Nhạc sĩ Quốc Dũng nhận xét về nhạc 'Sến' Là một trong 3 phòng thu đầu tiên của Sài Gòn, là nhà sản xuất âm nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng với gần 50 năm gắn bó với âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Dũng đã chia sẻ về xu hướng quay về hát nhạc “Sến” ở các ca sĩ hiện nay. Thưa nhạc sỹ, “Sến” với ông được định nghĩa thế nào? Nhạc “Sến” chính là sự cách tân của dòng nhạc dân ca Việt Nam. Sự pha trộn giữa âm nhạc Tây Phương và âm nhạc dân tộc đã tạo ra một thể loại âm nhạc độc đáo mà cho đến giờ, với tôi nó vẫn là đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam. Điều đó có chủ quan quá hay không khi Việt Nam còn dòng nhạc trữ tình, nhạc trẻ và cả nhạc thính phòng, giao hưởng nữa…? Cứ cho là tôi chủ quan đi… Nhưng gần 50 năm sống với âm nhạc, tôi đẫm mình trong dòng nhạc của Mozart, Chopin, Schubert… lẫn dòng nhạc trẻ Tây Phương, nhạc Mỹ tôi thấy nhạc thính phòng, giao hưởng, nhạc trẻ của Việt Nam vẫn còn thua quá xa. Tôi đã được nghe những bài tốt nghiệp của các bạn học sáng tác trong Nhạc Viện, hay trong những show diễn hoặc chương trình truyền hình, tôi thấy rõ ràng, với tôi, nhạc “Sến” vẫn là đỉnh cao mà chưa ai phá nổi. Nếu có một người nước ngoài đến Việt Nam, tôi sẽ hãnh diện đem nhạc “Sến” ra khoe, đây là nhạc Việt Nam, chứ tôi chẳng dám đưa những bản nhạc giao hưởng, tổ khúc, nhạc trẻ ra khoe đâu. Nhạc sĩ Quốc Dũng năm 13 tuổi, trên tay cầm bản in Ronéo bài hát Nửa Đêm Ngoài Phố của nhạc sĩ Trúc Phương. Vậy có không công bằng hay không khi nhiều người vẫn gọi nhạc “Sến” với đầy ý miệt thị? Riêng với tôi, “Sến” không có nghĩa là thấp và sang nghĩa là cao. Nhạc “Sến” không hề tầm thường, nếu ai đó nói như thế thì người đó thật quá sai lầm. Vì để “Sến” một cách đúng nghĩa, đòi hỏi nhiều điều lắm! Lần đầu tiên tôi nghe đến có “Sến” đúng và “Sến” sai, làm sao để hát đúng nhạc “Sến”? Điều này rất khó, có những quy tắc đặt ra cho những nốt được rung và những nốt không được rung, những nốt được luyến và những nốt không được luyến. Hơn nữa khi luyến, lại phải yêu cầu trượt qua những nốt nhỏ nào đó mới tới nốt tiếp theo. Tất cả đều nằm trong âm nhạc dân ca của ta mà ra. Vậy từ hát không “Sến” mà bị nói thành “Sến”. Ông có thấy bức xúc không? Bây giờ nghe một ai đó nói rằng, người này hát “Sến” quá, thì tôi hiểu ngay rằng người ca sĩ đó đã hát “Sến” không ra “Sến”. Tôi không bức xúc khi nghe khán giả nói thế, chỉ thấy khó chịu khi nghe một người ca sĩ hát không đúng mà thôi. Chữ “Sến” đối với tôi có một định nghĩa khác, rất “Sến” có nghĩa là rất hay… Hiện nay, khá nhiều ca sĩ đang quay trở lại hát dòng nhạc này, trên quan điểm của một nhà sản xuất, ông nghĩ sao? Theo tôi, họ đang đi đúng hướng trong việc chinh phục khán giả. Điều này được minh chứng bằng những thành công mà họ đang đạt được. Ông nhận xét thế nào về cách thể hiện của họ? Tôi thấy họ còn thiếu căn bản về nhạc ngũ cung, nhạc dân ca. Họ cảm nhận đúng về nhu cầu của khán giả nhưng về chuyên môn thì còn yếu. Nếu họ hát được vọng cổ, dân ca, thì khi chuyển qua nhạc “Sến”, chắc chắn họ sẽ lột tả được rõ nét, chính xác hơn tinh thần của nhạc “Sến”. Còn khi đang hát nhạc trẻ, đột nhiên họ chuyển sang nhạc “Sến” thì còn nhiều cái chưa tới. Những ca sĩ ngày trước như Thanh Tuyền, Thanh Thúy, Giao Linh, Duy Khánh, Hương Lan, Hoàng Oanh và nhất là Chế Linh đều có căn bản về nhạc dân ca. Những thế hệ ca sĩ bây giờ muốn quay về hát nhạc “Sến”, tôi nghĩ phải bổ sung thêm nền tảng về dân ca, cải lương, chèo cổ, hò Huế… thì khi đó, họ sẽ hát nhạc “Sến” hay hơn rất nhiều. Ông có nhắc đến Chế Linh, rõ ràng ông ấy vẫn được mệnh danh là ông hoàng nhạc “Sến” của Việt Nam… Nếu ngày xưa có tiếng sáo Trương Lương, thổi lên làm tan rã chí khí quân Sở thì ở Việt Nam, Chế Linh cũng gần giống như vậy, mỗi khi nghe tiếng hát của ông, thì hầu như lính nào cũng muốn đào ngũ hết. Một cách ví von như thế để thấy giọng hát Chế Linh hết sức đặc biệt, ông ấy xứng đáng là ông hoàng của dòng nhạc này. Còn Ngọc Sơn, anh ấy cũng được nhiều người gọi là ông hoàng nhạc “Sến”… Ngọc Sơn là người gần đạt đến danh hiệu đó một cách xứng đáng. Tôi biết chắc Ngọc Sơn hát cải lương tốt, vì cơ bản Ngọc Sơn có một nền tảng về dân ca vững chắc. Với những ca sĩ thời bây giờ, tôi cho rằng Ngọc Sơn có thể đã là một ông hoàng nhạc “Sến”. Nhưng với tính cách thích làm khác người, đôi khi Ngọc sơn lại tự phá mình khi vượt quá những giới hạn cho phép. Với dòng nhạc “Sến”, ông đã từng nói rằng mình rất ưng ý với Bảo Yến... Theo tôi, trong nước bây giờ thì Bảo Yến có lẽ là người hát nhạc “Sến” số 1, nhưng đáng tiếc là bây giờ Bảo Yến lại không chịu hát nhạc “Sến” nữa. Cô ấy nói rằng hát nhiều quá rồi… Vậy nhưng khi lưu diễn bên Mỹ, khán giả lúc nào cũng yêu cầu Bảo Yến hát nhạc “Sến”. Lúc nào cũng vậy, cái gì quá quen thuộc thì không được đánh giá đúng giá trị thực tế của nó. Còn những ca sĩ khác như Thùy Trang, Bích Phượng hay mới nhất là Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng? Thùy Trang, Bích Phượng và Cẩm Ly hát nhạc “Sến” khá tốt, còn Đàm Vĩnh Hưng thì dòng nhạc của cậu ấy “lạ” quá, tôi không đánh giá được vì không có một cơ sở nào cả, tôi không biết xếp vào loại nào nữa… Ông đã nói về những khuyết điểm, vậy ca sĩ thời nay có ưu thế gì hay không? Rõ ràng, ca sĩ ngày nay có ưu thế hơn về giọng hát phong phú, khỏe hơn. Họ được học tập, thi thố tài năng nhiều hơn nên về thể lực họ có vẻ tốt hơn. Tuy nhiên, việc học tập đôi khi gây bất