Tháng tám về, trời Hà Nội hanh vàng rồi và mình viết tặng mình... Hà Nội thì chưa vào thu, nên vẫn chưa có cảm giác tha thẩn của “Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?...". Sáng dậy chợt thấy trời ầm ì cơn chuyển mùa, rồi thoáng chốc mưa đã phớt lờ những bước chân cuống quít trên phố để ào ào trút xuống. Lại thêm một thoáng nữa, cả đất trời, cả những con phố mong manh đã trắng nước. Thu chưa về, nhưng đây đó như đã có tiếng gió thở dài trên những con phố sông bất ngờ. Nhưng tháng tám về nên trời Hà Nôi lại hanh vàng rồi. Mưa là thế nhưng còn lại lại là những vệt nắng ngòn ngọt vương lại trên những giọt nước mưa còn đọng trên bó sen trắng ngần tần ngần trên phố cổ. Năm nay hạ ngắn nhưng mùa sen dường như dài hơn, cuối hạ rồi nhưng những con phố vẫn được những bông sen như búp tay hồng hồng hay trắng muốt chạm vào thật dịu dàng. Thèm những buổi chiều tháng tám, ngồi đợi hết mưa rồi nghe cả con phố hong mình dưới nắng, chen lẫn vào là hương cà phê và những tà áo đủ mong manh để mình dán mắt cho đến mờ xa hẳn. (Mà hình như con gái Hà Nội xinh nhất là khi thu về thì phải, nên cứ vào lúc giao mùa này mình thấy chộn rộn chăng?). Lúc này những tán lá như bắt đầu điệu đà trong làn không khí man mát đầy hơi nước. Ai đi xa sao không nhớ đến Hà Nội chứ, sao không nhớ đến những dòng xe hoa mắt, đến những âm thanh lúc giận giữ lúc ngọt ngào của đường phố, đến những cơn mưa thản nhiên như thế, đến những nỗi nhớ bất chợt như thế.... Trước kia hồi còn nhóc con, mình nhớ một cậu bé ngồi rầu rĩ trong căn phòng trọ với những bức tường đầy vệt nước. Căn phòng bé tí ngập trong tiếng Don William kể lể "I do my crying in the rain". Tay gõ gõ như vô tình, bên ngoài trời đã ngớt mưa bằng những tiếng se sẻ lích tích. Nhiều khi những nỗi nhớ Hà Nội cũng hay vụn vặt như thế... Những nỗi nhớ vụn vặt và dịu dàng....
Bác nói rất đúng, không phải rơi hay khơi, mà là khởi vì như thế mới có nghĩa là bắt đầu chuyển sang màu vàng. Em cám ơn bác nhiều. Em đã sửa cho đúng.
Em xin góp một bài thơ về Hà Nội! xxxx Đây là bài thơ Em tìm được trong 1 cuốn sổ cũ của Bố Em sau khi Cụ mất nên Em không biết là do Cụ sưu tầm hay là do chính Cụ làm, nhưng Em đoán là do chính Cụ làm! Xin được chia sẻ cùng các Bác! Đã được edit bởi tai_trau. Những cái gì không có lợi cho VNAV thì phải tránh, các bác ạ. P/s: Bài thơ đó em tin và hy vọng là ông cụ nhà bác sưu tầm.
Câu chuyện thứ 22: Những quả cà chua và đoàn siêu xe... Một hình ảnh cũng đã trôi qua được cả tháng, về một bà cụ già tần ngần cầm lên đặt xuống vài quả cà chua. Cụ bà không thể quyết định được việc có nên mua cà chua về nấu cơm hay không vì nếu mua, bà sẽ phải trả thêm 2 nghìn so với hôm trước. Sau đó hình như bà đặt cà chua xuống, không mua nữa. Chuyện xảy ra ở thành phố Hà Nội. Một đoàn siêu xe được báo chí rầm rĩ giật tít là "Âm thầm" vào Đà Nẵng để tham gia hoạt động có tên là "Đại lễ hội siêu xe". Chương trình gồm có triển lãm xe, giao lưu với các cháu và làm từ thiện. Thật choáng và kiêu hãnh (1 tí) vì quê mình nhiều tiền quá, nếu so với 1 số nước phát triển thì VN mình chắc chắn là chịu chơi hơn. Điều này thì em dám khẳng định luôn. Chuyện xảy ra từ Hà Nội. Bài báo thêm vài bức ảnh, có bức chua thêm dòng chú thích: "Tới muộn, đoàn siêu xe Hà Nội trong vòng vây người hâm mộ". Rõ là mình thích siêu xe hơn là ngắm bà già mua cà chua, hẳn thế! Những hình ảnh nói trên chả nói lên điều gì, vì của đáng tội ở đâu mà chả thế. Có kẻ nghèo thì mới có người giàu, từ Mỹ đến Bangladesh, its just the same! Nhưng hôm thấy chuyện cụ bà cầm mấy quả cà chua em thấy lòng mình đắng ngắt. Chợt thấy một số hoạt động từ thiện trở nên lố bịch. Có tiền cứ chơi, có nhan sắc cứ show, "lồng ghép" làm gì để hoạt động nhân văn này nó mất đi ý nghĩa. Hôm nọ, qua khu phố Tàu ở Sydney thấy 2 đứa trẻ, bé gái cầm mic hát bài "Scarborough Fair", bé trai chơi ghi ta. Có lẽ chúng khoảng 7-8 tuổi. Giọng hát trong veo, khách qua đường thả những đồng xu vào chiếc hộp đàn. Em đứng cạnh một lúc, cùng hát xong bài Giàn thiên lý rồi mới đi, cũng thả lại 1 đồng xu. Vậy là ở Sydney cũng có những câu chuyện về quả cà chua, nhưng ngoài đường của họ trong 10 ngày em thấy duy nhất 1 chiếc Bentley. Chuyện hôm nay em chỉ biết kể thế thôi vì đang thấy lòng mình lại đắng ngắt.
He he...! Cả Đông và Tây Y đều khẳng định rằng : Mỗi ngày ăn một trái cà chua thì có khả năng ngăn ngừa được bệnh ung thư đấy kụ ạ! Cụ bà ăn cà chua là đúng bài rồi . Còn mấy cái vụ show hàng kia...quả thật cứ thấy gai gai, nhờn nhợn thế nào ấy .
Cái lễ hội siêu xe này mới thấy vài bức ảnh của báo chí nhưng đã thấy rất nhiều "siêu xe" mang biển "siêu trốn thuế - NN, NG".
Tháng chín về…. Đã hơn một lần phải thốt lên thời gian như nước trôi kẽ tay, có nắm chặt lắm thì cũng chỉ còn lại một khoảng ướt trong lòng trước khi ta kịp nhìn lại. Tháng 8 vừa mới về hôm qua, giờ thì tháng chín đã ậm ừ chiếm chỗ. Hà Nội mấy hôm rồi trời mưa dai dẳng, vừa đi xa về bập ngay vào những con phố hai bên nước sóng sánh, chen lẫn nhau trong tiếng càu nhàu phàn nàn, mùi khói xe nặng nề len lỏi vào trong bầu không khí sũng nước làm mắt ai cũng như cay cay. Đột nhiên, trời hửng lên thả nhẹ những tia nắng xuống những con phố còn loáng nước. Nhìn xuống theo đã thấy lá sấu rụng lã chã từ bao giờ. Thế là biết thu đã về thành phố. Thu về, mà ở Hà Nội thì dường như ai cũng tranh nhận khoảng thời gian này là của riêng mình. Những người già sáng thích dậy sớm hơn, thong thả cố kiếm chút nhàn tản trong những buổi sáng trong khi mà cuộc sống thường nhật chưa bắt đầu. Những chàng trai cô gái coi đây là thời gian riêng mình, ra đường nhiều hơn, yêu nhau nhiều hơn. Những đứa trẻ dán mắt vào những chiếc đèn xanh đỏ, những hộp quà bánh trung thu mà chưa chắc chúng đã muốn ăn. Còn mình, chẳng trẻ và chưa già (hình như thế), tự dưng chả biết mình muốn gì vào thu nữa. Sáng nọ đưa con đến trường, trong lòng ngổn ngang biết bao suy nghĩ với bao nhiêu lo toan mới, vất vả mới sẽ lại đổ lên đầu con trẻ, bố sắp già. Thoáng chốc mình lại nhớ lần đầu được đến trường. Bíu ríu tay mẹ suốt con đường đến trường, mè nheo túm lại vạt áo bạc màu của mẹ trước khi vào lớp với bao tiếng râm ran của bạn mới. Sau này mới biết do lo cho con lần đầu đi học, mẹ vẫn đứng từ xa trông mình, cho đến khi thằng con bé người nhưng lại to miệng hát vang Cũng giống như chúng mình, ừ nhỉ!…Nhanh thật, thế mà đã 30 năm trôi lọt kẽ tay mình. Ngày đó, sách giáo khoa lớp một còn một đoạn thơ của Minh Chính*, đứa trẻ mình ngồi lọng ngọng hát vang theo nhịp mẹ dạy. Trường của em be bé, nằm ở giữa rừng cây, cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay….Đồi cọ ngày trước còn nhiều lắm, người lớn lấy lá lợp mái nhà, còn lũ trẻ om những quả cọ chín bùi ngồi ăn, để lại những nụ cười đen nhẻm của màu quả. Mùa thu đầu tiên mình đến trường, dẫu đã xa lắm rồi những cũng còn kịp để lại trong kí ức những chú ếch xanh học bài bên hố bom, để lại mười chú gà mới nở, để lại những đêm trăng sáng ngằn ngặt chiếu rõ cả manh chiếu sờn trải bên thềm nhà, để lại những xâu hạt bưởi đã heo héo cháy lách tách khiến cả không gian còn đọng hương tinh dầu thơm thơm… Đến bây giờ, đôi khi mình vẫn nghe phảng phất hương hạt bưởi đâu đó, vẫn thấy 1 cậu bé con lũn cũn đi dọc hai hàng cọ già trên quả đồi năm nào…. @Bác Thaiviet: . *Tác giả “Đi học”. Tên đầy đủ là Hoàng Minh Chính. Sinh năm 1944 tại xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà. Theo gia đình lên Phú Thọ năm 1948. Học sinh trường Hùng Vương. Hy sinh tháng 3/1970 tại Quảng Trị. Bắt đầu in thơ trên các tờ báo từ 1964. Một số bài đã in: Đường về quê mẹ, Dòng sông Công, Cô gái lái đò...”.
Câu chuyện thứ 23 - Những chiếc xe máy ở thủ đô... Cũng hứa với lão regular từ bận lâu lắc rồi về cái vụ xe máy này nhưng lần lữa mãi hôm nay mới tiếp đến câu chuyện thứ 23 này. Một phần lưỡng lự là vì nguyên mấy cái chuyện giao thông ở quê mình cũng đã chiếm mấy topic hot của vnav rồi, ngoài ra hàng ngày báo mạng viết cũng như tát nước vào mặt nên cứ thấy ran rát. Lão Via hôm qua buông 1 câu đại ý là ở thủ đô cái món lấn đường leo hè là thiên hạ vô địch, nghe thì tức nhưng lão ý nói đúng, mà chả cứ gì mình thấy nói lão Via nói đúng mà chắc các bộ đầu cao minh nào đó cũng đã nhận ra. Càng ngẫm càng thấy tội lũ xe máy (và lũ ngồi trên đó) thật là to quá. - Chúng gây tắc đường - Chúng gây tai nạn - Chúng gây ô nhiễm môi trường - Chúng gây mất mĩ quan đô thị - Chúng ... - Chúng.... - Chúng.... - Chún... - Chú... - Ch... - C... Tóm lại là lũ xe máy là nhiều tội lắm, quá nhiều tội, tội to nhất là chúng biến thủ đô xinh đẹp ngàn năm văn hiến thành một nơi chả giống ai. Không thể tha. Trảm thôi. Thế là có một bác quân xanh đứng lên hô "chém chém". Mà thật, bác ý nói nhẹ hơn "cấm xe máy đi vào các tuyến đường trọng điểm trong giờ cao điểm". Các bác bên đỏ vỗ tay ầm ĩ, báo mạng giật tin ầm ầm, cư dân đọc thấy hả hê quá. Lâu rồi mới thấy trên dưới đồng lòng thế. Tóm lại là ta có quyền ước mơ về một nơi như thiên đường. Nơi có hòa bình, có chim câu ăn bánh mì trên tay, nơi có đồ audio cho không, và trên hết, nơi đó không có xe máy, mà chỉ có...ô tô được đi vào giờ cao điểm. Theo mấy bác to, thì thủ đô hiện có 3,8 triệu bình bịch, trong khi đó chỉ có mõn 368,325 ô tô nên nom qua là đã thấy bất cân đối. Lo hơn nữa là thành phố ngàn năm tuổi của ta đã có qui hoạch tổng thể cực dài hạn đến những năm ..2030, nên làm gì cũng phải nhanh nhanh lên, không lại phải ngồi qui hoach "dài hạn" tiếp thì vất quá. Lúc đầu nghe cái sự dọa trảm xe bình bịch này quen quen, vắt óc 1 lúc thì nhớ ra hồi lâu lâu cũng có ý tương tự để trảm hết xe xích lô ở HN. Mà xích lô ở đây cũng nhiều lắm cơ, những 264 cái, lại còn ngang nhiên lượn lờ với chữ Xăng Xu Xi. Láo quá, đã đi lại chén lấn làm tắc đường mất mĩ quan mà còn dám nói to là "vô tư đi". Quê mình đi thì đi, nhưng không được phép vô tư!. Mình mấy đêm nay cứ nằm mơ, mà toàn giấc mơ giống nhau, rằng mình sắm được ô tô tầm cỡ Tata Nano là oách rồi, đi vo ve ngoài đường. Khinh bỉ mấy tay đi bình bịch nắng mưa cứ ập vào đời. Cứ mơ đi chứ, trước nắm cơm quả cà còn mơ được khối thứ to, nữa là bây giờ mình ngày cơm 2 bữa + 1 bữa xôi sáng thì mớ chiếc Tata Nano là thừa tầm của mình. Giật mình thức, nhận ra mình vẫn đang nói mơ có mõn 1 câu "Có giỏi chém đê....." _________________
Câu chuyện thứ 24: "Sinh mạng trẻ con và thành tích ngành, nên hi sinh cái nào?" Câu hỏi đúng là vớ va vớ vẩn, ngay trên VNAV mỗi lần có bé nào đau ốm là cả cái cộng đồng con con này cũng sôi sục lên, thậm chí đổ cả nước mắt. Mạng sống là quan trọng nhất, nhất là trẻ em, lấy ra so sánh thấy bất nhẫn quá. Nhưng cũng có thể có bác nghĩ khác. Mỗi năm ngân sách đổ vào vào chương trình quốc gia cũng không ít tiền, lại còn viện trợ quốc tế cũng kha khá nữa nên việc thừa nhận dịch bệnh nào đó không thể kiểm soát nổi hóa ra là tự tay tát vào mặt mình à? Ai làm thế bao giờ đâu? Hôm nay đọc lại thống kê thấy dịch chân tay miệng đã lan ra 61/63 tỉnh thành, 111 ca tử vong, toàn là trẻ em, thấy đau lòng quá. Ngày trước cái dịch cúm vớ vẩn, chết vài người thì ầm ĩ đến mức toàn cầu luôn (mà cúm thì cả ngàn năm nay năm nào chả có dịch), giờ thấy các cháu cứ ra đi như thế, thật không biết phải làm sao nữa. Lại nhớ những lần đọc báo thấy các cháu sa hố công trường, đi học lật thuyền....chết bao nhiêu là mạng, tất cả các ban ngành xúm lại để...đổ tội cho nhau. Cuối cùng cũng chỉ là phụ huynh các cháu, những người vừa trải qua những cơn đau khốn cùng là đáng trách vì không biết bảo vệ con mình. Có lần nghe mấy nước ngoài họ nói đại loại là quê mình có lẽ cần nhiều biện pháp giảm dân số một cách rất "tình cờ và hiệu quả" là sử dụng tai nạn giao thông, không phòng chống tai nạn thương tích, kĩ năng sống, v.v và giờ thêm món "bảo vệ thành tích ngành" nữa. Trộm vía, không biết ở quê mình có quan chức tai to mặt lớn nào lại gửi con trẻ nhà mình vào những nơi 60/cháu/lớp/cô giáo không nhỉ? Có quan chức nào mà con cháu chết vì sa hố nước hay do bơi thuyền đi học không nhỉ? Có quan chức nào mà con cháu chết vì đói mà ăn thịt cóc bị ngộ độc không nhỉ? Hay chỉ chết vì sốc thuốc và đua xe? Trách nhiệm và lương tâm giờ thành kẻ thù của nhau mất rồi. Đến đây lại thấy đau lòng lắm, chẳng biết làm sao đành phải nghĩ "so với thời Vua Hùng, ta còn sung sướng hơn và sống lâu hơn lắm lắm..".
