Manowar Manowar Manowar là một band nhạc vô cùng đặc biệt của nước Mỹ. Đây là một trong những band nhạc đầu tiên chơi Power Metal và là một trong những tên tuổi lẫy lừng nhất với vô vàn ảnh hưởng trên toàn thế giới. Thế nhưng Manowar lại không thể thành công về mặt thương mại tại ngay chính trên quê hương của mình, nhưng lại là một band nhạc vô cùng thành công ngoài nước Mỹ, đặc biệt là tại châu Âu, Nhật, Nam Mỹ và Úc. Một điểm cũng vô cùng đặc biệt nữa là ngoài chất lượng âm nhạc tuyệt hảo, mỗi album của Manowar thường được trình bày hết sức đẹp và mang nhiều tính nghệ thuật. Manowar thành lập từ năm 1980 tại New York Mỹ bởi tay bass huyền thoại, nhà sáng tác nhạc chính của band và là một trong những tay bass xuất sắc nhất của mọi thời đại, Joey DeMaio và tay guitar Ross The Boss. DeMaio lúc này đang phụ trách về kỹ thuật và ánh sáng cho band nhạc huyền thoại Black Sabbath thì gặp và kết bạn với Ross The Boss. 2 anh chia sẻ sự tương đồng và ăn ý trong gu nhạc nên quyết định thành lập một band nhạc mới và mời giọng ca chính Eric Adams, với một giọng ca vô cùng mạnh mẽ và đặc biệt, tham dự cùng. Vào khoảng năm 1981 thì tay trống Donnie Hamzik gia nhập nhóm. Đội hình của Manowar chính thức bắt đầu đi vào hoạt động. Sau khi tung ra bản Demo vào năm 81 khá thành công, nhóm có được hợp đồng với hãng Liberty. Năm 1982, Manowar tung ra album đầu tay Battle Hymns, album kinh điển đầu tiên của nhóm, với một loạt những bài hát kinh điển như: Death Tone, Metal Daze, Fast Talker và đặc biệt là siêu phẩm Battle Hymn luôn được biết đến là một trong những bài hát hay nhất trong lịch sử của dòng nhạc Heavy Metal. Sự thành công của Battle Hymn khiến tên tuổi của Manowar dần được biết tới tại châu Âu, dặc biệt là tại Anh và Đức. Với việc số lượng album bán ra khá hạn chế, đến năm 2010 Manowar quyết định ghi âm và phát hành lại album này lấy tên là Battle Hymns MMXI. Metal Daze Battle Hymns Sau album Battle Hymns thì tay trống Hamzik quyết định rời nhóm vì không thể chịu nổi những chuyến lưu diễn dài ngày, thay thế cho ông này này là tay trống Scott Columbus và Manowar có đội hình kinh điển của nhóm. Cũng trong năm này, nhóm ký hợp đồng với hãng Megaforce và tung ra album Into Glory Ride vào năm 1983. Trong album này nhóm bắt đầu sử dụng các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết trong lời các bài hát của mình. Âm nhạc trong album cũng nhanh và mạnh hơn nhiều khi chịu nhiều ảnh hưởng của Doom Metal kiểu Black Sabbath. Nhóm cũng bắt đầu thử nghiệm sử dụng các bài hát kiểu trường ca (epic) đã được bắt đầu từ bài hát Battle Hymns của album đầu tay. Với những đặc trưng mới về mặt âm nhạc, nhóm có một lượng lớn fan hâm mộ tại Anh quốc. Điều này dẫn tới việc nhóm quyết định tổ chức một chuyến lưu diễn tại Anh. Tuy nhiên, rất tiếc là chuyến lưu diễn này không thể thực hiện được. Đến tận thời điểm bây giờ, album này vẫn gây rất nhiều tranh cãi, rất nhiều fan cho rằng đây là một siêu phẩm của Manowar và Metal thế giới. Một phần không hề nhỏ lại cho rằng đây là một album ngớ ngẩn của Manowar. Dù thế nào thì album này cũng có một vai trò hết sức quan trọng tới sự thành công của Manowar sau này. Một số bài hát hay trong album có thể kể đến: Gates Of Valhalla, March For Revenge và Secrets Of Steel. Gates Of Valhalla Secrets Of Steel (còn tiếp)
Manowar Manowar Nếu như Into Glory Ride là một bước đột phá nhưng thiếu vắng những bài hát có thể gọi là kinh điển thì album tiếp theo của họ là Hail To England tung ra đầu năm 1984 lại là một album rất được yêu mến của Manowar với những bài hát nổi tiếng nhất của nhóm. Về mặt âm nhạc, album này cũng rất khác so với album trước đó khi các bài hát ngắn hơn. Tên của album cũng là sự tri ân với những fan hâm mộ ở Anh quốc khi nhóm buộc phải hủy chuyến lưu diễn ở năm 1983. Rất nhiều bài hát trong album này đã trở thành kinh điển như: Blood Of My Enemies, Each Dawn I Die, Kill With Power hay Hail To England. Album này ghi âm chỉ trong vòng 6 ngày nhưng rất được yêu thích ở Anh và lần đầu tiên chiếm vị trí số 83 trên bảng xếp hạng của nước này. Với rất nhiều người hâm mộ, đây mới chính là album kinh điển đầu tiên của Manowar. Blood Of My Enemies Kill With Power Hail To England Ngay trong năm 84 này, Manowar còn tiếp tục tung ra album kinh điển thứ 2 nữa đó là Sign Of The Hammer. Như vậy đây là album thứ 4 của Manowar trong khoảng thời gian 2 năm từ 82 tới 84. Album này thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả 3 album trước đó và đối với nhiều fan hâm mộ thì đây còn là album kinh điển cuối cùng của Manowar trước khi họ đạt được thành công hơn về mặt thương mại tại châu Âu (đặc biệt là Đức). Album này chứng kiến nhiều sự thay đổi trong âm nhạc của Manowar với một số bài hát chịu ảnh hưởng của Hardrock và Metal cổ như: All Men Play On 10 và Animals, một số bài thì là kiểu trường ca (tạo ra thương hiệu của Manowar) như Thor, Mountains hay đặc biệt là siêu phẩm Guyana, một số bài thì lại có âm hưởng của Thrash Metal như The Oath hay Sign Of The Hammer. Chính sự khác biệt này làm cho album đặc biệt hơn. Bài hát Guyana là một trong những bài hát hay nhất trong lịch sử của Manowar cũng như của Metal thế giới. Guyana Mountains Với 4 album kinh điển liên tiếp trong vòng 2 năm, Manowar đã tạo được ảnh hưởng rất lớn tới nền Metal thế giới. Những album say này của họ lại chuyển theo hướng dễ nghe hơn. Đối với nhiều fan từ những album đầu tiên của Manowar thì 4 albums này có chất lượng vượt trội so với những album sau đó. Với một số người khác thì Manowar thực sự chỉ đạt đến đỉnh cao với album Kings Of Metal vào năm 88. (còn tiếp)
