Em sinh ra trong thời đất nước còn chia cắt, nhưng chỉ là cái thời khắc chào đời gọi là cho nó oai phong thôi chứ về nhận thức còn lưu lại trong trí nhớ thì cũng chẳng biết bom đạn là cái gì mà chỉ còn lại hình ảnh của cái việc đặt gạch xếp hàng mua dầu hỏa và gạo..... Cái thời ăn còn thiếu thốn chứ nghe ngóng gì đến chuyện âm nhạc, âm thanh. Cũng còn may, trong gia đình em cũng có người biết tọc toạch cái nghề điện tử nên trong ký ức em em còn láng máng một số thuật ngữ xưa cũ như chuyển hệ màu cho TV. rồi 33GY7, rồi 38 hét ra lửa(38HE7)....của những National, General... Ờ thì cũng nhờ trong nhà có người làm nghề nên sau giải phóng, em vô tình được tiếp xúc sơm với thế hệ băng cối Akai (cái thời cứ xe máy gọi là honda, cứ máy hát băng cối gọi là Akai, cứ cat xét gọi là Sharp...) với NHẠC VÀNG cùng những giọng ca như Duy Khánh, Mai Lệ Huyền, Hùng Cường được "vượt biên" ra Bắc. Nhưng có lẽ còn bé quá hay đồ nghề để test máy là cái loa rè tháo ra từ những chiếc radio của LX hay Bungari gì đó nên em chắng thế có và cũng chẳng thể nhớ nổi cái chất âm đích thực của nhạc Vàng nó thế nào. Ngày tháng trôi đi, nhạc Vàng đã có lúc như bị chìm vào quên lãng bởi 1 giai đoạn lịch sử của đất nước. Rồi mọi thứ cũng trở lại quỹ đạo chung. Kinh tế phát triển, nhu cầu thưởng thức cũng tăng theo và nhạc Vàng đã sống lại. Giờ đây nó luôn được song hành cùng với jazz, rock, pop...và được các bác nghe nhạc dành riêng cho nó một góc trân trọng, nhưng cái chất thật của nhạc Vàng thì e rằng đã mai một đi nhiều (Em cũng chỉ đoán vậy). Trí nhớ của em về cái chất nhạc Vàng nó không còn tồn tại nhiều bởi thời gian cũng như tuổi đời còn quá bé khi gặp gỡ nó. Nhưng giờ đây, em lại bắt gặp nhiều và rất nhiều cái gọi là nhạc Vàng đang vang lên ở mọi nơi. Tại nhà bạn bè, quán xá...Vẫn là những băng cối, vẫn là những cặp loa đã được đồn thổi nghe nhạc Vàng rất hay như các dòng AR, Pioneer, Ditton...vẫn những Hùng Cường - Mai Lệ Huyền của những Trường Sơn 1.2.3...nhưng giờ nghe thấy nó, em không còn hiểu tại sao ta vẫn có thể cố nhồi nhét vào tai nhưng thứ âm thanh cụt đầu, cụt đuôi méo xéo và kết luận đóng đinh rằng: Nhạc vàng nó phải như vậy. Em không tin! Chỉ tiếc rằng những bản thu âm tốt thật của nhạc Vàng giờ đúng là quý hơn Vàng và thâm chí chẳng còn nữa. Các bạn thế hệ mới, trẻ như em thật sự thiệt thòi khi không biết cái âm thanh thực chất của nhạc Vàng nó phải là thế nào mà hầu hết chỉ được nghe đồn thổi qua các diền đàn bàn luận về nhạc vàng mà thôi. Em yêu nhạc Vàng! Yêu vì nó thực sự hay và ít nhất mình cảm được lời ca sướt mướt của nó, và quan trong hơn cả nó gắn với ký ức tuổi thơ gần như đã phai mờ. Chỉ tiếc một điều, chất âm thật sự của nhạc Vàng thì không biết đâu là thực sự. Cái này chỉ có những bác "Audiophile" già có điều kiện từ thủa đất nước còn chia cắt mới có thể còn ký ức chính xác lột tả cho bọn trẻ tụi em đừng nhầm lẫn về cái chất âm của nhạc Vàng để thêm yêu quý nó. Còn em lờ mờ nhớ rằng và vẫn tin âm thanh của nó hay lắm, mộc mạc lắm. Cũng chi tiết, cũng trong sáng chứ không thể méo méo, đục đục, thiếu trên, hụt dưới....mang đậm chất nhạc vàng như vẫn đang nghe ở thời nay. Mặc dù yêu nó nhưng giờ đây em cũng chỉ sưu tầm những ca khúc thật sự xuất sắc và đôi khi nghe lại để mong muốn hồi ức lại thủa xa xưa thôi, để sống đúng với âm nhạc chứ thật sự chỉ là thưởng thức âm thanh để cho biết thế nào là nhạc Vàng thì em xin chịu cho đến khi được thực sự nghe lại những tài sản quý giá được lưu giữ cẩn thận. Hy vọng, vẫn còn đâu đó nhiều bác gìn giữ những tài sản vô giá này. ============ Nhạc vàng Bách khoa toàn thư mở Wikipedia "Nhạc vàng" ở phía Nam vĩ tuyến 17 Danh từ "nhạc vàng" xuất hiện tại miền Nam Việt Nam ở vùng do Việt Nam Cộng hòa kiểm soát vào những năm 1960. Vào cuối thập niên đó nhạc sĩ Phó Quốc Lân cho ra mắt ban "Nhạc Vàng" thuộc đài truyền hình Sài Gòn THVN để trình tấu định kỳ. Ông là tác giả những bản nhạc như “Xuân ly hương”, “Hương lúa miền Nam”, “Anh tôi” (nói về người lính Cộng Hòa), “Mong ngày anh về”, “Vui khúc tương phùng”.[1] Những hãng phát hành băng và đĩa nhạc cũng cho ra nhiều sản phẩm với danh hiệu "nhạc vàng" như hãng Hương Giang, hãng Dạ Lan của nhạc sĩ Anh Bằng, và hãng Shotguns[2] của Ngọc Chánh. Nhạc vàng sau đó được hiểu là thể loại nhạc tình êm dịu có tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi hoặc có nỗi lòng riêng tư của lính chiến mặc dù đang gánh trách nhiệm với đại cuộc.