Hội chụp Phim - Film Reborn!

Discussion in 'Chụp phim' started by nguyenstyle, 18/5/10.

  1. ttanh

    ttanh Advanced Member

    Joined:
    10/12/05
    Messages:
    3.460
    Likes Received:
    41
    Location:
    hanoi
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Máy Ảnh Rolleiflex Song Kính
    Lê-Ngọc-MINH (VNUSPA) (05/08/08)


    Không giấy bút hay lời nói nào có thể diễn-tả được cảm-tưởng của người sở-hữu và sử-dụng chiếc máy ảnh Rolleiflex song-kính. Thật vậy, không gì diễn-tả nổi !

    Những nhiếp-ảnh-gia Việt-Nam như Nghiêm-Vĩnh-Cần, Phạm-Ngọc-Chất, Nguyễn-Văn-Chiêm, Lê-Ðình-Chữ, Nguyễn-Cao-Ðàm, Nguyễn-Mạnh-Ðan, Lại-Hữu-Ðức, Bùi-Văn-Giai, Nguyễn-Ðức-Hồng, Ðỗ-Huân, Bàng-Bá-Lân, Bùi-Quí-Lân, Trần-Cao-Lĩnh, Tôn-Lập, Lê-Ngọc-Minh, Phạm-Văn-Mùi, Võ-An-Ninh, Ðơn-Hồng-Oai, Dương-Xuân-Phương, Trần-Ðại-Quang, Lý-Lang-Siêu, Lê-Anh-Tài, Nguyễn-Văn-Thông, Nguyễn-Xuân-Tính, Nguyễn-Huy-Trực, Ngô-Thanh-Tùng, Văn-Vũ... đều sở-hữu ít nhất mỗi người một chiếc.

    Các nhiếp-ảnh-gia nghệ-thuật Âu Mỹ sử-dụng Rolleiflex có thể kể đến hàng ngàn tên... trong đó có Werner Bischof, Bill Brandt, Imogen Cunningham, Robert Doisneau, Ernst Haas, Philip Halsman, Fritz Henle (1), Horst P. Horst, Yousuf Karsh, André Kertész, J. H. Lartigue, Daniel Masclet, Arnold Newman...

    Rất nhiều nhiếp-ảnh-gia thời-trang nổi tiếng trước và nay dùng máy Rollei, trong đó có Diane Arbus, Richard Avedon, Cecil Beaton, David Bailey, Helmut Newton, Gunther Sach, Lord Snowdon (nhiếp-ảnh-gia Tony Armstrong Jones), Louise Dahl-Wolfe... và rất nhiều tiệm ảnh dùng Rolleiflex để chụp đám cưới, chân-dung (nhất là từ khi máy Tele Rolleiflex ra đời).

    Một số nhân-vật nổi tiếng vốn là nhiếp-ảnh-gia tài-tử dùng máy Rolleiflex như nữ-hoàng Elizabeth II của nước Anh, hoàng-hậu Grace Kelly xứ Monaco, người đẹp Eva Braun người tình của Hitler, tài-tử Humphrey Bogart, James Dean, James Gardner, Red Skelton...

    Thời đệ nhị thế-chiến, phóng-viên tiền-tuyến Âu Mỹ đều không ít thì nhiều chụp hình cuộc chiến bằng Rolleiflex. Ngày nay ta còn thấy ảnh chụp họ thời đó đeo Rolleiflex toòng-teeng ở cổ như Robert Capa, Eliot Elisofon, Carl Mydans, John Phillips, George Rodger, Peter Stackpole, William Vandivert, Margaret Bourke White...

    Cũng thời đệ nhị thế-chiến và những năm sau đó, ban nhiếp-ảnh quân-đội, đủ mọi quân binh-chủng, của gần như hầu hết các nước ở Âu và Mỹ châu đều dùng Rolleiflex, trong đó có cả Việt-Nam, ở những năm 50 và 60...

    Khoảng 1948-1955, ở Việt-Nam, người ta vẫn dùng máy Rolleiflex, gắn thêm bộ Rolleikin, biến máy Rollei thành chiếc máy chụp phim 35 mm lấy ảnh làm thẻ căn-cước. Máy Rollei, tiêu-cự ống kính 75 mm, tuy không hẳn là ống kính chân-dung đối với khổ phim 24 x 36 mm, nhưng cũng chấp-nhận được vì nó dài gấp rưỡi lần tiêu-cự ống-kính cơ-bản 50 mm của máy 35... Người ta cũng đã từng xắp ba bốn người ngồi hàng ngang rồi dùng máy Rollei 6x6 cm chụp một lần, sau đó khi phóng ảnh mới phóng tách ra từng người một (do đó mới có cảnh có khi dán ảnh người này vào căn-cước người nọ...).

    Trong hai thập-niên 1950-1960, nhiếp-ảnh-gia phóng-sự cũng đều dùng Rolleiflex (đi cặp với cái flash magnesium, mỗi lần chụp xong ta lại phải vội vàng thay ngay một bóng...), đây là phóng-viên của các nhật báo, tuần báo, nguyệt-san... về tin-tức, thể-thao, tội phạm, du-lịch, thời-trang, báo "ngồi-lê-đôi-mách"... kể ra chắc phải hàng chục ngàn...

    Giai-phẩm nhiếp-ảnh hàng năm của Popular Photography, Modern Photography, American Photography, Color Photography... trong thập-niên 50 và 60 tràn ngập hình ảnh chụp bằng Rolleiflex, liệt-kê dài dài trong phần ghi-chú ảnh.

    Tóm lại, gần như hầu hết những nhiếp-ảnh-gia nổi tiếng của thế-giới, thời 1930-1970, đa số đều làm chủ ít nhất một chiếc Rolleiflex -- hay chính chiếc Rolleiflex đã biến họ trở thành nhiếp-ảnh-gia nổi tiếng ?

    Trở lại chuyện Rollei ở Việt-Nam, chúng tôi xin trích-dẫn đoạn sau đây trích trong bài "Tôi học chụp hình" của nhiếp-ảnh-gia Nguyễn-Xuân-Tính liên-quan đến chiếc Rollei, khá cảm-động (in trên báo VIETPRESS, số 179, trang 24 và 25, không ghi ngày) :

    "Hồi xưa ông Lệ-Ảnh ở miền Trung còn say, mê (chiếc máy Rolleiflex) đến lúc chết. Ông thường nói cái Rollei của tôi đắt bằng năm, bẩy cái vòng xuyến vàng, nhưng nó giá-trị hơn nhiều. Lúc về già nằm trên giường bệnh, biết mình không thể qua khỏi, ông gọi người con lớn đến thều thào dặn qua hơi thở. Anh cả quì xuống bên cạnh, nước mắt dàn dụa, nghe lời trăn trối :

    "Cho bố bấm mẹ con và các con một lần cuối...

    "Người con nhất nhất vâng lời, lấy máy lắp phim, sắp xếp mẹ con bên giường bệnh. Thấy hơi thở ông khác, anh đỡ ông dậy, dựa vào tường, nâng hai bàn tay ông lên giữ chặt máy. Cả nhà nín thở chờ ông bấm... chờ mãi không thấy gì, chạy lại coi thì ông đã đi rồi, tay vẫn còn ôm cứng cái Rollei muôn thuở..."

    Ông Lệ-Ảnh, ở Hội-An, khi mất còn ráng ôm chiếc máy Rollei. Chúng ta còn đang sống trờ trờ ra đây, kể ra còn chưa trễ... không đi tìm chiếc Rollei mà "ôm", mai mốt "thăng", xuống dưới kia trả lời sao với Diêm-Vương ?

    Máy Rolleiflex có gì đặc-biệt mà được nhiều người tán-thưởng và sử-dụng đến như vậy ? Câu trả lời có thể có nhiều; bài này không có chủ-đích và cũng không thể biến độc-giả thành một "chuyên-viên về Rollei", mà chỉ trình ra hình ảnh tổng-quát về gia-phả của loại máy này. Chúng tôi xin mời bạn đọc theo dõi những đoạn sau đây về chiếc Rollei, gồm năm phần :

    I. Niên-kỷ chính trong quá-trình phát-triển máy Rollei. Chúng ta chỉ ghi lại những gì liên-quan đến máy "Rollei song kính" mà thôi.

    II. Mô-tả về một chiếc máy Rollei song kính.

    III. Ðiểm qua về ống kính Rollei.

    IV. Ðiểm qua các kiểu Rollei.

    V. Những kiểu Rollei nên chọn mua để sử-dụng.



    I. NIÊN-KỶ CHÍNH YẾU CỦA ROLLEI.

    Sự hình-thành của hãng Rollei có thể nói là bắt đầu từ đầu thế-kỷ thứ 20, cho đến nay, 1998, là gần 100 năm.

    1900. Paul Franke gia-nhập hãng Voigtlander năm 18 tuổi, năm 1911 thăng lên đến chức giám-đốc thương-mại và làm tại đó đến 1918.

    1907. Reinhold Heidecke gia-nhập phòng đồ-án hãng Voigtlander, làm tại đó cho đến 1918.

    Franke và Heidecke quen nhau tại đấy và tạo một sự cộng-tác "F & H" thân-thiết, kéo dài suốt đời.

    1919. Franke và Heidecke ký hợp-đồng cộng-tác với nhau để sản-xuất máy ảnh trên căn-bản 50/ 50, trụ-sở đặt tại Braunschweig. Trong thời-gian này, hai người thử-nghiệm một số máy, dùng ống kính Goerz của Ðức.

    1921. Chiếc máy ảnh song kính chụp hình nổi "Stereo Heidoscop" ra đời, dùng âm-bản kính cỡ 45 x 107 mm, ống kính chụp là Carl Zeiss Jena Tessar, ống kính nhắm là Carl Zeiss Jena Sucher-Triplet.

    1923. Máy Heidoscop được tân-trang lại, thành máy song-kính chụp hình nổi Rolleidoscop, dùng phim cỡ 127. Máy Rolleidoscop lần đầu tiên được đem bán cho công-chúng.

    1925. Chiếc máy Heidoscop chụp ra âm-bản lớn hơn, cỡ 60 x 113 mm, dùng ống kính Carl Zeiss Jena. Số-lượng máy bán hàng năm khoảng 6 000 máy.

    1927. Hãng bắt đầu làm đồ-án thực-hiện máy Rollei song kính : kính trên để quan-sát gọi là "ống kính nhắm", kính dưới để thu hình gọi là "ống kính chụp", dùng cỡ phim 120. Trong khi đó, số-lượng máy Rolleidoscop bán hàng năm lên tới 12 100 máy.

    1928. Hãng Rollei sản-xuất 10 kiểu máy song kính để thử-nghiệm. Chín kiểu dùng ống kính chụp Carl Zeiss Tessar f/ 4.5, chiếc thứ mười dùng ống kính Carl Zeiss Tessar f/ 3.8. Tất cả đều dùng ống kính nhắm Heidoscop f/ 3.2. Ngoại trừ ống kính chụp khác nhau, phía trong các máy đều giống nhau. Cuối năm 1928, hãng quyết-định sản-xuất hai kiểu : một kiểu f/ 3.8, một kiểu f/ 4.5.

    1929. Rollei xin bằng sáng-chế tại Ðức, Pháp và nhiều nước khác trên thế-giới, đồng-thời trang-bị dụng-cụ, huấn-luyện công-nhân, sản-xuất cơ-phận... Ngày 10 tháng 8 bắt đầu ráp máy và cuối năm một số máy song kính thành hình, lần đầu tiên được đem bán cho công-chúng. Tên máy là "ROLLEIFLEX", kiểu máy này ngày nay được gọi là "Rolleiflex nguyên-thủy". Giới tiêu-thụ tán-thưởng nhiệt-liệt, tất cả số máy sản-xuất bán chạy như tôm tươi, vượt cả sự mong ước của Franke và Heidecke.

    1930. Số-lượng máy sản-xuất không kịp nhu-cầu, trong khi đó hãng chỉ có 22 nhân-công. Franke và Heidecke bèn nới rộng hãng (cũng ở vùng Braunschweig), tăng-cường nhân-công; các cơ-phận đều chế-tạo tại hãng để theo kịp mọi thay đổi của đồ-án, chỉ có ống kính, màng trập, kính mờ và gương phản chiếu... là giao cho nhà thầu ngoài. Số-lượng máy sản-xuất tăng lên 20 000 máy.

    1931. Máy "Baby Rollei" (gọi là Rollei 4 x 4) được sản-xuất, dùng phim cỡ 127, lên phim bằng tay quay, có cơ-phận chận đứng phim lại sau khi đã lên đủ phim.

    1932. Chiếc máy Rolleiflex 6 x 6 cm được hoàn-chỉnh, dùng cần lên phim như máy Rollei 4 x 4 cm kể trên, ngày nay có tên là Old hoặc Original Rolleiflex.

    Rollei chế-tạo một kiểu Rollei vĩ-đại là "Studio Rollei" (số-lượng máy sản-xuất không rõ), dùng phim cỡ 122, chụp âm-bản 9 x 9 cm, trang-bị ống kính Tessar 100 mm f/ 3.5. Tất cả đều thất-lạc trong đệ nhị thế chiến, ngoại trừ hai máy duy-nhất tại Bảo-tàng-viện Braunschweig.

    1933. Máy "Rolleicord" được tung ra thị-trường. Máy dùng phim cỡ 120, chụp 12 tấm 6 x 6 cm, ống kính Zeiss Triotar f/ 4.5, giá chỉ bằng dưới 1/ 3 giá chiếc Rolleiflex trang-bị ống kính Tessar f/ 4.5. Số-lượng máy Rolleicord sản-xuất năm đầu, lên tới 20 000 máy, sau đó mỗi năm mỗi tăng.

    1934. Máy "Rolleicord", trang-bị ống kính Zeiss Triotar f/ 3.8, thân máy bọc da màu đen, ra đời.

    1936. Máy "Rolleicord IA" thay thế kiểu Rolleicord trước kia.

    1937. Máy "Rolleiflex Automatic" ra đời.

    Máy "Rolleicord IIa" ra đời, dùng ống kính Carl Zeiss Jena Triotar f/ 3.5.

    1939. Thế-chiến thứ Hai bùng nổ. Ða-số hoạt-động của Rollei hướng về mục-tiêu quân-sự. Số-lượng máy chụp ảnh sản-xuất giảm xuống, còn 40 000 máy một năm.

    1940. Rollei chấm dứt sản-xuất máy ảnh chụp hình nổi Rolleidoscop.

    1944. Ngày 11-1 và 15-1, cơ-xưởng Rollei ở Braunschweig bị đồng-minh dội bom, một phần cơ-xưởng bị phá hủy.

    1945. Ðức đầu hàng; quân-đội Anh được phái đến chiếm đóng và kiểm-soát hãng Rollei. Việc sản-xuất máy Rollei lại tiếp-tục, dù số-lượng rất thấp và tiếp-tục sản-xuất máy theo mẫu cũ, cho đến tận 1949.

    1949. Máy "Rolleicord III" được sản-xuất, dùng ống kính Tây Ðức Schneider Xenar hoặc Carl Zeiss Opton f/ 3.5, màng trập Compur-Rapid.

    Từ nay trở đi, các kiểu máy Rollei sản-xuất đều có màng trập tương-giao với flash X và M, ống kính được "tinh-hoá" (coated).

    1950. Máy "Rolleicord III" được bán cho công chúng. Ðây là kiểu Rolleicord hậu-chiến.

    Máy "Rolleiflex Automat II" ra đời, trang-bị ống kính Ðông Ðức Carl Zeiss Jena, hoặc ống kính Tây Ðức Zeiss Opton Tessar hoặc Schneider Xenar.

    Paul Franke từ-trần (1891-1950); con là Horst Franke kế-nghiệp bố.

    1951. Máy "Rolleiflex 2.8 A" ra đời, dùng ống kính Carl Zeiss Tessar. Ðây là kiểu Rollei 2.8 hậu-chiến.

    Màng trập "Synchro-Compur MX" thay thế màng trập Compur-Rapid.

    1952. Máy "Rolleiflex 2.8B" ra đời, dùng ống kính Ðông Ðức Carl Zeiss Jena Biometar f/ 2.8.

    Từ nay, tất cả các máy Rollei sản-xuất đều có cơ-phận tự chụp (V = ST = self timer).

    Máy "Rolleiflex 2.8C" ra đời, dùng ống kính Tây Ðức Schneider Kreuznach Xenotar, cùng một số phụ-tùng như loa che nắng, kính lọc, kính phụ-cận...

    Máy "Rolleicord IV" ra đời.

    Từ nay, các máy Rollei đều có thể chụp chồng hai hay nhiều lần trên một tấm phim, nếu muốn; ống kính chụp cũng như ống kính nhắm đều có ngàm gắn kính lọc.

    1954. Ngân-khánh của Rolleiflex (Rolleiflex Silver Jubelee).

    Hans Hass thực-hiện hộp kín nước để đựng máy Rollei song kính, hầu có thể chụp hình dưới nước.

    Máy "Rolleicord V" ra đời, dùng ống kính Tây Ðức Schneider Kreuznach Xenar f/ 3.5.

    1955. Máy "Rolleiflex 2.8D" ra đời, từ nay có thể trang-bị một trong hai loại ống kính : Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar.

    Màng trập của máy Rollei từ nay có hệ-thống MX-EVS.

    1956. Máy "Rolleiflex 3.5E" ra đời, dùng ống kính Schneider Kreuznach Xenotar hoặc Carl Zeiss Planar f/ 3.5. Máy 3.5E và 2.8E đều có thể gắn quang-kế selenium.

    1957. Máy "Baby Rollei" (Rolleiflex 4 x 4) được sản-xuất lại sau 16 năm gián-đoạn. Ðây là loại Rollei Baby hậu-chiến.

    1958. Máy "Rolleiflex 3.5F" ra đời, có quang-kế selenium tương-giao với khẩu-độ/ tốc-độ, ống kính Carl Zeiss Planar f/ 3.5.

    Máy "Rolleiflex T" ra đời, có thể chụp được 12 kiểu 6 x 6 cm hoặc 16 kiểu 4.5 x 6 cm, cơ-phận đếm phim chỉnh được tùy cỡ âm-bản ta muốn chụp.

    Máy "Rolleicord Va" ra đời, núm lấy nét đặt ở phía bên trái máy.

    1959. Máy "Tele Rolleiflex" ra đời, dùng ống kính chụp Carl Zeiss Sonnar 135 mm f/ 4, ống kính nhắm Heidosmat f/ 4; nóc máy có thể tháo ra được để gắn "nóc trụ" (pentaprism = nóc trụ biến cải hình ảnh ngược qua ống kính nhắm thành hình ảnh thuận).

    1960. Reinhold Heidecke từ-trần (1882-1960).

    Máy "Rolleiflex 2.8F" ra đời, dùng ống kính Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar f/ 2.8.

    Máy "Rollei Magic" ra đời, dùng ống kính Schneider Xenar 75 mm f/ 3.5, quang-kế selenium tự chỉnh cho đúng sáng.

    1961. Máy "Wide Angle Rolleiflex" ra đời, dùng ống kính Zeiss Distagon 55 mm f/ 4.

    1962. Máy "Rolleicord Vb" ra đời, nóc máy có thể tháo ra được.

    Máy "Rollei Magic II" ra đời, ống kính Schneider Xenar 75 mm f/ 3.5, chỉnh sáng tự-động, ta cũng có thể chỉnh tay, nếu muốn.

    Sau khi Paul Franke và Reinhold Heidecke qua đời, sự cộng-tác "F & H" nguyên-thủy chấm-dứt. Rollei đổi tên công-ty thành ROLLEI-WERKE FRANKE & HEIDECKE.

    1964. Số-lượng máy Rolleiflex song-kính sản-xuất giảm lần vì giới tiêu-thụ chuyển dần sang dùng máy 35 mm.

    1966. Máy "Rolleiflex 2.8F" kiểu 2 và 3 ra đời, có thể dùng được phim cỡ 120 và 220.

    1970. Máy "Tele Rollei" được sản-xuất lại, lần này được trang-bị quang-kế và có thể dùng được cỡ phim 120 và 220.

    1978. Số-lượng máy Rollei song kính bán trong năm xụt xuống thảm-hại.

    1979. Rollei đổi tên công-ty thành ROLLEI-WERKE FRANKE & HEIDECKE GmbH & Co. KG.

    Rollei tạm ngưng việc sản-xuất hàng loạt máy Rollei song kính. Từ nay muốn mua, ta phải đặt hàng trước, hãng sẽ gửi máy đến, khoảng 6 đến 8 tuần sau.

    1981. 6 tháng 11, Rollei khai phá-sản. Sau đó công-nhân cố gắng hợp sức để cứu hãng. Chủ nợ là các Ngân-hàng họp nhau lại tìm cách cứu Rollei.

    1982. 2 tháng 1, một công-ty mới tên ROLLEI FOTOTECHNIC GmbH thành-lập, hãng United Scientific Holding P.L.C. của Anh ở London nắm đa-số cổ-phần.

    Rollei phát-hành một số máy đặc-biệt "Rolleiflex Aurum 2.8F" (máy mạ vàng).

    1984. Rollei phát-hành một số máy đặc-biệt "Rolleiflex 2.8F Platin".

    1987. United Scientific Holdings ở London bán hết cổ-phần Rollei cho ông Heinrich Manderman, đại-diện của Praktica (Ðông Ðức) ở Tây Ðức; ông này cũng là sở-hữu-chủ của Jos Schneider Optische Werke Kreuznach GmbH & Co. K.G.

    Rollei được đặt tên mới là ROLLEI FOTOTECHNIC GmbH & Co. K.G.

    Máy "Rolleiflex 2.8GX" ra đời, ống kính Planar f/ 2.8, có quang-kế đo qua ống kính chụp, có TTL cho flash.

    1989. Rollei phát-hành một số máy đặc-biệt "Rolleiflex 2.8GX".

    Rollei cũng phát-hành một số máy đặc-biệt khác "Aurum Platin 2.8F TLR Edition", đa-số bán sang Nhật.

    1991(?). Hãng Samsung của Ðại-Hàn mua lại hãng Rolleiflex.

    1992. Rollei phát-hành 500 máy đặc-biệt 2,8GX gọi là "Helmut Newton Edition".

    1997. Rollei sản-xuất kiểu máy đặc-biệt, phát-ngôn-viên của hãng gọi là kiểu chót, "Jersey Special Edition, gồm 100 máy, chỉ bán qua Club Rollei ở Channel Island, Anh quốc.

    II. MÔ-TẢ VỀ CHIẾC MÁY ROLLEI SONG KÍNH.

    Rolleiflex song kính là kiểu máy hình khối chữ nhật, cao khoảng 13.5 cm, 9 cm x 9.5 cm.

    Ðặc-điểm chính yếu của máy Rollei là máy có hai ống kính, vì vậy có tên là "Rollei song kính" (TLR = Twin Lens Reflex = song kính phản chiếu) : ống kính dưới có nhiệm-vụ thu nhận hình ảnh vào mặt phim, gọi là "ống kính chụp"; ống kính trên có nhiệm-vụ đem hình ảnh qua đó, gặp tấm gương phản-chiếu 45 độ, đưa hình ảnh trình lên một "tấm kính mờ" ở phần trên của máy, gọi là "ống kính nhắm".

    Về ống kính của máy Rollei, xin xem mục III dưới đây.

    Màng trập (2) của Rollei là màng trập danh tiếng nhất của Ðức như : Compound, Compur, Compur-Rapid, Synchro-Compur... Màng trập là những lá thép thật mỏng xếp vòng tròn theo một cái niềng, đóng mở theo thời-gian nhất-định (nhanh hay chậm tùy nhiếp-ảnh-gia chỉnh, thí-dụ 1 giây, 1/ 2 giây, 1/ 4 giây... 1/ 500 giây); khẩu-độ mở lớn hoặc nhỏ (còn gọi là quang-khẩu... cũng do nhiếp-ảnh-gia chỉnh, thí-dụ f/ 3.5, f/ 5.6... f/ 11, f/ 16); điều khiển bằng lò-so, răng ốc... chính-xác và tinh-vi như cơ-phận đồng hồ.

    Màng trập "Compound" và "Compur" trang-bị cho các máy Rollei sản-xuất khoảng trước 1940, tốc-độ nhanh nhất chỉ tới khoảng 1/ 300 giây, gắn vào các máy Rollei Stereo, gọi là màng trập "Stereo Compound" và những máy Rollei sản-xuất ở thời-gian đầu.

    Màng trập "Compur-Rapid" trang-bị cho các máy Rollei trong khoảng 1940-1950, tốc-độ nhanh nhất lên đến 1/ 500 giây. Màng-trập còn có tốc-độ B (màng trập mở khi ta bấm và giữ nút bấm, khi buông tay màng trập mới đóng), T (bấm máy, màng trập mở, bấm lần thứ nhì, màng trập đóng) và V (hoặc ST = self-timer, để ta có thể bấm máy, chạy ra đứng trước máy để tự chụp, khoảng 10 giây sau màng trập đóng).

    Màng trập Synchro-Compur có cơ-phận tương-hợp flash M (magnesium) mỗi lần chụp ta phải thay một bóng đèn và X (electronic, điện-tử), do đó được chỉ-danh là màng trập "Synchro-Compur MX". Màng trập Synchro-Compur MXV là màng trập có thêm cơ-phận bấm chậm (V = ST = cơ-phận tự chụp = self timer).

    Ta chỉnh khẩu-độ, tốc-độ máy ở riềm của màng trập (màng trập luôn luôn đặt tại ống kính chụp, nghĩa là ống kính dưới). Trong những ngày đầu, ta chỉnh khẩu-độ, tốc-độ bằng cái lẫy (lever), sau này bằng bánh xe (wheel). Khẩu-độ và tốc-độ có thể đọc qua hai cửa sổ ở riềm "ống kính nhắm", từ trên nhìn xuống.

    Muốn lắp phim, ta phải mở lưng máy bằng cách quay một cái lẫy dưới đáy máy, gỡ cái móc gài nơi đáy máy, mở ngược lưng máy lại phía sau, bật lên. Lắp phim vào lõi, đóng lưng máy, khoá lại. Ở những kiểu máy cũ, ta quay phim bằng tay quay cho đến khi nào thấy số "1" hiện lên ở cửa sổ tròn có miếng kính đỏ ở lưng máy thì ngưng. Sau này ta lắp phim luồn dưới cái cốt tròn nhỏ trong lòng máy, rồi đóng lưng máy, lên phim. Cốt nhỏ đó sẽ "cảm nhận" được khớp phim, tự đếm đến tấm số "1", trình ra ở cửa sổ đếm phim.

    Mở nắp máy lên, ta thấy có 4 tấm kim-loại làm "lá chắn" che 4 phía cho tối "tấm kính nhắm" để ta nhìn thấy hình ảnh hầu bố-cục. Muốn lấy nét cho chính-xác, ta bật miếng kính phóng đại, (kính "lúp"; bạn ảnh tân-thời gọi là cái "kính chiếu yêu" !) và nhìn mọi vật cho rõ ràng, chỉnh cho sắc nét). Ðẩy phần bửng trước, chính giữa xuống, thì ta có khuôn nhắm trực-tiếp để chụp thể-thao, phóng-sự, hoạt-cảnh...

    Khẩu-độ và tốc-độ của máy Rollei do màng trập điều-khiển. Với các kiểu máy cũ, ta chỉnh khẩu-độ và tốc-độ bằng một cái lẫy (lever) ở riềm ống kính, nấc thang khẩu-độ, tốc-độ khắc vào cái riềm tròn bao quanh ống kính chụp; cách này Anh, Mỹ gọi là "Rim set", nghĩa là chỉnh ở Riềm (màng trập). Sau này, khẩu-độ, tốc-độ chỉnh bằng bánh xe ở hai bên ống kính, đọc trị-số trong hai cửa sổ nhỏ, ở phía trên ống kính chụp.

    Chỉnh xa gần bằng cách vặn một núm lớn bên hông trái của máy; đa số máy Rolleicord núm này ở phía hông bên phải. Ðối với những máy có quang-kế, thì bộ quang-kế gắn chung vào với núm chỉnh xa gần này. Máy Rolleicord không có quang-kế.

    Lên phim, đối với các máy cũ, ta vặn bánh xe bên hông phải của máy, hoặc quay một tay quay bên hông phải (máy Rollei Baby và những máy Rolleiflex khoảng 1950 về sau này). Máy Rolleicord chỉ có bánh xe lên phim mà không kiểu nào có cần lên phim để tiết-kiệm, giữ cho giá hạ.

    Nút bấm máy ở mặt trước máy, phía dưới, bên phải của "ống kính chụp". Có loại có khoá (để ta khỏi lỡ tay bấm nhầm), có loại không.

    Khoảng trước 1955, máy Rollei không có quang-kế, từ 1955 về sau, một số có trang-bị quang-kế selenium (khá chính-xác; một số máy có bắt giây điện sẵn sàng trong máy, nhưng không gắn quang-kế selenium). Máy Rollei Magic (1960-1968) dùng quang-kế selenium tự-động chỉnh ánh sáng. Năm 1987, khi Rollei 2,8GX ra đời, máy được trang-bị tế-bào cảm-quang silicon blue, mồi bằng pin, đo sáng qua ống kính (TTL = Thru The Lens Metering).

    Máy Rolleiflex và Rolleicord chụp phim cỡ 120 (chụp được 12 tấm cỡ 6 x 6 cm), một số Rolleiflex sau này chụp được hai cỡ phim 120 và 220 (12 tấm hoặc 24 tấm 6 x 6 cm). Một số máy Rollei (thí-dụ như Rolleicord, Rolleiflex và Rollei Magic), có thể gắn thêm cơ-phận ngăn phim ngay trong buồng tối, chụp được 16 tấm 4.5 x 6 cm vào cuộn phim 120. Máy Baby Rollei dùng phim cỡ 127 (chụp được 12 tấm 4 x 4 cm).Ta cũng có thể gắn bộ cơ-phận "Rolleikin" vào một số lớn máy Rolleicord và Rolleiflex để chụp phim 35 mm.

    Phụ-tùng của Rolleiflex và Rolleicord gồm có kính lọc, kính phụ-cận, loa che nắng, nóc trụ (prism), ống kính phụ, cơ-phận chụp "đại-vĩ-tuyến" (panorama), lưng máy Polaroid (chụp ảnh lấy liền), động-cơ lên phim tự-động Rolleimot, tay cầm, bao da, hộp đựng... Rollei cũng có sản-xuất hộp đèn, để khi tháo nóc máy ra, ta gắn đầu máy Rollei vào hộp đèn đó, làm máy chiếu slide (phụ-tùng này Rollei chỉ sản-xuất một thời-gian ngắn rồi ngưng, không có thêm chi-tiết kỹ-thuật).

    III. ÐIỂM QUA VỀ ỐNG KÍNH ROLLEI.

    Hãng Rollei không bao giờ dùng ống kính tồi để trang-bị cho máy Rolleiflex. Chủ-trương của Rollei là chế-tạo chiếc máy ảnh có phẩm-chất tốt nhất, từ nguyên vật-liệu đến các cơ-phận, đến ống kính... Phải, nhất là ống kính !

    Trước khi sản-xuất chiếc Rollei đầu tiên, Franke và Heidecke đã khảo-sát kỹ các ống kính của Mỹ và Ðức, sau đó họ quyết-định chọn ống kính của hãng Carl Zeiss.

    Ống kính của Zeiss đã nổi tiếng từ 1889 và tất cả các hãng chế-tạo ống kính trên thế-giới, từ đó đến nay, TẤT CẢ, không trừ một hãng nào, mà không cóp kiểu ống kính của Zeiss, nhất là ống kính Carl Zeiss "Tessar" và "Planar" mà Rollei đã chọn để trang-bị cho Rolleiflex.

    Tessar là ống kính có bốn thấu-kính, do tổ-hợp "Jenaer Glasswerk Schott & Gen", gồm những chuyên-viên thượng-thặng như Carl Zeiss, Ernst Abbe, Roderich Zeiss và Otto Schott (3)... chế-tạo những loại kính có tính truyền sáng cao, một kỹ-thuật hoàn-chỉnh về nấu kính, cắt kính, mài kính... và một truyền-thống về kiểm-phẩm, về thủ-thuật... mà không một hãng ống kính nào, của bất cứ nước nào có thể qua mặt nổi. Trụ-sở chính của Zeiss đặt tại Jena.

