Kính thưa các thành viên VNAV, Trong quá trình nghe và tìm hiểu về nhạc cổ điển, tôi có tích lũy được một số tư liệu, đồng thời nhận thấy hầu hết các bài viết trên báo chí cũng như online thường là đi quá rộng hoặc quá sâu cho một chủ đề, ít cô đọng nên khó theo dõi với những người mới bước đầu làm quen với nhạc cổ điển - tôi mạn phép hệ thống hóa những tư liệu có được và đưa lên đây theo kiểu nhiều kỳ để phục vụ những anh em thích thể loại nhạc này nhưng chưa biết nhiều hoặc chưa có định hướng rõ rệt khi tìm nghe các tác giả, tác phẩm. Các bài viết này do tôi sưu tầm, tổng hợp từ tư liệu nước ngoài, chỉ nhằm cung cấp những hướng dẫn cơ bản nhất, không đi sâu vào chuyên môn (do tui cũng không có chuyên môn, hihi) cho những người muốn nhập môn nhạc cổ điển. Các bác nào là lão làng rồi xin lượng thứ tội múa rìu qua mắt thợ. Xin xem tiếp "Bài 1: Sơ lược về nhạc cụ"
Bài 1: Giới thiệu sơ lược về nhạc cụ trong d GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ NHẠC CỤ Các loại nhạc cụ trong dàn nhạc cổ điển được chia thành 4 nhóm chính: bộ dây, bộ gỗ, bộ đồng và bộ gõ. Sự phân loại này chỉ có tính quy ước tương đối. Với đàn piano, ta có thể xếp nó vào bộ dây vì chính dây đàn tạo ra âm thanh, nhưng ta cũng có thể xếp nó vào bộ gõ bởi vì ta phải gõ vào các phím đàn _ đến nay người ta vẫn còn chưa thống nhất về chuyện này và các loại nhạc cụ có bàn phím được xếp vào một nhóm riêng, nhóm keyboard. Nếu chọn tiêu chí phân chia khác, ta sẽ có các phân nhóm khác. Ví dụ, ta có thể chia các nhạc cụ thành 3 nhóm theo cách thức tạo ra âm thanh: làm dao động một sợi dây (guitar, violin), làm dao động cột khí trong 1 cái ống rỗng (các loại kèn, sáo), làm dao động một vật thể cứng (đàn đá, trống). Tuy nhiên, để đơn giản, ta sẽ sử dụng cách phân chia cổ điển quen thuộc: bộ dây, bộ gỗ, bộ đồng và bộ gõ. Bộ dây (Strings) gồm có: violin, viola, cello, double-bass. Đó là 4 nhạc cụ dây chủ yếu của dàn nhạc cổ điển. Ngoài ra còn những nhạc cụ dây khác như harp, guitar,… Bộ gỗ (Woodwinds) gồm có: flute, oboe, clarinet và bassoon. (Ngày nay nhiều nhạc cụ trong bộ gỗ cũng được làm bằng kim loại nhưng vẫn thuộc về phân nhóm cũ.) Bộ đồng (Brass) gồm có: French horn (kèn săn), trumpet, trombone và tuba. Bộ gõ (Percussions) gồm tất cả những gì có thể gõ vào để tạo ra âm thanh. Keyboard: xếp vào nhóm này là các nhạc cụ được chơi bằng cách gõ/nhấn vào bàn phím – clavichord, harpsichord, piano, organ.
