Subrosa Subrosa Subrosa là một trong những band nhạc kỳ lạ và rất đáng chú ý trong lịch sử của Heavy Metal trong những năm gần đây. Band thành lập năm 2005 tại bang Utah, Mỹ và là một trong những band nhạc hiếm hoi của thể loại extreme Metal mà hầu hết các thành viên là nữ và có vai trò quyết định tới sự phát triển của band nhạc. Âm nhạc của nhóm khá phức tạp và là sự kết hợp của Stoner Rock với Doom và Sludge Metal. Ngoài ra nhóm còn tích hợp cả những yếu tố của Folk với việc sử dụng violin và những ảnh hưởng của trào lưu đang lên là Post Metal vào trong âm nhạc của mình nữa. Do band nhạc toàn nữ nên giọng ca của band cũng khác so với những band nhạc khác và có nhiều phần nghe khá giống với giọng của P.J Harvey, một nữ ca sỹ và nhà soạn nhạc Alternative rất có tài và nổi tiếng của Anh Quốc. Cho tới thời điểm hiện tại, nhóm đã tung ra được 3 albums, lần lượt là Strega -08, No Help For The Mighty Ones -11 và More Constant Than The Gods -13. Trong đó 2 albums cuối cùng nhận được rất nhiều lời khen ngợi của cả giới chuyên môn lẫn fan hâm mộ. Đặc biệt hơn là nhóm càng ngày càng đánh lên tay, album sau hay hơn album trước. Với đà phát triển như hiện tại, rất có thể trong một tương lại không xa, Subrosa sẽ trở thành những ngôi sao mới trên bầu trời Heavy Metal thế giới. Bài viết về Subrosa cũng là bài viết cuối cùng về Stoner Metal, dòng nhạc rất được yêu mến trong những năm gần đây. Strega Borrowed Time, Borrowed Eyes The Usher No Safe Harbor
Esoteric Funeral Doom Như chúng ta đã biết về dòng nhạc Doom Metal, tuy là dòng nhạc Extreme nhưng tiết tấu của Doom khá chậm rãi. DoomDeath thì mang những ảnh hưởng của Death Metal (giọng hát, cách sử dụng trống double bass) kết hợp với Doom Metal. Funeral Doom Metal là sự phát triển kế tiếp của nhánh nhạc Doom Death mà chúng ta đã nói ở trên. Tuy bắt nguồn từ Doom Death nhưng Funeral Doom hẳn phải có những điểm đặc biệt để có thể tách ra thành một nhánh nhạc riêng. Điểm đặc biệt thứ nhất trong âm nhạc của Funeral Doom là tiết tấu cực chậm. Tiết tấu của Doom đã chậm rồi nhưng so với Funeral Doom thì vẫn là nhanh (tiết tấu của Funeral Doom có lẽ không thể chậm hơn được nữa). Tiết tấu quá chậm làm cho các bài hát kéo dài và rất nặng nề, buồn thảm. Các nhóm chơi theo trào lưu này, còn sử dụng tiếng organ của nhà thờ vào trong âm nhạc của mình làm cho tiếng nhạc của họ càng mang tính trang nghiêm, kỳ bí và đôi khi có cảm giác hoành tráng quá mức. Nhiều band còn tích hợp thêm cả tiếng ambient vào để âm nhạc thêm phần thê lương, thiểu não.Giọng hát của họ thì vẫn mang nhiều âm hưởng kiểu Death. Các bài hát thường kéo rất dài. Chính vì những lý do này mà âm nhạc của họ có tên gọi là Funeral (nhạc dùng cho đám ma) chăng? Dòng nhạc này bắt đầu khoảng năm 94 với một số đại diện của Anh, Phần Lan và Mỹ. Chúng ta sẽ điểm qua một số nhân vật chủ yếu của dòng nhạc này. Esoteric Esoteric là một trong những nhóm nhạc đầu tiên chơi theo phong cách Funeral Doom trên thế giới. Nhóm thành lập năm 1992 tại Anh Quốc. Năm 94, nhóm tung ra album đầu tay là Epistomological Despondency là một album kép và chỉ có 6 bài hát kéo dài trong gần 90 phút. Trong album này các bài hát rất dài (dài nhất là 26 phút). Phong cách Funeral Doom đã xuất hiện trong album này với tiết tấu rất chậm, giọng ca thì vừa ảnh hưởng của Death lẫn Black và sử dụng rất nhiều syntherizer để tạo hiệu ứng dark ambient. Phong cách chơi theo Funeral Doom này tiếp tục trong một loạt những album của Esoteric là The Pernicious Enigma -97, Metamorphogenesis -99, Subconscious Dissolution Into The Continuum -04, The Manical Vale -08, Paragon Of Dissonance. Tất cả những album này đều khá hay và được rất nhiều fan hâm mộ yêu mến. Esoteric là một trong những band đẩy âm nhạc Doom Death tới những giới hạn cuối cùng của nó: tuyệt vọng, chết chóc. Tất nhiên, chất âm nhạc của họ không dành cho số đông và kén chọn người nghe (không dễ dàng để nghe những bản nhạc nặng nề kéo dài tới 20 phút) nhưng vẫn là một trong những band rất đáng chú trong dòng nhạc Doom Metal. Dominion of Slaves Dissident Circle
Skepticism Skepticism Skepticism là một trong những band nhạc Funeral Doom đầu tiên trên thế giới nói chung và tại Phần Lan nói riêng. Nhóm thành lập từ năm 1991 và đến năm 95 thì tung ra album đầu tay là Stormcrowfleet. Âm nhạc của Skepticism mang nhiều điểm đặc trưng cho Funeral Doom Metal hơn so với Esoteric khi họ sử dụng rất nhiều organ kiểu nhà thờ. Vì thế các bài hát cũng có nhiều âm hưởng bi hùng và mang nhiều tính nghi lễ hơn. Tiết tấu các bài hát của họ dĩ nhiên là rất chậm, tiếng trống hết sức đơn giản, giọng hát thì mang cả âm hưởng của Death lẫn Black với những ảnh hưởng của nhạc thánh ca nhà thờ. Các bài hát dĩ nhiên là rất dài (tuy không dài bằng Esoteric – chỉ khoảng 8-10 phút). Ngoài album đầu tay, họ cũng chỉ tung ra được 3 albums nữa là : Lead And Aether -98, Farmakon -03, Alloy -08. Các album này khá hay và được yêu mến đặc biệt là những fan của thứ âm nhạc buồn, chết chóc và cả extreme Metal. Sign of the Storm The March and The Stream Nothing
Evoken Evoken Evoken là một trong những band nhạc kiểu Doom Death sớm nhất tại Mỹ (cùng với Novembers Doom) và đến tận bây giờ vẫn còn hoạt động. Âm nhạc của nhóm này chịu nhiều ảnh hưởng của những nhóm như Thergothon hay Skepticism. Tuy nhiên, so với những nhóm Funeral Doom kinh điển kiểu Skepticism thì âm nhạc của Evoken gần với Doom Death hơn vì họ gần như không sử dụng organ kiểu nhà thờ (tuy vẫn sử dụng nhiều keyboards). Nhóm cũng chỉ tung ra được 5 album là Embrace The Emptiness -98, Quietus -2001, Antithesis Of Light -05, A Caress Of The Void -07, Atra Mors -12. Các album này đều được đánh giá khá tốt (tuy không phải là những album thuộc dạng đột phá hay kinh điển) và được rất nhiều fan hâm mộ Doom Metal yêu mến. Into the Autumn Shade Quietus Antithesis Of Light Descent Into Chaotic Dream
Shape Of Despair Shape Of Despair Shape of Despair là một trong những tài năng lớn khác của dòng nhạc Funeral Doom Metal. Nhóm thành lập tại Phần Lan vào năm 1995 và ban đầu lấy tên là Raven. Vào khoảng năm 98 thì nhóm đổi tên thành Shape Of Despair và giữ tên đó cho đến nay. Âm nhạc của nhóm rất phức tạp và là sự kết hợp của Doom/Death, Funeral Doom, ambient (nhưng không phải dark ambient mà thiên sáng – light ambient) và Gothic Metal. Tuy là tập hợp của khá nhiều các thể loại nhạc nhưng âm nhạc của band không quá nặng nề, buồn thảm mà thường có giai điệu du dương, dễ nghe, lúc trầm lúc bổng khá nhịp nhàng. Chính vì những lý do này, rất nhiều fan và giới chuyên môn đã có những tranh cãi kịch liệt xem Shape Of Despair liệu có phải là một band Funeral Doom thực thụ không. Cuộc tranh cãi này thì vẫn chưa kết thúc mặc dù band nhạc đã từ lâu không còn ra album nữa. Tuy chỉ có 3 albums chính thức là Shades Of … -2000, Angelss Of Distress -2001 và Illusion’s Play -2004 những album của họ đều hết sức được yêu mến trong giới nhạc underground và còn được coi là những album kinh điển của dòng nhạc Funeral Doom. Tất nhiên khó có thể nói âm nhạc của Shades Of Despair để dành cho tất cả mọi người nhưng phải thừa nhận âm nhạc của họ đặc biệt và rất đáng để tìm hiểu. Shapes Of Despair cũng là band nhạc cuối cùng trong dòng nhạc Funeral Doom Metal. Chúng ta chuẩn bị chuyển sang nhánh nhạc cuối cùng của Doom là Drone Metal. ...in the Mist Sleep Mirrored Night's Dew
