Tình cờ đọc những dòng trao đổi giữa bác Zorro và bác Huybass mà em thấy rất gần gũi. Chúc hai bác sức khỏe!
Chào bác. Với máy R2R thì độ mới và độ liền lạc (đồng bộ) của các thành phần là quan trọng, ngoài chuyện máy phải thâu và phát tốt thì độ mới của đầu từ cũng rất quan trọng, dĩ nhiên vì là máy xài rồi nên ít nhiều đầu từ cũng có vết mòn, nếu hên thì có thể gặp được máy có đầu từ còn gần như mới. Khi test thì phần tốc độ của máy phải đúng, các con vít chỉnh đầu từ chưa bị thay đổi vì nó có thể làm lệch đừơng từ, làm giảm đáng kể chất lượng âm thanh. Bên trong mạch thì yêu cầu nguyên bản cũng phải được chú trọng, tuy nhiên có thể sẽ có máy đã sửa chữa, nếu phần sữa chữa là các phần điều khiển, hoặc hiển thị, hoặc cấp điện cho các motor thì không đáng ngại, chỉ ngại phần khuyếch đại âm thanh và phần nguồn điện cấp cho nó. Với các mấy của Nhật thì phần linh kiện như transistor hoặc opamp nếu hư thì thay thế rất dễ dàng, vì nó phổ thông và có rất nhiều, kẹt lắm nếu không có linh kiện zin thay thế thì chọn loại tương đương thay thế cũng tốt. Riêng với các máy Âu-Mỹ thì linh kiện thay thế có khó khăn hơn, vì hệ chủng linh kiện đó khác và ít, nhất là các ic điều khiển! Lâu quá em quên mất Lời gọi chân mây, đây là album riêng đầu tiên của Tuấn Ngọc, sau mấy lần Thái Hiền mời Tuấn Ngọc từ Hawaii về để thâu album này. Với Thái Hiền, ngày xưa hay hát các bài cho tuổi mới lớn như Tuổi Ngọc, Tuổi thần tiên, Chú bé bắt được con công, ... và hình ảnh cô bé cùng chiếc xe đạp mini trên trên các tờ nhạc thật dễ thương. Sau này giọng Thái Hiền thật đặc biệt, và bài hát em rất thích là Nhớ quê hương của Phạm Ngữ trong album tổng hợp Tình ca tiền chiến. Em cũng thích một số bài của PMC, như Thu ca (có làm nhạc hiệu cho chương trình băng nhạc PMC), Màu thời gian, Cánh hoa tàn, Em tôi, Thung lũng hồng, ...và đặc biệt rất thích các chương trình băng nhạc của ông cũng như Tú Quỳnh chọn loc. Nhắc lại giai đoạn khó khăn đó, em còn nhớ như in, hầu như sách báo chẳng có để đọc, em hay lục trong kho sách của nhà, khoái nhất là các cuốn Thời mới hay Thời nay gì đó, có đủ thứ thông tin trên đời (sau này có phát hành lại). Báo lúc đó phải đặt, chỉ có Nhân dân, Quân đội nhân dân, Soviet, đặt và nhận ở Bưu điện (em là người ra bưu diện nhận báo). Sau đó khoảng 84-85 thì nguyệt san Âm nhạc ra đời, đọc sướng thật! Còn nhạc Việt Nam tối thứ 7 từ 8h đến 8h30'; và chương trình nhạc ngoại cũng thời gian như trên vào tối Chủ nhật. Mỗi tuần giới thiệu về một ca sĩ hoặc nhạc sĩ, về lịch sử và các ca khúc nổi tiếng. Em theo dõi hầu như đầy đủ, với những ca sĩ mình yêu thích thì còn dùng băng thâu lại để nghe. Với Loan mắt nhung, nhạc phim là bài hát cùng tên, (Elvis Phương hát cũng rất hay), em chưa xem nhưng biết bộ phim này rất nổi tiếng, đến độ sau này những người tên Loan (là con gái) cũng thường hay bị chọc và ghép thành cái tên 'Loan mắt nhung' luôn!
Cám ơn lời chúc tốt đẹp của bác, tiền bạc bây giờ thật khó kiếm nhưng tìm được người đồng cảm và hiểu mình lại còn khó hơn bác ah. Bác cũng là người hoài niệm về Saigon xưa chăng? Nếu được bác chia sẻ chung tụi em cho vui nha... Chúc bác nhiều sức khỏe, hạnh phúc. Mến!
