Nhờ có gợi ý của bạn Người Ngoài Hành Tinh, em đã phiêu du sang http://www.yeuamnhac.com , và được các giáo sư bên đó hướng dẫn rất tận tình: Concerto số 1 cho piano với dàn nhạc. Mi giáng trưởng (1848-1856) Biểu diễn lần đầu - 14 tháng 2 năm 1865 ở Veimar Chỉ huy - Berlioz, người độc tấu - tác giả Bản concerto số 1 kết hợp trong bản thân nó những nét đặc trưng của bút pháp piano và giao hưởng của Liszt: tính chất kĩ xảo tuyệt vời với tính chất thơ ca giao hưởng. Cũng như trong các bản giao hưởng thơ, cấu trúc của một chương lớn được hình thành trên cơ sở của sự chuyển biến những trạng thái cảm xúc một cách phóng khóang, tự nhiên, nhưng rất hợp lý. Concerto bắt đầu một cách rực rỡ và lộng lẫy: bằng một chủ đề ngắn gọn nhưng đấy quyền lực của dàn nhạc, và tiếp theo nó là một đoạn cadenza vui tươi, rộn ràng của piano (cũng giống như trong concerto số 5 của Beethoven). Chính thủ pháp ấy tạo được ngay cảm giác của khí thế kỹ xảo của tác phẩm. Chủ đề của dàn nhạc mở đầu concerto giữ vai trò của nét chủ đạo (leitmotiv), nó xuất hiện trong những đoạn căng thẳng nhất như một sự báo trước điều gì đó hung dữ. Nhưng sau đoạn Cadenza (trổ ngón) lúc đầu, nét chủ đạo như "rời khỏi vũ đài", tan biến trong những hình giai điệu trong suốt của piano. Tiếp theo là sự thay đổi trạng thái, xuất hiện "song tấu" nên thơ của piano và dàn nhạc, cả hai luân phiên nhau diễn tấu một giai điệu mơ mộng, suy tưởng. Khí thế hào hứng mang lại cho giai điệu sức cảm xúc nồng nhiệt, sôi nổi. Chủ đề chính bỗng xuất hiện như một sự nhắc nhở đầy đe dọa về một điều gì đó không thể tránh khỏi, và sau đó, giống như núi lở, những nét lướt quãng tám chạy nhanh của piano đổ ập xuống. Nét tương phản mới - piano độc tấu, một khúc nhạc đêm (nocturne) ngắn, lãng mạn, đầy vẻ đẹp tế nhị. "Tiếng gào" chói tai của piano, những câu hát nói (Recitatif - ND) nồng nhiệt, giai điệu nhí nhảnh, mơn trớn, được sử dụng làm đoạn quá độ chuyển đến đoạn mới. Đó là - khúc Scherzo nhẹ nhàng huyền ảo, nhiều chấm sáng cầu kỳ đang nhảy múa, gợi lên những "màn" thần thoại trong những khúc waltz - Mephistopheles (ác quỷ trong Phost của Goethe). Chủ đề chính xuất hiện sau một nét lướt đi lên sôi nổi và trở thành đoạn kết của bản concerto - hành khúc chiến thắng sáng ngời: những người chiến thắng đã đến thành Rome. Nghệ thuật biến đổi giai điệu của Liszt thật vĩ đại, khi chủ đề của "khúc nhạc đêm" lại là cơ sở của điệu hành khúc anh hùng ca. Niềm cảm hứng hân hoan ngày càng lớn trong âm nhạc, các chủ đề của concerto đi qua như "cuộc diễn binh" trọng thể, bè piano đạt đến giới hạn tột cùng của kỹ xảo. Và toàn bộ dòng âm thanh reo vui đang trôi nhanh ấy bỗn như vấp phải chướng ngại vật - chủ đề chính vang như sấm. Lần cuối cùng khối núi lở quãng tám đổ ập xuống, kết thúc sự phát triển của bản concerto. ___________________________________ I Allegro maestoso II Quasi adagio III Allegretto vivace: Allegro animato IV Allegro marziale animato.wma Concerto số 2 cho piano với dàn nhạc. La trưởng (1839. Sửa chữa lần cuối 1861) Biểu diễn lần đầu - 7 tháng giêng năm 1857. Người chỉ huy - tác giả, người độc tấu - Bronzart Bản concerto la trưởng trong phương án đầu tiên thuộc vào số những tác phẩm thời kỳ đầu của Liszt (nó được viết trước bản Mi giáng trưởng), tuy nhiên những lần sửa chữa cuối cùng đã biến concerto thành một trong những sáng tác hoàn chỉnh của nhạc sĩ. Vẻ duyên dáng và tươi mát của giai điệu kết hợp với kỹ xảo tuyệt với và tính chất rực rỡ về màu sắc hòa âm. Trong tác phẩm này Liszt tiếp tục cải cách thể loại concerto. Ở đây những cái mới mẻ ở khắp nơi đang chờ đón người nghe đương thời. Thay vào phần Allegro rạng rỡ, concerto bắt đầu bằng phần Adagio điềm tĩnh, thiết tha và chân thành. Nhạc sĩ đưa người nghe vào lĩnh vực những suy tưởng thanh cao lãng mạn chủ nghĩa: nghe rõ khúc choral trữ tình và đặc sắc, đầy niềm hân hoan thành kính. Tuy vậy trạng thái chiêm ngưỡng ấy kéo dài không lâu. Thay vào đó một hình tượng lãng mạn chủ nghĩa khác - cao thượng và quả cảm. Âm nhạc đầy sôi động, kêu gọi đấy tranh. Sự tương phản mới: một đoạn trữ tình. Trên nền những hợp âm rải của piano vang lên giai điệu mơ mộng, du dương trong bè Cello. Như một chuỗi ngọc quý được nhạc sĩ xâu hết hạt này đến hạt khác, hạt này đẹp hơn hạt kia. Chúng vang lên như những lời thú nhận dịu dàng và thẫn thờ, nồng nàn và hân hoan, nhưng chúng tan dần trong những dòng lướt của piano. Cuộc đấu tranh lại tiếp tục với sức mạnh mới, màn đối thoại của piano và dàn nhạc tạo cảm giác của những xung đột kịch tính, thể hiện khí thế anh hùng. Cuối cùng dẫn đến hành khúc chiến thắng, trong đó chúng ta nhận ra chủ đề trữ tình được biến đổi (cũng như trong bản concerto số 1). Thế nhưng trước khi kết thúc tác phẩm, âm thanh trong suốt như pha lê của piano một lần nữa đưa trí tưởng tượng của người nghe vào thế giới của cái đẹp, của những ước mơ kỳ diệu lãng mạn chủ nghĩa. Và sau đó, bằng tốc độ nhanh, bằng những hợp âm sặc sỡ, chắc nịch, bằng những dòng thác quãng 8 và tutti (dàn nhạc đồng diễn) vang rền, nhạc sĩ mới khẳng định dứt khoát ưu thế của hình tượng anh hùng. _______________________________ I Adagio sostenuto assai - Allegro agitato assai II Allegro moderato III Allegro deciso - Marziale un poco meno allegro IV Allegro animato