    Khi thế-chiến thứ hai chấm dứt, Ðức bị phân chia thì Jena nằm tại Ðông Ðức. Vì không có nguồn cung-cấp ống kính Zeiss, nên Rollei ký hợp-đồng với Jos Schneider ở Kreuznach, Tây Ðức, mua ống kính "Xenar" và "Xenotar" trang-bị cho Rolleiflex. Ống kính Xenar đầu tiên bắt vào thân máy Rollei mang số 999 999, sản-xuất tháng 10 năm 1945. Cũng có một số máy Rollei, sau thế-chiến thứ hai, trang-bị ống kính Zeiss Opton Tessar (đây là một thành-phần của Carl Zeiss Jena di-cư sang Tây Ðức định-cư tại Opton sau khi Ðức bị phân chia năm 1945) của Tây Ðức (từ tháng 2-1946), phẩm-chất của ống kính Opton này không được đánh giá cao.

    Từ đầu thập-niên 50, máy Rollei lại có thể trang-bị ống kính, Carl Zeiss "Planar" Ðông Ðức hoặc Schneider "Xenotar"/ "Xenar" Tây Ðức. Ống kính Planar và Xenotar nguyên-thủy chỉ cần năm thấu-kính; năm 1956 thấu-kính thứ sáu thêm vào mặt sau của ống kính có mục-đích chỉnh màu sắc cho ống kính thu nhận hình ảnh cho chính-xác hơn (thà thêm vào một thấu-kính để giữ nguyên công-thức ống kính như cũ, cho khỏi xáo trộn kỹ-thuật chế-tạo; màu sắc của phim ảnh màu nhờ vậy được hoàn-chỉnh hơn, còn hình ảnh và sắc-độ của ảnh đen trắng thì không có gì thay đổi).

    Ðối với giới tiêu-thụ và sưu-tập, máy Rolleiflex trang-bị với ống kính Planar được ưa chuộng hơn (do đó giá máy cũng đắt hơn) so với ống kính Xenotar. Tại Ðức (và cả chính tại cơ-xưởng Rollei), người ta đã làm nhiều thử-nghiệm về hai loại ống kính, đem nhiều hình ảnh của hai ống kính, chụp ở nhiều điều-kiện ánh sáng, nhiều loại đề-tài, dùng nhiều loại phim, lấy hình ảnh ở giữa cũng như ở rìa tấm ảnh... phóng-đại lên nhiều lần và đem so sánh, kết-quả, họ nói hai ống kính "bên tám lạng, bên nửa cân"...

    Giới tiêu-thu, có người thích khẩu-độ f/ 2.8 (tiêu-cự 80 mm) hơn f/ 3.5 (tiêu-cự 75 mm), cũng có người thích tiêu-cự 75 mm (khẩu-độ f/ 3.5) hơn tiêu-cự 80 mm (khẩu-độ f/ 2.8). Một số tập-san khoa-học kỹ-thuật nhiếp-ảnh cũng thử-nghiệm nữa và họ kết luận không khó khăn lắm, rằng ở độ mở tối-đa, ống kính f/ 3.5 cho hình ảnh xuất-sắc hơn ống kính f/ 2.8 "một sợi tóc" !

    Năm 1933, do áp-lực của thị-trường, Rollei sản-xuất máy Rolleicord (1933-1976), giá máy nhẹ nhàng hơn so với Rolleiflex, vì máy chế-tạo giản-dị hơn và ống kính cũng "yếu" hơn một chút : ống kính trang-bị cho Rolleicord là Carl Zeiss Jena "Triotar" hoặc Jos Schneider "Xenar", cả hai đều là loại ba thấu-kính. Sau 1945 ống kính Triotar và Xenar mới được "tinh-hoá" (4). Tuy nói là yếu hơn so với ống kính, Planar, Xenotar... nhưng phẩm-chất của hai ống kính Triotar và Xenar còn sắc nét hơn rất nhiều so với ống kính cùng thời.

    Năm 1959, Zeiss sản-xuất viễn-kính Carl Zeiss "Sonnar" tiêu-cự 135 mm f/ 4 trang-bị cho máy Tele-Rolleiflex (1959-1974), đây cũng là công-thức thực-hiện ống kính cho máy Hasselblad, Rolleiflex đơn kính phản chiếu sau này như SL66/ 66E, Rolleiflex SLX/ 6006/ 6002/ 6003/ 6008...

    Năm 1961, Zeiss sản-xuất ống kính tầm rộng Carl Zeiss "Distagon" tiêu-cự 55 mm f/ 4 trang-bị cho máy "Wide Angle Rollei" (hoặc "Rollei Wide") (1961-1967), đây cũng là công-thức ống kính sau này thực-hiện cho một số lớn những máy danh tiếng kể trên.

    Rollei cũng sản-xuất ống kính phụ, tự nó không tạo nên hình ảnh, nhưng gắn vào phía trước ống kính chụp của Rollei, nó phụ với ống kính Rollei, biến thành một tiêu-cự khác, tầm rộng hoặc viễn-kính. Ðó là :

    * Ống kính phụ "Mutar", gắn vào ngàm kính lọc, có ba cỡ I, II và III, tương-hợp với ba cỡ ngàm kính lọc. Khi gắn, kính Mutar che phía trước cả ống kính nhắm lẫn ống kính chụp. Có hai loại Mutar :

    * "Mutar 0.7" là ống kính phụ tầm rộng, gồm 4 thấu-kính, làm tăng góc độ thu hình khoảng 30%, biến ống kính Rollei thành một ống kính tầm rộng, tiện-dụng để chụp nội-ốc, phóng-sự, du-lịch...

    * "Mutar 1.5" là viễn-kính phụ, gồm 5 thấu-kính, làm tăng tiêu-cự thêm 50%, biến ống kính Rollei thành một viễn-kính, tiện-dụng để chụp chân-dung, sinh-hoạt...

    * Ống kính phụ Carl Zeiss "Magnar 4X", đường-kính khoảng 5 cm, dài khoảng 25 cm; làm tăng tiêu-cự ống kính Rollei lên 4 lần. Khi chụp, ta gắn ống kính Magnar 4X vào ống kính nhắm để lấy nét, sau đó gỡ ra, gắn vào ống kính chụp để thu hình. Có thể dùng cho ống kính f/ 3.5 hoặc f/ 2.8.

    * Ống kính phụ Carl Zeiss "Duonar", làm tăng tiêu-cự ống kính Rollei lên 2 lần. Chỉ chụp những vật từ 3.6 m hoặc xa hơn, hình ảnh thu vào mặt phim là một hình tròn, đường-kính khoảng 45 mm, ống kính phải đóng tới f/ 5.6 hoặc nhỏ hơn để cho hình ảnh có độ nét sâu. Cách dùng cũng như trên.

    Ống kính Rolleiflex, bất kể của Carl Zeiss hay Jos Schneider, bất kể tiêu-cự nào hay độ mở nào cũng có cùng một đặc-điểm như sau :

    * Hình ảnh sắc nét.

    * Chụp ảnh đen trắng, chi-tiết rõ ràng, sắc-độ điều-hòa, đen trắng phân-minh, mật-độ của sắc xám xúc-tích, tương-phản chắc chắn và đầy đủ.

    * Về ảnh màu, các máy sản-xuất trước và trong thế-chiến thứ hai, hình ảnh có sắc nét, nhưng màu sắc không trung-thực lắm. Sau thế-chiến, tất cả ống kính đều được tinh-hoá, nên màu sắc trung-thực và phân-minh hơn. Các máy sản-xuất sau 1972/ 73 đều được tinh-hoá nhiều lớp, do đó màu sắc còn xuất-sắc hơn nữa.

    IV. CÁC KIỂU ROLLEI.

    Chúng ta chỉ có thể mô-tả sơ qua về mỗi loại máy Rollei mà không thể nào mô-tả chi-tiết kỹ càng của từng loại máy được, vì việc làm như vậy sẽ cần một cuốn sách khoảng vài trăm trang.

    Ðể tiện việc khảo-sát, ta chia Rolleiflex song kính thành chín loại là : (A) Rollei Stereo, (B) Rollei "cũ", (C) Rollei Baby, (D) Rolleicord, (E) Rollei Magic, (F) Rollei Tele và Wide, (G) Rolleiflex f/ 3.5, (H) Rolleiflex f/ 2.8 và (J) Các loại Rollei đặc-biệt.

    Năm sản-xuất căn-cứ theo tài-liệu chính-thức của Rolleiflex công-bố. Một kiểu máy tuy đã được chấm dứt sản-xuất, nhưng có thể vẫn còn tồn kho vài năm sau đó. Vì vậy, nếu ta đặt mua một chiếc Rollei ngày hôm nay, hãng có thể giao cho một kiểu máy đã chính-thức ngưng sản-xuất trước đó... (trường-hợp này không có gì sai trái) ngoại trừ trường-hợp ta biết rõ và đặt mua đích danh kiểu máy mới.

    Số máy, dù là tài-liệu chính-thức của Rollei công-bố, cũng chỉ có tính cách liệt-kê, không hoàn toàn chính-xác. Liền một lúc hãng có thể sản-xuất 4 hay 5 kiểu máy khác nhau, thợ khắc cứ tiếp-tục khắc số khi máy đến tay, không có hệ-thống đánh số riêng cho từng loại, từng năm... trong một thời-gian khá dài. Thêm vào đó, sau khi Rollei khai phá-sản năm 1981, một số hồ-sơ lưu thuộc loại không quan-trọng bị đem đốt, có người đem đốt lộn hồ-sơ đánh số máy ! Cũng có thể, một thời-gian sau khi chính-thức ngưng sản-xuất, Rollei lại gom cơ-phận tồn kho, ráp thêm một số máy nữa... Do đó ta không thể nhìn số máy để truy ra số năm sản-xuất một cách chính-xác (dù hãng liệt-kê như vậy), sự thật có thể là máy sản-xuất năm đó, hoặc trước đó, hoặc sau đó... Xin độc-giả lưu ý đến sự-kiện này của Rollei.

    Chín loại máy Rollei là :


    A. ROLLEI "STEREO".

    Khởi nghiệp, Rollei sản-xuất máy Rollei Stereo, gồm ba ống kính : ống kính giữa để nhắm, ống kính phải và trái để thu hình. Sau khi chụp, ta in hình trực-tiếp hoặc phóng lớn, bồi lên bìa cứng theo một khoảng cách phải/ trái nhất-định, nhìn qua kính nổi, ta sẽ thấy hình ảnh nổi ba chiều. Loại máy này sản-xuất kéo dài 20 năm.

    Rollei Stereo gồm sáu loại :

    1. BABY HEIDOSCOP (loại 1), sản-xuất năm 1921-1925, hệ-thống đánh số không rõ. Mã-số của Rollei : "Heidoscop 4,5 x 10,7".

    Trang-bị ống kính chụp Tessar, Heidoscop-Anastigmat của Carl Zeiss Jena hoặc Unifokal của Steinheil, 55 mm f/ 4.5; ống kính nhắm Carl Zeiss Sucher-Triplet, 55 mm f/ 3.2; màng trập Stereo Compound, tốc-độ từ 1 tới 1/ 300. Chụp phim kính hoặc phim miếng.

    Chữ "Heidoscop" khắc vào bửng trước, ngay dưới ống kính nhắm, dấu hiệu "F & H" của Rollei ở trên nóc máy, nắp ống kính gắn bằng sợi dây vào thân máy. Bửng trước gắn ống kính có thể nâng lên được để chỉnh phối-cảnh.

    2. BABY HEIDOSCOP (loại 2), sản-xuất năm 1925-1941, hệ-thống đánh số không rõ. Mã-số : "Heidoscop 4,5 x 10,7".

    Trang-bị ống kính chụp Tessar, ống kính nhắm và màng trập như trên; chữ "Heidoscop" và "F & H" như trên, nhưng bửng trước gắn ống kính không nâng lên được. Chụp phim kính hoặc phim miếng.

    3. HEIDOSCOP (loại 1), sản-xuất năm 1925-1926, hệ-thống đánh số không rõ. Mã-số : "Heidoscop 6 x 13".

    Trang-bị ống kính chụp Tessar, 75 mm f/ 4.5, ống kính nhắm Zeiss Sucher-Triplet, 75 mm f/ 4.2; màng trập Stereo Compound, tốc-độ từ 1 tới 1/ 300 giây. Kiểu máy này lớn hơn hai kiểu trước; bửng trước có thể nâng lên được; chụp phim kính hoặc phim miếng.

    4. HEIDOSCOP (loại 2), sản-xuất năm 1925-1941, hệ-thống đánh số không rõ.

    Trang-bị và đặc-tính như loại trên, ngoại trừ bửng ống kính không nâng lên được.

    5. ROLLEIDOSCOP, sản-xuất năm 1926-1941, hệ-thống đánh số không rõ.

    Trang-bị ống kính chụp Tessar 75 mm f/ 4.5, ống kính nhắm Zeiss Anastigmat 75 mm f/ 4.2; màng trập Stereo Compound, tốc-độ từ 1 tới 1/ 300 giây, dùng phim cỡ 117 hoặc B11; cũng có thể sau này một số máy được chế-biến để dùng phim cỡ 120. Chữ "Rolleidoscop" khắc ở bửng trước, phía trên ống kính nhắm.

    6. BABY ROLLEIDOSCOP, sản-xuất năm 1927-1939, hệ-thống đánh số không rõ.

    Trang-bị ống kính chụp Zeiss Tessar 55 mm f/ 4.5, ống kính nhắm Zeiss Anastigmat 55 mm f/ 3.2; màng trập và tốc-độ như trên, dùng phim cỡ 127.

    Kiểu này nhỏ hơn kiểu Heidoscop 6 x 13 cm, khá hiếm.


    B. ROLLEI CŨ.

    Chúng ta gọi chung là "Rollei cũ" những máy Rollei sản-xuất những ngày đầu tiên, trong khoảng từ 1929 tới 1934.

    1. ORIGINAL ROLLEIFLEX 4.5 (mã-số của Rollei : K1 611),sản-xuất năm 1929-1932, đánh số từ 1 tới 199 999.

    Ống kính chụp Tessar, 75 mm f/ 4.5, ống kính nhắm Heidoscop Anastigmat f/ 3.1; màng trập Deckel Compur, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300; khẩu-độ và tốc-độ chỉnh ở riềm bộ màng trập. Không có ngàm gắn kính lọc, kính lọc đường-kính 28.5 mm, gắn bằng cách tròng vào riềm ống kính chụp.

    Dùng phim cỡ 117, tuy nhiên máy cũng có thể biến cải sau này để dùng phim cỡ 120 (phim 6 x 6 "lõi lớn") hay 620 (phim 6 x 6 "lõi nhỏ"); đa-số lưng máy tháo rời ra được (không dùng bản lề); lên phim bằng núm; đếm phim bằng cửa sổ tròn có miếng kính đỏ ở lưng máy, cửa sổ đó có miếng sắt che cho khỏi bị ánh sáng mạnh; sau này núm chỉnh xa gần có khắc khoảng cách bằng "mét".

    2. ORIGINAL ROLLEIFLEX 3.5 (mã-số : K1 612), sản-xuất năm 1929-1932, đánh số từ
    1 tới 199 999.

    Ống kính chụp Zeiss Tessar 75 mm f/ 3.8, ống kính nhắm Heidoscop Anastigmat 75 mm f/ 3.1; màng trập, tốc-độ và kính lọc như trên. Lưng máy không dùng bản lề, có thể tháo ra được, tuy nhiên sau này có một số máy dùng bản lề ở lưng máy.

    Ðặc-tính của hai kiểu máy f/ 4.5 và f/ 3.5 giống nhau, sự khác biệt chỉ là độ mở tối-đa của khẩu-độ.

    Hai loại máy đều đánh số chung lẫn lộn.

    3. OLD hoặc ORIGINAL STANDARD ROLLEIFLEX (loại 1, mã-số : 6RF 620), sản-xuất năm 1932-1938, đánh số từ 200 000 tới 567 550.

    Ống kính chụp Carl Zeiss Jena Tessar 75 mm f/ 4.5, ống kính nhắm Heidoscop Anastigmat 75 mm f/ 3.1; màng trập Deckel Synchro-Compur Rim Set, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300 giây; chỉnh khẩu-độ và tốc-độ bằng hai cái lẫy ở riềm ống kính chụp. Kính lọc đường-kính 28.5 mm.

    Ðây là kiểu Rollei đầu tiên chính-thức dùng cỡ phim 120. Khi chụp hết phim, cơ-phận đếm phim phát ra âm-thanh "cạch cạch" và hiện ra chấm đỏ ở cửa sổ đếm phim; lưng máy mở ra bằng bản lề.

    4. OLD hoặc ORIGINAL STANDARD ROLLEIFLEX (loại 2, mã-số : 6RF 621), sản-xuất năm 1932-1935, đánh số từ 200 000 tới 567 550.

