Dear các bác, Trong quá trình tìm hiểu về những ca khúc để làm album nhạc thì em thấy những ca khúc nổi tiếng đều gắn liền với những câu chuyện tình buồn và lãng mạn... Vì vậy, em sưu tầm và đăng lại các bài viết trên mạng để các bác đọc chơi. Mấy năm trước, khi đọc những câu chuyện này em rung động lắm nhưng chỉ biết vậy mà thôi, em mơ ước có một ngày hiện thực hóa được tinh thần và tình yêu các nhạc sỹ đã gửi gắm. Giờ đây, em đã có thể, và sẽ cố gắng làm điều đó ! Trân trọng,
CHUYỆN TÌNH "HƯƠNG GIANG DẠ KHÚC" CỦA LƯU HỮU PHƯỚC Thứ tư, 04/01/2012 - Trần Văn Khê Nguồn: http://vnmusic.com.vn/p1325-chuyen-tinh ... phuoc.html Năm 1943, chúng tôi gồm: Lưu Hữu Phước, Mai văn Bộ, Huỳnh văn Tiểng, và Trần văn Khê còn đang theo học tại Hà Nội. Lúc nầy anh Phước được giới trẻ hết sức hâm mộ với các bài hát dành cho thanh niên của anh. Một hôm, anh Phước nhận được một lá thư của một nữ sinh Huế tên là Thu Hương. Thư ca ngợi tài năng và lòng yêu nước của anh Phước. Nhưng tiếc thay thư lại viết bằng tiếng Pháp. Đọc thư Lưu Hữu Phước không bằng lòng, Phước viết thư trả lời: "Thưa cô, Cô là người Việt mà tôi cũng là người Việt, không hiểu tại sao cô lại viết thư cho tôi bằng tiếng Pháp? Vì thế cô cho phép tôi trả lời cô bằng tiếng Việt". Ngay sau đó, Phước nhận được lá thư thứ hai, cô nữ sinh giải thích lý do vì sao cô phải viết bằng tiếng Pháp: "Vì tôi quý trọng Nhạc sĩ lắm, nhưng mà tôi là con gái không có quyền gọi nhạc sĩ bằng Anh, mà gọi bằng Ông thì xa xôi quá. Vì thế tôi đã phải mượn tiếng pháp để tự xưng là Je (tôi) và gọi nhạc sĩ bằng Vous (anh) một cách bình thường mà lại giữ được sự thân mật. Nếu điều đó đã vô tình làm nhạc sĩ bực bội thì tôi xin nhận lỗi vậy". Lưu Hữu Phước vỡ lẽ, Không những không trách nữa mà còn khen: "Cô này là con gái Huế sâu sắc thiệt ". Từ đó thư qua, thư lại đến mười mấy cái nữa. Đến khi trường Đại học đóng cửa, Phước cùng Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ về Nam. Khi tàu chạy đến ga Huế thì Phước nhảy xuống đi tìm Thu Hương. Phước tìm đến đúng địa chỉ hay gời thư thì mới biết địa chỉ đó không có thật. Lưu Hữu Phước thất vọng vô cùng. Không gặp được Thu Hương, Phước đi lang thang men theo con đường chạy dọc sông Hương. Anh định một lúc rồi ra ga mua vé tàu đi tiếp vào SG, thì may mắn gặp được một người bạn. Anh bạn mừng rỡ hỏi Phước đi tìm ai? Phước kể lại sự tình đi tìm Thu Hương ở địa chỉ mà anh hay gởi thư. Anh bạn cười và cho Phước hay - địa chỉ đó chưa bao giờ có ở Huế. Đó chỉ là một cái cốt đặt ở Bưu điện. Nghe vậy Phước lại càng thất vọng. Anh bạn mời Phước về nhà ở lại. Nhà anh bạn có hai cô em gái cũng đang học trường Đồng Khánh. Được gặp Lưu Hữu Phước hai cô mừng lắm, họ bèn chạy đi mời một số bạn gái nữa về nhà chơi, nghe Phước nói chuyện. Các cô nữ sinh kính phục lắm. Nhưng Phước không để ý đến ai cả mà chỉ thổn thức mơ tưởng đến Thu Hương mà thôi. Nhưng không ai biết Thu Hương là ai cả. Và cũng không ai biết số người đến nhà chơi, có ai là Thu Hương hay không. Nói chuyện xong, các cô mời anh Phước xuống thuyền dạo chơi trên sông Hương. Nhìn thấy các cô nhón chân bước xuống thuyền đẹp quá, Phước hết sức xúc động. Hình ảnh đó cũng làm cho Phước tưởng nhớ đến Thu Hương mạnh mẽ hơn. Nó đã gợi cho Lưu Hữu Phước sáng tác bài Hương Giang Dạ Khúc. Bởi thế trong bài hát có những câu: "Nhón chân bước xuống thuyền, tình tôi thương nhớ ". "Làn hương thu, mờ trong bóng chiều, vờn rung nắng ngà, nhẹ đưa đưa xa, làn hương thu ". Bài nhạc được viết xong nhưng Phước vẫn không gặp được Thu Hương. Sau năm 1945, trước khi đi kháng chiến Phước đưa cho tôi bài Hương Giang Dạ Khúc và nói: "Tôi đặt bài nầy có tên mà không có mặt, nhưng hình ảnh người đó phải là một cô gái Huế. Bài nầy tặng cho các cô gái Huế nhưng chỉ đưa cho Khê coi chơi thôi, chớ không được hát ra công chúng. Nếu lỡ hát thì không được nói tên tác giả ". Lúc đó cuộc kháng chiến đã bắt đầu, tình cảm trong Hương Giang Dạ Khúc không thích hợp với cái ý chí mạnh mẽ của tuổi trẻ thời bấy giờ. Vì thế, tôi đã giữ trọn lời căn dặn đó. Anh Phước đi kháng chiến rồi đến tôi đi. Trước khi rời thành phố, tôi được các cô mời họp mặt. Các cô yêu cầu tôi hát Hương Giang Dạ Khúc. Không thể từ chối được. Tôi hát mà không nói ai là tác giả. Tôi hát chưa hết bài thì trưởng đoàn đến giục đi, các cô không chịu: "Không được, phải hát hết bài nầy rồi mới được đi". Xe đến, các cô đóng cửa lại cái rầm và bắt hát hết. Các cô khen: " Hay quá ! Của ai vậy?”. Giữ lời hứa với anh Phước, tôi bảo: "Của một nhạc sĩ không tên. Vì không tên nên ai cũng nhớ". Năm 1961 tôi qua New York dự Hội nghị Âm nhạc Thế Giới. Ăn cơm Mỹ ngán hết sức, thấy ở gần khu Đại học có một tiệm cơm VN, tôi mừng quá, vội vào ăn ngay. Chủ tiệm là người VN, biết tôi cũng là người VN nên mừng lắm. Người vợ chủ tiệm nói: -Tôi biết anh là Trần Văn Khê bạn của Lưu Hữu Phước, phải không? -" Sao cô biết? - VN có mấy người như các anh mà không biết. Sau mấy câu xã giao, chủ khách thêm thân mật, như đã thân quen tự bao giờ. Thế là tất cả những món ăn Huế như: bánh bèo, bánh khoái, bún bò... có món Huế gì ngon đều đem ra mời hết mà không lấy tiền. Từ hôm đó, ngày nào tôi cũng ra ăn cơm Huế. Đến bữa cuối cùng tôi bảo không ăn cơm Huế nữa, vì phải dự chiêu đãi bế mạc hội nghị. Bà chủ nhà hoảng hồn, nói toáng lên: -Trời đất ơi !Biết anh sắp rời Mỹ, tối nay tôi mời trên 30 người VN đến nghe anh nói chuyện âm nhạc VN và chia tay. Anh đi dự chiêu đãi thì chết tụi tui rồi!". Không thể bỏ qua cuộc gặp mặt hiếm có nầy, tôi phải bỏ cuộc chiêu đãi bế mạc hội nghị để làm vui lòng chủ tiệm người Huế. Lúc đó người VN ở Mỹ chưa nhiều. Với số lượng hơn ba chục người là đông lắm rồi. Hơn ba chục mà có đủ ba miền Bắc - Trung - Nam. Trong lúc nói chuyện, tôi hát một câu hò miền Nam, ca mấy điệu Nam bình Nam ai, và ngâm mấy câu Sa mạc. Hò miền Nam thì người miền Nam chảy nước mắt. Ca Huế thì người miền Trung lấy khăn chặm nước mắt. Ngâm Sa mạc thì người miền Bắc khóc. Đến khi ai cũng đã chảy nước mắt cả rồi thì bà chủ nhà hỏi: -Anh có biết bài Hương Giang Dạ Khúc không? -Biết, nhưng sao chị lại biết bài đó? Bà chủ nhà không trả lời mà lại hỏi: -Anh hát được không? -Được Tôi hát. Khi tôi hát đến câu :"Làn hương ơi làn hương, mờ xóa bóng ai yêu kiều ", bà chủ nhà ôm mặt khóc. Khóc nức nở. Chồng chị biết những giọt nước mắt đó không phải dành cho mình, nhưng anh đã là lấy khăn lau nước mắt cho vợ. Anh ôm vợ vào lòng. Một cử chỉ thật đẹp và thật vị tha. Không một lời nói ghen tuông tầm thường nào. Bà chủ lại hỏi: -Anh có biết Lưu Hữu Phước đặt bài đó cho ai không? - Biết, đặt cho Thu Hương. - Anh có biết Thu Hương là ai không? Là tôi đó. Tôi hơi ngờ: -Không, lâu nay tôi nghe tên chị là Lan kia mà. -Lan là tôi, mà Thu Hương cũng là tôi. Trời đất ơi! Sao lại có sự trùng hợp lạ lùng như thế. Trong bài hát có câu "Lan Hương Thu”, mà Lan Hương Thu cũng đều là tên của chị. Là người trong cuộc, thế mà chị cũng hết sức ngạc nhiên: "Hương Thu là bí danh của tôi, tên thật là Lan. Tại sao ông Phước đặt bài hát có cả ba chữ Lan Hương Thu?". Tôi hỏi: "Có bao giờ chị có ý định gặp lại anh Phước không?”