Manowar Manowar Sau khi tung ra liên tục 4 albums kinh điển thì Manowar cũng đã tạo dựng được tên tuổi trên toàn thế giới và nhận được sự chú ý của các hãng đĩa lớn. Năm 1987 họ ký hợp đồng với Atlantic và tung ra Fighting The World. Đây là album chứng kiến sự thay đổi hợp lý trong âm nhạc của Manowar. Album được sản xuất tốt hơn với nhiều bài hát có giai điệu dễ nghe hơn. Đây cũng là sự khởi đầu cho một loạt các album bán rất chạy của Manowar tại châu Âu, đặc biệt là ở Đức (đạt đĩa vàng với hơn 250.000 bản). Album này không phải quá tệ nhưng thực sự không được đánh giá cao bằng những album trước hay sau nó. Tuy vậy, album vẫn có một số bài hát rất hay như: Carry On, Black Wind, Fire And Steel và đặc biệt là siêu phẩm Defender - bài hát thực sự được sáng tác từ năm 83 nhưng tới năm 87 mới được đưa vào album chính thức của Manowar. Carry On Black Wind, Fire And Steel King Of Metal được tung ra vào năm 1988 và là album bán chạy nhất trong lịch sử của Manowar (album này cũng bán được đĩa vàng tại Đức với 250,000 bản). Một số bài hát trong album này đã tạo nên thương hiệu của Manowar như: Heart Of Steel, Kings Of Metal hay Hail And Kill. Thậm chí Manowar còn được phong là Kings Of Metal – lấy từ tên bài hát nổi tiếng trong album này. Tuy nhiên đây lại là album cuối cùng của tay guitar Ross The Boss và tay trống Columbus. Sau album này Ross The Boss rời nhóm để trở lại với band nhạc punk Dictators, band nhạc đầu tiên của ông, còn Columbus rời nhóm vì những lý do riêng. Heart Of Steel Kings Of Metal Hail And Kill Do sự ra đi của 2 nhân vật trụ cột, phải đến 4 năm sau thì Manowar mới ra được album tiếp theo là The Triumph Of Steel với sự có mặt của tay guitar David Shankle và tay trống Rhino. Đây là một trong những album rất được yêu mến với một bản trường ca dài tới 28 phút – Achilles, Agony And Ecstasy In Eight Parts. Đây cũng là bài hát có cấu trúc phức tạp nhất trong lịch sử của Manowar và là một trong những album rất được yêu thích của người viết bài. Dù không có Columbus nhưng những gì tay trống Rhino thể hiện trong album này còn vượt quá cả những gì fan hâm mộ có thể trông chờ với những đoạn solo trống tuyệt hảo. Ngoài bản epic tuyệt vời ra, Master Of The Wind, Metal Warriors hay The Power Of Thy Sword cũng rất được yêu mến. Tuy khó nghe hơn album cũng rất thành công về mặt thương mại (cũng bán được 250,000 bản tại Đức). Achilles, Agony And Ecstasy In Eight Parts Master Of The Wind (còn tiếp)
Manowar Manowar Phải đến tận năm 1996 thì album tiếp theo Louder Than Hell mới được tung ra. Lần này tay trống Columbus đã trở lại. Album này cũng khá thành công về mặt thương mại khi tiếp tục lần đầu tiên Manowar có mặt trên 6 bảng xếp hạng trên toàn thế giới. Tuy nhiên album lại bị chỉ trích vì âm nhạc quá đơn giản. Album có 10 bài thì 3 bài( có lẽ là hay nhất lại được sáng tác và biểu diễn từ 10 năm trước đó – đấy là trường hợp của Brother Of Metal, Courage và Number One). Courage The Gods Made Heavy Metal Năm 2002, tức là 6 năm sau khi tung ra Louder Than Hell, Manowar mới tung ra được album tiếp theo là Warriors Of The World. Đây cũng là một album rất hay và được chào đón trên toàn thế giới (hạng 2 tại Đức) và xuất hiện trên nhiều bảng xếp hạng trên toàn thế giới (cũng bán được đĩa vàng tại Đức) với một số bài hát rất nổi tiếng như: Call To Arms, Warriors Of The World United, đặc biệt là bài Nessun Dorma. Warriors of the World United Call To Arms Sau này, Manowar còn tung ra 2 album nữa là Gods Of War -2007 và The Lord Of Steel -2012 (lúc này Scot Columbus đã mất vào năm 2011) và vẫn được đón chào nồng nhiệt trên toàn thế giới. Sau một sự nghiệp trải dài và lẫy lừng, Manowar vẫn luôn là một trong những band nhạc đặc biệt nhất trong lịch sử của Heavy Metal. Âm nhạc của họ dù thay đổi vẫn có những đặc trưng riêng và không có bất kỳ band nào có thể học theo được. Âm nhạc của họ hoàn toàn khác biệt và không thể nhầm lẫn với bất kỳ band nào khác. Giọng ca của Adam là một trong những giọng ca xuất sắc và đặc biệt nhất trong lịch sử của Heavy Metal. Manowar hiển nhiên là một huyền thoại của Heavy Metal. Sons Of Odin
Manilla Road Manilla Road Sau khi đến với Manowar chúng ta sẽ đến với một band nhạc khác cũng có rất nhiều đóng góp cho Power Metal Mỹ, đó là Manilla Road. Thành lập từ năm 1977 bởi tay guitar và giọng ca chính chính Mark “The Shark” Shelton tại Kansas, Mỹ. Đến năm 80 nhóm đã tung ra được album đầu tay là Invasion. Album thứ 2 của nhóm là Metal tiếp tục được tung ra vào năm 1982. Trong 2 album này thì âm nhạc của Manilla Road chưa thực sự đặc biệt và 2 album này chịu ảnh hưởng rất nhiều của space, progressive rock và hard rock. Tuy nhiên, giọng ca của Shelton lại khá đặc biệt khi mang nhiều hơi hướng bạo lực và gầm gừ hơn so với các band Metal khác cùng thời. Phải đến năm 1983, khi nhóm tung ra album Crystal Logic thì âm nhạc của nhóm mới thực sự định hình. Những ảnh hưởng của space, progressive và hard rock bị loại bỏ gần như hoàn toàn. Âm nhạc của họ lúc này có rất nhiều điểm tương đồng với Manowar và Iron Maiden. Album này ngay sau đó trở thành một album kinh điển của Heavy Metal thế giới với những bài hát nổi tiếng như: Necropolis hay Crystal Logic. Đây cũng là sự khởi đầu cho một chuỗi những album vô cùng thành công và được đánh giá rất cao của Manilla Road sau này. Necropolis Crystal Logic Sau album Crystal Logic khá thành công, Manilla Road có được hợp đồng với hãng đĩa Black Dragon (các album trước đều của band tự sản xuất và tung ra). Đồng thời nhóm cũng có sự thay đổi về nhân sự khi tay trống Rick Fisher ra đi và thay thế bởi Randy Fox – người chơi mạnh và nhanh và chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối chơi Thrash Metal hơn. Khi nhóm tung ra album thứ 4 là Open The Gates vào năm 1985, những ảnh hưởng cuối cùng của space rock đã không còn nữa. Âm nhạc của nhóm lúc này đã thực sự là power Metal với các bài hát dài, lời thì dựa vào các câu chuyện và truyền thuyết cổ của Na uy. Đây cũng là một trong 2 album được đánh giá cao nhất và được biết đến nhiều nhất của Manilla Road. Dĩ nhiên đây là một album kinh điển với các bài hát mà fan hâm mộ không thể quên như: Astronomica, Open The Gates hay Weavers Of The Web, Road Of Kings. Road Of Kings Astronomica
Manilla Road Manilla Road Sau 2 album kinh điển, album tiếp theo của nhóm là The Deluge -86 tiếp tục là một trong những album rất hay của Power Metal Mỹ. Cùng với Open The Gates, The Deluge là 2 album được đánh giá cao nhất của Manilla Road. Về mặt âm nhạc thì album này cũng không quá khác biệt so với Open The Gate, có điều nghiêng về Death và Thrash Metal hơn. Lúc này, âm nhạc của Manilla Road dần vươn tới đỉnh cao và tạo ra một phong cách hết sức riêng biệt của nhóm. Các bài hát hay trong album này có thể kể đến: Divine Victim, Dementia, Hammer Of The Witches, The Deluge. Divine Victim The Deluge Tuy nhiên sau 3 album kinh điển, sự nghiệp của Manilla Road bắt đầu đi xuống từ album Mystification vào năm 1987. Về mặt âm nhạc, phải khẳng định đây là album quá tệ, tuy nhiên nhóm mắc một sai lầm lớn khi để chất lượng sản xuất của album này quá kém. Album sau đó của nhóm là Out Of The Abyss -1988, thậm chí bị chỉ trích dữ dội vì chịu ảnh hưởng quá nhiều của Thrash Metal. Trước sự chỉ trích dữ dội, Manilla Road tiếp tục tung ra một album cuối cùng là The Courts Of Chaos trước khi tan rã. Sau khi tan rã, Shelton còn ghi âm một album solo nữa dưới cái tên Manilla Road là The Circus Maximus vào năm 1992 nhưng không mấy thành công. Phải đến tận năm 2001, Manilla Road mới được tái lập trở lại và âm nhạc của họ cũng trở về với âm nhạc của Manilla Road cổ. Từ thời điểm tái lập trở lại đây họ tung ra được 7 albums trong đó có một số album được đánh giá rất cao như: Gates Of Fire -2005 hay Voyager -2007. Tuy là một band nhạc nhỏ và có rất ít thành công về mặt thương mại nhưng Manilla Road lại vô cùng được yêu mến và nhận được rất nhiều sự tôn trọng từ người hâm mộ. Họ cũng có những đóng góp không nhỏ cho sự hình thành và phát triển của Power Metal. Voyager Epitaph Of The King
Savatage Savatage Savatage là một trong những band nhạc được yêu mến nhất trong lịch sử của dòng nhạc Power Metal và được một lượng lớn fan trung thành tôn thờ. Âm nhạc của nhóm đặc trưng bởi giọng hát vô cùng mạnh mẽ của Jon Oliva kết hợp với đoạn riff guitar nhanh, mạnh và những đoạn solo guitar đầy tính giai điệu và cảm xúc của Criss Oliver. Criss Oliva không phải là một guitarist quá giỏi về mặt kỹ thuật nhưng những bài hát mà anh chơi đều tràn đầy năng lượng và cảm xúc và có hồn – một điểm mà rất nhiều tay guitar kỹ thuật hơn anh rất nhiều lại không thể có được. Cũng chính điều này đưa Criss Oliva trở thành một trong những tay guitar được yêu mến nhất của làng nhạc Metal thế giới. Savatage thành lập từ năm 1979 dưới cái tên Avatage bởi hai anh em nhà Oliva, đến năm 1983 thì nhóm đổi tên thành Savatage. Âm nhạc của nhóm cũng chia thành 3 thời kỳ rõ rệt: thời kỳ đầu họ chơi nhạc kiểu Metal truyền thống, thời kỳ sau chơi Power Metal với những ảnh hưởng của Progressive Rock và Opera (từ năm 87 tới năm 93) và thời kỳ cuối cùng là sau cái chết của tay guitar huyền thoại Criss Oliva vào năm 1993 (do bị tai nạn). Cái chết của Criss là một bước ngoặt rất lớn trong lịch sử của band nhạc và nó cũng là điểm chấm dứt cho thời kỳ vàng son của band. Tuy sự vắng mặt của Criss là vô cùng đáng tiếc, nhóm vẫn tiếp tục tung ra những album rất chất lượng. Chúng ta sẽ lần lượt điểm qua những thời kỳ chính của Savatage. Năm 1983, sau khi đổi tên thành Savatage, nhóm tung ra album kinh điển đầu tiên Sirens ngay trong năm này. Album này gây shock cho giới hâm mộ nhạc Metal thế giới với những đoạn solo đầy tính giai điệu của Criss, giọng ca của Jon Oliva rất mạnh mẽ, đầy giận giữ, gào thét và hơi khàn tạo ra cho Savatage một thứ âm nhạc hoàn toàn khác biệt so với các band khác tại thời điểm bấy giờ. Những bài hát như Sirens, Holocaust, I Believe hay Scream Murder là những bài hát vô cùng được yêu thích trong album này. Về mặt tổng thể đây là một album kinh điển của Metal cổ. Sirens Holocaust Album thứ 2 của nhóm là Power Of The Night là một bước tiến tiếp theo của Savatage hướng về phía Power Metal (tuy vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng của Metal cổ mà tiêu biểu là Judas Priest). Album khá hay với nhiều đoạn riff guitar mà những fan hâm mộ Criss không thể bỏ qua như các bài hát: Power Of The Night, Necrophilia, Unusual, Skull Session… Power Of The Night Unusual Vào năm 1985 thì bản thân Savatage sau những thành công của Sirens đã có hợp đồng với một hãng đĩa lớn là Atlantic. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến cho họ tung ra một trong những album đáng quên nhất trong lịch sử của band nhạc là Fight For The Rock vào năm 1986. Đây là album bị thương mại hóa quá nhiều và hoàn toàn nghiêng về Hardrock. Tuy nhằm mục đích thương mại nhưng album cũng không thành công về mặt thương mại khi bán được rất ít và bị người hâm mộ ngoành mặt. Sự thất bại của Fight For The Rock là động lực rất lớn để anh em nhà Oliva thay đổi hoàn toàn âm nhạc của mình trong những album tiếp theo trong thời kỳ vàng son của band nhạc.
Đọc phần này của bác lại nhớ đến album kinh điển Street A rock opera. Mong chờ phần tiếp theo. Thank.
Savatage Savatage Sự thay đổi chính trong sự nghiệp của Savatage diễn ra vào năm 1987 sau khi Jon Oliva gặp Paul O’Neill, người sau này là nhà sản xuất và cũng là một trong những người sáng tác nhạc và lời chính cho band nhạc. Khởi đầu cho sự thay đổi này là album kinh điển Hall Of The Moutain King vào năm 1987. Dưới sự ảnh hưởng của O’Neill, âm nhạc của Savatage lúc này trở nên phức tạp hơn và chịu nhiều ảnh hưởng của Progressive Rock. Để diễn tả chính xác âm nhạc của Savatage lúc này thì có thể nói họ chơi một thứ Power/Progressive Metal. Album còn chứng kiến nhiều ảnh hưởng của nhạc cổ điển (chơi lại một số đoạn của Grieg và Holst, hai nhà soạn nhạc cổ điển cuối thể kỷ 19 đầu 20). Đây là một trong những album kinh điển và thành công nhất trong lịch sử của Savatage khi chiếm vị trí thứ 116 trên bảng xếp hạng của Mỹ và cũng là album bán chạy nhất của nhóm (hơn 300.000 bản). Một album chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Savatage và cũng chiếm một vị trí rất trang trọng trong lịch sử của Metal với một số tác phẩm tiêu biểu không thể quên như: Hall Of The Mountain King, 24Hrs hay Strange Wings. Lần đầu tiên Savatage quay video clip cho một bài hát của mình và thường xuyên được phát trên MTV, đó chính là bài hát trùng tên album. Hall Of The Moutain King 24 Hrs Ago Sự thành công của Hall Of The Moutain King được tiếp tục duy trì trong album sau đó là Gutter Ballet vào năm 1989. Lúc này âm nhạc của Savatage có phần nhẹ nhàng hơn so với các album trước đó và chịu rất nhiều ảnh hưởng của nhạc cổ điển dạng giao hưởng. Khác với các album trước, Gutter Ballet là một album concept (có một cốt truyệt riêng cho cả album). Lúc này thì âm nhạc của Savatage nghiêng nhiều hơn nữa về Progressive Metal hơn là Power Metal. Giọng của Jon Oliva lúc này cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của Opera chứ không còn hoang dại như trước nữa. Các bài hát trong album cũng dài hơn, cấu trúc phức tạp hơn và sử dụng rất nhiều piano. Nếu có một từ để miêu ta album này thì đó chỉ có thể là: kinh điển. Một số bài hát hay nhất trong lịch sử của Savatage hiển nhiên cũng có mặt trong album này, trong đó có Gutter Ballet và When The Crowds Are Gone. Gutter Ballet When The Crowds Are Gone Hounds (còn tiếp)
Savatage Savatage Album tiếp theo của Savatage là Streets - 1991 tiếp tục là một album kinh điển và là một trong những album được yêu thích nhất của người viết bài. Một lần nữa đây là album concept. Nội dung của album kể về sự sa ngã của một ngôi sao nhạc rock (anh này tên là D.T Jesus). Anh này nghiện ma túy, hành trình của anh này để trở lại thành một ngôi sao lần nữa và cuối cùng vẫn không cưỡng lại được sự quyến rũ để rồi lại tiếp tục ngã đổ. Nội dung chính của album dựa trên một cuốn sách của O Neill. Đây cũng là album đầu tiên mang âm hưởng rock opera của Savatage và có lẽ cũng là một trong những album rock opera hay nhất trong lịch sử. Âm nhạc trong album này cũng rất phức tạp, với sự hòa trộn của rất nhiều thể loại khác nhau như Symphonic Metal , Metal cổ , Hard rock, ballads, folk… tuy nhiên có một điểm chung cho tất cả các bài hát trong album này là đều rất hay nên để chỉ ra những bài hay nhất thì cũng rất khó. Một album không thể thiếu trong bất kỳ bộ sưu tập của một người yêu Metal nào. If I Go Away Believe Jesus Saves Streets Streets là một album kinh điển và đỉnh cao sáng tạo của Savatage nhưng nó lại bắt đầu cho sự thay đổi của band nhạc. Sau album này thì Jon Oliva rời khỏi nhóm để theo đuổi sự nghiệp ở sân khấu Broadway (nhưng anh vẫn là người sáng tác nhạc chính cho band nhạc). Giọng ca Zachary Stevens được chọn để thay thế Jon. Giọng của Stevens thì còn mang nhiều âm hưởng Opera và thậm chí còn tốt hơn của Jon Oliva (tuy nhiên lại không có sự nổi loạn và hoang dã như của Jon). Savatage cho ra album thứ 7 và là album cuối cùng của Criss Oliva là Edge Of Thorn vào năm 1993. Dù Jon Oliva không còn hát chính trong album này nhưng sự hiện diện của ông này là còn rất rõ nét: ông vẫn chơi piano, keyboards và trống trong một số bài trong album và tham gia sáng tác cùng Criss và O’Neill. Đây cũng là kiệt tác cuối cùng của Criss, sau album này, anh mất trong một tai nạn giao thông (bị một tài xế say rượu đâm phải). Những bài hát như: Edge Of Thorns, Follow Me hay All That I Bleed là những nhạc phẩm vô cùng được yêu thích của Savatage trong album này. Edge Of Thorns All That I Bleed