[3] Cho đến năm 1975, dòng nhạc này phổ biến ở Miền Nam.[4] Những tác giả với tên tuổi gắn bó với nhạc vàng là Trần Thiện Thanh, Anh Bằng, Nguyễn Văn Đông. "Nhạc màu vàng" ở phía Bắc vĩ tuyến 17 Ở Miền Bắc do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát thì từ thập niên 1950 đã du nhập khái niệm "nhạc màu vàng" từ Trung Hoa. Trong Hán ngữ nhạc màu vàng (huangse yinyue Hán Việt: hoàng sắc âm nhạc) được hiểu là nhạc tình thời thượng của thập niên 1930 phổ biến ở Thượng Hải. "Nhạc màu vàng" theo đó bị coi "là thứ âm nhạc lãng mạn bi quan, hoặc khêu gợi tình dục và những khát vọng thấp kém của xác thịt". Phong trào bài trừ "nhạc màu vàng" ở Trung Hoa thời Mao Trạch Đông cũng lan theo sang miền Bắc Việt Nam như trong những bài báo dịch lại từ tiếng Hoa, chống nhạc "ủy mị" vì thiếu tinh thần đấu tranh cách mạng.[3] Cũng vì vậy mà dòng nhạc tiền chiến thịnh hành trước năm 1954 cũng phải câm nín. Nhạc vàng sau năm 1975 (Thời kỳ cấm đoán) Sau năm 1975 danh từ "nhạc vàng" được dùng cho tất cả những tác phẩm âm nhạc ở miền Nam ra đời trong thời kỳ đất nước chia đôi và dòng nhạc này bị cấm[3][5] trên các phương tiện truyền thông. Cũng như những đề mục văn hóa khác ở miền Nam, âm nhạc Miền Nam bị gán thêm cái nhãn hiệu chính trị là "nhạc phản động" hoặc "đồi trụy" vì "ru ngủ", không thể hiện được con người xã hội chủ nghĩa lý tưởng. Kết quả là nhiều sản phẩm văn hóa trong đó có băng cassette, đĩa nhạc cùng những bài vở ghi chép nhạc vàng bị đốt.[5] Cũng theo nghĩa đó thì đối lập với nhạc vàng là nhạc đỏ tức dòng nhạc nêu cao chủ nghĩa cộng sản, mục tiêu giải phóng đất nước, đấu tranh giai cấp và ca ngợi tinh thần lao động. Dù vậy nhạc vàng vẫn được nhiều người ưa thích cả trong Nam lẫn ngoài Bắc vì nói lên được tình cảm cá nhân không gò buộc vào tập thể. "Nhạc vàng" do đó hàm ý vàng của quý kim mà người nghe phải lén lút để nghe vì nó cho người nghe cái tâm trạng "riêng" của con người trong khi xã hội chỉ cho phép cái ý thức hệ chung của tập thể.[6] Dù phải nghe trộm qua những buổi phát thanh của VOA hoặc BBC từ hải ngoại, người trong nước vẫn cố gắng tìm nghe bất chấp hình phạt của luật pháp.[7] Có thể nói nhạc vàng vẫn tiếp tục chiếm địa vị quan trọng trên thị trường âm nhạc và được dân chúng ưa chuộng hơn.[8][9] Đối với người Việt hải ngoại thì nhạc vàng trở thành một dòng nhạc chủ đạo trong thị hiếu người nghe nhạc. Các nhạc sĩ nổi tiếng của khuynh hướng nhạc vàng có Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh, Vinh Sử, Châu Kỳ, v.v.; và các ca sĩ là Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Giao Linh, Thanh Lan v.v. Hạn chế nhưng không còn cấm toàn bộ Mãi đến khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới thì các loại nhạc vàng mới dần dà được chính quyền xét lại và cho phổ biến một cách hạn chế tuỳ theo tác giả và tác phẩm. Năm 1986 lần đầu tiên chính quyền cho ra danh mục 36 tác phẩm âm nhạc của Miền Nam trước kia nay được phép công khai trình diễn. Danh sách này sang thập niên 1990 thì bỏ, trong khi dân chúng tìm nghe nhiều loại nhạc vàng. Thay vào đó là danh sách nhạc cấm thuộc thể loại nhạc lính Cộng hòa. Bộ Văn hóa đề nghị cổ xúy nhạc xanh, tức nhạc trẻ của thời đại Đổi Mới nhưng không thành công.[10] Trong khi đó số người nghe nhạc vàng ngày càng đông, không chỉ ở phía nam vĩ tuyến 17 và hải ngọai mà cả ở miền Bắc, thậm chí theo chân người Việt đi lao động ở Liên Xô và Đông Âu vào thập niên 1980. Sang thế kỷ 21, những nhà kinh doanh và tổ chức ca nhạc trong nước đã tổ chức nhiều buổi trình diễn nhạc vàng, đưa ca sĩ từ hải ngoại về hát vì dễ kiếm lời. Nhạc sĩ Võ Công Diên nhận xét rằng:“ "Nhạc vàng thực chất là dòng nhạc quê hương mang âm hưởng dân ca các vùng miền Tổ quốc, nó rất gần gũi với tâm tình của người Việt Nam chúng ta, do đó nó có sức cuốn hút đối với số đông. Chính vì yếu tố này, dòng nhạc quê hương luôn được đa số công chúng chọn lựa".[12] (Trich Wiki http://vi.wikipedia.org/wiki/Nhạc_vàng )
Ơi ! Sao có người lại trùng tư tưởng nhỉ , em cũng viết bài cảm nhận như Bác , nhưng chưa mở dược Topic . Âm nhạc với em nó thuộc về kí ức để cảm nhận . Dòng nhạc vàng này ngày trước được sử dụng như phân biệt một dòng nhạc ủy mị thiếu tinh thần ..... , nhưng vô tình ngày nay nó mang đúng ý nghĩa chữ VÀNG Bác ạh ! Có gì thay thế được vàng đâu . VÀNG vẫn mang giá trị riêng của nó chứ ! Em nghe băng cối, vâng ! Nó gợi cho em một kí ức những kỉ niệm xưa tràn về, những âm hưởng mộc mạc của tự nhiên nó làm sống lại một thuở tuổi thơ tuổi trẻ gian khó . Biết rằng bây giờ mình không thể nghe được âm thanh 999.9 như ngày xưa của các cụ , thôi đành nghe âm thanh vàng 95%, hay 18k (vàng trang sức) cũng được nhỉ.Đôi dòng chia sẻ .! Chúc vui ! P/s: Hôm nào em mở được Topic ( Âm nhạc - Kỉ ức - Cảm nhận), nó mang hơi hướng bài viết của Bác, Bác đừng kêu em đạo văn nhé ! :lol:
Cảm nhận của em về nhạc vàng: ca từ rất trao chuốc mộc mạc giọng ca sĩ rất truyền cảm như rót mật vào tai ,rất da diết nồng nàng tình cảm
Bolero lại sáng đèn TT - Bolero cũng như cuộc đời, có lúc chìm lúc nổi, lúc bị chê bai, nhưng cũng có lúc được xưng tụng như điều không thể thiếu. Giữa đời sống âm nhạc nhiều xáo trộn vẫn có một lớp ca sĩ trẻ chọn bolero làm sự nghiệp. Kỳ 1: Hát theo nhịp buồn Xuất thân là một cô giáo ở trường tiểu học, Cát Tiên vẫn hay hát nghêu ngao những giai điệu nào vẳng lên trong đầu như một thói quen sau các buổi dạy. Và thật lạ, cái ngày mà Cát Tiên nhận ra những bài hát mình thích và hay hát luôn là những câu hát của dòng bolero. Không phải hằng năm mà là hằng tháng, hằng tuần vẫn có những cô gái, chàng trai... rụt rè tìm đến một nơi nào đó để gửi niềm tin, hi vọng có được một ngày cất tiếng hát theo mơ ước của mình. Những ngày hoa mộng Hát cho mình, và hát cho người là ngàn câu chuyện của các tín đồ bolero từ khi dòng nhạc này khởi sự ở miền Nam. Trong bài Đập vỡ cây đàn, tác giả Tùng Vân và Tuyết Sơn có ghi lại hết sức cô đọng: "Em bảo tôi rằng, anh đi học đàn. Để đàn theo lúc em ca, những ngày hoa mộng đời ta...". Sài Gòn vào thập niên 1950-1960, những lò luyện "gà" ca hát thường là những thầy nhạc và thầy đờn có kinh nghiệm, biết cách bẻ giọng hát theo những kiểu luyến láy đặc biệt mà chỉ bolero mới có. Những cách thả chữ, xuống câu... luôn là phương thức để đánh giá trình độ hát và năng khiếu của người ca sĩ. Do đó Sài Gòn mới hình thành những cái tên khó ai quên như "nữ hoàng sầu muộn Giao Linh", đã hát là như níu tim người vò xé; hay "con nhạn trắng Gò Công" Phương Dung, tiếng hát bay bổng và dìu dặt khó quên. Phương thức của các danh ca bolero ngày xưa là tập hát các bài thành danh của các đàn chị và mài cho bén một bài hát để đóng đinh sự nghiệp của mình. Một bài hát, các ca sĩ ngày xưa hát đi hát lại, hát đến muốn xỉu mà thầy chưa cho nghỉ, rồi lại phải tìm cách hát cho ngọt, cho khác lạ... để có được cái riêng, mở đường cho đời mình. Bởi vậy, đã nghe Nỗi buồn hoa phượng thì phải nhớ Thanh Tuyền, giọng hát như con ve khóc hờn; mà nghe Thành phố buồn thì phải nhớ Chế Linh, hát như thở lần cuối, rụng rời. Nhiều chục năm sau, Sài Gòn vẫn cứ vậy, những cô gái như Cát Tiên lại tìm đến ánh đèn màu, lơ ngơ và cất tiếng hát, chất chứa muôn ngàn hi vọng. "Những bài hát ở miền Nam này cứ ám ảnh, làm tôi thích vô cùng mà không hiểu tại sao mình thích, dù tôi sinh ra ở miền Bắc", Cát Tiên kể. Cô gái này cũng nói nhiều người khuyên cô nên hát nhạc trẻ hoặc tiền chiến sẽ dễ "lên" hơn, nhưng thật khó nói, trái tim của cô đã theo nhịp bolero mất rồi. Học một nghề và đợi một cơ hội Tương tự Cát Tiên, Huỳnh Thật - một giọng ca nam đến từ Long An - cũng mày mò tìm đường đến bolero theo kiểu cất tiếng hát cầu may. Và họ là những người hết sức may mắn trong hằng hà sa số ca sĩ trẻ đang mộng làm nghệ sĩ. Một phòng trà ở quận 3, TP.HCM, với ông chủ trẻ cũng là một người mê bolero, đã nhận thấy chất ngọt ngào và thu hút rất đặc biệt từ hai giọng ca này và ký độc quyền với họ trong một thời gian dài. Có thể tạm gác lại những ngày mơ hồ và mong manh với công việc, đôi bạn trẻ đang dành toàn thời gian để trau chuốt cho sự nghiệp của mình giữa một thị trường nan giải với bài toán khó trước ưu thế của các nghệ sĩ phấn son nhảy múa, quần áo và ngôn từ đẹp hơn là khả năng chinh phục người nghe bằng tiếng hát lời ca. "Tôi giữ tên mình là Thật, như là nghệ danh, vì chỉ muốn mình hát thật, tình cảm thật để sống với nghề", Huỳnh Thật nói, giọng vẫn "bẹt" và chơn chất như của bao người miền Tây. Đó là cách vào nghề đầy tính truyền thống của một lớp ca sĩ phía Nam, chọn một nơi để đầu quân, chọn một nơi để học nghề và đợi một cơ hội. Cách thức đó từng làm nên không biết bao nhiêu tên tuổi của dòng bolero thế hệ sau mà không thể không nhắc tới: Ngọc Sơn, Đình Văn, Thạch Thảo, Hạnh Nguyên, Thùy Trang, Cảnh Hàn, Hà Phương, Trần Sang... Tuy có lúc các phòng trà, quán bar từ chối thẳng thừng những người hát dòng nhạc này vì coi đó là "rẻ tiền". Chỉ có tụ điểm văn hóa, các đoàn ca nhạc đi tỉnh... mới là nơi nâng đỡ họ. "Sang" hơn và mãnh liệt hơn Rồi thời gian đi qua, sức hút của bolero lan dần và buộc các quán cà phê nhỏ, quán bar, thậm chí ngay cả những chương trình ca nhạc thuộc hàng lớn nhất nhì của cả nước cũng phải thay đổi thái độ và chào mời những ca khúc, những con người của thể loại này. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng một lớp nghệ sĩ mới, mang đầy những chuyển động cách tân âm thầm, khiến bolero đột nhiên "sang" hơn và tỏa lan sức hút mãnh liệt hơn. Chính điều đó khiến các nhà sản xuất, các nơi biểu diễn phải hối hả tìm lại và mời mọc. Khó ai có thể nói hát như Quang Lê là đơn giản như nhạc "sến" của nhiều thập niên trước, hoặc khó mà tìm được một giọng hát thanh thoát, đẹp và biểu trưng cho bolero thời nay như Mai Thiên Vân. Thậm chí với Lệ Quyên, với cách pha trộn kiểu hát giọng Bắc hơi Nam, bỏ vào một ít kỹ thuật của phong trào thanh nhạc hôm nay, cũng đã làm nên một làn sóng thưởng thức mới, gom hết phần khán giả khó tính còn lại vào thánh đường cách tân của bolero. Sân khấu bolero lại sáng đèn, những ca sĩ của bolero một lần nữa lại bừng lên niềm tin rằng họ đã chọn không sai đường. Những người sáng tác cho dòng nhạc này lại tự tin và chắc tay hơn. Và bolero hơn bao giờ hết, lại dìu dặt với niềm kiêu hãnh phong lưu phố thị của mình. Bolero cũng tạo ra làn sóng trên Internet Không phải ai từ đầu cũng tự nhận ra mình thích hợp với bolero, Đoàn Minh là một ví dụ. Nhiều năm trước yêu ca hát nhưng lại không hề biết mình có thể sống được với loại nhạc chậm rãi và đầy tình cảm này, Minh từng tham gia một nhóm nhạc nam chuyên hát nhạc dance và hip hop. Rồi đột nhiên khi tự mình hát thử vài bài như Lá thư cuối cùng (Mộng Long), Giã từ (Tô Thanh Tùng), Đoàn Minh quyết định chọn một con đường mới dù không biết sẽ về đâu. Tương tự những hiện tượng được tìm thấy của giới nhạc trẻ trên Internet, tuy không ồn ào, nhưng album riêng của Đoàn Minh mang tên Tình tri âm (ảnh) đã tạo nên một làn sóng thắc mắc về cái tên Đoàn Minh, một giọng ca bolero mới ngọt ngào và sang trọng. Minh cũng lập nên những kỷ lục của mình như bản ghi âm Lá thư cuối cùng có tới gần 400.000 lượt nghe và tải về. "Chậm, nhưng cuối cùng Minh cũng đã tìm thấy điều gì mình cần theo đuổi đến suốt đời", Đoàn Minh nói. Bolero lại sáng đèn - Kỳ 2: Dù sến hay sang TT - Muôn dặm đời người, ít có ai là người VN mà chưa một lần nghe hoặc ong ong trong đầu một câu ca của dòng nhạc bolero, đặc biệt là những người sống ở phía Nam. Bolero len lỏi vào cuộc đời và nhịp sống của người dân đô thị theo một kiểu khác, với những người ở thôn quê theo một kiểu khác; nhưng bất luận đó là kiểu nào, âm điệu chập chùng và gần gũi của bolero đều ăn sâu vào sự thưởng thức của nhiều thế hệ, một cách độc đáo đến mức mà có lẽ cần phải có một nghiên cứu khoa học chỉn chu mới có thể nói hết được tác động của loại âm nhạc này với tâm hồn Việt. Vì sao "sến"? Khác với rất nhiều kiểu âm nhạc mà người Việt từng thưởng thức, bolero phần lớn là những câu chuyện kể hồn nhiên, là những sự chia sẻ cảm giác của mình về tình yêu, về cô đơn, về số phận giàu nghèo, may rủi, tình bạn bè... Sự đa dạng trong đề tài của bolero là một trong những yếu tố mạnh mẽ để người ta có thể gióng giọng hát hàng giờ không biết chán với một guitar thô hoặc "nghèo" hơn thì gõ muỗng. Một trong những tìm hiểu về bí ẩn của bolero là nhịp điệu. Khi chuyển hóa từ thể loại nhạc bolero gốc của âm nhạc Latin như một loại nhạc khiêu vũ chịu ảnh hưởng nhiều từ các hình thức của những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha và biến thể của người Cuba sang VN, nhịp điệu chậm dần và hòa hợp với tính cách của người Việt theo một kiểu rất riêng. Rất thú vị, nếu chỉ cần chú ý, người chơi bolero VN sẽ tìm thấy nhịp điệu tương đương 60 (bpm) của dòng nhạc này trùng hợp hết sức ngẫu nhiên và độc đáo với các bài ca cổ, cải lương - vốn là thứ "khoái khẩu" của dân Nam bộ. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta có một thời gian dài gọi bolero - tên gọi gần như được định hình khoảng ba năm nay - là nhạc "sến". Ðã có rất nhiều tranh cãi và giả thuyết về cái tên khó hiểu này. Tuy nhiên, giả thuyết hợp lý và đủ các chứng cứ nhất vẫn thuộc về chuyện gọi nhại theo tên của minh tinh màn bạc người Áo là Maria Schell (1926-2005). Lý do của việc nhại theo này là kết quả của sự châm biếm của nhà báo Tuấn Huy, viết cho tạp chí Kịch Ảnh. Sài Gòn những năm 1950 và 1960, là thời di cư của rất nhiều thanh niên thiếu nữ từ thôn quê lên thành thị mưu sinh, bao gồm làm lái xe, người ở, bán báo, chạy bàn... Ðó cũng là thời sính Tây, không ít anh chị tự đặt tên cho mình như Tí Clark Gable, Hường Claudia Cardinale... Những chủ nhật, lớp người trẻ này hẹn hò nhau và cùng thảo luận về những cuốn phim diễm tình đầy nước mắt của nữ diễn viên Maria Schell, người từng được báo chí Ðức mệnh danh là nữ diễn viên thế hệ trước chiến tranh, lừng danh là có lối diễn xuất "cười vui mà như lòng nhỏ lệ". Những cuốn phim này lúc đó cũng làm thổn thức nhiều trái tim nam nữ, không kém đợt sóng của nữ sĩ Quỳnh Dao (Ðài Loan) vào thập niên 1960-1970. Cười vào một lớp người học đòi và hay trải lòng chuyện yêu đương của mình một cách dễ dãi và cũng hay tự bi kịch hóa hoàn cảnh của mình, tác giả Tuấn Huy, trong một số báo vào năm 1963, đã là người đầu tiên chuyển chữ Maria Schell này để gọi các cô là "Mari Sến". Và chữ "sến" này dần dần được chỉ đến các bài hát rất ảo não thời đó về chuyện tình đôi lứa, đặc biệt qua tiếng hát của Chế Linh hay Hùng Cường... Nhưng đó chỉ là một giai đoạn của âm nhạc bolero, khi bị áp đặt cho cái tên "sến", mặc dù nhiều ca khúc của dòng nhạc này mỗi lúc một trở nên sang trọng, độc đáo hơn và thấm sâu vào đời sống của từng con người hơn. Một phong vị độc đáo Ngay cả những lớp người theo Tây học, luôn tự cho mình là sang vẫn không giấu được sự thích thú khi tự mình hát lên một bài hát bolero một giây phút nào đó. Bolero như di chuyển vào từng mạch máu, từng thớ thần kinh và ngắt đoạn mọi suy nghĩ đưa người ta vào một thế giới thanh thản của hiện tại, đặc biệt là gợi lại muôn vàn ký ức trong quá khứ, dù đó là đắng cay hay mộng đẹp. Thích hay không thích nhạc "sến" đó là chuyện của mỗi cá nhân, nhưng không có nó, các đô thị miền Nam thiếu hẳn chất "giang hồ" của con người Nam bộ bên bàn nhậu, thiếu hẳn một phong vị độc đáo như linh hồn của đời, của phố, của người. Nhạc "sến" thì ai ca cũng được, nhưng để là một danh ca bolero thì không phải đơn giản. Tiếng hát của dòng nhạc này lúc thì đòi hỏi phải nhiều kỹ thuật, nhưng cũng có lúc chỉ cần một cái hồn sẻ chia, bất chấp các chi tiết yêu cầu của thanh nhạc. Ðiều thú vị nhất là các ngôi sao giả, hát nhép, đẹp và hát dở... không bao giờ có thể bước vào dòng nhạc bolero này. Và thậm chí danh ca bolero mỗi khi cần phải hát nhép để thu hình, đối với họ cũng là một cực hình. Cũng như cuộc đời, bolero có lúc chìm lúc nổi, lúc bị chê bai, nhưng cũng có lúc được xưng tụng như dòng nhạc dễ nhớ nhất của tất cả mọi người. Nhưng mặc cho dòng đời xô đẩy, bolero vẫn dìu dặt ở từng góc cầu cho đến sân khấu lớn, không bao giờ có thể mất đi trong sự rung động của trái tim người yêu nhạc, đặc biệt là niềm tự hào là một mảng văn hóa hết sức độc đáo của miền Nam. Bolero hay boléro? Với khuynh hướng Tây học, nói theo tiếng Pháp, boléro có thêm dấu sắc, nhưng hoàn toàn tương tự như bolero nói theo tiếng gốc Tây Ban Nha, tên gọi này nhằm mô tả một loại âm nhạc lãng mạn, hơi chậm và mượt mà. Khuynh hướng bolero của Tây Ban Nha có phần nhanh hơn ở Cuba. Bolero khởi đầu là một loại nhạc khiêu vũ ở Tây Ban Nha và du nhập thịnh hành ở Cuba từ những năm 1800. Người sáng tạo ra điệu nhảy bolero là một vũ sư người Tây Ban Nha, tên Sebastian Cerezo, với những buổi giới thiệu điệu nhảy này đầu tiên vào năm 1780. Ðến VN, thịnh hành ước chừng vào những năm 1940-1950, điệu bolero chuyển hóa thành một thể thức của VN với nhịp điệu chậm rãi và dìu dặt hơn, trong khi bolero ở bên ngoài có nhịp 3/4 thì người Việt biến thành 4/4 và tạo ra những âm điệu riêng. Cho tới nay, nhiều người trong giới sáng tác vẫn cho rằng người viết tân nhạc điệu bolero đầu tiên có lẽ là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, vào năm 1950, với bài Duyên quê. TUẤN KHANH __________ Kỳ 3: Mạch ngầm và sông suối
