Weidorje Zeuhl là một dòng nhạc khá nhỏ và có rất ít người biết tới, ngoại trừ Magma ra thì các band nhạc khác đều chật vật để tồn tại. Thậm chí qua những bài viết phía trước, chúng ta cũng có thể hiểu rằng nhiều tuyệt phẩm của dòng nhạc phải vài chục năm sau, khi nhóm nhạc đã không còn tồn tại từ rất lâu rồi thì mới gặt hái được thành công và được nhiều fan hâm mộ biết tới. Trong thập niên 70-80, Zeuhl chỉ có một vài tuyệt phẩm (ngoại trừ các album của Magma) và những band nhạc đa phần là giải tán ngay sau đó. Weidorje cũng là một trong những trường hợp như vậy, họ chỉ có một album duy nhất, cũng là một trong tuyệt phẩm của Zeuhl rồi tan rã và phải mãi sau này, âm nhạc của họ mới đến được với đông đảo khán giả hơn trong thập kỷ 2000s trở về sau. WEIDORJE, được thành lập vào năm 1977 bởi hai cựu thành viên MAGMA, Bernard Paganotti - bass và Patrick Gauthier – keyboards. Chúng ta cần quay ngược lại lịch sử một chút, tức vào năm 75-76, trong nội bộ của Magma bắt đầu phát sinh những rạn nứt giữa Vander và Jannick Top – 2 người quan trọng nhất trong Magma. Top thậm chí đã bỏ không tham gia chuyến lưu diễn tại Pháp cũng như thu âm album live kinh điển Live/Hhai. Người thay thế cho ông này chính là Paganotti. Tuy nhiên, sau đó Top đã quay lại để ghi âm album Üdü Wüdü cùng với Magma. Nhưng bởi vì chuyến lưu diễn rất thành công, nên Paganotti vẫn được giữ lại và thậm chí cả 2 tay bass này cùng chơi trong album nói trên. Paganotti còn sáng tác một bài hát trong album cùng với vocalist Klaus Blasquiz. Và bài hát ấy có tên là Weidorje. Weidorje theo tiếng Kobaian có nghĩa là bánh xe thiên thể. Sau album này, cặp đội Paganotti và Gauthier rời đi và lập ra band nhạc có tên là Weidorje. Chính vì nguyên nhân này mà trong các tuyệt phẩm của Zeuhl thời kỳ đầu tiên, có lẽ album Weidorje là trung thành và gần gũi nhất về mặt âm nhạc cũng như tinh thần của Magma. Có thể coi band nhạc này như một đứa con đẻ của Magma vậy. Tại đây người ta có thể tìm thấy một câu chuyện thần thoại gần giống với câu chuyện của MAGMA: "Chờ đợi một chiếc đĩa bay sẽ đến vào một buổi sáng và mang chúng ta đến với những giá trị mới, lành mạnh và an toàn của nó". Âm nhạc của WEIDORJE mang nhiều tính chất gần giống với Magma cụ thể như sau: - sức mạnh thôi miên tương tự như MAGMA nhưng dựa nhiều trên rock hơn (tức là vai trò của tay guitar lớn và quan trọng hơn nhiều so với âm nhạc của Magma tuy rằng trống và bass vẫn giữ vai trò chủ đạo). Vì nghiêng nhiều hơn về Rock, âm nhạc của họ dễ tiếp cận hơn ngay từ lần nghe đầu tiên, và có thể khiến cho mọi người nhầm rằng đây là một dạng tiến hóa của Magma. Âm nhạc tuy vậy rất đen tối và cũng mang nhiều tính tâm linh nhưng vẫn mang nhiều giai điệu đẹp dễ nhớ. - Vì mang tính tâm linh nên âm nhạc có vẻ như lặp lại nhiều, rất giống với Magma với tiếng bass cực kì mạnh mẽ và năng động. Ngoài ra họ còn sử dụng kèn trumpet và giọng hát giống với kiểu Magma. Và mặc dù lời bài hát không phải ở Kobaïan nhưng chúng ta cũng không nghe rõ nó là thứ tiếng gì vì kiểu như tiếng thì thào, có thể là một loại ngôn ngữ liên quan tới Zheul. - Vai trò giữ đa nhịp điệu của keyboards và guitar lớn hơn nhiều so với âm nhạc của Magma khiến âm nhạc của họ mang tính Rock rất rõ rệt. Qua miêu tả, chúng ta có thể thấy rằng âm nhạc của Weidorje khá giống với thời kỳ "Üdü Wüdü" nhưng có lẽ là với chất lượng còn cao hơn vì Bernard Paganotti thành lập band nhạc của mình ngay sau khi MAGMA phát hành album này. Album đầu tiên và duy nhất được phát hành vào năm 1978, "Weidorje", được giới chuyên môn đánh giá rất cao, âm nhạc tuyệt vời. Dù rời khỏi Magma nhưng band nhạc này vẫn giữ mối quan hệ tốt, thậm chí giọng ca chính của Magma là Klaus Blasquiz, lúc này đã có vai trò rất quan trọng trong Magma sau khi Top rời đi, đã giúp vẽ bìa của album. Sau đó, band nhạc đã sáng tác một số bài hát mới và sẵn sàng cho album thứ hai. Nhưng sau những khó khăn trong việc tìm nhà sản xuất, WEIDORJE đã tan rã, mặc dù họ được khán giả Pháp khá yêu thích. Đĩa nhạc kinh điển Weidorje ban đầu gồm ba bài hát dài: "Elohim's Voyage", "Vilna" và "Booldemug" được phát hành trong Ep Vinyl vào năm 78, thông qua hãng đĩa Cobra. Sau này, hãng đĩa huyền thoại về Prog Rock của Pháp là Musea đã mua lại bản quyền album và ra lại dưới định dạng CD vào năm 1992, trong album có bonus thêm hai bài hát mới "Rondeau" và "Kolinda" (hai bài hát này được thu âm trực tiếp nên âm thanh khá tệ nhưng phần solo bass rất tuyệt vời, phảng phất giữa jazz-fusion và Zheul). Dù tan rã, nhưng tinh thần của Weidorje vẫn tiếp tục xuất hiện trên các albums solo đầu tiên của các thành viên sau này. Album này cũng khó tìm nhưng ngoài bản LP năm 78 và Cd năm 1992 của Musea ra thì còn có thể có bản CD của hãng Mals - Nga năm 2005 (Mals là đối tác của Musea tại Nga), bản CD của Arcángelo của Nhật Bản năm 2008 và bản LP của hãng Replica - Pháp năm 2015. Bộ sưu tập có bản của Musea -1992.
Universal Totem Orchestra Cũng như rất nhiều thể loại Prog Rock khác, Zeuhl gần như chấm dứt hoạt động vào những năm giữa thập kỷ 80s với các band nhạc kỳ cựu hoặc là tan rã, hoặc là chuyển thể loại. Một lần nữa chúng ta phải nhớ tới công lao của Steve Davis. Buổi hòa nhạc điên rồ của ông với Magma đã khiến cho rất nhiều fan hâm mộ của Davis tò mò, tìm hiểu âm nhạc của Magma và Zeuhl. Lúc này, Magma bắt đầu gặt hái được thành công tại Nhật Bản và được một số fan hâm mộ tôn thờ. Trào lưu tái sinh đầu tiên của Zeuhl cũng xuất hiện tại chính đất nước này với những band như Happy Familly, Koenji Hyakkei và Ruins. Sau đó nó lan sang Italia, Thụy Sĩ và một số nước châu Âu nữa. Tuy nhiên, dù các bands nhạc của Nhật này có chất lượng không tệ, âm nhạc của họ thực sự ít được biết tới ngoài biên giới của nước Nhật. Phải tới những năm 2000s, sau sự trở lại hoành tráng của Magma thì nhạc Zeuhl mới được nhiều người quan tâm và xuất hiện rất nhiều band nhạc mới (trào lưu thứ 3) với chất lượng rất cao như: Zwoyld, Elephant Tok, Xing Sa từ Pháp, Ikarus – Thụy Sĩ, Ga’ an – Mỹ, Dai Kaht – Phần Lan. Nhưng có lẽ band nhạc tài năng nhất trong số này lại là Universal Totem Orchestra (UTO). Đây thực chất là một band nhạc rất kì lạ, thực ra thì là một kiểu band nhạc phụ nhưng lại thành công hơn band nhạc chính thức của các thành viên trụ cột. Nhóm đúng ra phải thuộc trào lưu thứ hai (những năm cuối 80s đầu 90s) nhưng lại chỉ thành công vào thập kỷ 2000s trở về sau. Universal Totem Orchestra hay UTO thực chất là một dạng side project của band nhạc Italy là RUNAWAY TOTEM – (RT), band nhạc này thành lập từ năm 1988 tại Riva del Garda, Italy. Dù cũng chơi thể loại Zeuhl nhưng nói một cách thực lòng là chất lượng âm nhạc của họ chỉ ở mức vừa phải và không thực sự nhận được nhiều sự chú ý. Vào khoảng thời gian giữa 2 albums của Runaway Totem là album thứ hai Zed -1996 và album thứ ba Andromeda -1999, bộ 3 thành viên của nhóm lúc này là Uto Giorgio Golin (trống) và Giuseppe Buttiglione (bass) cùng với Ana Tores Fraile – vocal đã sáng tác một album với phong cách hoàn toàn khác biệt so với Runaway Totem. Runaway Totem không được coi là band nhạc hàng đầu của Zeuhl, thường bị giới chuyên môn và cả khán giá chỉ trích vì âm nhạc bắt chước Magma nhưng với mức độ kém hơn rất nhiều, có thể phải vài bậc chứ không gần. Bản thân bộ 3 này lúc ấy cũng không phải là những người chi phối band nhạc nên họ có lẽ đã không thuyết phục được các thành viên bảo thủ trong band chấp nhận album này hoặc họ cảm thấy sử dụng cái tên Runaway Totem cho album này sẽ bất lợi, nên họ đã tạo ra một band nhạc mới có tên là Universal Totem Orchestra để tung ra album kinh điển đầu tiên là Rituale Alieno vào năm 1999. Thật bất ngờ là album lại thành công rất lớn và trở thành một trong những album kinh điển của Zeuhl. Trong khi âm nhạc RT khô khan, thô kệch, nặng nề, thiếu sáng tạo và tẻ nhạt thì Rituale Alieno của UTO lại nhẹ nhàng, vui vẻ, sáng tạo và đầy mê hoặc. Ngoài ảnh hưởng từ Magma, họ còn đưa thêm vào âm nhạc phong cách RPI đầy cảm xúc, mang nhiều tính Folk của vùng Địa Trung Hải và cả Symphonic Rock nữa. Mức độ hòa trộn trong âm nhạc rất cao, nhưng đặc biệt hơn là giọng hát, nó mang nhiều khía cạnh gothic, trải dài từ các bài thánh ca Gregorian đến các kiểu dàn hợp xướng khác nhau và giọng hát opera, thường là giọng nữ cao và giọng nam trung. Album tuyệt hay này trở thành một trong những album Prog mới hay nhất tại thời điểm những năm 1999-2000. Bộ sưu tập có album này Nhưng do đây là một dự án phụ, âm nhạc lại quá phức tạp nên nhóm phải mất tới 9 năm sau mới cho ra được album thứ hai, tại thời điểm mà khán giả không còn mong chờ bất cứ điều gì ở band nhạc này nữa. Vào năm 2008, nhóm tung ra album The Magus. Lúc này thì đội hình đã khác biệt rất nhiều khi tay bass Buttiglione đã chia tay (anh này là người sáng tác chính trong album kinh điển Rituale Alieno). UTO lúc này do giọng ca Ana Torres lãnh đạo. THật bất ngờ là với sự khác biệt đáng kể về âm thanh, lúc ngoài Zeuhl, opera, gothic, RPI… ra còn có cả Neo Prog, Metal và cả New Wave nữa. Bất ngờ hơn nữa là với một album rất dài (80 phút) album này có chất lượng tuyệt vời và đáng kinh ngạc như Rituale Alieno. Trong khi vẫn vững vàng trong lĩnh vực Zeuhl, UTO không ngại thực hiện nhiều bước ngoặt nhất có thể để biến âm nhạc của họ thành một trải nghiệm khác biệt trong dòng nhạc này. Không còn nghi ngờ gì nữa, UTO trở thành một hiện tượng của Zeuhl và vượt xa so với RT. Hiện tại em chưa mua được album này. Album thứ ba của UTO, cũng là album cuối cùng tính tới thời điểm hiện tại của nhóm, tiếp tục là một siêu phẩm nữa của Prog Rock hiện đại, có tên Mathematical Mother -2017. Những album đầu tay của UTO, có chất lượng rất tốt nhưng cũng gặp phải ít nhiều sự chỉ trích vì không phải là zeuhl thuần túy, đôi khi với những khán giả bảo thủ UTO đã đi quá xa khỏi Zeuhl ( những người này có lẽ trong đầu họ thực sự không có gì khác ngoài Magma). Nhưng ngay từ những giây phút đầu tiên, UTO không bao giờ tuyên bố rằng âm nhạc của họ là thứ Zeuhl thuần chất nên những album như "Rituale Alieno" hay "The Magus" đều xứng đáng là những album cực kỳ xuất sắc của Prog Rock. Âm nhạc của họ có một số điểm tương đồng với Magma nhưng cũng rất nhiều khác biệt. Điểm giống nhất là mức độ dữ dội của tay trống UTO Golin, và kĩ năng chơi nhạc tuyệt vời của những tay bass. Khả năng của họ có thể coi là rất gần với bộ ba Vander/Top hoặc Paganotti, ngoài ra còn có những đoạn sáng tác, chuyển soạn bùng nổ kiểu Wagner và những ảnh hưởng của Jazz. Nhưng sự khác biệt chính trong âm nhạc của 2 nhóm là giọng ca của Ana Torres Fraile. Với một giọng hát có khả năng đa dạng về âm sắc, âm vực rất rộng và đầy phong cách khác biệt, nhưng có lẽ gần với opera hơn cả. Đâu đó, giọng hát này còn thâm nhập vào các xu hướng nhạc Ả Rập, Gothic và Gregorian làm nổi bật sự xuất sắc tuyệt vời của cô này. Các nghệ sĩ guitar Daniele Valle và keyboard Fabrizio Mattuzzi đều có kỹ năng chơi nhạc rất tốt, giỏi về kỹ thuật nhưng tràn đầy sự thích thú, dũng cảm và phóng khoáng. Cuối cùng, nghệ sĩ saxophone Antonio Fedeli bổ sung phần hòa tấu nhạc cụ vào thời điểm thích hợp nhất, khiến cho âm nhạc của nhóm tỏa sáng và hoành tráng. Do đó, phong cách của UTO mở rộng hơn, vui tươi hơn, mang nhiều âm hưởng của giao hưởng, cổ điển, làng quê và mang nhiều tính trung cổ hơn so với Magma. Trong album này, UTO thậm chí còn đi xa hơn nữa so với 2 albums trước khi thử nghiệm cả những âm thanh điện tử khiến người nghe choáng váng với âm nhạc kiểu Electronic Zeuhl với sự tỏa sáng tuyệt với của tay keyboard Fabrizio Mattuzzi, anh thực sự là ngôi sao trong album này. Dù UTO ra không nhiều albums, tất cả chúng đều là những siêu phẩm và thực sự khác biệt so với thứ âm nhạc Zeuhl trước đây. Điều này cũng dần biến nhóm trở thành một trong những band nhạc hàng đầu thế giới về thể loại này. Bộ sưu tập có album Mathematical Mother định dạng CD-Digipack Bài viết về Universal Totem Orchestra cũng là phần cuối cùng của bộ sưu tập về Zeuhl. Tuy là một dòng nhạc nhỏ nhưng Zeuhl hết sức đặc biệt và có một sức sống riêng rất mãnh liệt. Nghe Zeuhl ta có cảm giác về một thứ nhạc tâm linh nào đó. Bộ sưu tập tuy không lớn nhưng gồm toàn những album kinh điển mà hiện tại phần nhiều trong số này rất khó kiếm nên để tìm được các albums này thường mất rất nhiều thời gian.
Sau phần về Zeuhl music em sẽ giới thiệu một bộ sưu tập rất lớn nữa của em về David Bowie, một nghệ sĩ rất tài năng và có nhiều tầm ảnh hưởng tới âm nhạc thế giới. Với sự nghiệp rất dài từ thập kỷ 60s tới thập kỷ 2010s, ông luôn có những albums rất hay và thậm chí có thể coi là một trong những nghệ sĩ solo có nhiều đĩa đơn hay nhất trong lịch sử âm nhạc thế giới. David Bowie Bowie tên thật là David Robert Jones - Sinh ngày 8 tháng 1 năm 1947 tại Brixton, London, Vương quốc Anh – qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2016 khi ông mới 69 tuổi. Bowie là một ca sĩ-nhạc sĩ kiêm diễn viên. Có thể nói không quá lời rằng ông là một trong những nghệ sĩ hàng đầu trong lịch sử của ngành công nghiệp âm nhạc. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Bowie được các nhà phê bình và nhạc sĩ ca ngợi, đặc biệt là những tác phẩm vô cùng sáng tạo của ông trong suốt những năm 1970. Sự nghiệp của ông được đánh dấu bằng sự hồi sinh lại hình thức trình diễn bằng hình ảnh, đồng thời phong cách âm nhạc và nghệ thuật dàn dựng của ông đã có tác động rất lớn đến âm nhạc đại chúng. Ngay từ khi còn nhỏ, Bowie đã thể hiện tính cách khác biệt so với những bạn bè đồng trang lứa. Ông thể hiện sự đam mê trình diễn từ những năm giữa thập kỷ 50s. Bowie cũng quan tâm tới âm nhạc từ rất sớm, vào cuối những năm 50, ông đã bắt đầu sáng tác nhạc (saxophone). Vào những năm thơ ấu, anh trai cùng mẹ khác cha của Bowie, Terry Burns, là người có ảnh hưởng đáng kể đến Bowie. Burns, hơn Bowie 10 tuổi, mắc bệnh tâm thần phân liệt và co giật, thường xuyên phải sống ở khu tâm thần; nhưng trong những khoảng thời gian ít ỏi mà sức khỏe ổn định và được về với gia đình, Burns đã giới thiệu cho chàng trai trẻ Bowie những ảnh hưởng lớn của cuộc đời mình, chẳng hạn như nhạc jazz hiện đại, Phật giáo, thơ Beat và những điều huyền bí. Trong gia đình của Bowie, ngoài Burns, còn khá nhiều người bị bệnh tâm thần và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của Bowie sau này. Vào khoảng năm 1962, do đánh nhau với bạn, George Underwood, Bowie bị đấm vào mắt trái rất mạnh khiến cho hai mắt của ông có 2 màu khác biệt và trở thành một điểm đặc biệt trên khuôn mặt của Bowie.Bất chấp sự xung đột này, Bowie vẫn có mối quan hệ tốt với Underwood, người đã tiếp tục tạo ra tác phẩm art work cho các album đầu tiên của Bowie. Bộ sưu tập có khoảng hơn 100 (chắc khoảng 110 đĩa ) Trong đó có các album định dạng CDs Các đĩa đơn định dạng 7'' Vinyl Vào đầu những năm 60, Bowie cuối cùng đã quyết định chơi trong một số band nhạc blues/rock và phát hành đĩa đơn đầu tiên Liza Jane với The King Bees vào năm 1964. Ông này cũng đổi nghệ danh thành David BOWIE để tránh nhầm lẫn với Davy Jones từ THE MONKEES. Nhưng lúc này, phần lớn các band nhạc của Bowie đều không thành công và chưa có nhiều tính sáng tạo. Có phần chán nản, Bowie dần tách ra thành nghệ sĩ solo mặc dù vẫn có những band nhạc theo sau hỗ trợ. Thế nhưng, kể cả tham gia solo, Bowie vẫn không thể thành công được ngay, sự nghiệp của ông khá lẹt đẹt ở những năm giữa và cuối thập niên 60s. Cuối cùng thì Bowie quyết định ra solo hoàn toàn vào năm 66-67 và tung ra vài single đầu tay cũng như album David Bowie vào năm 1967, một album mang nhiều tính Psychedelic Pop và khác xa so với âm nhạc của Bowie sau này. Mặc dù được giới chuyên môn khen ngợi, các single cũng như album đầu tay của Bowie đều không thành công và cũng thực sự không có nhiều đột phá. Nếu không có sự nghiệp lẫy lừng của các album sau này, có lẽ nhiều fan hâm mộ cũng sẽ lãng quên album đầu tay của Bowie. Sau nhiều năm lăn lộn nhưng không thành công, Bowie đã có phần khá tuyệt vọng, sau đó đã giành thời gian nhiều hơn để nghiên cứu về Phật giáo. Trong những năm sau đó, Bowie theo học trình diễn kịch: cả phong cách Avant Garde theatre tới kịch câm và hài kịch. Mặc dù vẫn sáng tác nhạc nhưng trong thời gian này, Bowie đa phần tham gia vừa trình diễn nhạc, kịch câm, thơ ca trong những buổi hòa nhạc nhỏ. Thời điểm này, Bowie rất nghèo khổ (nhưng ông sẽ khá hơn trong những năm sau này) và chỉ sáng tác nhạc như một thú vui. Có lẽ là ông cũng không còn tự tin lắm vào sự thành công của mình trong lĩnh vực âm nhạc mặc dù vẫn tiếp tục sáng tác album thứ hai là Space Oddity. Năm 1969, David kí hợp đồng trình diễn mở màn cho band nhạc "Tyrannosaurus Rex" hay còn gọi là T-Rex – một band Glam Rock khá hay của Marc Bolan, band nhạc này đang khá thành công. Cũng thật khó tin nhưng Bowie chỉ trình diễn kịch câm tại những buổi hòa nhạc này. Nhưng rồi thì số phận cũng mỉm cười với Bowie, khi ông này gặp Mary Angela Barnett tại một cuộc họp báo (thực ra là buổi ra mắt King Crimson). Bà này tham gia show biz và rất quan tâm tới David. Chính bà này đã giúp David có hợp đồng với hãng Philips. Người ta thường nói họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai – tức là họa thì đến liên tiếp còn phúc thì chỉ tới một lần nhưng có lẽ điều này không thực sự đúng với Bowie. Sau khi có hợp đồng mới, Bowie còn gặp gỡ với một người khổng lồ khác, người sẽ đi trên con đường của ông trong suốt cuộc đời, kể từ những ngày rất khó khăn và xa xôi đó. Đó chính là Tony Visconti người sẽ trở thành nhà sản xuất cho tất cả các album tiếp theo trong sự nghiệp của Bowie. Album thứ hai của Bowie tung ra vào tháng 11 năm 1969, tức là hơn 2 năm sau album đầu tay; Album này ban đầu được phát hành ở Vương quốc Anh với tên David Bowie, cùng tên với album đầu tay trước đó nên nó đã gây ra một số nhầm lẫn với người nghe. Bản phát hành tại Mỹ vì thế lấy tên là là Man of Words/Man of Music – một cái tên thực sự cũng khó hiểu và cũng không mấy ấn tượng; đây cũng là một album không thật sự hay mặc dù chất lượng của nó tốt hơn album đầu tay rất nhiều. Điểm sáng lớn nhất trong album này chính là bài hát huyền thoại "Space Oddity". Nó sẽ được sử dụng trong rất nhiều chương trình truyền hình liên quan đến những sự kiện lớn của thế kỷ: những bước chân đầu tiên của loài người trên mặt trăng. Đây cũng là bước khởi đầu của Major Tom, nhân vật huyền thoại trong âm nhạc của Bowie sau này. Chúng ta cũng cần phải nhắc đến rằng Rick Wakeman, một huyền thoại keyboards đã chơi rất tốt trong bài hát này. Ngoài ra thì còn có một bài hát khác cũng có chất lượng rất tốt là Cygnet Committee, một trong những bài hát dài nhất của Bowie kéo dài hơn 10 phút. Một điểm sáng khác của album có lẽ là phần ca từ, mang nhiều tính triết học post-hippie về hòa bình, tình yêu và đạo đức. Tuy nhiên về cơ bản, các bài hát khác khá bình thường theo phong cách pha trộn giữa Psychedelic và Folk, đôi khi là Hard Rock. Album không thành công về mặt thương mại vào thời điểm phát hành và có thể coi là một thất bại tiếp theo của Bowie. Phải mãi sau này, khi Bowie gặt hái được nhiều thành công thì album này mới được phát hành lại dưới cái tên mới Space Oddity vào năm 1972. Bộ sưu tập có bản CD remastered trong serie 24 bit digitally remastered vào năm 1999 (còn tiếp)
Em có ấn tượng rất xấu với David Bowie: lòe loẹt theo kiểu glam, lại còn ẻo lả kiểu đồng cô nữa. Nhìn là ko muốn nghe! Nhưng mà khổ cho em là cứ nghe đĩa nào của ông í là lại mê cái đó. Mà nhạc của Bowie lại cực kỳ sáng tạo, thay đổi liên tục rất bất ngờ, có khi là sáng tạo nhất tg những tay thành công về thương mại. Bộ sưu tập của bác kinh hoàng thật, có cái có mấy bản khác nhau? Nhưng mà hình như vẫn thiếu vài cái
Em thì lại không đánh giá con người qua vẻ bề ngoài mấy nên Bowie rất ok, Marilyn Manson có lẽ là bản kinh dị hơn của Bowie cũng là band em rất thích vì ngôn từ đầy tính suy ngẫm và làm video hay tuyệt. Chỗ này của em cũng còn nhiều cái chưa có. Ở đây cũng có nhiều bản kỷ niệm 30 năm remastered và gồm 2CDs nhưng phần lớn trong số này em đã đưa cho cậu em trai sử dụng nên chỉ còn 1, 2 cái ở nhà.
David Bowie (tiếp theo) Lúc này đã bước vào năm 1970, và cũng cần phải nói rằng tại thời điểm này thì Hard Rock đang lên ngội với những album như "In Rock" của Deep Purple và các albums của Led Zeppelin, Black Sabbath đã đạt vị trí cao nhất trên khắp các bảng xếp hạng. Trong khi đó anh chàng khốn khổ Bowie của chúng ta vẫn còn đang loay hoay để ổn định lại đội hình. Tình hình tài chính của Bowie cũng không khả quan sau những thất bại liên tiếp. David sắp kết hôn với Angie và cần phải ổn định tình hình tài chính của mình. Có lẽ vì những lý do này mà album tiếp theo "The Man Who Sold The World" sẽ là album mang phong cách Hard Rock nhất mà David từng phát hành. Lúc này band nhạc của Bowie đã tập hợp bao gồm John Cambridge, một tay trống mà Bowie gặp tại Arts Lab, Tony Visconti chơi bass và Mick Ronson chơi guitar. Band này thậm chí lúc đầu được gọi là Hype nhưng cũng không thành công nên đành lấy lại tên của Bowie. Thế nhưng vận đen vẫn còn đeo đuổi Bowie vì khi làm việc cho album mới, công việc của nhóm lại bị hủy hoại do bất đồng gay gắt giữa Bowie và Cambridge về phong cách chơi trống. Vấn đề trở nên căng thẳng khi Bowie tức giận buộc tội tay trống đã gây rối, kêu lên "Mày đang làm hỏng album của tao đấy - You're fucking up my album." Sau đó, Cambridge rời đi và thay thế bởi Mick Woodmansey. Đội hình kinh điển đã gần như có mặt đầy đủ với : David, và cặp đôi Mick's (Ronson & Woodmansey). Đội hình này sẽ thu âm album quan trọng đầu tiên của Bowie. Nhưng rắc rối vẫn còn chưa kết thúc với Bowie, ông sau đó còn sa thải người quản lý của mình là Pitt. Pitt không hài lòng nên đã kiện Bowie và thật không may là Bowie thua kiện và phải trả tiền đền bù cho Pitt. Rõ ràng tình cảnh của Bowie rất bi đát nếu không muốn nói là tuyệt vọng, nhưng rồi thì Visconti đã thể hiện vai trò ngôi sao may mắn của mình bằng cách tổ chức cho Bowie cuộc gặp với một trong những người quen của mình là luật sư Tony De Fries, ông này sẽ sớm trở thành người quản lý của David trong vòng năm năm và là một trong những nhân vật chính sẽ đưa Bowie trở thành siêu sao của thế giới. Trong tình cảnh bi đát và khốn khổ của mình, Bowie có lẽ sẽ làm mọi thứ để trở nên nổi tiếng kể cả những việc gây tranh cãi. Đó là điểm xuất phát của phần cover artwork của album thứ ba này. Bìa album gây rất nhiều tranh cãi tại thời điểm bấy giờ và là lần đầu tiên để David thể hiện vẻ ngoài ái nam ái nữ của mình. Mặc dù sau này Bowie thường xuyên xác nhận/phủ nhận điều này. Là người theo chủ nghĩa cơ hội, Bowie đã tận dụng một tình huống mà anh ta hoàn toàn sáng tạo ra. Nó cũng rất mâu thuẫn với nội dung của album: David khoác lên mình một bộ váy phụ nữ thể hiện nét dịu dàng, ngọt ngào trong khi album thực chất rất mạnh và tối tăm, rối rắm! Đây là một trong những tác phẩm đen tối nhất của ông này về mặt ca từ. Đầy tính tâm thần phân liệt và điên rồ. Điểm nhấn rõ ràng nhất là bài hát mở đầu hoành tráng: "The Width Of A Circle". Một sự kết hợp giữa tâm thần phân liệt điên cuồng và những ám chỉ rõ ràng về đồng tính luyến ái. Công việc của tay guitar Ronson lúc này thật đáng kinh ngạc. Ông này chắc nghe nhiều cả Jimi Hendrix và Jimmy Page nên có nhiều đoạn riff rất mạnh. Đây cũng là một trong những album theo định hướng guitar rõ nét nhất của Bowie tiêu biểu là bài hát "The Jean Genie" với những đoạn solo guitar như một lời tri ân tuyệt vời dành cho những anh hùng guitar. Sự điên rồ cũng là điểm nhấn trung tâm của album này với bài "All The Madmen”, David đề cập đến người anh cùng cha khác mẹ của mình, Terry, người bị giam trong bệnh viện tâm thần, hoặc bài hát chủ đề của album The Man Who Sold The World. Album còn có rất nhiều những bài đen tối, kể cả vụ thảm sát Mỹ Lai tại Việt Nam. Album này chứa nhiều bài hát từ hay đến rất hay nhưng quá đen tối khiến nhiều người có thể khó chịu khi nghe nó. Bầu không khí nói chung là ngột ngạt, ảm đạm và đặc biệt là không dành cho những người đang bị trầm cảm. Nó tựa như âm nhạc của Peter Hammill của Vander Graaf Generator, đặc biệt ở phần lời hát. Mặc dù album rất hay, nó vẫn tiếp tục không thành công về mặt thương mại cả tại Anh và Mỹ. Chỉ tới mãi sau này, khi Bowie đã trở nên nổi tiếng thì album này mới được tái bản lại và lọt vào các bảng xếp hạng tại Anh, Mỹ. Tuy nhiên, đây là một album có sức sống rất mãnh liệt, nó còn quay trở lại các bảng xếp hạng rất nhiều lần nữa trong những năm 90s, 2010s và 2020s. Bộ sưu tập của em có bản của CD của Rykodisc năm 90 - remastered nghe rất tốt. Sau những album liên tiếp thất bại về mặt thương mại, quan hệ của Bowie và hãng Philips bắt đầu trượt dài. Mâu thuẫn giữa Bowie với những thành viên trong band nhạc cũng phát sinh và cả nhóm rời đi. Tương lai của Bowie thật bất định. Nhưng mà trên thực tế thì cũng còn có nhiều điều may mắn. Chuyến lưu diễn quảng bá cho album The Man Who Sold The World tại Mỹ đã giúp cho Bowie gặp gỡ với Iggy Pop và Lou Reed để giúp xây dựng thế giới của Ziggy sau này. Trước tình trạng không còn hãng đĩa, DeFries đã chứng tỏ vai trò của mình bằng cách tìm cho Bowie hợp đồng với RCA. Lúc này Bowie về cố thủ trong căn hộ của mình để sáng tác các bài hát, chủ yếu bằng piano. Sau khi bế quan luyện công, ông này đã sáng tác được khoảng hơn 30 bài hát, hầu hết sẽ xuất hiện trong 2 albums tiếp theo là Honky Dory và Ziggy Stardust sau này. Honky Dory phát hành chỉ 2 tháng sau khi Bowie ký hợp đồng với RCA. Theo một cách nào đó, đây là sự trở lại với âm hưởng dân gian Folk hơn sau bản hard-rock "The Man Who Sold The World". Một album "nhẹ nhàng" hơn nhiều với sự chuyển soạn và sắp xếp tinh tế. Điểm sáng trong album này là sự trở lại của Rick Wakeman. Tay keyboards ’’ vô danh’’ này đã chơi rất hay trong bài hát kinh điển Space Oddity trước đó, lần này được mời về chơi piano trong cả album. David sau đó đã nói rằng ông muốn kết nạp Rick với tư cách là thành viên chính thức nhưng Rick đã từ chối và sẽ chọn gã khổng lồ Yes. Hãy thử tưởng tượng Rick biểu diễn trên sân khấu cùng Bowie và Ziggy Stardust, chắc rằng nó sẽ không thể tuyệt vời hơn. Đây là một album rất hay và là tiền đề cho sự bùng nổ của Ziggy Stardust sau này nhưng tại thời điểm phát hành, nó tiếp tục là một thất bại về mặt thương mại, có lẽ là do đội ngũ marketting của hãng RCA quá yếu. Có rất nhiều bài hát kinh điển trong album như Changes, tuy không phải là một đĩa đơn thành công lớn về mặt thương mại, phần điệp khúc sẽ trở nên rất nổi tiếng và hấp dẫn. Một bài hát nghe có vẻ ngây thơ, trên thực tế lại sử dụng chủ đề về một siêu chủng tộc sẽ thống trị thế giới. (David đã sử dụng chủ đề này của Nietzsche trong bài "The Supermen" trên album trước là "The Man Who Sold The World"). Ngoài ra còn có "Life On Mars?", một bản ballad rock tuyệt vời và u sầu với màn trình diễn piano thần sầu của Rick với giai điệu du dương nhất mà David từng viết. Một khoảnh khắc tuyệt vời của âm nhạc. David cũng viết ba bài hát lấy cảm hứng sâu sắc từ những nguồn cảm hứng quan trọng mà ông đã gặp tại chuyến lưu diễn ở Mỹ gồm: "Andy Warhol", "Song For Bob Dylan" và "Queen Bitch" cho Lou Reed. Album này hoàn toàn khác với album trước. Thân mật hơn, ít rung chuyển hơn, nhưng chất lượng có phần tốt lơn nữa. Album rất hay nhưng không gặp may vì art work kiểu nửa nam nửa nữ này. Hãng RCA quảng bá rất ít cho album và thậm chí là còn cảnh báo nghệ sĩ về phong cách làm bìa đĩa trong những album tiếp theo. Album bán rất chậm, chỉ khoảng 5 nghìn bản trong cả một quý và hãng đĩa xuất hiện những tranh cãi lớn về số tiền bỏ ra để làm album cho một nghệ sỹ kiểu one – hit wonder. Thậm chí quản lý marketting của hãng còn sớm nhận ra là họ đang ở trong tình thế quái dị, khi mà nghệ sĩ thay đổi phong cách hết lần này đến lần khác như tắc kè hoa. Điều này nghe có vẻ là một nghịch lý vì toàn bộ băng đảng khét tiếng kinh điển đã có mặt trong band nhạc (với Bolder thay thế Visconti). Nhưng rồi lịch sử đã chứng minh rằng tất cả đều nhầm lẫn, sau thành công của Ziggy Stardust, album này bật tăng trên bảng xếp hạng và lên tới vị trí thứ ba tại UK, cao hơn cả Ziggy. Trong một cuộc bình chọn do báo Rolling Stone tổ chức vào năm 2013, album này được coi là tác phẩm hay thứ nhì của Bowie, chỉ sau album kinh điển Ziggy. Bộ sưu tập của em có 2 bản: 1 bản trong serie 24 bit digitally remastered của Anh Quốc và bản còn lại remastered của Rykodisc năm 99 (không có tên album trên artwork) (còn tiếp)
"The Man Who Sold The World" với cái ảnh bìa ái nam ái nữ chính là cái ảnh bìa em thấy ghét! Cũng như phần lớn thế hệ sau này, em nghe bài The Man Who Sold The World qua bản cover của Nirvana tg album Unplugged in NY và đây là 1 bài có lẽ là ấn tượng nhất trong cái album em nghe đến cả hàng trăm lần này. Nhưng ấn tượng thế thôi chứ ko hiểu tại sao. Cho đến nhiều năm sau thì em được 1 thằng nó kể là có tay giáo viên dạy văn học Anh nó bật bài này cho học sinh lớp 8 nghe để hiểu về văn học và cuộc sống. Hóa ra ẩn dưới 1 bài hát tưởng chừng đơn giản cho tuổi mới lớn là 1 tâm trạng hết sức phức tạp: khi mình trưởng thành dần (we passed upon the stairs) mình luôn nghĩ là mình tự kiểm soát được cuộc đời (oh no, not me, we never lost control) nhưng có những lúc chợt nhận ra là hình như mình đã thay đổi, trở thành người tự đánh mất mình (the man who sold the world) ... Ý tứ thâm thúy và đậm chất thơ vì nó dựa trên 1 bài thơ. Chả thế mà Kurt Cobain tâm trạng bài này (Kurt luôn nghĩ mình thuộc thế giới underground nhưng rồi 1 ngày nhận thấy mình dường như đã bán mình cho ngành công nghiệp giải trí). Đây là kiểu bài hát có thể coi là trên cả kinh điển, nó đeo bám người nghe cả đời và mỗi lúc nghe lại và ngẫm lại cuộc sống của mình thì hình như nó lại có cái gì đó mơi mới. Rồi như bài Supermen trong album này cũng dựa trên hệ tư tưởng hết sức phức tạp của Nietzche. Hình như tư tưởng này rất ảnh hưởng đến thanh niên trong thập niên 1970s muốn giải phóng mình thay vì tuân thủ những giá trị truyền thống (như Museo Rosenbach cũng có bài Superman tg album Zarathustra). Nói chung là khó có thể tưởng tượng 1 tay mới lớn ngoài 20 tuổi lại có thể làm nhạc như vậy. Nhạc này có thể nghe từ khi mình trẻ đến khi xuống lỗ vẫn chưa chán!
Em lại có cảm nhận khác về bài hát này, nó tựa như tâm trạng của một người điên vậy. Trong những giây phút mà anh ta trở lại bình thường và gặp những người bạn cũ của mình mà không nhận ra, những người nghĩ rằng anh ta chết lâu rồi, có những gì đó cay đắng và đau khổ. Rồi khẳng định chắc nịch rằng tôi không điên - Oh no, not me, I never lost control". Nhưng người điên thì cũng có tình cảm, có ước mơ và có những thứ người ta tìm kiếm trong suốt cuộc đời sáng suốt ngắn ngủi của mình vậy. Có lẽ đó chính là cuộc đời của Terry, anh trai của Bowie, ai biết được. Dù gì đi chăng nữa đây cũng là một bài hát buồn, nhiều tâm trạng.
Thực ra thì như em nói, bài này mỗi người có thể cảm nhận khác nhau, thậm chí 1 người nhưng ở các giai đoan cuộc đời khác nhau cũng có thể cảm nhận khác đi. Như em thì do nó gắn với Nirvana nên mình cảm thấy như vậy. Nghe cái cách Kurt hát "not me, I never lost control" y như 1 thằng bị điên gào tướng lên là mình không điên vậy. Bowie không bao giờ giải thích ý nghĩa bài hát của ông mà để mọi người tự cảm nhận theo ý mình. Đến cái cô Lulu gì đó được ông giúp làm bản cover nhưng cũng chả được giải thích lời hát vậy có ý nghĩa gì. Giờ ông ra đi rồi nên nó sẽ vẫn mãi mãi là 1 bí mật thú vị để mọi người tha hồ tưởng tượng. Grammy 2016 tưởng nhớ Bowie mất cũng bằng bài hát này (Beck thay Kurt hát cùng đội ex-Nirvana). Chắc Bowie có nhiều bài hát nổi tiếng hơn, nhưng bài này được chọn hẳn có lý do.
David Bowie (tiếp theo) Dù khởi đầu với RCA thất bại gây hoài nghi cho hãng đĩa của Mỹ này, nhưng hợp đồng thì đã ký cho 3 albums studio. Dù trước đó không mấy thành công tại Anh nhưng De Fries đã rất tài tình thuyết phục hãng đĩa khổng lồ của Mỹ rằng Bowies dù không thành công tại Anh Quốc nhưng rồi sẽ thành công không kém gì The Beatles hay Led Zeppelin (tức là thành công khổng lồ tại Mỹ trước sau đó mới quay trở lại Anh Quốc) và hãng đĩa đã không phải chờ đợi quá lâu. Chỉ khoảng 3 tháng sau khi tung ra album Honky Dory, tên tuổi của Bowie đã nổi như cồn tại Anh Quốc. Mặc một bộ trang phục nổi bật và đặc biệt, mái tóc nhuộm màu nâu đỏ, Bowie ra mắt buổi biểu diễn sân khấu Ziggy Stardust của mình với band nhạc đệm Spiders from Mars—Ronson, Bolder và Woodmansey—tại pub Toby Jug ở Tolworth ở Kingston Upon Thames vào ngày 10 tháng 2 năm 1972. Buổi biểu diễn cực kỳ nổi tiếng, đưa ông trở thành ngôi sao bật sáng. Sức lan tỏa lớn tới mức trong sáu tháng sau đó, nhóm đã đi lưu diễn vòng quanh nước Anh và, như Buckley mô tả, tạo ra một "sự sùng bái Bowie" "độc nhất vô nhị—ảnh hưởng của nó kéo dài lâu và sáng chói hơn hầu như tất cả các lực lượng khác trong nhạc Pop. Album The Rise and Fall of Ziggy Stardust and the Spiders from Mars (tên quá dài nên thường gọi một cách ngắn gọn hơn là Ziggy Stardust) phát hành vào tháng 6 năm 72 là kiệt tác nổi tiếng nhất của Bowie. Lấy cảm hứng sâu sắc từ sự thăng trầm của Vince Taylor (người mà Bowie tình cờ gặp năm 1971) – ông này là một ca sĩ nhạc Rock người Anh nhưng lại nổi tiếng tại Pháp và châu Âu hơn chính quê hương mình nhưng sau đó thì gặp nhiều vấn đề cá nhân và nghiện ngập đã khiến cho sự nghiệp sụp đổ. David (hay chính là Ziggy) sẽ kết hợp câu chuyện này với các chủ đề khoa học viễn tưởng, với bầu không khí của hệ thống các ngôi sao nhạc Rock và vẻ ngoài ái nam ái nữ của ông này. Ziggy sẽ xuất hiện như vậy trên sân khấu. Âm nhạc của ông chuyển sang Glam Rock, nhưng là một thứ Glam Rock đầy trí tuệ. Marc Bolan có thể coi là ngôi sao glam-rock đầu tiên và Bowie đã đánh giá rất cao Bolan (ngay cả khi họ sẽ gặp một số vấn đề cá nhân). Dù là một album mang nhiều tính Glam Rock nó là một album concept có một cốt truyện rất hay. Câu chuyện kể về Ziggy, một người đến từ sao Hỏa để giải phóng hành tinh xanh cũ kỹ của chúng ta. Ziggy Stardust có thể là bản ngã của chính của Bowie. Ziggy Stardust, một ngôi sao nhạc rock ái nam ái nữ và lưỡng tính được gửi đến Trái đất như một vị cứu tinh trước một thảm họa tận thế sắp xảy ra. Trong câu chuyện, Ziggy chiếm được cảm tình của người hâm mộ nhưng bị thất sủng sau khi không thể khuất phục cái tôi của chính mình. Phong cách âm nhạc glam rock và proto-punk với ảnh hưởng của Pop, Velvet Underground và Marc Bolan của T. Rex trong khi lời bài hát thảo luận về tính giả tạo của nhạc rock, các vấn đề chính trị, sử dụng ma túy, khuynh hướng tình dục và bệnh ngôi sao. Với rất nhiều những bài hát kinh điển của Bowie như Moonage Daydream, Starman, Suffragette City album rất thành công tại Anh Quốc và lọt vào Top 10 sau đó lại tiếp tục quay trở lại trong năm tiếp theo và còn rất nhiều năm nữa như năm 90 (khi remastered và ra định dạng CD), và 2016. Tại Mỹ, album khá thành công và sau này cũng tiếp tục quay trở lại các bảng xếp hạng. Đây là album thành công thứ hai của Bowie với khoảng 7,5 triệu bản bán được trên toàn thế giới. Bộ sưu tập của em có 3 bản của album này gồm bản Cd gốc đầu tiên, bản kỷ niệm 30 năm gồm 2CDs và bản 24 bit. Hiện tại em đã chuyển cho cậu em 2 album chỉ còn lại bản 24 bit tại nhà. Nghèo thì lâu, giàu thì nhanh, các cụ nói cũng không sai, ít nhất trong trường hợp của Bowie. Sau rất nhiều năm lăn lộn, không thành công và nghèo khổ, Bowie vụt thành ngôi sao. Nhưng không vì trở thành ngôi sao mà Bowie quên đi những người bạn chí cốt đã mang lại thành công cho mình. Năm 72 là một năm rất bận rộn của ông này khi vừa tham gia lưu diễn tại cả Anh và Mỹ, đồng thời tham gia sản xuất một album tuyệt vời khác vào năm 1972 "Transformer" của Lou Reed. Và với tư cách là một người hâm mộ, ông muốn giúp đỡ một thần tượng khác của mình Ian Hunter, người đứng đầu của "Mott The Hoople" bằng cách viết các bài hát cho nhóm này. Đầu tiên Bowie đề xuất Suffragette City" nhưng họ không nhận. Sau đó là "All The Young Dudes", một bài hát đã trở thành kinh điển của Glam Rock, và nó đạt vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng Anh Quốc cho Hoople. Sau đó ông còn sản xuất cho album thứ 3, cũng là album rất quan trọng của Iggy & The Stooges có tên là Raw Power. Album này, giống như cái tên của nó, không phải là một ví dụ tuyệt vời về sự tinh tế nhưng sẽ là một dấu mốc quan trọng của lịch sử nhạc rock. Album thứ 3 của Bowie cho hãng RCA có tên là Aladin Sane có lẽ là cách chơi chữ của A Lad Insane – nghĩa là một thanh niên điên dại vì thế đã được viết trong khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa chuyến lưu diễn Ziggy huyền thoại. Trong chuyến lưu diễn Ziggy tại Mỹ, band nhạc di chuyển bằng xe buýt (David sợ máy bay vào thời điểm đó) và chuyến đi dài này sẽ truyền cảm hứng cho sáu bài hát trong album này. Người ta có thể đi theo lộ trình của họ trong khi đọc tiêu đề của các bài hát trên bìa đĩa. Từ New York ("Watch That Man") đến L.A. ("Cracked Actor"). "A Lad In Sane / Aladin Sane" là album gây chấn động nhất của Bowie. Bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Rolling Stones và những đoạn riff đơn giản nhưng rất hiệu quả của Richards. Nó thực sự là một sự tưởng nhớ sôi nổi dành cho nhạc rock. Các chủ đề trong các bài hát rất phức tạp: từ sự suy đồi và hỗn loạn trong Aladin Sane, tới phong cách khoa học viễn tưởng bệnh hoạn trong "Drive-In Saturday" kể về một bữa tiệc điện ảnh hậu chiến tranh hạt nhân, trong đó khán giả lúc này toàn các dị nhân có thể xem cách làm tình vì họ đã quên cách thực hiện. Một vài bài hát thì rất bạo lực như "Panic In Detroit", hay về tình dục khi trở thành ngôi sao… Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là bài hát The Jean Genie, một bài hát hoang dã, hoàn hảo. Đây cũng là đĩa đơn ăn khách nhất của Bowie và đạt vị trí thứ 2 tại Anh Quốc. Nhưng album thì lên vị trí số 1 tại UK và 17 tại Mỹ, đồng thời cũng xuất hiện trên khắp các bảng xếp hạng trên toàn châu Âu và Nhật Bản. Lúc này Bowie đã thực sự trở thành một ngôi sao sáng của bầu trời âm nhạc thế giới. Bộ sưu tập của em có 3 bản của album này gồm bản Cd gốc đầu tiên, bản kỷ niệm 30 năm gồm 2CDs và bản 24 bit. (còn tiếp)
Cái Ziggy Stardust thì kinh điển quá rồi, artwork thì em thấy cũng được. Chắc ai thích classic rock cũng phải nghe cái này. Nhưng mà cái Aladdin Sane thì em nhìn cứ rợn người sao ấy, dù artwork này thuộc loại kinh điển nhất của Bowie. Nhạc thì em mới thấy có bài chủ đề của album Aladdin Sane là sáng tạo, phần lớn âm nhạc album này em thấy thụt lùi so với mấy cái albums tc đó. Ngay vào đầu đã táng bài theo kiểu rock n' roll, rồi lại còn cover cả Rolling Stones -- nhiều người khen là thể nghiệm theo kiểu Mĩ nhưng em lại thấy nó mất chất Ăng lê của Bowie quá và cũng ko được sáng tạo cho lắm. Dù sao thì nó cũng thể hiện được tính đa nhân cách của Bowie, còn về khẩu vị thì em chưa nuốt được cái này. Bowie có lẽ cũng có đóng góp đối với sự nghiệp của Lou Reed và Iggy Pop. Với Lou Reed là công rất lớn để ông này nổi tiếng? Còn cái Raw Power em cũng chả ấn tượng lắm.
David Bowie (tiếp theo) Sau thành công cực lớn của Ziggy Stardust, dường như Bowie đã bị Ziggy nhập, ông thậm chí còn không thoát khỏi vai diễn này trên sân khấu và cả ngoài đời. Cùng với những chuyến lưu diễn liên tiếp là sự nghiện ngập (Bowie bắt đầu nghiện cocaine) và những hành động kỳ quặc trên sân khấu nữa. Nhưng càng điên loạn thì Bowie càng thành công, năm 73 là năm mà 5 albums của ông đều có mặt trên top 40 Của U.K và giúp ông trở thành nghệ sĩ có số đĩa bán chạy nhất trong năm. Nhưng có lẽ bản thân Bowie cũng thấy rằng tình huống của ông có vẻ không ổn, và một quyết định rất đột ngột đã đến khi Bowie tuyên bố thoát vai Ziggy vĩnh viễn và chấm dứt lưu diễn trong một buổi biểu diễn. Nó bất ngờ tới mức các thành viên của band nhạc còn không hề biết. Điều này dẫn tới những mâu thuẫn lớn giữa các thành viên và họ sau đó đã rời đi và không còn muốn quay trở lại. Nhưng Bowie vẫn còn nghĩa vụ hợp đồng với hãng RCA và hãng thì đang phát sốt với những thành công to lớn của ông và thúc giục Bowie tiếp tục ra thêm album. Trong một tình huống rối loạn như vậy, các thành viên thì bỏ đi, bản thân thì chịu ảnh hưởng của cocaine với những hành động thất thường, thì Bowie làm gì còn thời gian mà sáng tác. Do đó Bowie quyết định làm một album covers, gồm toàn những bài hát của các band nhạc mà ông này thần tượng trong thập kỷ 60s như Pretty Things, the Who, the Yardbirds, Pink Floyd. Về cơ bản thì các bản covers này không có gì đặc biệt khi tuân thủ hầu như theo đúng nguyên bản chỉ theo phong cách Glam và Proto Punk. Album chất lượng không cao và báo chí Anh Quốc quyết định bắn hạ nó nhưng có điều là khán giả thì lại đang phát cuồng vì Bowie. Dù chất lượng chả có gì đặc biệt, nó vẫn lên hạng 1 tại UK và 23 tại Mỹ. Bowie giờ như vua Midas vậy (chạm tới cái gì thì nó đều biến thành vàng cả). Bộ sưu tập có bản remastered 99 của album này. Sau album Pin Ups, Bowie gần như đoạn tuyệt hoàn toàn với tất cả: band nhạc, nhà sản xuất, người quản lý, ông cũng đã hạ sát nhân vật huyền thoại Ziggy của chính mình. Nhưng điều đó có khi lại mang lại những bước tiến mới trong sự nghiệp của Bowie. Vào năm 1974, ông chuyển hẳn sang Mỹ để sinh sống và làm lại sự nghiệp. Lúc này có lẽ phong cách Pop cũng chết dần và thay vào đó sẽ là những album mang nhiều tính thử nghiệm hơn cho Bowie. Album tiếp theo của Bowie là Diamond Dogs tung ra vào năm 1974, thực chất là một tập hợp các bài hát được dự định sáng tác cho những dự án dang dở trước đó. Nhưng do gặp quá nhiều biến cố lớn trong cuộc đời nên nội dung của album này sẽ còn nặng nề hơn cả The Man Who Sold The World. Bowie lúc này cũng nghiện rất nặng nên sự điên cuồng của ông là rất lớn. Sự nặng nề của album được thể hiện ngay từ bìa đĩa, ban đầu được thiết kế bởi Guy Peelaerts người Bỉ, cho thấy David là một trong những con chó kim cương đột biến – nửa người nửa chó. Phần mở đầu của album cũng giới thiệu về một thế giới kinh hoàng, đen tối tại New York sau cuộc chiến tranh hạt nhân, nơi rình rập sự đáng sợ, lo ngại, bệnh hoạn, kinh tởm của ngày tận thế. "Diamond Dogs" là phần tiếp theo hợp lý của "ALaddInsane". Một số bản nhạc có cảm giác rock'n'roll. Ví dụ, ca khúc chủ đề là một bài hát khác theo định hướng của Stones. Nó được chọn làm đĩa đơn nhưng không thành công đáng kể trong bảng xếp hạng (chỉ đứng thứ 21 ở Anh). Điểm nổi bật của album này tất nhiên là "Rebel Rebel". Một sự tôn kính khác dành cho Richards và những đoạn riff guitar biểu diễn của ông này. Nó đạt vị trí thứ năm của bảng xếp hạng. Đây cũng là album cuối cùng của Bowie còn có những ảnh hưởng của Glam Rock. Sau album này, Bowie sẽ rời bỏ Glam để chuyển sang Funk/Soul theo phong cách của Mỹ. Việc Bowie rời bỏ Glam cũng là điểm khởi đầu cho sự suy tàn của dòng nhạc này. Album rất hay, và tiếp tục thành công về mặt thương mại, nó sẽ đạt vị trí dẫn đầu của bảng xếp hạng Vương quốc Anh (và đây là album thứ ba liên tiếp của Bowie lên hạng nhất chỉ trong vòng một năm). Nó cũng trở thành bản hit lớn nhất của ông tại Mỹ cho đến thời điểm này (lên thứ 5). Bộ sưu tập có bản 24 bit và bản remastered 99, bản 30 năm đã chuyển quyền sở hữu. Trong những năm tiếp theo tại Mỹ, Bowie cố gắng lựa chọn một band nhạc để tiếp tục hoạt động cùng mình, trong đó có tay guitar huyền thoại Carlos Alomar, người góp công lớn khiến Bowie yêu thích âm nhạc của người Mỹ da đen hơn. Trong thời gian này David đang nghiện rất nặng, nó ảnh hưởng tới cả sức khỏe lẫn tinh thần của ông này, rất nhiều những tuyên bố cực hữu của ông này đã được phát ra trong hoàn cảnh không thể kiểm soát bởi những cơn nghiện sẽ làm cho hình ảnh của Bowie xấu đi và gây ra nhiều tranh cãi. Nó có lẽ cũng ảnh hưởng tới khẩu vị âm nhạc của Bowie. Lúc này, Bowie đã chán ngấy nhạc rock. Ông từng tuyên bố: "Tôi không còn hứng thú với rock'n'roll nữa. Rock'n'roll đã chết hoàn toàn. Nó trông giống như một bà già lụ khụ không có răng vậy". Bowie đã là nhạc sĩ rất đa thể loại: từ Folk, hard-rock, glam-rock, Rock n roll. Vậy hướng đi tiếp theo thế nào cho ông bây giờ. Chúng ta đã từng thấy những ảnh hưởng của âm nhạc Mỹ trong các album Aladdin Sane hay Diamond Dogs. Có thể cảm nhận được bầu không khí soul khi nghe các bài hát "1984" và Rock & Roll With Me". Và cuối cùng thì ông theo đuổi phong cách Funk/Soul hoàn toàn trong album tiếp theo là Young Americans vào năm 1975. Album đánh dấu một sự thay đổi rất mạnh mẽ của Bowie sau này. Kể từ bây giờ trở đi, David sẽ khiến người hâm mộ ngạc nhiên với hầu hết các bản phát hành của mình. Nhiều người trong số họ sẽ không hiểu được sự thay đổi âm nhạc đầy kịch tính này. Trong album, Bowie còn kết hợp với cả John Lennon để viết một bài hát. Dù phong cách đầy lạ lẫm này chắc hẳn khiến nhiều người hâm mộ không hài lòng nhưng trên thực tế, album khá thành công, nó vươn tới vị trí số 2 tại Anh Quốc và hạng 9 tại Mỹ. Bài hát Fame viết cùng Lennon rất được yêu thích và nổi tiếng, tới mức khiến chính John cũng phải bất ngờ. (Nó chiếm đỉnh bảng của Mỹ). Bộ sưu tập có 2 album này: bản 24 bit và bản thường. Trong thời điểm những năm 75-76 Bowie còn tham gia diễn xuất và đóng phim nữa, ông rất bận. Nhưng đây cũng là thời điểm ông có những sáng tạo thực sự điên cuồng. Album tiếp theo là Station To Station một lần nữa được viết, thu âm và phát hành một cách nhanh chóng chỉ trong thời gian rất ngắn cuối năm 1975. Thành công của album thử nghiệm Young Americans đã khiến Bowie mạnh dạn hơn trong những thử nghiệm mới của mình. Album này có âm thanh nghe hoàn toàn khác so với các albums trước đó. Ảnh hưởng của Funk vẫn còn rất nhiều nhưng nó được kết hợp với tâm trạng rock tuyệt vời. Carlos thể hiện kỹ năng chơi nhạc tuyệt vời của mình trên cây guitar điện với sự kết hợp tuyệt vời của tay guitar thứ hai là Slick. Theo một cách nào đó, nó là tiền thân của bộ ba trio độc đáo "Berlin" sau này. Tức là lúc này, Bowie bắt đầu tích hợp những âm thanh điện tử kiểu Krautrock (Kraftwerk hay Neu!) vào trong âm nhạc của mình. Bài hát mở đầu trùng tên album là bài hát phòng thu chính thức dài nhất của Bowie. Đồng hồ chỉ hơn mười phút trong chuyến hành trình tuyệt vời đến với nhạc rock và âm thanh sôi nổi. Bộ đôi guitar thật phi thường và gợi nhớ về những ngày của "Width Of A Circle". Tại album này Bowie sẽ giới thiệu nhân vật tiếp theo trong cuộc đời ông là the Thin White Duke. Mặc dù tuyên bố Rock N Roll đã chết nhưng Bowie lại quay trở lại với Rock ở một mức cao nhất của mình. Với những bài hát tuyệt vời như Word On A Wing, TVC 15. Album rất hay và nó là bước đệm cho một thứ âm nhạc nghiêng nhiều hơn về Krautrock sau này của Bowie. Album vẫn tiếp tục thành công về mặt thương mại khi vượt lên vị trí thứ 3 tại Mỹ (vị trí cao nhất tính tới thời điểm bấy giờ) và thứ 5 tại UK. Bộ sưu tập có bản thường của album này. (còn tiếp)
Album đấy cũng có nhiều bài rất hay mà bác. Đúng là mang nhiều âm hưởng của Rolling Stones nhưng vẫn khá nhiều bài hay như Drive-In Saturday, The Prettiest Star hay The Jean Genie đều thuộc hàng kinh điển cả.
David Bowie (tiếp theo) Vào cuối năm 1976, Bowie bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn và ấn tượng với âm nhạc hiện đại của Đức. Cộng với việc sức khỏe không ổn định do nghiện quá nặng đã khiến ông đưa ra quyết định chuyển tới Berlin để cai nghiện và hồi sinh sự nghiệp của mình. Tại đây ông có cơ hội làm việc với Brian Eno và ở chung căn hộ với Iggy Pop cũng tới đây để cai nghiện. Cũng dễ hiểu khi ông bắt đầu tập trung vào ambient và tối giản cho album đầu tiên trong số ba album- Low năm 1977. Album này được cho là mở đầu bộ ba Berlin, điều này có phần không chính xác. Album chủ yếu được thu âm tại Pháp và chỉ phối âm tại Berlin. Nhưng đúng là David và Angie đã dành một khoảng thời gian bên nhau gần như trước Bức tường Berlin, điều này sẽ tạo thêm tâm trạng buồn cho album này, vì ngay sau đó thì họ chia tay. David liên hệ với Brian Eno (người đang sản xuất "Ultravox!") và nhờ ông này giúp đỡ trong dự án mới của mình. Một lần nữa, Bowie đang thay đổi gần như hoàn toàn nguồn cảm hứng âm nhạc. Sự lạnh lẽo của album đạt đến đỉnh điểm trong toàn bộ mặt B của nó. Về mức độ thành công và nổi tiếng, sự thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến thành công của David. Album đạt vị trí thứ hai ở Anh và thứ 11 ở Mỹ. Đối với một nỗ lực thử nghiệm như vậy, đó không phải là một kết quả quá tệ. Về mặt âm nhạc, mặt A của album là một bộ sưu tập tuyệt vời các đoạn nhạc ngắn, một số trong chúng cực kỳ hấp dẫn như đĩa đơn ăn khách "Sound & Vision" hay "Speed Of Life" đầy âm thanh synth tuyệt vời và rất cân bằng. Nhưng nếu những bài này dài hơn nữa thì có lẽ sẽ còn tốt hơn. Điều đặc biệt hơn nữa, album này chủ yếu là nhạc hòa tấu, đặc biệt là mặt B. Có lẽ là không có ca sĩ lớn nào khác lại sản xuất một album kiểu như vậy. Vì nó như thể mình tự cắt đi phần quý giá và ăn khách nhất của mình. Nhưng phải nói rằng album này rất tuyệt vời. Lúc này, có lẽ David đang "hát" bằng một ngôn ngữ không xác định. Ông từng nói rằng mình đã quá nhàm chán với lời nhạc rock truyền thống đến nỗi quyết định tự nguyện chọn một số thứ khó hiểu. Và đó chính là điểm xuất phát của album tuyệt vời này. Trong album, David cũng chơi Sax và rất tuyệt vời. Ta nên nhớ lại rằng sax chính là nhạc cụ đầu tiên của ông này. Bộ sưu tập cũng có 2 bản của album này: bản 24 bit và bản thường Năm 1977, David cũng sẽ sản xuất hai album cho Iggy. Đối với "The Idiot", anh ấy sẽ viết một số bài hát tuyệt vời mà thế giới sẽ không thể quên như "China Girl" cũng như "Nightclubbing". Bowie thậm chí còn giữ giúp đỡ Iggy Pop bằng cách tham gia hỗ trợ ông này trong các chuyến lưu diễn. Sau đó là Lust Of Life, album mà Bowie sẽ đặt dấu ấn trong tất cả các bài hát (ngoại trừ bài "Passenger"). Đây thực sự là những món quà rất quý cho người bạn Iggy của ông ấy! Và sẽ không có ai khác có thể làm được những việc như vậy, nhưng đó mới chính là Bowie. Album thứ hai trong chùm Berlin là Heroes – nó có lẽ là album mang đầy đủ tính Berlin nhất trong cả 3 albums. Album này thực chất được ghi âm trực tiếp trong studio với sự góp mặt của một nghệ sĩ guitar khách mời vô cùng nổi tiếng là Robert Fripp! Ông này chỉ đến ghi âm trong một ngày, và do đó chúng ta có cả Fripp và Eno trong một album. Không quá tệ, phải không? Album thực chất được ghi âm vào năm 77 nhưng sau đó, do Bowie bận trợ giúp Iggy Pop và hãng RCA cũng không thực sự tin tưởng vào sự thành công về mặt thương mại của nó lắm nên đã trì hoãn tung ra. Mặc dù album không thành công về mặt thương mại lắm tại Mỹ Mỹ (chỉ đứng ở vị trí 35) nhưng lại được đón nhận nồng nhiệt ở Anh (thứ 3). Một trong những giám đốc điều hành của RCA (Stephen Weltman) sẽ tìm những từ hay nhất để quảng cáo cho album: "Có new wave, có oldwave, và có Bowie". Do ghi âm rất gần với album Low nên album này cũng có cấu trúc gần giống với album kể trên, tức là mặt A thì gồm các bài hát ngắn, có chút lời còn mặt B thì chủ yếu là hòa tấu. Điểm khác biệt là album mang nhiều mặt tích cực, ít đen tối và lạnh lẽo hơn so với album trước. Album này được giới chuyên môn đánh giá rất cao, một phần cũng do ảnh hưởng của Fripp. Bài hát hay nhất trong album có lẽ là bài chủ đề Heroes, nó cũng được phát hành dưới dạng đĩa đơn, nhưng lại không mấy thành công về mặt thương mại. Bài hát kể một câu chuyện tình yêu rất hiếm gặp trong sự nghiệp của Bowie. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, đây là một trong những bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của Bowie, sau này được rất nhiều nghệ sĩ cover lại. Bộ sưu tập có 3 bản của albums này: Bản remastered 2009, bản 24 bit và bản gốc của hãng Rykodisc - Mỹ. Vào thời điểm năm 78-79, Bowie đã dần thoát khỏi cảnh nghiện ngập và đi lưu diễn trở lại, đó là điểm tích cực của việc chuyển tới Berlin sinh sống. Và album cuối cùng của ông tại Berlin sẽ là Lodge vào năm 79. Tuy cùng là trong bộ 3 albums Berlin nhưng nó thực sự ít liên quan đến Berlin. Nó được viết chủ yếu trong chuyến lưu diễn "Stage" và được thu âm ở New York và Montreux. Lúc này thì tính thử nghiệm trong âm nhạc của Bowie cũng đã giảm đi rõ rệt, Brian Eno cũng tham gia ít hơn trong album này. Lúc này thì Fripp đã không còn trong album nữa và người thay thế là Belew trên cây đàn guitar- Belew sau này sẽ tham gia nhóm King Crimson của Fripp. Một người quen cũ cũng đang quay lại: Tony Visconti sẽ chơi một số đoạn bass và guitar, ông này cũng tham gia hát đệm. Album này bắt đầu tránh xa bản chất tối giản, ambient của hai album trước và quay trở lại một phần với nhạc rock và pop dựa trên trống và guitar (của thời kỳ tiền Berlin). Do đó, nó rất gần với âm nhạc của album Scary Monster tiếp theo với những bài hát như "Fantastic Voyage", "Move On", "Red Sails. Album này chính vì thế cũng dễ nghe hơn rất nhiều so với "Low" hoặc "Heroes". Album này cũng khá thành công về mặt thương mại khi chiếm hạng 4 tại UK và 20 tại Mỹ. Mối quan hệ có phần giảm sút với Eno chắc chắn khiến cho âm nhạc trong album thay đổi nhưng đồng thời nó cũng mở ra một chương mới cho sự nghiệp Bowie, giai đoạn mà ông tiếp tục thương mại hóa âm nhạc theo chiều hướng New Romantic và Pop. Hiện em chưa có album này. (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Trong thời gian gần 2 năm tiếp theo, Bowie tạm thời rời bỏ âm nhạc và tham gia sân khấu với vai diễn chính rất thành công trong The Elephant Man. Nhưng khác với những lần trước, Bowie lần này tránh xa sự nổi tiếng và đám đông, sống gần như ẩn dật. Bộ 3 Berlin có thể coi là rất thành công về mặt nghệ thuật nhưng lại kém thành công về mặt thương mại. Có lẽ chính vì lý do này đã khiến Bowie muốn quay trở lại với thứ âm thanh Pop Rock vốn đã rất thành công của mình. Ông phát hành album Scary Monster vào cuối năm 1980. Đối với album này, Fripp đã trở lại chơi guitar và người ta có thể ngay lập tức cảm nhận được ảnh hưởng phi thường của ông này trong những bản nhạc đầu tiên của album. Album còn có sự tham gia của tay guitar huyền thoại Pet Townsend. Âm nhạc mang nhiều tính Rock, new wave và cả post punk nữa. Single chính của album là Ashes to Ashes cũng chứng kiến sự trở lại của Major Tom trong Space Oddity sau 11 năm lang thang ngoài vũ trụ. Album này cũng rất hay và có thể coi là tuyệt tác cuối cùng của Bowie trong giai đoạn hoàng kim đầu tiên. Những albums có thể coi là tuyệt tác của ông này sẽ chỉ còn xuất hiện trong thập kỷ 2010s. Album rất thành công về mặt thương mại khi trở lại dẫn đầu bảng xếp hạng UK và hạng 12 tại Mỹ. Bộ sưu tập có bản của Rykodisc Trong những năm sau đó, Bowie dành thời gian để hợp tác với một số nghệ sĩ, trong đó có Queen trước khi chuyển hẳn sang thương mại hóa hoàn toàn vào năm 1983 với album Let’s Dance. Lúc này thì âm nhạc của ông đã chuyển hẳn sang phong cách rất thịnh hành trong thập kỷ 80s là Disco và Electro Dance. Album này rất thành công về mặt thương mại với vị trí dẫn đầu tại Anh và số 3 tại Mỹ. Album này là album thành công nhất về mặt thương mại của Bowie với khoảng 11 triệu bản bán được trên toàn thế giới. Nhưng khác với Scary Monster, vừa thành công về mặt thương mại vừa được giới chuyên môn khen ngợi. Let’s Dance lại bị giới chuyên môn đánh giá không cao. Mặc dù single chính cùng tên của album là Let’s Dance sẽ chiếm vị trí số 1 trên hầu hết các bảng xếp hạng thế giới, đặc biệt tại UK và Mỹ (đây cũng là bài hát duy nhất của ông có thể làm được điều này) nhưng âm nhạc khá đơn giản và ít dần tính sáng tạo với khá nhiều bài đi cover lại. Album này cũng đánh dấu sự đi xuống dần về khả năng sáng tạo của BOWIE, sau này Bowie dựa rất nhiều vào người bạn Iggy Pop và thường cover lại các bài hát của ông này. Bộ sưu tập có 1 bản thường và 1 bản remastered -2009 Những album như Tonight -84 hay Never Let Me Down -1987 theo phong cách Pop và không có nhiều điểm nhấn và là những album đáng quên trong sự nghiệp của Bowie. Sự thất vọng lớn tới mức chính Bowie cũng đã công khai xin lỗi khán giả, mặc dù những album vẫn tiếp tục thành công về mặt thương mại. Hiện tại em chưa có 2 albums này. Nhạc điện tử Năm 1993 chứng kiến sự khởi đầu của BOWIE trở lại thử nghiệm nhạc điện tử và Dance với album "Black Tie White Noise". Trong album này, Bowie đã quay trở lại thử nghiệm với rất nhiều các thể loại khác nhau: art rock, electronic, soul, jazz, pop và hip-hop. Ý tưởng của ông không tệ nhưng sự sáng tạo và nhuần nhuyễn có lẽ cũng đã giảm nhiều. Album có chất lượng ở mức khá và cũng đánh dấu sự trở lại với những thứ âm nhạc nghiêng nhiều về tính nghệ thuật hơn của Bowie so với thứ âm nhạc mang nhiều tính giải trí trước đó. Nó cũng thành công về mặt thương mại khi lên được hạng 1 tại Anh nhưng chỉ chiếm hạng 39 tại Mỹ. Bộ sưu tập có bản Special Edition của Nhật Bao gồm 1 CD dạng slipcase, 2 OBI, 1 quyển sách tiếng Anh, 1 quyển tiếng Nhật và 1 poster đen trắng Năm 1995, BOWIE bắt đầu hợp tác mới với Brian ENO, được dự định là một dự án dài hơi với concpet gồm 5 albums, (5 album sẽ được tạo ra trong 5 năm kể từ năm 1999), nhưng trên thực tế '1. Outside' là album duy nhất thực sự được sản xuất. Âm nhạc mang rất nhiều âm hưởng của nhạc Industrial, ambient với Electronic là phần cốt lõi của âm nhạc. Dù album có chất lượng khá tốt và được giới chuyên môn ca ngợi, nó lại kém thành công hơn về mặt thương mại so với album trước (chỉ lên được hạng 8 tại Anh, hạng 21 tại Mỹ). Bowie tiếp tục thử nghiệm trong album tiếp theo 'Earthling' -1997, với các bản nhạc mang tính techno/house và ambient, jungle music. Ngoài ra còn có phong cách post -grunge nữa. Một số ý tưởng trong album khá tốt như trong các bài hát Little Wonder", "Dead Man Walking" hay "I'm Afraid of Americans" nhưng có vẻ việc thực hiện với phong cách trống điện rất mạnh khiến cho nhiều khán giả trung thành của ông thất vọng. Có lẽ mục đích của Bowie là thực hiện những album theo phong cách của thời đại nhằm thu hút thêm lượng khán giả trẻ tuổi. Và ông là một trong những bậc thầy của các thể loại thử nghiệm này. Album không phải là tệ, nhưng cũng không quá hay. Album cũng khá thành công tại Anh khi đứng vị trí số 6, tại Mỹ ở vị trí 39. Nhưng thành công nhất là tại Nhật Bản (số lượng bán ra nhiều nhất – đạt đĩa vàng với khoảng 100 nghìn bản). (2 albums này em chưa có) (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Trở lại với phong cách Pop Rock Sau một số thử nghiệm với âm nhạc điện tử, bản thân Bowie cũng cảm nhận được những vấn đề của chính bản thân mình. Nên trong những năm tiếp theo ông quay trở lại với những albums kiểu Art Pop Rock như trong Honky Dory. Khởi đầu cho chuỗi các album này là Hours vào năm 1999. David đã trở lại với một album rất cá nhân. Gợi nhớ rất nhiều về những ngày đầu vinh quang, âm nhạc hay (một số có thể nói là quá dễ tiếp cận). Tất cả những nhịp điệu techno và house “khủng khiếp" đã biến mất. Thời kỳ điện tử đã qua hoàn toàn. Tuy album có thể hơi đều đều và ít tính đột biến hơn, nhưng các bài hát tràn đầy cảm xúc, tinh tế và có giai điệu hay. David trở lại những ngày đầu kiểu Pop Rock với một số bài hát có giai điệu rất tốt như "Thursday Child", " Something In The Air", "Seven" và "If I'm Dreaming My Life". Album này với nhiều khán giả như là sự hồi sinh của Bowie. Nơi ông đã quay trở lại với "phong cách Bowie " cổ điển hơn, và ở cấp độ mới, trưởng thành hơn. Album này khá thành công tại Anh (hạng 4) và Pháp (bán được trên 100 nghìn bản) nhưng lại không thành công lắm tại Mỹ (hạng 47 – thấp nhất kể từ năm 72). Bộ sưu tập có 2 bản của album: bản SE Lenticular cover (vỏ đĩa hình 3D) và bản thường Phong cách Art Pop Rock rất nhẹ nhàng và không còn nhiều tính thử nghiệm này tiếp tục với album Heathen trong năm 2002. Cũng giống như Hours, albums gồm nhiều những bài hát có tiết tấu chậm (có lẽ là chậm hơn cả Hours) nhưng với giai điệu rất tốt. Album có sự đóng góp của các nghệ sĩ nổi tiếng như Tony LEVIN, Jordan RUDESS, Pete TOWNSEND. Album có chất lượng rất tốt nên rất thành công tại cả Anh (hạng 5) và Mỹ (hạng 14 – thứ hạng cao nhất kể từ năm 84). Nó có khá nhiều điểm tương đồng với Scary Monster nên còn được nhiều người ví như phần tiếp theo của album này. Bộ sưu tập có album này bản thường Album cuối cùng trong phần trở lại với Art Pop Rock này là Reality được tung ra vào năm 2003 có vẻ như mang phong cách Rock trực diện hơn so với 2 albums trước là Hours và Heathen. Với giai điệu mạnh mẽ, không khí hoài cổ tương tự nhưng có lẽ với âm nhạc trưởng thành hơn. Có thể là album này có phần lặp lại hơi nhiều , đặc biệt là từ 2 albums trước đó vì nó nghe rất ấm áp và dễ chịu, không chiêu trò, không gây shock, không thử nghiệm. Các bài hát đều có chất lượng khá ổn. Âm nhạc mạnh mẽ, mang nhiều tính tích cực. (Hiện tại em chưa có album này). Sau album Reality, Bowie gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong 10 năm sau đó, ông chủ yếu giành thời gian chữa bệnh, thỉnh thoảng xuất hiện trong các album, buổi hòa nhạc dưới dạng khách mời đặc biệt của các nghệ sĩ như Alicia Keys… cũng như ghi âm một số single hoặc những bài hát trong nhạc phim. Thế nhưng, đây sẽ chỉ là giai đoạn nghỉ cần thiết để ông quay lại với đỉnh cao nghệ thuật trong những năm cuối đời. Bowie có lẽ đã chuẩn bị rất nhiều để tung ra những nhạc phẩm cuối cùng trong cuộc đời đầy hào hùng của ông. Album tiếp theo The Next Day – 2013 được thu âm một cách hoàn toàn bí mật với các nhạc sĩ thậm chí đã ký hợp đồng để giữ bí mật việc này. Album đầu tiên của David Bowie sau mười năm đã gây ra một chút bất ngờ khi không có dấu hiệu nào cho thấy Bowie có thể trở lại với âm nhạc cho đến khi ông phát hành đĩa đơn nhẹ nhàng Where Are We Now? – một bài hát có tiết tấu hơi chậm và có lẽ cũng không quá đặc biệt. Có tin đồn rằng ông đã quay trở lại những năm 70 của mình để làm việc, khiến nhiều người hy vọng về một điều gì đó giống như Ziggy Stardust. Rõ ràng là không phải như vậy, và nếu nhìn vào bìa đĩa, chúng ta sẽ nghĩ rằng nó là một bản sao khá rẻ tiền của Heroes với một hình vuông lớn màu trắng có chứa tiêu đề album trên đó. Khi mới nghe qua, ta sẽ nghĩ rằng nó gần giống như một album trong giai đoạn cuối những năm 70s vào đầu 80s của ông này. Tức là các bài hát rock với những đoạn riff mạnh mẽ và chỉ có một số ít bản nhẹ nhàng kiểu ballad. Nhưng lúc này Bowie đang có phong độ tuyệt vời, giọng hát cũng đầy mạnh mẽ và không hề giống một người đàn ông đã ngoài 60 tuổi. Có lẽ việc trải qua những cú shock về sức khỏe (ông bị trụy tim gần chết) đã khiến những bài hát trở nên nhiều trăn trở, đặc biệt là về cuộc sống và cái chết. Nhưng bài hát trải dài đôi khi đơn giản và lặp lại, lúc thì lạc quan, yêu đời, khi thì u ám và ủ rũ. Nhìn chung, mặc dù tác phẩm này sẽ không thể so sánh với các tác phẩm vĩ đại nhất của ông trong những năm 70 nhưng nó vẫn là một tác phẩm tuyệt vời và tốt hơn nhiều so với những gì khán giả có thể tưởng tượng. Đây có thể coi là một album có chất lượng vượt trội của Bowie nếu so sánh với các album trong thập kỷ 90 -2000. Album cũng rất thành công về mặt thương mại khi chiếm vị trí số 1 tại Anh, vị trí thứ 2 tại Mỹ. Bộ sưu tập có bản SE digipack của album này. Những năm sau đó, cảm nhận về cái chết có lẽ đã đến hết sức mạnh mẽ với Bowie, một lần nữa trong bí mật, ông ghi âm tuyệt phẩm cuối cùng của cuộc đời mình – đó chính là album Black Star. Bowie như một con tắc kè hoa, luôn luôn thay đổi và khiến cho chúng ta không thể lường trước được và lần này cũng như vậy, nhưng bây giờ là với nhạc Jazz, Hip Hop, Experimental và cả Electronics nữa. Lúc này Bowie đang chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối, nhưng cố gắng hoàn thiện album có lẽ là tham vọng nhất trong cuộc đời của ông. Hỗ trợ cho Bowie là một band nhạc Jazz thực thụ. Âm nhạc trong album mang tính thử nghiệm rất lớn, có thể còn lớn hơn tất cả các albums trước đây của ông. Bowie như thể là một con tằm, cố gắng tung ra những loạt tơ óng ánh nhất trước khi kết thúc cuộc đời của mình. Album tung ra đúng vào ngày sinh nhật thứ 69 của ông, chỉ 2 ngày trước khi ông quả đời và đã tạo ra cho thế giới một cú shock. Bowie có lẽ đã ở đỉnh cao nhất của nghệ thuật với album này. Một album tăm tối, nặng nề, đen tối như những giây phút cuối cùng trong cuộc đời ông vậy. Nhưng nó khiến mọi người đều xúc động. Có thể nói rằng, đây có lẽ cũng là album hay nhất của âm nhạc thế giới trong thập kỷ 2010s. Chất lượng nghệ thuật của nó có thể còn cao hơn cả Ziggy Stardust, Honky Dory, Low, Heroes hay Scary Monster nữa. Album có lẽ đứng đầu hầu như tất cả các bảng xếp hạng trên toàn thế giới và đóng lại một cách không thể tốt đẹp hơn sự nghiệp của một quái kiệt âm nhạc. Album sau này còn giành tới 5 giải thưởng Grammy (tất cả các giải mà nó tranh cử). Trớ trêu thay, đây lại là những giải thưởng Grammy chính thức đầu tiên của ông trong lĩnh vực âm nhạc mặc dù trước đó vào năm 2006, ông đã giành giải Grammy trọn đời và một Grammy cho video dạng short form vào năm 85, nhưng chưa thực sự giành giải nào chính thức trong các lĩnh vực âm nhạc. Những ảnh hưởng của Bowie tới âm nhạc hiện đại là rất lớn, chính vì thế ông đã được đưa vào sảnh danh vọng Hall Of Fame vào năm 1996 với tư cách nghệ sĩ và một lần nữa vào năm 2005 với tư cách là nhạc sĩ sáng tác. Bowie thực sự là một quái kiệt của âm nhạc thế giới. Bộ sưu tập cũng có album này, bản của Nga (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Live albums Tuy là một nghệ sĩ rất nổi tiếng, trình diễn rất thành công nhưng Bowie lại không thực sự có nhiều những albums chơi live và điều này cũng có nguyên nhân của nó. Thập kỷ 70s là thập kỷ thành công nhất của ông với rất nhiều albums hay, có thể coi là kinh điển như: The Man, Hunky Dory, Ziggy Stardust, Low, Heroes… nhưng Bowie gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý… nên ông có lẽ muốn thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Do đó trong thập kỷ 70, ông chỉ có 2 albums live là David live vào năm 74 và The Stage vào năm 78. Nhưng trong đó David live là một album có chất lượng rất kém khi thu âm vào thời điểm Bowie đang chuyển dần âm nhạc sang Mỹ. Album này bị chỉ trích thậm tệ và cũng không được khán giả yêu thích. The Stage được thu âm vào thời điểm những năm 77-78 khi mà Bowie đã chuyển dần sang Krautrock. Album này do đó chủ yếu là các bài hát trong 3 albums: Heroes, Low, Station To Station và Ziggy. Album này có chất lượng rất tốt và khá thành công tại Anh (nhưng lại không thành công tại Mỹ) và cũng được fan hâm mộ yêu thích. Ngoài bản LP năm 78 của hãng RCA thì đã được tái bản 4 lần bằng CD gồm năm 84 của hãng RCA, 91 của Rykodisc, 2005 của EMI và 2017 của Parlophone. Các bản đều có chất lượng khá ổn. Bộ sưu tập có album này dạng CD Ngoài các bản David Live và Stage còn có một bản thu âm nữa của ông vào chuyến lưu diễn Ziggy tại Santa Monica vào năm 72 nhưng có vẻ như David không còn hứng thú để tung ra nữa. Do đó bản ghi âm này chỉ tồn tại dưới dạng Bootleg và có một số phận rất thăng trầm. Tới năm 94 nó đã được tung ra dưới dạng limited for fan club với số lượng rất hạn chế nhưng phải tới năm 2008, Bowie mới cho phép tung ra dưới dạng album chính thức. Album này rất hay, chất lượng tốt và Bowie chơi với đội hình của Spiders From Mars. Bản sản xuất năm 2008 này có 2 loại: 1 loại CD bình thường và một loại boxset có số lượng hạn chế với những hình ảnh tại thời điểm năm 1972. Bản boxset này sửa lại ngày lưu diễn trên bìa ngoài (chữ màu đỏ) thành số của CD (limited). Bộ sưu tầm có bản boxset - số 16144 Bao gồm: 1 hộp đựng CD, 1 sách, 1 CD, 4 cards, 1 poster Vì các albums live đều không đạt yêu cầu nên sau này Bowie rất ít khi ra album live. Ngoài album soundtrack của bộ phim Ziggy (mãi tới năm 83 mới phát hành) thì phải tới năm 2010 ông mới tung ra một album chính thức là A Reality Tour (còn lại các album khác thì đều là dạng archival hoặc không chính thức). Sau này khi ông qua đời, rất nhiều những bản thu âm live mới có thể được phát hành. Albums dạng compilation (tuyển chọn) Do sự nghiệp rất thành công và kéo dài nên bản thân Bowie cũng có nhiều album dưới dạng Compilation – tức là album tuyển chọn các bài hát. Do có rất nhiều albums dạng này nên ở đây chỉ giới thiệu những album có trong bộ sưu tập. Trong số những album tuyển chọn này, nổi tiếng nhất trong thập kỷ 70s có lẽ là ChangesoneBowie do hãng RCA phát hành (định dạng LP). Nhưng sau đó, vào khoảng năm 1984, khi CD bắt đầu ra đời, hãng RCA muốn phát hành lại toàn bộ các albums trong sự nghiệp của Bowie nhưng rồi gặp phải sự phản đối của ông này. Cuối cùng thì dự án phải hủy bỏ. Bowie sau này ký hợp đồng với hãng Rykodisc và tung ra các album định dạng CD. Để thay thế cho ChangesoneBowie và changetwoBowie, hãng đĩa này đã tổng hợp ra album Changesbowie. Album này rất thành công và được nhiều người yêu mến khi tung ra vào năm 90. Bộ sưu tập có 2 bản: bản của Rykodisc - Mỹ và bản của EMI - UK. Vào những năm 90 thì CD rất nổi tiếng và nhanh chóng chiếm thị phần của Vinyl. Mà chúng ta cũng biết rằng Bowie là người có rất nhiều những single hay, đa phần là dưới định dạng Vinyl 7’’. Lúc này gần như Vinyl chỉ còn sống thoi thóp nên không mấy khán giả trẻ tuổi có thể nghe được những single này. Do đó, hãng đĩa của Bowie là EMI tại Anh và Rykodisc tại Mỹ đã remastered lại tất cả các single của ông này từ năm 69 tới năm 93 để tung ra một album kép là The Singles Collection – đây là lần đầu tiên nhiều các single vinyl được chuyển sang định dạng số. Cần lưu ý là các bài hát trong single thì chưa chắc đã giống hoàn toàn với những bài hát tương tự trong album. Nhiều khi do tính quảng bá nên single sẽ thay đổi đôi chút so với bản trong album( thường còn gọi là single edit hoặc radio edit). Đây cũng là một trong những album kinh điển và mang tính tiên phong về mặt ý tưởng công nghệ lúc bấy giờ. Vào năm 2002 sau khi album Heathen đạt được thành công lớn, giúp cho Bowie được quan tâm trở lại sau khá nhiều năm. Hãng đĩa của ông đã tranh thủ ra thêm một album Greatest Hits nữa có tên là The Best Of Bowie để giúp cho khán giả trẻ dễ tiếp cận với âm nhạc của Bowie hơn. Album này làm theo định hướng là mỗi album lấy một (hoặc vài) bài tiêu biểu từ năm 69 tới 2002. Ngoài ra thì còn có một số bài hát Bowie kết hợp với các nghệ sĩ khác như Queen, Mick Jagger, Pet Shop Boy… Album này cũng có chất lượng khá tốt. Ngoài ra còn có cả DVD những bài hát này. Album này cũng rất thành công, và thậm chí sau khi Bowie qua đời, album còn tiến lên vị trí số 1 tại Anh Quốc. iSelect (or iSelectBowie) là một album tổng hợp của David Bowie được phát hành lần đầu vào ngày 29 tháng 6 năm 2008 tại Vương quốc Anh và Ireland. Đĩa CD này được cung cấp độc quyền dưới dạng quà tặng miễn phí cùng với ấn bản ngày 29 tháng 6 của tờ báo Anh là The Mail on Sunday. Các lựa chọn trong album rất lạ, chủ yếu là các bài hát ít nổi tiếng của Bowie trong từng album. Chỉ có ba bài hát đã được tung ra dưới dạng đĩa đơn("Life on Mars?", "Loving the Alien" và "Time Will Crawl"). Phiên bản "Time Will Crawl" có trong album là bản phối lại của Mario J. McNulty gồm một số phần mới được ghi lại nhằm nỗ lực làm lại một số tài liệu mà Bowie đã phát hành nhưng thực sự làm ông thất vọng như trong album Never Let Me Down. Đây vì thế cũng là một album lạ và có chất lượng riêng. Sound + Vision thực chất là một bộ boxset đầu tiên của David Bowie, phát hành năm 1989 do hãng đĩa Rykodisc phát hành. Nên nhớ rằng đến cuối những năm 1980, bản quyền đối với danh mục trước năm 1983 của Bowie (ban đầu do Phillips/Mercury Records và RCA Records phát hành) được hoàn trả cho Bowie và công ty quản lý của ông là MainMan. Rykodisc đã tiếp cận Bowie vào năm 1988 để phát hành lại các album của ông này trên CD và Bowie đã đồng ý. Vào tháng 9 năm 1989, để kỷ niệm cho hợp đồng này thì hãng dĩa đã phát hành boxset Sound + Vision. Đến tháng 4 năm 1990, boxset này đã bán được hơn 200.000 bản, với giá mỗi bộ từ 50–60 đô la Mỹ và được coi là một "hiện tượng". Sound + Vision như một quá trình hồi tưởng sự nghiệp, được mô phỏng theo Biography của Bob Dylan và Cross Road của Eric Clapton. Tức là nó bao gồm các sản phẩm của Bowie từ năm 1969 đến năm 1980. Nó chứa một số bản hit hay nhất của Bowie nhưng không phải ở dạng nguyên bản, thay vào đó thường chọn các bản trình diễn tại các buổi khách mời, phiên bản trực tiếp và thậm chí là phiên bản tiếng Đức của ""Heroes"" ("Helden"). Do đó đây là phiên bản khá hiếm, với sự có mặt của "Wild Eyed Boy from Freecloud" và "Rebel Rebel" dạng single, các bản thu âm chưa phát hành trước đó trong studio "London Bye Ta-Ta", "1984/Dodo" , "After Today"" và "It's Hard to Be a Saint in the City"—chỉ có trong boxset này. Boxset rất thành công và đoạt giải Grammy cho boxset đẹp nhất. Sau này còn ra lại dưới định dạng CDs. Bộ sưu tập có Cd 1 và 3. (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Singles Với một sự nghiệp kéo dài tới cả 6 thập kỷ (từ 60, 70, 80, 90, 2000 và 2010s) Bowie rất thành công với nhiều albums cũng như single rất hay. Ông có một bộ sưu tập khổng lồ các single mà, thậm chí có những trường hợp album đã ra từ rất lâu rồi thì các hãng đĩa mới cho ra single nhân kỷ niệm những dịp quan trọng trong sự nghiệp của Bowie. Trong thập kỷ 70-80 rất nhiều single của ông đã làm mưa làm gió trên toàn thế giới. Bộ sưu tập cũng có một số lượng khá lớn các single của ông. Trong thập kỷ 60s Bowie cũng lăn lộn qua rất nhiều hãng đĩa và Pye là một trong những hãng ông gắn bó đầu tiên. Từ năm 66, ông đã có những single đầu tiên với hãng này (một số với band the Lower Third) nhưng tất cả đều không thành công. Pye cũng là hãng đầu tiên mà Bowie theo đuổi sự nghiệp solo với single đầu tiên Do Anything You Say chỉ dưới tên của ông mà không có tên band nhạc kèm theo. Nhưng do không thành công nên Bowie đã chia tay hãng. Sau này, vào năm 72, khi Bowie vươn tới đỉnh cao thì để gỡ gạc lại một phần vốn, hãng đĩa đã nhanh chóng ra lại một EP gồm 3 single và 1 bài b sided. EP này có tên là For The Collector Early David Bowie. Sau này còn ra lại và lấy tên bài hát Do Anything You Say với Do Anything You Say, I Dig Everything, Can't Help Thinking About Me, I'm Not Losing Sleep cũng là tất cả các bài hát ông ghi âm cho hãng Pye. EP này định dạng 7’’ tốc độ 33rpm. Bộ sưu tập có bản ra lại của EP này. Sau hãng Pye, Bowie có hợp đồng với hãng Deram. Tại hãng đĩa mới này thì sự nghiệp của ông khởi sắc hơn một chút với single The Laughing Gnome / The Gospel According To Tony Day -67. Mặc dù tại thời điểm mới tung ra, single này không thành công. Nhưng sau này, khi Bowie đã thành công rất lớn thì single này được ra lại và cũng đạt một số thành tựu đáng kể khi lên tới hạng 6 tại UK. Thành tựu đáng kể đầu tiên của Bowie, cũng là một trong những bài hát nổi tiếng nhất của ông này chính là single Space Oddity / Wild Eyed Boy From Freecloud vào năm 69 với hãng đĩa Philips. Đây là bài hát rất hay và thuộc dạng kinh điển đã từng được BBC sử dụng làm nhạc nền trong sự kiện con người đặt chân lên mặt trăng. Bài hát theo phong cách Psychedelic Folk khá phức tạp và ban đầu được coi như bản one hit wonder của Bowie. Changes / Andy Warhol là single đầu tiên của Bowie dưới hãng đĩa làm nên sự nghiệp to lớn của ông là RCA. Changes là bài hát mang tính Art Rock và rất hay với Rick Wakeman quay lại chơi piano. Đây cũng là single chính trong album này. Bowie cũng lần đầu tiên chơi saxophone trong một bài hát. Dù có đoạn điệp khúc tuyệt vời, Changes cũng thất bại thảm hại như album Honky Dory vào thời điểm mới ra mắt. Sau này, khi Bowie đã thành công, Changes được chọn cùng với Space Oddity để ra lại thành một single mới. Single này sẽ trở thành single đầu tiên của Bowie giành được hạng 1 UK vào năm 75. Changes là một trong những bài hát xuất sắc nhất của Bowie với sự tỏa sáng của cặp đôi David/Wakeman, được hầu hết các nhà phê bình và giới chuyên môn hết sức ca ngợi. Một số album tuyển chọn của Bowie sau này sẽ mang tên Changes. Starman / Suffragette City là single tiếp theo của Bowie vào năm 72 để quảng bá cho album Ziggy Stardust. Tuy là single chính của album, nó thực ra không có mặt trong album ở những giai đoạn đầu tiên. Trước khi phát hành Ziggy, hãng RCA đã yêu cầu band nhạc bổ sung thêm một bài hát có thể phát hành dạng single. Lúc này, Bowie mới sáng tác Starman để thay thế cho bài hát Round and Round cover của Chuck Berry. Đây là bài hát theo phong cách Glam Rock khá hay và được yêu mến. Nó chính là thông điệp mà Ziggy mang tới hy vọng cho những người trẻ tuổi qua radio khi tới Trái Đât. Nó được trình diễn tại chương trình BBC Top of the Pops và vươn tới hạng 10 tại Anh Quốc. John, I’m Only Dancing / Hang On To Yourself là single tiếp theo phát hành vào năm 72. Single này không thuộc bất kỳ album nào cả tại thời điểm bấy giờ. Một bài hát theo phong cách Glam Rock kết hợp với R&B và dường như đến mối quan hệ đồng tính luyến ái. Vì chủ đề dường như quá nhạy cảm RCA không cho phát hành tại Mỹ, nhưng single vươn lên số 12 tại Anh Quốc và sau này còn được làm lại vài lần nữa (bản John, I’m Only Dancing (Again)) theo phong cách disco sau này tiếp tục lên hạng 12 tại Anh Quốc vào những năm dòng nhạc này thống trị thế giới. Vào cuối năm The Jean Genie / Ziggy Stardust được tung ra vào cuối năm 1972, dự định là single chính cho album Aladdin Sane. Đây cũng là một trong những bài hát nổi tiếng nhất trong lịch sử của Bowie. Bài hát khá mạnh theo phong cách Blues/Hard Rock pha với Glam. Đây là giai đoạn Mick Ronson đang chịu ảnh hưởng từ những cú riff của Bo Diddley nên đã sáng tác ra bài hát này. Đây cũng là bài hát được sáng tác đầu tiên của album. Bài hát rất thành công và vươn tới hạng 2 tại UK. Bộ sưu tập có 3 bản của single này gồm: 2 bản gốc 1972, vòng trong đục thủng (kiểu Mỹ, vì hãng này chủ yếu dành cho thị trường Mỹ) Và bản reissue vào năm 83 tại châu Âu (bên trong màu đen và còn có chữ David Bowie Lifetimes). Bản này ra lại sau khi album Let's Dance của ông làm mưa làm gió trên thị trường thế giới. (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Singles Drive-in Saturday (Seattle-Phoenix) / Round And Round là single tiếp theo của Aladdin Sane được tung ra chỉ 1 tuần trước khi album phát hành. Bài hát chịu nhiều ảnh hưởng của doo-wop – một thể loại nhạc phổ biến trong thập niên 50s. Tuy nhạc thì cổ xưa nhưng lời hát thì lại theo phong cách khoa học viễn tưởng thường thấy của Bowie nói về loài người đã trở thành đột biến sau chiến tranh hạt nhân và cần phải xem lại những bộ phim để biết cách làm tình. Bowie đã đưa bài hát này cho Mott The Hoople nhưng nhóm nhạc này từ chối mà không nêu lý do (có thể chủ đề trong bài hát kinh khủng quá) nên Bowie tích hợp vào album của mình. Mặc dù vậy bài hát rất thành công khi lên hạng 3 tại Anh Quốc Trong album Aladdin Sane còn có một single nữa là TIME / The Prettiest Star, bài hát này được sáng tác trong chuyến lưu diễn Ziggy và là bài mở đầu cho mặt B của album Aladdin Sane. Bài hát thay thế cho single Drive-in Saturday tại Bắc Mỹ và Nhật Bản vì lời lẽ có phần khó nghe của Drive-In. Dù không thành công về mặt thương mại, khi không có mặt trên các bảng xếp hạng nhưng đây là một bài khá hay, với sự tỏa sáng của tay piano Mike Garson, chính tác phẩm piano tuyệt đẹp của ông này đã thực sự là khác biệt giữa Aladdin với Ziggy. Với một hương vị châu Âu rõ rệt, bài hát tạo nên sự tương phản thú vị với nỗi ám ảnh ngày càng tăng của Bowie và Ronson đối với nước Mỹ. Single tiếp theo của Bowie sẽ là Life On Mars / The Man Who Sold The World phát hành vào năm 1973. Life on Mars là một bài hát rất hay đã phát hành vào album Honky Dory vào năm 71. Nhưng câu chuyện của bài hát này diễn ra từ năm 68, khi Bowie được giao viết lời tiếng Anh cho bài hát tiếng Pháp "Comme d'habitude" của Claude François. Thế nhưng, lời bài hát này sau đó bị từ chối. Lúc đó, nhạc sĩ Paul Anka đã viết lại nó để trở thành ca khúc "My Way" rất nổi tiếng, được ca sĩ Frank Sinatra trình bày vào năm 1969. Bực bội trước thành công của "My Way", Bowie đã sử dụng nguyên mẫu này và viết "Life on Mars? " như một sự nhại lại bản ghi âm của Sinatra. Nó được viết chủ yếu trên piano và được thu âm vào ngày 6 tháng 8 năm 1971, ngày cuối cùng của album Hunky Dory. Mặc dù có cái tên sao Hỏa nhưng thực ra bài hát dường như nói về sự thổi phồng của truyền thông về mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô và không liên quan gì tới sao Hỏa cả. Bài hát rất hay với sự tỏa sáng của Wakeman và cũng vươn tới hạng 3 tại UK. Bộ sưu tập có 2 bản single: bản gốc năm 1973 và bản Lifetime -1983 Single tiếp theo là Let’s Spend The Night Together / Lady Grinning Soul cũng chính là single cuối cùng của album Aladdin Sane. Đây thực ra là một bài hát của Roling Stones nhưng được Bowie cover lại và đưa vào trong album của mình. Bài hát theo phong cách Glam Rock nhưng cũng không quá đặc biệt. Những fan của Rolling Stones sẽ ghét bản này nhưng chất lượng của nó cũng ở mức vừa phải. Sorrow / Amsterdam là single duy nhất của album cover Pin Ups của Bowie vào năm 73. Sorrow thực chất là một bài hát của band nhạc rock Mỹ, The McCoys vào năm 65. Thực ra nó không thực sự nổi tiếng lắm tại Mỹ nhưng lại rất nổi tiếng tại Anh bởi version cover của the Merseys vào năm 66 (lên tới hạng 4 tại UK). Bản cover của Bowie cũng rất nổi tiếng, khá hay và giành được vị trí số 3 tại Anh Quốc, hạng 1 tại Australia. Còn bài hát Amsterdam là cover của Jacques Brel. Bài hát này thường xuyên được Bowie cover trong các chuyến lưu diễn nhưng không chính thức được đưa vào album nào. Single có chất lượng khá ổn. Rebel Rebel / Queen Bitch là single chính của album Aladdin Sane và bắt đầu chứng kiến sự đổi hướng trong âm nhạc của Bowie khi chuyển dần từ Glam Rock sang Proto-Punk. Bài hát này cũng chứng kiến những ảnh hưởng không nhỏ của Rolling Stone với những đoạn riff tuyệt vời. Bài hát này rất hay và là bài được cover nhiều lần nhất của Bowie. Bản thân điều này chắc cũng nói lên chất lượng của bài hát. Bài hát cũng thành công về mặt thương mại khi đứng hạng 5 của UK. (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Singles Single tiếp theo của Bowie, thật kỳ lạ lại là Rock ‘N’ Roll Suicide / Quicksand. Đây là bài hát cuối cùng của album Ziggy Stardust và tới thời điểm năm 1974 mới được tung ra dưới dạng single, tức là 2 năm sau khi album làm mưa làm gió. Đây là một bài hát rất hay, đầy cảm xúc khi nhân vật Ziggy đang sụp đổ, đây cũng là bài hát cuối cùng mà nhân vật này trình diễn, với giọng hát đầy cảm xúc của Bowie. RCA chắc cũng mong muốn album này thành công tương tự như Life On Mars 2 năm trước. Tuy nhiên, single này chỉ vươn lên được hạng 22 trên bảng xếp hạng UK. Diamond Dogs / Holy Holy: Đây là single chính và ca khúc chủ đề từ album Diamond Dogs năm 1974. Nó rất quan trọng và là việc gói gọn hoàn hảo của sự xấu xí hết sức của album này. Lúc này Mick Ronson đã ra đi, band nhạc tan rã. Lần đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp của mình, Bowie sẽ được giao nhiệm vụ sản xuất và lead guitar, do đó âm thanh thu được là khác thường nhưng theo một nghĩa tích cực. Bowie chơi lead guitar và sax (nhạc cụ khác chiếm ưu thế trong bài hát này) như một tay chơi nghiệp dư đầy cảm hứng. Mặc dù nghe có vẻ bất cần và cẩu thả, nhưng lại là thực tế hoàn hảo về sự nghiệp khốn khổ đầy nghiệt ngã của Bowie. Lời bài hát rất hay và lạ kể về một nhân vật mới, sống sau ngày tận thế trên một tòa nhà chọc trời bỏ hoang. Âm nhạc trong album nghiêng nhiều về proto – punk tránh xa Glam Rock còn lối chơi guitar khá giống với Rolling Stone. Với độ dài khoảng 6 phút, đây là một single rất kỳ lạ và khó thành công trên bản xếp hạng. Nhưng với tư cách là một tài liệu của Bowie về một thứ âm nhạc thô ráp, đây có thể coi là một bài hát rất hay. Mặc dù không được tung ra tại UK và chỉ có thể mua được thông qua hàng ship từ Mỹ, single này vẫn leo lên hạng 22 tại UK. Knock on Wood / Panic in Detroit là single chính để quảng bá cho album Live -David Live vào năm 74. Chúng ta cũng đã biết rằng album này là một thảm họa của David Bowie. Trong số tất cả các bản nhạc của David Live, bản phù hợp nhất với âm thanh của band nhạc (và giọng hát) của Bowie có lẽ là bài hát duy nhất mà ông không viết. "Knock On Wood" từng là một bản hit của Eddie Floyd vào năm 66 và do đó nghiêng nhiều về dạng saxophone. Đối với một người thường xuyên cover các bài hát trong phòng thu, thì có lẽ đây là bản cover live với tiêu chuẩn của ông này. Nhưng thực chất bài hát chỉ có chất lượng khá hơn các bài hát khác trong album. Mặc dù vậy, nó vẫn lên được hạng 10 UK - một kết quả rất tốt với một bài hát cover thu live. Bộ sưu tập có 3 bản của album này: gồm 2 bản năm 74 nguyên gốc Và 1 bản Lifetimes vào năm 83 Young Americans / Suffragette City: Đối với những người thực sự chú ý tới Bowie, mỗi lần ông đổi hướng âm nhạc trong thập kỷ 70s thì đều có sự báo trước. Bài hát "1984" đã thể hiện rõ ràng ý định của Bowie trong việc vật lộn với funk và soul. Tuy nhiên, về cơ bản, ông vẫn là một nhạc sĩ nhạc rock cho đến năm 1974. Với việc phát hành Young American, danh tiếng của ông như một con tắc kè hoa trong âm nhạc thực sự hình thành. Mặc dù nó mang lại khoản thù lao thương mại dồi dào, nhưng vẫn được cho là dự án nghệ thuật mạo hiểm nhất của ông vì sự chuyển đổi quá mạnh. Soul thực ra không phải bị đặt dấu hỏi vì Bowie là người da trắng, mà bởi vì ông là ca sĩ kỳ quặc nhất của nhạc rock mà vẫn có tâm hồn của Soul. Với sự trợ giúp của giọng ca vô danh Luther Vandeross, bài hát Young American chuyển hẳn sang phong cách R&B và Philadelphia Soul một cách thực sự tài tình. Lời lẽ của bài hát thì lại chịu nhiều ảnh hưởng của Bruce Springsteen, người đang có ảnh hưởng lớn tới Bowie trong giai đoạn này. Lúc này, âm nhạc của ông mang nhiều tính Mỹ, do đó single này cũng làm ngỡ ngàng nhiều người. Dù nó chỉ đạt vị trí 18 tại UK nhưng tại Mỹ đã vươn lên vị trí 28 (đây là vị trí cao nhất của ông tại Mỹ tại thời điểm bấy giờ). Nó chỉ bị phá vỡ bới một single khác, cũng trong album này, đó là Fame. Bộ sưu tập cũng có 2 bản: bản gốc của RCA Và bản Gold standard series Fame / Right: Đối với những đôi tai chưa quen với kiểu âm nhạc của Bowie, có vẻ như "Fame" chẳng có gì hấp dẫn so với một số bản nhạc được sáng tác đầy đặn hơn của Bowie. Và mặc dù đúng là nó không phải là một bản nhạc phức tạp về mặt hòa âm, nhưng chính vô số điểm luyến láy đã khiến nó trở thành một bản nhạc có sức sống hết sức bền bỉ. Nó bắt đầu gần như ngược lại với mô-típ piano và guitar acoustic của Bowie. Có thể đó chính là nơi xuất hiện điểm nhấn chính đầu tiên của bài hát: một đoạn funk không thể cưỡng lại của Carlos Alomar (lúc này có vai trò sáng tác lớn hơn). Tiếp theo là hai biến thể chính: đầu tiên là đoạn riff guitar (bốn nốt ngắn gọn) của Bowie, và thứ hai là những đoạn ngân nga cao, rõ ràng. Điểm nhấn chính khác sẽ được cung cấp từ người đồng sáng tác thứ hai của bài hát, John Lennon: với điệp khúc "Fame" the thé. Sự kết hợp bất ngờ này của Bowie và Lennon đã trở thành chủ đề hoàn hảo trong một trong những bài hát tồi tệ nhất của Lennon - theo sự thừa nhận của chính ông này sau khi bài hát tung hoành trên các bảng xếp hạng. Nó dồn tất cả sự không hài lòng của Bowie với sự nổi tiếng, bao gồm cả thỏa thuận quản lý tồi tệ mà ông vừa được giải thoát, với sự oán giận sôi sục. Fame nhảy thẳng lên hạng 1 tại Mỹ và là single duy nhất của Bowie làm được điều này. Và đây là một bài hát nhạc Funk. (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Singles Như chúng ta đã biết, Space Oddity là tuyệt phẩm đầu tiên của Bowie nơi âm nhạc của ông thậm chí còn chưa định hình rõ nét. Bản thân Bowie đã từng phát biểu: “Space Oddity là một bài hát rất hay mà có lẽ tôi đã viết hơi sớm vì tôi không có bất cứ bài hát đủ tầm quan trọng khác để tiếp nối nó vào thời điểm đó”. Và rõ ràng là chỉ vì bài hát này mà Bowie thậm chí còn bị coi là One – Hit – Wonder vào những năm đầu sự nghiệp. Khi Bowie đã trở nên nổi tiếng sau Ziggy Stardust, hãng đĩa RCA đã rất nhạy bén mua lại bản quyền của single này và phát hành lại tại Mỹ, nó rất thành công và vươn lên vị trí số 15. Nhưng nhu cầu của khán giả tại Anh Quốc còn rất nhiều trong khi bản single cũ của Philips đã trở nên rất khó mua. Tới năm 1975, nhận thấy nhu cầu quá lớn, RCA quyết định ra lại single này dưới dạng EP, và đó thật là một điều may mắn cho những fan hâm mộ tại đây. Cùng với Spade Oddity, là 2 bài hát khác gồm Changes và Velvet Goldmine, một bài hát đã bị bỏ ra khỏi album vì những nhà sản xuất sợ rằng bài hát quá nhạy cảm. Single này sau đó đã đứng đầu trên bảng xếp hạng của Anh Quốc trong 2 tuần, điều thật lạ khi bản gốc của single chỉ đạt hạng 5. Bộ sưu tập có 3 bản của single/EP này gồm: Bản gốc năm 1973; Bản reissue năm 1979 (màu đen) Bản Lifetimes - 1983 Golden Years / Can You Hear Me: nhân vật The Thin White Duke là đỉnh cao (hoặc vực thẳm) trong nghệ thuật trình diễn của Bowie, trong đó ranh giới giữa nghệ sĩ và nhân vật trở nên mờ nhạt một cách khó tin (và đáng lo ngại). Công tước là sự kết hợp độc hại của những ảnh hưởng như hình ảnh của Nietzsche, Ziggy, Crowley và Đức Quốc xã đã khiến Bowie phải tiếc nuối khi ủng hộ một mặt trận cánh hữu cực đoan xuất hiện và "dọn dẹp mọi thứ". Lúc này có lẽ Bowie đang nghiện quá nặng và Golden Years có những ám chỉ đến Đế chế quốc xã và hoàn toàn không phải là một bản tình ca, mà là một lời dụ dỗ ác độc từ một kẻ chuyên quyền hứa hẹn sẽ đưa mọi người trở lại "nơi bạn từng thuộc về". Và giống như một nhà tuyên truyền đích thực, Bowie thêm đường cho viên thuốc bằng một trong những món kẹo pop khó cưỡng nhất của mình. Nếu bỏ qua phần lời hát cực đoan, âm nhạc tuyệt vời vì lúc này thì Alomar đã thể hiện tài năng rất lớn của mình. Cùng với sự bổ sung của nghệ sĩ guitar Earl Slick và George Murray về bass, tạo thành một band nhạc sánh ngang với Spiders với tư cách là nhóm nhạc hay nhất của Bowie. Một bài hát rất mạnh mẽ, đen tối mang nhiều phong cách Funk và Disco. TVC 15 / We Are the Dead: Đây là single cuối cùng của Bowie trong album Station To Station. Một sự pha chế kỳ lạ, thậm chí theo cả tiêu chuẩn của Bowie. Bài hát được cho là bắt nguồn từ một câu chuyện được Iggy Pop chuyển đến cho Bowie về việc bạn gái của ông bị một chiếc tivi nuốt chửng. Đây là thời kỳ đỉnh cao của cuộc lưu đày cocaine & Crowley của cặp đôi này ở Los Angeles. Khi món chính trong thực đơn của cặp đôi là hàng trắng. Do đó, đây là bài hát hoàn hảo để bắt đầu phần thứ hai của Station to Station, tạo thành một câu chuyện kể về sự tuyệt vọng lãng mạn so với phần đầu tiên nói về ngộ đạo. Lời bài hát có phần chua chát và hơi buồn cười về việc mất người yêu vì TV. Hay nói cách khác, đó là một sự thay đổi hoàn hảo về sức hấp dẫn ngoài màn ảnh của những người nổi tiếng ngoài đời thật. Nếu lời bài hát là kỳ lạ, thì âm nhạc thậm chí còn gây tò mò hơn, kết hợp giống như piano honky-tonk với guitar new-wave. Bản nhạc này sẽ đóng vai trò là phần kết thúc trong chuyến lưu diễn '78 của Bowie, nơi mà sự lỏng lẻo và phần điệp khúc cuối lặp lại đơn giản có thể khiến mọi người dễ dàng đi về nhà hơn. Sound and Vision / A New Career in a New Town: đây là single đầu tiên của album Low. Có lẽ Bowie là một trong những người hướng nội nhất trong tất cả những người hướng ngoại. Trên sân khấu ông gần như một con người khác, còn khi trở về đời thực, ông trở nên ngại ngùng, lúng túng và chìm đắm trong những suy nghĩ của riêng mình. Ziggy Stardust và các nhân vật khác như một phương tiện vô giá để khiến anh ấy xa rời bản chất hướng nội để tính hướng ngoại lên ngôi. Đến năm 1977, sự tàn phá của chất gây nghiện đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Để giải phong khỏi sự phụ thuộc, Bowie đã quyết định tới sống ở Châu Âu. (bản thu âm của Low được thu tại Pháp và Berlin). Lúc này, ông đã để hết các nhân vật của mình ở Los Angeles và trở về với một người hướng nội. Có lẽ bị kìm hãm bởi nỗi sợ hãi rằng rốt cuộc thì mình chẳng là gì nếu không vào vai các nhân vật của chính mình, ông đã làm điều kỳ quặc nhất có thể tưởng tượng được là viết một bài hát về cuộc sống của nhà văn. Để phù hợp với bản chất rời rạc của album Low, phần lời bài hát thưa thớt, cách diễn đạt đơn giản và lặp đi lặp lại một cách có ý thức. Đã qua rồi những dòng ý thức siêu thực được thúc đẩy bởi những chuyến du hành không gian, mà thực tế hiện tại được thay thế bằng "Những tấm rèm nhợt nhạt kéo ra cả ngày, không có gì để đọc, chẳng có gì để nói". Thật là một điều quái dị, còn đâu nữa kẻ lừa đảo, bịp bợm và hình ảnh con người đã làm sống động thập kỷ xám xịt của nước Anh. Đến cả hãng đĩa của ông cũng không đồng ý, từ chối phát hành Low trong ba tháng, hy vọng rằng ông có thể trở lại thứ âm nhạc Funk. Điều mà họ đã không nhận ra là Bowie, Visconti và Eno đang bận rộn soạn thảo âm thanh của tương lai, và những người nghe nhạc đã sẵn sàng đồng hành cùng họ trong chuyến đi mới mẻ này - đĩa đơn này sẽ bán chạy hơn "The Jean Genie". "Sound and Vision" là đĩa đơn ăn khách bất thường nhất trong khoảng thời gian một nửa thời lượng của nó giành cho phần intro (Bowie không hề tham gia cho đến gần mốc 90 giây). Một phần intro tuyệt vời với cặp đôi Visconti, Dennis Davis thông qua bộ hòa âm để tạo ra một thứ âm thanh phẳng, độc đáo đó sẽ đặt chúng ta vào âm nhạc của tương lai. Cả hai tay guitar và bass đều trở nên khó đoán. Sau đó là một bức tượng syntherizer của Eno tràn vào, nhường chỗ cho một trong những tiếng thở dài vĩ đại trong lịch sử nhạc rock: Ah-ahhhh. Mary Hopkin (vợ của Tony Visconti) đưa vào một số giọng hát đệm ngọt ngào, trước khi tiếng sax xương xẩu của Bowie chấm dứt một đoạn hòa tấu, mà bản thân nó sẽ là một trong những tác phẩm hay nhất của ông. Dù âm nhạc lạ, single rất thành công tại Anh Quốc và lên vị trí số 3. Be My Wife / Speed of Life: đây là single thứ hai và cũng là cuối cùng của album Low. RCA hẳn đã nhìn vào danh sách các bài hát trong Low một cách hơi tuyệt vọng để chọn các đĩa đơn, vì các bài hát giống như là hòa tấu hoặc những đoạn nhạc chưa phát triển trọn vẹn. Chính trong bối cảnh này, "Be My Wife – dài ba phút, đã trở thành phần tiếp theo “khả dĩ” của" Sound And Vision ". Đây chắc chắn là một trong những lời bài hát được tuyên bố rõ ràng nhất của Bowie. Cách tiếp cận cực kỳ trực tiếp và tiết kiệm này hoàn toàn trái ngược với bất kỳ điều gì ông đã viết trước đây, và kết quả là càng tàn khốc hơn. Đặc biệt kể từ khi Bowie's hát những dòng này với một sự cam chịu, tê liệt, như thể thừa nhận rằng yêu cầu của ông là vô vọng cho dù có được đáp ứng hay không. Bản hòa âm của ca khúc được thống trị bởi tiếng piano như búa tạ của Roy Young và những dòng lead guitar của Ricky Gardiner duy trì sự tối giản bằng cách vắt kiệt cảm xúc từ một hoặc hai nốt nhạc. Chỉ có George Murray, người có tay bass rất chắc tay là vũ khí bí mật của Low, là có nhiều đất diễn hơn trong bài hát. Theo nhiều cách, đây là bản nhạc ảm đạm nhất trong toàn bộ album. Dĩ nhiên nó không thể thành công về mặt thương mại khi chỉ chiếm vị trí 57 tại UK. Bộ sưu tập có 2 bản của single này gồm: Bản gốc năm 1976 Và bản Lifetimes -1983 (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Singles "Heroes" / V-2 Schneider: Heroes có thể coi là bài hát hay nhất của Bowie mặc dù nó lại không phải là đĩa đơn ăn khách nhất của ông. Tại sao? Chúng ta sẽ đi tìm lời giải thích thấu đáng cho tình huống này. Như ta đã biết các single thường là dùng để quảng bá cho album (nhiệm vụ chính) nên thường là có sự chỉnh sửa (edit) để đến nhiều với đại chúng hơn. Trong số các bản single chỉnh sửa, có lẽ không có bản nào mang lại sự khó chịu như single này. Trước đây việc phá hủy cấu trúc của single đã diễn ra tại “Station To Station” nhưng là trong bản tiếng Pháp và rất ít người nghe. Còn trong single này, sự phá hủy thậm chí còn biến nó trở thành single nổi tiếng, sau này xuất hiện trên các đĩa Best Of và thậm chí là chơi suốt trong thế vận hội Olympic 2012. Heroes có thể coi là một tuyệt tác về mặt cấu trúc: xây dựng sự căng thẳng và kịch tính trong âm thanh. Bản single đã xóa bỏ hai câu thơ đầu tiên để đến sớm với hét"money shot" do đó đã bỏ qua nhiều thứ. Bản trong album phải dùng tới 3 phút để dẫn tới sự chuyển đổi này. Vì thế nó cũng phá hủy sự tương phản giữa đoạn verse thứ nhất và thứ tư, tuy giống hệt nhau về mặt từ ngữ ("I, I will be King...") nhưng cách chuyển tải hoàn toàn khác biệt, báo hiệu sự chuyển trạng thái từ hy vọng sang tuyệt vọng. Sự tuyệt vời của đoạn verse thứ hai cũng mất đi ("And you, you can be mean..."), coi tình yêu như một niềm an ủi không chỉ trước những mối đe dọa bên ngoài mà cả bên trong. Thay vào đó, đĩa đơn mở đầu bằng verse thứ ba và ít tác động nhất của bài hát ("I, I wish you could swim"). Đây đã là năm 77 và dường như Bowie cố tình muốn chơi khăm hãng đĩa RCA của ông như cách tung ra các album hòa tấu kiểu Krautrock. Mặc dù chịu sự tàn sát khắc nghiệt của việc chỉnh sửa vô tội vạ, Heroes có lẽ vẫn là bản nhạc hay nhất của Bowie. Đây không phải lần đầu tiên, Bowie ngả mũ trước các huyền thoại Krautrock (tiêu đề của bản nhạc bắt nguồn từ "Hero" của Neu!, trong khi có một skittering và synth percusions gợi lại sự tôn thờ Kraftwerk - đã ra mắt trên "Station To Station"). Tuy nhiên, sau khi tập hợp được một siêu nhóm cho album này, Bowie có thể vượt qua những band nhạc ảnh hưởng tới mình. Không thể phủ nhận bước ngoặt của bài hát là tiếng lead guitar đầy mê hoặc của Robert Fripp, trong khi Eno tô điểm giữa các dòng guitar bằng tiếng synth tới từ thiên đường. Phần nhịp điệu được giảm bớt một cách có chủ ý (Visconti loại bỏ hoàn toàn kick drums khỏi bản phối) để làm nổi bật phần cuối huy hoàng này. Không thể phủ nhận đây là một bài hát mang âm hưởng chiến thắng và việc nó được sử dụng như vậy trong các bộ phim và sự kiện thể thao là điều không quá gây ngạc nhiên. Nhưng thực tế đó là một bài hát về sự lạc quan vô căn cứ khi đối mặt với những khó khăn không thể vượt qua; đó là chuyện thì thầm yêu đương giữa chiến trường chết chóc. Đó là cảm giác về một tình yêu mà trong khoảnh khắc, như chinh phục được cả thế giới, chợt nhận ra rằng tình yêu đó chỉ là thoáng qua, sau đó là sự quyết tâm dập tắt nỗi đau để theo đuổi những thứ xứng đáng hơn. Và Bowie - ở cuối bài hát đang rống lên như thể muốn bán sạch những thứ giả tạo, chết tiệt đi hết. Bộ sưu tập có 2 bản: tiếng Anh và tiếng Đức Phiên bản tiếng Đức của "Heroes" là Helden được cho là có nhiều bệnh hoạn hơn phiên bản tiếng Anh. Với nhịp điệu kiểu industrial, tiếng đàn guitar bay bổng và tiếng synth rất say sưa. Tất cả dường như đều gây cảm xúc trong tiếng Đức, ngay cả khi chúng ta không hiểu được ngôn ngữ này. Khi ta xem xét thực tế rằng bài hát và album gốc của nó đã được ghi âm tại Bức tường Berlin thì nó còn phù hợp với âm nhạc hơn nữa. Bản tiếng Đức có tên là Helden Beauty and the Beast / Sense of Doubt: Beauty and the Beast chính là bài mở đầu cho album "Heroes", nó gần giống như một phiên bản "Station to Station" thu nhỏ. Hai nốt nhạc piano khởi đầu cho bài hát, tiếng synth kế tiếp báo hiệu sự khởi hành và sau đó một tiếng gầm phát ra từ bụng của Bowie đánh thức con thú trên cây đàn guitar hoang dã của Fripp. Sau đó, chúng ta sẽ bị đẩy vào một đoạn funk với tiếng bass thô kệch của Murray. Lúc này, chúng ta đang ở một thế giới khác xa với kiến trúc của toàn bộ Low. Với hai nhân vật (Beauty và Beast) nhưng có thể thấy Beast chiếm ưu thế và khá thoải mái. Tuy nhiên, lời bài hát có gì đó không ổn lắm dù đây là một câu chuyện lãng mạn. Cảm giác sợ hãi dai dẳng này cuối cùng cũng tìm thấy sự giải thoát bằng âm nhạc trong đoạn bridge ngắn ngủi - nơi Beauty cố gắng giành quyền kiểm soát. Bài hát có thể là một cuộc kiểm tra quan trọng về thời kỳ Thin White Duke (nơi xuống cấp thấp nhất về mặt đạo đức của Bowie), nhưng âm điệu có phần nham hiểm cho thấy bóng tối vẫn còn kéo dài. Yếu tố định hướng trong tất cả những điều đó là phần synth và cách xử lý guitar của Brian Eno, thứ sẽ khiến bản nhạc tràn ngập sự lo lắng. Và đó thực sự là một cách tuyệt vời để bắt đầu một album. Breaking Glass / Art Decade / Ziggy Stardust. Nhìn bề ngoài, "Breaking Glass" có vẻ như là một lựa chọn rất kỳ quặc để quảng bá cho album live của Bowie (Stage). Ở trong album chính là Low, nó gần như không phải là một bài hát, giống như một đoạn trích ngắn gắn với tiêu đề. Nhưng khi được lựa chọn làm single, thì sự lựa chọn này rất sắc sảo. Đầu tiên, giống như đoạn khác từ mặt A dạng Pop của album, "What In The World" của Low, bài hát đã được bổ sung thêm các phần cho phù hợp với trình diễn sân khấu. Đây sẽ là một ví dụ tàn khốc khác về sự đơn giản nhưng rất hiệu quả trong âm nhạc. Tất cả nhạc cụ, trừ tiếng trống, đều vang lên trong khi Bowie lặp lại câu hát "I'll never touch you" trong khoảnh khắc thân mật và căng thẳng nhất trong toàn bộ buổi biểu diễn. Thậm chí âm thanh phản ứng của đám đông cũng được ghi lại rõ ràng ở đây. Một lý do khác khiến đây là một sự lựa chọn sắc sảo là bởi vì, không giống như bài hát Ziggy, cũng được phát hành để quảng bá cho album này, nó nắm bắt hoàn hảo nội dung và chuyến lưu diễn của band nhạc này. Chúng ta sẽ được nghe tài năng chói sáng của Adrian Belew được áp dụng vào bài hát khá kỳ quặc một cách thích hợp. Đây sẽ là một trong những bài hát thường xuyên được biểu diễn trực tiếp nhất của Bowie sau này. Bộ sưu tập có 2 bản: Bản gốc của Uk Và bản Lifetimes - 1983. Boys Keep Swinging / Fantastic Voyage: Trong thời gian làm việc với nhau, Brian Eno nghĩ ra một phương pháp rút card sáng tạo dành cho các nghệ sĩ có tên là "Oblique Strategies", cái này sau đó đã trở thành huyền thoại. Đây là phương pháp liên quan đến việc Eno viết các cụm từ mệnh lệnh đơn giản trên thẻ, thẻ này sẽ được rút ra trước khi ghi âm. Trong trường hợp của "Boys Keep Swinging", họ đã rút được card có cụm từ mệnh lệnh là "Sử dụng những người không đủ tiêu chuẩn". Do đó Dennis Davis sẽ đảm nhận phần bass và Carlos Alomar ngồi chơi trống. Nó đã tạo ra một màn trình diễn tự do đáng nhớ của Carlos, nhưng những nỗ lực của Dennis được cho là hơi lảo đảo và xiêu vẹo (sau đó Visconti trợ giúp bằng cách chơi đoạn bass cực kỳ hấp dẫn của bản nhạc). Trong mọi trường hợp, các chàng trai luôn tìm ra giải pháp! Sự đảo ngược vai trò này được thể hiện rõ ràng hơn trong video quảng cáo của bài hát, trong đó David tham gia một buổi trình diễn thời trang kiểu drag fashion – một kiểu ăn mặc phóng đại về giới tính. Về mặt lời hát, bài hát không phải là sự tôn vinh sự phân biệt giới tính mà là một bản cáo trạng đen tối về đặc quyền của nam giới nhưng né tránh vấn đề bạo lực. Adrian Belew là thành viên mới bổ sung cho band nhạc của Bowie trên Lodger và màn solo guitar bị bóp nghẹt của ông ở đây đã đánh dấu bản hit gây khó chịu một cách tinh vi nhất của Bowie. DJ / Repetition: DJ là single thứ hai trong album Lodge vào năm 79. Bài hát được viết bởi bộ ba: Bowie, Eno và Alomar. Nội dung của "D.J." là một cái nhìn mỉa mai về thế giới của những người DJ – khi mà nhạc Disco đang trong giai đoạn thịnh hành. Trong bài hát này, các DJ chỉ được coi như những bài hát của họ. Tức là một câu chuyện kinh dị về một con người chẳng khác gì công việc của chính họ. Bản thân Bowie cũng mô tả bài hát bài hát trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh năm 1979: "Điều này có vẻ mang chủ nghĩa hoài nghi nhưng đó là phản ứng tự nhiên của tôi đối với disco. Bây giờ DJ mới là người bị ung nhọt, không phải những người điều hành nền âm nhạc, bởi vì nếu bạn làm điều không tưởng là chơi thể loại khác không phải disco thì sẽ là sai lầm, thế đấy. Nếu bạn có ba mươi giây im lặng, toàn bộ sự nghiệp của bạn sẽ kết thúc’’ – ý muốn nói là nhạc disco phải liên tục. Trong bản phối gốc của bài hát, các phần guitar bass, trống và nhịp điệu được đẩy xuống nền một cách có chủ ý. Ca khúc ám chỉ đến các nghệ sĩ âm nhạc khác, từ Rolling Stones và Neil Young đến Beach Boys và Talking Heads; Bowie bắt chước David Byrne của band cuối cùng trong phần trình diễn giọng hát của ông. (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Singles John, I'm Only Dancing (Again) / John, I'm Only Dancing (1972): Đây là một bài hát làm lại và không có trong album nào của Bowie. Rõ ràng đây là một bản nhạc funk tưởng tượng lại bản hit năm 72 của ông, nhưng ngoài lời bài hát, chủ đề và một phần của điệp khúc (phần lớn bị kéo dài đến mức không thể nhận ra), cả hai bản gần như không liên quan gì nhiều đến nhau. Đây chính là một trong những bài hát sớm nhất được dự định đưa vào album Young Americans. Thực chất về mặt âm nhạc: đây là một trong những bài tập funk thô sơ được ghi lại trong các buổi ghi âm đầu tiên của album này. Ở dạng ban đầu, nó quá dài (7 phút), nhưng bản chỉnh sửa giúp làm nổi bật phần điệp khúc khá thú vị, trong đó giọng giả thanh của Bowie kết hợp nhuần nhuyễn với các ca sĩ đệm (Luther Vandross; Ava Cherry) và một tiếng sax đáng nhớ. Alabama Song / Space Oddity: Đây là single đầu tiên của Bowie trong thập kỷ 80 và thực chất là một bài hát cover và không nằm trong bất kỳ album studio nào. Bertolt Brecht, người đã viết bài hát này với Kurt Weill, là một trong những người có ảnh hưởng chính tới Bowie vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80. Ông sẽ biểu diễn trong một bản chuyển thể vở kịch Baal (trên BBC) của Brecht vào năm sau. Thực ra thì bài hát này cũng khá quen thuộc với những fan hâm mộ của Rock vì nó đã xuất hiện trong album đầu tay của The Doors. Tuy nhiên, phiên bản của Bowie sẽ khiến tất cả ngạc nhiên. Những đoạn verses của bài hát nằm trong số những bản nhạc loạn trí nhất của Bowie - các âm tiết được nhấn mạnh “dường như” ngẫu nhiên trong khi tay trống Dennis Davis thì như đang chơi theo một bài hát hoàn toàn khác. Như thể đây là một bài hát của một kẻ say khướt bị chủ quán đuổi về nhà nhưng lại lảo đảo tìm kiếm quán rượu tiếp theo, và bài hát sẽ không làm chúng ta thất vọng trong cơn say mèm. Sự hỗn loạn này liên quan đến các đoạn điệp khúc trong đó giọng nam trung phong phú của Bowie là sự kết hợp hoàn hảo cho phần kịch tính cao của ca từ. Ashes to Ashes / Move On: có lẽ Bowie không bao giờ tin rằng những sự kiện năm 1980 thực sự thành hiện thực. Có lẽ ông tin rằng thế giới sẽ hủy diệt trong thập kỷ 70s vì chiến tranh hạt nhân (điều này đã thể hiện rõ trong cả Ziggy Stardust, Aladdin Sane…) Chính vì thế, ông đã thay đổi âm nhạc rất nhiều và các album không bao giờ giống nhau: đó là những khoảng thời gian nghỉ ngơi khi ông biến ngày tận thế thành nàng thơ của mình. Thế nên có lẽ ông đã không chuẩn bị nhiều cho thập kỷ 80s, nơi ông sẽ sớm lo lắng cho việc bị bỏ lại phía sau, sau một thập kỷ đã đưa ông trở thành ngôi sao. Ông sẽ sớm ăn thịt quá khứ của mình ngay sau đây (bằng cách làm lại các bài hát cũ). Năm 1979, ông thích thú với việc tự nhại lại bản thân trong "Boys Keep Swinging", cuối cùng đã phát hành "John I'm Only Dancing (Again)", và - đặc biệt - đã thu âm một phiên bản rút gọn của "Space Oddity" sẽ xuất hiện trên mặt B của đĩa đơn thực sự đầu tiên của ông vào những năm 1980. "Ashes To Ashes" đã kết hợp một Bowie vẫn còn sống động về mặt nghệ thuật với một người đang ngày càng bận tâm đến các di sản của chính mình. Ông đã làm như vậy với một cái gì đó cũ kỹ (làm lại các bài hát cũ), kết hợp một cái gì đó mới mẻ hơn (sáng tác mới), một cái gì đó vay mượn (những bài covers)– thường là mang âm hưởng của Blues. Mặc dù vậy, lúc đầu đây không phải là những bản nhạc rẻ tiền. Và đó chính xác là trường hợp của Ashes To Ashes. Đây là một bài hát về Major Tom trong Space Oddity sau hơn một thập kỷ. Những dấu vết của sự ngạc nhiên, ngây thơ mà Tom thể hiện trong "Space Oddity" đã được thay thế bằng trải nghiệm mệt mỏi, chán nản. Nếu như trái đất hiện ra rộng lớn, đẹp đẽ trong phiên bản gốc, thì tại đây là ký ức đã mất do thời gian trôi qua và lạm dụng ma túy. Những dòng ca từ thông minh như: " I never did anything out of the blue" nói về mối quan tâm của Tom rằng anh đã lãng phí sự tồn tại của mình bên ngoài hành tinh xanh và rằng có thể anh chưa bao giờ có một ý tưởng ban đầu tốt đẹp. Trớ trêu thay là điều này lại được thể hiện trong một bài hát có phần hấp dẫn bởi sự độc đáo của nó, đặc biệt là đối với bản hit vươn lên tới vị trí số 1 tại UK. Fashion / Scream Like a Baby: Scary Monster là một album tuyệt hay, có thể coi là tuyệt phẩm cuối cùng trong thời kỳ đầu của Bowie và vì thế, nó bao gồm rất nhiều bài hát chất lượng cao. "Fashion" là single thứ hai của album, do Bowie và Tony Visconti đồng sản xuất và được thu âm từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1980 tại New York và London, đây là bài hát cuối cùng được hoàn thiện trong album. "Fashion" là một bản nhạc post-punk, dance và funk có cấu trúc tương tự như "Golden Years" của Bowie. Nghệ sĩ guitar của King Crimson -Robert Fripp tiếp tục đóng góp trong vai trò lead guitar. Về mặt ca từ, "Fashion" đóng vai trò vừa tôn vinh các xu hướng thời trang vừa là lời chỉ trích của Bowie đối với những cá nhân bị ép buộc tuân thủ nghiêm ngặt các xu hướng đó, những người bị gán cho cái mác là " goon squad". Mặc dù bản single đã bị chỉnh sửa nhưng nó vẫn được giới phê bình khen ngợi. "Fashion" khá thành công khi đứng ở vị trí thứ 5 tại Anh và vị trí thứ 70 tại Mỹ. Bowie hầu như luôn biểu diễn bài hát trong các chuyến lưu diễn của mình. Trong những thập kỷ tiếp theo, bài hát đã xuất hiện nhiều lần trong danh sách những bài hát hay nhất của Bowie, nằm trong các album tổng hợp và được một số nghệ sĩ cover lại. Scary Monsters (And Super Creeps) / Because You're Young: "Scary Monsters (And Super Creeps)" là ca khúc chủ đề trong album Scary Monsters (and Super Creeps). Nó cũng được phát hành dưới dạng đĩa đơn thứ ba trong album đó vào tháng 1 năm 1981. Xuất hiện sau hai đĩa đơn trước đó là "Ashes to Ashes" vào tháng 8 năm 1980 và "Fashion" vào tháng 10 cùng năm. Vì album này có 5 đĩa đơn (trong khi chỉ có 10 bài hát) nên các nhà phê bình của NME như Roy Carr và Charles Shaar Murray đã cho rằng việc phát hành nó là một ví dụ khác "theo truyền thống lâu đời tốt đẹp là vắt kiệt các album càng nhiều càng tốt để kiếm nhiều tiền hơn". Bài hát sau đó đã được biểu diễn trong một số chuyến lưu diễn của Bowie. Về mặt âm nhạc, bản nhạc gây chú ý với phần lead guitar của Robert Fripp và một đoạn synthesized percussion rất khác biệt. Lời bài hát do Bowie hát bằng giọng kiểu Cockney, một giọng địa phương tại London thường dùng bởi tầng lớp lao động nghèo khổ. Nó mô tả sự rút lui của một người phụ nữ khỏi thế giới và rơi vào trạng thái điên loạn với "sự lãng mạn ngột ngạt" tương tự như trong sự hợp tác, năm 1977, của Iggy Pop với Bowie cho các albums The Idiot và Lust for Life Up the Hill Backwards / Crystal Japan là single cuối cùng trong album Scary Monster và thực sự là một lựa chọn kỳ quặc của cả hãng đĩa và Bowie. Đây có lẽ là một trong những bài hát ít tiêu biểu nhất trong Scary Monsters, với nhịp điệu bắt đầu vụng về, ngắt quãng và những câu hát khá lịch sự, có lẽ là giọng hát thoải mái nhất so với bất kỳ bài hát nào trong đĩa hát. Bản thu âm có sự hỗ trợ của Robert Fripp và guitar acoustic do nhà đồng sản xuất Tony Visconti chơi. Về mặt ca từ, bài hát liên quan đến những khó khăn khi đối mặt với khủng hoảng trong cuộc sóng, một phần bị ảnh hưởng bởi việc Bowie ly hôn với vợ là Angie. Về mặt âm nhạc, bài hát có nhiều thay đổi về chỉ số nhịp kiểu Bo Diddley. Bài hát đã nhận được đánh giá tích cực từ các nhà phê bình âm nhạc, hầu hết đều khen ngợi phần sáng tạo khác thường của nó. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này, bài hát không quá thành công dưới dạng đĩa đơn, đạt vị trí thứ 32 tại Anh và vị trí thứ 49 tại Canada. Bowie chưa bao giờ biểu diễn trực tiếp toàn bộ bài hát "Up the Hill Backwards" trong các chuyến lưu diễn của mình. Đa phần chỉ biểu diễn một số đoạn trích nhưng cũng không thường xuyên. Tuy nhiên, tạp chí Mojo sau đó đã liệt kê đây là bài hát hay thứ 24 của Bowie vào năm 2015. (còn tiếp)
David Bowie (tiếp theo) Singles Wild Is the Wind / Golden Years: Wild Is The Wind thực chất là bài hát trong album Station To Station (album này có 6 bài tung ra dưới dạng singles) và chỉ có bài hát này là không bị chỉnh sửa so với bản gốc. Nguyên nhân chính là do: đây là single chính trong album tuyển chọn Changesbowie vào năm 81. Kết quả là chúng ta được thưởng thức một trong những màn trình diễn giọng hát tuyệt vời nhất của Bowie với tất cả cảm xúc không thể chê vào đâu được. Thực ra đây là một bài hát cover do Dimitri Tiomkin and Ned Washington sáng tác vào năm 1957. Nhưng bài hát mà Bowie nghe được lại là bản cover của Nina Simone, một bản nhạc khá tệ. Nhưng với kinh nghiệm thu âm album Young Americans, Bowie đã học được rất nhiều về cách kiểm soát giọng hát của mình. Đặc biệt là những nơi chuyển đổi giữa các thái cực trong quãng giọng của mình. Band nhạc đệm cũng rất ăn ý và đây là một bài hát hoàn hảo để kết thúc album Station To Station. Cat People (Putting Out Fire) / Paul's Theme (Jogging Chase): Vào giai đoạn này trong sự nghiệp của mình, Bowie bắt đầu hợp tác làm các nhạc phim, ông cũng phát hành các đĩa đơn như: "Absolute Beginners", "Underground" và bản Cat People này thực chất trong bộ phim làm lại vào năm 80s của tác phẩm đen trắng Cat People trong thập niên 40s. Bowie đã viết lời bài hát phản ánh bộ phim, trong khi nhà sản xuất người Ý Giorgio Moroder sáng tác phần âm nhạc chỉ xoay quanh hai lần thay đổi hợp âm. (Bowie tất nhiên đã rất ngưỡng mộ Moroder). Lời bài hát của Bowie hoàn toàn không đề cập trực tiếp đến bộ phim, nhưng hình ảnh về đôi mắt mèo nhức nhối xuyên suốt đó đã tạo nên điểm nhấn cho ông, ngân nga một cách đen tối khi chúng ở trong giọng hát giả lập hay nhất của mình. Giai điệu và quá trình sản xuất của Moroder ở đây u ám hơn đáng kể so với những sự hợp tác của ông này trong bộ phim. Cặp đôi tài năng này kết hợp để tạo ra một bản thu âm đầy thỏa mãn, sắc sảo, nham hiểm và chắc chắn đáp ứng được kỳ vọng cao của người hâm mộ khó tính. Bài hát được phát hành dưới dạng đĩa đơn bởi hãng MCA Records của Moroder vào tháng 4 năm 1982. Nó có khá nhiều các bản chỉnh sửa khác nhau giữa các bản phát hành định dạng 7" và 12", cùng với các bản chỉnh sửa cho các quốc gia khác. Nó cũng xuất hiện trong album nhạc phim đi kèm. Đĩa đơn thành công về mặt thương mại, lọt vào bảng xếp hạng ở Anh và Mỹ, đồng thời đứng đầu bảng xếp hạng ở New Zealand, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan. Nó được coi là một trong những bản thu âm hay nhất của Bowie trong những năm 1980. Bài hát kể từ đó đã xuất hiện trong nhiều album tổng hợp và được làm lại vào năm 2017 để đưa vào boxset A New Career in a New Town (1977–1982). Tuy nhiên, bản thân Bowie không hài lòng với bản thu âm. Ông đã làm lại bản nhạc cho bài hát này và tung ra trong album Let's Dance (1983). Bản này có phần lead guitar của nghệ sĩ guitar blues Stevie Ray Vaughan, bản làm lại vì thế có phần năng động hơn và còn được đề cử giải thưởng Grammy (nhưng không thắng giải). Peace on Earth - Little Drummer Boy / Fantastic Voyage – with Bing Crosby: Trong những năm 80s, Bowie bắt đầu kết hợp với rất nhiều nghệ sĩ khác để thực hiện các bài hát. Trường hợp này là với Bing Crosby. Đáng tiếc là sự kết hợp không thực sự hợp lý, có thể coi là sai lầm. Việc kết nối với Jagger để cover một tác phẩm kinh điển của Motown? Chắc chắn là sai lầm. Cover lại một số bài của Iggy Pop với Tina Turner? Chắc chắn cũng không ổn. Nhưng một bài hát Giáng sinh với Bing Crosby? Có thể nó có chất lượng tốt hơn với những thất bại nói trên, nhưng cũng không nhiều. Nguồn gốc của bài hát cũng không kém phần kỳ lạ khi Bowie đã từ chối hát "Little Drummer Boy", buộc những người giám sát âm nhạc của chương trình phải vội vàng viết phần đối âm " Peace on Earth". Vì vậy, kết quả cuối cùng là một cuộc hôn nhân hoàn hảo giữa cái cũ (Crosby / " Little Drummer Boy ") và cái mới (Bowie / " Peace on Earth "). Tại đây Crosby hát phần Little Drummer Boy còn Bowie hát phần Peace On Earth. Trong những ngày tàn của Glam-Rock, việc tung ra các đĩa đơn Giáng sinh rất phổ biến (Slade; Wizzard; Elton) nhưng Bowie đã khôn ngoan thay đổi phong cách này. Do đó, phần đóng góp của ông cho quy tắc Giáng sinh trang nhã hơn và ít bị overplayed hơn. Tuy chất lượng không quá cao, bài hát này vẫn vươn lên được hạng 3 tại Anh Quốc và sau này còn trở lại trên một số bản xếp hạng vào năm 2001. David Bowie in Bertolt Brecht's Baal: Thực ra đây là một phiên bản EP của Bowie. Năm 1982, BBC đã thực hiện một phiên bản mới của vở kịch Baal của Bertolt Brecht, trong đó Bowie đóng vai chính. Vở kịch này nằm khoảng giữa thời gian của Scary Monsters (And Super Creeps) và sự tái sinh trở thành một siêu sao của thế giới. Tất nhiên là Bowie cũng góp phần viết nhạc cho vở kịch và âm nhạc từ vở kịch sẽ được phát hành trong EP này. Nói chung, đây cũng là một bản phát hành đáng được hoan nghênh. Bowie có thể thể hiện khả năng sân khấu của mình trong khi vẫn trung thành với đủ loại chất liệu, mà nó nhắc nhở mọi người rằng phạm vi ảnh hưởng trong âm nhạc của ông rất rộng lớn và hiếm khi rõ ràng. Có lẽ điều thú vị nhất - nhưng không nhiều người sẵn sàng chấp nhận nó – là EP này cho thấy những ảnh hưởng này đã xuất hiện như thế nào ngay từ những album đầu tiên của Bowie. Thật khó để nghe Baal mà không cảm nhận thấy những âm thanh gốc đầu tiên của Bowie như “Rubber Band”. Let's Dance / Cat People (Putting Out Fire): đây là single đầu tiên trong album cùng tên (album bán chạy nhất trong lịch sử của Bowie, nhưng lại khiến cho người hâm mộ của ông ghét bỏ vì mang quá nhiều tính thương mại). Tại bài hát này, Bowie đã thuê tay guitar vô danh Steve Ray Vaughans vào chơi cùng, cũng vì lý do này, bài hát có âm hưởng của Blues. Tất nhiên, đối với nhiều người, "Let's Dance" đại diện cho cái chết của Bowie, cái chết của một nghệ sĩ đầy sáng tạo. Lúc này sự sáng tạo của ông không còn nhiều, mọi việc ông muốn là những nỗ lực tầm thường hóa âm nhạc của mình để trở thành một siêu sao trong thập kỷ đen tối của âm nhạc và khán giả. Ông đã mời chuyên gia tạo hit xuất chúng Nile Rodgers, và với sự xuất hiện của Nile, ông sẽ từ bỏ phần lớn quyền kiểm soát quá trình sáng tạo của chính mình. Mặc dù tất cả những điều này là điềm báo cho sự sụp đổ vào giữa những năm 80 của ông, nhưng những phần thưởng trong ngắn hạn là niềm vui của một siêu sao. Đây có lẽ là bài hát của Bowie mà bạn thường nghe nhất trong một câu lạc bộ hoặc trong một đám cưới nào đó cho đến tận ngày nay. Bản gốc trong album khá dài (7 phút) nhưng trong đĩa đơn chỉ còn 4 phút. Nhưng đây thực chất là một bản chỉnh sửa xuất sắc với phần solo trang nhã của Stevie Ray Vaughan. Nile xứng đáng được ghi nhận hơn nữa vì đã biến một bản ballad về tình yêu tương đối u ám thành một bản nhạc khá ngẫu hứng. Dù sau này có lẽ bị fan hâm mộ ghét bỏ thì về cơ bản, Let’s Dance vẫn là một bài hát rất chất lượng. Nó sẽ đứng đầu trên hầu như tất cả các bảng xếp hạng tại Mỹ và châu Âu. China Girl / Shake It: China girl thực chất là single thứ 2 trong album ăn khách nhất của Bowie : Let’s Dance. Đây là bài hát được cặp đôi Iggy Pop và David Bowie sáng tác. Bài hát xuất hiện lần đầu trong album solo đầu tay của Iggy Pop là The Idiot (1977) nhưng không quá thành công. Nó sẽ được biết đến rộng rãi hơn khi Bowie thu âm lại và phát hành dưới dạng đĩa đơn thứ hai trong album thành công nhất về mặt thương mại của mình, Let's Dance (1983) . Đĩa đơn đạt vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng Hot 100 Singles của Billboard, hạng 2 tại UK và video âm nhạc đã được phát liên tục trên MTV. Nile Rodgers, nhà sản xuất phiên bản này của bài hát, đã quyết định thực hiện một bản phối kiểu Pop thuần túy. Bài hát có lẽ muốn ám chỉ về chất gây nghiện và có thể là cocaine. Nhưng ai mà biết nó "thực sự về cái gì?. Với David thì bất kỳ điều gì cũng có thể. Thế nhưng đây là bài hát khá chất lượng và hay. Một trong những bản nhạc pop hoàn hảo nhất của David trong thập niên 80. (còn tiếp)