Em là một người mới làm quen với nhạc cổ điển, thực sự những thông tin anh cung cấp rất thiết thực, có ích, mong anh luôn phát huy va duy trì nhé. Cảm ơn anh!
Haydn [align=justify]Bài 2: JOSEPH HAYDN (1732-1809) Dành hầu hết cuộc đời phục vụ gia đình quý tộc Esterházy giàu có và quyền lực nhất Hungary, Haydn là một trong những nhạc sĩ cuối cùng làm gia nhân cho giới quý tộc. Tuy nhiên, Haydn không giới hạn mình vào việc viết nhạc mưu sinh mà đã tận dụng sự thuận lợi về mặt chuyên môn – luôn có sẵn dàn nhạc và ca sĩ để thử nghiệm mọi sáng tác, mọi sự kết hợp âm thanh - để phát triển sự nghiệp âm nhạc và từ một gia nhân đã trở thành vĩ nhân lừng danh khắp châu Âu. Ngay cả Napoleon, khi xâm chiếm thành Vienna, cũng phải cho lính đến gác trước cửa nhà ông để tỏ lòng kính trọng. Haydn là nhà cải cách và thử nghiệm vĩ đại, ông chối bỏ những quy luật cứng nhắc trong sáng tác. “Nghệ thuật là tự do”, ông tuyên bố, “người thẩm định duy nhất là những đôi tai hiểu biết.” Chính ông đã mở đường cho phong cách cổ điển và được coi là cha đẻ của thể loại giao hưởng (symphony) và tứ tấu đàn dây (string quartet). Ông không thực sự phát minh ra chúng nhưng ông đã định hình các thể loại đó bằng những tác phẩm mẫu mực, thúc đẩy âm nhạc thời kỳ này phát triển mạnh mẽ. Mặc dù về sau, những sáng tác của ông trong các thể loại như symphony hay concerto đã bị lu mờ dưới ánh hào quang của Mozart và Beethoven nhưng cả Mozart và Beethoven đều chịu nhiều ảnh hưởng của ông. Mozart từng nói:” Chính từ Haydn, tôi đã học được cách sáng tác tứ tấu đúng đắn”, đến nay những bản tứ tấu đàn dây của ông vẫn chiếm một phần quan trọng trong các chương trình hòa nhạc thính phòng. Âm nhạc, cũng như cá tính, của ông mạnh mẽ và bộc trực, luôn toát ra một sự lạc quan lành mạnh. Haydn là bậc thầy trong việc phát triển chủ đề, ông có thể dành trọn một chương cho một chủ đề, xây dựng sự tương phản thông qua những thay đổi về cấu trúc, nhịp điệu, lực độ và dàn nhạc. Sự đa dạng trong sáng tác của ông khiến người ta phải kinh ngạc. Ngoài 104 bản symphony và 68 bản tứ tấu đàn dây được xem là phần quan trọng nhất trong gia tài tác phẩm khổng lồ của Haydn, ông còn sáng tác rất nhiều sonata, tam tấu, concerto cho piano và cả opera, oratorio, thánh nhạc. Đến gần cuối đời, ông còn nói: ”Sao tôi có thể chết lúc này được? Tôi chỉ mới bắt đầu hiểu về các nhạc cụ gỗ.”[/align] Âm nhạc bao la mà thời gian để thưởng thức lại quá ít nên hiếm ai có thể nghe toàn bộ tác phẩm của một tác giả. Hãy áp dụng một bí quyết nhỏ để định hướng lựa chọn tác phẩm: tìm nghe trước tiên những nhạc phẩm có biệt danh (nickname) đi kèm. Trong di sản đồ sộ của Haydn, hãy bắt đầu với bản Symphony số 45, biệt danh “Farewell”, mà có lẽ bạn đã từng nghe nói. Khi các nhạc công trong dàn nhạc của Haydn quá chán ngán với quãng thời gian dài dằng dặc phục vụ tại cung điện Esterhaza của hoàng tử Nikolaus, một nơi biệt lập cách xa Vienna, họ đề nghị Haydn tìm cách thoát khỏi cái nơi buồn tẻ này. Thay vì trực tiếp thỉnh cầu hoàng tử, Haydn đã sáng tác bản giao hưởng “Farewell”, trong đó ở chương cuối cùng âm thanh từ từ lắng xuống và lần lượt từng nhạc công đứng dậy, thổi tắt ngọn nến trước mặt mình rồi rời bỏ sân khấu, chỉ còn lại Haydn bên cây đàn harpsichord và nghệ sĩ violin tài danh Tomasini. Sau những nốt nhạc cuối cùng, họ cũng biến mất, để lại sân khấu chìm trong bóng tối. Hoàng tử Nikolaus nhận ra ngụ ý của Haydn và hài lòng với sự tế nhị đó, tuyên bố: ”nếu tất cả bọn họ đi thì tốt hơn là chúng ta cũng đi”, thế là mọi người được trở lại Vienna. Kế tiếp, bạn hãy tìm nghe 12 bản symphony cuối cùng (số 93-104), thường được gọi là “London symphonies”, đặc biệt là 4 bản cuối. Một tác phẩm khác không thể thiếu trong thư viện tác giả - tác phẩm cơ bản của bạn là bản Trumpet concerto duy nhất của Haydn _ ra đời năm 1800 nhưng mãi 130 năm sau mới xuất bản lần đầu tiên và nay là một trong những tác phẩm phổ biến nhất của ông. Những ai thích thể loại vocal không thể bỏ qua bản oratorio tuyệt tác The Creation _ mà khi công diễn lần đầu tiên ở Vienna năm 1798 do chính Haydn chỉ huy, đã khiến công chúng phấn khích đến độ phải có một đội lính vũ trang gác cửa để giữ trật tự. Ngoài ra, các bản piano sonata, piano trio, piano concerto, cello concerto của Haydn đều rất dễ nghe.
Chủ đề này của bác CD Shop đang được tổng hợp lại rồi post thành từng bài hoàn chỉnh ở homepage VNAV. Rgds,
Aries oi, bác có đưa lên homepage thì vui lòng ghi chú rõ ràng: đây là bài của 1 a-ma-tơ chia xẻ với các a-ma-tơ khác nhé. Chứ lỡ có gì sai sót bị các bác có chuyên môn sâu phê bình thì xấu hổ lắm.
A-ma-tơ Tiffany cám ơn CD Shop về bài viết rất công phu về Joseph Haydn. Thật bõ công chờ đợi! Nhân đây, khi nào thuận tiện, bạn có thể nào giới thiệu sơ lược về các từ thường gặp khi đọc tựa các tác phẩm nhạc cổ điển, chẳng hạn như: Air, Bagatelle, Ballade, Barcarolle, Bourrée, Cadenza, Canon, Chaconne, Courante, Divertimento, Etude, Fantasia, Fugue, Gavotte, Menuet, Ouverture, Rhapsody, Scherzo, Suite, Toccata, Variation... được không nhỉ? Cám ơn CD Shop, chúc bạn vui khỏe, ra vào topic này thường xuyên.
@Tiffany Những từ bạn đề cập đến sẽ xuất hiện từ từ trong các bài phụ lục về thuật ngữ nhạc cổ điển. Thân.
Mozart [align=justify]Bài 3: WOLFGANG AMADEUS MOZART (1756 – 1791) “…là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mà tôi biết, với khiếu thẩm mỹ tinh tế và kiến thức uyên thâm về nghệ thuật sáng tác”, đó là nhận xét của Haydn về Mozart _ thần đồng nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Mới 6 tuổi, Mozart đã chơi thành thạo harpsichord và violin, ứng tác những đoạn fugue, viết các bản minuet. Lên 8 tuổi, cậu đã sáng tác symphony; 11 tuổi sáng tác oratorio; 12 tuổi, opera. Giai đoạn từ 6 – 15 tuổi, các buổi trình diễn của Mozart được đón chào nồng nhiệt khắp châu Âu nhưng trớ trêu thay, đến khi trưởng thành, cả về tuổi tác và tài năng, ông lại ít được hoan nghênh hơn. Vốn khởi đầu nghề nghiệp như một nghệ sỹ lưu diễn nổi tiếng quốc tế, Mozart không chịu được sự gò bó trong khuôn khổ gia nhân. Năm 25 tuổi, ông rời bỏ quê hương Salztburg để trở thành nhạc sỹ tự do ở Vienna và gặt hái thành công rực rỡ trong vài năm đầu. Tuy nhiên sau một vở opera không phù hợp với thị hiếu của Vienna, công chúng quay lưng lại với âm nhạc của ông và Mozart lâm vào tình trạng nghèo túng. Đến tận cuối đời, vở opera The Magic Flute mới mang trở lại cho Mozart sự ngưỡng mộ của thành Vienna nhưng, tiếc thay, đã quá muộn. Ông ra đi vĩnh viễn trong tình trạng kiệt quệ cả sức khỏe lẫn tiền bạc khi chưa đầy 36 tuổi, chỉ được chôn cất trong một nấm mộ vô danh ở ngoại ô thành Vienna. Sau khi Haydn thiết lập những quy tắc nền tảng định hình thể loại symphony thì chính Mozart là người trau chuốt và tăng cường khả năng biểu cảm của nó. Ông đã rót ánh sáng và bóng tối, sự sinh động và kịch tính, nỗi bi thương và niềm hân hoan vào cái khuôn của Haydn, khai phá những tầm cao mới, mở rộng chân trời âm nhạc. Mozart là một nhạc sỹ đa tài, ông để lại những tác phẩm xuất sắc trong tất cả các thể loại của thời đại ông – symphony, concerto, nhạc thính phòng, opera. Ông đã hợp nhất hai phong cách âm nhạc Đức và Ý để tạo nên phong cách riêng của mình. Trong khi người Ý có khuynh hướng xem âm nhạc là để giải trí thì với người Đức âm nhạc có tính chất nghiêm túc hơn; người Ý xúc động trước vẻ đẹp của giọng hát còn người Đức lại ưa chuộng khí nhạc; các nhà soạn nhạc Ý thường thu hút người nghe bằng những giai điệu bay bổng, còn các nhà soạn nhạc Đức lại chú trọng về hình thức và kết cấu. Nhưng tất cả những khác biệt đó lại hòa quyện vào nhau trong âm nhạc của Mozart. Với Mozart, bạn sẽ được thưởng ngoạn những gì tinh túy nhất của cả hai trường phái. Âm nhạc của ông luôn “thanh thoát, tinh tế và hấp dẫn mà không trùng lặp” _ theo nhận xét của Aaron Copland, nhà soạn nhạc người Mỹ thế kỷ 20. Thoáng qua, nhạc Mozart có vẻ duyên dáng, nhẹ nhàng như mặt biển xanh yên bình lấp lánh nhưng thực ra, ẩn dưới mặt biển nên thơ đó là những xúc cảm sâu sắc và đôi khi, cả nỗi thống khổ. Vẫn với quy tắc ưu tiên cho những tác phẩm có biệt danh, bạn có thể bắt đầu bằng các symphony số 35 (Haffner), 36 (Linz), 38 (Prague) và tất nhiên không thể bỏ qua 3 bản symphony cuối cùng bất hủ 39, 40, 41 (Jupiter) mà ông đã sáng tác trong một thời gian ngắn đến kinh ngạc – chỉ có 6 tuần. Tất cả các concerto của Mozart đều đáng nghe, bất kể là viết cho piano, violin, horn, bassoon, clarinet hay flute.Trước hết hãy dành một vị trí quan trọng trên kệ đĩa của bạn cho 25 bản piano concerto mà ông đã viết cho chính mình trình diễn lúc sinh thời, tiếp theo là 5 bản violin concerto và, nếu còn chỗ, 4 bản horn concerto. Về phần nhạc thính phòng, bạn có một danh sách dài bất tận bao gồm mọi bản sonata cho piano, piano & violin, trio, quartet, serenade,… vẫn giữ nguyên sự hấp dẫn của chúng từ ngày ra đời cho đến nay. Nếu bạn muốn dùng nhạc cổ điển làm nền cho một bữa tiệc hay buổi họp mặt bạn bè, hãy tìm đến nhạc thính phòng của Mozart _ mà nhiều giai điệu có thể rất quen thuộc với bạn tuy không biết tên bản nhạc. Những tín đồ của thánh nhạc và opera tất phải có Requiem _ tác phẩm mà Mozart nỗ lực hoàn thành trên giường bệnh trước khi chết nhưng không kịp và được hoàn tất sau đó bởi Franz Sussmayer, người bạn