Earth Drone Metal Drone Metal là một trong những dòng nhạc mới xuất hiện và đang có xu hướng phát triển rất mạnh mẽ trong những năm gần đây. Âm nhạc của Drone Metal dựa trên những đoạn riff rất nặng và tiết tấu chậm của Doom Metal. Các bài hát kiểu Drone Metal thường đơn giản hết mức có thể (minimalism), lặp đi lặp lại và rất ồn (kiểu noise rock). Ngoài ra, các nhóm Drone Metal còn sự dụng hiệu ứng reverb hay audio feedback (phản hồi ngược) để tạo ra một thứ âm thanh méo mó nghe như tiếng vo ve của ruồi, muỗi khi bay. Rất nhiều band Drone chỉ chơi theo phong cách hòa tấu (ít khi có lời hát) hoặc sử dụng giọng hát hết sức trầm đục (nghe không ra tiếng) nên âm nhạc của họ càng khó nghe hơn nữa. Như đã miêu tả ở trên, tính chất âm nhạc cũng như phong cách chơi nhạc của Drone mang nhiều tính thử nghiệm (experimental) vì thế có nhiều điểm tương đồng với Avant Garde Metal. Các bài hát Drone thường kéo rất dài và phát triển một cách khá chậm rãi trước khi lên đến cao trào (cũng sử dụng nhiều syntherizer) nên về cấu trúc bài hát nó còn chịu ảnh hưởng của cả Post Rock/Metal nữa. Vì thế có thể coi Drone Metal là sự là một dòng nhạc nằm giữa Doom, Avant Garde và Post Metal. Hiển nhiên âm nhạc của Drone Metal rất khó nghe và cũng rất kén khán giả. Tuy vậy, trong những năm gần đây thì rất nhiều nhóm nhạc Drone đang mọc lên như nấm sau mưa và dần dần tạo được sự chú ý từ người hâm mộ Metal thế giới (đặc biệt là những người phóng khoáng và dễ chấp nhận những thứ mới mẻ, lạ thường). Cũng chính vì những lý do này mà ta có thể dự đoán trong tương lai không xa, Drone Metal có lẽ sẽ trở thành một nhánh nhạc hoàn toàn riêng biệt trên bầu trời âm nhạc thế giới. Earth Earth là band nhạc đầu tiên khởi xướng và chơi theo phong cách Drone Metal. Nhóm thành lập từ năm 1989 tại Washington, Mỹ nhưng hiện tại đã chuyển sang Seattle. Thành viên trụ cột và là người có vai trò quyết định với band nhạc là tay guitar kiêm hát chính Dylan Carlson (Earth là band nhạc chủ yếu chơi hòa tấu không lời nên anh này cũng ít thể hiện giọng ca của mình). Hiển nhiên, Black Sabbath là tên tuổi có ảnh hưởng lớn nhất tới âm nhạc của Carlson (Earth cũng chính là tên cũ của Black Sabbath trong thời kỳ mới thành lập). Âm nhạc của Earth chia thành 2 giai đoạn rõ rệt: giai đoạn đầu kéo dài từ năm 89 tới 97 nhóm chơi theo đúng phong cách Drone điển hình với tiếng guitar bị làm méo, những tiếng vo ve, tiết tấu chậm, trầm, ồn, bài hát đơn giản và lặp lại; giai đoạn thứ 2 kéo dài từ năm 2003 tới hiện tại: âm nhạc của nhóm mang nhiều tính thử nghiệm dễ nghe hơn, có tích hợp những ảnh hưởng của jazz rock, folk, country vào Avant Garde Metal, Drone Metal (giai đoạn sau mang nhiều tính Avant Garde hơn là Drone). Ngoài những vấn đề nằm trong phạm trù âm nhạc, Carlson còn được biết đến với tư cách là người bạn thân nhất của tay guitar, giọng ca chính huyền thoại Kurt Cobain của nhóm Nirvana. Carlson cũng chính là người đưa cho Cobain khẩu súng mà sau này Cobain dùng nó để bắn vào đầu mình chấm dứt cuộc đời vào năm 94. Cũng chính vì khẩu súng này, Carlson cũng phải chịu rất nhiều những rắc rối về mặt pháp lý. Những rắc rối về mặt pháp lý sau vụ Cobain và những vấn đề cá nhân (Carlson nghiện ma túy rất nặng) đã dẫn tới sự gián đoạn khá dài trong sự nghiệp của Earth (trong 9 năm kể từ 96 tới 2005 nhóm không tung ra được một album nào và khiến sự nghiệp của nhóm tự chia thành 2 phần tách biệt). Trong cả 2 phần sự nghiệp, Earth đều tung ra được các album rất hay lần lượt là Earth 2 -1993, Phase 3-1995, Pentastar -96 và Hex -2005, The Bees Mad Honey In the Lion’s Skull -08, Angel Of Darkness, Demons Of Light I và II năm 2011, 2012 và nhóm dự định ra tiếp album thứ 8 là Primitive And Deadly vào mùa thu năm 2014. Trong những album này thì Earth 2 xứng đáng được liệt vào hàng album kinh điển của Metal thế giới nói chung và Drone Metal nói riêng. Trong phần thứ 2 của sự nghiệp thì album The Bees Mad Honey In The Lion’s Skull xứng đáng xếp vào hàng kinh điển. Hiện tại, Earth dần trở nên quen thuộc và nổi tiếng trên thế giới. Tại Mỹ, các album của họ dần được biết đến và xuất hiện trên những bảng xếp hạng không chính thức. Tại châu Âu, âm nhạc của nhóm cũng rất được yêu mến. Nhưng nơi mà họ thành công nhất có lẽ là tại Nhật Bản, tại đây Earth là một cái tên khá phổ biến và được biết đến rộng rãi. Special Low Frequency version The Bees Made Honey in the Lion's Skull The Driver
SunnO))) SunnO))) Nếu như Earth là người đặt nền móng cho sự hình thành của Drone Metal thì Sunn O))) (trùng biểu tượng với hãng ampli Sunn, lại là band nhạc sáng tạo và được biết đến rộng rãi nhất của dòng nhạc này. Sunn O))) thành lập từ năm 98 tại Seattle, Mỹ. Ấn tượng trước phong cách chơi nhạc của Earth nên nhóm quyết định chơi theo phong cách Drone. Âm nhạc của nhóm rất chậm, mạnh và sử dụng rất nhiều hiệu ứng feedback cũng như các hiệu ứng âm thanh khác để tạo nên một thứ âm nhạc dầy đặc mang nhiều phong cách Doom. Khác với Earth, âm nhạc của Sunn O))) gần như không sử dụng trống và cũng gần như không có lời. Tính cho đến thời điểm hiện tại, Sunn O))) đã tung ra được 6 albums tất cả gồm OO Void -2000, Flight Of the Behemoth -2002, White 1 -2003, White 2 -2004, Black One -2005, Monoliths & Dimensions -2009. Âm nhạc của nhóm cũng thay đổi rất lớn và có vẻ là càng ngày càng dễ nghe và mang nhiều tính hàn lâm hơn. Nếu như 2 albums đầu tiên nhóm chủ yếu sử dụng guitar và bass thì đến những album sau nhóm bắt đầu sử dụng rất nhiều syntherizer (để mang lại hiệu ứng ambient), electronics và có mời thêm cả một số khách mời. Đặc biệt trong 2 albums cuối là Black One và Monolith, là cả một danh sách rất dài các khách mời như một dàn nhạc giao hưởng. Âm nhạc trong 2 albums này vì thế mang rất nhiều tính hàn lâm, giao hưởng và được giới chuyên môn trên thế giới đánh giá rất cao. Ngoài những album của riêng bản thân band nhạc, Sunn O))) còn liên kết với một số band nhạc quái kiệt khác để tung ra những album cũng rất hay như Altar -2006(với Boris) hay Terrestrials -2014 (với Ulver). Chúng ta biết rằng để chơi được rock luôn cần một tay trống và trống mới là nhạc cụ chủ đạo của rock và có không ít band rock vẫn thành công mà không cần guitar (nhóm ELP, Van Der Graff Generator), bass hay vocals nhưng chưa có nhóm nào thành công mà không sử dụng tay trống. Việc chơi Extreme Metal mà không sử dụng trống thì có lẽ còn khó hơn rất nhiều nhưng đó là điều mà Sunn O))) đã và đang thực hiện rất tốt. Dù âm nhạc rất khó nghe và cũng chưa được phổ biến nhiều trên thế giới (chỉ duy nhất Nhật Bản là ngoại lệ – nơi nhóm đã trở thành mainstream) nhưng Sunn O))) vẫn là một trong những tài năng lớn nhất của làng nhạc Metal thế giới hiện đại. Các album và phong cách chơi nhạc của nhóm góp phần rất lớn (nếu không nói là quyết định) giúp Drone Metal dần vươn tới vị trí một dòng nhạc chính thức của Metal với rất nhiều band theo đuổi và học hỏi. Một quái kiệt của Metal thế giới. Death Becomes You Ween It Took The Night To Believe Alice Big Church
Boris Boris Boris cũng là một trong những band nhạc Metal quái dị nhất đến từ Nhật Bản. Nhóm thành lập từ năm 1992 tại Tokyo. Trong một sự nghiệp rất dài và cũng khá hoành tráng của mình nhóm thay đổi rất nhiều phong cách. Ban đầu nhóm chơi theo kiểu Stoner/ Sludge Metal kết hợp với một số ảnh hưởng của Hardcore và Black Metal cổ. Điều này cũng dễ hiểu vì Sleep và đặc biệt là Melvins – nhóm tiên phong chơi Sludge Metal – chính là những thần tượng của band nhạc Boris (Boris là tên bài hát đầu tiên trong album thứ 3 của nhóm Melvins – album Bullhead). Ngoài việc nhiều ảnh hưởng của Stoner, Sludge nhưng nhóm còn chịu nhiều ảnh hưởng của các thể loại nhạc khác như Avant Garde, Psychedelic hay Hard Rock và cả Drone Metal nữa. Trong giai đoạn đầu tiên chơi theo phong cách Stoner/Sludge, nhóm tung ra được 5 albums lần lượt là Absolutego -96, Amplifier Worship -98, Flood -2000, Heavy Rocks -2002, Akuma No Uta -2003. Đến khoảng năm 2003 thì phong cách chơi Drone Metal mới trở nên vô cùng rõ nét trong các album của Boris bằng album Boris At Last: Feedbacker. Sau khi tung ra khoảng 5 albums chơi theo phong cách Drone là The Thing Which Solomon Over Looked 1, 2, 3 và Dronevil và khá thành công thì âm nhạc của nhóm tiếp tục thay đổi rất khó lường và không thể đoán trước được. Các album của nhóm đôi lúc chỉ mang tính Hard Rock chứ không còn tính Metal. Tuy nhiên, có thể ngay sau một album Hard Rock thì lại là một album với phong cách Sludge rồi Stoner Rock, rồi lại trở về với Hard Rock. Tuy nhiên, những đóng góp của Boris với Drone Metal thế giới là không thể phủ nhận, họ cũng góp phần rất lớn khiến dòng nhạc này trở nên hết sức phổ biến tại Nhật Bản. Bài viết về Boris cũng là bài cuối cùng về Drone Metal, một trong những dòng nhạc đang phát triển mạnh mẽ để trở thành một nhóm nhạc riêng biệt trong những năm sắp tới. Bài viết này cũng chính là bài cuối cùng về Doom Metal, một dòng nhạc rất được yêu mến của Metal thế giới (đặc biệt là những người hâm mộ Metal cổ và Black Sabbath). Ibitsu Feedbacker Part III Dronevil 2 Pink
Dòng nhạc thứ 6 trong lịch sử của Heavy Metal là Progressive Metal. Do dòng nhạc phát triển rất mạnh với nhiều band có thể rất lạ nên bác nào có những gợi ý về band nhạc hay thì cứ post trong topic này. Em sẽ cố gắng tìm kiếm tài liệu để phục vụ các bác.
Progressive Metal Progressive Metal Progressive Metal (Prog Metal) là một trong những dòng nhạc Metal lớn mạnh nhất với rất nhiều tên tuổi đã làm rung động hàng triệu trái tim những người yêu Metal thế giới. Đúng như cái tên của nó, Progressive Metal là sự kết hợp của Progressive Rock và Heavy Metal trong đó phần Heavy Metal mang ý nghĩa chủ đạo. Nhưng để hiểu chi tiết hơn về Prog Metal, chúng ta cần hiểu rõ hơn về Progressive Rock. Và để hiểu về Progressive Rock thì chúng ta cần phải quay ngược lại lịch sử âm nhạc thế giới vào những năm 60 của thế kỷ 20. Trước những năm 60 thì một số ít thể loại nhạc đã manh nha được hình thành nhưng hầu hết không có nhiều những tên tuổi đạt tới mức độ phổ biến và được yêu mến trên phạm vi toàn cầu. Nhạc cổ điển vẫn là một đối trọng quá lớn với tất cả các dòng nhạc còn lại. Nhưng lịch sử âm nhạc của thế giới thay đổi khi xuất hiện The Beatles, band nhạc này trở thành những siêu sao, âm nhạc của họ chinh phục gần như toàn bộ thế giới và mở ra hẳn một chương mới trong lịch sử âm nhạc – trào lưu Pop Rock lên ngôi. Sự thành công của The Beatles đã tạo cảm hứng cho rất nhiều những band nhạc, dòng nhạc mới xuất hiện (trong đó có cả Metal và Progressive Rock). Sự hình thành của Metal thì ta cũng đã phân tích kỹ ở những bài đầu tiên của topic này, bây giờ chúng ta chỉ phân tích về Progressive Rock. Progressive Rock là một dòng nhạc Rock mang rất nhiều tính nghệ thuật. Hầu hết các nghệ sỹ Progressive Rock đều chịu rất nhiều ảnh hưởng của nhạc cổ điển và hiển nhiên âm nhạc của họ cũng có rất nhiều nét tương đồng với nhạc cổ điển. Lịch sử hình thành của Progressive Rock cũng hết sức phức tạp và đến tận bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi. Ban đầu, Progressive Rock chỉ dùng để chỉ những band chơi thứ âm nhạc rất gần với nhạc giao hưởng là Symphonic Progressive Rock như Genesis hay Yes. Nhưng đến thập kỷ 90 thì định nghĩa về Progressive được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đó. Theo định nghĩa này thì Progressive Rock được dùng cho tất cả những band nhạc theo đuổi một thứ nhạc Rock với cấu trúc khác biệt ( trong đó cấu trúc bài hát gồm những đoạn verse – chorus bị phá bỏ) và thường sử dụng những nhịp điệu lạ (odd time signature). Thông thường các bài hát chỉ có vài nhịp phổ biến như 1/2, ¾ (6/8) hay 4/4 nhưng các band Progressive Rock không dùng các loại nhịp này. Thêm vào đó, các band nhạc Progressive thường tích hợp trong âm nhạc của họ những ảnh hưởng của nhạc cổ điển, jazz và world music. Các bài hát thường dài, cấu trúc phức tạp và gồm nhiều những “bài hát” nhỏ ghép lại và nhiều album mang tính concept – có cốt truyện. Chính vì không còn những đoạn verse hay chorus, các bài hát thường xuyên có sự thay đổi tempo (có lúc đang nhanh thì thành chậm và ngược lại), thường có những đoạn chuyển tiếp giữa những đoạn nhỏ trong bài hát - nơi các Rocker chủ yếu chơi hòa tấu (instrumental) và phô diễn kỹ năng chơi nhạc. Đây cũng là lý do mà rất nhiều nghệ sỹ với kỹ năng chơi nhạc cụ siêu việt đều xuất phát từ Progressive Rock. Nhiều người trong số họ đã trở thành huyền thoại như: các tay trống Bill Bruford (King Crimson, Yes), Phil Collins (Genesis), Neil Peart (Rush), các tay guitar như David Gilmour (Pink Floyd), Steve Howe (Yes), Robert Fripp (King Crimson), các tay bass như Greg Lake (ELP, King Crimson), Tony Levin (King Crimson), Geddy Lee (Rush) và đặc biệt là những tay keyboards như Rick Wakeman (King Crimson), Keith Emerson (ELP) là những người đã trở thành huyền thoại mà khó ai có thể vượt qua được. Tuy chịu ảnh hưởng rất nhiều của jazz và classic music nhưng do thường sử dụng những nhịp điệu lạ nên cấu trúc bài hát Progressive Rock trở nên hoàn toàn khác biệt (điều này phá vỡ cả những quy tắc cơ bản của classic music - tạo ra sự khác biệt lớn nhất giữa Progressive Rock với nhạc cổ điển_. Với định nghĩa mới này thì một loạt những tên tuổi tài năng bậc nhất trong làng âm nhạc thế giới đều rơi vào Progressive Rock như Pink Floyd (với nhiều ảnh hưởng của Psychedelic/Space Rock), Frank Zappa (Jazz/Rock), Captain Beefheart (Avant Garde), Jethro Tull (Folk Progressive) hay Klaus Schulze (Electronic Prog)… Chính những sự bổ sung này khiến cho Progressive Rock trở thành một dòng nhạc rất lớn với rất nhiều phong cách hoàn toàn khác biệt (nhiều band gần như có rất ít sự tương đồng về mặt âm nhạc). Do chịu Prog Rock quá rộng và khac biệt nên đó cũng chính là lý do tại sao các band Progressive Metal (do chịu ảnh hưởng của những dòng Prog Rock khác nhau) cũng có rất nhiều sự khác biệt trong âm nhạc và gần như không thể chia thành những nhánh nhạc nhỏ hơn (ngoại trừ những nhánh như Progressive Death, Progressive Black). Bây giờ chúng ta trở về với Prog Metal. Cũng giống như Progressive Rock, có rất nhiều tranh cãi về thời điểm ra đời của Progressive Metal. Không ít người trong giới chuyên môn và hâm mộ cho rằng Rush chính là band nhạc Progressive Metal đầu tiên trên thế giới vì âm nhạc của họ rất rất gần với Progressive Metal hiện đại. Tuy nhiên, về sau này, phần lớn đều thống nhất rằng Rush không phải là band nhạc Progressive Metal đầu tiên thậm chí Rush chưa bao giờ là một band Metal cả dù họ là một trong những band có ảnh hưởng mạnh nhất tới Prog Metal. Trên thực tế Progressive Metal lấy cảm hứng và chịu ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ của Heavy Metal cổ và Thrash Metal (tiêu biểu là 2 albums Ride The Lightning và Master Of Puppets của Metallica). Sau khi xác định Rush không phải là band Prog Metal đầu tiên, các nhà chuyên môn quay lại sàng lọc và nhận ra một điều hết sức thú vị. Theo những sàng lọc này, Prog Metal chính thức ra đời vào ngày 30 tháng 10 năm 1985 (muộn hơn 1 năm so với Doom Metal) khi band nhạc Watchtower tung ra album đầu tiên Energetic Disassembly. Với rất nhiều người hâm mộ Heavy Metal nói chung và Prog Metal nói riêng đây là một thông tin gây shock. Đơn giản là vì rất nhiều người hâm mộ của Prog Metal thậm chí còn chưa được cầm trên tay album mang tính lịch sử này (album này hiếm và cũng khá khó tìm). Một phần khác, Watchtower là cái tên không mấy phổ biến và phần đông fan hâm mộ tin rằng phải là một trong những cái tên như: Queensryche, Fates Warning, Dream Theater, King’s X hay Voivod mới là những band nhạc đầu tiên chơi Prog Metal. Cả 5 cái tên trên đều là những ông lớn và có ảnh hưởng bao trùm tới thế giới Prog Metal sau này. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà có những sự bất ngờ này, trong số 5 ông lớn kể trên, Queensryche, Fates Warning và Voivod đều tung ra những album đầu tay từ năm 84. Tuy nhiên album The Warning của Queensryche lại mang tính Power Metal chứ không mang tính Progressive, điều tương tự cũng xảy ra với 2 album đầu tay của Fates Warning là Night On Broken và The Spectre Within còn War And Pain của Voivod thì hoàn toàn là Thrash Metal. Chính vì vậy Watchtower trở thành band nhạc đầu tiên chơi Progressive Metal trên thế giới. Tuy là band nhạc khởi xướng Prog Metal nhưng tầm ảnh hưởng của Watchtower không thể so sánh với 5 ông lớn kể trên. Các band kể trên đều có sự nghiệp kéo dài, tầm ảnh hưởng to lớn tới Prog Metal về sau này. Cả 5 band đều mang những ảnh hưởng của Prog Rock vào lối chơi Metal riêng biệt của mình. Nếu như Queensryche là band nhạc chơi theo phong cách Prog Metal với lối hòa âm hoành tráng, nghiêng nhiều về giai điệu chứ không phải kỹ thuật (kiểu Symphonic Progressive Rock của Genesis) thì Dream Theater lại sử dụng lối chơi Prog hết sức kỹ thuật và tốc độ (với nhiều ảnh hưởng của Yes, Rush). Còn âm nhạc của Fates Warning thì nằm giữa Queensryche và Dream Theater: vẫn có tính giai điệu đồng thời cũng phô diễn kỹ thuật chơi nhạc khá tốt. Cả 3 nhóm nói trên thì đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ Symphonic Progressive Rock về cấu trúc bài hát và phong cách chơi nhạc. Voivod thì lại ít chịu ảnh hưởng của Symphonic Rock hơn, âm nhạc của họ khá giống với Watchtower phát triển từ Technical Thrash với cấu trúc phá cách dạng Progressive. King’s X thì tích hợp các đặc điểm của Progressive Rock vào trong Alternative Metal. Hiện tại, Progressive Metal phát triển rất mạnh mẽ và rộng khắp trên toàn thế giới với rất nhiều band nhạc có phong cách riêng biệt. Nhiều tên tuổi thậm chí còn vươn lên tầm siêu sao và được cả giới chính thống công nhận. Nhưng hầu hết các band nhạc Prog Metal sau này, không ít thì nhiều, đều chịu ảnh hưởng của những band kể trên. Chúng ta sẽ lần lượt đến với những tài năng lớn đã tạo dựng nên trào lưu này trong những bài viết tiếp theo.
Watchtower Watchtower Watchtower được thành lập từ năm 1982 tại Texas, Mỹ. Lúc đầu, nhóm chỉ cover các bài hát của những band nhạc khác nhưng sau đó chuyển sang tự sáng tác. Đến năm 83, nhóm đã có hợp đồng với một hãng đĩa nhạc để chuẩn bị cho album đầu tiên, tuy nhiên hãng đĩa này sau đó bị phá sản làm cho ước mơ tung ra album đầu tiên của nhóm bị hoãn lại vô thời hạn. Phải đến 30 tháng 10 năm 1985, nhóm mới có thể tung ra album đầu tay Energetic Disassembly thông qua hãng đĩa riêng của band nhạc là Zombo Records. Album này được giới hâm mộ coi là album đầu tiên của thể loại Prog Metal trên thế giới. Để miêu tả cho tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao của album này tới Prog Metal, xin trích lại đánh giá của một trong những nhà chuyên môn có uy tín nhất của làng nhạc Metal, Brian Russ: “ Watchtower mở ra một thời đại mới cho Extreme Metal với album đầu tay, siêu phẩm Energetic Disassenbly. Album có nhịp điệu thay đổi hỗn loạn, giọng hát đầy giận dữ và có thể là một trong những album có nhịp điệu hoàn hảo nhất trong lịch sử Metal, nó chính là một trong những điểm sáng của Metal thế giới trong thập kỷ 80… Chắc chắn là không sẽ không có đủ những tính từ tốt đẹp nhất để có thể miêu tả sức mạnh và tầm ảnh hưởng của band nhạc này – họ thực sự là những người tiên phong trong lĩnh vực Progressive/Technical Metal”. Để đơn giản, ta có thể miêu tả âm nhạc của Watchtower gần như là sự kết hợp của Rush và Metallica. Nhưng đấy là những đánh giá của rất nhiều năm sau khi Prog Metal đã rất phát triển. Còn tại thời điểm những năm 80 thì không mấy ai biết đến sự tồn tại của Watchtower. Tất nhiên, Watchtower cũng không thể thành công về mặt thương mại nhưng họ vẫn được coi là cha đẻ của trào lưu Progressive Metal sau này. Rất nhiều những người khổng lồ trong làng nhạc Progressive Metal như: Dream Theater, Sieges Even, Death, Atheist… đều khẳng định họ chịu ảnh hưởng của Watchtower. Sau album kinh điển đầu tiên, rất tiếc là Watchtower rơi vào khủng hoảng khi các thành viên trụ cột lần lượt rời khỏi nhóm để theo đuổi các dự án khác. Phải đến tận năm 89, nhóm mới quay lại với một nửa số thành viên thay đổi (kể cả giọng hát chính) và tung ra album thứ 2 là Control And Resistance với hãng đĩa Noise của Đức. Lượng thành viên thay đổi nhưng chất lượng thì không, album này chất lượng không kém album trước và cũng coi là một siêu phẩm của Progressive Metal trước khi nhóm tan rã hoàn toàn. Dù sự nghiệp ngắn ngủi, di sản mà Watchtower để lại thực sự khổng lồ và có tầm quan trọng rất lớn đối với Prog Metal nói riêng và thế giới Metal nói chung. Meltdown Cimmerian Shadows The Eldritch Control And Resistance