Giao hưởng hoán tưởng (Symphonie fantastique) (Một quãng đời của người nghệ sĩ) Đô trưởng - tác phẩm số 14 (1830) I- Ước mơ và những đam mê (Reveries, passions) Largo. Allegro agitato ad appassionato assai. II- Hội khiêu vũ (Unbal) Valse Allegro non troppo III- Cảnh trên đồng ruộng (Scene aux champs) Adagio IV- Đưa đi hành hình (Marche au supplice) Allegretto non troppo V- Giấc mơ trong đêm hội ma quái (Songe d'une nuit de sabbat) Larghetto. Allegro Công diễn lần đầu - ngày 5 tháng 12 năm 1830 ở Paris Chỉ huy - tác giả Giao hưởng hoán tưởng - tác phẩm đầu tiên có giá trị của Berlioz, một loại tuyên ngôn âm nhạc của ông. Trong bản giao hưởng này nhạc sĩ đã dứt khoát đoạn tuyệt với những truyền thống cổ điển Vienne, vạch ra những quy tắc xây dựng giao hưởng. Từ nay, hình thức và sự phát triển của một bản giao hưởng chỉ tùy thuộc vào sở thích riêng, sự tự do, phóng túng (fantaisie-ND) sôi nổi và xúc động của người sáng tác, vào tiêu đề được nhạc sĩ thừa nhận, dù tiêu đề ấy có tầm thường bao nhiêu đi nữa. Tiêu đề "phóng túng" (fantaisie) do chính Berlioz viết cũng gọi là một truyện ngắn, được nhạc sĩ "thuật lại" trong phong thái hào hứng lãng mạn chủ nghĩa với phần lớn tính chất phóng túng và cuồng tưởng, huyền hoặc... Phần mở đầu "một nhạc sĩ trẻ với tính cách đa cảm quá đáng và óc tưởng tượng mãnh liệt, đang ôm ấp một tình yêu vô vọng, trong cơn tuyệt vọng anh ta tự đầu độc bằng thuốc phiện. Nhưng do uống chưa đủ liều để có thể chết, chàng ta đắm mình trong giấc ngủ nặng nề. Trong đầu óc bệnh hoạn của anh ta hiện lên những hình ảnh tưởng tượng rất lạ lùng, những cảm giác, tình cảm, hồi ức của anh ta biến thành ý nghĩ và hình tượng âm nhạc. Người con gái được yêu thì trở thành giai điệu đối với anh ta, như một ý tưởng luôn ám ảnh mà anh ta gặp và nghe thấy ở khắp nơi. Chương I - "Chàng hồi tưởng lại nỗi đau lòng nọ, những say đắm và nỗi buồn không giải thích được ấy, những niềm vui bất ngờ mà chàng đã nếm trải trước khi gặp người con gái chàng yêu, sau đó - tình yêu đắm đuối bỗng ùa vào lòng chàng, những nỗi lo âu căng thẳng, những cơn ghen dữ dội, rồi trở lại dịu dàng, âu yếm, niềm an ủi trong tôn giáo...". Phù hợp với nội dung tiêu đề, âm nhạc của chương I nổi bật ở sự xúc động căng thẳng khó chịu, tính chất tương phản gay gắt của các trạng huống tình cả. Tiếp sau những cao hứng mãnh liệt, đôi khi lên đến tột độ, là những lúc ủ rũ, sau những hy vọng thiết tha - sự thất vọng, nỗi buồn thay thế cho niềm vui, sau ước mơ - sự bối rối trong lòng. Và cả mộ loạt dòng cảm xúc phong phú ấy được xem nhu một sự thú nhận trữ tình chân thành. Chương I viết ở hình thức sonata allegro với phần mở đầu chậm. Hơn nữa, chủ đề chính trở thành nét chủ đạo (leitmotiv) của bản giao hưởng, tượng trưng cho hình ảnh của người yêu và ý tưởng ám ảnh. Chương II - "Chàng gặp gỡ người yêu ở hội khiêu vũ, trong tiếng ồn ào của buổi hội rực rỡ". Chương này được xử lý trong dạng của một điệu Valse. Giai điệu tràn đầy vẻ duyên dáng và sức quyến rũ "lướt nhẹ" trong bộ dây, khi dịu dàng trữ tình, khi oai phong đường bệ. Đồng thời điệu Valse cũng miêu tả tính cách và khí sắc của nhân vật và bầu không khí của hội khiêu vũ. Cuối chương, chủ đề người yêu lại xuất hiện, nhưng sau đó mất hút trong cơn lốc âm thanh của hội khiêu vũ. Chương III - "Vào một chiều hè chàng nghe thấy tiếng kèn gọi nhau của hai mục đồng. Những âm thanh ấy, cảnh thiên nhiên xung quanh, tiếng xào xạc của gió thổi nhẹ trên lá cây, những tia hy vọng mới chắp cánh cho chàng - tất cả mang đến cho lòng chàng một sự yên tĩnh mới lạ, ngỡ ngàng, và ý tưởng của chàng trong sáng hơn... Nhưng nàng lại xuất hiện, tim chàng như thắt lại, linh cảm u ám làm cho chàng lo lắng - nàng có chung thủy chăng?... Một mục tử lại tiếp tục giai điệu ngây thơ hồn nhiên của mình, người kia không đáp lại nữa. Mặt trời lặn... có tiếng sấm rền nơi xa... nỗi cô đơn... im lặng... Nội dung tiêu đề nêu lên khá cụ thể tính chất âm nhạc của khúc đồng quê (pastorale) tinh tế và nên thơ ấy. Mối tương phản điển hình giữa cảnh thiên nhiên thanh bình và tuyệt đẹp trong sự yên tĩnh hài hòa của mình và sự cuồng loạn về tình cảm của nhân vật. Ý đồ đã gợi ý cho tác giả cấu trúc thể 3 đoạn của chương này với đoạn giữa xao xuyến, xúc động mãnh liệt, ở đó nét chủ đạo của người yêu một lần nữa lại xuất hiện. Chương IV - "Chàng mơ thấy mình giết chết người yêu và bị kết án tử hình, rồi người ta đưa chàng đi hành hình trong âm thanh của một hành khúc, khi thì tối tăm ảm đạm và khắc nghiệt, khi thì trang trọng và chói lọi. Tiếng động âm thầm của những bước chân nặng nề được thay bằng những tiếng gõ gay gắt. Cuối cùng, cái ý tưởng ám ảnh ấy lại xuất hiện như ý nghĩ cuối cùng về tình yêu, bị tiếng gõ của định mệnh cắt đứt. Chương IV - thể hiện một cách rực rỡ tài năng tạo hình trong âm nhạc của Berlioz. Tiếng ầm ầm của trống lớn, tiếng sấm sét của trống định âm, những âm thanh chói tai của nhạc cụ đồng như đổ ập xuống người nghe. Tất cả - từ cái bật dây mở đầu của đàn kontrebass mô tả bước đi nặng nề và chủ đề nghiêm khắc của đàn cello đến "tiếng chấn động của máy chém", mà trước nó chủ đề người yêu thoáng hiện như một giấc mơ và sau nó hồi trống truyền thống nhà binh "nổ tung" lên - được nhận thức như hoạt động thực tiễn, xảy ra trên quảng trường lớn, trong đám đông người đứng im lặng. Có lẽ tất cả