Mời các bác cho ý kiến, riêng X_L kô tin lắm Chơi dàn âm thanh “đa quốc gia” Cánh đàn ông thường rất thích lắp ghép các dàn âm thanh để phục vụ nhu cầu văn hoá - văn nghệ cho cả nhà. Họ lắp ghép dàn âm thanh theo đủ kiểu, nào là theo tư vấn của người bán, lời mách của bạn bè, thông qua tạp chí chuyên môn,... Nồi nào úp vung đó Ðó là câu nói cửa miệng của giới kinh doanh hàng điện tử khi bàn về việc ghép dàn âm thanh từ những nhãn hiệu khác nhau. Ông chủ một cửa hàng điện máy lớn tại quận 5 cho biết: "Người ta không thể nào mua một cái ampli 350 - 400USD để ghép với một cặp loa Việt Nam chỉ đáng giá có 1,5 triệu đồng (100USD). Tối thiểu cũng phải chơi cặp loa ngoại quốc thường thường vào khoảng 220 - 300USD. Nếu đã chơi loa Việt Nam thì tậu luôn cái "ampli pro karaoke" cho xứng đôi vừa lứa với giá khoảng 1,8 - 2,0 triệu đồng”. Lẽ dĩ nhiên, giải pháp này hiện nay đang được khá nhiều gia đình chọn lựa bởi vì hợp túi tiền. Trang bị một dàn máy karaoke với đầy đủ bộ lệ như đầu VCD - ampli karaoke - loa - tivi chỉ mất ngót nghét 8 triệu đồng. Anh Vũ, người phụ trách các mặt hàng điện tử tại công ty Tân Việt Phát cho biết: "Người ta thích chơi hàng rời để chứng tỏ mình chuyên nghiệp, hiện nay chủ yếu các gia đình trang bị dàn rời để hát karaoke hoặc xem phim". Các loại ampli karaoke lắp ráp tại Việt Nam thường có giá dao động vào khoảng 1,5 - 2,2 triệu đồng xấp xỉ giá bán một cặp loa 100/150W được sản xuất tại Việt Nam. Ghép dàn âm thanh thuần Việt để chơi karaoke phù hợp với mức thu nhập của số đông khách hàng và họ thường chỉ yêu cầu đến mức đó thôi”. Thịt cầy chấm với magi Nỗi khổ của các dân chơi dàn âm thanh là ghép trật hoặc "bị thuốc" bởi ông chủ các cửa hàng điện tử. Những người này nắm rất vững quy luật chơi, thị hiếu của khách hàng và các mặt hàng hiện có trên thị trường. Họ sẵn sàng bài bác các mặt hàng họ không có trong tay và khen ngất trời các sản phẩm đang có mặt tại cửa hàng của họ. Ông N.V.Hùng, ngụ tại quận 7 ngậm ngùi khi kể lại nỗi khổ ải vì dàn âm thanh High-end của mình: nghe người ta nói chơi dàn rời nghe hay cũng gom tiền đi mua cho bằng hàng xóm. Khi ra khu điện tử Huỳnh Thúc Kháng được cửa hàng thuyết phục chơi một dàn máy đồ sộ với đầy đủ đầu đĩa compact, ampli surround, sub điện, loa surround,... với giá khoảng 15 ngàn đô. Về nhà xem các bộ phim gốc trên DVD thì khá hay nhưng khi chuyển sang VCD thuê gần nhà thì chán chết. Rồi phải học cách chuyển qua chuyển lại giữa các loại loa quá phức tạp nên sau đó "tôi rút luôn dây loa surround cho tiện". Ðây cũng là nỗi khổ chung của các dân chơi nghiệp dư khi lấn cấn giữa quyết định chọn dàn rời chuyên nghiệp và dàn hát đĩa component (trọn bộ). Họ cứ dở dở, ương ương khi chọn mua các dàn âm thanh để xem phim và dàn máy hát karaoke. Anh Quốc Bảo, nhà