Em chưa xem phim này cho đến tối hôm qua khi Starmovies chiếu.Em cũng chẳng để ý đoạn đầu tiên lắm cho tới khi trong phim có tiếng John Lennon cất lên.Chắc tại cái thuở thiếu thời,lần đầu tiên biết tới Rock’n Roll là biết tới Beatle,thèm khát và thiếu thốn tới độ nhặt được cái hình Beatle trên báo đen trắng bé tí mờ mịt còn phải nhờ bác thợ ảnh chụp lại và phóng to lên cỡ gần 2 bàn tay rồi sung sướng đem về treo,nên thấy phim có tên John là lập tức lại dán mắt vào xem ngay. Nowhere boy cũng mới làm năm 2009,có cậu Aaron Johnson đóng trong Kick-ass vào vai John Lennon.Em cảm nghĩ hơi cá nhân,nhưng có lẽ những ai đã thích Beatle hoặc đặc biệt là John “hậu Beatle”,thì chắc sau khi xem phim sẽ cảm thấy thấu hiểu anh và âm nhạc của anh hơn nữa (gọi anh cho nó trẻ các bác ợ ).Phim kể về giai đoạn tiền Beatle,thậm chí còn không nói tới sự xuất hiện của Ringo Starr ở trong đó,tới trước khi nhóm nhạc bắt đầu sang Humburg.Nhưng có lẽ, đây không phải là 1 bộ phim có chủ ý giới thiệu về âm nhạc của Beatle,bởi góc nhìn này chỉ là góc nhìn rất phụ trong phim. Kịch bản phim khai thác chủ yếu là về tâm lý của cậu bé chớm thanh niên John Lennon,trong những mối quan hệ đổ vỡ và mất mát của anh với cha mẹ,của những người thân xung quanh anh với nhau,và những bất đồng thế hệ đã được cụ thể hoá bằng sự giáo dục khô cứng lạnh lẽo giữa bà bác Mimi (người nuôi nấng John từ bé) với anh. Tất cả những mối quan hệ đó,trong cái nhìn của một tâm hồn rất nhạy cảm của John,giúp cho người xem như được trải nghiệm qua những nỗi đau đớn và dằn vặt của nhân vật chính, để rồi thấy thấm thía hơn nữa sự khao khát yêu thương,và từ đó cảm nhận hơn nữa những gì đã cấu thành nên âm nhạc của John. Cụ thể hơn, đó như sự pha trộn những giận dữ với khát khao,nhưng trong cái nhìn hướng tới sự phục thiện của 1 con người vừa mạnh mẽ nhưng cũng rất dễ rung động-điển hình cho 1 cá tính bộc phát. Những nhân vật còn lại trong phim cũng được khắc hoạ khá rõ nét và được khai thác tinh tế,cho dù xuất hiện như những vai phụ là Paul và George,nhưng ở riêng 2 nhân vật Julia (mẹ John) và Mimi (bác John) thì được khai thác rất sâu sắc Có thể nói, đây là 2 tuyến nhân vật đầy xung đột ở mọi khía cạnh.Nếu như Julia được xây dựng như 1 nhân vật đầy phóng khoáng trong cảm xúc,chỉ biết sống cho những cảm xúc nhất thời của mình mà không cần biết tới hậu quả,nhưng đặc biệt cũng vô cùng nhạy cảm (John có lẽ cũng chịu di truyền này từ mẹ),thì Mimi lại là 1 mẫu người hoàn toàn ngược lại,rất lạnh lùng tiết chế cảm xúc và mang nặng tư tưởng giáo điêù cứng nhắc. 2 cá tính này được xây dựng rất kỹ càng với những tình tiết cụ thể trong phim,mà e không muốn bị mang tiếng spoiler ở đây, để các bác xem thì sẽ rõ.Em chỉ muốn nói rằng,bằng cách xây dựng kỹ 2 nhân vật này, đạo diễn Sam-Taylor Wood sẽ giúp người xem hiểu được những logic tâm lý của John hơn mà thôi. Phim dẫn dắt người xem rất từ từ,đến cao trào đỉnh điểm của