những phương tiện được nhạc sĩ áp dụng nhằm truyền thêm cho bức tranh ấy tính xác thực sử thi. Tuy nhiên nội dung tiêu đề (vụ án mạng nằm mơ) nói rằng, tất cả điều đó chỉ là sự bắt chước lố bịch hành khúc anh hùng ca, một kiểu mẫu của sự lố bịch của chủ nghĩa lãng mạn. Chương V - "Chàng thấy mình trong đêm hội ma quái (Sabbat - ND) giữa những đám đông bóng đen, những tên phù thủy và những quái vật, tụ tập lại trong lễ mai táng chàng. Những tiếng động kỳ quái, tiếng rên xiết, những trận cười, những tiếng thét từ phía xa như đối đáp nhau... giai điệu người yêu trở lại một lần nữa, nhưng mất đi tính chất thanh cao và khiêm nhường của mình, giờ đây - nó là một làn điệu nhảy múa ghê tởm, thô bỉ và diêm dúa. Lúc thì "cô ta" đang đi dự hội ma quái... tiếng gào rống đón chào cô... cô ta nhập vào cuộc chè chén của ma quỷ... tiếng leng keng của đám tang, tiếng bắt chước trò hề Dies iarae (bài cầu nguyện cho người chết - ND), điệu khorovod ma quái - Dies iarae và khovorod cùng một lượt". Nhà phê bình âm nhạc Xolertinxki viết rằng chương cuối của bản "giao hưởng hoán tưởng" - "Một trong những tuyệt tác của Berlioz. Mặc dù trên đề tài ấy, bản giao hưởng hoàn toàn không có sự kiến giải thần bí. Berlioz không tin ở các thần linh của mình. Ông đưa họ lên với thái độ hiện thực hài hước. Những bóng ma rất rõ rệt, sờ thấy được... Đối với Berlioz, lễ Tửu thần chỉ là cái cớ để thực hiện ý đồ gây hiệu quả âm sắc khác thường, làm mọi người phải kinh ngạc. Ông say sưa với những khả năng của dàn nhạc. Ông đã dồn dập đưa ra những thành quả quý giá của khí nhạc một cách hào phóng, như vung ra từng vốc ngọc quý. Ở đây có cả tremolo ở trên cao của đàn violin, có cả tiếng sột soạt, tí tách col legno (đập lên dây đàn bằng phần gõ của archet các loại đàn dây kéo - ND) của violin, như phỏng theo nhịp nhảy múa của những bộ xương người, có cả tiếng chí chóe chói tai của kèn Clarinet giọng Mi giáng diễn đạt nét chủ đạo "đê tiện, hèn hạ", lố bịch... có cả chuông, cả tiếng kèn đồng điên loạn. Nhái lại một cách xấc xược buổi thánh lễ và điệu fugue cũng là chỗ mang hiệu quả mới của dàn nhạc". Chương cuối - trang cuối cùng trong câu chuyện của nhân vật trong giao hưởng của Berlioz. Người con gái đẹp được yêu quý "hóa thành" mụ phù thủy, điều mơ ước bị chế giễu nhạo báng, lý tưởng lãng mạn chủ nghĩa bị lật đổ. Kết luận của cuốn tiểu thuyết âm nhạc độc đáo nhất là như thế đấy(*) _______________________________________ 01 - Reveries - Passions (Daydreams - Passions) 02 - Un Bal (A Ball) 03 - Scene aux champs (Scene in the fields) 04 - Marche au supplice (March to the scaffold) 05 - Ronde du sabbat (Dream of the witches' sabbath) _________________________________ (*)Bản "giao hưởng hoán tưởng" còn phần tiếp theo. Đó là một màn kịch một người (monodrame - ND) trữ tình "Lêlio" hoặc "trở về với cuộc đời" (phần 2 của "quãng đời của một nghệ sĩ"). Được sáng tác 2 năm sau đó (1831-1832) và là một loại tác phm chắp ghép (montage - ND), những câu độc thoại của diễn viên với những đoạn nhạc. "Leliô" kém bản giao hưởng về mặt nghệ thuật, nó chỉ có ý nghĩa lịch sử
Bản Symphonies fantastique này có cái do Colin Davis chỉ huy nghe rất hay. Do philips ghi âm chất lượng cực tốt. Mấy đoạn đầu giai điệu rất đẹp và lãng mạn. Từ đầu đến cuối em nghe có cảm giác hơi huyền bí kể cả những đoạn mô tả cảnh đồng quê thanh bình.
Chào các bác, theo ý em, nếu muốn tiếp cận nhạc giao hưởng mà bắt đầu từ Berlioz thì không khác gì đâm đầu xuống vực. Vấn đề ở chỗ nhạc của Berlioz không dễ nghe (mà nhạc của ông này cũng không sâu như vực thẳm), khó nắm bắt giai điệu và khó hình dung ra một hình ảnh cụ thể nào đó. Bắt đầu với giao hưởng, tốt nhất là nên bắt đầu với Beethoven- thứ tự từ số 5, 6, 7, rồi 3, 9. Sau Beethoven quay sang Brahms rồi đến Mahler và Shostakovich luôn chứ cũng không cần quay lại Mozart, Tchaikovski, Schubert, Schumann làm gì. Nếu muốn nghe cả mấy ông này thì nên nghe số 41 của Mozart (và chương 1 của cái số 40) và Schubert số 8, Dvorak số 9. Còn để bắt đầu với nhạc cổ điển nói chung em nghĩ nên bắt đầu với các trích đoạn nổi tiếng các Symphonie, Concerto, Sonatas và các tiểu phẩm ngắn của các nhạc sĩ như Beethoven, Bach, Mozart, Tchaikovski, Chopin. Đặc biệt, Chopin rất dễ nghe và hợp với tính cách người VN hơn cả. Ngoài ra, nên nghe nhạc cụ độc tấu hoặc các thể loại ít nhạc cụ, ít bè trước- ví dụ nghe độc tấu piano hay các tiểu phẩm cho violin có đệm là piano; chứ không nên nhảy ngay vào giao hưởng hay các loại tứ tấu, ngũ tấu phức tạp. Các tác phẩm bắt đầu tốt có lẽ là các bản Walze và Nocturnes của Chopin, 3 cái Sonaten cho piano "Moonlight", "pathetique", "appasionata" và 2 cái Sonaten cho violin và piano số 5 và 9 của Beethoven; mấy cái sonate và tiểu phẩm cho piano của Mozart như "hành khúc Thổ nhĩ kỳ", "một tiểu phẩm nhạc đêm". Sau khi nghe thấy cảm giác với các tác phẩm này đã lên cao-vi dụ nghe 3 cái Sonaten trên của Beethoven mà tinh thần bên ngoài thấy trầm lắng hơn mà bên trong ngọn lửa cháy hừng hực như nghe nhạc Heavy Metal thì có nghĩa là công lực đã đủ để chính thức bước chân vào nhạc cổ điển, rú ga chạy tiếp. Quan trọng hơn cả: nghe nhạc cổ điển khi yên tĩnh, không nghe khi ăn, nói chuyện, ồn ào, vì nhạc cổ điển chỉ thích hợp với ai tập trung tinh thần và dùng sức tưởng tượng để xử lý nó.
