Nhân đọc được 1 bài khá hữu ích nên chia sẻ lại cho anh em đọc. ========== Cú BỊP của âm thanh Hi-end Chúng ta ở đây có những người đam mê âm thanh, đang hoàn thiện thú vui của mình, đang tìm hiểu học hỏi... và cả những người kinh doanh kiếm lời từ những người còn lại. Khi mới đây tôi viết về "sự hài hoà" trong đầu tư dây dẫn và hệ thống âm thanh, so sánh giá dây dẫn với xe máy và oto, tôi đã nhận được rất nhiều comment chỉ trích và icon phẫn nộ. Dù những gì tôi viết là hiện thực khách quan và là ý kiến của một bộ phận những người chơi âm thanh, nhưng dường như nó làm những người đang say mê với cuộc chơi cảm thấy cực kỳ khó chịu. Không lẽ chúng ta ở đây cứ phải cổ vũ nhau mua nhiều đồ lên, nhiều tiền lên, thật đẳng cấp vào, bất chấp chi phí và sự hợp lý... như vậy mới là điều nên viết, nên làm trong cộng đồng? Còn ý kiến của tôi (và nhiều người) cho rằng nên xem xét kỹ lưỡng chi phí và giá trị thì là vô dụng và phá hoại? Xin thưa nếu đó là phá hoại thì chắc chỉ phá hoại nồi cơm của các thầy đang "thuốc" đồ cho người chơi mà thôi! Chính vì vậy, hôm nay tôi viết thêm một bài "đi xa" hơn nữa, để thể hiện một quan điểm rằng: Rất nhiều thứ trong thế giới âm thanh Hi-end cũng giống như đồ xa xỉ (đồng hồ, điện thoại, túi xách...) là một CÚ BỊP của loài người! Xin bỏ qua phần giải trình rằng tôi đã từng sở hữu những đồ xa xỉ đến đâu để mà... được phép nói về chuyện đó (cách mà nhiều người hay dùng để chỉ trích người viết). Tôi chỉ nói ngắn gọn rằng: Tôi đã trải qua đủ rồi! Bây giờ chúng ta quay lại với một sợi dây nguồn Odin Gold dài 2.5m có giá niêm yết khoảng 1.2 tỷ cũng như không hiếm gặp các loại dây dẫn có giá vài tỷ đồng trong thế giới âm thanh. Cùng mức giá tiền tỷ chúng ta biết có những chiếc đồng hồ Rolex, Patek Philippe, túi Hermes, điện thoại Vertu... Trong khi đó, một chiếc xe 7 chỗ hạng sang tuyệt vời mà ai cũng yêu thích là Audi Q7 có mức giá khoảng 60.000 usd tại châu Âu. Có thể đoán mò rằng chi phí sản xuất của nó rơi vào khoảng 45.000 usd (hoặc thấp hơn). Audi Q7 hội tụ đầy đủ mọi công nghệ hiện đại và phức tạp bậc nhất của ngành công nghiệp oto nói riêng và khoa học công nghệ nói chung. Ở một mức thấp hơn, chúng ta có chiếc xe Toyota Camry với mức giá khoảng 25.000 usd tại nước ngoài. Những chiếc oto này phải trải qua hàng ngàn công đoạn với bao nhiêu thành phần phức tạp, để rồi xuất xưởng và phục vụ chúng ta. Làm thế nào một đoạn dây kim loại được bọc chống nhiễu và những công nghệ oằn tà là vằn (vốn mang tính quảng cáo nhiều hơn thực tế) có thể được sản xuất với chi phí bằng một chiếc Audi Q7? Và cũng tương tự như vậy làm thế nào một chiếc đồng hồ cơ chẳng có gì là mới mẻ (thậm chí máy móc và thiết kế vẫn là của 50 năm trước) có mức giá đắt hơn Audi Q7 5 lần? Một chiếc túi da được khâu bằng chỉ bởi các "siêu nghệ nhân", kèm theo chữ "giới hạn" đã làm nó có giá bằng 10 lần chiếc Audi Q7. Nếu bạn có nghe tới cái túi Hermes Birkin da cá sấu bạch tạng giá 500.000 usd đó thì cũng nên biết rằng nó không hề được làm từ con cá sấu bạch tạng, nó là con cá sấu bình thường được nhuộm màu. Thật là... ngớ ngẩn và lừa bịp! Bạn có thể phải thốt lên như vậy để rồi ngẫm nghĩ kỹ hơn: Cái số tiền chênh lệnh đến 9 lần hay 99 lần so với chi phí sản xuất (hoặc giá trị thực tế) của một sản phẩm xa xỉ nó đã "chạy" vào đâu? Và làm thế nào người ta vẫn bán được hàng đấy thôi? Những câu hỏi trên thực ra giới kinh doanh đã trả lời từ lâu, chi phí nằm ở thương hiệu, ở tiền quảng cáo, ở những giá trị vô hình và nhiều thứ blah blah khác. Vì giá trị chính của chúng là vô hình nên đôi khi là rất lớn và bạn có thể còn cảm thấy có lãi khi bỏ ra cả tỷ để mua một cái túi da! Nhiều lĩnh vực đồ xa xỉ tồn tại được do sự vận hành của những người kinh doanh đồ cũ và đồ mới theo nguyên tắc neo giá và cam kết thu mua - đổi mới. Khi bạn mua 1 cái túi LV hầu như bạn luôn có thể được cam kết mua lại chỉ với khoản trừ 20-30% giá trị, điều này làm cho bạn cảm thấy cái sự đắt của chiếc túi không phải là vấn đề nữa. Âm thanh cũng vậy, vì nó đã là siêu lợi nhuận ngay từ khi bán ra nên việc thu lại -20% là rất có lời với giới kinh doanh, nếu bạn đổi đồ thì còn dễ hơn nữa. Người dùng bị mua những sản phẩm siêu đắt, vượt quá giá trị thực tế nhưng lại bị làm cho tin rằng nó có khả năng "lưu trữ giá trị", chán thì bán vẫn có tiền, chỉ mất một ít. Đây thực sự là cái bịp chồng lên cái bịp ban đầu! Bằng chứng là trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu bạn đi bán đồ xa xỉ, người thu mua có thể sẽ chạy mất dép. À mà đồ âm thanh cũng vậy, bây giờ chẳng ai mua đồ của bạn như 1 năm trước, trừ khi bạn đổi lấy món đồ mới và trả cho họ 2 lần lợi nhuận. Với một số ít người có điều kiện kinh tế, ở đây tôi thí dụ người có tài sản trên 50 tỷ đồng - rất dễ dàng để mua những món đồ xa xỉ hay đồ chơi giá vài trăm triệu hay một dàn âm thanh vài tỷ. Đơn giản là điều đó mang lại cho họ sự thoả mãn, đôi khi là đẳng cấp. Có tiền mà, cũng phải chơi tí chứ ăn có hết được đâu? Thế nhưng ngay cả trong trường hợp đó tôi vẫn cho rằng bỏ ra 300.000 usd để mua 1 chiếc Patek Philippe Nautilus vốn có giá xuất xưởng 30.000 usd là một điều lãng phí. Điều nực cười cũng là cái thằng tôi nhưng đã từng "điên cuồng" mua 4 chiếc Nautilus để trong hộp xoay cùng nhiều cái khác nữa. Lúc ấy mỗi lần đeo trên tay một chiếc đồng hồ mới, cảm giác nó mới phê pha làm sao - còn bây giờ tôi thấy thật... xxx ngốc, tiền ấy để làm việc khác tốt hơn, mua 1-2 chiếc hợp với mình là quá đủ rồi! Chúng ta thấy thực tế rằng những ngành hàng xa xỉ vẫn phát triển mạnh mẽ, những người đam mê, những người giàu, người giàu mới nổi, người thích thể hiện và tất nhiên cả những người có nhu cầu thật... vẫn hàng ngày "nộp tiền" cho nhiều ông chủ của các nhãn hiệu xa xỉ để họ vào top giàu nhất thế giới. Lĩnh vực âm thanh cũng vậy. Nhưng bạn có nhận ra điều rất khác của âm thanh so với đồ xa xỉ là gì không? Âm thanh là trải nghiệm thực sự và phải mang lại cái sướng cho bạn, bạn không mua để người khác nhìn vì vậy nhất định phải đầu tư đúng đắn và hợp lý nhất. Ngoài ra Hi-end còn là cuộc chơi của tri thức và khoa học, bạn không mua nó giống như mua một cái túi hay đồng hồ, chúng ta nên dùng nhiều đến trí tuệ để phân tích hơn thay vì ngẫu hứng, si mê và... lú lẫn! Một bài viết ngắn thật khó để nói về phạm trù quá rộng về âm thanh và đồ xa xỉ, chỉ để bày tỏ quan điểm cá nhân và lần này thì tôi thực sự muốn lan toả đến quý anh, quý bạn chơi Hi-end rằng: Đừng để "chúng nó" BỊP mình nữa, đừng cúng tiền vô nghĩa nữa, hãy tỉnh ngộ ra và khôn ngoan hơn trong cuộc chơi của mình! Cái sự mong muốn "lan toả" quan điểm này hẳn là làm nhiều người khó chịu - "tôi đang chơi, đang say mê mà sao ông phá tôi?" - Rất xin lỗi bạn nếu bài viết này làm phiền lòng và hãy xem như đã phí mất 5 phút cuộc đời đọc bài của một gã khùng! Và nếu lỡ có ngày bạn đi vào "hệ thống quan điểm" như tôi, từ bỏ sự đam mê lú lẫn để quy hoạch những cuộc chơi của mình một cách hợp lý, hẳn bạn sẽ nhớ...... Audiophile Jason.
