e quay lại topic và đọc 1 lèo, tiếc là đoạn cuối nói về những thể loại e hoàn toàn mù tịt. Từ đầu dịch tới h e cũng lượm lặt đc khoảng gần 100 cd và tape, chắc ngoài topic này ra mà khoe khoang ở nơi khác chắc bị đánh chết vì dịch dã mọi người lo chạy cơm từng bữa. Nhưng biết thế nào đc, đam mê đã ngấm vào máu...
Dạo này CD Prog Rock bắt đầu đắt và khó kiếm hơn. Mấy cái của Anglagard này giờ cũng đắt kinh, may mà cái Hybris em đấu thế nào 15 đồng đã dc. Như cái Time Robber của Omega hôm nọ bản của Đức năm ngoái mua khoảng 10 đồng, nay thấy cũng toàn mấy chục. Collection của bác ko bán chứ hở ra ối thằng chộp! Tương đối phổ thông như Can mà trọn bộ CDs cũng kha khá xèng rùi
Can e thấy đĩa cũng đắt mà, mà phổ thông như Beatles hay PF bán hàng triệu bản đi. Kiếm cái Original là phỏng cả tay, quan trọng độ hype của dân chúng thôi mà bác
Nhiều tay còn chi tiền tỉ mua thiết bị mà có áy náy đâu. Riêng em thấy mua nhạc là rất đáng trân trọng, mặc dù cũng hơi GATO 1 tí
Bây giờ CDs tăng giá cao đấy bác, mấy năm trước bác nào mà tỉnh thì mua cực rẻ. Giá CDs mới bây giờ cũng tăng ác. Bác đấu cái Hybris đấy 15 là rẻ trúng quả đấy. Cái ấy bây giờ hiếm mà giá rất cao luôn. Mình bây giờ mua thấy cao chứ bán ra thì chắc chỉ có giá đồng nát thôi.
The Flower Kings Câu chuyện của Roine Stolt và The Flower Kings là một câu chuyện hết sức phức tạp, nhiều kịch tính và có thể dựng thành một bộ phim được. Chính vì mức độ phức tạp của câu chuyện nên sẽ rất khó để có thể viết được một cách đầy đủ và tường tận về sự nghiệp của ông này. Trong bài viết này, ta sẽ cố gắng hết mức có thể để miêu tả đầy vẻ vang và kỳ quái của quái kiệt này. Sự nghiệp của Stolt bắt đầu từ rất sớm, cuối thập kỷ 60s, khi ông mới chỉ 14 tuổi (sinh năm 56). Đầu tiên, ông chơi bass trong một band nhạc chuyên cover theo phong cách Rock. Phải đến tận năm 73, khi Stolt phát hiện ra các band nhạc theo phong cách Progressive của Anh thì ông mới chuyển sang chơi guitar. Ông tham gia nhóm nhạc huyền thoại Kaipa và tung ra 3 albums khá hay. Nhưng thành công của Kaipa so với những band khổng lồ như Yes, Genesis thì chỉ như giọt nước so với đại dương. Dù khá hay, nó cũng chỉ ở mức super underground. Ngoại trừ một nhóm nhỏ fan tại Thụy Điển, thế giới không biết Stolt là ai. Năm 79, Stolt rời khỏi Kaipa và bắt đầu lạc lối. Ông lập ra band nhạc có tên là Fantasia rồi tung ra 2 albums, âm nhạc hết sức tầm thường, pha trộn nhiều phong cách, kể cả disco nhưng cũng không thành công nên Fantasia nhanh chóng tan rã. Stolt không thành lập band nhạc nữa mà quyết định solo, tung ra hai album nhạt nhòa theo phong cách Rock của Hall & Oates nhưng cũng không thành công. Chán nản, ông từ bỏ sáng tác và đi chơi guitar thuê cho các nghệ sỹ khác kết hợp với trở thành nhà sản xuất âm nhạc để kiếm sống. Tưởng rằng sự nghiệp của ông sẽ chấm dứt ở đây. Thấm thoắt đã hơn 14 năm, đến khoảng năm 1993, tình cờ Stolt nghe được album Hybris của Anglagard và từ đây thì dường như sự dồn nén trong ông phun trào như núi lửa. Ông bắt đầu lao vào sáng tác album Symphonic Prog đầu tiên sau rất nhiều năm. Do không có tiền, ông buộc phải tự chơi tất cả các loại nhạc cụ: guitar, bass, keyboards, trống, hát chính và kiêm luôn thu âm và sản xuất (nghề chính của ông lúc này), thỉnh thoảng ông có mời thêm một số bạn bè vào giúp. Năm 1994, ông tung ra album solo thứ 5 trong sự nghiệp là The Flower Kings. Album này rất dài (hơn 70) theo đúng phong cách Symphonic: các bài hát đều dài 10 tới hơn 20 phút nhưng với tiếng guitar là chủ đạo. (Stolt là tay guitar có kỹ thuật chơi nhạc rất cao, phong cách của ông là sự kết hợp của Gilmour của Pink Floyd, Howe của Yes và Frank Zappa. Dù là một album Symphonic, âm nhạc của ông nghe rất mới mẻ vì Symphonic cổ chủ yếu dựa vào keyboards. Album này tuyệt hay và nhanh chóng trở thành một trong những album kinh điển của Symphonic Prog mới. Sau này, hãng đĩa rất uy tín InsideOut của Đức đã mua lại bản quyền và phát hành trên toàn thế giới. Thành công của album kinh điển The Flower Kings, khiến cho Stolt tức tốc phải thành lập một band nhạc thực sự và The Flower Kings (TFK) ra đời vào năm 1994. Lúc này vai trò keyboards được giao cho Thomas Bodin, một người rất có tài. Và từ đây thì sự nghiệp của Stolt thực sự cất cánh. Gần như mỗi năm, TFK đều tung ra một album mới, các album này đều rất dài (tầm 70 phút mỗi albums). Nếu cách năm mới ra album thì đó là những albums kép (tức là 2CDs – kéo dài khoảng 130 phút). Kể từ năm 1995 tới 2007, nhóm đã có tổng cộng 10 albums (4 albums kép), hầu như tất cả các sáng tác đều là của Stolt. Để tiện so sánh, trong 15 năm rời khỏi Kaipa, Stolt chỉ tung ra được 4 albums. Cần phải nhắc lại rằng khi thành lập TFK, Stolt đã 38 tuổi. Điều kỳ diệu hơn là tất cả các albums đều theo phong cách Symphonic và có chất lượng cực tốt. Điều này đã khiến TFK nổi danh trên toàn thế giới của Prog Rock. Trong thời gian này, Stolt còn tham gia rất nhiều dự án khác như: solo (có thêm 2 albums- sáng tác chính); siêu nhóm Transatlantic (cùng với các thành viên của Dream Theater, Spock’s Beard và Marillion – sáng tác chính) – có thêm 2 albums studio, 3 live; nhóm The Tangent – (tung ra 3 albums – không sáng tác, chỉ chơi guitar); Karmakanic (3 albums), trở lại Kaipa (3 albums- sáng tác chính) Đến năm 2008, TFK thấy cần phải nghỉ ngơi và band nhạc tạm dừng hoạt động trong 4 năm. Lúc này thì Stolt tiếp tục tham gia một nhóm mới là Agents Of Mercy (sáng tác chính và tung ra 3 albums) và Transatlantic (tung ra thêm 1 albums nữa – sáng tác chính). Sau khi nghỉ ngơi, nhóm quay trở lại và làm việc rất hiệu quả với 2 siêu albums nữa là Banks Of Eden và Desolation Rose lần lượt vào các năm 2012, 2013. Sau đó nhóm lại nghỉ ngơi trong 6 năm, Stolt tiếp tục solo và quay lại những band khác, và chỉ quay trở lại vào năm 2019 và tung tiếp ra 2 albums khá hay nữa. Có rất nhiều điều khó hiểu trong cuộc sống và câu chuyện của Stolt là một trong số này. Từ một nhân vật phụ không tên tuổi ông vươn mình lên thành nhân vật chính của thế giới Symphonic Prog. Như thể ông nhặt được một bí kíp rồi luyện thành tài trong một thời gian rất ngắn. Ở thời điểm không còn trẻ, Stolt lại lại có thể bùng nổ và dẫn dắt rất nhiều band nhạc cùng một lúc. Ông cũng góp phần rất lớn (cùng với những band như Spock’s Beard) để giúp không chỉ Symphonic Prog mà cả dòng nhạc Prog Rock trở lên lớn mạnh trên toàn thế giới. Đó là lý do ông trở thành tay guitar huyền thoại của dòng nhạc này khi đã ở tuổi ngoài 40. Bộ sưu tập của em gồm các albums:Back In The World Of Adventures -95, Flower Power -99, Space Revolver-2000, THe Rainmaker-2001, Unfold The Future - 2002, Adam & Eve -2004, Paradox Hotel - 2006, The Road Back Home -2007, The Sum Of No Evil -2007, Desolation Rose -2013.
Mấy cái này hiện giờ hình như cũng hơi khó kiếm, nhưng ngày xưa thì nó dễ mua mà giá rẻ hơn nhiều so với bây giờ bác ơi. Những cái này em mua lâu rồi, giá cũng không cao đâu.
Roine Stolt Sự thành công của The Flower Kings biến band nhạc trở thành một thế lực lớn trên thế giới trong trào lưu thứ ba của dòng nhạc này (là một trong Big 3 của Prog Rock gồm: Porcupine Tree, Spock’s Beard và The Flower Kings). Sở dĩ nhóm vào được top này vì ảnh hưởng rất lớn của band nhạc tới bộ mặt của Prog Rock. Ngoài thành công với The Flower Kings, các thành viên của nhóm còn tham dự solo và nhiều dự án rất thành công, chúng ta sẽ điểm qua một số những album solo của các thành viên của band. Trước tiên là Roine Stolt, như đã biết ông có album kinh điển The Flower Kings, ngoài ra, trong lúc rảnh rỗi (không hiểu sao ông này còn thời gian) Stolt tiếp tục tung ra các albums solo, trong các album này, lúc thì Stolt chơi theo phong cách hòa tấu Symphonic Prog trong Hydrophonia -98, lúc thì quay trở lại với Rock & Blues trong album Wall Street Voodoo – 2005 hoặc phong cách Crossover Prog trong album Manifesto Of An Alchemist -2018. Các albums này đều có chất lượng khá tốt. Em có 2 albums: The Flower Kings -94 và Wall Street Voodoo -2005 (một album kép) Agents of Mercy Agents of Mercy là một dự án khác của Roine Stolt lần này ông kết hợp với Nad Sylvan, một giọng ca chính khá hay. Trong những năm 2008, TFK nghỉ, Stolt gặp Sylvan và thành ra nhóm nhạc này. Trong sự bất ngờ của người hâm mộ, nhóm tung ra liên tiếp 3 albums gồm:The Fading Ghosts Of Twilight -2009, Dramarama-2010 và The Black Forest -2011. Tuy là 3 năm ra 3 albums nhưng âm nhạc trong những album này có nhiều sự khác biệt. Nếu trong album đầu tay nhóm chơi theo phong cách Symphonic và một số thể loại khác trên nền Acoustic guitar thì album thứ hai lại chơi theo kiểu Beatles lai với Symphonic Prog (nếu Beatles mà chơi Symphonic Rock thì có lẽ âm nhạc sẽ giống album này). Còn trong album cuối cùng, âm nhạc lại theo kiểu pha trộn giữa truyền thống và hiện đại tức là phong cách Symphonic Prog hoành tráng sang trọng của Genesis kết hợp với những âm thanh mạnh mẽ kiểu Arena. Ở đây chúng ta phải mở ngoặc một chút về Arena. Arena là band nhạc theo trường phái Neo Prog Rock gạo cội của nước Anh. Âm nhạc của Arena rất mạnh nếu theo chuẩn mực thông thường của Rock nhưng lại nhẹ hơn so với các band Metal. Chúng ta đã biết rằng có những band theo trường phái Prog Rock và nhiều band khác theo Prog Metal. Âm nhạc của Arena có thể coi nằm giữa 2 trường phái này. Âm nhạc của họ mạnh, dựa trên tiếng guitar chát chúa trên nền Prog Rock. Điều đó có nghĩa là album này tuy sang trọng nhưng khá mạnh. Album đầu tiên của nhóm chỉ có chất lượng ở mức vừa phải còn album thứ hai và ba có chất lượng rất tốt. Em có albums thứ 3 rất hay của nhóm The Black Forest -2011
Một cái hơi ít bác ạ. Band này có nhiều cái hay. Hay nhất có thể kể đến: Back In The World Of Adventures -95, Flower Power -99, Banks Of Eden -2012. Ngoài ra còn cái solo The Flower Kings của Roine Stolt - album kinh điển của Symphonic Prog.
Em cũng mới thử 3 đại diện của phong trào Prog mới như bác nói, cảm nhận ban đầu hội này đều rất tài năng nhưng thứ tự thích là: (1) Porcupine Tree/Steven Wilson; (2) Flower Kings/Stoine Solt; (3) Spock's Beard/Neal Morse. Hội đầu cũng mới mua dc vài CDs, 2 đội sau thì mới nghe qua nên chỉ có 1 CD. Chắc phải phấn đấu nhiều vì mấy hội này ra nhiều albums quá
3 bands đấy là những band thành công lớn nhất bác. Đội mới này sức sáng tạo khủng khiếp luôn, mỗi năm ra vài đĩa là bình thường. Trong đội này TFK và Spock's Beard là Symphonic còn Porcupine ngày trước xếp vào Space Rock. Hiện giờ thì âm nhạc Porcupine Tree thay đổi quá nhiều nên chuyển sang Heavy Prog. Ngoài những band này ra thì còn rất nhiều những band hay khác, nhưng ít người biết tới hơn. Như Thụy Điển có Anglagard, Par Lindh; Mỹ có Echolyn, Glass Hammer, Discipline... Thế giới của Prog Rock rất rộng lớn nên cứ phải từ từ mới đi lần lượt được. Em sẽ đi một cách chừng mực để các bác có thể nghiền ngẫm. Nhanh quá thì sẽ rất khó thấm.
Vâng, đúng là em ko chạy theo bác dc vì tốc độ nghe của em rất chậm. Nhấn nhá lâu nó mới ngấm, mà có khi bỏ đấy cả tháng sau hoặc ... năm sau nghe lại mới thấy hay. Em thì dạo này đang thích cái album Raven của Steven Wilson, ám ảnh và rất hợp với thời đại COVID. Tay này từ hồi sản xuất Opeth thì có hơi hướng Metal nhiều hơn nhưng em lại thích (mặc dù nhìn chung ko nghe dc Metal). Có lẽ là 1 tg số ít nghệ sĩ sẵn sàng vứt bỏ công thức thành công cũ để tự làm mới mình. Nhạc thì chả liên quan gì nhưng về chất thì như Brian Eno vậy!