Savatage Savatage Sau cái chết đầy bất ngờ của Criss, Jon Oliva cố gắng trong tuyệt vọng để Savatage không chết yểu. Ta nên nhớ rằng tiếng guitar của Criss chính là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên âm nhạc của Savatage. Anh này cũng chính là một trong những người sáng tác chính của Savatage nên việc mất đi Criss là tổn thất tưởng như Savatage không thể gượng dậy được. Thế nhưng, chỉ một năm sau cái chết của Criss, Savatage đã cho ra đời album Handfull Of Rain vào năm 1994. Thực chất đây gần như là một album solo của Jon Oliva (ông này sáng tác tất cả các bài hát và chơi gần như tất cả các nhạc cụ trong album, ngoại trừ phần vocal và một phần lead guitar). Phần việc guitar trong album này được giao cho Alex Skolnick, tay guitar của nhóm nhạc Testament. Về mặt âm nhạc thì album có nhiều điểm tương đồng với Edge Of Thorn nhưng vẫn có rất nhiều điểm đáng chú ý và một số bài hát rất hay như: Chance, bài hát phong cách bè Opera đầu tiên của Savatage, Watching You Fall hay bản ballad tuyệt vời tưởng nhớ Criss – Alone You Breath. Chance Alone You Breathe Skolnick chỉ xuất hiện duy nhất trong album Handfull Of Rain, sau album này anh rời bỏ Savatage vì không đóng góp được nhiều trong những sáng tác và âm nhạc của Savatage nên quyết định theo đuổi sự nghiệp solo. Chris Caffery là người được chọn thay thế Skolnick. Cùng với sự xuất hiện của tay guitar thứ hai là Al Pitrelli, Savatage bước vào ghi âm album tiếp theo ngay trong năm 1995 là Dead Winter Dead. Một lần nữa đây là album concept và mang âm hưởng Rock Opera. Album này tuy không được đánh giá cao bằng siêu phẩm Streets, 4 năm trước đó nhưng cũng được rất nhiều fan hâm mộ yêu thích. Nội dung của album kể về một chuyện tình của một chàng trai người Serbia và một cô gái Hồi giáo Bosnia trong giai đoạn những năm đầu thập kỷ 90, khi nước Nam Tư cũ đang trong thời kỳ chiến tranh tôn giáo diễn ra hết sức nặng nề. Cả chàng trai và cô gái đứng ở hai bờ chiến tuyến. Tuy nhiên họ đều có một tình yêu chung là âm nhạc, sau này kh họ gặp nhau họ nhận ra cuộc chiến mà họ tham gia hoàn toàn điên rồ và vô nghĩa nên quyết định từ bỏ quân đội để giã từ cuộc chiến giữa những con người đã từng coi nhau như anh em ruột thịt. Album này có một số nhạc phẩm hết sức nổi tiếng là Christmas Eve (Sarajevo 12/24) và One Child. One Child Christmas Eve (Sarajevo 12/24) Đến năm 1997, Savatage tiếp tục tung ra một album concept nữa là The Wake Of Magellan với nhiều điểm tương đồng với Dead Winter Dead với sự có mặt của những âm thanh giao hưởng. Tuy nhiên các bài hát thì dài và ít đau đớn hơn so với Dead Winter Dead. Chính vì thế album này cũng được không ít fan hâm mộ yêu mến với những bài hát như Sleep hoặc Turns To Me. Đây cũng là album cuối cùng của Zachary Stevens trong vai trò người hát chính của Savatage. Sleep Turns To Me Album cuối cùng của Savatage là Poets & Madmen tung ra vào năm 2001 với Oliva đảm nhận trở lại vai trò hát chính. Đây cũng là một concept album nhưng lại là một bước lùi trong sự nghiệp của Savatage khi không còn được đánh giá cao như những album trước đó. Chính thất bại của album này là lý do khiến Jon Oliva không tiếp tục tung ra những album tiếp theo dưới tên Savatage nữa mà theo đuổi một dự án mới là Jon Oliva’s Pain với những bài hát mang nhiều ảnh hưởng của ông và em trai là Criss. dự án này, Jon khai thác rất nhiều những sáng tác của cũ của Criss Oliva nên chất âm rất giống với Savatage cổ. Trải qua một sự nghiệp sóng gió nhưng cũng vô cùng lẫy lừng với hàng loạt những album chất lượng cao. Rất nhiều trong số các album của Savatage xứng danh kinh điển của dòng nhạc Heavy Metal. Mặc dù không mấy thành công về mặt thương mại (sau này Jon Oliva thành lập nhóm Trans-Siberian Orchestra với âm nhạc còn không mang nhiều tính đột phá như Savatage nhưng lại vô cùng thành công về mặt thương mại, mỗi album đều bán được vài triệu bản) nhưng Savatage vẫn là một trong những cái tên được yêu mến nhất của Heavy Metal trên toàn thế giới. Sự thành công có phần khó hiểu của Trans-Siberian Orchestra làm Jon Oliva tin rằng chỉ vì cái tên mà Savatage mà một band nhạc vô cùng đặc biệt không thể trở nên thành công và nổi tiếng được. Tuy nhiên cái tên Savatage và những đoạn solo guitar đầy xúc cảm của Criss Oliva sẽ luôn ở trong tim những người hâm mộ Metal trên toàn thế giới. Commissar
Re: Savatage Cám ơn bác động viên. Em sẽ cố gắng viết hết về các band nổi tiếng. Một số band rất khó để xếp loại nên em sẽ tự phân loại theo khả năng của mình. Bài hát của Manowar chính là phiên bản tiếng Đức (Đọc cũng từa tựa như nhau dù em không biết tiếng Đức) của bài Heart Of Steel trong album Kings Of Metal-88 đấy.
Re: Savatage Vâng , Herz aus Stahl là phiên bản tiếng Đức của Heart ò Steel. Duy nhất 1 điều k thích ở Manowar là ngoại hình các thành viên ban nhạc rất cơ bắp, giống như AC/DC ca sĩ chính tay to như cái phích khi lên sân khấu trông như mới đi tập thể hình về :lol: Chơi Rock nếu gầy ốm tong teo, trông hâm hâm như Kurt Cobain hay man dại như Sebastian Bach thì trông có hình tượng hơn. Bác No1know đã có bài viết về Go fest & Simple Aggression chưa ah? Đấy là 2 ban rất k nổi tiếng :wink:
Re: Savatage Vâng, Manowar là cái tên mà em rất yêu thích, đặc biệt là album Triump of Steel. Em rất thích giọng ca của Eric Adams, rất khoẻ và đầy uy lực. Trong 2 band bác đưa ra thì Go fest em không biết. Simple Aggression thì em sẽ cân nhắc vì em xếp nhóm này trong Progressive Metal, dòng nhạc em cũng rất thích. Mà trong dòng này thì nhiều band quan trọng và âm nhạc hết sức đặc biệt, đồng thời tầm ảnh hưởng rất lớn (theo ý kiến của em). Cũng có nhiều band em không thích nhưng họ quan trọng nên em vẫn sẽ đưa vào (ví dụ như Cannibal Corpse của Death Metal, Pain Of Salvation của Progressive Metal hay Darkthrone của Black Metal). Tất nhiên, cái này cũng một phần do ý kiến cá nhân thôi. Vì số lượng band metal là rất lớn và không ai có thể biết hết được, cũng mong các bác hết sức thông cảm nếu một số band yêu thích của mình không có mặt.
Helstar Helstar Helstar là một trong những cái tên nổi bật nhất ngoài nhóm bộ 3 huyền thoại Savatage, Manowar và Manilla Road. Band thành lập từ năm 1982 và đến năm 1984 thì có album đầu tiên Burning Star. Lúc này các thành viên của band nhạc đều khoảng 20 tuổi. Album nhận được rất nhiều sự khen ngợi rất nhiều từ giới chuyên môn. Tuy nhiên, ngay sau album này thì nhóm lại có sự thay đổi rất lớn về mặt nhân sự với 3/5 thành viên rời nhóm. Nhóm tung ra album Remnants Of War -86 và tiếp tục nhận được rất nhiều sự khen ngợi của giới chuyên môn trên toàn thế giới. Nhưng sự ổn định là điều mà Helstar rất thiếu trong suốt sự nghiệp của mình. Sau album này, một lần nữa đội hình của band lại thay đổi 3 thành viên trước khi tung ra liền một lúc 2 albums là A Distant Thunder -88 và Nosferatu -89. Trong đó Nosferatu xứng đáng là một trong những album kinh điển của Heavy Metal. Album concept này có nội dung nói về câu chuyện ma cà rồng Dracula nổi tiếng trong lịch sử (lúc này thì ma cà rồng chưa thực sự trở thành cơn sốt như những năm về sau). Album vô cùng được yêu mến với những bài hát nổi tiếng như Rhapsody In Black/Baptized In Blood. Tuy nhiên, sự trỗi dậy quá lớn của grunge trong thập kỷ 90 đã khiến Helstar gặp vấn đề rất lớn trong việc tìm kiếm một hợp đồng (hợp đồng của họ với hãng đĩa Metal Blade kết thúc và không được gia hạn). Helstar còn tiếp tục ra thêm được 1 album nữa là Multiples Of Black vào năm 1995 trước khi tan rã. Burning Star Rhapsody in Black/Baptized in Blood Angel Of Death
Helstar cũng sẽ là band cuối cùng trong topic này trong năm Quý Tỵ. Nhân dịp năm mới chúc các thành viên VNAV sức khoẻ và thành công trong cuộc sống. Hẹn gặp lại các bác trong năm sau.
Chúng ta quay trở lại với topic Heavy Metal nửa thế kỷ nhìn lại. Khởi đầu năm mới sẽ là một trong những band nhạc có đóng góp quan trọng trong việc hình thành và phát triển của Power Metal Mỹ, đó là Vicious Rumors.
Vicious Rumors Vicious Rumors Bên cạnh Helstar thì Vicious Rumors là một cái tên rất đáng chú ý trong việc hình thành và phát triển của Power Metal Mỹ. Nhóm thành lập từ năm 1979 bởi tay guitar Geoff Thorpe. Ông này cũng là người lãnh đạo và sáng tác chính của band nhạc. Album đầu tay của nhóm là Soldiers Of The Night -85 hết sức thành công tại Hà Lan và Đức với sự góp mặt của tay guitar huyền thoại Vinnie Moore. Tuy nhiên tay guitar này chỉ chơi cho Vicious Rumors trong đúng một album duy nhất này. Trong những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, Vicious Rumors liên tiếp tung ra một loạt những album hết sức chất lượng là Digital Dictator -88, Vicious Rumors -90 và Welcome To The Ball -91. Lúc này họ đã khá nổi tiếng và có hợp đồng với Atlantic, trong đó Welcome To The Ball trở thành album bán chạy nhất của nhóm trong lịch sử và được bầu là album hay nhất của vùng Bay Area vào năm 1991, vượt qua cả những tên tuổi khổng lồ như Metallica và Tesla. Nhưng đến năm 1995 thì sự nghiệp của Vicious Rumors gặp vấn đề nghiêm trọng khi giọng ca chính Carl Albert qua đời trong một tai nạn (ông này là một người rất có tài và đã gắn bó với nhóm từ album thứ 2). Cái chết của Albert là một đòn nặng giáng vào sự nghiệp của Vicious Rumors khiến nhóm không thể gượng dậy được nữa. Digital Dictator Children Don't Wait For Me
Chào bác, tôi muốn biết bác ở Saigon hay Hanoi vậy.nếu bác cư trú Saigon hôm nào tôi mời cafe bác được không?
Virgin Steele Virgin Steele Virgin Steele là một band nhạc cũng khá nổi tiếng và được nhiều người biết tới của Power Metal Mỹ. Band này thành lập từ năm 1981 và cũng có nhiều lần thay đổi phong cách từ Metal truyền thống sang Hard Rock, rồi sang Power Metal. Âm nhạc của nhóm có rất nhiều điểm tương đồng với Manowar nhưng sử dụng thêm nhiều keyboards và chịu rất nhiều ảnh hưởng của giao hưởng và nhạc cổ điển. 2 album đầu của nhóm là Virgin Steele - 82 và Guardians Of The Flame -83 mang nhiều âm hưởng của Metal cổ tuy nhiên chưa nhận được nhiều sự chú ý. Phải đến năm 1986 thì nhóm mới nhận được nhiều sự chú ý hơn với album Noble Savage với một số bài hát kinh điển như Noble Savage hay Fight Tooth And Nail. Album sau đó Age Of Consent -88 tuy khá hay nhưng lại thất bại thảm hại về mặt thương mại do hãng đĩa chủ quản của band bị phá sản. Thất vọng, band tan rã ngay sau đó. Tuy nhiên, band tiếp tục trở lại trong năm 1993 và tung ra một loạt album Power hết sức chất lượng và được nhiều người yêu mến với rất nhiều nét tương đồng với Manowar trong thời kỳ đỉnh cao. Những album hay nhất trong thời kỳ này có thể kể đến Mariage Of Heaven And Hell, Part 1, 2 năm 94, 95, Invictus -98 hay Visions Of Eden -2006. Burning Rome Noble Savage Victory is Mine Through Blood And Fire
Iced Earth Iced Earth Nếu như Manowar, Manilla Road, Savatage, Helstar, Virgin Steele lần lượt tạo ra tên tuổi của Power Metal Mỹ trong thập kỷ 80 thì Iced Earth và Nevermore lại làm cho dòng nhạc này tiếp tục thành công trong thập kỷ 90 và 2000. Trong đó vai trò của Iced Earth là rất quan trọng. Thành lập từ năm 1985 bởi tay guitar Jon Schaffer, khởi đầu Iced Earth (trong 2 albums Iced Earth và Night Of The Stonerider)chơi một thứ âm nhạc mang tính Thrash hơn là Power Metal (họ chịu ảnh hưởng rất lớn của Iron Maiden và Metallica). Tuy là một tay guitar rất nổi tiếng với lối chơi đặc trưng kiểu ngựa phi nhưng thần tượng của Schaffer có lẽ lại là tay bass Steve Harris của Iron Maiden. Chính vì thế âm nhạc của 2 nhóm cũng có rất nhiều điểm tương đồng. Stormrider Pure Evil Phải đến album thứ 3 của nhóm là Burnt Offerings -95 với sự xuất hiện của giọng ca chính Matt Barlow thì Iced Earth mới chuyển sang chơi kiểu Power Metal (tuy vẫn còn nhiều ảnh hưởng của Thrash) với những bài hát dạng trường ca. Một số bài hát nổi tiếng trong album này có thể kể đến Burnt Offerings, Last December hay bản trường ca dài hơn 18 phút Dante’s Inferno. Burnt Offerings Dante’s Inferno Album tiếp theo của Iced Earth - Dark Saga năm 1996 là một album có cốt truyện, nó cũng chứng kiến sự thay đổi trong phong cách của Iced Earth khi các bài hát rất ngắn (thường dưới 4 phút, so với các bài trường ca rất dài trong album trước đó) và nghiêng về giai điệu dễ nghe và sự thể hiện của vocalist. Các bài hát ngắn và có phần đơn giản khiến một bộ phận không nhỏ giới chuyên môn và fan không hài lòng. Tuy nhiên phần trình diễn vocal của Barlow hay guitar của Schaffer là những điểm sáng trong album. I Die For You, Dark Saga hay The Hunter là những bài hát đáng chú ý nhất trong album này. The Dark Saga The Hunter
