Jazz vàng

Discussion in 'Âm nhạc' started by kim, 27/5/11.

  1. kim

    kim Advanced Member

    Joined:
    29/3/06
    Messages:
    339
    Likes Received:
    16
    Jazz vàng-bbqt


    Bị cho là có nguồn gốc “ngoại tộc”, một thứ “con lai” khó có đất sống ở Việt Nam, nhưng jazz vẫn bền bỉ đến không ngờ
    Jazz vàng như một cách chơi chữ kết hợp giữa màu da người của Á châu và thể loại nhạc họ chơi: Jazz, như một thứ hòa quyện tuyệt đẹp. Jazz vàng, có lúc Jazz của người châu Á khiến thế giới ngả mũ kính phục. Tiếng hát của Tuyết Loan làm ngả lòng những người đồng điệu ở Singapore và họ đã mời bà sang thu đĩa kỉ niệm cũng là một kiểu huy chương Jazz vàng cho người Việt. Trần Mạnh Tuấn, Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc cũng vậy. Nhưng Jazz vàng Việt có thật sự vàng hay chỉ là những tia lóe hi vọng rồi bị mờ tắt, chập chờn như biển đêm? Nhìn từ Việt Nam, nhìn sang những nước châu Á xung quanh, Jazz của họ vẫn đang phát triển và rộng mở và thậm chí có những màu da vàng người Việt thành công rất lớn trên thế giới. Jazz vàng, là một câu hỏi cũng có thể là một tự vấn về Jazz Việt như những gì đang diễn ra.

    (TT&VH Cuối tuần) - 20h30, trời mưa lất phất, một cặp vợ chồng đã ngoài lục tuần chở nhau trên chiếc Future cũ kĩ đi hát tại quán Ân Nam (TP.HCM). Người vợ vào hát 4 bài vốn nổi tiếng gần nửa thế kỷ trước. Sau những tiếng vỗ tay, họ lại lên đường thẳng tiến quận 1 để đến Sax’n art nơi Trần Mạnh Tuấn khi chờ họ, đang thổi Hạ Trắng. Người phụ nữ lại hát tiếp 4 bài đặc jazz, đáp lại là tiếng vỗ tay của những người ngoại quốc. Gần nửa đêm, một cuộc hành trình âm nhạc của đam mê kết thúc. Hai vợ chồng đi vào màn đêm về nhà, để lại một thoáng vấn vương như hơi kèn Miles Davis.

    Đam mê

    Người phụ nữ đó là Tuyết Loan, năm nay đã bước qua tuổi 62, người vốn được mệnh danh Nữ hoàng Jazz Việt, là Dinah Washington Việt Nam. Hơn 20 năm nay bà cùng chồng mình, Trần Đại Lễ, vẫn đều đặn làm công việc đón đưa nhau để nuôi một tình yêu jazz chưa bao giờ dứt.

    “Trước tôi không có ai, sau tôi cũng chẳng ai theo vậy làm ơn đừng gọi tôi là number one, chẳng có ai là giỏi nhất nếu không có những cạnh tranh”, hút một hơi thuốc, “Jazz vocal” Tuyết Loan nhẹ nhàng tâm sự. Sẽ rất mâu thuẫn nếu đem nhận xét ấy nhìn ở mặt bằng xung quanh khi những Singapore, Thái Lan, Philippines thậm chí cả Myanmar, những quốc gia Đông Nam Á đều đang có những bước phát triển jazz rất tốt và họ thậm chí mỗi năm còn mở một liên hoan jazz toàn quốc. Đó còn chưa kể đến Nhật, Thượng Hải…, những tên tuổi jazz đang được thật sự ngưỡng mộ khắp châu Á và thế giới. Mỗi quốc gia phát triển đều có những giọng ca (vocal) tiêu biểu, có lực lượng kế thừa, có công chúng riêng, sống được với nghề và những đĩa nhạc của họ được xuất khẩu thành công ra ngoài biên giới. Nhưng ở Việt Nam điều này lại hoàn toàn chưa xảy ra. Jazz Việt nói một cách công tâm, là đã hình thành không phải sớm sủa, có những cái tên đã định hình rõ ràng trong làng, có công chúng, có sản phẩm là những băng đĩa phát hành. Nhưng công chúng không nhiều và băng đĩa tiêu thụ chẳng mấy khả quan.
    Thật ra trước Tuyết Loan cũng đã từng có những Kim Bằng, Ngọc Mỹ, những người đã bỏ cuộc vui quá sớm, “giang hồ” biệt tăm. Sau Tuyết Loan dường như chẳng còn ai. “Theo nghề này chỉ có đam mê thì mới tới cùng được”, nghệ sĩ Tuyết Loan tâm sự. Hiện nay, tính trung bình, mỗi tháng Tuyết Loan thu nhập từ 5-7 triệu đồng, một tuần hát 4 buổi, mỗi buổi 2 nơi, vị chi trung bình mỗi đêm bà được nhận thù lao chỉ hơn 400.000 đồng, thua gần 20 lần so với một ca sĩ bậc trung chứ chưa nói đến những tên tuổi lớn dòng pop xứ Việt. Nếu hoàn cảnh gia đình gần đây không khá lên, liệu bà sẽ vẫn nuôi tiếp nghề này? “Tôi sẽ vẫn hát đến tàn hơi nhưng nếu tôi giải nghệ ai sẽ thay thế và tương lai nữa sẽ còn ai?”, Tuyết Loan trả lời. Nếu bỏ qua những yếu tố gia đình, điều kiện vật chất thì mức sống 5-7 triệu liệu có nuôi nổi một “jazz vocal”? Tuyết Loan vẫn luôn nhớ những tháng ngày vất vả dù bây giờ bà đã để mọi thứ sau lưng, những ngày chạy cơm từng bữa, tiền hát hôm nay dành cho việc đi chợ ngày mai… Ở tuổi 62, bà vẫn trau chuốt với nghề, vẫn lắng nghe những giọng ca mới, con đường bà đi chưa bao giờ bà bỏ cuộc “vì can đảm mà hát, can đảm mà sống”.

    Trong khi đó, saxophonist Trần Mạnh Tuấn cho rằng phong trào jazz im ắng bởi không có thị trường, jazz vocal hay những nhạc công, nghệ sĩ không có nhiều nơi để kiếm sống và tồn tại. TP.HCM chỉ có mỗi Sax’n art của Trần Mạnh Tuấn và một một hội quán ở khách sạn Sheraton. Hà Nội có mỗi Jazz club của Quyền Văn Minh. Cả hai, người trước kẻ sau, ra đời hơn chục năm nhưng vẫn gồng mình mà sống và khách đa phần vẫn là dân du lịch. “Muốn chơi jazz tôi chỉ còn cách lập ra quán này, để chơi cùng đam mê và bạn bè, không có nó chắc tôi cũng chết”, Trần Mạnh Tuấn tâm sự.