Bài 2: Thuật ngữ âm nhạc - sonata, concerto & sy [align=justify]THUẬT NGỮ ÂM NHẠC SONATA, CONCERTO, SYMPHONY 1. SONATA Thuật ngữ sonata xuất hiện vào cuối thế kỷ 16 để chỉ các tác phẩm khí nhạc – nhằm phân biệt với thanh nhạc: nếu một bản nhạc được trình diễn bằng nhạc cụ, nó là sonata; nếu nó được hát lên, nó là cantata. Tuy nhiên khi dàn nhạc ngày càng lớn hơn và các thể loại âm nhạc ngày càng nhiều hơn thì cách phân biệt đơn giản trên không còn thích hợp nữa. Ngày nay, sonata có nghĩa là một tác phẩm khí nhạc - có thể có một hoặc nhiều chương - viết cho 1 hay 2 (đôi khi 3) nhạc khí. (Ngoại lệ: các bản strings sonata của Rossini hay Mendelssohn, viết cho dàn đàn dây.) Thời kỳ Baroque, sonata thường có 4 chương. Sonata thời kỳ Cổ điển thường có 3 chương. Tới thời kỳ Lãng mạn, khi các nhà soạn nhạc trở nên cá nhân chủ nghĩa hơn, thì kết cấu một bản sonata cũng tự do hơn (điển hình là bản “Sonata in B minor của Liszt”, chỉ có 1 chương dài 30 phút). ·Lưu ý: Sonata form (thể sonata): cần phải phân biệt bản sonata với thể sonata. - Bản sonata là một nhạc phẩm trọn vẹn, gồm 1 hoặc nhiều chương. - Thể sonata là quy tắc cấu trúc âm nhạc trong chương đầu tiên của bản sonata hay symphony, gồm 3 phần: exposition, development và recapitulation (tạm dịch: giới thiệu chủ đề – phát triển mở rộng xoay quanh các chủ đề – tóm tắt, kết luận.) 2. SYMPHONY Thời Baroque, bất kỳ nhạc phẩm nào soạn cho dàn nhạc đều được gọi là symphony. Bắt đầu từ thời kỳ Cổ điển (giữa thế kỷ XVIII) symphony là một tác phẩm qui mô soạn cho dàn nhạc lớn, nhằm khai thác sự phong phú về âm sắc và cường dộ âm thanh của dàn nhạc cổ điển. Một bản symphony thường dài khoảng 20-45 phút, chia làm 4 chương. Về sau, symphony được dùng cho mọi tác phẩm soạn cho dàn nhạc lớn với cấu trúc tự do hơn, không nhất thiết phải gồm 4 chương. 3. CONCERTO (concerti) Concerto là tác phẩm viết cho một hay một nhóm nhạc cụ diễn tấu với dàn nhạc, kết hợp nghệ thuật biểu cảm và trình độ kỹ thuật điêu luyện của nghệ sĩ solo với sự phong phú về âm sắc và cường độ âm thanh của dàn nhạc. Giống như symphony, bản concerto dài khoảng 20 – 45 phút, có từ 1-5 chương nhưng phổ biến nhất là có 3 chương: chương đầu thường là dài nhất và kịch tính nhất, chương giữa chậm nhất và tình cảm nhất, chương cuối ngắn nhất và vui tươi nhất. Concerto grosso: hình thức concerto thời kỳ Baroque, trong đó thành phần solo gồm một nhóm nhạc cụ hợp tấu chứ không phải một người. Solo concerto: chỉ có một nhạc khí giữ vai trò độc tấu (solo), được ghi rõ trong tên nhạc phẩm. VD: Piano concerto, Concerto for Violin,... Double concerto: có 2 nhạc khí thay phiên nhau độc tấu hoặc cùng song tấu đối đáp với dàn nhạc. VD: Double concerto của Brahms cho violin và cello. Triple concerto: cũng như double concerto nhưng có 3 nhạc khí cùng chia xẻ vị trí solo. VD: Triple concerto của Beethoven viết cho violin, cello và piano. * SERENADE Serenade có nguồn gốc từ tiếng Italia “sera” (buổi tối) và “serenata” (dạ khúc). Ban đầu dùng để chỉ những bản tình ca mà các chàng trai trẻ thường đứng hát, lúc chiều tà, dưới cửa sổ nhà cô gái mà mình theo đuổi. Về sau, thuật ngữ này được dùng để chỉ các bản nhạc viết cho dàn nhạc nhỏ, có tính chất giải trí và đặc biệt là để biểu diễn ngoài trời. ******************************** [/align]