lợi vì nếu học không đúng, thì họ rất dễ bị giống một ai đó. Ca sĩ ngày xưa mỗi người có một bản năng và chất giọng riêng, khi họ cất giọng lên, tôi có thể biết được đó là ai. Còn bây giờ, nhiều khi phải nghe kỹ, phải đoán tới đoán lui mà vẫn còn đoán trật. Đã rất lâu kể từ lúc thoái trào, theo ông vì sao nhạc “Sến” vẫn được yêu thích như vậy? Người nào nói không nghe được nhạc “Sến” thì tôi cho rằng: một là người đó nói dối, hai là người đó tinh thần vọng ngoại một cách cực đoan. Tôi sẽ rất buồn nếu một người bạn nào đó của tôi nói rằng họ không nghe được nhạc “Sến”. Thực tế, có nhiều người khi ở Việt Nam chỉ nghe nhạc Mỹ, nhạc quốc tế, thích ăn đồ Tây nhưng khi ra nước ngoài, xung quanh chỉ thấy nhạc Mỹ, nhạc quốc tế, đồ ăn Tây thì nhu cầu tinh thần lại đòi hỏi một cái gì đó của quê hương. Lúc này, họ mới thấy nhạc “Sến” gần gũi như rau muống, nước mắm vậy. Như tôi đã nói, cái gì không có thì mới thèm, còn cái gì quá dư thừa thì đôi khi họ sẽ không biết nó quý giá thế nào. Theo Người nổi tiếng
Em thích cách nhìn nhận về nhạc "Sến" của nhạc sỹ! Một bài viết đáng để nhiều người, đặc biệt là các nhà quản lý nghệ thuật suy ngẫm và cân nhắc!
Nhận xét đúng đắn, khách quan và trung thực của một người làm nghề. Đừng vì nghe nhạc sến mà thấy mình thấp, đừng cậy nghe nhạc cổ điển mà thấy mình cao. Mọi loại hình nghệ thuật đều có giá trị và vị trí nhất định trong lòng công chúng. Trong nghệ thuật chỉ có hay dở, đẹp xấu chứ không có sang hèn.
Like tiếp :lol: Một số bác có quan điểm nhạc Sến nghe hay không cần nhiều $$$ điều này cũng không đúng
Tks bác chủ về bài sưu tầm hay quá. Theo em, đã là người VN đều yêu và thích nhạc Sến. Trên 4R này, đâu đó thể hiện tư tưởng xem thường nhạc Sến mà chạy theo nghe nhạc bác học... Với em, tỷ trọng nhạc này là ưu thế so với các loại nhạc khác.
Nhạc Sến với e vẫn là dòng nhạc e yêu thích nhất. Nhiều cụ chơi audio thường chê e sao lại nghe nhạc Vàng , và vỗ ngực : " phải nghe giao hưởng, cổ điển .... "Nói chung là phải nhạc Tây mới au di ô phiêu. E chỉ cười trả lời là e không biết tiếng Tây . Cảm ơn nhạc sỹ Quốc Dũng viết bài này, cảm ơn bác Audio Space đã sưu tầm post lên đây, hy vọng nhiều audio Ta sẽ nhìn nhận lại về dòng nhạc này.
Em thấy nhạc sỹ Quốc Dũng nói rất thật và rất thẳng. Mong những ca sỹ mới hát dòng nhạc này đừng hời hợt nữa, chứ ko qua thế sau nữa chẳng biết nhạc "Sến" sẽ ra sao.
Em ít xem Thuy Nga Paris, một lần nghe phỏng vấn hỏi vì sao anh Chế Linh hát phê như vậy mà ngoại hình thì k bắt mắt thì nghe trả lời là ngoại hình vậy hát nhạc "mùi" mới hợp. Em thấy có 2 ý: người ta đã sửa lại là nhạc "mùi" nghe nó văn chương 1 chút, và ngoại hình thời trang, đỏm dáng của Mr.Đ thì k hợp vời dòng nhạc trử tình này rồi!