    Thiếu đầu ra, đầu vào hay đủ thứ?

    Trần Mạnh Tuấn cho rằng thiếu đủ cả, đầu ra gian nan, đầu vào thì khó khăn, thiếu sân chơi chính thống, thiếu khán giả, thiếu những đại hội jazz (điều rất cần thiết để cọ xát và phát triển), thiếu phòng thu tốt và thiếu sự quan tâm của thông tin đại chúng. “Mở tivi lên bạn sẽ thấy có không ít hơn 20 chương trình nhạc hàng ngày. Nhưng với jazz, một năm được lên tivi 1, 2 lần đã là sự may mắn lớn. Tôi sẵn sàng tham dự các cuộc hội thảo, sẵn sàng lên radio để trò chuyện cùng các bạn trẻ về jazz, về vẻ đẹp và giá trị của nó nhưng hầu như chẳng ai quan tâm và tôi nhận được rất ít những lời mời như vậy”, saxophonist này trầm ngâm.

    Trường hợp của hai cha con Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc cũng chẳng khá hơn. Cách đây vài năm khi mở cuộc du tiến Sài Gòn, đêm nhạc của họ dù rất hay vẫn không nhiều người đến xem. Người ta có thể bàn luận về jazz ở nhiều nơi, có thể bỏ cả tháng lương chỉ mua một vài đĩa jazz đang gây sốt, có thể chỉ ra hàng tá lỗi mà jazz Việt đang vấp phải… Nhưng trong những đêm đầy ắp tinh thần jazz như vậy, thường thì họ lại không có mặt. Điều này thể hiện sự không gắn bó hay vì jazz không thích hợp ở chốn công cộng?
    Hai cha con nhà họ Quyền chơi một thứ mang tính standard như cách người Mỹ vẫn thể hiện từ thuở sơ khai jazz thập niên 20, 30 thế kỉ trước và xoay theo tâm tưởng phương Đông. Nó khác với đa phần jazzist ở Sài thành đang chuộng fusion với những lối biến tấu mang nhiều hơi thở đương đại. Và cách chơi ấy cũng là một sự đối sánh cần tham khảo thêm bởi hiện nay mặt bằng jazz Việt đang tồn tại nhiều trường phái và những phân khúc khác biệt đang làm jazz Việt vốn mỏng manh lại càng thêm yếu ớt. Đất Sài Gòn với jazz vốn đã có mặt từ lâu, bao nhiêu năm nay không phát triển được cũng là một phần vì thế. Nó trở thành ước mơ của những người mê jazz đến cuồng tín, họ từng hi vọng jazz sẽ phát triển, nhưng bao thập niên trôi qua, jazz chỉ len lỏi trong các ngõ hẻm, còn mặt tiền nơi công cộng, không thể nào cạnh tranh cùng những đại gia dòng nhạc khác.


    Jazz luôn cần một sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Không khó để nhận thấy có những lời che bôi nhau trên mặt báo, dù rất nhẹ nhàng. Họ gọi thứ người kia chơi là cafe bắp, người kia bảo người này mang tính lai căng… Đã vắng công chúng, càng chê bai nhau, jazz Việt lại càng xa rời thêm công chúng.

    “Không có công chúng anh đừng mơ phát triển và dòng nhạc jazz hiện nay ở Việt Nam không thể gọi là jazz Việt bởi nó thiểu hẳn tinh thần Việt”, Jazz club ở phố Lương Văn Can của Quyền Văn Minh vẫn đặt tiêu chí “hòa vốn là thắng”.

    Có thể đất Sài thành mưa nắng thất thường, ít nhiều khiến người ta ngại ra đường. Vin vào ấy để còn tin rằng jazz sẽ còn đất sống ở đây cho hiện nay jazz vẫn hết sức lẻ loi và cô độc.

    Để có được jazz vàng, cần thiết phải có một thế hệ vàng, điều ấy bao giờ mới lấp lánh?
     

    Attached Files:

    Tags:
  2. kim

    kim Advanced Member

    Joined:
    29/3/06
    Messages:
    339
    Likes Received:
    16
    Jazz vàng: Sự “khác thường” của Jazz Việt


    (TT&VH Cuối tuần) - Dường như bất kì một khuôn mẫu kinh điển nào đều không vừa với nhạc Việt. Rock Việt không theo tiêu chuẩn rock Anh - Mỹ, blues Việt cũng không phải là blues thường thấy trong những quán rượu Hoa Kỳ, hip-hop Việt thì như lâu nay bàn cãi, cứ “thế nào ấy”, tức là cũng chẳng giống ai. Jazz, một loại nhạc tinh tế và khó khăn vào bậc nhất, khi được Việt hóa đã thành hình hài thế nào?

    Chắc chắn trong trường hợp này, càng không tìm đâu ra chiếc áo vừa người cho nó.

    Sự “thay thế”, biến cách (alternation) của nhạc đại chúng Việt bắt nguồn từ cách thức chúng ta tiếp cận với nhạc đại chúng thế giới. Tiếp cận ào ạt, hiểu nhanh, song chúng ta không có thì giờ đi từ đầu, không có thì giờ xây móng cho ngôi nhà tương lai, không có thì giờ và dường như quá ít kiên nhẫn cho việc học hỏi căn cơ những nguyên tắc căn bản của một thể loại âm nhạc. Chúng ta cứ “alter” tất cả, cứ nhặt lấy cái gì dễ nhặt nhất, ít phải đào bới nhất, tức lớp vỏ, để mà dùng ngay. Rock, blues, hip-hop, R&B và trăm nghìn phong cách khác nữa, cứ vào tay chúng ta là thành một thứ khác hẳn. Jazz không là ngoại lệ.
    Trường nhạc Berklee đặt cơ sở toàn bộ giáo trình của họ, dẫu ở phân môn nào, bằng jazz. Nghĩa là, dù bạn đăng kí học sản xuất âm nhạc hay kèn, học thu âm hay hát, thì đều phải hiểu đến ngọn ngành jazz là gì, và dĩ nhiên, phải chơi được loại nhạc này ở một trình độ khá. Lý thuyết jazz có ích cho mọi thể loại nhạc khác vì nó phức hợp, đa dạng và bao trùm rất nhiều hướng âm nhạc. Chẳng hạn, hòa âm jazz làm nền tảng cho hòa âm fusion, rock và cả electronica.

