Không biết trên forum vnav thì ngoài sở thích âm thanh, có ai thích đi du lịch bụi không nhỉ. Em xin góp vào topic Nhiếp ảnh một số cảnh vật và con người vùng đất Vân Nam - Trung Quốc. Em đi đợt Tết vừa rồi, chụp bằng máy compact Canon 800iS nhỏ gọn, ảnh tuy không đẹp nhưng cứ mạo muội chia sẻ với mọi người.
4321 km, đó là tổng quãng đường tôi đã đi trong những ngày qua trên đất Vân Nam, Trung Quốc. Trong Lonely Planet, tác giả viết về Vân Nam nói: nếu bạn có một cơ hội du lịch đến một tỉnh của Trung Quốc, hãy đến Vân Nam mà không phải bất cứ tỉnh nào khác. Và chúng tôi thực sự không bị thất vọng với những gì được thấy, được nghe và được cảm. Xuyên suốt hành trình là cảm giác lâng lâng khó tả, một sợi dây liên kết lại những cảm xúc của chúng tôi, từng con người đi qua từng vùng đất, mà mỗi vùng đều có những nét văn hoá rất riêng. 4321 km, hành trình bắt đầu từ Hà Nội (sau này khi đi về tôi mới thấy Hà Nội nhỏ bé và ấm cúng, giản dị thế nào), sang Nam Ninh, tiếp đến Côn Minh, ngược phía Bắc lên Đại Lý, lên tiếp Lệ Giang và kết thúc tại Shangrila. Với hành trình này, chúng tôi có cơ hội được ngắm tuyết, vui đùa trong tuyết. Đó là lần đầu tiên trong đời. Tuyết luôn có ở Lệ Giang lên đến tận Shangrila, quãng đường gần 200km, nơi được bao bọc bởi hàng trăm ngọn núi băng tuyết vĩnh cửu, nơi hàng trăm nghìn mạch nước tuyết tan chảy gộp lượng nước lại hình thành nên những con sông lớn nhất thế giới như Hoàng Hà ở Đông Á, Mê Kông ở Đông Nam Á. Chúng tôi có cơ hội được sống trong thành cổ Lệ Giang, một thành cổ có hàng trăm năm của người dân tộc Nạp Tây, Trung Quốc, mà đến bây giờ kiến trúc không hề thay đổi với những kênh suối tráng lệ như những mái tóc mềm mại chảy qua những khu nhà cổ. Và thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp yêu kiều, thướt tha của Lệ Giang mà chúng tôi ở lại thêm 1 ngày nơi đây. Sau này, nếu có cơ hội, tôi sẽ quay lại Lệ Giang. Đến Đại Lý, vương quốc bé nhỏ của dòng dõi vương giả họ Đoàn xưa kia trong Thiên Long Bát Bộ với nứơc hồ Nhĩ Hải xanh như soi bóng cả bầu trời, với tam tháp và một phần nguyên vẹn của thành cổ còn giữ lại. Lên Shangrila, địa danh mà một nhà văn Anh, James Hilton, năm 1933 trong cuốn sách Đường chân trời đã mất, miêu tả nơi đây là một thiên đường trên trần thế. Một miền đất yên bình với thung lũng, thảo nguyên được bao bọc bởi những dãy núi tuyết cao sừng sững, với những hồ nứơc xanh đậm như màu da trời và trong như pha lê, với những người dân hiền lành, giản dị. Shangrila, cái tên gắn liền với tập đoàn khách sạn hàng đầu Châu Á với những khách sạn bậc nhất thế giới. Người ta đã đi tìm vùng đất mà Hilton miêu tả trong tiểu thuyết của mình ở Trung Quốc, Tây Tạng, Ấn Độ, Nepal nhưng không nơi nào có cảnh vật giống đến thế như tại Zhongdian, Vân Nam. Ý thức được giá trị của thương hiệu này, lãnh đạo Vân Nam đã quyết định đổi tên Zhongdian thành Shangrila. Chúng tôi đặt chân đến thành cổ Shangrila và thăm tu viện Shongzalin mang đậm văn hoá người Tạng, hoà mình vào những điệu múa quay vòng làm tan đi cái lạnh âm độ của xứ sở lạnh lẽo này. Hai thành phố Côn Minh và Nam Ninh trên đường trở về mang lại cho chúng tôi những cảm giác hoàn toàn mới về sự hiện đại của những thành phố này. Tuy nhiên, mặt trái của nó chúng tôi cũng thấy được nhiều hơn. Những phần dưới đây sẽ ghi lại những khoảnh khắc, những cung đường mà chúng tôi trải qua, cũng như những tình cảm ấm áp, những phút giây cười đùa mà những thành viên trong nhóm dường như gần lại với nhau hơn.
Em mạn phép bỏ qua 2 thành phố Nam Ninh và Côn Minh để đến Đại Lý luôn. 8h sáng, tàu đến ga Côn Minh. Đây là ga tập trung của cả tỉnh Vân Nam (tỉnh vân nam, trung quốc có diện tích lớn hơn cả nước Việt nam) nên nhà ga được xây rất to đẹp và hoành tráng. Kiến trúc và nội thất hiện đại, rất tiện nghi. Lúc này, thời tiết bên ngoài khá lạnh, khoảng 16độC. Ngày đầu tiên, tôi vẫn chỉ mặc một chiếc áo phông cộc tay. Đến lúc này phải nhồi thêm vào một chiếc sơ mi và áo len bên ngoài. Ngay bên cửa ra Ga tàu là bến xe. Xung quanh bến xe có rất nhiều bến xe, khoảng gần 10 cái. Vì thế nên ở đây xung quanh nhà Ga lúc nào cũng đông nghịt người đủ thể loại: dân chúng buôn bán, hành khách, khách du lịch... và đặc biệt, đối với họ, chúng tôi không là sự khác biệt nào vì khi nói chuyện, họ tưởng tôi là người dân tộc trên vùng cao xuống. Chúng tôi mua được vé xe chạy thẳng đến Đại Lý lúc 9h. Xe chạy 4 tiếng, 13h đến nơi. Thời gian xe và tàu TQ chạy thường rất chính xác, chỉ sai lệch nhau vài phút đồng hồ. Chúng tôi tranh thủ đi ăn sáng. Khôn lỏi, tôi tự kiếm cho mình một suất cơm với các món xào, trong khi các anh chị ăn bún (tự gọi món đó là bún). Lúc đầu đi tìm hàng ăn, tôi cũng chẳng biết là mình sẽ ăn cơm. Tìm một thôi một hồi, gọi đại một đĩa các món xào, cuối cùng ngừoi ta cũng mang cho mình một bát cơm. Tôi thở phù nhẹ nhõm, muốn nói từ cơm bằng tiếng Trung nhưng chẳng biết diễn tả thế nào. Sau đó, tôi còn ăn thêm một bát đậu hũ. Quá no (chứ không ngon) cho một ngày tiếp theo. Xe chạy đúng giờ. Đường từ Côn Minh đến Đại Lý dài 360km, xe chạy 4 tiếng. Con đường cực kỳ đẹp, xe chỉ có chạy, và chạy với tốc độ trên 100km/h. Là đường núi, Đại Lý cao 2000m so với mực nước biển, nhưng xe không phải trèo đổi mà chui qua hầm. Tôi thấy có gần chục con hầm như thế, ngắn thì vài trăm mét, dài thì gần chục km. Lái xe hoàn toàn yên tâm về chất lượng con đường. Dọc đường đi, chúng tôi bắt đầu thấy sự xuất hiện của những ngôi nhà, ngôi làng cổ. ở những cánh đồng, mùa này nông dân TQ thường trồng cây cải, mà trên đường màu vàng của những cánh đồng như thế là điểm nhấn và làm tôi phấn khởi hơn trong hành trình sắp tới. Trên đường đi, tôi bắt chuyện và quen được 2 bạn gái Trung quốc đi cùng xe. Khi xe đến Đại Lý, tôi mới biết các bạn ý cũng đi đến Tam tháp và thành cổ. Thế là cả hội đi cùng nhau, chờ xe buýt ở bến cạnh bến xe. Đại Lý xuất hiện trước mắt chúng tôi như một thành phố nhỏ và hiện đại. Xe chạy qua một quảng trường lớn, từ đó chúng tôi quan sát đuợc những ngôi nhà thấp mọc lên san sát nhau phía chân núi. Cảnh tượng thật đặc biệt. Tiếc là chúng tôi không chụp được tấm ảnh nào về nó. Con đường đầu tiên chúng tôi đi với hai hàng cây trơ trụi và khẳng khiu liên tiếp, nếu vào mùa hè, con đường này khá đẹp, trông giống như những bức tranh hàng cây mà ở Hà Nội thường bán. Đại Lý nằm bên mép của hồ Nhĩ Hải, bao bọc bởi những dãy núi băng tuyết vĩnh cửu. Như một thung lũng, chỉ khác chỗ giữa thung lũng không phải là đất liền mà là hồ nước - hồ Nhĩ hải, 1 trong 9 hồ lớn nhất Trung Quốc. Trong suốt thời gian ở Đại Lý, tôi chỉ tiếc là thời gian eo hẹp quá nên chúng tôi không đi xuống mép hồ Nhĩ Hải. Nhìn từ xa, nước hồ xanh biếc như nước biển. Hồ trên núi. Soi bóng trên nước hồ là cả bầu trời xanh, cao và trong vời vợi, kế đó là những dãy núi băng tuyết cao lừng lững, tuyết bạc đầu trắng xoá. Nơi đây khi xưa là chốn thành đô của vương quốc họ Đoàn trong Thiên Long Bát Bộ. Và khi đến đây chúng tôi có thể hiểu tại sao, dòng dõi họ Đoàn lại cho xây dựng kinh thành tại đây, có thể thấy đây là một nơi có địa lợi rất tốt, khí hậu ôn đới, nguồn nước quanh năm và trong chiến tranh thì việc phòng thủ rất kiên cố và hầu như không xâm phạm được. Chúng tôi chỉ có 3 tiếng dành cho Đại Lý vì lúc 16h phải lên xe đi Lệ Giang. Lẽ ra, cả đoàn nên gửi lại hành lý tại bến xe rồi đi đến Tam tháp và thành cổ, mà thế nào lớ ngớ hay bất ngờ trước sự hào nhoáng từ khi bước vào Đại Lý mà chúng tôi quên mất. Chẳng thấy ai nhắc đến chuyện gửi đồ này cả, thế là gần 15 con người tay xách nách mang hành lý, lẽo thẽo đứng đông nghịt cả bến chờ bus, rồi lại đi bộ gần nửa cây số đến một bến chờ khác để tìm đúng xe đến Tam tháp. Nhưng bất đồng ngôn ngữ và không có sự chỉ dẫn của các nhóm đi trước (đây là nhóm đi Vân Nam đầu tiên đến và thăm Đại Lý) nên chúng tôi mất khá nhiều thời gian cho việc tìm xe. Cuối cùng, tìm được xe bus, chiếc xe khoảng 24 chỗ, lúc nào cũng đông nghịt người nên cả đoàn quyết định thuê 3 chiếc taxi với giá 30tệ/xe. Quãng đường từ bến xe đến Tam tháp khoảng 5 km, nhưng tôi thấy đi khá lâu mới đến. Khu du lịch ở Đại Lý vẫn chưa phát triển và một số điểm đang xây dựng nên những hình ảnh những ngôi nhà được xây dở dang theo phong cách cổ luôn có bên đường đi. Chúng tôi đã đến Tam tháp, từ ngoài đường nhìn vào, tam tháp xuất hiện xa xôi sau những bức tường cổng ngăn cách và những hàng cây trụi lá lia xia. Thời gian không cho phép, chúng tôi lại vội vàng thuê mấy chiếc xe lam giống như ở Bằng Tường để đến thành cổ cách đó gần cây số. Thành cổ Đại Lý đón chúng tôi trong cái nắng gay gắt của buổi trưa. Hàng đoàn người, ngựa, xe chen chúc trong khu phố cổ. Mọi người đều bấm máy lia lịa & cố gắng đi xa hơn có thể, song mớ hành lý nặng ỳ kìm chân khá nhiều. Hầu như tôi chỉ chĩa ống kính lên trời & ghi lại dăm ba góc mái nhà đặc thù của nơi đây. Đại Lý rất khác với những miền đất tiếp theo chúng tôi qua, chúng cũng mang 1 vẻ đẹp riêng & không hẳn là xấu so với Lệ Giang, như bạn bè đã nói. Chúng tôi chia tay Đại Lý & đâu đó trong mắt mọi người vẫn đọng lại chút tiếc nuối cho cuộc chia ly vội vã này.
Rất cảm ơn bác gianker đã kể lại một hành trình du lịch Vân Nam rất hay và hấp dẫn. Nếu có thể bác post lên một số tấm ảnh đặc trưng để minh họa thì càng tuyệt vời hơn. Thân.
