Em đang đợi bác viết về Hardcore, Metalcore, Melodic Death Metal. Trước đây, em nghe toàn dòng này...
Heavy Progressive Rock Cùng với sự ra đời và phát triển của dòng nhạc Metal và người anh em song sinh Hard Rọc của nó, dòng nhạc Heavy Progressive Rock cũng có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của dòng nhạc Metal sau này, đặc biệt là dòng Progressive Metal. Để hiểu kỹ hơn về dòng nhạc Heavy Progressive Rock, trước tiên ta cần phải biết thêm về dòng nhạc Progressive Rock. Rất khó để có thể định nghĩa thế nào là progressive rock, nhưng có thể coi đây là một dòng nhạc cách tân và chống lại dòng nhạc chính thống. Dòng nhạc này ra đời và phát triển gần như song song với dòng nhạc Metal, tức là từ cuối những năm 1960s, mang tính nghệ thuật rất cao với những đặc trưng riêng biệt như: các bài hát thường có cấu trúc phức tạp, những nhịp điệu khác lạ (odd signatures), các bài hát thường dài – có khi vài chục phút với nhiều lần thay đổi tempo, nhiều khi sử dụng thêm cả các dụng cụ của dàn giao hưởng với nhiều phần hòa tấu kết hợp vào nữa. Trong dòng Progressive Rock, cấu trúc thông thường của các bài hát: verse – chorus- verse – bridge – chorus của các bài hát bị phá vỡ để tạo ra một thứ âm nhạc hoàn toàn khác hẳn so với âm nhạc của thời bấy giờ. Chính vì những đặc trưng này, chỉ có không nhiều những band nhạc Progressive Rock giành được sự chú ý và thành công về mặt thương mại, trong số đó có thể kể đến Pink Floyd, King Crimson, Yes, Genesis, Rush. Heavy Progressive Rock chỉ là một nhánh nhỏ trong dòng nhạc Progressive Rock với ảnh hưởng từ các nghệ sỹ Symphonic Rock – dòng chính của Progressive ở thời gian này với những bài hát phức tạp giống như các bản giao hưởng- kết hợp với âm thanh mạnh mẽ, tiết tấu nhanh với tiếng guitar bị làm méo tiếng (distortion/overdrive) làm chủ đạo của nhạc Hard Rock/Heavy Metal. Dòng nhạc này chính là niềm cảm hứng cho sự ra đời và phát triển của dòng nhạc Progressive Metal- dòng nhạc đến giữa thập kỷ 80 mới được khai sinh - chính vì thế cũng có không ít người nhầm lẫn chúng với nhau. Để tách bạch được hai dòng nhạc này cũng là vấn đề không hề đơn giản kể cả đối với những nhà chuyên môn. Tuy nhiên tôi chỉ xin lấy kinh nghiệm của bản thân mình để giúp các bạn phân biệt hai dòng nhạc này: Heavy Progressive Rock: có nội dung là Progressive Rock (các đặc trưng như đã nói ở trên) với hình thức (tiết tấu nhanh và mạnh)là Hard Rock/Metal. Qua phân tích, thì cũng có thể thấy là dòng Heavy Prog nghiêng nhiều về progressive rock (từ sau này sẽ gọi là prog rock cho gọn) . Progressive Metal: nội dung là Metal (chủ yếu chịu ảnh hưởng từ Thrash Metal và các dòng chịu ảnh hưởng của Thrash) với hình thức là nhạc Progressive Rock (ở đây là về cấu trúc các bài hát dài, hay thay đổi tempo của progressive rock). Mặc dù nằm trong dòng progressive rock nhưng cũng chỉ có một số ít tên tuổi là thành công và được nhiều người yêu mến progressive rock (fan của dòng prog rock này cũng không nhiều) biết đến và yêu thích, trong thập niên 70 chỉ có Uriah Heep và đặc biệt là Rush là thành công vang dội, còn lại các tên tuổi khác như Black Widow, High Tide, Atomic Rooster, 2066 And Then, Lucifer’s Friend, Captain Beyond, T2… chỉ đạt được những thành công ở mức độ vừa phải. Đến tận bây giờ, dòng nhạc này vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ với những tên tuổi lớn của dòng prog rock như Porcupine Tree, Haken hay Mars Volta, nhưng đó là chuyện về sau… Bài viết sẽ điểm qua các band nhạc lớn và có nhiều ảnh hưởng sau này. Band đầu tiên chơi Heavy prog rock là High Tide đã được nhắc đến ở phần Proto Metal. Uriah Heep Uriah Heep là một trong những band nhạc thành công nhất của dòng Heavy Prog Rock trong thập kỷ 70. Band thành lập năm 1970 tại London với các thành viên chính của là : Mick Box – guitar, David Byron – vocal, Ken Hensley – guitar, organ, Paul Newton – bass và Keith Baker – drums. Sau album đầu tiên mang nhiều âm hưởng blues, band chuyển sang chơi Heavy prog rock. Sau này, âm nhạc của Heep cũng có rất nhiều thay đổi, nhưng thời gian chơi Heavy prog rock, nhóm chơi một thứ âm nhạc symphonic prog rock với tiết tấu nhanh mạnh của Hard Rock và Heavy Metal, tuy nhiên vẫn tập trung rất nhiều cho giai điệu. Đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của nhóm có thể kể đến 4 albums liên tiếp: Salisbury – 1971, Look At Yourself -1971, Demons And Wizards -1972 và Magician’s Birthday -1972. Trong đó album Salisbury của nhóm được đánh giá cao nhất mang rất nhiều tính thử nghiệm. Các bài hát hay trong album có thể kể đến như: Bird Of Frey, Lady In Black hay siêu nhạc phẩm Salisbury. Nếu như "Bird Of Prey" là niềm cảm hứng lớn cho Judas Priest và Rush sau này, thì siêu nhạc nhạc phẩm "Salisbury" kéo dài hơn 16 phút lại là một bản giao hưởng của nhạc rock, còn bản acoustic "Lady In Black" - đậm chất thơ là bản nhạc phổ biến nhất của nhóm. Bird Of Prey Look At Yourself tiếp tục thành công của nhóm. Album cũng rất có nhiều ảnh hưởng, đặc biệt có thể kể đến nhóm Queen sau này. Siêu phẩm “July Morning” dài hơn 10 phút là cũng là một trong các nhạc phẩm nổi tiếng nhất của nhóm. "Tears In My Eyes" hay "Look At Yourself" cũng là những điểm sáng của albums. July Morning Nhưng phải mãi đến album Demons & Wizards thì Uriah Heep mới thực sự thành công trên toàn thế giới. Đây cũng là album thành công nhất về mặt thương mại của nhóm. Chỉ có một điều đáng tiếc duy nhất, album này đã đánh nhẹ hơn nhiều so với 2 albums rất hay trước đó. Album cũng bắt đầu cho một giai đoạn thành công rực rỡ của band nhạc về sau này. Easy Livin là bài hát hay nhất trong album. Easy Livin Magician's Birthday tiếp nối thành công của Demons & Wizards, tuy nhiên đã có sự thay đổi trong âm nhạc của Uriah Heep, các bài hát ngắn và không còn cấu trúc phức tạp như trước nữa, ngoại trừ bài hát "Magician's Birthday".Tuy nhiên, các bài hát vẫn rất hay và có chất lượng tôt. Điểm sáng trong album có thể kể đến Sunrise, Rain hay Sweet Lorraine. Sweet Lorraine (còn tiếp)
Heavy Progressive Prog - tiếp theo Dưới đây là những nhóm chơi Heavy Prog nhưng ít người biết đến trong giai đoạn 70s. Atomic Rooster Thành lập năm 1969 tại Anh, gồm 3 thành viên Vincent Crane- Hammond organ, John Du Cann – guitars, vocals và Paul Hammond – drums. Âm nhạc của nhóm nổi tiếng với tiếng Hammond organ làm chủ đạo và cũng có tiết tấu rất nhanh. 4 albums hay của nhóm là : Atomic Rooster -70, Death Walk Behind Us -70, In The Hearing… - 71và Made In England -71. Atomic Rooster thường hay được xếp vào nhóm bộ ba cùng Black Sabbath, Black Widow vì lyrics thường hay viết về ma quỷ và Satan. Âm nhạc của nhóm cũng có ảnh hưởng không nhỏ những gã khổng lồ của Metal sau này như Iron Maiden hay Megadeth. Siêu phẩm Death Walk Behind You trong album cùng tên. Black Widow Thành lập năm 1969 tại Leicester, Anh, gồm các thành viên chính Jim Gannon – guitars, Zoot Taylor – organ, Kip Trevor – vocals, Clive Jones –flute, sax, clarinet, Bob Bond – bass, Clive Box – drums. Để miêu tả âm nhạc của nhóm có thể được miêu tả như sau: symphonic folk rock kết hợp với Heavy Metal và lyrics thì viết về ma quỷ và Satan. Nhóm chỉ có 3 albums trong giai đoạn 70s là Sacrfice -70, Black Widow -71 và Black Widow III -72. Trong đó Sacrifice là album hay nhất và cũng có siêu phẩm nổi tiếng nhất của nhóm Come To The Sabbath T2, Anh Quốc T2 là một band nhạc đến từ Anh Quốc, band chỉ có 1 album thực sự nổi tiếng và được đánh giá rất cao của giới chuyên môn trong dòng nhạc Heavy Prog Rock, album It'll All Work Out in Boomland -1970. Đến hiện nay thì cũng không dễ gì có thể kiếm được album, album chỉ có 4 bài hát, trong đó Morning dài tới hơn 21 phút. In Circles Captain Beyond Một trong những siêu nhóm đầu tiên của Prog Rock với các cựu thành viên của Deep Purple, vocalist Rod Evans cùng với các thành viên của Iron Butterfly. Âm nhạc của nhóm vẫn nặng tính psychedelic rock Dancing Madly Backwards (On A Sea Of Air)" 2006 And Then 2006 And Then Một nhóm Heavy Prog đến từ nước Đức. Âm nhạc của họ có nhiều điểm chung với Deep Purple, Vanilla Fudge và Iron Butterfly. Nhóm đặc trưng bởi sự tung hứng giữa tiếng guitar mạnh mẽ và tiếng organ, các bài hát thường có cấu trúc phức tạp, có kết hợp một số ảnh hưởng của jazz và psychedelic rock. Nhóm chỉ có 1 album duy nhất Reflections On The Future năm 1972 hiện nay đã mất master tape và thất truyền. Bài hát Autumn Birth Controll Là một band nhạc đến từ Đức, khởi đầu chơi theo kiểu jazz rock fusion sau mới chuyển sang chơi Heavy Prog. Tất nhiên âm nhạc của nhóm vẫn có nhiều ảnh hưởng đặc trưng tiêu biểu của jazz. Các bìa album của nhóm thường rất kỳ quặc. 2 albums hay nhất của nhóm có lẽ là Hoodoo Man 73 và Plastic People -75. 1 trong các siêu phẩm của nhóm có thể kể đến Gamma Ray trong album HooDoo Man. Gamma Ray Những fan hâm mộ của Progressive Metal thì nên tìm hiểu thêm về dòng nhạc này để hiểu được sự ra đời và phát triển của dòng Metal sau này. Nhưng qua đây cũng có thể thấy rằng, dù bắt đầu phát triển tại Anh nhưng những ảnh hưởng của Heavy Metal đã bắt đầu lan rộng sang các nước châu Âu khác như Đức. Nhưng đỉnh cao của dòng nhạc Heavy Prog phải kể đến Rush. Riêng về Rush, do ảnh hưởng và tầm quan trọng lớn của band với nhạc Metal, tác giả sẽ tách ra để viết riêng về nhóm trong những thời gian sau (Hầu hết các band Heavy Prog đều có album từ năm 70). (Nên nhớ rằng chúng ta đang đứng ở năm 1970 thôi, tức là năm Metal mới ra đời và các bài viết đều dựa theo mốc thời gian).