Cám ơn bác Zoro, về máy bác hướng dẫn như vậy là tạm ổn đối với em rồi, khi kiếm được máy ưng ý em sẽ mang về nếu có thắc mắc và trục trặc gì xin phép làm phiền bác thêm nữa. Bác nhớ tới từng tạp chí thời khó khăn, bao cấp. Nhớ chính xác cả giờ phát thanh nhạc Việt Nam trên đài. Đáng nể thật, em cũng thường nghe qua đài có phát thanh về cả âm nhạc vào dịp cuối tuần... Còn những ngày thường thì chỉ để nghe tin tức thôi. Cho em lạc đề một chút nha... Mấy bữa nay thấy nói về thương xá Tax đập bỏ đi xây mới lại, trong long em buồn lắm bác ạ, bác làm về kiến trúc không biết suy nghĩ gì em là dân ngoại đạo không hiểu thế nào là thay thế hay thay đổi gì gì đó... Nhưng em tiếc cho hòn ngọc viễn đông, tiếc cho những cái đã tồn tại với thời gian, người ta không giữ gìn tôn trọng nó lại đem đập phá đi. Dẫu biết rằng cái cũ đi thì cái mới đến, văn minh hơn hiện đại hơn, tiện ích hơn... Nhưng trong lòng vẫn thấy buồn và tự nói với mình rằng có nhều cách tốt hơn mà... Sao chẳng được tham khảo ý kiến đùng một cái là làm... Nơi này không chỉ riêng em mà không biết bao nhiêu thế hệ có ký ức sâu đậm về nó... Hòn ngọc viễn đông được ví như một thanh bảo kiếm nhưng có lẽ không được trao vào tay anh hùng, mà nó được trao cho một tay bán thịt nào đó.(chỉ là ý kiến cá nhân) Xin lỗi em đã đi hơi lêch chủ đề, nếu có gì sai mong bác bỏ qua cho. Thân.
@ Zorro: phim anh đang đề cập là "Vụ án tình" phải không?. Từ ngày được anh tư vấn thì em đã tẩu xong cối rồi, tẩu với 3 em cả dòng Đức lẫn Nhựt, cả 4 cả 2 track luôn cho trọn
Ngày xưa em là chuyên gia dò đài, vì nghe nhiều đài và thời gian của các đài gần như là nối tiếp nhau nên phải dò thật nhanh và chính xác để không bị bỏ lỡ mục điểm các tin chính! Em nghe tất cả các đài bác ạh. Trở lại chuyện SG vừa khởi công nhà ga tàu điện ngầm và bây giờ phá bỏ Thương xá Tax, em chẳng còn biết nói gì hơn, ngậm ngùi, và nghĩ rằng mọi quyết định quá vội vàng và cẩu thả, mọi giá trị về văn hóa và lịch sử dưới cái nhìn của một số người chỉ là con số 0! Trục đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ là nơi người Pháp đã quy hoạch là trung tâm của SG với số dân ban đầu ước tính cho khoảng 20-30 ngàn người, tất cả các công trình lớn xung quanh đều mang 1 giá trị rất lớn về kiến trúc, văn hóa và lịch sử, nó tạo nên nét đặc trưng của SG. Nhớ năm '91, tòa nhà PDD ở 162 Pasteur xây lên, chỉ khoảng hơn 10 tầng mà các nhà làm Kiến trúc và báo chí đã lên án ầm ĩ, vì nó làm xấu đi cái nền không gian phía sau của UBND TP (ngày xưa là Dinh Xã tây) nếu nhìn từ hướng Bến Bạch Đằng. Vậy mà bây giờ nhà ga điện ngầm làm ngay vị trí trước nhà hát TP, Thương xá Tax xây building 40 tầng, phá vỡ mọi không gian Kiến trúc xung quanh, mà người làm Quy hoạch Kiến trúc chẳng thèm quan tâm! Tại sao không chọn 1 khu đất nào đó gần Hàm Nghi với Bến Chương Dương làm nhà ga, đi bộ vào ngay trung tâm chỉ 5'? Tại sao không giữ lại Tax để nó tồn tại trong một không gian kiến trúc hài hòa của 1 quần thể gồm UBND TP, Rạp Rex, Nhà hát lớn với trung tâm Eden mới xây dựng lại? Nói về Thương xá Tax, thời kỳ trước đây nó bị đổi tên thành 'trung tâm bách hóa tổng hợp', và mọi nguời đều gọi nó là 'bách hóa tổng hợp', chỉ những người lớn tuổi và biết nó từ trước '75 thì họ mới gọi nó là Thương xá Tax. Đến dịp SG tổ chức kỷ niệm 300 năm, thì nó được trả lại tên là Thương xá Tax cùng với dịp trả lại tên đường của cụ Alexandre De Rhodes. Đó là nơi em cũng có nhiều kỷ niệm, từng khu và từng gian hàng bên trong em còn nhớ rõ, phía dưới khu đường Lê Lợi là nơi bán súng hơi, các cửa hàng đồ lưu niệm, phía gần góc ngã tư là các cửa hàng máy ảnh, kéo dài đến hết phía mặt Nguyễn Huệ, hầu hết các cửa hàng máy ảnh này được dời vào đây từ các kiosque nằm giữa 2 đường Nguyễn Huệ! Bên trong TX Tax có bán đủ thứ, quần áo, giày dép và phụ tùng xe đạp, xe máy, thiết bị điện, điện tử, đặc biệt là cửa hàng bán cd góc phía trong bên phải, gần lối gửi xe qua. Lúc đó mới có cd TQ, chỗ này bán cd rất đắt khách, dân du lịch Nga mua nhiều nhất, em thấy có người mua cả trăm cd và đóng vào thùng để đem đi! Phía trên các tầng lầu cũng toàn các gian hàng vải và quần áo may sẵn, cũng chủ yếu bán cho người nước ngoài, mặt hàng bán chạy nhất là áo lạnh và quần jeans, toàn là người Nga và một số khách khối XHCN mua! Thời đó, em ở Lê Lai nên cần gì em cũng chạy ra Tax để mua, giày dép, quần áo, xà phòng, kem đánh răng, phụ tùng và đồ nghề xe đạp, xe máy, ... và đặc biệt là khăn mùi-soa, ở đây bán toàn những loại rất xịn và đẹp. Em lại miên man lạc chủ đề topic, các bác có đọc cũng thông cảm giùm em nhé!
Cảm ơn bác, em chỉ là người sinh sau đẻ muộn, nhưng mỗi ngày càng có thêm được nhiều thông tin trung thực hơn về một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Sài Gòn; dù phải đối mặt với chiến tranh khốc liệt, nhưng đồng thời đã xây dựng được nhiều thành tựu về con người, về giáo dục nhân bản và giáo dục tinh hoa, về y khoa, về sản xuất kinh tế, thương mại, xã hội, về văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Bàn riêng về âm nhạc thì giai đoạn này cũng là thời kỳ hoàng kim của vô số những giọng ca, các nhạc sĩ tài danh và các trường phái âm nhạc đua nở; đến mức là gần 40 năm sau những bài hát đó những giọng ca đó vẫn đang hiện diện trong hầu hết các gia đình chúng ta. Kể cả trong mảng cổ nhạc cải lương, thì đó cũng là một giai đoạn vàng son có một không hai. Đồng thời cũng đúng như các bác đã trao đổi, một giai đoạn hậu chiến đầy khó khăn đố kỵ đã khiến cho rất nhiều di sản văn hóa nghệ thuật này vĩnh viễn không còn nữa.
Em luôn ước ao VNAV có thể sưu tầm lại những chủ đề âm thanh còn tốt, rồi thu bằng máy tốt cho mọi người chơi.... Cứ lo mua thiết bị ngon nhưng phần mềm giở thì cũng phí ... em mới chơi, đi thu được hơn chục cuốn 2 track nhưng ưng ý chỉ được vài cuốn, còn lại cảm giác như thu từ CD sang vài lần cho nó analog, hoặc thu bằng máy thu giở
Đúng như bác nói, hiện tại số lượng băng nhạc chất lượng tốt không còn nhiều, mỗi người giữ được một ít, có khi tập hợp lại cũng không đầy đủ chương trình ngày xưa. Có 1 tin vui là hiện nay em được biết có ít nhất khoảng 30 chủ đề gồm nhạc và cả cải lương vẫn còn băng master 2 track. Tuy nhiên nếu không giữ gìn bảo quản cẩn thận khả năng chỉ vài năm nữa chất lượng băng này cũng sẽ xuống cấp. Tiếc cho một thời kỳ vàng son của nền văn-hoá, âm-nhạc, nghệ-thuật đã qua đi, nếu đem so sánh thì không hề thua kém bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.
