Các bác ở HN mà rành món ăn trong nam quá vậy nhỉ, em không chắc lắm nhưng cũng có một số ý kiến nho nhỏ. Hủ tíu, hũ tiếu.... chỉ là tên gọi chung (tiếng Việt, còn âm gốc gì thì em cũng không rõ) để chỉ loại bánh có sợi nhỏ làm bằng bột gạo ủ. Tuỳ theo cách nấu/chế biến mà ta có tên gọi các loại hủ tíu - Hủ tíu Nam Vang (từ CPC như mấy bác trên đã nói), quán ngon ở SG ngoài Nhân Quán như các bác trên nói còn có Hồng Phát và đặc biệt là Liếng Húa, cực ngon, ăn vào cảm giác nói được tiếng Khơ Me luôn. - Hủ tíu bò kho - món này em không ưa nên không biết chỗ nào bán ngon. - Hủ tíu cá, có mấy quán rất ngon nhưng chỉ bán về đêm, lâu rồi không đi ăn đêm chẳng biết còn hay mất. Hồi trước ngay góc Trần Đình Xu và Cao Bá Nhạ có một quán, tuy hơi bẩn nhưng ăn rất ngon. - Hủ tíu Giò heo, gần chợ Mới PN. .... Thôi, tạm thế thôi, đêm khuya viết về đồ ăn sao nghe trong bụng nao nao.
Các bác cứ bàn đi, trưa nay là e xong món htNV rồi nè... (e chỉ đạo, amp-vđ thực hiện), mời các bác ghé dùng thử nghen. :twisted: ___ Q U Á N C U Ố I T U Ầ N Hủ tíu Nam Vang - Ty Lum Hủ tíu Nam Vang là một món ăn khá phổ biến tại TP.HCM. Như tên gọi của nó, món hủ tíu này đã theo chân những người Việt hồi hương từ Campuchia về Việt Nam vào những năm 70. Và món ăn này đã nhanh chóng được người Sài Gòn đón nhận khi hàng loạt tiệm hủ tíu Nam Vang của A.Phúc, Hồng Phát, Liến Hứa, Kim Tháp… mở cửa. Ông Ty Lum, một người Campuchia sinh trưởng tại Kep, tỉnh Kampot, mẹ là người Việt, bố là người Campuchia cũng hồi hương năm 1970 hiện đang là chủ quán hủ tíu Nam Vang - Ty Lum cho biết: Thật ra món hủ tíu này có nguồn gốc từ những người Tiều sinh sống tại Campuchia. Nhưng khi về đến Việt Nam, họ mang theo món ăn này để ghi nhớ nguồn gốc của nó cũng như giới thiệu cho người Sài Gòn nên từ hủ tíu Nam Vang bắt đầu có mặt trong danh mục những món ăn của thành phố cho đến bây giờ. Tuy cũng là hủ tíu Nam Vang nhưng nguyên bản tại Campuchia chỉ có thịt heo nạc và thịt bằm, rau ăn kèm chỉ có xà lách và giá. Sang đến Việt Nam, sự đa dạng về nguyên liệu đã tăng lên thấy rõ, tùy ý thích có nơi cho thêm phèo, có nơi cho thêm trứng cút… Theo ông Ty Lum, cái tinh túy của hủ tíu này là nước lèo, cũng giống như nước dùng của phở, của bún bò… Để nấu được một nồi nước lèo đúng mức phải cần đến 20kg xương ống heo, vì xương ống có nhiều tủy nên nước sẽ ngọt đậm đà. Xương được chần qua nước sôi, sau đó chuyển sang một nồi khác nấu nhừ và phải hớt bọt liên tục trong suốt thời gian nấu thì mới có nước thật trong và ngọt đậm. Nước lèo của Ty Lum có đặc điểm riêng, vị ngọt của xương heo thật đậm mà vẫn thanh nhờ vị ngọt của chả cá cho vào nước lèo ở giai đoạn khi gần hoàn tất. Nước lèo chỉ là phần cơ bản. Để có một tô hủ tíu hấp dẫn mang ra cho khách, người chế biến phải tuân thủ những động tác thật