đồng thời là học trò của ông; kế tiếp là 3 vở opera The Marriage of Figaro, Don Giovani và The Magic Flute. Trong đó, The Magic Flute thoạt nhìn chỉ là một vở opera hài hước nhưng những nghiên cứu sâu hơn đã phát hiện ra sự liên quan đến chủ nghĩa Tam điểm, với các nghi lễ Tam điểm được ngụy trang trong vở diễn. Một chi tiết thú vị mà chắc bạn, cũng như nhiều người khác, không biết: Mozart không có một nhạc phẩm nào viết cho kèn trumpet vì ông rất ghét âm thanh của nó. Để chơi khăm ai, bạn có thể nhờ người ta tìm mua hộ đĩa nào có bản trumpet concerto của Mozart và bật mí sau khi họ đã tìm đỏ con mắt bên trái, xốn con mắt bên phải. Hihi! Tạm biệt và hẹn gặp lại với Beethoven. ****************************************************[/align]
Tiffany quyết không để topic này rớt qua trang 2. Tính trung bình hơn nửa tháng CD Shop mới post bài một lần, vậy là theo xác suất may rủi, Tiffany sẽ được đọc bài của bạn CD Shop về nhạc sĩ Beethoven trong nay mai. Có cách nào rút ngắn thời gian này xuống không nhỉ? CD Shop ơi, nếu được bạn vui lòng viết dài dài hơn về Symphonie số 9 của Beethoven nhé. Tiffany có một người bạn mê Beethoven quá cỡ nên cũng muốn tìm hiểu chút chút về nhạc sĩ này. Cám ơn bạn.
Thôi để em mạn phép bác CD Shop viết vài dòng về Beethoven cho bạn Tiffany nghe trước. Còn chi tiết về Beethoven thì mời bác CD Shop viết sau. Điểm mạnh trong âm nhạc của Beethoven (1) là kết cấu của nó, cộng thêm hai đặc điểm phụ là nó vẫn là nhạc có nhiều tố chất cổ điển (2) và tinh thần Khai Sáng (3) thấm đẫm ở châu Âu và trong Beethoven. Nhạc Beethoven không mạnh về giai điệu như Mozart, cũng không biến hóa liên tục như Mozart- nó đơn giản hơn, thường chỉ dùng các hợp âm rất bình thường, lặp đi lặp lại, lên xuống rất ít (ví dụ giao hưởng số 5 thể hiện rất rõ đặc điểm này) nhưng nhờ kết cấu tổng thể có chiều sâu, phức tạp và hoàn thiện (độ complexity cao) nên nó tạo ra hiệu ứng tổng quát về nội dung rất cao. Nghe Mozart- dù là những giao hưởng hay nhất của ông ấy như số 39, 40, 41 - nhà em vẫn cảm thấy không có một sự thống nhất về nội dung và sự phát triển cấu trúc chặt chẽ hoàn hảo từ chương đầu đến chương cuối (số 41 là khá nhất về chuyện này), mặc dù Mozart được coi là vua về tính toán thiết kế tỉ lệ, cấu trúc các tác phẩm. Chúng rời rạc hơn về nội dung biểu đạt- dù có những đoạn giai điệu đẹp một cách kinh hoàng- như đoạn đầu số 40 chẳng hạn (nghe bản thu của Bernstein thì càng kinh hoàng bởi cái vẻ đẹp hơi hoảng sợ, buồn bã và có chút gì như mặc cảm tự ti của nó). Nhạc Beethoven tất nhiên chịu rất nhiều ảnh hưởng của Mozart và Haydn, nhất là ở những chỗ chuyển giọng, chuyển giai điệu - chúng đặc chất cổ điển của Mozart với Haydn: các đoạn chuyển rất mềm, êm và có âm thanh đặc trưng cổ điển. Nhưng nhạc Beethoven còn có chất Khai sáng- do thời đại của Beethoven và do cả cá tính của riêng ông- mà nhạc Beethoven có lẽ là đỉnh cao của tinh thần đó: anh hùng, tự do và bác ái (nhất là giao hưởng số 9). Tuy nhiên giao hưởng là phần Beethoven của xã hội, còn phần Beethoven nội tâm thì thể hiện đặc biệt rõ qua các Piano sonaten và các tứ tấu của ông. Sự thay đổi trong cuộc đời và tư tưởng của Beethoven cũng được thể hiện một cách rất rõ trong các tác phẩm này. Giai đoạn đầu chịu rất nhiều ảnh hưởng của Haydn, Mozart nên nhạc nghe tươi sáng tưng tửng êm ái hơn, giai đoạn về sau điếc tai, chịu nhiều bất hạng và thất vọng nên âm nhạc cũng dữ dội, dằng xé, cục mịch ngắt quãng hơn - nhưng sâu hơn. Và đó mới là điều đáng nói. Cho tới những tác phẩm cuối cùng của cuộc đời- như 5 piano sonaten cuối số 28-32, 4-5 tứ tấu cuối op 129, 130, 131, 132, 134 dù âm hưởng cổ điển vẫn còn hiện diện, nhưng ít hẳn và cá tính của Beethoven tràn ngập trong chúng. Có lẽ chỉ ở những tác phẩm cuối đời này- toàn bộ cái gì là Beethoven mới được thể hiện. Ví dụ như sonaten số 32 - một bản sonaten chỉ có 2 chương - và điều đáng nói ở nó là chương 2 của nó: một thứ âm nhạc đầy nghịch lý (nghịch âm hoặc hòa âm lạ), thoát ra khỏi nhạc cổ điển kiểu Haydn, Mozart - gần như phi giai điệu, phi tuyến (không thể nhớ được giai điệu của nó rõ ràng nữa) nhưng truyền tải cho người nghe một cảm giác rất rõ: sự Giải thoát, gần như có cái gì đó như buông xuôi, chấp nhận pha chất dằn vặt đau đớn- nhưng rõ ràng là đã Giải thoát. --------------- (1): cảm nghĩ của riêng em, rất có thể không đúng và không chuẩn đối với những người khác. (2): tức là âm hưởng vẫn đẹp, mượt, trôi chảy - như Haydn và Mozart. Cần chú ý là khái niệm Nhạc Cổ điển khác với giai đoạn Cổ điển trong Nhạc Cổ điển. Giai đoạn cổ điển trong nhạc cổ điển là giai đoạn Wiener 1 - của Haydn, Mozart, Beethoven. Trước đó có giai đoạn Barock với Vivaldi và