Tamnhin.net)- Nhịp sống thời hiện đại công nghiệp sao thật nhanh: mới vừa tách cà phê sáng, chưa kịp làm gì đã đến trưa rồi chiều qua mau, loáng cái đã hết một ngày. Công việc nối tiếp công việc khiến đôi lúc người ta quên mất rằng mình có hàng xóm láng giềng! Mối quan hệ hàng xóm láng giềng "có vấn đề" (Ảnh minh họa) Nhớ về ngày xưa, “láng giềng” hai tiếng nghe sao thật gần gũi đến vậy. Ông bà, cha mẹ thường nhắc nhỏ con cháu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “hàng xóm láng giềng, sớm hôm tắt lửa có nhau”…Hàng xóm thường chạy qua chạy lại, khi thì xem ké ti vi, khi thì xin trái ớt, miếng chanh, nhánh tỏi, củ hành…Nhà nào có việc ma chay, cưới hỏi, cả xóm cùng xúm tay vào làm. Cuộc sống không dư dải nhiều vậy mà ai cũng thấy vui, làng xóm láng giềng gần gũi, thân thiết và cởi mở. Thế nhưng khi cuộc sống gắn thêm hai chữ “hiện đại”, mọi thứ đã thay đổi…Người ta vẫn nói “hiện đại” là “hại ...”, phải chăng vì vậy mà người ta ý thức cảnh giác với tất cả mọi thứ, và mối quan hệ hàng xóm cũng nằm trong chuỗi tư duy ấy. Ngày nay, không những cuộc sống nơi thành phố mà ngay các vùng nông thôn, người ta có tâm lý cảnh giác với hàng xóm. Nhiều vợ chồng vẫn thường nói vui với nhau: “Người láng giềng, đó là tấm gương của tôi” (Câu nói có tính chất châm biếm về tính chất đố kỵ, gièm pha, soi mói nhau giữa những người hàng xóm). Cuộc sống thành thị sống chen chúc, nhiều khi chính bà con láng giềng lại dễ gây ra hiềm khích cho nhau nhất: hất rác, đổ nước không đúng chỗ, cho chó phóng uế ra đường hẻm, xe người khác chạy qua cán phải…to chuyện hơn nữa là lấn chiếm từng cm đất, cãi nhau, đánh nhau, kiện cáo nhau….Chuyện nhỏ nhỏ, họp tổ dân phố thì do hàng xóm với nhau nên người ta ngại nói, ngại đụng chạm, lỡ có chuyện gì thêm căng thẳng nên mối hiềm khích càng ầm ĩ. Còn chuyện đã lớn thì coi như từ mặt nhau, sinh ra cảnh chuyện buồn kẻ này thành chuyện vui của kẻ khác….Và trong mọi trường hợp, tình cảm hàng xóm ngày càng “gần nhà xa ngõ”. Sinh thời, khi ông nội còn sống, ông thường dặn dò anh em chúng tôi rằng trái ớt, quả chanh, củ tỏi thật chẳng đáng gì, nhưng nó thể hiện lòng tốt, sự quan tâm của con người với nhau, giữa hai nhà hàng xóm. Hôm nay, mình cho dì Hai trái ớt, hôm sau dì ấy cho lại mình củ hành, củ tỏi…Giúp đỡ nhau không những thể hiện sự quan tâm đến nhau, mà còn là bổn phận của con người với nhau. Giữ hòa khí giữa xóm làng là việc khó, còn gây bất hòa lại rất dễ… Mỗi gia đình, mỗi người đều có quan niệm sống riêng. Có gia đình thích sống khép kín, có gia đình thích sống chan hòa, cởi mở với hàng xóm xung quanh. Có người kể rằng từng sống cạnh nhà một tay đạo chích mà không hề biết bởi với bà con hàng xóm, anh ta rất vui vẻ, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi ai có việc cần giúp đỡ. Anh ta “làm ăn” ở đâu không biết nhưng tuyệt nhiên không hề chôm đồ đạc của hàng xóm, đến khi xảy ra chuyện thì mọi người mới biết. Có thể thấy rằng bản chất con người vốn rất thân thiện với những gì xung quanh mình, chỉ tại con người cố tình làm trái với bản chất của mình mà thôi! Bây giờ trong phần lý lịch của công chức có thêm mục: Quan hệ với địa phương. Cơ quan phải cử người đến địa phương để lấy ý kiến về mối quan hệ xóm giềng của nhân viên. Có người cho rằng tôi sống thế nào kệ tôi, miễn là tôi làm tổt việc cơ quan. Từ đó mới nảy sinh chuyện người ta nhỏ to nhau chuyện anh này/chị ấy ở cơ quan như thế, nhưng ở tổ dân phố bị hàng xóm ghét lắm! Trong cái “ghét lắm” đó cũng phải xem xét nhiều khía cạnh, nhưng sống mà để hàng xóm “ghét lắm” thì có lẽ vẫn có nhiều điều đáng phải xem lại. Cũng nhiều người lại cho rằng mấy bà hàng xóm suốt ngày tụm năm tụm bảy ở đầu ngõ bàn tán chuyện nhà thiên hạ, mà toàn chuyện chẳng đâu vào đâu cả. Thể nên, tốt nhất mỗi khi về đến nhà là dắt xe vào, đóng ngay cửa lại, giao dụ với họ chị thêm bực mình. Có một cặp vợ chồng người Anh ở trọ cạnh nhà anh chị tôi, chục năm nay đều đặn mỗi năm một lần sang Việt Nam, thuê hẳn một căn nhà trong làng biệt thự Nam Long (Q.7, Sài Gòn) để làm việc và nghỉ ngơi. Khi được hỏi sang Việt Nam thích nhất là gì, cả hai vợ chồng đều trả lời thích nhất là buổi xế chiều được bắc ghế ra trước nhà nhìn…hàng xóm nói chuyện! Ở Anh đâu có được những cảnh tượng như thế! Mới thấy, văn hóa láng giềng, đôi khi mình có mà không biết giữ, còn người khác không có lại thấy thèm. Thanh Loan
Đọc thấy đúng thấy hay nhưng cũng không khỏi giật mình. Đi làm về chỉ biết ở nhà ít giao lưu với hàng xóm láng giềng quá,con cái thì đi học xong nhốt ở nhà cả ngày không dám cho ra ngoài qua hàng xóm chơi.Nhiều điều quá nói không hết.
Khổ chứ thích cái nỗi gì hở bác. Nó đi ra đi vào trêu ngươi mà mình mà có xơ múi được gì đâu . Chưa kể ngày đêm bọn choai choai nó đến ong ve càng làm mình điên tiết :evil: . Tiến thoái đều lưỡng nan nên tốt nhất là đừng mơ :mrgreen:
Hàng xóm giờ cũng nhiều cái ko vui, em thì 8 năm từ khi dọn đến ở chưa bước vào nhà bên cạnh, chắc tại em khó gần