Tomas Bodin Bodin là tay keyboards của The Flower Kings, những cũng như Stolt, ông có sức sáng tạo rất lớn. Một band nhạc như The Flower Kings là không đủ cho Bodin, người có rất nhiều những ý tưởng khác biệt. Chính vì vậy, ông cũng tham gia sự nghiệp solo. Trong đó, 3 albums solo của ông là An Ordinary Night In My Ordinary Life -96, Pinup Guru -2002, Sonic Boulevard mang nhiều âm hưởng của Jazz Rock Fusion và Prog Rock cổ. Các albums này có chất lượng chỉ ở mức khá tốt. Nhưng sau đó thì sự nghiệp của Bodin khởi sắc hơn với những albums mang âm hưởng Symphonic Prog pha trộn với Jazz Rock Fusion. Khởi đầu là album IAM -2005, sau đó là các album Cinematograaf-2008, Egg & Dogs: You Are -2009 và She Belongs To Another Tree -2015 đều có chất lượng rất tốt. Tuy nhiên sau năm 2015, Bodin đã rời nhóm TFK và nghỉ cả sự nghiệp solo. Em có album thứ tư IAM của ông này Hasse Froberg Hasse Froberg là giọng ca chính của TFK, thỉnh thoảng ông có chơi guitar trong band này. Khoảng năm 2008, khi TFK tạm nghỉ để lấy lại sức lực và Stolt tham gia các dự án khác, Froberg quyết định tham gia sự nghiệp solo và thành lập band Hasse Froberg & Musical Companion để ghi âm những sáng tác của ông mà không thực sự phù hợp với cách tiếp cận của TFK. Âm nhạc của nhóm có nhiều sự khác biệt so với TFK khi chịu nhiều ảnh hưởng của Classic Rock và Hard/AOR Rock. Tuy nhiên, các albums đều có chất liệu Symphonic kiểu TFK. Nhóm cũng sử dụng nhiều keyboard cơ kiểu cổ trên nền giọng hát trầm ấm của Froberg. Các album của nhóm này đều có chất lượng khá tốt. Em có album đầu tay của nhóm là Future Past. Karmakanic Trong những dự án dạng solo của các thành viên TFK, Karmakanic có lẽ là dự án thành công bậc nhất. Lúc đầu, Karmakanic bao gồm trọn vẹn các thành viên của TFK nên khiến mọi người nghĩ rằng đây là dự án kiểu side project của tất cả các thành viên trong ban. Tuy nhiên, tình huống này chỉ diễn ra trong album đầu tay, những album sau đó thì trở thành một dự án của riêng tay bass Jonas Reingold (có nhờ sự trợ giúp của các thành viên TFK trong một số bài hát). Âm nhạc của Karmakanic cũng theo phong cách Symphonic Prog nhưng pha trộn thêm rất nhiều âm hưởng của Hard Rock và Metal. HIện tại nhóm đã có được 5 albums gồm: Spectra -2002, Wheel Of Life -2004, Who’s The Boss In The Factory? -2008, In A Perfect World-2011 và Dot -2016. Trong đó albums thứ 3 và thứ 5 là những album rất hay có thể coi là kinh điển của Symphonic Prog hiện đại. Karmakanic ngày càng trở thành một band nhạc quan trọng trong dòng nhạc Symphonic Prog với những albums rất lên tay. Em có cả 5 albums của nhóm
Trào lưu Prog lần 3 hồi sinh còn khiến rất nhiều band chuyển sang chơi phong cách Prog Rock như Opeth hay Dream Theater. Opeth bây giờ không còn tí Metal nào cả mà chỉ còn là Prog Rock. Wilson có lẽ là ngôi sao sáng nhất của Prog Rock mới. Âm nhạc rất hay và lạ nữa, nhưng cũng thuộc hàng cực kỳ phức tạp với rất nhiều phong cách khác nhau. Sưu tầm được mấy ông này cũng mệt đấy bác.