=> Khó quá. Vậy thôi để em chờ chừng nào già rồi nghe. Bây giờ thì cứ... rap dance cho nó tưng cái đã
Bài của bác cellist hay quá, em sẽ phải in ra rồi đi kiếm đĩa xem thế nào. Anh Planets giúp em vụ đĩa này nhé, hay anh em mình làm một cái Classic Music, Step by Step đi anh ơi. Ta sẽ làm vài đĩa, 4 newbie, 4 pre-intermidiate, 4 intermidiate ... ANh thấy thế nào???
= > Chào bác Cellist: Trong tàng thư của người ngoài hành tinh chúng em, thấy có đề cập đến chuyện âm nhạc phản ánh thực tại của thời đại. Nếu như vậy thì, phải chăng nhạc cổ điển đã lỗi thời ??? => Chào bác Thanh Trúc: Phải chăng đây cũng chính là lý do khiến bác bỏ đi nghe rap dance ??? => Chào bác Planets: Bác làm thế nào để cảm nhận nhạc cổ điển trong không gian thời hiện đại này ??? Hay là nơi bác ở, thời gian cũng đa chiều như ở "không gian phi thời gian" của chúng em???
Theo kinh nghiệm của em về nghe nhạc cổ điển thì thế này. Như bác Cellist nói trước tiên mình nên chọn những loại nhạc đơn giản để nghe. Em thấy bắt đầu bằng nhạc của Mozart cũng được hoặc là kiếm những đĩa cổ điển chọn lọc các tác phẩn nổi tiếng. Nếu mua đĩa chọn lọc thì chỉ nên mua đĩa do các hãng nổi tiếng về nhạc cổ điển ghi âm tránh những đĩa chọn lọc của TQ biên tập. Xem mình thích loại nhạc cụ gì thì chọn mua theo sở thích. Thông thường violon và piano là 2 loại nhạc cụ phổ biến và có nhiều loại nhạc cổ điển dễ thưởng thức. Đối với người mới nghe nhạc cổ điển mà bập vào loại nhạc khó nghe sẽ bị nản chí ngay. Cùng là nhạc cổ điển nhưng có loại khó hơn nhiều so với các loại khác. Em thấy có nhiều loại nhạc bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng lại rất là khó nghe ví dụ như nhạc của Bach. Cũng nên tìm hiểu phong cách nhạc nào phù hợp với mình: hiện thực, lãng mạn, nhạc buồn, … Một số đĩa nhạc dễ nghe: Chopin's Waltz hoặc Nocturnes (nên mua đĩa do Arthur Rubinstein chơi) Mozart's Violin Concerto No. 3, No. 5 A La Carte, Itzhak Perlman chơi các bản violin nổi tiếng Mischa Elman chơi nhạc Violin của Kreisler Khi mới nghe nhạc cổ điển cũng không nên quá căng thẳng để cố hiểu ý nghĩ của nó nhưng rõ ràng là phải tập trung và yên tĩnh tinh thần thư thái và lắng tai nghe vậy thôi nhạc hay tự nó sẽ thấm vào. Nếu mới nghe mà cứ cố phân tích giai điệu này này nghĩa là gì đoạn kia nghĩa là gì thì rất khó thưởng thức nhạc. Một bản nhạc nghe một hai lần cũng không thể thấy hết cái hay của nó mà càng nghe nhiều có khi lại càng phê hơn. Kho tàng nhạc cổ điển thật là vô tận chả ai khám phá hết được. Có nhiều điều để tìm hiểu lắm. Dạng như em cũng chỉ tập tọe thôi.
Xin giới thiệu với các bác một đĩa nhạc cổ điển dễ nghe và hay. Các vũ khúc Hungary của Brahm. Đây là đĩa CD do dàn nhạc giao hưởng Budapest trình diễn do NAXOS phát hành. Gồm 21 vũ khúc do Brahm sáng tác dựa trên các giai diệu dân gian Hungary. Nhịp điệu âm nhạc sôi động, giai diệu mạch lạc rõ ràng và cuốn hút. Trong số này có 3 bản do Brahm viết cho dàn nhạc còn các bản khác cũng do Brahm sáng tác nhưng được các nhà soạn khác chuyển soạn cho dàn nhạc. Dàn nhạc Budapest có lẽ ít được nói tới nhưng mời các bác cứ nghe thử sẽ thấy ngay sự nhuần nhuyễn của họ trong trình diễn.
Câu hỏi của bạn không phải là một câu hỏi khó, vì nhạc cổ điển chỉ là cách gọi chung cho thể loại âm nhạc truyền thống Đức-Áo và sau đó là châu Âu nói chung. Thời Beethoven- ở Đức với Áo, ngoài nhạc cổ điển có lẽ chỉ còn một ít nhạc dân gian cổ, các vũ điệu cổ của nông dân. Mãi cho đến sau này- ví dụ từ thế kỷ 20- nhiều dòng nhạc khác mới ra đời và phát triển mạnh trở thành những dòng nhạc riêng. Thích hay không thích Mỹ, chúng ta cũng phải nói rằng hầu hết các dòng nhạc mới ngày nay chúng ta gọi là Soul, Jazz, Pop, Rock là sản phẩm của văn hóa Mỹ- một nền văn hóa mới, muốn thoát khỏi ảnh hưởng của cựu lục địa. Có lẽ từ đó- khái niệm nhạc cổ điển mới tách biệt khỏi khái niệm "âm nhạc" nói chung. Vậy là đến đầu thế kỷ 20 - ở châu Âu chỉ có 2 dòng nhạc chính- một là nhạc cổ điển, hai là các bài hát dân gian, vũ điệu cổ truyền của nông dân, du mục. Tức là nhạc cổ điển không chết cho tới thời điểm đó. Tính từ 1900 trở đi cho tới ngày nay- nhạc cổ điển vẫn sống như trước thôi. Tại sao vậy? Là vì âm nhạc vẫn tiếp tục phát triển-như vật lý hay toán học vậy. Thế kỷ 20 cũng chứng kiến những cuộc cách mạng âm nhạc như trong vật lý học. Đầu tiên là bọn trường phái Vienna thứ 2 (2. Wiener Schule) gồm Schoenberg, Alban Berg và Anton Webern với âm nhạc chuỗi 12 nốt. Đến giữa thế kỷ xuất hiện John Cage với âm nhạc ngẫu nhiên, rồi tiếp theo đó là bọn Stockhausen với nhạc điện tử kết hợp cả chuỗi và ngẫu nhiên, rồi tới ngày nay là bọn Tối Thiểu (Minimalism) và hậu hại điện (Postmodernism) .v.v. Chỉ có điều, không phải ai cũng đủ khả năng biết và nghe nổi các thể loại âm nhạc mới- những thể loại âm nhạc mà thực ra phải nói rằng: "theo kịp thời đại hoặc đi trước thời đại" này. Đây không phải là vấn đề gì lạ lẫm. Khi Beethoven còn sinh thời- không phải ai cũng nghe được nhạc của ông. Thậm chí cả nhạc công hạng nhất- như tay violinist Ferdinand cũng không hiểu nổi tác phẩm Sonata số 9 của Beethoven cho violin và piano, và không chịu biểu diễn tác phẩm đó. Beethoven vì thế đã tức giận rồi nói rằng :"âm nhạc của ta không chỉ nghèo nàn như cái violin nhà anh". Một trường hợp tương tự khác là cái chương kết Grosse Fuge của Beethoven viết cho tứ tấu opus số 131. Sau khi viết xong, Beethoven không xuất bản được vì nhà xuất bản âm nhạc Vienna cho rằng tác phẩm này kỳ quái, không hiểu được. Vì thế, Beethoven đã phải viết một chương Finale khác, dễ hiểu hơn, để được xuất bản, có tiền sinh sống. Ngày nay, chúng ta biết- cái Grosse Fuge này là một trong những kiệt tác vượt thời đại của Beethoven. Sau gần 200 năm kể từ khi nó đựơc viết, nó mới trở nên "có thể nắm bắt được" đối với chúng ta.
Mong bác Xe phân tích cụ thể về Grosse Fuge của Beethoven để chúng em mở mang kiến thức âm nhạc cổ điển một tí ạ. Cám ơn bác Xe.
Vâng chào bác teablue, em xin lỗi trước là em cũng không phải dân học nhạc lý thuyết chuyên nghiệp, nên cũng không hiểu cái Grosse Fuge ấy về mặt kỹ thuật có kết cấu bố cục .v.v. thế nào, dù em có tổng phổ của toàn bộ các tứ tấu của Beethoven. Cái tổng phổ của em là cho từng nhạc cụ một, cho nên không vừa nghe vừa xem tổng quát cả 4 bè giao chiến với nhau thế nào được, chỉ có cách theo dõi từng bè một thôi. Việc này em chưa có thời gian làm, nhưng sẽ cố làm trong thời gian tới. Nhưng đây là việc thiên về kỹ thuật chuyên ngành, có lẽ các bác trong forum ta cũng không ai quan tâm. Còn về vấn đề cảm nhận và một chút lý thuyết cơ bản để nghe thì em có thể nói vài câu như sau: Grosse Fuge của Beethoven đựơc viết ban đầu như là chương kết cho tứ tấu opus 130 của ông. Tứ tấu đàn dây gồm 2 violin, 1 viola, 1 cello được phát triển kể từ Haydn- thầy của Mozart và Beethoven. Nhìn chung, tứ tấu dây kiểu này được coi là loại hình âm nhạc tinh chất nhất của âm nhạc- bởi vì nó là một dạng kết cấu đầy và đủ, không thừa (như giao hưởng) không thiếu (như Sonata chẳng hạn). Cho dễ tưởng tượng- thì tứ tấu giống như một vận động viên thể thao, không béo quá, không gầy quá. Ở tứ tấu dây- cả 4 nhạc cụ có chức năng (gần) bình đẳng với nhau, đối thoại và giao chiến với nhau một cách không (/ít) chênh lệch. Qua hình thức tứ tấu dây- người nhạc sĩ giỏi có khả năng thể hiện được nội dung tư tưởng của mình một cách trực tiếp, tối giản và hoàn chỉnh nhất. Vì vậy trong giới âm nhạc chuyên nghiệp, người ta gọi tứ tấu là "Triết học của âm nhạc" và các nhạc sĩ giỏi luôn có gắng để viết được một vài tứ tấu để đời. Cũng chính vì vậy, tứ tấu cực kỳ khó viết và thường cũng cực kỳ khó nghe. Một ví dụ cụ thể là Brahms: - vì noi gương Beethoven- coi âm nhạc của Beethoven là thước đo nên Brahms đã đốt tổng cộng 20 bản tứ tấu của mình khi thấy chúng không đạt tiêu chuẩn chất lượng ông mong muốn. Về sau Brahms có viết hoàn chỉnh và công bố 3 bản tứ tấu- và cá nhân em thấy đây là 3 bản tứ tấu đặc biệt khó nghe. Còn hình thức âm nhạc gọi là Fuge (xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là "rượt đuổi, chạy trốn") là hình thức âm nhạc được khai sinh bởi J.S. Bach. Cả phần cuối cuộc đời của Bach- ông dùng để phát triển và sáng tác thể loại âm nhạc có tên là Fuge này. Các tác phẩm tiêu biểu như "Wohltemperiete Klavier" (well-tempered piano), "Die musikalische Opfer" (hiến tế âm nhạc) là các tác phẩm viết dưới hình thức Fuge. Tham vọng to lớn của Bach cuối cùng cũng đã không đựơc hoàn tất (tất nhiên là không thể kịp hoàn tất được), nhưng những gì ông để lại với hình thức âm nhạc này, vẫn được coi là đỉnh cao của âm nhạc phương Tây. Trong các hình thức viết nhạc, cho đến giờ Fuge vẫn là hình thức được coi là hình thức đỉnh cao nhất (ngoại trừ giai đoạn đầu thế kỷ 20- khi nhạc Chuỗi thịnh hành). Fuge nói tóm tắt là là một hình thức âm nhạc gồm 1 bè chính làm giọng chủ, sau đó các bè khác hát đối phụ họa, vào chậm hơn một chút- hoặc là lặp lại chính giai điệu của bè chính, hoặc là biến tấu của nó (ở đây có sự khác nhau giữa hình thức Fuge và Kanone). Chính vì vậy, Fuge và tứ tấu dây có một sự liên quan vô tình rất gần. (Chi tiết về lý thuyết tứ tấu và Fuge mời các bác có quan tâm vào google tra. Em chỉ biết sơ và cũng chỉ muốn viết những gì mà các bác khó tìm kiếm được trên google thôi.) Về bản thân cái Grosse Fuge (Fuge lớn) của Beethoven thì em có thể nói vài cảm nhận khi nghe như sau: Hơn một nửa bản nhạc là một sự kết hợp của nghịch lý- các bè violin, viola và cello đan xiên chồng chéo nhau- tạo ra nhiều nghịch âm, không thuận tai như các tứ tấu và các chương trước của bản tứ tấu opus 130 này. Sự nghịch lý của bản nhạc này gây ra một cảm giác rất hiện đại- như thể nó không phải là những nghịch lý của thời kỷ Ánh sáng ở châu Âu- khi Beethoven sống, mà nó như là những âm thanh của thế giới hiện đại- thế giới đẫm máu sau 2 thế chiến, thế giới của những đỗ vỡ những thất vọng về những lý tưởng nhân loại, con người mà người ta đã dồn vào trong cả văn hóa, nghệ thuật thời kỷ ánh sáng ở châu Âu. Nghe cái Grosse Fuge này em có cảm giác như nghe Bartok hay Strawinsky, chứ không phải là nghe một nhạc sĩ cổ điển của đầu thế kỷ 19 nữa. Nó khác hẳn với phần còn lại các tác phẩm của Beethoven, tính hiện đại của nó cũng vượt xa tất cả các tác phẩm của các tác giả sau Beethoven, từ Schubert cho tới tận khi Brahms và Wagner xuất hiện. Phần cuối của bản nhạc là một sự yên bình hòa hoãn dần dần của những nghịch lý- như thể chúng tìm thấy một sự giải thoát chung nào đó, không phải là hân hoan, cũng không phải là đau đớn. Đơn giản là giải thoát. Trong giai đoạn cuốn đời mình, chúng ta có thể thấy cái cảm giác giải thoát đặc trưng này trong một số tác phẩm khác của Beethoven- như Sonata số 10 cho violin+ piano, 3 Sonatas cuối cùng số 30,31,32 cho piano. Em cũng xin lỗi các bác và mong đựơc các bác sửa chữa giúp các nhầm lẫn hoặc thiếu sót của em trong bài này. Hy vọng bài này của em cũng ít nhiều giúp được một số bạn thích Beethoven hay bỏ công ra tìm hiểu nhạc cổ điển- một trong số các niềm đam mê của em.
Bài viết của bác Xe giống như bản nhạc mà bác phân tích đó: mới đầu hơi trúc trắc, khó hiểu, sau dần dễ hiểu hơn. Có người khuyên em: trước khi nghe và lĩnh hội được cái hay của một dàn nhạc cổ điển thì hãy nghe tam tấu hoặc tứ tấu trước đã (song tấu, độc tốc thì đơn điệu quá !). Bác Xe có thể giới thiệu một vài CDhay bản nhạc kiểu như vậy, kèm theo bình luận nên nghe đoạn nào không ạ. Em bây giờ đang máu tìm hiểu món này lắm. Cám ơn bác nhiều Rgds,
Chào bác Aries, em thì nghĩ ngược lại: tứ tấu khó nghe hơn giao hưởng nhiều và tứ tấu là thứ người ta nên tìm hiểu sau cùng, trước khi đã kinh qua từ solo, sonata, duo, trio, concerto, giao hưởng, opera, quintet, sixtet, ... Nguyên nhân như em đã viết ở bài trước- tứ tấu là hình thức cô đọng, tối giản và tối ưu nhất để thể hiện tư tưởng, tư duy của các nhạc sĩ, cho nên nó không hề dễ nghe. Nói cách khác- giao hưởng vẫn là âm nhạc dành cho một tầng lớp đông đảo công chúng, còn tứ tấu là âm nhạc dành cho một số rất ít công chúng. Theo em, ai mới nghe nhạc cổ điển đã vào tứ tấu luôn thì chỉ có vài khả năng sau sảy ra: bỏ nhạc cổ điển gấp, hoặc bị phát rồ vì cố nuốt nhưng nghẹn, hoặc là tài năng âm nhạc. Nói vậy không có nghĩa là tứ tấu là hình thức duy nhất cao siêu trong nhạc cổ điển. Mọi hình thức khác cho tới giờ em thấy đều có các tác phẩm lớn. Em kể một số cái em đã nghe, thấy hay cho các bác mới tiếp cận nhạc cổ điển: 1. Các tác phẩm độc tấu cho violin, cello thì kinh điển là Bach: gồm 6 Sonatas & Partitas cho violin; 6 Cellosuite cho Cello. 2. Các tác phẩm độc tấu cho piano là +Bach: Goldberg Variations, Well-tempered Piano music; +Beethoven: 32 Sonatas cho piano; +Chopin: các tác phẩm Walse, Norturne, Polonaise, Ballades, Sonatas; vài cái của Schumann như "Kinderszene", Fantasie; vài cái của Debussy như Preludes books 1,2; vài cái của các tác giả Nga, Liszt, Bartok .v.v. 3. Các tác phẩm cho violin+piano sonatas: 3 cái của Brahms, 3 cái số 5,9,10 của Beethoven, và mấy cái của Prokofiev. 4. Các tác phẩm trio: mấy cái của Beethoven như "Duke", "Ghost". 5. Giao hưởng thì có Beethoven số 4,5,6,7,9; Brahms số 2,3,4; Mahler số 2,4,5,6,9; Shostakovich số 5,7,11(em chưa nghe hết giao hưởng Shostakovich), ngoài ra còn vài giao hưởng của Mozart số 41, Schubert số 8, Dvorak số 9, Tchaikovski số 6, Schumann số 4 cũng hay. 6. Concerto cho piano thì một số bản của Mozart như số 19, 22, 24; Beethoven số 1,4,5, của Schumann; của Grieg: Tchaikovski số 1; Rachmaninov số 2,3; Chopin số 1,2; Brahms số 1,2 là hay. 7. Concerto cho violin thì gồm của Beethoven, Brahms, Tchaikovski, Mendelssohn, Bartok số 2, Strawinsky, Alban Berg, Sibelius, Bach (duo 2 violin). 8. Concerto cho Cello thì gồm của Haydn, Elgar, Bocchellini, Dvorak, Brahms (duo với violin). 9. Concerto cho các loại kèn như Klarinett, Fagotte, Oboe: của Mozart. 10. Quintet (ngũ tấu gồm tứ tấu dây với piano): Brahms, Shostakovich, Dvorak đều hay. 11. Sixtet: em chưa thấy cái nào hay. 12. Các tác phẩm cho giàn nhạc, không phải concerto (có nhạc cụ độc tấu đi kèm), không phải giao hưởng (phân chương nhanh chậm): ví dụ Walse của Strauss. 13. Các Lieders (songs): của Schubert. 14. Các Opera/ hợp xướng/Ballet: của Mozart như "Ống sáo thần", "Figaro", "Don Giovanni", "tẩu thoát từ Sarail"; "Fidelio" và "Missa Solemis" của Beethoven; "Mattheus Passion" của Bach, "Tristan & Isolde" và "Der Ring des Nibelungen" của Wagner, "Aida" và "La Traviata" của Verdi, "Das Lied von der Erde" của Mahler; "der Freischutz" của Weber; Sleeping Beauty" và "Evgeny" của Tchaikovski, "Firebird" và "hiến tế mùa xuân" của Strawinsky, "Romeo& Juliette" của Prokofiev. 15. Các tứ tấu: tất cả các tứ tấu của Beethoven, 1 cái của Schubert, số 8 của Shostakovich, mấy cái của Haydn, 3 cái của Brahms, mấy cái của Bartok. Tuy nhiên em cũng phải nói luôn là em chưa nghe đủ và chưa đủ khả năng để đánh giá tứ tấu cho nên các thông tin trên chỉ là tương đối. Tất cả các tác phẩm em kể trên nói chung là các tác phẩm nổi tiếng, tất nhiên là mỗi người sẽ đánh giá mức độ hay dở của chúng một kiểu và em cũng có ý kiến riêng của mình (xin miễn nói ra vội để các bác không bị thành kiến về nhiều tác phẩm). Ngoài ra còn vô số tác phẩm hay cho các nhạc cụ khác, cũng như các hợp tấu khác mà vì không nhớ hoặc không biết nên không có trong danh sách trên. Em xin lỗi các bác về điều này. Điểm cuối cùng: tất cả các tác phẩm em kể tên ở trên nói chung đều là âm nhạc có thể coi là "cổ điển" hoặc hậu cổ điển (âm nhạc của thế kỷ 19 trở về trước)- trừ vài cái của Strawinsky, Prokofiev. Các tác phẩm của thế kỷ 20- vì hoặc là thuộc các trường phái mới như nhạc Ngẫu nhiên (Random music) , nhạc Chuỗi (Serial music), nhạc Điện tử (Electronics), nhạc Hậu hại điện :lol: - Tối giản (Minimalism) không thích hợp cho việc tiếp cận nhạc cổ điển, hoặc là vì kiến thức của em quá hạn hẹp nên em không liệt kê ra các tác phẩm được đánh giá là hay. Em cũng xin lỗi các bác muốn tiếp cận nhạc hiện đại về điều này. Nhưng nếu có bác nào muốn tìm hiểu nhạc hiện đại, thì em cũng xin vui lòng mở topic mới để chúng ta tham khảo học hỏi nhau.
Oái ! oái ! Mới thấy bác Xe "độc tấu" thôi mà em đã choáng quá rồi :lol: còn mong gì nghe tứ tấu nữa ! Hẹn bác Xe vài hôm nữa nhá, em phải "luyện công" tí đã. Cám ơn bác nhiều.
Hôm nay em mới mua đĩa này nghe qua thấy rất phù hợp với những người mới nghe nhạc cổ điển. Songs my father taught me Pepe Romero chơi và ghi âm các bản nhạc ghita cổ điển mà cha ông, Celin Romero, đã dùng để dạy ông học Ghita. Âm nhạc rât tình cảm, đi vào lòng người. Dân ta cũng quen thuộc với đàn Ghita nên có lẽ sẽ dễ tiếp cận với người mới nghe nhạc cổ điển. Gia đình Romero được gọi là Royal family of the Ghita. Pepe là người con thừa hưởng được nhiều nhất tài năng của Celin.
Thực ra tứ tấu không hẳn đã là khó nghe nhất, thể loại nào cũng có bản khó nghe và dễ nghe. Khi mới bắt đầu nghe nhạc cổ điển thì em đã rất thích cái quartet nọ. 1 cho piano của Brahms rồi, đương nhiên hồi đó chỉ nghe được mỗi cái chương cuối thôi, với người bắt đầu nghe nhạc cổ điển thì nên tìm những đĩa tuyển chọn dạng collection hay the best của những hãng đĩa lớn như Deutsche Grammophon, Decca, Philips (3 hãng này đều chung mẹ Universal hết nên nhiều khi tuyển chọn hay trùng nhau), BMG, Sony,... để đảm bảo có những bản nổi tiếng, dể nghe và do những nghệ sĩ giỏi biểu diện. Với đa số những người không nghe nhạc cổ điển thì thường thích những bản nhạc của Beethoven, các piano sonata của Mozart, và hầu hết những tiểu phẩm nhọ. Trong các bản của anh Cellist liệt kê thì toàn là các bản nổi tiếng nhưng không phải bản nào người mới nghe cũng thịch. Nhạc thích hợp nhất cho những người mới nhập đạo là nhạc Baroque, nội dung giản dị, âm nhạc trong sạng. Âm nhạc thời bấy giờ dành cho mọi tầng lớp người dân không kể sang hẹn. Nội dung thiên về tôn giáo, nhiều khi đựơc sử dụng như một công cụ truyền đạo nên rất đơn giản dễ nghẹ. Ta thấy những người truyền đạo nói chuyện luôn dễ nghe, thu hút được sự chú ý của người khác và rất dễ được đồng ý, âm nhạc Baroque cũng vây. Ngoài Bach là tác giả nổi bật trong thời kỳ này, mọi người có thể tham khảo thêm Handel, Vivaldi, Boccherini,... Tiền gần hơn một chút là thời kỳ cổ điển thì điển hình là Mozart và Beethoven. Nhạc của Mozart cực kì trong sáng nên hầu hết các tác phẩm sonata, concerto ai cũng có thể tiếp thu được. Beethoven có thể nghe một vài trích đoạn sonata nổi tiếng như chương 1 sonata no. 14 "moonlight" (ánh trăng), chương 2 sonata no. 8 "Pathetique", piano concerto no. 5, giao hưởng số 3,5,6,9. Thời kỳ cổ điển cũng nên nghe thêm J. Strasuss và hầu hết những tác phẩm của ông đều rất quen thuộc vì rất hay được phát trên tv và đài phát thanh. Nhạc Lãng mạn thì nhiều người thích vì nội dung thường gần với cảm xúc của con người. Đặc biệt là nhạc Chopin ai nghe cũng thích, dạo này em lại rất thích các sonata của Schubert nữa, nghe vô cùng dịu dàng êm ái. Nhạc của Liszt với một số tác phẩm như Hungarians rhapsody no. 2, 12, 15, một số bản chuyển soạn như "La Campanella". Không thể bỏ sót Brahms với các Hungarian Dances no 5, 6, 1,... Em chỉ kể sơ qua vài tác phẩm tiêu biểu và dễ nghe, dựa trên kinh nghiệm tiếp xúc với những người chưa hề nghe nhạc cổ điển. Vì ở đây chỉ có một mình em nghe nhạc cổ điển nên rất thường bật nhạc cho người khác nghe thử, nên cũng có ít kiến thức. Bọn em đang làm một website về nhạc cổ điển, anh cellist có muốn tham gia không? Đây là bản giao diện gần nhất, có thể sẽ sửa sang thêm chút đỉnh.
Chúc các bác sớm hoàn thành trang web để anh em vnav ghé chơi và học hỏi. Bác Cellist hiện đang bị khủng hoảng tài chính và niềm tin vào loa đài nên tạm nghỉ ngơi. Rgds,
Nhạc cổ điển ở VN – một nghịch lý nho nhỏ Thưởng thức nhạc cổ điển ở VN vài năm gần đây có một nghịch lý nho nhỏ: Trong khi cha mẹ các bé bận kiếm tiền, không có thời gian để thưởng thức nhạc cổ điển thì các em bé ở thành phố ngày càng có điều kiện uống sữa Mead Jonson và … nghe nhạc cổ điển. Vợ chồng anh T. ở HN nghe nhạc cũng nhiều nhưng thực sự chưa bị nhạc cổ điển hút hồn cho đến khi bà xã anh T. có bầu. Nghe bạn bè mách bảo, anh T. liền đi tìm mua những đĩa nhạc cổ điển của Mozart và hằng đêm, hai vợ chồng anh đều cố gắng lắng nghe. Cùng với thời gian, một em bé kháu khỉnh và thông minh ra đời… và giờ đây, nhạc cổ điển là một phần tất yếu của gia đình anh sau mỗi bữa ăn tối. Hilary Hahn – nghệ sỹ Violon đã từng đến Việt nam nói: Để mọi người quen với nhạc cổ điển đầu tiên phải nghe rất nhiều, không nhất thiết phải học kỹ thuật ngay. Sự cảm nhận về âm nhạc cũng rất quan trọng, nó sẽ giúp mọi người làm quen với nhạc cổ điển tốt hơn. Đặc biệt, với kinh nghiệm của tôi thì ngay từ khi còn nhỏ, nếu được tiếp xúc với nhạc cụ cổ điển trẻ esẽ có ấn tượng rất sớm, và bộc lộ ngay có đam mê nhạc cổ điển hay không. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Đối với lứa tuổi này, những chuyến đi dạo công viên, nghỉ mát giữa thiên nhiên bao la trong lành là những dịp giúp các em mở rộng tâm tình và óc tò mò đến những khái niệm tốt lành, đẹp đẽ, dễ thương. Âm nhạc cổ điển hoặc hòa tấu cũng giúp một phần quan trọng để giúp các em hình thành sự nhân ái dịu dàng. Trải qua nhiều thập niên của thế kỉ 19 và thế kỉ 20, bốn nhạc sĩ Émile Jaques-Dalcroze , Zoltan Kodály, Carl Orff, Shinichi Suzuki và các cộng sự viên đã triển khai và hệ thống hóa một số ý tưởng và phương thức thực hành âm nhạc, tạo ra những bước đi cơ bản trong việc giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Dù mỗi phương pháp khi được khảo sát chuyên sâu sẽ có những tính chất, đặc thù riêng, nhưng nói chung, bốn phương pháp này xuất phát từ một số ý tưởng như: 1) kế thừa tư tưởng Hi Lạp cổ đại, coi việc giáo dục âm nhạc là có tầm quan trọng hàng đầu trong việc hình thành nhân cách con người: 2) âm nhạc, giống như ngôn ngữ, là một thuộc tính biểu đạt cơ bản của con người 3) nhấn mạnh yếu tố hồn nhiên-vui chơi và phổ cập rộng rãi; 4) chú trọng yếu tố nhịp tiết, vận hành trong cơ thể con người cũng như trong vạn vật. Aries (tổng hợp từ Internet)
Em ở mức tập nghe, đọc bài thấy hơi tò mò nên bập một phát vô tứ tấu luôn. Tối nay nghe band tứ tấu Cuarteto Casals chơi bản tứ tấu D.87 của Franz Schubert. Vậy mà cũng vô được. May quá. Chắc em là loại thứ tư chưa được đặt tên ngoài 3 loại của bác Cellist Tuy nhiên chỉ nghe được nửa đĩa, chứ D.887 lại khó nghe hơn D.87 một khúc. Trong file pdf đính kèm các bác có thể tìm thấy đoạn note về bối cảnh ra đời bản quartet này. Mấy trang đầu là tiếng Đức vì đĩa của Đức, nhưng đừng lo, cứ "xuống dưới một chút bạn sẽ thấy thiên đường" Cuarteto Casals thành lập năm 1997, và nhanh chóng đạt thành công với giải nhất London International Competition năm 2000 và Brahms International Competition năm 2002, sau đó là một lô các giải thưởng danh giá khác. Khi tháp tùng hoàng đế Tây Ban Nha, cả 4 còn được chơi nguyên bộ 4 cây Stradivarius @_@ Em thấy nhạc cổ điển cũng dễ thấm, nếu cứ bắt đầu bằng mấy bài đơn giản kiểu như Ngủ đi bé của Brahms. Trước em cho em bé nghe từ trong bụng mẹ. Mỗi lần ẻm quậy trong bụng nghe bài đó là ẻm im. Sau này đẻ ra rồi mỗi lần quậy, mở tiếp là ẻm ngủ lăn quay
Chủ đề rất hay! Một số bác đưa ra các kiến thức và chia sẻ của mình rất bổ ích. Em cũng là người thích nghe nhạc cổ điển, thấy quan trọng để thích và ngấm được nhạc cổ điển (thứ nhạc mà mọi người nói là bác học và khó nghe) là: - Người nghe phải thích các câu chuyện, bài hát, tích cổ của Châu Âu, vì hầu hết âm nhạc cổ điển ra đời từ Châu Âu, mỗi bản nhạc thường là các câu chuyện, hoạt cảnh hay vở kịch cụ thể. - Nhạc cổ điển thường có các trích đoạn, do vậy, nếu người nghe ko tập trung, cảm nhận, thấu hiểu toàn bộ bản nhạc thì chỉ nghe được một số trích đoạn tiêu biểu. Điều này là phổ biến, tuy nhiên, nếu việc nghe chỉ lặp lại ở các trích đoạn thì trình độ nghe, sự cảm nhận và việc nghe nghiêm túc sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. - Việc nghe nhạc nghiêm túc khác với việc tìm nghe một trích đoạn hay, dễ nghe hoặc có âm thanh đặc sắc (tại hầu hết các bản CD test loa thường hướng người nghe đến các bản phối đặc sắc để phục vụ việc test thiết bị, chứ không phải việc nghe nhạc thuần túy). - Tất nhiên, với mỗi người nghe có một tiêu chí về thưởng thức âm nhạc, nhưng cái nôi của âm nhạc cổ điển, khi khán giả đến thưởng thức, họ trân trọng âm nhạc, trân trọng tác giả, tác phẩm và dàn nhạc, từ bé đã được nghe, nhìn, cảm nhận sự nghiêm túc nên tại sao thứ âm nhạc này khó gần và bác học là có lí do. Chúc các bác luôn yêu nhạc cổ điển.