Bolero – một lịch sử tình ca - Sức sống của bolero Việt không nằm ngoài dòng chảy miệt mài hơn trăm năm của dòng nhạc bolero thế giới, bắt đầu từ nơi khởi xướng là đảo quốc Cuba. Quả là ý tưởng kỳ cục khi nghĩ về những bản tình ca sang trọng lay động hàng triệu con tim như “Besame Mucho”, “Guantanamera”, “My Heart Will Go On” hay thậm chí “Yesterday” của nhóm nhạc lừng danh Beatles như những bản bolero – điệu nhạc “sến rện” và bình dân trong cái nhìn định kiến của nhiều người. Pepe Sánchez (cầm guitar, bên trái), một trong những người chủ xướng và định hình phong cách đặc trưng cho bolero Cuba. Nhưng người ta cho rằng, chúng là những bản bolero nổi tiếng bậc nhất thế giới, minh chứng cho những đỉnh cao và sự bền bỉ của một trong những dòng nhạc đứng vững như một biểu tượng văn hóa đại chúng của các nước Mỹ La Tinh. Theo hai tác giả Lisa Shaw, Stephanie Dennison của cuốn sách Pop Culture Latin America!: Media, Arts, and Lifestyle (Văn hóa đại chúng Mỹ La Tinh: Truyền thông, Nghệ thuật và Lối sống), hầu hết giới nghiên cứu cho rằng nhạc bolero xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 19. Những bài bolero đầu tiên khởi sinh từ Cuba, nhanh chóng lan tỏa và bén rễ sang các đảo quốc ở vùng biển Caribbean và Mexico. Thăng trầm của trăm năm Những sáng tạo đầu tiên khởi đi truyền thống hơn trăm năm của bolero là từ Santiago, thành phố xinh đẹp phía đông nam đảo quốc Cuba, nơi thịnh hành những nghệ sĩ du ca dùng guitar đàn hát để kiếm sống trong ba thập niên cuối của thế kỷ 19. Một trong những người chủ xướng, định hình phong cách đặc trưng cho bolero là Pepe Sánchez (1856 – 1918), một nghệ sĩ – thầy giáo, người đã sáng tác bản bolero đầu tiên Tristezas (Những niềm đau) vào năm 1883 hoặc ít lâu sau đó. Bản nhạc cho đến nay vẫn còn được hát. Nhưng như các thể loại khác, bolero không bước ra từ khoảng không. Cái nôi của bolero được cho là từ một điệu nhạc nhảy theo nhịp ¾ ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 18. Dù cùng tên, nhưng điệu bolero mới ra đời gần như không nợ nần gì với nguồn gốc, bởi nó đã thay đổi nhịp thành 2/4, và sau đó là nhịp 4/4. Tuy nhiên, bản thân nó cũng pha trộn nhiều điệu nhạc gốc châu Âu và gốc Phi thịnh hành đương thời như danza, habanera, trova, son, minh chứng bởi tiếng đệm đàn guitar và sự ảnh hưởng lên giai điệu. Los Panchos, một trong những nhóm nhạc bolero nổi tiếng khu vực châu Mỹ La tinh vào những năm 30 của thế kỷ 20 và sau đó Sức hấp dẫn của dòng nhạc nhảy chậm buồn và lãng mạn giúp bolero nhanh chóng vượt biển sang đến Mexico, các nước vùng Caribbean, xuống đến các nước Nam Mỹ như Brazil, Argentina, Columbia, Chile, Venezuela, Ecuador, Bolivia…, quay trở lại cái nôi của nó là Tây Ban Nha. Thời hoàng kim của Bolero ở các nước Mỹ La Tinh bắt đầu từ những năm 1930, kéo dài liên tục trong suốt ba thập niên, với những nghệ sĩ nổi tiếng như Antonio Machin, cặp song ca Los Compadres (Cuba), nhóm nhạc Los Panchos, Los Hermanos Martínez Gil và Trío Tarácuri, Agustín Lara (Mexico), Lucho Gatica (Chile)…Thời kỳ này, bolero còn ảnh hưởng sang thế giới nói tiếng Anh, được trình diễn bởi nhiều nghệ sĩ Mỹ như Bing Crosby, Nat King Cole hay Frank Sinatra. Có lẽ bản bolero nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là Bésame mucho (Hãy hôn em thật nhiều, 1941), được nữ nghệ sĩ người Mexico Consuelo Velásquez sáng tác vào năm cô chỉ mới 15 tuổi. Bài hát tình tứ mà tình nhân dành cho nhau hóa ra lại là tâm sự của một cô bé chưa một lần được hôn, đang mơ mộng một cuộc tình lãng mạn. Không chỉ phổ biến trong khu vực Mỹ La Tinh, bài hát đến nay vẫn được rất nhiều ca sĩ tên tuổi trình diễn như Tona la Negra, Ruth Fermández, Luis Miguel. Thậm chí, Bésame Mucho từng xuất hiện trong album ghi âm năm 1962 The Beatles Live at Star Club in Hamburg của nhóm nhạc The Beatles. Bésame mucho, một trong những bản bolero được hát nhiều nhất trên thế giới Sự ủy mị thuần khiết Mặc dù, theo thời gian, bolero đã có nhiều thay đổi cả về giai điệu lẫn sức ảnh hưởng, có thêm nhiều biến thể như bolero son, bolero moruno, bolero mambo, bolero beguine, bolero feeling, bolero ranchera. Các ý kiến đánh giá đều cho rằng bolero là phong cách âm nhạc đầu tiên của Cuba có sức ảnh hưởng rộng khắp thế giới đầu tiên và đạt được những thành tựu được công nhận trên toàn cầu. Điều thú vị là bất kể màu sắc âm nhạc có thay đổi tùy theo bối