Queensryche Queensryche Queensryche là một trong những tên tuổi quan trọng nhất cho sự hình thành và phát triển của Progressive Metal thế giới. Khác với những nhóm như Dream Theater, Fates Warning, Voivod chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Thrash Metal, Queensryche chịu ảnh hưởng chủ yếu từ Metal cổ kiểu Iron Maiden và tất nhiên là những band Progressive Rock như Genesis hay Pink Floyd. Nhóm cũng là một trong những band nhạc thành công nhất về mặt thương mại trong dòng nhạc Progressive Metal với khoảng 20 triệu bản bán được trên toàn thế giới. Âm nhạc của Queensryche không quá thiên về kỹ thuật chơi nhạc mà nghiêng về giai điệu. Tuy chơi nhạc không quá kỹ thuật, âm nhạc của Queensryche hết sức sang trọng, một phần rất lớn là nhờ phần hòa âm, phối khí và phong cách chơi guitar chậm nhưng hoành tráng của tay guitar DeGarmo. Giọng ca của Geoff Tate thì rất hay và dày với nhiều ảnh hưởng của Peter Gabriel của nhóm nhạc huyền thoại Genesis. Album thứ 3 của nhóm là Operation: Mindcrime cho đến thời điểm hiện tại vẫn là một trong những album concept nổi tiếng nhất của mọi thời đại, có thể sánh với những siêu phẩm concept như Tommy của The Who, The Wall của Pink Floyd hay David Bowie – Ziggy Stardust. Queensryche thành lập từ năm 1982 tại Mỹ bởi 2 tay guitar Chris DeGarmo, Michael Wilton, tay bass Eddie Jackson, tay trống Scott Rockenfield và giọng ca chính Geoff Tate. Nhóm nhanh chóng ghi âm một album EP Queensryche và được đánh giá hết sức cao. Tạp chí Kerrang!, một trong những tạp chí uy tín về Rock còn cho rằng Queensryche sẽ trở thành những siêu sao nhạc Rock trong thời gian không xa. Chính vì những đánh giá rất cao này nên Queensryche có hợp đồng với một hãng đĩa lớn của thế giới là EMI. Album đầu tay của nhóm là The Warning -84 chưa chơi theo phong cách Progressive Metal mà chơi theo phong cách Power với rất nhiều ảnh hưởng của Judas Priest và Iron Maiden. Album chỉ thành công ở một mức độ vừa phải cả trên phương diện nghệ thuật lẫn thương mại. The Lady Wore Black trong EP đầu tay Queensryche Phải đến album thứ 2 là Rage For Order -86 thì âm nhạc của nhóm mới thực sự là Progressive Metal (mặc dù dưới áp lực của hãng đĩa EMI, các thành viên của Queensryche buộc phải ăn mặc và để tóc theo kiểu Hair/Glam Metal nhưng rất may là âm nhạc của họ thì không bị cuốn theo Glam Metal). Về mặt âm nhạc, nhóm sử dụng rất nhiều keyboard và syntherizer theo kiểu Progressive Rock. Giọng hát của Tate lúc này đã chịu rất nhiều ảnh hưởng của Peter Gabriel. Tất nhiên, lúc này âm nhạc của nhóm nghe đã rất kiểu Melodic Progressive Metal rồi. Album này được cả giới chuyên môn lẫn giới hâm mộ yêu thích và cũng khá thành công về mặt thương mại khi vươn lên được hạng thứ 47 trên bảng xếp hạng của Mỹ. Walk In The Shadows The Killing Words Nhưng phải đến album thứ 3 là Operation: Mindcrime -88 thì Queensryche mới ngự trị trên đỉnh vinh quang. Đây là một trong những album concept nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. Ngoài việc là một trong những album kinh điển, nó còn góp phần rất lớn vào việc biến Queensryche trở thành một trong những band nhạc Metal thành công nhất của những năm cuối thập niên 80 đầu 90. Nó cũng góp phần rất lớn vào việc phát triển Prog Metal về sau này. Về mặt âm nhạc, cả album này như một bài hát duy nhất và có dạng concept kết hợp với rock opera (có kèm hát bè). Âm nhạc chủ đạo trong album vẫn là sự kết hợp giữa Heavy Metal với Progressive Rock với lối hòa âm hoành tráng. Về mặt nội dung, album kể về một cuộc đời một chàng trai tên là Nikki, một người nghiện ma túy rất nặng và có một cái nhìn tiêu cực về cuộc sống vốn đầy rẫy sự bất công, tham nhũng và đạo đức giả. Anh này sau đó bị lôi kéo vào một tổ chức chính trị bí mật chuyên đi ám sát những người làm chính trị. Người đứng đầu của tổ chức này là Mr. X, một chính trị gia kèm tôn giáo mị dân. Dr X khống chế Nikki bằng cách sử dụng thuốc gây nghiện và công nghệ tẩy não để biến anh này thành một sát thủ không biết sợ. Mật lệnh để Dr X sai khiến Nikki đi giết một ai đó là từ Mindcrime và Nikki trở thành một con rối trong bàn tay của Dr X, anh này giết người mà sau đó không còn nhớ về bất kỳ điều gì mình đã làm. Trong một lần làm nhiệm vụ Nikki được Dr X giới thiệu với một cha xứ biến chất và gặp một cô gái (Mary) có quá khứ là gái làm tiền nhưng quyết định bỏ nghề về làm sơ tại nhà thờ của cha xứ. Nikki phát sinh tình yêu với nữ tu sĩ trẻ và muốn từ bỏ con đường sát thủ để trở thành một người bình thường. Dr X. nhận thấy sự nguy hiểm của việc Nikki sẽ từ bỏ con đường đang đi, Dr X. sử dụng thuốc để ép anh này giết cả Mary lẫn cha xứ. Nikki quay lại nhà thờ và giết cha xứ nhưng khi đối mặt với Mary thì trí óc của anh bất chợt hồi tỉnh. Anh này quay trở lại nhà Dr X. để xin thuốc và đề xuất nguyện vọng rời khỏi tổ chức này. Dr. X không phản đối việc Nikki rời khỏi tổ chức nhưng khi Nikki quay lại thì anh thấy Mary đã bị giết. Nikki đầy đau đớn và tuyệt vọng, đồng thời cũng không hiểu được có phải mình đã giết Mary rồi bị tẩy não hay là cô bị Dr X. sai một người khác đến giết, trở nên điên loạn. Anh bị bắt sau đó với khẩu súng trên tay và bị buộc tội giết Mary và một loạt những người khác trong quá khứ (dưới sự sai khiến của Dr X). Nhưng do không nhớ gì về quá khứ nên anh này không bị kết tội mà phải vào một bệnh viện tâm thần để chữa trị. Tại đây, một ngày anh cầm tờ báo lên đọc và thấy rằng các chính trị gia vẫn đang tiếp tục bị ám sát và dần nhớ lại những chuyện đã xảy ra và viết lại toàn bộ câu chuyện. Đây là một câu chuyện rất hay viết về những vấn đề gai góc của cuộc sống như: nghiện ngập, chính trị, tình yêu và những âm mưu ghê gớm của con người. Nhưng câu chuyện này chưa thực sự kết thúc nên vẫn còn một phần tiếp theo nữa. Album hết sức thành công cả trên phương diện thương mại lẫn chuyên môn. Rất nhiều fan hâm mộ của Progressive Metal coi đây là album hay nhất trong lịch sử dòng nhạc này và dù đã rất nhiều năm trôi qua nhưng sẽ khó có album concept nào khác có thể vượt qua được. Album sau này đã bán được hơn một triệu bản tại Mỹ và đạt đĩa bạch kim. Operation: Mindcrime Eyes Of A Stranger (còn tiếp)
Queensryche Queensryche Sau album quá sức thành công Operation Mindcrime, Queensryche tiếp tục sự nghiệp đầy vinh quang của mình bằng một siêu phẩm khác là Empire vào năm 1990. Album này còn thành công về mặt thương mại hơn album trước rất nhiều lần khi bán được hơn 3 triệu bản tại Mỹ đồng thời được đề cử 2 giải Grammy. Về mặt âm nhạc album này dễ nghe và hướng nhiều về phía đại chúng hơn là những album trước đó. Album có một loạt những bài hát rất hay và sau này trở nên hết sức phổ biến với những người yêu nhạc Metal thế giới như Silent Lucidity, Jet City Woman… Jet City Woman Silent Lucidity Sau những thành công lớn lao của 2 album Operation và Empire, Queensryche trở thành những ngôi sao nhạc Rock với những chuyến lưu diễn hết sức bận rộn tại khắp nơi trên thế giới. Chính vì vậy, 4 năm sau nhóm mới cho ra album thứ 5 là Promised Land vào năm 1994. Âm nhạc trong album này chủ yếu mang tính Progressive với những nhạc cụ như piano, saxophone và acoustic guitar. Nó khác hẳn với 3 albums đầu chơi khá nhanh đồng thời cũng khác so với album Empire mang nhiều tính thương mại dễ nghe. Album này dù cũng được đánh giá khá cao và khá thành công về mặt thương mại (bán được hơn 1 triệu bản) nhưng rõ ràng đây vẫn là một bước lùi so với album Empire. Nguyên nhân chính không phải bởi chất lượng âm nhạc (đây là album rất hay) mà do thị trường thế giới lúc này đang bị grunge và alternative thống trị vì vậy album này không thực sự hợp mốt. I Am I Với một album hay nhưng không thực sự thành công về mặt thương mại, Queensryche đã có những bước tính toán hết sức sai lầm. Thay vì tiếp tục theo đuổi sự nghiệp với Prog Metal, họ chuyển sang chơi kiểu grunge trong album Hear In The Now Frontier -97. Album này thất bại thảm hại khi thậm chí là còn không giành được cả danh hiệu đĩa vàng tại Mỹ. Nhưng vận đen của band nhạc chưa dừng lại tại đây mà còn theo đuổi band trong sau đó khi Tate bị ốm nặng và band phải hủy hết các cuộc lưu diễn. Ngay sau đó hãng đĩa của họ là EMI chi nhánh tại Mỹ bị phá sản khiến band phải tự bỏ tiền túi ra để tham gia các buổi lưu diễn đã ký từ trước nếu không sẽ bị phạt rất nặng. Nhưng điều tồi tệ nhất chỉ đến vào đầu năm 1998. Sau quá nhiều biến cố và thất bại khiến DeGarmo chán nản và quyết định từ bỏ sự nghiệp ca hát để trở thành phi công chuyên nghiệp. DeGarmo có lẽ chính là bộ não của Queensryche với lối chơi guitar đặc biệt và cách hòa âm hết sức sang trọng nên sự nghiệp của Queensryche đi xuống là điều không thể tránh khỏi. Sau 2 albums khá thất vọng là Q2K -1999 và Tribe -2003, Queensryche tung ra album Operation Mindcrime II năm 2006 khá tốt và nhận được rất nhiều sự khen ngợi. Đây chính là phần tiếp theo của album kinh điển Operation Mindcrime rất nổi tiếng trước đây. Nhưng đây có lẽ là điểm sáng cuối cùng trong sự nghiệp của nhóm. Đến năm 2012, sau khi tung ra 2 albums không gây được tiếng vang nào đáng kể là American Soldier -09 và Dedicated To Chaos -2011, Tate bị sa thải khỏi band. Anh này cùng với vợ kiện các thành viên còn lại để lấy tên Queensryche cho riêng mình. Vụ kiện phức tạp và kéo dài và gây ra một sự kiện hết sức hy hữu trong nền âm nhạc thế giới. Vào năm 2013, Tate ra album Frequency Unknown với tên band nhạc là Queensryche, các thành viên còn lại cũng tung ra album mới với tên Queensryche. Lần đầu tiên trong lịch sử 2 band nhạc tên hoàn toàn giống nhau lại tung ra 2 album trong cùng một năm. Đến tháng 4 năm 2014 thì vụ kiện tên band nhạc mới kết thúc với phần thắng thuộc về các thành viên còn lại của Queensryche. I'm American Fallout Dù đã qua thời kỳ đỉnh cao từ lâu và không còn được chú ý nhiều trong những năm gần đây, Queensryche vẫn là một trong những band nhạc thành công nhất của Prog Metal. Rất nhiều band nhạc mới với âm nhạc nghiêng về giai điệu thì ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của nhóm này. Nhóm cũng có những album rất hay và có tầm quan trọng vô cùng lớn lao tới Prog Metal thế giới sau này.