    Lý thuyết phối khí trong jazz khiến cho người sở đắc nó dễ dàng ứng dụng vào pop, soul và cả cổ điển. Kĩ thuật nhạc cụ jazz thì tuyệt vời, vô song: những bậc thầy về kèn, đàn phím và guitar đều xuất thân từ jazz. Và trên hết, jazz là một thứ nhạc hình như khó bề tự học. Người tự học mau chóng lạc vào rừng những khái niệm, những cấu trúc, những hệ thống kĩ thuật vừa phức tạp vừa đầy ngẫu hứng, đến độ nếu không bỏ cuộc thì lại tự lừa dối mình, rằng ta đây hiểu jazz rồi, rằng cái gì cũng là jazz!

    Và jazz Việt đã được xây bằng quan niệm như thế: cái gì cũng là jazz.

    Chỉ có một số ít những người chơi jazz như Trần Mạnh Tuấn, Trọng Hiếu hay Quyền Thiện Đắc có học jazz ở trường một cách căn cơ; và hiển nhiên, những học trò jazz như vậy phải mất rất nhiều thời gian cho việc “ngấm” cái gọi là standard jazz. Jazz tiêu chuẩn, tức jazz Mỹ thời kỳ phôi thai, với những phong cách swing, be-bop, với biên chế dàn nhạc diexiland hay tam tấu, là những bài học không thể bỏ qua cho người muốn luyện jazz. Mà bài bản của standard jazz thì nhiều không kể xiết: những real books, fake books dày cộp cả nghìn trang chắc chắn làm những người thiếu kiên nhẫn bỏ cuộc ngay từ ngày đầu. Thế nên người học jazz căn cơ ở nước ta cứ gọi là… lá mùa Thu.

    Vậy thì, những người tự xưng là jazzmen ở Việt Nam đang chơi loại jazz gì?

    Nếu dễ tính, ta có thể gọi là contemporary jazz, hay modern jazz. Đương đại, hiện đại là những thuật ngữ rộng thùng thình đủ sức chứa tất cả những gì mông lung và khó xếp loại nhất. Thật tình mà nói, do những biến cách của jazz quốc tế ngày càng nhiều, người ta dễ dàng lập lờ nhét nhiều thứ phi-jazz vào jazz mà không mang tiếng khiên cưỡng. Chơi nhạc pop, đưa vài hợp âm min 9 hay maj 13 vào, là “có mùi” jazz ngay. Chơi blues cổ kiểu B.B.King, cũng chen ngang vài hợp âm chồng chất để lai jazz một cách hợp lý. Rồi world jazz, ôi chao, đấy mới là thế giới biến ảo của những cái phi-jazz – không cần biết jazz là gì, biên chế dàn nhạc hay hòa thanh cũng chẳng dính dấp chút gì vào jazz, mà lại cứ là jazz, ai cấm được nào?

    Vậy, Tùng Dương đang hát jazz, nhạc của Huy Tuấn và Anh Quân cũng jazz, Hà Dũng rất nhiều sáng tác jazz, và cơ man nào là jazz ở xứ Việt mênh mông này. Càng ở Việt Nam lâu, jazz càng biến cách đến khó lòng nhận ra vậy sao? Hay nước ta chỉ có mỗi một loại nhạc, là jazz?
     

    Attached Files:

  3. kim

    kim Advanced Member

    Joined:
    29/3/06
    Messages:
    339
    Likes Received:
    16
    Jazz vàng (Bài kết): Jazz luôn vàng nơi ấy!
    (TT&VH Cuối tuần) - Câu “âm nhạc không biên giới” hay “thế giới phẳng” cho các nhận định liên quan đến sự giao thoa kết hợp e rằng dễ dàng thành ra sáo ngữ và đôi khi là dễ dãi. Ngày nay, rất dễ liệt kê ra những cái tên “có yếu tố” châu Á đang làm mưa làm gió hay là làm… nóng sân khấu âm nhạc khắp nơi trên thế giới, ở đủ mọi thể loại từ cổ điển đến hip hop, từ pop rock đến heavy metal, từ nhạc đương đại, nhạc kịch cho đến... jazz.

    Ấn tượng tinh tế


    Vốn là món đặc sản nguyên gốc của những nghệ sĩ Mỹ gốc Phi – nhưng khi được chính những nghệ sĩ châu Á trình diễn, jazz trở thành “jazz vàng” - cách chơi chữ vui thể hiện một cách hơi tinh nghịch sự “trái khoáy” khi chứng kiến những nghệ sĩ da vàng thả hồn vào những tiết điệu ngẫu hứng nhưng cũng không hề kém phần tinh tế. Ngay tại đất Mỹ, những nhà phê bình còn kê ra hẳn một trào lưu Asian American Jazz (tạm dịch jazz Mỹ gốc Á) để chỉ về một nhánh jazz đặc trưng do các nghệ sĩ châu Á sáng tác và trình diễn, tất nhiên với những chất liệu lẫn âm thanh đặc trưng đậm đà bản sắc. Dẫu những người châu Á đã bắt đầu trình diễn jazz kể từ khi dòng nhạc này ra đời, nhưng sự xuất hiện ồ ạt của những nghệ sĩ gốc Á tại bờ Tây nước Mỹ vào thập niên 70, đầu 80 mới chính thức đánh dấu sự ra đời của nhánh âm nhạc này, với các tên tuổi như Francis Wong, Glenn Horiuchi, Mark Izu, Fred Ho, nhóm jazz fusion tiên phong Hiroshima, dàn giao hưởng Mỹ Á của Anthony Brown (đề cử cho giải Grammy năm 2000 phần Trình diễn thể loại Big Band xuất sắc nhất cho bản thu Tổ khúc viễn Đông của Duke Ellington và Strayhorn).

    Qua thời gian, những nghệ sĩ châu Á đến từ Philippines, từ Ấn Độ, thậm chí Iran dần kế tục lớp đàn anh, vốn hầu hết là những nghệ sĩ gốc Trung Quốc hoặc Nhật. Gần như theo quán tính, các nghệ sĩ này mang vào jazz những nhạc cụ 100% châu Á như đàn shamisen, kèn suona, trống taiko như là cách chứng minh sự hiện diện của mình mạnh mẽ nhất và cũng dễ dàng nhất. Hẳn nhiều người chẳng lạ cô ca sĩ Norah Jones, tên đầy đủ là Geethali Norah Jones Shankar. Họ Shankar của cô không ai khác hơn chính là của Ravi Shankar lừng danh, một trong những nghệ sĩ châu Á (ông là người Ấn) và là một đại sư đàn sitar có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất, ông cũng là người đã khơi gợi xu hướng kết hợp chất liệu Ấn vào nhạc pop những năm 60 và 70 mà rõ nét nhất phải nhắc đến tiếng sitar nỉ non của George Harrison nhóm Beatles trong bản Norwegian Wood quen thuộc. Cô con gái tài năng này với album đầu solo đầu tay Come Away with Me năm 2002 đã khiến cả thế giới xao động bằng sự kết hợp tài tình giữa jazz và các chất liệu đa dạng từ acoustic pop, country, đến folk và cả soul, cộng với chất giọng mượt mà đầy mê hoặc của cô. Với hơn 22 triệu đĩa bán ra trên toàn cầu, Come Away with Me trở thành đĩa jazz thành công nhất trong lịch sử, giành danh hiệu Album của Năm, Thu âm của Năm, Ca khúc của Năm, đánh bại cả kỷ lục tuyệt tác của Miles Davis, album Kind of Blue năm 1959.

