Kim Ki Duk người đặc biệt nhất của điện ảnh Hàn Quốc Không biết mọi người có xem qua phim của ông này chưa, but riêng em thì đã xem một số phim như Srping, summer, autumn, winter...and spring, Beautiful, Breath...Cảm nhận riêng là không hoành tráng cầu kỳ nhưng nội dung và ngôn ngữ điện ảnh rất sâu sắc, cực đoan, đôi khi xem phim mà không phải để giải trí mà là để...đau cái đầu. Và riêng với em thì Kim Ki Duk là một trong những đạo diễn thiên tài quái đản nhất. Em không thích xem phim Hàn Quốc, nhưng Kim Ki Duk là một ngoại lệ. Xin giới thiệu với mọi người về Kim Ki Duk và một số phim hay trong các topic tiếp theo. Đạo diễn không bằng cấp! 45 tuổi và chỉ có 9 năm tuổi nghề, nhưng phim của Kim Ki Duk bao giờ cũng làm cho cả thế giới để mắt tới. Ngày 28/10 tới, đạo diễn Kim Ki Duk sẽ được đích thân Tổng thống Ý Carlo Azeglio Clampi trao giải Vittorio de Sica, một giải thưởng điện ảnh quan trọng của Ý. Đây là một kết quả có thể dự đoán được của Kim Ki Duk bởi bất cứ phim nào của ông cũng gây tiếng vang lớn tại các LHP quốc tế và tất nhiên nó cũng để lại cho người xem những ấn tượng mạnh mẽ, không thể lẫn vào đâu được. Và cũng từ phim của ông, người ta bắt đầu muốn biết đến con người của Kim Ki Duk như thế nào. 30 tuổi: lần đầu tiên bước vào rạp chiếu phim Đối với những đạo diễn khác thường ước mơ đạo diễn của họ được hình thành từ nhỏ thì Kim Ki Duk lại khác. Đến năm 30 tuổi, ông vẫn không biết rạp chiếu phim là gì. Sinh năm 1960 trong một gia đinh nghèo tại Bonghwa, đến năm 9 tuổi gia đình Kim chuyển đến Seoul. 17 tuổi, chàng trai họ Kim phải nghỉ học đế làm công nhân kiếm tiền trang trải cuộc sống. 20 - 25 tuổi làm phục vụ ở gần bờ biển, nơi mà Kim cho là tuyệt vời nhất và sau này, những phim của ông phần lớn lấy bối cảnh là biển hay sông nước. Sau đó, Kim có hai năm học thuyết giáo với hy vọng trở thành linh mục. Năm 1990, Kim đến Pháp làm nghề buôn bán tranh dạo trên đường phố. Một lần, Kim bán tranh gần rạp chiếu phim, ông đã vào xem thử cho biết.Như có một sức hút nào đó từ những hình ảnh trên phim. 3 năm sau Kim quyết định trở về Hàn Ouốc và bắt đầu mon men làm quen với điện ảnh bằng cách viết kịch bản. Ngay kịch bản đầu tiên Kim đã đoạt giải thưởng dành cho kịch bản xuất sắc nhất với tác phẩm Crminal Condemned to Death. Hai năm 1994 và 1995 Kim tiếp tục nhận hai giải thưởng cho hai kịch bản khác. Và lúc này đây, Kim bắt đầu muốn làm phim. Bộ phim đầu tiên Kim thực hiện là Crocodile vào năm 1996. Kẻ bị tâm thần! Có thể xếp Kim là người đặc biệt nhất của điện ảnh Hàn Quốc, 36 tuổi mới làm bộ phim đầu tiên. 9 năm sau đó thực hiện 12 phim thì có đến 8 phim đoạt giải thưởng quốc tế và trong nước (chưa kể phim The Bow mới nhất chưa tham dự LHP nào). Tổng các giải thưởng mà Kim có được đã lên đến con số vài chục. Mỗi phim của Kim đều có một nét riêng, rất lạ và kinh phí "rẻ như bèo" nhưng ai cũng phải công nhận một điều rằng Kim Ki Duk là một người kỳ dị. Phim của ông bao