Iced Earth Iced Earth Năm 1998 là một trong những năm huy hoàng nhất trong lịch sử của Iced Earth khi nhóm tung ra album kinh điển Some Thing Wicked This Way Come, đây cũng là một trong những album bán concept (một số bài hát dựa trên cốt truyện Something Wicked Saga do chính tay guitar Schaffer sáng tác). Về mặt âm nhạc, đây là album mạnh hơn so với album The Dark Saga trước đó và với nhiều thử nghiệm (các bài hát khác biệt hơn nhiều so với các album trước). 3 bài hát cuối cùng trong album: Prophecy, Birth Of The Wicked, The Coming Curse là sự khởi đầu cho câu chuyện Something Wicked Saga.Cốt truyệt này sau đó tiếp tục được phát triển trong các album sau này của Iced Earth. Lần đầu tiên Iced Earth nhận được sự chú ý tại châu Âu khi xuất hiện trên các bảng xếp hạng của Đức (hạng 19) và Áo (hạng 50). Với rất nhiều bài hát hay như Burning Times, Melancholy, Watching Over Me, Stand Alone hay bộ 3 bài hát Something Wicked Trilogy, album này đã trở thành một trong những album kinh điển của làng nhạc Power Metal thế giới nói riêng và Heavy Metal trong thập kỷ 90. Coming Curse Melancholy Watching Over Me Sau thành công của Something Wicked This Way Come, tên tuổi của Iced Earth bắt đầu được biết đến rộng rãi nhất là tại châu Âu (nơi Power Metal rất được yêu mến). Chính vì lý do này mà album tiếp theo của nhóm Horror Show -2001 chuyển hẳn sang chơi Power Metal và phần ảnh hưởng từ Thrash Metal của các album trước đó gần như không còn. Đây cũng là album duy nhất của Iced Earth có sự tham gia của tay bass huyền thoại Steve Digiorgio. Album tiếp nối thành công tại các nước như Đức, Áo, Thụy Sỹ và Pháp khi xuất hiện trên bảng xếp hạng tại 4 nước này. Album là tập hợp rất nhiều các bài hát lấy từ cảm hứng từ những câu chuyện kinh dị đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới như Dracula, người sói, Mummy, Frankenstein… Tuy không được đánh giá cao bằng album Something Wicked nhưng đây vẫn là một album hay và khá được yêu mến với các bài hát như Dracula, Wolf hay Damien. Tuy nhiên, đây lại là album cuối cùng vocalist Barlow, sau album này anh rời nhóm để theo đuổi sự nghiệp cảnh sát. Dracula Wolf Phải đến năm 2004, Iced Earth mới tung ra được album tiếp theo là The Glorious Burden với một giọng ca mới, tuy nhiên cũng không phải quá xa lạ với những fan của Heavy Metal, đó chính là Tim “Ripper” Owens của Judas Priest. Lúc ghi âm album này thì Owens vẫn còn là thành viên của Judas Priest, nhưng sau đó nhóm nhạc huyền thoại này tái hợp với Rob Halford và quyết định chia tay Owens. Ngay sau đó anh này chính thức tham gia Iced Earth. Cũng giống như album trước đó lấy cảm hứng từ các câu chuyện và film kinh dị, album The Glorious Burden lấy cảm hứng từ những trận đánh lớn và các sự kiện quan trọng trong lịch sử quân sự thế giới. Giọng ca của Owens thì ta cũng đã biết là rất tốt và phù hợp với âm nhạc của Iced Earth. When The Eagle Cries The Reckoning
Iced Earth Iced Earth Trong những năm sau đó, đội hình của Iced Earth thay đổi rất nhiều, họ tung ra liền một lúc 2 album concept về câu chuyện Something Wicked Saga là Framing Armageddon -2007 và The Crucible Of Man vào năm 2008. 2 albums này do 2 người khác nhau hát, phần 1 do Owens còn phần 2 do người cũ Barlow. Đây cũng chính là phần tiếp theo của 3 bài hát cuối trong album Something Wicked This Way Comes kể về một câu chuyện về nguồn gốc loài người. Trong câu chuyện này, loài người là những sinh vật từ hành tinh khác đến, tiêu diệt những sinh vật ở đây là người Setian để thống trị trái đất. Sau đó con người bị mất hết trí nhớ và tiếp tục phát triển cho đến tận ngày nay (phần 1). Phần 2 là câu chuyện về Set, một người được chọn để cứu rỗi thế giới loai. Cả 2 album đều khá thành công khi vươn lên có mặt trong rất nhiều bảng xếp hạng trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ (cả 2 đều xếp hạng 79, và đây cũng là những lần đầu tiên những album của Iced Earth có mặt trong top 100 của Mỹ). Điều này cũng chứng tỏ âm nhạc của Iced Earth đã dần tạo được tiếng vang và chinh phục được khán giả trên quê hương của band nhạc. Nếu so sánh giữa 2 albums thì phần 1 được đánh giá cao hơn phần 2. Ten Thousand Strong Framming Armageddon Harbinger Of Fate Đến năm 2011 thì một lần nữa Barlow quyết định rời nhóm vì lý do các nhân. Thay thế cho ông này là Stu Block, giọng ca chính của nhóm Heavy Metal- Into Eternity. Với Stu, Iced Earth tung ra album Dystopia -2011. Giọng của Stu cũng rất tốt và đóng góp đáng kể cho sự thành công của album này. Về mặt âm nhạc thì album này khá giống các album trước đó khi đánh nghiêng về kiểu Thrash và Speed nhiều hơn. Rất nhiều bài hát trong album lấy cảm hướng từ các bộ phim, một số bài hát thì lấy cảm hứng của câu chuyên Something Wicked Saga mà chúng ta đã gặp trong rất nhiều album của Iced Earth (Dystopia và Tragedy and Triumph). Album này thập chí còn thành công hơn nữa về mặt thương mại khi chiếm được hãng 67 tại Mỹ và có mặt trong rất nhiều bảng xếp hạng trên thế giới. Dystopia Anthem Album gần đây nhất của Iced là Plagues Of Babylon được tung ra vào tháng 1 năm 2014 và vẫn tiếp tục khai thác câu chuyện về Something Wicked. Album cũng khá hay và thành công, chiếm hạng 49 tại Mỹ và cũng là vị trí cao nhất trong lịch sử của band nhạc. Plagues Of Babylon Trải qua một sự nghiệp dài với rất nhiều sự thay đổi trong band nhạc, điều kỳ lạ là Iced Earth vẫn luôn tung ra được các album chất lượng rất tốt. Không có bất kỳ album nào của Iced Earth bị coi là yếu kém, tuy nhiên ngược lại thì họ cũng không có quá nhiều những album mang tính đột phá kiểu như Something Wicked. Tuy nhiên Iced Earth vẫn là một trong số ít những band Metal Mỹ underground được yêu thích nhất thế giới trong hai thập kỷ 90 và 2000.