. Thu Hương đáp: “Không! Nhưng nếu anh gặp anh Phước, nói hộ với anh ấy, tôi đã hai lần lập gia đình nhưng không bao giờ tôi quên anh Phước - người đã sáng tác bài Hương Giang Dạ Khúc. Lâu lắm tôi mới nhận được bài hát nầy nhưng tôi biết anh Phước dành bài hát nầy cho tôi". Như thế là tôi đã vô tình tìm được con người mà Phước đã không được gặp mặt hơn mười lăm năm trước. Từ đó tôi trở thành người bạn thân thiết với gia đình Thu Hương. Mười lăm năm sau (1976 ) nước nhà thống nhất, tôi gặp lại anh Phước ở Hà Nội. Sau lúc mừng rỡ, nói chuyện chung xong rồi, tôi kéo anh Phước ra nói nhỏ: "Tôi đã gặp Thu Hương rồi". -Gặp ở đâu? -Ở New York! - Bây giờ Thu Hương ở đâu? Tôi phải nói một sự thật: "Thu Hương đã trở nên người thiên cổ rồi. Do một tai nạn máy bay cách đây sáu, bảy năm!”. Tôi nói đến đó nước mắt anh Phước lưng tròng. Và mắt tôi cũng ngấn lệ. Đó là một kỷ niệm không thể nào quên. Ngày truy điệu anh Phước tôi hát lại bài Hương Giang Dạ Khúc và nhắc lại chuyện nước mắt lưng tròng năm 1976. Lúc đó, Thu Hương đã ra người thiên cổ nhưng Phước vẫn còn là người dương trần. Bây giờ tôi khấn trước hương hồn anh: "Ngày hôm nay tôi hát lại bài nầy, trong giờ phút nầy, biết đâu bạn ở bên kia thế giới đã gặp lại Thu Hương chăng?!". Tôi hy vọng anh Phước đã gặp lại con người mà trên trần thế anh chưa hề gặp mặt. Kể lại chuyện nầy với hy vọng các nhà sưu tập nhạc Lưu Hữu Phước bổ sung vào Toàn tập nhạc của anh thêm một bài nhạc mà theo tôi là rất hay.
Nhạc sỹ Hoàng Giác: Hơn 60 năm một giấc “Mơ hoa” Đỗ Anh Vũ - Thiên Anh 02/11/14 09:45 Nguồn: http://www.ngaynay.vn/Nhac-sy-Hoang-Gia ... 64373.html “Tan giấc mơ hoa/ bóng người khuất xa/ đôi đường từ đây/ ai bước đi không hẹn ngày/ người tuy xa cách/ nhưng lòng ta khắc ghi/ bên đèn một bóng/ tháng ngày chờ mong...” Ai đã từng một lần nghe đến giai điệu mượt mà đầy thơ mộng ấy hẳn sẽ không thể nào cưỡng lại sự hấp dẫn ma mị của nó. Nỗi buồn phảng phất với những lời ca mượt như nhung đã làm say đắm rất nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam hơn 60 năm qua. Và đằng sau giấc mơ đẹp đó là một mối tình đầy lãng mạn của nhạc sĩ tài hoa Hoàng Giác và thiếu nữ Hà Nội nổi tiếng một thời, bà Kim Châu hoa khôi phố Quán Thánh. Giờ đây khi tuổi đời đã xấp xỉ 90, hai ông bà vẫn nhìn nhau với ánh mắt say đắm lòng người khiến cho không ít người phải ghen tỵ. Mơ hoa – mối tình đầu chưa kịp ngỏ Nhạc sĩ Hoàng Giác cùng tuổi và học chung một lớp ở trường Bưởi với cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Dzoãn Mẫn... Cụ thân sinh ra ông là một người chơi đàn bầu rất hay, nhưng lại ham mê môn quyền anh và từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn quyền anh Bắc Kỳ. Vì vậy cũng không có gì lạ khi thời trẻ, nhậc sĩ Hoàng Giác rất say mê các môn thể thao. Cùng lúc đó cậu học sinh trường Bưởi cũng bắt đầu học chơi nhạc. Đầu năm 1945, khi mới 21 tuổi, ông viết bài hát đầu tiên và đây cũng là bài hát được nhiều người biết đến, yêu thích nhất trong những sáng tác của ông - bài Mơ hoa. Bài hát này ông viết để tặng cho mối tình đầu của mình, một bóng hồng đã nhiều năm ông thầm thương mến. Chia sẻ với chúng tôi ông cho biết “Năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô ấy mới 16 tuổi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai cô gái mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài hát để tặng cô ấy, tất nhiên, trong lòng đã mang một giấc mơ. Thế à “Mơ hoa” ra đời và là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”. Những rung động đầu đời trong trẻo đã dẫn lối cho ông vào đề một cách rất tự nhiên “Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân/ Trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời/ Lòng không lưu luyến, sao