Ông Hoàng Tuấn Liêm gọi những món đồ cổ là “người tình”. 30 năm mày mò, sưu tầm, giờ có trong tay hàng chục bộ máy phát nhạc có số tuổi gấp đôi số tuổi của mình, ông xem đó như “bảo bối cuộc đời”. Thứ tình yêu, đam mê cộng hưởng giúp ông cháy mãi ngọn lửa “gìn giữ những âm thanh còn mãi với thời gian”. “Bảo tàng âm thanh” giá triệu đô Đứng giữa căn nhà chất đầy những bộ loa, máy phát nhạc cổ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi đồ sộ mà người đàn ông năm nay đã bước sang tuổi 50 này đang sở hữu. Ông Liêm che đậy cẩn thận những báu vật của mình bằng những tấm vải đỏ. “Bảo quản thế mà cứ lo sợ bụi bặm bay vào. Hàng tháng cứ phải tháo ra lau chùi rồi lại lắp vào, chạy thử, kiểm tra. Nó mà bỏ mình ra đi, sửa chữa lại, khó lắm”, mở từng tấm vải ra khỏi số đầu quay, amply, ông Liêm nói về cách bảo quản những bộ tài sản của mình. Những năm tháng đi làm phụ xe chở téc xăng, vẽ tranh bán, không hiểu sao chất nghệ sĩ đã thấm vào con người ông. Ông bảo, mình bị mê hoặc những khúc ca trước và sau ngày đất nước thống nhất. “Cũng chỉ nghĩ muốn được thưởng thức thú vui cùng âm điệu từng đi vào lòng người bao thế hệ nên muốn tìm hiểu, khám phá nó”, ông Liêm lý giải việc mình quyết khăn gói đi sưu tầm máy phát nhạc cổ. Mô tả ảnh. Ông Liêm bên chiếc đĩa than 60 tuổi. Đi lùng khắp những nơi mà bạn bè giới thiệu có dụng cụ phát nhạc, ông đã trải qua những tháng ngày rong ruổi từ Bắc chí Nam. “Nghe mọi người nói mấy anh lính của chế độ cũ hay được nghe thứ nhạc mà người ta nói là nhạc vàng, trước đây từng bị cấm lưu hành. Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Vũ... không mê không được khi họ hát. Đúng là cần gìn giữ nó, sau này 20-30 năm có nghe lại vẫn thấy thích”. Bị cuốn hút, ông tìm đến những địa chỉ được mách bảo có “hàng độc”. Nào là miền biển Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa…nơi có những anh làm nghề thuyền cá, lấy biển khơi mưu sinh nên có điều kiện sang các nước mua được bộ loa bị coi là “phế liệu”. Sau đó ông thuyết phục họ nhượng lại cho mình. Đặc biệt, đối tượng được ông nhắm đến nhiều nhất chính là những người lính từng đứng trong hàng ngũ của chế độ cũ. Qua nhiều lần tiếp xúc, ông Liêm tiết lộ: “Họ cũng lãng mạn, xem âm nhạc là món ăn tinh thần của mình”. Đó cũng là lý do ông cất công đi tìm kiếm, gom góp cho cái “bảo tàng” mà nhiều người phải trầm trồ. Trong căn phòng cũng là nơi làm việc của mình bây giờ, ông cho chúng tôi xem những món đồ giá trị với đủ loại từ amply Pioneer Fx 9000 được sản xuất tại Mỹ từ năm 1950, Pioneer 901A hay các loại loa, amplifieer được sản xuất từ thập niên 50-70 của thế kỷ trước như Sansui SP 120, 2.500, 3.000, 4.700 được sản xuất tại Nhật Bản. Rất ngạc nhiên khi ông Liêm mở máy chạy thử, đến bây giờ các loại loa này vẫn còn chạy với những âm thanh khá mềm, dịu không hề có tiếng “nổ”. Đặc biệt đầu băng cối, đầu quay cơ dòng Teac 4010S, 4010GSL đã có “niên đại” ngót nghét nửa thế kỷ và loa Trio độc đáo với dạng nằm ngửa được làm từ năm 1955 được ông “rinh” về từ năm 1980. Những món đồ này, theo ông Liêm khi mua về giá không đáng kể nhưng như ông tiết lộ giá bây giờ trên thị trường của dân chơi đồ cổ tất cả đều nằm ở mức 1.500 - 3.000USD. Mới đây, ông đã “độ” một chiếc pass 40 - 30 nằm trong seri loa từ năm 1950-1955 ốp quanh là loại gỗ đinh hương và có giá lên tới 10.000USD. Khối tài sản quý giá, mà như ông nhẩm tính lên tới gần 10 tỷ đồng, thế nên đã có không ít người nghiền muốn được nhượng lại nhưng rất thẳng thắn, ông nói: “Đây là những hiện vật của thời gian. Mình đang phải đi sưu tầm mua lại không được nên không nghĩ đến chuyện bán. Nó mang ý nghĩa giá trị của lịch sử nên trở thành đồ vô giá”. Mô tả ảnh. 10.000USD là giá của chiếc loa được