Budgie Nếu như Black Sabbath là band nhạc đầu tiên chơi Heavy Metal thì band nhạc thứ hai hiển nhiên là Budgie. Budgie cũng là một trong các band nhạc rock đầu tiên đầu tiên chơi dựa trên bộ ba (trio): bass – vocals, guitar, drums và là niềm cảm hứng lớn cho các band chơi theo kiểu trio như Rush, Motorhead…Là một band nhạc có rất nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là tới sự xuất hiện và ra đời của trào lưu âm nhạc New Wave Of British Heavy Metal (NWOBHM) và Speed Metal sau này, cũng như một loạt tên tuổi khổng lồ như Rush, Iron Maiden hay Metallica nhưng Budgie không có được thành công to lớn như Black Sabbath hay Led Zeppelin mà chỉ được rất ít người biết đến. Để diễn tả âm nhạc của nhóm thì có thể coi nhóm là sự kết hợp của Black Sabbath với Led Zeppelin và Rush. Đó là sự kết hợp giữa âm thanh mạnh mẽ của Black Sabbath (những đoạn riff mạnh mẽ với tiết tấu nhanh) với các bài hát có cấu trúc Progressive Rock của Rush và giọng hát cao vút chịu ảnh hưởng của Led Zeppelin. Tay trống Phillips cũng thường xuyên có những đoạn solo trống rất mạnh mẽ và hay. Một điểm đặc trưng nữa trong của Budgie là những bài hát của họ thường có những cái tên rất lạ lùng và thường hay chơi chữ như “Nude Disintergrating Parachutist Woman” – Người phụ nữ khỏa thân nhảy dù- hay “ Napoleon Bona – Part I” hay “Crash Course In Brain Surgery”. Các bìa đĩa của Budgie cũng rất đẹp và lạ so với thời bấy giờ và thường hay xuất hiện hình ảnh của người chim. Hot As A Docker’s Armpit Thành lập năm 1968 với các thành viên Burke Shelley – bass, vocals, Tony Bourge: guitars, Ray Phillips: drums. Tới năm 1971 họ mới cho ra đời album đầu tiên – Budgie. Album này còn khá nhiều ảnh hưởng của nhạc Blues. Trong sự nghiệp của mình, Budgie có tất cả 11 studio albums nhưng trong số đó chỉ có 5 album đầu tiên của nhóm là hay và có nhiều ảnh hưởng đó là: Budgie – 71, Squawk -72, Never Turn Your Back On A Friend -73, In For The Kill -74 và Bandolier -75. Mặc dù còn tiếp tục cho ra những albums đến giữa thập niên 80 nhưng không còn có nhiều ảnh hưởng và được đánh giá cao, khiến nhóm buộc phải tan rã sau album Deliver Us From Evil năm 1982. Đến năm 2006 nhóm tái lập và cho ra đời album You're All Living in Cuckooland. Breadfan Album thành công nhất trong lịch sử của nhóm là Never Turn Your Back On A Friend – Đừng bao giờ quay lưng lại với một người bạn. Album này đạt tới đỉnh cao cả về thương mại cũng như chất lượng nghệ thuật. Những bài hát thành công của nhóm có thể kể đến “Breadfan” -được Metallica cover, Parents, Hot As A Docker’s Armpit. Parents Budgie là một band nhạc đặc biệt mà những fan yêu nhạc Metal không thể bỏ qua.
Sự phát triển của Heavy Metal trên thế giới trong thập kỷ 70 Phần 1 Cùng với sự ra đời và phát triển của dòng nhạc Metal, ngay lập tức nó đã có sức lan tỏa và phát triển rất mạnh không chỉ riêng tại Anh mà còn ra thế giới. Phần này sẽ giới thiệu các band nhạc đầu tiên chơi Metal tại các nước trên thế giới tại Mỹ, Ireland, Anh, Australia, Canada, Đức... Alice Cooper Alice Cooper là một trong những cái tên nổi tiếng nhất trong lịch sử hard rock. Ông cũng là người đầu biến sân khấu biểu diễn của mình thành những vở kịch hay bộ phim kinh dị với việc mang các đạo cụ như: máy chém, ghế điện, máu giả hay mang cả những con vật nhiều người rất sợ như: trăn lên sân khấu. Phong cách biểu diễn này cũng được vô số band nhạc về sau học theo. Có những album đầu tiên từ những năm 69 nhưng phải khởi đầu Alice Cooper chơi psychedelic rock và không mấy thành công. Phải đến năm 71, ông mới chuyển dần sang chơi thể loại Metal và góp phần phát triển thể loại Shock Rock – là sự kết hợp giữa nhạc Rock với những hình ảnh gây shock khi trình diễn live. Band nhạc đạt tới đỉnh cao trong thập kỷ 70 với một chuỗi các albums rất hay như: Love It To Death -71, Killer -71, Schools Out -72 và Billion Dollar Babies -73 rồi tan rã. Những bài hát hay của ông trong thập kỷ 70 như: I’m eighteen, Ballad Of Dwight Fry, School’s Out, Under My Wheels, Halo Of Flies, Desperado, Killer, Hello Hooray, Billion Dollar Babies, No More Mr. Nice Guy. Hello, Hooray Band nhạc tan rã nhưng Alice Cooper vẫn tiếp tục sự nghiệp solo của mình, vẫn lấy tên là Alice Cooper và còn tiếp tục sự nghiệp ca hát đến tận bây giờ. Trong sự nghiệp kéo dài tới gần 5 thập kỷ của mình, Alice Cooper bắt đầu tham gia biểu diễn âm nhạc từ những năm giữa thập kỷ 60, Alice Cooper đã không ít lần thay đổi phong cách nhạc từ psychedelic sang Hard Rock/Metal rồi Glam Metal và ông cũng gặt hái được không ít thành công, mà đỉnh điểm có lẽ là nhạc phẩm Poison trong album Trash -89, hay Gimme trong Brutal Planet -2000. Poison Blue Öyster Cult Band nhạc này có tên gọi là Black Sabbath của Mỹ và thứ âm nhạc họ chơi được gọi là “Metal thông minh”. Nhóm nhạc thành lập từ năm 67 nhưng mãi đến năm 1972 mới cho ra album đầu tiên. Nhóm đặc biệt nổi tiếng với những bài hát bất hủ như: (Don’t Fear) The Reaper, Godzilla hay Burning For You nhưng đấy là khi nhóm đã chuyển dần sang thể loại nhạc nhẹ nhàng hơn. 3 albums đầu của nhóm gồm: Blue Oyster Cult -72, Tyranny And Mutation – 73 và Secret Treaties -74 luôn được coi là những siêu phẩm của dòng Metal đầu những năm 70. Nhóm cũng là những người đầu tiên sáng tạo ra hai dấm chấm trên đầu chữ O mà về sau một loạt band nhạc Metal đã học theo, tiêu biểu là Motorhead, Motley Crue hay Queensryche. Rất khó để có thể miêu tả chính xác âm nhạc của nhóm, vì nó khá lạ và rất riêng biệt nhưng có thể miêu tả thế này: âm nhạc của nhóm là sự kết hợp giữa những tiếng riff đơn giản, mạnh mẽ kiểu Black Sabbath kết hợp với tiếng keyboards và với những bài hát có cấu trúc rất lạ, và được phát triển theo cách riêng biệt không thể đoán trước của nhóm. Những tác phẩm nổi tiêng của nhóm trong giai đoạn Metal có thể kể đến: Hot Rails To Hell, Mitress Of The Salmon(Quicklime Girl), Harvester Of Eyes và đặc biệt là Astronomy. Hot Rails To Hell Astronomy (còn tiếp)
Sự phát triển của Heavy Metal trên thế giới trong thập kỷ 70 (tiếp theo) Aerosmith Thành lập từ năm 1970 tại Boston, USA và là một trong những band nhạc Rock thành công nhất trong lịch sử âm nhạc của Mỹ. Band nhạc bao gồm: Steven Tyler- ca sỹ, Joe Perry –guitar, Tom Hamilton –bass, Joey Kramer – trống và Brad Whitford- guitar. Sự nghiệp band nhạc chia ra làm 2 thời kỳ: thời kỳ đầu chơi nhạc Metal vào thập kỷ 70, thời kỳ sau chơi nhạc Rock / Glam Metal. Điều đặc biệt là cả hai thời kỳ đều thành công rực rỡ với những album tiêu biểu cho mỗi thời kỳ là Toys In The Attic và Get A Grip. Back In The Saddle Đây là một band nhạc hết sức phổ biến ở Việt Nam với những tác phẩm như Cryin’, Amazing, Angel, Crazy, Janie’s Got A Gun và đặc biệt là siêu phẩm I Don’t Want To Miss A Thing. Tuy nhiên đó là những bài hát ở giai đoạn sau của nhómm, khi chất nhạc Metal đã mất đi rất nhiều, mà ít người biết rằng 4 albums đầu tiên được coi là Metal thực sự đó là Aerosmith - 73, Get Your Wings -74, Toys In The Attic -75 và Rocks -76. Các nhạc phẩm tiêu biểu của giai đoạn này của Aerosmith có thể kể đến: Dream On, Sweet Emotion,Toys In The Attic, Walk This Way, Back In The Saddle, Nobody’s Fault. Sweet Emotion Đến cuối thập niên 70 đầu 80, Aerosmith tan rã vì các thành viên đều nghiện ma túy quá nặng. Phải đến giữa thập niên 80, sau khi các thành viên cai nghiện xong, Aerosmith mới quay trở lại bầu trời âm nhạc và tiếp tục gặt hái vô số thành công với một loạt các albums để đời,với Permanent Vacation, Pump, Get a Grip. Mặc dù vậy, trong thời kỳ này chất Metal của họ đã không còn nhiều nữa. Chính vì các nhạc phẩm sau này đã quá nổi tiếng nên chỉ xin giới thiệu lại những tác phẩm trong thời kỳ đầu của Aerosmith, thời kỳ họ chơi nhạc Metal. Walk This Way Thin Lizzy Thành lập năm 1969 tại Dublin, Ireland. Âm nhạc của nhóm là sự kết hợp của rất nhiều thể loại nhạc trong đó tiêu biểu là nhạc blues và hard rock/metal kết hợp với psychedelic và nhạc folk. Có album từ những năm đầu thập kỷ 70 nhưng phải đến năm 76 nhóm mới nhận được sự chú ý của thế giới âm nhạc với album kinh điển của nhóm Jailbreak. Các tác phẩm nổi tiếng của nhóm có thể kể đến Whiskey in the Jar, Jailbreak và The Boys Are Back in Town.
Sự phát triển của Heavy Metal trên thế giới trong thập kỷ 70 (tiếp theo) Scorpions Đây là một trong những band nhạc lâu đời và được biết đến nhiều nhất của Đức trên thế giới (ViệtNam có thể là ngoại lệ, vì tại Việt Nam có khi Scorpions không nổi tiếng bằng Modern Talking, một band disco ở thập niên 80). Thành lập từ năm 1965, với rất nhiều sự thay đổi trong đội hình, nhưng thời điểm thành công nhất band nhạc bao gồm: Rudolf Schenker – guitar, Klaus Meine – vocals, Ulrich Roth – guitar, Francis Buchholz –bass, Rudy Lenners –drums. Album đầu tiên của nhóm được tung ra từ năm 1972, nhưng phải đến tận năm 1976 khi nhóm tung ra album Virgin Killer nhóm mới thực sự được biết đến tại một số nước châu Âu.Từ đây, âm nhạc của nhóm cũng thay đổi và chuyển dần từ psychedelic sang Hard Rock/ Metal. Và phải đến tận năm 1979, khi Micheal Schenker, em trai của Rudolf quay trở lại với nhóm và ghi âm album Lovedrive nhóm mới thực sự cất cánh và được biết đến tại Mỹ. Album có một số bài hát sau này rất nổi tiếng như: Loving You Sunday Morning, Holiday, Always Somewhere, Holiday hay bản hòa tấu Coast To Coast. Từ đó nhóm đã cho ra đời công thức để sau này thành công: các album tập trung những bài hát mang tính Metal kết hợp với một số bản ballad với giai điệu nhẹ nhàng. Tiếp nối công thức thành công này, nhóm cho ra đời một loạt các albums ở nửa đầu thập niên 80 và trở nên nổi tiếng khắp thế giới với những siêu phẩm như: Rock You Like a Hurricane ,Wind of Change, No One Like You, Still Loving You và Send Me an Angel trong các album Animal Magnetism -80, BlackOut -82 và Love At First Sting -84, Savage Amusement -1988, Crazy World -1990. Holiday No One Like You UFO Thành lập từ năm 1969 và có album đầu tiên từ năm 1970 nhưng UFO lúc đầu là band nhạc chơi theo kiểu psychedelic rock. Phải đến tận năm 1973 khi tay guitar trẻ người Đức Micheal Schenker – tay guitar của Scorpions - (mới 18 tuổi và gần như không biết tiếng Anh) ra nhập nhóm thì âm nhạc của UFO mới chuyển sang Heavy Metal và đạt được những thành công đáng kể trên bầu trời âm nhạc. Nhạc của nhóm chủ yếu do Schenker viết, còn lời thì do Phil Mogg. Band nhạc đạt được những thành công vang đội với album Phenomenon -74 với các nhạc phẩm Rock Bottom hay Doctor, Doctor. Tiếp nối thành công của Phenomenon band nhac cho ra đời một loạt các albums được đánh giá rất cao như Force It -75, No Heavy Petting-76, Lights Out -77 và Obsession – 78 với đỉnh cao nhất là Lights Out. Nhưng rồi mâu thuẫn giữa 2 thế lực chính của band nhạc đã diễn ra giữa Schenker với Mogg khiến ông rời nhóm và UFO lập tức đi xuống. Sau này Schenker đã kể lại là ông rất sợ Phil Mogg và không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt của Mogg vì ông và Mogg theo lịch cổ Trung Quốc là xung chính (Schenker sinh đầu năm 1955 nhưng là tuổi Ngọ còn Mogg sinh năm 1948 tuổi Tí – mà ông này đúng là mê tín thật còn tính cả tuổi âm nữa thì cũng chịu). Một band nhạc cũng có rất nhiều ảnh hưởng, một vài band có thể kể đến Iron Maiden, Metallica, Def Leppard hay Guns ‘N’ Roses. Ngoài hai tuyệt phẩm đã kể ở trên còn có thể kế đến Lights Out cũng là một tuyệt phẩm không thể quên của nhóm. Doctor, doctor Lights Out Kiss Kiss là một band nhạc Hard Rock/Metal và sau này có lúc nhóm chơi thể loại Glam Metal. Nhóm được thành lập từ năm 1973 với các thành viên chính: Gene Simmons – bass,Paul Stanley- vocals, guitar, Ace Frehley – guitar và Peter Criss - drums. Kiss đặc trưng bởi kiểu vẽ mặt trắng-đen và những màn trình diễn live ấn tượng có sử dụng các hiệu ứng đặc biệt như phun lửa… mà sau này ảnh hưởng rất nhiều đến các band Metal. Trong thập kỷ 70 Kiss tung ra một số album có chất lượng cao mà sau này ảnh hưởng rất nhiều đến các dòng Metal sau này, đặc biệt là Glam Metal. Các albums tiêu biểu trong thời kỳ này có thể kể đển Kiss -74, Destroyer -76, Rock And Roll Over-76, Love Gun -77 và Dynasty -79, với đỉnh cao là Destroyer. Đây cũng là những album mang tính Metal truyền thống. Tay guitar bass của nhóm, Gene Simmons cũng rất nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng sau này. Những bài hát đỉnh cao của nhóm có thể kể đến: God Of Thunder, bản ballad Beth, Detroit Rock City hay Shock Me. God Of Thunder Shock Me
Chúng ta đã đến những năm 1974 và đây là thời điểm ta đến với 2 tên tuổi khổng lồ của dòng nhạc Metal: Rush - band ảnh hưởng lớn nhất tới các dòng Progressive Metal sau này và Judas Priest band nhạc có ảnh hưởng có lẽ là chỉ sau Black Sabbath mà thôi. Trước tiên ta hãy đến với Rush. Rush Rush là band nhạc rock Canada nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng nhất trên toàn thế giới. Thành lập từ năm 1968 tại Toronto nhưng mãi tận năm 1974 nhóm mới cho ra album đầu tiên. Thành phần là bộ ba huyền thoại: Geddy Lee - vocals,bass, Alex Lifeson – guitar, Neil Peart – drums. Trong đó Lee là một trong những tay guitar bass có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhạc rock thế giới với phong cách và kỹ thuật chơi siêu hạng, ông trở thành một trong những anh hùng guitar bass đầu tiên trên thế giới. Những tay anh hùng guitar bass nổi tiếng sau này như: Steve Harris của Iron Maiden, Cliff Burton –Metallica, John Myung của Dream Theater hay Les Claypool của Primus đều chịu ảnh hưởng của Lee. Ông cũng được khen ngợi rất nhiều khi trong các buổi biểu diễn cùng 1 lúc chơi nhiều nhạc cụ khác nhau. Tay trống Peart cũng là một người có rất nhiều ảnh hưởng trong làng nhạc rock với bộ trống riêng đã trở thành huyền thoại: 360 – độ, với dàn trống được đặt xung quanh người. Peart cũng rất nhiều lần được bầu là tay trống rock xuất sắc nhất trong năm của các tạp chí rock uy tín với tốc độ và phong cách chơi vô cùng riêng biệt. Đặc biệt là các đoạn solo trống hay việc tích hợp cả tiếng trống điện tử, hay glockenspiel và tubular bells vào bộ trống truyền thống để tạo ra âm thanh hoàn toàn mới. Chính vì thế Peart hiện tại vẫn được coi là một trong những tay trống xuất sắc nhất trong lịch sử. Trong lịch sử kéo dài 40 năm của mình, âm nhạc của Rush chia thành 4 thời kỳ riêng biệt và chơi những thứ âm nhạc rất khác nhau. Tuy nhiên cả 4 thời kỳ này đều thành công rực rỡ và biến Rush trở thành một trong những tài năng đặc biệt và có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nhạc rock và metal thế giới (mặc dù có thời kỳ Rush hoàn toàn không chơi Metal). Thời kỳ Heavy Metal Thời kỳ này kéo dài trong 4 albums : Rush – 74, Fly By Night -75, Caress Of Steel – 75 và 2112 -76. Đây cũng là thời kỳ mà âm nhạc của Rush có sự phát triển vượt bậc, khởi đầu với Rush -74 với rất nhiều ảnh hưởng của Led Zeppelin và Budgie và chơi theo kiểu Metal truyền thống và lúc này Peart chưa nhập nhóm. Album Fly By Night của nhóm với sự góp mặt của Peart chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của Rush và sự thay đổi trong âm nhạc của Rush khi Peart là người viết lời hát chính, và kèm thêm là những đoạn solo trống đầy dũng mãnh. Với album này, ảnh hưởng của Led Zeppelin đã không còn sâu đậm như trước. Nhưng với album Caress Steel ra cùng năm với Fly By Night, thì ảnh hưởng của Led Zeppelin không còn nữa, lúc này Rush chơi thứ âm nhạc lạ lùng của riêng họ với những bài hát rất dài, cấu trúc phức tạp và khác hẳn so với các band Metal khác . Lần đầu tiên trong lịch sử nhạc Metal, có bài hát kéo dài tới 20 phút The Fountain Of Lamneth, mà không chỉ một bài, nhạc phẩm The Necromancer trong album cũng kéo dài 13 phút. Sự thay đổi của Rush gây shock cho không những cho fan hâm mộ của nhóm mà còn cho cả giới phê bình và hãng ghi âm. Những phản ứng ban đầu rất tiêu cực, khi Rush bị các fan hâm mộ ngoảnh mặt, giới phê bình thì chỉ trích album này là thiếu tập trung và vớ vẩn. Đến nỗi hãng đĩa của Rush phải tạo áp lực để album tiếp theo của họ cần phải trở lại thứ âm nhạc như trước. Mặc cho chỉ trích và áp lực từ giới chuyên môn, fan hâm mộ cũng như hãng đĩa, Rush tiếp tục phát triển những ý tưởng của riêng mình và một năm sau họ tung ra siêu phẩm 2112 với siêu phẩm cùng tên dài tới 21 phút. Giới chuyên môn và người hâm mộ cũng như hãng đĩa tiếp tục bị shock, nhưng lần này thì khác, họ phải ngả mũ thán phục tài năng của Rush. Album này chứng kiến thành công vang dội của nhóm. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Rush đạt đĩa bạch kim tại Canada và bán được hơn 3 triệu bản tại Mỹ, album cũng là album thành công thứ 2 trong lịch sử của nhóm, ngoài nhạc phẩm cùng tên 2112 thì "A Passage to Bangkok" và The Twilight Zone" cũng gặt hái được rất nhiều thành công. chỉ sau Moving Pictures sau này. Trong lịch sử của mình, đây không chỉ là lần đầu tiên Rush gây shock cho tất cả mọi người mà còn nhiều lần nữa. Working Man trong album Rush - 74 Anthem trong album Fly By Night -75 với sự góp mặt lần đầu của Peart Bastille Day trong album Caress Of Steel -75 - album bị hầu hết các fan ngoảnh mặt. A Passage to Bangkok trong album 2112- 76, album làm câm lặng các chỉ trích cho Rush trước đó. Sau thành công vang dội của 2112, tất cả tưởng như Rush sẽ tiếp tục con đường thành công của nhóm nhưng không, Rush chuyển hẳn sang một giai đoạn khác của nhóm với rất nhiều thử nghiệm mới mẻ, nhóm chuyển sang chơi Heavy Prog mà không chơi nhạc Metal như trước nữa. Ngay lập tức nhóm chinh phục được các khán giả rất khó tính và trở thành một trong những band được yêu thích nhất của dòng này, nhóm chuyển sang thời kỳ thứ hai của mình: thời kỳ Heavy Progressive Rock. Cuối bài viết này là siêu nhạc phẩm 2112 kéo dài gần 21 phút. 2112 (còn tiếp)
