Này nghe đêm chắc mất ngủ thật vì tiếng nhạc cụ tiếng đàn rồi giọng ồm ồm khàn khàn nó tạo cảm giác ám ảnh ghi vào não tạo ác giác âm thanh trong tai. Nghe đêm dễ mất ngủ thật nếu trình độ chưa đủ để cảm nhận bài nhạc. Thật sự quá nể bác chủ thớt. Kiến thức âm nhạc và sự chia sẽ với cộng đồng.
Em tìm được được link này khi lên google tìm hiểu ý nghĩa mấy bài nhạc trong album trên. Gửi tặng bác chủ thớt nè. Đọc hài hước và khá hay bác ạ. https://www.emoodzik.com/post/buckethead
Falling Falling thực chất là một bộ phim chính kịch drama của Viggo Mortensen khi anh này thử nghiệm vai trò làm đạo diễn kiêm diễn viên chính. Bộ phim kể về câu chuyện đầy đau khổ của người đồng tính – Peterson (do Mortensen đóng). Peterson sinh ra trong một gia đình truyền thống và bảo thủ, người cha Willis phản đối chuyện đồng tính kịch liệt, trong khi chính con mình lại là người đồng tính năm. Khi ở tuổi trung niên, Peterson đã chuyển tới một nơi khác (Los Angeles) để sống cùng “chồng” và con gái riêng của anh này. Cha của anh sống tại một trang trại biệt lập ở quê, nơi mà Peterson cùng em gái của mình lớn lên. Nhưng rồi cha của anh này lâm bệnh mất trí nhớ dần dần. Để giúp cha mình sống tốt hơn, Peterson chuyển ông tới sống cạnh mình và nhà của em gái. Từ đây thì cuộc sống phát sinh mâu thuẫn vì ông bố không thể thay đổi môi trường và cách sống của mình. Đây là một bộ phim không có nhiều tình huống đột phá nhưng cũng đáng để suy ngẫm về cuộc đời. Bộ phim có chất lượng khá ổn, giành một số giải thưởng nhưng không mấy thành công, doanh thu chỉ gần 1 triệu đô la. Do kinh phí hạn chế, để kiếm tiền cho bộ phim, Viggo đành phải đảm nhận vai chính dù lúc đầu không định đóng phim mà chỉ làm đạo diễn. Nhưng rồi do không có ngôi sao nào tham gia, Viggo đành phải đảm nhận cả nhiệm vụ đạo diễn và diễn viên chính. Việc làm nhạc phim cũng do chính Viggo đảm nhận, tất nhiên không thể thiếu Buckethead, một người bạn chí cốt của anh này. Ngoài ra còn có sự tham gia của Skating Polly, một nhóm nhạc Indie Punk nữ, vốn là một band nhạc ưa thích của Henry Mortensen – con trai Viggo. Buckethead tham gia vào 5 bài hát trong phim. Về tổng thể, đây là một album nhạc rất nhẹ nhàng nhưng có một số đoạn thử nghiệm khá đen tối và nhiều tâm sự, đôi lúc theo kiểu ambient. Buckethead chủ yếu chơi guitar acoustic. Album này có chất lượng khá tốt. Bộ sưu tập có bản LP của album này. Đây cũng là phần cuối trong chùm bài viết về Buckethead.
Sau một chút nghỉ ngơi em giới thiệu tiếp phần về Zeuhl, một thể loại rất kén người nghe nhưng nếu ai nghe được sẽ rất dễ gây nghiện. Nói tới Zeuhl thì đa phần đều nghĩ tới Magma nhưng trên thực tế có một số band nhạc rất hay, mặc dù họ chỉ ra được một số lượng hạn chế các album. Nhưng các albums này hiện tại đều thuộc hàng rất quý hiếm và có thể coi là những kiệt tác âm nhạc hiện đại và rất đáng để tìm hiểu. Zeuhl Zeuhl là một phong cách Avant-Prog được tạo ra bởi Christian Vander, người sáng lập band nhạc Magma của Pháp, vào đầu những năm 70. Nhưng trước tiên, chúng ta phải quay trở lại vào thời điểm cuối những năm 60s, Vander lúc này đang chơi trong 2 band nhạc R&B của Pháp. Dù chơi trong những band nhạc này nhưng trái tim của Vander lại yêu thích nhạc Jazz hơn. Sau khi một trong những thần tượng lớn nhất của ông này là John Coltrane qua đời, Vander rất buồn và quyết định rời bỏ các band nhạc để đi du lịch vòng quanh châu Âu cho khuây khỏa. Đến năm 69, Vander quay trở lại Pháp và thành lập ra Magma với những người bạn đồng chí hướng của mình. Với band nhạc mới này, Vander đã sử dụng một cách tiếp cận âm nhạc hoàn toàn khác biệt khi kết hợp nhạc Jazz, Avant Garde, Progressive Rock và Nhạc cổ điển hiện đại (đặc biệt là nhạc cổ điển đầu thế kỷ 20 trở về sau này). Để tăng phần dị biệt cho Magma, Vander đã tự xây dựng một ngôn ngữ của riêng mình, gọi là Kobaïan, từ đó sáng tạo ra một thể loại mới có tên là Zeuhl. Kobaian trên thực tế là một hành tinh dị biệt. Nơi mà sau khi Trái Đất bị hủy diệt, một nhóm người đã chuyển tới đây để xây dựng thế giới mới – trở thành quê hương mới của họ. Sau này, những người Trái Đất khác tiếp tục di chuyển tới Kobaian và phát sinh mâu thuẫn rất lớn với nhóm người tới đầu tiên, tự nhận họ là Kobaian. Zeuhl thực chất là một tính từ trong ngôn ngữ Kobaian nó vừa có nghĩa là “thiên thể” vừa có nghĩa là thiên đường. Với tham vọng lớn về phạm vi và nội dung, Zeuhl thường sử dụng các dàn hợp xướng và hòa tấu lớn để tạo ra âm nhạc hoành tráng, có tính kỷ luật cao, và thường kết hợp lời bài hát bằng tiếng Kobaïan. Ban đầu, thuật ngữ "Zeuhl" chỉ đề cập đến Magma, nhưng sau này, có một số band cũng học theo âm nhạc của họ, đặc biệt là các band nhạc của Pháp và Nhật Bản. Trước tiên chúng ta sẽ đến với Magma. Magma MAGMA là một nhóm nhạc Rock theo phong cách Progressive do tay trống/nhà soạn nhạc/ca sĩ Christian VANDER lãnh đạo đã hoạt động tích cực trong 'thời kỳ kinh điển’ của Prog Rock trong thập kỷ 70s và sau này còn tái hợp để hoạt động mạnh mẽ trở lại trong thế kỷ 21. Âm nhạc của MAGMA thường được phân loại là 'Zeuhl' (có nghĩa là 'thiên thể' hay 'thiên đường' trong tiếng Kobaïan, ngôn ngữ riêng của MAGMA). Band nhạc này có một thứ âm nhạc quá khác biệt và rõ ràng không phù hợp với bất kỳ thể loại Prog Rock nào khác. Thể loại gần nhất với Magma có lẽ là avant- garde prog. Âm nhạc của Magma sử dụng những đoạn riff xoáy guitar với nhịp điệu kỳ lạ, dàn hợp xướng sân khấu, tiếng bass nặng nề và méo mó, lúc thì khoa trương, khi thì tối giản (đôi khi cả hai cùng một lúc), đen tối và bay bổng, phiêu lưu và thần tiên, mang tính jazzy hoặc cổ điển, nhưng luôn mang tính sáng tạo cao với tiếng trống nguyên bản của người sáng lập và nhà soạn nhạc chính Christian VANDER. Âm nhạc của MAGMA rất gần với phong trào progressive rock, mặc dù ngay cả đối với các tiêu chuẩn chính xác nhất của Prog Rock cũng rất khó để nói rằng nó phù hợp vì nó là "âm thanh của một thế giới khác" và các bài hát thường kéo dài, có khi hơn 30 phút. Band nhạc này hầu như không có mối liên hệ nào với các band nhạc khác thuộc thể loại Progressive. Mặc dù phát sinh ở Pháp, họ có rất nhiều ảnh hưởng tới Prog Rock, và là nguồn cảm hứng lớn cho các band nhạc Fusion và Zeuhl sau này. Âm nhạc cổ điển hiện đại- ví dụ như của Carl ORFF (Carmina Burana) có ảnh hưởng lớn đến MAGMA. Ngoài ra còn có nhạc Jazz, bản thân VANDER đã nhiều lần tuyên bố rằng ảnh hưởng chính của ông này là nghệ sĩ saxophone John COLTRANE, và khi nghe phiên bản ‘My favorite things’ của COLTRANE, chúng ta sẽ tìm thấy gợi ý về thứ sau này sẽ trở thành thể loại Zeuhl. Có một truyền thuyết kể rằng MAGMA được hình thành sau một cái nhìn xuất hiện trong giấc mơ của Christian VANDER về một tương lai tâm linh và sinh thái cho nhân loại. Tầm nhìn này sẽ ảnh hưởng đến ba câu chuyện (mỗi chuyện gồm nhiều phần khác nhau), đó là câu chuyện Kobaïan (album đầu tay và 1001 Centigrates), bộ ba Köhntarkösz (Kohntarkosz Anteria hoặc K.A., Köhntarkösz và Ëmëhntëhtt-Ré) và bộ ba Theusz Hamtaahk (Theusz Hamtaahk, Mekanïk Destruktïw Kommandöh hoặc M.D.K và Wurdah Ïtah). Bộ sưu tập có khoảng 24 đĩa của Magma. Album đầu tiên của Magma có tên đơn giản là Magma (hay còn gọi là Kobaia) được tung ra vào năm 1970 là một album kép với 2 LP phát hành qua hãng Philips của Pháp. Lúc này thậm chí Zeuhl còn chưa thành hình. Âm nhạc trong album kiểu Avant Garde Prog và giống với Frank Zappa hơn. Dù vậy đây là khá hay kể về câu chuyện khởi đầu của Kobaia. Đây là một album được tái bản nhiều lần đặc biệt là tại Pháp và Nhật Bản. Bộ sưu tập có bản phát hành CD đầu tiên tại Nhật Bản (năm 1998) Gồm 2 CD đựng trong hộp rất lớn, 2 quyển sách tiếng Pháp và tiếng Nhật, đồng thời OBI màu vàng cam. Album thứ hai của nhóm có tên là 2 (hay 1001° Centigrades ) tiếp tục là một bước tiến lớn trong sự nghiệp của Magma. Âm nhạc trong album này là sự pha trộn giữa Avant Garde Rock và Jazz với những ảnh hưởng rõ nét của Zappa và Coltrane. Ngoài ra Magma còn đưa vào ảnh hưởng rất lớn từ nhạc cổ điển, đặc biệt là Stravinskyi (phần nhạc) và Carl Orf (phần lời hát kiểu Opera) thông qua dàn hợp xướng. Album dễ nghe hơn album đầu tay nhưng chất lượng có lẽ còn cao hơn nữa. Bộ sưu tập có bản CD của Nhật. Album phòng thu thứ ba của MAGMA, M.D.K., thường được coi là album kinh điển và nổi tiếng của Zeuhl. Âm nhạc trong album lúc này nghiêng hẳn về phía Rock với những ảnh hưởng của Zappa và Mike Oldfield, kết hợp với nhạc cổ điển và phong cách hát kiểu Carl Orff đã tạo ra thương hiệu đặc trưng của tất cả các ablum Zeuhl sau này. Bộ sưu tập có bản CD đầu tay của Nhật vào năm 1991. (còn tiếp)
Magma (tiếp theo) Như chúng ta đã biết, âm nhạc của Magma rất phức tạp nó pha trộn Jazz, Rock, Avant Garde, cổ điển, opera, Gospel, Funk… Lời hát cũng phức tạp, theo nhiều chủ đề khác nhau và hát theo một thứ ngôn ngữ riêng (Kobaian) mà ngoại trừ một số ít các fan hâm mộ điên cuồng của Magma thì cũng không ai hiểu nổi. Thế nhưng các album của họ thì vẫn có những nội dung riêng, đa phần thuộc dạng concept có cốt truyện nhưng lại rất khó theo dõi vì tung ra không theo thứ tự. Thậm chí là phải vài chục năm sau, sau khi xâu chuỗi các sự kiện thì fan hâm mộ mới nhận ra rằng những album có liên quan tới nhau và tất cả (có lẽ) đều liên quan tới thế giới Kobaia. Concept đầu tiên gồm album 1 và 2 nói về sự hình thành thế giới Kobaia. Loạt concept thứ hai là một dạng HẬU TRUYỆN của thế giới Kobaia. Sau khi hình thành, Kobaia sau đó hết sức phát triển và trở thành một thiên đường thực sự so với Trái Đất lúc này đang bị hủy diệt. Một trong những hậu duệ của những người Kobaia đã quay trở về lại Trái Đất và muốn thay đổi con người tại đây. Nơi này đã trở nên ô nhiễm, độc hại bởi chính sự phá hủy của con người với những tư tưởng bệnh hoạn của họ. Người Kobaian này, có tên là Nebehr Gudahtt, đã cố gắng thuyết phục loài người rằng họ đang phá hủy hành tinh của mình và phải thay đổi cách sống theo con đường mà người Kobaia đã thành công. Đầu tiên, tất cả loài người đều chống đối Gudahtt. Nhưng rồi sau tất cả những thăng trầm và khúc mắc cuối cùng thì Gudahtt đã thành công, mọi người Trái Đất coi anh là một nhà Tiên Tri và bắt đầu áp dụng cách của người Kobaian để chuộc lại những lỗi lầm (nó rất giống các câu chuyện về tôn giáo). Phần cốt truyện này là gồm ba album và được gọi tên là Theusz Hamtaahk (gồmTheusz Hamtaahk – Time Of Hatred- thời đại hận thù, Wurdah Ïtah- Dead Earth – Trái Đất chết và Mekanïk Destruktïw Kommandöh hoặc M.D.K – Nhiệm vụ hủy diệt). Nhưng phần này rất khó theo dõi vì album đầu tiên tung ra lại là M.D.K tức là phần cuối cùng của câu chuyện nơi Nebehr Gudahtt trở thành vị Thánh (hoặc Chúa). Trong khi đó phần đầu tiên là Theusz Hamtaahk trên thực tế không bao giờ được tung ra dưới dạng một album studio chính thức và kể cả đến khi mà Magma tan rã lần đầu vào năm 1978 thì cũng chưa ai từng nghe tới album này. Phải tới năm 1980, khi Magma tái hợp trong để kỷ niệm 10 năm sự nghiệp thì toàn bộ album này mới được ghi âm tại buổi biểu diễn live ở Paris cùng với album MDK. Sau này sẽ được tung ra dưới dạng album live Retrospektiw. Phần thứ hai của concept Wurdah Ïtah, trên thực tế là một album solo của Vander. Mặc dù được ghi âm bởi các thành viên chủ chốt của Magma nhưng đây là một album nhạc phim (soundtrack) cho bộ phim Tristan Et Yseult của đạo diễn người Pháp Yvan Lagrange. Bộ phim không phải là một kiệt tác điện ảnh và rất ít người biết tới nhưng soundtrack thì lại là một tuyệt tác mặc dù album này thu âm chỉ trong 4 ngày với một phiên bản rút gọn của band nhạc Magma: không có dàn đồng ca, không có phần kèn, thậm chí không có nghệ sĩ guitar hay không có tay keyboard thứ hai. Tuy nhiên, đây là một tập trung nhất của Vander, và album này là một minh chứng rõ ràng cho phần nghiêng về giai điệu du dương của Magma. Mặc dù được chia thành 12 bài hát ngắn, nhưng album thực sự là một bản epic lên tục giống như các album khác. Với phong cách chơi nhạc tinh tế, kỹ thuật và rất gắn kết của bộ ba Klaus Blasquiz, Jannick Top và Vander,, cùng với giọng hát tuyệt vời theo phong cách Carl Orff quen thuộc, album trở thành một siêu phẩm (hay kiệt tác) của Vander, mặc dù âm nhạc không thực sự giống với phong cách của Magma. Album tung ra vào năm 74 nhưng rất ít được biết tới. Album này sau được ra lại vào năm 89 bởi hãng đĩa Seventh Records của chính Magma với logo band nhạc trên cover. Từ đấy thì nó được coi là một album của Magma và người ta tìm ra sự kết nối với MDK. Bộ sưu tập có bản remastered 2009 của album này. Câu chuyện thứ ba Köhntarkösz – nhà tiên tri- cũng gồm 3 albums: Köhntarkösz Anteria -2004, Köhntarkösz -1974, Ëmëhntëhtt-Rê -2009. Đây có lẽ là tiền truyện của Kobaia. Nội dung của concept này mô tả cuộc tìm kiếm tâm linh của hai người đàn ông để hiểu được hoạt động mật thiết của các lực trong vũ trụ và đạt được sự bất tử. Nó chính là tiền đề cho cuộc hành hương tới Kobaia sau này. Nhiệm vụ được bắt đầu bởi Ëmëhntëhtt-Rê, một pharaoh Ai Cập cổ đại, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những nỗ lực tìm kiếm tâm linh và thiên đường, nhưng đã bị sát hại ngay trước khi có thể đạt được thành tựu cuối cùng. Album được tung ra đầu tiên là Köhntarkösz vào năm 1974, thực chất lại là phần 2 của cốt truyện này. Album kể câu chuyện về một nhà khảo cổ học hiện đại phát hiện ra vị trí ngôi mộ của Ëmëhntëhtt-Rê. Anh ta bước vào, và khi băng qua những lối đi tối tăm để đến phòng chôn cất, anh ta nghe thấy một giọng nói từ thiên thể và những hình ảnh về cuộc đời của Ëmëhntëhtt-Rê. Khi anh ta đến phòng chôn cất và chạm vào ngôi mộ, bụi cổ xưa thấm vào người, và anh có một sự hiểu biết về sự nghiệp tàn khốc và thành tựu của pharaoh cổ đại. Khi tỉnh dậy, với ánh sáng của sự hiểu biết này, anh dành cả cuộc đời mình để khôi phục và hoàn thiện những thành tựu của Ëmëhntëhtt-Rê và đưa chúng đến giai đoạn cuối cùng. Những nỗ lực và lời dạy của anh này sau đó chính là huyền thoại của Magma, dẫn tới sự hình thành của một nhóm các nhà tâm linh, những người cuối cùng chạy trốn khỏi Trái đất mục ruỗng để có một cuộc sống cao đẹp hơn trên hành tinh Kobaïa). Đó là về mặt cốt truyện, về mặt âm nhạc, đây tiếp tục là một album tối tăm và có phần giống với MDK ngoại trừ cách xây dựng bài hát. Nếu như MDK là một album tiết tấu khá nhanh và có nhiều độ tương phản giữa phần chơi mạnh và nhẹ nhàng thì Köhntarkösz lại nghiêng về cách ề xây dựng bài hát từ từ cho tới cao trào, với cường độ âm thanh được kiểm soát có vẻ tốt hơn. Do đó, album này sẽ không có tác dụng tức thì khi những lần đầu như MDK, nhưng nếu nghe kỹ và lâu dài thì có lẽ nó có thể còn có độ sâu lớn hơn. Stella Vander thực sự trở thành một phần của quan trọng của band nhạc trong album này, với giọng nữ cao đầy ám ảnh đã thêm vào một phần âm thanh quan trọng trong tấm thảm âm thanh dày đặc của Magma. Tuy nhiên, để thưởng thức trọn vẹn các phần của Köhntarkösz, thính giả phải chờ tới hơn 30 năm sau. Bộ sưu tập có album remastered 2009. (còn tiếp)
Cảm ơn bác có loạt bài viết mới hết sức chi tiết về Magma, ban nhạc với cá nhân em thuộc hàng kiệt xuất có thể so sánh dc với các bands đẳng cao nhất như Gentle Giant! Tất nhiên bác cũng đoán dc em sẽ phản đối cái chi tiết Magma có chỗ chịu ảnh hưởng của Mike Oldfield dù có khá nhiều người nói vậy (nhưng dù sao đây cũng là chuyện nhỏ). Tạp chí Prog mới ra có 1 bài review về album mới của Magma. 1 band tồn tại dc hơn 50 năm và ngày càng có nhiều người nghe thì chắc chắn ko phải dạng vừa. Prog gọi Magma là "auteur", từ dc vay mượn từ tiếng Pháp sang tiếng Anh để chỉ những nghệ sĩ (thường là đạo diễn) áp đặt dc phong cách và chủ đề vào tác phẩm để biến nó thành siêu phẩm. Em thì đang viết bên jazz về Coltrane, nếu có 1 truyền nhân của Coltrane tg nhạc rock thì chắc phải là Christian Vander. Nhạc của ông như bác nói là gần với Avant Prog (mặc dù Vander chắc chắn sẽ cáu nếu biết bị phân loại vậy) nhưng phần hồn chắc chắn là của Coltrane! Ông (cũng như Bill Laswell sau này) cùng chịu ảnh hưởng của 1 người nên có cách tiếp cận rất khác so với fusion theo phái mainstream của Miles là trộn các thứ nhạc với nhau: họ có cách làm nhạc theo nhiều tầng và cho chạy đối lập với nhau, tuy hơi khó nghe do ko nịnh tai nhưng quen rồi thì hiệu ứng phải nói là khủng khiếp!
Magma (tiếp theo) Sau khi tung ra album Köhntarkösz vào năm 1974, Magma dành một thời gian khá dài để đi lưu diễn vòng quanh nước Pháp và còn tung ra một album live kinh điển Live/Hnai vào năm 1975. Sau một loạt những album kinh điển phát hành dày đặc trước đó, Magma tung ra album Üdü Wüdü vào năm 1976 với âm thanh nhẹ nhàng hơn. Lúc này thì âm nhạc của Magma thay đổi khá nhiều khi gần như không còn giọng hát kiểu opera cũng như hệ thống kèn nữa. Âm nhạc chủ yếu là do Jannick Top và Vander sáng tác. Ngoại trừ bản epic De Futura dài gần 18 phút thì các bài hát khác khá ngắn và đều có giai điệu khá đẹp, dễ nghe. Đây vì thế có lẽ là album dễ nghe nhất của Magma tính tới thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, đối với phần lớn những người hâm mộ của Magma, album là một sự thất vọng. Một phần vì nó không phải là album tiếp nối của Köhntarkösz mà thực ra lại kể một câu chuyện khác về thế giới Ork - một câu chuyện khác của Jannick Top. Nếu nói một cách công bằng, đây là một album hay nhưng nó khác biệt và dễ nghe hơn so với các album khác của Magma, nó tựa như một album solo của Jannick Top vậy. Tuy vậy, đây là thời điểm nhiều biến động, sau album này, Top chính thức rời khỏi Magma do những mâu thuẫn với Vander. Thời điểm album này hoàn thành, thậm chí artwork của nó còn chưa thực hiện xong. Do đó những bản đầu tiên có một artwork tạm thời là lego của Magma (những bản sau này có artwork khác). Bộ sưu tập có bản remastered 2001 - 20bitK2 của Victor - Nhật Bản. Chúng ta cần hiểu rằng, trong âm nhạc của Magma, quan trọng nhất là tiếng trống và bass. Cặp đôi Vander, Top thực chất là những người làm nên những album tiêu biểu của nhóm. Sau khi Top bỏ đi, Magma cũng gần như mất đi linh hồn của mình. Band nhạc cố gắng tập hợp lại và tung ra album tiếp theo là Attahk vào năm 78. Âm nhạc của nhóm gần như thay đổi hoàn toàn khi trở lại với phong cách Jazz Fusion trong những 2 albums đầu tiên kết hợp với Funk. Ngoài ra, nhóm còn tích hợp thêm rất nhiều âm nhạc kiểu R&B, Gospel, Soul và Pop để album dễ dàng tiếp cận với công chúng hơn. Album rất dễ nghe mặc dù cũng khá đen tối. Âm nhạc rất hay nhưng không phải là thứ âm thanh điển hình của Magma. Bộ sưu tập có album này bản của Pháp Trước album Üdü Wüdü tương lai của Magma đã có phần ảm đạm. Nhưng sau album Attahk, Vander cũng dần mất đi nhiệt huyết của mình với Zeuhl. Band nhạc sau đó tái hợp để thu âm một số albums live rất hay là Retrospetiw tại nhà hát nổi tiếng L’Olympia ở Paris trong 3 đêm. Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập band nhạc nên rất nhiều những nghệ sĩ đã từng tham gia nhóm đã có mặt. Thành công của album live này đã dẫn đến một quyết định sai lầm của Vander là ghi âm album tiếp theo Merci vào năm 1984. Album này có lẽ nghiêng nhiều về Soul, Funk và Jazz Fusion hơn là Zeuhl. Bản thân Vander cũng từ bỏ chơi trống và chuyển sang trống điện, rất phù hợp với trào lưu của thập niên 80s nhưng lại là thảm họa đối với những fan hâm mộ Zeuhl và Magma. Ngoại trừ một số bài hát có đá thêm tiếng Kobaian vào thì đến cả những fan hâm mộ lớn nhất của Magma còn không nhận ra band nhạc yêu thích của mình. Sau thất bại này Magma chính thức ngừng hoạt động trong một thời gian rất dài. Christian Vander đã thành lập các dự án khác như Offering và nhiều band nhạc jazz khác nhau bao gồm Christian Vander Trio. (còn tiếp)
Magma (tiếp theo) Câu chuyện của Magma có lẽ đã kết thúc trong bi kịch và rồi band nhạc sẽ dần trôi vào dĩ vãng nếu không có sự xuất hiện của một nhân vật khác, một người hoàn toàn không liên quan gì tới âm nhạc và có lẽ cả Magma nữa – đó chính là một trong những huyền thoại sống của Snooker thế giới – Steve Davis, người thống trị trò chơi này với 6 lần vô địch thế giới trong thập kỷ 80s. Snooker là một trong những trò chơi kiểu billard nổi tiếng nhất thế giới và Davis rất giàu, điều đó, kỳ lạ thay cũng là sự may mắn cho Magma và những người hâm mộ của nhóm này. Davis là người Anh Quốc và thực sự cũng là một tay sưu tầm âm nhạc có hạng. Ông này có khoảng hơn 2000 -3000 đĩa trong bộ sưu tập và đã từng nghe qua, nhưng không mấy ấn tượng với Magma. Vào năm 1974, Davis lúc này mới 17 tuổi và mối quan tâm chính của ông là Canterbury Scene với những band như Soft Machine hay Caravan. Vào khoảng tháng 6 năm 74, Davis đến Chalk Farm Roundhouse để xem buổi biểu diễn của nhóm nhạc Isotope (có những thành viên của Soft Machine). Cũng giống như nhiều buổi biểu diễn khác, trong buổi biểu diễn này có nhiều band nhạc khác, trong đó có Magma. Và khi nghe Magma trình diễn, Davis đã bị choáng ngợp bởi thứ âm nhạc mà Vander, Top và các đồng đội trình diễn mặc dù cũng không hiểu gì về tiếng Kobaian, nhưng điều đó cũng chẳng còn nhiều ý nghĩa. Sau buổi biểu diễn này, Davis chính thức trở thành fan hâm mộ của Magma, ông về và sưu tầm các đĩa của nhóm. MDK trở thành 1 trong những album được yêu thích nhất của Davis, ông còn trở lại một số lần nữa để xem Magma biểu diễn. Sau đó, Davis tập trung vào sự nghiệp snooker và vươn tới đỉnh cao của thế giới, thống trị snooker trong thập kỷ 80s, có lẽ lúc này thì ông quên dần âm nhạc. Nhưng rồi tình cờ vào năm 87, Davis vô tình quay trở lại cửa hàng mà trước đây từng mua các đĩa của Magma. Những kỷ niệm cũ ùa về và một ý tưởng kỳ quái đến với ông. Ông muốn mình được xem Magma biểu diễn tại Anh Quốc một lần nữa. Đó thật sự là một điều điên rồ mà chỉ có các triệu phú hoặc tỷ phú mới nghĩ đến. Nhưng lúc này Magma đã tan rã và điều cần làm là liên lạc lại với Vander. Vander lúc này đang chơi trong nhóm Offering nên gấp rút thành lập lại nhóm Magma mới và họ có 3 buổi biểu diễn tại London. Davis cũng là một người có đầu óc kinh doanh nên đã bán vé vào cửa với cái giá cắt cổ (6 bảng). Vì số lượng thành viên rất lớn – 14 người) nên chắc Davis đã không thẻ hồi vốn nhưng Magma lại là những người nhận được nhiều lợi ích nhất từ buổi biểu diễn này. Các buổi biểu diễn được các tạp chí như Sounds and Melody Maker đánh giá rất cao nên buổi cuối cùng đã cháy vé. Nên nhớ rằng Davis có rất nhiều fan hâm mộ, việc này dẫn tới số lượng đĩa bán ra của Magma tăng đột biến. Band nhạc cũng rất nhanh nhẹn nắm bắt cơ hội khi cho ra hầu như tất cả các albums dưới định dạng CD tại châu Âu và Nhật Bản để đón chào làn sóng khán giả mới. Chính vì thế Davis đã tạo ra cơ hội và tiền đề rất lớn để Magma tái xuất giang hồ sau này. Đây là tờ poster buổi biểu diễn của Magma do Davis tổ chức, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của Magma. Vào khoảng năm 1996, sau khi band Offering tan rã, Vander quyết định tái lập lại Magma, lúc này chỉ đi trình diễn. Sau khi khá thành công và âm nhạc của nhóm được quan tâm trở lại thì Vander nảy ra ý tưởng hoàn thiện nốt phần Köhntarkösz đang bị bỏ dở. Trước tiên ông này lấy lại một số bản nhạc đã được sáng tác dở dang trong Köhntarkösz giai đoạn 72-73 và tiếp tục hoàn thiện trở thành một album mới chính là Köhntarkösz Anteria hay K.A sau này. Album này tung ra vào năm 2004 và ngay lập tức gây shock cho giới hâm mộ của Prog Rock vì nó quá hay. Nội dung của K.A chính là tiền truyện của Köhntarkösz nói về nhận vật nhà khảo cổ. Khởi đầu chuyện bằng sự đánh giá của thiên thể về nhân vật nhà khảo cổ học, giọng nói từ thiên thể thông báo rằng đây sẽ là một nhà tiên tri trong tương lai (Köhntarkösz) nhưng tại thời điểm ấy thì đang ở trạng thái “ngủ”, tức là chưa biết về con đường tương lai và vị trí của mình trong lịch sử tâm linh của loài người. Nhưng rồi, số phận sẽ dẫn dắt người đàn ông trẻ tuổi này tới một ngôi làng xa lạ, nơi anh được chào đón bằng những tiếng reo hò vui vẻ "halleluja !" và được đưa đến lối vào ngôi mộ của Ëmëhntëhtt-Rê, tại đó một giọng nam bí ẩn chào đón anh ta và mời anh ta vào. Tới đây thì album kết thúc và nó chính là điểm khởi đầu của album Köhntarkösz đã được tung ra vào 30 năm trước. Về mặt âm nhạc, nó gần như là sự pha trộn hoàn hảo giữa MDK vào Köhntarkösz. Điều này không quá lạ vì album chỉ gồm 3 bài hát K.A I, II và III trong đó thì K.A I và II thực chất đã được sáng tác vào năm 73 nhưng không đủ tốt để đưa vào các albums và đã được Vander chỉnh sửa lại, chất lượng tốt hơn quá nhiều. Chỉ có K.A. III là sáng tác mới hoàn toàn nhưng lại rất phù hợp với phong cách Zeuhl cổ nhưng với chất lượng thu âm cao hơn rất nhiều. K.A có lẽ là album Prog Rock hay nhất năm 2004 và thực sự Magma trở lại với những gì tốt nhất của họ, đầy cảm hứng. Bộ sưu tập có bản K.A của Nhật Bản. Thành công của K.A tiếp thêm sức mạnh to lớn cho album cuối cùng của Köhntarkösz là Ëmëhntëhtt-Rê vào năm 2009. So với K. A thì album này tối tăm hơn, đậm chất sân khấu và chủ yếu là nhạc cụ acoustic (trống, bass, xylophone, piano và nhiều giọng hát) ngoại trừ tiếng piano điện của Rhodes và một đoạn riff guitar điện trong Part 2. Tất cả những yếu tố này kết hợp thành một album hoành tráng khiến khán giả choáng ngợp ngay cả trong những lần nghe đầu tiên. Nhiều khán giả sẽ chỉ đơn giản là kiệt sức sau mỗi lần nghe. Album vang lên với tiếng trống dồn dập và sự mạch lạc trong chuyển soạn và sắp xếp hoàn hảo. Đây là album kể về cuộc đời của vị pharaoh huyền thoại, người có quyền lực tuyệt đối, được dân chúng tôn sùng, thậm chí khiếp sợ. Nhưng ngay cả với một người có đỉnh cao quyền lực thì có những thứ vị vua không thể làm được, sau khi mất đi một trong người thân thiết nhất, nhà vua rất buồn và mong muốn tìm kiếm sự bất tử (Part 1). Sau khi tìm hiểu rất nhiều, nhà vua đầy hào hứng để đi tới “Vùng đất Chết” nơi cất giữ bí mật của sự bất tử và thiên đường. Nhưng cuộc sống thì không hề đơn giản, canh giữ cho vùng đất này là những con quỷ rất mạnh và nhà vua phải chiến đấu trong một trận chiến sinh tử(Part 2). Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt và khá cân bằng với những thời điểm từng bên chiếm thế thượng phong, nhưng cuối cùng thì nhà vua, vốn đã nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ về vùng đất Chết đã giành chiến thắng (Part3). Nhưng trong lúc nhà vua còn đang tự hào vì mình sắp nắm bắt được bí quyết của sự bất tử thì con quỷ bất ngờ tình lại và trong nỗ lực cuối cùng phun thứ nọc độc còn sót lại vào vị vua đang ở gần. Khoảng cách quá gần nên vị vua đã bị bất ngờ và sau đó là con quỷ ra một đòn khác để giết chết vị vua ngay lập tức (Part 4). Album kết thúc bằng một đám tang thê lương và câu chuyện cũng như những sự hiểu biết của Ëmëhntëhtt-Rê về thiên đường sẽ tưởng như hoàn toàn biết mất, nhưng không, câu chuyện về nhà tiên tri thì chưa kết thúc. Sau khi nhà khảo cổ bước vào thì Ëmëhntëhtt-Rê xâm chiếm lấy cơ thể của anh ta và biến anh trở thành một người mới, nhà tiên tri với những hiểu biết về vùng đất thiên đường và sự bất tử (chính là thiên thạch Kobaia), đến đây thì câu chuyện Köhntarkösz kết thúc. Cũng giống như K.A, album này có khá nhiều bài hát được sáng tác từ thập niên 70s và thậm chí đã được tung ra trong các album trước đó nhưng được xử lý lại để đưa vào album này như: "Ëmëhntëhtt-Ré I" kết hợp giữa "Ëmëhntëht-Rê (Announcement)" trong album Live/Hhaï (1975) và "Rindë " trong album Attahk (1978).Bài hát "Ëmëhntëhtt-Ré II" kết hợp "Ëmëhntëht-Rê (Extrait n' deux)" (phát hành trên CD Üdü Ẁüdü năm 1988), "Hhaï" trong album Live/Hhaï (1975) và "Zombies " từ Üdü Ẁüdü. Lý do của việc sử dụng lại các bài hát là do thực ra chúng đáng ra phải xuất hiện trong album này nhưng do Magma phát sinh mâu thuẫn và không thể hoàn thiện album Ëmëhntëhtt-Rê nên đành cho vào các album khác. Đây cũng là một siêu phẩm của thập kỷ 2000s. Sau 2 albums kinh điển mới, Magma thực sự đã trở lại và tìm kiếm được một lượng fan hâm mộ khổng lồ trên toàn thế giới. Cùng với điều kiện rất thuận lợi là Prog Rock được yêu mến trở lại đã khiến cho không chỉ Magma mà dòng nhạc Zeuhl còn phát triển mạnh mẽ hơn với những band nhạc mới đầy tài năng. Bộ sưu tập có album Ëmëhntëhtt-Rê (còn tiếp)
Năm mới chúc các ace trong diễn đàn dồi dào sức khỏe, luôn dư sức để theo đuổi đam mê cân bằng giưa cuộc sống bộn bề lo toan. E cảm ơn riêng và chúc bác @no1knows luôn thắp lửa đam mê không mệt mỏi cho ace nhé .
Khá là hiếm người thắp lửa như vậy. Nhưng cách thắp lửa, marketing thì chưa được rộng rãi lắm. Qua các bài viết dẫu sao em cũng biết thêm Prog rock quả là rộng lớn.
Magma (tiếp theo) Magma đã trở lại hoàn hảo sau 2 albums K.A và Ëmëhntëhtt-Rê và trở thành một trong những band nhạc nguyên bản và quan trọng bậc nhất của Prog Rock trong những năm 2000s. Nên nhớ rằng lúc này thì đã 40 năm trôi qua kể từ khi nhóm được thành lập, và Magma thành công hoàn toàn không nhờ vào quá khứ hào hùng mà bằng tài năng thực sự của họ. Họ không ăn mày dĩ vãng mà tự tạo cho bản thân mình một lượng fan hâm mộ mới, đông đảo và trẻ trung hơn. Trước đây, Magma đã có ảnh hưởng rất lớn tới Zeuhl với những band như Zao, Eskaton, Dun, Weidorje hay các band Avant Garde Prog như: Univers Zero, Art Zoyd… Sau này họ còn ảnh hưởng tới rất nhiều những band nhạc mới như Happy Family, Kōenji Hyakkei, Ruins từ Nhật Bản, Zwoyld, Elephant Tok, Xing Sa từ Pháp, Ikarus – Thụy Sĩ, Ga’ an – Mỹ, Dai Kaht – Phần Lan và đặc biệt là siêu sao Universal Totem Orchestra tới từ Italia với những siêu phẩm trong thập niên 2000s. Mặc dù tung ra 2 albums rất hay nhưng 2 albums kinh điển này thực chất vẫn chủ yếu là những sáng tác cũ của Magma được xử lý lại. Tất cả các fan hâm mộ của nhóm đều mong muốn sẽ có một album mới hoàn toàn với những chất lượng vẫn ở đỉnh cao phong độ như những album trước. Phải đến năm 2012 thì ước muốn này cuối cùng cũng được thực hiện, đó chính là album Felecite Thosz. Một band nhạc đã trải qua 42 năm hoạt động thì có lẽ fan hâm mộ sẽ không mong đợi quá nhiều về tính đổi mới trong âm nhạc của Magma, dù họ là một trong những band nhạc tiến bộ và nguyên bản nhất trong lịch sử nhạc progressive rock, nhưng Vander đã chứng tỏ rằng tất cả đều nhầm lẫn. Trong album này chúng ta sẽ được nghe một khía cạnh khác trong kỹ năng sáng tác của Christian Vander: nó tươi sáng và lạc quan hơn rất nhiều so với những album tăm tối trước đó. Nó phù hợp với âm nhạc và nội dung câu chuyện vì đây là một album ca ngợi cuộc sống thiên thần và những thành tựu của con người tại Kobaia. Đối với một số người, điều này nghe có vẻ mạo hiểm, nhưng Magma đã thể hiện tâm trạng phiêu lưu thú vị của mình, đặc biệt hơn, nó hoạt động tốt. Toàn bộ bản epic 'Felicite Thosz' là một sáng tác kéo dài 28 phút đồng nhất, tuy được chia thành các phần nhỏ trên đĩa cd. Với tổng thời lượng 32 phút, 'album' này gần như có thể được coi là một EP, nhưng khi nghe album, nó thực sự gây ấn tượng như một album hoàn chỉnh. Bài hát còn lại "Les hommes sont venu" là một bản nhạc tối giản minimalism kéo dài thêm bốn phút, nhấn mạnh vào phần dàn dựng hợp xướng của giọng nữ với bầu không khí rất thần bí. Những đoạn hòa tấu của 'Felicite Thosz' gợi nhớ tới thời kỳ Wurdah Itah; với piano, giọng hát và trống là nhạc cụ chính. Tất nhiên, bass cũng đóng một vai trò quan trọng và một số đoạn guitar điện đã được tích hợp tốt vào tác phẩm. Âm thanh được sản xuất ở mức độ cực tốt và có chiều sâu hơn so với K.A và E. R. Và tuy âm thanh ít dày đặc hơn nhưng giọng hát nghe chân thực và ít tính opera hơn, do đó góp phần rất lớn vào sự sống động của bản thu âm. Tiếng trống của Vander gây ấn tượng với những phát hiện mới tinh tế và điểm nhấn tuyệt vời trong các phần có nhịp độ cao. Cách ông này viết các bản nhạc từ cơ sở tổng hợp các nhịp điệu rất hiệu quả và phức tạp, đồng thời mang lại hiệu ứng lớn trong album tương đối lạc quan này. Đây rõ ràng là một album dễ nghe của band nhạc nhưng cũng là một album rất hay. Quá trình sản xuất tuyệt vời và album mang một tâm trạng thực sự tích cực, bí ẩn và phiêu lưu khiến mọi người vui vẻ. Có lẽ các fan của Zeuhl kiểu đen tối sẽ hơi thất vọng, nhưng dù sao họ cũng nên thử album này. Đơn giản vì nó là một mặt khác, cũng tuyệt vời không kém trong âm nhạc của Magma. Bộ sưu tập có album này Trong những năm sau đó, Magma tiếp tục tung ra các albums dạng EP, đầu tiên là Rïah Sahïltaahk vào năm 2014. Đây thực chất không phải là một album mới mà là bản làm lại của bài hát cùng tên trong album thứ hai 1001° Centigrades. Thủ lĩnh của ban nhạc, Christian Vander, không hài lòng với bản thu âm cuối cùng có mặt trong album, nhưng đành thỏa hiệp và cho phép đưa vào album khi khi các thành viên khác của band nhạc thấy nó rất ổn. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm sinh nhật Magma, Vander đã chọn cách sửa đổi lại bản nhạc với những đoạn nhạc cụ mới không có trong bản thu âm gốc, cùng với việc loại bỏ dàn nhạc cụ kèn để ưu tiên cho các phần giọng hát opera. Bản thu âm có chất lượng tương đối ổn dù không quá đột phá. Tiếp theo là EP Šlaǧ Tanƶ vào năm 2015, album này cũng chỉ gồm 1 bài hát epic duy nhất kéo dài 20 phút. Theo Christian Vander, nó được viết từ những năm 70 và được chơi live dưới nhiều hình thức khác nhau kể từ năm 2009. Album quay trở lại thứ âm nhạc u tối và dữ dội như thường thấy, đồng thời cũng có những đoạn tương phản êm dịu hơn. Album một lần nữa được truyền tải bằng ngôn ngữ Kobian, tràn ngập sự dữ dội của Magma (như mong đợi của fan hâm mộ) và kỹ thuật âm nhạc được thực hiện chi tiết, cẩn thận, tỉ mỉ, kết hợp nhuần nhuyễn các chủ đề âm nhạc đen tối và sự phức tạp phức tạp của giọng nam/nữ với nhau. Mặc dù âm nhạc trong album thể hiện sự mệt mỏi, tối tăm, sự hung dữ rình rập nhưng vẫn để lộ những dấu vết nhỏ thoáng qua của sự tinh tế, chân thành, đẹp đẽ đến khó tin mà chỉ có Magma mới có thể cân bằng tốt đến như vậy. Với những fan hâm mộ phong cách trải nghiệm mạnh mẽ, dữ dội nhưng đầy năng động, phức tạp và đầy cảm hứng của Magma thì đây vẫn là một tuyệt phẩm không thể quên. Bộ sưu tập cũng có album này Trong những năm sau đó, phong cách làm việc của Vander vẫn là tiếp tục tìm tòi và hoàn thiện lại các ý tưởng của ông từ những năm trước. Trong này thì có những album phải nói là tuyệt vời như K.A, E.R, hay Felicite Thorz, Slag Tanz. Và tới năm 2019, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập nhóm, MAGMA đã phát hành thêm một album nữa, dưới dạng chỉnh sửa lại các tài liệu cũ, đó chính là album ZËSS- LÊ JOUR DU NÉANT. ZËSS có nghĩa là 'Bậc thầy' hay sự phụ trong tiếng Kobaian và lần đầu tiên Vander sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình là tiếng Pháp không chỉ trong các phần trang trí tiêu đề mà còn trong phần văn xuôi thơ mộng được hiển thị xuyên suốt các phân đoạn khác nhau của chính album. LE JOUR DE NÉANT tạm dịch là 'Ngày vô nghĩa', về cơ bản nói rằng người nghe đang tham gia vào một cuộc hành trình mơ hồ và bí ẩn khác vào tâm trí âm nhạc của một trong những bậc thầy chuyên nghiệp. Một thứ âm nhạc kết hợp giữa dàn hòa âm choirs với những bản nhạc jazz-rock hào hùng và nhịp điệu bass trầm kiểu thôi miên thúc đẩy tạo ra những vụ nổ năng lượng bùng nổ cao trào. Zess được thực hiện với Dàn nhạc giao hưởng Praha, khiến cho âm nhạc của Magma có một độ sâu hơn hẳn so với những album trước của nhóm. Mặc dù bản nhạc này được sáng tác vào những năm 70, nhưng nó chưa bao giờ hoàn thiện, và chỉ ra mắt khán giả trong một buổi biểu diễn trực tiếp ở Bourges vào năm 1979. Sau đó nó cũng xuất hiện trên các album live dưới dạng các đoạn trích ngắn, nhưng cuối cùng, Vander đã tìm ra giải pháp để biến ZËSS trở thành một tác phẩm hoàn chính và có thể đứng vững trên đôi chân của mình sau nhiều thập kỷ có một số phận bấp bênh. Ngoài các phần của dàn nhạc giao hưởng mang đến cho MAGMA một sự thay đổi phong cách hoàn toàn mới, một diễn biến bất ngờ khác là việc Christian Vander được chú ý với tư cách là giọng ca chính trong phần lớn thời lượng của album, ông đã chuyển giao quyền chơi bộ gõ cho tay trống người Thụy Điển Morgan Ågren của Kaipa và Karmakanic. Với sự xuất hiện của dàn giao hưởng, phần nhạc jazz thực tế gần như đã bị tiêu diệt và chỉ xuất hiện một cách hạn chế. ZËSS không phải là một album vượt trội của Magma, nhưng khác biệt, với âm thanh dày đặc của dàn giao hưởng. Toàn bộ album gồm các bản nhạc liên tục, mỗi bản nhạc tạo ra các biến thể khác biệt so với các bản nhạc khác. KÃRTËHL là bản phát hành mới nhất của sự hợp tác âm nhạc độc đáo này sau những bước phát triển khá thú vị của "Zess" năm 2019. "Zess" thực sự là một thử nghiệm thú vị nhưng không phải là thể loại mà nhiều người hâm mộ hy vọng sẽ lặp lại. May mắn thay, đó là trường hợp của KÃRTËHL và MAGMA đã chọn được thứ âm nhạc thực sự của chính họ, thứ ít nhiều đã hình thành mặc dù có vô số biến thể kể từ đầu những năm 1970. Với số lượng lớn các thành viên mới, âm nhạc của Magma có một số thay đổi khi đưa vào một chút lĩnh vực dễ tiếp cận của jazz-funk và soul jazz, về cơ bản có nghĩa là các hiệu ứng xa lạ thông thường của vũ trụ MAGMA đã được thuần hóa để có một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, vui vẻ hơn. Về cơ bản, KÃRTËHL có sáu bản nhạc mới và hai bản nhạc bổ sung được khai thác từ các bản ghi âm năm 1978, điều này có nghĩa là album sẽ được đặt vào dòng thời gian của "Attahk", đó là khoảng thời gian Vander tránh xa sự xa lánh của người Kobaian khó tính để có âm thanh dễ tiếp cận hơn một chút. Hai bản nhạc bonus cuối cùng "Hakëhn Deïs" và "Dëhndë" có thể là cảm hứng chính cho album này. Với những người yêu thích các album tối tăm kiểu MDK hoặc KA, album này hơi thiếu cá tính và khá nhẹ nhàng. Album giống như một bản tổng hợp các bản nhạc khác nhau hơn là một trải nghiệm album chân chính. Đối với bất kỳ người hâm mộ thực sự nào, đây chắc chắn không phải là một album tệ vì nó có tất cả những giai điệu tuyệt đẹp do MAGMA tạo ra một cách lộng lẫy, tuy nhiên, nó cũng không thể đưa câu chuyện MAGMA vào một chương mới của thần thoại Kobaian, nơi mà những người hâm mộ MAGMA thực sự thực sự muốn đi tới. Hiện tại bộ sưu tập chưa có 2 albums này. Magma thực sự đã tiến hóa rất mãnh liệt và có một sức sống mới hoàn toàn riêng biệt, mặc dù âm nhạc của họ chủ yếu là underground. Trong những năm gần đây, người ta thường thấy Magma đi lưu diễn với những band nhạc trẻ và rất tài năng như Sunn O)))), Unsane hay Circle. Đây là những band nhạc trẻ hơn Magma rất nhiều nhưng có độ quái dị và có lượng fan hâm mộ không nhỏ. Việc các ông già hơn 70 tuổi đi lưu diễn với những nhóm nhạc trẻ hơn chứng tỏ rằng Magma đã có lượng fan hâm mộ trẻ hơn rất nhiều chứ không phải các ông bà già sinh ra trong thập kỷ 50s. Đó cũng là những phần thưởng xứng đáng cho tài năng của họ. Những người trẻ tuổi hơn với một nền tảng âm nhạc tốt hơn thế hệ trước tiếp tục yêu mến và tôn thờ Magma khiến cho họ có vẻ còn dễ sống và tham gia được nhiều hoạt động âm nhạc hơn. Điều đó không chỉ chứng tỏ tài năng của Vander và các đồng đội mà còn là minh chứng rõ nét nhất cho sức sống mãnh liệt cho thứ âm nhạc tiến bộ và đặc biệt của họ.
Hình như có 1 giai đoạn Magma sống dc là nhờ đi trình diễn live với các đội metal -- cái này em ko hiểu tại sao (nhạc của họ tc đây ngoài dân Prog thì có nhiều jazz festivals cũng mời tham dự và cũng dễ hiểu). Em mua cái đĩa Slag Tanz ở cửa hàng chủ yếu bán nhạc metal, có tay chủ bặm trợn treo đầy guitar tg cửa hàng. Hắn bảo em là dân metal rất thích đĩa này! Em cũng thấy bác có 1 bộ đĩa live của Magma mà ko thấy giới thiệu? Riêng với Magma thì các đĩa live cũng rất quan trọng vì nhạc của họ là theo kiểu arranged improvisation theo ảnh hưởng của Coltrane (nên có thể là lý do như cái ông Davies ban đầu ko thích nhưng khi dc xem live là mê liền?). Em hiểu giai đoạn đầu thì họ bị các hãng đĩa hạn chế kiểu nhạc improvise/ứng tấu nên phát tiết ở các buổi trình diễn. Giai đoạn sau thì như bác giới thiệu: nhạc được họ trình diễn thử tc nhiều kiểu khác nhau tc khi dc định hình tg studio albums. Em hóng thêm phần giới thiệu về các albums live nếu bác có thời gian
Mấy đội đấy cũng không hẳn là Metal, nó nhiều thể loại ví dụ như Unsane là Hardcore, còn Circle có lẽ là Krautrock thì đúng hơn. Nói chung là Magma có rất nhiều ảnh hưởng tới những band kiểu Metal, đặc biệt là những band hơi nghiêng về Prog hoặc Avant Garde, Dissonance. Ngay cả mấy band như Edge Of Sanity, Arcturus, Ulver, Cattle Decapitation, Porcupine Tree hay Opeth cũng rất thích Magma. Các band này thì âm nhạc đều quái dị cả. Các bài viết về Magma còn chưa hết mà bác, những album live đấy sẽ giới thiệu ngay sau đây thôi.
Magma (tiếp theo) Ngoài việc là một band nhạc đầy sáng tạo trong studio với nhiều sáng tác rất hay thì Magma còn là một band nhạc chơi live rất tốt. Nhiều album live của band nhạc này cũng trở nên kinh điển như: Live/Hhaï (Köhntark) -75, Retrospectiw -1981, Theusz Hamtaahk – Trilogie -2001, Mythes Et Légendes (DVD) -2006 hay gần đây là Ëmëhntëhtt-Ré Trilogie -2017 (DVD). Năm 2015, để kỉ niệm 45 ngày thành lập band nhạc, nhóm quyết định tung ra một boxset gồm 12 cds có tên là Köhnzert Zünd tập hợp tất cả các buổi biểu diễn trực tiếp chính thức của band nhạc. Các đĩa nhạc chính thức – không phải kiểu Bootleg - được thu âm từ năm 1975 đến năm 2000. Ngoài các albums đã chính thức được tung ra, còn có hai bản CD bổ sung được cắt ra từ các đoạn trích của các buổi biểu diễn trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2011. Các đoạn này chủ yếu là từ DVD Mythes Et Légendes nhưng dưới dạng audio. Bộ boxset này còn có hai bản ghi chưa từng được phát hành của buổi hòa nhạc khó quên năm 2009 được tổ chức tại Alhambra ở Paris, nơi nhóm chơi những album mới nhất tại thời điểm bấy giờ là Félicité Thösz, Ëmëhntëhtt-Ré. Bộ boxset tuyệt vời này chỉ có giới hạn 5000 bản trên toàn thế giới và còn có tập tài liệu riêng của Magma với 80 trang màu và mỗi đĩa được đựng trong một vỏ riêng dạng Digipack rất đẹp. Tất cả các album được đựng trong một chiếc hộp lộng lẫy trông giống như một biểu tượng Magma để thờ cúng hơn bất kỳ thứ gì khác. Nó có vẻ rất phù hợp đối với một band nhạc có các chương trình chơi live được khán giả tôn thờ trong hơn 45 năm. Bất kỳ ai đã từng chứng kiến một buổi hòa nhạc của Magma sẽ nói rằng: các album phòng thu của họ chẳng là gì so với nguồn năng lượng vô song mà các buổi biểu diễn trực tiếp của họ mang lại. Vì vậy bộ sưu tập các album chơi live này của họ có thể còn cần thiết hơn cả bộ sưu tập các album phòng thu (Studio Zünd) đã được phát hành vào năm 2009. Chiếc hộp đựng này (nếu ta muốn gọi nó bằng một thuật ngữ tầm thường như vậy) bao gồm một phần hình tròn có đường kính khoảng 7 inch và sẽ không vừa với kệ đĩa CD của những nhà sưu tập. Nó chứa tất cả các album trực tiếp hay nhất của nhóm nhưng đã được Remastered và Remixed lại với mức độ cẩn thận cực cao (bản thân Vander là người tôn thờ chủ nghĩa hoàn hảo). Các bản nhạc được chọn theo cách sao cho đảm bảo rằng có tối đa các bản nhạc khác nhau và giảm thiểu các bản nhạc xuất hiện nhiều hơn một lần (chỉ có "Theusz Hamtaahk" và "Mekanik Destruktiw Kommandoh" xuất hiện hai lần và "Hhai" xuất hiện ba lần). Bản ghi âm không bao gồm bất kỳ bản ghi âm nào từ sê-ri AKT dạng bootleg. Chỉ các bản ghi soundboard được chọn, vì vậy chất lượng âm thanh xuyên suốt là cực cao và có lẽ việc nghe những album này sẽ là điều tuyệt vời thứ nhì, chỉ sau việc tham dự trực tiếp các buổi hòa nhạc của Magma. Kể cả với những người đã sở hữu tất cả các album và DVD live của Magma, thì vẫn còn những thứ chưa từng nghe trước đây, đó là hai đĩa CD Alhambra. Và vì vậy, dù sao thì những người hâm mộ Magma thực sự cũng sẽ cần chiếc bộ đĩa này bởi vì chiếc vỏ hộp thần thánh dùng để tôn thờ Magma, một biểu tượng rất đẹp và đầy sức sống. Nó sẽ rất nổi bật nếu đặt cạnh bất kỳ một bộ sưu tập nào khác. Với những người hâm mộ Magma, đây là những tài liệu cực quý và cần phải có dưới hình thức này hay hình thức khác. Nếu chúng ta nhìn thấy bộ Köhnzert Zünd này ở bất kỳ đâu thì ta cũng có thể hiểu ngay nơi đó có sự hiện diện của ít nhất một người hâm mộ Magma vì đơn giản là chỉ có 5000 bộ này trên toàn thế giới. Dưới đây là hình ảnh bộ đĩa Köhnzert Zünd của em. Đây là chiếc hộp biểu tượng cực đẹp và nổi bật của Magma. Chúng ta có thể mở hộp bằng cách kéo biểu tượng Magma lên trên, bên dưới sẽ có một chiếc hộp đen hình chữ nhật để chứa các CDs và quyển sách. Chiếc hộp đựng 12 đĩa live và quyển sách khá giống với bộ Studio Zünd (gồm toàn bộ các album studio đến năm 2009). Nhìn từ trên cao xuống thì các albums sẽ xếp thành biểu tượng Magma. Khi mở ra toàn bộ sẽ được bộ đĩa, hộp box, quyển sách và biểu tương Magma khá lớn. Với một quyển sách khoảng 80 trang màu có giới thiệu qua về Magma và những hình ảnh chưa từng công bố tại các buổi biểu diễn thần thánh. Bìa sau của quyển sách là danh sách và tên các đĩa nhạc Mỗi đĩa CD được đựng trong một vỏ dạng Gatefold và Digipack (mở ra sẽ thấy đĩa được cài trong vỏ giấy) 2 Đĩa CDs đầu tiên là "Live Köhntark" và "Live Hhaï" trước đây đã được phát hành dưới tên Magma Live/Hhaï vào năm 1975. Hai đĩa này được thu âm tại la Taverne de l'Olympia, từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 6 năm 1975. Hòa âm tại Le Château và UZ Studio. Đây là một trong những album live hay nhất trong lịch sử của Prog Rock và được fan hâm mộ tôn thờ. Đĩa Live Köhntark gồm các bản Köhntarkösz I, II (gần như trọn vẹn album Köhntarkösz) và đoạn Ëmëhntëhtt-Ré (Annoncement) – một phần trong bài hát E.R I (tại thời điểm này chưa được tung ra dưới dạng studio). Đĩa Live Hhaï gồm 2 bài hát mới (Hhaï, Lïhns), một bài hát trong album đầu tay (Kobah – lỗi đánh máy, thực ra là Kobaia) và 2 bài còn lại trong M.D.K (còn tiếp)
Magma Köhnzert Zünd (tiếp theo) Đĩa 3, 4 thực chất là bộ "Retrospektïẁ I" và "Retrospektïẁ II" trước đây đã được phát hành dưới tên Rétrospective Vol. 1 & 2 năm 1981. Đĩa 5 là "Retrospektïẁ III" trước đây đã được phát hành dưới tên Retrospective Vol. 3 vào năm 1981. Bộ 3 đĩa này thu âm tại l'Olympia, Paris, ngày 9-11 tháng 6 năm 1980. Hòa âm tại Studio Acousti. Buổi hòa nhạc này thực ra sau khi Magma tan rã lần đầu. Nhóm tổ chức kỷ niệm 10 năm hoạt động với hầu như toàn bộ các thành viên đã từng tham gia Magma thời kỳ đầu. Buổi biểu diễn rất thành công và cũng được đánh giá rất cao, đặc biệt là Retrospektïẁ I và II. Đĩa Retrospektïẁ I thực chất là toàn bộ album Theusz Hamtaahk được thu âm trực tiếp và phát hành lần đầu tiên. Retrospektïẁ II thực chất là toàn bộ album M.D.K Retrospektïẁ III là những bài hát sau album Köhntarkösz và dễ nghe hơn. Đĩa số 6, 7 và 8 là các albums "Trianon Theusz Hamtaak", "Trianon Ẁurdah Ïtah" và "Trianon Mëkanïk Dëstruktïẁ Kömmandöh" trước đây đã được phát hành với tên Theusz Hamtaahk Trilogie vào năm 2001. Các đĩa này được thu âm tại Trianon, Paris, ngày 13 & 14 tháng 5 năm 2000. Hòa âm tại UZ Studio. Buổi biểu diễn được thực hiện trong các buổi hòa nhạc kỷ niệm 30 năm thành lập band nhạc. Đây cũng là lần đầu tiên mà bộ 3 albums Theusz Hamtaak được trình diễn trọn vẹn. Đội hình trong các album này về cơ bản, chính là đội hình sẽ ghi âm album kinh điển "K.A." trong những năm tiếp theo. Bộ 3 albums cũng thuộc hàng kinh điển. Đĩa Trianon Theusz Hamtaak thực chất là toàn bộ album Theusz Hamtaak Đĩa Trianon Ẁurdah Ïtah là toàn bộ album Ẁurdah Ïtah Đĩa Trianon Mëkanïk Dëstruktïẁ Kömmandöh là toàn bộ album M.D.K Đĩa số 9 "Triton Zünd Zëlëkt I" là phần tổng hợp các tài liệu đã phát hành trước đó trong sê-ri dvd "Mythes et Légendes". Phần tổng hợp này được làm lại và chưa được phát hành dưới dạng audio trước đó. Các bài hát này thu âm tại Le Triton, Les Lilas, tháng 5 năm 2005. Phối khí tại UZ Studio. Tại thời điểm này, Magma đã thuê một thuê một câu lạc bộ trong 4 tuần. Họ đã tổ chức một loạt buổi hòa nhạc để biểu diễn toàn bộ các bài hát trong sự nghiệp của họ một cách trọn vẹn, ghi âm lại và phát hành thành 4 DVD. Nhưng để tránh việc có quá nhiều bài hát bị lặp lại trong boxset họ đã lựa chọn những bài hát chưa hoặc ít xuất hiện để cho vào đĩa số 9 này gồm: Các bản nhạc 1 & 6 đã phát hành Mythes Et Legendes I, 2006. Bản nhạc 2 trong Mythes Et Legendes Volume II DVD vào năm 2006. Các bản nhạc 3 & 4 đã phát hành trên Mythes Et Legendes Volume III DVD vào năm 2007. Bản nhạc 5 đã được phát hành trên Mythes Et Legendes Volume IV DVD vào năm 2007. Đĩa số 10 "Triton Zünd Zëlëkt II" là phần tổng hợp các tài liệu đã phát hành trước đây trên Mythes Et Légendes Epok V DVD vào năm 2013. Phần tổng hợp này được làm lại và chưa được phát hành trước đó. Thu âm tại Le Triton, Les Lilas, ngày 1-2 tháng 7 năm 2011. Hòa âm tại UZ Studio. Trong albums này có 2 EP sau đó phát hành là Riah Sahiltaahk và Slaǧ Tanƶ vào năm 2014, 2015. (còn tiếp)
Magma Köhnzert Zünd (tiếp theo) Đĩa số 11 và 12 là "Alhambra I" và "Alhambra II" là buổi hòa nhạc chưa được phát hành trước đó. Thu âm tại l'Alhambra, Paris, ngày 5-6 tháng 12 năm 2009. Hòa âm tại UZ Studio. Đây thực chất là một buổi hòa nhạc tuyệt vời mà fan hâm mộ cực kỳ yêu thích nhưng tới thời điểm này mới phát hành dưới định dạng CDs. Alhambra I thực chất là toàn bộ album Ëmëhntëhtt-Ré. Nhưng bản đầu tiên của CD 11 – có tên "Alhambra" I bị in sai track list, thực ra là của CD "Retrospektïẁ III". Nhưng người mua hàng có thể yêu cầu một cover mới bằng cách viết thư cho Seventh Records của band nhạc và sẽ được gửi lại vỏ đĩa chính xác. Đĩa này đã đổi lại tracklist chính xác. Alhambra II thực chất là album Felicitez Thosz và bài hát Sëhntëhndëh Đến đây thì bộ sưu tập về Magma tạm thời kết thúc. Trước đây thì đĩa của Magma rất khó kiếm, nhưng gần đây thì dễ dàng hơn nhiều vì band nhạc có hãng đĩa riêng nên thường xuyên ra lại các albums tại Pháp và châu Âu. Nhật Bản cũng là một thị trường lớn của Magma và Zeuhl music nên rất dễ kiếm đĩa của Magma tại thị trường này. Còn một phần nhỏ nữa về Magma sẽ được đăng trong bài sau - đó là band nhạc Univeria Zekt - mà trên thực tế chính là Magma.
Univeria Zekt Univeria Zekt thực chất chính là Magma nhưng được lấy một cái tên kì bí khác. Vào khoảng năm 1971, sau khi phát hành album thứ 2 là "1001° Centigrades", band nhạc tiên phong của thể loại Zeuhl của Pháp MAGMA đã gặp gỡ lại tay bass Laurent Thibault. Thibault chính là tay bass đầu tiên của Magma nhưng vào cuối năm 69 đã rời đi khi chưa kịp ghi âm bất kì album nào với nhóm. Lúc này Thibault đã thành lập một hãng thu âm của riêng mình – hãng Theleme. Tuy nhiên, tình yêu với Magma của ông này còn rất lớn, và rất muốn có những album của Magma trong hãng đĩa của mình. Thibault nhận ra rằng dù rất tài năng nhưng âm nhạc của Magma khó mà thành công được vì nó rất khó nghe. Ông này đã lập luận với cả hãng đĩa Philips và Vander rằng nếu band nhạc thực hiện một bản thu âm dễ nghe hơn ở một mặt đĩa Vinyl, và sau đó thể hiện thứ âm nhạc Zeuhl của họ ở mặt kia của album thì điều đó sẽ dễ dàng thu hút những người hâm mộ mới và làm cho chúng được biết đến nhiều hơn. Để làm điều này, ông đã sản xuất album của Magma và mời thêm một giọng ca chính của nhóm ERGO SUM (vốn là band nhạc đầu tiên kí hợp đồng với hãng đĩa Theleme) và một tay kèn trumpet chơi trong album này. Ý tưởng của Thibault nghe rất logic và hợp lý nhưng rất tiếc là nó không phản ánh đúng với thực tế. Album duy nhất của Univeria Zekt là The Unnamables tung ra vào năm 71 trên thực tế cũng không thành công về mặt thương mại và trở thành album khó kiếm nhất của Magma. Về mặt âm nhạc, mặt đầu tiên của album bao gồm năm bài hát kết hợp cả hai phong cách Jazz và Rock tương tự như của các band nhạc BLOOD, SWEAT AND TEARS và CHICAGO. Mặt này sử dụng rất nhiều nhạc cụ kèn và rất dễ tiếp cận. Các bài hát đều có giai điệu tốt và những fan hâm mộ của Magma sẽ không thể tin rằng đây chính là MAGMA, nhưng sự thật là như vậy. Mặt 2 gồm 2 bài hát đều là phong cách Zeuhl và đều do Vander sáng tác. Phần này khám phá các biến thể đơn giản hơn của phong cách đã nghe trên "1001° Centigrades ". Là một nghệ sĩ có tính sáng tạo rất cao, Christian Vander đã nhận ra dự án này là một sai lầm và loại bỏ nó một cách khôn ngoan để tái tạo lại chính vũ trụ Magma. Âm thanh với cách tiếp cận tuyệt vời của họ được thay đổi trong album kinh điển đầu tiên của Zeuhl là MDK cũng như các album sau đó. Đó thực sự là một quyết định sáng suốt, và sau đó, như chúng ta đã biết, Magma trở thành một band nhạc Prog Rock vĩ đại của làng nhạc Pháp. Nếu chỉ coi đó là một tai nạn thông thường, thì album THE UNNAMABLES cũng có chất lượng khá tốt. Nhưng nó sẽ không bao giờ được xếp hạng cao hơn bất kỳ album nào của Magma, ngoại trừ mớ hỗn độn "Merci. " Trong đó, ca khúc "Africa Anteria" đủ kỳ lạ và sáng tạo để có thể xuất hiện trên bất kì một album nào của Magma và là cầu nối quan trọng giữa phong cách Jazz- Fusion của 2 albums đầu tay với phong cách Zeuhl thuần chất trong các album tiếp theo như MDK. Vì thế album này cũng đáng để nghe thử. Bộ sưu tập có album này.
Eskaton Thành lập tại Paris, Pháp năm 1970 sau đó tan rã vào năm 1985. Tái hợp lại một lần nữa vào năm 2011 Được thành lập vào năm 1970, dưới cái tên ESKATON KOMMANDKESTRA, Eskaton chịu ảnh hưởng rất lớn của Magma và Zeuhl do Christian Vander dẫn đầu. Nhưng với một nhóm nhạc nhỏ mới thành lập, lại chơi một thứ âm nhạc khó nghe như Zeuhl thì để tồn tại tại ngoại ô của Paris là điều không dễ dàng gì. Thế nhưng, theo thời gian, nhóm đã dần khẳng định tài năng và có một lượng fan hâm mộ đáng kể. Để hướng tới khả năng tiếp cận, họ loại bỏ lời bài hát Kobaian, thay vào đó chọn tiếng Pháp bản địa của họ. Năm 1974, các thành viên ban đầu Xavier de Raymond (đàn piano Fender), Gerard Konig (trống), Marc Rosenberg (guitar bass) và Alain Blesing (guitar) kết hợp với Paule Kleynnaert (hát), Amara Tahir (hát), Eris Guillaume (keyboard). ), và Andre Bernardi (guitar) thành nhóm mới và đổi tên thành ESKATON. Eskaton đã xây dựng một phong cách biểu diễn đặc biệt, nơi có sự trao đổi giao lưu giữa các thành viên band nhạc và khán giả. Các buổi biểu diễn của họ thường kết thúc bằng màn trò chuyện giữa các nghệ sĩ và khán giả của họ, hỏi ý kiến về âm nhạc và lời hát. Sau rất nhiều năm lưu diễn, phải tới năm 1979 – tức là 9 năm sau khi thành lập, thì nhóm mới phát hành được đĩa đơn đầu tiên "Musique Post Atomique" và tiếp đó là album đầu tay "4 Visions". Tuy nhiên số phận lại không thực sự mỉm cười với họ, bởi vì mặc dù là một trong những album hay nhất trong lịch sử của Zeuhl thì họ vẫn không thể nào tìm được hãng đĩa để phát hành. Âm nhạc trong album này là một thứ nhạc Zeuhl kiểu Magma nhưng với tốc độ cao hơn. Tay bass của nhóm đã trình diễn một thứ âm nhạc đỉnh cao trong album này. Nếu như nhạc của Magma mang nhiều tính đen tối, thần bí với sự hòa lẫn của cả giọng opera nam và nữ, cùng với phong cách nhạc kiểu tâm linh và nghi lễ (thường lặp đi lặp lại khiến cho nhiều người không nghe quen cảm thấy khó chịu) thì âm nhạc của Eskaton chỉ sử dụng 2 giọng soprano nữ và không mang nhiều phong cách lặp lại kiểu tâm linh. Do đó nó dễ nghe hơn, họ cũng hát bằng tiếng Pháp nên dễ tiếp cận hơn. Nhưng tại thời điểm cuối thập kỷ 70s thì phong cách kiểu này không còn khán giả, bản thân huyền thoại Magma cũng phải thay đổi âm nhạc mà vẫn không thoát khỏi số phận nghiệt ngã. Album này chỉ được phát hành dưới định dạng cassette tại Mỹ với số lượng rất nhỏ sau đó 2 năm. Thất bại của album đầu tay – mà sau này trở thành một trong những siêu phẩm được yêu thích và đánh giá cao nhất của nhạc Zeuhl khiến cho band nhạc trẻ tuổi buộc phải thay đổi cả về âm nhạc lẫn nhân sự. (Alain Blessing, Eric Guillaume và Xavier de Raymond ra đi, Gilles Rozenberg và nghệ sĩ vĩ cầm Patrick Lemercier của MALICORNE tham gia) dẫn đến các bài hát ngắn hơn, dễ tiếp cận hơn trong album thứ hai của họ là "Ardeur" năm 1980. Âm nhạc trong album này hướng nhiều về phía đại chúng hơn như kiểu album album Udu Wudu của Magma vậy. Band nhạc sau đó đã tìm được hãng đĩa để tung ra LP này (trong khi 4 Visions thậm chí còn xuất bản sau một năm). Album này chất lượng cũng khá ổn nhưng còn kém xa so với album đầu tay. Năm 1983 sau khi bổ sung syntherizers vào phong cách chuyển soạn của họ và rời xa âm thanh Zeuhl truyền thống hơn, ESKATON đã thu âm bản phát hành cuối cùng của họ "Fiction". Dù đây là một albums có chất lượng rất khá nhưng nó cũng không mấy thành công. Năm 1984, Gilles Rozenberg rời nhóm và các thành viên còn lại thu âm album cuối cùng "I Care" nhưng rồi album không thể phát hành thì nhóm nhạc đã chấm dứt hoạt động trong một thời gian rất dài. Eskaton có lẽ là band nhạc phổ biến và quan trọng thứ 2 trong Zeuhl Music. Sau rất nhiều năm, ESKATON vẫn là một trong những khoảnh khắc tươi sáng nhất của Zeuhl và album "4 Visions" của họ là một kiệt tác của toàn bộ thể loại này. Đây cũng là một trong những album được đánh giá cao nhất và cũng phổ biến nhất của dòng nhạc này (cùng với M.D.K hay Kohntarkosz, K.A của Magma, Eros của Dun). Album này sau đó được ra lại trên một hãng đĩa nhỏ - hiện cũng đã dừng hoạt động là Ad Perpetuam Memoriam của Thụy Điển mua lại vào năm 1995, bản này hiện giờ cũng rất khó kiếm. Vào thời điểm hãng này mua lại bản quyền để tung ra album dưới định dạng CD thì band nhạc thậm chí còn mất cả bản master tape nên hãng đĩa của Thụy Điển phải dùng cassette để remastered lại . Cuối cùng thì album này cũng tìm thấy ánh sáng khi được hãng đĩa Soleil Zeuhl mua lại và tung ra với art work mới vào năm 2010 (tại Nhật Bản do hãng đĩa Belle Antique giữ bản quyền)– bản CD (bản này còn bonus thêm 4 bài hát nên còn gọi là 4 visions +4). và định dạng LP vào năm 2013. Bộ sưu tập có bản CD năm 1995 của hãng đĩa Thụy Điển Ad Perpetuam Memoriam- với 20 trang booklet, giới thiệu về hoàn cảnh và tiểu sử band nhạc cũng như lời bài hát. Bản này rất hiếm và có bonus thêm 1 bài hát (bản gốc của band chỉ có 4 bài).
Em nghĩ nhạc như Magma (hay cả lãnh tụ tinh thần của Vander là Coltrane) mới nghe qua khó mà thấy hay ngay được. Ban đầu nhẹ thì là cảm xúc lẫn lộn, còn nặng thì choáng như ăn 1 cái tát nổ đom đóm mắt Nhưng nếu cảm giác ban đầu là (1) ấn tượng (kể cả là xấu); (2) lạ/độc đáo thì nếu tìm hiểu tiếp có thể sẽ thấy hay. Em đầu tiên nhặt đại 1 cái CD Live/HHai của họ vì ảnh bìa hay hay, khi nghe thấy chưa hay nhưng cảm giác như bị thôi miên vậy, tức là rất ấn tượng. Khác với nhạc bình thường lời hát là để dẫn dắt giai điệu nhưng với họ thì là những vòng lặp xoáy ốc đưa mình lên cao dần và lôi tuột mình vào 1 thế giới vô định nào đó do họ tạo ra. Cái này thì Vander là học trò tài tình của Coltrane: ông thường dùng 1 đoạn nhạc ngắn hoặc thậm chí là 1 nốt nhạc để phát triển lên thành 1 chủ đề và dùng harmony lặp đi lặp lại. Cách làm này thực ra đã có trước đó trong nhạc cổ điển (Stravinsky và Carl Orff) và cách thể hiện của Magma dùng lời hát theo kiểu hợp xướng lại gần cổ điển hiện đại hơn jazz nhưng Vander nói là ông học Coltrane nhưng chẳng may khi thể hiện ra nó giống với cổ điển thôi (tg 1 cuộc trả lời phỏng vấn thì ông nói khi ông sáng tác album MDK thì 1 thành viên trong band nhạc nói thấy giống Carl Orff thì Vander mới lôi ra nghe thì thấy giống thật). Ngẫm lại thì khi hát A Capella cũng hay dùng kiểu này. Nhưng với Magma thì ngoài phần đó các nhạc cụ đều chơi rất xuất sắc để đảm nhiệm vai trò ứng tấu, đặc biệt là nhạc cụ vốn chỉ được dùng để đệm trong nhạc phổ thông là Bass và trống. Nói chung là càng nghe rồi tìm hiểu rồi lại nghe thì mới thấy nhạc này nó hút, thậm chí là 1 trong số ít bands nhạc có thể làm mình ám ảnh. Nói lan man 1 tí (và nói dài có thể là ...dại vì ăn sang chủ đề metal mà em vốn mù tịt) nhưng em thấy cách làm tạo vòng lặp na ná vậy cũng dc band metal Sunn O))) dùng, khác nhau là Magma dùng bè hát còn Sunn O))) thì dùng Drone. Sunn O))) thì thần tượng Alice là vợ 2 của Coltrane. Phải chăng vì vậy 2 bands này đi diễn cùng nhau? Tc đây thì dân nghe Magma ban đầu thường từ jazz nghe qua nhưng nay chủ yếu lại từ đội metal/rock quay sang. Bác nghe metal nhiều có thể dần cũng sẽ ngấm.
à, mình nghe tất cả các nhạc mà tai mình thích, k hẳn chỉ metal, nhưng band này thì số 2 đúng hơn. CỔ ĐỘC LẠ. Prog rock mình nghe từ hồi sinh viên, nhưng nguồn k nhiều, hồi đó mình nghe Moody blue, J.J.Cale (blues rock), Genesis ... ít thôi. Giờ có band bác No1 viết bài mới biết thêm.
Thực ra âm nhạc của Magma nghiêng nhiều về kiểu nhạc nghi lễ và có tính tâm linh nên nó rất khó nghe. Nhưng nếu bác nào nghe quen kiểu nhạc đều đều này thì sẽ trở nên nghiện. Ngoài ra, việc hát bằng giọng opera nó khiến cho âm nhạc khó nghe hơn. Nếu các bác muốn tiếp cận từ từ, đỡ shock thì nên nghe các albums như Attahk hoặc Wudu Udu. Zeuhl không có nhiều band nhạc hay nhưng các bác có thể nghe thử những band như Dun hoặc Eskaton sẽ thấy trình độ và khả năng của họ là rất siêu việt (tất nhiên là ngoại trừ Magma ra).
DÜN Band nhạc này đến từ Nantes, Pháp, và được thành lập vào năm 1976 với 6 thành viên. Khởi đầu, Dun chỉ là một band chơi cover các bản nhạc của MAHAVISHNU ORCHESTRA. Tuy nhiên, sau khi phát triển thành một band nhạc đầy tham vọng thì âm nhạc của nhóm chịu nhiều ảnh hưởng từ Magma, Zappa, Henry Cow và Univers Zero. DÜN do đó có thể coi là đứa con hoang dã của Frank ZAPPA và MAGMA, với rất nhiều sự nhạy cảm của RIO (Rock In Opposition – một trào lưu Avant Garde Prog khởi đầu bằng Henry Cow, Univers Zero). Như vậy ta có thể thấy, âm nhạc của nhóm chính là sự pha trộn giữa Zeuhl với Avant Garde, Jazz Fusion và tất nhiên là cả Prog Rock nữa. Chính band nhạc Univers Zero đã giới thiệu Dun tới Sunrise Studios tại Thụy Sĩ để ghi âm album duy nhất của nhóm, một trong những siêu phẩm của không chỉ Zeuhl mà còn là Prog Rock trong thập kỷ 80s. "Eros" là album duy nhất của nhóm. Được thu âm vào năm 1981 và dựa trên một concept phổ biến được viết bởi Frank HERBERT có tên là "Dune", điều này có vẻ như được thể hiện trong bản nhạc "Arrakis" trong album. Album này chỉ gồm 4 bài hát – mỗi bài trên dưới 10 phút- và đều là hòa tấu. Cũng như tất cả những band nhạc Zeuhl khác, bè rhymth gồm trống và bass đóng vai trò rất quan trọng và nổi bật trong âm nhạc của Dun, nhưng có lẽ nhạc cụ gây ấn tượng nhất trong album là sáo và xylophone. Mặc dù sử dụng sáo là nhạc cụ chính nhưng âm nhạc của nhóm rất đen tối và có xu hướng chơi nhạc rất mạnh. Cả 4 bài hát trong album đều rất phức tạp và khó tiếp cận (đến nỗi biến cả những band như Gentle Giant cũng trở nên đầy tính thương mại và dễ nghe) nhưng Dun rất khác so với hầu hết các band nhạc khác chơi loại nhạc phức tạp này vì họ tạo ra thứ âm nhạc rất đáng nhớ. Với kĩ năng chơi nhạc cụ vượt trội, những nghệ sĩ tại Dun đã trình bày một thứ âm nhạc đầy sáng tạo, kì quái nhưng lai có vẻ rất tự nhiên, hợp lý và trôi chảy. Ngay cả việc mô tả Dün là một nhóm Zeuhl cũng không hoàn toàn chính xác và dễ gây hiểu lầm. Dù có một số ảnh hưởng của Magma, nhưng âm nhạc của họ cũng khá giống phong cách RIO đặc biệt là Univers Zero. Ngoài ra, nó còn có tính thính phòng và cả Symphonic Prog nữa. Nói tóm lại, nó gần như một sự kết hợp hoàn hảo nhất của Canterbury Scene với Symphonic Prog, Zeuhl, Avant Garde và Jazz Fusion ở mức độ tuyệt vời nhất. Mặc dù album Eros chất lượng quá tuyệt vời nhưng đáng tiếc là sinh ra không đúng thời vì lúc này Prog Rock đang suy tàn. Đã không có bất kì một hãng đĩa nào đồng ý tung ra album này cả và nhóm nhạc phải tự kiếm tiền để tung ra LP này vào năm 1981. Album của họ được một số nhà phê bình đón nhận nồng nhiệt, nhưng nó không bao giờ thành công về mặt thương mại (có lẽ chỉ bán được khoảng 1000 bản). Chính vì thất bại này nên đến cuối năm 83, band nhạc tan rã và hai thủ lĩnh của nhóm thành lập một nhóm nhạc mới theo kiểu Latin-jazz. Với số lượng đĩa ít ỏi như vậy, âm nhạc của nhóm sẽ không thể phổ biến và số phận của nhóm tưởng như sẽ chìm trong lãng quên, mặc dù album duy nhất của họ có thể coi là một tuyệt tác hòa tấu trong lịch sử của Prog Rock. Nhưng rồi thì số phận đã chìa tay ra cho Dun một lần nữa khi Zeuhl được quan tâm trở lại sau những thành công của Magma sau buổi hòa nhạc của Steve Davis. Tới năm 1998, một hãng đĩa của Pháp đã được thành lập, chuyên về Zeuhl, đó chính là hãng Soleil Zeuhl (mặt trời Zeuhl). Lúc đầu hãng này chuyên ra lại những tuyệt phẩm của Prog Pháp mà tưởng như đã bị lãng quên, sau đó phát triển mạnh và kí hợp đồng với nhiều band trẻ, mới. Đến năm 2000 thì hãng mua lại bản quyền và cho ra lại đĩa Eros của Dun dưới định dạng CD (trong đó có thêm 4 bài bonus). Lúc này tại Nhật Bản, Zeuhl cũng rất được quan tâm nên hãng đĩa Bell Antique cũng quyết định mua bản quyền để ra tại đây. Do nhu cầu quá lớn nên albums này còn được ra lại rất nhiều lần: năm 2009 định dạng Cd, 2012 – CD và LP, và 2020 – CD. Có lẽ bản có chất lượng âm thanh cao nhất là bản remastered dưới định dạng SHM CD của Nhật Bản vào năm 2012. Bộ sưu tập có bản SHM của Nhật vào năm 2012