giờ cũng thể hiện nhân vật một cách trần trụi và tàn nhẫn, nhất là các nhân vật nữ. Nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng, mỗi khi xem phim của Kim, người ta vô cùng phẫn nộ nhưng vẫn xem, xem rồi lại đặt câu hỏi vì sao Kim lại làm nên những bộ phim quái quỷ đó. Ngay cả báo chí Hàn Quốc cũng không ngại trích dẫn và đồng tình ý kiến của khán giả khi gọi ông là "con quỷ" hay "kẻ bị tâm thần". Kim Ki Duk còn bị liệt vào những người kiêu căng và khó hiểu nhất Hàn Ouốc. Kim gần như không có bạn thân, cuộc sống cá nhân của ông ít được nhắc đến. Làm việc thì thầm lặng, quay phim thì "nhanh như điện"... Hiện nay, người ta còn đặt câu hỏi vì sao Kim không còn làm dạng phim "quái đản" như Bad Guy, Address Unknown, Real Fiction, The Coast Guard, Samaritan Girl, The lsle... mà lại có những phim như 3-Iron, Spring, Summer, Autumn, Winter... and Spring, và mới đây là The Bow với một gương mặt khác: tươi trẻ và đầy hướng thiện. Phải chăng Kim đã sợ những lời phê phán của mọi người hay ông đã chán với cách "hành hạ nhân vật" của mình? Thưa không! Đơn giản vì Kim cảm nhận cuộc sống hôm nay theo một cách khác. "Tôl làm phim là đề trả lời những câu hỏi tự mình đặt ra trong cuộc sống này. Mỗi ngày tôi cảm nhận cuộc đời theo một cảm xúc khác. Tôi đã viết và thực hiện những gì mình nghĩ", Kim cho biết. Theo Thể thao ngày nay
Spring, Summer, Fall, Winter and Spring Một thuyết luân hồi, một luật nhân quả với "những ái, ố, hỷ, nộ" của cuộc đời và cũng chính là một phần trong cuộc đời của Kim Ki Duk. Một bộ phim có tiết tấu rất chậm, ngay cả các tình tiết căng thẳng nhất, cao trào nhất cũng được thể hiện rất bình thản và nhẹ nhàng nhưng vẫn chuyển tải đầy đủ cảm xúc và ý nghĩa tới người xem. Xin trích dẫn: Bộ phim bắt đầu với mùa Xuân, mùa bắt đầu của một năm, mùa khởi sinh của vạn vật. Một ngôi chùa nằm giữa một hồ nước, cách biệt hoàn toàn với thế giới xung quanh, với hai người một già một trẻ ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Chú tiểu ngây thơ và đáng yêu trong ánh nhìn con trẻ, chắc chưa đầy 10 tuổi, hồn nhiên đến ác trong những trò nghịch ngợm trẻ con. Sư thày trầm mặc với những trải nghiệm của cuộc đời. Tất cả mới chỉ bắt đầu. Sang mùa Hạ, lúc này cậu bé đã trở thành một chàng trai với những khát khao khám phá. Đến khi có sự xuất hiện của một cô gái bị ốm đến dưỡng bệnh trong ngôi chùa, mọi việc đã thay đổi. Giữa chàng trai và cô gái, tò mò nhiều hơn là tình cảm, khao khát nhiều hơn là yêu thương, đã nảy sinh mối quan hệ cấm kỵ nơi cửa Phật. Cho đến khi nhà sư già bắt gặp đôi trẻ nằm bên nhau trong một buổi sớm mai, sự ra đi của cô gái là điều không thể tránh khỏi. Và, gần như một lẽ thường, ngay sau đó chàng trai đã bỏ ngôi chùa đã gắn bó từ thời ấu thơ để đi theo tiếng gọi của tự nhiên, mang theo bức tượng Phật duy nhất của ngôi chùa. Vào mùa Thu, ngôi chùa vẫn trầm mặc giữa sắc lá vàng ối như một bức tranh phong cảnh. Chàng trai đã trở lại, những thù