Fates Warning Fates Warning Fates Warning thành lập năm 1983 tại Connecticut, Mỹ bởi 2 thành viên trụ cột là giọng ca chính John Arch và tay guitar Jim Matheos. Fates Warning là một trong những band nhạc có đóng góp rất lớn cho sự hình thành và phát triển của Progressive Metal về sau này. Khời đầu, Fates Warning là một band nhạc chơi theo phong cách Power Metal với rất nhiều ảnh hưởng của Iron Maiden. Album đầu tay của họ là Night On Brocken -84 có thể coi là một album Power Metal và không nhận được nhiều sự chú ý của giới chuyên môn. Phải đến album thứ 2 là Spectre Within thì nhóm mới nhận được rất nhiều sự khen ngợi và đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của band nhạc. Album này vẫn mang rất nhiều tính Power và những ảnh hưởng của Iron Maiden nhưng đã tích hợp thêm những ảnh hưởng lớn của Progressive Rock vào trong âm nhạc của họ. Tuy chưa mang quá nhiều tính Prog nhưng đây vẫn là một album hay và rất được yêu mến của band nhạc với những bài hát kinh điển như The Apparition hay Epitaph. The Apparition Epitaph Phải đến album thứ 3 của nhóm là Awaken The Guardian -86 thì Fates Warning mới vươn mình trở thành một trong những band nhạc chủ chốt của Progressive Metal. Đây cũng là album cuối cùng của giọng ca chính John Arch. Âm nhạc của nhóm lúc này đã gần như không còn những ảnh hưởng của Iron Maiden mà trở thành một album Prog Metal chính hiệu. Vì album này được tung ra trước album Warning của Queensryche nên rất nhiều người còn cho rằng album này ảnh hưởng không nhỏ tới âm nhạc của cả Queensryche và Dream Theater sau này (tuy vậy âm nhạc của Fates Warning mạnh và tối hơn so với Queensryche). Đây cũng có thể coi một trong những siêu phẩm đầu tiên của Prog Metal thế giới với những bài hát rất được yêu mến như Guardian hay Prelude To Ruin. Ngoài chất lượng âm nhạc, album còn có bìa đĩa vô cùng đẹp mắt, với nguồn cảm hứng chính lấy từ câu chuyện khoa học viễn tưởng Star Trek. Album cũng đánh dấu những thành công về mặt thương mại cả Fates Warning khi xuất hiện trên bảng xếp hạng của Mỹ (vị trí 191). Guardian Prelude To Ruin Sau album kinh điển Awaken The Guardian thì Fates Warning phải chia tay với giọng ca chính Arch. Arch có quan hệ rất tốt với Matheos và những thành viên còn lại, nhưng anh lại quyết định chia tay band để tập trung chăm sóc gia đình. Sau này Arch còn kết hợp với Matheos để tung ra album Symphathetic Resonnace rất hay vào năm 2011. Thay thế cho Arch là một giọng ca huyền thoại khác – Ray Alder. Giọng ca của Arch là rất hay, cao mang nhiều âm hưởng kiểu opera. Giọng Alder cũng tốt không kém, cũng đầy giận dữ và chịu nhiều ảnh hưởng của band nhạc huyền thoại Rush. Hiển nhiên với giọng ca này thì tính chất Progressive của Fates Warning càng tăng cao hơn nữa. Nhóm tung ra album đầu tay với Alder là No Exit vào năm 1988. So với album trước, album này mang nhiều tính kỹ thuật hơn (kiểu như là sự pha trộn giữa Watchtower với Queensryche – cả 2 bands này đều được Fates Warning cảm ơn trong phần cuối của booklet). Album có một bản epic The Ivory Gate Of Dreams dài tới 22 phút. Tuy nhiên những bài hát còn lại của album thì chất lượng âm nhạc chưa thật sự đột phá do giọng ca của Alder chưa thực sự đóng góp được nhiều cho band nhạc. Album này tiếp tục khá thành công về mặt thương mại khi có mặt ở vị trí 183 trên bảng xếp hạng của Mỹ. Anarchy Divine Silent Cries (còn tiếp)
Fates Warning Fates Warning Phải đến album thứ 5 của nhóm là Perfect Symmetry -89 thì âm nhạc của Fates Warning mới đến rất gần với Progressive Metal hiện đại. Album này cũng có vô số ảnh hưởng và là một trong những album có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới Prog Metal về sau. Lý do chính để đưa ra những nhận định này là bởi có rất nhiều sự thay đổi trong âm nhạc của Fates Warning: thứ nhất giọng ca của Alder không còn cố gắng theo đuổi những nốt nhạc quá cao nữa mà sử dụng giọng thấp hơn và có giai điệu tốt hơn. Thứ hai, sự xuất hiện của tay keyboardist đầy kỹ thuật Kevin Moore hiển nhiên là một điểm sáng lớn trong album này. Đây cũng là album đầu tiên của Prog Metal chơi theo phong cách vừa có giai điệu hay vừa phô diễn kỹ thuật chơi nhạc tuyệt vời. Cũng cần phải nhắc lại rằng tại thời điểm cuối thập kỷ 80 thì Progressive Metal chỉ có 2 loại: một loại chơi theo phong cách kỹ thuật mà ít giai điệu (kiểu Watchtower, Voivod, Mekong Delta) và kiểu chơi giai điệu mà ít kỹ thuật (Queensryche). Và Fates Warning là người trung gian kết hợp cả hai phong cách: vừa kỹ thuật vừa giai điệu. Tất nhiên, album này ảnh hưởng tới gần như toàn bộ thế giới Prog Metal về sau. Cũng chính vì những lý do vừa nêu, album này xứng đáng là một trong những album có tầm ảnh hưởng lớn lao nhất tới Prog Metal. Album cũng thành công về mặt thương mại khi có mặt tại vị trí 141 trên bảng xếp hạng của Mỹ với bài hát Through Different Eyes. Through Different Eyes At Fate's Hands Sau album có tầm ảnh hưởng rất rộng lớn là Perfect Symmetry, Fates Warning vươn lên đỉnh cao về mặt thương mại của mình trong album thứ 6 là Parallels vào năm 1991. Album này cho tới hiện tại đã bán được hơn 150,000 bản tại Mỹ và là album bán chạy nhất trong lịch sử của Fates Warning với một loạt những bài hát thành công như Eye To Eye, Point Of View và We Only Say Goodbye. Album cũng được giới hâm mộ và chuyên môn đánh giá khá cao. Tuy nhiên, âm nhạc trong album này lại không tốt bằng album trước đó. Lúc này thì tay keyboards Kevin Moore đã rời nhóm, âm nhạc của nhóm cũng thay đổi khi mang nghiêng về phía đại chúng (mainstream hơn) với những giai điệu hết sức dễ nghe. Kỹ thuật chơi nhạc và phong cách Progressive cũng không còn được quá chú trọng trong album này. Tuy có những nhược điểm nhất định, album vẫn có những đặc trưng của Fates Warning và là một album rất đáng nghe. Album còn có sự xuất hiện của giọng ca chính James LaBrie của Dream Theater trong bài hát Life In Still Water với tư cách khách mời. Point Of View Eye To Eye Album thứ 7 là Inside Out -94 có cấu trúc không khác nhiều so với Parallels- với âm thanh dễ nghe. Tuy nhiên, album này không chất lượng bằng album trước đó với ít bài hát hay hơn và giọng hát cũng kém hơn. Hiển nhiên album này không thành công và dẫn tới sự ra đi của tay guitar Aresti và tay bass Joe DiBiase. Monument Album thứ 8 của nhóm là A Pleasant Shade Of Gray -1997 là một album concept chỉ với một bài hát duy nhất chia thành 12 phần. Album này cũng chứng kiến sự thay đổi rất nhiều trong âm nhạc của Fates Warning khi họ chỉ còn một tay guitar duy nhất. Bù lại, họ có sự phục vụ (một lần nữa) của tay keyboards Kevin Moore. Âm nhạc trong album này ít tính giai điệu, tối, khá khó nghe, mang đậm tính Progressive với nhiều ảnh hưởng của Industrial, Neo Progressive Rock và Psychedelic. Album đòi hỏi người nghe phải nghe đi nghe lại vài lần mới có thể cảm nhận được hết cái hay của nó. Tuy gây ra sự chia rẽ trong nội bộ fan hâm mộ, album vẫn được rất người yêu Prog Metal yêu thích. A Pleasant Shade Of Gray XI Album thứ 9 là Disconnected -2000 tiếp tục là một trong những album hết sức được chú ý trong những năm 2000s. Album này dễ nghe hơn album trước và là sự kết hợp giữa lối chơi vừa tốc độ vừa kỹ thuật nhưng đồng thời vẫn có giai điệu rất hay. Bài hát Something From Nothing trong album luôn là một trong những bài hát được yêu thích nhất của Fates Warning. Tuy nhiên album thứ 10 của nhóm là FWX -2004 thì lại là một sự thất bại thảm hại khi bị giới chuyên môn đánh giá rất thấp. Sự thất bại của FWX là lý do Matheos theo đuổi một loạt các side projects mà không chuyên tâm vào Fates Warning nữa. Phải 9 năm sau, tức là năm 2013 nhóm mới tung ra album thứ 11 là Darkness In A Different Light. Album này còn chứng kiến sự trở lại của tay guitar Aresti. Album khá hay và được giới chuyên môn đánh giá khá cao. Tuy không thực sự thành công về mặt thương mại như Queensryche và Dream Theater nhưng những đóng góp của Fates Warning cho Prog Metal thế giới là vô cùng to lớn. Họ cũng chính là một trong những band chính ảnh hưởng tới phong cách chơi nhạc của huyền thoại Dream Theater và rất nhiều band nhạc nổi tiếng khác của Prog Metal sau này. Still Remains Firefly
Crimson Glory Crimson Glory Crimson Glory là cái tên cuối cùng trong số những band nhạc đặt nền móng cho phong cách Melodic Progressive Metal. Nhóm cũng là một trong những nhóm nổi bật và có nhiều ảnh hưởng nhất của Prog Metal trong thập kỷ 80. Nhóm thành lập từ rất sớm năm 1979 tại Florida, Mỹ. Âm nhạc của Crimson Glory là sự kết hợp của lối chơi Power Metal với nhiều ảnh hưởng của Iron Maiden với giọng ca kiểu Geoff Tate của Queensryche và phong cách chơi nhạc Melodic kiểu Fates Warning. Nhóm tung ra album đầu tay là Crimson Glory vào năm 86 và nhận được rất nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn với những bài hát rất hay như Valhalla, Azarel hay Mayday với giọng ca tuyệt vời của Midnight. Valhalla Azarel Nhưng phải đến album thứ 2 là Transcendence -88 thì nhóm mới vươn tới đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Phong cách chơi kiểu Power Progressive trong album này để lại những ảnh hưởng vô cùng to lớn tới rất nhiều band Metal về sau, đặc biệt là những band Prog/Power Metal có phong cách châu Âu như Conception, Angra, Kamelot… Giọng ca của Midnight rất tốt và có rất nhiều nét tương đồng với Rob Halford (Judas Priest), Geoff Tate (Queensryche) và cả Warrel Dane (Nevermore ) nữa. Cùng với album đầu tay Crimson Glory, Transcendence được coi là những album kinh điển và có ảnh hưởng rất lớn tới cả Power và Progressive Metal. Tuy nhiên đó lại là tất cả những gì Crimson Glory có thể làm được cho thế giới âm nhạc. Album thứ 3 của họ là Strange And Beautiful -91 gây shock cho cả fan hâm mộ lần giới chuyên môn. Album này vừa không có chất Progressive vừa không có chất Metal và là một thất bại thảm hại của nhóm. Một album rất kém tính sáng tạo và quá nghiêng về mainstream (Hard Rock) đã hủy diệt sự nghiệp của Crimson Glory. Ta nên nhớ, đây là album đầu tiên của Crimson Glory với hãng đĩa lớn Atlantic và chắc rằng band đã mong mình trở thành những siêu sao. Sau thất bại đầy đau đớn, Crimson Glory tan rã và mãi đến năm 99 mới tái lập và cho ra album cuối cùng là Astronimica mang nặng tính Power và cũng không thành công. Crimson Glory là một trong những band có nhiều ảnh hưởng và có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của Prog Metal dù không thực sự được biết đến nhiều trên toàn thế giới. Lonely Painted Skies