Rush tiếp theo Thời kỳ Progressive Rock. Đây cũng là thời kỳ thành công rực rỡ nhất của Rush, và cũng với 4 albums: A Farewell To Kings -77, Hemispheres -78, Permanent Waves -80 và Moving Pictures -81. Sau khi thành công trong giai đoạn thứ nhất với đỉnh cao là siêu album 2112, Rush lại gây shock cho giới hâm mộ khi chuyển hẳn sang thể loại Heavy Prog Rock với hàng loạt album ấn tượng và ngay lập tức chinh phục trái tim của những người yêu thể loại Prog Rock vốn rất khó tính. Để thấy rõ vai trò và tầm ảnh hưởng của Rush trước tiên ta cần phải điểm qua tình hình lịch sử trước đã. Lúc Rush chuyển sang chơi nhạc Prog Rock là một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của nhạc Prog Rock. Sau khi hình thành và phát triển trong hơn 1 thập kỷ, đến cuối thập kỷ 70, các band Prog Rock gạo cội dần cạn kiệt ý tưởng và dẫn tới sự tan rã và sụp đổ của hàng loạt bands như: King Crimson, Van Der Graaf Generator... những band gạo cội còn lại phải chuyển sang chơi thể loại nhạc khác để tự cứu mình như: Genesis, Yes, ELP. Với hoàn cảnh lịch sử như vậy, việc Rush chuyển sang chơi Prog Rock - một thể loại đang bị cho là hết thời - có lẽ là một trong những ý tưởng điên rồ nhất của band nhạc. Nhưng thật bất ngờ khi chính đây lại là giai đoạn thành công nhất của band nhạc với cả 4 albums đều được coi là đỉnh cao của Prog Rock, điều đó đã chứng tỏ tài năng và sự sáng tạo của Rush lớn đến mức nào. Cũng phải nói thêm rằng, tại thời điểm này Rush chuyển sang xứ Wales sống và thực sự ấn tượng với các âm nhạc của các band như Yes, một band Prog Rock chơi rất kỹ thuật, Van Der Graaf Generator, chơi thứ âm nhạc Prog rock u tối và buồn bã và King Crimson, một band chơi sáng tạo và mạnh mẽ. Để chơi được thể loại phức tạp này, Rush buộc phải thay đổi cách chơi nhạc khi Lee sử dụng syntherizer, Lifeson sử dụng classical 12 string guitar và Peart thì tích hợp rất nhiều nhạc cụ mới mẻ của dàn giao hưởng như chuông, cồng, turbular bells – một loại chuông gồm nhiều ống nhỏ mà khi dùng dùi trống gạt qua sẽ tạo ra âm thanh cao và trong… vào bộ trống của mình. Các bài hát của Rush lúc này cũng mang rất nhiều đặc trưng của Prog rock như: nhịp điệu khác lạ, cấu trúc phức tạp, lối chơi phô diễn kỹ thuật và sử dụng nhiều syntherizer –một loại nhạc cụ điện tử (thường là có tích hợp keyboards và các bộ điều chỉnh âm thanh) . Nếu như 2 album A Farewell To King và Hemmispheres có thể coi như 1 album kép với rất nhiều điểm tương đồng đã mang đến thành công mới cho Rush, khi A Farewell To King trở thành album đầu tiên trong lịch sử giành được đĩa vàng ở Mỹ và sau này là đĩa bạch kim. Hai album có cấu trúc khá giống nhau với sự đan xen giữa những bài hát dài, cấu trúc phức tạp (Xanadu -dài hơn 11 phút -trong A Farewell To King và La Villa Strangiato – nhạc phẩm hòa tấu không lời đầu tiên của Rush dài hơn 9 phút, cả 2 nhạc phẩm này sau này đều trở thành các siêu phẩm. Và các bài hát ngắn với giai điêu và tiết tấu rất hay như: Farewell To King, Cinderella Man, Closer To The Heart hay Circumstances, The Trees) Nhưng điểm nổi bật nhất trong 2 album này chính là siêu tác phẩm Cygnus X-1, một câu chuyện khoa học viễn tưởng gồm 2 phần: phần 1 – Book 1: dài 10 phút, là bài hát cuối cùng trong album A Farewell To King, kể về chuyến đi của Cygnus trên con tàu vũ trụ Rocinante và bị lỗ đen Cygnus X-1 hút vào. Đây là một siêu phẩm nổi tiếng nhất của Rush hoàn hảo kể từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc. Từ lúc khởi đầu với giọng nói như tiếng người máy, tới lúc kết thúc chuyến đi khi con tàu của Cygnus bị lỗ đen hút vào anh mất điều khiển và cảm giác đau đớn sợ hãi tột độ khi các tê bào thần kinh bị tan ra thành những mảnh nhỏ. Phần một câu chuyện chấm dứt ở đây nhưng tất nhiên là Cygnus chưa chết, anh chỉ bị ngất đi. Phần 2 – Book 2: dài hơn 18 phút và là bài đầu tiên trong album Hemmispheres – bán cầu não - bắt đầu khi Cygnus tỉnh lại và anh thấy mình đang ở một hành tinh với cuộc chiến sống còn giữa 2 thế lực: Apollo, người mang đến trí tuệ và Dionysus người mang đến tình yêu. Cygnus đã trở thành người hùng khi tìm được sự cân bằng giữa lý trí và trái tim để đạt đến những mục tiêu chung mà cả lý trí và trái tim cùng hướng tới. Khi lý trí và trái tìm trở nên thống nhất trong cùng một bộ não. Chỉ với 2 albums này, Rush đã chinh phục được những người hâm mộ Prog Rock khó tính nhất. Dù rất khác so với âm nhạc thời kỳ đầu của nhóm, albums này cũng có những thành công vang dội và trở thành một trong những albums được mến mộ nhất, đặc biệt là các fan của dòng Progressive Rock. Xanadu Closer To The Heart Và siêu nhạc phẩm Cygnus X1: gồm cả 2 phần Book I và Book II
Rush Ngay sau hai albums đầu tiên chơi Prog Rock, Rush đã thu hút được thêm một lượng lớn fan hâm mộ. Thế nhưng đó chưa phải là thành công cuối cùng của Rush với dòng nhạc Progressive Rock mà họ còn đạt đến một đỉnh cao mới hơn khi cho ra đời 2 siêu phẩm : Permanent Waves -1980 và đạt đến đỉnh cao về mặt nghệ thuật lẫn thương mại với Moving Pictures -81. So sánh với 2 albums trước thì 2 albums này ít tính progressive hơn với các bài hát ngắn hơn và không phải là concept album – album có cốt truyện - như 2 album trước. Với những siêu phẩm như: The Spirit Of Radio, Freewill, Tom Sawyer – tác phẩm phổ biến nhất của nhóm, Limelight hay bản hòa tấu YYZ thay đổi tempo được đưa vào sách giáo khoa dành cho các nhóm Progressive Metal, Rush cũng đạt đến thành công lớn nhất về mặt thương mại khi Moving Pictures bán được hơn 4 triệu bản chỉ riêng tại Mỹ. Đến nay, Moving Pictures vẫn được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của Rush, các buổi trình diễn của Rush không khi nào thiếu vắng Tom Sawyer, Red Barchetta hay YYZ. Với những màn trình diễn mà nếu không tận mắt chứng kiến thì khó có thể tin nổi chỉ với 3 thành viên mà Rush có thể chơi được một thứ âm nhạc phức tạp và sử dụng rất nhiều nhạc cụ như vậy. Nhưng trong thành công tuyệt đỉnh của mình, cũng giống các lần trước Rush lại chuyển đổi âm nhạc của mình sang một thể loại âm nhạc hoàn toàn mới, thể loại này chủ yếu dựa trên syntherizer và lúc này âm nhạc của Rush không còn tính Metal nữa, nhưng cũng chỉ sau 4 albums với thời kỳ syntherizer, đỉnh cao của thời kỳ này là Signals -82 , Rush lại chuyển sang thể loại Rock bình thường với guitar là nhạc cụ chủ đạo và tiếp tục gặt hái thành công và thu hút nhiều khán giả mới, trẻ trung hơn. Đỉnh cao thời kỳ này của Rush là album Counterparts năm 1993. Hiện tại, Rush vẫn tiếp tục ra các album mới với thể loại rock này, album gần nhất của nhóm là Clockwork Angels -2012. Trong lịch sử Metal, Rush vẫn là cái tên đem lại vô số cảm xúc và là những tài năng sáng chói không chỉ của dòng nhạc này mà còn của nền nhạc Rock thế giới. Năm 2013, Rush được đưa vào ngôi đền Rock And Roll Hall Of Fame - nơi tôn vinh những thần tượng của dòng nhac Rock. Rush thực sự là một huyền thoại. Sprit Of Radio Tom Sawyer - Nhạc phẩm phổ biến nhất của nhóm YYZ nhạc phẩm hòa tấu tiêu biểu của nhóm, đoạn chuyển tempo ở giây thứ 37 là niềm cảm hứng mà hầu như tất cả các band Progressive Metal đều học theo .
Judas Priest Bây giờ chúng ta lại tiếp tục đến với một người khổng lồ nữa trong làng nhạc Metal và rock thế giới, band nhạc có rất nhiều ảnh hưởng tới những trào lưu và dòng nhạc sau này như: NWOBHM, Thrash, Speed và Power Metal. Nếu như Black Sabbath là band nhạc sáng tạo đồng thời có ảnh hưởng lớn nhất thì band nhạc có ảnh hưởng và đóng góp lớn thứ hai không ai khác hơn ngoài Judas Priest. Vậy những đóng góp của Judas với dòng nhạc Metal là gì? Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những đóng góp để góp phần phát triển thành một dòng nhạc lớn mạnh của nhóm Judas Priest. Những đóng góp lớn nhất có thể kể ra như sau: 1. Loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của blues và psychedelic rock ra khỏi dòng nhạc Metal. Như ở những bài đầu tiên chúng ta đã phân tích, dòng nhạc Metal hình thành và phát triển dựa trên gốc là hai dòng nhạc blues và psychedelic. Black Sabbath đã có những lúc tưởng như thoát khỏi ảnh hưởng của hai dòng nhạc này nhưng rồi bóng ma của cả hai dòng nhạc tiếp tục quay lại và ám ảnh trong rất nhiều albums về sau của nhóm. Các band nhạc Metal khác vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ blues và psychedelic. Bản thân Judas Priest trong album đầu tiên của họ - Rocka Rolla- cũng vẫn còn ảnh hưởng rất rõ của cả hai dòng nhạc này. Nhưng với các albums sau đó của nhóm, ảnh hưởng còn lại của hai dòng nhạc trên còn rất ít và dần dần mất hẳn. Đóng góp này của Judas khiến Metal trở thành dòng nhạc riêng biệt và không thể nhầm lẫn với các dòng nhạc khác. 2. Đóng góp thứ 2 của Judas Priest là phát triển một thứ âm nhạc Metal mới mẻ dựa trên 2 guitar lead của K.K Downing và Glenn Tipton. Nếu ở thời điểm hiện tại, điều này chằng có gì mới mẻ và quan trọng nhưng chúng ta cần phải đặt vào hoàn cảnh thập kỷ 70. Đầu thập kỷ 70 việc chơi theo kiểu 2 guitar lead là rất hiếm, band nhạc rock đầu tiên chơi theo kiểu này có lẽ là Wishbone Ash với đỉnh cao là album Argus -72. Nhưng Judas Priest là band nhạc đầu tiên của dòng nhạc Metal chơi và phát triển phong cách chơi này. Họ cũng là band nhạc đầu tiên chơi nhạc với tốc độ rất cao và mang lại nhiều âm thanh Metal cho cây đàn guitar. Đến bây giờ thì không thể đếm nổi là có bao nhiêu band nhạc Metal chơi theo kiểu hai guitar lead này nhưng có thể kể ra một số người khổng lồ: Iron Maiden, Metallica, Megadeth… tất cả những nhóm này đều chịu ảnh hưởng của Judas Priest. 3. Một đóng góp vô cùng quan trọng nữa của Judas Priest đó là giọng ca mang đậm tính opera của Rob Halford. Giọng ca của Halford trải trong một dải rất dài (wide range) từ giọng rất trầm lên tới cao vút. Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, giọng ca của ông này được cho là trải trong vòng 6 quãng tám (đây là một thuật ngữ âm nhạc chỉ những quãng âm giữa một âm cao này với một âm cao khác có tần số hoặc gấp đôi hoặc bằng một nửa tần số của nó). Giọng ca của Halford rất khỏe và có ảnh hưởng tới hầu hết các giọng ca của nhánh nhạc Power Metal và Progressive Metal. 4. Judas Priest cũng có đóng góp quyết định tới việc hình thành phong cách thời trang và biểu diễn mà sau này người ta gọi là phong cách Metal với việc mặc quần áo da đen trên có đóng rất nhiều đinh tán kim loại và các đồ trang sức kim loại khác. Phong cách biểu diễn trên sân khấu của nhóm cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới dòng nhạc Metal sau này khi Halford thường xuất hiện trên sân khấu với chiếc xe Harley Davidson. Với những đóng góp hết sức lớn lao cho sự phát triển và dòng nhạc của nhóm. Priest xứng đáng là một trong những nhóm nhạc quan trọng nhất trong lịch sử Metal. Họ thường được các fan của Metal đặt cho nickname Metal Gods, dựa theo tên một bài hát trong album British Steel -80. Với âm thanh mạnh mẽ và mang nhiều tính bạo lực của mình, Judas cũng đã từng khốn khổ khi dính vào một trong những vụ kiện tụng đình đám nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. Năm 1985, hai thanh niên Mỹ trẻ James Vance, Raymond Belknap, những fan của band nhạc, sau khi dùng bia, ma túy, nghe nhạc của Judas Priest đã tự bắn chính mình. Belknap chết ngay sau đó, Vance thì bị thương nặng và cũng qua đời sau 3 năm. Cha mẹ của các thanh niên này đã kiện nhóm Judas Priest vì trong album Stained Class mà hai thanh niên trẻ nghe trước khi tự tử có bài hát “ Better By You, Better Than Me” với thông điệp “Do It – Làm đi” đã kích động các thanh niên này hành động điên rồ như vậy. Mặc dù đây chỉ là bài hát mà nhóm cover lại của Spooky Tooth. Dù sau đó vụ kiện này đã bị bãi bỏ, nó cũng để lại tiếng xấu cho band nhạc. Rocka Rolla- một trong những thành công đầu tiên của Judas Priest Breaking The Law - Video Clips đầu tiên của Judas Priest Bản ballad Here Comes The Tears Better By You, Better Than Me, bài hát đã làm Judas Priest khốn khổ