sản xuất từ năm 1950, sau này ông Liêm “độ” thêm mặt ngoài bằng gỗ đinh hương. Có đầu quay, tất phải đi kèm với nó chính là những đĩa than, băng cối, đĩa nhựa đã được ông góp nhặt. Hiện nay, hơn 1.000 đĩa than của ông đa phần chất lượng còn khá cao. Có “kho báu” nhưng quá trình sưu tầm ông đã gặp không ít khó khăn. Ông kể: “Những người có đồ này đa phần là các anh lính chế độ cũ nhưng sau ngày đất nước thống nhất số thì qua bên Mỹ, số thì về quê nhưng tìm được họ để xin nhượng lại máy nhạc khó lắm. Nhiều khi nài nỉ cũng chẳng ăn thua. Cũng dễ hiểu bởi đó là kỷ vật chiến tranh của họ, khó lòng mà thuyết phục, phải về không là chuyện thường”, ông Liêm cho biết. Chơi xe cổ và mở lớp tình thương Bên cạnh niềm đam mê sưu tập bộ phát nhạc cổ, từ lâu, với ông Liêm, những chiếc xe cổ cũng có sức hút ghê gớm. Cũng như bao người chơi xe cổ khác, ông vẫn luôn xem đó là “người tình” không dễ gì chia cắt. Bằng nhiều cách khác nhau, đến nay, trong tay ông có đến 20 chiếc sidecar (xe ba bánh) đa chủng loại nhưng chủ yếu đều là những chiếc xe do Liên Xô (cũ) sản xuất trên dây chuyền của hãng BMW những năm 1950-1960. Những chiếc xe được xem là “ông hoàng” sidecar M66, M67 đều đang thuộc sở hữu của ông. Mô tả ảnh. Từ những chiếc xe sidecar cũ thế này... Thích chơi xe cổ với ông không đơn thuần là cái thú muốn chơi trội, ông lý giải: “Xe Sidecar chính là kỷ vật, các nước viện trợ để chống lại đế quốc. Nó cũng theo chúng ta qua những chặng đường đầu tiên của quá trình phát triển, là gạch nối giữa 2 nhịp cầu. Như vậy là quan trọng lắm nên khi may mắn mua được thì cố gắng gìn giữ để lại cho thế hệ sau này”. Mua xe rồi về “lăn” vào xưởng, sửa chữa biến những khối sắt vô tri trở nên có hồn, trở thành một minh chứng của lịch sử. Với ông đó mới là điều mình cảm thấy tự hào khi được giữ lại những kỷ vật. Lạ kỳ hơn khi 20 chiếc sidecar, cộng với 4 chiếc “siêu xe” hiệu Harley Davidson (giá nhập khẩu 65.000USD) hay Honda Valkyrie Rune (ở Việt Nam chỉ có khoảng hơn 10 chiếc, giá nhập khẩu về 75.000USD) ông không giữ cho bản thân mình. Tất cả sau khi được đại tu, sẽ dành cho 20 hội viên đang sinh hoạt ở “Tuấn mã đoàn môtô xứ Thanh” dùng để tham gia vào những lần mít tinh, diễu hành hưởng ứng các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao ở Thanh Hóa. Những chiếc môtô, xe khủng này từng nhiều lần xuống đường tuyên truyền phòng chống AIDS, diễu hành đợt kỷ niệm “45 năm Hàm Rồng chiến thắng”… “Sắm xe cái chính là cho anh em trong hội được sinh hoạt, giao lưu. Nhiều người khi thấy một dàn xe khủng thế này thường nghĩ đến một người tài tử, giang hồ. Tuy nhiên, tôi chơi xe và sử dụng nó để tạo ra một phong trào mang tính văn hóa trong thành phố. Tôi không cho đó là thú chơi riêng mà hòa chung vào cộng đồng”, ông Liêm cho biết. Từ người lao động, vất vả đi lên, ông thấu hiểu những người có hoàn cảnh đặc biệt. Sau khi nâng cấp xưởng tu bổ, xây dựng công trình lịch sử văn hóa thành công ty, ông Liêm tận dụng khu nhà phía trong xưởng mở lớp dạy nghề cho trẻ em bị tàn tật, mồ côi không nơi nương tựa. Hôm chúng tôi đến, có hơn 10 em đang theo học tại đây. Ông Liêm nói: “Các em không được may mắn như chúng bạn, rất khó để có việc làm ổn định nên cũng muốn giúp đỡ. Các em học nghề là chính, lành nghề rồi thì nếu muốn làm ở cơ sở, tôi nhận luôn, còn nếu thấy có nơi nào thuận tiện cho bản thân các em hơn, tôi cũng sẵn sàng để các em đi”. Tấm lòng của con người từng nếm đủ đắng cay của cuộc đời, giờ cũng là điều khiến ông hạnh phúc, vơi đi nỗi niềm của người từng vật lộn với muôn vàn gian khó để có được như ngày hôm nay. http://vietnamnet.vn/xahoi/201005/30-nam-san-tim-nguoi-tinh-may-phat-nhac-xe-co-908170/ bác này đúng là chơi quá chuyên nghiệp :mrgreen: