Genius Genius thực chất là một dự án 'Rock Opera' đầy tham vọng được hình thành và xử lý bởi tay guitar Daniele Leverani, thành viên của nhóm Khymera. Với tham vọng rất lớn, Liverani đã tập hợp được một loạt những giọng ca huyền thoại của làng nhạc Rock khắp thế giới cho dự án này. Tham gia lúc đầu có giọng ca chính Mark Boals (Ring Of Fire và Yngwie Malmsteen )vào vai 'Genius', Lana Lane trong vai Doorkeeper, Daniel Gildenlow của Pain Of Salvation đóng vai "TwinSpirit n. 32", Chris Boltendahl (Grave Digger) trong vai 'Stationmaster', Joe Vana của Mecca trong vai "King McChaos Consultant", Steve Walsh của Kansas với tư cách "Wild Tribe King", John Wetton trong vai "McChaos King", Oliver Hartmann từ band nhạc At Vance trong vai "Wild Tribe Consultant" " " và cựu ca sĩ của Crimson Glory là Midnight với vai trò "Maindream"… Với một dàn vocalist xuất sắc cộng với âm nhạc đa dạng, trải dài từ Progressive sang Symphonic, rồi qua Thrash, Power, Speed, Heavy Metal và nhiều thứ nữa đã khiến cho band nhạc nhân được rất nhiều những lời khen ngợi. Dự án kéo dài trong 3 albums, chất lượng âm nhạc rất tốt, gồm Episode 1: A Human Into Dreams' World -2002, Episode 2: In Search of the Little Prince-2004 và Episode 3: The Final Surprise -2007. Album cuối cùng, có lẽ chính là album hay nhất của nhóm vì nó gần như đã trở thành một dự án thực sự chứ không còn là side project nữa. Nhưng rất tiếc sau album này, có lẽ những ý tưởng mới đã không còn với Liverani nên dự án ngừng hoạt động, để lại nhiều tiếc nuối cho những người yêu nhạc Opera Metal trên toàn thế giới. Hy vọng một ngày nào đó, anh này sẽ còn cảm hứng để khôi phục dự án này, một dự án rất hay. Bộ sưu tập có album Episode 3: The Final Surprise -2007, bản promotion cardboard
Stream Band nhạc cuối cùng trong phần viết về Prog Metal sẽ là nhóm nhạc gạo cội Stream của Canada. Band nhạc này thành lập năm 1985 tại Montreal và là một trong những band nhạc tiên phong của Prog Metal. Đáng lẽ ra band nhạc này phải xuất hiện từ những năm 90s nhưng do hiện giờ em mới mua được đĩa nên sẽ để lại cuối cùng để kết thúc dòng nhạc. Band nhạc này chỉ có 3 thành viên, làm chúng ta gợi nhớ tới band nhạc Rush cũng của Canada. Âm nhạc của nhóm theo phong cách Prog Metal kiểu cổ, lai giữa Heavy Metal và Prog Rock với tốc độ trung bình không quá cao nhưng kỹ năng chơi nhạc khá tốt. Band nhạc chỉ có 2 albums là Alien State -1992 và Experimental -1995 thông qua những hãng đĩa rất nhỏ của Canada và rất ít người biết tới. Thế nhưng, đối với những band nhạc Prog Metal gạo cội thì âm nhạc của nhóm khá thú vị và mang nhiều tính thử nghiệm rất mới mẻ. Lối chơi rất kỹ thuật, phần nào đó có phần hơi chậm và pha trộn nhiều âm nhạc khác nhau trên nền Prog Metal. Hiện tại thì các albums của nhóm đều có phần khó tìm và nhóm rất ít được biết tới. Bộ sưu tập có album Experimental -1995 của nhóm.
Vì Prog Metal là một thể loại khá dài nên trong thời gian viết chủ đề này em cũng có mua thêm một số đĩa nữa, trong đó có một số band đã qua bài viết. Ở đây em sẽ tổng hợp lại những đĩa mới mua thêm của các bands đã viết bài. Crimson Glory mua thêm 3 đĩa gồm Transcendence 1988 Astronomica 1999, Crimson Glory 1986 (cả 3 đều là đĩa Nhật) Leprous thêm 2 đĩa (đều của Nhật) Pitfalls 2019, Aphelion 2021 Indukti - S.U.S.A.R. 2005 Animal As Leaders có 2 albums gồm: The Madness Of Many 2016 và Animals As Leaders 2009 Opeth -Cirkelns Riktning 2019 (single Flexi disc 7'') Ihsahn thêm 6 đĩa gồm: Telemark (EP) 2020, Pharos 2020 (EP), The Adversary 2006 Das Seelenbrechen 2013(digibook), Eremita 2012 (digibook), Amr 2017 Fates Warning -No Exit 1988 (Bản Slipcase 25th Anniversary Edition with Bonus DVD) Magellan Test of Wills 1997
Ngoài ra còn bộ single của Queensryche Silent Lucidity 1991 (bản promo Mỹ) Another Rainy Night (Without You) 1991 Anybody Listening? 1992 (bản promo Mỹ) I Am I 1995 và Bridge CD1
Sau một thời gian nghỉ ngơi em sẽ quay lại với phần giới thiệu về Neo Prog, một dòng nhạc gây nhiều tranh cãi, nhưng lại có số lượng band nhạc rất lớn trong Prog Rock. Dòng nhạc cũng có rất nhiều band hay mà bản thân của em là fan hâm mộ. Neo-progressive rock Neo-progressive rock hay gọi tắt là Neo-prog là một nhánh nhỏ trong dòng nhạc Prog Rock, phát triển ở Anh Quốc vào những năm đầu thập kỷ 80s, gặt hái được một số thành công đáng kể tại châu Âu (mainstream) rồi lao dốc trở về với underground và vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến tận ngày hôm nay. Tại thời điểm khởi đầu, từ Neo Prog thường được sử dụng để mô tả các nghệ sĩ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các band nhạc Symphonic Prog trong những năm 1970s. Ảnh hưởng chính của dòng nhạc này là Genesis, ngoài ra còn có thể kể đến Yes, Camel và đôi lúc là Pink Floyd. Các band nhạc tiên phong của Neo Prog như Marillion hay IQ sử dụng Symphonic nhưng thay thế các loại keyboards cơ như Hammond và Mellotron bằng Syntherises và keyboards điện. Với Syntherises là nhạc cụ chính, guitar thường chơi những đoạn solo âm vực cao và tạo bầu không khí atmospheric trái ngược so với cách tạo bài hát bằng những cú riff của Symphonic Prog. Thực ra những phong cách này đã đâu đó thể hiện trong các albums của Geneis thời kỳ sau Gabriel (Trick Of Tails và Wind & Wuthering) với phong cách chơi guitar kiểu mới của Steve Hackett, một số người con coi đây là những bản thu âm Neo Prog đầu tiên. Một số album khác ảnh hưởng nặng nề đến phong trào Neo-Prog có thể kể đến: Steve Hackett - Spectral Mornings, Saga - Saga, một số album của Eloy, đặc biệt là Silent Cries And Mighty Echoes. Vì sử dụng syntherises nhiều nên các band nhạc neo-prog cũng có nhiều giai điệu thiên về Pop hơn các thể loại progressive rock khác, trong khi vẫn giữ nguyên phần chơi nhạc cụ phức tạp. Điều này giúp cho một số band nhạc vượt lên tầm mainstream và tạo ra danh tiếng của riêng họ, trong đó Marillion là thành công nhất với các đĩa đơn lọt vào bảng xếp hạng 10 đĩa đơn hàng đầu tại nhiều nước châu Âu trong thời gian Fish là giọng ca chính của nhóm. Tới thời điểm hiện tại, vẫn có rất nhiều tranh cãi về sự khởi đầu của dòng nhạc. Đa phần cho răng thể loại này bắt đầu với album năm 1983 của Marillion là Script for a Jester's Tear nhưng phần đông sau này thống nhất rằng nó bắt đầu với albums Fact And Fiction vào năm 1982 của Twelfth Night. Một số khác thậm chí còn cho rằng đó chính là A Trick Of The Tail của Genesis, nhưng điều này ít được chấp nhận. Lúc đầu tiên, hình thức Prog Rock này gắn liền với các band nhạc như Marillion, Pendragon và IQ; cũng giống như Genesis, các band nhạc Neo Prog thường rất coi trọng tính sân khấu trong biểu diễn trực tiếp live nhưng chính các yếu tố âm nhạc mới là chìa khóa để phân biệt thể loại này; (như chúng ta đã nói tới phong cách atmospheric và solo syntherises mới là phong cách điển hình của thể loại). Các nghệ sĩ Neo Prog cũng chú trọng nhiều hơn vào hình thức bài hát và giai điệu so với các band nhạc Symphonic trước đó. Các bài hát thường là có giai điệu đẹp, giọng hát trau chuốt, với nội dung giàu cảm xúc sâu sắc, thường được truyền tải qua ca từ kịch tính nhiều ý nghĩa. Các sáng tác của họ cũng rất cẩn trọng, ít phụ thuộc vào những đoạn chơi nhạc kiểu ngẫu hứng. Những đoạn solo guitar điện trong trẻo, du dương và đầy cảm xúc, kết hợp với keyboards đóng vai trò quan trọng nhất của thể loại nhạc này. Tại những thời điểm khởi đầu, Neo Prog có ca từ phức tạp và thường có chủ đề đen tối. Mặc dù vậy khả năng tiếp cận với người hâm mộ của Neo Prog nhìn chung có vẻ thân thiện và dễ nghe, dễ phổ biến hơn so với Prog Rock cổ, các bản nhạc ngắn hơn so với progressive rock trước đó. Tuy nhiên, Neo-prog chưa bao giờ đạt được đỉnh cao thành công và nổi tiếng như các ban nhạc Pink Floyd hay Yes đã làm được. Chính vì những đặc tính âm nhạc kể trên, đối với một số người hâm mộ progressive rock cổ điển, neo-prog bị chỉ trích là thiếu độc đáo so với các thể loại progressive rock khác. Thậm chí với nhiều fan hâm mộ khó tính của dòng nhạc này, Neo Prog thiếu đi tính sang trọng cũng như khả năng chơi nhạc cụ siêu việt của những tiền bối đi trước, và do đó không được coi là Prog Rock chính thống. Thế nhưng có một điều rất đáng ngạc nhiên là dòng nhạc này, sau khi mở rộng các định nghĩa, lại là dòng nhạc có số lượng band nhạc đông đảo nhất trong các nhánh của Prog Rock (ngoại trừ Prog Metal, có thể không coi là Prog Rock và nghiêng hẳn về phía Heavy Metal). Marillion là band nhạc Neo prog nổi tiếng nhất, đạt được thành công lớn trên khắp châu Âu và sản xuất 8 albums đứng trong tap đầu tại Vương quốc Anh từ năm 1983 đến năm 1994, nổi tiếng nhất là Misplaced Childhood năm 1985, đứng đầu bảng xếp hạng album ở UK. Ngoài ra nhóm còn có năm đĩa đơn ăn khách ở Anh. Trong những năm giữa thập kỷ 80s, Neo Prog thậm chí đã trở thành mainstream tại châu Âu, nhưng chỉ tiếc rằng, những hào quang này không kéo dài được lâu. Nhưng mâu thuẫn nội bộ đã khiến giọng ca chính Fish rời bỏ Marillion và kéo theo sự sụp đổ mau chóng của Neo Prog. Sau đỉnh cao này, neo-prog suy giảm vị thế là một thể loại chính thống, trở về với Underground, mặc dù ba band nhạc tiên phong vẫn hoạt động cho đến tận ngày nay và không hề gián đoạn nhưng những thành công của họ chỉ còn rất nhỏ bé. Neo Prog gốc coi như đã chết vào cuối những năm 80 khi Fish rời Marillion và Peter Nicholls rời IQ, thể loại này vẫn tiếp tục phát triển ngầm với các ban nhạc như Pendragon, Arena và Galahad đi đầu và tạo ra một số những trào lưu nhỏ hơn như tại Ba Lan những năm 90 với Abraxas, Collage và Quidam. Sau này Marillion dần rời xa neo-prog và nghiêng nhiều về Prog Rock thông thường, thì IQ vẫn tiếp tục tạo album theo phong cách này và thu hút được nhiều người theo dõi hơn sau khi Peter Nicholls trở lại band nhạc. Đó là những band nhạc cựu trào, còn những band nhạc mới thì sao? Chúng ta cần quay lại lịch sử một chút, vào khoảng những năm đầu thập kỷ 90s, Prog Rock dần hồi sinh trở lại trong trào lưu thứ 3 với những band nhạc mới xuất sắc và tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho tới tận ngày nay. Bản thân Neo Prog cũng tái sinh trở lại với rất nhiều các band nhạc mới với âm nhạc rất hay và xuất sắc. Chính những sự xuất hiện này khiến cho những fan hâm mộ của Prog Rock có những đánh giá công tâm hơn dành cho Neo Prog. Ngay cả giữa những lời chỉ trích, neo-prog vẫn thu hút được một lượng người hâm mộ đáng kể và các album vẫn liên tục phát hành. Một trong những hãng thu âm lớn nhất cho neo prog là InsideOut Music. Tin tức về các ban nhạc neo progressive rock được đưa ra thường xuyên trên trang web The Dutch Progressive Rock. Thời gian trôi qua rất lâu, các nghệ sĩ mới xuất hiện của Neo Prog cũng đi chệch khỏi những chuẩn mực Neo Prog tạo ra của những band nhạc kinh điển (của Neo Prog). Do đó những khái niệm về Neo Prog cũng được mở rộng hơn rất nhiều, vì mở rộng hơn nên có những band nhạc ít được biết tới trên toàn thế giới thậm chí còn có những album tung ra trước cả Marillion hay Twelfth Night. Nhưng tại đây chúng ta sẽ trung thành với những band nhạc tiên phong này vì chính họ đã tạo ra tên tuổi của Neo Prog và cũng tạo ra cái tên mới này. Việc sử dụng các nhạc cụ synths của Neo Prog cũng ảnh hưởng tới rất nhiều các nghệ sĩ khác trên toàn thế giới. Ngày nay, các nghệ sĩ gắn bó với dòng nhạc Neo-Progressive đã có vô số cách thể hiện âm nhạc, với một đặc tính chung có lẽ duy nhất là Prog Rock. Thể loại Neo-Progressive ở dạng tinh tế của nó do đó bao trùm một lãnh thổ âm nhạc rộng lớn, thậm chí xen lẫn vào các thể loại khác trong Prog Rock, ngoài ra họ còn xen lẫn cả vào những thể loại như new age, punk và Heavy Metal. Twelfth Night Câu chuyện của Neo Prog sẽ bắt đầu từ Twelfth Night (TN), band nhạc này thành lập trên nền của band nhạc Andy Revell Band, thành lập tại Đại học Reading, nơi họ đã giành chiến thắng trong một cuộc thi tài năng vào năm 1978. Trong những năm sau đó, TN tập trung ổn định đội hình vào tới năm 79 thì họ bắt tay vào thu âm. Nhóm ghi âm được một số tài liệu nhưng có lẽ việc tìm kiếm một vocalist phù hợp khá mất thời gian, nhiều người đã tới để thử giọng nhưng nhóm không chọn được người ưng ý, trong đó có cả Geoff Mann vốn là một người bạn của các thành viên band nhạc. Sau một chuỗi hợp đồng biểu diễn thành công, band nhạc đã có suất biểu diễn tại Reading Festival, một lễ hội âm nhạc khá lớn và đây chính là band nhạc xuất phát từ địa phương Reading đầu tiên đạt được điều này trong lịch sử của lễ hội. Sau nhiều lần cân nhắc, Geoff Mann, một họa sĩ đã trở thành Geoff Mann nhà thơ, người viết lời và ca sĩ cho nhóm nhạc. Để hiểu được tầm cỡ của Twelfth Night, điều quan trọng là phải xem xét bầu không khí âm nhạc, xã hội và chính trị vào cuối những năm 1970 - đầu những năm 1980. Nguồn gốc âm nhạc của họ chủ yếu nằm ở âm thanh guitar theo kiểu Hackett/Hillage của Andy Revell, những ảnh hưởng chính tới âm nhạc của họ là Genesis, Pink Floyd thời kỳ đầu tiên và Wishbone Ash. Một số người nói rằng TN có yếu tố punk, và mặc dù có một mức độ đả kích và hung hãn nhất định, năng lượng đó dường như đến trực tiếp từ Heavy Metal (NWOBHM) hơn là punk. Phong cách hát và lời bài hát của Mann có thể gắn liền với chủ nghĩa vô chính phủ, nhưng chúng còn sâu sắc hơn thế rất nhiều - Geoff là một nhà tư tưởng và nhà thơ sâu sắc, tiếc rằng sau đó không lâu anh này đã xuất gia. Lyrics của anh này tấn công số đông thiếu suy nghĩ nhưng lại thừa nhàn rỗi và thích phỉnh phờ, chúng tấn công cả các chính phủ ở cấp cơ sở và sự vô nghĩa của chiến tranh - nhưng cũng ủng hộ những khía cạnh tích cực của cuộc sống, như tình yêu. Sau khi Mann rời đi (một cách thân thiện) để vào nhà thờ vào năm 1983, một kỷ nguyên mới của TN bắt đầu với Andy Sears với tư cách là ca sĩ, đồng sáng tác. Tuy âm nhạc của "kỷ nguyên Mann" chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn nhưng nó sẽ còn sống mãi trong Prog Rock như một điều gì đó thật đặc biệt, có lẽ vì âm nhạc trong siêu album Fact And Fiction đã tiến xa hơn nhiều bước so với Marillion thời Fish, band nhạc mà TN thường bị so sánh (thậm chị là nhầm lẫn). Mann qua đời vào năm 93 do bệnh ung thư nhưng có lẽ âm nhạc của ông sẽ vẫn còn được nhớ tới rất nhiều năm sau đó, chủ yếu là do album Fact And Fiction. TN vẫn tiếp tục với sự tham gia của Andy Sears, band nhạc đã bắt đầu một thời kỳ rất thành công về mặt thương mại nhưng lại gây tranh cãi trong lòng người hâm mộ Prog Rock, điều không thể tránh khỏi. Là một ca sĩ và nhạc sĩ tài năng, Andy đã mang đến nét du dương đậm tính giai điệu hơn cho TN. Lời bài hát của Andy cũng đề cập đến lòng trắc ẩn, đồng thời tấn công quyền lực và sự thiếu hiểu biết một cách cay nghiệt, chạm đến những chủ đề vẫn còn rất nhiều tranh cãi cho tới tận ngày nay. Có một điều đáng chú ý là bản thân Sears thích phong cách trữ tình cô đọng của Mann hơn thời kỳ của chính mình. Chưa đầy hai tháng sau khi gia nhập ban nhạc, TN đã được mời ghi hình một chương trình trực tiếp tại câu lạc bộ Marquee để truyền trực tiếp tại Châu Âu. Vào thời điểm album nổi tiếng Art & Illusion được phát hành, album cuối cùng của nhóm với hãng Music For Nations, band nhạc đã ký hợp đồng với hãng Hit & Run Management, hãng của Genesis và Peter Gabriel. Bản thân album Art & Illusion đã lọt vào Bảng xếp hạng Anh Quốc ở vị trí thứ 83, là album duy nhất của TN vào được top 100. Một thành tích phi thường khi album không có bất kỳ sự quảng bá rầm rộ nào. Band nhạc bắt đầu chuyến lưu diễn thành công nhất của họ, bao gồm hai buổi diễn cháy vé tại Nhà hát Dominion ở London. Nhưng sau đó Twelfth Night đã ký hợp đồng 10 album với Virgin Records với đội hình có Sears rồi thu âm album cùng tên của họ (thường được là XII hoặc Virgin Album). Album là một bước đi rất dũng cảm thoát khỏi nhạc progressive rock truyền thống và một nỗ lực để đưa progressive rock đi theo hướng mới với những ảnh hưởng của New Wave. Nhưng cũng vì thế, đây là album gây tranh cãi nhất của TN cho đến nay. Thế nhưng, sau đó band nhạc bị kẹt giữa cuộc chiến giữa Hit & Run và Virgin Records, band nhạc sau đó bị xử lý một cách tồi tệ, và vào năm 1986, vỡ mộng vì điều này, Sears rời đi, theo sau đó là tay bass Mitten. Lúc này thì Neo Prog cũng đang trên đà đi xuống nên band nhạc sau đó tan rã hoàn toàn mặc dù còn tới 9 albums chưa hoàn thành với Virgin. Năm 2007, Sears và Mitten đã tiến hành tái lập band nhạc để thực hiện một loạt các buổi biểu diễn cháy vé và rất được hoan nghênh, chào đón. TN sau đó vẫn sáng tác âm nhạc dưới hình thức này hay hình thức khác - nhưng ít khi được công bố rộng rãi. Những nhà phê bình hẹp hòi hơn thường có xu hướng đưa ra những so sánh ngớ ngẩn giữa Mann và Sears, nhưng trên thực tế, cả "kỷ nguyên Mann" và "kỷ nguyên Sears" đều là những giai đoạn thành công trong hành trình âm nhạc của TN, cho thấy sự linh hoạt của một band nhạc dám nghĩ dám làm. để thực hiện những thay đổi triệt để mà nhiều người khác không thể nghĩ tới và vẫn đang bám theo những công thức cũ, nhiều lúc là xu hướng lỗi thời. Mann và Sears trên thực tế là bạn tốt của nhau và thường xuất hiện cùng nhau trong các buổi biểu diễn. Bộ sưu tập có album Fact And Fiction -1982, siêu phẩm đầu tiên của Neo Prog Rock, bản remastered 2002 của hãng Cyclop (các albums của nhóm cũng khá khó kiếm vào thời điểm hiện tại).
Marillion (thời kỳ Fish) Twelfth Night có thể là band nhạc Neo Prog đầu tiên, họ cũng tạo ra siêu phẩm đầu tiên của dòng nhạc này, nhưng band nhạc có tầm ảnh hưởng lớn nhất và quan trọng nhất của Neo Prog thì lại là Marillion. Nhóm nhạc này thành lập vào năm 1979, dưới cái tên là Silmarillion, tên một nhân vật trong truyện của Tolkien, rồi mới rút ngắn thành Marillion. Sau một số thay đổi về đội hình, nhóm đã ổn định vào năm 1982 với Fish (tên thật là Derek William Dick), một giọng ca chính đầy lôi cuốn người Scotland, Steve Rothery chơi guitar, Peter Trewavas chơi bass, Mark Kelly chơi keyboard. và Mick Pointer trên trống. Lúc đầu, Marillion chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Genesis nhưng sau đó đã tự tạo ra một âm thanh riêng cho chính mình, đó chính là sự khởi đầu của Neo Prog. Cũng như nhiều band nhạc trẻ khác, Marillion đã xây dựng tên tuổi của mình bằng cách tham gia các buổi trình diễn rộng rãi và sự quan tâm của các tạp chí âm nhạc như Sound, nơi đã đưa band nhạc lên trở thành một thế lực mới ở thời kỳ hậu nhạc Punk. Chính sự nổi tiếng này đã mang lại cho nhóm hợp đồng thu âm với hãng khổng lồ EMI vào năm 1982. Tại đây, nhóm đã phát hành album chính thức (EP) có tên là Market Square Heroes với nhiều ảnh hưởng của Genesis. Tuy nhiên, chính việc phát hành album dài đầu tay của họ, Script For A Jester's Tear vào năm 1983, đã khiến họ được thế giới nhạc rock chú ý rộng rãi hơn. Album đã tạo ra các đĩa đơn ăn khách như Garden Party và He Knows You Know, được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt và đạt vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng album ở Anh Quốc. Dù những ảnh hưởng của Genesis vẫn còn, những album mang nhiều tính Symphonic này tối tăm, buồn bã với những bài hát dài, vẫn luôn được coi là siêu tuyệt phẩm của Neo Prog. Tiến độ và khối lượng công việc của band nhạcsẽ không ngừng nghỉ sau thời điểm này. Họ đã chứng tỏ mình có phần tàn nhẫn trong việc theo đuổi thành công về mặt âm nhạc và thương mại bằng cách loại bỏ Pointer, người bị cho là không đạt tiêu chuẩn và cuối cùng thay thế anh ta bằng Ian Mosley ở vị trí trống. Mosley, trước đây thuộc band nhạc của Steve Hackett. Pointer sau này thành lập Arena, một nhóm Neo Prog kinh điển và vẫn còn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ cho đến ngày nay và vẫn thỉnh thoảng cover những phiên bản Marillion trong kỷ nguyên Script của anh này. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa âm nhạc của Marillion và Arena mà Mosley tạo ra, cả khi chơi trực tiếp và trong phòng thu, là rất rõ ràng và ai cũng có thể cảm nhận được. Đội hình mới này của Marillion đã phát hành thêm album thứ hai của nhóm là Fugazi vào năm 1994. Âm nhạc trong Fugazi thay đổi rất nhiều so với album Script trước đó một năm. Album chơi rất mạnh và nghiêng hẳn về phía Heavy Metal với những bài hát ngắn hơn, mạnh mẽ hơn. Tới đây thì Marillion đã không còn nhiều ảnh hưởng của Genesis nữa. Sau siêu phẩm Script, rất nhiều fan hâm mộ đã lo sợ rằng Marillion rồi cũng kế bước của Genesis và rơi vào Pop hoặc là bị thể loại New Wave đang thịnh hành nuốt chửng, nhưng Fugazi đã chứng tỏ Marillion thực sự trưởng thành và tìm ra con đường riêng cho họ, con đường Neo Prog. Nhưng đỉnh cao trong sự nghiệp của Marillion thời kỳ Fish này chỉ tới một năm sau đó, với siêu phẩm Misplaced Childhood -1985. Album thứ ba này, là một concept album, với nội dung về tuổi thơ bị đánh mất với rất nhiều cảm xúc và nuối tiếc riêng biệt mang tính cá nhân, vừa là một siêu phẩm của Neo Prog , vừa là một bản hit rất lớn, đạt vị trí số 1 trong bảng xếp hạng ở Anh vào năm 1985 và phát hành những đĩa đơn ăn khách lớn như Kayleigh, Lavender và Heart of Lothian. Vào thời điểm này, Fish đã tự tin hơn rất nhiều và từ bỏ việc sơn mặt đặc trưng của mình (cũng học Genesis)- âm nhạc và tính cách khác biệt tuyệt đối của anh này đã là một thành tựu tuyệt vời, không cần đến mánh lới quảng cáo hay sân khấu nữa. Lúc này Marillion đã trở thành một band nhạc rất lớn tại châu Âu và Anh Quốc, thậm chí lên đến đỉnh điểm là một buổi biểu diễn ngoài trời khổng lồ trước hàng chục nghìn người tại Milton Keynes Bowl, với band nhạc hỗ trợ là Jethro Tull, một người khổng lồ khác vốn không xa lạ gì với các buổi hòa nhạc lớn. Tuy nhiên, đi cùng với những thành công lớn, không có gì đáng ngạc nhiên, là những áp lực cực lớn đè nặng lên band nhạc. Clutching At Straws, album cuối cùng của thời kỳ Fish, được phát hành vào năm 1987, là một câu chuyện hoàn toàn đen tối hơn nữa, đặc biệt là lấy cảm hứng từ việc sử dụng ma túy và rượu khổng lồ của Fish, lúc này đã trở thành một siêu sao, đồng thời thảo luận về nhiều vấn đề cá nhân phức tạp mà việc nghiện rượu và ma túy mang lại. Mặc dù tại thời điểm mới tung ra, album này không được đánh giá quá cao vì không tạo được nhiều bản hits nhưng cùng với thời gian, đây vẫn là một trong những albums hay nhất trong lịch sự của Neo Prog. Những chuyến lưu diễn không ngừng nghỉ vẫn tiếp tục và hãng đĩa EMI rất mong muốn band nhạc sẽ “sửa chữa sai lầm trong Clutching” bằng cách nhanh chóng phát hành album tiếp theo, tươi sáng hơn, nhiều bản hits hơn. Áp lực của việc này là quá lớn, và khiến cho những mâu thuẫn trong nội bộ trở nên không thể hàn gắn được. Cuối cùng, vào năm 1988, Fish rời band nhạc để bắt tay vào sự nghiệp solo khi không còn tiếng nói chung trong band nhạc. Đây là một quyết định cá nhân, nhưng hậu quả của nó vô cùng to lớn, khiến cho cả sự nghiệp của Marillion và cả dòng nhạc Neo Prog lao dốc, tưởng như không thể gượng dậy nổi. Một điều đáng buồn hơn nữa, là giữa các thành viên band nhạc và Fish đã phát sinh sự hận thù, tới mức không thể nhìn mặt nhau được nữa trong thời gian rất dài. Về sự nghiệp solo của Fish, nói một cách công bằng, cũng có nhiều điểm trồi sụt, nhưng cũng không đạt được những thành công rất lớn như Marillion. Marillion là một band nhạc mà em hết sức yêu thích, album đầu tiên nghe là Misplaced Childhood, nghe từ khi còn rất trẻ qua băng cassette. Đến bây giờ vẫn là một trong những album em yêu thích nhất và nghe nhiều nhất. Do đó em cũng có một bộ sưu tập khá lớn. Về các albums thì hầu như thời kỳ Fish đều có 2 bản 1 bản gốc và 1 bản remastered 24 bit vào năm 1999, gồm: Script For A Jester Tear 1983 (bên trái là bản remastered, bên phải bản gốc) Fugazi 1984 (trái bản gốc, phải remastered 2CDs) Misplaced Childhood 1985 (trái gốc, phải remastered) Clutching At Straws 1987 (trái gốc, phải remastered) Ngoài ra thời kỳ này còn có các single, do những artwork của single cực đẹp nên em đã chọn mua single 12'' mỗi cái cover art như một bức tranh nghệ thuật (chứ không phải do chất lượng âm thanh) Hệ thống single (EP) 12 '' gồm: Market Square Heroes 1982 Garden Party (The Great Cucumber Massacre) 1983 He Knows You Know 1983 Assassing 1984 Punch and Judy 1984
Marillion (thời kỳ Fish) (tiếp theo) Heart of Lothian 1985 Kayleigh 1985 Lavender 1985 Incommunicado 1987 Sugar Mice 1987 Warm Wet Circles 1987 Tổng cộng có 11 singles 12 inches thời kỳ Fish So sánh giữa 12'' và CD sẽ thấy 12'' hoành tráng hơn mức độ nào.
Marillion (Thời kỳ Hogarth - P1) Thời kỳ này hơi dài nên sẽ chia thành 2 phần, đây là phần đầu tiên. Đối với nhiều band nhạc, việc mất đi một thủ lĩnh, người viết lời đầy lôi cuốn và quan trọng như Fish sẽ là hồi chuông báo tử với band nhạc, nhưng đó không phải là trường hợp của Marillion, mặc dù họ cũng phải mất một thời gian rất dài để khẳng định lại vị thế của mình. Năm 1989, nhóm nhạc thông báo với thế giới rằng Steve Hogarth, một ca sĩ trước đây ít được biết đến của The Europeans, sẽ là người thay thế Fish. Có một điều trớ trêu ít được biết đến là: Fish, khi xuất hiện trên một chương trình phỏng vấn của BBC và thảo luận về các bản nhạc yêu thích của mình, lại chọn một đĩa đơn của The Europeans khi vẫn còn ở trong nhóm Marillion. Đó chính là minh chứng cho sự lựa chọn đầy cảm hứng mà band nhạc này đã thực hiện. Nhóm Marillion với Hogarth đã tiếp tục thu âm và biểu biễn liên tục, dù phải thời gian rất dài sau này họ mới thành công trở lại, nhưng đội hình vẫn ổn định đến tận bây giờ, tức là hơn 35 năm, một thành tích đáng kinh ngạc. Trở lại với lịch sử của Marillion, ngay sau khi kết nạp Hogarth, nhóm phát hành album “đầu tay” là Season’s End vào năm 1989. Cũng dễ hiểu là phần lớn âm nhạc và sáng tác mới đã được thu âm trước khi Hogarth đến, và nó đã chứng kiến ngay sự đi xuống của Marillion. Album có chất lượng tốt, tuy vẫn còn kém khá xa so với những albums đỉnh cao của thời kỳ Fish. Tuy nhiên hào quang của Marillion vẫn còn tỏa sáng, nó giúp album vươn lên xếp vị trí thứ 7 tại Anh, một thành tích đáng nể mà Marillion sẽ không còn giữ được quá lâu nữa. Album đầu tiên mà Hogarth đóng góp sẽ là phần tiếp theo, Holidays in Eden, một album chịu rất nhiều chỉ trích từ cả người hâm mộ cũng như giới chuyên môn. Với nỗ lực tìm lại vị thế mainstream đã mất, band nhạc đã mắc sai lầm khi muốn tạo ra một album nhạc rock thương mại với mong muốn có những bản hit. Mặc dù đây không phải album có chất lượng cao và chịu sự chỉ trích rất lớn từ cả người hâm mộ cũng như giới chuyên môn, album cũng đạt vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, vị trí trên bảng xếp hạng cũng không nói lên được nhiều điều, album bán được số lượng rất ít so với những album trước, và hậu quả là Marillion càng rơi xuống sâu hơn trong thế giới mainstream. Tại thời điểm này, họ chỉ còn có thể biểu diễn trong những câu lạc bộ cỡ trung với khoản 2000-3000 người (phải thừa nhận là nhóm vẫn còn những người hâm mộ cực kỳ trung thành) chứ không phải là những sân vận động lớn tới vài chục ngàn người như thời kỳ của Fish. Sau album Holidays in Eden, sự nghi ngờ về tài năng của Hogarth bùng lên dữ dội nhưng Marillion không nản chí. Họ cần thời gian dài hơn để tìm ra con đường phát triển của riêng mình với Hogarth. Band nhạc sau đó đã đáp trả xứng đáng với album kinh điển tiếp theo của nhóm là Brave vào năm 1994, đây cũng là album concept đầu tiên của Hogarth. Cốt truyện của album lấy cảm hứng từ một câu chuyện mà Hogarth nghe được trên đài phát thanh địa phương liên quan đến một cô gái trẻ đã tự tử bằng cách nhảy từ Cầu treo Bristol. Mặc dù đây rõ ràng là một câu chuyện đen tối và khiến người nghe phải suy nghĩ trong tâm trạng nặng nề gần như xuyên suốt cả album, nhưng nó lại là lời tuyên bố đanh thép về ý định và đường hướng của một band nhạc quyết tâm tìm kiếm con đường riêng của họ trong thế giới âm nhạc. Mặc dù album không quá thành công về mặt thương mại (chỉ xếp hạng 10) tại Anh Quốc, nhưng chất lượng nghệ thuật thì rất ổn. Trong những năm sau đó, album đã được giới phê bình khen ngợi và nó cũng tạo ra một bộ phim cùng tên khá nghệ thuật. Mặc dù vây, hãng đĩa của họ là EMI thì lại không cùng chí hướng với band nhạc. Sau khi thấy Marillion đã mất đi sức bật, EMI quyết định từ bỏ band nhạc và album cuối cùng được phát hành cùng hãng vào thời điểm đó là Afraid Of Sunlight, vào năm 1995. Album có chất lượng rất tốt, không kém gì so với Brave, nhưng nó chỉ đạt vị trí thứ 16 trong bảng xếp hạng ở Anh và số lượng đĩa bán ra tương đối kém. Đó thực sự là một điều không công bằng đối với Marillion, bởi vì ngay cả những tạp chí rất uy tín khi review album này, như Q Magazine, đã mạnh dạn tuyên bố rằng nếu bất kỳ band nhạc nào khác không phải là Marillion phát hành tác phẩm này, thì nó sẽ là một hit khủng trên toàn thế giới. Thêm nữa, lúc này Prog chưa thực sự hồi sinh trở lại và bị mang nhiều tiếng xấu nên band nhạc phải gánh chịu hậu quả vì điều đó. Có lẽ nhiều thành viên của band nhạc đã cân nhắc và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu họ đổi tên band nhạc khi Hogarth gia nhập. Nhưng cùng với thời gian, đã có một số sự công nhận tuyệt vời về cách kể chuyện và âm nhạc đầy cảm xúc vốn có trong album này. Một trong số đó đến từ đình của Donald Campbell, một người nổi tiếng chuyên phá các kỷ lục về tốc độ, ông này thiệt mạng trong một vụ tai nạn ở Coniston Water trong một nỗ lực lập kỷ lục mới dưới nước và thậm chí mất cả xác vào năm 1967. Sau khi thi thể của ông được tìm thấy vào năm 2001, gia đình đã yêu cầu band nhạc biểu diễn Out of this World, một ca khúc trong album lấy cảm hứng từ Campbell, tại buổi lễ tưởng niệm. Đây cũng là điểm kết thúc của Marillion khi vẫn còn là một band nhạc ăn khách, sau thời điểm này Marillion chỉ còn là underground. Marillion là một band rất hay, kể cả trong thời kỳ của Horgath, em vẫn tiếp tục có nhiều đĩa nhạc của nhóm Seasons End 1989 có 2 bản (bản gốc và remastered 24 bit 1999 - 2CDs) Holidays in Eden 1991 (bản gốc) Brave 1994 (2 bản gốc một bản của Anh, một bản của Mỹ) và bản remastered 24 bit Afraid Of Sunlight 1995 (bản gốc và remastered) Ngoài ra còn 2 single trong album Holidays In Eden gồm: Dry Land 1991 No One Can 1991 Marillion thời kỳ này cũng có nhiều single hay. Năm 2002, dưới yêu cầu của người hâm mộ, nhóm đã tung ra một hộp boxset gồm 12 Cds. Em cũng có boxset này Chiếc hộp khá nhỏ, có nắp để mở ra ở phía trên Bên trong chứa 12 singles dưới dạng CDs, mỗi CD đựng trong một vỏ giấy cardboard rất đơn giản Các CDs single gồm: Hooks in You 1989 The Uninvited Guest 1989
Marillion (Thời kỳ Hogarth - P1) - tiếp theo Easter 1990 Cover My Eyes (Pain & Heaven) 1991 Dry Land 1991 No One Can 1991 Sympathy 1992 No One Can (remixed) 1993 Alone Again in the Lap of Luxury 1994 The Great Escape 1994 The Hollow Man 1994 Beautiful 1995 Đây là toàn bộ các single của nhóm kể từ năm 1989 tới 1995. Các bài hát khá hay nhưng artwork thì không được đẹp như phần trước.
Marillion (Thời kỳ Hogarth - P2) Rõ ràng, việc dần mất đi sự phổ biến mặc dù các album không hề tệ là một điều hết sức đau đớn với các band nhạc. Nhiều band nhạc đã không thể trụ nổi sau những biến cổ này, nhưng đây cũng không phải là trường hợp của Marillion. Kiên định với con đường đã chọn, Marillion đã ký hợp đồng với Castle Records và tiếp tục thu âm ba album cùng hãng đĩa này, đó là This Strange Engine, Radiation và Marillion.com. Dù rất kiên định, nhưng không thể nói rằng những vấn đề tài chính không ảnh hưởng tới âm nhạc. Cả 3 albums này chỉ có chất lượng ở tầm trung bình và cũng không hề gặt hái được nhiều thành công. Cộng với sự thiếu quan tâm của hãng đĩa, khiến band nhạc ngày càng không hài lòng với chiến lược tiếp thị kém và sự thiếu hiểu biết về âm nhạc của công ty thu âm của họ. Và cuối cùng điều gì phải đến đã đến, band nhạc và hãng ghi âm chia tay nhau khi mà Marillion cũng không có triển vọng thực sự về hợp đồng mới ở bất kỳ nơi nào khác. Một lần nữa, band nhạc lại đứng trước bờ vực của thảm họa. Nhưng rồi, sau cơn giông thì trời lại sáng, và thảm họa đã được ngăn chặn khi Marillion tìm ra con đường mới cho âm nhạc của họ, đó là dựa trên sức mạnh của internet, một công cụ như con dao hai lưỡi vốn rất phổ biến trong thập kỷ thứ hai của thiên niên kỷ. Nói một cách đơn giản, thông qua trang web, họ đã yêu cầu những người hâm mộ của mình, những người vẫn vô cùng trung thành với nhóm, tài trợ cho việc ghi âm album tiếp theo là Anoraknophobia, thậm chí trước cả khi ghi âm bất kỳ nốt nhạc nào. 12.000 người hâm mộ đã đồng ý góp tiền để Marillion hoàn thành albums, một tin tốt hơn nữa là hãng đĩa cũ của họ EMI đồng ý phân phối album này như sự tri ân cho band nhạc từng là con cưng của họ (mà họ lại không mất tiền để sản xuất album)và vì tất cả những yếu tố trên, sự tồn tại của band nhạc được đảm bảo. Quyết định có tầm nhìn xa trông rộng này không chỉ là bước khởi đầu cho sự trở lại với thành công tương đối về mặt thương mại mà còn là khuôn mẫu cho nhiều band nhạc khác noi theo. Nhưng cũng phải tới Marbles, phát hành năm 2004, thì thành công mới trở lại với band nhạc. Đây là một album được đón nhận rất nồng nhiệt với các bản nhạc progressive kinh điển đích thực, dù được người hâm mộ tài trợ hoạt động tiếp thị, những người donate sẽ nhận một phiên bản đặc biệt là đĩa CD đôi không có sẵn trên thị trường. Kỳ lạ thay, đây là một album thành công vang dội và band nhạc thậm chí còn quay trở lại top 10 bảng xếp hạng đĩa đơn với You're Gone, ngay cả khi Top of the Pops (một chương trình âm nhạc danh tiếng của BBC) từ chối không cho họ xuất hiện. Band nhạc sau đó đã tiếp tục phát hành khá nhiều albums, tất cả đều đạt được thành công về mặt thương mại ngày càng tăng và tiếp tục sử dụng cơ sở người hâm mộ làm hình mẫu để gây quỹ và quảng bá, cùng với sự cảm thông và công bằng hơn từ phía báo chí, lúc này đã mệt mỏi với nhạc pop rác rưởi đangđược quảng cáo rầm rộ và công khai. Năm 2016, album F.E.A.R. (từ viết tắt là f**k Everyone And Run) đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của giới phê bình và đánh dấu sự trở lại với những ca từ mang tính chính trị một cách công khai và sự tức giận chưa từng được chứng kiến kể từ những ngày tháng của Fish. Nó phản ánh rất rõ hệ tư tưởng của thời đại, về một thế giới mệt mỏi, ngày càng hoang mang trước lòng tham, sự tham nhũng, nghèo đói, những truyền thống của nước Anh đang mất đi và sự bất lực của các chính trị gia trong nước (và thế giới) trong việc giải quyết những vấn đề một cách hiệu quả. Album đạt vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng ở Vương quốc Anh, và cùng với sự tài trợ của chiến dịch Pledge Music, vào tháng 10 năm 2017, band nhạc đã đạt được tham vọng suốt cả đời của họ là biểu diễn trực tiếp tại Royal Albert Hall ở London. Vé đã bán hết trong vòng ba phút sau khi mở bán. Album mới nhất của nhóm (tính tới thời điểm hiện tại) là An Hour Before It's Dark phát hành vào năm 2022 tiếp tục xu hướng tối tăm của album FEAR trước đó nhưng có thêm một chút hy vọng và lạc quan (theo quan điểm của Marillion). Tiếp tục là một album rất hay và đáng ngạc nhiên hơn nữa nó rất thành công về mặt thương mại. Album vươn lên xếp hạng 2 tại Anh Quốc và nhiều nước yêu thích Prog khác như Đức hay Hà Lan. Tại Thụy Điển, nó cũng lên được hạng 6. Những thành tích này cao không kém gì so với Misplaced Childhood hay Clutchinh At Straw, những đỉnh cao trong sự nghiệp của nhóm. Điều khác biệt là các thành viên lúc này đã già đi tới gần 40 tuổi và tưởng như thời kỳ đỉnh cao của họ đã qua từ rất lâu rồi. Marillion có thể được coi là hình ảnh thu nhỏ của Progressive rock, đôi khi họ chơi những bản nhạc cực kỳ phức tạp, nhưng với thái độ và đặc tính hoàn toàn riêng biệt cùng với lượng người hâm mộ cuồng nhiệt của họ. Đây là một band nhạc có tài năng rất lớn, nhưng ý chí và nghị lực của họ còn đáng khâm phục hơn rất nhiều so với tài năng của họ. Band nhạc cũng trải qua qua thời kỳ với rất nhiều những nốt trầm, nhưng họ như những con phượng hoàng bất tử trong truyền thuyết vậy, đã có những lúc tưởng band nhạc sẽ chết yểu nhưng rồi họ lại vươn lên và tỏa sáng tới những mức không ai có thể tưởng tượng nổi. Kể cả những fan hâm mộ của Prog Rock cũng không nên quá coi trọng cái nhãn hiệu Neo Prog của Marillion. Bởi vì, bản chất của Marillion còn nhiều hơn cả thế nữa, và đó là một điều hết sức đáng tự hào. Bộ sưu tập có những đĩa Cd sau: Radiation 1998 Marbles 2004, một album rất hay có thể coi là kinh điển của Marillion Something Else 2007 Happiness Is The Road Vol1, 2 2008 Sound That Can Be Made 2012 F.E.A.R 2016 Ngoài ra còn có albums live Made Again 1996 Và các album dạng tuyển chọn compilaton B'Sides Themselves 1988 (tuyển chọn dạng B sides và rarities, trong các single thường có mặt A và B, mặt A thường là các bài hát chính, mặt B thường là những bài biểu diễn live hoặc chưa tung ra, B side vì thế thường là các bản hiếm không có trong các albums chính thức và cũng thường là kém quan trọng hơn so với mặt B). Vào năm 88 thì nhóm đã Marillion A Singles Collection: album này còn có tên khác là Six of One, Half-Dozen of the Other trong phiên bản Mỹ, là album gồm 12 bài hát hay nhất: 6 thời kỳ Fish và 6 thời kỳ Hogarth. Tales From Engine Room 1998 (thực chất là album remixed lại của album năm 1997 là The Strange Engine
Ngoài ra còn có album DVD Live From Loreley vào năm 2004. Thực chất ra đây là buổi biểu diễn live tại Đức, lúc Marillion đang ở đỉnh cao trong thời kỳ Fish, một trong những đỉnh cao với toàn những bài hát hay và biểu diễn đầy cảm xúc. Đây có lẽ cũng là một trong số những album live ấn tượng nhất của Marillion.
IQ (P1) Sau Marillion, IQ là một trụ cột rất quan trọng của Neo Prog. Điểm kỳ lạ của IQ là sau giai đoạn trồi sụt lúc đầu sự nghiệp thì khi họ tái hợp với giọng hát chính Peter Nicholls, IQ càng chơi nhạc càng lên tay và trở thành những album kinh điển của Prog trong những năm sau này. Điều này giúp IQ tạo dựng được một sự nghiệp vững chắc với những album tuyệt vời, mà có những lúc những người hâm mộ của nhóm vẫn đang tự hỏi khi nào thì chuỗi abums tuyệt vời kéo dài từ những năm 90s tuyệt hay này của họ sẽ chấm dứt. Trở lại sự nghiệp của nhóm thì IQ là một band nhạc khá lâu đời, nhóm thành lập ở Southampton, Anh Quốc vào những năm 76s (trước cả Marillion) nhưng nhóm chỉ phát hành được 1 vài bản demo trước khi tan rã rồi lại tái lập lại và trở thành IQ vào năm 1981. IQ hiện tại vẫn tồn tại và cùng với Marillion, là một trong số rất ít các nghệ sĩ nhạc progressive rock trong thập niên 80s. Bản thân IQ là trụ cột của Neo Prog Rock nhưng lại không thích cái nhãn hiệu này, mặc dù phong cách xuyên suốt của họ luôn là Neo Prog. Những band như Marillion hay Twelfth Night còn thay đổi phong cách khá nhiều chứ IQ thì luôn trung thành với Neo Prog. Chính vì những lý do này, band nhạc này gần như có một lượng fan trung thành khá lớn và được tôn thờ tại quê hương của họ. Dù ít người biết tới hơn, IQ luôn có những album tuyệt hay và xứng đáng là những siêu phẩm của không chỉ Neo Prog, kể cả những trong những năm gần đây. “Gừng càng già càng cay” có lẽ là câu nói chính xác nhất cho âm nhạc của IQ. Nổi lên từ đống tro tàn của The Lens vào năm 1981, đội hình ban đầu gồm của IQ có: Peter Nicholls, Michael Holmes, Martin Orford, Paul Cook và Tim Esau. Band nhạc này đã đạt được những điều tưởng như không thể: đó là sự kết hợp của các phong cách đa dạng như prog, punk, jazz và thậm chí reggae. Album demo bằng cassette đầu tiên của họ, sau đó được phát hành lại trên hãng GEP với tên gọi "Seven Stories Into 98", vẫn là một ví dụ nổi bật về điều này. Cả hai album vinyl đầu tiên của họ "Tales From The Lush Attic" và "The Wake" đều ngay lập tức đạt được vị thế kinh điển trong "làn sóng Neo progressive rock của Anh Quốc". Chẳng bao lâu, band nhạc đã trở thành thành viên thường xuyên của câu lạc bộ Marquee nổi tiếng thế giới ở London, biểu diễn hơn 200 buổi live mỗi năm ở Anh và nhanh chóng có được lượng người theo dõi trung thành và mạnh mẽ. Dù khá thành công khi còn là một band nhạc trẻ, nhưng những thành công của IQ thì không thể so sánh được với Marillion, một band đã vươn lên hàng siêu sao, thống trị các bảng xếp hạng tại châu Âu. Nhưng nói một cách công bằng thì cũng giống Marillion, những album đầu tiên của IQ rất hay nhưng vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của Genesis. Sự nghiệp của IQ cũng có nhiều nét giống với Marillion, năm 1985, họ chia tay ca sĩ chính Peter Nicholls và sự nghiệp bắt đầu trồi sụt. Nên nhớ rằng Fish ra đi khi Marillion đang trên đỉnh cao nhất, còn khi Nicholls ra đi thì IQ chỉ mới bắt đầu tạo dựng được tiếng tăm với 2 albums rất hay. Sau khi ký hợp đồng với hãng thu âm rất lớn Polygram vào năm 1987 với ca sĩ mới Paul Menel, họ đã phát hành "Nomzamo" gồm đĩa đơn "Promises" đã đạt vị trí cao trong bảng xếp hạng Hà Lan. Rồi sau đó là chuyến lưu diễn Châu Âu và album " Are You Sitting Comfortably ?". Tuy đạt được những thành công nho nhỏ về thương mại, nhưng nói một cách thật lòng thì những albums này rất tệ nên ngay sau đó thì giọng ca chính Menell và tay bass Tim Esau rời band nhạc vào năm 1989. Cũng cần phải nhắc lại rằng tại thời điểm này, Neo Prog đang tụt dốc không phanh, mà thực ra thì phải nói là lao dốc thì có lẽ đúng hơn. Nhưng, cũng như Marillion, giữa những sự hỗn loạn thì những gì tưởng như là sự kết thúc thì thực ra chỉ là một sự khởi đầu khác. Nicholls tái gia nhập và được chào đón trở lại nhiệt tình tại các buổi hòa nhạc ở London và Paris. Đồng thời hãng ghi âm GEP được thành lập từ các nhạc sĩ và cộng sự của IQ, album rất hiếm gặp của IQ "J'ai Pollette D'arnu" trở thành bản phát hành đầu tiên của hãng đĩa này. Vào năm 1993, album mới "Ever" của IQ đã khiến người hâm mộ cũ và mới thích thú với cách diễn giải progressive rock vừa hiện đại vừa truyền thống. Ever, với sự trở lại của Nichols thậm chí còn được đánh giá cao hơn rất nhiều so với các album đầu tiên của IQ, vốn có chất lượng rất tốt rồi. Ever cũng đánh dấu sự trở lại và hồi sinh của Neo Prog nói riêng và Prog Rock nói chung và là thường được coi là một siêu phẩm của thập kỷ 90s. Với tay bass mới John Jowitt (cựu thành viên của nhóm Ark, một band nhạc Prog khác của Anh Quốc vào cuối những năm 80s), band nhạc bắt đầu chuyến lưu diễn rất thành công ở Vương quốc Anh và lục địa Châu Âu, đồng thời biểu diễn trong các lễ hội nổi tiếng ở Hoa Kỳ và Nam Mỹ. Chuyến lưu diễn thậm chí còn được ghi hình lại và phát hành thành album live "Forever Live" rất hay. IQ là một band nhạc khá hay và hiện tại em cũng có khá nhiều đĩa trong bộ sưu tập. Trong phần 1 này thì có những albums chính như sau: Tales From The Lush Attic 1983 (LP- đây là bản reissue lần thứ 3 vào năm 1984, bản này có màu đặc trưng là màu nâu, trong khi các bản trước có màu xanh da trời nhạt, do các bản phát hành đầu tiên có số lượng rất ít -mỗi lần đâu đó khoảng 1000 bản- mà yêu cầu cao nên bản này có số lượng cao hơn. Âm thanh rất tốt, ngoài ra còn có biểu tượng IQ ở giữa và còn có một tờ lyrics in rời phía trong). Ngoài bản LP ra thì còn có 1 bản CD của Tales From The Lush Attic, album đầu tay do hãng GEP sau này ra lại Album The Wake 1985 (có 2 bản CD: bên trái là bản phát hành năm 1986 do Pháp phát hành, trong bản này còn có Bonus thêm 1 bài tiếng Pháp là Dans le parc du Chateau Noir - trong công viên của cánh rừng Chateau Noir- Chateau Noir cũng là tên một bức tranh nổi tiếng của danh họa Paul Cezanne có giá hàng trăm triệu dollar, bên phải là bản remastered của hãng GEP vào năm 1994) Nomzamo 1987 (bản của Đức) Are You Sitting Comfortably 1989 (bản GEP) Ever 1993 (bản remastered 2005 của InsideOut) (còn tiếp)