Nhạc sến thì dàn cỏ úa cũng có thể chơi được, còn nhạc cổ điển đòi hỏi loa gấu và dàn gấu nên được gọi là cao sang ??? :wink:
Chết rồi, em nhầm...hình như DVD mới nhất của TT Vân Sơn thì phải, có Janifer Phạm dẩn chương trình ấy. Sorry các bác!
Thế nào gọi là "sến", em nghĩ cũng khó định nghĩa. Ở VN, những bài hát nói về thất tình, hận đời giàu sang, đen bạc... thì gọi là sến??? Cũng nhạc đó thay lời khác vào có khi không còn cho là "sến" nữa. Nếu nói "sến" là một phần của nhạc trữ tình thì có sai???
BV thật là ngạc nhiên khi cho đến nay, người ta vẫn gọi từ nhạc "sến" để chỉ về dòng nhạc Việt trữ tình trước năm 1975. Ở những năm đầu giải phóng, từ nhạc sến đã được lạm dụng như là một từ tiếng lóng để chỉ về các bài nhạc bình dân có lời nhạc mùi mẫn, có dùng từ anh em, nội dung rõ rệt nói về nỗi nhớ nhau, yêu nhau, ao ước được cưới nhau sống đến bạc đầu, nỗi nhớ nhà của người lính, niềm đau khổ của sự chia tay với một người tình, người yêu v.v... mà hầu hết là 100% sử dụng điệu nhạc bolero, ballad... Đây cũng là thời kỳ của chiến tranh, của sự xa cách hay chia cắt, nên dòng nhạc này đã cũng phần lớn dễ đi vào lòng người dân miền Nam chân quê, vào những đêm dưới ánh trăng, thắp đèn dầu, dăm ba chút mồi đậu phụng và chai "ba xị đế" (ba chai xá xị đong thành một lít rượu đế). Thật ra, từ "sến" được viết tắt từ chữ Mari Sến, mà BV được biết là một số ít nhà giàu trước năm 75, những gia đình sống cách Tây thường dành gọi các cô người "ở đợ", tức là người ở lại nhà để giúp đỡ trông coi. Ám chỉ sự "nhà quê", "cấp thấp"... Những từ Mari Sến thường được nhắc đến trong các cuốn tiểu thuyết tình cảm trước năm 75. Ở ngoài đời thì lúc đó BV còn rất nhỏ để tiếp xúc nên không nghe thấy, mà là ở trong các cuốn tiểu thuyết được đọc. Sau năm 75, ở mỗi thời kỳ rất ngắn thường hay xuất hiện một từ lóng rất lạ. Lúc đó từ "Mari Sến" cũng được sử dụng đại trà để chỉ một phong cách con người, một hành động hay lời nói màu mè, ủy mị, nhà quê. Sau đó, từ Mari Sến đã chỉ còn mỗi từ Sến và được dùng với nghĩa rộng hơn, song song từ "cải lương" để chỉ sự màu mè, rườm rà "hoa lá", nhà quê, dài dòng.v.v... Và lại sau đó, dòng nhạc BV nêu trên sử dụng điệu bolero, ballad với nội dung mùi mẫn, đơn giản... đã được đặt cho một cái tên như là một sự phân biệt xếp loại. Đó là nhạc sến. Từ những năm 1976 đến 1992, Việt Nam được bỏ sự cấm vận với thế giới, mở ra một bước ngoặc với nền kinh tế nước nhà, cũng là thời kỳ thoáng hơn với cuộc sống và tư tưởng bị nhốt chặt của người dân miền Nam, luật pháp cũng dần bỏ những luật cấm và phân biệt về văn hóa và chính trị, dần cho hát lại những bài hát trước năm 75 có chọn lọc. Nhạc