    Ống kính chụp Carl Zeiss Jena Tessar, 75 mm f/ 3.8; các đặc-tính của máy, như phim, ống kính, màng trập, tốc-độ, kính lọc như kiểu trên.

    5. OLD hoặc ORIGINAL STANDARD ROLLEIFLEX (loại 3, mã-số : 6RF 622), sản-xuất năm 1934-1938, đánh số từ 200 000 tới 567 550.

    Ống kính chụp Carl Zeiss Jena Tessar 75 mm f/ 3.5, ống kính nhắm Heidoscop Anastigmat 75 mm f/ 3.1; màng trập Deckel Compur-Rapid, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 500 giây, chỉnh khẩu-độ và tốc-độ bằng lẫy ở riềm ống kính. Kính lọc đường-kính 28.5 mm.

    Máy có bọt nước để lấy thăng-bằng phía trong nóc máy; núm chỉnh xa gần lớn hơn các loại trước; cửa sổ đếm phim ở dưới đáy máy. Ðây là kiểu Rollei đầu tiên dùng ống kính chụp có khẩu-độ f/ 3.5 và là kiểu chót có ống kính nhắm f/ 3.1 (sau này tất cả đều là f/ 2.8).

    6. STUDIO ROLLEIFLEX hoặc GIANT ROLLEI, sản-xuất năm 1932-1934, hệ-thống đánh số không rõ. Chỉ-danh của Rollei : "Rollei Standard 9 x 9".

    Tên Giant Rollei (Rollei vĩ-đại) là do giới nhiếp-ảnh gọi, vì kích thước quá khổ của kiểu này (18 x 11.2 x 12.9 cm).

    Ống kính chụp Zeiss Tessar 100 mm f/ 4.5, ống kính nhắm Heidosmat 100 mm f/ (?); màng trập Compur S, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 250 giây, chụp ra âm-bản cỡ 9 x 9 cm.

    Nhiều nguồn tin cho biết nhiều con số khác nhau về số-lượng máy sản-xuất : 9, hoặc 14, hoặc 54, hoặc 56. Một số rất ít máy được gửi sang Mỹ thử-nghiệm (rồi tan biến đi đâu hết), một số cất tại kho của Rollei ở Braunschweig. Ðây là những máy thử-nghiệm, chưa bao giờ được chính-thức bán cho công chúng.

    Khi thế-chiến thứ hai chấm dứt, vùng Braunschweig do quân-đội Anh chiếm đóng và chính hãng Rollei bị quân-đội Anh quản-trị; tất cả những gì có giá-trị, kể cả những máy "Rollei vĩ-đại" đều bị quân Anh "giải-phóng". Tại Mỹ, người ta treo giải thưởng 1000 $US cho ai đưa tin về kiểu máy này trên đất Mỹ, đã hơn 25 năm mà vẫn không có ai lĩnh thưởng. Hai chiếc máy còn tồn tại nằm tại Bảo-tàng Viện Braunschweig, Ðức, do Rollei tặng năm 1981. Một trong hai chiếc là chiếc máy riêng của ông Reinhold Heidecke.

    Ðây là kiểu máy hiếm nhất của Rollei.

    C. ROLLEI BABY.

    Baby Rollei là kiểu Rolleiflex nhỏ, dùng phim cỡ 127 (ngày nay chỉ còn một hoặc hai hãng sản-xuất cỡ phim này, tuy nhiên loại phim cũng rất giới-hạn), chụp được 12 tấm kích thước 38 x 38mm, gọi chẵn là 4 x 4 cm. Vì cỡ phim nhỏ, do đó loại Rolleiflex này được gọi là Rollei Baby hoặc Rollei 4x4, hoặc giản-dị hơn, Rollei 44.

    Số-lượng máy Rollei Baby sản-xuất không nhiều lắm, những máy sản-xuất trước 1960 ngày nay thường rất bầm dập; một số rất ít máy sản-xuất sau 1960 tình-trạng còn khá hơn, nhưng những nhà sưu-tập lùng mua ráo riết nên giá máy cũ cũng gia-tăng gấp bội. Tổng-số Rollei Baby sản-xuất là 570 001 máy.

    Rollei Baby trang-bị bằng một trong hai loại ống kính : Carl Zeiss Jena "Tessar" hoặc Schneider Kreuznach "Xenar", tiêu-cự 60mm, khẩu-độ tối-đa f/ 3.5 hoặc f/ 2.8.

    Màng trập Compur, ta chỉnh khẩu-độ và tốc-độ bằng hai cái lẫy nhỏ ở riềm cái hộp bao màng trập, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300 giây. Màng trập Compur-Rapid, ta vẫn phải dùng cái lẫy để chỉnh khẩu-độ và tốc-độ như trên, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 500 giây; một số máy không có tốc-độ B và T.

    Màng trập Synchro-Compur MXV, ta chỉnh khẩu-độ, tốc-độ bằng cách xoay cái niềng phía ngoài hộp bao màng trập, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 500 giây.

    Ða số Rollei Baby lên phim bằng tay quay, ngoại trừ hai kiểu hậu-chiến là Baby Rollei xám (sản-xuất năm 1957) và Baby Rollei đen (sản-xuất năm 1963) là lên phim bằng núm.

    Nhiều tác-giả không đồng-ý với nhau về gia-phả của Baby Rollei : người thì cho rằng Rollei Baby tiền-chiến có bẩy loại và hậu-chiến có hai loại; người thì cho rằng Rollei tiền-chiến có 10 loại và hậu-chiến có hai loại. Tài-liệu dưới dây căn-cứ vào mã-số của Rollei, do đó rơi vào loại thứ hai kể trên. "Rollei Baby tiền-chiến" là những máy sản-xuất trước thế-chiến thứ hai, loại sản-xuất sau 1945 là "Rollei Baby hậu-chiến".

    1. ORIGINAL BABY 3.5 (mã-số của Rollei : 4RF 410 và 4RF 411), sản-xuất năm 1931-1932, đánh số từ 125 000 tới 145 100.

    Loại 410 trang-bị ống kính Tessar 60 mm f/ 3.5, loại 411 ống kính f/ 2.8, màng trập Compur, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300 giây, kính lọc đường-kính 28.5 mm (kính lọc gắn bằng cách đẩy vào), lên phim bằng tay quay (trước cả các máy Rollei khác), không có ngàm gắn kính lọc.

    2. ORIGINAL BABY 2.8 (mã-số : 4RF 413 và 4RF 414), sản-xuất năm 1933-1934, đánh số
    từ 150 000 tới 154 999.

    Trang-bị ống kính Carl Zeiss Jena Tessar tiêu-cự 60 mm, kiểu 413 dùng khẩu-độ f/ 3.5, kiểu 414 khẩu-độ f/ 2.8, màng trập Deckel Rim Set Rapid, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300 giây, lên phim bằng tay quay, kính lọc 28.5 mm, gắn bằng cách đẩy vào.

    3. BLACK BABY (mã-số : 4RF 420, 4RF 421, 4RF 422, 4RF 423), sản-xuất năm 1934-1938, đánh số từ 155 000 tới 524 999.

    Tất cả trang-bị ống kính Carl Zeiss Jena Tessar, tiêu-cự 60 mm; loại 420 và 422 khẩu-độ f/ 3.5; loại 421 khẩu-độ f/ 2.8; màng trập Deckel Compur-Rapid, tốc-độ B, T và từ 1 tới 500 giây, tuy nhiên :

    * Kiểu 420 và 421 ba tốc-độ chót là 1/ 100, 1/ 300 và 1/ 500;

    * Kiểu 422 và 423 ba tốc-độ chót là 1/ 100, 1/ 250 và 1/ 500;

    * Kiểu 422 chỉ trang-bị ống kính f/ 3.5 mà thôi.

    Kính lọc đường kính 28.5 mm, gắn bằng cách đẩy vào.

    4. BABY SPORT (mã-số : 4RF 430, 4RF 440), sản-xuất năm 1938-1943, loại 430 đánh số từ 622 000 tới 734 000, loại 440 từ 850 000 tới 850 999.

    Tất cả đều trang-bị ống kính Carl Zeiss Jena Tessar, 60 mm f/ 2.8, màng trập Compur-Rapid, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ I ở ống kính chụp.

    5. GRAY BABY (mã-số : K5 Grey), sản-xuất năm 1957-1961, đánh số từ 2 000 001 tới
    2 064 999.

    Ống kính Schneider Kreuznach Xenar, 60 mm f/ 3.5, ống kính nhắm Heidosmat 60 mm f/ 2.8, màng trập Synchro-Compur, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ I ở cả hai ống kính. Máy bọc "da" xám.

    6. BLACK BABY (mã-số : K5 Black), sản-xuất năm 1963, đánh số từ 2 065 000 đến
    2 069 999.

    Ống kính Schneider Kreuzenach Xenar, 60 mm f/ 3.5, màng trập Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ I ở cả hai ống kính. Máy bọc "da" đen.

    Rollei ngưng sản-xuất kiểu Rollei Baby năm 1963. Tổng-số hai kiểu máy Baby hậu-chiến là khoảng 80 000 máy.


    D. ROLLEICORD.

    Do áp-lực của dân tiêu-thụ, năm 1933, Rollei sản-xuất máy Rolleicord, giá cả nhẹ nhàng hơn Rolleiflex, vì máy giản-dị hơn và ống kính cũng không đắt giá như ống kính Rolleiflex.

    Chính-thức, Rolleicord có 5 kiểu, nhưng vì những chi-tiết kỹ-thuật khác nhau ở hậu-trường, Rolleicord được chia thành 19 kiểu. Máy Rolleicord có bảng tên rõ ràng ngay phía trên và mặt trước của nóc máy, nhưng rất khó phân-biệt kiểu này với kiểu kia, ngoại trừ kiểu chót Rolleicord Vb, chữ "Vb" khắc ngay phía trước số máy. Một cách nhận diện khác là căn cứ theo số máy (dù số máy có tròng tréo giữa kiểu này với kiểu khác như đã trình bày ở trên), hoặc nhìn bảng tên Rolleicord, nếu chữ ROLLEICORD in bằng sơn hay tráng men thì đó là kiểu máy "cũ"; nếu chữ ROLLEICORD đúc nổi lên thì đó là kiểu "mới".

    Từ khởi-thủy của máy Rolleicord, núm chỉnh xa gần đặt tại phía hông máy bên phải, gần núm lên phim cho đến kiểu Rolleicord V. Từ kiểu Rolleicord Va về sau, núm này đặt tại phía hông bên trái như các máy Rolleiflex.

    Tất cả các máy Rolleicord đều chụp phim cỡ 120 (12 tấm 6 x 6 cm) và tất cả đều có thể gắn bộ Rolleikin vào để chụp phim 35 mm.

    Cũng như Rollei Baby, cách thức đánh số và số năm sản-xuất của Rolleicord không hoàn toàn chính-xác, dù đây là những con số chính-thức do Rollei cung-cấp. Những kiểu Rolleicord I, Ia, II, Ià và IIa số máy khắc trên riềm ống kính chụp, các kiểu máy sau số máy khắc phía trên bảng tên nơi nóc máy.

    1. ROLLEICORD I (kiểu 1, mã-số của Rollei : 5RC 510), sản-xuất năm 1933-1936, đánh số
    từ 1 460 000 tới 1 759 000.

    Còn gọi là Rolleicord Art Deco vì lớp "da" bọc máy trang-trí những đường tréo hình quả trám... Ống kính Carl Zeiss Jena Triotar (ba thấu-kính) 75 mm f/ 4.5, màng trập Deckel Rim Set Compur, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300 giây, kính lọc đường kính 28.5 mm, gắn bằng cách đẩy vào ống kính chụp. Số máy khắc trên riềm ống kính chụp.

    2. ROLLEICORD I (kiểu 2, mã-số : 5RC 511), sản-xuất năm 1934-1936, đánh số từ
    1 590 000 tới 1 759 999.

    Tương-tự như kiểu trên, nhưng lớp "da" bọc ngoài màu đen, ống kính Carl Zeiss Jena Triotar 75 mm f/ 3.8, màng trập và tốc-độ như kiểu trên.

    3. ROLLEICORD Ia (kiểu 1 , mã-số : 5RC 520), sản-xuất năm 1936-1937, đánh số từ
    1 760 000 tới 1 947 000.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Triotar 75 mm f/ 4.5, màng trập và tốc-độ như hai kiểu trên.

    4. ROLLEICORD Ia (kiểu 2, mã-số : 5RC 521), sản-xuất năm 1936-1937, đánh số từ
    1 758 000 tới 1 973 999.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Triotar 75 mm f/ 3.5, màng trập và tốc-độ như những kiểu trên. Ðây là kiểu máy Rolleicord duy-nhất có khẩu-độ f/ 3.5 mà kính lọc thuộc loại "đẩy vào" chứ không có ngàm.

    5. ROLLEICORD Ia (kiểu 3, mã-số : 5RC 530), sản-xuất năm 1937-1938, đánh số từ
    1 945 000 tới 2 183 000.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Triotar 75 mm f/ 4.5, màng trập và tốc-độ như những kiểu trên.

    6. ROLLEICORD IIa (mã-số : 5RC 540), sản-xuất năm 1937-1938, đánh số từ 1 996 000 tới
    2 124 000.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Triotar 75 mm f/ 3.5, màng trập Deckel Compur, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300 giây, kính lọc đường kính 28.5 mm.

    7. ROLLEICORD Ia (kiểu 4, mã-số : 5RC 531), sản-xuất năm 1938-1945, đánh số từ
    611 000 tới 1 042 999.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Triotar 75 mm f/ 4.5, màng trập Deckel Compur Rim Set, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300 giây, kính lọc 28.5 mm.

    8. ROLLEICORD IIb (mã-số : 5RC 541), sản-xuất năm 1938-1939, đánh số từ 612 000 tới
    858 999.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Triotar 75 mm f/ 3.5, màng trập Deckel Compur, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ I ở ống kính chụp, 28.5 mm ở ống kính nhắm.

    9. ROLLEICORD IIc (mã-số : K3 542), sản-xuất năm 1939-1949, đánh số từ 859 000 tới 1
    006 999.

    Ống kính, màng trập và tốc-độ như kiểu trên đây. Ðây là kiểu Rolleicord duy-nhất có "tốc-độ 1/ 300 giây và cả hai ống kính đều có ngàm kính lọc cỡ I".

    10. ROLLEICORD IId (mã-số : K3 543), sản-xuất năm 1949-1950, đánh số từ 1 007 000 tới
    1 134 999.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Triotar 75 mm f/ 3.5, màng trập Deckel Compur Rapid, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, cả hai ống kính đều có ngàm gắn kính lọc cỡ I.

    11. ROLLEICORD IIe (mã-số : K3 544), sản-xuất năm 1949-1950, đánh số từ 1 135 000 tới
    1 135 999.

    Ống kính Schneider Kreuznach Xenar 75 mm f/ 3.5, màng trập Deckel Compur Rapid, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, cả hai ống kính đều có ngàm gắn kính lọc cỡ I.

    12. ROLLEICORD III (mã-số : K3 B), sản-xuất năm 1950-1953, đánh số từ 1 137 000 tới
    1 344 050.

    Trang-bị ống kính Carl Zeiss Opton Triotar (Tây Ðức) hoặc Schneider Kreuznach Xenar 75 mm f/ 3.5, màng trập Deckel Compur Rapid, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, cả hai ống kính đều có ngàm gắn kính lọc cỡ I.

    13. ROLLEICORD IV, (mã-số : K3 C), sản-xuất năm 1952-1954, đánh số từ 1 344 051 tới
    1 390 999.

    Trang-bị ống kính Schneider Kreuznach Xenar 75 mm f/ 3.5, màng trập Synchro Compur MX (M, X ở phía dưới ống kính chụp), tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500, cả hai ống kính đều có ngàm gắn kính lọc cỡ I.

    14. ROLLEICORD V, (mã-số : K3 D), sản-xuất năm 1954-1957, đánh số từ 1 500 000 tới
    1 583 999.

    Ống kính Schneider Kreuznach Xenar 75 mm f/ 3.5, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, kính lọc cỡ I, số máy khắc ngay dưới bảng tên Rolleicord.

    15. ROLLEICORD Va (kiểu 1, mã-số : K3 E), sản-xuất năm 1957-1958, đánh số từ
    1 584 000 tới 1 599 999.

    Ống kính, tốc-độ và cỡ ngàm kính lọc như kiểu Rolleicord V. Núm chỉnh xa gần, từ kiểu này trở đi đặt tại phía hông máy bên trái.

    16. ROLLEICORD Va (kiểu 2, mã-số : K3 Ea), sản-xuất năm 1958-1961, đánh số từ
    1 900 000 tới 1 943 999.

    Ống kính, tốc-độ và cỡ ngàm kính lọc như kiểu Rolleicord V. Màng trập Deckel MXV, nấc thang EV đặt tại phía phải ống kính chụp. Một số máy sản-xuất vào giai-đoạn chót của kiểu này có khắc thêm chữ "Va" trước số máy; số máy ở ngay dưới bảng tên Rolleicord.

    17. ROLLEICORD Vb (kiểu 1, mã-số : K3 F), sản-xuất năm 1962-1970, đánh số từ
    "Vb 2 600 000" tới "Vb 2 649 999".

    Ống kính Schneider Kreuznach Xenar 75 mm f/ 3.5, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây. Số máy có thêm chữ "Vb" ở trước và khắc ở phía trên bảng tên Rolleicord, nơi nóc máy.

    18. ROLLEICORD Vb (kiểu 2, mã-số : K3 Fa), sản-xuất năm 1970-1971, đánh số từ
    "Vb 2 650 000" tới "Vb 2 665 999".

    Ống kính, tốc-độ và cỡ ngàm kính lọc như kiểu trên, màng trập Synchro-Compur X. Số máy có thêm chữ "Vb" ở trước và khắc vào thân máy, phía dưới ống kính chụp.

    19. ROLLEICORD Vb3 (mã-số : K3 Fb), sản-xuất năm 1971-1976, đánh số từ
    "Vb 2 666 000" tới "Vb 2 677 498".

    Ống kính Schneider Kreuznach Xenar 75 mm f/ 3.5, màng trập Synchro-Compur XV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ I. Kiểu này có mặt tiền bằng kim-loại sáng trắng nên thường được gọi là kiểu "bạch-diện" (white face). Số máy khắc vòng theo tên hãng, sau chữ Vb, phía dưới ống kính chụp.

    20. ROLLEICORD ÐẶC-BIỆT.

    Một số máy Rolleicord được làm đặc-biệt theo đơn đặt hàng của khách hàng, không bán cho giới tiêu-thụ, nhưng chắc chắn một số máy này về sau cũng lọt ra ngoài thị-trường và các tay sưu-tập đang tìm mua ráo riết.

    * ROLLEICORD (mã-số của Rollei : 532), gồm 500 máy, sản-xuất năm 1939 cho cảnh-sát Ðức, đánh số từ 999 500 tới 999 999, , tương-tự như Rolleicord I, loại I, kiểu Art Deco.

    * ROLLEICORD (mã-số : K3542a), gồm 1000 máy, sản-xuất năm 1947-1948, cách đánh số không rõ; ống kính Schneider Kreuznach Xenar 75 mm f/ 4.5.

    * ROLLEICORD (mã-số : K3 Vba), gồm 1000 máy sản-xuất năm 1962 cho hãng Phillips Oscillograph Recording, đánh số từ 2 610 000 tới 2 610 999 và 1000 máy sản-xuất năm 1968, đánh số từ 2 632 000 tới 2 611 999, máy bọc "da" màu xám.

    * ROLLEICORD (mã-số : K3 Vbb), gồm 500 máy, sản-xuất năm 1962, cho cảnh-sát Tây Ðức, đánh số từ 2 611 000 tới 2 611 499, màu xám.

    * ROLLEICORD (mã-số : 5RC 531), gồm 100 máy, sản-xuất năm 1962, đánh số từ 87 500 tới 87 599 trang-bị đặc-biệt để gắn vào kính hiển-vi.

    Rolleicord từ khi sản-xuất đến hết kiểu I, trang-bị ống kính Zeiss Triotar (ba thấu-kính) 75 mm f/ 4.5 hoặc f/ 3.8; màng trập Compur 1 hoặc Compur 00, tốc-độ B, T và từ 1 tới 1/ 300 giây; không có ngàm hay răng ốc để gắn kính lọc.

    Tất cả những máy Rolleicord kiểu II, ngoại trừ kiểu II (kiểu 5), đều trang-bị ống kính Carl Zeiss Jena Triotar (ba thấu-kính), 75 mm f/ 3.5; màng trập và kính lọc như trên.

    Rolleicord từ kiểu II (kiểu 5) tới kiểu IV trang-bị ống kính Carl Zeiss Jena Triotar (ba thấu-kính) hoặc Schneider Kreuznach Xenar (bốn thấu-kính) 75 mm f/ 3.5; màng trập Compur Rapid, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây; ngàm gắn kính lọc cỡ I.

    Rolleicord kiểu V trang-bị ống kính Schneider Kreuznach Xenar (bn thấu-kính) 75 mm f/ 3.5; màng trập Synchro-Compur MX, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây; ngàm gắn kính lọc cỡ I.

    E. ROLLEIMAGIC.

    Năm 1960, Rollei sản-xuất máy "Rollei Magic" mà hãng quảng-cáo là "hoàn toàn tự-động"; thực ra kiểu máy này chỉ là tự-chỉnh về ánh sáng mà thôi, ta vẫn phải chỉnh xa gần. Quang-kế do Gossen của Ðức chế-tạo. Sau khi gắn phim, ta chỉnh độ nhạy của phim vào quang-kế và chỉnh vào chữ "A" (Automatic exposure control), máy sẽ chỉnh cho đúng sáng.

    Rollei Magic nhắm vào giới tiêu-thụ tài-tử, nhưng kiểu máy này không thành-công vì khi Rollei Magic ra đời, máy 35 mm của Nhật bắt đầu tràn ra thị-trường thế-giới và giới tài-tử thấy cái máy 35 mm "nhẹ nhàng và dễ nhìn hơn" nên bỏ máy cỡ trung. Do đó Rollei Magic chỉ sản-xuất có hai kiểu rồi chấm dứt.

    Nhận diện Rollei Magic không khó : tên máy ROLLEI MAGIC hoặc ROLLEI MAGIC II xuất-hiện ngay phía dưới ống kính chụp. Ngoài ra máy còn có một cửa sổ quang-kế selenium hình chữ nhật, dài suốt bề mặt của máy, ở phía trên ống kính nhắm.

    Rollei Magic có hai loại :

    1. ROLLEI MAGIC (mã-số của Rollei : K9), sản-xuất năm 1960-1962, đánh số từ
    2 500 000 tới 2 534 999.

    Kiểu này thường được gọi là Rollei Magic I sau khi máy Magic II ra đời, trang-bị ống kính Schneider Kreuznach Xenar (bốn thấu-kính) 75 mm f/ 3.5, màng trập Deckel Prontormat-S, tốc-độ B và từ 1/ 30 tới 1/ 300; ngàm gắn kính lọc cỡ II (5).

    2. ROLLEI MAGIC II (mã-số của Rollei : K9 II), sản-xuất năm 1962-1968, đánh số từ
    2 535 000 tới 2 547 597.

    Trang-bị ống kính Schneider Kreuznach Xenar (bốn thấu-kính) 75 mm f/ 3.5; màng trập Deckel Prontormat-S, tốc-độ B và từ 1/ 30 tới 1/ 500 giây; ngàm gắn kính lọc cỡ II (5). Máy Magic II vừa có thể chụp tự-động vừa có thể chụp tự-chỉnh tốc-độ hoặc chọn độ nét sâu (một hình-thức của cách chọn khẩu-độ), căn-cứ vào quang-kế. Máy Magic II cũng có thể gắn một khung chắn phía trong lòng máy biến máy này thành máy chụp 16 tấm 4.5 x 6 cm, cửa sổ đếm phim tự chỉnh đếm 16 tấm.

    Kiểu Magic II chỉ sản-xuất 13 597 máy nên khá hiếm và được nhiều người tìm mua để sử-dụng cũng như để sưu-tập.


    F. CÁC KIỂU MÁY ROLLEIFLEX TELE VÀ WIDE.

    Hai kiểu máy sau đây được coi như hai kiểu Rolleiflex khác thường, vì Rollei chỉ sản-xuất một số-lượng máy nhỏ rồi ngưng không sản-xuất nữa, nhưng 20-30 năm sau, dân tiêu-thụ và sưu-tập máy tìm mua ráo riết nên giá máy tăng lên mau chóng. Ngày nay, những máy ở tình trạng trung-bình hoặc khá, giá cao gấp 2 hoặc 3 lần các máy Rolleiflex khác đồng thời.

    1. TELE ROLLEIFLEX (mã-số của Rollei : K75), sản-xuất năm 1959-1974, đợt máy đầu
    (1959-1970) đánh số từ "S 2 300 000" tới "S 2 304 999", đợt máy sau (1970-1974) đánh số từ
    "S 2 305 000" tới "S 2 308 377" (chữ S trước số máy là viết tắt của chữ Sonnar).

    Trang-bị ống kính Carl Zeiss Sonnar 135 mm f/ 4, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây. Ngàm gắn kính lọc cỡ III, ở cả hai ống kính.

    Máy Tele Rolleiflex có những kiểu có hoặc không có quang-kế, có kiểu trang-bị để chụp phim cỡ 120 và 220, kiểu nào cũng có thể gắn bộ Rolleikin để chụp phim 35 mm; những máy có số máy nhỏ hơn "S 2 304 999" đều có cửa sổ đếm phim cho cỡ phim 35 mm, từ số đó về sau cửa sổ đó không còn. Máy từ số "S 2 304 999" về sau, đã có dây điện đặt sẵn trong máy để có thể gắn quang-kế sau này, nếu muốn.

    2. WIDE ANGLE ROLLEIFLEX (mã-số : K7W), sản-xuất năm 1961-1967, đánh số từ "W 2 490 000" tới "W 2 493 999" (chữ W trước số máy là viết tắt của chữ Wide), thường được gọi là Rollei Wide.

    Trang-bị ống kính Carl Zeiss Distagon 55 mm f/ 4, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây; ngàm gắn kính lọc cỡ IV ở cả hai ống kính.

    Máy Rollei Wide có kiểu có hoặc không có quang-kế, kiểu nào cũng có thể gắn được Rolleikin. Khi mới phát-hành, máy bán không chạy nên Rollei sản-xuất ít, lại còn phải giảm giá... Ngày nay, trong số các máy Rollei cũ để sử-dụng thực sự, thì Rollei Wide có giá bán cao nhất và được nhiều người tìm mua nhất.
    ...
     
  2. ttanh

    ttanh Advanced Member

    Joined:
    10/12/05
    Messages:
    3.460
    Likes Received:
    41
    Location:
    hanoi
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    G. ROLLEIFLEX F/ 3.5.

    "Rolleiflex 3.5" và "Rolleiflex 2.8" là hai kiểu máy chính và lý-thú nhất của Rollei : phẩm-chất siêu-đẳng, bề bỉ, đưa cái tên Rolleiflex vào huyền-thoại và là cái đích để các hãng chế-tạo máy song-kính trên thế-giới nhắm vào cóp kiểu. Máy Rolleicord cũng có độ mở f/ 3.5, số lượng sản-xuất cũng nhiều, nhưng không được giới sử-dụng cũng như giới sưu-tập ưa thích cho lắm.

    Lịch sử Rollei khởi đầu năm 1937 với kiểu "Rolleiflex Automat" (hoặc Automatic Rolleiflex, 1937". Sở-dĩ chữ "automatic" được đem gọi một chiếc máy hoàn toàn cơ-hành là vì đây là lần đầu tiên, động-tác lên phim đồng-thời "kích" luôn màng trập; trước đó, đối với các máy khác, lên phim và kích màng trập là hai động-tác riêng biệt. Kiểu máy này đặt nền móng cho tất cả các máy Rollei khác cho đến tận ngày nay; qua thời-gian, chiếc máy được hoàn-chỉnh từ từ, còn nguyên-tắc do Franke và Heidecke hoạch-định lúc ban đầu vẫn không thay đổi. Ðó là một điểm son của "nguyên-tắc Rollei".

    Tất cả máy Rolleiflex 3.5 đều dùng phim cỡ 120, một số về sau này có thể dùng cỡ phim 220; một số lớn máy có thể gắn bộ Rolleikin vào lòng máy để chụp phim 35 mm; hoặc dùng một lưng máy đặc-biệt để chụp phim miếng.

    Tất cả máy Rollei 3.5 đều dùng ống kính chụp Carl Zeiss hoặc Jos Schneider, tiêu-cự 75 mm f/ 3.5; màng trập Compur-Rapid (tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây), hoặc Synchro-Compur MX, tương-giao với flash (tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây). Ống kính nhắm 75 mm, f/ 3.1 tới f/ 2.8, do Franke & Heidecke chế-tạo, có tên là "Heidosmat". Ống kính chụp có ngàm để gắn kính lọc, đôi khi có "ngàm kép", một để gắn kính lọc, một để gắn loa che nắng; tất cả các máy Rollei Automat đều có ngàm gắn kính lọc cỡ I; số còn lại ngàm kính lọc cỡ II (5).

    Việc nhận diện máy Rollei 3.5 rất là phức-tạp; ít rắc rối hơn một chút là máy Rollei 2.8. Tất cả các máy Rolleiflex đều có bảng tên "ROLLEIFLEX" rất rõ ràng, nhưng sau đó, muốn truy-tầm kiểu máy, loại máy... là cả một mớ bòng bong. Chúng tôi xin độc-giả lưu ý đến số máy và năm sản-xuất là hai yếu-tố không hoàn toàn chính xác, dù đây là tài-liệu do hãng sản-xuất cung-cấp.

    Rolleiflex 3.5 có 19 kiểu :

    1. ROLLEIFLEX AUTOMATIC (loại 1, mã-số của Rollei : RF 111A), sản-xuất năm 1937-1939, đánh số từ 568 516 tới 805 000.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Tessar 75 mm f/ 3.5; màng trập Deckel Synchro-Compur Rapid, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, có cơ-phận tự chụp; ống kính chụp có ngàm kép, ngàm gắn kính lọc cỡ I, ngàm kia để gắn loa che nắng. Chỉnh khẩu-độ, tốc-độ bằng bánh xe ở phía phải và trái của ống kính. Lên phim bằng tay quay.

    2. ROLLEIFLEX AUTOMATIC (loại 2, mã-số : K4 B), sản-xuất năm 1937-1945, đánh số
    từ 805 000 tới 1 050 000.

    Ðặc-tính như kiểu trên, thêm khoá an-toàn ở nút bấm máy.

    3. ROLLEIFLEX AUTOMATIC (loại 3, mã-số : K 4B2), sản-xuất năm 1945-1949, đánh số
    từ 1 050 000 tới 1 099 999.

    Ống kính 75 mm f/ 3.5, do ba hãng cung-cấp : Carl Zeiss Jena Tessar (1945-1949), Schneider Kreuznach Xenar và Carl Zeiss Opton Triotar (1946-1949), trong đó ống kính Opton yếu nhất, nhưng tất cả ống kính đều được tinh-hóa; ống kính nhắm Heidoscop-Anastigmat 75 mm f/ 2.8, màng trập Deckel Compur-Rapid, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây; có ngàm kép gắn kính lọc cỡ I ở cả ống kính nhắm lẫn ống kính chụp.

    4. ROLLEIFLEX NEW STANDARD (mã-số : K4-640), sản-xuất năm 1939-1941, đánh số
    từ 805 000 tới 927 999.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Tessar 75 mm f/ 3.5, ống kính nhắm Heidoscop-Anastigmat 75 mm f/ 3.1; màng trập Deckel Compur-Rapid, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây; ngàm kép ở cả hai ống kính, ngàm gắn kính lọc cỡ I; chỉnh khẩu-độ, tốc-độ bằng 2 cái lẫy ở hai phía phải và trái của ống kính; không có cơ-phận tự-chụp; khi lắp phim phải căn số 1 ở cửa sổ tròn đỏ phía lưng máy, sau đó lên phim bằng tay quay. Ðây là kiểu máy "tiết-kiệm" của loại máy Automatic.

    5. ROLLEIFLEX AUTOMAT II (Rolleiflex X, loại 1), sản-xuất năm 1949-1950, đánh số từ
    1 100 000 tới 1 116 999.

    Ống kính Jena Tessar, hoặc Opton Tessar, hoặc Xenar, có tinh-hoá (từ kiểu này trở đi, tất cả các ống kính trang-bị máy Rollei 3.5 đều có tinh-hoá, do đó chúng ta không cần phải lập lại nữa); màng trập Deckel Compur-Rapid, tương-giao flash X; đây là kiểu máy thực sự trù-hoạch và sản-xuất sau thế-chiến thứ hai, thường được giới tiêu-thụ gọi là "Rollei X".