thuần thục đúng kiểu cách khi nấu hủ tíu Nam Vang. Vợt để trụng bánh được làm trẹt, đường kính cỡ 2 tấc nhưng chiều sâu chỉ cỡ 7cm mà thôi. Nhờ miệng rộng nhưng lại cạn nên động tác hất hủ tíu đã trụng chín vào tô thật gọn, đẹp. Các miếng thịt, tim, gan, tôm… cũng đồng thời được xếp nằm đúng vị trí của mình qua cái hất vợt này. Món ngon không hẳn phải là cao lương mỹ vị mà cốt ở chỗ tươi mới. Chính lượng thịt nạc tươi bằm thật mịn được đánh tơi bởi nước lèo sôi già góp phần tăng mùi vị ngọt đậm đà cho tô hủ tíu. Món ăn này được ăn theo hai cách: khô hoặc nước. Nếu ăn khô, hủ tíu được rưới thêm miếng nước xốt hắc xì dầu cùng mỡ tỏi. Mùi thơm của tỏi phi vàng rộm cùng vị mặn có hậu ngọt thanh của hắc xì dầu càng làm tăng sự hấp dẫn cho món ăn. Một số khách quen thường đến quán Ty Lum khoảng 8,9 giờ sáng hoặc từ 7- 9 giờ tối sẽ có cái thú ăn xí quách với hắc xì dầu. Xí quách lúc này vừa mềm tới độ, chấm miếng sụn giòn giòn vào nước chấm thơm lừng giằm thêm trái ớt hiểm xanh, ăn hết tô xí quách nhiều khi khách vẫn chưa thấy đã. Ngoài ra, hủ tíu cung cấp cho quán được đặt riêng tại một lò chế biến ở Củ Chi cũng do một Việt kiều từ Campuchia về. Cọng hủ tíu phải nhỏ, mịn, dai và không được chua, như vậy khi nhai người ăn mới cảm nhận hết được hương vị riêng của hủ tíu. Một món ăn đã theo chân một cộng đồng đến một vùng đất mới. Nó đã hòa nhập, phát triển bởi sự sáng tạo của những đầu bếp; họ đã dùng những sản vật của địa phương làm tăng sự phong phú nhưng vẫn giữ được sự tinh tế của món ăn. Hủ tíu Nam Vang đã trở thành một món ngon, góp phần đa dạng hóa kho tàng văn hóa ẩm thực của chúng ta. (theo SGTT) ___ Hủ tiếu - món ăn yêu thích ở Nam Bộ Hủ tiếu vốn là món ăn của người Trung Quốc di cư đem vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người Tiều phát âm là "cổ chéo", có nghĩa là những sợi làm bằng bột nhỏ và dài. "Cổ chéo" đã Việt hóa trở thành hủ tiếu, một món ăn mà ngày nay, có người miêu tả là "đậm đà tính dân tộc", kể ra cũng rất đúng. Từ thuở mang gươm đi mở cõi; Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long (thơ Huỳnh Văn Nghệ). Trong cái nhớ ấy, ngoài những nỗi niềm thiêng liêng với đất Tổ, chắc chắn có nỗi nhớ phở - "miếng ăn kỳ diệu của tất cả những người Việt Nam chân chính" (Nguyễn Tuân). Lưu dân Việt Nam vào châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ 16 mà mãi đến cuối thể kỷ 17 (1698) Chúa Nguyễn mới phái Nguyễn Hữu Cảnh vào xây dựng Sài Gòn. Bởi vậy, người Việt Nam vùng đất mới gặp món "cổ chéo" như người đang "buồn ngủ gặp chiếu manh", bèn tiếp thụ ngay cái món ăn tương tự như phở mà không cần thịt bò, chế biến với thịt heo, tôm, cá và bột gạo đang có sẵn. Hủ tiếu Nam Vang, thật ra không phải là sản phẩm của người Khmer mà là của người Tàu ở trên đó chế biến. Món ngon ấy đã từ Nam Vang