sự chịu đựng tâm lý của John,thông qua 1 tiểu đoạn đối thoại đầy đổ vỡ khoảng 10 phút giữa 3 nhân vật chính này.Nhưng kết thúc phim,cho dù có thể là theo góc nhìn của riêng kịch bản hoặc đạo diễn,thì là một kết thúc rất nhân văn,mà có lẽ khi đã cảm nhận được âm nhạc của anh,người xem có thể rất hài lòng với kết cục ấy.Ngẫm nghĩ lan man hơn,có thể thấy rằng,nếu John không mất mát trong tâm hồn đến thế,hay nếu John không có 1 bà mẹ vô tâm đến thế,thì chưa chắc thế giới đã có được 1 cá tính âm nhạc sâu lắng đến vậy,và cũng như 1 lời nhắc nhở với mỗi con người chúng ta,hãy biết tha thứ để luôn sống yêu thương. Tất cả như những giấc mơ mong manh luôn hiển hiện trong âm nhạc của John Lennon,cũng có thể bởi giấc mơ đó chưa bao giờ là hiện thực với chính anh trong cuộc đời. Phim này của Anh ,giành được khá nhiều giải trong những LHP độc lập của châu Âu,và chủ yếu cho vai Julia của diễn viên Anne-Marie Duff mà em thấy rất xứng đáng .Vai bác Mimi do Kristin Scott Thomas đóng cũng rất đạt,nhưng có lẽ là 1 cá tính tương đối điển hình và dễ đóng hơn. Còn riêng Aaron Johnson đóng John Lennon,em lại thấy chưa thích lắm. Có thể do thiếu vẻ ương ngạnh trong ngoại hình của John chăng?(mặc dù John rất nhạy cảm ,thậm chí đôi lúc là yếu đuối,nhưng em nghĩ là 1 cá tính phức hợp thì đúng hơn) hoặc do chủ ý của đạo diễn là vậy. PS.Phim này các bác nhà đài nhà mình dịch là Cậu bé chẳng đến đâu,em đọc phát phì cười. Với cả bài Mother hát cuối phim,chất bị "mastered" qúa. Em thích chọn bản Live hơn,rất nhiều bản hay.
Nếu không có đĩa,bác lên Thepiratebay.org thế nào cũng có torrent để down đấy bác ạ. Kiếm bản Dvdrip mấy trăm "mê" là xem được rồi,thời gian down cũng nhanh.
He he Cũng giống chủ topic, đang xem trên Star Movies. Lúc đầu không để ý, một lát sau chợt thấy tên "nowhere boy", mới nhận ra về John lennon, vừa xem vừa vào mạng sớt thông tin lại thấy topic này. Ắp lên cái cho vui
Theo em, bác Mimi đâu có giáo điều cứng nhắc, thực tình bác rất đôn hậu và yêu thương John, chính vì vậy mà sau khi tới Anh hàng tuần John đều viết thư cho bác Mimi
Vâng,e nghĩ giáo điều cứng nhắc ở đây không được hiểu là sự lãnh cảm,hoặc không có nghĩa là không biết yêu thương. Sự giáo điều cứng nhắc ở đây được thể hiện ở những ngăn cấm,khắt khe hay thành kiến với những quan niệm sống mới. Chính vì vậy,dù rất yêu thương Mimi nhưng John luôn cảm thấy 1 sự ức chế nhất định nào đó. Những rào cản giữa John và Mimi dường như rất vô ngôn,e rất ấn tượng với chi tiết khi chồng bác Mimi chết,John k kiềm chế nổi cảm xúc của mình và ôm lấy bác Mimi như tìm 1 sự đồng cảm. Nhưng a đã cảm thấy hơi thất vọng lúc đó vì sự tiết chế quá lí trí của bác minh. Thật ra,tất cả những nút thắt trong tâm lý của John với mẹ,với Mimi hay ngược lại,đều đã được cởi trói sau khi a đã trải qua đỉnh điểm của đau khổ,và cất lời " cháu sẽ k giận mẹ cháu nữa. Tại sao lại phải ghét bỏ người mà mình rất đỗi yêu thương chứ."