IQ (P2) Năm 1997, IQ phát hành "Subterrenea", một album đôi kinh điển với cốt truyện và cách tiếp cận hết sức mới mẻ, khiến cả nhà phê bình cũng như người hâm mộ ngạc nhiên. Cùng với những màn trình diễn trên sân khấu với hình ảnh trực quan ấn tượng, bao gồm thiết bị chiếu sáng chuyển động, màn hình chuyển động, phim và hành động kịch trên sân khấu, nó đặt ra tiêu chuẩn mới, không chỉ cho IQ mà còn cho tất cả những người cùng thời trong thế giới Prog Rock. Ngay cả khi mọi người nghĩ rằng IQ sẽ không thể tiến xa hơn nữa, một lần nữa band nhạc lại thuyết phục công chúng với album mới "The Seventh House" (2000), một album có phần mạnh mẽ và đầy giận dữ với những ý tưởng mới mẻ thậm chí có những lúc còn lấn sang cả phần Metal đã khiến cho các khán giả trung thành của nhóm cũng phải ngỡ ngàng, điều tuyệt vời hơn là sự ngỡ ngàng này mang rất nhiều yếu tố tích cực. Cũng rất may cho IQ là tới thời điểm những năm 2000s thì Prog Rock đang phát triển rất mạnh trở lại với lượng fan hâm mộ đông đảo. Có những hãng đĩa được thành lập và chuyên về Prog Rock. Trong đó thì có hãng đĩa rất uy tín là InsideOut của Đức. Nhận thấy IQ đang trong đà hồi sinh và phát triển quá mạnh, InsideOut đã nhanh chóng ký hợp đồng với nhóm. Album đầu tiên nhóm phát hành với InsideOut, may mắn thay lại là một tuyệt tác đỉnh cao nữa, đó là album Dark Matter vào năm 2004. Một album tối tăm, khổ sở với những sáng tác có thể coi là có chất lượng cao nhất mà IQ đã từng viết. Dark Matter nhận được sự chào đón nồng nhiệt tới mức, InsideOut sau đó đã tìm cách mua lại toàn bộ những albums mà IQ còn giữ bản quyền để ra lại trên toàn thế giới. Em vẫn còn nhớ là thời điểm năm 2000s đấy thì mua đĩa cũng không đơn giản, đĩa Dark Matter này tìm mãi không mua nổi, sau này việc mua đĩa dễ hơn nhiều thì mới có dịp mua được album này. Tới thời điểm năm 2009, một lần nữa IQ tưởng như rơi vào khủng hoảng lần thứ hai sau rất nhiều albums thành công. Tay keyboards gạo cội Martin Orford quyết định rời khỏi band nhạc vì những mâu thuẫn trong nội bộ. Cần phải nhắc lại rằng keyboards là nhạc cụ chủ đạo của IQ cũng như phần lớn các band Neo Prog khác, mọi con mắt nghi ngờ đã bị xóa tan sau khi IQ tung ra album Frequency. Một album khởi đầu bằng bản điện tín báo cáo rằng bom nguyên tử đã được ném xuống thành phố quân sự Hiroshima và xóa bỏ cứ điểm "quân sự" này một cách vô cảm. Còn tại địa điểm đó, hàng vạn người dân sống giữa cái cảnh hỏa ngục giữa trần gian. Một concept đầy gai góc với những tiếng solo guitar như tiếng người gào khóc, rên rỉ. Album quá đen tối với nhưng những bản nhạc lại rất trau chuốt và giai điệu tuyệt vời này đã khiến cho cả thế giới của Prog Rock ngả mũ, nó còn hay hơn cả các albums hay nhất của IQ từ trước tới giờ, kể cả Dark Matter cũng còn dưới một bậc. Ngay cả Orford cũng vẫn còn cảm giác cay đắng khi tay keyboards thay thế Mark Westworth chơi còn hay hơn cả anh này. Orford sau đó tuyên bố band nhạc chơi không đẹp vì có những sáng tác của mình mà lại không được đưa vào credit. Mặc dù vậy, không ai có thể phủ nhận Frequency là là một điểm nhấn khác trong sự nghiệp xuất sắc của IQ, và dần đưa IQ lên vị trí hàng đầu của Prog thế giới. Bản thân em là fan hâm mộ của Frequency, với em đây là album hay nhất của nhóm. Một sự thay đổi nhân sự khác vào năm 2011 có nghĩa là 4 trong số 5 thành viên sáng lập ban đầu một lần nữa quay trở lại IQ khi Tim Esau và Paul Cook trở lại. Để chào mừng sự kiện, band nhạc đã đi lưu diễn rất nhiều nơi để đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập. Trong những năm sau đó, IQ hết sức bận rộn vì sự háo hức và tìm kiếm âm nhạc của nhóm ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khán giả, nhóm liên tiếp remastered lại toàn bộ các albums và phát hành lại dưới nhiều loại định dạng khác nhau. Phần lớn các albums ở thời kỳ sau năm 93 chỉ có bản CD, sau này đã ra cả bản Vinyl và đều rất thành công. Phải tới năm 2014, nhóm mới có thể phát hành album thứ 11 là "The Road Of Bones", và chúng ta cũng không thể tưởng tượng được rằng, lúc này album thậm chí còn được đánh giá cao hơn Frequency và thậm chí còn được đánh giá là album Progressive Rock hay nhất của tất cả các thể loại. Dù mới tung ra, The Road Of Bones vẫn luôn coi là một đỉnh cao của Prog trong những năm 2010s. Album cuối cùng của IQ tính tới thời điểm hiện tại là Resistance phát hành năm 2019, là một album concept kép, tiếp tục là một album tuyệt vời, một siêu phẩm của Prog Rock trong năm và tiếp tục được bình chọn là album hay nhất của thập kỷ. Có lẽ là một câu hỏi luôn đặt ra trong sự thấp thỏm lo âu của những fan hâm mộ Prog Rock trong nhiều năm qua là: đến bao giờ thì chuỗi các albums kinh điển kể từ năm 1993 (Ever) của IQ chấm dứt vẫn chưa có lời giải. IQ mang tới cho thế giới của Prog hết bất ngờ này tới bất ngờ khác. Từ từ nhưng chắc chắn, IQ đã vươn lên trở thành bố già của Neo Prog và cũng nhận được vô số sự tôn trọng của các fan hâm mộ Prog Rock nói chung. Nói một cách chân thành, có lẽ IQ mới là band nhạc quan trọng nhất của Neo Prog. Dù cùng thời, và không thành công về mặt thương mại bằng Marillion nhưng các albums của IQ trưởng thành hơn rất nhiều so với Marillion, kể cả trong thời kỳ của Fish. Nicholls có phong cách hát riêng, như kể chuyện và không bao giờ cố gắng bắt chước Peter Gabriel như Fish từng làm. Liệu chúng ta có cần phải nói thêm rằng IQ là band nhạc vô cùng quan trọng của Neo Prog? Điều đó chắc không còn cần thiết. Bộ sưu tập có các albums như sau: (tất cả định dạng CDs) Subterranea 1997 - một album concept nói về mặt tối của cuộc sống tại những đô thị hào nhoáng, concept rất hay, album cũng có chất lượng rất tốt. Album thường được so sánh với The Lamb của Genesis vì là album đôi. Album này do hãng GEP của chính IQ phát hành năm 97 nhưng sau đó được InsideOut mua lại và remastered rồi tung ra vào năm 2005. Bản trong bộ sưu tập là của InsideOut The Seventh House 2000 - đây là một album rất mạnh, giận dữ của IQ, nghiêng nhiều về Metal nhưng cũng rất hay. Em cũng có bản mà InsideOut mua và phát hành lại năm 2005 Dark Matter 2004 đây là album chứng kiến sự bùng nổ của IQ, trước đó những album của nhóm rất khó kiếm, âm nhạc không được nhiều người biết tới. Vào thời điểm năm 2004, nhóm có hợp đồng với InsideOut và tung ra album này. Album được đánh giá rất cao và vô cùng thành công, đứng đầu bảng xếp hạng về Prog của nhiều trang web âm nhạc. Thành công của albums này khiến InsideOut đã mua lại bản quyền của tất cả các albums từ Ever để ra lại. Frequency 2009 đây là album tăm tối và tuyệt hay của IQ, là album em yêu thích nhất của IQ The Road Of Bones 2014, album cũng được coi là siêu phẩm, đánh giá rất cao nhưng em lại không thích bằng Frequency. Tổng cộng có 11 CDs và 1 LP
IQ em mới có cái Frequency, rất hay. Tuy nhiên, khi em nghe nhạc rock thì lại thấy đặc biệt thích những album mà mình kết nối dc với câu chuyện của nghệ sĩ làm nhạc (để mình cảm nhận là cảm xúc thật của họ), hoặc đỉnh cao là kết nối dc với trải nghiệm nào đó của cá nhân mình, làm mình nghĩ hoặc thậm chí ám ảnh về nó. Cái Frequency này em thấy hay nhưng chưa cảm dc cái kết nối với bản thân. Thế nên em thấy những cái như Misplaced Childhood của Marillion vẫn hơn 1 bậc (dù cách hát của Fish vẫn có kiểu copy Peter Gabriel).
