Nhạc, Thơ, Một Cảm Nghĩ Hồi đó, lần đầu tiên nghe người ta hát "Em Ơi, Hà Nội Phố" (thơ Phan Vũ), thích ghê ghê là. Lúc đầu, cung bậc trầm hơn, cứ như là kể lể, là tự sự " ... em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi Hoàng Lan, ta còn em mùi hoa sữa. Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ ... ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm ..." Rồi bài hát chợt vút cao say mê quyến luyến ... "Ta còn em ... ta còn em ..." để cuối cùng khổ nhạc cuối lại trở về với nguyên thủy, lại tình tự, kể lể. Cũng giống như cảm xúc của mỗi con người, có lúc thăng hoa lên chất ngất, rồi chìm xuống, đọng lại một nỗi nhớ, tiếc mông lung. Không phải cái ý thơ của Phan Vũ là như vậy đó ư? Thế rồi, tôi bắt đầu để ý đến người nhạc sĩ đằng sau bài hát - Phú Quang. Thời đó, Phú Quang chưa viết nhiều, và như nhiều người nói, người nhạc sĩ Hà thành này vẫn còn ở sau cái bóng của Trần Tiến. Một vài ca khúc khác ra đời, nhưng không đạt được cái huy hoàng của Em Ơi Hà Nội Phố. Thế rồi, tôi đí học xa nhà ... Bẵng đi một thời gian, đến lượt Trần Tiến im lặng đi một lát, và Phú Quang bừng dậy, với một sắc thái mới, tung ra thị trường hàng loạt nhạc phẩm mới. Tôi say sưa đón nhận, lắng nghe như muốn nhập vào từng cung nhạc giai điệu của những ca khúc được dày công hòa âm, phối khí, cũng như đã từng được bỏ nhiều tâm huyết viết giai điệu. Có những ca khúc đầy say mê như dành cho tuổi mới lớn, có những ca khúc đằm thắm như viết cho tuổi hoa niên. Lại có những ca khúc, đầy trăn trở! Ý hẳn, Phú Quang đã phải chọn lọc kỹ càng lắm những gì ông đưa ra ở trên khuông nhạc. Tôi còn nhớ y nguyên cảm giác, tôi đã từng để máy chạy lui chạy tới những gần nửa giờ đồng hồ nghe một bài thôi, của Phú Quang, Siu Black hát. Giọng cô ca sĩ này cao và mạnh dễ sợ, lúc cần lên thì lên tràn cung mây, lại có chút khàn đục hay chi lạ, "em ru gì cho ta ... qua bao ngày phôi pha ..." Rồi tôi bắt đầu làm quen với nhiều giọng hát mới, những Thu Phương, Mỹ Linh, Thanh Lam (lúc đó Trần Thu Hà chưa nổi), nhiều ca khúc mới mà tôi rất yêu thích, như "Một Dại Khờ, Một Tôi" (thơ Nguyễn Trọng Tạo), hay "Biển, Nỗi Nhớ và ... Em" (thơ Hữu Thỉnh). Bài nào cũng hay, cô đọng, và cả cái giọng ca của những ca sĩ đã làm đình làm đám trên các sân khấu nhạc nhẹ nữa, đã góp phần đưa tôi đến với một trào lưu âm nhạc mới, và tôi bắt đầu đi tìm đọc những bài thơ mà từ đó, Phú Quang ghép nốt nhạc vào, cho từng lời từng câu ngân lên ... Tôi yêu thơ Lê Đạt, càng thích ... Bóng Chữ ... Chiều Âu Lâu, bóng chữ động chân cầu ... Vườn thức một mùi hoa đi vắng ... Tóc hong mùi ca dao ... Câu nào cũng là thơ, câu nào cũng ẩn hiện một tứ thơ . Và một người bạn tặng tôi một dĩa nhạc Phú Quang, có bài "Bóng Chữ", Mỹ Linh hát . Tôi nghĩ việc, về nhà bật máy nghe hát, ... "vườn chợt thức một mùa hoa đi vắng, vườn chợt thức một mùa hoa đi vắng ... em vẫn đây, mà em ở đâu ... Chiều Âu Lâu, bóng chữ động chân cầu ... chiều Âu Lâu, bóng chữ động chân cầu ..." Bài hát cô đọng quá, cấu trúc tinh tế quá, còn hơn cả bài thơ gốc của Lê Đạt. Mà hỡi ôi, cô đọng hơn cả bài thơ gốc của Lê Đạt thì chẳng còn là của Lê Đạt nữa, cả cái hình ảnh "thu rất em và xanh rất cao" đẹp như tranh vẽ huyền hoặc cũng mất theo. Còn lại, chỉ là giọng Mỹ Linh cao vút, thổn thức trên cả mức cần thiết. Và dàn nhạc vô tình hòa theo, trầm bổng lên xuống ... cay đắng theo! Rồi tôi bắt đầu nghĩ nhiều về chuyện phổ nhạc từ thơ. Quả là khó lắm, vừa phải chọn chữ ra, chọn âm điệu thế nào để lột tả cái hồn của bài thơ. Viết cả nhạc lẫn lời, nhỡ có sao thì cũng chỉ bởi chính mình. Còn phổ thơ người khác mà không đạt thì vô tình đánh hỏng cả tên tuổi thi nhân, càng đánh hỏng tên tuổi mình trong lòng thính giả hâm mộ ... bài thơ. Khổ thế đấy! Làng âm nhạc Việt Nam đã có nhiều tác giả rất thành công trong việc phổ thơ, như bác Phạm Đình Chương dùng "Đôi Bờ" để khơi mào cho "Đôi Mắt Người Sơn Tây", biết dùng cái khổ đắc ý nhất của Quang Dũng để làm chỗ mấu chốt cho toàn bài hát, để hoàn toàn cuốn hút người nghe bằng cái ... buồn viễn xứ khôn khuây. Như bác Phạm Duy, với cả hàng chục bài nhạc phổ thơ của Huy Cận, của Xuân Diệu, của Hữu Loan. Bài nào cũng hay, cũng đáng được trân trọng. Rồi có người đem Phú Quang ra so sánh với một nhạc sĩ khác. Cách thức so sánh đã ... lạ, mà cái nội dung so sánh càng lạ. Hai người, một được đào tạo trường lớp kỹ càng, một có thể gọi là tự học mà thành. Hai người, cùng phổ thơ người ta, lại thuộc hai giai đoạn khác nhau, nên cái cấu trúc trong âm nhạc cũng có khác. Lại nữa, đem một nhạc sĩ viết nhạc ra so sánh với một nhạc sĩ ... chơi nhạc (?), dường như có chỗ ... khập khiễng thì phải! Phú Quang là một trong những nhạc sĩ Việt Nam được đào tạo trong một nhạc viện nước ngoài. Căn bản đã có, lại thêm tinh thần làm việc nghiêm túc, ông thành công trong việc phổ nhạc, hòa âm phối khí cho bài hát. Mỗi ca khúc là một sự phối hợp của nhiều nhạc cụ, của những biến chuyển ăn ý trong mỗi trường đoạn. Vì ông muốn nó được để đời. Cái sự nghiêm túc đối với âm nhạc của ông còn được thể hiện trong cái cách ông dạy con, đào tạo con trở thành nhạc sĩ. Nhưng nghiêm túc quá, đôi lúc lại làm cho ca khúc, và cả cái cách ông phổ nhạc thiếu đi sự uyển chuyển cần thiết để ở lại mãi với lòng người. Lấy thí dụ, "Biển, Nỗi Nhớ, và Em", hay lắm chứ, vì bài hát kết hợp đúng ý với bài thơ, chỉ đổi một vài chữ khi cần thiết mà không thay đổi nội dung. Từ "Biển vẫn cậy mình dài rộng thế -- vắng cánh buồm một chút, đã cô đơn" qua "biển vẫn thấy mình dài rộng thế -- xa cánh buồm, một chút đã cô đơn", nói chung tuy không tái tạo hoàn chỉnh cái ý, cũng đã thành công lắm rồi. Rồi từ "gió không phải là roi, mà vách núi phải mòn" trở thành "gió âm thầm không nói, mà sao núi phải mòn ...", tuy ý không còn trọn, nhưng cũng tạm, vì cái tứ thơ của Hữu Thỉnh nó khó quá, lạ quá. Nói chung, là bài hát thành công. Nhưng đến bài "Bóng Chữ" thì nói thực, tôi chẳng vừa ý lắm. Vừa ngắn, bố cục lại không trôi chảy, nên hết bài rồi mà cái ý vẫn còn sót lại trên trang thơ, không thấy trên trang nhạc. Tiếc ngẩn ngơ! Rồi bỗng vu vơ thấy hình như vì Phú Quang nghiêm túc quá mà đánh rơi mất ý, cắt mất chữ mà chẳng bỏ được chữ thêm vào. Nhìn đi nhìn lại nhiều bài khác của Phú Quang, mơ hồ như nhận ra điều này, ông trung thành quá với bài thơ, không nhẹ nhàng sử dụng hai chữ "ý thơ" trong nhạc bản. Đối với tôi, chẳng có gì sai trong chuyện đó, truyện có "phóng tác", nhạc không "phổ thơ" được thì chua vào hai chữ "ý thơ", miễn sao truyền đạt lại cái hồn của bài thơ đến người nghe là đạt rồi phải không? Như bác Phạm Duy, nói ông "phổ nhạc" bài "Tiếng Sáo Thiên Thai" một cách cứng nhắc thì không đúng, vì tiết tấu đã đổi khác. Từ một bài lục bát có âm điệu lay lắt pha một chút nhớ nhung tiếc nuối, ông đã chuyển thành một bài ca có âm điệu lúc tươi vui như cảnh Thiên Thai, lúc ray rứt tiếc nhớ. Ví dụ như cái câu "Làn mây ngừng lại sau đèo -- mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi" (?), được biến thể trở thành, "Hò ơi làn mây ơi, ngập ngừng sau đèo vắng, nhìn mình cây nhuộm nắng, và chiều như chìm lắng -- Bóng chiều ... không đi." Thêm bớt một vài từ về lượng, mà giữ được trọn cái "chất" ở trong bài thơ, đó cũng là cái hay của tác giả. Cầm trong tay một xấp nhạc của Phú Quang, tôi đọc ca từ của ông. Nói một cách trung thực, những ca khúc thành công nhất của Phú Quang là những ca khúc được phổ từ thơ. Tôi dám nói, vì tôi là một người nghe trung thành của nhạc ông, mà là người nghe, dù muốn dù không cũng có thể đề đạt nhận thức của mình về những ca khúc mình thích. Nhưng trong thâm tâm tôi không muốn so sánh Phú Quang với bất cứ một ai khác, ngay cả ... Trần Tiến, vì công việc của Phú Quang khác với Trần Tiến, Phú Quang phải diễn tả ý cúa người khác, trong khi Trần Tiến viết ra những gì mình nghĩ, vốn có khác hơn! Mà ngay cả việc hai người cùng phổ thơ vào nhạc, cái thiên hướng của mỗi người đã khác, thì sự vận dụng vào âm luật, vào ngữ cảnh, vào ca từ cũng khác, đem ra so sánh cũng chẳng công bằng cho bất cứ một ai ... Cuối cùng, cũng phải chốt lại ở một điểm. Có người hơn người ở nhạc lý, nhạc cụ, có người hơn người ở ... ca từ . Mà tiếng Việt mình, vốn hơi eo hẹp trong cái chuyện phân loại người làm công tác truyền bá văn hoá nghệ thuật. Viết nhạc, là nhạc sĩ; mà chơi nhạc, cũng là nhạc sĩ. Rồi thiên hạ lại đi so sánh người viết nhạc với người chơi nhạc nữa là chết! Sao không đưa thêm vào cuốn tự điển ngôn ngữ Mít vài nhóm từ mới, đại loại như là nhạc công, nhạc ... sư, hay dài hơn như ... nhạc sĩ ... sáng tác, nhạc sĩ ... trình tấu để khỏi đêm dài lắm mộng? Bởi vậy, những người "khôn" là những người chỉ nên nhìn nhận mình là "ca nhân cúa đời sống", hay "con chim đến đậu chơi ở đầu ngọn lau ...", mà không phải là nhạc sĩ nhạc sư gì hết ráo, hì hì hì