Voivod Voivod Voivod là một trong những band nhạc tài năng và kỹ thuật nhất trong lịch sử của Prog Metal. Band thành lập từ năm 1982 tại Quebec, Canada và là một trong những band nhạc Metal nổi tiếng nhất của Canada với những thành công mang tầm cỡ thế giới. Khởi đầu sự nghiệp, Voivod chơi theo phong cách Thrash/Speed Metal với nhiều ảnh hưởng của Metal cổ và hardcore. Nhóm tung ra 2 album đầu tay là War And Pain -84 và Rrrroooaaarrr – 86. Cả 2 album này đều chơi theo phong cách Thrash hỗn loạn: vừa không có giai điệu vừa không có kỹ thuật nên không được giới hâm mộ đánh giá cao. Sau khi tung ra 2 albums thảm họa này, gần như không ai tin Voivod có thể vươn mình để trở thành một trong những band nhạc sáng tạo bậc nhất thế giới với một thứ âm nhạc hoàn toàn khác biệt mà không có bất kỳ band nhạc nào khác có được. Sự thay đổi của họ chỉ bắt đầu trong một chùm 3 album theo chủ đề khoa học viễn tưởng đầy sáng tạo. Chùm 3 albums kinh điển này bắt đầu bằng Killing Technology vào năm 87 và kết thúc với Nothingface vào năm 89. Album Killing Technology chứng kiến sự thay đổi vượt bậc trong âm nhạc của Voivod khi band bất ngờ chơi hết sức kỹ thuật. Tay guitar huyền thoại Denis D’Amour sáng tạo ra một phong cách chơi guitar hoàn toàn mới với những hợp âm hết sức kỳ lạ và trái ngược. Điều này tạo ra một thứ âm nhạc kỳ quái nhất tại thời điểm cuối những năm 80. Các bài hát trong album lúc này chịu ảnh hưởng rất lớn của Progressive Rock, đặc biệt là Space Rock của Pink Floyd, với rất nhiều sự thay đổi trong tempo, cấu trúc bài hát phức tạp… Tuy chịu nhiều ảnh hưởng của Progressive nhưng với tốc độ đánh nhanh, mạnh, tối thì âm nhạc chủ đạo trong album vẫn là Thrash. Với phong cách hoàn toàn mới lạ và kỹ năng chơi nhạc tuyệt vời của D’Armour, âm nhạc của Voivod từ mức độ trung bình kém trở nên đầy sáng tạo và mang nhiều tính nghệ thuật. Album này gần như ngay lập tức trở thành album kinh điển của Metal thế giới. Ravenous Medicine Killing Technology Kế tiếp những thành công của Killing Technology lại là một album kinh điển khác – Dimension Hatross -88. Điểm sáng trong album này vẫn tiếp tục là tiếng guitar kinh dị và siêu việt của D’Armour (Piggy). Tốc độ chơi guitar cực nhanh với những đoạn riff với hợp âm trái ngược, dày đặc và hỗn loạn một lần nữa chinh phục tất cả những người yêu nhạc dù là khó tính nhất. Một điểm sáng nữa trong album này là giọng hát của Belanger (Snake). Giọng hát của anh lúc này không còn tính giận dữ và gào thét của những album trước nữa mà trầm, đều nghe như giọng của robot. Tribal Convictions Psychic Vacuum Album cuối cùng trong chùm 3 albums theo trường phái sci –fi (science fiction – khoa học viễn tưởng) của Voivod cũng chính là đỉnh cao trong sự nghiệp của họ. Sau 2 thành công lớn với những album trước, lúc này họ đã có hợp đồng với hãng đĩa lớn MCA. Album này cũng chứng kiến sự thay đổi nhiều hơn trong âm nhạc của Voivod, lúc này Progressive Metal mới là thứ thống trị trong âm nhạc của họ. Nhiều đoạn riff trong album này hết sức kỹ thuật và vẫn tiếp tục mang nặng âm hưởng kiểu Avant Garde (chịu ảnh hưởng rất lớn của bản ballet – The Rite Of Spring của nhà soạn nhạc đại tài Stravinsky). Album này đánh nhẹ hơn những album trước đó và vì thế cũng dễ nghe hơn. Các bài hát trong album đều rất hay và được các fan của Prog Metal tôn thờ. Album cũng khá thành công về mặt thương mại khi xuất hiện trên bảng xếp hạng của Mỹ (hạng 114), bản cover bài hát Astronomy Domine của Pink Floyd hết sức thành công và giúp cho tên tuổi Voivod nổi lên như cồn trong làng nhạc Metal thế giới. The Unknown Knows Nothingface Astronomy Domine (Pink Floyd Cover) (còn tiếp)
Voivod Voivod Sau những thành công lớn với chùm 3 album kinh điển, tưởng như Voivod sẽ tiếp tục xu hướng không thể cưỡng lại này. Nhưng không, album thứ 6 của nhóm là Angel Rat -1991 chứng kiến sự thay đổi gần như toàn bộ trong âm nhạc của nhóm. Lúc này phong cách riff guitar đầy phá cách và kỹ thuật với các bài hát cấu trúc phức tạp, đầy tốc độ, ồn ào, tối tăm, lạnh lẽo không còn. Album đánh khá đơn giản, dễ nghe và chịu nhiều ảnh hưởng của Rush (thời kỳ Hard Rock sau này). Chất Progressive vẫn còn rất đậm nét nhưng giọng hát của Snake thì dễ nghe và mang nhiều tính con người hơn là kiểu robot trong những album trước. Sự thay đổi trong âm nhạc này hiển nhiên là gây shock cho người hâm mộ và rất nhiều người chỉ trích phong cách mới này kịch liệt. Nhưng thời gian qua đi, album ngày càng được đánh giá cao hơn. Có thể nó chưa thể đạt tới tầm kinh điển như những 3 albums trước nhưng khoảng cách là không hề xa nhất là đối với những fan hâm mộ Prog Metal. Clouds In My House The Prow Phong cách Hard Rock/ Progressive này còn tiếp tục trong album The Outer Limits -1993. Lúc này âm nhạc của Voivod khá gần với Progressive Rock và có bài hát Jack Lumious dài tới gần 18 phút. Fan của Prog Rock chào đón album này nhiệt liệt nhưng fan của Thrash Metal thì không. Đây cũng là album cuối cùng của giọng ca Snake với Voivod. Thay thế anh này là Eric Forrest của nhóm Liquid Indian và đảm nhiệm luôn vai trò của tay bass Blacky (người đã rời Voivod từ album trước đó là Angel Rats). Fix My Heart Moonbeam Rider Lúc này, đội hình của Voivod chỉ còn 3 người và nhóm tung ra 2 albums là Negatron -95 và Phobos -97. Cả 2 albums này đều có phong cách giống nhau và quay về với những album hỗn loạn kiểu 2 albums War And Pain và Rrroooaaarrr. Đây là những bước lùi rất lớn trong sự nghiệp âm nhạc của Voivod, có lẽ một phần do giọng ca của Forrest không thực sự tốt. Trong những năm sau đó, Voivod gần như tan rã. Phải đến năm 2002 nhóm mới tái lập trở lại với giọng ca chính Snake và một tay bass mới, nhưng cũng không hề xa lạ với bất kỳ người yêu Metal nào – tay bass Jason Newsted của nhóm Metallica. Với đội hình này, album Voivod được tung ra vào năm 2003. Album này lại là sự trở lại với âm nhạc kiểu Angel Rats trước đây nhưng không hay bằng những album như Angel Rats hay The Outer Limits. Nhưng sau đó là một mất mát khủng khiếp với Voivod vào năm 2005. Tay guitar huyền thoại D’Armour với lối chơi đầy sáng tạo qua đời vì bệnh ung thư. Cái chết của anh đặt tương lai của Voivod một dấu hỏi rất lớn. Trước khi qua đời, D’Armour dành 2 tháng cuối để ghi âm và viết ra những bản nhạc mới đồng thời hướng dẫn cách chơi guitar riêng biệt của mình cho những thành viên còn lại. 2 albums sau đó là Katorz -2006 và Infini -2009 là những album dựa trên những ý tưởng cuối cùng của tay guitar huyền thoại này. Cả 2 albums đều được giới hâm mộ đánh giá khá cao và là những album hay của Voivod. Phải đến năm 2010 thì các thành viên còn lại của Voivod mới quyết định tiếp tục sự nghiệp của nhóm và tiến hành ghi âm album tiếp theo là Target Earth vào năm 2013. Album này chứng kiến sự trở lại của phong cách âm nhạc của những album kinh điển như Dimension Hatross và Nothing Face. The X-Stream Target Earth Dù đỉnh cao của trong sự nghiệp là những năm cuối thập kỷ 80 đầu 90, Voivod vẫn để lại những dấu ấn khó quên trong lịch sử của dòng nhạc Heavy Metal. Từ một band nhạc với những ý tưởng không rõ ràng trong phong cách chơi nhạc để vươn lên tầm một trong những band nhạc tài hoa và sáng tạo bậc nhất thế giới, họ có đã có những bước phát triển thần kỳ. Âm nhạc của họ cho đến nay vẫn được rất nhiều người yêu mến và tôn thờ. Phong cách chơi guitar đầy sáng tạo và đặc biệt của D’Armour luôn là những điểm sáng lớn trong lịch sử của Prog Metal nói riêng và Heavy Metal nói chung.
Mekong Delta Mekong Delta Chúng ta đã chứng kiến sự ra hình thành và ra đời của Prog Metal trong những bài viết trước. Prog Metal ra đời tại Mỹ với những band như Watchtower, Fates Warning, Queensryche, Crimson Glory sau đó lan sang Canada với sự xuất hiện của Voivod. Chắc rất nhiều fan hâm mộ sẽ tự hỏi sao chưa thấy thần tượng Dream Theater xuất hiện. Không thể phủ nhận Dream Theater là band nhạc có ảnh hưởng lớn nhất tới Prog Metal hiện đại nhưng lịch sử của Prog Metal đã xuất hiện từ trước khi Dream Theater tung ra album đầu tay When Dream And Day Unite khá lâu. Thậm chí có một số band, mà ngay cả những fan hâm mộ trung thành nhất của Prog Metal thế giới ít biết đến, cũng có những album Prog Metal trước cả Dream Theater. Một trong số này là band nhạc Prog Metal huyền thoại của Đức - Mekong Delta. Band nhạc này có một lịch sử hình thành có lẽ là ly kỳ nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. Mekong Delta thực chất là một side project của một loạt những thành viên của các band nhạc Heavy Metal gạo cội của Đức. Nhóm thành lập năm 1985 tại Berlin bởi tay bass Ralph Hubert. Hubert lúc này đang là một kỹ sư âm thanh và có một hãng thu âm nhỏ của riêng mình. Do các thành viên của Mekong Delta lúc này đều chơi cho những band nhạc khác theo những hợp đồng độc quyền nên họ không thể dùng tên thật của mình mà toàn dùng tên giả (những cái tên thật của họ chỉ được biết đến rất lâu sau đó). Và dĩ nhiên họ cũng không thể tham gia biểu diễn trong những liveshow, tất cả những thông tin về các thành viên này đều chìm trong bí mật. Về sau, khi chân tướng các thành viên đã bị bại lộ thì hầu hết tất cả các thành viên đều loại bỏ tên giả để trở về với tên thật của mình. Âm nhạc của Mekong Delta chủ yếu là Thrash Metal kết hợp với những ảnh hưởng rất lớn của Progressive Rock (những đoạn thay đổi tempo, cấu trúc bài hát) và nhạc cổ điển, đặc biệt là của Mussorgsky – một nhà soạn nhạc cổ điển thời kỳ lãng mạn rất nổi tiếng của Nga ở cuối thế kỷ 19. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Mussorgsky là bản nhạc Picture At An Exhibition, một bản nhạc đã được đưa vào những sách giáo khoa về nhạc cổ điển và đòi hỏi kỹ năng chơi piano rất cao, đã được chính Mekong Delta chuyển soạn lại cho nhạc Rock trong album cùng tên năm 1997. Mekong Delta tung ra rất nhiều album trong những năm cuối thập kỷ 80 đầu 90, lần lượt là: Mekong Delta -87, The Music Of Erich Zann-88, The Principle Of Doubt -89, Dances Of Death -90, Kaleidoscope -92, Visions Fugitive -94, Pictures At An Exhibition -97. Dù phong cách chơi không quá giàu kỹ thuật như những band nhạc Mỹ, những bản nhạc thường là ồn và mạnh (phong cách Thrash của Đức) nhưng nhiều album trong số này được rất nhiều người yêu mến như The Music Of Erich Zann, Dances Of Death hay Vision Fugitive. Sau năm 97 là một quãng nghỉ dài trong sự nghiệp của Mekong Delta dẫn tới tin đồn Hubert đã chết. Phải đến năm 2005 thì Hubert mới xuất hiện và khởi động lại dự án. Sau đó nhóm tung ra thêm 4 albums là: Lurking Fear -2007, Wanderer On The Edge Of Time -2010, Intersections -2012 và In A Mirror Darkly -2014 đều có chất lượng tốt. Dù là band nhạc không được biết đến quá nhiều trên thế giới, âm nhạc của Mekong Delta vẫn rất được yêu thích với những fan hâm mộ Metal, đặc biệt là những người thích phong cách Technical Thrash/Progressive Metal. Họ cũng chính là band nhạc Progressive Metal đầu tiên trên lục địa châu Âu. Age Of Agony Night On A Bare Mountain The Healer Sphere Eclipse King With Broken Crown
Quả thật em rất yêu âm nhạc nói chung. Nhạc Rock là một phần trong đó. Nhưng có ít band mà em có thể nghe đi nghe lại mãi được. Em luôn thích tìm tòi những band mới và album mới để nghe bác ạ.