Bài 3: Thuật ngữ âm nhạc - BWV, Op, K là gì? [align=justify]Có bao giờ bạn thắc mắc về ý nghĩa những ký tự chữ và số thường gặp ở cuối tên của nhiều tác phẩm nhạc cổ điển? Ví dụ như bản Symphony số 40 K550 của Mozart, hay bản Concerto Brandenburg số 1 BWV 1046 của Bach, hay bản Symphony số 6 Op.74 của Tchaikovsky? Nhìn có vẻ khó hiểu nhưng thực ra ý nghĩa của chúng rất đơn giản. Mọi tác phẩm của các nhạc sỹ đều được lập chỉ mục và đánh số để biểu thị một cách tương đối thứ tự ra đời của chúng. Trong hầu hết trường hợp bạn sẽ gặp số chỉ mục Opus – viết tắt là Op. Opus là một từ la-tinh cổ có nghĩa là tác phẩm. Như vậy, bản Symphony số 6, Op.74 của Tchaikovsky là tác phẩm thứ 74 mà ông hòan thành. Hệ thống số chỉ mục Opus được sử dụng cho các nhạc sỹ và tác phẩm từ thế kỷ 19 trở đi. Trước đó, không có một quy tắc nhất định nào. Ngày nay, hàng trăm tác phẩm của J.S.Bach được tham chiếu theo một danh mục lập năm 1950 bởi Wolfgang Schmieder. Bản danh mục này có cái tên đọc trẹo cả lưỡi là: Thematisch Systemmatisches Verzeichnis der musikalischen Werke von Johann Sebastian Bach, may mắn sao nó được viết tắt thành Bach-Werke-Verzeichnis, đó chính là số chỉ mục BWV. Trong những trường hợp khác, chữ viết tắt là tên của người đã tổng hợp, hệ thống hóa danh mục tác phẩm của một nhạc sỹ. Vài thập kỷ sau khi Mozart qua đời năm 1791, Ludwig Koechel đã bỏ nhiều thời gian và công sức để hệ thống hóa những tác phẩm của Mozart, do đó số chỉ mục K sau các tác phẩm này là lấy từ họ của Koechel. Tuy nhiên cách này cũng gây nhầm lẫn khi những người sọan danh mục lại có chữ cái đầu họ giống nhau. Như các tác phẩm sọan cho đàn phím của Domenico Scarlatti cũng có số chỉ mục bắt đầu bằng chữ K nhưng không phải của Koechel mà là của Ralph Kirkpatrick – nhà âm nhạc học nổi tiếng thế kỷ 20. Ngay cả số chỉ mục Opus không phải lúc nào cũng thể hiện đúng trình tự tác phẩm ra đời, bởi các số chỉ mục thường ứng với ngày tác phẩm được xuất bản lần đầu chứ không phải ngày nó được hòan thành. Vì vậy, nếu bạn hỏi ai đó: “Beethoven đã viết tác phẩm nào trước: bản Piano concerto số 1 Op.15 hay bản Piano concerto số 2 Op.19?”, ít người có thể trả lời đúng rằng: thực ra bản được gọi là “số 2” đã hòan thành trước nhưng lại xuất bản sau bản “số 1” . Đến đây chắc bạn thấy những số K và Op. này thật rối rắm. Đừng lo, vì thực ra chúng chẳng quan trọng gì và không hề ảnh hưởng tới những cảm xúc mà âm nhạc mang lại cho bạn. Chúng chỉ có giá trị nếu bạn muốn lòe bạn bè chơi - thay vì bảo mình vừa nghe dàn nhạc giao hưởng Boston chơi bản symphony số 40 quen thuộc của Mozart, hãy nói tớ vừa nghe bản trình tấu tuyệt vời tác phẩm K550 và xem họ tròn xoe mắt như thế nào. [/align]
Bài 4: Âm nhạc thời kỳ Baroque [align=justify]ÂM NHẠC THỜI KỲ BAROQUE Trong âm nhạc, thời kỳ Baroque là khoảng thời gian từ 1600 - 1750. Đặc trưng của khí nhạc baroque là chỉ diễn tả một trạng thái cảm xúc duy nhất: một bản nhạc khởi đầu với cảm xúc gì sẽ duy trì cảm xúc đó cho đến hết bài. Đặc trưng này được thể hiện thông qua tính bất biến của nhịp điệu, giai điệu và cường độ âm thanh. Nhịp điệu và giai điệu của bản nhạc được lặp đi lặp lại, cường độ âm thanh thường giữ nguyên trong một khoảng thời gian nhất định và khi biến đổi thì tăng giảm một cách đột ngột chứ không tăng hay giảm dần. Hai tài năng kiệt xuất của thời kỳ này là Johann Sebatian Bach và George Frideric Handel. Những nhạc sĩ tài ba khác của thời baroque như Claudio Monteverdi, Henry Purcell, Antonio