vàng cũng là từ để chỉ nhạc trữ tình nói chung trước năm 75, bao gồm nhạc thính phòng, nhạc tiền chiến. Lúc ấy, như nắng hạn gặp mưa, không thể diễn tả được nỗi vui mừng của người dân Miền Nam, nhạc tuôn chảy như dòng máu chảy trong huyết quản, nhạc ồ ạt đến, karaoke ra đời, người người đều nhạc, nhà nhà đều nhạc. Người ta chỉ biết đến hai tên gọi bình dân, đơn sơ và dễ hiểu cho nhạc. Đó là nhạc sến và nhạc vàng. Người dân giã, chất quê, ít hiểu biết gom chung nhạc trước 75 bao gồm cả nhạc trữ tình của các nhạc sỹ không quê tí nào, nhạc bolero "lính chê", nhạc tiền chiến v.v... gọi là "Nhạc Sến" (!?) Và một cách ngắn gọn nôm na gọi theo cách gọi phân biệt của bộ văn hóa thông tin nước nhà đặt cho là Nhạc Vàng. Nhưng thử để ý, người trí thức miền Nam cùng các ca sỹ, nhạc sỹ trí thức, ít ai gọi bằng hai từ trên mà rất khó tính và cẩn thận trong việc dùng ngôn từ, không báng bổ, gom lại gọi chung, mà phân biệt rõ đâu là nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến ca ngợi cái đẹp của quê hương, những mối tình bóng bẩy và nên thơ không sử dụng từ "anh", "em", "yêu" v.v... Nói đến đây, các bạn không biết còn nhớ đến cuốn Thúy Nga Paris nào đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn khi giới thiệu về một chương trình Thúy Nga đặt biệt của một nhạc sỹ chuyên viết thể loại nhạc này, nhà văn có phát biểu mà BV nhớ mang máng như vầy: "Nhạc bolero giờ đây không còn là nhạc bình dân của một thiểu số người nữa mà là khá gần gũi với đại đa số người dân Việt Nam..." Nhưng ngay lúc đó, BV thấy nhà văn có vẻ hơi gượng gạo nói, có lẽ là do chương trình chuyên mục nên phải phát biểu như vậy. Thật ra, thể loại nhạc này nhịp điệu lên xuống, uyển chuyển, nhịp nhàng dễ hát, dễ hiểu, đơn giản, nên dễ cảm, dễ đi thẳng đến cảm xúc của tâm hồn. Riêng gia đình BV gồm 10 người, mà BV chỉ thấy chị Hai lâu lâu mới ngân nga một điệu ballad: "Em gái vườn quê, cuộc đời trong trắng, dầm mưa dãi nắng, mà em biết yêu trăng đẹp ngày rằm..." http://nhacso.net/nghe-nhac/duyen-que.WlFUUUtc.html Còn lại là các nhạc sỹ Phạm Duy, Phạm đình Chương, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn... ĐỐT LÀ TRÊN SÂN "Nếu bé yêu anh, anh mời đến ở, Dưới mái thô sơ, nơi vườn xanh cỏ Ngày thì chia nhau sách đọc mới cũ Để chiều còn ra tưới vườn, quét lá Quét lá trên sân, vun thành đống nhỏ Bé sẽ cho anh cái quyền nhóm lửa Mặt trời đã tan, giữa chiều êm gió Một ngày ra đi với một chiều mơ. Khói, khói lên nhỏ nhoi Khói lên nhẹ hơi, khói lên lả lơi Khói, khói lên đầy vơi Khói lên tả tơi, khói lên mù khơi Khói, khói lên đẹp ngời. Bé có biết không khói mờ sắc huẹ Khói trắng khơi lên kỷ niẹm êm nhẹ Ngày