hận, những sát khí ngời lên trong đôi mắt dữ dằn. Chàng đang chạy trốn sau khi đã giết chết người vợ của mình. Bức tượng Phật được chàng trai đặt lại vào chỗ cũ. Nhà sư già, đã biết rõ mọi chuyện, vẫn điềm nhiên như chưa hề có chuyện gì xảy ra, chỉ cho đến khi chàng trai định tự sát, ông mới thể hiện sự giận dữ của mình với trận đòn dữ dội dành cho chàng trai. Rồi đến khi hai thanh tra cảnh sát tìm đến ngôi chùa, bất chấp sự hoảng loạn của chàng trai, ông đã yêu cầu hai thanh tra cảnh sát này để cho chàng trai hoàn thành nốt việc khắc trên sàn gỗ bài kinh sám hối. Con dao gây án mạng được chàng trai mang theo, vẫn còn dính máu, giờ đây thành dụng cụ để khắc từng thớ gỗ trên sàn cho đến khi chàng trai gục xuống vì kiệt sức, sau khi đã khắc xong đến từ cuối cùng. Và khi tỉnh dậy, nỗi ngạc nhiên của chàng trai lên đến đỉnh điểm khi chứng kiến bài kinh đó đã được tô màu sơn với sự tham gia của cả hai viên thanh tra cảnh sát. Rồi nhà sư già đã tự hỏa thiêu trên con thuyền giữa hồ, trở về đất Phật sau khi hai viên thanh tra cảnh sát dẫn chàng trai về chịu tội trước pháp luật. Đến mùa Đông, mặt hồ phủ kín băng. Chàng trai, lúc này đã trở thành một người đàn ông trung niên, chin chắn và từng trải, trở về ngôi chùa cũ. Ông tỷ mẩn vớt từng viên xá lỵ tại nơi nhà sư già tự thiêu, và trở thành người kế tục tụng kinh niệm Phật trong ngôi chùa cô tịch. Và rồi một ngày, một người đàn bà che kín mặt bế một đứa trẻ trên tay đến ngôi chùa, những mong gửi gắm đứa bé vào nơi cửa Phật. Sự kỳ bí trong chi tiết người đàn bà không để cho ông gỡ khăn bịt mặt, và khi người đàn bà đó quyết định bỏ đi và bỏ mạng khi rơi xuống hồ mà người đàn ông đã khoét trước đó. Bộ phim không để cho người xem thấy mặt người đàn bà này khi nhà sư vớt xác bà ta lên và bỏ khăn bịt mặt. bên cạnh đứa trẻ đang bò trên mặt băng, khóc thảm thiết. Bộ phim kết thúc với vào chính thời điểm bắt đầu. Lại một mùa Xuân đến, và cậu bé kia, lúc này đã lớn hơn và lại bắt đầu những khám phá riêng về thế giới xung quanh. Và rồi, lại những trò nghịch dại… Dường như luật nhân quả thể hiện trong bộ phim như cũng thẩm thấu vào cảm xúc của người xem. Và một khía cạnh nữa là dường như khi xem phim, lòng người xem như hòa vào những gì tĩnh lặng, trầm mặc dường như đã tồn tại từ bao đời nay của những cảnh vật trong bộ phim. Bức tranh thiên nhiên bốn mùa như được vẽ bằng từng nét bút tài tình trong những cảnh quay ấn tượng. Dòng suối trong vắt lung linh trong mùa xuân, sắc nắng bừng sáng và bầu trời trong xanh của mùa hạ, sắc lá cây đỏ ối đến nào lòng của mùa thu, và màu băng tuyết trắng muốt đến lạnh buốt của mùa đông. Bộ phim là những khung ảnh thiên nhiên động và đầy xúc cảm. Xuân – Hạ - Thu – Đông, bốn thời khắc vĩnh hằng của thiên nhiên hay cũng là bốn giai đoạn của một đời người. Vòng quay vô thường của thiên nhiên, tưởng chừng như hoàn toàn độc lập với những tâm tư mỗi người, lại chính là chuỗi vận động theo quy luật của cuộc sống.