đành cô lãng quên/Quên người gặp gỡ, trong một chiều mơ”. Thế nhưng điều ít ai ngờ là khi nhạc sĩ Hoàng Giác chưa bao giờ có dịp bày tỏ lòng mình. Và chàng sinh viên lãng tử ấy đã gửi gắm tất cả lòng mình vào bài hát đầu tay của mình. Những tưởng khi ca khúc Mơ Hoa được hoàn thành, chàng lãng tử Hoàng Giác sẽ có trọn trái tim người trong mộng thì cô gái kia đã trở về Hà Đông và kết hôn với một người đàn ông ở làng lụa Vạn Phúc. Giấc “mơ hoa” ấy của nhạc sĩ Hoàng Giác bất thành nhưng ông đã đặt những dấu ấn đầu tiên của mình trên con đường âm nhạc. Và có lẽ chính ông cũng không thể ngờ rằng ca khúc đầu tay ấy của mình lại là chiếc cầu nối đưa ông đến với tình yêu và hạnh phúc đích thực của đời mình. 60 năm và mối tình bất tử Nhạc sĩ Hoàng Giác không chỉ là một nhạc sĩ tài hoa mà ông sở hữu một chất giọng rất ấm áp và truyền cảm. Bởi thế nên có một cô gái chỉ sau vài lần theo bố mẹ đến dự những buổi trình diễn ca nhạc tại Nhà Hát Lớn đã thấy tâm hồn mình rung động và thầm ao ước chàng nhạc sĩ tài hoa kia là ý trung nhân của mình. Người con gái ấy có tên Kim Châu, người được xem là một trong những “ gia nhân bậc nhất đất kinh kì” bấy giờ. Thiếu nữ Kim Châu ở cùng với cha mẹ trong một ngôi biệt thự nhỏ trên đường Quán Thánh, trong một mái nhà lề nếp gia phong và là niềm mơ ước của không ít những tài tử, thương nhân…một thời. Cách Mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, nhạc sĩ Hoàng Giác hăng hái tham gia. Trong tuần lễ Vàng ở hà Nội, Hoàng Giác đã đăng đàn diễn thuyết, tài ăn nói của chàng đã thu về nhiều thắng lợi cho ngân sách của chính phủ non trẻ. Đứng lẫn trong đám đông lắng nghe chàng diễn thuyết có “ giai nhân đường Quán Thánh”. Cô đã lặng lẽ tháo tất cả vòng, xuyến bỏ vào thùng ủng hộ Cách Mạng. Vậy là thêm một lần nữa trái tim tiểu thư Kim Châu lại rung lên vì nhạc sĩ Hoàng Giác. Thế nhưng chàng nhạc sĩ tài hoa kia nào có biết được những thổn thức của trái tim Kim Châu. Và như một định mệnh, năm 1951, sau sáu năm kể từ những rung động đầu tiên trong tâm hồn trong trắng, thanh khiết của “giai nhân đường Quán Thánh” một cơ duyên đã đến với nàng, khi song thân của nhạc sĩ Hoàng Giác cậy nhờ mai mối đi hỏi tiểu thư Kim Châu về cho con trai họ. Nhắc đến đây, nhạc sĩ Hoàng Giác khẽ nhìn vợ mỉm cười, ông chia sẻ “ Tất cả chỉ có thể là định mệnh, bởi vì lúc ấy, tiểu thư Kim Châu là mơ ước của biết bao người, tôi nào có ngờ trong trái tim bà ấy có hình bóng của tôi. Ông trời đã nhìn thấu nỗi lòng của bà Kim Châu nên đã se duyên cho tôi và bà ấy”. Lời cầu hôn của nhạc sĩ Hoàng Giác lúc ấy với tiểu thư Kim Châu đã khiến cho cả Hà Nội xôn xao và làm tan nát trái tim của không ít chàng trai. Thậm chí còn có người can ngăn bố mẹ nàng không nên gả con cho “ thằng nghệ sĩ nghèo rớt mồng tơi”. Thế nhưng chỉ có nàng Kim Châu là hiểu rõ nội tình và hân hoan chấp nhận lời cầu hôn. Tình yêu và đám cưới của họ đã làm rung động cả mảnh đất kinh kì. Bà Kim Châu bảo bà khi đó rất hạnh phúc vì đã gặp được người trong mộng. Còn nhạc sỹ Hoàng Giác kể lại cho đến tận trước ngày đưa nàng về dinh ông vẫn không tin được hạnh phúc lại tìm đến với mình tuyệt vời đến thế. Đám cưới của đôi tài tử giai nhân ấy diễn ra khi ông khi ông 29 tuổi còn bà vừa tròn 19 tuổi. Long đong Ngày về Thế nhưng vẫn chưa hết những thăng trầm trong cuộc tình đẹp như mơ của hai ông bà, 15 năm sau ngày cưới những ca từ tuyệt đẹp của tuyệt phẩm “ Ngày về”: Tung cánh chim tìm về tổ ấm/Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm/Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi/Luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh/Tha