Em chế ra câu chuyện này cho các bác đọc chơi, hy vọng cũng giải trí được phần nào . Nó cũng liên quan đến loa đài nên hy vọng không bị delete ....... 1. Người phụ nữ đeo cặp kính trắng đưa lại cho tôi một tờ giấy, rồi lạnh lùng nói: -Đây là giấy vào lớp. Khi nào đi học buổi đầu tiên, em nộp cho giáo vụ khoa. Ngày mai đến tham gia lao động công ích. Tôi hờ hững cảm ơn, rồi đi ra ngoài. Không có chuyện tôi tham gia lao động công ích, đó là điều chắc chắn. Từ nhỏ đến giờ, tôi luôn tránh những hoạt động vô bổ như vậy. Đó là bổn phận của những đứa con ngoan trò giỏi, chứ không phải của những đứa ngang ngạnh như tôi. Vả lại, việc đi học đại học, đối với tôi là một cái gì đó vô nghĩa, khi mà tất cả những thanh niên ở lứa tuổi tôi đều hướng tới. Có điều, với gia đình tôi, nó gần như một thứ bắt buộc. Đúng vậy, nếu anh sinh ra trong một gia đình mà bố là Giáo sư, Tiến sỹ ở một trường đại học, mẹ là Tiến sỹ và đang nghiên cứu ở một Viện mà nghe qua tên, ai cũng có thể hình dung ra ở đó chỉ toàn những vị đầu hói đeo kính ngày đêm lần mò sách vở hay nhốt mình trong phòng thí nghiệm. Điểm xuyết cho bức tranh huy hoàng đó là một bà chị cũng đang kế tục truyền thống vẻ vang của gia đình bằng cách năm mười tám tuổi đã giành một học bổng du học ở nước ngoài, và học một lèo cho đến lúc này là hai mươi sáu tuổi mà vẫn chưa xong bậc cao nhất. Vì thế cho nên, cách đây mấy tháng, ba tôi đã đi lại với một trường nào đó mà ông luôn tự hào là từ hiệu trưởng đến các giảng viên đều từng là học trò của mình để dành cho tôi một chỗ mà nếu đằng thẳng ra, phải dành cho những đứa chăm chỉ hơn tôi rất nhiều. Ngài giáo sư và đồng thời là người sinh ra tôi thực hiện quy trình đó một cách hoàn hảo, và luôn tự hào rằng tôi hoàn toàn không biết gì. Cảm ơn ba, vì ba đã tạo cho con sự tự tin. Nhưng ba có ngờ đâu là cái thằng tôi, lang thang chơi bời năm sáu năm nay, thừa nhạy bén để hiểu ra vấn đề. Thứ nhất, ba đã phạm một lỗi nhỏ khi nằng nặc bắt tôi thi vào cái trường mà tôi vừa nhập học xong, trong khi đó là khối mà tôi ghét cay ghét đắng. Thứ nhì, những cú điện thoại qua lại đó được ba thực hiện với một giọng thầm thì nhưng ở mức âm lượng khá lớn, đủ cho một ông Tây mới học tiếng Việt nghe rõ từng từ chứ chưa nói đến những người dùng tiếng Việt từ nhỏ như tôi. Và lỗi lớn nhất là khi tôi vẽ hươu vẽ vượn vào bài thi để rồi sau đó nhận được một số điểm tương đối khá so với mặt bằng chung, thì quyết tâm giữ bí mật của ba tôi phá sản hoàn toàn. Chẳng nói thì mọi người đều hiểu ba mẹ tôi ghét tôi như thế nào, tất nhiên phải loại trừ tình mẫu phụ tử tự nhiên theo bản năng. Tôi ít đem lại những vinh quang, ồ không, dùng chữ ít là để làm nhẹ đi mọi chuyện, chứ từ nhỏ đến giờ, tôi luôn đem lại sự bực mình cho ba mẹ. Trong khi đó, bà chị tôi cứ đều đặn một năm hai lần giấy khen học sinh giỏi, thêm vào đó là những giải thưởng rơi xuống không theo chu kỳ nào cả. Tôi không đánh giá cao những giải thưởng đó, bởi theo logic của mình, đó toàn là những thứ không phải do nỗ lực riêng của chị tôi, khi mà từ nhỏ, chị đã được ba mẹ tôi luyện như luyện gà chọi, lại vào đúng những môn mà ba mẹ tôi là chuyên gia hàng đầu ở một trường đại học cũng vào loại khá nổi danh ở đất nước này. Trong khi đó, đối thủ của chị tôi là những ai? Là những học sinh chỉ được học theo chương trình sách giáo khoa, và thi thoảng luyện thêm trong các lò luyện hay lớp bồi dưỡng mà ở đó, trình độ của giáo viên không thể so được ngay với sinh viên của ba tôi. Mải mê với dòng suy nghĩ mang đầy chất bức xúc như thế, tôi không nhận ra rằng mình đang đứng trước cửa hàng của thằng Nam. Gần trưa, cửa hàng vắng khách đến độ tiếng nhạc không át được tiếng quạt trần khô dầu. Tôi dừng xe, bước vào. Thằng Nam nhe nhởn cười: -Đi nhập học về rồi à? -Sao mày biết? Nó vừa xếp lại đĩa trên giá vừa bảo tôi: -Thì sáng nay tao gọi sang nhà. Thấy bà già mày vui lắm, rồi còn khuyên tao năm sau thi tiếp. May quá tao xin phép được, nếu không lại ăn một bài giảng về lợi ích của việc học đại học. -Học làm quái gì khi mà tự tay có một cửa hàng to như thế này. Học cũng là để sau này kiếm cái gì đút vào miệng đúng không? Vậy mày đã có miếng, còn tao thì vẫn ngửa tay xin tiền . -Làm gì mà bán than kinh thế. Ngồi đây uống nước, đợi tao rồi đi kiếm cái gì nhậu nhẹt. Cũng phải có cái gì mừng thằng bạn thân nhập học chứ. Tôi chơi với thằng Nam từ năm đầu tiên của bậc trung học. Ấn tượng đầu tiên là vì nó có một cái tên sặc mùi kiếm hiệp, Vương Như Nam. Đã bao lần tôi và nó đi bịp bợm những cô nữ sinh cả tin rằng anh Nam đây là dòng dõi của một gia đình vọng tộc bên Trung Hoa, sau đó gia đình lưu lạc sang bên này, cho nên hàng năm vẫn về quê mẹ góp giỗ. Điều này chỉ là bịa đặt một nửa, bởi thỉnh thoảng, nó vẫn chạy qua biên giới lấy hàng. Mà đã sang biên giới thì có nghĩa là về quê mẹ rồi. Cửa hàng băng đĩa nhạc của thằng Nam có một cái tên khá kêu, Nam Musique. Musique chứ không phải Music, đó là sáng kiến của tôi. Khi mà tiếng Anh đang lên ngôi, thì dùng một chữ tiếng Pháp lại là một chiêu thu hút khách. Đã có không dưới mười cô gái mới học ây bi xi về ngoại ngữ ở các trung tâm xông thẳng vào cửa hàng và mắng thằng Nam xối xả về tội viết sai chính tả, rồi đều được nó mời xem hàng, rồi mua hàng, và gần như tất cả sau này đều thành khách hàng của nó. Cũng phải cộng thêm vào đó khả năng tiếp thị cũng như sự hiểu biết về âm nhạc của thằng Nam. Nó không phải là đứa thông minh kiệt xuất, nhưng lại có khả năng biến thông tin từ nguồn khác thành thông tin riêng của mình. Âu cũng là sự bù đắp cho con đường học hành dang dở của nó. Vòng vèo qua ba con phố và hai ngõ rẽ, chúng tôi đến được quán bún giả cầy quen thuộc. Hữu xạ tự nhiên hương, đôi khi trong nghề buôn bán, vị trí chưa phải là tất cả. Mới gần trưa mà quán đã đông nghịt người mà tôi dám chắc là đa phần trong số đó đến quán này theo phong trào chứ chưa đủ tinh tế để cảm nhận được vị ngon nơi đây. Chị chủ quán tròn như cái cối xay gật đầu cười với chúng tôi. Sau một giây để nhận ra rằng thực đơn không có gì thay đổi, chị đích thân pha chế cho hai thằng tôi. Bởi nhiều lần, chúng tôi đã trả tiền mà không ăn khi những món ăn thân quen bị cô phục vụ của chị chế theo kiểu xăng pha nhớt. -Có gì mới không-vừa rót rượu, thằng Nam vừa hỏi, đôi mắt hấp háy. -Chẳng có cái cóc khô gì cả. Trường sở vắng tanh vắng ngắt. -Đang kỳ nghỉ hè mà mày-thằng Nam lắc đầu-không thấy ve đang kêu râm ran đây à. Ôi những con ve mùa hè, sao chúng mày kêu to thế. Sém chút nữa tôi phun rượu ra đầy mặt thằng Nam. Một thằng bán đĩa mà tâm hồn lúc nào cũng như nhà thơ. Chắc chắn nó sẽ còn tiếp tục những câu văn du dương kiểu đó nếu tôi không rướn mắt nhìn ra ngoài cửa. Đó là một cô gái. Chắc trạc tuổi chúng tôi. Cao chừng mét sáu nhăm sáu sáu gì đó, người thuộc dạng xanh-cao-gầy. Tóc thề thả ngang vai, rất giống những phụ nữ bước ra từ văn chương Tự lực văn đoàn nếu bỏ đi thuốc nhuộm tóc, son kẻ môi và phấn trắng. -Nhìn kỹ thế. Mà thôi, cứ nhìn đi, đừng động vào, bỏng tay đấy-thằng Nam lè nhè như một đức ông đáng kính say rượu. Tôi nhếch mép cười: -Thì cũng là đàn bà, cũng từng đấy thứ chứ có gì đâu. -Không, khác đấy. Con bé này mới chuyển về gần khu nhà tao. Nghe đâu nó là con một ông vào dạng cá mập trắng. -Tao sẽ cưa đổ. -Để làm gì ? Rồi mày sẽ lấy một cô gái đúng nghĩa là vợ. Dạng này không xài được. -Xài được hay không là do mình. Thằng Nam im lặng. Có lẽ nó không muốn dây vào một thằng mà về sự ngang thì cua còn phải lạy làm sư phụ. Nó không nói nữa làm tôi cũng phát chán. Tôi quay sang quan sát người đẹp. Có vẻ như cô nàng muốn thu hút sự quan tâm của mọi người xung quanh. Con gái đẹp thường ra vẻ như vậy. Nhưng khi cô ta nghiêng cái đầu lên thì sự kiêu căng quá mức làm tôi khó chịu. Thằng Nam nhìn tôi, rồi nhếch mép cười nhẹ một cái. Thằng bạn này luôn đọc được suy nghĩ trong đầu tôi. Lần này, cái nhếch mép ấy của nó không làm tôi căm tức mà chỉ khiến cái suy nghĩ phải hạ gục nhanh cô gái này lớn dần lên mà thôi. Tôi nhìn cô gái chằm chằm. Cô ta cũng nhìn lại với vẻ khiêu khích. Có điều, khi cô ta nhìn tôi là lúc tay phải cô đang gắp miếng bún, cho nên cảnh này gây kích thích mạnh cho những người cùng ăn trong quán. Cô ta không nhận ra điều đó, vẫn tiếp tục đấu mắt với tôi. Có thể so sánh ánh mắt của cô ta với vẻ tinh ranh mà hoang dã của một con báo cái -nhưng chưa đến kỳ động đực. Tôi cúi xuống, gắp một miếng bún. Như một phản ứng tự nhiên, cô ta cũng cúi xuống. Và miếng bún chấm mắm tôm rơi ngay vào tà áo trắng của cô gái mắt báo-tôi tạm gọi là như vậy. Bên cạnh tôi, thằng Nam cười: -Mày định gây ấn tượng bằng mấy trò trẻ con ấy à? -Không việc gì đến mày-tôi lắc đầu-đừng bêu xấu bạn thân như vậy. Cô nàng đứng lên. Tôi nhấp nhổm đứng lên theo. Thằng Nam cản lại: -Có duyên sẽ gặp lại, chứ mày đi theo như thế không hay. Tôi ngồi xuống. Nó nói cũng đúng. Chẳng việc gì phải theo đuôi một đứa con gái cả. Cho dù có xinh đến mức như thế nào chăng nữa. Bởi vì, càng theo đuôi , thì càng nhận được sự kiêu ngạo. Thói đời là vậy. Vả lại, lúc này, tôi vẫn còn có Hương. Hai đứa chúng tôi cùng lớn lên trong một khu tập thể cao tầng, chơi qua đủ loại trò chơi nhăng nhít. Đến lúc được phân đất, hai nhà cũng chuyển qua cùng một lô. Hương cũng xinh, học hành cũng khá khẩm, được ba mẹ tôi coi như con cái trong nhà. Và quan trọng hơn là Hương luôn coi trọng những gì tôi làm, giống kiểu chuyện Ông lão làm gì cũng đúng của một nhà văn nào đó mà tôi quên mất tên từ lâu. ............ (còn nữa)
Truyện đang hay, viết thêm ít dòng nữa đi bác, em đang đợi đây :wink: :lol: Lâu lắm mới thấy bác loadeu post bài, nhớ bác quá :lol: Thân
2. Thật ra Hương là một người con gái tốt, nhưng tôi luôn có cảm giác là cô ấy nhạt nhẽo. Hãy thử tưởng tượng một bát phở thiếu gia vị, không biết có ai muốn ăn hay không. Gia vị của bát phở thì tôi còn biết là gồm những gì, chứ gia vị tình yêu thì thú thực không tài nào xác định được. Tôi và Hương yêu nhau từ lúc nào, cũng chẳng biết chính xác được. Chắc là do chúng tôi phát triển dựa trên cơ sở tình bạn từ thưở mặc quần thủng đít hứng nước mưa, chơi trò đám cưới, hái hoa bắt bướm vân vân và vân vân. Còn lí do tại sao yêu nhau thì tôi nhớ. Là bởi vì, khi chúng tôi bắt đầu vào lứa tuổi 15,16, phong trào cặp đôi rộ lên rất mạnh. Được liệt vào dạng cá biệt, chẳng ngại gì mà tôi không cặp với một em xinh đẹp. Cô em tên là Mai, ngay cái tên cũng đủ chứng tỏ một tính cách mạnh mẽ. Cao ráo, tóc dài, mặc áo thì lúc nào cũng phanh một cúc ngực, đi đến đâu là sân trường ướt đến đó do nước miếng của lũ con trai háu đói tuổi mới lớn tuôn ra. Tôi làm quen với Mai cũng do sự tình cờ. Một lần đi đến trường, tôi vô tình va phải Mai. Theo thói quen, tôi bật ra ngay câu xin lỗi. Lẽ ra Mai cười rồi đi thì không có chuyện. Đằng này Mai lại hất hàm nhìn tôi, rồi bảo mắt để ở đâu. Tôi tức mình, bảo là tôi đã xin lỗi cậu rồi, còn mắt tôi mọc ở đâu thì kệ mẹ tôi. Chỉ có vậy. Sau đó lũ bạn tôi bảo mày vừa dây phải nữ quái của trường đó, liệu dần đi là vừa. Tôi cóc sợ. Và chính Mai chủ động làm quen, bắt đầu bằng câu đại thể là cậu gan lắm, dám dây phải tôi mà không sợ. Tôi chỉ nói là nếu cậu gọi đàn gọi lũ thì tôi không chấp, chứ đánh tay đôi với tôi thì cả trường này tôi dẫm hết ở dưới chân. Hồi đó, trường tôi có rất nhiều băng nhóm, chỉ riêng mình tôi là đứng ngoài. Tôi không thích băng nhóm kiểu đó, chẳng hề có chút nghĩa khí giang hồ nào cả. Toàn một lũ cậy đông bắt nạt ít, chấm hết. Đến lúc bị đánh, chạy như vịt cả nhóm. Chứng kiến vài lần như thế , tôi phát chán. Còn nguyên do tại sao tôi không ngại đứa nào cả. Rất đơn giản. Là vì ba tôi cho tôi đi học võ từ khi tôi mới vào lớp 1. Thế hệ của ba không có điều kiện học võ, vì ba đi học nước ngoài từ nhỏ. Cho nên, những gì ba không làm được đều dồn lên vai tôi. Tất nhiên tôi cũng làm được một vài nguyện vọng của ba. Tuy không thành con ngoan trò giỏi suốt ngày gặt hết huy chương nọ giấy khen kia như con cái những người cùng viện nghiên cứu với ba, nhưng tôi cũng không đến nỗi học kém lắm. Bù lại, tôi rất khỏe và lì đòn. Không lì đòn sao được, khi ở lứa tuổi đó, tôi đã phải tập những môn như thiết quyền, thiết cước. Gọi tên thì kêu như vậy, nhưng thực tế thiết chưởng là gì? Đơn giản chỉ là tôi lấy một bó đũa, buộc chặt một đầu, đầu kia đánh vào mọi chỗ trên cánh tay để luyện cho tay cứng cáp, chịu được va đập. Khi đã quen với va đập, tiếp tục chọn một cái cây to vừa phải, trên cây không có mấu gì , rồi đánh vào cây bằng tay. Còn thiết cước là lấy một đoạn ống nước bằng nhôm , lăn dọc ống đồng, đầu tiên từ từ, sau đó mạnh dần. Ngày nào cũng luyện như vậy, cho đến khi vào trung học, tôi nhận ra rằng tay mình quá cứng so với bạn bè cùng lứa. Đó là chưa kể đến những ngón đánh nhau thông thường mà ngày nào tôi cũng tập cùng với các anh lớn tuổi hơn, đa phần là dân xã hội chứ không phải học sinh như tôi. Trên sân tập , tôi chỉ lớn tuổi hơn lũ võ sinh học theo mùa, chứ so với những đại ca theo học thì lại là nhỏ nhất. Tuy bị sai vặt nhiều, nhưng tôi luôn được các anh chiều chuộng. Thế nên, nếu có chuyện gì trong trường, các anh sẵn sàng bảo vệ tôi. May thay, tôi không phải là đứa thích gây sự, bởi trong thâm tâm, tôi coi đám bạn bè cùng lứa không khác gì lũ nhóc con. Mà ai lại đi gây sự với trẻ con? Có lẽ vì thế mà Mai thích tôi. Sau một thời gian cặp kè, tôi thấy chán. Đơn giản là ngoài vẻ xinh đẹp mang nét hoang dã, Mai chẳng có thêm gì cả. Sách thì không đọc được quá mười cuốn, nhạc không nghe nổi hết một băng, nói chuyện chưa đến mười lăm phút thì hết vốn. Khi tôi chia tay với Mai, ba mẹ tôi mừng hết chỗ nói. Hoàn cảnh gia đình của Mai làm ba mẹ tôi sợ. Bố Mai là lái xe đường dài, trong một lần vui vầy, đã vô tình sinh ra Mai . Sau đó ông ta chạy một mạch hình như đến bây giờ vẫn chưa quay lại. Sau đó, mẹ Mai kết hôn với một người đàn ông cũng đã có một đời vợ. Nghe nói chồng sau của bà là lãnh đạo của một xí nghiệp lương thực nào đó. Nói chung, với ba mẹ tôi, một đứa con gái có hoàn cảnh như vậy cũng đã đủ làm họ sợ chết khiếp. Sau khi tôi giải tán, thậm chí ba mẹ còn cho tôi một món để đi Sài Gòn chơi thăm họ hàng. Dù gì thì ba mẹ cũng tử tế ra phết, nói là cho tôi đi thăm họ hàng, nhưng thực ra là để giúp tôi khuây khỏa là chính. Sau khi chia tay Mai, tôi thấy trống vắng. Và lúc đó thì tôi nghĩ đến Hương. Cô bé ở cùng dãy nhà, lại học dưới tôi một khóa. Nói chung là chẳng có gì để chê cả. Quan trọng nhất là ba mẹ tôi chấp nhận mối quan hệ đó. Và còn nói riêng với nhau (cố tình để tôi nghe thấy) là ba mẹ rất mong sau này Hương là con dâu nhà mình. Vả lại, tôi cố tình che giấu chuyện tình cảm dưới vỏ bọc là bạn bè cùng khu phố. Thú thực, tôi chỉ nghĩ đến việc mình là người đầu tiên mà Hương trao cho cái quan trọng của đời phụ nữ, chứ còn những việc sau đó, tôi không quan tâm lắm. Nhiều lần tôi đã tìm cách ngủ với Hương, nhưng cô bé tìm mọi cách cự tuyệt. Phải cưỡng đoạt thì tôi không thú lắm, trong khi chưa tìm ra cách nào hay ho để được dâng hiến. Mải mê với dòng suy nghĩ, tôi giật mình khi Hương bước vào phòng. Em cúi xuống nhặt mấy tờ giấy rơi vãi. Tôi quay sang hỏi: -Hôm nay em không đi học thêm à? -Dạ không ạ. Mà sao anh chẳng nhớ lịch học của em thế? Tôi gãi đầu-đó là thói quen của tôi khi lúng túng. Hương hỏi: -Hôm nay thế nào hả anh? -Chả thế nào cả. Nộp hồ sơ, nhận giấy nhập học. Chấm hết. Nhạt như nước ốc. Chán như con gián. Buồn như con chuồn chuồn. Tê tái như con nhái. -Hay mình đi dạo một vòng-Hương dè dặt nói-mấy hôm nay em học nhiều quá, cũng thấy mệt. Mẹ tôi cũng không hỏi khi tôi dắt xe ra ngoài. Bà đã quá quen với những hành vi bất thường của thằng con trời đánh. Tôi thả cho xe đi theo những ngã rẽ đã thành công thức. Mặc kệ. Xe đi chậm qua những dãy phố gần hồ Tây. Mùa thu. Lá vàng rơi trước mặt, sau lưng, và có lá còn tệ hơn, rơi trúng đầu tôi. Nhặt chiếc lá, tôi đưa cho Hương. Cô bé có vẻ cảm động lắm-ấy là do tôi nhìn qua gương chiếu hậu của xe. Đại thể là thế, con gái rất hay cảm động bởi những hành động nhiều khi mang tính vô thức. Hương bảo: -Em ép chiếc lá này nhé? -Ừ, kể cả em đóng khung mạ vàng cũng được. Tôi thấy đầu Hương gật gù. Bỏ mẹ, có khi cô ta đi đóng khung thật. Tôi hơi hối hận vì đã đùa quá đà. Giá như tôi biết hối hận trước khi làm gì, thì mọi thứ đã khác. Mà hình như con người chỉ có khả năng hối hận sau khi đã thực hiện xong, chứ nếu biết hối hận khi chưa làm thì xã hội này chắc buồn lắm. Đầu tiên là các nhà đạo đức học sẽ thất nghiệp, vì làm gì có ai hư hỏng. Mà khi họ thất nghiệp, có lẽ họ sẽ là người hư hỏng đầu tiên. Tôi dừng lại ở hàng kem Hồ Tây. Bao giờ cũng thế, ra đến hồ là chúng tôi ăn kem. Nó tự nhiên đến nỗi có thể ví với việc sáng ra người ta phải làm vệ sinh. Tôi kem cốm, Hương ăn kem ốc quế. Cô nàng cắn từng miếng nhỏ, có vẻ thích thú lắm. Chợt tôi thấy cô gái xanh-cao-gầy, cô gái mà thằng Nam dọa đừng động vào nếu không muốn bỏng tay. Cô ta ngồi đối diện với một thằng cha mà nếu tôi tả thì sẽ có hai cách. Một cách vần điệu là cao hơn Tây-gầy hơn Ta-đen hơn châu Phi, còn cách dân dã hơn là thêm tí lông nữa là thành khỉ. Cô ta cười nói có vẻ thích thú lắm. Chỗ cô ta ngồi cũng là hàng kem của công ty kem Hồ Tây, nhưng những món ở đó thường đắt hơn chỗ chúng tôi ngồi đến ba bốn lần. Cô ta nhìn thấy tôi. Cười khẩy. Điệu bộ đó làm tôi thấy sôi máu trong người. Mặt tôi đanh lại. Vẻ ngoài của tôi làm cho đôi tình nhân ngồi đối diện tưởng tôi sắp đánh họ đến nơi, nên vội vã bỏ đi. Hương thì vẫn ngây thơ ngồi cắn kem rồi đòi thêm một que kem sữa dừa nữa. Nhưng khi nhìn thấy mặt tôi, Hương chủ động đứng lên mua. Đi trên đường, Hương hỏi tôi: -Anh làm sao thế? -Không sao đâu-tôi đáp, và cố tạo ra một nụ cười-em muốn đi đâu nữa không? -Thôi, mình về đi anh. Ngày mai anh còn đến trường. -Anh không đến, đó là điều chắc chắn. -Anh phải đi lao động mà? Tôi lắc đầu: -Đến anh còn chẳng bắt được mình lao động thì đừng ai có hy vọng. Hương nhoẻn miệng cười. Là một cô gái ngoan, Hương luôn thán phục những hành động vượt ngoài khuôn khổ của tôi. Không như những cô gái khác, Hương thường xuyên cổ vũ những hành động mà người khác cho là kỳ quái của tôi. Đại khái như khi tôi được điểm 10 trả bài miệng mà lại chỉ học khi đi từ bàn cuối lên bảng, Hương rất ngưỡng mộ. Hay là khi tôi không làm bài mà nộp ngay giấy trắng, Hương cũng đồng tình. Cô bé bảo là như thế, anh là người anh hùng, chứ không như những đứa khác, vì sợ điểm phẩy thấp mà sinh ra quay cóp, chép bài. Khi tôi đậu đại học nhờ sức của ba tôi, Hương cũng nói nếu bây giờ anh bỏ học, em cũng ủng hộ, vì như thế anh là người biết tự trọng. Nhưng vì sức ép của gia đình, hình như tôi cũng mất đi sự tự trọng đáng ra phải có. Hương cũng chẳng bình luận gì. Dù sao, tôi cũng hơi xấu hổ. Nhất là khi xem đề thi của mấy trường ưa thích, tôi lại càng xấu hổ hơn. Bởi với đề như vậy và sức học của tôi, nếu không có gì nghiêm trọng xảy ra, việc tôi đậu là điều hiển nhiên. Tôi không nói điều này với Hương, vì cho rằng mọi việc cũng qua rồi. Tôi đưa Hương về đến nhà. Rồi quẳng cả xe máy vào nhà Hương, do lười dắt xe về nhà. Bởi nhà tôi có một trật tự để xe theo giá trị kinh tế. Xe của tôi đắt tiền nhất, phải để ở trong cùng. Xe của mẹ tôi ở giữa, còn chiếc Cup cà tàng của ba tôi thì để ngoài cùng, như mời gọi lũ trộm mau đến khuân đi để ông còn lên đời xe khác. Nhiều lần chị gái tôi điện về, giục ba thay xe máy. Nhưng cụ già không nghe, nói là bao giờ có tiền thì mua ô-tô. Ước mơ cả đời cụ là có nhà ba tầng và xe hơi bốn bánh. Vế trước đã thực hiện được từ việc bán căn nhà tập thể và cả gần chục năm tích lũy xứ người của chị tôi, còn vế sau thì ba tôi đang cố gắng thực hiện bằng nỗ lực cá nhân mà theo tính toán của tôi, đến khi ông một trăm hai mươi tuổi thì sẽ thành hiện thực. Mẹ tôi đón tôi bằng một tràng liên thanh đạo đức và lời dặn: -Con về tắm rửa, đi nghỉ sớm. Ngày mai còn đến trường làm lao động công ích. Không được bỏ qua bất cứ hoạt động nào của nhà trường. Là sinh viên nghĩa là người lớn rồi, không được tự động bỏ học hay nói ngang như trước. Thầy cô giáo có giảng bài gì thì ghi chép đầy đủ. Chỉ mấy năm nữa thôi con sẽ bước vào đời... Tôi bỏ lên gác, và cũng bỏ ngoài tai những lời răn dậy đến phát nhàm được phát theo những giờ nhất định của mẹ. Trước kia tôi rất hay cãi mẹ, nhưng là cố tình. Tôi cứ khơi cho mẹ tôi mắng sa sả, trong lúc đó, tôi ngồi im nghĩ những chuyện chẳng đâu vào đâu cả. Mẹ tôi không phải là người phụ nữ lắm điều. Mà là bà không được toại nguyện trong cuộc sống. Điều này thì tôi biết, mặc dù với người ngoài, mẹ luôn tỏ ra mãn nguyện, gia đình yên ấm. Đi đâu mẹ cũng chỉ có hai điệp khúc là ca ngợi chồng và con gái. Cũng phải thông cảm với mẹ tôi. Bà cũng rất cố gắng, nhưng đến tuổi này, vẫn chỉ là một cán bộ nghiên cứu quèn trong một viện khoa học mà số giáo sư tiến sỹ nhiều không kể xiết. Lên đến phòng, tôi lục chiếc ampli sản xuất từ năm một ngàn chín trăm hồi đó ra xem. Chiếc ampli này tôi mua từ một bãi đồng nát. Nó rỉ hoen rỉ hoét, cắm điện vào mà mọi thứ vẫn đứng yên. Nhưng với tôi thì nó là một báu vật . Bởi những linh kiện trong đó đều là hàng tuyển chất lượng cao. Công việc đầu tiên của tôi là dò lại sơ đồ mạch. Việc này đơn giản, bởi với sự phát triển vũ bão của internet, người ta còn tìm kiếm được những thứ cổ hơn mấy cái sơ đồ mạch này. Nhưng chỉ tìm kiếm được một lúc, tôi đã lăn ra ngủ, quên cả việc nhắn tin lại cho Hương.