truyền xuống Sài Gòn khá lâu rồi. Có điều đáng nói là, ngày nay nếu có dịp đi Nam Vang, ăn món hủ tiếu Nam Vang chính nơi gốc gác của nó, bạn sẽ ngạc nhiên thấy rằng nó không được ngon miệng bằng món hủ tiếu Nam Vang di tản xuống Sài Gòn (nước dùng không thơm ngọt bằng, thịt không mềm vừa miệng bằng, sợi hủ tiếu không dẻo thơm bằng...). Người Sài Gòn (cả người Hoa ở Sài Gòn) đã cải tiến món hủ tiếu nói chung và món hủ tiếu Nam Vang theo khẩu vị của mình suốt nhiều chục năm qua, làm cho nó trở thành người anh em họ rất xa với món hủ tiếu đang ở tại Nam Vang. Gần 20 quán hủ tiếu Nam Vang phân bố khắp các quận trong thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng suýt soát nhau, trong đó các cửa hàng ở Võ Văn Tần, Nguyễn Trãi, An Dương Vương, được biết đến lâu hơn. Ðặc điểm của những cửa hàng thu hút khách ăn là có kỹ thuật nấu nước dùng đạt chất lượng cao: nấu bằng xương ống của heo, một ít mực khô, tôm khô, đun lửa cháy liu riu, liên tục vớt bọt để cho một thứ nước trong vắt ngọt lịm (nhiều quán ít khách, nước dùng là nước luộc thịt, cho quá nhiều bột ngọt và đường). Món thịt băm phải thật nhuyễn và chế biến sao cho không dai, không nát, không khô xơ, không quá béo. Trải lên sợi bánh là thịt nạc, gan, tim, huyết, tôm tươi luộc vừa chín có vị ngọt tự nhiên. Bánh hủ tiếu làm bằng thứ bột gạo nàng hương, đốc nhen xay thật nhuyễn, sợi nhỏ sấy khô nhưng chỉ cần trụng nhanh qua nước sôi là đã mềm. Tươm vào một ít mỡ hành phi, cọng sợi hủ tiếu sẽ trong veo, bóng loáng, cái dẻo, cái thơm đã có thể cảm nhận được bằng mắt. Hủ tiếu Nam Vang có mùi vị độc đáo là do nêm vào một vài muỗng tỏi giã nhuyễn ngâm giấm thanh. Tỏi ngâm một vài ngày thì ăn, sớm quá bị cay nồng, muộn quá mất hương vị và mềm nhũn. Tô hủ tiếu múc ra, chìm dưới làn nước trong và sánh là sợi bánh phau phau, những lát thịt, tim, gan màu sẫm, mảnh tôm hồng tươi, hành, rau thơm xanh ngăn ngắt. Cho vào một muỗng tỏi ngâm, vắt vài giọt chanh, rải vài lát ớt, ngắt lá hẹ và giá sống... Một tĩnh vật đầy mầu sắc, nhưng nó đang cựa mình bốc lên một mùi thơm quyến rũ. Nếu lấy tri thức dinh dưỡng hiện đại mà đánh giá thì tô hủ tiếu Nam Vang là một sự tổng hợp các chất khá phong phú. Hủ tiếu Mỹ Tho có lẽ là món còn giữ được gần với món hủ tiếu khi mới ra đời. Tại Mỹ Tho, người ta dùng gạo Gò Cát thơm dẻo nổi tiếng để làm sợi bánh. Nước dùng nấu bằng xương ống, mực khô nướng thơm, khi ăn có trụng mốt ít cải xanh xắt nhỏ. Một số nơi thêm miếng sườn heo, hoặc vài quả trứng cút vào tô hủ tiếu. Hủ tiếu Mỹ Tho chiếm lĩnh và trụ vững ở các quán ăn ở thị trấn các vùng quê. Tuy nhiên, mỗi địa phương người ta có sự gia giảm các loại nguyên liệu cho hợp với khẩu vị. Ở Vĩnh Long cách nêm gia vị lạ lùng là khi tô hủ tiếu múc ra người ta nêm vào muỗng đường cát. Hủ tiếu là món ăn cùng tuổi với