Vivaldi hầu như bị lãng quên cho đến tận những năm 40 của thế kỷ 20, sự ra đời của đĩa hát mới góp phần phục hưng nhạc baroque và mang tên tuổi họ trở lại với những người yêu nhạc. Một điều thú vị là, hầu hết các nhạc phẩm thời baroque được viết nhằm phục vụ cho những nhu cầu của nhà thờ và giới quý tộc. Các nhạc sĩ, bất kể tài ba ra sao, thường chỉ được đối xử như những gia nhân. Tuy nhiên, dù chỉ sáng tác theo đơn đặt hàng, các nhạc sĩ thời baroque đã để lại cho đời sau nhiều kiệt tác. ANTONIO VIVALDI Nhắc đến Vivaldi nhiều người chỉ biết có tác phẩm The Four Seasons mặc dù ông còn để lại nhiều nhạc phẩm đặc sắc khác. Vivaldi là một trong những nhạc sĩ có nhiều ảnh hưởng nhất vào thời đại của mình, ông viết rất nhiều, cả nhạc nhà thờ lẫn opera nhưng nổi tiếng nhất với các tác phẩm khí nhạc. Nếu không có những đóng góp quan trọng của ông trong việc phát triển thể loại concerto, đặc biệt là solo concerto, âm nhạc của các nhạc sĩ tiếp sau ông như Bach có thể sẽ kém phần phong phú. Tổng cộng Vivaldi đã sáng tác trên dưới 500 concerto trong đó 230 bản violin concerto, khoảng 27 cello concerto, 37 cho bassoon (rất ít nhạc sĩ viết concerto cho nhạc cụ này), và nhiều concerto cho nhóm nhạc cụ. Tiếng tăm Vivaldi nổi lên từ 1711 với bộ 12 concerto cho violin: Lestro armonico op.3. Bộ concerto này được xuất bản lần đầu ở Amsterdam và nhanh chóng lưu truyền khắp châu Âu, nhiều nhạc sĩ Đức đã bắt chước phong cách của ông và Bach đã chuyển biên 5 concerto trong bộ này qua keyboard. Hai bộ concerto nổi tiếng khác của ông là “La stravaganza” (1712) và “Il cimento dellarmonia e dellinventione” (1725) mà 4 concerto đầu tiên trong bộ này chính là bản The Four Seasons quen thuộc. Vào cuối đời, âm nhạc của Vivaldi không còn được ưa chuộng. Ông chết trong nghèo khổ năm 1741, không rõ nguyên nhân, tên tuổi và âm nhạc của ông cũng chìm vào quên lãng suốt 200 năm sau đó.[/align] còn tiếp
ÂM NHẠC THỜI KỲ BAROQUE (tiếp theo) [align=justify]JOHANN SEBASTIAN BACH Sinh thời, mặc dù được thừa nhận là một nhạc công chơi organ, harpsichord xuất sắc và có tài ứng tác tuyệt vời, Bach lại không hề được coi là một nhạc sĩ vĩ đại, tên tuổi ông hầu như không vượt ra ngoài nước Đức. Hơn nữa, khi tài năng của ông thực sự chín muồi thì phong cách baroque bắt đầu lạc hậu và ông qua đời tại Leipzig ngày 28-7-1750 trong cảnh túng quẫn, mù lòa. Phải đến 1829, khi Felix Mendelssohn dàn dựng và công diễn bản đại hợp xướng St.Matthew Passion, thiên tài âm nhạc của Bach mới được đánh giá đúng mức và Bach được tôn vinh là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc. Bach để lại một số lượng sáng tác đồ sộ tới hơn 1000 tác phẩm, bao trùm mọi thể loại của thời kỳ Baroque chỉ trừ opera và oratorio. Với bất kỳ thể loại nào ông cũng có những cách tân cả về nhạc tính lẫn kỹ thuật. Do đặc điểm thời đại, các sáng tác của ông không thể tách rời những yếu tố hoàn cảnh như nơi làm thuê, chủ thuê nhưng sự tương quan phức tạp giữa âm nhạc của ông với tôn giáo và số học _ mà các nhà phân tích, phê bình thời sau mới phát hiện ra _ hiếm khi gặp trong sáng tác của các nhạc sĩ khác. Nhiều nhà phê bình cùng thời Bach cho rằng âm nhạc của ông quá khô khan, giai điệu thiếu hấp dẫn nhưng ít lâu sau những bản hợp xướng và fugue của ông đã trở thành mẫu mực về hòa âm cho nhiều thế hệ nhạc sĩ kế tiếp. Mặc dù nhạc tôn giáo là phần quan trọng nhất trong sự nghiệp của Bach nhưng do các thể loại ca khúc, hợp xướng không quen thuộc với đa số người nghe nhạc cổ điển bình thường ở Việt Nam, dưới đây chỉ xin liệt kê một số tác phẩm khí nhạc quan trọng của Bach để bạn đọc tìm nghe, gồm có: 6 Brandenburg concerto (1721), 4 Orchestra suite, 7 harpsichord concerto, 3 violin concerto, Goldberg variations (1722), The Well-tempered Clavier (1722-44), Italian concerto (1735), The Art of Fugue (1750). GEORGE FRIDERIC HANDEL Handel là bậc thầy trong thể loại opera Ý và oratorio Ăng-lê (oratorio là tác phẩm soạn cho hợp xướng, đơn ca và dàn nhạc tương tự như opera nhưng không có diễn xuất, hoá trang và cảnh trí sân khấu), tên tuổi ông nổi bật cùng với Bach vào hậu kỳ baroque. Mặc dù ông cũng sáng tác khí nhạc như tổ khúc (suite), concerto cho organ, concerti grossi, tinh hoa trong gia tài đồ sộ của ông là các bản oratorio theo phong cách Anh và opera theo phong cách Italia. Các bản oratorio của ông thường dựa trên các sự tích của kinh thánh, cả Tân ước lẫn Cựu ước nhưng chúng hoàn toàn không phải nhạc phục vụ cho nhà thờ. Sáng tác nổi bật nhất của ông là oratorio Messiah dài hơn 2 tiếng rưỡi, được hoàn tất chỉ trong 24 ngày. Messiah công diễn lần đầu tiên năm 1742 tại Dublin và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Nhà hát 600 chỗ chật kín người và để tăng sức chứa, người ta yêu cầu các quý bà quý cô không được mặc váy phồng, các quý ông không được đeo kiếm. Messiah là bản oratorio duy nhất của Handel sử dụng cả kinh Cựu ước lẫn Tân ước trong phần lời. Vào thời Handel, Messiah được trình diễn bởi dàn nhạc và dàn hợp xướng nhỏ hơn bây giờ: dàn hợp xướng chỉ có 20 người và dàn nhạc chỉ có đàn dây và continuo, với vài cây trumpet và timpani trong một số đoạn. Ngày nay chúng ta thường nghe các bản cải biên với dàn nhạc cả trăm người và dàn hợp xướng lên tới vài trăm người. Về khí nhạc, những tác phẩm đáng chú ý của ông là Water music (1717), viết cho đám rước khải hoàn của vua George I trên sông Thames; bộ 12 concerti grossi (1739) và Music for the royal firework (1749) viết cho lễ hội pháo hoa ở Green Park, London. Vào cuối đời, Handel cũng bị mù như Bach nhưng trong khi Bach ra đi lặng lẽ thì Handel được chôn cất long trọng ở tu viện Westminster, London năm 1759.[/align]
Em xin xen ngang 1. Nếu Bác trích dẫn ở đâu đó thì cố gắng ghi chú trích dẫn nguồn 2. Nếu sưu tầm thì ghi thêm 1 chữ sưu tầm vào cuối bài viết. 3. Đoạn nào tự viết thì có thể ghi ....45D Đinh Tiên Hoàng :lol: Chỉ cốt cho diễn đàn bình yên !
Thưa bác "Rumbeng" và tất cả các bác, Những bài viết trên không phải do tôi dịch trọn gói từ một quyển sách nào (trừ bài về các thuật ngữ BWV, Opus là từ 1 báo Thailand, lâu quá không nhớ cụ thể) mà chắt lọc từ vài ba quyển khác nhau nhằm xây dựng những bài viết theo phong cách báo chí không dài quá, không khô khan như 1 bài chuyên môn nhưng vẫn bảo đảm thông tin cơ bản. Hồi trước tôi định làm loạt bài này cho tạp chí Nghe Nhìn, nhưng do không phù hợp với quan điểm của ban biên tập nên họ không sử dụng. Vậy có thể nói là bài do tôi viết cũng được, chắc không sợ bị ai kiện về bản quyển. Tuy nhiên nếu các bác admin và moderator thấy cần thiết thì tôi sẽ bổ sung danh sách tài liệu tham khảo, mong các bác cho ý kiến. Tôi có vài bài đã đăng trên Nghe Nhìn những số đầu tiên nhưng bị rút gọn cho đủ trang, sắp tới tôi sẽ đưa bản đầy đủ lên phục vụ các bác nào quan tâm.
Nếu không trích dẫn nguyên thì bạn cứ post vô tư . Mời bạn tiếp tục ! Chúc Box âm nhạc có thêm thành viên tích cực !
Bác bỏ quá cho em nha, đừng đóng ngoặc cái nick em mà tôi . tại vì lâu quá mới thấy có bài viết có đầu có đuôi, chuyên nghiệp nên em lại tưởng lầm . Theo cái kiểu của em thì em rất thích cuối bài viết bác cho thêm vài chú thích kiểu :" Đĩa nhạc này ( nhạc sĩ này ..) hiện có trong đĩa XYZ có thể tìm tại VIỆT NAM đĩa gốc hoặc chỉ có đĩa sao hay CD hay đĩa nhựa ..." Không biết làm như vậy nó có ảnh hưởng gì đến bài viết của bác không ? Bác chơi đi, nhiều khi phần bị cắt lại là phần tác giả tâm huyết nhất .
Hay lắm.. Tiếp đi bác, cho em nó học hỏi với... Em đang chăm chú theo dõi, bác rumbeng đừng làm "rùm beng" nữa nhá. Hihihhiiiiiii...... (em đùa tí cho vui thôi, mong bác đừng giận em!!!)
Rất lâu rồi box âm nhạc mới xuất hiện một thành viên có niềm đam mê và sự hiểu biết về lĩnh vực nhạc cổ điển vốn rất kén chọn người nghe. Tôi rất thích đọc các bài viết của bạn, mong bạn giữ được niềm đam mê của mình và có nhiều bài viết hay.
Thưa bác Rumbeng, Quan điểm của bác giống ban biên tập báo Nghe Nhìn, họ cũng muốn tôi nêu cụ thể tác giả đó, bản nhạc đó ở đĩa nào, bán ở đâu để tiện cho người xem. Tuy nhiên tôi không muốn làm thế vì những lý do sau: - Cùng 1 bản nhạc cổ điển có rất nhiều phiên bản khác nhau (nhạc trưởng, dàn nhạc, soloist), mỗi người mỗi thích nên không thể nói cái nào hơn cái nào. Mỗi người phải tự tìm hiểu và cảm nhận cái mình thích. Bài viết chỉ có tính chất định hướng chứ không đóng khung vào 1 cái cố định. - Do tôi không chép đĩa mà chỉ bán đĩa gốc nên nếu giới thiệu 1 CD cụ thể mà khi bạn đọc hỏi đến lại không có sẵn tại cửa hàng thì ... chết (không dám trữ đĩa cổ điển quá nhiều do thị trường quá nhỏ mặc dù nói lượng CD gốc cổ điển thì không có cửa hàng nào nhiều như tôi). - Tôi không thích nhập nhằng giữa bài quảng cáo và bài viết thật sự, nên không muốn nêu cụ thể cửa hàng trong những bài viết đó, cả tên thật cũng không mà chỉ là bút danh thôi. Quảng cáo giúp: các bác có thể đến 50 Cao Bá Nhạ, Q.1. Ở đó có thư viện nhạc cổ điển rất phong phú, CD chép.
Những bài viết của anh Tuấn rất hay và hữu ích! Theo em, anh Tuấn nên post bài với tốc độ chậm rãi thôi, lý do là để duy trì và kéo dài tuổi thọ cho chuyên mục này kẻo nó lại bị chết yểu mất! :roll: :lol: :cry:
Đừng lo Long ơi. Tư liệu thì vô khối, không có thời gian và sức lực mà làm thôi, không sợ hết bài đâu. Mấy bài đầu post nhanh là vì có sẵn từ trước rồi. Từ nay trở đi thì mới chỉ có phác thảo khung thôi (vì hồi trước định làm 1 loạt nhưng rồi thôi mà), phải từ từ mới thành bài hoàn chỉnh được. Sợ làm ra không ai coi thì ... phèo, chứ cứ có người thích đọc là mình thích làm thôi.