ở quận 4 lại khổ với dàn máy vì bà xã thích hát karaoke: "Lúc đầu theo ý định có sẵn, tôi chọn mua dàn rời nghe nhạc, xem phim theo đúng tư vấn của dân nhà nghề. Về nhà, nghe rất đã và ai cũng khen mua dàn máy thứ dữ. Nhưng sau đó thì khổ vì bà xã thích hát karaoke, dàn máy surround nghe nhạc và xem phim thì ngon nhưng chuyển qua hát karaoke thì dở tệ. Thế là phải tốn thêm tiền để tậu một cặp loa chính thay cho cặp loa đá của Mỹ mới có thể phục vụ trọn gói các yêu cầu văn nghệ trong gia đình". "Hôn phối" không ly dị Cho đến nay, mặc dù phải tư vấn hướng dẫn mua sắm cho nhiều khách hàng nhưng các cửa hàng điện máy vẫn chưa thể chứng minh vì sao chọn loa X đi với ampli Z. Họ chỉ tư vấn theo kiểu nôm na rằng ampli Denon (Nhật) thì hợp với các loa Bose, Kenwood hoặc Pioneer; ampli Yamaha hợp với loại loa Jamo (Ðan Mạch) hoặc JBL (Mỹ). Ông Khanh, chủ cửa hàng Audio Choice trên đường Ba Tháng Hai cho biết: "Theo kinh nghiệm của tôi, việc ghép dàn với các loại loa Mỹ hoặc Anh thường chỉ nghe hay khi kết nối với các ampli có cùng xuất xứ. Nếu ghép giữa các sản phẩm khác xuất xứ sẽ kém hay so với cùng một loại loa - ampli Anh/Mỹ. Các loại loa - ampli với xuất xứ Anh và Mỹ có thể lắp ghép lẫn lộn nghe vẫn hay, nếu chen ampli hoặc loa Nhật vào sẽ mất hay". Việc trang bị dàn máy đồng bộ với việc trang bị ampli - loa - đầu đĩa có cùng nhãn hiệu sẽ có giá thấp hơn so với dàn lắp ghép từ nhiều nhãn hiệu được chọn lựa. Khi ghép dàn không đồng bộ có lựa chọn thì âm thanh sẽ sắc bén hơn so với dàn đồng bộ với các sản phẩm chuyên biệt của các nhà sản xuất thiết bị âm thanh. Tuy nhiên, dàn đồng bộ lại đáp ứng được nhu cầu về thẩm mỹ với cùng sắc màu, nhãn hiệu trong thiết kế nội thất. Ông Dũng, một tiểu thương ở Thủ Ðức tâm sự: "Chơi ghép dàn âm thanh khá phức tạp, tôi đã từng thử ghép một dàn âm thanh Tây lai Việt và kết quả nghe chẳng ra gì. Ban đầu, tôi có trong tay đầu đĩa DVD Pioneer, cặp loa AR và ampli California để hát karaoke nghe rất tốt. Do nhu cầu xem phim DVD với các hiệu ứng âm thanh đặc biệt tôi đã trang bị thêm một chiếc ampli surround ngoại nhập và bộ loa 3 chiếc lắp ráp tại Việt Nam. Tổng cộng, mất hết 25 triệu đồng cho một dàn máy surround theo kiểu tự thiết kế. Sau đó, âm thanh nó cứ chí chát như thế nào, nghe chẳng bằng một dàn máy component 15 triệu của người bạn". Theo cách tính toán của giới kinh doanh hàng điện tử, một dàn máy surround dưới mức 5.000USD chỉ sử dụng “cho vui” trong gia đình; trong khoảng 5.000 - 10.000USD được xếp vào loại trung cấp; chỉ khi nào đầu tư khoảng 10.000 - 20.000USD mới có thể cho rằng mình đang chơi hàng cao cấp. Còn những người đang sở hữu dàn âm thanh được lắp ghép dưới 50 triệu đồng chỉ được giới chuyên môn xếp hạng là dân chơi dàn máy nghiệp dư! MINH CHÍ X_L(sưu tầm)