vùng đất Nam Bộ. Nó chưa vươn ra khỏi địa bàn đã sinh ra nhưng đã giành được khẩu vị của người dân của một thành phố đông dân và sầm uất vào bậc nhất, góp phần làm phong phú thêm bản thực đơn Việt Nam vốn đã rất phong phú. (CINET) Đồng Vọng hủ tiếu Nam vang Hiện Sài Gòn còn bốn tiệm hủ tiếu Nam Vang “gốc”, lâu đời và bề thế: Liến Húa, Ty Lum, Kim Tháp, quán Hồng Phát, thu hút dân sành ăn khắp nơi. Bà mẹ ẩm thực Sài Gòn tuy không có công sinh thành ra nhiều món ăn ngon, nhưng có công nuôi dưỡng, thêm thắt, trang điểm cho chúng thành món thời trang. Đơn cử như hủ tiếu Nam Vang. Những kiểu... ghiền Những cọng hủ tiếu mảnh mai bay lên, nhào lộn mấy vòng trước khi kịp sà vào tô - động tác hất vợt điệu nghệ ấy giờ đây còn mấy anh bếp nấu hủ tiếu Nam Vang làm được? “Tốn đôi ba chục ngàn đồng mà mình vừa thưởng múa, xiếc và chén được món ngon thì cũng xứng đáng”. Với ông Trần Lĩnh, chủ tiệm vàng ở Tân Bình thì chính động tác hất vợt trụng điệu nghệ của anh bếp nấu hủ tiếu Nam Vang mới thật “ấn tượng” - khiến những cọng hủ tiếu mảnh mai bay lên, nhào lộn mấy vòng trước khi kịp sà vào tô. Nhưng hễ ông Lĩnh ghé quán hủ tiếu nào mà không thấy bày hũ đường trên bàn ăn, là ông đứng dậy ra về. Mặc dù vòng số hai ông Lĩnh đang nở. Anh Phạm Văn Thương, chạy xe ôm, ở quận 3, thuộc làu giờ bán xí quách của các quán hủ tiếu Nam Vang lớn ở Sài Gòn (Kim Tháp và Ty Lum từ tám đến mười giờ sáng, Hồng Phát thì từ ba đến sáu giờ chiều) bởi anh thường ghé các quán này mua xí quách về đưa cay cùng đồng nghiệp. Trong đó, anh khoái nhất xí quách quán Ty Lum, vì nó mềm mà không bở. Có điều, anh thay chén nước xốt hắc xì dầu bằng muối ớt chanh: “Một miếng sụn giòn giòn beo béo, áo chút vị mặn, chua, cay - tôi xoay tua ba vòng còn nghe đã”, anh Thương thuật lại. Vũ điệu tan - hợp... Dân sành ăn Sài Gòn cho rằng, trước năm 1970, ở Phnom Penh, Campuchia, nhiều quán hủ tiếu Nam Vang ngon nức tiếng thường do người Tiều làm chủ. Tô hủ tiếu ở đây chỉ có thịt heo nạt xắt miếng và bằm, đĩa rau ăn kèm gồm xà lách, giá. Hơn ba mươi lăm năm trước, món này theo làn sóng người Tiều gốc Việt hồi hương, phiêu bạt về Sài Gòn. Lạ thay, vóc dáng và mặt mũi nó trông có duyên hơn, nhờ có thêm nhiều chất đạm phụ như tôm sú, tim, gan, phèo non, trứng cút... Và đĩa rau ăn kèm món này cũng đa sắc hơn nhờ có thêm rau cần, tần ô, hẹ. Nhưng dù gì, những thợ nấu món này vẫn giữ cái hồn của hủ tiếu Nam Vang: chất tạo vị ngọt đậm và thanh cho nước lèo phải là nước hầm xương ống heo - màu trong, hơi ánh vàng. Hay nước xốt chấm xí quách phải là hắc xì dầu xào với mỡ, nước dừa tươi tới độ hơi sánh nhưng không để khét, sau cùng họ cho tỏi nguyên vỏ chấy mỡ vàng ươm vào - thơm phức. Còn cọng hủ tiếu thì mỏng và dẹp cỡ cọng bún gạo khô - ăn nghe dai, mịn mà không đổ nhựa. Hiện Sài Gòn còn bốn tiệm hủ tiếu Nam Vang “gốc”, lâu đời và bề thế. Mỗi quán đều có một kiểu bài trí món đạm phụ riêng: Liến Húa ở quận 3 có thêm hai con tôm sú to bằng ngón tay cái, Ty Lum ở quận 5 thì có hai miếng chả cá thác lác mỏng, rộng gần ba ngón tay/miếng, Kim Tháp ở quận 10 lại bày thêm hai trứng cút, quán Hồng Phát ở quận 3 thì có thêm miếng huyết trong tô hủ tiếu. Và nghe đâu lò cung cấp chung hủ tiếu cho những quán vừa kể có một quy định riêng: chỉ bỏ mối cho những quán đủ đẳng cấp nấu ngon món hủ tiếu “nhập cảnh” vừa nói. Chủ lò này cũng là người từ Campuchia về, sau năm 1970. Nhân quán cũng có nhiều chi nhánh cũng là nơi lui tới của nhiều người ghiền hủ tiếu. Còn những quán hủ tiếu Nam Vang “lai” ở Sài Gòn thì không thống kê nổi. Chẳng hạn như khu cư xá Phú Lâm B, phường 13, quận 6 hai năm trước chỉ có một quán bán món này, nay có thêm ba quán mới. Hay như đoạn giao lộ Vĩnh Viễn - Nguyễn Tri Phương, quận 10, có cả ba quán hủ tiếu Nam Vang, trong khi hai năm trước ở đây chỉ có một quán bán món này... Như vậy, chứng tỏ món ăn của mấy ông “cắt chú” gốc Việt, vẫn nằm trong top những món dễ khiến người ta “chịu không nổi”, ở TP.HCM. Thập niên 40-50, Sài Gòn có rất nhiều hiệu bán hủ tiếu, thịnh hành nhất là nhũng quán điểm tâm của người Hoa, kèm theo hủ tiếu là những khay bánh bao xíu mại. Theo nhịp độ phát triển, "hủ tiếu Tàu” nói chung đã dần hồi co cụm, và thay thế là những thương hiệu hủ tiếu, nhà hàng sang trọng nổi tiếng như Thanh Xuân chuyên bán món hủ tiếu Mỹ Tho, Hồng Phát hay Kim Tháp chuyên bán hủ tiếu Nam Vang của Kampuchia... Nếu tính cho hết thì cả nội ngoại thành phố có không dưới 50 hiệu đề bảng “hủ tiếu Nam Vang” để chiêu khách. Theo anh Ty Lum, một cựu đầu bếp của Hoàng Gia Kampuchia, thì món hủ tiếu nguyên thủy thuần chất của Nam Vang là nước súp trong, ngọt chất xương hầm, không bột ngọt, ngoài bánh phở mềm, chỉ có thịt heo bằm và xào theo một công thức gia vị bí quyết riêng, trong tô hủ tiếu không còn thêm một nguyên liệu nào khác. Nhưng khi vào Việt Nam, nó đã bị chuyển đổi rất nhiều, mà chung quy là để ngon hơn, thích hợp với khẩu vị của cư dân khu vực, nên không ai thắc mắc gì. Anh Ty Lum cho biết, món hủ tiếu có mặt ở Kampuchia vào khoảng năm 1920 tại Bết-Chan, tại một thị trấn nhỏ cách thủ đô Nam Vang 19 km do một gia đình dân tộc Tiều từ Trung Hoa di dân sang sáng chế. Sau đó chuyển về WEN -Thành Vua. Sau đó, một "liên doanh" Pháp-Hoa ra đời, mở thêm quán mới đặt tên La Pagode tại thủ đô Nam Vang. Nhờ vị ngon đặc sắc, hủ tiếu đi vào Hoàng Cung và trở thành món điểm tâm cho Hoàng tộc do đầu bếp Ty Lum đảm trách. Là con trai một gia đình Việt kiều ở Nam Vang, học hết trung cấp thì anh Ty Lum theo học trường chuyên về đầu bếp nhà hàng và may mắn được một ông thầy người Hoa chỉ cho "bài hủ tiếu". Sau 2 năm đứng nấu bếp cho nhà