thiết mong tìm về bạn cũ/Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió/Vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây/Mờ khuất xa xôi nghìn phương… bài hát mà nhạc sỹ Hoàng Giác ưng ý nhất lại chính là ca khúc mang đến cho ông nhiều giông bão trong cuộc đời. Bài hát với những giai điệu thao thiết của nó như thấm vào tâm hồn người nghe một tình yêu thiết tha quê hương xứ sở, nó miên man, hoài niệm và dặt dìu, nó tưới mát cho sự cằn khô của những người xa quê trong ngày trở lại. Số phận của ca khúc này trong lịch sử âm nhạc Việt Nam cũng thật lắm thăng trầm. Sau khi được một số ca sĩ hát ở ngoài Bắc, vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, rất ngẫu nhiên, giai điệu của Ngày về được chính phủ Việt Nam cộng hòa chọn làm nhạc hiệu cho chương trình Chiêu hồi. Tai họa ập xuống mái nhà nhỏ của ông bà tình cờ nhưng đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của họ. Sự trớ trêu của số phận đã biến bà Hoàng Giác đã từ vai trò một người vợ yếu đuối, thành người lo toan chuyện cơm áo, chạy vạy nuôi cả gia đình! Bà kể, trong suốt thời gian đằng đẵng ấy, đã có không biết bao thức trắng, cúi xuống chiếc máy may cũ kỹ, cầm lên những que đan sờn tróc... để may vá, đan thuê cho người... Thời gian ấy, để cứu sống chồng con, bà cũng không từ bất cứ công việc gì, kể cả những việc chỉ đem lại cho bà một lợi tức bèo bọt, như phết hồ dán bao nylon... Nhưng bóng đêm ấy cuối cùng cũng đi qua. Chính bản thân giai điệu không thể cưỡng nổi của Ngày về đã tìm được ngày trở lại đích thực cho mình. Sau năm 1975, bài Ngày về mới được hát trở lại ở ngoài Bắc với nhiều giọng ca nổi tiếng như tài tử Ngọc Bảo, Cao Minh, Lê Dung, Ngọc Tân…nhưng Hoàng Giác ưng ý nhất vẫn là giọng hát Mai Hoa. Và nó trở thành một trong những bản nhạc được yêu thích nhất của dòng nhạc tiền chiến vang bóng một thời của nền tân nhạc Việt Nam Như vậy đã hơn 60 năm đã đi qua, hai ông bà đã trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc sống nhưng hình như tình cảm ngày đầu ấy chưa hề phai nhạt. Ở tuổi gần chín mươi ông bà vẫn xưng hô với nhau là anh em như thủa ban đầu. Khi đến thăm ông bà tôi đã thật sự cảm động khi nghe giọng bà nhẹ nhàng “ Em lấy cho anh cái áo tiếp khách nhé”. Ông trả lời từ tốn “ Ừ, em lấy cho anh cái áo sơ mi kẻ sọc trắng hồi sáng ấy”. Còn vợ ông, tiểu thư Kim Châu ngày nào vẫn nói về ông với nguyên vẹn sự yêu thương và tự hào “Ông nhà tôi hóm lắm cô ạ, có hôm đi tập thể dục về ông khoe hôm nay vừa được dự buổi hòa nhạc các tác phẩm của mình. Hóa ra ông ấy đi bộ và chợt nghe nhà ai đó mở các bài Ngày về, Mơ hoa, Lỡ cung đàn... ông dừng lại nghe chăm chú rồi cảm thấy rất vui” Tôi chưa thấy một cặp vợ chồng già nào xưng hô anh em và nói chuyện với nhau tình tứ, lịch lãm như thế bao giờ. Chia tay chúng tôi nhạc sỹ Hoàng Giác không khỏi bùi ngùi, ông tâm sự “Tôi sáng tác không nhiều và so với các nhạc sĩ cùng thời thì đóng góp của tôi cho nền âm nhạc nước nhà không được bao nhiêu. Bây giờ già rồi, cũng không làm được gì nhiều nữa. Vì yêu nghệ thuật và nhớ âm nhạc nên dạy guitar cho thêm vui tuổi già. Phương châm sống của tôi lúc này là: sức khỏe trên hết! Nhạc sĩ nào có được vài bài hát mà mọi người yêu thích là hạnh phúc lắm rồi!...”. Ông nói chậm rãi, rồi nhấp chén nước. Căn phòng chợt im lặng. Ông trở về với những hoàn cảnh, cảm xúc khi viết các bài hát của mình. Đó là một phần cuộc sống của người nghệ sĩ già khá trầm lặng này. Có lẽ ông đang tiếc nuối một điều gì đó?... Nhưng chỉ cần hai tuyệt phẩm Mơ hoa và Ngày về thì lịch sử tân nhạc Việt Nam chắc chắn mãi mãi ghi dấu tên ông.