Bach. Sau đó có giai đoạn Lãng mạn với Chopin, Schumann, Schubert, Brahms,.. sau nữa đến Hiện đại với Schoenberg, Webern, và sau thế chiến thứ 2 thì là Hậu Hiện đại. (3): giai đoạn Khai Sáng- từ khoảng 1650-1800 ở châu Âu được coi là giai đoạn vĩ đại nhất của văn hóa phương Tây - khi các quan niệm về Con người, Tự do, Bình Đẳng được đẩy lên cao nhất- nhằm giải thoát con người và xã hội ra khỏi chủ nghĩa phong kiến. Nói chung phong trào Khai Sáng- xét cho cùng cũng chỉ là hệ quả của sự phát triển chủ nghĩa tư bản đã chín mùi. Các triết gia Khai sáng lớn gồm có bộ 3 ở liên hiệp Anh gồm Locke, Berkeley, Hume; các vị ở Pháp như Rousseau, Voltairre (Voltaire thực ra là nhà văn và nhà cách mạng thì đúng hơn là một triết gia), ở Đức như Kant (dù nhiều người coi Kant là chuyển sang giai đoạn Duy Tâm Đức rồi).
Thấy có bài viết về Beethoven, banuvo cũng xin tham gia một chút! Beethoven và Mozart, hai nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc. Nói rằng giai điệu của Beethoven không mạnh như Mozart có nghĩa gì nhỉ??? Âm nhạc của mỗi người có một phương cách phát triển riêng, không giống nhau. Nhạc của Mozart thiên về cái đẹp, cái tinh tế, tràn đầy tính trong sáng, thanh cao. Còn nhạc Beethoven, âm hưởng đi sâu vào nội dung ẩn chứa bên trong. Với những giai điệu của Mozart, người ta có thể nói đó là mùa xuân của âm nhạc. Với giai điệu của Beethoven, nó có thể làm bùng cháy ngọn lửa trong tim đàn ông và làm đàn bà rơi lệ. Mỗi một người đều có cách phát triển riêng trong giai điệu của mình. Không thể so sánh hai ông được. Tác phẩm giao hưởng của Mozart chủ yếu mang tính chất phục vụ cộng đồng, mang nhiều ý nghĩa về mặt giải trí, do vậy khi nghe giao hưởng của Mozart, chúng ta giống như đang xem một bộ phim giả trí nhẹ nhàng, mang tính thư giãn. Chứ không phải là tác phẩm của ông không chặt chẽ. Brahms đã phát biểu thế này:" chúng ta không thể viết hai và đẹp được như Mozart. Nhưng ít ra chúng ta phải viết chặt chễ được như ông". Giai điệu chính của giao hưởng 40 của Mozart, có nhiều người lầm tưởng đó là một giai điệu vui vẻ theo đặc tính của Mozart ... mà quả đúng như vậy thật. Khi giai điệu được đánh hơi nhanh, lập tức nó trở thành một giai điệu trữ tình duyên dáng. Nhưng thực chất, đó là một giai điệu buồn. Tác phẩm được viết trong thời kì Mozart suy sụp về thể chất, tinh thần. Giai điệu vẫn mượt mà, nhưng ẩn chứa một nỗi buồn xâu xa. Bernstein đã thể hiện được đúng với tinh thần của tác phẩm, đó là một bản thu mang tính chất mẫu mực của tác phẩm này. Tác phẩm có cách mở đầu không giống với các tác phẩm khác của Mozart, giai điệu chính được thể hiện ngay từ những note đầu tiên, chứ không bắt đầu bằng một đoạn nhạc nhập đề như các tác phẩm khác của ông. Về mặt cấu trúc, phải nói ngược lại là nhạc của Mozart không biên hóa bằng nhạc của Beethoven. Ở nhạc của Mozart, phần phát triển của chương không tách ra, hay nói đúng hơn là chỉ xoay quanh chủ đề chính. Hơn nữa, Mozart không khai thác nhiều về sự đối kháng giữa các chủ đề. Do vậy, nhìn toàn chương, sự thay đổi không rõ nét. Với Beethoven, các chủ đề thường có sự đối sánh nhau về các mặt. Do vậy, phần phát triển của ông rất tinh tế và nhiều cách sử lý làm cho người nghe bất ngờ. Chẳng hạn: _ Ở giao hưởng số 2, đoạn mở đầu truyền thống theo kiểu của Haydn và Mozart. Thường thì nó sẽ giới thiệu chung tính chất của toàn chương. Nhưng Beethoven lại có cách giải quyết khác. Đoạn mở đầu mang tính chất u buồn, tăm tối, xa xăm, bộ kèn diễn tấu chính hát lên những giai điệu buồn thương, dàn dây phụ họa thêm vào. Nhưng âm nhạc dần dần thay đổi diện mạo chuyển sang Allegro con brio ( nhanh tươi sáng), nó hoàn toàn trái ngược với tính chất đoạn mở đầu. Lý giải về nó, thì đoạn đầu viết về thời kì nặng nề mà Beethoven vừa trải qua, ông bị chối bỏ tình yêu và cảm nhận được căn bệnh nan y của mình. Nhưng chừng đó không thể đánh gục được ý chí của Beethoven. Âm nhạc phần sau đầy tính chất sôi nổi, say mê, không gì ngăn cản được. Có thể nói đó là nguyên bản đầu tiên của tính chất anh hùng ca lãng mạn ( cái này không phải là anh hùng ca kịch tính ), cái tính chất mà mãi sau này chỉ có một mình Bruckner là tái hiện được lại. Link: Symphony NO.2- Movement 1 http://boyunglee.com/music/beethoven/sy ... onBrio.mp3 _ Hay là trong chương cuối giao hưởng số 3 của Beethoven. Ông biến tấu trên cả hai chủ đè song song với nhau. Các đoạn nhạc mang tính chất khác nhau thay đổi liên tục. Chương nhạc mà Tchaikovsky đã nói:" Chỉ có thể có một tác phẩm so sánh được với nó đó là bản giao hưởng số 9". Symphony No.3 Movement 4 http://boyunglee.com/music/beethoven/sy ... arajan.mp3 Một vài ý kiến đóng góp. Có gì quá đáng xin bỏ qua cho!!
Vâng chào bác banuvo, Để em từ từ trả lời từng ý một mà bác phản đối nhé: 1. Beethoven không mạnh về giai điệu như Mozart- cái này không có khó khăn gì để nhận ra cả. Nhạc Mozart nghe nhiều khi đơn điệu, không có cảm giác thấm - nhưng nếu như nghe kỹ, từng câu một thì câu nào cũng trau chuốt và có giai điệu rất đẹp và cụ thể. Người nghe Mozart thường có cảm giác bài nào của ông ấy cũng giống nhau- nhưng không phải vậy, bất cứ câu nhạc nào của Mozart cũng khác nhau- và cái giỏi thiên tài của ông ấy cũng là ở chỗ đó- biến hóa vô cùng, càng nghe kỹ càng thấy tinh tế. Nhạc Beethoven không mạnh ở điểm đó- nó thô và đơn giản hơn- các câu ngắn gọn hơn, nhưng mạnh về biểu đạt nội dung (thực ra Mozart cũng mạnh- nhưng theo hướng khác em sẽ nói ở dưới). Một bản nhạc của Beethoven thường chỉ gồm một số không lớn các hợp âm và được lặp lại nhiều lần hoặc thay đổi khá ít, nhưng lại được sắp xếp rất hợp lý- thậm chí có thể nói là tuyệt hảo. Cũng xin nói thêm với bác là phát biểu về việc Mozart mạnh hơn Beethoven về giai điệu cũng không phải là ý kiến của một đứa nghiệp dư như em- mà là của các học giả lớn về âm nhạc của Đức. Em cũng chỉ là đọc và nhờ họ mà hiểu nhạc Beethoven, Mozart hơn thôi. 2. Trái ngược hoàn toàn với cách hiểu của bác- nhạc Mozart không phải là nhạc phục vụ cộng đồng. Chính nhạc Beethoven mới là nhạc phục vụ cộng đồng. Vào thời đại của Mozart- âm nhạc vẫn là một thứ gì đó hoàn toàn quí tộc và tách biệt khỏi cuộc sống thực của đa số con người. Mozart viết nhạc để phục vụ cho tầng lớp quí tộc, vua chúa. Hình ảnh và nội dung nhạc Mozart vì thế nếu không là để mô tả cái đẹp của tự nhiên và của tinh thần - bộc lộ một cách khá rụt rè các tâm tư tình cảm của bản thân Mozart- thì cũng là (khá) thuần túy "phục vụ âm nhạc". Trong khi đó- Beethoven lại đặc trưng cho phong trào Khai Sáng- muốn đem nghệ thuật ra để giáo dục, cải tạo con người (tư tưởng Idealism Đức thời kỳ đó) và muốn bộc lộ tư tưởng tự do, bác ái cho nên nhạc của ông trở nên cởi mở, nhiều tự sự, nhiều tính tự do ấm áp bác ai hơn nhiều. Chính vì sự khác biệt đó- thực ra mà nói nhạc Mozart khó nghe hơn đối với người bình thường (trừ trẻ em, người già và quí tộc) - vì người bình thường khó có thể đồng cảm được với Mozart- vì không nhận thấy được những trăn trở, suy tư của mình có trong nhạc Mozart. Ngược lại họ sẽ tìm được rất nhiều thứ giống với suy tư của họ trong nhạc Beethoven. Giao hưởng của Beethoven vĩ đại cũng vì lẽ đó - nó là thứ nhạc dành cho mọi tầng lớp (hoặc ít ra là Beethoven muốn vậy, còn tất nhiên cũng không phải ai cũng hiểu được giao hưởng Beethoven). Nhạc Mozart nếu nói về cấu trúc chặt chẽ thì khỏi phải bàn. Em cũn đã viết ở bài trên- rằng Mozart cũng là vua của việc thiết kế tính toán tỉ lệ phân chia tác phẩm (Mozart nếu làm toán thì cũng sẽ là một thiên tài!). Tuy nhiên- ý em nhắm tới trong việc chê Mozart là chê ở nội dung (em khen Beethoven hơn ở chỗ tạo ra hiệu ứng tổng thể về mặt nội dung cao hơn Mozart!). 3. Về mặt cấu trúc- em cũng không thấy Beethoven biến hóa hơn Mozart. Điểm khác cơ bản nhất giữa cách viết nhạc của Beethoven so với Mozart- nếu xét về cốt lõi- có lẽ chỉ là ở giai đoạn cuối- khi Beethoven - từ sự thay đổi về tâm lý, tinh thần- dẫn đến sự thay đổi về cách viết nhạc. Về cơ bản- Beethoven sử dụng đúng cách chuyển giọng của Haydn và Mozart- cho nên các đoạn chuyển giọng của Beethoven thường vẫn rất êm và mềm. Tất nhiên, về khả năng chuyển giọng êm và mềm thì Mozart vẫn vượt xa Beethoven (cũng là chuyện giai điệu: Mozart có khả năng giữ được giai điệu mạnh hơn Beethoven nhiều- dù chuyển giọng nghe vẫn rất hợp lý- không bị ngắt đột ngột. Dù số lượng tác phẩm Mozart viết ra khổng lồ- nhưng không bao giờ có tác phẩm nào giai điệu bản nhạc có vẻ bị ngắt quãng cả). Sự đối sánh các chủ đề trong nhạc Beethoven ở giai đoạn cuối cho phép Beethoven thể hiện tâm lý của ông ấy- đến cuối đời vẫn đứng giữa 2 dòng nước, vẫn có những thất vọng và những lý tưởng. Chúng có thể đa dạng hơn Mozart- vì tất nhiên nếu Beethoven không có những kỹ thuật khác- phát triển hơn Mozart thì ông ấy không được coi là một nhạc vĩ vĩ đại như vậy, nhưng tinh tế hơn thì không và bất ngờ hơn cũng không hẳn (dễ tìm được sự bất ngờ này trong nội dung hơn- do tâm lý của Beethoven thay đổi). Tuy nhiên sự đa dạng và phát triển hơn này của Beethoven nằm trong những hình thức tổng quát khác- ví dụ khả năng kết cấu giao hưởng và tứ tấu chứ không ở chuyện biến giọng, chuyển câu. Tóm lại là ở Beethoven- cái mạnh nằm ở tinh thần và nội dung ông ấy dồn vào âm nhạc, chứ kỹ thuật kỹ năng hay thiên tài về viết nhạc thì Mozart vẫn là người hơn. Nghe Beethoven hay hơn và "chúng ta thấy sâu hơn" nghe Mozart- là vì bản thân Beethoven là một nười luôn phải đối kháng với chính mình- như Haydn từng nói: "nghe nhạc Beethoven thì thấy cứ như là đầu nó chia ra làm hai nửa và đối chọi lại nhau." - một nhà lãng mạn tiên phong. --------- PS: đối với em, nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử là Bach, không phải Mozart cũng không phải Beethoven. Chỉ có ở Bach- dù chỉ là các tác phẩm nhỏ, một chương trong Cello Suite cho Cello chẳng hạn, nghe nhiều rồi thỉnh thoảng nghe lại vẫn chết điếng người. Giỏi đến thế là cùng.