hàng La Pagode ở Nam Vang thì Ty Lum được thu dụng vào Hoàng Cung trở thành đầu bếp Hoàng gia. Thế rồi biến cố diệt chủng xẩy ra, Việt kiều cũng bị truy sát. Con đường trở về quê mẹ Việt Nam là an toàn nhất mà Ty Lum chọn lựa. Quán hủ tiếu của anh Ty Lum luôn đông khách Khi mới hồi hương, Ty Lum mưu sinh bằng nghề buôn hàng điện máy, sau ra Nha Trang mở lò sấy mực khô cung cấp cho các nhà hàng ăn. Do đi giao hàng mực sấy, qua nhiều quán hàng ăn nếm thử, anh chợt nhận ra rằng, anh không thể bỏ nghề đầu bếp - cần phải mở một quán Hủ tiếu Nam Vang ở thành phố Hồ Chí Minh có cải biến và dung hợp chất liệu nguyên thủy của tô hủ tiếu Nam Vang do chính đầu bếp Ty Lum phụ trách. Khi ra mở quán ở ngả tư Nguyễn Trãi - Huỳnh Mẫn Đạt Q.5, Ty Lum (nay mang tên họ Việt là Trần Sơn) đã thu hút được lượng khách rất đông, nhờ giữ được "gốc" và tăng thêm chất lượng với tôm tươi, chả cá... Do quán hủ tiếu Ty Lum dần nổi tiếng, tiêu biểu cho hủ tiếu Nam Vang chính thống, nên bạn bè đã đặt cho anh một cái tên khá dài : “TY LUM, người về mang theo tô hủ tiếu Nam Vang”. Và với thành đạt này, Ty Lum đang chuẩn bị mở thêm điểm hủ tiếu Nam Vang mới tại số 93, Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5, sẽ khai trương vào dịp lễ hội mừng Quốc khánh 2.9 sắp tới. L.V.S http://www.vnnavi.com/hcmc/hutiunamvang.html
Trong món hủ tiếu của HN khi trước em nhớ nhất là vị thịt xá xíu và vị nước xốt (hoặc nước dùng) của người Hoa làm. Cũng bánh phở khô (hoặc bánh đa khô) ngâm nước cho mềm, khi có khách ăn mới chao qua nước gần sôi cho chín tái. Thêm một chút rau thơm,giá đỗ, hành phi, thịt xá xíu, nước xốt hoặc nước dùng (hải sản gồm : Sá sùng, tôm khô...thêm đuôi bò, xương ức bò, lợn...)là thành một bát hủ tiếu ngon lành. Người Hoa thường hay giấu bí quyết nghề nghiệp, trông qua thì thấy rất đơn giản nhưng để làm ra được nồi nước xốt hoặc nước dùng như của họ là không hề đơn giản. Em chưa bàn đến vị mà chỉ xin nói về mùi thôi, hầu hết các món hủ tiếu (tíu) em đã ăn thời gian gần đây ko hề có mùi giống như của người Hoa chế biến cách đây 30 năm. Có thể hồi ấy do mới ra khỏi chiến tranh còn nhiều thiếu thốn, có thể hồi đó em còn niên thiếu nên cái sự cảm nhận còn nguyên sơ nhưng em dám khẳng định cái mùi hủ tiếu HN hồi đó đến bây giờ sau bao nhiêu năm đi tìm mà chưa gặp lại. Nếu bác nào sinh sống ở HN những năm trước 79 chắc có thể còn nhớ những quán mỳ vằn thắn, sủi cảo kiêm hủ tiếu ở phố Đường Thành, Lương Văn Can, Đinh Liệt, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiền (sau đổi lại là Tạ Hiện)...Với một công thức chung là khi có khách vào quán gọi món thì ông (bà) chủ vẫn ngồi ở quầy thu tiền gọi ra sau bằng cái giọng lơ lớ (cố tình vì khi nói chuyện họ phát âm còn chuẩn hơn người Việt): - Hai Vèn thén ầy... - Một tiếu khô à... - Một sủi đơi...