nào xa xôi, cũng nhỏ như bé Ngày còn me. cha, những chiều đốt lá Khói nhắc cho anh những ngày vui khoẻ Bóng dáng quê hương, những chàng trai trẻ Hình ảnh quay tơ, cánh đồng thơm lúa Nhạc hành quân xa, trên nẻo đường ta. Đốt lá trên sân, nhớ từng đóm lửa Bến nước đêm xưa, chuyến đò neo ngủ Một bài dân ca ấm lòng quê cũ Ngọt ngào lời ru, mối tình ngàn xưa Đốt lá trên sân, khói mờ cay toả Nước mắt rưng rưng, anh nhiều mắc cở Ngọn lửa làm anh mắt mờ thương nhớ Chỉ làm cho em má hồng đẹp thêm. http://nhacso.net/nghe-nhac/dot-la-tren ... ZU0RX.html Nhạc là sự cảm nhận từ sự cảm thụ của mỗi một con người. Là một cái đẹp của một phần tâm hồn. Và kho tàng nhạc Việt Nam trước năm 1975 là cả một gia tài của nước Việt. Vì vậy xin đừng gọi nhạc trữ tình Việt Nam trước 75 là nhạc sến. Đau lòng lắm! Và dòng nhạc bolero, ballad này sao không gọi là nhạc chân quê, hay một tên gọi hay ho nào khác mà mượn từ lóng Sến để gọi, để rồi không hiểu rằng mình viết gì, phải đặt chữ "sến" ở trong một ngoặc kép để mà chi!
E thì chẳng nghĩ vậy, e đã thấy một bác thợ tiện lúc làm việc vẫn say sưa lắc lư theo tiếng nhạc cổ điển từ chiếc máy nghe CD bé tí, nhạc gì thì quan trọng nhất vẫn là tình yêu và cảm nhận mình dành cho nó.
Bác nói giống hoạ sĩ Đào Hải Phòng quá ! Trích: Tôi lấy ví dụ gần đây nhiều người trạc tuổi trên 30 có tiền đổ xô chơi đồ âm thanh cao cấp. Ngoài mặt thẩm mỹ, design, đó là những món đồ rất đẹp, có thể tải được những âm thanh rất tinh tế như nhạc cổ điển, những tiếng violin được kéo trĩu xuống mà những bộ dàn của những cán bộ công nhân viên chức như tôi không tải nổi. Nhưng đáng tiếc là họ lại dùng những bộ dàn âm thanh đó để chơi nhạc sến mà đến loa Nam Môn đánh còn tốt hơn. Hóa ra bộ dàn trị giá 30.000-40.000 USD không phải dùng để nghe những thứ cần nghe, cần sự tinh tế. http://m.vietnamnet.vn/vn/van-hoa/91379 ... am-ro.html
Nhiều khi nghĩ cũng buồn cười. Nhạc Việt Nam thuần chất gọi là nhạc sến ! Nhạc Việt Nam học đòi Tây Mỹ, nào là jazz, pop, semi-classical, ... thì được gọi là nhạc "sang trọng"! Thực ra người Việt Nam cần loại nhạc gì? Chỉ qua đợt Tuấn Vũ dự định hát 1 đêm ở Hà Nội, cuối cùng thành ... 7 đêm bao gồm 3 đêm ở nhà hát lớn, đã nói lên tất cả. Tiếc là luôn có một số người gượng ép cộng với định hướng báo chí tầm phào, phải nghe nhạc "sang trong" thì mới là văn hóa thưởng thức đỉnh cao, tinh tế :wink: Ít ra, khi nghe nhạc "sến", khán giả Việt Nam cũng biết khi nào cần vỗ tay :wink: Hàn Quốc, Nhật Bản,.. không bao giờ có những từ ngữ rẻ rúng nhạc của họ như Việt Nam !
Một cách nhận xét về nhạc sến quá hay, sẽ làm thay đổi một số suy nghĩ của các bác coi nhạc sến là thấp kém.