Quốc họa Trung Hoa

Discussion in 'Hội họa' started by Loving, 3/10/07.

  1. Loving

    Loving Advanced Member

    Joined:
    4/12/05
    Messages:
    1.913
    Likes Received:
    24
    Location:
    Cực Chuối Lạc Bang Giáo
    Sở dĩ gọi là quốc hoạ vì đây chính là dòng hội hoạ chính thống, sản phẩm đặc trưng được sinh ra từ bản địa Trung Hoa, mang bản sắc đặc thù riêng. Không chỉ vậy, quốc hoạ Trung Hoa còn có sức ảnh hưởng lớn lao đến nền hội hoạ nhân loại, đặc biệt là các nước ở khu vực Đông á, mà tiêu biểu nhất phải kể đến Nhật Bản và Cao Ly (tức Nam – Bắc Triều Tiên ngày nay).

    Là một quốc gia có nền văn hoá lâu đời, thật khó mà xác định hội hoạ Trung Quốc bắt đầu từ bao giờ. Theo những tài liệu cổ xưa nhất, có lẽ người Trung Hoa đã biết vẽ từ khoảng 3.000 năm trước Công nguyên, dưới thời Hoàng Đế. Còn truyền thuyết ghi lại rằng, Phục Hy nhận được các vạch quẻ (nền tảng của Kinh Dịch) trên sông Ung, Hoàng Đế nhận được hình vẽ trên sông Lạc, sông Văn, Chuyên Húc dựa vào mai rùa và vết chân chim để sáng tạo ra chữ tượng hình - đó chính là khởi thuỷ của thư hoạ Trung Hoa.
    Căn cứ theo những thứ mà các nhà khảo cổ đã khai quật được ở nhiều di chỉ khác nhau trên đất Trung Quốc, đặc biệt dựa vào bức tranh lụa cổ nhất thế giới (nay còn lưu giữ ở Bảo tàng Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam) vẽ một thiếu nữ xinh đẹp với bút pháp điêu luyện, được xác định vào thời Chiến quốc (thế kỷ 3 trước Công nguyên), người ta cho rằng quốc hoạ Trung Hoa ra đời vào khoảng 2.500 năm trước hoặc có thể còn sớm hơn.

    Trải qua các đời Tần, Hán, hội hoạ ở Trung Quốc cũng có những bước tiến dài nhưng phải tới giai đoạn Nam – Bắc triều (265 – 581) mới xuất hiện nhưng nhân vật kiệt xuất như Cố Khải Chi, Trương Tăng Dao, Lục Thám Vi, Tạ Hách… đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của quốc hoạ trong hơn 1.000 năm sau đó. Bên cạnh tranh tôn giáo, đạo học và chân dung, tranh sơn thuỷ – từ chỗ chỉ làm bối cảnh cho hình người thêm rõ nét, nay bắt đầu đứng riêng thành một chủ đề. Không chỉ có vậy, Tạ Hách, trong cuốn Cổ hoạ phẩm lục cũng đặt ra lục pháp – tức sáu phép tắc cơ bản của hội hoạ Trung Hoa, cho tới nay vẫn còn được coi là những tiêu chí hàng đầu trong việc phê bình mỹ thuật ở Trung Quốc.

    Sang đến đời Đường (618 – 906) – giai đoạn rực rỡ nhất trong nền văn minh Trung Hoa, hội hoạ cũng theo đó mà khởi sắc hẳn lên. Ngô Đạo Tử – người đời sau gọi ông là Hoạ thánh – với tài năng thiên phú không được coi là cạn kiệt xứng đáng là hoạ sĩ đệ nhất ở thời kỳ này. Tranh của ông phong phú và mạnh mẽ, dường như mọi thứ đều muốn nhảy cả ra khỏi mặt lụa. Đề tài vẽ của Ngô Đạo Tử cũng rất đa dạng, từ con người tới thần tiên, ma quỷ. Chính nghệ thuật vẽ phong cảnh trong tranh sơn thuỷ được ông cải biến trước tiên, sau đó nhờ hai cha con Lý Tư Huấn hoàn tất – hình thành nên lối vẽ viễn cảnh nhiều màu sắc và chi tiết. Bên cạnh đó, Vương Duy cũng khởi xướng ra một lối hoạ pháp mới có tên thuỷ mặc sơn thuỷ (tranh sơn thuỷ chỉ vẽ bằng mực đen, không dùng màu khác), rồi Triền Tử Kiến với hoạ pháp thanh lục sơn thuỷ (tranh sơn thuỷ vẽ mực đen, điểm màu xanh lục). Kể từ đời Đường, hội hoạ Trung Hoa chính thức chia làm hai phái: Nam và Bắc. Lý Tư Huấn được coi là tổ Bắc tông, Vương Duy là tổ Nam tông. Ngoài ra, yếu tố chuyên đề cũng được nhấn mạnh hơn. Nhiều hoạ sĩ chỉ chuyên vẽ một thứ: Hàn Cán, Vệ Ưởng vẽ ngựa, Đới Tung vẽ trâu, Ân Trọng Dung, Viên Loan vẽ hoa điểu, Diêm Lập Bản vẽ chân dung… Tranh của họ đều được xếp vào hàng cực phẩm.

    Đời Tống (cả Nam và Bắc Tống, 960 – 1276), tranh sơn thuỷ gần như chiếm vị trí độc tôn trong làng hội hoạ với những đại diện tiêu biểu như Đổng Nguyên, Lý Thành, Phạm Khoan… Cũng không thể không nhắc đến Tô Đông Pha (tên thật là Tô Thức) với trường phái Văn nhân hoạ, tức lối vẽ hiển ý, tương đương với trường phái biểu hiện (expressionist) ở phương Tây. Thư pháp của Tô Đông Pha được xếp vào vị trí số 1 ở hai triều Nam – Bắc Tống (Tô - Hoàng – Mễ – Sái), tranh của ông (chủ yếu là tre trúc) cũng là đệ nhất. Khi vẽ, Tô Đông Pha thường phóng bút rất nhanh như viết chữ thảo, bút đi xoắn xuýt theo nhịp điệu, thể hiện được cái thần của người hoạ sĩ. Tô Đông Pha cũng là người đầu tiên khởi xướng là chuyện đề lạc khoản (tức một câu ngắn ghi tên của người vẽ hoặc vẽ ở đâu, hoặc một câu thơ…) hay dùng cả bài thơ như một phần của bức tranh. Xem tranh của Tô Đông Pha, người ta thấy rõ ràng hơn khái niệm thư – hoạ đồng nguyên (chữ viết và tranh vẽ có cùng một nguồn gốc). Cũng không thể không nhắc đến Mễ Phất (nhiều tài liệu dịch là Mễ Phi hoặc Mễ Phế) – người tự lập ra một dòng tranh sơn thuỷ riêng với lối điểm bút phá mặc, sử dụng mực nhoè để mô tả sắc độ sáng tối. Dòng tranh của Mễ Phất sau này được gọi là Mễ gia sơn hoạ phái, các nhà nghiên cứu hiện đại đã phải dùng đến cụm từ chủ nghĩa sắc thái để mô tả tranh của ông: “lấy mục tiêu là tạo nên một bầu không khí bao trùm cho cả bức tranh”. Mây phủ núi, khói sương phủ rừng cây, nhìn thật sinh động và cuốn hút.

    Hội hoạ các đời Nguyên (1277 – 1367), Minh (1368 – 1643), Thanh (1644 – 1911) đều là sự kế thừa và phát huy truyền thống, với các danh hoạ hàng đầu như Triệu Mạnh Phủ, Hoàng Công Vọng, Thẩm Chu, Văn Trưng Minh, Cửu Anh, Đường Dần (tức Đường Bá Hổ – nhân vật truyền kỳ đã được nhiều lần dựng thành phim), Cố Nghinh Viễn, Thạch Đào, Vương Nguyên Kỳ, Thẩm Tông Khiên… Gần đây nhất là Tề Bạch Thạch chuyên vẽ tranh sơn thuỷ, Từ Bi Hồng nổi tiếng với tranh ngựa…

    Một số đặc điểm của quốc hoạ Trung Hoa
    Xét về thể loại thì quốc hoạ được chia làm 4 thể loại sau: chân dung và tranh vẽ Phật, thần tiên, quỷ – sơn thuỷ – văn nhân hoạ - cầm thảo (cây, hoa và chim, thú, côn trùng).
    Tác phẩm xếp theo 5 loại: bình – sách – quyển – trục – phiến. Bình là 4 – 8 bức tranh cùng kích thước, treo dọc, vẽ một đề tài hoặc liên tục hoặc tương phản như Xuân – Hạ - Thu - Đông hay mai – lan – cúc – trúc. Sách là nhiều tác phẩm của một hoạ sĩ đóng lại thành tập, vẽ theo một hoặc nhiều đề tài khác nhau. Quyển là loại tranh cuộn theo chiều ngang, mở từ phải sang trái. Chiều dài của quyển rất đa dạng, có khi chỉ một mảnh, cũng có khi dài tới cả chục mét. Những quyển dài như vậy thường là vẽ tranh phong cảnh của một vùng rộng lớn như sông Trường Giang, Hoàng Hà… Có thể do một người vẽ, cũng có thể do nhiều người cùng vẽ, mỗi người một khúc… Trục chính là quyển, nhưng được mở theo chiều dọc. Đây là loại phổ biến nhất. Phiến là quạt, tuy nhiên, người ta ít chỉ có loại quạt thẳng (nguyên thuỷ của người Trung Quốc) mới hay được vẽ tranh, còn quạt xếp người ta thường thích đề chữ hơn.

    Viết và vẽ ở Trung Quốc đều sử dụng cây bút lông, không phân biệt như ở các nước phương Tây. Bút lông cũng chỉ phân theo kích thước to nhỏ (để vẽ tranh khổ lớn hay khổ nhỏ) chứ không phân theo công năng. Về dụng bút, hội hoạ Trung Hoa có hai lối cơ bản và đối lập nhau, đó là công bút và ý bút (tả ý). Công bút là lối vẽ có từ xa xưa, công phu, tỉ mỉ, trước hết lấy lấy bút nét mảnh vẽ hình vẽ rồi dùng màu tô lên, sao cho càng giống thực tế càng tốt. Có khi phải tỉa tót đến từng chân tơ kẽ tóc, mất rất nhiều thời gian. ý bút là lối vẽ dùng hội hoạ để diễn đạt tư tưởng, không phải truyền thần sự vật. Mọi vật được vẽ ra theo chính cái thấy bằng tâm tư của hoạ sĩ, thể hiện chính tâm hồn người vẽ. ý bút thiên về dùng mảng khối tiêu biểu, diễn tả, hình thể và màu sắc đều theo cách gợi tả khái quát, giản lược nhưng lại tràn đầy sự phóng túng, bay bổng, buông thả. Chuyện Ngô Đạo Tử và Lý Tư Huấn vâng lệnh Đường Minh Hoàng đi vẽ cảnh sông Gia Lăng ở Tứ Xuyên có thể coi như ví dụ tiêu biểu về công bút và ý bút. Tranh của Lý Tư Huấn phải mất nhiều tháng trời mới hoàn thành, còn Ngô Đạo Tử, chỉ trong vòng 1 ngày đã vẽ xong toàn cảnh 300 dặm của sông Gia Lăng. Như vậy, Lý Tư Huấn dùng công bút, còn Ngô Đạo Tử dùng ý bút. Tuy con đường có khác nhau nhưng tranh của hai ông đều được đánh giá là cực phẩm. Kể từ sau đời Đường, lối vẽ ý bút ngày một phát triển hơn, đến đời Minh, Thanh đã trở thành “đại tả ý” với sự tinh lược về màu sắc, hồn nhiên, tươi sống về hình thể. Phương pháp bát mặc (vẩy mực)là một hình thức phóng túng không khác hội hoạ phương Tây hiện đại là bao. Đồng thời, lối vẽ công bút và tả ý từ ở hai phía đối lập đã chuyển hoá và dung hợp thành một, gọi là trong công có tả, trong tả có công, công tả tương bổ. Đường Dần nhà Minh, Tề Bạch Thạch là những người có nhiều hoạ phẩm kết hợp hoàn hảo cả công bút và ý bút.

    Người phương Tây khi mới nghiên cứu hội hoạ Trung Quốc thường cho rằng đây là thứ nghệ thuật chạy theo hứng thú bản năng, không có tính khoa học. Thực ra không phải vậy. Lục pháp (6 phép tắc) của Tạ Hách viết ra từ thế kỷ thứ 5 là khuôn mẫu có tính khoa học cao, cho đến nay vẫn phát huy tác dụng. Đó là:
    Khí vận sinh động: tạo được sắc thái và không khí sống động như thật.
    Cốt pháp dụng bút: dựng được cấu trúc bằng nét bút.
    ứng vật tượng hình: tả được hình tướng của sự vật sao cho đúng.
    Tuỳ loại phú thái: dùng màu sắc thích hợp
    Kinh doanh vị trí: sắp xếp bố cục hợp lý
    Truyền di mô tả: sao chép tranh của tiền nhân (với mục đích trau dồi, học hỏi).

    ý nghĩa lớn lao của lục pháp là tất cả các thế hệ hoạ sĩ của Trung Quốc đều lấy đệ nhất pháp (Khí vận sinh động) làm mục tiêu hàng đầu trong sự nghiệp. Phàm đã vẽ cái gì là phải vẽ cho đúng cái đó, nhưng cái đúng, cái giống nằm ở cốt khí của đối tượng chứ không phải ở hình thức. Cái cốt khí ấy chính là cái thần của bức tranh. Nói khí vận tức là cái thần ấy phải sống, phải vận động. Có nhiều người cho rằng, từ phép thứ 2 – 5 đều có thế học được mà thành (phép thứ 6 không phải là tiêu chí kỹ thuật), còn phép thứ nhất chỉ có thể đạt được do bẩm sinh – cái mà chúng ta gọi là thiên tài. Đó cũng là lý do tại sao trong mấy ngàn năm qua, số người vẽ tranh ở Trung Quốc cũng phải lên đến hàng triệu, vậy mà thành danh được cũng chỉ có vài ba trăm người. Cấu trúc không gian trong quốc hoạ cũng không tuân theo luật xa gần với lối nhìn điểm tụ từ đường chân trời như ở phương Tây mà cảm nhận không gian ước lệ theo đường chim bay, gọi là thấu thị phi điểu hoặc đường ngựa phi, gọi là thấu thị tẩu mã.

    Cuối cùng, quốc hoạ khác hội hoạ phương Tây ở chỗ phương Tây chú trọng đến kỹ thuật, còn quốc hoạ quan tâm đến ý nghĩa của hoạ phẩm. Không chỉ có vậy, yếu tố con người trong quốc hoạ thường đóng vai trò thứ yếu, bé mọn – một sinh linh bé xíu giữa không gian mênh mông. Tranh sơn thuỷ của quốc hoạ mang ý nghĩa rất độc đáo: thu vạn dặm vào một thước. Đó cũng là cái nhân sinh quan của người phương Đông về cuộc đời này…

    Có gì sai về chuyên môn vạn lần xin cụ Xì-tai bỏ qua. Cụ cứ sửa thẳng vào bài thoải mái ạ.

    Bức tranh ở dưới là của Đường Dần, một trong những danh họa hàng đầu ở thời Minh, tên tự là Đường Bá Hổ. Bác nào hay xem phim Hong Kong chắc không lạ gì nhân vật này.
     
    Tags:
  2. caithang

    caithang Advanced Member

    Joined:
    6/4/06
    Messages:
    8.982
    Likes Received:
    37
    Location:
    Hanoi
    Nói vậy cũng đúng mà k cũng phải vậy,
    Phải sử dụng bút lông với kỹ năng "lô hỏa thuần thanh" - "đăng phong tháo cực" mới có thể vẽ được thể loại tranh này. Đây cũng là đặc trưng vẽ tranh bằng bút lông của người Trung Hoa. Chỉ bằng 1 lần đưa bút đã phải tả ra giấy được hình - khối - sắc - thần. Để đạt được điều này người vẽ phải kết hợp nhuần nhuyễn cả chọn cỡ bút, cách chấm mực, ước lượng khổ giấy, tư thế cơ thể, lực đạo bút, góc nghiêng thấm mực, .........

    @Loving : Xuân Hương trong phim xinh bác nhỉ
     
  3. nck_kool

    nck_kool Advanced Member

    Joined:
    8/3/06
    Messages:
    6.580
    Likes Received:
    5
    Location:
    Tây Bắc
    Đây mới là chất của ông quân sư

    Nói thực em bái phục về hiểu biết của các bác.
     
  4. hungbeo

    hungbeo Advanced Member

    Joined:
    12/8/06
    Messages:
    474
    Likes Received:
    1
    Nguồn gốc và tiến trình hội họa Trung Quốc

    Hội họa và viết chữ (thư pháp) có nguồn gốc gần gũi nhau đến nỗi khó mà tách chúng ra được. Trong số những mảnh xương trinh bốc (cũng gọi là giáp cốt) thuộc đời Thương (khoảng 1766-1122 tcn) có một mai rùa mà trên đó ghi chép chu kỳ ngày tháng bói toán và vẽ hình một con voi lớn với một con voi nhỏ hơn nằm trong bụng voi lớn, tượng trưng cho sự cưu mang. Điều này cho thấy hội họa và viết chữ đã xuất hiện từ thời cổ xưa. Đồng thời nó cũng chứng minh sự quan hệ mật thiết từ thuở đầu của hội họa và viết chữ. Do đó rất nhiều người đã đề ra thuyết «Thư hoạ đồng nguyên» (thư pháp và hội hoạ có chung một nguồn) trong lịch sử mỹ thuật Trung Quốc.

    Tư liệu cổ nhất ghi chép về hội họa có lẽ là Thư Kinh, trong đó phần Thương Thư (sách chép về đời Thương) có đề cập việc vua Vũ Đinh (tức Cao Tông, 1324-1266 tcn) nằm mộng thấy Thượng Đế ban cho một vị tài đức giúp nước. Sau đó vua hạ lệnh cho thợ họa lại chân dung người mà ngài mộng thấy, rồi dùng bức chân dung đó mà tìm kiếm vị hiền tài ấy. Cuối cùng vua tìm được ông Phó Duyệt, cùng đàm đạo tương đắc, vua bèn phong cho ông Duyệt làm tể tướng. Thiên Duyệt Mệnh thượng của Thương Thư chép: «Mộng Đế lại dư lương bật, kỳ đại dư ngôn. Nãi thẩm quyết tượng, tỉ dĩ hình bàng cầu vu thiên hạ. Duyệt trúc Phó Nham chi dã, duy tiếu, Viên lập tác tướng.» 夢帝賚予良弼其代予言乃審厥象俾以形旁求于天下說築傅岩之野惟肖爰立作相 ("Ta chiêm bao thấy Thượng Đế cho ta một bậc hiền lương giúp đỡ, người ấy thay ta mà phát ngôn!" Vua bèn sai vẽ đúng hình người trong mộng để tìm khắp thiên hạ. Ông Duyệt ở cánh đồng Phó Nham là người duy nhất giống hệt [tranh vẽ]. Vua bèn cất ông Duyệt làm Tể tướng.) Giai đoạn này xảy ra cách nay ít nhất 3000 năm, có thể gọi là cái mốc cho hội họa Trung Quốc.

    Vào đời Chu (1122-211), nơi Minh Đường–nơi cử hành đại lễ của đế vương và chư hầu thời cổ đại - có treo tranh chân dung của Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ. Mỗi vua với vẻ mặt thánh thiện hoặc hung ác, tượng trưng đầy cảnh giác về sự hưng vong của triều đại. Rõ ràng qua những bức chân dung này người xem có thể rút ra bài học về nhân nghĩa và phép trị nước.

    Một bức tranh lụa được các nhà khảo cổ khai quật tại Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam mà họ xác định vào thời chiến quốc (481-221), miêu tả một nữ nhân được rồng phượng vây quanh. Bởi bức tranh được tìm thấy trong ngôi mộ nên người ta cho rằng nó phục vụ cho mục đích tôn giáo.

    Ngoài ra còn có những bức chân dung các vị chính khách tại Kỳ Lân Các (nơi trưng bày tranh vẽ các bậc công thần nhà Hán, 206 tcn-220 cn) và 28 bức chân dung công thần tại Vân Đài (đài cao vút tận mây) thời Hán Minh Đế (58-76) để truy niệm 28 tiền hiền. Tiếc thay các bức tranh này cũng như công trình kiến trúc đã bị hủy hoại theo thời gian. Một số tranh chân dung đời Hán hiện trưng bày ở Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Boston.

    Hẳn chúng ta còn nhớ giai thoại về Hán Nguyên Đế (48-33) và nàng Vương Chiêu Quân. Tương truyền vua có lắm cung phi đến nỗi không biết hết mặt họ. Vua bèn giao Mao Diên Thọ họa lại chân dung các nàng. Các cung phi mỹ nữ đưa nhau hối lộ Mao để được họa thật đẹp. Chỉ có một người thì không, đó là nàng cung nữ đẹp nhất bọn tên Vương Chiêu Quân. Chỉ vì căn cứ theo tấm họa xấu xí về nàng mà sau này vua ra lệnh đem nàng ban cho một thủ lĩnh rợ Hồ. Ngay lúc nàng Vương rời khỏi cung điện để tiến cống rợ Hồ, vua trông thấy mặt nàng thì bàng hoàng hoảng hốt và tự trách mình quá sơ suất. Nhưng lệnh thi hành rồi rút lại không kịp nữa. Mao Diên Thọ bị trừng phạt đến chết – có lẽ vì dám để sổng mất «quốc bảo» của vua hơn là vì tội nhận hối lộ. Còn nàng Vương một ít lâu sau cũng qua đời nơi thảo nguyên vì quá xót thân tủi phận. Câu chuyện lâm li này ít ra cũng cho thấy trình độ họa chân dung thời đó cũng là khá cao. Hiện nay tại British Museum có bức «Huấn luyện tài nhân» (dạy các cô gái biết ca múa để đưa vào cung) của Cố Khải Chi, đời Tấn. Đây là bức tranh về nhân vật tiêu biểu. Một số người cho rằng đây không phải là chân bút họ Cố, nếu sao chép được như vậy cũng là quá trung thực rồi. Bức tranh này cho thấy sự thành tựu của loại tranh nhân vật vào thế kỷ IV cn.

    Một ngôi thạch mộ đang trưng bày tại Nelson Gallery, Kansas city, được xác định vào thời Lục Triều (525 cn) có chạm nổi các gương hiếu tử như Thái Thuận, Đồng Vinh, bên hông mộ có hình núi non cây cối dùng trang trí. Đây cũng có lẽ là đầu mối của lối vẽ phong cảnh về sau.