Bác chơi ác quá! Hix, hix, :| Đọc xong bài của bác, coi các bài của bác atlantic, bác thichduthich, e tu hơn 1 chai nước to đùng rồi :evil:
Mình ăn hủ tiếu khá nhiều, đủ thứ vị, nhưng nhận xet thế này: ngọt quá. Có 1 lần mìngh nhớ mãi, đó là một lần đi Cần Thơ, khuya lắm rồi, mà lại đói bụng, thấy 1 gánh hàng nho nhỏ bán hủ tiếu thôi, gọi 1 tô hủ tiếu xương, làm như sau: Hủ tiếu trụn cho mềm, xong rồi múc ra tô (bát), xịt 1 ít nước tương (xì dầu), xắt tí ớt vào. Xương mềm múc ra 1 tô khác, có nước lèo. Vậy mà sợi hủ tiếu mới thơm làm sao, dai dai, dẻo chứ không như hủ tiếu trên thành phố HCM, nước xương ngọt vị riêng của xương, không phải bột ngọt. đến giờ vẫn nhớ mãi. Nếu mà làm tại nhà, chỉ cần nấu nồi nước xương trong veo, rồi hủ tiếu trụn mềm, dùng với nướng tương, ớt xắt là đủ. Hehe, mình đi ăn hủ tiếu đây !
Tìm chẳng có đâu bác ạ. Trước đây e có 1 thời gian ra Hanoi làm 6 tháng. Lúc mới ra tung tẩy đi ăn đủ thứ hết miến lươn, cháo lòng lại đến phở, bún trả.... vv. Sau chừng nửa tháng e bắt đầu ngán và nhớ món Nam đặc biệt la các món Hoa như Hủ tiếu, Cơm gà, Cà tím tay cầm, Bột chiên.... Em đi lung tung ra cấm chỉ, Bùi thị Xuân... Chỗ nào có bảng hiệu đề Bún bó Nam bộ hay Cơm tấm Nam bộ gì gì đó e đều mò vào ăn thử. Hới ôi huơng vị Nam ko ra Nam , Bắc ko ra Bắc, chẳng biết tả nó như thế nào các bác ạ. Ở Hanoi có rất nhiều món đặc sản ngon nhưng những món mà Nam bộ họ làm thì chẳng giống ai cả. Bác mà complain có khi còn bị họ nói là "Đếch biết gi". :mrgreen:
Hủ tiếu đúng là do người Hoa đem qua. Nhưng bảo là do người Hoa từ Campuchia từ bài viết trên thì sai hoàn toàn. Người Hoa này ta gọi là Minh Hương (quan lính và dân chúng người thời nhà Minh chạy giặc Thanh, đa số là dân Triều Châu, Phúc Kiến) họ chạy tản mát khắp nơi qua Thái, Mã Lai, Việt, Lào, Cam bốt đem theo nhiều món ăn đặc sắc. Bên Thái gọi món hủ tiếu này là Cú Tiểu. Bà xã tôi nói tiếng Thái khá giỏi nên mỗi năm khi đi Thái (lúc đó VN chưa mở cửa cho kiều bào về thăm) hay gọi hủ tiếu ăn. Hủ tiếu Thái khá giống hủ tiếu mình nhưng ko ngon bằng. HT Nam Vang ở Sài Gòn, Hủ tiếu Mỹ Tho, và ngay chợ Sa Đéc có hủ tiếu ngon không tả được. Tôi đã đi tận các nơi này (trừ Nam Vang) đề thử các món hủ tiếu chỉ thích nhất là HT Sa Đéc rồi mới đến Mỹ Tho, Nam Vang không ngon lắm có lẻ vì mình chưa ăn chính gốc!
Hà Nội đang lạnh lắm, trời này mà được hít hà cái vị thơm của hủ tíu thì khoái biết mấy, thèm quá trời!