    Thế giới muôn màu

    Những ai yêu văn học Nhật Bản hầu như khó có thể bỏ qua cái tên Haruki Murakami cùng “mùi” jazz rõ nét, thậm chí đôi lúc đậm đặc trong hầu hết các tác phẩm của ông, từ truyện ngắn cho đến tiểu thuyết, và cả phong cách ngẫu hứng đặc trưng. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên khi Nhật là một trong những quốc gia có bối cảnh nhạc jazz sôi động bậc nhất châu Á, với những tên tuổi lâu đời như pianist lừng danh Toshiko Akiyoshi với 14 đề cử Grammy; cây trumpet cực kì sáng tạo Tiger Okoshi, hiện là giảng viên tại trường nhạc uy tín Berklee, hay cây saxo đại thụ Sadao Watanabe với một sự nghiệp đáng nể. Mới hơn, có thể kể đến Chie Ayado, cái tên không khỏi quen thuộc với người nghe trong nước, hay “ngôi sao trẻ” Hiromi Uehara với một thứ jazz đầy bất ngờ và tinh xảo. Khi lần đầu nghe giọng Chie cất lên, nếu chưa trông thấy vóc người nhỏ nhắn của bà, hẳn người nghe sẽ hình dung một quý bà da màu khổ lớn đang giành chỗ với cây piano mà tâm sự.
    Yếu tố bản địa, như đã đề cập, dường như là một đặc điểm nhận dạng của các nghệ sĩ jazz vàng này, song sắc độ có thể nhiều ít khác nhau. Trường hợp Charmaine Clamor, giọng ca Philippines, quyết định tìm tòi cách kết hợp nhạc dân gian và nhạc cụ truyền thống của quê hương với chất jazz và blues của Mỹ để tạo ra “Jazzipino” dễ khiến ta liên tưởng đến biểu tượng guitar Nguyên Lê vẫn thường xuyên được nhắc đến như một con thoi đi lại giữa nhạc truyền thống Việt Nam và những thể loại âm nhạc khác trên nền tảng là jazz để cho ra đời các sáng tác đậm đà bản sắc.


    Riêng ở Việt Nam, với đặc thù phát triển văn hóa, phong trào nhạc jazz chỉ mới được khởi xướng trong khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây, tuy nhiên chủ yếu vẫn chỉ phổ biến trong một lớp người nghe “sang trọng” số ít và phụ thuộc nhiều vào những tên tuổi ít ỏi như cha con Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc, Tuyết Loan, Trần Mạnh Tuấn, Trần Anh Dũng... Gần đây, nỗ lực phát triển nhạc hi-end tại Việt Nam của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải cũng đã cho ra những sản phẩm jazz đáng nghe như album Shadow in the Dark và Sundance. Và đã nói đến jazz Việt, cũng không thể bỏ qua một hiện tượng thú vị khác khi tồn tại một lớp nghệ sĩ jazz người nước ngoài vẫn hàng đêm diễn tại các tụ điểm văn hóa cao dành cho người nghe Việt ở cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Thể theo nhu cầu thị hiếu của người nghe Việt, họ sẽ chơi xen kẽ những tác phẩm kinh điển của nước ngoài song song với việc thổi hồn jazz vào những ca khúc Việt Nam bất hủ của những nhạc sĩ tài danh như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Văn Phụng...

    Với ai hay sục sạo tìm kiếm những album nhạc Việt “lạ”, những cái tên như live jazz trio/quartet Peter Zak (album Purple Refrain và album More Than Love), saxophonist Dave Tidball (album Saigon-San Francisco và album Sweet Obssesion), guitarist Leon Leber (album Falling Autumn), pianist Harold Mann (bộ album Half Moon Dream) và pianist Sasha Alexeev (album Velvet Rain) chính là những kho báu nho nhỏ để khám phá, khi hầu hết chúng đều gồm những bản phối jazz mới lạ của những ca khúc Việt nổi tiếng. Bất luận động lực sâu xa đằng sau những album này, nó cũng góp phần nối nhịp cầu giúp nhạc Việt và jazz trở nên ngày càng gần gũi hơn. Khi người da vàng chơi nhạc da màu, thì việc người da trắng nâng niu những bản nhạc da vàng trên một thể loại đặc trưng da màu là phóng chiếu chân thực nhất của tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong từng ngóc ngách một thế giới “muôn-màu”.
     

    Attached Files:

    Hoàng Trúc likes this.
  4. kim

    kim Advanced Member

    Joined:
    29/3/06
    Messages:
    339
    Likes Received:
    16
    Jazz … Vàng!