Ôi thế à, em thấy phim đo có diễn viên LQ (chồng csĩ T.Thanh) đóng vai chính đó Còn về vụ cối thì cái cũ em cho đi ở đợ rồi nhường cái mới về vì chật, mà tẩu thật rồi anh, từ dạo nghe cối thì CD em bỏ không, hoặc chỉ làm 1 chức năng đánh qua cối rồi thôi :mrgreen:
Em cũng mới chơi băng cối , phải công nhận càng nghe càng nghiện bác ạ @Zorro : rất cảm ơn bác đã nhiệt tình chỉ dẫn
Em nghiện bác rồi, em tẩu hơn bác gì đó rồi. Suốt ngày ghi nhiều hơn phát, mua hết em này đến em khác, lại mới tha em studer 807 về phòng, tuần sau lại cập bến em Studer a 80 băng 1/4ich nữa, lốt lần này thôi. Tự hứa với mình em sẽ dừng lại hì...! Nghe bác nói về quy hoạch SG em mê quá ! Em vào đó mới một lần và ở tại tp có 3ngày, coi như chưa thấy đc gì bác ạ, toàn qua sách báo thôi mà lượng thông tin từ sách báo thì ít và lá cải quá. Đành cảm nhận sg qua nhạc pre 75 vậy. Hay bác lập một mục viết về sg cho ae ở xa hiểu biêt thêm về sg cũng tốt bác nhỉ ! Hì.....!
Bác nghiện nặng rồi, và sưu tầm toàn những máy thuộc hạng nặng! Máy về, bác thử so sánh các máy rồi review trên này nhé! Trên này đã có topic nói về SG rồi bác, nằm đâu đó trong box Tổng hợp, bác vào đấy tìm đọc thử!
Bác nhận mình là người sinh sau đẻ muộn, thế nhưng những đều bác nói và hiểu thì nhiều có thể là rất nhiều người lớn hơn bác không thể hiểu và biết được như bác, đó là sự thật. Rất vui và hạnh phúc khi xã hội có được những người cũng hiểu và biết được như bác. Em xin phép dừng tại đây vì không muốn phiền đến bác Zoro mà em rất tôn trọng. Món băng cối này nó không chỉ hấp dẫn về âm thanh mà cả về cách chơi cũng rất cầu kì, rất " classic" nó không đơn giản như bỏ một đĩa cd vào rổi nhấn nút play là âm thanh tràn ngập. Nó không cần quá cẩn trọng như LP trong mỗi thao tác nâng và hạ cần... Nó đòi hỏi người chơi chút tỉ mỉ, chút kiên nhẫn, chút khéo léo trong nghiệp chơi. Nó rất thanh tao và hoài cổ nhìn sợi băng được kéo băng băng qua trục capstan, đầu từ... rồi nhìn reel nó quay thấy dường như không gian dừng lại, hiện tại tan biến khi âm nhạc được cất lên từ món đồ mà thế giới âm thanh đã lãng quên nó...Nó kéo ta trở về quá khứ thật nhanh thật tài tình... Em mê dàn cơ băng cối này lắm, nhưng có lẽ dàn cơ mà em cho là nhịp nhàng và tinh tế nhất theo em là dàn cơ của đầu máy video hay còn gọi là VCR,VTR. Tung hoành suốt những năm '80, đầu những năm '90 và dần bị loại bỏ cuối thập niên '90 đầu những năm 2000 bởi đĩa VCD rồi DVD, blueray... Hy vọng anh em ta có thể lưu giữ món này càng lâu càng tốt, để cơn lốc thời gian không cuốn nó bay đi... Chúng ta phải có kế hoạch như một số bác đã đề xướng, là lập ra một nơi lưu giữ những nguồn băng quý hiếm, và có cách bảo tồn nó một cách khoa học trong môi trường đô ẩm và nhiệt đô thích hợp... Em nghĩ không ai có thể làm tốt việc này hơn VNAV người có đủ đam mê và hiểu biết không ai khác là bác Zoro nhà ta. Chúng ta có thể ủng hộ bằng cách đóng góp nguồn băng quý mà chúng ta đang có hoặc biết để anh em ai có nhu cầu có thể đến thu với một giá cả tượng trưng nào đó. Chỉ là ý kiến cá nhân có gì sai xót, mong mọi người bỏ qua và chỉ giáo thêm. Xin chào cả nhà.