Rất tuyệt Truyện của người đẹp này dạo này ngả theo trường phái " hồi tiếp" rồi, trật tự ngăn nắp hơn hồi trước phá cách viết theo kiểu Zê_Rô_Fít_ bách . hic
...... He he, em chẳng đọc văn học hiện đại Việt Nam mấy nên chắc là em không buồn, chỉ buồn khi không được đi đồng nát. Thứ nhì nữa là em chế lăng nhăng cho vui, bác lại ví em với nhà văn thì em vui mới phải chứ. Cảm ơn bác
Em bắt giò tý nhé. Phần 1: đồng chí "tôi' và bạn đi ăn thì là mùa hè. Phần 2 đồng chí "tôi' đi với Hương đã là mùa thu lá vàng rơi rồi. Em nói vậy thôi. Bác viết tiếp đi, rất nhiều fan hâm mộ đang chờ phần tiếp đó.
Mối tình chạm thu, tới thu và không qua mùa thu nó mới đẹp :mrgreen: , cái nè là chắc sắp tới cao trào :idea:
3. Tôi bình thản nhìn những sinh viên đi vào trường. Tôi hơi nheo mắt lại, và hình dung thấy cái cổng trường đại học hóa thành chiếc bẫy chuột. Những con chuột mặc áo trắng tung tăng đi vào trong cái bẫy, nói cười hể hả. Khoái trá với suy nghĩ của mình, tôi tủm tỉm cười. Vài người nhìn tôi như thể nhìn một thằng mới từ Trâu Quỳ sổng ra. Một chiếc xe bốn bánh phóng như ăn cướp trên con đường hẹp, bóp còi inh ỏi. Biển số đẹp. Xe đẹp. Tôi đi vào trường, bởi đứng mãi ngoài cổng cũng chán. Từ trên chiếc xe mang đầy dáng vẻ khoe mẽ ấy, cô gái xanh-cao-gầy bước xuống. Tôi nhận ra cô ta bởi dáng người. Hôm nay, cô ta diện một bộ đồ thể thao, càng làm phoom người cao lên. Sinh viên cùng trường, tôi lẩm bẩm. Có điều không biết cô ta học khóa nào. Tôi rảo bước đến chỗ tấm biển chỉ dẫn. Theo sơ đồ thì toàn bộ sinh viên năm đầu phải tập trung ở sân vận động. Chắc là để nhổ cỏ. Đây là một trong những nghi thức hình như còn sót lại từ thời hợp tác xã. Hồi đó thì tác dụng tốt, nhưng bây giờ nó chỉ còn là đề tài đàm tiếu của mọi người. Tôi đi tiếp ra chỗ gần sân vận động. Đã có những sinh viên cúi xuống, chăm chỉ miệt mài nhổ cỏ. Có lẽ với bọn họ, việc đó là đương nhiên. Tôi thì khác. Chẳng ai bắt tôi làm được những việc vô nghĩa như thế cả. Vả lại, không làm những việc đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới. Theo suy luận của tôi, để xét sinh viên, người ta trông vào điểm thi, chứ trường đại học làm gì có giờ sinh hoạt mà bình bầu hạnh kiểm. Vậy nên, chẳng việc gì phải lo về mấy cái thủ tục đầu năm. Tôi thấy cô gái kia lầm rầm điều gì đó với người phụ trách đám sinh viên nhổ cỏ. Chỉ thấy mặt người phụ trách giãn ra, cười toe toét. Không cười mới lạ, khi một cô gái xinh như thế ghé sát vào tai mà tâm sự. Cô gái tất tả đi ra ngoài. Dường như cô ta không trông thấy tôi. Cô ta đi đến quán cà-phê ngoài cổng rồi bước vào. Tất nhiên là tôi đi theo. Quán cà-phê khá đẹp so với những căng-tin nhan nhản ngoài cổng trường. Ngoài cổng ốp đá, biển gỗ rất cầu kỳ . Đi vào bên trong, những bộ bàn ghế mây nhỏ có chỗ dựa rất xinh xắn. Tường treo những bức ảnh đen trắng chụp nào là bà mẹ quê cười hở lợi, em bé địu em, cô gái dân tộc đeo gùi vv..Trên bàn quầy bar có đặt một đầu băng cối hiệu TEAC và một máy quay đĩa hiệu Thorens. Chứng tỏ chủ nhân rất có gu nghe nhạc, hoặc rất chịu khó tìm hiểu. Bởi đây là hai thương hiệu quen thuộc một thời, phổ biến như kiểu Honda 67 hay 81 kim vàng giọt lệ. Quán vắng khách. Anh chủ quán, người béo tốt, tóc để dài, mặc một chiếc áo thổ cẩm, niềm nở hỏi tôi dùng gì. Tất nhiên là cà-phê đen cho nó ra vẻ đàn ông, mặc dù tôi chúa ghét cái loại đồ uống này. Tôi chỉ quen uống trà và nước vối. Tôi rít một hơi thuốc lá. Nét mặt làm ra vẻ cực kỳ trầm tư, mặc dù lúc này đầu tôi tối như hũ nút. Cố không nhìn vào cô gái, mà chỉ ngắm qua tấm kính dưới mặt bàn được phản chiếu ánh sáng. Cô gái có vẻ như không biết đến sự tồn tại của tôi. Cô ta uống từng ngụm cà-phê nhỏ, gương mặt tỏ rõ sự mãn nguyện. Tôi cũng thử uống một ngụm. Thì ra cà-phê không đến nỗi đắng và chua như tôi tưởng. Rất ngon và rất thơm, mặc dù tôi quên chưa cho đường. Anh chủ quán lắp cuộn băng cối vào máy. Tiếng máy chạy xè xè một lúc rồi nhạc đệm của chương trình Sơn ca 7 vang lên. Tôi kêu lên: -Sai tốc độ rồi anh ơi. Anh chủ quán gật đầu, rồi chỉnh về tốc độ 7 ½. Tôi lại nhấp thêm một ly cà-phê nữa. Anh chủ quán hỏi tôi: -Chú em cũng biết chơi băng cối à? Được lời như cởi tấm lòng, tôi gật đầu hồ hởi: -Dạ, em có chơi băng cối. Nói chung em rất thích những âm thanh analog. Đời em chưa ghét cái gì bằng ghét công nghệ số. Anh chủ quán gật đầu: -Công nghệ số có cái hay của nó. Có điều anh lớn tuổi rồi, nghe đĩa than băng cối dễ hơn. Ở nhà chú em dùng dàn máy hiệu gì? Tôi mỉm cười: -Em tự lắp đồ để nghe. -Chú em là dân điện tử? -Dạ không ạ, em học trường này. Năm đầu tiên-những chữ này tôi cố tình nói rất rõ để cô gái có thể nghe được. -Lạ nhỉ-anh chủ quán lẩm bẩm-lắp được đồ nghe là trình độ phải khá lắm. Thiếu chút nữa là tôi đã khoe khoang với anh chủ quán về niềm đam mê với các thiết bị nghe nhìn của mình từ thời niên thiếu. Đến mức mà nhiều khi tôi chỉ ước giá được sinh ra ở một gia đình khác để khỏi phải đeo trên vai gánh nặng của bằng cấp. -Anh xin lỗi, phải vào nhà làm nốt ít việc. Em cứ ngồi đây nhé-Anh chủ quán lịch sự gật đầu chào. Tôi cũng gật đầu đầy kiểu cách. Bên kia, cô gái lấy điện thoại ra, nhắn tin cho một ai đó. Tôi cảm thấy rằng , nếu mình không chủ động bắt đầu câu chuyện, thì mọi thứ sẽ mãi như hai đường thẳng song song. -Bạn cũng là sinh viên năm đầu à ? Cô gái thoáng ngạc nhiên, rồi thủng thẳng gật đầu cộng thêm vẻ lạnh lùng. -Tôi cũng là sinh viên năm đầu. Cũng trốn lao động như bạn. Cô gái khẽ nhếch mép cười. Làm tôi hơi khó chịu. Nhưng với một người đẹp như thế này, chẳng nên để tâm làm gì. Cô ta bắt chuyện đã là một tín hiệu tốt với tôi. -Sao bạn lại cười? Cô gái không đáp, uống một ngụm nước lọc. Rồi ngẩng đầu lên nhìn tôi: -Tại sao bạn lại theo tôi? Ngẩn người ra một giây. Vì tôi không nghĩ cô gái lại hỏi trực tiếp đến như vậy. Nhưng cũng không mất nhiều thời gian để tôi tìm ra câu trả lời theo cách của mình: -Có lẽ vì tôi thích làm như vậy. -Mất công vô ích thôi bạn ạ. Đừng thấy đỏ mà ngỡ là chín. Nói xong, cô gái đứng dậy, sau khi đã để lại một tờ 50 ngàn trên mặt bàn. Quá nhiều cho một ly cà-phê. Tôi ngẩn người ra. Và thấy cô ấy càng lúc càng đẹp hơn. Trong đầu tôi vạch ra đủ kế hoạch, nhưng cái nào cái đó thay nhau bị xóa sổ. Với một người con gái kiểu này, những trò nhảm nhí con nít đó chắc chắc không hiệu quả. Nhưng tôi cũng đủ bình tĩnh để đi theo cô gái. Cô ta có vẻ sốt ruột. Tôi đoán là do người lái xe không đến đón đúng giờ. Tôi chạy như bay vào nhà xe, giúi vội tờ tiền vào tay người bảo vệ mà không chờ giả lại. Nổ máy, rú ga chạy ra ngoài. Cô gái không còn đứng ở chỗ cũ nữa. Lúc này tôi mới nhìn chiếc xe máy cuả mình. Tuy là xe côn tay, đắt tiền, nhưng chắc gì cô ta đã chịu ngồi lên, một khi đã quen ngồi ghế rộng trong xe hơi. Bụng bảo dạ, có lẽ nên bỏ cái dự định viển vông này cho nhẹ người. Nhưng trò đời, hễ cái gì bí hiểm, con người ta lại càng muốn lao vào. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Có điều bây giờ, quay về chỗ thằng bạn thân nói khoác một lúc cho thoải mái đầu óc. Thằng Nam sặc lên cười , mặc dù mặt tôi cực kỳ nghiêm túc. Nó bảo: -Theo tao, Hương quá đủ và quá xứng với mày, đến mức mày... -Thôi, thôi-tôi xua tay-tao chán cái điệp khúc muôn thưở này lắm rồi. Nó thở dài: -Đời là thế. Người có thì không cần , người cần thì không có. Rau nhà hàng xóm bao giờ cũng tốt hơn rau nhà mình. -Mày không cần phải triết lí thì cũng giống mấy nhà hiền triết Hy Lạp cổ lắm rồi. -Tao chỉ ước mơ có một cô bạn gái hiền thục, dễ chịu, sau này cưới làm vợ, thế là đủ. Đến phát bực với thằng này. Trong khi con người ta luôn cố ngước lên cao, thì ước mơ của nó chẳng khác gì của một lão nông tri điền. Nhưng dù sao, ở hoàn cảnh nó, cũng chẳng nên nghĩ ngợi viển vông. Tôi gật đầu: -Quá dễ. Mày cần không, tao sẽ vơ đại một em gái chân chất cho mày. -Có làm được không? Làm được hẵng nói. -Tao không nói suông. -Cảm ơn mày. Xin đãi mày một chầu bún đậu vỉa hè. Tôi làm mặt giận, đứng lên: -Lòng người đen bạc. Cả một công trình như thế mà giả bằng một suất bún đậu. Anh coi thường tôi vừa vừa thôi. Thằng Nam cười. Tôi gật gù. Sẽ phác ra cho nó một kế hoạch cực kỳ hoàn hảo. Và cũng là để giết thời gian trong mấy tuần đầu chưa phải học hành gì.