    6. ROLLEIFLEX AUTOMAT II (Rolleiflex X, loại 2, mã-số : K4 50), sản-xuất năm 1950-1951, đánh số từ 1 117 000 tới 1 168 000.

    Trang-bị ống kính 75 mm f/ 3.5 do ba hãng cung-cấp : Carl Zeiss Jena Tessar, hoặc Carl Zeiss Opton Tessar, hoặc Schneider Kreuznach Xenar; ống kính nhắm f/ 2.8; màng trập Deckel Compur-Rapid, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, tương-hợp flash X; đặc-tính giống kiểu trên, có thêm tấm ép phim cho phẳng phía trong lòng máy có thể chỉnh được, để gắn bộ Rolleikin 2 để chụp phim 35 mm.

    Rollei sản-xuất khoảng 68 000 máy Rollei X, cả hai loại, đây là là kiểu máy hiếm.

    7. ROLLEIFLEX AUTOMAT 6x6 (Rolleiflex MX, mã-số : K4A) sản-xuất năm 1951-1954, đánh số từ 1 200 000 tới 1 427 999.

    Ống kính 75 mm f/ 3.5 do ba hãng cung-cấp : Zeiss Opton Tessar hoặc Schneider Kreuznach Xenar (Tây Ðức, 1951-1953), sau đó dùng Zeiss Jena Tessar (Ðông Ðức, 1953-1954) màng trập Deckel Compur Rapid, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ I cả hai ống kính, ngàm kép.

    Loại máy này còn được một số người chia làm hai kiểu : kiểu 1 (số máy từ 1 200 000 tới
    1 269 999) không có rãnh ở vòng tròn nhôm dưới đế máy, loại 2 (số máy từ 1 270 000 về sau), có rãnh ở vòng tròn nhôm dưới đế máy để gắn phụ-tùng (như tay cầm và cơ-phận gắn hoặc tháo máy cấp-kỳ). Số máy ở bửng trước, ngay dưới tên máy.

    8. ROLLEIFLEX AUTOMAT 6x6 MX-EVS (mã-số : K4B), sản-xuất năm 1954-1956, gồm hai loại, loại 1 đánh số từ 1 428 000 tới 1 478 999 và loại 2 đánh số 1 479 000 tới 1 739 999.

    Ống kính 75 mm f/ 3.5, do ba hãng cung-cấp như trên; màng trập Synchro-Compur MX, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm kính lọc cỡ II.

    Ðây là kiểu Rollei f/ 3.5 duy-nhất có "tương-giao flash MX, đi cặp với hệ-thống EVS và ống kính Xenar hoặc Tessar"; kiểu 3.5E/ loại 1 cũng có hai đặc-tính đầu, nhưng ống kính lại là Planar hoặc Xenotar.

    Hai kiểu máy MX-EVS loại 1 và 2 khác nhau là : muốn nhả hệ-thống EVS, ở loại 1, ta nhấn một cái nút ở chính giữa bánh xe chỉnh khẩu-độ; ở loại 2, ta xoay cái rãnh trũng ở giữa bánh xe chỉnh khẩu-độ.

    EVS (Exposure Value System) là "hệ-thống tương-hợp ánh sáng", có nghĩa là dưới một điều-kiện ánh sáng, ta chỉnh khẩu-độ và tốc-độ cho thích-hợp, sau đó, nếu ta tăng hoặc giảm một trong hai yếu-tố, yếu-tố kia tức khắc chỉnh theo...

    9. ROLLEIFLEX 3.5E (loại 1, mã-số : K4C), sản-xuất năm 1956-1959, đánh số từ
    1 740 000 tới 1 868 442. Những máy từ số 1 740 000 tới 1 787 849 có quang-kế, những máy từ số 1 850 000 tới 1 868 442 không gắn quang-kế.

    Ống kính Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar 75 mm f/ 3.5; màng trập Deckel Synchro-Compur MX, có EVS, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm kính lọc cỡ II. Quang-kế là loại selenium do hãng gắn, máy không có quang-kế cũng đã có dây điện đặt sẵn, ta có thể gắn quang-kế sau, nếu muốn. Kể từ kiểu này trở đi, Rollei trang-bị ống kính Planar hoặc Xenotar, không dùng ống kính Tessar hoặc Xenar nữa (ngoại trừ ba kiểu T dưới đây). Khoảng 1956 trở đi, ống kính Planar hoặc Xenotar có 6 thấu-kính, hình ảnh màu chụp xắc xảo hơn.

    Từ kiểu này trở về trước, hộp nhắm gắn vào thân máy bằng 4 con ốc; từ nay về sau một số lớn máy được chế-tạo để hộp nhắm gắn vào thân máy bằng ngàm, ta có thể tháo ra dễ dàng bằng cách bấm hai cái lẫy, để gắn "nóc chùa" (viewing prism).

    10. ROLLEIFLEX 3.5E2 (loại 2, mã-số : K4 C2/ K4 C3), sản-xuất năm 1959-1962, đánh số
    từ "E2 1 870 000" tới "E2 1 872 010" (K4C2) và từ "E2 2 480 000" tới "E2 2 482 999" (K4 C3). Số máy khắc phía dưới ống kính chụp.

    Ống kính 75 mm f/ 3.5, do Carl Zeiss Planar (mã-số K4 C2) hoặc Schneider Kreuznach Xenotar (K4C3), màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, tốc-độ như trên, ngàm kính lọc cỡ II. Kiểu này không có quang-kế do hãng lắp, tuy nhiên quang-kế có thể gắn sau khi mua, nóc máy có thể tháo ra được.

    Loại này chỉ xuất-cảng sang Hoa-Kỳ để bán qua đường bưu-điện.

    11. ROLLEIFLEX 3.5E3 (loại 3, mã-số : K4 C3), sản-xuất năm 1961-1965, đánh số từ "3.5E3 2 380 000" tới "3.5E3 2 385 034".

    Kiểu máy này tương-tự như kiểu Rolleiflex 3.5E2, nhưng có hệ-thống EVS và có loại chụp được cả phim 120 lẫn 220. Kiểu này đa-số xuất-cảng sang Nam Mỹ.

    11. ROLLEIFLEX T (loại 1, mã-số : K8 T), sản-xuất năm 1958-1966, đánh số từ
    "T 2 100 000" tới "T 2 199 999".

    Trang-bị ống kính Carl Zeiss Tessar (bốn thấu-kính) 75 mm f/ 3.5 (chữ "T" trước số máy viết tắt của chữ Tessar); màng trập Deckel Synchro-Compur MXV; tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, chỉnh khẩu-độ, tốc-độ bằng lẫy (thay vì bằng bánh xe như các kiểu Rolleiflex 3.5 khác); ngàm gắn kính lọc cỡ I; thân máy bọc da màu xám hoặc đen; máy đánh số từ "T 2 151 000" về sau có thể gắn Rolleikin được. Rollei T là loại máy giá cả ở khoảng giữa Rolleiflex và Rolleicord.

    12. ROLLEIFLEX T (loại 2, mã-số : K8 T2), sản-xuất năm 1966-1971, đánh số từ
    "T 2 220 000" tới "T 2 313 999".

    Ống kính Carl Zeiss Tessar (bốn thấu-kính) 75 mm f/ 3.5, màng trập Deckel Synchro-Compur X, tốc-độ và cách khắc số như kiểu trên, ngàm gắn kính lọc cỡ I; lớp da bọc thân máy màu xám hoặc đen; phân-biệt các loại bằng số máy và tên màng trập. Có thể gắn bộ Rolleikin để chụp phim 35 mm.

    14. ROLLEIFLEX T (loại 3, mã-số : K8 T3), sản-xuất năm 1971-1976, đánh số từ
    "T 2 314 000" tới "T 2 320 298".

    Ống kính Carl Zeiss Tessar hoặc Schneider Kreuznach Xenar (bốn thấu-kính) 75 mm f/ 3.5, màng trập Synchro-Compur X; tốc-độ và cỡ ngàm gắn kính lọc như hai kiểu trên. Máy gắn được Rolleikin, chỉnh khẩu-độ, tốc-độ bằng lẫy. Ðây là loại Rollei chót dùng ống kính Tessar.

    15. ROLLEIFLEX 3.5F (loại 1, mã-số : K4D), sản-xuất năm 1958-1960, đánh số từ
    "3.5F 2 200 000" tới "3.5F 2 229 999".

    Ống kính Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar 75 mm f/ 3.5 (năm thấu-kính), ống kính nhắm Heidosmat 75 mm f/ 2.8, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, không có EVS; tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm kính lọc cỡ II; có chữ "3.5F" khắc ngay trước số máy, số máy khắc trên nóc máy; có quang-kế selenium tương-giao với bánh xe chỉnh khẩu-độ và tốc-độ (các kiểu Rollei có quang-kế trước đây, sau khi đọc quang-kế, ta lấy dữ-kiện rồi mới chỉnh khẩu-độ và tốc-độ); không gắn kính để ép phẳng mặt phim được.

    Rollei kiểu 3.5F, theo các chuyên-gia về Rollei, là kiểu Rollei tốt nhất và cũng sản-xuất lâu nhất, từ 1958 tới 1979.

    16. ROLLEIFLEX 3.5F (loại 2, mã-số : K4E), sản-xuất trong năm 1960, đánh số từ
    "3.5F 2 230 000" tới "3.5F 2 241 500".

    Ống kính Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar 75 mm f/ 3.5, ống kính nhắm Heidosmat 75 mm f/ 2.8, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV; tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm kính lọc cỡ II, chữ "3.5F" khắc ngay trước số máy, số máy khắc trên nóc máy; có hoặc không có quang-kế selenium tương-giao với bánh xe chỉnh khẩu-độ và tốc-độ; gắn được miếng kính ép phẳng mặt phim nơi lưng máy phía trong.

    Máy 3.5F loại 1 và 2, khi nhìn từ trên xuống, ta thấy ngay phía trên ống kính chụp, hai cửa sổ nhỏ : cửa sổ khẩu-độ ở phía trong (gần ta hơn), cửa sổ tốc-độ ở phía ngoài; máy loại 3 và 4 việc xắp đặt đổi ngược lại.

    17. ROLLEIFLEX 3.5F (loại 3, mã-số : K 4F), sản-xuất năm 1960-1964, đánh số từ "F 2 250 000" tới "F 2 299 999".

    Ống kính, màng trập, tốc-độ máy, cỡ kính lọc, chữ "F", quang-kế... giống như kiểu "3.5F loại 2" trên đây. Loại 3 không gắn được phim cỡ 220 (máy loại 4 gắn được), tuy nhiên cơ-phận đếm phim 220 có thể gắn thêm sau.

    Máy 3.5F loại 3 và 4, khẩu-độ tối-đa ở phía bên phải cửa sổ, trong khi máy loại 1 và 2, khẩu-độ tối đa ở phía bên trái.

    17. ROLLEIFLEX 3.5F (loại 4, mã-số : K4F/ 1), sản-xuất năm 1965-1976, đánh số từ "3.5F
    2 800 000" tới "3.5F 2 844 999".

    Các chi-tiết như kiểu Rolleiflex 3.5F loại 3 trên đây, sự khác-biệt là máy loại 4 chụp được phim 220 và có cơ-phận đếm phim 220.

    19. ROLLEIFLEX 3.5F (loại 5, mã-số : K4F/ 2), sản-xuất năm 1979, đánh số từ "3.5F
    2 845 000" tới "3.5F 2 857 149" và từ "3.5F 3 555 000" tới "3.5F 3 559 999".

    Ống kính, màng trập, tốc-độ, cỡ kính lọc, quang-kế... giống như kiểu "3.5F loại 2" trên đây. Loại 5 dùng cỡ phim 120 hoặc 120, máy có một vành kim-loại lớn và trắng bao quanh ống kính chụp (Rollei "bạch-diện"), số máy khắc vòng theo vòng tròn, phía dưới ống kính chụp.

    Ðây là kiểu máy chót của Rolleiflex 3.5. Những máy "3.5F" nói chung, là kiểu tốt nhất của các máy Rollei song kính và trái với một số người thường nghĩ, giữa ống kính Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar không có ống kính nào tốt hơn ống kính nào. Tất cả các máy Rollei 3.5 (ngoại trừ vài kiểu đầu tiên) đều gắn được bộ Rolleikin để chụp phim 35 mm. Rollei 3.5 sản-xuất từ 1928 tới 1979 (51 năm) là một kỷ-lục về sự sản-xuất liên-tục và cải-biến liên-tục, chưa có kiểu máy nào trên thế-giới phá được.

    H. ROLLEIFLEX F/ 2.8.

    "Rolleiflex 2.8" và "Rolleiflex 3.5" là hai kiểu máy chính và lý-thú nhất của hãng Rolleiflex vì phẩm-chất siêu-đẳng, bền bỉ và hình dáng đẹp.

    Hai kiểu máy 2.8 và 3.5 thực ra rất giống nhau, những máy sản-xuất cùng một thời có đặc-tính giống nhau; sự khác-biệt, dĩ nhiên, là một loại có độ mở f/ 2.8, loại kia có độ mở f/ 3.5 và Rollei phân-biệt thành hai loại, cho hai nhóm số riêng biệt.

    Tất cả các máy Rollei f/ 2.8 đều có tiêu-cự ống kính 80 mm, do Carl Zeiss sản-xuất như "Tessar", Biometar", "Planar" hoặc Schneider "Xenotar". Tất cả ống kính Rolleiflex f/ 2.8 đều được tinh-hoá. Tất cả các ống kính nhắm đều là Heidosmat (ngoại trừ những kiểu liệt-kê khác), ống kính nhắm hay ống kính chụp cùng có độ mở f/ 2.8.

    Màng trập có thể là Compur-Rapid X (kiểu Rollei 2.8 A, loại 1) hoặc Compur-Rapid MX (kiểu Rollei 2.8 A loại 2), cả hai đều có tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 400 giây. Màng trập cũng có thể là Synchro-Compur MX (kiểu B, C và D), hoặc Synchro-Compur MXV (các kiểu E, F và đặc-biệt), tương-giao với flash, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây. M là tương-giao với flash magnesium; X là tương-giao với flash điện-tử và V là cơ-phận tự chụp (self timer).

    Tất cả các máy Rolleiflex f/ 2.8 đều có thể gắn được bộ Rolleikin để chụp phim 35 mm.

    Nhận diện máy Rollei 2.8 dễ hơn nhận diện máy Rollei 3.5 hoặc Rolleicord : ta chỉ cần so sánh số máy dưới đây. Số máy này, chuyên-viên về Rollei đồng-ý là khá chính-xác.

    1. ROLLEIFLEX 2.8A (loại 1, mã-số của Rollei : K7A), sản-xuất năm 1949-1951; đánh số
    từ 1 101 000 tới 1 139 999.

    Ống kính 80 mm f/ 2.8 do hai hãng sản-xuất là Carl Zeiss Jena Tessar (đánh số từ 1 101 000 tới 1 114 999) và Carl Zeiss Opton Tessar (đánh số từ 1 115 000 tới 1 139 999); những ống kính này sản-xuất trước hoặc trong thế chiến thứ hai, ống kính nhắm Heidoscop-Anastigmat 80 mm f/ 2.8, màng trập Deckel Compur-Rapid X, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 400 giây, chỉ có tương-giao flash X, ngàm kép để gắn kính lọc và loa che nắng cả ở hai ống kính, ngàm cỡ II (5) đây là kiểu Rollei f/ 2.8 duy-nhất có ngàm kính lọc cỡ II; núm lên phim nhỏ hơn các loại Rollei f/ 2.8 khác.

    Máy này sau khi bán ra, bị Rollei triệu-hồi vì hãng tìm ra ống kính bị tật gì đó. Rollei thay thế ống kính chụp bằng ống kính Zeiss Tessar Ðông Ðức hoặc Zeiss Opton Tây Ðức, đồng-thời hãng gắn thêm tương-giao flash MX; có khoảng 4 000 máy không chịu gửi về sửa chữa.

    2. ROLLEIFLEX 2.8A (loại 2, mã-số : K7A), sản-xuất năm 1951, đánh số từ 1 154 000 tới
    1 201 999.

    Ống kính chụp Zeiss Opton Tessar 80 mm f/ 2.8, ống kính nhắm Heidoscop-Anastigmat 80 mm f/ 2.8; màng trập Deckel Compur-Rapid MX, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 400 giây (những máy đánh-số từ 1 154 000 tới 1 163 999) hoặc từ 1 tới 1/ 500 giây (những máy đánh số từ 1 201 000 tới 1 201 999), ngàm kép gắn kính lọc cỡ III; núm lên phim nhỏ hơn các loại Rollei f/ 2.8 khác. Số máy khắc trên nóc máy.