Sieges Even Sieges Even Sau Mekong Delta, Sieges Even là một trong những tên tuổi đầu tiên chơi Prog Metal ở châu Âu và cũng là một trong những nhóm có nhiều ảnh hưởng tại lục địa già. Nhóm thành lập năm 1985 tại Munich, Đức. Sau khi tung ra một loạt những album demo, nhóm nhận được sự chú ý của hãng đĩa rất nổi tiếng của Đức là SPV và ký hợp đồng với hãng này. Năm 1988 nhóm tung ra album đầu tay Life Cycle. Đây là một album hay và khá lạ vào thời điểm cuối những năm 80 khi âm nhạc trong album là sự kết hợp giữa phong cách Technical Thrash với Progressive Rock và một chút ảnh hưởng của phong cách Jazz/Rock fusion. Qua miêu tả thì ta cũng thấy âm nhạc của nhóm có nhiều điểm tương đồng với nhóm nhạc tiên phong Watchtower của Mỹ. Chính vì vậy, sau khi tung ra album này thì ngay lập tức nhóm được so sánh với Watchtower. Mặc dù bản thân band nhạc Watchtower thì không thích sự tương đồng này nhưng nó lại có ý nghĩa quan trọng giúp Sieges Even trở nên nổi tiếng. Nhóm bắt tay vào ghi âm album thứ hai là Steps với một tiết tấu rất nhanh mạnh, khó nghe hơn và có lẽ cũng hay hơn album đầu tiên vào năm 1990. Phản ứng của giới chuyên môn hết sức tích cực, tuy nhiên vấn đề lại phát sinh khi band không thể tìm được những buổi trình diễn live vì lúc này Prog Metal còn khá mới và chưa thực sự có nhiều cơ hội cho nhưng band nhạc chưa có tên tuổi tại châu Âu. Steps Phải đến năm 91, khi nhóm ghi âm album thứ 3 là Sense Of Change thì nhóm mới vươn lên tới đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Âm nhạc của nhóm lúc này chịu rất nhiều ảnh hưởng của band nhạc Rush và mang nặng tính giai điệu. Dù album này đánh không thực sự mạnh và mang ít tính Metal hơn những album trước đó nhưng nó luôn được coi là một trong những tuyệt phẩm bị lãng quên của Prog Metal và được giới chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên sau album đỉnh cao là Sense of Change thì Sieges Even rơi vào bất ổn khi tay guitar Markus Steffen rời nhóm để theo đuổi sự nghiệp chơi guitar cổ điển. Anh này sau đó còn viết một quyển sách về guitar vào năm 1999. Với đội hình còn lại, Sieges Even ghi âm 2 albums tiếp theo là Sophisticated -95 và Uneven -97. Cả 2 albums đều đánh mạnh và mang nhiều tính Metal/Fusion hơn so với album Sense of Change rồi tạm dừng hoạt động trong một thời gian rất dài (âm nhạc trong 2 albums này khá giống với âm nhạc của Symphony X, Blind Guardian và đều có chất lượng rất tốt). These Empty Places Dreamer What' s up God? Sau 6 năm, tức là năm 2003, tay guitar Markus mới quay trở lại và cùng với các thành viên gạo cội là Alex (drums) và Oliver (bass) Holzwarth tái lập Sieges Even. Vấn đề của họ lúc này là tìm một tay vocalist có chất lượng. Phải 2 năm sau họ mới có thể tìm được một vocalist mới là Arno Menses và đổi tên nhóm trở lại thành Sieges Even (trước đó nhóm lấy tên là Val’Paraiso) và bước vào ghi âm album thứ 6. The Art Of Navigating By The Stars được tung ra vào năm 2005 qua hãng đĩa nổi tiếng chuyên về Progressive Rock/Metal của Đức là InsideOut. Album này mang rất nhiều hơi thở của Progressive Rock/Metal hiện đại: nghiêng nhiều về phía giai điệu kết hợp với kỹ thuật chơi nhạc hết sức điêu luyện và không quá mạnh (mang cả tính Rock và Metal). Dù trong quá khứ đã là một trong những band được tôn thờ tại châu Âu nhưng phong cách chơi của nhóm lúc này rất khác biệt. Sự thay đổi này được cả giới chuyên môn lẫn fan hâm mộ chào đón nhiệt liệt. Album này sau đó được coi là một trong những album Progressive hay nhất trong năm 2005 và khiến cho cái tên Sieges Even được biết đến rộng rãi hơn trên thế giới (vì lúc này Progressive đã trở nên phổ biến). Sự thành công của album này đã khiến rất nhiều fan hâm mộ quay lại săn lùng những album trước đó của họ như Sense Of Change. Stigmata Album cuối cùng của nhóm là Paramount -2007 không thay đổi quá nhiều so với album trước đó nhưng không kỹ thuật và phức tạp bằng. Dù album này cũng khá được yêu mến và được fan hâm mộ đánh giá cao nhưng đến năm 2008 thì nhóm lại tan rã vì những bất đồng giữa những thành viên của band nhạc để lại rất nhiều tiếc nuối cho những fan hâm mộ Prog Metal (đặc biệt tại châu Âu). Tidal
King's X King’s X King’s X là một trong những quái kiệt của làng nhạc Rock/Metal thế giới. Mặc dù họ chưa bao giờ trở thành những siêu sao nhạc Rock nhưng âm nhạc của họ hết sức đặc biệt (có lẽ chỉ có nhóm Galactic Cowboys là chơi giống King’s X). Họ cũng chính là nhóm có ảnh hưởng quyết định tới sự hình thành của dòng nhạc Grunge sau này (và như ta đã biết, Grunge đã thống trị thế giới trong những năm đầu thập kỷ 90 với những siêu sao như Nirvana, Pearl Jam, Soundgarden và Alice In Chains, các nhóm này đều chịu ảnh hưởng không nhỏ của King’s X). Thậm chí tay bass Jeff Ament của nhóm Pearl Jam còn tuyên bố King’s X mới là nhóm sáng tạo ra dòng nhạc Grunge. Vậy tại sao King’s X lại có mặt trong phần viết về Progressive Metal? Đơn giản là vì âm nhạc của họ rất phức tạp nó là sự kết hợp của Progressive Rock với Metal , Funk, Soul, Alternative, Blues… Trong đó 4 albums chính thức đầu tiên của họ (sau rất nhiều những phân tích, đánh giá) cuối cùng được xếp vào nhóm Prog Metal. Đó là lý do chính khiến họ có mặt trong phần này. Trở lại với lịch sử của King’s X, nhóm thành lập từ rất sớm vào năm 1979 tại Missouri, Mỹ dưới cái tên là Sneak Preview và đã tung ra album đầu tay cùng tên vào năm 1983. Nhóm chỉ gồm 3 thành viên là Doug Pinnick (bass/vocal), Ty Tabor (guitar), Jerry Gaskill (drums) và không thay đổi thành viên trong suốt sự nghiệp của mình. Vào năm 85 thì nhóm chuyển đến Houston, tại đây nhóm đổi tên thành King’s X và tung ra album kinh điển Out Of the Silent Planet vào năm 1988. Album này tất cả các thành viên band nhạc đều thể hiện tài năng đặc biệt của mình. Pinnick với giọng hát đặc biệt mang nhiều âm hưởng Gospel và lối chơi bass ồn và mạnh mẽ. Tabor với phong cách chơi guitar Drop D (lấy dây thứ 6 của guitar trầm hơn một nốt từ Mi thành Re) đã tạo ra ảnh hưởng rộng khắp tới những tay guitar chơi Grunge sau này. Gaskill đóng góp cho band nhạc giọng hát bè gợi nhớ tới The Beatles. Album gần như là sự kết hợp kiểu Space/Progressive Rock với Alternative và Heavy Metal, Hard Rock. Dù được giới chuyên môn đánh giá rất cao và có nhiều ảnh hưởng, album lại không thành công về mặt thương mại như mong đợi (chỉ chiếm hạng 144). Out Of The Silent Planet Album thứ 2 của nhóm là Gretchen Goes To Nebraska -89 thì còn được đánh giá cao hơn nữa và đã là một album kinh điển của làng nhạc Rock thế giới. Album vẫn là sự kết hợp của rất nhiều thể loại nhạc như album trước nhưng với những giai điệu và các bài hát hay hơn rất nhiều. Phần lớn các bài hát trong album này đã trở thành kinh điển và không thể thiếu trong những buổi trình diễn trực tiếp của King’s X như: Summerland, Mission, The Burning Down, Pleiades, Over My Head… Dù được giới chuyên môn đánh giá rất cao và có một bộ phận khán giả không nhỏ tôn thờ, album vẫn chỉ thành công hơn một chút về mặt thương mại so với album trước (hạng 123). Summerland Over My Head… Với album Faith Hope Love -1990 thì King’s X vươn tới đỉnh cao về mặt thương mại của mình. Album vươn tới hạng thứ 85 trên bảng xếp hạng Mỹ và có lẽ sẽ đạt danh hiệu đĩa vàng trong thời gian không xa. Album này cũng rất hay với nhiều bài hát nổi tiếng như: It’s Love, Fine Art Of Friendship, Mr Wilson, Everywhere I Go… Dù album này chất Progressive đã giảm so với album trước nhưng vẫn là album rất hay và đáng nghe. It’s Love Everywhere I Go Sau thành công của 3 albums kinh điển đầu tiên, King’s X có hợp đồng với hãng đĩa lớn Atlantic và tung ra album King’s X vào năm 1992. Album này vẫn có phong cách pha trộn như những album trước nhưng không có nhiều đột phá bằng. Dù không tầm cỡ bằng những album đầu tay, đây vẫn là một trong những album đáng nghe nhóm. Sau album này thì âm nhạc của King’s X thay đổi rất nhiều khi chất Progressive gần như không còn. Band đánh mạnh và tối hơn rất nhiều so với những album trước đó và thậm chí có rất nhiều chất Grunge trong album Dogman -94. Tuy không còn chất Prog thì đây vẫn là album rất hay của nhóm. Album được cả giới chuyên môn lẫn hâm mộ yêu mến. Về sau, King’s X chủ yếu chơi theo phong cách lai giữa Heavy Metal cổ với Alternative Metal, nhưng không thực sự thành công. Gần đây nhất nhóm tung ra 2 albums Ogre Tones -2005 và XV -2008 cũng có chất lượng khá tốt. Alone Pray