Judas Priest Thành lập từ năm 1969 tại Birmingham – Anh Quốc, và đến tận năm 1974 nhóm mới cho ra đời album đầu tiên. Nhóm bao gồm: bộ đôi guitars Glenn Tipton/K.K Downing, Ian Hill –bass và Rob Halford – vocal , riêng vị trí trống của band nhạc thì liên tục thay đổi cho đến tận cuối thập kỷ 70 với Dave Holland và cuối thập kỷ 80 đến nay là Scott Travis. Trong lịch sử kéo dài tới hơn 50 năm của mình, Judas Priest đã cũng trải qua rất nhiều thời kỳ với sự thay đổi khá lớn trong âm nhạc. Tuy nhiên họ chưa bao giờ rời xa khỏi dòng nhạc Heavy Metal, phần lớn các albums của nhóm đều trở thành những album kinh điển của nhạc Metal thế giới như: Sad Wings Of Destiny -76, Sin After Sin – 77, Stained Class -78, Hell Bent For The Leather -78, British Steel -80, Point Of Entry -81, Screaming For Vengence -82, Defenders Of The Faith -84, Painkiller -91. Ngoài ra các album như Jugulator -97, với giọng ca của Tim Owens, Angel Of Retribution -2005, với sự trở lại của Rob Halford và Nostradamus cũng rất được yêu mến và hâm mộ. Sau album đầu tiên Rocka Rolla chưa có ý tưởng rõ ràng và chịu nhiều ảnh hưởng của cả nhạc blues và psychedelic, thì 3 albums sau đó của Judas đã phát triển một thứ âm nhạc Metal thuần chất, loại bỏ hầu hết các ảnh hưởng của blues và psychedelic. Cả 3 albums sau này đều trở thành kinh điển của cả dòng nhạc. Năm 1976, Judas Priest tung ra album thứ 2, cũng là album cuối cùng của mình với hãng Gull, một hãng ghi âm nhỏ của Anh. Sau album này, Judas ký hợp đồng với hãng đĩa lớn hơn CBS, hãng đĩa đóng góp công sức rất lớn khiến họ nổi tiếng trên toàn cầu. Tuy nhiên Judas Priest lại không giữ bản quyền 2 đĩa đầu của họ, điều này khiến việc tìm được 2 địa đầu bây giờ cũng khá khó khăn. Ta trở lại với âm nhạc của Judas Priest, album Sad Wings Of Destiny hiển nhiên là album kinh điển đầu tiên của Judas Priest với rất nhiều đặc trưng của nhóm: tung hứng giữa 2 tay lead guitar, giọng ca cao vút của Halford. Mặc dù tiết tấu của album còn khá chậm, giống như các album Metal khác trong cùng thời, nhưng album vẫn luôn được giới phê bình và cả các fan hâm mộ đánh giá rất cao với một loạt các bài hát nổi tiếng như: Victim Of Changes, The Ripper, Dreamer Deceiver, Tyrant, Genocide. Đây cũng là album đầu tiên của nhóm đạt đĩa vàng tại Mỹ, khởi đầu cho một chuỗi các albums thành công về mặt thương mại sau này. Victim Of Changes Tyrant The Ripper Album tiếp theo của nhóm Sin After Sin -77 là album đầu tiên của nhóm ký với hãng đĩa lớn CBS, nó cũng đánh dấu bước ngoặt lớn của Judas Priest khi nhóm lần đầu tiên đi lưu diễn khắp nước Mỹ và biểu diễn với những nhóm nhạc khổng lồ như REO Speedwagon, Foreigner và đặc biệt là với Led Zeppelin trong festival Day On The Green, nơi lần đầu tiên nhóm biểu diễn trước đám đông 120 nghìn khán giả. Cũng chính vì những tour lưu diễn này mà nhóm dần dần được biết đến và trở thành một nhóm nhạc nổi tiếng và phổ biến trên toàn bộ nước Mỹ. Về mặt âm nhạc, Sin After Sin chứng kiến sự thay đổi trong âm nhạc của nhóm với một tốc độ cao hơn rất nhiều so với album trước đó Sad Wings Of Destiny. Chính vì vậy, nhiều fan hâm mộ cho rằng đây mới thực sự là album Metal đầu tiên, tuy nhiên ta sẽ không quay lại vấn đề này nữa. Trong album cũng có một số bài ballad như: Last Rose Of Summer hay Here Comes The Tears. Những bài hát như: Sinner hay Let Us Prey/Call for the Priest, Hot Deal là những điểm sáng của album. Đây cũng là album thứ hai trong chuối 11 albums đạt đĩa vàng hoặc bạch kim của Judas Priest tại Mỹ. Let Us Prey/Call for the Priest Thời kỳ đầu phát triển nhạc Metal của Judas Priest kết thúc với album Stained Class -1978. Với rất nhiều fan hâm mộ của nhóm, thì đây là album xuất sắc nhất. Kế tục album trước Sin After Sin, album này còn có tiết tấu nhanh và mạnh hơn. Âm nhạc của nhóm cũng trở nên đen tối hơn so với các albums trước đó với lời bài hát thường liên tưởng đến cái chết, thế giới bên kia, luân hồi, ma quỷ… Với album này, hình dạng của dòng nhạc Metal mới đã được hoàn toàn định đoạt. Kể từ khi hình thành vào những năm cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70, nhạc Metal đã thoát khỏi ảnh hưởng của nhạc blues và psychedelic rock để trở thành dòng nhạc riêng với tiết tâu nhanh và mạnh nhất trong lịch sử âm nhạc. Chính vì thế với rất nhiều fan hâm mộ của dòng nhạc Metal, họ coi đây là album xuất sắc nhất trong lịch sử của dòng nhạc và chúng ta cũng có thể hiểu được phần nào lý do. Ta cũng không quên nhắc lại là trong album này có bài hát cover Better By You, Better Than Me đã khiến cho Judas Priest lâm vào cuộc chiến pháp lý vô nghĩa và rất đau buồn trong lịch sử của nhóm. Các bài hát trong album đã trở thành kinh điển có thể kể đến : “Exciter”, “Beyond The Realms Of Death”, “Better By You, Better Than Me”, “White Heat, Red Hot”, “Saints In Hell”… Exciter Beyond The Realms Of Death Với 3 albums này, Judas Priest đã dẫn dòng nhạc Metal đi theo một hướng mới mẻ và hiện đại với tốc độ cao, những đoạn solo guitar mạnh mẽ đồng thời loại bỏ ảnh hưởng của blues và psychedelic ra khỏi nhạc Metal. Tuy nhiên 3 albums này vẫn có những điểm yếu riêng của chúng. Trong cả 3 albums, giọng ca của Halford sử dụng rất nhiều những đoạn gào thét (screaming) do ông chịu ảnh hưởng của Ian Gillan của Deep Purple, rất nhiều fan Metal thích điều này nhưng với những người hâm mộ bình thường thì không. Hiển nhiên giọng ca của Halford khỏe và cao hơn nhiều so với Gillan nhưng để dòng nhạc Metal chinh phục được những khán giả “bình thường” thì Judas cần có sự thay đổi, chính vì thế một loạt các albums sau giai đoạn này của nhóm đã có nhiều tính thương mại, dễ nghe hơn để hướng tới phần đông công chúng. Đó cũng chính là giai đoạn tiếp theo của nhóm với rất nhiều albums thành công vang dội mà chúng ta sẽ xét tới trong phần sau.
Judas Priest Thời kỳ thành công trên toàn thế giới Thời kỳ này khởi đầu với album Killing Machine/ Hell Bent For The Leather -78. 9 tháng sau khi cho ra đời album Stained Class. Judas Priest cho ra đời album Killing Machine (tại Anh Quốc)/ Hell Bent For Leather (tại Mỹ). Album này chứng kiến sự thay đổi lớn trong âm nhạc của Judas Priest khi những đoạn solo chát chúa hoặc những đoạn gào thét rất phổ biến ở các album trước trở nên ít dần trong albums này. Âm nhạc của nhóm, tuy vẫn có tốc độ rất cao, trở nên dễ nghe và thân thiện với các đài radio hơn, mà bản ballad Evening Star, Before The Dawn là ví dụ điển hình (bản ballad Before The Dawn được phát liên tục trên các kênh radio). Với sự ra đời của album này, nhạc Metal đã dần được xã hội chấp nhận và dần trở nên phổ biến trong xã hội. Các bài hát hay trong album có thể kể đến: Killing Machine, Hell Bent For Leather, Take On The World, Running Wild hay Before The Dawn. Album này cũng đánh dấu phong cách thời trang Metal của band nhạc với việc sử dụng áo da và các đồ trang trí kim loại mà sau này vô cùng phổ biến trong các band nhạc Metal. Before The Dawn Hell Bent For Leather [/MEDIA] Tiếp nối thành công của Killing Machine, album British Steel -80 tiếp tục loại bỏ nốt những phần lyric đen tối và khó hiểu vẫn còn chút ít ở album trước. Album trở thành album đầu tiên của Judas Priest đạt được đĩa bạch kim tại Mỹ (bán được hơn 1 triệu bản) và đưa band nhạc lên tầm cao mới. Với sự phát triển của các phương tiện hình ảnh trong thập niên 80, MTV chẳng hạn, lần đầu tiên một bài hát của Judas Priest được quay video clip - Breaking The Law – và liên tục xuất hiện trên các chương trình MTV và kênh VH1. Các bài hát như: Metal Gods, Breaking The Law, United, You Don’t Have To Be Old To Be Wise, Ling After Midnight là những điểm sáng trong album. Living After Midnight Với những thành công của Killing Machine và British Steel, Judas Priest tiếp tục ghi âm một album dễ nghe hơn nữa – Point Of Entry -1981. 3 singles được tung ra từ album này và đều được quay video clips đó là : Heading Out To The Highway, Don’t Go và Hot Rockin’. Âm nhạc trong album này gần với classic rock hơn là metal. Album chỉ thuộc dạng trung bình trong sự nghiệp âm nhạc của Judas Priest dù cũng đạt đĩa vàng tại Mỹ. Sau phản ứng khá tiêu cực của các fan về album Point Of Entry, Judas đã trở lại với thứ âm nhạc đích thực làm nên thương hiệu của họ với album đỉnh cao trong sự nghiệp – Screaming For Vengence. Các bài hát trong albums này khá đồng đều với nhiều bài hát rất khác biệt: từ bài có tiết tấu rất nhanh như Screaming For Vengeance đến tiết tấu khá chậm và tình cảm như (Take These) Chains. Các bài hát trong album tuy rất khác biệt nhưng điểm chung là đều có giai điệu khá hay. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình Judas bán được hơn 2 triệu album ở Mỹ (double platinum) đây cũng là album đạt đỉnh cao về thương mại của nhóm, bán được hơn 5 triệu bản trên toàn thế giới. Bài hát You’ve Got Another Thing Comin’ là một trong các bài hát phổ biến nhất của Judas Priest. Điểm sáng trong album này có thể kể đến: The Hellion/Electric Eye, (Take These) Chain, Screaming For Vengeance hay You’ve Got Another Thing Comin’. You’ve Got Another Thing Comin’ Electric Eye Tiếp nối thành công của Screaming For Vengeance, Defender Of The Faiths -84 lại là thành công với cùng một mạch của album Screaming For Vengeance, âm nhạc không có nhiều thay đổi chỉ thiếu các bài hits. Sự thay đổi lớn nhất không đến từ âm nhạc của nhóm mà chủ yếu đến từ khâu sản xuất của album. Album này được đầu tư sản xuất công phu và có chất lượng cao hơn rất nhiều so với các album trước của nhóm. Freewheel Burning, Jawbreaker, Rock Hard Ride Free là những bài hát có chất lượng trong album. Freewheel Burning (còn tiếp)
Judas Priest Judas Priest Sau những album thành công vang dội ở cuối thập kỷ 70 đầu 80, Judas Priest quyết định chuyển hướng âm nhạc một lần nữa khi chơi thể loại nhạc Metal dựa nhiều trên syntheriserr với 2 albums Turbo và Ram It Down (ban đầu nhóm định tung ra 1 album kép mang tên Twin Turbo nhưng dưới sức ép của hãng thu âm đã tách thành 2 album, với Ram It Down có 4 bài được sáng tác trong cùng thời kỳ với Turbo). 2 albums này không thực sự được đánh giá cao nên band quyết định quay trở lại với âm nhạc Metal truyền thống ở giai đoạn đầu tiên của nhóm với album PainKiller -1990. PainKiller là albums đánh nhanh và mạnh nhất trong lịch sử của band nhạc và có vẻ chịu ảnh hưởng của Thrash Metal. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, giọng ca gào thét của Halford trở lại và thậm chí còn cao hơn trước rất nhiều. Dù được tung ra vào năm 90 nhưng albums nhanh chóng được coi là một trong những đỉnh cao trong âm nhạc của Judas Priest và trở thành kinh điển trong làng nhạc Metal thế giới. Sự có mặt của tay trống mới Scott Travis cũng làm cho âm nhạc của band có tiết tâu nhanh và mạnh hơn rất nhiều so với trước kia. Rất nhiều bài hát trong albums này liên tục được trình diễn trong các buổi biểu diễn của band nhạc và được fan vô cùng yêu mến như: Pain Killer, Metal Meltdown, A Touch Of Evil hay All Guns Blazing. Album Painkiller cũng là album kinh điển cuối cùng với sự có mặt của Halford của Judas Priest. Sau album này Halford, do đã cảm thấy mệt mỏi và nhàm chán với âm nhạc của Judas (?) cộng với những rắc rối không đáng có của vụ kiện đình đám đã quyết định chia tay Judas Priest để theo đuổi sự nghiệp solo của riêng mình. Painkiller A Touch Of Evil Sau rất nhiều năm im lặng sau sự ra đi của Halford, phải đến năm 1997, các thành viên còn lại của Judas Priest mới quyết định tiếp tục sự nghiệp của mình bằng cách mời vocalist Tim Owen "Ripper" (Nickname của ông này lấy theo một bài hát của Judas) về nhập nhóm. Dĩ nhiên Halford là một huyền thoại nên ta không thể so sánh Ripper với ông được. Nhưng dù sao Ripper cũng là một tài năng âm nhạc, tài năng của anh này thể hiện ngay trong album đầu tiên với Judas Priest – Jugulator. Cũng giống như Turbo, đây là một album chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong âm nhạc của Judas Priest – nhưng lần này họ chơi Thrash Metal. Có một điều kỳ lạ là Halford rời bỏ Judas Priest để theo đuổi một thứ âm nhạc khác biệt hơn – nghiêng về Thrash Metal thì các thành viên còn lại Judas Priest cũng tiếp tục chơi một thứ âm nhạc mang đậm chất Thrash Metal. Album này cũng gây ra một sự chia rẽ lớn trong các fan hâm mộ của nhóm thành 3 phần riêng biệt: một phần chấp nhận hướng đi mới của nhóm, phần còn lại thích hướng đi mới nhưng không chấp nhận Ripper thay thế Halford và phần cuối cùng không thích cả hướng đi mới và cả Ripper. Mặc cho những đánh giá khác biệt và chia rẽ của fan hâm mộ, những bài hát như Bullet Train và Cathedral Spires vẫn được coi là những bài hát kinh điển của Judas Priest. Nhưng album tiếp theo Demolition, cũng với giọng ca của Ripper, thì nhóm không còn được sự ủng hộ của fan hâm mộ nữa. Album này là sự thất bại trên mọi mặt của Judas Priest. Đây cũng là lý do chính để Ripper rời nhóm và ra nhập Iced Earth – một nhóm Power Metal Mỹ cũng khá nổi tiếng mà ta sẽ nhắc đến ở sau này. Bullet Train Cathedral Spires Sau một thời gian dài theo đuổi sự nghiệp solo và thành lập một loạt band như Fight, 2wo, Halford quyết định quay trở lại để tái hợp với Judas vào năm 2003. 2 năm sau đấy nhóm cho ra đời album Angel of Retribution, một album đánh dấu sự trở lại với những giá trị ban đầu của Judas. Album ngay lập tức được đánh giá rất cao với một loạt các ca khúc được hâm mộ như: Judas Rising, Hell Rider, Loch Ness hay Angel. Judas Rising Tiếp tục thành công của Angel Of Retribution, đến năm 2008, lần đầu tiên Judas Priest tung ra 1 album kép và có cốt truyện (concept album) nói về cuộc đời của nhà tiên tri nổi tiếng Nostradamus. Đây là một album Metal Opera với sự xuất hiện nhiều của các đoạn chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng. Nó cho thấy sự thay đổi và trưởng thành rất nhiều của Judas Priest, tất nhiên nó cũng không hoàn toàn dành cho tất cả mọi người. Đây vẫn là một album hay. Mặc dù là band nhạc gạo cội nhưng do những vấn đề kiện tụng, tranh cãi ngoài đời thực mà Judas Priest vẫn không được giới hàn lâm đánh giá cao. Nhưng với Nostradamus thì khác, lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình Judas nhận được giải thưởng Grammy cho bài hát Nostradamus trong album. Với một band nhạc mang tiếng xấu nhiều như Judas, điều này hẳn cũng sẽ nói lên rất nhiều điều. Tuy vậy, đây lại là album cuối cùng của nhóm với tay guitar gạo cội K.K Downing, người đã tuyên bố nghỉ hưu vào năm 2011 - 3 năm sau khi tung ra album Nostradamus. Lý do sự chia tay của Downing là do mâu thuẫn trong đường hướng phát triển của ban nhạc với các thành viên khác cũng như người quản lý của band. Thiếu vắng Downing quả thật là mất mát lớn đối với Judas nhưng những thành viên còn lại vẫn quyết định tiếp tục sự nghiệp của mình với album mới có thể được phát hành trong năm nay -2013, mà tất nhiên là không có sự có mặt của Downing. Tuy trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng Judas Priest vẫn là một trong những band nhạc được yêu mến và có nhiều ảnh hưởng bậc nhất trong dòng nhạc Metal thế giới với rất nhiều đóng góp to lớn. Chắc chắn Judas Priest sẽ còn được nhắc đến rất nhiều trong các bài viết tiếp theo. Nostradamus
Sự phát triển của Heavy Metal trong thập kỷ 70 AC/DC Band nhạc có lẽ là nổi tiếng nhất của Australia. Một trong những band nhạc dễ được nhận ra nhất, vì tay guitar Angus Young luôn mặc trên người bộ đồng phục học sinh trung học mỗi khi lên sân khấu biểu diễn. Mặc dù AC/DC và nhiều người hâm mộ cho rằng họ chơi thứ nhạc rock n roll cổ nhưng với các album đầu tiên của nhóm, họ thực sự chơi thể loại hard rock/metal và cũng có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của dòng nhạc Hard rock/Metal về sau. Thành lập từ năm 1973 nhưng mãi đến năm 75 nhóm mới cho ra đời album đầu tiên. Và phải đến những năm 1979 nhóm mới dần được thế giới biết đến với album “ Highway To Hell” – album cuối cùng với ca sỹ Bon Scott. Chỉ gần 1 năm sau, Bon Scott qua đời do uống rượu quá nhiều. AC/DC quyết định tiếp tục sự nghiệp với việc thuê Brian Johnson làm ca sỹ và viết lời các bài hát. Chỉ 5 tháng sau khi Scott qua đời, nhóm đã có thêm album đình đám Back In Black – một trong những album bán chạy nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới, hiện tại đã bán được 22 triệu bản tại Mỹ (đứng thứ 6 tại Mỹ). Cũng chính với album này họ trở thành những siêu sao trên nền âm nhạc thế giới. Đây cũng là một trong những band nhạc có lực lượng fan đông đảo nhất, mặc cho những năm gần đây ngành công nghiệp âm nhạc đang đi xuống, những album mới phát hành của nhóm vẫn bán được số lượng rất lớn. Tất cả các album trong sự nghiệp của nhóm đều đạt đĩa bạch kim trở lên. Highway To Hell You Shook Me All Night Long Rainbow Đây làbBand nhạc hard rock của Anh Quốc. Rainbow được thành lập sau khi Ritchie Blackmore rời khỏi Deep Purple do có những mâu thuẫn với các thành viên còn lại trong nhóm về đường hướng phát triển của band nhạc. Blackmore kết hợp với Dio cho ra đời 3 albums trong đó thành công nhất có lẽ là Rising -76 và Long Live Rock N Roll -78 trước khi sa thải Dio để tìm kiếm thành công mới về mặt thương mại. Về mặt âm nhạc, nhạc của Rainbow có nhiều sự khác biệt so với nhạc của Deep Purple khi âm nhạc của nhóm chủ yếu lấy cảm hứng từ nhạc cổ điển. Dio hát khá linh hoạt và các bài hát của nhóm thì thường kết hợp các bài hát manh với những bài ballad nhẹ nhàng. Tuy không chơi bất cứ nhạc cụ nào, nhưng Dio luôn tham gia vào quá trình sáng tác nhạc cho band, sau mỗi lần ra album, Blackmore thường sa thải hết các thành viên ngoại trừ Dio. Nhưng rồi đến năm 78 thì ông cũng sa thải nốt cả Dio để tìm một giọng ca khác. Sau này Rainbow đạt được thành công lớn hơn về thương mại với các giọng ca Graham Bonnet hay Joe Lynn Turner nhưng về mặt âm nhạc thì không vượt qua được thời kỳ còn Dio. Stargazer Kill The King
Sự phát triển của Metal ở cuối thập kỷ 70 Sự phát triển của Metal ở cuối thập kỷ 70 Ted Nugent Ted Nugent là một tài năng guitar người Mỹ và có nhiều ảnh hưởng trong dòng nhạc Rock nói chung và Metal nói riêng. Ông này cũng rất nổi tiếng vì chơi guitar cho một siêu nhóm sau này ở thập kỷ 90 Damn Yankees. Nhưng trước đó ông cũng có một sự nghiệp solo hết sức lẫy lừng với 5 albums được đánh giá rất cao là Ted Nugent – 75, Free For All -76, Cat Scratch Fever -77, Weekend Warriors và State Of Shock -79. Những bài hát nổi tiếng của ông trong giai đoạn này có thể kể đến các bài hát Stranglehold, Cat Scratch Fever. Ông cũng rất nổi tiếng về phong cách sống hoang dã, những thú vui như săn bắn gây ra rất nhiều tranh cãi với những nhóm hoạt động về quyền của động vật. Stranglehold Cat Scratch Fever Motorhead Lại một band nhạc Anh nữa có vô số ảnh hưởng tới dòng nhạc Metal, cụ thể là dòng Speed và Thrash Metal. Thành lập từ năm 1975 tại London bởi tay guitar bass nay đã trở thành huyền thoại Lemmy, ông cũng là thành viên ổn định duy nhất của band nhạc. Lemmy quyết định tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc của mình sau khi bị sa thải khỏi band nhạc space rock – Hawkwind do bị bắt khi đang mang trong mình ma túy tại biên giới Canada. Ấn tượng bởi nhạc punk và lối chơi bộ ba (trio) ông quyết định thành lập một nhóm nhạc riêng lấy tên là Motorhead – bài hát cuối cùng ông sáng tác cho nhóm Hawkwind. Âm nhạc của Motorhead chủ yếu dựa trên nền nhạc Blues với những tiết tấu nhanh và mạnh kết hợp phong cách chơi nhạc ồn ào với tốc độ cao của nhạc punk rock khá thịnh hành thời bấy giờ. Âm nhạc của Motorhead luôn đặc biệt so với thời điểm bấy giờ và là tiền đề để xuất hiện các dòng nhạc như Thrash Metal/Speed Metal về sau. Trong những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80, Motorhead ghi âm một loạt các album sau này cũng trở thành kinh điển trong làng nhạc Metal thế giới như: Motorhead -77, Overkill - 79, Bomber – 79, Ace Of Spades -80, Iron Fist -81. Trong đó đỉnh cao là Ace Of Spades sau này đã trở thành một trong những album xuất sắc nhất trong lịch sử nhạc Metal. Đây cũng được coi là nhóm nhạc đầu tiên cho trào lưu New Wave Of British Heavy Metal với hàng chục band tạo ra một làn sóng chơi nhạc Metal mới mẻ và lan rộng trên thế giới. Đến tận bây giờ, âm nhạc của Motorhead cũng vẫn không rời quá xa so với âm nhạc lúc đầu nhóm tạo ra và vẫn có rất nhiều album chất lượng như Kiss Of Death -2006, Motorizer -2008 hay The World Is Yours -2010. Overkill Ace Of Spades
Van Halen Van Halen Van Halen là một trong những nhóm nhạc có ảnh hưởng rộng lớn nhất trong dòng nhạc Hard Rock/Metal thế giới. Đây chính là một trong những nhóm nhạc đầu tiên vừa có tài năng đặc biệt vừa thành công lớn về mặt thương mại. Được thành lập từ năm 1975 với 4 thành viên: Eddie Van Halen – guitar, Alex Van Halen – drums, David Lee Roth – vocals, Micheal Anthony –bass. Trong đó tay guitar Eddie Van Halen là một trong những tay guitar xuất sắc nhất trong lịch sử thế giới khi đưa một loạt những kỹ năng mới của guitar lên hàng nghệ thuật cũng như tận dụng được khả năng nhạy cảm âm nhạc tuyệt vời của mình để sáng tác ra những bài hát để đời. Chính ông này cũng là người đưa kỹ năng taping guitar lên tới mức tuyệt đỉnh và góp phần hết sức quan trọng (nếu không muốn nói là quan trọng nhất để phát triển kỹ thuật volume swells). Kỹ thuật taping - dùng ngón trỏ bấm trên dây đàn guitar giống như chơi piano hoặc organ - không phải do Van Halen nghĩ ra, mà nó đã được thực hiện từ trước đó rất lâu bởi các tay guitar của dòng nhạc blues và cũng được các tay guitar nhạc rock như Steve Hackett của Genesis thực hiện, nhưng lúc đó nó khá đơn giản và không quá khó. Chỉ đến khi Van Halen thể hiện tuyệt kỹ này: ông kết hợp giữa việc dùng guitar pick (miếng gảy guitar) và việc đẩy nhanh miếng gảy này vào ngón giữa và kẹp lại để dùng ngón trỏ bấm trên phím đàn guitar với tốc độ rất cao, mới làm cho cả thế giới nhạc rock choáng váng. Nếu không tận mắt chứng kiến thì rất khó có thể tin là ông làm được một kỹ thuật siêu việt như vậy -bài hát thể hiện kỹ năng này tuyệt vời này chính là siêu phẩm Eruption trong album Van Halen -78. Kỹ thuật volume swells là kỹ thuật sử dụng nút volume tích hợp trên guitar để tạo ra một thứ giai điệu giống như khi chơi organ trong nhà thờ vậy. Kỹ thuật này trước đó cũng đã từng dược thực hiện bởi