Cám ơn Cellist và Banuvo nhé. Tiffany rất thú vị khi đọc các bài phân tích của các bạn. Nếu được, Cellist có thể giới thiệu một vài tiểu phẩm của Bach khiến bạn khi nghe phải "chết điếng" người được không ạ? Cá nhân Cellist khi mua đĩa, bạn chú trọng đến tác phẩm/ nhạc sĩ trước hay để ý đến nghệ sĩ trình diễn trước?
1. Điều này thì banuvo cũng biết. Nhưng cái chính ở đây bạn đã dùng từ không đúng lắm. Banuvo không có ý bắt bẻ từng câu chữ, nhưng cách dùng từ "MẠNH" dễ làm hiểu lầm. Beethoven đã tiên đoán cho ông và các thế hệ sau như thế này:"Chúng ta sẽ không thể nào viết những giai điệu tuyệt vời như Mozart". Còn sau đó, Brahms khẳng định:" Chúng ta không thể viết hay và đẹp như Mozart ...". 2. Đến lượt banuvo dùng từ sai. Thay vì phải dùng từ giải trí cho quí tộc thì lại dùng từ phục vụ cộng đồng nên ..... hi hi, coi như hòa 1:1 được không Cellist?? 3. Beethoven đã tạo ra hàng loạt những điều mới mẻ trong cấu trúc tác phẩm đấy chứ! __ Sonata là ví dụ đầu tiên. Ánh trăng đã phá vỡ qui luật cấu trúc các chương của sonata. Pathetique cấu trúc theo tác phẩm văn học, mở ra con đường thênh thang cho trường phái Veimar đấy!! Các sonata cuối có cấu trúc tác phẩm khác hẳn, nó vượt qua toàn bộ các nghệ sĩ thế kỉ 19, hướng thẳng sang TK20 __ Thính phòng là một ví dụ tiếp theo. Nghệ thuật đỉnh cao thuộc về Beethoven. Trong thính phòng của Mozart, các nhạc cụ ở bè trầm nhất thường chỉ đóng vai trò bè đệm. Beethoven bác bỏ điều này, các tác phẩm của ông cân bằng đều cho các nhạc cụ. Cấu trúc tác phẩm không xoay quanh một nhạc cụ nào đó, mà được chuyển đổi liên tục giữa các bè. Các tam tấu piano thể hiện rất rõ điều này. _ Concerto, Beethoven đã nâng tầm concerto lên ngang hàng với một tác phẩm giao hưởng. Cấu trúc của nó đã được mở rộng, dàn nhạc được phân bè như là nó đang trình diễn một tác phẩm giao hưởng. _ Còn về việc Cellist nói nhạc Bẻethoven chỉ có vài ba hợp âm ?? Cấu trúc của một chương nhạc cần phải có sự đồng nhất, tập trung ở một ý chính, để khiến cho tác phẩm rõ ràng hơn. Điều này thì toàn bộ các nhạc sĩ sau Beethoven đều áp dụng. Việc diễn tấu chủ đề, phát triển chủ đè, nhắc lại chủ đề, là cấu trúc nội tại thuần nhất của âm nhạc. Ngay cả các nghệ sĩ thế kỉ hai mươi, nổi tiếng với việc viết nhạc với nhiều phong cách khác nhau, cũng áp dụng triệt để. ... Có những trường hợp ngoại lệ, như Bruckner thời kì đầu, ông viết nhạc quá dài dòng, không tập trung, nên các tác phẩm giao hưởng thời kì đầu không tạo được dấu ấn. P/S: Không có Haydn thì không có Mozart, không có Beethoven. Nhưng không có Bach thì chẳng có gì cả --> trích dẫn
Bực thật- viết bài xong rồi ấn gửi nó lại biến mất mới cú chứ. Thôi mình tóm tắt lại vậy. Gửi bạn banuvo: Ok, coi như chúng ta thống nhất. Tất nhiên Beethoven phải hoàn thiện nhiều loại hình tác phẩm mà Mozart chưa làm thì mới được coi là nhạc sĩ lớn như thế. Bruckner là người có Chúa quá vững tin nên nghe hơi primitive và lê thê chứ giao hưởng của ông ấy được viết theo kiểu riêng: chia mỗi chương thành nhiều các blocks nhỏ hơn, độc lập với nhau. Ngược lại Mahler tuy là trợ lý của Bruckner ở nhạc viện Wien (chưa bao giờ học với Bruckner chữ nào)- nhưng lại là "kẻ ngờ vực luôn đi tìm kiếm Chúa" và vì thế dù ông ấy viết theo kiểu truyền thống- mỗi chương là một tổng thể hợp nhất về cấu trúc, nhưng nội dung nghe lại không thấy thống nhất- rất nhiều chỗ tưng tửng. Gửi bạn Tiffany: mình luôn tìm tác phẩm trước, sau đến người trình tấu, sau mới đến chất lượng thu thanh (ví dụ nghe Vanessa Mae kéo violin mình chỉ muốn đập loa, dù là thu Digital- âm thanh sạch bong). Một số tác phẩm của Bach dễ nghe dễ tìm ở VN là: - 6 Patitas & Sonaten cho violin (ví dụ nghe Szeryng, Menuhin), 6 Cello Suite cho Cello (nghe Casals, Fourier, Rostropovich), Goldberg Variations cho piano (Gould), Well-tempered Piano cho piano (Gould), 6 Brandenburg Concertos cho giàn nhạc, "Hiến tế âm nhạc" (das musikalische Opfer), "Nghệ thuật đối âm (Kunst der Fuge), St. Matthieu Passion, một số các Kantatas, violin concerto, concerto cho 2 violin v.v.v.