    3. ROLLEIFLEX 2.8B (mã-số : K7B), sản-xuất năm 1952-1953, đánh số từ 1 204 000 tới
    1 259 999.

    Ống kính Carl Zeiss Jena Biometar 80 mm f/ 2.8 (Rollei 2.8B loại 1 và 2 là hai kiểu Rollei duy-nhất dùng ống kính "Biometar"), kính nhắm Heidoscop-Anastigmat 80 mm f/ 2.8; màng trập Deckel-Synchro, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, có cơ-phận để tự chụp (V); ngàm kép gắn kính lọc cỡ III. Số máy khắc trên nóc máy. Máy này đa số xuất-cảng sang Mỹ châu.

    4. ROLLEIFLEX 2.8C (loại 1, mã-số : K7C), sản-xuất năm 1952-1955, đánh số từ
    1 260 000 tới 1 457 405.

    Ống kính Schneider Kreuznach Xenotar 80 mm f/ 2.8, màng trập Deckel Synchro-Compur MX, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, có cơ-phận tự chụp (V), ngàm kép gắn kính lọc, cỡ III. Số máy khắc trên nóc máy.

    5. ROLLEIFLEX 2.8C (loại 2, mã-số : K7C), sản-xuất năm 1952-1955, đánh số từ
    1 260 000 tới 1 457 405.

    Ống kính Carl Zeiss Planar 80 mm f/ 2.8, các chi-tiết khác như kiểu trên.

    6. ROLLEIFLEX 2.8D (mã-số : K7D), sản-xuất năm 1955-1956, đánh số từ 1 600 000 tới
    1 620 999.

    Ống kính 80 mm f/ 2.8 Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, EVS, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm kép gắn kính lọc cỡ III; có cơ-phận đếm phim 35mm (trường-hợp có người dùng Rolleikin chụp phim 35 mm).

    Rollei loại 2.8D có thang EVS ở bánh xe chỉnh khẩu-độ (nhả hệ-thống này bằng cách bấm cái nút ở giữa bánh xe chỉnh khẩu-độ). Do đó, một máy Rollei 2.8 không có EVS, nếu không phải loại F (chữ "2.8F" khắc ngay trước số máy) thì đó là máy Rollei loại E trở về trước.

    7. ROLLEIFLEX 2.8E (mã-số : K7E), sản-xuất năm 195`6-1959, đánh số từ 1 621 000 tới
    1 664 999.

    Ống kính 80 mm f/ 2.8 Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, tốc-độ B v12 từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm kép gắn kính lọc cỡ III; có thang EVS, có hoặc không có quang-kế selenium (nếu không, hệ-thống giây điện đã được đặt sẵn trong máy rồi) và là loại chót của máy Rollei 2.8 mà nóc máy không tháo rời ra được. Hầu như tất cả kiểu Rollei f/ 2.8E đều có bộ đếm phim 35 mm.

    8. ROLLEIFLEX 2.8E2 (mã-số : K7E2), sản-xuất năm 1959-1960, đánh số từ
    "E2 2 350 000" tới "E2 2 356 999" (hoặc cao hơn).

    Ống kính 80 mm f/ 2.8 Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm kép gắn kính lọc cỡ III; có thang EVS, có hoặc không có quang-kế selenium, nóc máy tháo rời ra được. Số máy khắc phía dưới ống kính chụp.

    9. ROLLEIFLEX 2.8E3 (mã-số : K7E3), sản-xuất năm 1962-1965, đánh số từ "2.8E3
    2 360 000" tới "2.8E3 2 362 024".

    Ống kính 80 mm f/ 2.8 Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar, màng trập Synchro-Compur MXV, ngàm kép gắn kính lọc cỡ III; tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500; có thang EVS, không có quang-kế, nhưng quang-kế có thể gắn thêm, sau khi mua. Số máy khắc trên nóc máy. Số lượng máy trang-bị ống kính Planar không có nhiều.

    10. ROLLEIFLEX 2.8F (loại 1, mã-số : K7F), sản-xuất năm 1960-1981, đánh số từ
    "2.8F 2 400 000" tới "2.8F 2 451 850".

    Ống kính Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar 80 mm f/ 2.8; màng trập Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500; ngàm kép gắn kính lọc cỡ III; không có thang EVS, có quang-kế selenium, không dùng được phim cỡ 220, có thể chụp chồng nếu muốn, có thể tháo được nóc máy. Số máy khắc trên nóc máy.

    11. ROLLEIFLEX 2.8F (loại 2, mã-số : K7F2), sản-xuất năm 1966-1969, đánh số từ
    "2.8F 2 451 851" tới "2.8F 2479 999"; (loại 3, mã-số : K7F3), sản-xuất năm 1969-1976, đánh số từ "2.8F 2 600 000" tới "2.8F 2 799 999".

    Ống kính Carl Zeiss Planar hoặc Schneider Kreuznach Xenotar 80 mm f/ 2.8, màng trập Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây; ngàm kép gắn kính lọc cỡ III, không có thang EVS, có quang-kế selenium, dùng được phim cỡ 220, có thể chụp chồng nếu muốn, có thể tháo được nóc máy. Số máy khắc trên nóc máy.

    12. ROLLEIFLEX 2.8F (loại 4, mã-số : K7F4), sản-xuất năm 1978-1980, đánh số từ
    "2.8F 2 900 000" tới "2.8F 2 959 999".

    Kiểu này chỉ trang-bị ống kính Schneider Kreuznach Xenotar 80 mm f/ 2.8, màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ III. Số máy khắc sau tên hãng, trên riềm bửng kim-loại trắng, phía dưới ống kính. Máy có quang-kế selenium, một số máy được trang-bị để chụp phim cỡ 220.

    13. ROLLEIFLEX 2,8GX (mã-số : K7G), sản-xuất năm 1987-1996, đánh số từ 2 985 500 tới số (chưa rõ).

    Trang-bị ống kính Carl Zeiss Planar 80 mm f/ 2.8, thêm hàng chữ "Made by Rollei" khắc trên riềm ống kính; ống kính nhắm Heidosmat 80 mm f/ 2.8, màng trập Deckel Synchro-Compur, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ III; chụp cỡ phim 120, không trù-liệu để chụp phim 35 mm.

    Máy Rollei 2,8GX có quang-kế silicon blue, dùng pin cỡ PX 28, đo qua ống kính nhắm, quang-kế cũng điều-chỉnh flash điện-tử qua ống kính (TTL).

    Ðây là kiểu máy Rolleiflex phát-hành hàng loạt chót. Sau kiểu này, Rolleiflex chỉ phát-hành một số máy đặc-biệt, số-lượng rất hạn hẹp và ngưng sản-xuất hẳn vào năm 1997.

    14. ROLLEIFLEX 2.8 F AURUM : xem "Các loại Rolleiflex phát-hành đặc-biệt".

    15. ROLLEIFLEX 2.8 F PLATIN EDITION : xem "Các loại Rolleiflex phát-hành đặc-biệt".

    16. ROLLEIFLEX AURUM EDITION : xem "Các loại Rolleiflex phát-hành đặc-biệt".

    17. ROLLEIFLEX HELMUT NEWTON EDITION : xem "Các loại Rolleiflex phát-hành đặc-biệt".

    18. ROLLEIFLEX 2.8 GX EDITION : xem "Các loại Rolleiflex phát-hành đặc-biệt".

    19. ROLLEIFLEX 2.8 HFT "JERSEY" EDITION : xem "Các loại Rolleiflex phát-hành đặc-biệt".


    J. CÁC MÁY ROLLEIFLEX PHÁT-HÀNH ÐẶC-BIỆT.

    Song song với những kiểu máy sản-xuất hàng loạt kể trên, thỉnh thoảng, vào những dịp đặc-biệt nào đó, Rollei phát-hành loại máy đặc-biệt, đây không phải là máy mà sở-hữu-chủ đem ra lắp phim rồi chụp như bạn và tôi, mà đây là những máy "để thờ", nằm trong tủ kính hay tủ sắt của một nhà sưu-tầm giầu có nào đó, có khi hàng chục năm máy không được thấy ánh sáng mặt trời !

    1. ROLLEIFLEX 2.8F AURUM (mã-số của Rollei : K7F Aurum).

    Phát-hành tháng 7 năm 1982, nhân dịp kỷ-niệm 60 năm Rolleiflex; những máy sản-xuất năm 1982-1983 đánh số từ "2.8F 7 570 001" tới "2.8F 7 571 249"; những máy sản-xuất trong năm 1983-1984 đánh số từ "2.8F 8 300 000" tới "2.8F 8 301 499"; trong số đó có MỘT máy đặc-biệt không đánh số dành cho cho "Herr Sass". Có khoảng 100 tới 150 máy được nhập-cảng vào thị-trường Mỹ. Giá máy : 2 700 $US (giá năm 1983).

    Ống kính chụp Schneider Xenotar, 80 mm f/ 2.8; màng trập Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây; ống kính nhắm 80 mm f/ 2.8 Heidosmat. Ngàm kép gắn kính lọc và loa che nắng ở cả ống kính chụp lẫn ống kính nhắm, cỡ III; dùng hai cỡ phim 120 và 220; có quang-kế selenium.

    Các bộ-phận kim-loại phô bày ra ngoài đều được mạ vàng 23 carat, dầy 10 micron, bọc da cá sấu (đa số máy màu nâu đậm, một số nhỏ màu đen), đặt trong một hộp gỗ bọc nhung, kèm theo sách chỉ-dẫn và một chứng-thư bảo-đảm.

    2. ROLLEIFLEX 2.8F PLATIN EDITION (mã-số : K7FP/ K7FPA).

    Phát-hành năm 1984 vào dịp kỷ-niệm 60 năm thành-lập hãng Rollei và cũng nhằm bán cho giới sưu-tập máy Rolleiflex; Rollei sản-xuất kiểu máy này trong năm 1984, đánh số từ "2.8F 2 985 000" tới "2.8F 2 985 499" và trong năm 1989 đánh số từ "2.8F 2 985 500" tới "2.8F 2 986 599" (mỗi đợt 500 máy).

    Ống kính chụp "Carl Zeiss Planar 80 mm f/ 2.8 HFT", ống kính nhắm "Carl Zeiss Triotar 80 mm f/ 2.8 HFT", màng trập Deckel Synchro-Compur MXV, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ III, có quang-kế selenium và chỉ chụp được cỡ phim 120 mà thôi.

    Tổng-số máy sản-xuất 1000 máy, trong đó có 100 máy mạ bạch-kim, số còn lại mạ vàng 24 carat dầy 10 micron. Máy bọc da cá sấu đen, đặt trong hộp gỗ bọc nhung, có sách chỉ-dẫn và chứng-thư bảo-đảm. Trong cả hai loại trên, có khoảng 150 máy nhập-cảng vào Mỹ, số còn lại, đa số vào Nhật, nhất là máy mạ vàng. Giá máy : khoảng 9 000 $US.

    3. ROLLEIFLEX AURUM EDITION.

    Năm 1989, Rollei lắp thêm và cũng là lần chót, 99 máy Rolleiflex 2.8F, ống kính và màng trập như trên; hệ-thống đánh số không rõ.

    Kỳ phát-hành này, máy mạ vàng 23 carat, dầy 10 micron, các chi-tiết khác tương-tự như máy Platin Edition trên đây. Máy được đặt trong hộp gỗ đặc-biệt, trải nhung, có sách chỉ-dẫn, bộ kính cận Proxar và một chứng-thư bảo-đảm. Giá khoảng 10 000 $US một chiếc.

    Nhật đặt mua gần như hầu hết đợt máy này.

    4. ROLLEIFLEX 2.8GX EDITION, (mã-số : K7GE), sản-xuất năm 1989-1991, đánh số từ
    5 010 000 tới 5 017 999.

    Năm 1989, Rollei phát-hành 1 500 máy Rolleiflex 2.8GX, nhắm vào giới sưu-tập Rolleiflex. Ống kính Rollei "Planar HFT" 80 mm f/ 2.8, màng trập Deckel Synchro-Compur, tốc-độ B và từ 1 tới 1/ 500 giây, ngàm gắn kính lọc cỡ III, chụp phim cỡ 120. Máy xám, bảng tên màu đồng điếu, chữ Rolleiflex kiểu cũ 1929, bọc da màu đen, kèm theo một bộ kính lọc, sách chỉ-dẫn, tất cả đựng trong một hộp gỗ đặc-biệt, có chứng-thư bảo-đảm.

    5. ROLLEIFLEX 2.8 GX "HELMUT NEWTON EDITION", (mã-số : K7GHN), sản-xuất băm 1992-1993, đánh số từ 6 030 000 tới 6 036 999.

    Các chi-tiết về ống kính, màng trập, tốc-độ, bảng tên... như trên, ngoại trừ lớp da bọc máy màu xám, chữ ký của Helmut Newton khắc vào bảng đồng, gắn vào thân máy phía sau. Ðây là đợt phát-hành đặc-biệt để vinh-danh nhiếp-ảnh-gia Helmut Newton, chuyên chụp ảnh thời-trang bằng Rolleiflex.

    6. ROLLEIFLEX, "JERSEY" SPECIAL EDITION.

    Năm 1997, phát-ngôn-viên của Rollei tuyên-bố là vì số-lượng máy Rollei bán hàng năm giảm đến mức tối-thiểu, Rollei quyết-định chấm dứt sản-xuất máy Rollei song-kính. Ngậm ngùi khi chấm dứt loại máy song-kính, Rollei sản-xuất 100 máy đặc-biệt "Jersey". Máy chỉ bán qua Ian Parker, chủ-tịch Club Rollei ở Channel Island, Anh quốc.

    Máy Jersey mạ kền đen, bọc da màu nâu, tên máy "Rolleiflex" là chữ nổi màu trắng thời 1929, rất cổ-điển. Trang-bị ống kính Carl Zeiss Planar HFT, 80 mm f/ 2.8, màng trập Seiko, tốc-độ B và từ từ 1 tới 1/ 500 giây. Máy sẽ được đựng trong hộp gỗ, trong lót nhung, kèm bộ kính phụ-cận, giây đeo, sách chỉ-dẫn, chứng-thư bảo-đảm, kèm theo cuốn sách "Lịch-sử máy Rollei song-kính" của Ian Parker và 10 tấm ảnh do Ian Parker chụp. Khi tin này được thông-báo thì cả 100 chiếc máy đã có chủ hết rồi !

    V. NHỮNG KIỂU ROLLEI NÊN MUA ÐỂ SỬ-DỤNG.

    Sau khi điểm qua tất cả các kiểu, các loại Rolleiflex sản-xuất trong gần 70 năm qua, chúng ta hẳn đã có khái-niệm về các loại Rollei nên mua để sử-dụng. Tuy nhiên, muốn mua là một chuyện, tìm được đúng kiểu máy ta muốn mua lại là một chuyện khác.

    1. Một số nhiếp-ảnh-gia thương-mại, thực ra là nhiếp-ảnh-gia chụp đám cưới, đã mua loại máy mạ vàng Rolleiflex Aurum chưng trong tiệm, in vào danh-thiếp và quảng-cáo, là họ nhận chụp đám cưới với máy Rollei "bằng vàng", làm tăng vẻ sang-trọng, quí-phái... dĩ nhiên là giá cả cao hơn...

    2. Nếu chúng ta muốn dùng Rollei song kính, phẩm-chất tốt, "tiền bạc không thành vấn-đề", sự lựa chọn rất giản-dị, dùng Rolleiflex 2,8GX, Rollei hiện nay (2003) vẫn còn có thể tìm được.

    3. Dưới đó một chút, phẩm-chất không hề kém, là loại Rolleiflex 2.8F hoặc Rolleiflex 3.5F, số máy khoảng 2 800 000 trở lên, có quang-kế, dùng được cả hai cỡ phim, 120 và 220. Xin lưu ý: ống kính f/ 2.8 không có nghĩa là phẩm-chất tốt hơn f/ 3.5; một số người rành về máy Rollei tin rằng ở cùng một khẩu-độ, ống kính f/ 3.5 tốt hơn ống kính f/ 2.8.

    4. Kế đó, cũng các loại Rollei 2.8F hoặc Rollei 3.5F nhưng không có quang-kế, hoặc không có cỡ phim 220, hoặc cả hai, số máy 2 800 000 trở lên. Quang-kế hoặc cỡ phim 220 không ảnh-hưởng gì đến phẩm-chất của máy Rollei, nhưng hai yếu-tố này tiện-dụng hơn.