đẹp quá bác Gianker ơi! em nghĩ là chắc bác đã có 1 cảm giác rất khó tả khi đến 1 nơi tuy xa lạ nhưng rất gần với mình do đã đoc truyện Kim Dung. Em đã có cảm giác rất khó tả khi đi bộ trên con đường Royal Mile của Edingburg, Scotland. Khi đó em toàn tưởng tuợng cảnh Mel Gibson đang chiến đấu trong phim Brave Heat. Không biết bác Gianker có nghĩ đến Tiểu Long Nữ không ? Mong được xem thêm nhiều hình của bác!
Ngọc Long Tuyết Sơn - núi băng tuyết vĩnh cửu như là một biểu tượng gắn bó với thành cổ Lệ Giang này. Ngồi taxi 30km từ thành cổ đến chân núi và thực hiện hành trình leo đến gần đỉnh núi bằng cưỡi ngựa (có 2 cách lên núi là bằng cưỡi ngựa và ngồi cáp treo). Nếu gặp may thì trên đường đi sẽ gặp mưa tuyết, nhưng với người xứ nhiệt đới như Việt Nam mình thì việc sờ, chơi đùa với tuyết là thoả mãn lắm rồi.
Đi đến Đường Chân trời đã mất Sau 4 ngày đầu tiên ngập tràn trong những cảm xúc mới, hứng thú mới của những vùng đất lần đầu tiên đặt chân đến, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình từ Lệ Giang ngược lên Shangrila - Đường chân trời đã mất. Chiều hôm trước chúng tôi đã đi vòng vòng mấy lần quanh Lệ Giang để tìm xe lên thị trấn Quiatou, nơi có thắng cảnh Tiger Leaping Gorge nổi tiếng. Mất 3 vòng đến các bến xe, hỏi thì hết vé, chỉ có xe lên thẳng Shangrila. Nếu đi thẳng lên đây thì chúng tôi sẽ phải bỏ qua Tiger Gorge, mà tất nhiên chẳng ai muốn thế. Việc thuê 1 xe taxi với giá 600/ngày đi lên Tiger và Shangrila được quyết định nhanh chóng. 8h30 ngày thứ 5, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Trên đường đi, vừa qua khỏi Lệ Giang, chúng tôi đi trên một con đường dài khoảng 7km, hai bên đường đầy ắp tán cây, cảnh vật cực kỳ đẹp. Đây là con đường táo vàng, 2 bên đường là các rừng táo (táo tầu). Vào mùa hè thì con đường này thực sự đẹp, nhưng mùa đông mang đến vẻ trơ trụi riêng của nó. Cách Lệ Giang khoảng 20km, bác tài taxi đưa chúng tôi đến một điểm dừng chân bên đường. Lúc này bọn tôi đã đi lên đến giữa đỉnh núi, xa xa những đỉnh núi tuýêt vẫn lừng lững nhô trên bầu trời. Cảnh tượng lúc này thật hùng vĩ. Thời tiết thay đổi nhanh chóng, và bắt đầu tôi cảm thấy cái cóng như việc sờ tay vào tuyết. Tiger Leaping Gorge cách Lệ Giang 90 km, nhưng đi toàn đường đồi núi nên tôi thấy khá mệt. Nhưng bù lại, cảnh vật nơi đây cực kỳ hùng vĩ. Xe chạy qua một cây cầu để đến Tiger, dòng sông nước xanh biếc lững lờ trôi mặc kệ những chiếc xe đang bò đi lại trên những sườn núi. Nước sông mùa này đẹp thật. Một màu xanh biếc hiền hoà lẳng lặng giữa những đồi trọc, núi đá cao ngất. Thi thoảng trên đường đi chúng tôi bắt gặp những làng dân trồng hoa cải lưng đồi. Có 2 con đường đi đến Tiger. Một là vào khu du lịch Tiger Leaping Gorge và Tiger Leaping Resort. Giá vào cửa cùng 50tệ. Đây là 2 con đường núi bên sông dẫn đến cùng một điểm chung là nơi con sông chuyển mình, đang hiền hoà bỗng ồn ào, hừng hực như phá tan tất cả. Không khí tại đây thật thiêng liêng, và làm chúng tôi cảm thấy cực kỳ nhỏ bé trước nơi này. Đi men theo con đường núi, hai bên núi cao chiếm hết tầm mắt, nhiều lúc còn làm chúng tôi không nhìn thấy bầu trời. Thỉnh thoảng lại bắt gặp biển cảnh báo :"Cẩn thận đá rơi". Choáng! Chẳng may đi mà đá lở thì toi. Bên dưới đường mòn là con sông lững lờ trôi, nhưng trong chúng tôi chẳng ai dám nhìn xuống mép. Con sông cứ hiền hoà, đẹp đẽ như thế là bao, thì đến điểm cuối, một tảng đá chẳng biết bị rơi xuống từ bao giờ làm nó giận dữ như thế. Bọt tung trắng xoá, nước chảy cuồn cuộn, hai bên bờ đột nhiên thắt lại, ở nhiều đoạn nhỏ đến mức mà người ta cho rằng một con hổ cũng có thể nhảy qua được, và chính vì thế nơi đây được gọi là Khe hổ nhảy. Sau 2 tiếng tham quan ở Tiger, lại phải đi bộ gần 3km về điểm khởi đầu. Quá mỏi, tôi đã quyết định ngồi xe kéo, giống như xe người kéo như ở Hà Nội thời thuộc Pháp. Cảm giác ngồi trên xe mới khiếp, đến khúc quanh đột ngột, phía trước là con sông thấp hơn đường mấy chục mét, đá nước cuồn cuộn mà chiếc xe chỉ do sức người điều khiển. Xoẹt cái, chiếc xe nâng lên hạ xuống thế nào mà đi tiếp. Người phu xe một tay giữ chiếc cần kéo, tay kia chỉnh, thỉnh thoảng lại nhảy lên đè xuống chiếc cần để giữ thăng bằng cho chiếc xe. Sức khoẻ của họ thật phi thường, vì chúng tôi 2 người ngồi một xe mới nặng chứ.. Sau 2 tiếng ở Tiger, chúng tôi lại tiếp ngồi xe lên Shangrila, vì cũng quá mệt với gần 3 km đi bộ, tôi ngủ thiếp đi lúc nào. Chỉ tiếc là lúc ngủ, tôi không được chứng kiến cảnh con đường đi hai bên ngập tuyết. Lúc tỉnh dậy thì đã đến Shangrila, và lại tiếp tục bụi bặm dọc đường khi đến vùng đất được mệnh danh là Đường chân trời đã mất này.
Sau khi chia tay Khe hổ nhảy cực kỳ hùng vĩ, chúng tôi tiếp tục hành trình lên Shangrila - địa điểm được xem là như nơi mà đường chân trời đã mất. Khoảng hơn 13h, nhóm 4 người chúng tôi trở ra từ Tiger Leaping Gorge và lên xe đi Shangrila, điểm cuối của hành trình. Phải công nhận, đường xá và hệ thống giao thông ở Trung Quốc tốt thật. Xe chạy, cứ chạy, và những lo lắng về việc ngồi xe nhìêu giờ liền chẳng còn là gì trong đầu tôi. Vấn đề chỉ là kiếm chút gì ăn cho no trước khi lên xe mà thôi. Ở Đại Lý, và Lệ giang, việc tìm ăn rất dễ dàng nhưng tại Khe hổ nhảy, tôi mới thấy giá trị của đặc sản Việt Nam - thuốc lá Vinataba, những điếu thuốc cuối cùng còn lại sau khi nằm lay lắt ở một xó xỉnh nào đó trong ba lô. Bữa trưa cực kỳ nhanh gọn với mấy xiên thịt nướng, khoai tây dành cho mỗi người. Riêng tôi chơi hẳn một cái cánh gà nướng, có vẻ không nhiều mật ong như ở mấy phố nhà mình, nhưng vị chân chất của nó tại nơi hẻo lánh này làm người ăn cảm thấy cực kỳ hứng thú. Lên xe, sau khi buôn chuyện một chút và bày trò cười, tôi lăn ra ngủ lúc nào không biết. Chỉ biết gần đến Shangrila thì thức dậy. Quang cảnh bên đường lúc này thay đổi hẳn, với những nét kíên trúc khác biệt. Không còn là những ngôi làng đầm ấm quây quần sau bên những vườn hoa cải, mà thay vào đó là từng ngôi nhà lớn riêng rẽ độc lập nằm trơ vơ trên thảo nguyên trơ trụi hiu hắt. Thảo nguyên , hay như tôi nghĩ là những thung lũng được bao bọc bởi những dãy núi tuyết vĩnh cửu, mùa này không có vẻ đẹp của những đồng cỏ xanh mượt đến chân trời, nhưng bù lại cảnh tượng trơ trụi của nó làm tôi liên tưởng đến sức tồn tại mạnh mẽ của những con người sống nơi đây. Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp những đàn lợn chạy qua đường, hoặc những con bò yak thẩn thở đứng gặm cỏ khô. Và máy ảnh đang nằm im bên người bỗng phải đột ngột làm việc. Chiếc xe cứ lầm lũi đi trên đường như mọi khi, thỉnh thoảng lại chẹt qua những vụn tuyết bên đường. Tôi Chỉc tiếc mội điều là khi ngủ đã bỏ qua một cảnh tượng đẹp lạ lùng, đó là khi chiếc xe đi trên con đường hai bên ngập tuyết. Và những dòng chữ Tạng và Shangrila xuất hiện xa xa bên sườn núi, báo hiệu chúng tôi sắp đến đích. Khi ôtô chạy vào thị trấn, những ấn tượng tại thị trấn này cũng chẳng có gì, ngoại trừ những dãy nhà mới xây hiện đại mang phảng phất vài nét kiến trúc Tạng. Sau khi đặt vé xe sleeper về Côn Minh, chúng tôi tiếp tục đến cổ trấn Shangrila. Sau khi đã thoả thích ở Lệ Giang, nên vẻ đẹp của khu cổ trấn du lịch Shangrila không làm chúng tôi choáng ngợp, thậm chí còn thấy tầm thường so với Lệ Giang. Nhưng đó chỉ là những ấn tượng cá nhân ban đầu. Nếu không ở lại đây thêm 1 ngày, tôi sẽ không bao giờ thấy được nét đẹp nguyên sơ và những phút tĩnh tại trong cảm giác khi ở đây, thứ quý gía nhất mà ở Lệ Giang tôi không cảm nhận được. Sau khi thuê hai phòng khách sạn với giá rẻ không ngờ, 50tệ/phòng với nội thất hoàn toàn gỗ và nhà cổ cực kỳ đẹp và ấm cúng. Chúng tôi là nhóm đầu tiên (cũng không biết nữa) ở lại đây vì các đoàn đi trước đều ở ngoài thị trấn hoặc những nhà khách nằm heo hút trên đường lên tu viện. Nhiệt độ tại nơi này ngày càng giảm, không khí lạnh lẽo và khô. Mấy đứa bọn tôi quẳng đồ ở khách sạn và lại tiếp tục khám phá nơi đây. Đi vòng vèo một mạch sâu trong làng, dường như chúng tôi bị lạc. Tôi đã đi vòng sang khu đằng sau của cổ trấn, mà đây là sự phát hiện lớn nhất của chúng tôi. Lúc này đang là ngày Tết, Shangrial vắng đến lạ lùng, chẳng khác gì sáng mùng 1 Tết của những năm về trước ở Hà Nội. Tôi đi lạc vào khu nhà ở đậm đặc nhất chất Shangrila. Những bức tường nhà trát bằng đất, cơ man những hòn đá trên mái nhà để chặn những lớp ngói làm bằng lớp đất cắt, mà từ đó những bụi cây nhỏ vươn lên làm cảnh vật yên bình biết bao, những kho chứa gỗ hay củi chất đống cho mùa đông, vương vấn từng đám tuyết lang thang. Hoá ra, việc đi lạc này đúng là sự phát hiện lớn nhất và là điểm đẹp nhất tại đây. Đi một vòng quanh những khu nhà này (khác xa với khu du lịch đẹp đẽ và lịch sự bên ngoài), tôi trở về điểm vào cổ trấn để tìm hàng internet cho một thành viên trong đoàn. Nhưng tìm không được, một ý định nhen nhóm là tại sao không đi thẳng lên tu viện Shongzalin để mai đỡ phải tìm đường. Thời gian vẫn còn sớm, lúc này mới là 17h. Trời vẫn sáng như mọi khi ở Vân Nam và bầu trời vẫn cao xanh, trong vắt, không một gợn mây. Chiếc xe bus số 3 đi thẳng lên tu viện và quành lại với giá 1tệ/người. Ngồi trên xe, tôi lại có dịp chứng kiến những đức tính chân chất và đáng quý của những con người sống nơi đây. Hai cậu bé lên xe buýt là tự động trả tiền mặc dù chỉ đi xe khoảng trăm mét. Ai cũng thế, đều rất tự giác trả tiền xe buýt mặc dù đây là giá cả vận chuyển rẻ nhất. Xe chạy một lúc qua quãng đường bằng, nhảy nhót trên một quãng đường đang làm dở dang, tôi chợt phát hiện ngôi nhà khách mà một đoàn đi trước nghỉ và thấy hạnh phúc cho mình với việc ở trong cổ trấn thay vì ở nơi heo hút này. Buồn cười bởi khi đến Shangrila, khách sạn mà tôi đi tìm nhưng không đựoc cũng chính là nhà khách này. Chiếc xe buýt cứ bon bon, nhảy nhót trên đường mặc kệ những ngôi nhà cao, lớn và đôi chút hoang tàn ở những thảo nguyên bên đường. Và xa xa trên ngọn đồi, tu viện Shongzalin đã dần dần xuất hiện. Nắng chiều ở đây đẹp lạ lùng, ngọt ngào và vàng óng. Chụp ảnh từ bên dưới tu viện thoải mái đến khi chiếc xe buýt cuối cùng đã chạy, một chiếc taxi cuối cùng còn lại tại đây làm chúng tôi phải bỏ ra 20tệ, so với 4 tệ xe buýt. Trở về cổ trấn, tại quảng trường trung tâm, mọi người bắt đầu tụ họp nhau lại và nhảy những điệu nhảy truyền thống của dân tộc mình. Không khí lúc này rất hứng khởi. Mấy người trong nhóm nhanh chóng tham gia vào những điệu nhảy quay vòng. Ai cũng vui vẻ, hứng khởi và niềm vui đó nhanh chóng làm tan đi cái giá lạnh và mệt mỏi của những ngày vừa qua. Tôi nhanh chóng nhảy được một vòng, trong khi mấy bạn khác nhảy tới tận gần chục vòng... Khua chân múa tay loạn cả lên, bước chân không theo nhịp, tôi cuối cùng nhảy hết một vòng. Kiếm được một chỗ ngồi đẹp trên tầng 2 của một ngôi nhà ở quảng trường, tôi lặng người và suy nghĩ về những gì đã trải qua, và nghe những giai điệu phát ra từ chiếc loa gần cạnh, tôi thấy rất khoan thai nhẹ nhàng. Sự tĩnh tại về Phật giáo, những suy nghĩ về cuộc sống và những đức tin hướng thiện làm tôi lặng đi trong một lúc lâu. Ngồi như bất động, mắt chỉ nhìn những vòng xoay được xem như là vòng quay tuần hoàn các kiếp sống của con người. Tôi tự nhiên thấy quí giá những giây phút ở đây biết bao, và đó thực sự mang lại những ấn tượng tốt đẹp nhất cả về cảnh tượng và cảm nhận hơn bất kỳ những vùng đất tôi đã đi qua.
Vâng. Đó chính là những gì mà cả nhóm muốn. Nếu muốn sôi động và vui vẻ hơn thì đi Sing, Thái, Quảng Châu, Thượng Hải... là có ngay, nhưng được cái là toàn nhà với cửa, xe với cộ. Chấm hết.
Cảm ơn bác đã cho anh em một bài phóng sự tuyệt vời. Có điều, khi xem những tấm hình về dòng suối trong phố ở Lệ Giang, em thấy chạnh lòng với con mương Hào Nam, dòng sông Tô Lịch quê em quá.
Hi Gianker, Xem các topic Lệ Giang của bác bên ttvnol hoành tráng quá Khi nào tổ chức Lệ Giang 6 nhớ báo nhé. Thân
Tại em post lên đây muộn quá, không thì đợt 30/4 vừa rồi bác có cơ hội đi rồi. Sắp tới khoảng cuối tháng 11 em định đi Tứ Xuyên, 9 ngày qua 5 di sản thế giới. Em có topic ở ttvn. Bác thích thì ngó qua nhé. Đợt đi Lệ Giang vừa rồi, có anh đi cùng chụp ảnh đẹp lắm. Không ko dám post của anh ý lên đây. ANh xem tạm bên ttvn nhé, nhất là phần ở Dequin và Sông Băng ý.