4. Hương rủ rỉ với tôi về chuyện cô nàng có người theo đuổi. Ở lớp học tiếng Anh. Hắn ta là một công chức hay đại loại thành phần nào đó mà khi đi làm không được mặc gì ngoài áo trắng quần đen. Hắn ta hơn Hương độ chục tuổi gì đó. Hương nói, em cũng muốn từ chối thẳng thừng nhưng ngại, vì anh ta quá lịch sự. Thật ra, tôi cũng chán Hương đến tận cổ, chán cả những câu nói ủng hộ, chán cả những cái đồng tình. Bởi nhiều khi, những cơn cãi cọ, những xung đột nho nhỏ lại làm người ta yêu nhau hơn. Hương phẳng lặng quá. Nhưng khi tôi chưa chia tay Hương, mà lại có người tán tỉnh, thì lại là chuyện khác. Tôi hỏi Hương: -Thế anh ta có làm sao không? -Làm sao là thế nào ạ? Hương ngạc nhiên nhìn tôi. -À, anh muốn nói là sao ở tuổi đó mà anh ta vẫn chưa có bạn gái, mà lại phải cưa cẩm những cô gái kém anh ta cả một thế hệ. -Anh đừng nghĩ thế-Hương đáp-sao anh không nghĩ là em có gì đó đáng để anh ấy cưa cẩm. -Tất nhiên, nếu không thì anh cũng chẳng yêu em làm gì-tôi đáp-nhưng những thằng đàn ông kiểu đó là có vấn đề. -Chẳng có vấn đề gì cả. Tôi cười: -Được rồi. Anh sẽ cho em thấy. Em hẹn anh ta đến nhà chơi đi. Nói chuyện một lúc nữa, thì tôi thấy quả là ông bạn đáng kính của Hương không những có vấn đề, mà còn kỳ quái không bút nào tả xiết. Một anh chàng con ngoan trò giỏi từ khi còn rất nhỏ. Tức là nếu năm nào chẳng may anh ta không phải là học sinh giỏi hay đại loại như thế thì mẹ anh ta ngay lập tức sẽ dọa thắt cổ tự tự vì không chịu được nhục. Với bảng thành tích như vậy, việc anh ta được du học là điều tất yếu. Đại khái là bảng thành tích của anh ta đủ để làm lóa mắt một người bình thường. Nhưng kèm theo đó là những đặc điểm cũng rất khác người. Hương kể, anh ta chỉ thích ăn rau củ quả nấu nghiền để tránh thuốc sâu, vì anh ta đọc báo thấy ở Việt Nam rau xanh không được sạch sẽ. Tóm lại là theo suy luận của tôi, ai làm vợ anh này cũng rất mệt. Nếu chẳng may khi đi về mà hai dép không để trên cùng một đường thẳng thì khả năng phải viết giải trình là rất cao. Tôi nghĩ, nếu cho anh chàng này cùng kết hợp với chị gái tôi, chắc chắn sẽ thành một cặp bài trùng lí tưởng. Hôm sau, Hương gọi điện cho tôi. Vừa bước vào nhà, đã thấy chàng trí thức ngồi ở ghế. Dáng vẻ trầm tư như một hiền triết, mắt lờ đờ nhìn xa xăm. Nếu Hương không kể qua, tôi có cảm giác đây là một nhà thơ bước ra từ màn ảnh , hoặc một trí thức của thời trước Cách mạng. Anh ta nở một nụ cười không rõ là tươi hay héo nữa. Hương hồ hởi , đúng như kế hoạch. Giới thiệu tôi là anh con nhà bác. Chàng trí thức vồn vã bắt tay tôi. Bàn tay anh ta lạnh ngắt, ẽo uột. - Anh công tác ở đâu? - Anh ta hỏi như một cán bộ tổ chức hỏi thẩm vấn nhân viên đến xin việc. Tôi đáp lại bằng một giọng trầm trầm: -Tôi là dân xã hội. Anh ta gãi gãi đầu: -Dân xã hội là như thế nào nhỉ. Tôi chưa hề nghe qua. -Tức là tôi không thuộc một cơ quan đoàn thể nào cả. Anh ta cốc vào trán một cái, rồi gật gù: -À tôi hiểu rồi. Có thể anh nói tránh đi, nhưng anh thuộc về giang hồ đúng không? Tôi lừ mắt nhìn anh ta. Và phát hiện ra là khi nói chuyện, chàng trí thức này luôn không nhìn vào mắt người đối diện. -Đúng. Tôi ra ngoài làm ăn từ lâu rồi. Nói chung là vất vả, nhưng tự do tự tại. Không phải luồn cúi bất cứ bố con thằng nào. Thích thì làm ,không thì nghỉ. Anh ta thở dài một tiếng rồi nói: -Thú thực, tôi cũng thích cuộc sống như vậy. Anh có biết không, từ nhỏ, tôi đã chỉ thích làm những nghề nào hay phải đi xa, như thủy thủ, lái tầu, hoặc thậm chí là lái xe tải. -Vậy tại sao anh không làm? -Làm thế nào được hả anh? Bố mẹ tôi bắt tôi học từ nhỏ. Học và học. Thậm chí khi tôi học xong, họ lại nhồi cho tôi những thứ khác. Trong khi tôi muốn chơi đùa với bạn bè, thì họ bắt tôi nào là học đàn, học hội họa. Tôi đành phải đi học. Mà tôi dốt những thứ ấy đến mức các thầy giáo còn phải bảo bố mẹ tôi là đừng cho cháu theo nữa, mất thời gian. -Vậy là anh lại được chơi rồi. -Không đâu. Thay vì nghe lời các thầy giáo, bố mẹ tôi quay sang mắng họ là không có phương pháp giảng dậy, rồi thì con tôi học rất giỏi, hà cớ gì mà lại không học được mấy nốt nhạc hay mấy đường cọ. Với họ, học văn hóa là khó nhất, là đáng quý nhất. Thế là tôi tiếp tục phải học. Học một lèo mấy chục năm. Tôi định ra ngoài làm ăn, nhưng khi biết ý định, mẹ tôi lăn ra khóc, rồi dọa tự tử. Tôi chẳng còn cách nào khác là phải làm theo ý định. May mắn thay, tôi hiểu những gì mà anh trí thức này giãi bày. Hoàn cảnh tôi nào có khác gì. Nhưng tôi thì khác. Tôi dám làm những thứ mà ở hoàn cảnh đó, ít ai dám chống lại. Tôi cũng có ước mơ của mình. Cũng giản dị như chàng thanh niên kia. Từ lâu rồi, tôi chỉ muốn theo nghề điện tử mà cụ thể là lĩnh vực âm thanh. Tôi có thể bỏ hàng giờ, thậm chí hàng ngày ròng rã chỉ để đọc một mạch điện, chỉ để nối ráp những thiết bị với nhau. Khi tôi nói ý định đó với một số bạn bè , thì đại đa số đều nói rằng vậy cứ học rồi thi vào Bách Khoa hay Tổng Hợp gì đó. Nhưng chẳng ai hiểu là, với gia đình tôi, học ngành kỹ thuật chẳng khác gì đi làm thợ. Phải học, nghiên cứu khoa học xã hội mới là khoa học đích thực. Thậm chí ngay cả những ngành mà nghe tên đã thấy nực cười mà ba mẹ tôi vẫn cho là ngành cao siêu, đáng kính nể. Tôi mới suy luận rằng, với ba mẹ tôi, cái gì càng viển vông thì càng khả kính. Còn cái ngành đó có ích gì cho xã hội không thì chẳng có gì quan trọng cả. Nhưng tóm lại là buổi tối hôm đó, tôi và anh trí thức giãi bầy với nhau đến quá nửa đêm. Hương ngồi bên