    Tranh đời Tùy (581-618) đa số mang chủ đề Phật giáo phản ảnh tinh thần sùng thượng tôn giáo. Vào đời Đường (618-907) nổi tiếng nhất là Ngô Đạo Tử và các môn đệ của ông. Mặc dù ngày nay người ta không còn tác phẩm nào của Ngô Đạo Tử, nhưng các bức tranh khai quật ở lăng mộ Vinh Thái Công Chủ cũng biểu lộ sự thành tựu tốt đẹp về tranh nhân vật đời Đường. Tương truyền vào đầu nhà Đường, Ngô Đạo Tử và Lý Tư Huấn mỗi người một bức sơn thủy trên vách Đại Đồng Điện. Tuy bút pháp hai nhà khác nhau nhưng cả hai tác phẩm đều được tán dương là thần bút. Điều này cho thấy sự tiến triển về tranh phong cảnh từ đời Lục Triều cho tới đời Đường.

    Tranh hoa điểu nổi bật sau tranh phong cảnh. Bắt đầu là Biên Loan (đời Đường) tiếp theo là Từ Hi và Hoàng Thuyên (Thời Ngũ Đại). Tranh hoa điểu thịnh đạt nhất vào thế kỷ X và XI. Theo lời nhà phê bình nghệ thuật Trương Ngạn Viễn (đời Đường) thì trước đời Đường tranh nhân vật rất quan trọng vì mục đích thực tiễn đến chính trị và tôn giáo của nó. Tranh họa nhằm giáo hóa và đề cao nhân luân nữa. Tiếc thay phần lớn tranh này không còn nữa. Những tranh mà các nhà khảo cổ khai quật được dù sao cũng cho ta nét đại cương về hội họa thuở ấy.

    Nói đến sự thịnh đạt của tranh hoa điểu và sơn thủy không thể không đề cập tới hội họa thời Ngũ Đại (907-960) và đời Bắc Tống Nam Tống (960-1279). Thời này phổ biến loại tranh cuộn (tức thủ quyển: handscrolls và hanging scrolls) hơn là bích họa (wall paintings) vì dễ bảo quản hơn. Thời Ngũ Đại và đời Bắc Tống là thời vàng son của tranh sơn thủy Trung Quốc. Các tay cự phách Thời Ngũ Đại có Kinh Hạo, Quan Đồng, Đổng Nguyên, Cự Nhiên và đời Bắc Tống có Lý Công Lân, Quách Hi, Phạm Khoan, và Mễ Phế. Đời Bắc Tống chuyên về sơn thủy là Yến Văn Quý, Hứa Đạo Ninh, còn chuyên về hoa điểu có Hoàng Cư Thái, Thôi Bạch, nhất là vua Tống Huy Tông tức Triệu Cát (1101-1125).

    Từ đời Bắc Tống đến Nam Tống tranh hoa điểu và nhân vật đã xuống dốc nhưng tranh sơn thủy thì cực thịnh. Nối liền hai giai đoạn này là Lý Đường, một thủ lĩnh họa phái Nam Tống. Môn đệ của họ Lý nổi tiếng nhất là «Tứ Đại Họa Gia» gồm có Lưu Tùng Niên, Lý Tung, Mã Viễn, Hạ Khuê. Nổi tiếng về mặc trúc có Văn Đồng, Tô Thức, về mặc mai có Thôi Bạch, về mặc lan có Trịnh Tư Hữu, Triệu Mạnh Kiên, về mặc cúc có Triệu Xương, Khâu Khánh Dư, Hoàng Cư Bảo. Đời Nam Tống, Mã Lân nổi tiếng về hoa điểu không kém gì bố là Mã Viễn. Đặc biệt thời này có Lương Khải và Mục Khê nổi tiếng về tranh Thiền. Họa pháp của hai ông ảnh hưởng rất nhiều đến hội họa Nhật Bản. Chính vào đời Nam Tống (thế kỷ XII) Thiền từ Trung Quốc du nhập vào Nhật và tư tưởng Thiền cũng từ đó mà bàng bạc khắp nền hội họa Nhật.

    Từ Nam Tống đến đời Nguyên (1279-1368) có các đại họa gia như Triệu Mạnh Phủ, Cao Khắc Cung. Tranh họ Cao phảng phất bút pháp hai bố con Mễ Phế và Mễ Hữu Nhân.

