã có nhiều nhạc sỹ và nhà văn cộng tác trên chủ đề này như Da Ponte - Mozart, Boito - Verdi, Balzac - Bartok, song sự cộng tác ăn ý nhất và độc đáo nhất là của Hofmannsthal - Strauss. Với Rosenkavalier, Strauss đã rời bỏ trường phái biểu hiện Đức (Expressionisme), thu hẹp sự táo bạo trước đó của chính mình. Có lúc, người ta đã kết tội nhà soạn nhạc là tìm sự thành công trực tiếp bằng những thủ thuật, những trò "nhào lộn". Vở opera cuối cùng của thời kỳ baroque mới của R.Strauss là “Người đàn bà không bóng”. Sau đó, ông thích thú với phong cách chuyện trò âm nhạc và Internazzo chính là một thành công lớn về kỹ thuật trong thể loại tự sự này. Một số opera tiếp theo có thể coi như rơi vào giai đoạn “kiểu cách” của một R.Strauss khủng hoảng, nặng về gia công và có vẻ như sao chép lại chính mình. “Capriccio”, bù lại là một tác phẩm bậc thầy cuối cùng trong thể loại giải trí. Phong cách thanh nhạc và khí nhạc của ông cùng một lúc lại nở rộ, hết sức phong phú và đa dạng. Dàn nhạc trong opera của R.Strauss có quy mô vĩ đại, lớn chưa từng thấy trong thời đại của ông, chính nghệ thuật phối khí điệu nghệ đã biến dàn nhạc thành công cụ khí nhạc tuyệt vời dẫn dắt toàn bộ không khí của vở opera. Trải dài gần suốt thế kỷ sáng tạo với những thay đổi ngoạn mục qua nhiều phong cách, song Richard Strauss giữ vững phương châm sáng tác đã xác định từ đầu: “Hãy hứng khởi như Beethoven và Wagner. Hãy vững chắc như Brahms. Hãy làm chúa tể nghệ thuật phức điệu như Bach. Hãy biết phối khí tinh tế như Mozart. Hãy là những con người chân chính, trung thực của thời đại mình, và khi đó các vị sẽ là những con người của hiện đại!”
Hay quá bác người ngoài hành tinh ơi. Em thấy cái An Alpine Symphony rất là dễ nghe. Đoạn Night and sunrise nghe có cảm giác hình ảnh hiện lên rõ mồn một. Đầu tiên là lúc tờ mờ sáng có thể ấm âm thanh trầm trầm xa xăm sau đó là có cảm giá mọi vật được một màn sương che phủ rồi đột ngột những tia sáng đầu tiên lóe lên... Bản này Karajan trình diễn cũng khá thành công nhưng em lại thích bản do Herbert Blomsted chỉ huy dàn nhạc San Francisco.