Cùng quan điểm với các bác, nguồn pre75 còn lại rất ít nên đã quý nay càng quý hơn, cá nhân em dù rất thích sưu tầm nhưng do tiếp cận với r2r muộn quá nên giờ chắc ko còn cơ hội nữa rồi, đành phải tự thu từ nguồn nhạc số để nghe vậy chứ biết làm thế nào. Việc lập một nơi để bảo quản nguồn nhạc cổ như ý các bác mà thực hiện đc thì quả là một kỳ tích các bác ạ, có lẽ phải dùng đến phong trào "tất cả tập chung cho tiền tuyến" trong thời chiến hay phong trào hiến đất làm đường nông thôn mới của thời bình mới làm đc điều đó, ko biết liệu bản chất ích kỷ trong mỗi con người vn ta có chịu thay đổi ko để biến cái tôi cá nhân thành tập thể và chỉ khi đó một giấc mơ sẽ thành hiện thực ngay thôi các bác ạ !
Khó lắm bác ơi, em thì cứ thâu lại từ nguồn nhạc số giống bác rồi phát lại bằng con Sony TC-366 cùi bắp, thỉnh thoảng mất ngủ ngồi trong xó gác nhìn em nó quay lọc cọc, kim vẩy vẩy....1 ngìn năm nô lệ giặc tầu, 1 trăm năm đô hộ giặc tây (tcs). Giờ nghe lại sao mà thấm thế
Thấy các bác , các anh em nói về băng nhạc nói chung và các chương trình băng nhạc, về thương xá Tax và sắp tới sẽ còn hồi ức tiếc nuối gì gì nữa, tôi có một vài kỷ niệm không biết nên buồn hay vui, xin "góp nhặt dông dài một vài trống canh" cho vui cuối tuần. Lúc 1975, tôi mới vào lớp 2. Nhưng trước đó, ở nhà nghe nhạc bằng nhiều đời máy. Đời máy cuối cùng đến năm 1975 là dàn máy PANASONIC, tôi đã cho cặp loa, máy bán ve chai, còn giữ lại cuốn catalogue, tôi để trong mấy thùng băng gởi nhà người quen, khi nào soạn ra chụp lại, còn cái hình nầy là tôi mượn trên mạng khi nhớ lại cái máy xưa. Có 1 số chương trình nhạc VN và ANNA, Hồn hoang, Sài Gòn, La nouvelle, More, Elle (mà nhiều người quen gọi là băng Phương vì được phát hành nơi trung tâm thâu băng Phương nằm trong khu nhà 39 Lê Thánh Tôn, Sài Gòn), TMT, TKC. Các chương trình đó được nghe hoài, nghe riếc một cách chưa ý thức nghe để thưởng thức,để rồi thấm dần thấm sâu vào máu. Lúc đó và mãi những năm sau nầy, tôi nhớ hình như chưa gọi băng cối phổ biến như bây giờ mà gọi là băng Akai hay băng tròn, hoặc là băng ma nhê (là đọc chữ ghi trên mỗi cuốn băng :magnetic tape) Đến 1975, tam ngưng nghe 1 thời gian dài dài. Những cuốn băng nầy vỉ sợ nầy nọ... ba tôi đã cho xóa và ghi lên list chương trình chữ ĐÃ XÓA. Mãi sau nầy khoảng năm 1980, tôi mới biết được, trong số những cuốn băng ghi chữ ĐÃ XÓA đó, vẫn còn 1 số chưa xóa. Vậy là tôi lôi hết ra kiểm tra từng cuốn, và thật may mắn , vẫn còn nguyên một số chương trình. Tuy vậy, có 1 số chương trình hay đã bị xóa mất, mà âm nhạc và giai điệu vẫn còn nằm sâu và thuộc làu trong ký ức. Và thế là từ năm lớp 10, tôi bắt đầu hành trình đi tìm thâu lại các chương trình đó như: Anna 13, Sài Gòn 2 v.v... Lúc đó giữa đường Nguyễn Huê vẫn còn những kiosque