    5. Sau đó, ta phải kể đến các loại Rolleiflex có số máy từ 2 400 000 trở lên, có hoặc không có quang-kế, dùng được hoặc không dùng được cỡ phim 220.

    Ta cũng có thể dùng Rollei Magic II, hoặc Rollei Magic I.

    Trong năm số thứ-tự ưu-tiên kể trên, chúng ta không đề-cập đến nhãn-hiệu của ống kính, nghĩa là Rolleiflex trang-bị với ống kính Carl Zeiss "Planar" hoặc Jos Schneider "Xenotar" cũng đều tốt cả.

    6. Kế đến, ta phải kể các loại Rolleiflex sản-xuất khoảng sau 1950 (có người nói sau 1948-1949), vì từ đó về sau, các ống kính Rollei đều được tinh-hóa, do đó hình ảnh trong trẻo, tương-phản đẹp hơn và sắc-độ óng nuột hơn. Tuy nhiên, nên tránh mua những máy Rollei trang-bị với ống kính Carl Zeiss Opton và Carl Zeiss Biometar.

    7. Nếu không tìm mua được Rolleiflex, mua Rolleicord nếu tìm được cơ-hội tốt (máy ở tình trạng tốt, giá rẻ...), loại càng sản-xuất về sau này càng tốt, nhưng phải là loại IV và V.

    8. Muốn dùng một chiếc máy xinh xắn, mua Baby Rollei, loại càng sản-xuất về sau này càng tốt; có nghĩa là chỉ nên mua loại Baby Rollei hậu-chiến. Xin lưu-ý : loại máy này dùng cỡ phim 127, ngày nay phim rất khó mua, nếu có tìm được thì loại phim cũng rất bị hạn-chế : chỉ có một loại phim đen trắng và một loại phim màu...

    9. Muốn chụp ảnh nổi ba chiều (3D), mua Rollei Stereo, loại càng sản-xuất về sau này càng tốt, cỡ phim 120. Thường, ta phải trả giá khá cao vì Rollei Stereo là loại máy sưu-tập.

    10. Tình-trạng chung của những máy nên mua :

    * Phía ngoài, máy không bị bầm dập, không bị va chạm móp méo, không có dấu đánh rơi, không bị rỉ sét...

    * Chỉnh cho bửng ống kính ra xa, lại gần (lấy nét xa, gần). Bửng ống kính phải song song với thân máy (quan-sát cả bốn phía, để ý so sánh kẽ hở giữa bửng ống kính với thân máy).

    * Quan-trọng hơn cả, ống kính không bị mốc, không bị đóng rễ tre, không bị loang dầu, không bị trầy sát (có khi chỉ vì sở-hữu-chủ không biết cách chùi ống kính mà cứ chùi !), không có dấu tháo các thấu-kính (quan-sát đầu con ốc bắt ống kính, phía trong lòng máy).

    * Riềm ống kính, riềm bắt loa che nắng không bị móp méo... tìm dấu hiệu máy bị đụng chạm mạnh, bị rơi.

    * Chỉnh cực xa và cực gần... tay phải cảm thấy nhẹ nhàng, xuông xẻ, để ý khi chỉnh cực xa hoặc cực gần.

    * Chỉnh khẩu-độ, tốc-độ... tay phải cảm thấy nhẹ nhàng, không nơi nào bị rít.

    * Thử màng trập, thử từng tốc-độ một, nhất là tốc-độ chậm; không có tốc-độ nào bị kẹt hoặc ngập-ngừng.

    * Thử từng khẩu-độ một : không có khẩu-độ nào bị dắt, khẩu-độ f/ 8 phải mở lớn hơn f/ 11... f/ 11 phải mở lớn hơn f/ 16...

    * Lên phim; lõi trong, phía trên phải quay đều và nhẹ nhàng (đôi khi ta cần đem theo cuộn phim cũ để thử).

    * Lấy nét vào vật gì phẳng, thẳng góc với hướng nhìn của ta, thí-dụ như bức tường. Bật kính "lúp" lên, quan-sát phía phải và trái : hai bên phải nét như nhau.

    * Lắc máy xem có cơ-phận nào rơi (hoặc rời) ra không (dù là rời phía trong máy). Việc này khó tin nhưng có thật; có những máy có một vài con ốc rơi ra hay cơ-phận lỏng lẻo.

    * Lớp da bọc máy trông có thể tệ, nhưng nếu ống kính tốt, màng trập tốt, các cơ-phận chỉnh xa gần, lên phim, lấy nét... tốt thì máy vẫn dùng tốt.




    GHI-CHÚ :


    1. Người được báo-chí nhiếp-ảnh Mỹ tặng cho biệt-danh là "Ông Rollei/ Mister Rollei" vì ông này chỉ dùng máy Rollei song-kính và đã từng xuất-bản hai cuốn sách ảnh chụp bằng Rollei.

    2. Ðối với những máy thời trước như Zeiss Ikonta, Zeiss Ikon Contessa, Rolleiflex, Retina, Voigtlander... màng trập là một thành-phần quan-trọng, không thua kém ống kính bao nhiêu, vì màng trập quyết-định sự đúng sáng, điều-khiển hai yếu-tố tối quan-trọng là khẩu-độ và tốc-độ, trong khi đó ống kính quyết-định phẩm-chất của hình ảnh. Một trong ba yếu-tố đó hỏng thì cả chiếc máy ảnh thất-bại.

    3. Tiến-sĩ O. Schott, giáo-sư quang-học ở viện đại-học Berlin và Jena là một tay phù-thủy trong ngành quang-học nhiếp-ảnh; những loại kính do ông chế ra từ đó tới nay vẫn được sử-dụng vì chưa có ai tìm ra được nhiều loại kính và kính tốt hơn những công-thức kính của ông.

    4. Tinh-hoá = coated; tinh-hoá nhiều lớp = multi-coated. Khi ánh sáng qua ống kính, mỗi lần chạm mặt kính hoặc mặt không-khí trong đó thì một số ánh sáng mất đi vì bị cản sáng và khúc-xạ, hai điều này làm ống kính tối đi và làm giảm tương-phản. Tinh-hoá ống kính là dùng hóa-chất, thí-dụ như magnesium fluoride, hấp lên mặt kính để giảm-thiểu tính phản-quang và tăng tính truyền sáng của kính.

    5. Kính lọc và loa che nắng của Rollei bắt vào riềm ống kính bằng "ngàm ba chấu" (3-point bayonet). Cách bắt này khá thịnh-hành ở Ðức; các nước khác dùng cách "vặn răng ốc", cách sau này rẻ tiền hơn và cũng tiện-dụng hơn.

    Ngàm cỡ I nhỏ nhất, trang-bị cho máy Baby Rollei, Rolleicord, Rolleiflex f/ 3.5 (ngoại trừ loại E và F); cỡ II trang-bị cho các máy Rollei 75 mm f/ 3.5 loại E và F; cỡ III lớn hơn, thường trang-bị cho các máy Rollei 80 mm f/ 2.8; cỡ IV lớn nhất, chỉ trang-bị cho máy Rollei Wide.









    TÀI-LIỆU THAM-KHẢO :

    * "Rolleiflex Guide", tác-giả W.D. Emanuel, do The Focal Press, London & New York xuất-bản, ấn-bản thứ 40, năm 1978.

    * "Rollei T.L.R., The History", tác-giả Ian Parker, do Club Rollei, Hotel de France, St. Saviour's Road, St. Helier, Jersey, Channel Islands, U.K. xuất-bản, 1992.

    * "Rollei TLR Collector's Guide", tác-giả Ian Parker, do Hove Photo Books Ltd. xuất-bản, Jersey Photographic Museum, Hotel de France, St. Saviour's Road, St. Helier, Jersey, Channel Island JE2 7LA, 1993.

    * "Collectors Guide to Rollei Cameras", tác-giả Arthur G. Evans, do Hove Foto Books, Hove, East Sussex, U.K. xuất-bản, 15 tháng 5, 1986.

    * "Master Photographers", tác-giả Pat Booth, do Clarkson N. Potter, Inc., New York, U.S.A. xuất-bản, 1983.

    * "The Rollei Way", tác-giả L.A. Mannheim, do Focal Press, London & New York xuất-bản, 1955.

    * "Guide to Rollei Photography", tác-giả Fritz Henle, do Amphoto, New York - London xuất-bản, 1956.

    * "Is the Rollei Fairest of Them All ?", tác-giả Harvey S. Zucker, đăng rải rác trên nguyệt-san The Shutterbug, Titusville Florida, trong những năm 1985, 1986.

    * Bài đăng rải rác trong các Nguyệt-san "Modern Photography", "Popular Photography", "PhotoGraphics", "Shutterbug"...

    Ðón đọc "Hồ-sơ cũ" về các loại máy Alpa, Canon, Contaflex, Contarex, Contax, Deardorf, Exakta, Graflex, Hasselblad, Ikoflex, Ikonta, Leica, Linhof, Minolta, Minox, Nikon, Praktica, Retina, Robot, Rolleiflex, Tessina, Voigtlander... của cùng tác-giả.

    Khi xuất-bản thành sách sẽ có hình ảnh các máy in kèm.

    (Hiệu-đính 25-10-1998)
     
  3. pilotOne

    pilotOne Advanced Member

    Joined:
    11/5/08
    Messages:
    309
    Likes Received:
    1
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Hãi quá, My Dream!
     
  4. tcqanh

    tcqanh Advanced Member

    Joined:
    11/9/07
    Messages:
    8.015
    Likes Received:
    92
    Location:
    Q3, Sài Gòn
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    vậy là em và cụ có thêm 1 cái chung nữa :D . hôm nào qua giao lưu len lủng đê. hiện em còn 1 ống tele, 1 ống micro, 1 zoom lens. cụ cần film scanner thì qua em lun nhé
     
  5. regular

    regular Advanced Member

    Joined:
    6/6/07
    Messages:
    7.376
    Likes Received:
    21
    Location:
    Non-Groups
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Nhà cụ có máy Scan àh? em Scan ké ở Cty thấy ẹ wá (noise)! các bác cũng chỉ cách khắc rùi nhưng khg khá hơn. Scan ngoài (Mấy lab ở Q3) em thấy noise ít hơn thôi. ra SG thì không tiện lắm.
    Lens em hiện chỉ có: 35/f2 AI-S; 150/f2.5 AI-S; 50/f1.4 Non AI (cũ). còn lại dùng ké mấy cái lens AF. :lol:
    Bữa nào em vác qua cụ để thọ giáo mấy cái tính năng và cái phần hiển thị bên trong ống ngắm của FM3a nhé!
     
  6. anhkhois

    anhkhois Advanced Member

    Joined:
    15/6/09
    Messages:
    792
    Likes Received:
    18
    Location:
    Saigon
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Em có 1 con SLR Minolta XG-M hình như đời 81,82 gì đó (dòng này là đàn em của XG-7 lừng danh, cùng thời với Canon AE1), tình trạng tốt mỗi tội khi chụp speed dưới 1/30s có tình trạng kẹt màng trập. Vẫn sử dụng tốt và tin cậy ở speed >1/15s, bác nào có kinh nghiệm giúp em khắc phục với? Đây là chiếc máy ảnh thứ 3 và là chiếc SLR đầu tiên của êm. E vẫn chưa có đủ $ để mua D-SLR.
     
  7. liming

    liming Advanced Member

    Joined:
    11/4/08
    Messages:
    1.878
    Likes Received:
    2
    Location:
    Hanoi
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Em có mấy cái ảnh, chụp bằng Praktica MTL5 ống Pentacon chụp từ đợt trước đi châu Âu mà mãi về không rửa. Công nhận cái món phim bây giờ ngại thật. Cái máy này mua 15 euro, kính tệ quá.
     
  8. liming

    liming Advanced Member

    Joined:
    11/4/08
    Messages:
    1.878
    Likes Received:
    2
    Location:
    Hanoi
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Em có cảm giác ống kính Pentacon chất lượng không được đều, cùng 1 đời, có cái rất tốt, có cái chụp rất thường.
     
  9. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Dạo này các cụ hem chụp choẹt gì ạ :D
     
  10. ORA3

    ORA3 Advanced Member

    Joined:
    4/3/09
    Messages:
    3.444
    Likes Received:
    10
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Bác Style chụp chân dung tuyệt vời quá! Bác chụp bằng film và máy gì vậy? Em đang tập chụp baby. Baby chạy lung tung...Khó chụp quá bác ơi! Bác có kinh nghiệm gì chụp baby, xin vui lòng chia sẻ với em... :wink: Viên
     
  11. gianker

    gianker Advanced Member

    Joined:
    8/11/06
    Messages:
    1.725
    Likes Received:
    7
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Thương nhớ Hà Nội

    [​IMG]
     
  12. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Chưa mần vuông vuông ah???
     
  13. gianker

    gianker Advanced Member

    Joined:
    8/11/06
    Messages:
    1.725
    Likes Received:
    7
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Chưa có dịp đi đâu, bác ạ. Giờ em đeo em Zeiss đi loanh quanh là tiện nhất.

    Cafe phố Hai Bà Trưng..

    [​IMG]
     
  14. gianker

    gianker Advanced Member

    Joined:
    8/11/06
    Messages:
    1.725
    Likes Received:
    7
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Úp đúp rồi...

    Mấy cái hoa hoa mờ mờ của cụ Rồ số 2 triệu 8 mấy nhìn phát mê... :D :D Nhìn lại em Opton lại thấy... hic hic.

    Cụ Style cho em hỏi chút, một cuộn film bị đứt mắt, có cách nào để scan ko cụ?
     
  15. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Đứt mắt là sao??? Đứt lỗ ở rìa film á??? Nếu vậy thì vẫn scan bình thường.
     
  16. regular

    regular Advanced Member

    Joined:
    6/6/07
    Messages:
    7.376
    Likes Received:
    21
    Location:
    Non-Groups
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Vâng, chưa có gì mới! E làm tí cơm nguội ạh!
     
  17. regular

    regular Advanced Member

    Joined:
    6/6/07
    Messages:
    7.376
    Likes Received:
    21
    Location:
    Non-Groups
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Tấm này mà xoay cái máy đứng lên để lấy đủ cái cột đèn thì hay nhỉ? :D
     
  18. gianker

    gianker Advanced Member

    Joined:
    8/11/06
    Messages:
    1.725
    Likes Received:
    7
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Đúng rồi cụ ạ. Em tráng ở HB, do đứt lỗ nên scan cả cuộn ko được nên họ ko nhận (chắc do mất thời gian nếu phải scan từng cái..)
     
  19. ORA3

    ORA3 Advanced Member

    Joined:
    4/3/09
    Messages:
    3.444
    Likes Received:
    10
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead



    Hình này bác chụp film gì mà màu đẹp quá vậy! :wink:
     
  20. regular

    regular Advanced Member

    Joined:
    6/6/07
    Messages:
    7.376
    Likes Received:
    21
    Location:
    Non-Groups
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Film Kodak 200 loại phổ thông hiện giờ đó Bác! :lol:
     
  21. gianker

    gianker Advanced Member

    Joined:
    8/11/06
    Messages:
    1.725
    Likes Received:
    7
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Em mần ông cụ 72 tuổi đây, :D

    [​IMG]
     
  22. nguyenstyle

    nguyenstyle Advanced Member

    Joined:
    15/3/06
    Messages:
    4.462
    Likes Received:
    3
    Location:
    Băng Nhà hát
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Thiếu sáng nhìu đấy :)
     
  23. searchervn

    searchervn Advanced Member

    Joined:
    15/9/06
    Messages:
    1.127
    Likes Received:
    1
    Location:
    Sài Gòn
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Trung Thu đến gần, sến phát :)

    [​IMG]
     
  24. liming

    liming Advanced Member

    Joined:
    11/4/08
    Messages:
    1.878
    Likes Received:
    2
    Location:
    Hanoi
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Lâu không chụp phim, em thử 1 cuộn với máy Praktica B200, ống kính 50/18.
    Tráng rửa ở Đức Đông thất vọng quá, phim xước hết, lại bị lấm tấm như mốc.
     

    Attached Files:

  25. pilotOne

    pilotOne Advanced Member

    Joined:
    11/5/08
    Messages:
    309
    Likes Received:
    1
    Re: Hội chụp Phim - Film Not Dead

    Chiến đê các bác, hãy đốt film :lol:
    [​IMG]
     

Share This Page

Loading...