Chào các bác. Nghe các bác tranh luận thì dạng newbie như em cũng vỡ ra được vài thứ. Mong các bác thường xuyên post bài nhé. Tiện đây cho em hỏi là nhạc trưởng nào chơi giao hưởng của Beethoven hay? Nhiều người nói là Karajan nhưng ko hiểu sao em lại không thích phong cách của ông này mấy.
Hay tùy tai mà bác. Đối với em thì là Furtwaengler - mấy năm nay em đi rêu rao khắp các forum tiếng Việt về Furtwaengler- có lẽ thanh niên các forum ấy giờ cũng nghe Furtwaengler hết cả rồi. Tuy có điểm tiếc- rất tiếc là các bản thu của Furtwaengler đã rất cũ- trước 1954 cả (năm mất)- tức là Mono xào xạc. Bác nào thính tai- và là dân chơi audio có lẽ sẽ khá khó chịu khi thấy nhiều khi tiếng Kontrabasss bị méo hoặc mờ tịt, các bè kèn trống không lên được như nghe đĩa thời stereo, digital. Có lẽ đó cũng là một phần nguyên nhân làm cho người ta chọn mấy bản thu của Karajan làm chuẩn - vì các bản thu này đều stereo rồi (cuối đời Karajan có thu cả bộ 9 cái lại qua digital- Karajan là Fan của CD và thu digital - nhưng bộ này không bằng bộ thu những năm 60-70 của ông ấy). Theo em- có lẽ nên tìm kiếm các bản đơn thì hơn- ví dụ nghe số 6 thì tìm bản của Karl Boehme, số 5 +7 của Carlos Kleiber, số 9 của Karajan vậy. Nếu không ưa được Karajan thì còn 3 lựa chọn khác cho số 9 là Masur, Abbado và Rattle. Em rất lấy làm tiếc là Kleiber không chịu thu số 9 (mất năm ngoái), cho nên chúng ta ngày nay mới không có bản nào để thế bản của Furtwaengler. Hy vọng mấy năm nữa chú Thielemann quay sang chỉ huy Beethoven đều đều- để ra một bản số 9 cho ra tấm ra miếng đúng truyền thống Đức.
Em chỉ có cái số 5 và số 7 của Furwaengler chất lượng âm thanh cũng kha khá. Còn mấy các khác mà bác nói có lẽ phả kiếm dần. Em thấy những bản ghi cũ mà gần đây được làm remaster lại nghe chất lượng âm thanh rất khá. Có thể không trong trẻo bằng các bản mới nhưng nghe lại có hồn hơn.
Em nghĩ đó chính là điểm mạnh của Analog mà số chưa đạt đc, đó là nhạc tính và có hồn. Quả là Bach có công lớn cho nhân loại khi ông đã phát triển kĩ thuật sáng tác phức điệu rất chặt chẽ và phong phú trong việc biểu đạt... Dân trong nghề ai cũng công nhận.
Cellist: Nói chuyện với bạn thật vui và thú vị. Mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Celllist. Đây là lần đầu tiên mình tham dự một cuộc tranh luận đi đúng hướng của nó, nghĩa là không dẫn đến việc tranh cãi và mọi người tôn trọng lẫn nhau. Cám ơn bạn nhé! Chúng ta nên dọn dẹp mọi thứ lại để anh CDshop tiếp tục công việc của anh ấy! Về bản thu của Furtwangler, mình thấy bản số 9 của ông có âm thanh khá hoàn hảo. Nói chung là tốt! Bản thu này có trên http://www.boyunglee.com. Bạn Planet có thể down load. Bản thu này thì ... khỏi nói! Đã thích trường phái chỉ huy của người Đức thì phải nghe bản này đầu tiên. Các bản thu của Kleiber quả thật hay nhưng .... quá hiếm. Tác phẩm ông thu đều là những bản thu rất hay. Ông và Bernstein là hai nhạc trưởng được đón tiếp ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Về tính cách thì ông và Karajan đúng là một cặp trời sinh. Các tác phẩm Karajan chỉ huy, theo banuvo thì qui củ quá, thiếu đi dấu ấn cá nhân của nhạc trưởng. Khi nghe bản thu từ những năm 41 của ông, đến những năm 85 thì phải nói giống hệt nhau. Theo mình, khi chỉ huy Beethoven, thì mình thích nhất bản thu năm 63 của ông. Nghe Mae chơi cũng quá tuyệt vời đấy chứ! Nhất là khi nghe cô ấy chơi bản "Bốn mùa" của Vivaldi. Thật hay! Công nhận, vặn volume đến max mà vẫn ... không nghe được note nào! -----> rất thích hợp cho việc ... đọc sách!