các tay guitar của dòng progressive rock như Steve Hackett của Genesis hay Steve Howe của nhóm Yes, nhưng họ không sử dụng nút volume tích hợp trên guitar mà sử dụng qua volume pedal đặt dưới thấp. Bài hát nổi tiếng của Van Halen sử dụng kỹ thuật này là bài Cathedral trong album Diver Down -82. Eruption Cathedrals Lịch sử âm nhạc của Van Halen chia làm 2 thời kỳ rõ rệt: thời kỳ đầu với David Lee Roth là ca sỹ chính với 2 albums để đời là Van Halen -78 và 1984 – 1984, cả 2 album này đều đạt địa kim cương ở Mỹ (bán được hơn 10 triệu bản) và album đầu tiên Van Halen của nhóm được coi là album kinh điển của dòng nhạc Rock thế giới. Thời kỳ này kéo dài trong 6 năm với 6 albums: Van Halen -78, Van Halen 2-79, Woman And Children First -80, Fair Warning – 81, Diver Down -82, 1984 -84. Đây cũng là thời kỳ bùng nổ nhất của Van Halen với rất nhiều nhạc phẩm mà sau này đã trở nên kinh điển như: Eruption, Running With The Devil, trong album Van Halen với Eruption là bản solo guitar finger taping kinh điển như đã nói ở trên. Dance The Night Way trong album Van Halen 2 là bản hit singles đầu tiên của nhóm. Nhưng phải đến album cuối cùng với Roth nhóm mới thành công rực rỡ khi có bản hit Jump đứng đầu trên bảng xếp hạng Top 100Billboard ở Mỹ (đây cũng là bản hit duy nhất của nhóm làm được điều này). Ngoài Jump thì album còn chứa một số ca khúc cũng rất nổi tiếng như: Hot For Teacher hay Panama. Nhưng sự thành công của album cũng dẫn tới việc band chia tay ca sỹ chính do những mâu thuẫn quá lớn giữa Roth và Eddie Van Halen. Jump Hot For Teacher Van Halen quyết định tiếp tục sự nghiệp với việc thuê ca sỹ mới Sammy Hagar. Với thành công của 1984 và sự thay đổi ca sỹ hát chính, Van Halen dần chuyển âm nhạc của họ từ Hard Rock/Metal với những đoạn guitar solo tuyệt vời sang nhạc Rock mềm mại và dễ nghe hơn với sự có mặt của piano và sự xuất hiện ít dần những đoạn solo guitar. Cả 4 albums của nhóm với sự có mặt của Hagar (5150 – 86, OU812 – 88, For Unlawful Carnal Knowledge – 91 và Balance -95) đều đứng đầu bảng xếp hạng của Mỹ, những bản hits nhẹ nhàng như Dream, Right Now hay Can’t Stop Loving You, Not Enough của thời kỳ này cũng rất được yêu mến. Sau một loạt các albums đứng đầu bảng xếp hạng, sự căng thẳng lại bắt đầu giữa Hagar với Eddie Van Halen, khi ông này không được chơi rhythm guitar với Eddie, lý do khác là xuất hiện khi band định phát hành một album tổng hợp tuyển chọn cả các bài hát của thời kỳ Roth và Hagar. Kết cục cuối cùng là Hagar từ bỏ nhóm sau album Balance, từ đó trở đi, Van Halen không thể trở lại đỉnh cao âm nhạc thế giới được nữa mặc dù nhóm vẫn tiếp tục sự nghiệp với ca sỹ mới Gary Cherone và sau này là tái hợp cùng Roth trong năm 2012. Dream Can't Stop Loving You Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình Van Halen, cùng với Kiss chính là những band nhạc có ảnh hưởng lớn nhất tới nhánh nhạc Glam Metal hay còn gọi là Hair Metal hay Pop Metal nở rộ trong thập kỷ 80. Mặc dù được Gene Simmons, ca sỹ của Kiss phát hiện nhưng với tài năng của mình Van Halen thậm chí đã vượt Kiss rất xa cả về mặt âm nhạc lẫn thành công về thương mại. Bài viết về Van Halen cũng là bài viết cuối cùng về dòng nhạc Metal trong thập kỷ 70 trước khi chúng ta tiến vào thập kỷ 80 với hàng loạt những tên tuổi khổng lồ trong làng âm nhạc thế giới mà khởi đầu là trào lưu NWOBHM. Not Enough
New Wave Of British Heavy Metal New Wave Of British Heavy Metal New Wave Of British Heavy Metal (viết tắt NWOBHM) thực chất không phải là tên một dòng nhạc mà là một trào lưu âm nhạc xuất hiện vào cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 tại Vương Quốc Anh. Đây là một trào lưu khá rộng với khoảng trên dưới 50 bands khác nhau. Đa phần các band này đều ít được biết tới (underground), thậm chí có những band phải đến giữa thập niên 80 mới ra được album đầu tiên, tức là khi mà trào lưu này dần đi xuống sau khi gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các dòng Metal khác như: Glam hay Thrash. Kế thừa những ý tưởng từ 3 band nhạc: Budgie, Judas Priest và Motor Head, trào lưu này góp phần quan trọng trong việc loại bỏ hoàn toàn những ảnh hưởng của blues khỏi Metal. Các band nhạc cũng chơi một thứ âm nhạc với tiết tấu nhanh và mạnh hơn khá nhiều so với các nhóm trước đó. Các band nhạc trong trào lưu cũng tích hợp những đoạn riff ngắn, nhanh và cao vút của nhạc punk vào nhạc Metal truyền thống. Tuy chỉ có rất ít những band nhạc thực sự lớn mạnh và tiếp tục phát triển như: Iron Maiden, Saxon, Def Leppard còn các band còn lại đều tan rã sau một thời gian ngắn, nhưng trào lưu này có vai trò vô cùng quan trọng đối với nhạc Metal thế giới. Các band như Iron Maiden, Saxon, Diamond Head, Blitzkrieg… chính là những người tạo cảm hứng cho sự ra đời của dòng nhạc Speed và Thrash Metal. Venom là band đặt nền móng cho Black Metal còn Witchfinder General lại là yếu tố quyết định cho sự hồi sinh của Doom Metal sau này. Do phần lớn các band chỉ ký được hợp đồng với các hãng đĩa nhỏ độc lập, nhiều band chỉ lần đầu xuất hiện trong các album tuyển chọn như Lead Weight, New Electric Warriors, Heavy Metal Heroes và Metal For Muthas. Gần như chỉ có 4 band lớn trong dòng nhạc là có được hợp đồng với hãng thu âm nổi tiếng là Iron Maiden với EMI, Def Leppard với Vertigo, Diamond Head với MCA và Saxon với hãng ghi âm của Pháp Carrere. Về mặt âm nhạc, nhiều band đã không còn chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc blues nữa và thực sự trở nên trưởng thành hơn với việc phát triển cấu trúc bài hát phức tạp hơn như sử dụng các đoạn intro, outro hay những đoạn hòa tấu bằng các nhạc cụ mà thông thường là có đoạn guitar solo. Mặc dù có nhiều band với nhiều phong cách chơi nhạc khác nhau, nhưng đặc điểm chung nổi bật của các band trong dòng nhạc có thể kể đến tính chất giận dữ và bạo lực hơn các dòng nhạc trước đó. Đến giữa thập kỷ 80 thì trào lưu này đi xuống và dẫn đến sự tan rã hoặc chuyển sang thể loại nhạc khác để tồn tại. Phải đến cuối thập niên 90 đầu 2000, do sự bùng nổ của Internet và các phương thức share nhạc trực tuyến, một số band nhạc mới trở nên phổ biến hơn. Điều này cũng giúp cho nhiều band trong trào lưu nhạc này tái lập trở lại và tung ra các album mới hay trở lại với thứ âm nhạc thời kỳ đầu tiên của mình. Một số bài hát khởi đầu cho trào lưu này có thể kể đến: Samson - Take It Like A Man với giọng ca chính của Bruce Dickinson Diamond Head - Am I Evil? rất phổ biến trong dòng nhạc Metal Blitzkrieg - Blitzkrieg
Saxon Saxon Saxon là một trong những nhóm đầu tiên của trào lưu NWOBHM và cũng là một trong những nhóm có được thành công lớn nhất (cùng với Iron Maiden và Def Leppard). Thành lập từ năm 1976 trên sát nhập của 2 nhóm nhạc Coast và S.O.B (Son Of A Bitch). Khởi đầu Biff Byford – lead vocal của nhóm – vừa chơi bass vừa hát chính trong nhóm Coast với tay guitar Blute Quinn, còn tay guitar Oli Oliver, bassist Dobby Dawson và tay trống Frank Gill thì chơi cho S.O.B. Hai nhóm chơi cùng nhau trong một thời gian ngắn thì tay trống của nhóm Coast quyết định từ giã band nhạc, cùng lúc thì nhóm S.O.B cũng mất tay guitar và hát chính. Ấn tượng bởi giọng hát của Biff Byford, nhóm S.O.B mời ông về nhóm. Biff thoạt đầu không đồng ý nhưng vì không tìm được tay trống mới nên ông cùng Quinn quyết định sáp nhập 2 nhóm với nhau và vẫn lấy tên là Son Of A Bitch. Lúc này, do nhóm có 2 guitar và 2 bass nên Biff quyết định không chơi bass nữa mà tập trung hẳn vào việc làm ca sỹ chính. Vào thời điểm giữa thập niên 70, đã có rất nhiều các band nhạc lớn nhỏ được thành lập nên bản thân Saxon cũng chật vật để tìm được hợp đồng với một hãng thu âm. Sau khi không được một hãng thu âm lớn là EMI chấp nhận, Saxon quyết định ký hợp đồng với hãng Carrere của Pháp. Hãng này, do mong muốn band có thể thành công trên nước Mỹ nên đã đề nghị nhóm đổi tên thành Saxon như hiện nay. Trong lịch sử kéo khá dài của mình (gần 40 năm), Saxon cũng chứng kiến sự ra đi của các thành viên gạo cội như tay trống Gill năm 82, tay bass Dawson năm 85 và tay guitar Oliver năm 95. Sau này Dawson và Oliver thành lập một nhóm riêng và đòi lấy lại tên Saxon nhưng bị thua kiện nên các thành viên hiện tại được giữ tên Saxon. Về mặt âm nhạc, Saxon chính là một trong những nhóm tiếp tục đẩy âm thanh của dòng nhạc Metal lên một tốc độ cao hơn so với các band.Band cũng kết hợp với những âm thanh của punk rock như: những đoạn riff cao vút, những bài hát ngắn và giận dữ…vào nhạc Metal. Trong album đầu tiên của nhóm – album Saxon năm 79- với nhiều ảnh hưởng của progressive rock và nhạc blues có chịu một chút ảnh hưởng của punk và nhạc New Waves khá phổ biến với tiết tấu khá chậm rãi. Đây là một album khá hay, tuy không được vào Top của bảng xếp hạng nào, nhưng 2 singles trong album là Big Teaser và Backs To The Wall đều lọt vào top 75 của Anh, album này cũng bán được khoảng 12.000 bản (tới hiện nay là khoảng 100.000 bản) thực ra cũng không phải quá tệ đối với một album đầu tay. Nhưng người quản lý của band lại không nghĩ như vậy, ông này quyết định chia tay nhóm và dẫn tới nhóm không có người quản lý nữa. Tuy nhiên, Saxon vẫn quyết định tiếp tục. Trong năm 79 nhóm đi biểu diễn liên tục với Motor Head và điều này ảnh hưởng khá tốt tới âm nhạc của Saxon. Big Teaser Stallions Of The Highway
Saxon Saxon (tiếp theo) Ngày 5 tháng 5 năm 1980, Saxon tung ra album thứ 2 của nhóm “Wheels Of Steel”, album không chỉ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của band mà còn là album tiêu biểu của trào lưu NWOBHM và trở thành kinh điển của làng nhạc Metal thế giới. Album này chứng kiến sự lột xác hoàn toàn trong âm nhạc của Saxon, với sự kết hợp tuyệt vời giữa những giai điệu nhanh, mạnh trong tiếng guitar của Quinn với tiếng guitar nhẹ nhàng, mang nặng tính giai điệu của Oliver. Việc kết hợp lời hát của Biff với 2 tiếng guitar vừa giận dữ vừa có giai điệu như vậy là điều hoàn toàn mới mẻ trong âm nhạc lúc bấy giờ, điều mà sau này cả Metallica và Iron Maiden đều học tập theo Saxon.Những bài hát như: Motorcycle Man, Wheels Of Steel, Machine Gun, Suzie Hold On và đặc biệt là 747 (Strangers In The Night) là những bài hát tiêu biểu của nhóm. Album vươn tới vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng của Anh Quốc, cũng là vị trí cao nhất trong lịch sử của band nhạc. 747 (Strangers In The Night) Suzie Hold On Motorcycle Man Chỉ 4 tháng sau khi tung ra album kinh điển Wheels Of Steel, tháng 9 năm 1980, Saxon tiếp tục tung ra album thứ 3 của nhóm – Strong Arm Of The Law. Tới lúc này thì Saxon đã trở nên khá nổi tiếng và liên tục lưu diễn với những nhóm như Scorpions, Judas Priest hay Rainbow, họ cũng đã bán được vài trăm nghìn bản của 2 album trước. Album này là sự kết hợp của khá nhiều bài hát mạnh mẽ mang tính Metal như : Heavy Metal Thunder, Taking Your Chances, Hungry Years … với những bài hát nhẹ nhàng hơn và có giai điêu hay như: Strong Arm Of The Law, To Hell And Back Again, Dallas 1 PM. Đây cũng là album mà ca sỹ chính Biff Byford thích nhất trong những album của nhóm. Album này cũng mau chóng trở thành kinh điển của của dòng nhạc Metal. Album cũng đạt thành công khi xếp hạng 11 tại Anh và giúp cho Saxon tiếp tục những chuyến lưu diễn với những người khổng lồ như AC/DC, Black Sabbath và Rush tại Mỹ, làm cho nhóm dần dần được biết đến tại Mỹ và trên toàn thế giới. Bài hát Dallas 1 Pm cũng là bài hát về vụ ám sát tổng thống Kennedy, điều này cũng chứng tỏ rằng band nhạc quan tâm nhiều hơn đến việc chinh phục các khán giả quốc tế chứ không chỉ gói gọn ở Anh Quốc nữa. Heavy Metal Thunder Dallas 1 PM (còn tiếp)