    Đời Nguyên các tranh sơn thủy thường là mặc họa (tranh vẽ toàn bằng mực đen). «Tứ đại họa gia đời Nguyên» có Hoàng Công Vọng (thủ lĩnh), Ngô Trần, Nghê Tán và Vương Mông. Ngoài ra còn có các cao thủ khác như Cao Phòng Sơn, Lý Tức Trai, Kha Cửu Tư, Nghê Vân Lâm, Ngô Trọng Khuê, Cố Định Chi, Quản Trọng Cơ, Phương Nhai. Đặc biệt, Lý Tức Trai nổi tiếng về mặc trúc và bí kíp «Trúc Phổ Tường Lục» nghiên cứu đời sống sinh thái cây trúc và họa pháp cây trúc, vẫn còn truyền tụng đến nay. Kha Cửu Tư cũng biên soạn quyển «Họa Trúc Phổ» nghiên cứu họa pháp cây trúc đời Tống. Như vậy kể từ đời Tống, Nguyên tới Minh các danh thủ về Trúc có Văn Đồng, Tô Thức, Lý Tức Trai, Phương Nhai, Kha Cửu Tư, Vương Phất, và Hạ Xưởng. Vương Phất là khuôn mặt buổi giao thời Nguyên Minh. Trường hợp ông giống với Lý Đường (giữa Bắc Tống - Nam Tống) và Triệu Mạnh Phủ (giữa Nam Tống - Nguyên.) Địa vị Vương Phất rất quan trọng. Môn đệ của ông nhờ đó mà đạt mức tinh thâm như Thẩm Chu và Văn Trưng Minh nổi tiếng về sơn thủy, Hạ Xưởng nổi tiếng về mặt trúc. Hạ Xưởng danh tiếng lẫy lừng: «Hạ hương nhất cá trúc, Tây Lương thập đình kim» (Một cành trúc quê ông Hạ trị giá mười nén vàng ở Tây Lương.) Ngoài ra còn có Vương Miện và Trần Hiến Chương nổi tiếng về mặc mai. Do đó mà người ta truyền nhau câu: «Vương mai, Hạ trúc.» (mai của Vương Miện vẽ, trúc của Hạ Xưởng vẽ).

    Đời Minh có «Tứ Đại Họa Gia» là Thẩm Chu, Văn Trưng Minh, Cừu Anh và Đường Dần. Thẩm Chu là thủ lĩnh họa phái Ngô Phái, địa vị rất quan trọng. Văn Trưng Minh và những người trong phái chịu ảnh hưởng họ Thẩm rất nhiều. Cửu Anh và Đương Dần nổi tiếng về tranh nhân vật và sơn thủy. Ngoài Ngô Phái ra còn có Tống Khắc, Lỗ Đắc Chi, Đái Tiến. Đái Tiến là thủ lĩnh họa phái Chiết Phái (cùng quê ở Chiết Giang). Họ Đái chịu ảnh hưởng Mã Viễn và Hạ Khuê. Trong Chiết Phái còn có Mã Thức cũng là tay cự phách. Vào đời Minh, Biên Cảnh Chiêu trên nổi tiếng về hoa điểu, ông chịu ảnh hưởng họa pháp đời Tống. Giữa đời Minh họa pháp hoa điểu tách riêng hai hướng: một lối vẽ đa sắc tỉ mỉ tinh tế và một lối vẽ đơn sắc mạnh bạo. Tiêu biểu cho hai lối vẽ này là Lâm Lương và Lã Ký. Nổi tiếng về tranh nhân vật có Ngô Vĩ và Quách Hủ. Cuối đời Minh có Trần Hồng Thụ chủ trương tránh sự dung tục trong tranh mà phải quay về với sự đơn sơ thuở xưa. Cho nên tranh ông tao nhã khác thường. Ngoài ra còn có Đổng Kỳ Xương chủ trương thi họa tương hợp, rất được nhiều người tán thưởng. Cũng vào cuối đời Minh, Từ Vị rất nổi tiếng với bút pháp độc đáo dị kỳ, ảnh hưởng rất nhiều đến hai danh thủ sau này là Thạch Đào và Bát Đại Sơn Nhân.

    Khuynh hướng chung hội họa đời Thanh (1644-1912) là khôi phục những họa pháp các đời trước. Nổi tiếng có Ngô Lịch, Uấn Thọ Bình và nhóm «Tứ Vương» gồm Vương Thời Mẫn, Vương Giám, Vương Nguyên Kỳ, Vương Huy. Vương Huy nổi tiếng nhất nhóm. Ngô Lịch chịu ảnh hưởng họa pháp đời Tống-Nguyên, Uấn Thọ Bình nổi tiếng ngang với Vương Huy về tranh sơn thủy. Bát Đại Sơn Nhân là khuôn mặt độc đáo về nhân cách cũng như họa pháp. Ông và Thạch Đào có thể đứng riêng thành một tân họa phái. Đời Thanh còn có Trịnh Tiếp (lan trúc), và Lý Phương Ưng, Kim Nông, Uông Sĩ Thận (mặc mai).