Par Lindh Project Như đã miêu tả ở những phần trước, công lao hồi sinh Symphonic Prog thuộc về Thụy Điển và Mỹ. Trong đó, những cái tên như Anglagard và The Flower Kings (TFK) thực sự đã làm sống dậy những âm thanh tưởng như đã chết của thập kỷ 70s. Thế nhưng có những cái tên thực sự xa lạ với những người hâm mộ dòng nhạc này dù các band nhạc này cũng có những album không thua kém gì Anglagard hay TFK. Một trong số này có thể kể tới nhóm Par Lindh Project. Đây không chỉ là một trong những band đầu tiên làm hồi sinh dòng nhạc mà còn có công rất lớn trong việc đưa những âm thanh của nhạc Gothic ở thế kỷ XII – XiV (bằng tiếng Organ đen tối và ám ảnh) trở lại với thế giới âm nhạc. Họ cũng chịu nhiều ảnh hưởng của thời kỳ Baroque. Linh hồn của band nhạc dĩ nhiên là Par Lindh, một nhạc sỹ đa tài người Thụy Điển, ông có thể chơi được rất nhiều nhạc cụ với kỹ năng cực cao. Sự nghiệp của Lindh khởi đầu từ năm 77 khi ông chơi cho một band nhạc Hard Rock có tên là Antenna Baroque. Sau đó đến năm 79 ông chuyển sang chơi cho một band nhạc Symphonic Prog, nhưng ta đã biết là đỉnh cao của dòng nhạc đã qua nên cả hai band đều thất bại. Để mưu cầu cuộc sống, Lindh chuyển sang Pháp và trở thành một nghệ sỹ chơi nhạc cổ điển. Ông chơi từ Church organ sang piano rồi harpsichord, trống, Hammond organ rồi chuyển sang cả Jazz và đều rất thành công. Nhưng trong trái tim của Lindh chỉ có một tình yêu duy nhất – Prog Rock. Năm 89, Lindh bỏ tất cả để quay lại Thụy Điển để theo đuổi tình yêu của mình. Ông quyết định phải làm cho Symphonic Rock hồi sinh. Việc đầu tiên ông làm là thành lập một hãng đĩa của riêng mình hãng Crimsonian Label. Năm 91, Lindh cùng các bạn của mình thành lập một nhóm những người yêu Rock nghệ thuật dưới cái tên The Swedish Art Rock Society với mục đích tổ chức các Festival dành riêng cho những band nhạc Prog Rock. Festival này sau đó góp mặt những tên tuổi rất lớn của Prog Rock Thụy Điển như Anglagard hay Anekdoten. Vào khoảng năm 94, Lindh cũng tung ra một trong những album kinh điển của Symphonic Prog là Gothich Impressions. Đây là một album rất hay với một phong cách chơi nhạc chịu nhiều ảnh hưởng của Baroque và khá buồn bã, đen tối. Nhiều bài hát trong albums chơi theo đúng phong cách Symphonic Prog cổ điển với việc sử dụng những thiết bị cơ. Ngoài Lindh, các thành viên còn lại trong band đều xuất phát từ những band nhạc nổi tiếng như Anglagard hay Roine Stolt. Tuy nhiên, sức sáng tạo của Lindh thì không lớn được như Stolt nên tới thời điểm hiện tại, nhóm chỉ ra được 4 albums là Mundus Incompertus -97 và Veni Vidi Vici -2001 và Time Mirror -2011. Cả 4 albums đều rất hay, 3 albums đầu tiên có thể coi là kinh điển của Symphonic Prog mới. Nhưng sau năm 2002 thì Lindh gặp rất nhiều về sức khỏe nên chủ yếu dành thời gian chữa bệnh. HIện tại ông đã 62 tuổi nên khả năng ra tiếp những album hay cũng không nhiều. Em có album đầu tay Gothich Impressions của nhóm. Simon Says Simon Says cũng là một band nhạc thầm lặng của Symphonic Prog Thụy Điển. Nhóm nhạc này thành lập từ năm 93 và gần như không chính thức tan rã, nhưng mới chỉ có 3 albums trong toàn bộ sự nghiệp. Âm nhạc của Simon Says chịu rất nhiều ảnh hưởng của Symphonic Prog cổ. Từ cách chơi nhạc hoành tráng của Genesis tới phong cách sử dụng Minimoog của Manfred mann, tới Neo Prog (Marillion – phong cách chơi keyboards nghiêng về giai điệu) tới phong cách chơi guitar hiện đại hơn của Spock’s Beard và cả cách chơi Mellotron kiểu Anglagard. Nhóm sử dụng rất nhiều các nhạc cụ acoustic và organ cơ. Nhóm chỉ có 3 albums trong sự nghiệp là Ceiwen -95, Paradise Square -2002 và Tardigrade -2008. Càng về sau, nhóm càng chơi lên tay, 2 albums cuối có thể coi là kinh điển của Symphonic Prog mới. Dù không thực sự biết đến rộng rãi, Simon Says là một band rất hay của Thụy Điển. Em có 2 albums rất hay Paradise Square -2002 và Tardigrade -2008
Theo giới thiệu của bạn, mình vừa nghe Simon Says : Paradise square, tuyệt ! .Thật đúng sở thích, thấy cả Yes cả Genesis trong này .