tiệm thâu băng như Trịnh Quân, Hoa Việt và của cả nhà nước mới mở. Dọc đường Nguyễn Huệ có những người ngồi nhận thâu băng dạo, bên trong thương xá Tax thì quầy sang băng đàng hoàng, phía bên đường Huỳnh Thúc Kháng là cả một thế giới băng magne. Lúc đó cứ rảnh là chạy ra dọc các con đường xung quanh Huỳnh Thúc Kháng để ... nhìn cho đã.Trong các tiệm bán máy móc, trưng những máy magne mặt đen đẹp cực kỳ. Không biết ở đâu ra vì lúc đó Sài Gòn phần lớn sử dụng phổ biến loại máy mặt trắng. Phiá trên kệ của các quầy bán băng, từng lớp băng ghi rõ chương trình, xếp chồng từng lớp, nhìn mà thèm kinh khủng, nhưng có tiền đâu mà mua. Lúc đó tình hình kinh tế chung, ăn độn bột mì, bo bo từng bữa. Tô cũng ráng để dành tiền đi thâu băng. Lúc nào có tiền thì vô quán thâu băng đàng hoàng, lúc nào ghiền quá mà không có tiền thì cầm 2 cuốn băng ra chỗ những người thâu dạo, 1 cuốn để thâu , 1 cuốn để đưa bù tiền thâu. Tôi có ra thử một chỗ thâu của nhà nước, thâu chương trình Sài Gòn, lúc đó được đổi tên chương trình là NN, nghĩa là nhạc nước ngoài. Thâu chỉ có bass điếc đặc mà không có treble, về nghe thử đem ra hỏi thì họ bảo là quy định chung khi thâu băng là vậy, không có treble, không hiểu tại sao, tôi tư phỏng đoán với nhiều lý do để tự an ủi. Âm nhạc là giá trị chung của 1 đất nước, rộng ra là tài sản chung của nhân loại. Nó không đơn thuần chỉ là nhạc mà nhiều khi là chứng nhân và là giá trị của 1 giai đoạn lịch sử. Nhiều khi tôi cứ nghĩ vu vơ giả sử như 1968 thành công, thì chắn chắn rằng âm nhạc VN không có nhiều những bài hát, mà ta gọi là nhạc vàng như hiện tại đang hiện hữu, vì phần lớn dòng nhạc vàng phát triển ồ ạt và mạnh mẽ vào giai đoạn nầy, đặc biệt là những bản nhạc xuân quen thuộc mà mỗi dịp tết đến xuân về, ta vẫn thường nghe, và được thâu và phổ biến bằng băng magne, vì trước đó là dĩa nhựa. Âu cũng là sự sắp đặt phân công của lịch sử vậy. Còn về Tax. Lúc học cấp 3, mấy thằng học làm sang, đạp xe ra, lên tầng thượng uống cà phê nghe nhạc. Mà uống gì ghê gớm đâu , cà phê đen và trong túi mua sẵn chỗ bán sỉ cho rẻ một gói afsara hoặc du lịch, và thế là chểm chệ trên tầng thượng trung tâm thành phố...rung đùi. Bây giờ nghe các bạn trẻ rủ nhau lên các cao ốc trung tâm cà phê nắm cảnh thành phố, tự dựng cảm giác cũ ùa về... vui buồn lẫn lộn... Rồi Sài gòn từ đây và mai sau còn gì nét văn hóa xưa cũ truyền thống từ bao đời của cha ông ? Phải chăng cứ là tiếng Sài Gòn hiện đại, trẻ trung , năng động là tốt ? Đâu cứ phải cũ là xấu và cứ mới là tốt ? Đâu cứ phải phát triển là đập bỏ ? Ông cha nhiều thế hệ trước đã xây dựng, phát triển và gìn giữ để con cháu có bộ mặt văn hóa Sài Gòn như hôm nay. Còn con , cháu các thế hệ sau nầy có còn biết một Sài Gòn... ? Ngậm ngùi... Ngủ đi mộng vẫn bình thường...