cảnh văn hóa bản địa, bolero vẫn luôn giữ lại cho mình một đặc trưng thuộc về ca từ. Dòng nhạc bolero Việt Nam cũng không nằm ngoài đặc trưng này. Đó là những bản nhạc có ca từ thể hiện tình cảm, các quan niệm về tình yêu và cuộc sống, được viết ra bằng phong cách ngôn từ sáng rõ, mộc mạc và chân thành. Chúng thường bắt đầu bằng một hồi ức, kỷ niệm riêng tư nhưng lại điển hình, chạm tới hoàn cảnh phổ biến của số đông người nghe. Nhiều ca sĩ trẻ như Lệ Quyên (ảnh) chọn bolero làm hướng đi cho sự nghiệp âm nhạc Ngoài câu chuyện tự sự về cuộc đời dâu bể, lẽ hợp tan, nhân tình thế thái, phần lớn các bản bolero là nhạc tình, trong đó lời ca và tiếng nhạc chậm đều trở thành hai yếu tố cộng hưởng, dìu bước chân của đôi bạn nhảy trong khoảnh khắc riêng tư và không ngừng nghỉ. Chủ đề tình yêu cùng cung bậc xúc cảm, hệ lụy của nó, từ những hẹn hò, đam mê thầm kín cho đến hạnh phúc bị ngăn trở, hờn trách của người yêu vì những ngày xa cách… được đề cập trong các bản bolero đôi khi sáo mòn, hoặc đơn giản quá mức, khiến nó bị cho là ủy mị, dù thuần khiết và chân phương. Trước sự thống trị của những thể loại nhạc điện tử, rock, hip hop, bolero những năm gần đây có nhiều cố gắng phục hưng để trở lại như một trong những dòng chảy chính của âm nhạc toàn cầu. Ấn tượng nhất trong số những nghệ sĩ trình diễn bolero đương đại phải kể tới Luis Miguel, sinh năm 1970, là nghệ sĩ từng có album bolero Romance được đề cử giải Grammy năm 1992, danh tiếng khắp từ châu Mỹ tới châu Âu. Anh đã ghi âm lại nhiều ca khúc bolero kinh điển như Treachery của Alberto Domínguez, Only Once của Agustín Lara…trong phát hành năm 2002 My Favorite Boleros. Một nỗ lực khác đi tìm sự phục hồi cho bolero là nghệ sĩ José Luis Rodriguez, nổi tiếng với nghệ danh El Puma, đã phát hành nhiều album bolero, trong đó có album gồm 2 CD Unforgettalbe (1997 – 1999), hát lại những ca khúc của Los Panchos, một trong những ban nhạc bolero kinh điển. Những nghệ sĩ như Gloria Estefan ở Mỹ hay Ana Gabriel ở Mexico cũng có những lần trở lại với bolero. Minh Chánh Trúc Phương: đời buồn như những bản bolero http://www.dongnhacxua.com/truc-phuong- ... ban-bolero
Bolero và kỷ niệm với nhạc sĩ Trúc Phương LTS: Loạt bài "Bolero lại sáng đèn" đã nhận được hơn 100 email phản hồi của độc giả yêu thích dòng nhạc bolero. Nhiều độc giả cũng chia sẻ thêm những kỷ niệm của mình gắn với các ca khúc thuộc dòng nhạc này. Tuổi Trẻ trích đăng: Khoảng giữa năm 1985, nhạc sĩ Trúc Phương - người từng được xem như là "ông hoàng" của dòng nhạc bolero - được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Trúc Phương có dáng người cao, lưng hơi tôm. Anh bị cận thị, lãng tai và mắc bệnh suyễn nặng. Anh có thói quen ăn mặc rất chỉnh tề, thích ăn ngọt và không uống rượu. Sau khi chia tay vợ, đã có mấy phụ nữ thoáng qua cuộc đời anh... Mỗi khi quen với chị nào, anh thường tặng nhạc do anh mới sáng tác cho mỗi chị. Hà, vợ tôi, là liên lạc viên rất tích cực cho những cuộc tình chóng vánh này. Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào năm 1988, lúc này Trúc Phương đang sống ở Sài Gòn, tôi đang theo học Trường đại học Mỹ thuật. Ngoài giờ học, tôi cùng một số bạn bè đi làm thêm về mỹ thuật cho nhà hàng Ðại Dương (nằm trên đường Kỳ Ðồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế, Q.3) do thầu khoán Chín Củi lãnh xây dựng. Anh Chín Củi gốc là dân Trà Vinh, quen thân với anh Trúc Phương, đã cưu mang anh trong thời gian này. Gần chỗ công trình đang xây dựng có một quán cơm bụi giá rẻ như bèo. Hằng ngày, chúng tôi thường cùng ra ăn cơm ở đó. Hôm đó nhằm chiều thứ bảy cuối tuần, anh Chín Củi dẫn cả bọn tôi ra quán cơm bụi này để bồi dưỡng ...cơm bình dân và lai rai rượu thuốc. Anh Trúc Phương dù không uống rượu nhưng cũng ngồi chung với chúng tôi. Cuộc vui kéo dài nửa chừng, trời bắt đầu mưa tầm tã. Bất chợt có hai người hành khất, một cụt chân, một mù hai mắt đội mưa bước vào! Cả hai - một đàn guitar thùng, một hát bài Mưa nửa đêm. Lúc đó ánh mắt của anh Trúc Phương tối sầm lại. Anh lẩm bẩm: "Nhạc của mình biến thành nhạc ăn mày rồi!". Thấy vậy, anh Chín Củi đứng dậy, kéo tay hai người hành khất kia, miệng nói: - Lại đây hai chú em, ngồi xuống cùng ăn cơm và lai rai với chúng tôi cho vui. Khi cả hai cùng ngồi xuống, bất chợt Trúc Phương buột miệng: - Hai chú mày hát nhạc của ai, biết không? Một người nhanh nhảu trả lời: - Dạ biết, nhạc Trúc Phương đó! Trúc Phương cười buồn, mắt ngân ngấn nước: - Trúc Phương chính là anh, chính tác giả đây! Hai người ăn mày sửng sốt trong giây phút, rồi người cụt chân chợt quỳ sụp xuống, hai tay nâng cây đàn lên ngang mày, miệng nói: - Ôi, em xin bái kiến sư phụ. Em hát nhạc của sư phụ, mãi đến hôm nay mới được diện kiến sư phụ. Xin sư phụ chỉ giáo cho em! Trúc Phương cầm lấy cây đàn: - Ðể anh hát tặng mấy chú em bài hát này nhé! Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay/ Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đây/ Nên những khi mưa nửa đêm/ Làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm... Anh hát say sưa giữa hè phố Sài Gòn, hát tặng những người hành khất trong một quán cơm nghèo! Những người lao động có mặt trong buổi chiều mưa hôm đó ngồi lặng lẽ rồi lần lượt đến vây quanh anh. Cô bé con chủ quán cơm xúc động, giơ tay dụi mắt giấu lệ! Hôm ấy, Trúc Phương hát như một lời than đau đớn... Ấy vậy mà đã 16 năm trôi qua, kể từ ngày anh qua đời, 21-9-1996. Tôi ghi lại những dòng này để thay nén hương tưởng nhớ hương hồn anh, một nhạc sĩ đã để lại cho đời những bài nhạc bolero đi sâu vào lòng người như: Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Ðò chiều, Tàu đêm năm cũ, Hai chuyến tàu đêm...; và những bài hát sáng tác sau 1975: Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách... (mà trong đó nhan đề ca khúc Về chín dòng sông hò hẹn của anh được chọn làm tên cho chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng hằng năm của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay). TÍN ÐỨC (hội viên Hội Văn nghệ Vĩnh Long ~!~ Một lý giải khác về hai từ “nhạc sến” Báo Tuổi Trẻ đã có loạt bài thú vị về dòng nhạc bolero, nhắc nhớ những kỷ niệm khó quên của lớp người Sài Gòn nay đã ở độ tuổi 60-70 trở lên. Bài báo cũng có nhắc đến cách giải thích từ “nhạc sến” xuất phát từ tên minh tinh người Áo Maria Schell, điều này cần được minh xác. Để giải thích nguồn gốc từ “nhạc sến”, xin được nhắc lại là sau cuộc di cư của hàng triệu người miền Bắc vào Nam những năm 1954-1955, từ “con sen” dành chỉ các cô giúp việc nhà đã khá phổ biến trong đời sống tại Sài Gòn. Trong ngôn ngữ của một số nhà văn viết phóng sự lúc bấy giờ và cả trong ngôn ngữ thường nhật, hai từ “Mari Sến” được dành để giễu cợt các cô sen thường có cách nghĩ, cách sống của lớp người bình dân trong xã hội, mà trong cách sống đó, phổ biến nhất là học và ca những bài hát dễ thuộc, dễ ca. Chính do hai từ “Mari Sến” dành chỉ tầng lớp con sen hay hát dòng nhạc trên mà phát sinh thêm hai từ “nhạc sến”. LÊ NGUYỄN (TP.HCM) @ còn theo em nhạc Sến là nhạc Séntimental
Xin mời thưởng thức chất âm từ băng gốc. B05 DO AI - Pham Duy - THAI THANH R.mp3 http://www58.zippyshare.com/v/88835462/file.html b03 Khoi troi menh mong R.mp3 http://www32.zippyshare.com/v/47915178/file.html
Nếu muốn nghe chất âm đích thực của nhạc vàng, theo mình nên tìm đến băng cối... Với nguồn băng tốt và hệ thống được setup cẩn thận thì rất có lẽ không cần phải nghe đĩa CD (nhạc Việt hoà âm theo lối sau này) nữa. Thân.
Nhạc vàng hả bác Hồi năm tám mấy có quyển sách thơ viết về các thói xấu, có đoạn như sau " Hết anh yêu, lại em yêu Thu về lá rụng mấy chiều sương pha Nhạc vàng lả lướt ngân nga Giọng ai não nuột như là ốm rên"!
Bác nói mà chẳng rõ tên ??? Hát khác với nói => Phải rên phải gào Bác thử trả lời xem nào? Ca sĩ nào hát không gào-không "rên" ?????? ......... Bác cảm tính quá. Đừng trả lời em nhạc không lời nhé ...
Trước bảy lăm hát , rên, gào . Sau bảy lăm hát vẫn gào, vẫn rên Còn hát, còn rên, còn gào Bao giờ tịt hắn, hết gào, hết rên.
Nhạc vàng trước năm 75 nếu được nghe từ nhũng cuốn băng cối gốc hay những cuốn còn tốt thì âm thanh thực sự rất hay chứ không phải ù cạc như nhiều bác ngộ nhận.
Thích dòng nhạc này đã lâu, nay đọc được những chia sẽ này thật la hay, cám on cac a e đã bỏ chut thời gian chia sẽ
Em thấy nhạc vàng trước 75 đặc biệt hay không phải chỉ là do nghe từ băng cối. Cái hay nhất là lối hoà âm cực kỳ mộc mạc mà lôi cuốn làm nổi bật giọng hát của các ca sĩ thời ấy. Và cách hoà âm này mới tạo nên chất nhạc vàng đích thực :mrgreen:
Các bác cho hỏi muốn ghi lại mấy bản nhạc vàng chát lượng tốt thì phải kiếm ở đâu? Mình có cặp loa có vẻ hợp với nhạc vàng, nhưng chưa có nhạc vàng để thử??