Cảm ơn bác banuvo nhưng ko hiểu sao em vào website đó rồi nhấn enter thì chỉ thấy trắng xóa thôi. Có lẽ phải để mai thử vào lại xem sao.
Trang này phải chọn thời điểm để vào. Mình quên nhắc bạn. Tốt nhất là khoảng buổi trưa theo giờ Việt Nam. Tốc độ down của nó khá nhanh ( nêu bạn có phần mềm hỗ trợ). Chúc vui!!
Chào bác Xe, banuvo và chào các bác trên diễn đàn. Em viết bài này một phần để trả lời các bác Xe và banuvo một phần cũng muốn rủ rê các bác qua nhà em như em quảng cáo đã lâu. Về cái việc cấu trúc chặt chẽ và thống nhất hay không thì chúng ta chả nên bàn làm gì, vì chúng ta không phải là các nhà lý luận hay rành rẽ nhạc lý, có thể biết chút nhạc lý đủ để chơi đàn nhưng chưa đủ tầm để nhận xét một cách đơn giản như vậy. Cũng không nên nói ai là người vĩ đại nhất vì đó là một định nghĩa hết sức tương đối, ai cũng có một vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển âm nhạc. Thiếu Bach thì sẽ không có những nhạc sĩ còn lại, hay thiếu Mozart và Beethoven thì âm nhạc cũng không có bước phát triển rực rỡ về sau. Bác Cellist thích cái bộ violin solo của Menuhin à, em thì thấy hai bộ hay nhất một chín một mười là của Szeryng và Milstein. Hai ông có phong cách khác nhau đều hay và đáng nghe, đương nhiên những người khác cũng có cái hay riêng, như Hahn kéo cũng tốt. Điều đặc biệt của Bach là mỗi người chơi nó sẽ khác nhau, ngoài Gould ra thì Perahia chơi Bach cũng đặc biệt, một vài người nữa cũng lạ. Tìm đến nhiều người chơi khác nhau sẽ cho cảm giác khác nhau, nghe Bach thì có nghe đến cuối đời cũng không hết. Còn Gould thì đương nhiên không thể bỏ qua khi tìm đến Bach rồi. Ông chơi Bach cũng như Cziffra chơi Liszt vậy. Hình như Perhia và Cziffra ở VN cũng có. Bộ Beethoven do Furtwangler chỉ huy ở trên boyunglee hình như không phải cái ở Lucerne năm 54, thường bọn share trên mạng chỉ đưa lên mấy bản của EMI thôi vì nó phổ biến. Cái bản Furtwangler năm 54 nó nổi tiếng vì nó hiếm khó tìm và ít người biết nhưng cũng không phải cái tuyệt vời nhất, mà cũng khó nói được cái nào là hay nhất. Ngoài cái này của Furtwangler thì bản thu của Solti cũng rất tuyệt vời, bộ này hay mà chất lượng thu âm lại tốt, nghe rất sướng. Nếu nghe kĩ thì Karajan có dàn hợp xướng nghe thích hơn (có thể một phần do thu âm tốt hơn), nhưng Furtwangler lại có soprano Schwarzkopf. Furtwangler là nhạc trưởng cần nên nghe, ông vĩ đạ hơn Karajan nhiều, Karajan vì mới hơn lại là nhạc trưởng ảnh hưởng đến hãng đĩa DG nhiều nhất nên tên tuổi được nhiều người biết hơn. Carlos Kleiber thì quá giỏi rồi, nhưng chỉ tiếc ông không thích thu âm nên chúng ta mới ít được nghe ông chỉ huy như vậy. Nhiều người thích sonata của Beethoven hơn Mozart vì cho rằng nó giàu nội dung, đa dạng và tinh tế hơn. Nhưng âm nhạc của Mozart thì trẻ trung và giai điệu thì rất đẹp. Chơi nhạc của Mozart khó hơn Beethoven rất nhiều. Dù chỉ học trung cấp cũng có thể chơi các bản nhạc của Mozart đúng nốt đúng nhịp dễ dàng nhưng chơi hay thì cả một vấn đề, nhiều nghệ sĩ không thể chơi mozart hay được. Điển hình như Richter, ông thừa nhận ông chơi Mozart rất kém, mặc dù chơi Haydn rất tốt. Schnabel đã nhận xét các sonata của Mozart là "too simple for children but too difficult for adults". Có thể nhận thấy ngay là các nghệ sĩ gần đây chơi Mozart rất nhiều như Hahn cũng chơi mozart nhưng không phải xuất sắc. Mutter thì em được nghe trực tiếp và chỉ cách cô có mấy mét nhưng hoàn toàn khôn có ấn tượng gì. Chắc nhiều người cũng biết cậu nhận xét là 30 tuổi thì nghe Beethoven nhưng phải đến 40 tuổi mới hiểu được Mozart. Tạm viết đến đây, các bác qua nhà em thì em sẽ hầu chuyện tiếp P/S: Cái vụ 400 đĩa LP thì thế nào đây, bác Cellist cho em thông tin chi tiết đi.
So sánh giữa Mozart và Beethoven thì riêng em thấy nhạc của Mozart dễ cảm nhận hơn vì nó giàu giai điệu. Có thể do em nghe Mozart nhiều hơn Beethoven nên thấy như vậy chăng? Em thấy nhạc Mozart nội dung cũng lãng mạn hơn Beethoven. Nhạc Beethoven thì triết lý hơn và rất ít lãng mạn trừ. Chỉ có bản Triple Concerto thì lại rất lãng mạn và giai điệu rất đẹp. Còn lý do mà em thấy không thích phong cách của Karajan là cách dàn dựng bản nhạc của ông này đẹp hoành tráng nhưng em nghe thấy khó tập trung vào chủ đề chính. Tất nhiên chỉ là tương đối so với những người khác thôi. Em nghe nói Toscanini cũng giỏi lắm nhưng chưa có dịp nghe ông này. Hôm trước thấy ở ngoài hàng có một bộ nhưng bây giờ hết rồi thì phải. Nghe chừng nguời Đức có vẻ chiếm ưu thế trong lính vực này quá. Mời các bác chỉ giáo tiếp.