Re: Bài 2: Thuật ngữ âm nhạc - sonata, concerto & Hic, trước đây em tra từ điển Lạc Việt: sonata= (âm nhạc) bản sônat :arrow: Đọc xong bài viết này thì :arrow: :idea: Cám ơn CD Shop, mong bác tiếp tục "xóa mù" ạ. Chúc vui,
CD Shop ơi, hình như tiệm CD của bạn đã sửa sang xong rồi thì phải. Bạn còn bận rộn lắm không? Tiffany vẫn còn đứng ở thời kỳ baroque ngóng chờ các bài viết tiếp theo của bạn đấy. Mỏi chân quá!
Tiffany ơi, Hôm nay mới đang sơn tường, còn vài việc linh tinh nữa mới xong. Tôi sẽ cố gắng trong tuần này post tiếp bài về thời kỳ cổ điển. Nếu mỏi chân quá thì ghé cửa hàng ngồi uống trà nghe nhạc cho đỡ mỏi
Để viết về nhạc cổ điển sao anh cd shop không vào trang http://www.classicalvietnam.info của em mà viết, ở đấy có nhiều người thực sự quan tâm hơn.
Thế bác Apomethe nghĩ là ở đây không ai quan tâm sao? Như e vẫn theo dõi chủ đề này đây, tuy nhiên chỉ xem mà k spam.
Thời kỳ Cổ điển [align=justify]ÂM NHẠC THỜI KỲ CỔ ĐIỂN (1750-1820) Cái chết của J.S. Bach năm 1750 đã đánh dấu chấm hết cho thời kỳ Baroque. Giai đoạn tiếp theo, 1750-1820, được gọi là thời kỳ Cổ điển. Thời kỳ này là một bước nhảy vọt vĩ đại trong lịch sử nhân loại với những biến động xã hội quan trọng lẫn trong lịch sử âm nhạc với sự ra đời của các kiểu cấu trúc âm nhạc mới, các thể loại mới và cả nhạc cụ mới _ cây đàn piano quen thuộc ngày nay đã xuất hiện trong thời gian này. Các nhạc sĩ đại diện cho thời kỳ này là Haydn, Mozart và Beethoven. Bạn không cần quan tâm quá đến những mốc thời gian vì chúng chỉ có ý nghĩa tương đối. Tuy nhiên bạn nên lưu ý đến thuật ngữ “cổ điển” vì nó vừa được dùng để chỉ nhạc cổ điển nói chung nhằm phân biệt với các thể loại nhạc khác như pop, country, jazz… vừa dùng để chỉ một thời kỳ nhất định trong lịch sử âm nhạc. Trong bài viết này, khi bạn gặp cụm từ “cổ điển” xin hiểu theo nghĩa hẹp là “thời kỳ cổ điển”. Bài 1: ĐẶC TRƯNG CỦA PHONG CÁCH CỔ ĐIỂN 1. Sự tương phản về tâm trạng: Trong khi nhạc phẩm baroque chỉ chuyển tải một trạng thái cảm xúc, nhạc phẩm cổ điển thường thể hiện một phổ cảm xúc rộng lớn. Âm nhạc đang từ dữ dội đầy kịch tính có thể chuyển qua một giai điệu khiêu vũ nhẹ nhàng, vui tươi. Sự tương phản không chỉ xuất hiện giữa những chủ đề của một chương mà còn có thể ở ngay trong một chủ đề. Trạng thái cảm xúc trong nhạc cổ điển có thể thay đổi từ từ hay đột ngột, diễn tả những xung đột giữa niềm vui và nỗi buồn, giữa hy vọng và tuyệt vọng… 2. Nhịp điệu: Một nhạc phẩm cổ điển có rất nhiều nhịp điệu khác nhau được vận dụng một cách linh hoạt, trong khi nhạc phẩm baroque chỉ chứa vài kiểu nhịp điệu lặp đi lặp lại suốt bản nhạc. Nhạc phẩm baroque chuyển tải một cảm xúc đơn nhất và bất biến, vì vậy chỉ sau vài đoạn nhạc là ta có thể dự đoán khá chính xác nhịp điệu của cả chương. Còn phong cách cổ điển chứa đựng những khoảng lặng đột ngột, những chỗ đảo phách và thường thay đổi trường độ nốt nhạc _ sự thay đổi này có thể diễn ra đột ngột hay từ từ. 3. Cấu trúc: Trái ngược với cấu trúc phức điệu (polyphonic) của âm nhạc hậu kỳ baroque, âm nhạc thời cổ điển về cơ bản là có tính chủ điệu (homophonic). Tuy nhiên cũng như nhịp điệu, cấu trúc cũng được xử lý một cách linh hoạt chứ không gò bó. Một nhạc phẩm có thể bắt đầu với một giai điệu chính và bè phụ họa đơn giản rồi chuyển từ từ hay đột ngột qua phức điệu với hai hay nhiều giai điệu được thể hiện đồng thời bởi các nhạc cụ khác nhau. 4. Giai điệu: Các giai điệu nhạc cổ điển thường cân bằng và đối xứng bởi vì chúng hay được cấu tạo bởi hai phân đoạn có cùng độ dài. Phân đoạn 2, trong những giai điệu kiểu này, thường có phần mở đầu giống phân đoạn 1 nhưng kết thúc dứt khoát hơn (theo mô hình a a’). Các giai điệu cổ điển thường du dương và dễ nhớ, dễ hát do các nhạc sĩ cổ điển hay sử dụng chất liệu dân gian. Ngược lại, các giai điệu baroque ít đối xứng, phức tạp hơn và rất khó hát. Dàn nhạc cổ điển Không giống như dàn nhạc baroque có thể thay đổi tùy bản nhạc, cấu trúc dàn nhạc thời kỳ cổ điển được chuẩn hóa với bốn nhóm nhạc cụ: bộ dây, bộ gỗ, bộ đồng và bộ gõ; số lượng nhạc công cũng nhiều hơn dàn nhạc baroque. Các nhạc sĩ cổ điển không mấy khi để các nhạc cụ khác nhau lặp lại cùng một giai điệu như trong nhạc baroque mà khai thác màu âm đặc trưng của mỗi loại nhạc cụ (một chủ đề có thể bắt đầu với toàn thể dàn nhạc sau đó chuyển qua bộ dây rồi lại tiếp nối bởi bộ gỗ), vì vậy nhạc cổ điển có màu âm biến đổi nhanh chóng và phong phú hơn nhạc baroque.[/align] **************************************
Thuật ngữ âm nhạc THUẬT NGỮ ÂM NHẠC: POLYPHONIC & HOMOPHONIC Nghe bất kỳ đoạn nhạc nào, chúng ta cũng có thể gặp một trong các trường hợp sau: chỉ có một giai điệu, không có phụ họa; có nhiều giai điệu cùng lúc; có một giai điệu cùng hòa âm. Để mô tả các trường hợp đó người ta dùng khái niệm cấu trúc âm nhạc, nó biểu thị bao nhiêu lớp âm thanh bạn có thể nghe thấy cùng một lúc, bất kể đó là giai điệu hay hòa âm, và các lớp đó quan hệ với nhau như thế nào. Cấu trúc âm nhạc có 3 loại tương ứng với 3 trường hợp nêu trên. Monophonic (đơn điệu): là cấu trúc chỉ có một giai điệu được thể hiện, có thể độc tấu hay hợp tấu. Polyphonic (phức điệu): là cấu trúc trong đó 2 hay nhiều giai điệu độc lập được trình tấu đồng thời, cạnh tranh nhau trong việc thu hút sự chú ý của người nghe. Để có thể thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm có cấu trúc phức điệu, bạn có thể phải nghe nhiều lần, mỗi lần theo dõi một giai điệu. Homophonic (chủ điệu): là cấu trúc trong đó có một giai điệu chính với phần hòa âm tô điểm cho chủ đề chính. Phần hòa âm này có thể biến đổi rất đa dạng, từ nhạc nền êm dịu đến những cơn sóng âm che lấp cả chủ đề chính. Khi phần hòa âm trỗi dậy tranh giành sự chú ý với chủ đề chính, cấu trúc âm nhạc trở thành vừa có tính chủ điệu vừa có tính phức điệu.