Bác thiện còn sourse 70 năm tình ca việt nam không? . Đang quan tâm và hình như nhiều người cũng quan tâm
Em mời bác ạ, chưa đầy đủ lắm nhưng cũng gần 1 GB. Cái này không chỉ là sách audio gối đầu giường của các nhà sản xuất âm nhạc mà hữu ích cho tất cả những ai tìm hiểu về tân nhạc Việt Nam. Em vừa up lên dropbox của em, link download như sau: https://www.dropbox.com/s/x18ju7ofrctty ... m.zip?dl=0 Chúc các bác vui !
Một chút giai thoại về bài hát Mộng Dưới Hoa NGUYỄN ĐÌNH CƯỜNG Nguồn: http://www.hocxa.com/Nhac/PhamDinhChuon ... hCuong.php Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã đóng góp nhiều tác phẩm thật đẹp, như những hạt kim cương lóng lánh, vào kho tàng tân nhạc Việt Nam - đây tôi không có tham vọng trình bày về sự nghiệp sáng tác phong phú và giá trị của ông, mà chỉ xin ghi lại một giai thoại nhỏ đã được chính ông kể trong một lần tôi chở ông trên xe khi đi thăm ca sĩ Hoài Trung đang nằm trong một bệnh viện ở Pasadena vào năm 1990. Khi tôi hỏi về trường hợp sáng tác bản Mộng Dưới Hoa thì ông cho hay là khoảng năm 1957 gì đó, ông đọc tập thơ Đường Vào Tình Sử của Đinh Hùng, thấy bài Tự Tình Dưới Hoa hay hay, có nhiều hình ảnh đẹp, lời thơ có vẻ cổ điển ước lệ với mỹ nhân, với trăng sao, mây nước, suối rừng, mơ mộng v,v..., ông bèn âm ư nho nhỏ trong miệng, rồi bật ra thành những nốt nhạc đầu tiên, và ông đã ghi lại trên giấy. Khi phần nhạc đã hoàn chỉnh thì chỉ có một số lời thơ được giữ nguyên văn, ngoài ra chính ông và thi sĩ Đinh Hùng đã gọt giũa lại rất nhiều. Đến phần điệp khúc, thì cấu trúc của bản nhạc lại thay đổi, không thể dùng 7 chữ được vì chỉ có 6 nốt, nên ông đã yêu cầu Đinh Hùng đặt lời mới cho đoạn đó. Dĩ nhiên công việc này không quá khó khăn với nhà thơ và cũng có phần đóng góp của chính Phạm Đình Chương. Từ đó hai đoạn điệp khúc 6 chữ đã được lồng vào giữa bài hát, một cách rất khéo léo, tự nhiên và nhất quán, nghĩa là vẫn giữ được không khí rất lãng mạn và cổ điển của bài thơ. Nhớ lại hồi còn ở trong nước, mỗi lần từ Đà Lạt về Sài Gòn, vợ chồng tôi đều đến phòng trà Đêm Màu Hồng để nghe ban Thăng Long trình diễn. Thỉnh thoảng chúng tôi được nghe chính tác giả bài hát này. Đặc biệt mỗi lần hát đến câu "Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại" thì ông ngừng lại ngang xương khiến ban nhạc lỡ bộ, rồi nói: "Lả bóng, các bạn ạ, đừng hát Là bóng, mất đẹp của câu thơ đi." Nói xong câu đao ông lại say sưa và mơ màng hát tiếp, ban nhạc lại ngoan ngoãn đệm theo. Có thể nói bài hát Mộng Dưới Hoa là một hòa hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc của hai người bạn và cũng là hai thiên tài về thi ca và âm nhạc của chúng ta. Đây cũng là một trong những bản tình ca tuyệt đẹp của nền tân nhạc Viêt Nam. Tuy nhiên trong tuyển tập 20 bài thơ phổ nhạc nhan đề MỘNG DƯỚI HOA xuất bản năm 1991 tại Orange County, Pham Đình Chương lại ghi chú tên bài thơ là Dưới Hoa Thiên Lý. Có thể nhạc sĩ đã nhớ lầm chăng? Sau đây chúng ta thử đọc lại cả nguyên bản bài thơ và phần lời của bản nhạc: Nguyên bản bài thơ: Tự Tình Dưới Hoa Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng: Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại, Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng. Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay, Ôi mộng nào hơn giấc mộng này? Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ, Nửa như hoài vọng, nửa như say. Em đến như mây, chẳng đợi kỳ, Hương ngàn gió núi động hàng mi. Tâm tư khép mở đôi tà áo, Hò hẹn lâu rồi - Em nói đi. Em muốn đôi ta mộng chốn nào? Ước nguyện đã có gác trăng sao. Truyện tâm tình: dưới hoa thiên lý, Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào. Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ, Nắng trong hoa, với gió bên hồ Dành riêng em đấy. Khi tình tự, Ta sẽ đi về những cảnh xưa. Rồi buổi ưu sầu em với tôi, Nhìn nhau cũng đũ lãng quên đi. Vai kề một mái thơ phong nguyệt, Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười. Lời bài hát: Mộng Dưới Hoa Lời 1: Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng, Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng. Mắt xanh là bóng dừa hoang dại, Âu yếm nhìn tôi không nói năng. Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ, Mây ngàn gió núi đọng trên mi. Áo bay mở khép nghìn tâm sự, Hò hẹn lâu rồi - Em nói đi. Nếu bước chân ngà có mỏi, Xin em dựa sát lòng anh, Ta đi vào tận rừng xanh, Vớt cánh rong vàng bên suối. Ôi, hoa kề vai hương ngát mái đầu, Đêm nào nghe bước mộng trôi mau. Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm, Và nguyện muôn chiều ta có nhau. Lời 2: Tôi cùng em mơ những chốn nào, Ước nguyền chung giấc mộng trăng sao Sánh vai một mái lầu phong nguyệt, Hoa bướm vì em nâng cánh trao. Hy vọng thơm như má chớm đào, Anh chờ em tới hẹn chiêm bao. Dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng, Hòa lệ ân tình nguôi khát khao Bước khẽ cho lòng nói nhỏ, Bao nhiêu mộng ước phù du, Ta xây thành mộng nghìn thu, Núi biếc, sông dài ghi nhớ. Ôi, chưa gặp nhau như đã ước thề, Mây hồng giăng tám ngả sơn khê, Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng. Và mộng em cười như giấc mê. (Ghi lai để hoài niệm Đinh Hùng và Phạm Đình Chương) Nguyễn Đình Cường (VĂN NGHỆ Magazine số 7-2001)
NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ NHẠC: NGÀY XƯA HOÀNG THỊ … (Nguồn: bài viết của Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên) Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc) đã từng gây xôn xao trong đời sống âm nhạc miền Nam. Cả thơ lẫn nhạc đều rất tuyệt vời… Từ tiếng hát cao vút của Thái Thanh, những ca từ của Ngày xưa Hoàng Thị chấp chới đi vào hồn người: “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ. Chim non lề đường, nằm im giấu mỏ. Anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê…”. Phải nói rằng, dạo đó thơ Phạm Thiên Thư là hiện tượng, bởi sau thành công của Ngày xưa Hoàng Thị, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thêm liên tiếp những ca khúc từ thơ Phạm Thiên Thư: Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa này, Gọi em là đóa hoa sầu… Người ta đua nhau tìm đọc thơ Phạm Thiên Thư – một tu sĩ Phật giáo – bởi hơi hướm thơ vừa nhuốm mùi thiền vừa vương tình trần. Thơ lục bát của Phạm Thiên Thư quá hay mà thơ 4 chữ (như bài Ngày xưa Hoàng Thị) lại cũng tuyệt… Chẳng thế mà tập thơ Đoạn trường vô thanh (hậu Kiều) của ông được trao Giải nhất văn chương – thể loại trường ca (Sài Gòn – năm 1973)… Rồi người ta đoán già, đoán non cô Hoàng Thị Ngọ là ai mà có sức hấp dẫn đến thế, khiến cho người thơ đã nương cửa Phật vẫn phải vướng mùi tục lụy? “Anh tìm theo Ngọ…” Phải đến 40 năm sau tôi mới có dịp diện kiến nhà thơ Phạm Thiên Thư, khác với những gì tôi mường tượng: tác giả Ngày xưa Hoàng Thị không mang dáng dấp thư sinh, nho nhã mà đẹp như một… “lão ngoan đồng”. Ông hiện là chủ quán cà phê Hoa Vàng ở cư xá Bắc Hải (Q.10, TP.HCM), tên quán chắc là để nhắc nhớ đến ca khúc ‘Đưa em tìm động hoa vàng’ nổi tiếng một thời? Câu đầu tiên ông “chào” tôi là một câu lục bát: “Dễ gì được một vần thơ/Mà nghe nghiệp chướng, lại ngờ tiền oan”. Rồi ông kể về Ngọ: “Rất đơn giản, tôi tuổi Thìn (1940), còn cô ấy tuổi Ngọ (1942) cho nên được bố mẹ đặt luôn tên là Ngọ. Cách nhau 2 tuổi nhưng học cùng lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) ở trường Trung học Văn Lang (khu Tân Định). Ngọ có dáng người thanh mảnh với mái tóc dài thả ngang vai. Mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô ấy đứng đầu hàng bên nữ, tôi đứng cuối hàng bên nam, tha hồ ngắm… Vào lớp, cô ấy ngồi bàn đầu, tôi bàn cuối. Ngọ học rất giỏi, còn tôi chỉ giỏi… đánh lộn (gia đình tôi vốn có truyền thống võ thuật). Có lần thầy giáo gọi tôi lên trả bài, tôi không thuộc nhưng thay vì lên tận bàn thầy giáo trên bục giảng, tôi chỉ đi đến ngang chỗ Ngọ ngồi thì dừng lại. Ngọ biết ý, mở cuốn tập ra cho tôi… liếc, đọc vanh vách! Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân, nhà Ngọ ở Trần Quang Khải, cũng cùng khu Tân Định nên đi về chung đường. Mỗi lần tan trường, cô ấy ôm cặp đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Tóc Ngọ bay bay trên đôi vai gầy nhỏ nhắn. Có những hôm trời mưa lất phất, cô ấy đưa cặp lên che ngang đầu. Tôi thấy thương quá, muốn làm một cử chỉ gì đó như là để chở che nhưng… thở mạnh còn không dám, nói chi là… Đậu tú tài xong tôi vào Đại học Vạn Hạnh”… “Tại sao ông lại trở thành tu sĩ Phật giáo?”. “À, như đã nói, gia đình tôi vốn có truyền thống con nhà võ, từng lập “Học hội Hồ Quý Ly” quy tụ cả trăm người, khiến chính quyền miền Nam lúc ấy nghi ngờ, phải giải tán. Năm 1964 tôi “trôi dạt” vào “ăn cơm chay” ở các chùa: Vạn Thọ (Q.1), Kỳ Quang, Bà Đầm (Q.Phú Nhuận), rồi Đại học Vạn Hạnh… Cho dù đã nương thân vào cửa chùa nhưng mỗi lần đi ngang qua con đường cũ, hình ảnh cô học trò ôm cặp, tóc dài bay bay trong gió vẫn thấp thoáng đâu đây… Và rồi những tứ thơ tràn về: “Em tan trường về/Đường mưa nho nhỏ/Chim non giấu mỏ/Dưới cội hoa vàng/Bước em thênh thang/Áo tà nguyệt bạch/Ôm nghiêng cặp sách/Vai nhỏ tóc dài… Em tan trường về/Cuối đường mây đỏ/Anh tìm theo Ngọ/Dáng lau lách buồn… Em tan trường về/Đường mưa nho nhỏ/Trao vội chùm hoa/Ép vào cuối vở/Thương ơi vạn thuở… Ôi mối tình đầu/Như đi trên cát/Bước nhẹ mà sâu… Mười năm rồi Ngọ/Tình cờ qua đây/Cây xưa vẫn gầy/Phơi nghiêng dáng đỏ/Áo em ngày nọ/Phai nhạt mấy màu/Chân theo tìm nhau/Còn là vang vọng… Dáng ai nho nhỏ/Trong cõi xa vời/Tình ơi… Tình ơi!”… “Tại sao nhạc sĩ Phạm Duy biết thơ ông để phổ nhạc?”. “Là thế này, năm 1968, tôi có ra tập thơ đượm mùi thiền Phật giáo, in rất ít, chỉ để tặng bạn bè. Cụ Nguyễn Đức Quỳnh (nhà văn) đọc thấy thích mới giới thiệu với nhạc sĩ Phạm Duy, và nhạc sĩ đã phổ 10 bài đạo ca của tôi. Đó là cái duyên để đến năm 1971, nhạc sĩ Phạm Duy lại phổ nhạc bài Ngày xưa Hoàng Thị. Lạ một điều là bà xã tôi bây giờ lại rất giống Ngọ, có thể nói là một chín, một mười”. Hà Đình Nguyên
Tuyệt quá bác ah! Hi vọng các bác trong diễn đàn ai có những giai thoại gắn liền với các bài hát hay thì share lên topic này, để anh em cùng hiều sâu thêm về bài hát đó!
Bữa trước em lọ mọ đi tìm bác Phạm Thiên Thư - tác giả bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị, không gặp được bác vì bác đi chơi với bạn bè. Ngồi quán của bác, uống cà phê và mua được mấy tập thơ, sách về Phật pháp, thiền học... Mời các bác nghe bản mix sơ Ngày xưa Hoàng Thị - ca sỹ Diệu Hiền - hòa âm Duy Cường: http://www.audiospace.vn/wp-content/upl ... gh-mix.mp3 Chúc các bác một chủ nhật lãng mạn như bài hát này !
Hôm nay bác Khê từ giã cõi tạm, những nốt nhạc cuối cùng của bài "Hương Giang Dạ Khúc" cũng vừa xong, chỉ tiếc một điều chưa kịp thu âm để mang tới tặng bác http://www.audiospace.vn/wp-content/upl ... melody.mp3
Chào các bác, Em cần tìm bài hát phát trên đài PT SG đầu năm 1973 khi Hiệp định Paris mới ký xong, bài hát có câu: Ô bà con ơi ra xem hòa bình, hòa bình đã về trên trên quê hương mình (em không nhớ chính xác lắm) giọng ca thì giống giọng Sơn Ca, bài hát nghe rất vui. Em đã nghe rất nhiều băng nhưng chưa lần nào gặp bài hát này. Bác náo biết tên bài hát hoặc có bài hát này thì cho em xin/mua nhé. Cảm ơn các bác.