Đồng ý với tác giả bài viết, rất nhiều hãng phụ kiện audio xa xỉ đang bán với mức giá quá cao so với giá trị thật sự của nó
Em lang thang đọc từ Facebook qua đây. Thôi thì mỗi người một kiểu, đồ xa xỉ cũng phục vụ cho lớp khách hàng xa xỉ, em thì cứ giữ quan điểm "hãy là người tiêu dùng thông minh" thôi ạ.
Cái hay của chủ nghĩa tư bản là bắt người tiêu dùng chạy theo mù quáng những trào lưu do các ông chủ tạo ra. Ai dư tiền thì chơi cho oai, ai ít tiền thì chịu khó làm người tiêu dùng thông minh.
Đề tài này cũng giống như ta tranh luận giữa GIÁ CẢ và GIÁ TRỊ trong kinh tế- chính trị học ấy mà các bác. Đôi khi giá cả không phản ảnh đúng giá trị thực tế của sản phẩm nhưng nó dễ tạo cảm giác ảo về đẳng cấp của người sẵn sàng bỏ tiền ra mua những món đồ đắt tiền.
Ae ta chơi Audio là còn may mắn và thông thái chán đấy. So với các lĩnh vực khác như hội hoạ thì không đáng kể gì cả. Một tác phẩm âm nhạc có thể sao thành vài triệu bản mà giá cả như nhau chứ một bức tranh sao (y hệt) vài bản thôi là đã ko còn giá trị rồi . Chưa kể đến những vụ lừa đảo (bản sao, bản giả..) đến Bảo tàng và các chuyên gia còn bị mất cả tyỷ USD !!
Em có ý kiến khác. Không thể gọi họ là gian thương (hay lừa đảo kinh doanh) được. Đồ hi-end hầu hết đều cho mượn về nhà thử trước 1 tuần - 1 tháng, không ưng thì trả. Em thấy hầu như hiếm có ngành hàng nào được như thế. Như vậy họ kinh doanh rất đoàng hoàng, chỉ có người mua/dùng tự mình lừa mình thôi.
Hồi trước em có nghiên cứu về chủ đề giá trị cảm nhận (perceived value). Nó bắt nguồn từ giả định là chả có thứ gì trong đầu người là thực tế cả, mà toàn bộ là cảm nhận. Lợi ích mang lại là tổng lợi ích nhận được (kể cả về chức năng, cảm xúc, sự tự hào...) trừ đi chi phí (kể cả giá, nỗ lực tìm kiếm, dịch vụ,...). Do đó, nếu ta cứ lấy giá vs. chức năng thì không ra giá mua bán đâu ớ
Vâng, em xin phép không lan man nữa ạ. Đã là thương nhân (gian thương) thì có rất nhiều kỹ năng khác nhau, kỹ năng tốt nhất là để khách hàng luôn có cảm giác mình được phục vụ tốt nhất. Ai cũng hiểu mà bác.
Đây là một bài viết thể hiện trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với bạn chơi. Phải nói thẳng rằng, để phản biện lại những người đang có những 'đam mê mù quáng và tin rằng những gì mình nhận lại được từ sự đầu tư là xứng đáng' là rất khó khăn. Những người phản biện lại thường là những người rất can đảm, vì cộng đồng, vì khoa học thực thụ. Nhưng cái nhận được thường là những câu dè bỉu, khinh khi, cho là ếch ngồi đáy giếng ..... Mắc cười nhất là nhiều người chơi luôn dè bỉu người khác khi họ chứng minh bằng hiểu biết về khoa học kỹ thuật, rằng cần nghe bằng cái tai, bằng cảm nhận, còn khoa học thì nên vứt xó. Nhưng họ lại tin vào "khoa học dây dẫn, khoa học cầu chì" của các nhà sản xuất.
Thiếu gì ông bây giờ trước khi nghe dàn thì phải hỏi giá trị cái đã. Mua thì mua đồ lướt 3 đồng, khoe thì khoe giá niêm yết 10 đồng, trường hợp này ko hề thiếu. Mà ngoài ra, thật tâm khi mấy ông nghe thử dàn cũng thấy âm thanh nó hay thật chứ bản thân họ cũng không phải nịnh đầm gì. Cũng như trong mắt đàn bà, một người đàn ông có tiền có quyền thì "um trông anh ấy cũng đâu có nỗi nào đâu, hơi xấu trai 1 tý nhưng mà là xấu sang trọng". Dây dẫn, chống rung, tiêu âm, tán âm,... đều như thế. Chỉ 1 số bác dùng não và kiến thức thu được phối ghép hợp lý, còn đại đa số nghe mấy thằng bán hàng chưa học hết cấp 3 nịnh rồi tha 1 đống về nhà, đọc review rồi tự lắp đặt, cũng tự cảm thấy âm thanh hay hơn. Có ai đo đếm được đâu. Lướt FB không thiếu mấy bài của mấy ông saler, lắp thêm 1 - 2 cục tiêu âm mà viết được 1 bài review "âm thanh nâng tầm đẳng cấp mới"... ối giời ơi. Đầy shop hợp tác với hãng, hãng nó cho 1 đống dây sample, xong rồi cứ ghép loa rồi chém gió dụ gà thôi. Hài nhất là Page nọ bán Amply tích hợp DAC mà DAC lại là DAC Asynchronous - vốn loại DAC tích hợp Clock này chả liên quan gì tới chất lượng dây USB, trên youtube vẫn bô bô quảng cáo nên mua kèm dây USB mấy chục củ - review so sánh khen lên tận mây xanh.
Chủ nghĩa tư bản làm kinh tế cục giỏi. Họ làm vài cái túi xách phiên bản giới hạn ,nâng lên giá cao kinh dị rồi chỉ bán cho giới siêu giàu và tạo nên trào lưu phải đeo túi đó mới là người "sành điệu ". Dây nguồn ,cầu chì được phù phép như thánh vậy. Tuy nhiên ta tôn trọng tất cả người chơi và không phê phán họ . Vài ý kiến của Tai Trâu Quỳ
Bài viết rất thẳng thắn và có chất lượng. Mình chẳng có lý do gì để chê bai hay can thiệp vào nhu cầu và sở thích mua sắm các loại dây dẫn, cầu chì cao cấp trong âm thanh. Nhưng cứ đọc đến những đoạn mà những "cao nhân" khuyên nhau là cần chạy rà đủ thời gian mới đạt được chất âm tối ưu (hãng cũng khuyến cáo vậy), rồi thì Cầu chì nếu tháo ra thì phải chạy rà lại, phải gắn đúng chiều mới hay ...... mà cảm thấy thật chua chát. Dây dẫn chạy rà, vậy cái lý thuyết về sức bền vật liệu nó nằm ở đâu trong cái khoa học đỉnh cao này? Cầu chì phải gắn đúng chiều, cái này thì không biết phải hỏi câu gì cho tương xứng......
Có một bạn đã phân tích để chế tạo xe ô tô Mercedes cần bao nhiêu tinh hoa của công nghệ ấy vậy mà giá tiền lại bằng một sợi dây tín hiệu, dây nguồn. Vô lý vậy mà có người tin sao ??
Nhiều bác mua về sử dụng, khen hay, khác biệt thấy rõ... Khi vấp phải những ý kiến "không giống" quan điểm của mình thì thường đua ra câu "Muốn biết thì hãy mua về thử, chưa thử thì đừng phán bừa" Hoặc xài thì phải ít nhất là phải từ 100 giờ chạy rà mới thầy đầy đủ sự khác biệt. Rồi nhiều người đưa ra lý luận, rằng thì là nếu sản phẩm của hãng không tốt, không hiệu quả.... Vậy thì làm sao họ có thể tồn tại và phát triển được ........ Xin thưa, họ phát triển được vì từ chính những câu: "hãy mua về thử đã rồi hãy phát biểu". Trong những thread tranh luận về dây nguồn, dây tín hiệu, cầu chì ...... lợi ích lớn nhất chính là cho những hãng sản xuất và những người buôn bán những sản phẩm này. Họ sống được nhờ sự ...... tò mò.
Em thấy chả có gì vô lý cả. Ô tô là 1 sản phẩm đại trà, bán số lượng lớn, nhà máy sản xuất số lượng lớn. Dĩ nhiên giá cả sẽ được tối ưu. Thiết bị Audio mà đặc biệt là các thiết bị chuyên dụng (như dây, chống rung bla bla) chỉ sản xuất cho 1 tệp khách hàng rất nhỏ, ngoài giá trị cốt lõi của nó (là vài cân kim loại) thì còn tiền hãng kiếm lời nữa. Sản xuất cho thị trường tỷ khách hàng nó khác sản xuất cho thị trường 1000 khách hàng. Kể cả 1 vốn x4 lời hay x40 lời mà có người mua thì sản phẩm đó vẫn tồn tại được. Rolex GMT-Master II Root Beer cũng chỉ đơn giản là vài cây vàng, giá giao dịch có lúc cũng bằng con Merc C. Túi HERMES KELLY BAG làm từ da cá HIMALAYA giá thị trường giờ cỡ 10 tỷ - Thiên hạ vẫn tranh nhau mua. Có ai bảo nó vô lý đâu. Vì chúng là thú chơi, đã là thú chơi thì thích thì chơi. Mà chơi là phải vui. Các cụ lại đi đánh giá "Đáng hay không Đáng" ở mỗi 1 chiều là "Hay hoặc không Hay" thì thiếu vô cùng nhiều. Vì Hay là tính từ, tính từ thì nó khó cân đo đong đếm nếu thiếu đi các bộ tiêu chuẩn. Bộ tiêu chuẩn chỉ có được khi có cộng đồng đủ lớn. Mà cái trò Hiend audio thường thì sẽ setup ở nhà riêng, vậy lấy đâu ra phòng nghe nào mà đã được 1 cộng đồng đủ lớn để đó thẩm định - để được công nhận là Hay hoặc không Hay? Vậy thì chúng ra đang lên án cái gì, khi mà dàn của người khác các cụ còn chưa biết là Hay hoặc không Hay / Đáng hay không đáng. Chưa kể đến để cảm nhận cái Hay, phụ thuộc rất nhiều các yếu tố sinh lý, hóc môn từ não. Bỏ qua vấn đề kỹ thuật, ai bảo nghe nhạc không cần tinh thần tốt? Họ setup được 1 bộ dàn nhiều tiền, bóng bẩy, đẹp - não họ tự tiết ra hóc môn kích thích - hưng phấn, nghe nhạc sẽ thấy hay hơn người ngoài. Giống như việc chị em xách trên tay túi HERMES mặc dù chả khiến cô ấy đẹp hơn, nhưng họ tự cảm thấy tự tin hơn, yêu đời hơn. Em nghĩ cứ coi đây là thú chơi, ai đủ điều kiện thì chơi lớn. Ai không có điều kiện thì chơi vừa. Hãng nào vẫn bán được hàng, thì chứng tỏ hãng đó vẫn đang đi đúng hướng.
Vấn đề là chẳng cô nào mua túi Hermes chỉ để xách trong phòng ngủ. Và cũng chẳng ông nào mua đồng hồ Rolex GMT-Master II Root Beer chỉ để đeo trong nhà tắm. Nhưng đã có ông nào bưng cái dàn nghe nhạc của mình ra giữa ngã 3 đường để show cho thiên hạ thấy đâu? Cái kết của bài viết mà chủ thread chia sẻ đó là: "đừng để chúng nó bịp nữa, đừng cúng tiền vô nghĩa nữa". Còn ai thấy có nghĩa thí cứ làm. Ai thấy mình bỏ tiền ra là xứng đáng thì cứ bỏ thôi ..... Có bạn đang lẫn lộn giữa giá trị sử dụng và giá trị thương hiệu.
Biết thế nào là vô nghĩa. Vui là mua thôi mà bác. Còn em đồng ý với quan điểm cụ nào tài chính chưa đến mức đó mà bị tụi bán hàng nó lừa cho để gom góp mua các đồ quá cao so với khả năng tài chính. Em đeo đồng hồ nhưng chả bao giờ cần chỉnh cho nó đúng giờ vì em có 3 4 chiếc, đeo chiếc này vài hôm chiếc kia nó tự chết. Mua lúc nó đỉnh giá, giờ giá trị gray market nó tụt 50% - vậy có chăng nó không có giá trị? Em mua cái lồng chim tre già, nghệ nhân Huế làm vài chục triệu để cho vành khuyên nó đậu - phải chăng cũng là bị tụi nó bịp? Ở đây em thấy đầy cụ như thế, thậm chí chi tiền vào nhiều thứ đâu đâu - nhưng có sao đâu. Ý em khi đã không ở chung 1 hệ quy chiếu thì khó mà khuyên được nhau lắm. Cụ kia nghĩ khác với mấy cụ khác. Khuyên làm gì, phận ai người nấy chơi thôi. Dàn âm thanh vốn để trong nhà riêng, chả ảnh hưởng tới ai, nên góp ý với người ta làm gì. Đến con dao trong game còn 5 tỷ, thì mấy sợi dây 1 tỷ có là gì mà bịp với bợm: https://thethao247.vn/400-choi-game-chua-day-2-ngay-chang-trai-mo-hom-ra-con-dao-5-ty-d292219.html
Hàng xa xỉ có ít nhiều khác với chuyện mấy ông làm đồ audio phét lác ra mấy năng lực tưởng tượng của đồ audio "high end" bác ơi.
Những món hàng xa xỉ như Giỏ xách, đồng hồ ..... Ngoài bí quyết kỹ thuật công nghệ, độ chính xác (đồng hồ); chất liệu đặc biệt, hiếm, kiểu dáng độc lạ, số lượng hạn chế (giỏ xách) thì "đẳng cấp" của nó nằm ở người xách/đeo nó. Đẳng cấp không nằm ở món đồ. Món đồ không làm cho người xài nó tăng thêm đẳng cấp. Nhưng trong bài viết mà chủ thread share thì có thể thấy, tác giả không đưa những món đồ xa xỉ để so sánh với việc bỏ tiền mua những loại dây dẫn trong dàn âm thanh siêu mắc tiền. Mà người viết muốn mọi người thấy rằng, anh ta thuộc hàng đã từng chơi, từng sắm, từng mù quáng .... Còn chuyện cái lồng chim vài chục triệu có làm cho người chơi lên đẳng cấp cao hay không thì em không biết. Vì việc mắc rẻ đối với cái lồng chim thì dễ tính toán. Từ vật liệu quý hiếm hay thông thường, công sức bỏ ra của thợ thủ công kỹ thuật cao .... từ đó có thể ước tính giá của nó có "hợp lý" không. Em lại thấy rằng, việc bỏ ra vài chục triệu để mua cái lồng chim để treo trong toà nhà có giá trị vài chục tỷ sẽ hợp lý hơn nhiều với việc bỏ vài ngàn Đô để mua cặp dây dẫn cho hệ thống vài trăm triệu. Nhưng mang chuyện bỏ vài chục triệu để mua cái lồng cho chim để liên hệ đến chuyện đầu tư hàng tỷ đồng để mua cặp dây tín hiệu "siêu mắc tiền" thì có vẻ không hợp. Vì một thứ chỉ dành để "ngắm", còn một thứ thì nhằm giải quyết kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu để mong đạt hiệu quả cao nhất có thể. Cái chúng ta đang bàn là những dây dẫn siêu mắc tiền này có thực sự "hiệu quả" như quảng cáo? Bỏ tiền để mua thứ mình thích (ví dụ lồng chim) với bỏ rất nhiều tiền để mua thứ không thật sự hiệu quả như quảng cáo.... Đó là cốt lõi đáng bàn. Đành rằng, có tiền thì xài, xài kiểu gì là do mình, người không tiền việc gì phải xoắn.... Vì vậy dân gian mới lưu truyền câu hát: "Nghe danh Công Tử Bạc Liêu, Đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu..."