Bây giờ an toàn là trên hết bác ơi. Ngồi nhà vừa làm việc vừa bật nhạc nghe cũng ok. Chịu khó cho hết đợt Delta này đã.
Tình hình đúng là căng quá. Thôi các bác cứ ở nhà chịu khó nghe nhạc vài ngày. Chắc phải chờ có vaccine thì may ra dịch mới hết được thôi.
Atila Atila có lẽ là band nhạc duy nhất tại xứ Catalan và Tây Ban Nha trong thập kỷ 70s theo đuổi Prog Rock. Dù có một sự nghiệp ngắn ngủi (với chỉ 3 albums- trong đó 2 chính thức, 1 demo) kéo dài 5 năm (từ 73 tới 78) nhưng âm nhạc của nhóm đầy dữ dội. Âm nhạc của nhóm theo phong cách Symphonic Rock với những bài hát chủ yếu là Jaming hòa tấu kết hợp với Psychedelic. Âm nhạc của nhóm chịu nhiều ảnh hưởng của Pink Floyd (thời kỳ Meddle) với nhiều ảnh hưởng của Vinilla Fudge, Cream, The Nice và ELP. Với phong cách chơi nhạc mạnh mẽ, dữ dội, ảnh hưởng từ Heavy Metal, lối chơi dựa nhiều vào keyboards, đôi khi là guitar và một chút hương vị riêng của Tây Ban Nha. Trong sự nghiệp nhóm chỉ có 2 albums chính là Intencion -76 và Reviure-78 đều có chất lượng rất tốt và được giới hâm mộ săn lùng. Sau này vào cuối thập kỷ 90s nhóm có tái hợp trở lại nhưng chủ yếu tham gia biểu diễn live chứ không ra thêm album Em có album Intencion -76 của nhóm. Kyrie Eleison Kyrie Eleison có lẽ là band nhạc Prog Rock nổi tiếng nhất của nước Áo. Nhóm nhạc thành lập năm 74 và theo đuổi thứ âm nhạc pha trộn giữa Genesis (thời kỳ Foxtrot) và những âm thanh buồn bã đen tối của Van Der Graaf Generator. Ngoài ra, họ còn chịu nhiều ảnh hưởng của Kraut Rock (Amon Duul) và Hard Rock (Deep Purple) nữa. Nhóm chỉ thu âm được 2 albums chính thức là Blind Window's Suite vào năm 1975 và The Fountain Beyond The Sunrise vào năm 1976. Tuy nhiên, do quá khó khăn trong việc tìm kiếm hãng đĩa chịu tung ra những album này, nhóm buộc phải tung ra album thứ hai trước. Album này có chất lượng khá tốt nhưng lại thất bại thảm hại về mặt thương mại (chỉ bán được vài trăm đĩa) nên nhóm không thể tung ra album thứ nhất được nữa. Tới năm 78 thì nhóm tan rã. Album đầu tay của nhóm chỉ được phát hành vào năm 94 khi Prog Rock bắt đầu hồi sinh trở lại. Đây là một nhóm rất đáng chú ý của Symphonic Prog dù chỉ là một band underground tới tận hiện tại. Em có album đầu tiên của nhóm Blind Window's Suite
bác ở Hà nội à, quận nào vậy, có căng không, e ở Cầu Giấy, khu vực phường e tới ngày hôm nay vẫn tạm ổn.
ở nhà cũng phải cẩn thận, hạn chế mua hàng Online các bác ạ. Mối nguy khắp nơi, hy vọng VN ta sớm dập đc dịch trong nay mai.
Ở đâu cũng găng cả bác ạ. Bây giờ nó lẩn khuất trong cộng đồng rồi nên rất khó khống chế. Thôi tạm thời nghe nhạc mấy hôm.
Solaris Solaris là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của sự phổ biến của Symphonic Prog trên toàn thế giới. Nhóm nhạc tới từ Hungary này có lẽ cũng là band nhạc xuất sắc nhất của dòng nhạc này trong thập niên 80s. Như ta đã biết, mặc dù bị chia cắt bởi Chiến tranh Lạnh, Prog Rock vẫn phát triển tại những nước Đông Âu, đặc biệt là Hungary. Trong phần viết về nhóm nhạc Omega, band được coi như The Beatles của Đông Âu, đã có những albums rất hay và thành công trên toàn thế giới. Solaris xứng đáng là những người kế thừa vĩ đại của Omega dù sự nghiệp không kém phần trắc trở. Band thành lập vào năm 80 với những người bạn trong trường đại học để tưởng nhớ một trong những tác giả kinh điển của khoa học viễn tưởng là Stanislaw Lem. Điều này cũng có nghĩa rằng khoa học viễn tưởng là niềm đam mê chung của band nhạc và các album của họ thường lấy concept theo chủ đề này. Band nhạc sau đó gặp rất nhiều may mắn khi có người quản lý chuyên nghiệp và chiến thắng trong cuộc thi âm nhạc PM tại Hungary, nơi mà cả giám khảo và khán giả có hứng thú đặc biệt Prog Rock. Phần thưởng cho việc chiến thắng trong vòng chung kết là một bản thu âm live và band nhạc đã trở nên khá nổi tiếng tại đất nước này. Sau rất nhiều những kiểm duyệt, cuối cùng thì album đầu tiên của họ là Marsbéli krónikák cũng được phát hành vào năm 84. (Hay dịch sang tiếng Anh là The Martian Chronicles). Album này thành công vang dội với khoảng 40 nghìn bản bán được tại Hungary. Nên nhớ đây là thời điểm mà Prog Rock rất phổ biến tại nước này, những buổi biểu diễn của Omega thu hút tới cả trăm nghìn khán giả theo dõi. Trong album kinh điển này, Solaris đã sáng tạo ra một phong cách Prog Rock rất năng động với sự kết hợp với nhạc cổ điển và Rock. Nhạc cụ chủ đạo trong album là guitar điện, keyboards và flute với rất nhiều sự thay đổi linh hoạt và phong cách chơi nhạc bùng nổ. Dù âm nhạc của Solaris rất đặc biệt và có nhiều điểm riêng, nó vẫn có những âm hưởng của Jethro Tull (phong cách chơi flute), Manfred mann’’s Earth Band (solo keyboards) và Jean Michel Jarre (electronic) với lối chơi Psychedelic và Space của Omega nữa. Sau đó, sự nổi tiếng của album này đã khiến hãng đĩa KING records của Nhật Bản phải lặn lội sang tận Hungary để mua bản quyền phát hành lại trên toàn thế giới. Từ đây album này trở thành một album kinh điển của Symphonic Prog. Thế nhưng, sự nghiệp của Solaris lại không thể tiếp tục mạnh mẽ khi nhóm tan rã để thành lập các band nhạc rất nổi tiếng khác của Hungary. Sau rất nhiều kiểm duyệt, album thứ hai cùng tên, gồm các bài hát đã sáng tác nhưng chưa phát hành của nhóm, mới được tung ra vào năm 90. Tới năm 95, một nhà sản xuất của hãng Syn-Phonic Prog của Mỹ, ấn tượng với âm nhạc của nhóm, đã mời các thành viên tham gia một buổi hòa nhạc tại Los Angeles. Sự nhiệt tình của người Mỹ, cộng với hãng đĩa Musea, đơn vị mua bản quyền buổi hòa nhạc đã khiến các thành viên của Solaris đổi ý, album thứ hai Solaris được ra lại tại Brazil một năm sau đó. Niềm đam mê âm nhạc từ đó đã trở lại với Solaris, họ ký hợp đồng và ghi âm album thứ 3 là Nostradamus - Book Of Prophecies và tung ra vào năm 99. Một album kinh điển với sự kết hợp hoàn hảo giữa Symphonic với New Wave và World Music. Album gần như là hòa tấu, nhưng có một số chỗ có lời hát, nhưng không phải bằng tiếng Hungary hay tiếng Anh, mà bằng tiếng Latin. Nhưng rồi những mất mát rất lớn của band nhạc (tay guitar qua đời vì ung thư ở tuổi 39) tiếp tục đánh gục Solaris. Những năm sau đó, nhóm chủ yếu biểu diễn live, làm các album tuyển chọn và viết sách về sự nghiệp của band. Phải tới năm 2014, tức là 30 năm sau khi tung ra album đầu tay, nhóm nhạc bất ngờ tung ra album Marsbéli krónikák II. Đây cũng trở thành một trong những album hay nhất trong năm này của Prog Rock. Album là sự kết hợp hoàn hảo của Solaris với những âm nhạc cổ của Hungary. Trong sự ngạc nhiên của người hâm mộ toàn thế giới, vào cuối năm 2019, nhóm tiếp tục tung ra album Nostradamus 2, viết kỷ niệm 20 năm ngày tung ra album này. Album cũng có chất lượng rất tốt. Dù tung ra không nhiều album, thành công của Solaris là không nhỏ. Tới mức mà năm 2016, nhà hát Erkel đã chuyển soạn để trình bày vở ba lê Biên niên sử của Sao Hỏa. Không tệ chút nào. Em có 2 albums kinh điển Marsbéli krónikák I và II của nhóm.
Hungary trong lần vô tình em thấy band Avant garde one man band này khá thú vị, được tây đánh giá rất cao dù không sài chút tiếng anh nào trong các bài hát.
Trước khi chuyển sang những nhóm nhạc của châu Mỹ, em điểm qua một số band gần đây được chuyển sang Symphonc Prog First Aid First Aid là một trong những band nhạc đến muộn và không hợp thời của Symphonic Prog. Nhóm nhạc Anh Quốc này chỉ có một album duy nhất là Notradamus vào năm 77. Tại thời điểm này, Prog Rock nói chung đã không còn là lựa chọn tốt nữa. Punk đang chiếm lĩnh thị trường, tuy nhiên First Aid vẫn là một band nhạc đầy tham vọng. Ngay trong album đầu tiên (và cũng là duy nhất) họ đã chọn một album concept với nội dung về nhà tiên tri Nostradamus và hoàng hậu Catherine De Medici, người phụ nữ nhiếp chính qua 3 đời vua và có quyền lực nhất của nước Pháp trong thế kỷ 16. Band nhạc kéo cả một dàn giao hưởng vào để chơi cùng album này. Tuy nhiên, album này chất lượng không quá cao, chỉ ở mức độ vừa phải. Nó cũng không thành công về mặt thương mại nên nhóm nhanh chóng tan rã ngay sau đó. Em có album này của nhóm Mainhorse Mainhorse là band nhạc nửa Thụy Sỹ nửa Anh Quốc, đây là band nhạc khởi phát của tay keyboards Patrick Moraz, người chơi cho Yes trong album Relayer. Sau này, ông trở thành một trong những nghệ sỹ keyboards vô cùng nổi tiếng. Năm 1970, band nhạc có hợp đồng với hãng đĩa lớn là Polydor và tung ra album đầu tay cùng tên vào năm 71. Lúc này thì cả Yes và Genesis đều chưa có nhiều album hay. Âm nhạc của Mainhorse mang nhiều âm hưởng của phong cách tiền Symphonic kiểu The Nice nhưng mạnh hơn rất nhiều (chịu ảnh hưởng của những band theo phong cách Heavy như Atomic Rooster, Quatermass hay Deep Purple). Tất nhiên, nó vẫn còn mang nhiều âm hưởng của Psychedelic (như tất cả các band tiền Symphonic Prog khác). Album này có chất lượng rất tốt nhưng lại không nhận được nhiều sự chú ý của người hâm mộ. Và đó là lý do chính khiến nhóm nhanh chóng tan rã. Patrick Moraz lập nhóm Refugee rồi sau đó thay thế Wakeman tại Yes vào năm 74. Vào thập kỷ 80s, ông chơi trong nhóm huyền thoại khác là The Moody Blues. Em có albums rất hay này của nhóm. Wally Wally gần như không được biết tới kể cả trong thời kỳ vangf của Symphonic Prog. Họ thành lập từ đầu thập kỷ 70s và lúc đầu chơi theo phong cách Symphonic Country. Mặc dù là một band nhạc của Anh Quốc, nhóm lại thích nhạc Country và chơi như một band nhạc Mỹ lai với Symphonic của Anh Quốc. Năm 72, nhóm vào tới vòng chung kết của một cuộc thi âm nhạc của tạp chí Melody Maker (Druid là band chiến thắng). Nhưng Wally lại được sự chú ý của một giám khảo, ông này giúp cho nhóm có hợp đồng với hãng đĩa lớn Atlantic. Cùng với sự giúp đỡ của Rick Wakeman trong vai trò nhà sản xuất, họ tung ra album đầu tay cùng tên vào năm 74. Album thứ hai của họ là Valley Gardens năm -75 cũng theo phong cách này nhưng tính Symphonic cao hơn, tính Country giảm dần. Tuy nhạc của Wally rất lạ, nó không giống bất kỳ một band nhạc nào khác của Symphonic và có chất lượng không đến nỗi nào. Nhưng việc pha trộn Country với Symphonic Prog không phải là một ý tưởng hay. Họ là một band nhạc châu Âu và tại đây thì Country không được yêu thích. Phần Symphonic của họ lại chưa đủ để gây ấn tượng lớn. Chính vì vậy, dù rất cố gắng, cả 2 albums đều không thành công và nhóm nhạc tan rã ngay sau đó. Tên tuổi của band nhạc cũng gần như tan biến trong lịch sử. Tuy nhiên, vào khoảng năm 2008, khi Prog Rock phát triển mạnh, những album của Wally mới được tái bản dưới dạng CD, và âm nhạc của họ cũng dần trở nên phổ biến hơn. Họ cũng mới được xếp vào Symphonic Prog. Em có 2 albums của nhóm.
Mình vẫn theo dõi đầy đủ các bài viết của bạn, Vâng Locomotiv GT cũng là band nổi tiếng ở Hung, ngoài ra còn có các band như Fonograf, llles cũng khá hay nhưng ko chơi thể loại như bạn viết giới thiệu ở đây, thật tiếc vì ko đc xem bạn viết về các band này.
Locomotiv GT em cũng có khá nhiều, để lúc nào viết về phần này sẽ đưa lên. Band này cũng rất hay và lạ nữa. Những band khác thì em không có.
Hungary rất hay đấy bác. Đấy là cái hay của diễn đàn nơi mọi người có thể chia sẻ những kinh nghiệm. Nhưng nói chung ở Việt Nam thấy ít có diễn đàn phát triển mạnh để mọi người có thể giao lưu mạnh hơn.
Sau khi điểm qua những band nhạc của châu Âu theo nhanh Symphonic Prog, chúng ta sẽ vượt qua Đại Tây Dương để đến với châu Mỹ, trước tiên chúng ta sẽ đến với Bắc Mỹ, nơi có thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới. Mỹ là quốc gia có nền âm nhạc lớn nhất thế giới và có lẽ lớn hơn toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại. Hãy thử so sánh, thị trường của Mỹ lớn gấp khoảng 4 lần Nhật Bản – thị trường lớn thứ hai và khoảng 5-6 lần thị trường thứ 3 là Anh Quốc. Những thị trường hàng thứ 4 và thứ 5 như Đức và Pháp thì lớn hơn khoảng trên 10 lần. Như vậy, nếu thành công tại Mỹ, thì cũng có nghĩa là thành công lớn nhất và quan trọng nhất đối với tất cả những band nhạc. Tuy nhiên, trong trường hợp cả Symphonic Prog thì con số band nhạc thành công tại Mỹ là cực nhỏ (Yes, Genesis, ELP và phần nào đó là Focus) một phần vì phong cách nghe nhạc khác biệt. Nước Mỹ không thích nhạc quá phức tạp mà thích nhạc đơn giản, mạnh mẽ và có phần bạo lực. Nếu mang tính của Mỹ như Country hoặc Heartland Rock thì càng dễ thành công. Trong thập kỷ 70s, tuy cũng có một số lượng nhỏ band nhạc theo đuổi, chỉ có một band duy nhất rất thành công, đó là Kansas. Chúng ta sẽ đến với những band nhạc này của nước Mỹ, khởi đầu là Kansas. Kansas Kansas thành lập năm 70 trên cơ sở là sự sáp nhập của hai bands nhạc nhỏ hơn là Saratoga và White Clover. Những thời điểm đầu tiên, Kansas chơi nhạc theo phong cách Rock thông thường, nhưng sau đó xuất hiện những nhóm như Genesis, Yes, King Crimson đã ảnh hưởng rất lớn tới âm nhạc của nhóm. Nên nhớ rằng tại Mỹ, phong cách nghe nhạc rất khác với châu Âu, các band muốn tồn tại thì phải trình diễn tại các quán bar và câu lạc bộ. Tại đây không có chỗ cho những thứ âm nhạc quá phức tạp, mà thịnh hành chủ yếu là Hard Rock, Blues, Country và Boogie. Để tồn tại được, Kansas buộc phải tích hợp âm nhạc của miền Trung nước Mỹ với thứ âm nhạc phức tạp đầy kỹ thuật của Yes và ELP. Dù Kansas là band nhạc đầy tài năng, sự kết hợp này không phải là suôn sẻ. Điều này thể hiện rất rõ nét trong những albums đầu tay của nhóm là Kansas -74, Song For America -75 và Masque-75. Nếu như album đầu tay khá mạnh mẽ theo kiểu Symphonic Prog kết hợp với Hard Rock, thì album thứ hai lại nhẹ nhàng và chịu nhiều âm hưởng của cổ điển hơn còn album thứ ba thì chịu nhiều ảnh hưởng của Pop với lời hát đen tối hơn. Dù cho thử rất nhiều phong cách kết hợp khác nhau với Symphonic Prog, nhóm không mấy thành công và đĩa nhạc bán rất chậm (những albums đầu tiên này thậm chí phải sau 20 năm mới đạt chứng chỉ đĩa vàng – tức là bán được hơn 500 nghìn bản – trong khi những album sau đó của nhóm đã bán tới hơn 12 triệu bản trong thập kỷ 70 và 80). Sự nghiệp của Kansas chỉ cất cánh khi họ tung ra album thứ 4 và thứ 5 là Leftoverture -76 và Point Of No Return -77. Một phần rất lớn là nhờ hai bản hits lần lượt Carry On Wayward Son và Dust in the Wind. Cả 2 albums đều có chất lượng rất tốt, mặc dù dễ nghe hơn rất nhiều so với những album trước đó, và là những album kinh điển của Symphonic Prog. Cả 2 albums đều bán được tới hơn 4 triệu bản tại Mỹ và các bản hits cũng bán được lượng đĩa tương tự. Lúc này thì Kansas thực sự đã là các siêu sao nhạc Rock trên toàn thế giới. (trở thành một trong những band nhạc Rock Mỹ thành công nhất trong thập kỷ 70s). Tuy nhiên, sự đi xuống của Kansas bắt đầu manh nha xuất hiện trong album tiếp theo là Monolith với nhiều các bài hát đơn giản hơn. Dù album khá thành công, nó không cùng đẳng cấp với những album trước của nhóm. Sự nghiệp của Kansas chỉ tụt dốc không phanh khi bước vào thập kỷ 80s. Lúc này, một số thành viên của nhóm tìm thấy niềm tin tôn giáo (Thiên Chúa) và bắt đầu chuyển sang hát về chủ đề này. Điều này khiến giọng ca chính của nhóm là Walsh cảm thấy không hài lòng và rời nhóm. Kansas thuê John Elefante và tiếp tục sự nghiệp. Nhưng sự thay thế này không thành công, nhóm tung ra những album có chất lượng rất kém rồi tan rã vào năm 83. Năm 86 nhóm tiếp tục tái hợp nhưng thiếu đi những thành viên trụ cột, tình hình cũng không khá hơn và lại tan rã tiếp vào năm 88. Khoảng giữa thập niên 90s, sau khi Prog hồi sinh, Kansas tái lập với những thành viên trụ cột và tung ra 3 albums có chất lượng chỉ ở mức khá. Sau đó nhóm lại tan rã vào năm 2000. Sau này nhóm tiếp tục tái hợp và tung ra những album mới có chất lượng khá tốt. Bộ sưu tập của em gồm 5 albums kinh điển đầu tiên của nhóm: Kansas -74, Song For America -75, Masque-75, Leftoverture -76, Point Of No Return -77, album live kinh điển Two For The Show -78 và In The Spirit Of Things -88 Ngoài ra em còn có đĩa single 7'' Dust in the Wind Các cựu thành viên của Kansas còn lập ra nhóm Proto-Kaw (nhóm này là tiền thân của Kansas nhưng vì nhiều lý do không thể tung ra các albums, sau này tái hợp lại) và tung ra các album Symphonic Prog khá hay trong thập niên 2000s. Em có 2 albums của nhóm là Before Became After -2004 bản đặc biệt 2 CDs và The Wait Of Glory -2006
Cathedral Trong thế giới của nhạc Rock có khá nhiều band nhạc có tên là Cathedral và rất dễ gây nhầm lẫn. Nếu Cathedral của nước Anh là một band nhạc Doom/Stoner Metal thì band nhạc của Đức lại là một nhóm theo trường phái Neo Progressive Rock. Còn nhóm nhạc chúng ta đang nói tới ở đây là nhóm nhạc Mỹ, có tuổi đời khá ngắn ngủi, chỉ kéo dài 3 năm với 1 album duy nhất. Tiền thân của Cathedral là một band Psychedelic có tên là Odyssey, khi band nhạc này tan rã vào năm 75, các cựu thành viên của nhóm thành lập Cathedral và theo đuổi một thứ âm nhạc khác hẳn: đó là Symphonic Prog lấy cảm hứng từ Yes và King Crimson với một chút ảnh hưởng của Genesis và Gentle Giant. Năm 78, họ có hợp đồng với một hãng đĩa nhỏ là Delta Records, đây thực chất là một studio và hoạt động rất giống với những hãng đĩa độc lập tại thời điểm hiện tại. Nhóm ghi âm album “Stained Glass Stories” một album Symphonic Prog rất hay. Chỉ có khoảng 10 nghìn bản được sản xuất và nhanh chóng bán hết. Thành công nhỏ này, khiến band nhận được sự chú ý của hãng đĩa Atlatic. Thế nhưng xu hướng của thời đại là Punk chứ không phải Prog Rock nên hai bên không thể tìm được tiếng nói chung. Thất vọng vì hợp đồng thất bại, kết hợp với mâu thuẫn nội bộ đã khiến Cathedral tan rã sau đó không lâu nhưng album duy nhất của họ lại được giới chuyên môn đánh giá rất cao và trở nên khó kiếm. Đến những năm 90, do yêu cầu của người hâm mộ, hãng đĩa Syn-phonic chuyên về Prog Rock của Mỹ đã mua lại bản quyền và tung ra dưới dạng CD. Sau này, khi Prog Rock hồi sinh, Cathedral cũng lấy được cảm hứng và đến năm 2003 thì nhóm tái hợp và bắt đầu tung ra album mới vào năm 2007, chất lượng album ở mức khá. Em có album đầu tay Stained Glass Stories -78 của nhóm. Fireballet Fireballet cũng là một trong những band nhạc bị lãng quên của Symphonic Prog của nước Mỹ, sự nghiệp của nhóm cũng rất ngắn ngủi (trong vòng 5 năm từ 71 tới 76) với chỉ vỏn vẹn 2 albums. Thành lập từ năm 71, nhóm nhạc này phải mãi tới năm 75 mới tung ra được album đầu tay là Night on Bald Mountain. Âm nhạc trong album này gần như là sự kết hợp giữa phong cách chơi keyboards của Genesis với tiếng guitar và bass của Yes kết hợp thêm những ảnh hưởng của Gentle Giant và Van Der Graaf Generator. Với rất nhiều bài hát chất lượng tốt, những đoạn chuyển soạn từ nhạc cổ điển (Mussorgsky và Debussy) album được giới chuyên môn đánh giá rất cao dù album có chất lượng ghi âm khá kém. Tuy nhiên, album thứ 2 của họ có tên là Two, two… tung ra chỉ một năm sau đó thì có chất lượng rất tệ. Trong album này thì âm nhạc của nhóm chuyển sang một thứ âm nhạc khác hẳn, không còn là Symphonic Prog mà như là sountrack của một vở kịch trên Broadway pha với phong cách Pop lai Prog của Styx. Âm nhạc khó miêu tả bởi vì nó cho thấy sự mất phương hướng nghiêm trọng của band nhạc này. Album không thành công và band tan rã sau đó không lâu. Em có album đầu tay của nhóm. Holding Pattern Holding Pattern là một trong những anh hùng thầm lặng của Symphonic Prog Rock Mỹ trong những năm 80, mặc dù họ cũng không thực sự tung ra được album chính thức nào trong giai đoạn này. Band nhạc thành lập năm 81 bởi tay guitar rất tài năng là Tony Spada. Năm 1981, nhóm tung ra được một EP cùng tên band nhạc. Âm nhạc trong album này là sự kết hợp của phong cách Symphonic nhẹ nhàng và lãng mạn của Camel với Genesis và phong cách Canterbury, Symphonic, Fusion của nhóm nhạc Mỹ Happy The Man. Tức là phong cách chơi nhạc của nhóm gồm tiếng guitar kiểu Camel kết hợp với những đoạn solo keyboard kiểu Jazz Fusion vậy. Album hòa tấu này rất hay, nhưng lại không nhận được sự quan tâm của các hãng đĩa. Dưới áp lực của hãng đĩa muốn Holding Pattern chuyển sang hướng dễ nghe và bán chạy hơn, tay guitar Tony đã quyết định mặc kệ. Ông này chuyển sang solo và để mặc band nhạc. Phải mãi tới năm 91, tức là sau 10 năm, thì album EP này được kết hợp với một vài sáng tác của nhóm nữa mới chính thức được tung ra. Tuy nhiên, album này thậm chí chất lượng không bằng EP – một album được coi là kinh điển của Symphonic Prog Mỹ - vì những bài hát thêm vào chất lượng kém. Tình trạng bùng nhùng của band nhạc cuối cùng cũng kết thúc vào năm 92, khi nhóm chính thức tan rã. Vào năm 2007, nhóm tái hợp và tung ra một album nữa là Break The Silence có chất lượng khá tốt. Em có album EP đầu tay của nhóm.
Sự phát triển của Symphonic còn tới những vùng xa xôi hơn trên thế giới, tiêu biểu là Nam Mỹ và nước Úc. Bacamarte Bacamarte là một trong những biểu tượng của Prog Rock châu Mỹ La tinh và có lẽ cũng là nguồn cảm hứng to lớn để dòng nhạc này phát triển tại vùng đất này. Band nhạc được lãnh đạo bởi tay guitar đầy tài năng Mario Neto, người có lối chơi đầy thông minh và phức tạp: lúc thì mạnh mẽ, phá cách kiểu Neil Young, Steve Howe với guitar điện, khi thì dịu dàng, quyến rũ, sang trọng kiểu Classic như John Williams, lúc lại mang nhiều âm hưởng Flamengo của Tây Ban Nha với acoustic guitar. Kết hợp với tiếng sáo du dương và có phần hơi nhút nhát với giọng hát thiên thần bằng tiếng Bồ Đào Nha của nữ danh ca Jane Duboc (sau này bà trở thành một giọng ca Pop rất nổi tiếng tại các nước Mỹ Latin). Trở lại với lịch sử của band nhạc, tài năng của Neto đã phát lộ từ rất sớm, ông này đã sáng tác nhiều bài hát từ lúc mới 14 tuổi. Sau đó, ông tham gia nhóm nhạc và biểu diễn trên nhiều trương trình lớn trên truyền hình của Brazil. Màn trình diễn này đã khiến nhà sản xuất của Genesis cực kỳ ấn tượng, ông này đã liên hệ với Neto để thay thế cho tay guitar huyền thoại Steve Hackett sắp rời khỏi nhóm. Tuy nhiên, lúc này Neto còn quá trẻ và phụ huynh của ông không đồng ý để ông tham gia Genesis. Nhưng bù lại thì tên tuổi của ông nhận được sự chú ý của các hãng ghi âm và việc tiếp theo của ông là ổn định lại band nhạc. Được sự giới thiệu của bạn bè, ông mời giọng ca nữ Jane Duboc, lúc này là một nghệ sỹ trẻ chưa có nhiều tên tuổi vào hát chính, kết quả cuối cùng chính là album duy nhất của nhóm Depois Do Fim vào năm 83 với tất cả những gì tinh túy nhất. Một album Symphonic thẫm đẫm âm hưởng của nhạc cổ điển (thời kỳ Baroque) với Folk và World Music (nhạc Latin và thổ dân). Dù hát bằng tiếng Bồ Đào Nha, đây vẫn được coi là một trong những tuyệt tác của Symphonic Prog trong lịch sử. Tuy nhiên, không lâu sau đó Duboc rời nhóm để theo đuổi sự nghiệp solo, nhóm tan rã sau đó không lâu. Tác phẩm bất hủ duy nhất của nhóm tưởng sẽ rơi vào quên lãng thì tới năm 96, nó được một hãng đĩa nhỏ mua lại và phát hành sau đó dưới dạng CD. Sau này, với sự phát triển của mạng internet, hãng đĩa của Nhật Bản đã mua lại bản quyền. Hiện tại album này gần như chỉ tìm thấy tại Nhật Bản. Em có album này của nhóm. Rainbow Theatre Band nhạc tài năng này xuất phát từ nước Úc và do tay guitar rất tài năng là Julian Browning lãnh đạo. Với 8 thành viên, nhóm nhạc bắt đầu chơi một thứ âm nhạc phức tạp theo phong cách Symphonic Rock chịu nhiều ảnh hưởng của King Crimson kết hợp với Jazz Rock fusion. Dù có một sự nghiệp rất ngắn ngủi, band chỉ hoạt động trong vòng 3 năm: từ 73 tới 76 với 2 albums. Nhưng đây là một band nhạc hết sức tham vọng của nước Úc. Trong album đầu tay là The Armada -75 nhóm đã thuê cả dàn hợp xướng giao hưởng để ghi âm album này. Đây là một album rất hay và nó khiến cho band nhạc tự tin hơn để tiếp tục sự nghiệp. Năm 1976, nhóm tung ra album thứ hai là Fantasy Of Horse, nhóm còn mang nhiều âm hưởng của nhạc giao hưởng và opera hơn nữa. Nó gần như là sự pha trộn giữa Rock với giao hưởng và Jazz Fusion. Với rất nhiều ảnh hưởng từ những nhạc sỹ cổ điển như Stravinsky, Wagner, band nhạc gạo cội King Crimson và phong cách Jazz Rock của Mahavishnu Orchestra. Tổng hợp lại, âm nhạc là sự kết hợp của Symphonic Prog với Jazz Rock fusion, nghiêng nhiều về giai điệu trên nền giao hưởng hoành tráng với một giọng hát kiểu Opera. Đây có lẽ là album Progressive Opera hay nhất trong lịch sử. Thế nhưng, sau 2 albums rất hay này, nhóm nhạc lại quyết định tạm nghỉ một thời gian. Sau đó Browning không quay trở lại band mà mong muốn trở thành một nhạc sỹ soạn nhạc theo phong cách cổ điển. Sau này, ông đã sáng tác được 8 bản giao hưởng. Em có album thứ hai của nhóm.