Phim này em xem cũng khá lâu rồi. Ấn tượng bộ phim đã để lại trong em là những cảnh quay cực kỳ đẹp, đặc trưng Bốn Mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thật sự nội dung phim rất đơn giản, nhưng lại ẩn chứa cái triết lý buồn man mác của nhà Phật. Phim thật ít lời thoại, rất gần với ngôn ngữ điện ảnh. Xem xong thấy lòng thanh tịnh hơn, hỷ nộ ái ố dường như bay đâu mất. Thật là một phim hay, góp phần xóa bớt định kiến phim Hàn. Các Bác chơi HD tìm phim này xem thử, em nghĩ sẽ ấn tượng với phần hình ảnh của phim. Thân,
Beautiful - Kim Ki Duk Beautiful Một câu chuyện buồn khá đơn giản và cũng xảy ra rất nhiều trong cuộc sống quanh ta, nhưng dưới lăng kính của Kim Ki Duk, mọi diễn biến tâm lý của người trong cuộc, mọi cảm giác, mọi vấn đề đều được mổ xẻ thật chi tiết, đi đến tận cùng, đẩy lên tột độ. Điều đáng quan tâm ở đây là bộ phim thể hiện rất rõ cảm nghĩ, chủ kiến cũng như cái nhìn có phần cực đoan của Kim Ki Duk. Một bộ phim dường như làm ra không phải để giải trí, cũng không quá quan tâm tới đối tượng người xem cảm nhận những gì, mà gần như chỉ để thể hiện suy nghĩ của Kim Ki Duk. Nhưng dù sao cũng thật khâm phục cái cách ông làm, cách ông suy nghĩ xây dựng vấn đề, chăm chút từng chi tiết. Ông đã đặt người xem vào góc nhìn của ông, và cũng là góc nhìn của một người thứ ba chứng kiến toàn bộ câu chuyện, biểu lộ xúc cảm, sự phẫn nộ, cũng như sự đồng tình. Và bộ phim này cũng khẳng định thêm một lần nữa, phim của Kim Ki Duk không có điều gì là vô cớ, bất cứ chi tiết nào cũng đều nằm trong sự tính toán và hàm chứa ẩn ý của tác giả trong đó. Đấy cũng là một trong những điều mà khá nhiều các nhà làm phim phương Tây làm rất tốt, rất nhẹ nhàng và giản dị, còn với điện ảnh châu Á, ngay cả như Kim Ki Duk, Trương Nghệ Mưu...vẫn thường mắc phải một lối mòn là " làm phức tạp quá mức một vấn đề, quá ẩn dụ, đẩy mọi thứ đi quá xa tới cường điệu không cần thiết, tựa như cũng một món ăn ngon mà phải chế biến và thưởng thức thật cầu kỳ". Sự hay, dở là tùy cảm nhận mỗi người, em xin giới thiệu và tóm tắt sơ qua bộ phim này: Eun Young là một cô gái đẹp, đẹp đến nỗi tất cả đàn ông đều theo đuổi thèm khát, và mọi phụ nữ đều phải ghen tỵ Nhưng khi mà những người bạn đồng trang lứa đều có đôi có cặp thì cô vẫn lẻ loi một mình. Trong mắt cô hầu như tất cả đàn ông đều bẩn thỉu, đến với cô chỉ vì ham muốn thân xác đẹp đẽ của cô, chưa một ai thực lòng yêu và làm cô rung động. Trong rất nhiều người đàn ông theo đuổi cô, có một chàng trai theo cô khắp mọi nơi, tặng hoa ly cho cô mổi ngày. Chàng trai đã tìm được nhà cô gái, vờ là người tới kiểm tra gas để được gặp cô gái. và khi biết mình bị từ chối, trong lúc không kiềm chế được bản thân mình, chàng trai đã hãm hiếp cô gái, sau đó tới công an đầu thú. Trong 2 người công an tới điều tra vụ án của cô gái, có một người, tạm gọi là anh bảo vệ, cũng rất yêu cô gái. Anh cũng sống một mình, không có người yêu và chỉ nuôi mấy con cá Beta làm bạn. Cô gái thực sự hoảng loạn và cùng quẫn sau biến cố. Cô làm đủ mọi cách cho mình xấu đi, ăn thật nhiều không được lại nhịn thật đói. Ăn xong rồi ói, ói xong lại ăn....Anh bảo vệ vẫn dõi theo và luôn có mặt bên cô gái khi cần, trong anh luôn đấu tranh tư tưởng giữa 2 nửa, một nửa là trách nhiệm giúp người vô tư của một người bảo vệ, một nửa là một chàng