cạnh, mắt nhắm mắt mở, thỉnh thoảng lại ngáp một cái cho nó giống người buồn ngủ mà vẫn không tiễn nổi hai ông gàn dở. Trong thâm tâm, tôi lại muốn ghép hai người với nhau. Bởi vì tôi đã có trò chơi mới. 5. Tôi đi nhanh lên cầu thang. Đây là buổi học đầu tiên trên giảng đường. Tôi không muốn đến muộn, nhưng chẳng hiểu sao, đêm hôm trước lại bị mất ngủ, dù không dùng một chất kích thích nào, cũng chẳng phải do xốn xang trước những thay đổi mới. May quá, không muộn giờ. Bởi những sinh viên vẫn đứng lố nhố ngoài hành lang. Mà đã quá giờ học đến năm phút. Kết luận đầu tiên của tôi là trường đại học ít nghiêm túc hơn trường phổ thông. Tôi có thói quen rút ra kết luận rất sớm và luôn cho rằng đó là cái đúng nhất. Không muốn đứng chung với đám lố nhố với những khuôn mặt ngố hơn cả những thằng ngố mà tôi tưởng tượng ra sau khi đọc truyện cổ tích. Tôi đi xuống đường. Chọn một chiếc ghế đá,ngả người ra thành ghế, bắt chân chữ ngũ, rồi rút thuốc lá, châm lửa hút. Có vẻ như điệu bộ này không ăn nhập lắm với khung cảnh của một trường đại học, cho nên rất nhiều ánh mắt đổ vào tôi. Không hơi đâu mà quan tâm đến người đời, bởi tôi còn mải vật lộn với sự chán chường. Tôi thấy ghen tị với những khuôn mặt hồ hởi kia. Sao người ta lại có thể vui như thế được cơ chứ. Tôi lại ước sao mình quay lại tuổi thơ, để được sống với những niềm vui lạ kỳ, những niềm vui vô giá. Những niềm vui chỉ đơn giản như bắn trúng viên bi, hay sút trúng viên gạch dựng làm gôn. Hoặc có khi còn là niềm vui khi nhận được phiếu bé ngoan. Giá như ai đó bán lại niềm vui đó, tôi sẵn sàng bỏ tất cả để mua chúng. Nghĩ vậy thôi, chứ giá mà có ai làm được chuyện vĩ đại đó, tôi cũng chẳng có gì mà mua. Chính vì thế mà không nên dè sẻn sự tưởng tượng. Nó không làm mình giầu được như dè sẻn cái ăn cái mặc. Tôi giật mình khi cảm thấy sự vắng lặng. Tôi chạy như bay lên giảng đường. Từ xa, tôi nhìn thấy thầy giáo đang chém tay rất mạnh vào không khí. Giảng đường rộng, có đến ba cửa ra vào. Tôi chọn cái cửa xa bục giảng nhất, rồi ngồi vào chỗ ghế trống, nhẹ nhàng như một thằng ăn trộm. Một khuôn mặt quay lại nhìn tôi rồi quay đi rất nhanh. Đó là cô gái xanh-cao-gầy. Tôi khẽ nhếch mép cười. Cái này phim kiếm hiệp họ gọi là oan gia đường trốn hẹp. Với tôi, đây là một cơ hội. Tôi nói rất nhỏ: -Cho tôi xin tờ giấy. Cô gái không quay lại, đưa cho tôi một tờ giấy trắng rồi cúi xuống, ghi chép như đại đa số người đang ngồi trong giảng đường. Tôi để ý thấy ông thầy giáo đột nhiên nói rất chậm. Kết luận thứ hai của tôi là trường đại học chẳng khác quái gì trường phổ thông, giáo viên vẫn đọc bài cho học sinh -ở đây thay bằng sinh viên-chép. Tôi rút cây bút máy gài ở túi áo ngực ra, giả vờ viết gì đó lên trên, nhưng nắp bút vẫn chưa rút ra. Bởi vì nếu không làm vậy, tự nhiên mình thành lạc loài. Mặc dù tôi biết chính xác là những gì ông giáo kia đọc sẽ có trong sách giáo khoa hay một tài liệu gì đó tương tự như thế. Trái với vẻ ngạo đời thường ngày, trong lớp học, Xanh-Cao-Gầy tỏ ra rất chăm chỉ. Cô chép bài với một sự cẩn túc khó thấy. Tôi gập đôi tờ giấy, rồi gập làm bốn, làm tám, lấy con dao nhỏ trong túi, nhè nhẹ rọc ra làm những tấm nhỏ. Tấm đầu tiên, tôi viết lên trên đó mấy chữ Bạn là người có đôi mắt đẹp nhất mà tôi biết rồi đưa sang cho cô gái. Và tôi , ngay lập tức, cố đóng một vẻ mặt lạnh lùng. Xanh-Cao-Gầy chuyển mẩu giấy lại . Mặt tôi đỏ dần lên. Mẩu giấy viết Cậu đúng là trẻ con. Tôi thấy máu chạy rần rần trong người. Chắc chúng tức hộ tôi. Cảm ơn chúng mày, nhờ chúng mày mà ta mới bình tĩnh lại được. Tôi viết vào một mẩu giấy khác, Cảm ơn bạn. Nếu được làm trẻ con, tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả. Lần này, Xanh-Cao-Gầy có vẻ ngạc nhiên, nhìn chăm chú vào mẩu giấy. Trên bục giảng, ông thầy giáo nhỏ người mà to giọng vẫn đang sang sảng mô phỏng lại giáo trình theo cách của mình. Một phút sau, Xanh-Cao-Gầy chuyển lại cho tôi mẩu giấy Tôi cũng thế, nhưng thời gian chẳng quay lại được. Trời đất ơi, chúng tôi biến thành những kẻ bán than mất rồi. Lần này, tôi quyết định không viết thêm gì nữa. Và nhân lúc vị thầy giáo đang tỉ mẩn viết lên bảng tiêu đề bài học, tôi đi ra ngoài. Dừng lại trước cửa lớp, tôi rút một điếu thuốc, châm lửa hút, thả một hơi khói rồi đi ra. Xanh-Cao-Gầy nhìn theo, vẻ ngạc nhiên lắm.
Lần này truyện lạ quá. Cứ gần cuối post mới dính tí audio vô. Bác ơi đoạn cuối em ko hiểu lắm. trở thành hai kẻ bán than là sao nhỉ. Truyện của bác cứ liên quan tới than là em thấy khó nghĩ lắm. :lol:
Chuyện bịa như thật. SV năm nhất mà như này thì gái theo cả đàn việc gì phải đi cưa cho lắm nhọt. Bác trẻ hóa lại nhân vật chính đê. Đại loại nó phải có tí rung động kiểu đầu đời, chứ mới có 18t mà bác cho hút thuốc với uống riệu như điên thế thì sợ nhân vật chính sống không quá đc 40t.
Em không biết bác loadeu là ai, nhưng xuất thân, hoàn cảnh vào ĐH, tâm tình của nhân vật chính em có biết một người, con trai út của một vị Giáo Sư rất nổi tiếng của trường em ngày xưa. Bây giờ thầy em không còn nửa, người con trai này ra sao em cũng không rõ .... Đọc truyện của bác chủ làm em nhớ đến thầy.
................ Audio chỉ là cái lý do để mọi người đến với nhau, VNAV là vậy. Còn văn chương là nơi ở đó ai cũng thấy một phần nào đó của mình trong đó. Chả biết em nghĩ đúng hay sai. Nhà văn là người vui trước niềm vui của người khác, buồn trước nỗi buồn của người khác. Thế nên thường bảo nhà văn là............hâm :lol: :lol: