Nguồn gốc của MỘNG DƯỚI HOA Phạm Anh Dũng "Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng..." Bài hát nổi tiếng "Mộng Dưới Hoa" được biết, theo các bài nhạc và tập nhạc in trong quá khứ, là nhạc Phạm Đình Chương phổ thơ Đinh Hùng. Sự thật không đúng hoàn toàn như vậy. Có vài tên riêng như "Mộng Dưới Hoa", "Dưới Hoa Thiên Lý", "Tự Tình Dưới Hoa" và "Suôi Dòng Mộng Ảo" có liên lạc đến bài nhạc . 1.Mộng Dưới Hoa "Mộng Dưới Hoa" là nhạc Phạm Đình Chương phổ vào bài thơ Mộng Dưới Hoa của Đinh Hùng hay không ? Không đúng vậy vì không có bài thơ nào của Đinh Hùng tên là "Mộng Dưới Hoa" cả. 2.Dưới Hoa Thiên Lý Trong tuyển tập nhạc "Mộng Dưới Hoa", 20 Bài Thơ Phổ Nhạc của Phạm Đình Chương, ngay dưới nhạc phẩm "Mộng Dưới Hoa", tác giả Phạm Đình Chương có viết: "...Viết Mộng Dưới Hoa năm 1957, nguyên bài thơ mang tựa đề "Dưới Hoa Thiên Lý...". Thật ra, không thấy bài thơ nào của Đinh Hùng có tên là "Dưới Hoa Thiên Lý". Không biết vì sao nhạc sĩ Phạm Đình Chương lại quên và viết như vậy? 3.Tình Tự Dưới Hoa Có phải "Mộng Dưới Hoa" là bài nhạc phổ vào bài thơ "Tình Tự Dưới Hoa" của Đinh Hùng ? Không đúng hòa toàn "Tình Tự Dưới Hoa" một bài thơ 7 chữ có trong tập thơ "Đường Vào Tình Sử" của Đinh Hùng và chính từ bài này có bản nhạc "Mộng Dưới Hoa". Tuy là ý bài hát dựa nhiều vài bài thơ nhưng thật ra chỉ có hai trong sáu đoạn của bài thơ đã phổ thành nhạc. Đó là đoạn thứ nhất của bài thơ: " Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng" và đoạn thứ ba của bài thơ: "Em đến như mây, chẳng đợi kỳ Hương ngàn gió núi động hàng mi Tâm tư khép mở đôi tà áo Hò hẹn lâu rồi - Em nói đi" 4. Suôi Dòng Mộng Ảo (1) Một đoạn trong bài thơ 6 chữ này của Đinh Hùng được phổ nhạc và cho vào bài "Mộng Dưới Hoa" . "Suôi Dòng Mộng Ảo" là một bài thơ, cũng ở trong thi tập "Đường Vào Tình Sử " của Đinh Hùng. "Suôi Dòng Mộng Ảo" có tám đoạn và chỉ có đoạn thứ năm có trong bài hát "Mộng Dưới Hoa" làm thành điệp khúc của bài hát: "Nếu bước chân ngà có mỏi Xin em dựa xát lòng anh (2) Ta đi vào tận rừng xanh Vớt cánh rong vàng bên suối" Nếu xem kỹ bài hát "Mộng Dưới Hoa" ở cuối bài viết này, sẽ thấy đa số lời của bài "Mộng Dưới Hoa", nghĩa là đoạn kết (đoạn thứ tư) và toàn bộ Lời 2, không có trong bài thơ nào cả của thi sĩ Đinh Hùng. Tóm lại, "Mộng Dưới Hoa" là bài nhạc có lời với một phần gồm hai đoạn thơ từ bài thơ 7 chữ "Tự Tình Dưới Hoa", một phần gồm một đoạn thơ từ bài thơ 6 chữ "Suôi Dòng Mộng Ảo" và phần lớn không có xuất xứ rõ ràng. Hầu như chắc chắn Đinh Hùng đã viết cái "phần lớn" đó sau khi Phạm Đình Chương đã viết nhạc vào thơ cho ba đoạn đầu của bài hát. Ở cuối quyển "Mộng Dưới Hoa", 20 Bài Thơ Phổ Nhạc của Phạm Đình Chương, có trích lời nhạc sĩ Vũ Thành: "Mộng Dưới Hoa" còn đáng được coi là một kỳ công vì phổ nhạc vào thơ Việt Nam là một việc cực khó... Làm theo thể mẫu hết sức cân đối mà vẫn giữ bằng trắc của từng chữ, ta phải ngả nón trước Phạm Đình Chương." Hãy xem thử một câu "Tâm tư khép mở đôi tà áo" đổi thành "Áo bay mở khép nghìn tâm sự", thì sẽ thấy ngay là bài hát đâu có còn "vẫn giữ bằng trắc của từng chữ" nữa. Công bằng mà nói những chữ của thơ dùng vào bài nhạc đại đa số cũng vẫn giữ đúng vần bằng trắc của thơ thật nhưng không thể nói là "...từng chữ..." Và có thể cố nhạc sĩ Vũ Thành, vì một lý do nào đó, tưởng lầm bài nhạc phẩm Mộng Dưới Hoa chỉ là nhạc phổ vào nguyên thủy của một bài thơ? Tuy nhiên, phải công nhận là Phạm Đình Chương viết nhạc rất khéo léo và lời viết của Đinh Hùng dù là thơ hay không thơ cũng rất... thơ. Với tên tuổi lẫy lừng của thi và nhạc sĩ Đinh Hùng-Phạm Đình Chương, bài nhạc hay mà lại dễ hát đã thành trở thành một trong những bài nhạc có thể nói phổ thông nhất của Tình Ca Việt Nam. Nguồn: http://chutluulai.net/forums/showthread.php?t=3024
@Anmy: chuẩn sao được mà chuẩn. :lol: Nếu BV mà còn giữ được bài gốc đó thì nói làm gì nữa. Bây giờ có ai giữ được đâu. Bởi vậy: Làm công việc bảo tồn văn hóa rất là khó khăn và cam go!
Nó phải tự nhiên, mơ hồ, và phải làm cho người đọc phải liên tưởng... như vậy nó mới là thơ. Thêm nữa, Bác chủ thớt này là một nhà văn, và tuổi đời của Bác ấy chắc cũng đã ngoài 60, nên... E thì chả biết tẹo gì về văn - thơ, chỉ có vài lời góp vui cùng các bác. Thân
Đã định không tham gia vì trình em còi, nhưng thấy chị bv hăng quá nên xin phép có đôi lời ạ. 1- các cụ ngày xưa từ thơ cũ đến thơ mới đều rất trọng luật lệ, cả bài của người ta gieo vần "ăng" thì câu trên dứt khoát phải là trăng, chứ không thể là tranh được đâu nha bà chị 2- Chị cũng rành Kiều mà không biết là 2 chị em sinh đôi giống nhau i chang, sao có chuyện Kiều đẹp mà Vân lại xí nhỉ ? Em văn dốt võ nát chỉ dám thỉnh í các cụ vậy thôi. Kính
Chị BV lại chú ý tới câu tiếp theo bác ơi, vì "như tranh" đi đôi với "mắt xanh" mà, còn "như trăng" chắc đi đôi với "mất răng..." ... :lol: Cuối tuần thư giãn cho vui thôi Thân.
Thêm 1 bài sưu tầm về nhạc sĩ Phạm Đình Chương do nhà thơ Du Tử Lê viết: Thơ phổ nhạc và tính lương thiện của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương Nhạc sĩ Phạm Ðình Chương Trong một bài viết cách đây khá lâu, tôi đã nhấn mạnh tới một tương tác đẹp đẽ giữa thơ và nhạc; như một gắn bó hữu cơ giữa hai bộ môn này. Nó giúp gia tăng sự giầu có, ý nghĩa và hạnh phúc trong kỷ niệm cho nền tân nhạc miền Nam, 20 năm. Trong bài viết đó, tôi cũng có viết, đa số các nhạc sĩ của chúng ta, trong đời sáng tác của họ, ít, nhiều, cũng đã có lần tìm đến với thơ, như tìm đến với một người tình lý tưởng - Dù cho sự tìm đến đó, là thành công hay thất bại! Những người nhạc sĩ đến với thơ này, cũng giống như hầu hết các thi sĩ sớm, hay muộn đã tìm về với Lục Bát (một thể thơ đặc thù của văn học Việt). Nhưng, nói như thế, không có nghĩa, tất cả các nhạc sĩ chỉ có một con đường duy nhất đến thơ. Vì thi ca Việt Nam như một cánh rừng già; đồng thời cũng có thể là biển cả hay vực sâu... Cho nên lịch sử thi ca Việt Nam hàng nghìn năm, đã mang đến cho người đọc (trong đó, có nhạc sĩ) những lựa chọn ứng hợp với cảm thức, trình độ thưởng ngoạn hay, mục tiêu nhắm tới của mỗi cá nhân. Có nhạc sĩ tìm đến với thi ca, như một lối thoát cho những bế tắc cảm hứng. Có những nhạc sĩ đến với thi ca, như đến với một người-tình-chung-của-văn-học. Và, dĩ nhiên, cũng có những nhạc sĩ tìm đến với một loại thơ nào đó, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn dễ dãi hay thị hiếu của đám đông. Cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương ở trường hợp thứ hai. Trường hợp của những nhạc sĩ tìm đến với thi ca, như sự tìm đến với người-tình-chung-của-văn-học. Cụ thể ở những năm giữa thập niên (19)60, khi thơ Thanh Tâm Tuyền còn là một dị ứng lớn với đa số người thưởng ngoạn thì, họ Phạm đã chọn thơ ông để soạn thành ca khúc. (7) Ông cũng là một trong vài nhạc sĩ đầu tiên, phá vỡ thành kiến cho rằng thơ tự do không thể phổ nhạc được. Chẳng những vì số chữ không đều của mỗi câu thơ mà các nhạc sĩ còn e ngại sự thiếu thi tính (?)của loại thơ đó nữa. Như ca khúc “Bài Ngợi Ca Tình Yêu” của Phạm Ðình Chương đã dùng gần hết phân đoạn thứ nhất của bài thơ dài, 4 đoạn của Thanh Tâm Tuyền: “Tôi chờ đợi lớn lên cùng giông bão / Hôm nay tuổi nhỏ khóc trên vai / Tìm cánh tay nước biển / Con ngựa buồn lửa trốn con ngươi / Ðất nước có một lần tôi ghì đau thương trong thân thể / Những dòng sông, những đường cày, núi nhọn / Những biệt ly, những biệt ly rạn nứt lòng đường / Hút chặt mười ngón tay, ngón chân da thịt / Như người yêu, như người yêu từ chối vùng vằng / Những dòng sông, những đường cày, núi nhọn những biệt ly / Những biệt ly rạn nứt lòng đường...” (Sđd.) Cũng vậy, với ca khúc “Ðêm Màu Hồng,” họ Phạm cũng lấy gần như nguyên văn, ý của phân đoạn thứ 3, bài thơ Thanh Tâm Tuyền vừa kể trên: “Em gối đầu sương xuống chuyện trò bằng bóng mình / Em gối đầu sương xuống tôi đẹp bóng hình tôi / Như cuộc đời, như cuộc đời, như mọi người, như chút thôi, như chút thôi / Em là lá biếc, là mây cao, là tiếng hát / Sớm mai khua thức nhiều nhớ thương, nhiều nhớ thương / Em là cánh hoa, là khói sóng / Ðêm màu hồng / Vòng tay, vòng tay dĩ vãng / Vòng tay, vòng tay bát ngát / Chốn yên nghỉ cuối cùng / Dưới mắt sao, dưới bàn chân những đứa con...” (Sđd.) Ngoài ra, họ Phạm cũng là người đầu tiên có sáng kiến dùng hai bài thơ của một thi sĩ để hoàn tất một ca khúc phổ thơ của thi sĩ ấy. Ðó là ca khúc “Ðôi Mắt Người Sơn Tây” thơ Quang Dũng. (8) Bất cứ ai, nếu đọc kỹ thơ Quang Dũng, sẽ dễ dàng nhận ra rằng, đoạn đầu của ca khúc này là 4 câu thơ của cố thi sĩ Quang Dũng, trích từ bài thơ nhan đề “Ðôi Bờ”: “Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai / sông xa từng lớp lớp mưa dài / mắt em xưa có sầu cô quạnh / khi chớm thu về một sớm mai.” Nhưng ngay sau đoạn “intro.”, họ Phạm lại dùng các đoạn thứ 5, 6, 7 và 8 của bài thơ “Ðôi Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng để viết tiếp và kết thúc ca khúc ấy. Phần tiếp, được họ Phạm bắt đầu với câu “Ðôi mắt người Sơn Tây / U uẩn chiều luân lạc...” Và chấm dứt bằng câu “Ðã hết sắc mùa chinh chiến cũ / Còn có bao giờ em nhớ ta.” (Sđd.) Sáng kiến của Phạm Ðình Chương sau đấy, đã được một số nhạc sĩ ứng dụng. Thí dụ nhạc sĩ Ðăng Khánh qua ca khúc “Lệ Buồn Nhớ Mi” - Vốn là hai bài thơ khác nhau của Du Tử Lê. Là tác giả của nhiều ca khúc phổ từ thơ nổi tiếng, nhạc sĩ Phạm Ðình Chương được ghi nhận có biệt tài giữ nguyên lời mà ca sĩ không bị “trẹo” lưỡi khiến người nghe “nhận” được một... chữ khác, như thường xẩy ra nơi một số nhạc sĩ khác. Thí dụ có những chữ như “tình” không “ăn” được với nốt nhạc, ca sĩ có thể sẽ hát thành “tính” hay “tĩnh!” Chữ “sẻ” sẽ biến thành “sẽ” hoặc “sẹ”... Ðiển hình như trong ca khúc “Mộng dưới hoa” thơ Ðinh Hùng, có một chữ rất “đắt” là chữ “lả” trong câu “mắt em lả bóng dừa hoang dại” - Khi vào nhạc Phạm Ðình Chương, ca sĩ không bị “trẹo” lưỡi, hát thành “lá” hay “lạ.” Chỉ một đôi trường hợp đặc biệt lắm, họ Phạm mới buộc phải thay chữ để tránh sự hiểu lầm tai hại nơi người nghe. Thí dụ khi phổ nhạc bài “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển,” có câu “Vùi đất lạ thịt xương e khó rã...” - Ông đã đổi thành “Vùi đất lạ thịt xương không tan biến...” Ông nói: “Nếu giữ nguyên, khi ca sĩ hát, nó sẽ thành ‘Vùi đất lạ thịt xương e kho giá...’” Ghi nhận về vị trí hay tương quan giữa cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương với nền thi ca Việt Nam miền Nam, hai mươi năm, tác giả Nguyễn Việt trong một bài viết được lưu trữ bởi trang mạng Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở), ông viết: “Có thể nói Phạm Ðình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như Ðôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng Dưới Hoa (thơ Ðinh Hùng), Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn), Nửa Hồn Thương Ðau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Ðêm Nhớ Trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê).” Nhưng trên tất cả, theo tôi, vẫn là tinh thần tự trọng đáng ghi nhớ của họ Phạm trong lãnh vực phổ nhạc thơ. Bởi vì, trong sinh hoạt thơ và nhạc của 20 năm nghệ thuật miền Nam, đã có không ít những nhạc sĩ thiếu tự trọng, rơi vào một trong 3 (hoặc cả 3) trường hợp sau đây: 1. Dựa theo ý thơ của một bài thơ nào đó để soạn thành ca khúc, nhưng những nhạc sĩ này cố tình không ghi xuất xứ! 2. Khi trình bày hay giới thiệu một ca khúc vốn là thơ của một nhà thơ nào đó, những nhạc sĩ này có thói quen không bao giờ nhắc tới tên nhà thơ! 3. Lấy nguyên bài thơ của một nhà thơ để soạn thành ca khúc, nhưng khi phổ biến, những nhạc sĩ này không ghi tên nhà thơ. Họ chỉ điều chỉnh, hay “nói lại” khi bị dư luận, báo chí phanh phui! Tựu trung, đó là những tính thiếu lương thiện hay, những vết mực đen hoen ố, đáng tiếc trong sinh hoạt thơ và nhạc của 20 năm nghệ thuật miền Nam. Nhưng, cho tới ngày từ trần, cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương đều không có mặt trong cả 3 trường hợp vừa nêu. Họ Phạm thận trọng và tự trọng tới mức, khi ông chỉ dùng 2 câu thơ của Thanh Tâm Tuyền, ở phần Coda của bài “Nửa Hồn Thương Ðau,” ông cũng đã ghi “Ý thơ Thanh Tâm Tuyền,” ngay dưới tựa đề; chưa kể thêm phần bị chú ở cuối bài. (Sđd.) Cũng vậy, ngay dưới nhan đề ca khúc “Màu Kỷ Niệm,” Phạm Ðình Chương ghi “Ý thơ Nguyên Sa.” Cuối bài, ông lại bị chú thêm: “Viết trong thập niên 60. Cảm hứng từ thơ Nguyên Sa: ‘Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc / áo nàng xanh anh mến lá sân trường / sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương / anh thay mực cho vừa màu áo tím.’ Bốn câu thơ trên trích từ bài Tuổi Mười Ba của ông.” (Sđd.) Trong một bài nói chuyện về thơ phổ nhạc, ký giả Lê Văn, nguyên chủ biên phần Việt ngữ đài VOA kể, năm 1985, trong họp mặt thân hữu ở Hoa Thịnh Ðốn, tác giả “Nửa Hồn Thương Ðau” khoe với ông rằng: “Moa vừa phổ nhạc được 1 bài thơ của Du Tử Lê. Thú lắm, để moa hát cho mà nghe.” Anh ngồi vào piano, đã định hát nhưng trông thấy Quỳnh Giao có mặt ở đó, anh bèn gọi Quỳnh Giao đến và đưa cho cô bản nhạc chép tay của anh. Quỳnh Giao vốn là cô giáo dạy nhạc nên chỉ nhẩm qua một chút là hát được liền, và cô hát rất hay. Ðó là bài “Ðêm, Nhớ Trăng Saigon.” (9) Nói cách khác, chẳng những không che giấu mà, còn cho thấy ông rất vui khi phổ nhạc một bài thơ. Nên không bao giờ ông quên nhắc tới tác giả bài thơ mỗi khi giới thiệu, trình bày hoặc in trên giấy! Tóm lại, tính lương thiện của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, trong một chừng mực nào đó, đã cho thấy tính văn hóa rất cao của nhạc sĩ miền Nam, mà, ông là một người trong số đó. Du Tử Lê
Phạm Đình Chương: Màu Kỷ Niệm Cuộc đời và sự nghiệp Phạm Đình Chương Ban nhạc giao hưởng Lê Văn Khoa và Trần Chúc. BV sẽ đưa dĩa DVD này lên YouTube cho mọi người xem. BV có dĩa này, được bạn bè tặng mấy năm trước. Mà trên mạng chưa có. Hẹn ngày mai sau khi convert to MP4. Thân. http://img717.imageshack.us/img717/7135/img0002nd.jpg Ở đây cũng có: http://www.free4vn.org/f301/t60371/