Những bài viết về Symphonic Prog của Úc cũng là phần cuối trong bộ sưu tầm về thế hệ thứ nhất của Symphonic Prog. Trong những phần sau, chúng ta sẽ đến với những band nhạc đã tạo ra sự hồi sinh của dòng nhạc này trong thập kỷ 90s trở lại đây. Nó khởi đầu từ những band tới từ Thụy Điển và Mỹ.
Như đã phân tích, sau thập kỷ 80s, gần như không còn những band nhạc chơi Symphonic Prog nữa, dòng nhạc trở nên mai một. Nhưng đó chỉ là riêng của nhánh nhạc này, còn dòng nhạc Prog Rock vẫn có những làn sóng khác. Vào khoảng năm 82, tại nước Anh xuất hiện một dòng nhạc Prog mới là Neo Prog Rock, những band nhạc này lấy cảm hứng từ những band như Genesis, Pink Floyd, Camel và Yes để chơi một thứ Prog nghiêng nhiều về giai điệu. Họ cũng sử dụng các nhạc cụ mới như keyboards điện tử nên âm thanh nghe hiện đại hơn. Họ cũng cắt bớt những phần quá phức tạp của Symphonic Prog cũ để nhạc trở nên dễ nghe, dễ nhớ hơn. Neo Prog tích hợp nhiều yếu tố của âm nhạc hiện đại, đặc biệt là Heavy Metal vào Prog. Nhưng có lẽ cũng vì thế, âm nhạc của họ có phần bình dân và kém sang trọng, hoành tráng hơn so với Symphonic Prog cổ. Kỹ năng chơi nhạc của những band nhạc Neo Prog cũng không bằng Prog cũ với những bậc thầy về kỹ thuật. Neo Prog đã phát triển rất mạnh mẽ trong khoảng 4 năm (từ 83 tới 87) với những đại diện ưu tú nhất là IQ, Pallas, Pendragon và đặc biệt là Marillion đã vươn tới đỉnh cao tại các bảng xếp hạng trên toàn châu Âu (hạng nhất tại UK). Nhưng so với những band nhạc thuộc trào lưu thứ nhất, xét về tổng thể thì trào lưu thứ hai kém hơn rất nhiều. Họ chỉ có một siêu sao và khi siêu sao này vụt tắt, dòng nhạc nhanh chóng sụp đổ theo hiệu ứng domino. Đó là năm 87, khi Fish rời khỏi Marillion, band nhạc này như rắn mất đầu và phải 7 năm sau, khi mà Prog Rock đã hồi sinh hoàn toàn, họ mới gượng dậy nổi. Chính vì những lý do kể trên, rất nhiều fan hâm mộ của Symphonic Prog cổ đã không chấp nhận dòng nhạc Neo Prog là những người kế tục của Symphonic Prog Rock. Đối với họ, thời kỳ hoàng kim của Symphonic đã qua và sẽ không bao giờ trở lại nữa. Tất nhiên những quan điểm này không thực sự hợp lý và rất cực đoan, Neo Prog có cái hay của họ, một số band trong dòng này cũng có những thành công rất lớn và trở thành những band mainstream như Marillion hoặc Saga. Nhưng sau khi Neo Prog tụt dốc thảm hại ở cuối thập kỷ 80s, những ý kiến này càng trở nên thắng thế trong số những người hâm mộ ít ỏi còn lại của Prog Rock. Chỉ đến khi xuất hiện những anh tài mới của trào lưu thứ ba, tức là đầu thập kỷ 90s, thì quan niệm sai lầm này mới bị đập vỡ hoàn toàn. Nhưng trước khi nói đến sự hồi sinh lần thứ hai (trào lưu thứ ba của Prog Rock) chúng ta cần xem lại bối cảnh của âm nhạc thế giới trong tại thời điểm này. Dù Prog Rock đã sụp đổ hai lần, những giá trị nghệ thuật của dòng nhạc này vẫn ở trong trái tim những người yêu nhạc chân chính. Và cực kỳ may mắn cho Prog Rock là trong số những người hâm mộ của dòng nhạc này, có những band nhạc rất tài năng. Trong số này có hai band nhạc lớn nhất của một dòng nhạc đang trên đường thống trị thế giới là Heavy Metal. Đó là trường hợp của Metallica và Iron Maiden. Dù không bao giờ là một band nhạc Progressive Metal, những album kinh điển của Metallica (Master Of Puppets và And Justice For All) và Iron Maiden (Somewhere In Time, Seventh Son Of A Seventh Son) chịu nhiều ảnh hưởng của Prog Rock. Những album này tạo niềm cảm hứng rất lớn cho nhiều band nhạc trẻ khác phát triển một dòng nhạc mới là Progressive Metal. Thành công của những band như Queensryche và Dream Theater ở những năm cuối thập kỷ 80s và đầu 90s khiến cho sự quan tâm của công chúng giành cho Prog Rock lớn lên rất nhanh. Nó là điều kiện lý tưởng để làn sóng thứ ba của Prog Rock xuất hiện và một lần nữa khiến dòng nhạc này hồi sinh. Khác với trào lưu Neo Prog , không có một nhánh nhạc mới được tạo ra mà hầu hết các nhánh cũ của Prog Rock đều hồi sinh trở lại với những band nhạc mới, đầy tài năng. Trong số này, nổi bật nhất chính là những band Symphonic Prog, những người đã đập tan quan niệm chỉ có Symphonic cổ những năm 70s mới có các tuyệt phẩm. Trào lưu Symphonic Prog mới, đáng ngạc nhiên lại xuất phát từ những quốc gia không mạnh về dòng nhạc này trong thập kỷ 70s: Thụy Điển và Mỹ. Gió thực sự đã đổi chiều. Với Thụy Điển đó là những band như Anglagard, The Flower Kings; còn đối với Mỹ, đó là trường hợp của Spock’s Beard, Discipline, Echolyn, Glasshammer. Thành công lớn của những band như The Flower Kings hay Spock’s Beard khiến cho dòng nhạc tiếp tục phát triển rất mạnh mẽ, lan tỏa ra nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Ngay tại những thời điểm gần đây, vẫn có những band nhạc tuyệt với như Wobbler (Na Uy), All Traps On Earth (Thụy Điển) hay Karfagen (Ukraina). Chúng ta sẽ đến với những band nhạc tiên phong cho trào lưu thứ hai của Symphonic Prog, trước tiên là tại Thụy Điển với Anglagard. Änglagård Band nhạc Symphonic Prog tiên phong trong trào lưu thứ hai này thành lập năm 91 tại Stockholm, Thụy Điển. Sau khi ổn định đội hình, Anglagard bất ngờ tung ra album đầu tay là Hybris vào năm 92. Để ngắn gọn, đây có thể coi là album quan trọng nhất của Symphonic Prog ở trào lưu thứ hai của nhánh nhạc này. Tức là nó là một album siêu kinh điển. Âm nhạc trong album này là một thứ Symphonic Prog hoành tráng, sang trọng của Genesis trộn lẫn trong bầu không khí u ám và ảm đạm của King Crimson có phần bí ẩn, đen tối của Yes. Nhưng bên cạnh đó, với tiếng sáo khá vui tươi, nó mang lại cảm giác lạc quan của Folk, và nhiều khi mang âm hưởng ngẫu hứng theo phong cách Jazz của SFF. Dù chơi trên các nhạc cụ Mellontron hiện đại, album kinh điển này đã khiến cho những người hâm mộ Prog Rock bảo thủ nhất cũng phải nhận ra rằng: còn những đỉnh cao khác của Symphonic Prog ngoài những album kinh điển trong thập kỷ 70s. Album kinh điển này còn góp phần rất lớn vào việc hồi sinh Symphonic Prog khi nó đến tay Roine Stolt, tay guitar của band nhạc Kaipa. Sau rất nhiều năm lăn lộn với Pop Rock không thành công, lúc này đã chuyển sang làm nhà sản xuất âm nhạc và chơi nhạc thuê cho các nghệ sỹ khác. Tình yêu với Symphonic Prog của ông hồi sinh rất mạnh mẽ sau khi được nghe tuyệt phẩm này. Stolt sau này thành lập ra The Flower Kings và trở thành một trong những band nhạc thành công và quan trọng nhất của thế giới Progressive trong những năm gần đây. Nhưng đó là câu chuyện ở phần sau. Trở lại với Anglagard, sau album đầu tiên, nhóm tiếp tục thu âm album thứ hai là Epilogue vào năm 94. Đây cũng là một album hòa tấu. Âm nhạc trong album này nghiêng nhiều hơn về phía Folk. Band nhạc thậm chí còn thuê cả một nhóm tứ tấu đàn dây vào chơi nhạc cùng. Âm nhạc trong album có chất lượng rất tốt, nhưng chưa vươn tới hàng kinh điển như album đầu tay. Tuy nhiên, sau 2 albums kinh điển, nhóm tan rã để lại rất nhiều sự nuối tiếc cho người hâm mộ. Sau này, khi Prog Rock hồi sinh mạnh mẽ trên toàn thế giới, nhóm có rất nhiều lần tái hợp nhưng rồi lại chia tay, khiến cho người hâm mộ khấp khởi mừng thầm rồi lại rơi vào thất vọng. Phải tới năm 2012, trong sự bất ngờ tột cùng của người hâm mộ, nhóm tiếp tục tung ra album kinh điển thứ ba trong sự nghiệp là Viljans Öga, âm nhạc trong album này, vẫn là Symphonic Prog dựa trên Mellotron nhưng lần này mang âm hưởng của Avant Garde, thính phòng và nhạc folk làng quê (pastoral). Album hòa tấu tuyệt hảo này, dù mới tung ra, cũng đã trở thành một trong những album kinh điển của Symphonic Prog. Dù thời gian chính thức hoạt động rất ngắn ngủi, Anglagard là band nhạc có tầm ảnh hưởng khổng lồ tới không chỉ các band nhạc Symphonic Prog của Thụy Điển. Họ còn là niềm cảm hứng cho những band nhạc thuộc các nhánh nhạc khác của dòng nhạc Prog Rock như Annekdoten. Họ cũng là tác nhân chính cho việc xuất hiện một làn sóng mới của những band nhạc Symphonic Prog tại Thụy Điển, sau đó lan ra toàn bộ Bắc Âu, và thế giới. Một band nhạc không thể bỏ qua dù âm nhạc không hề dễ nghe. Em có 2 albums Hybris và Viljans Öga của nhóm