Dream Theater Dream Theater Một cái tên không chỉ quen thuộc với fan hâm mộ Prog Metal của Việt Nam mà còn là của thế giới. Tuy không phải là band nhạc đầu tiên chơi Prog Metal nhưng Dream Theater đã tạo dựng tên tuổi theo năm tháng và trở thành một biểu tượng của Prog Metal. Khi nói đến Prog Metal là người ta thường nghĩ ngay tới Dream Theater và ngược lại. Dream Theater còn là thần tượng của vô số band nhạc trẻ hơn sau này. Quay trở lại với lịch sử band nhạc, Dream Theater thành lập từ năm 1985 tại Boston, Mỹ bởi bộ ba: John Petrucci – guitar, John Myung – bass và tay trống Mike Portnoy. Myung và Petrucci trước đó đã là bạn bè từ thuở còn đi học và chia sẻ niềm đam mê âm nhạc chung. Cặp đôi này gặp Portnoy tại trường đại học Berklee University of Music. Cả 3 đều yêu thích nhạc Progressive Rock kiểu Yes, Rush (cả Yes và Rush đều là những band có kỹ năng chơi nhạc siêu việt trong dòng nhạc Progressive Rock) và Heavy Metal như Iron Maiden, Metallica. Band nhạc lúc đầu lấy tên là Majesty. Sau một thời gian thành lập, nhóm quyết định tiến tới chơi nhạc chuyên nghiệp và việc cần làm là cấp tốc tìm một tay keyboard và một vocalist. Tay keyboard Kevin Moore (bạn của Portnoy) được lựa chọn là thành viên thứ 4 của band nhạc. Đây cũng là một trong những tay keyboards hết sức tài năng và có nhiều ảnh hưởng tới Prog Metal sau này. Việc tìm một giọng ca chính thì khó hơn rất nhiều so với việc tìm tay keyboard. Vì đã quyết tâm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc nên cả 4 thành viên đều rời trường đại học. Đến năm 1987 thì họ tìm được giọng ca chính là Charlie Dominici. Dominici lớn tuổi hơn các thành viên còn lại rất nhiều (cả bộ tứ Petrucci, Myung, Portnoy, Moore đều sinh năm 67, Dominici sinh năm 51- có lẽ chính vì những lý do này mà cách suy nghĩ và mâu thuẫn giữa họ là không thể tránh khỏi). Nhưng những rắc rối chưa dừng lại ở đây, ngay sau khi có đủ thành viên thì nhóm bị một nhóm nhạc khác tên là Majesty dọa kiện vì trùng tên. Với một band nhạc trẻ việc theo đuổi kiện cáo là rất khó khăn nên nhóm buộc phải đổi thành Dream Theater – theo tên một nhà hát nhỏ tại California. Lúc này thì mọi chuyển mới tạm thời yên ổn và nhóm bắt tay vào ghi âm album đầu tiên. Năm 1989 nhóm tung ra album đầu tay When Dream And Day Unite. Mặc dù đây là một album khá hay và khác biệt nhưng lại không nhận được sự chú ý từ cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ. Phải mãi sau này, khi Dream Theater đã trở nên nổi tiếng thì người ta mới tìm lại album này và có cái nhìn khách quan hơn về nó. Và ta phải thừa nhận là giọng của Dominici khá tốt và khỏe. Tuy nhiên, có lẽ phong cách có phần Pop hóa của ông này không thực sự phù hợp với âm nhạc nghiêng về phía Progressive của Dream Theater như Portnoy thừa nhận sau này: “nó giống như Billy Joel hát cho Queensryche”. Vì phong cách chơi nhạc không phù hợp nên Dominici nhanh chóng chia tay Dream Theater nhưng ông này vẫn giữ quan hệ rất tốt với những thành viên còn lại đặc biệt là Portnoy. Chúng ta sẽ còn gặp lại Dominici trong một phần dành riêng cho band nhạc của ông sau này. A Fortune in Lies MEo2GUM4SFI Phần tiếp theo của câu chuyện Dream Theater đã đi vào lịch sử. Sau khi thử việc với hàng loạt vocalist mà không thể lựa chọn được người ưng ý, Dream Theater quyết định chọn James LaBrie (anh này là giọng ca chính của một band Glam Metal là Winter Rose) làm giọng ca chính, giọng của LaBrie thì chịu rất nhiều ảnh hưởng của opera. Sau khi có giọng ca chính mới, Dream Theater lại có hợp đồng với một hãng đĩa khá lớn là Atco (Elektra). Album thứ 2 của nhóm được tung ra vào ngày 7 tháng 7 năm 92 là một album mà tất cả những fan của Prog Metal không thể nào quên – album Images & Words. 3 video clips được tung ra để quảng bá cho album này lần lượt là Another Day, Pull Me Under và Take The Time nhưng chỉ có Pull Me Under là thành công rực rỡ và liên tục được phát sóng trên kênh MTV. Cùng với single này là thành công không hề nhỏ tại Mỹ (album đạt đĩa vàng) và tại Nhật (đạt đĩa bạch kim). Về mặt âm nhạc, album cũng chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của band nhạc với những bài hát dài và có cấu trúc phức tạp với kỹ năng chơi nhạc cụ tuyệt vời. Một số bài đánh nhanh và mạnh (Take The Time, Pull Me Under), một số bài thì nhẹ hơn nhưng đều có giai điệu hay và dễ nhớ. Điểm yếu, có lẽ là duy nhất của album này, là các bài hát khá riêng rẽ và không liên quan nhiều tới nhau (đây như là một tuyển chọn những bài hát xuất sắc chứ không có nội dung cụ thể). Tuy vậy, album này chắc chắn là album có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới thế giới của Prog Metal và là nguồn cảm hứng cho hàng ngàn band nhạc khác. Another Day Pull Me Under 9p8oqSnSGaU Sau album siêu kinh điển Images And Words vào năm 92, Dream Theater chịu áp lực rất lớn của hãng đĩa để ghi âm những album tiếp theo phải thành công hơn album trước đó. Dưới áp lực này, Dream Theater ghi âm một album nghiêng nhiều về tính Metal và đánh tối hơn nhiều so với album trước. Sự thay đổi bắt buộc (theo yêu cầu của hãng đĩa) khiến một bộ phận không nhỏ fan của Dream Theater cảm thấy thất vọng. Thêm vào đó, tay keyboards đầy tài năng Moore quyết định rời nhóm ngay sau khi album hoàn thành càng làm cho fan hâm mộ nghi ngờ hơn về tương lai của band nhạc. Về mặt thương mại, album này khá thành công khi vượt lên hạng 32 trên bảng xếp hạng của Mỹ (nhưng lại không thể đạt đĩa vàng như album trước) và tiếp tục đạt đĩa bạch kim tại Nhật. Tuy nhiên, cùng với thời gian, album ngày càng được đánh giá cao hơn với những bài hát khá hay như 6:00, Caught In A Web, The Mirror hay Lifting Shadows Off A Dream. Lifting Shadows Off A Dream Caught in a Web (còn tiếp)
Dream Theater Dream Theater Sự ra đi của Moore là một điều hết sức đáng tiếc nhưng Dream Theater buộc phải chấp nhận sự thật và tìm người thay thế cho anh này. Band nhạc định lựa chọn Jordan Rudess để thay thế cho Moore nhưng Rudess từ chối nên band nhạc phải lựa chọn Derek Sherinian. Sherinian cũng là một trong những tay keyboard hết sức tài năng, cùng với anh này nhóm tung ra một EP kinh điển là A Change Of Seasons vào năm 95. Đây là bản epic dài tới 23 phút và đã được sáng tác từ năm 89 và được trình diễn khá nhiều lần trong những buổi biểu diễn live. Bản epic này rất hay và cũng được rất nhiều fan của Prog Metal tôn thờ. Trong những năm 96 -97 là những năm đầy biến động và nó ảnh hưởng rất nhiều tới âm nhạc của Dream Theater. Hãng đĩa của họ tạo rất nhiều áp lực để band tung ra một album mang nhiều tính thương mại. Chính vì lý do này, mặc dù đã hoàn thành các bài hát cho một album kép nhưng dự định của band buộc phải dừng lại. Năm 1997, Dream Theater tung ra album Falling Into Infinity, một trong những album đáng quên nhất trong lịch sử của nhóm. Các bài hát lúc này vừa không còn tính Metal mà cũng chẳng còn tính Progressive. Tất nhiên album thất bại nặng nề và bị cả giới chuyên môn lẫn người hâm mộ chỉ trích dữ dội. Sau thất bại thảm hại, các thành viên của Dream Theater tham gia vào rất nhiều side project khác nhau trong những năm sau đó. Những side project này thì đều liên quan tới Prog Metal cả. A change Of Seasons Hollow Years Sau thất bại, Portnoy và Petrucci lại gặp gỡ và thuyết phục Rudess nhập nhóm và ông này đồng ý. 2 anh này sau đó lại phải thuyết phục Sherinian rời nhóm để dành vị trí cho Rudess. Sherinian đồng ý rời nhóm và vẫn giữ quan hệ tốt với những thành viên còn lại. Với vị trí của Rudess, band tiến hành ghi âm và tung ra album kinh điển: Metropolis Part 2: Scenes From A Memory vào năm 1999. Đây là một album concept với nội dung kể vể tình yêu, cuộc sống, cái chết và kiếp luân hồi. Nhân vật chính trong câu chuyện này là chàng trai Nicolas, anh gặp thường xuyên bị ác mộng nên cần đến gặp một vị bác sỹ tâm thần. Bác sỹ này quyết định thôi miên Nicolas để hiểu những gì anh trải qua. Khi bị thôi miên, Nicolas lại gặp một cô gái trẻ trong quá khứ. Cô gái này đã bị giết một cách hết sức tàn bạo vào năm 1928 và mong muốn cho Nicolas biết sự thật về kẻ đã giết cô gái. Trong cả album, toàn bộ sự thật của câu chuyện được kể lại qua nhiều cách: lúc thì qua liệu pháp thôi miên, lúc thì qua những tìm tòi khám phá trong thực tại của Nicolas về những câu chuyện trong quá khứ thông qua các tài liệu liên quan, lúc thì anh lại gặp cô gái trong những giấc mộng của mình. Cô gái cho Nicholas biết anh chính là kiếp sau của cô. Qua những tài liệu, Nicholas phát hiện ra cô gái bị chính bạn trai của mình giết chết sau khi từ bỏ anh này vì nghiện ngập. Anh này sau đó tự vẫn cùng chết với cô. Trong túi của chàng trai, người ta tìm thấy dòng chữ tuyệt mệnh liên quan đến câu chuyện này. Nhưng sau đó toàn bộ câu chuyện hé lộ rằng sự thật không phải như những gì báo chí viết. Cô gái (tên là Victoria) này yêu một chàng trai tên là Julian nhưng chàng trai quá ham mê cờ bạc, rượu chè, ma túy nên cô tức giận và từ bỏ anh này mặc dù còn rất yêu. Trong lúc mất phương hướng thì anh trai của Julian là Edward – một thượng nghị sỹ - lợi dụng lúc này để chiếm đoạt người yêu của em trai mình. Sau khi quan hệ với Edward, Victoria nhận ra sai lầm và quyết định chấm dứt mối quan hệ. Nhưng sau đó cô không thể cưỡng lại việc quay lại với Julian vì còn rất yêu anh. Khi hai người gặp nhau một cách bí mật thì không hiểu tại sao Edward lại biết được. Ông này vì ghen tuông đã ra ra tay giết Julian rồi quay lại bảo với Victoria: “Mở to mắt ra mà xem, Victoria” rồi giết luôn cả cô gái. Chính tay ông này viết mấy dòng thư tuyệt mệnh rồi để vào trong túi của Julian và câu chuyện được kể lại trên báo chí như thế nào thì chúng ta đã biết. Sau khi biết được sự thật về kiếp trước của mình trong buổi thôi miên của bác sỹ tâm lý, Nicholas lái xe về nhà với tâm trạng vừa vui vừa buồn. Lúc này thì anh đã có thể cảm thấy thoải mái và thư giãn vì đã tìm ra sự thật. Nhưng khi anh đang ngồi "trong nhà thì cánh cửa bật mở và tay bác sỹ tâm thần bước vào và nói:” Mở to mắt ra Nicolas” sau đó là một tiếng động lớn và câu chuyện kết thúc. Phần kết của câu chuyện chỉ được hé lộ trong DVD live Scenes From Memory: tay bác sỹ chính là kiếp sau của Edward nên sau đó ra tay giết anh Nicholas như kiếp trước đã giết Victoria. Trước khi chết, Nicholas mới nhận ra rằng Victoria thực sự muốn cảnh báo anh về kết cục bi thảm được dự báo trước của anh chứ không phải để tìm ra sự thật cái chết của cô. Câu chuyện khá hay và với kỹ năng chơi nhạc tuyệt vời của mình, Dream Theater đã tạo ra một tuyệt phẩm dạng concept. Album trở thành một trong những concept album nổi tiếng nhất mọi thời đại và được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Tuy nhiên, thành công về mặt thương mại thì không như mong đợi, album chỉ chiếm hạng 73 tại Mỹ và không bán được nhiều. The Spirit Carries On Fatal Tragedy (còn tiếp)