Rốt cuộc thì là TRĂNG hay TRANH vậy các bạn? Tôi vẫn hồi hộp đợi chờ kết quả đây! Nói vui chứ cuộc tranh luận nho nhỏ giữa bạn minhtriet và bạn bv làm tôi nhớ lại một việc tương tự. Cách đây hơn 20 năm, trên một tạp chí rất uy tín thời bấy giờ (lâu quá tôi quên mất tên), đã có một cuộc cãi nhau nảy lửa mà văn đàn họ hay gọi một cách văn hoa là bút chiến, giữa 2 học giả rất có uy tín. Cuộc tranh cãi giữa họ xoay quanh chỉ 1 câu thơ của cụ Nguyễn khi cụ tả tài đánh đàn của nàng Kiều trong tác phầm ĐTTT. Người này nói : Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một TRANG Người kia cãi : Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một TRƯƠNG Vì 2 từ này viết bằng chữ Nôm thì gần như giống hệt nhau. Cự qua cự lại suốt gần 10 số tạp chí (2 tuần/số), rốt cục ko ai chịu ai, ko có kết quả cuối cùng, làm tôi rất thất vọng dù rất thú vị. Đến giờ tôi vẫn còn ấm ức vì vẫn chưa tìm ra chân lý. Khác một điều là trong cuộc tranh tài đó, để bảo vệ quan điểm của mình, họ đã thay nhau đưa ra rất nhiều giai thoại, điển tích...để làm bằng chứng và ai cũng tỏ ra có lý cả. Nhưng ko có ai đòi người kia phải đưa ra bản viết tay của cụ Nguyễn cả, bởi họ biết ko thể ép đối phương làm việc ko thể. Họ tranh luận rất bình đẳng và tôn trọng đối phương, mỗi lập luận đều có dẫn chứng, bằng chứng rõ ràng chứ ko suy đoán suông! Trở lại với cuộc tranh luận của 2 bạn, vì vẫn chưa ra kết quả nên với cái hiểu biết còn nông toẹt của mình, tui cũng ngã theo phe TRĂNG. Bởi vì phe này đưa ra được 2 bằng chứng có sức thuyết phục, dù ko ai dám nói bằng chứng này là đúng 100%, còn phe kia chưa có bất cứ bằng chứng nào cả. Với lại tôi cũng đồng ý với bạn gì ở trên. Chúng ta ai cũng biết, với 1 khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt, câu 1,2 và 4 phải cùng vần ĂNG thì ko có gì phải tranh cãi cả. Ý kiến cá nhân tôi là ông Đinh Hùng ko đến nỗi ko đủ chữ mà ghép vần ANH vào câu 2 để cho câu thơ đọc lên nghe vô duyên tệ. Nhưng thôi, đến đây lại rơi vào suy đoán ko bằng chứng rồi. Vài suy nghĩ bản thân, mong các bạn có thời gian chỉ giáo thêm để chúng ta cùng học hỏi cho thỏa niềm đam mê và thể hiện sự kính trọng với nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Em có nghe một vài người hát 'Nửa hồn thương đau' nhưng chịu nhất là khi nghe Tuấn Ngọc hát, phải nói cách hát và giọng hát của Tuấn Ngọc đã lột tả tất cả sự đau thương dồn nén trong tâm hồn người nhạc sỹ. Đến hôm nay, đọc tiểu sử PĐC mới biết được hoàn cảnh ra đời của bài hát mà mình thích đã lâu, chắc chắn khuya nay khi nghe lại bài này em sẽ có cảm nhận khác hơn rất nhiều. Cảm ơn bác Kim đưa bài viết rất bổ ích.
Em thì chỉ thích cô vợ Khánh Ngọc của cụ PĐC , nếu chuyện tình không éo le thì " nữa hồn thương đau " của cụ sẽ không đau đến thế !!!
Phạm Đình Chương: Màu Kỷ Niệm Cuộc đời và sự nghiệp Phạm Đình Chương Ban nhạc giao hưởng Lê Văn Khoa và Trần Chúc. Youtube: 1: Phần mở đầu - Giới thiệu - Hòa tấu Ly Rượu Mừng. http://www.youtube.com/watch?v=3s7ImNb4I2I
Chị BV thân mến, bài thơ trên kia thuộc thể loại thất ngôn tứ tuyệt, nếu câu trên là chữ "tranh" thì ko vần với "năng" ở câu dưới lắm, do vậy câu thơ đọc lên ko có "vần". "Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại Thăm thẳm nhìn tôi không nói năng" Tôi nghĩ rằng như thế này câu thơ chỉnh và vần hơn.