Xin ý kiến các bác: Em đang có bộ CD Denon 755II + Amply Denon 2000. Em muốn ghép với Jamo Conet 95 hoặc Jamo Classic 6, thì nên chọn em nào hơn. Kinh phí chỉ tầm 6tr đổ xuống thôi ạ. Dòng nhạc em nghe chủ yếu là nhạc nhẹ nước ngoài và nhạc không lời. Cảm ơn các bác.
Âm thanh trung thực tựa như thức ăn dân dã, còn âm thanh nịnh tai tựa như cao lương mỹ vị. Dùng cao lương mỹ vị riết cũng chán, quay về thức ăn dân dã thấy ngon quá. Ăn thức ăn dân dã mãi cũng chán, tìm tới cao lương mỹ vị thấy cuộc đời tươi vui hơn. Mình thích cả hai loại âm thanh, tùy tâm trạng hay loại nhạc mà nghe trên hệ thống nịnh tai, hay hệ thống mộc mạc trung thực
Hehe đang chơi 2 bộ ở 2 phòng, Altec 9815 trung âm rất mộc mạc, không hiểu sao nhiều bác lại thêm super treble chi nữa :roll: Altec 14 phối với Thi Văn 811 single end âm nịnh tai hơn nhiều, nghe nhạc vàng được phết
Bác lại quay lại rùi! . Có người cho trung thực là hay, có người trong đó có em âm thanh nịnh tai (bass, treble,... Chuẩn) thì mới hay mà. :lol:
Xin chào và cảm ơn các bác đã quan tâm, ủng hộ. Thời gian qua em mải chơi, do nhà đông khách quá, chè chén nhạc nhẽo liên tục em không có thời gian đi nghe và viết về mảng thiết bị. Tuy nhiên, em vẫn thỉnh thoảng viết về nhạc trên Facebook. Một số bác lên chơi có nhắn em viết tiếp vào đây chia sẻ với anh em, vì thế, em xin gửi vào đây vài bài em viết về âm nhạc phục vụ các bác đã chuyển sang giai đoạn nghe nhạc chứ không chỉ đi săn thiết bị nữa. Em xin cảnh báo trước với các bác rằng thì là em viết các bài dưới đây trên Facebook để phục vụ bạn bè trên đó, cho nên ngôn ngữ, danh xưng và một số chi tiết có thể sẽ không hợp tai các bác trong này. Mong các bác thông cảm. Xin cảm ơn.
Đêm nhạc ElectroAcoustic của nhạc sĩ Xinh Xô tại cafe Manzi, 14 Phan Huy Ích, ngày 29/11/2013 Mình đến muộn mấy phút, đông bất ngờ, may mà còn vào được và còn được ngồi ghế, dù vị trí ghế bị chắn bởi cái cột nhà to vật, cản trở việc mình nhìn Xinh Xô trình tấu nhạc cụ một cách trực tiếp. Chuyện vặt, mình ít khi vừa nghe vừa nhìn, nhất là khi nghe nhạc nghiêm túc. Hay bất ngờ, mình mừng mừng tủi tủi ngay sau không đến 1 phút nghe nhạc của Xinh Xô. Nhạc cụ dân tộc, đàn tranh, rõ, có khuếch âm từ máy tính, có xử lý âm thanh từ máy tính nghe hao hao như chạy nhạc đệm từ máy tính, không rõ, kệ, nhạc Tây, rõ, kệ, hay là đủ. (Sau mình mới biết không phải nhạc đệm chạy từ máy tính mà là máy tính xử lý chính các nốt trên đàn như các input để tạo ra nhạc đệm, hay đúng hơn là nghệ sĩ trình tấu thứ hai, song tấu cùng Xinh Xô.) Mình ngập ngụa trong hạnh phúc, rõ, không hạnh phúc cũng thành hạnh phúc, sau bao nhiêu lần sặc sụa trong thất vọng với các thể loại khí nhạc điện tử, khí nhạc thử nghiệm đã háo hức đi nghe trong mấy tháng từ khi về Việt Nam. Toàn rác. Rác có tên kêu mới cám dỗ chết người chứ. Chẳng hạn có chương trình kêu là "The other side of sound". Mới nghe mình choáng. Quá hoành tráng. Cách mạng chăng? Hẳn rồi. Cái gì là mặt kia của sound? Không sao hay là siêu sao? Kệ, không sao hay siêu sao đều quá cách mạng. Chứ chẳng lẽ chỉ đơn giản là chơi chữ, khi muốn nói mặt kia của âm thanh là âm nhạc? Quá chung chung, tức là vô bổ. Thế nhưng mà cuối cùng thì thất vọng toàn tập. Dù không có cái tên rất kêu đấy cũng đã thất vọng toàn tập rồi ấy chứ. Các chương trình biểu diễn của các nhạc sĩ khác mình càng không thèm chấp. Lộn cả tiết. Không hay bằng hai con chó du côn bụi đời Jakku và Bồ Bồ nhà mình sủa đêm. Xinh Xô chơi 4 bản, 4 loại nhạc cụ, từ đàn tranh có gảy và kéo cả bằng cung violin (cung trẻ con), đàn nguyệt, cồng Tây Nguyên cho đến gõ ly rượu vang đỏ. Khá điêu luyện. Cuối cùng, coi như phần thêm còn là một đoạn vocal hát mấy câu "con cò mà đi ăn đêm.. lộn cổ xuống ao, ông có lòng nào.." hợp tai khán giả. Nhìn chung, ưu điểm nổi bật của nhạc Xinh Xô là cởi mở, ấm áp và thân thiện, tức là dễ nghe, có tính tương tác cao đối với khán giả. Nó vẫn pop hơn khí nhạc cổ điển châu Âu giai đoạn đầu thế kỷ 20 nhiều. Một ý tưởng chính của Xinh Xô là sử dụng các chương trình phần mềm máy tính để đón nhận và tự tạo ra phần hòa tấu bên cạnh phần trình tấu của anh. Nghe cách anh trả lời, giải thích vài câu hỏi vô thưởng vô phạt của khán giả, mình lờ mờ đoán ra loại chương trình phần mềm mà anh sử dụng là một dạng mạng lưới nơ-ron (neural network) - một kỹ thuật lập trình quan trọng và hấp dẫn trong tin học ngày nay. Nói nôm na thì nhờ dạng chương trình này người sử dụng có thể cho một số dữ liệu đầu vào (input) cụ thể nào đó và đưa ra vài qui luật cho chương trình rồi để cho bản thân chương trình tự chạy, tự tính ra kết quả đầu ra (output). Cách của Xinh Xô là lập qui tắc cho chương trình biết khi nhận tín hiệu đầu vào khác nhau của cùng một nốt (to hay nhỏ, ngân lâu hay tắt nhanh) sẽ dẫn đến những kết quả đầu ra khác nhau và trong một số trường hợp anh để máy tính lựa chọn theo ý nó, tức là ít nhiều có tính ngẫu nhiên. Số các trường hợp khác nhau của đầu ra này do đó là {rất} hữu hạn, chứ không vô hạn. Nghĩa là đồng hành với một bản nhạc Xinh Xô trình tấu, máy tính chỉ có thể cho ra tối đa là vài chục phần hòa tấu {hơi} khác nhau. Cuối buổi mình có lên gặp riêng và hỏi Xinh Xô vài câu.. ngoài chuyện phần mềm ở trên còn là chuyện nội dung, cấu trúc tác phẩm của anh. Xinh Xô có nói với khán giả rằng cách anh viết nhạc khác với cách các nhạc sĩ khác thường làm. Anh thường bắt đầu từ các ý tưởng, motive nhỏ, rồi kết nối chúng với nhau để tạo ra tác phẩm chứ không phải là từ một giai điệu chủ đạo nào đó rồi thêm thắt, xây dựng mọi thứ xung quanh nó. Mình nói thẳng mình thấy Xinh Xô xử lý tác phẩm quá an toàn. Xinh Xô trả lời rằng đúng, anh không chơi kiểu ngẫu hứng vì sợ sự ngẫu hứng làm âm nhạc của anh càng trở nên khó hiểu, khó gần hơn với khán giả có mặt. Mình giải thích rõ hơn ý mình, rằng mình đang nói anh xử lý cấu trúc tác phẩm quá an toàn. Chẳng hạn, cách anh kết nối các ý tưởng, motive nhỏ để tạo thành tác phẩm quá an toàn (bởi lẽ bất kỳ một đoạn nhạc nào mà bao gồm các nốt liên tục nối đuôi nhau về mặt thời tính nói chung hay trường độ nói riêng đều sẽ tạo ra một giai điệu hoặc cảm giác giai điệu, chính xác hơn là nghe thuận tai), dù mình không hiểu và không biết các kỹ thuật của riêng anh để nhận xét chi tiết. Mình hỏi thẳng sao anh không xóa bớt, dấu bớt, cắt bớt để tác phẩm của anh trở nên phức tạp, trừu tượng hơn, tức là thú vị hơn. Xinh Xô cũng ngay lập tức phản ứng tích cực với nhận xét của mình. Anh công nhận và giải thích đúng là anh xử lý mọi thứ an toàn, không ngắt nghỉ, không tạo ra các khoảnh lặng (để ngắt "giai điệu", tạo biến cố) bởi xét chi tiết thì âm nhạc của anh có phần là nghệ thuật biểu diễn, coi trọng sự tương tác với khán giả và môi trường, điều kiện, hoàn cảnh biểu diễn. Chẳng hạn, anh e ngại tiếng còi xe, tiếng ồn xe cộ ngoài đường có thể "phá đám" tác phẩm anh trình tấu vào những khoảnh khắc không phù hợp. Kết luận: như mình đã nói, mình mừng mừng tủi tủi. Xinh Xô cho mình niềm tin rằng âm nhạc Việt Nam sẽ có tiến bộ, tiến lên soạn nhạc (khí nhạc) một cách nghiêm túc chứ không chỉ dừng lại ở việc viết ca khúc như gà đẻ trứng, viết không ngừng nghỉ những anh em chàng nàng người ta yêu ghét thương nhớ đau đớn v.v. hay viết ra những đoạn tiếng ồn hoặc vô nghĩa hoặc buồn tẻ như nhiều nhạc sĩ thử nghiệm, nhạc sĩ Disco, nhạc sĩ Techno hay nói chung là nhạc sĩ tân thời (New Age) khác đang làm.
Xin nói thêm một chút về cafe Manzi ở 14 Phan Huy Ích, Hà Nội. Đây là một quán cafe nghệ thuật đúng nghĩa, thường xuyên có triển lãm, trình diễn nghệ thuật từ hội họa, điêu khắc cho tới âm nhạc v.v. Mọi người nếu quan tâm đến nghệ thuật đương đại, lại muốn tìm một không gian ngồi cafe dễ chịu, ít ồn ào có thể đến đây ngồi. Xin khẳng định luôn là dù quen chị Trâm chủ quán, em không có bất kỳ một lợi ích vật chất nào khi viết những dòng giới thiệu này cho nó tới các bác.
CD "Robert Schumann, Cellokonzert - 5 Stuecke im Volkston - Adagio & Allegro - Fantasiestuecke - Romanze - Maedchenbild. Mischa Maisky - Martha Argerich", thu bởi Deutsche Grammophone. Mới ra cửa hàng thêm một đống đĩa CD về để phục vụ mọi người lên chơi. Tức là mình đã định chỉ mua đĩa ca nhạc. Nhưng bệnh vẫn là bệnh, mình không thể không vác thêm vài cái CD cổ điển về. Sáng sớm mới pha trà, châm tẩu thuốc mở CD trèo lên võng phì phèo được vài hơi thì tiếng cello và piano bốc lên. Adagio & Allegro op. 70 của Schumann. Cháy, cháy cmnr bà con làng nước ơi. Cháy to. Mình tí nữa lộn cổ từ trên võng xuống. Nhạc cháy, Schumann cháy, cello cháy, piano cháy. Cháy tất tần tật tuốt tuồn tuột. Cả đời mình đã nghe bao nhiêu lần nhạc Schumann mình cóc nhớ, cello, piano thì càng vô kể. Nhưng đã bao giờ nghe nhạc cháy như thế này chưa nhỉ? Mình trí nhớ tồi, không nhớ ra nổi vài lần. Cái chất tâm thần ngấm ngầm pha với lãng mạn chàng nàng ướt át sên sến đến vô vọng thời kỷ Khai sáng ở châu Âu trong nhạc Schumann được thể hiện không có cách gì lý tưởng hơn bởi chàng Mischa Maisky và nàng Martha Argerich. Chàng phải gặp nàng, tâm thần phải gặp tâm thần. Hoàn mỹ. Máu mình như nham thạch cuồn cuộn chảy đi khắp cơ thể, lên lỏi tới từng ngóc ngách. Mọi lỗ chân lông như dãn nở to ra để hít thở cho kịp. Yoga làm quái gì cho hôm nay nữa. Thừa khỏe rồi. Khỏe không tưởng. http://www.youtube.com/watch?v=9wNaAYIHEKA
Xin báo cáo thêm với các bác là nhà em - tầng thượng của nhà A khu Zone 9 - tức số 9 Trần Thánh Tông - khu nghệ thuật mới nổi đình đám ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung - đã xong hòm hòm. Có lẽ các bác đã từng đến Zone 9 chơi, có lẽ các bác chỉ biết nó qua báo chí, qua vụ cháy chết người vừa rồi ở một quán bar đang xây trong này, nhưng nếu các bác đã tham gia đọc, viết trong topic này có nhã hứng muốn lên uống trà, nghe nhạc hoặc đàm đạo về âm nhạc với em thì xin cứ tự nhiên. Nhà em là nhà riêng, không kinh doanh gì cả nhưng vẫn là không gian mở, không kể lạ, quen, cứ ai lên chơi thì em tiếp. Em không phải người bình thường - theo nghĩa khách sáo hay vật chất - cũng không kinh doanh kiếm tiền một cách phổ thông cho nên không quan tâm đến những thứ khách sáo, thủ tục, lợi ích vật chất gì cả đâu ạ. Em thích giao lưu, nói chuyện văn hóa, nghệ thuật thôi. Các bác lên cứ ấn chuông tên Hưng là được, hoặc báo qua PM trong forum này cho em trước một ngày là được. Em vô công rồi nghề nên ở nhà gần như 24/24, 7/7, 365/365.
Ôi nói thật với bác chứ hôm xảy ra vụ cháy ở một bar trong Zone 9 em đang ngồi uống trà tập đàn với anh bạn hàng xóm. Khi đó khói đen bốc lên ngùn ngụt, rất nhanh và khét lẹt, nhiều tới mức bao phủ cả tầng thượng rộng 600m vuông chỗ nhà em. Khói nhiều nhưng đến nhanh tan nhanh. Bọn sinh viên, trẻ con, người giúp việc nháo nhác chạy xuống xem còn em và anh bạn hàng xóm vẫn ngồi yên, tiếp tục uống trà và tập đàn. Mãi sau khi bọn sinh viên và trẻ con chạy lên kể lại kết quả vụ cháy em mới ngã ngửa vì biết tin mấy người chết. Thật ra chuyện bọn em ngồi lỳ như không cũng chẳng phải điều gì kỳ lạ. Tuy hai anh em bọn em đã sớm bị gọi là người điên rồi nhưng bọn em đã hành động theo lý trí thôi. Cái tòa nhà A ở Zone 9 này được xây cực kỳ chắc chắn, dầm cột bê tông chi chít, vượt xa các công trình hiện nay, mà các phòng studio, gallery, bar, quán trong tòa nhà đều không dễ bắt lửa, cho nên khả năng một đám cháy ở tầng dưới có thể lan lên tầng thượng là rất rất thấp, chưa nói đến khả năng có thể làm sập nổi tòa nhà rất kiên cố này. Thế nên bọn em vẫn bình chân như núi chứ không chỉ như vại. Hôm nào bác có thời gian mời bác lên thăm thôn chúng em. Cả Zone 9 này tuy rộng lớn như thế nhưng chỉ có 4 nhà tầng thượng nhà A bọn em là thuê để ở không kinh doanh gì ngay từ đầu thôi. Gọi là thôn vì quả thật nó như thôn, vườn ao chuồng rau sạch cá mú chó mèo lợn gà đủ cả và cả 4 nhà đều là bạn bè, sinh hoạt như hợp tác xã cộng sản ăn chung chơi chung.
Đêm trình tấu của Đặng Thái Sơn tại NHL, Hà Nội, 04/12/2013 Đêm trình tấu của Đặng Thái Sơn tại NHL, Hà Nội, 04/12/2013 Bận nghe nhạc nhẽo đủ thể loại liên miên ngày đêm khổ như chạy sô suốt một tuần lễ, giờ mình mới có thời gian ngồi viết vài dòng cảm nghĩ về buổi trình tấu các tác phẩm độc tấu cho piano của Debussy, Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc và song tấu cho piano của Poulenc (với pianist Lưu Hồng Quang) của chú Sơn. Debussy là một nhạc sĩ trào lưu ấn tượng. Nhạc của ông đậm hình, hình ấn tượng. Điều này có lẽ không mới. Cái cần nói ở đây là nhiệm vụ của người trình tấu tác phẩm của ông: họ cần vẽ ra những bức tranh ấn tượng ấy của Debussy theo cách của mình. Có thể mỗi người sẽ vẽ ra một tác phẩm hơi khác nhau, nhưng phải ra tranh đúng theo tên gọi của chúng, vì Debussy đặt tên riêng rất cụ thể cho chúng. Nghệ sĩ piano khi chơi Debussy nghiễm nhiên trở thành một họa sĩ âm thanh, dù muốn hay không. Cái cách chú Sơn chuẩn bị tư thế ngồi và đôi tay rồi đột nhiên vuốt phím đàn để bắt đầu trình tấu bản nhạc đầu tiên trong chương trình - bản "Nước phản chiếu long lanh" trong bộ "Những hình ảnh" của Debussy thật đặc biệt. Hoàn toàn không có sự chững lại trong các cử động của cánh tay, bàn tay như các pianist khác mình từng xem trong đời đã làm. Ngỡ ngàng. Mắt mình như lồi ra khi nhìn thấy cú vuốt phím đàn đầu tiên bởi ngón nhẫn bàn tay phải của chú. (Chẳng là mình ngồi ở ghế G3, phía trái tầng 1 cách chú Sơn khoảng 10m, nên nhìn được tay phải của chú rõ hơn tay trái.) Nó nhanh, đột ngột nhưng lại mềm mại và tự nhiên chạm vào phím đàn. Như không, như đùa, như để thử đàn. Hay nói hình tượng hơn và có lẽ là đúng hơn trong trường hợp này, là giống như một họa sĩ tài ba nhẹ nhàng cầm bút lông lên và đưa tay quệt ra nét đầu tiên cho tác phẩm mới đã định hình cụ thể trong đầu anh ta. Mình có thể khẳng định rằng mình chưa từng nhìn thấy một pianist Việt Nam nào có thể gõ ra được một nốt hay như thế, theo cách đặc biệt như thế và không tin rằng sẽ có một pianist Việt Nam thứ hai nào sẽ làm được việc này trong tương lai gần. Một ngón tay mềm như bút lông. Một cú vuốt kỳ diệu, gợi nhớ đến câu chuyện "nhát búa 20 năm" (1), dù rằng sự so sánh này có vẻ quá bỗ bã. Và bức tranh "Nước phản chiếu long lanh" được chú Sơn hoàn thiện theo cái cách như đùa, như không ấy. Không lãng mạn kiểu tâm sự, kể lể nỗi lòng nỗi buồn nỗi nhớ.. của thanh niên, mà là lãng mạn có kiểm soát - vừa sâu lắng, ý vị, lại vừa có pha một chút tỉnh bơ hài hước của người từng trải, chín chắn. Một bức tranh ấn tượng bậc thầy, từ bố cục, màu sắc cho tới nội dung. Những bản nhạc tiếp theo của Debussy vẫn được chú Sơn vẽ ra theo cách đó, dù phải khách quan mà nói rằng những bản cần một đôi tay búa tạ, cần sự mạnh mẽ có chút thô lỗ tá điền như "Nhà thờ chìm" vẫn không phải là điểm mạnh của chú Sơn so với các pianist Tây tay to nổi tiếng khác. Không sao, nhạc vẫn hay, tức là tranh vẫn đẹp. Chẳng bao giờ mình nghĩ mình có cơ hội nghe live bản "Nhà thờ chìm" hay đến thế ở Việt Nam. Phần trình tấu mình không thích nhất trong cả đêm đó là phần chùm tác phẩm "Chùm hoa Việt Nam" của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Ngắn gọn: ruồi bay. Chi tiết hơn: đơn giản là Đặng Hữu Phúc đã chuyển soạn mấy bài dân ca kiểu "Trống cơm" cho piano, và không gì hơn thế, chứ chưa thể gọi đó là các tác phẩm khí nhạc có chất lượng được viết dựa trên giai điệu chủ đạo của mấy bài dân ca đó. Nói chung, chúng nghe chẳng khác gì ca nhạc, tức là nhạc pop, chỉ có điều đây là pop được trình tấu bởi một nghệ sĩ piano lớn. Bản biến tấu trên chủ đề "Người đi đâu?" của Đỗ Hồng Quân còn được, nghe còn ra khí nhạc hiện đại, dù rằng cũng chỉ đạt mức cây nhà lá vườn quê Choa. Phần cuối chương trình là song tấu piano các tác phẩm của Poulenc của chú Sơn với pianist trẻ Lưu Hồng Quang - một học trò ưu tú của chú. Mình không đánh giá cao Poulenc cho nên cũng không biết khen chê gì nhiều ngoài chuyện mình thấy Lưu Hồng Quang là một pianist giỏi, có triển vọng, dù rất khó có cơ hội phát triển được tới đẳng cấp của chú Sơn. ------------------------------------------------------------------ Chú thích: (1) "Nhát búa 20 năm" là ngụ ngôn hiện đại kể chuyện một cô bé học sinh bị hỏng xe đạp phải dừng lại bên đường để sửa. Ông thợ sửa xe nhìn ngó cái xe đạp của cô một lát rồi giơ búa lên đập một nhát vào bàn đạp rồi bảo: "Hết 50 ngàn đồng". Cô bé ngạc nhiên thốt lên: "Bác chỉ phải đập mỗi một nhát búa là sửa xong xe cho cháu mà sao lại lấy đắt thế?!" Ông thợ sửa xe cười bảo: "Nhát búa đó của bác đắt giá như thế vì nó là nhát búa 20 năm đấy".
Quan điểm cá nhân, em thấy Trang này rất hay và bổ ích. Giá như nó nằm ngay Trang đầu của mục Loa, thì tốt biết bao. Xin cám ơn bác Cellist và các bác đã tham dự trao đổi. Hy vọng bác Chủ và các bác tiếp tục cho những người như em được học tập trong một hoàn cảnh mà động cơ "công" và "tư" luôn trộn lẫn trong những 4r kiêu này ở Việt Nam.
================= Mãi tới tận ngày hôm qua em mới được nghe và xem anh Sơn biểu diễn qua chương trình của VTV 4. Tuy nhiên em vẫn thấy hay Với phần "Chùm hoa Viẹt Nam" của NS Đặng Hữu Phúc vì so với những lần em nghe trước do các NS khác biểu diễn thì đúng ĐTS là bậc thầy lớn ! - Nghe ĐTS biểu diễn em thấy sự réo rắt tinh tế của chất Á Châu và sự hồn nhiên- trẻ trung của trong từng nốt nhạc qua ngón đàn của Đặng Thái Sơn.
Cảm ơn bác Cellist về những bài viết đầy tâm huyết và gần gũi. Mong bác dành thời gian viết một bài hệ thống hơn một chút về cách nghe nhạc cổ điển cho các bạn yêu nhạc Việt Nam có thể bước vào con đường thưởng thức nó. Chúc bác luôn luôn có nhiều niềm vui trong âm nhạc!
Xin chào các bác, 1. Về vấn đề phát triển khả năng phân biệt và thưởng thức âm thanh theo tiêu chí hướng tới độ trung thực cao Theo xxx kiến của em, ngoài những việc ai cũng làm như đi nghe nhạc live, nghe ý kiến người khác, đọc sách báo v.v. các bác không biết chơi nhạc cụ nào muốn nâng cao khả năng thẩm định âm thanh nên tiến hành một công việc không phức tạp lắm sau đây: Xin các bác hãy đến một cửa hàng nhạc cụ, chẳng hạn một cửa hàng bán đàn guitar, rồi lần lượt thử gảy cả 6 dây (từ trên xuống) của một số cây đàn guitar, theo thứ tự từ giá rẻ đến đắt nhất, rồi ngược lại, từ đắt nhất đến rẻ nhất. Hãy lặp đi lặp lại càng nhiều càng tốt. Hãy thử tập trung suy nghĩ xem tiếng cái đàn nào hay nhất. Nếu có điều kiện, hãy lặp lại việc đó vào ngày hôm sau, với đúng những cây đàn đó. Nếu càng có điều kiện, hãy đi các cửa hàng đàn khác và làm việc tương tự. Hãy thử cả với đàn piano. Chừng một tuần lặp đi lặp lại việc thử đàn trên các bác có thể sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị. Nó rất có thể còn làm thay đổi hẳn cả cách chơi audio của một số bác. -------------- 2. Về vấn đề tiếp cận, cách nghe nhạc cổ điển Nhiều năm trước em có viết một số bài trên một vài diễn đàn về chuyện này. Dưới đây là một topic trong chính diễn đàn ta: http://vnav.vn/forum/viewtopic.php?f=36&t=286 Các bài viết của em trong topic trên vẫn có thể giúp các bác phần nào. Tuy nhiên, thời gian đã lâu em đã thay đổi quan điểm ít nhiều. Nhìn lại, em xin gọi cách tiếp cận nhạc cổ điển thông qua việc tìm kiếm các tác phẩm hay, dễ nghe của các nhạc sĩ lớn trong topic trên là cách tiếp cận phóng thể - tức là đi tìm xem bên ngoài [mình] có gì. Đây là cách tiếp cận phổ biến khá đơn giản mà chắc là đa số mọi người đều làm theo, nhưng chưa chắc đã thực sự giúp người mới nghe đi trực tiếp vào nhạc cổ điển được ngoài chuyện biết tên nhạc sĩ A và nhớ mang máng tác phẩm B. Theo quan điểm của em bây giờ, các bác mới tập nghe có thể đi theo cách tiếp cận bản thể hơn - tức là nghe xem bên trong mình thấy gì. Nghe hơi phức tạp phải không ạ. Không có gì đâu. Cụ thể, các bác có thể làm thí nghiệm sau đây: hãy nghe lại 5 bài hát, bản nhạc ưu thích [nhất] của các bác, bất kể các bác đang yêu thích thể loại gì, dù là ca trù, rock, pop, jazz.. Nghe thật sự ấy, tức là phải tạo cho mình sự tập trung tối đa khi nghe - chẳng hạn đóng cửa phòng, đợi khi cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh, tinh thần bình thản, đầy đủ thời gian.. Nếu là bài hát, xin các bác cố quên phần nghe giọng hát của ca sĩ và nội dung ca từ đi, chỉ cố tập trung tinh thần bám theo giai điệu và nhịp điệu của bài hát, cũng như sự trình tấu của nhạc công. Xin các bác hãy nghe cho em một tối khoảng 10 lần mỗi bài và suy nghĩ xem giai điệu, nhịp điệu 5 bài hát đó so với nhau thế nào, bài nào hơn bài nào kém, bài nào hợp tâm tình mình nhất v.v. Hãy lặp lại thí nghiệm trên trong 3 ngày, cách ngày cũng được. Đây là cách em xin tạm gọi là tự nghe mình. Nó cũng đồng thời là cách chuẩn bị để nghe cổ điển, vì nhạc cổ điển là thứ nhạc cần sự tập trung và cần thời gian để nghe đi nghe lại. Sau giai đoạn tự nghe mình trên, các bác có thể bắt đầu nghe nhạc cổ điển. Nếu có bác nào thực hiện đúng thí nghiệm trên, xin cho em biết thí nghiệm của bác dẫn đến kết quả như thế nào (5 bài hát bác yêu thích là những bài nào, sau thí nghiệm bác thích bài nào nhất, tại sao...). Một tuần nữa nếu có bác nào thông báo kết quả, em sẽ vui lòng viết giới thiệu các tác phẩm cổ điển phù hợp với bác ấy theo cách em gọi là cách tiếp cận bản thể để bác ấy tập nghe cổ điển.
Chào mừng bác trở lại DĐ. Mong bác ghé DĐ thường xuyên hơn để ae được đọc nhiều bài viết rất cá tính của bác và theo em cũng thể hiện nhiều uyên thâm trong âm nhạc của bác. HETE
Vâng, cảm ơn anh HETE. Sau khi Zone9 bị đóng cửa, em bận bịu tìm nhà thuê, chuyển nhà, sửa nhà, việc gia đình.. cho tới bây giờ mới thư thản thư thái hòm hòm ngày ngày ngồi ngắm cá Koi, chơi với mèo và vào forum đàm đạo với các bác được. Em cũng muốn viết một bài về hệ thống âm thanh của anh nhưng chưa có điều kiện để test cẩn thận và không biết ý anh thế nào. Và cũng xin hỏi các bác luôn rằng không biết thời gian tới ở Hà Nội có show Hi-end nào không ạ? Chẳng là em cũng muốn được cập nhật tình hình công nghệ, thị trường Hi-end bây giờ và nếu tiện thì viết vài bài phục vụ các bác.
Thôi may vụ Zone 9 không sao là mừng rồi. Theo anh biết thì đang có hi-end show ở Chicago. Bác Cellist viết bài về Wagner đảm bảo quên sầu! Bao giờ bị thuyết phục hãy viết không sẽ nhạt lắm đấy, hehehe Welcome! HETE
Chào bác Cellist và các lão làng! Em là dân ngoại đạo, đọc hết một mạch các bài của bác trong chủ đề này, thấy nổi da gà luôn. Nhân tiện cho em hỏi tại sao không thấy(/ít) người lấy/dùng loa hội trường về nghe nhạc hay hát Karaoke? Em đang định dùng 01 đôi toàn dải có sẵn âm ly + 01 sub về vừa nghe nhạc (các loại tuỳ thời tiết ạ :lol: ) và lúc nào có men, sẽ hát luôn, em nhờ các bác tư vấn micro có dây, đầu phát và bộ trộn ko công suất ngon bổ rẻ nữa . Chi tiết loa như sau: 1)02 loa toàn dải: Freq. Response (-3dB): 82Hz-18kHz Freq. Range (-10dB): 55Hz-20kHz Axial Sensitivity: 94dB Max. Measured SPL: 132dB Recommended HP Freq.: 45Hz Coverage (Horiz. x Vert.): 90° x 50° Power Handling: 250W Continuous, 1000W Peak LF Transducer(s): (1) EVS-12K, 305mm (12") Woofer HF Transducer: DH-1K, 39mm (1.5") Titanium Diaphragm Compression Driver Crossover Frequency: 2.1kHz Nominal Impedance: 8Ω Minimum Impedance: 7.0Ω Connectors: Dual NL4 Enclosure Material: 9-ply, 15mm Plywood, Internally Braced, with Textured Paint Grille: 18GA Steel with Black Powdercoat Dimensions (HxWxD): 607mm x 362mm x 340mm (23.89" x 14.25" x 13.41") Net Weight: 15.8kg (35.0lb.) 2)01 em Sub: ELX118P Active 18" Subwoofer Specifications: Freq. Response (-3dB): 42Hz-100Hz Freq. Range (-10dB): 32Hz-130Hz Max. Measured SPL: 134dB Coverage (Horiz. x Vert.): Omnidirectional Power Handling: 700W LF Transducer: (1) EVS-18K, 457mm (18") Woofer HF Transducer: N/A Crossover Frequency: 100Hz Connectors: (1) XLR/TRS Combo Jack, (1) XLR Link Output Enclosure Material: 9-ply, 15mm Plywood, Internally Braced, with Textured Paint Grille: 18GA Steel with Black Powdercoat Dimensions (WxHxD): 507mm x 661mm x 574mm (19.98" x 26.02" x 22.60") Net Weight: 31.7kg (69.7lb.) Em cảm ơn các bác.