    Vốn là món đặc sản nguyên gốc của những nghệ sĩ Mỹ gốc Phi – nhưng khi được chính những nghệ sĩ Châu Á trình diễn, Jazz trở thành “jazz vàng” - cách chơi chữ vui thể hiện một cách hơi tinh nghịch sự “trái khuấy” khi chứng kiến những nghệ sĩ da vàng thả hồn vào những tiết điệu ngẫu hứng nhưng cũng không hề kém phần tinh tế. Ngay tại đất Mỹ, những nhà phê bình còn kê ra hẳn một trào lưu Asian American Jazz (tạm dịch Jazz Mỹ gốc Á) để chỉ về một nhánh Jazz đặc trưng do các nghệ sĩ Châu Á sáng tác và trình diễn, tất nhiên với những chất liệu lẫn âm thanh đặc trưng đậm đà bản sắc. Dẫu những người châu Á đã bắt đầu trình diễn jazz kể từ khi dòng nhạc này ra đời, nhưng sự xuất hiện ồ ạt của những nghệ sĩ gốc Á tại bờ Tây nước Mỹ vào thập niên 70, đầu 80 mới chính thức đánh dấu sự ra đời của nhánh âm nhạc này, với các tên tuổi như Francis Wong, Glenn Horiuchi, Mark Izu, Fred Ho, nhóm jazz fusion tiên phong Hiroshima, dàn giao hưởng Mỹ Á của Anthony Brown (đề cử cho giải Grammy năm 2000 phần Trình diễn thể loại Big Band xuất sắc nhất cho bản thu Tổ khúc Viễn Đông của Duke Ellington và Strayhorn).
    Qua thời gian, những nghệ sĩ Châu Á đến từ Philippine, từ Ấn Độ, thậm chí Iran dần kế tục lớp đàn anh, vốn hầu hết là những nghệ sĩ gốc Trung Quốc hoặc Nhật. Gần như theo quán tính, các nghệ sĩ này mang vào jazz những nhạc cụ 100% Châu Á như đàn shamisen, kèn suona, trống taiko như là cách chứng minh sự hiện diện của mình mạnh mẽ nhất và cũng dễ dàng nhất. Gần gũi và đại chúng hơn, chúng ta hãy lướt qua một số khuôn mặt đáng chú ý khác. Hẳn nhiều người trong chúng ta từng biết đến khuôn mặt tươi trẻ, hồn hậu của cô ca sĩ Norah Jones, tên đầy đủ là Geethali Norah Jones Shankar. Họ Shankar của cô của không ai khác hơn chính là Ravi Shankar lừng danh, một trong những nghệ sĩ Châu Á (ông là người Ấn) và là một danh cầm sitar có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất, cũng ông là người đã khơi gợi xu hướng kết hợp chất liệu Ấn vào nhạc pop những năm 60 và 70 mà rõ nét nhất phải nhắc đến tiếng sitar nỉ non của George Harrison nhóm Beatles trong bản Norwegian Wood quen thuộc. Cô con gái tài năng này với album đầu solo đầu tay Come Away with Me năm 2002 đã khiến cả thế giới xao động bằng sự kết hợp tài tình giữa jazz và các chất liệu đa dạng từ acoustic pop, country, đến folk và cả soul, cộng với chất mượt mà đầy mê hoặc của cô. Với hơn 22 triệu đĩa bán ra trên toàn cầu, Come Away with Me trở thành đĩa jazz thành công nhất trong lịch sử, giành danh hiệu Album của Năm, Thâu âm của Năm, Ca khúc của Năm, đánh bại cả kỷ lục của tuyệt tác của Miles Davis, album Kind of Blue năm 1959.

    Những ai yêu văn học Nhật Bản hầu như khó có thể bỏ qua cái tên Haruki Murakami cùng “mùi” Jazz rõ nét, thậm chí đôi lúc đậm đặc trong hầu hết các tác phẩm của ông, từ truyện ngắn cho đến tiểu thuyết, và cả phong cách ngẫu hứng đặc trưng. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên khi Nhật là một trong những quốc gia có bối cảnh nhạc Jazz sôi động bậc nhất Châu Á, với những tên tuổi lâu đời như pianist bop lừng danh Toshiko Akiyoshi với 14 đề cử Grammy; cây trumpet cực kỳ sáng tạo Tiger Okoshi, hiện là giảng viên tại trường nhạc uy tín Berklee, hay cây saxo đại thụ Sadao Watanabe với một sự nghiệp đáng nể. Mới hơn có thể kể đến Chie Ayado và Keiko Matsui, hai cái tên không khỏi quen thuộc với người nghe trong nước, hay “ngôi sao trẻ” Hiromi Uehara với một thứ jazz đầy bất ngờ và tinh xảo. Khi lần đầu nghe giọng Chie cất lên, nếu chưa trông thấy vóc người nhỏ nhắn của bà, hẳn người nghe sẽ hình dung một quý bà da màu khổ lớn đang giành chỗ với cây piano mà tâm sự, trong khi Keiko đã là một cái tên thường trực khi nhắc đến soft jazz.

    Yếu tố bản địa, như đã đề cập, dường như là một đặc điểm nhận dạng của các nghệ sĩ Jazz vàng này, song sắc độ có thể nhiều ít khác nhau. Trường hợp Charmaine Clamor, giọng ca Philippines, quyết định tìm tòi cách kết hợp nhạc dân gian và nhạc cụ truyền thống của quê hương với chất Jazz và Blues của Mỹ để tạo ra “Jazzipino” dễ khiến ta liên tưởng đến biểu tượng guitar Nguyên Lê vẫn thường xuyên được nhắc đến như một con thoi đi lại giữa nhạc truyền thống Việt Nam và những thể loại âm nhạc khác trên nền tảng là Jazz để cho ra đời các sáng tác đậm đà bản sắc. Riêng ở Việt Nam, với đặc thù phát triển văn hóa, phong trào nhạc jazz chỉ mới được khởi xướng trong khoảng mười mười lăm năm trở lại đây, tuy nhiên chủ yếu vẫn chỉ phổ biến trong một lớp người nghe “sang trọng” số ít và phụ thuộc nhiều vào những tên tuổi ít ỏi như cha con Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc, Tuyết Loan, Trần Mạnh Tuấn, Trần Anh Dũng... Gần đây, nỗ lực phát triển nhạc hi-end tại Việt Nam của nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải cũng đã cho ra những sản phẩm jazz đáng nghe như album Shadow in the Dark và Sundance. Và đã nói đến jazz Việt, cũng không thể bỏ qua một hiện tượng thú vị khác khi tồn tại một lớp nghệ sĩ jazz người nước ngoài vẫn hàng đêm diễn tại các tụ điểm văn hóa cao dành cho người nghe Việt ở cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Thể theo nhu cầu thị hiếu của người nghe Việt, họ sẽ chơi xen kẽ những tác phẩm kinh điển của nước ngoài song song với việc thổi hồn jazz vào những ca khúc Việt Nam không quên của những nhà soạn nhạc tài danh như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Văn Phụng...
     