Trước thì em ko bao giờ nghe nhạc số qua phần mềm hay mua đĩa nhạc qua mạng vì nó hay gợi ý những cái giống mình đã nghe. Vì thế em thường ra cửa hàng và cái nào tạo ấn tượng gì đó cho mình thì nhặt, cùng lắm là nghe gợi ý của người bán đĩa hoặc các danh sách tại cửa hàng. Giờ thì COVID ngồi nhà, chỉ còn cách tiếp cận qua mạng nhưng mà em vẫn ghét những cái phần mềm nó dùng thuật toán gợi ý cho mình. Thế tức là vẫn phải dựa vào các bác gợi ý trên diễn đàn thôi! Em thấy gợi ý của bác rất hay, tất nhiên là theo dc hơi khó và cũng có thể loại em ko/chưa ăn đc
Em thì lại khác, thói quen lên mạng xem của em có lẽ đã có trên 20 năm. Lúc ấy mạng còn rất chậm và các file chủ yếu là mp3 có chất lượng rất thấp. Và còn chưa có Youtube. Đầu tiên là lang thang vào các hãng đĩa nổi tiếng để nghe samples. Sau đó là thời của những trang web có uy tín, trên này mọi người chia sẻ những hiểu biết và cảm nhận rất nhiều. Thượng vàng hạ cám có cả, sau này mình thấy một số nick có tai nghe rất hợp với tai mình nên chú ý. Trước em đi mua đĩa cũng toàn chăm chăm tìm cái hay, được đánh giá cao theo web hoặc mình nghe thử thấy tốt. Có nhiều cái phải ghi lại đề về tìm xem thể loại gì và có được đánh giá cao không. Sau rồi mình nghe nhiều thành quen, những ý kiến khác chỉ để tham khảo. Đến lúc có youtube (từ khoảng năm 2005 -2006) thì việc nghe trước khi mua trở nên rất quan trọng với em. Bây giờ thì em chỉ mua qua online. Em cũng ít khi chú ý tới việc mình có ít hay có nhiều, và người khác có bao nhiêu cái. Chạy theo người khác mệt lắm, mà mình chủ yếu là nghe nhạc theo sở thích của mình thôi. Cái nào em thích thì sẽ cố mua. Cũng nhiều khi có những cái mua về một thời gian dài sau mới thấy cái hay của nó, lúc ấy thì lại thành nghiện. Đôi khi thấy có một số cái hiếm, phải chật vật mới tìm được. Nhưng tìm xong thì mình cảm thấy rất sướng, nó cũng là một thú vui và thói quen. Nhưng nghe nhiều cũng thấy là có những cái không nghe thì hơi phí. Chả thế mà có thằng cha còn viết về 1001 albums phải nghe trước khi die.