Saxon Tiếp nối thành công của 2 albums trên, Album Denim And Leather -81 tiếp tục là một trong các album kinh điển của NWOBHM. Về âm nhạc thì album này không có quá nhiều sự khác biệt với album Strong Arm Of The Law sự khác biệt lớn nhất là chất lượng thu âm. Đây là album thu âm tốt nhất từ trước tới thời điểm này của nhóm. Album có một loạt các bài hát hay, chất lượng cao và được người hâm mộ yêu thích: "Princess of the Night", "Never Surrender", "The Bands Played On" và đặc biệt là Denim And Leather – được coi là một trong những bản anh hùng ca của Metal ở giai đoạn này. Nếu xét trên phương diện chất lượng các bài hát thì có lẽ album này là album tốt nhất của Saxon, các bài hát đều có chất lượng đồng đều và khá tốt. Đây cũng là album classic cuối cùng của nhóm bởi vì sau album này, tay trống Gill đã từ bỏ nhóm vì một lý do hết sức ngớ ngẩn. Câu chuyện được kể lại như sau; do Gill bị thương ở tay không thể dánh trống được nên band nhạc quyết định thuê một tay trống mới để đánh trong vòng thời gian ngắn trước khi Gill bình phục mà không báo với ông này. Nhưng trong buổi trình diễn ở Sheffield, Gill bất ngờ xuất hiện. Khi nhìn thấy tay trống mới, ông không nói gì mà lẳng lặng bỏ đi và gia nhập Motor Head một thời gian ngắn sau đó. Nhóm đành tiếp tục với tay trống đang thuê Nigel Glockner tiếp tục lưu diễn và thu âm album live “The Eagle Has Landed” - cũng là một trong các album live nổi tiếng của dòng nhạc Metal. Denim And Leather Nên nhớ rằng ở thời điểm đầu những năm 80, Saxon còn nổi tiếng và được nhiều fan hâm mộ ở Anh Quốc hơn cả Iron Maiden và Def Leppard. Chính vì thế sự kỳ vọng của fan hâm mộ dành cho họ cũng không phải là nhỏ. Họ chỉ chưa thành công ở Mỹ mà thôi. Chính vì vậy, nhiệm vụ của họ là phải chinh phục thị trường rộng lớn này. Sau khi ghi âm album Power & Glory cũng khá thành công với những bài hát mang nặng tính trường ca là : Power & Glory và Eagle Has Landed, họ đã có những bắt đầu có những thành công nhỏ trên thị trường Mỹ - album này xếp hạng 155, trong khi các album trước không có thứ hạng gì. Band đã có cơ hội không nhỏ để chinh phục thị trường Mỹ khi đi lưu diễn cùng Iron Maiden. Iron Maiden lúc này đã có thành công lớn đầu tiên sau khi tung ra album kinh điển Number Of The Beast với sự có mặt của Bruce Dickinson. Nhưng do có những sai lầm trong tính toán (có thể một phần là do Saxon thành công hơn tại Anh Quốc nhưng lại không thành công tại Mỹ bằng Iron Maiden) nên dẫn tới việc nhà quản lý của Saxon yêu cầu nhóm rời chuyến lưu diễn để trở lại Anh. Rất nhiều band nhạc với một chiến lược hợp lý lúc khởi đầu – chịu khó đi lưu diễn với các band nhạc lớn hơn để được biết đến nhiều hơn và từ đó tạo dựng tên tuổi cho riêng mình để trở thành những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc thế giới. Chuyến lưu diễn tại Mỹ của Iron Maiden thành công rất lớn, về sau album live kinh điển:Live After Death được tung ra sau chuyến đi này. Saxon chưa bao giờ (và có lẽ là không bao giờ) thành công ở Mỹ một phần do những sai lầm lớn này. Bởi vì sau năm 83, với sự lớn mạnh của Thrash Metal và Glam Metal, những band nhạc NWOBHM không còn được giới hâm mộ quan tâm nhiều nữa (tất nhiên là trừ hai band Def Leppard – chuyển dần sang Glam Metal và Iron Maiden đã có một lượng fan khá hùng hậu sau chuyến lưu diễn thành công rực rỡ). Sau album Power & Glory, Saxon đã có hợp đồng với hãng ghi âm lớn là EMI, cùng với Power & Glory, album Crusader là những album bán chạy nhất của band nhưng về mặt chất lượng âm nhạc thì còn rất xa mới có thể so sánh với 3 album kinh điển của nhóm. Power And Glory Crusader Các album sau đó của nhóm, Saxon theo đuổi một thứ âm nhạc dễ nghe hơn. Mặc dù vậy, họ không thực sự thành công và cuối cùng là bị sa thải khỏi hãng EMI sau album Destiny – 88. Nhưng thật ngạc nhiên, sau khi bị sa thải khỏi EMI thì Saxon lại rất thành công ở châu Âu, đặc biệt là Đức. Cũng cần giải thích rõ thêm thế này, trên thế giới thì thị trường âm nhạc của Mỹ là lớn nhất, sau đó đến Anh (Mỹ gấp khoảng 3-4 lần so với Anh), thứ 3 là Đức và Pháp (2 nước này ngang nhau và bằng khoảng 1/3 lần so với thị trường âm nhạc Anh). Thị trường lớn tiếp theo là Italia bằng khoảng 70% của Đức và Pháp. Thị trường Nhật Bản thì không tính ở đây vì thị trường này có thị hiếu rất khác so với thị hiếu của châu Âu và Mỹ. Vì vậy có thể nói rằng Saxon chỉ thành công ở thị trường Anh và châu Âu mà thôi, nhưng có điều là lúc nhóm thành công ở Anh thì không thành công ở châu Âu và ngược lại. Khá lạ lùng. Đến tận bây giờ, Saxon vẫn tiếp tục ra những album mới và âm nhạc thì tuy có mạnh mẽ hơn nhưng không thay đổi quá nhiều so với trước đây. Nhưng dù thế nào thì đối với dòng nhạc NWOBHM nói riêng và dòng nhạc Metal thế giới nói chung, Saxon vẫn là một cái tên thành công nhất của NWOBHM, album Saxon chính là album đầu tiên của dòng nhạc này. Princess Of the Night
Iron Maiden Sau khi chia tay với Saxon, chúng ta lại đến với một band nhạc nữa của NWOBHM, đó là Iron Maiden. Khác với những band khác cùng thời thường chỉ có những thành công nhỏ về mặt âm nhạc và thương mại, Iron Maiden là một trong những band nhạc lớn và có nhiều thành công nhất trong lịch sử Metal. 7 albums đầu tiên của nhóm hiện đã trở thành những albums kinh điển của dòng nhạc. Iron Maiden Iron Maiden là một trong những band nhạc xuất sắc nhất trong lịch sử của Metal. Band nhạc có tầm ảnh hưởng lớn lao tới rất nhiều các nhóm nhạc về sau và đồng thời cũng là những người đặt nền móng cho sự xuất hiện của Power Metal và Speed Metal. Tay guitar bass Steve Harris là một trong những anh hùng guitar bass đầu tiên trong lịch sử nhạc Metal và là niềm cảm hứng của rất nhiều anh hùng guitar bass khác của cả Metal và Rock sau này. Harris cũng là người sáng tác phần lớn các tác phẩm của nhóm. Về mặt âm nhạc của Iron Maiden, ta có thể diễn tả một cách đơn giản như sau: âm nhạc của Iron Maiden là sự kết hợp giữa tiết tấu nhanh và mạnh mẽ của Judas Priest với sự giận dữ của punk kết hợp với những bài hát với mật độ xuất hiện rất dày của các nhạc cụ. Harris, một người chịu ảnh hưởng rất nhiều của các band progressive rock như: Genesis, Yes, Pink Floyd, Jethro Tull… những band nhạc mà hầu hết các nhạc phẩm của họ được viết với cấu trúc hết sức phức tạp, cho nhiều bè và nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Những tác phẩm này có độ phức tạp thậm chí không hề thua kém những bản giao hưởng, nên việc Harris viết ra những bản nhạc Metal có cấu trúc phức tạp là điều hết sức dễ hiểu. Tại thời điểm đầu những năm 80, có lẽ Iron Maiden đã lập kỷ lục về việc đánh nhiều nốt nhạc nhất tại cùng một thời điểm (có nhiều người còn cho rằng số lượng nốt nhạc được đánh trong một bài hát của Iron Maiden gấp 10 lần so với các band khác cùng thời). Điều đó cũng có nghĩa là Iron Maiden đã tạo ra một thứ âm nhạc rất dầy và nhiều lớp, nó cũng khác biệt hoàn toàn so với các band khác trong dòng nhạc Metal (Nhạc Metal bắt đầu từ những cú riff mạnh và những bài hát có cấu trúc khá đơn giản). Đến tận bây giờ âm nhạc của Iron Maiden vẫn làm tan nát rất nhiều trái tim những người yêu nhạc Metal và đây là một trong những band Metal có lượng fan đông đảo nhất. Nhiều người yêu nhạc Metal đã nói rằng những bản nhạc của Iron Maiden có độ phức tạp có lẽ chỉ thua những bản giao hưởng mà thôi. Như đã nói ở trên, do cũng chịu sự ảnh hưởng của Punk rock nên âm nhạc Iron Maiden cũng có sự châm biếm, cay độc chả kém gì Sex Pistols hay Motorhead. Tuy nhiên về mặt cấu trúc và lối chơi nhạc của họ thì khác hẳn. Những bài hát của nhóm thường là sự phối hợp ăn ý với tiết tấu nhanh của 2 tay guitar. Khác với Saxon – với 2 tay guitar chơi 2 phong cách trái ngược: một thì đánh nhanh mạnh, một thì đánh chậm và có giai điệu hơn, 2 tay guitar của Iron Maiden chơi khá giống nhau và thường bổ sung cho nhau để tạo ra những giai điệu khá du dương và dễ nghe. Iron Maiden cũng kế thừa và phát triển kỹ thuật sử dụng ngón tay bấm phím hợp âm rải (finger tapping arpeggio) cũng như giọng hát mang nặng tính opera (nhạc kịch) của đàn anh Judas Priest. Tiếng đàn của tay guitar bass Steve Harris đã vượt qua tiêu chuẩn của những tiếng bass thời bấy giờ (vốn chỉ làm nền và kết nối cho giai điệu) nó gần như một chiếc guitar thứ 3 của band nhạc, rhymth guitar. Giọng hát của Bruce Dickinson cũng là một yếu tố riêng biệt trong âm nhạc của Iron Maiden. Sử dụng giọng kiểu opera giống Rob Halford nhưng giọng h'át của Dickinson lại không mạnh và khỏe như giọng của Halford. Tuy giọng hát của Dickinson rất phù hợp với âm nhạc của Iron Maiden nhưng nó lại gây ra sự chia rẽ trong những người hâm mộ Iron Maiden: một phần thích giọng của Dickinson và phần nhỏ hơn một chút không thích giọng của ông này mà thích giọng của Paul Di’Anno hơn–giọng ca hát chính trong 2 album đầu tiên. Ngoài những điểm riêng trong âm nhạc của mình, Iron Maiden còn được đặc trưng bởi bìa đĩa (cover ) rất ấn tượng với hình ảnh con ma Eddie hay còn gọi là Eddie the Head ghê rợn, một nhân vật tưởng tượng do Derek Rigggs sáng tạo ra. Ông cũng là người vẽ bìa album cho Iron Maiden đến tận năm 1992. Trong suốt lịch sử của band nhạc, Âm nhạc của Iron Maiden không thay đổi quá nhiều mà chỉ hoàn thiện phong cách của riêng mình. Chính vì vậy, những giai đoạn âm nhạc của Maiden chủ yếu phụ thuộc vào giọng ca chính của nhóm. Thành lập từ năm 1975 tại London bởi tay bassist Steve Harris. Đến năm 1976, Iron Maiden đã nhận được lời đề nghị ký hợp đồng nếu chuyển sang chơi nhạc punk (lúc này punk khá thịnh hành và được sự quan tâm của đông đảo công chúng), nhưng Harris và các cộng sự đã không chấp nhận lời đề nghị khiếm nhã trên. Band tự tìm cách quảng cáo cho bản thân bằng những bản demo, đến khi được ngành công nghiệp âm nhạc chú ý tới. Sau khi thay đổi rất nhiều thành viên, đến năm 1980 nhóm mới ổn định được đội hình gồm: Paul Di’Anno – vocals, Dave Murray – guitar, Dennis Stratton – guitar, Clive Burr – drums và tất nhiên là Harris –bass. Fear Of The Dark, bản nhạc hay nhất của nhóm, có cấu trúc có lẽ chỉ kém một bản giao hưởng. Number Of The Beast, bài hát nổi tiếng trong album đưa nhóm lên đỉnh cao với đoạn lyric nổi tiếng 6-6-6 - Number Of the Beast Wrathchild, bài hát nổi tiếng với giọng ca Paul Di Anno (còn tiếp)