    Attached Files:

  5. kim

    kim Advanced Member

    Joined:
    29/3/06
    Messages:
    339
    Likes Received:
    16
    Bình Luận Về Nhạc JAZZ - Đăng Khánh
    Bình Luận Về Nhạc JAZZ
    Vào khoảng thời gian Stravinsky và Schoenberg thổi một làn gió mới vào ngôn ngữ âm nhạc Âu Châu thì ở bên Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ xuất hiện một thể nhạc mới gọi là: Nhạc JAZZ
    Nhạc Jazz đến với chúng ta lúc đầu từ những nhạc sĩ da đen, trình diễn trên đường phố, trong các bar rượu, trong các nhà chứa, trong các phòng nhẩy ở New Orleans và một số các thành phố khác ở miền Nam Hoa Kỳ vào những năm đầu của thế kỷ 20. Chữ “Jazz” xuất hiện rộng rãi trong quần chúng vào khoảng năm 1917, nhưng trên thực tế, Jazz đã được nghe trước đó từ lâu. Không có tài liệu chính thức về sự khởi đầu và sự hình thành nguyên thủy nhạc Jazz vì lúc ấy loại nhạc mới này chỉ mới xuất hiện dưới hình thức trình diễn, và chưa được viết thành bài bản hoặc được hệ thống hóa. Không những thế, rất ít nhạc Jazz đã được thâu âm trước năm 1923 và hoàn toàn không có một thâu âm nào trước năm 1917 khi ban nhạc Original Dixieland Jazz Band thâu âm lần đầu tiên. Khởi nguồn xuất phát từ New Orleans tiểu bang Lousiana, nhạc Jazz đã phát triển qua nhiều thể loai. Tiến triển theo thời gian: - Khởi thủy là New Orleans style (còn gọi là Dixieland Jazz): 1900 – 1917 - Bebop style: thập niên 1940 - Cool Jazz: thập niên 1950 - Free Jazz: thập niên 1960 - Jazz Rock (fusion): cuối thập niên 1960 - Từ thập niên 1970 trở về sau Jazz Rock là style được ưa chuộng nhiều nhất. Trong hơn 100 năm không ngừng phát triển, nhạc Jazz đã sản xuất ra nhiều nhạc sĩ và nhà soạn nhạc tài ba như: Louis Armstrong, Duke Ellington, Benny Goodman, Charlie Parker, Miles Davis…….. Nhạc Jazz không những ảnh hưởng đến rất nhiều thể loại nhạc phổ thông trên thế giới mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ trên âm nhạc của một số nhà soạn nhạc lừng danh như Maurice Ravel, Darius Milhaud, Debussy… của Pháp, Aaron Copland của Hoa Kỳ, và một số các composer khác nữa. A. Vị trí của nhạc Jazz trong xã hội: Khởi đầu thánh địa của Jazz là New Orleans. Về sau các nhạc sĩ Jazz vì sinh kế đã di chuyển ra khỏi Lousiana, và đã biến các thành phố Chicago, Kansas City,ø New York thành các trung tâm nhạc Jazz nổi tiếng. Ngày nay Jazz lan tràn khắp thế giới từ New York đến Paris ,đến Tokyo,đến Amsterdam, đến Singapore…….đến Sài Gòn …. Cùng với sự thay đổi về yếu tố địa lý, nhạc Jazz cũng có những đổi thay lớn về vị trí nhạc học. Từ nguyên thủy Jazz xuất hiện như là một loại nhạc để khiêu vũ, giải trí (entertaining).Nhưng từ sau 1940 nhiều thể điệu nhạc Jazz được sáng tạo nhằm mục đích thưởng ngoạn (listening). Ngày nay Jazz không phải chỉ nghe thấy ở những Bars hay Night Clubs mà còn được nghe trình diễn ở các concert hall (Ex:hàng năm ở Dale Carnegie Hall, Lincoln Center, N.Y) và ở hầu hết các lớp Jazz trong các trường Ðaị học Hoa Kỳ. Không những thế ngay cả ấn tượng về nhạc Jazz cũng hoàn toàn thay đổi, khởi thủy người ta nhìn nhạc Jazz nặng về dục tính (sexuality), ngày nay Jazz đã được nhìn nhận là “Art Music” của Mỹ, được nghiên cứu và hệ thống hóa, đã có các nhạc viện Jazz Institutes, Jazz Libraries, Jazz Museums trên khắp nước Mỹ. B.Nguồn gốc nhạc Jazz: Nếu trong các lọai rược nho, có một loại được gọi là “meritage” tức là loại rượu được làm bởi nhiều loại nho trộn chung với nhau. Thí dụ như chai rượu rất ngon và rất có tiếng là chai Opus One (của nhà làm rượu Baron Philippe Rothschild và Robert Mondavi) chai này làm bằng 5 loại nho : cabernet sauvignon,cabernet franc,merlot,malbec và petit verdot. Khác với chai Kathryn Kennedy cũng rất nổi tiếng nhưng chỉ làm thuần bằng 1 loại nho cabernet sauvignon, cả hai chai rượu này uống rất ngon, mỗi chai ngon một cách riêng và người uống thường hay nói là: “Chai Opus One này là một chai meritage uống rất thú vị. còn chai Kathryn Kennedy là chai thuần Cab uống khi ăn steak thì tuyệt vời.” Nhạc Jazz giống như một loại Meritage của rượu nho (như chai Opus One nói trên) Jazz phát sinh từ một hỗn hợp tạp chủng của “Folk music, Popular music, và Light classical music”. Sự kết hợp này xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 khởi đầu từ New Orleans. Lúc ấy người Pháp và Tây Ban Nha thay nhau nắm chủ quyền và người da đen bị bắt về từ Phi Châu để làm nô lệ ở đấy (năm 1718 người Pháp bắt đầu xây dựng thành phố New Orleans). Khi bị bắt về Mỹ, người Phi Châu không được phép mang theo dụng cụ âm nhạc, nhưng họ đã mang theo trong dòng máu của họ cái “tastes” riêng về âm nhạc của xứ sở Phi châu xa xôi ấy. Jazz nẩy sinh từ sự kết hợp của nhiều văn hóa âm nhạc khác nhau mà chính yếu là Tây Phi châu, Âu châu và Mỹ châu. Phi Châu đóng góp chủ yếu vào ngẫu hứng (improvisation), bộ trống (drum), bộ gõ (percussion) với nhịp kép phức tạp (complex rhythm). Dân ca da đen (afro-american country blues) với một đặc điểm gọi là: call and response (hỏi, đáp). Sắc thái này phát xuất rõ rệt trong các buổi lễ nhà thờ của người nô lệ da đen lúc bấy giờ. Văn hóa âu châu đóng góp cho nhạc Jazz qua các người chủ đồn điền mang theo họ dòng nhạc cổ điển tây phương, cùng lúc các mục sư, và các giáo sĩ truyền giáo đã gieo rắc thánh ca trong các thánh lễ nhà thờ ngày chúa nhật….Một cách rất tự nhiên âm nhạc âu châu đã cung cấp hòa âm cho nhac Jazz lúc khởi đầu. Ngoài ra sau thế chiến, các ban quân nhạc American Marching Band cũng đóng góp những yếu tố quan trọng trong sự hình thành của nhạc Jazz lúc ấy.. C. Các nhân tố cấu thành nhạc Jazz: 1. The Blues: Blues là một thể nhạc bao gồm thanh nhạc và khí nhạc, với một phong cách trình diễn đặc biệt. Blues xuất phát từ dân ca của người nô lệ da đen, các ca khúc hát lên trong khi làm lao động nơi các đồn điền, ca hát nhẩy múa trong các buổi lễ cầu thần, .v.v… Không có ghi nhận Blues bắt đầu xuất phát từ lúc nào, vào khoảng 1890 Blues bắt đầu được nghe thấy ở các vùng thôn dã miền Nam nước Mỹ. Có một điều chắc chắn là Blues không đến từ Phi Châu! Blues được khai sinh ra trên đất Mỹ bởi những người nô lệ châu Phi và truyền đến các đời sau qua con cháu của họ. Bản chất của Blues là những bài dân ca nói lên nỗi thống khổ của thân phận con người nô lệ, của nỗi đau tình phụ, nỗi hận đời bạc bẽo, nỗi khổ của đói nghèo, của sa đọa, hút sách, của chém giết…sầu đời. Từ trong ca từ, trong cách trình diễn, dựa trên cái Blues Scale làm nền tảng, tất cả tạo nên một ngôn ngữ âm nhạc rất “poetic”, rất “thân phận con người”. Khởi đầu Blues chỉ là những bài dân ca, khi trình diễn không có đàn đệm, về sau người ca sĩ cô đơn ấy thường vừa hát vừa gẩy guitar hay với một cây Banjo!
    Cách hát nhạc Blues giống như kỹ thuật hát hoặc đánh đàn của người Senegal hay Gambia ở phía Bắc của Tây Phi châu.nốt nhạc phát ra khi hát nghe rã rời,thê lương , thống khổ, nốt nhạc được bẻ cong đi, nghe như hát sai nốt và sai nhịp, tạo cho người nghe (và dĩ nhiên û người hát) cái cảm giác ngây ngây, rã rượi – gọi là một trạng thái“rất Bluesy”, “rất soulful”. Cho đến khoảng 1910, nhạc Blues trưởng thành và lan rộng trong quần chúng, tiêu biểu lúc bay giờ là 2 nhạc phẩm: Memphis Blues (1912) và St Louis Blues (1914) của W.C Handy đã được Bessie Smith thâu âm và bán nhiều triệu đĩa (năm 1920). Cho đến thập niên 1920 hai thể điệu Blues và Jazz thường trộn lẫn trong các trình diễn của nhạc sĩ Jazz và ca sĩ nhạc Blues . Theo với thời gian ảnh hưởng của Blues càng rõ nét hơn trong nhiều thể loại nhạc khác như Rhythm and Blues, Rock and Roll, country music… v.v… 2. Ragtime: Xuất hiện tại New Orleans khoảng năm1890 và thịnh hành đến 1915. Ðây là một thể loại âm nhạc dành cho piano phát sinh ra từ các pianists da đen chơi nhạc trong các hộp đêm và phòng nhẩy. Nhạc viết ở nhịp 2/4 và đặc biệt tay phải đánh melody rất nhiều ở nhịp chỏi (syncopated). Khi trình diễn người ca sĩ hay nhạc sĩ cố tình nhấn những nốt mạnh vào giữa hai nhịp tạo thành các nhịp chỏi liên tiếp (chữ “rag- time” xuất phat khiø người ta nói về người ca si đang trình diễn Blues rằng là: cô ấy đang “ragging” cái bài hát ấy). Các nhạc sĩ Jazz sau này, chơi các nhịp lơi, nhịp chỏi, nhấn nốt trước hoặc sau phách mạnh (playing around the beat) tạo ra cái cảm giác “swing” là do lấy từ syncopation của Ragtime music mà ra. Tại Hoa Kỳ nhà soạn nhạc, nhạc sĩ da đen được mệnh danh là “The King of Ragtime” - Scott Joplin (1868 - 1917) với bản “The Entertainer” đặc biệt nổi tiếng và vẫn còn được trình diễn đến ngày hôm nay. 3. Nhu cầu giải trí của New Orleans: Cuối thế kỷ 19 thành phố New Orleans là một trung tâm thương mại lớn với cửa biển của sông Mississippi là hải cảng nối đường biển của Mỹ châu, Âu châu và vùng Caribbean. New Orleans trở thành một trung tâm lớn đón nhận du khách, đủ mọi thành phần từ khắp nơi trên thế giới, và dĩ nhiên phải tự phát triển để đáp ứng các nhu cầu giải trí đủ loại, trong đó có dancing, bars, brothels là chủ yếu. Các nơi ấy chính là nơi “nẩy sinh” và “phát triển” nhạc Jazz lúc đầu. (thậm chí lúc đó còn có một “famous prostitutions district” có tên là Storyville nữa) 4. Nhân tố thứ 4 trong sự hình thành Jazz là sự hiện diện của các ban kèn đồng trong các ban quân nhạc của quân đội Pháp taiï New Orleans: Cũng giống hệt như ở Việt Nam khoảng 1920 lúc khởi sinh nền tân nhạcVN, khi chiều chiều tiếng kèn đồng, tiếng accordéon vọng ra từ các trại lính lê dương, tiếng dương cầm, tiếng vỹ cầm vọng ra từ các máy 78 tua từ trong các dinh quan toàn quyền, quan công sư. Chính những mầm mống âm nhạc ấy nẩy sinh ra nền âm nhạc thất cung lúc khởi đầu. 5. The Creoles: Một yếu tố nữa trong sự hình thành nhạc Jazz lúc bấy giờ là một lớp người mới tại New Orleans :“the creoles” người da đen lai da trắng ,con của các ông lớn người Pháp,người Tây Ban Nha. Họ được ăn học và có đẳng cấp xã hội, có con em được gửi đi âu châu du học ,có người đi học nhạc tại các nhạc viện âu châu như conservatoire de Paris v.v…. và chịu ảnh hưởng sâu xa của âm nhạc cổ điển tây phương. Lớp Créoles musicans này cũng đã đóng góp lớn lao vào sự phát triển và cấu trúc của nhạc Jazz . D. Kết luận: Ðể tóm tắt lại chúng ta có thể nghĩ về nhạc jazz như sau: 1.Jazz là nhạc Mỹ (lúc đầu là của mỹ da đen) Jazz là một hỗn hợp tạp chủng của 3 nền văn hóa: Tây Phi châu, Âu châu và Mỹ châu. Mà một cách nhìn giản dị có thể coi như: •West Africa cung cấp Rhythm • Classical music- cung cấp harmony •Country blues của người nô lệ da đen cung cấp melody và lyrics. 2.Jazz có rất nhiều định nghĩa khác nhau nhưng đa số đều đồng ý là: Jazz = improvisation + Swing 3.Các nhân tố đầu tiên kết hợp để hình thành nhạc Jazz khởi đi từ New Orleans ở những ngày đầu của thế kỷ 20 là: Blues, Ragtime và Brass band. 4. Blues và Jazz chỉ gặp nhau ở lúc đầu sau đó Jazz tự phát triển, hệ thống hóa, trở thành “Art Music” và “lang chạ” có DNA trong hầu hết các thể loại nhạc khác. E. Tâm tình người viết: Thưa các bạn hôm nay trời mưa buồn quá, nhớ bạn nhớ bè, nhớ thơ nhớ nhạc, không biết làm gì bèn mở lại mấy cuốn Jazz Texts và nẩy ra ý định viết vài hàng gửi đến các bạn yêu nhạc đọc cho vui. (đặc biệt là thi sĩ Lê Hân của chúng ta) Mình học jazz piano cũng đã lâu và phải nhận là jazz không dễ chút nào! Hình như “swing” và “syncopation” là những gì vốn không có trong ngôn ngữ và văn hóa âm nhạc của mình. Có lần một người bạn bảo tôi : khi nào ông phải vừa đi vừa nhún nhẩy và ngoáy đít như tụi mỹ đen và phải ăn nói lè nhè như mỹ đen thì khi đó chơi nhạc jazz mới khá được ! Nghĩ cho cùng thì thấy cũng có vẻ có lý! Nhưng hãy để đấy như một ý kiến chủ quan . Riêng tôi rất thích “jazz harmony , jazz chords, jazz progressions”. Rất bị quyến rũ bởi những mầu sắc mới û và những âm thanh lạ của những harmony mà đa số là “cột dọc” (vertical) của jazz . Nó “táo bạo” và mới mẻ hơn những harmony ảo diệu, tuyệt vời nhưngù quen thuộc của “classical harmony” mà đa số là “hàng ngang”(horizontal) . Tuy vậy mình lại không thích nhạc Jazz. Hàng ngày nếu phải tập bài jazz.thì phải tập nhưng khi mở CD nhạc để nghe thì thế nào cũng lai chọn không Chopin thì Beethoven đó thôi. Có bạn lại hỏi tôi: thế ông học jazz làm gì? Cái vụ này thì hơi khó trả lời! Có lẽ nếu mình xử dụng được Jazz harmony và jazz language vào nhạc việt khi sáng tác (đã có khá nhiều composers VN trẻ đã làm arrangements theo các styles này) mình nghĩ sẽ có nhiều điều thú vị hơn trong âm nhạc chăng? (giữa một G7 rồi về C và một G7-9 về C6 hay giữa một Bb7 về Eb và Bb7-9(13) về EbMaj9 thì đây là những điều rất quyến rũ đối với người nhạc sĩ ! phải không các bạn?) Xin lỗi mình đi quá xa đề tài rồi!. Trước khi chấm dứt bài Jazz? này tôi xin mời bạn nghe một bản nhạc rất quen thuộc đó là bài Autumn Leaves của Joseph Kosma (lời của Jacques Prevert) của Pháp với tên là Les feuilles Mortes viết năm 1945 theo thể loại Ballad.Năm 1947 nhạc sĩ người mỹ Johnny Mercer viết lời tiêng anh.Từ đó đến nay không biết bao nhiêu phim ảnh, CD, DVD, Concerts đã trình diễn Autumn Leaves.Và ngày nay Autumn Leaves đã chính thức trở thành Pop Standard và Jazz standard của thế giới âm nhạc chúng ta. Ðang viết đến đây thi ông thầy nhạc của tôi đến chơi (ông gần 80 tuổi hồi trẻ đã từng đánh đàn cho Frank Sinatra hát). Tôi nhờ ông (Ricky Diaz) đánh 2 versions của Autumn Leaves mà tôi thâu tạm bằng cái portable recorder Edirol mới mua tuần rồi,mời các bạn nghe nhé:
     