Tháng 10 về, đầu tháng mưa rả rích liên miên suốt khắp vùng mình đi qua đến mức nhiều khi như trong mơ mình vẫn thấy như một Hà Nội ướt đầy nước khi thu đã qua được nửa đường. Có cảm giác như chỉ thêm chút lạnh nữa là thành phố như ngập trong những ngày đông từ lâu rồi. Phương nam vừa rồi cũng thấy ngào ngạt mưa, xối xả đến xây xẩm cả mặt mũi trên đường đi về. Hình như năm nào cũng thế, bão gió ở đâu cứ nhì nhằng, rồi bất thình lình kéo thành 1 vệt tan hoang từ thủ đô dần vào đến miền trong. Sáng nọ ngồi xa nhà, mưa quá đành ngồi tranh thủ đọc cuốn tạp chí thấy có nhắc đến mùa thu với những quả trám quê, thấy bao nhiêu là mùa thu cũ tràn về. Hà Nội ngày trước vẫn còn thấy bán nhiều thứ quả này ngoài chợ. Trám thì có hai loại, đen và trắng. Đen thì rõ rồi, còn trắng thì thực ra màu xanh cơ, nhưng thế thì nó không đi khớp với đen nên chắc quê mình gọi nó là như vậy chăng. Hồi nhỏ, thường trốn mẹ trèo lên những cây trám đen để hái về om. Trốn cũng phải vì cây cứ thẳng tắp, ít cành lớn mà quả lại ở đầu cành nên khá dễ nương theo lực hấp dẫn và hạ thổ. Khua khoắng 1 lúc là những chùm quả đen đen rơi rải rác khắc vườn còn khắc khoải mùi nhựa hăng hăng. Tí tởn vác về, đun 1 nồi to nước, bỏ thêm tí muối, khi nào nước sôi lăn tăn thì đổ trám vào, bắc nồi đặt xuống. Cái món này mà để sôi lâu là nhựa sẽ kết lại, chát xít, mà nước “non” quá thì lại ra chua loét. Đợi vài tiếng rồi bổ đôi ra, thả vào bát muối vừng là mọi thứ tươm tất. Lại nhớ hồi nhỏ trên những vùng trung du hay thấy nhưng ngôi nhà lớp lá cọ lúp xúp nom na ná như nhau, tường với lại nền nhà hay trình đất đi lâu thành nhẵn bóng, thi thoảng có những vết nứt chạy lăng xăng đây đó. Trẻ con ngày trước hay chặt đôi hạt trám đen để chén cái nhân trăng trắng, rồi sau đó đóng những nửa hạt cứng như thép xuống các vết nứt trên nền nhà, để lại những vệt nâu nâu ngoằn ngoèo bóng dần theo vết chân của thời gian. Tháng 10 cũng là mùa nước lên, nhưng con cá diếc dãy le te theo các rạch nước trên đồng đâm ra đơm đó của lũ trẻ trong làng cũng bắt được khối. Về chỉ cần lấy 1 ít trám trắng dập cả hạt, múc thêm mấy muôi tương đậu nành nguyên hạt ủ men cơm nguội với lá nhãn, hầm cho nục là điếc mũi lũ trẻ đang lao xao qua những rặng tre từ trường về nhà. Không biết sau này những gì sẽ còn, mất, chuyện trám đen để rụng măng mai để già chắc dần cũng phai. Tháng 10 về, nước cứ chảy lấp xấp theo kỉ niệm con trẻ….
Nhà bác thì chén nhân xong đóng hạt xuống nền đất , bọn em thì mang làm tiền lẻ - vỏ ốc làm tiền chẵn khi chơi đồ hàng :mrgreen: chỗ em còn cái món nhân quả bàng cũng trăng trắng bùi bùi - phải tìm đúng quả bàng già , rụng lâu và thịt quả tiêu hết chỉ còn cái hạt đen xù xì rồi thì chua me đất chua chua ngọt ngọt , cọng sắn dây cắt từng khúc nhỏ nhai rả rích vừa ngọt vừa bùi , rồi thì là mấy món "sang" hơn mà kô phải lúc nào cũng sẵn như khế non sấu non , ve sầu , châu chấu ... trẻ con bi giờ chỉ loanh quanh mấy cái điện tử , cô ca , bim bim ... toàn thứ làm sẵn , phải xin tiền bố mẹ mua nên cái ý thức tự lập , tính thích nghi cũng giảm dần ...
Những năm trước cấm pháo, những ngày trước tết em hay cùng lũ bạn đạp xe vào Bình Đà mua pháo, thuốc pháo về quấn. Dọc đường về chỉ sợ bọn thanh niên làng trấn, nên toàn đút pháo, thuốc pháo vào trong người :!: vậy mà cũng đôi lúc bị lột sạch, nghĩ lại sao hồi đấy ng..u thế, thằng dở người nào nó vứt cho điếu thuốc đang cháy dở thì xong. Giờ thì pháo hết, Bình Đà thì nhập về Hà Nội, gần hai mươi năm rồi!