trai yêu cô say đắm. Cô gái dần bị đẩy tới mức ám ảnh, buông xuôi, đi đâu cũng gặp hình ảnh kẻ đã hãm hiếp cô. Và cô đã nung nấu ý nghĩ phải giết chết hắn. Bất lực, đau xót khi thấy cô gái như vậy, anh chàng bảo vệ đã quyết định xin nghỉ phép, trút bỏ bộ đồng phục công an để ở bên cô. Anh đặt súng vào tay cô, làm tình với cô, hy vọng cô gái sẽ thấy hình ảnh kẻ hãm hiếp ở anh và sẽ bóp cò súng, co` thể điều đó sẽ giải thoát cô khỏi nỗi ám ảnh. Nhưng cô gái không thoát khỏi, thậm chí còn điên loạn hơn.Cô chạy ra đường, bắn bất cứ người đàn ông nào cô nhìn thấy.Cảnh s1t buộc phải bắn chết cô.Khi xác cô gái được đưa vào nhà xác, bác sĩ khám nghiệm tử thi vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của cái xác xinh đẹp... PS: Em không có khiếu kể chuyện, tóm tắt sơ sơ vậy thui các bác đừng chê cười nhé. Trong phim có rất nhiều tình tiết đáng quan tâm và đặt câu hỏi, tỷ như ý nghĩa hoa ly, bối cảnh toalét, những con cá beta, hình vẽ khỏa thân trong phòng cô gái...tú vị phết các bác ạ. Nhưng xem xong cũng hơi điên cái đầuVà chúng ta ai đang sở hữu một vẻ đẹp nào đó thì hãy nâng niu giữ gìn cho riêng mình nhé, nó mong manh lắm lắm các bác ạ
Mình cũng rất thích "Spring, summer, autumn, winter...and spring" . Đây là phim đầu tiên của Kim Ki Duk mà mình xem, ấn tượng rất mạnh. Cảm giác như trong mạch phim là chất thiền ẩn chứa. Quả thực hình ảnh trong phim cũng rất đẹp nhưng theo mình cái cuốn hút của bộ phim chính là đến từ câu chuyện được kể, qua đó diễn tả triết lí luân hồi, cái hữu hạn nhưng cũng tiếp nối vô tận của kiếp người
Mình tình cờ được xem phim "Xuân, hạ, thu, đông...rồi lại xuân" tại nhà một người bạn, và thực sự bất ngờ, lúc đó mình nghĩ có lẽ đây là phim được làm từ 10-15 năm trước, mãi sau mới biết là phim được làm chưa lâu. Lần thứ 2 xem phim này lại ở nhà một người bạn khác,lại cũng tình cờ thôi. Đến lần thứ 3 thì mua về để xem thật kỹ. Có thể nói rằng tôi bị bất ngờ vì tôi (cũng như rất nhiều người trong chúng ta) đã quá quen với phim hành động với các màn bắn giết, đâm chém rượt đuổi, nhờ các kỹ xảo điện ảnh ngày càng tối tân điện ảnh Mỹ, TQ...thời gian cuối còn tái tạo được hình ảnh các trận đại chiến hàng vạn người đâm chém nhau, trên nền chung đó thì "Xuân, hạ, thu, đông...rồi lại xuân" thật quá đặc biệt. Hình ảnh ngôi chùa nhỏ nằm giữa hồ nước thật nên thơ, phim đậm chất Thiền, đầy tính nhân văn với hình ảnh sư ông tràn đầy Từ bi và Trí tuệ, hình ảnh chú nhỏ nghịch ngợm và các mâu thuẫn trong cuộc sống mỗi con người được đạo diễn thể hiện một cách rất tài tình. Tác giả kịch bản và đạo diễn là những người hiểu khá sâu sắc về thuyết nhân quả của đạo Phật, cảnh chàng trai khắc bộ kinh lên sân chùa thật nhiều ý nghĩa, mãi sau mình mới biết đó là Bát nhã tâm kinh. Theo mình đây là một bộ phim rất nên xem, nếu so sánh với các siêu phẩm điện ảnh thời gian cuối này thì "Xuân, hạ, thu, đông...rồi lại xuân" giống như một khoảng tĩnh lặng thật hiếm hoi giữa đời thường tất bật ồn ã.
tôi coi phim này cũng khá lâu rồi. rất ấn tượng vì quay phim thực sự xuất sắc, triết lý phim thật hay. 1 phim đáng tiền
Bạn đừng phát biểu như thế. Hình ảnh thì đúng là cực kỳ đẹp, ngoài ra còn có tí sex :twisted: Về nội dung thì mình cực kỳ thích phim này, mình đã xem phim này tới 3 lần, 1 điều mà mình rất ít khi làm đối với phim Hàn