    Attached Files:

  6. kim

    kim Advanced Member

    Joined:
    29/3/06
    Messages:
    339
    Likes Received:
    16
    Bình Luận Về Nhạc JAZZ-Vietha

    Nếu các bạn nhận xét kỹ sẽ thấy nhạc Jazz và nhạc Việt có một điểm rất giống nhau: nữ ca sĩ nhiều hơn nam ca sĩ ! Nhạc Việt có rất nhiều nữ ca sĩ và rất ít nam ca sĩ, thì nhạc Jazz cũng vậy. Có lẽ giọng nữ hát nhạc jazz hay nhạc việt nghe phê hơn ? Nhất là giọng nữ khàn khàn trầm lắng nghe rất đặc biệt khi thưởng thức nhạc jazz. Các nữ ca sĩ nhạc Việt nổi tiếng thì rất nhiều như Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Ý Lan, Khánh Hà, Quỳnh Giao, Mai Hương, Thái Hiền, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thu Phương etc. nhưng nam ca sĩ thì chỉ có vài người nổi tiếng như Tuấn Ngọc, Elvis Phương, Duy Trác, Anh Ngọc..

    Cũng nên nhắc lại là người Mỹ phân chia ra nhiều thể loại jazz khác nhau: vocal jazz, traditional jazz, instrumental jazz (hay smooth jazz), latin jazz (Bossa, samba..), funk jazz, new jazz etc.

    Đa số những bài nhạc jazz trình làng trên bbqt jazzy corner thuộc loại vocal jazz và như thông lệ, đa số là do các nữ ca sĩ jazz trình bày như Ella Fitzgerald, Lena Horne, Gladys Knight, Aretha Franklin, Diana Krall, Karen Souza, Janet Seidel, Lisa Ono, Etta James, Eden Atwood, Laura Fygi, Astrud Gilberto, Anna Maria Flechero, Norah Jones, Eva Cassidy, Renee Olstead, Chantal Chamberlain, Natalie Cole và rất nhiều nữ ca sĩ khác. Trong khi nam ca sĩ jazz thì chỉ vài người nổi tiếng như Frank Sinatra, Nat "King" Cole, Mel Torne, Ray Charles, Tony Bennett, Michael Buble..

    Phần âm thanh, kỹ thuật, nhạc cụ trong trong nhạc jazz rất quan trọng nên rất nhiều nhạc phẩm jazz xưa cũ tuy rất hay nhưng nghe lại không hay vì âm thanh cũ bị "chìm" không phát ra đầy đủ như những loại nhạc thâu âm gần đây. Nhạc của Ella Fitzgerald, Billie Holiday, Duke Ellington, Louis Armstrong..nghe thật hay nhưng âm thanh quá cũ nên nghe không nổi bật như các bản vocal jazz thời nay.
     

Share This Page

Loading...