    Họa gia cận đại có Triệu Huy Thúc, Ngô Xương Thạc, Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Trần Sư Tăng, Lâm Cầm Nam, Mai Lan Phương...

    Trên đây là đôi nét về nguồn gốc và tiến trình của hội họa Trung Quốc. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều cộng đồng người Hoa ngoài Hoa lục, Đài Loan, và Hương Cảng. Con đường nghệ thuật truyền thống này đã đến chỗ phân kỳ mà mỗi ngã rẽ đều rất đa dạng phong phú, do bối cảnh xã hội chính trị văn hóa khác nhau và nhất là do đời sống vật chất càng ngày càng văn minh hơn. Vì thế có thể quan niệm thưởng ngoạn cũng có ít nhiều dị biệt. Các họa gia hoặc là duy trì phong cách cổ điển, hoặc là cách tân nó do ảnh hưởng lối họa Tây phương. Cho nên hiện tại và tương lai của môn quốc họa này hết sức thú vị và hứa hẹn nhiều bất ngờ mà ta khó có thể luận bàn được


    (Sưu tầm từ Website Đồ Họa Việt Nam)
     
  5. Loving

    Loving Advanced Member

    Joined:
    4/12/05
    Messages:
    1.913
    Likes Received:
    24
    Location:
    Cực Chuối Lạc Bang Giáo
    Ý, bác trêu em à? Thu Hương chứ. Đường Bá Hổ điểm Thu Hương, tích cổ Trung Quốc mà. Hoa phủ có 4 cô tượng trưng cho 4 mùa: Xuân Lan - Thạch Lựu - Thu Hương - Đông Mai. He he he...
    Em còn viết thêm 1 bài nói riêng về tranh sơn thủy (không phải thủy mặc nhé các bác), để mai kia rảnh em post nốt...
     
  6. 777

    777 Advanced Member

    Joined:
    25/12/07
    Messages:
    1.294
    Likes Received:
    15
    Location:
    saigon
    bác nào có file ảnh của bức: thanh minh thựong hà đồ được gọi là quốc bảo của trung quốc thì post lên cho anh em xem với ạ .Em chỉ đọc bài viết về nó mà k được xem .Thanks các bác
     
  7. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    "Thanh Minh Thượng Hà Đồ" của Họa gia Trương Trạch Đoan, được cho là tác phẩm nổi tiếng nhất của nền Hội hoạ thời Phong kiến Trung hoa.

    [​IMG]

    [​IMG]
     
  8. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    [​IMG]

    [​IMG]
     
  9. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    [​IMG]

    [​IMG]
     
  10. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    [​IMG]

    [​IMG]
     
  11. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    [​IMG]

    [​IMG]
     
  12. Hai Lúa-USA

    Hai Lúa-USA Advanced Member

    Joined:
    8/2/08
    Messages:
    1.480
    Likes Received:
    23
    Ngày xưa lúc còn trẽ cũng mê tranh Tàu vì ảnh hưởng kiếm hiệp hơi nhiều. Khoảng cuối thập niên 70 nhờ người đi Đài Loan mua tranh về treo đầy nhà. :) Nhưng chả hiểu gì cả .. chỉ thấy nó đẹp, lạ, và nhất là tranh sơn thủy hay thủy mặc. Nhưng đến bây giờ vẫn ko thích nổi tranh về ngựa, vật...

    Khoảng năm 84 qua Nhật đi thăm Bảo Tàng quốc gia ở Tokyo thấy đầy tranh Tàu do tướng quân phiệt Nhật mang về ( đồ gốm Việt đời Trần cũng bên đấy mà ko thấy trong Viện Bảo Tàng SG!) và thêm các tranh về bút pháp thì mới hiểu mình chả biết gì. Có lẽ không biết viết tiếng Tàu thì coi tranh khó mà biết nó hay chổ nào.

    Một điều cần nói là nhìn tranh của Vincent van Gogh mà cho
    thì hơi quá.
     
  13. 777

    777 Advanced Member

    Joined:
    25/12/07
    Messages:
    1.294
    Likes Received:
    15
    Location:
    saigon
    thanks bac nguyenstyle . em hỏi khí k phải : bác có học yết kiêu k và khóa nào?
     
  14. luckystar7

    luckystar7 Advanced Member

    Joined:
    22/3/12
    Messages:
    54
    Likes Received:
    1
    Re:

    Bác có sự nhầm lẫn rồi chăng, vì theo em được biết Hoa phủ có rất nhiều a hoàn, trong đó nổi trội nhất là 4 cô: Xuân Hương, Hạ Hương, Thu Hương, Đông Hương. Còn Thạch Lựu là cô hầu xấu xí nhất trong Hoa phủ. :)
     

Share This Page

Loading...