Những cái cảm xúc này thì hoàn toàn là do cá nhân. Đối với em thì Misplaced Childhood em nghe và thích từ khi còn rất trẻ nên sợ rằng mình đánh giá sẽ không được công tâm vì thực sự là fan hâm mộ và gắn bó với quá nhiều kỷ niệm. Nhưng ngoài Misplaced thì em thấy các album của IQ nghe hay hơn so với Marillion. Nhưng đây cũng chỉ là quan niệm cá nhân thôi.
Pendragon (P1) Chúng ta đã đến với những band nhạc rất lớn của Neo Prog trong thập kỷ 80s như Marillion hay IQ hoặc Twelfth Night, bây giờ chúng ta sẽ tới với một band nhạc nhỏ hơn nhưng họ cũng có một sự bền bỉ rất lớn đó là Pendragon. Band nhạc do nghệ sĩ guitar Nick Barrett thành lập vào năm 1978 tại Stroud, Gloucestershire với tên gọi "Zeus Pendragon". Nhưng sau đó tay guitar thứ hai, cũng là người đồng sáng lập của band nhạc là Julian Baker cảm thấy cái tên này quá dài dòng để in vừa vào một chiếc áo phông nên đã cắt ngắn đi thành Pendragon. Band nhạc lúc này thậm chí còn chưa ghi âm bất kỳ tài liệu nào. Sau đó band nhạc có một số thay đổi trong đội hình. Phải tới tầm năm 86 thì nhóm mới có sự ổn định (và kéo dài tới hai chục năm sau) bao gồm: Nick Barrett (guitar/vocal) Clive Nolan (keyboards) Peter Gee (bass) và Fudge Smith (trống). Phải tới năm 2006 thì Pendragon và Fudge Smith mới chia tay nhau. Khởi đầu Pendragon chơi một thứ âm nhạc với nhiều ảnh hưởng từ Marillion. Trong album đầu tay The Jewel -1985, ảnh hưởng từ Marillion rất rõ nét, chỉ có điều là Pendragon chơi nhanh và mạnh hơn một chút. Đây cũng là một album có chất lượng tạm ổn chứ chưa thể gọi là quá đột phá của nhóm. Trong thời gian sau đó, không may là Pendragon thay đổi đội hình và phải mất 3 năm thì nhóm mới tung ra được albums thứ hai là KowTow vào năm 1988. Đây là một album không quá hay vì nó chứng kiến sự thay đổi trong sự nghiệp của nhóm. Album như một bước đệm để Pendragon thay đổi. Âm nhạc trong album nghiêng nhiều về Pop Rock đơn giản với những bài hát dễ nghe, dễ nhớ hơn là phong cách Progressive sau này. Mặc dù dễ nghe, nó cũng không thực sự thành công, cộng với việc Neo Prog đang lao dốc thì một band nhạc nhỏ bé như Pendragon càng rơi vào vòng xoáy của bất ổn. Lúc này thì cũng chả còn hãng đĩa nào quan tâm tới nhóm nữa. Tình huống của nhóm hết sức khó khăn, tưởng chừng không vượt qua nổi. Nhưng cũng giống như nhiều band nhạc Neo Prog khác, các thành viên của Pendragon rất kiên định. Để tiếp tục sự nghiệp, nhóm đã tạm dừng hoạt động, dành thời gian thành lập hãng đĩa riêng là "Toff Records" vào cuối những năm 1980s. Việc này cũng khiến cho nhóm mất 3 năm gần như không có bất kỳ hoạt động gì trong âm nhạc. Vào thời điểm năm 1991, cần phải nói rằng lúc này thì Neo Prog đang thoái trào nghiêm trọng. Marillion và IQ đang trên bờ vực tan vỡ sau khi dần thương mại hóa âm nhạc mà không thành công. Các band gạo cội khác như Twelfth Night, Pallas hay Solstice đang tạm dừng hoạt động, thì bất ngờ band nhạc hạng ba như Pendragon bất ngờ nổi lên. Album đầu tiên trong thập kỷ 90s của nhóm là The World -91 chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Pendragon với sự quay trở lại, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, của Neo Prog. Khác với những album có phần nghiêng nhiều về Pop Rock dễ nghe trước đó, The World chuyển sang chịu nhiều ảnh hưởng của Symphonic Prog và Space Rock, đặc biệt là Pink Floyd. Phải nói một cách thực lòng rằng, The World gần như là điểm sáng duy nhất của Neo Prog trong những năm đầu thập kỷ 90s. Cùng với sự thay đổi trong âm nhạc, Pendragon cũng thay đổi cách trang trí bìa đĩa, với những hình ảnh rất đẹp mắt. Sự thăng tiến vượt bậc này của Pendragon tiếp tục trong album tiếp theo là The Window Of Life -93, với rất nhiều những bài hát hay, chủ yếu vẫn theo phong cách kết hợp của Marillion với Genesis và Pink Floyd. Cả 2 albums đều được đánh giá rất cao và góp phần lớn vào việc hình thành một lượng fan hâm mộ mới, vững chắc cho Pendragon. Pendragon vươn lên tới đỉnh cao trong sự nghiệp của nhóm với siêu phẩm The Masquerade Overture -1996. Một album pha trộn nhiều âm hưởng khác nhau trên nền Neo Prog. Đây cũng có thể coi là một trong những tuyệt phẩm hay nhất trong lịch sử của Neo Prog tính tới thời điểm hiện tại. Những ảnh hưởng của Symphonic Prog rất rõ nét, ngoài ra còn ảnh hưởng từ nhạc làng quê Pastoral hay Blue nữa… Đây cũng có thể coi là một trong những tuyệt phẩm đầu tiên của Neo Prog trong thập niên 90s, nó báo hiệu về một thế hệ mới đang trên đà tiếp nối con đường của các đàn anh đi trước. Sau album này, Pendragon đã có một thế hệ người hâm mộ rất vững chắc. Sự nghiệp của nhóm tiếp tục với album Not of This World -2001 có chất lượng khá tốt và vẫn theo phong cách âm nhạc giống phần trước đó. Pendragon cũng là một band nhạc rất hay, em cũng có khá nhiều đĩa của nhóm, trong Phần 1 này gồm có: The Jewel 1985 (bản ra lại của Toff bonus thêm 2 bài) Kowtow 1988 The World 1991 The Window Of Life 1993 Fallen Dreams And Angels 1994 (EP) The Masquerade 1996 (đây là bản reissue năm 1999 - digipack) Not Of This World 2001 Các albums CD đều do hãng Toff Records cho ra hoặc reissue lại. Các albums trong thập kỷ 90 của nhóm có artwork rất đẹp mắt. (còn tiếp)
Pendragon (P2) Vào khoảng giữa những năm 2000s, Prog Rock trên đà hồi sinh rất mạnh với hàng loạt những band nhạc tuyệt hay. Pendragon cũng đã tạo dựng được tên tuổi cho chính mình với những album mang phong cách Neo Prog chứa đựng nhiều ảnh hưởng từ Symphonic và Pink Floyd. Âm nhạc của họ nghiêng rất nhiều về phía giai điệu đẹp. Thứ âm nhạc này dễ nghe nhưng nếu không thận trọng, rất dễ đi vào nhàm chán, thiếu sáng tạo. Trong thập niên 90s và đầu 2000s, Pendragon đã phát hành 4 albums chất lượng rất tốt và đến lúc này, để tránh lao vào vết xe đổ của những band nhạc Melodic trước, nhóm quyết định thay đổi âm nhạc. Mọi sự thay đổi khi diễn ra, thường khiến cho lượng fan hâm mộ bị chia rẽ, nhưng sự thay đổi của Pendragon khá hợp lý. Việc thay đổi này diễn ra từ album Believe vào năm 2005. Âm nhạc trong album này bắt đầu rời xa nhiều so với Neo Prog kinh điển và chuyển hướng dần sang Metal. Âm nhạc mạnh hơn rất nhiều, thậm chí còn sử dụng giọng hát gầm gừ thường thấy trong Extreme Metal. Việc thay đổi âm nhạc đến cùng lúc với thay đổi trong trang trí bìa đĩa. Từ những hình ảnh thần tiên như trong chuyện cổ tích của các album trước là những hình ảnh tối tăm và trực diện hơn rất nhiều. Believe là album thay đổi mạnh mẽ nhưng chưa phải quá xuất sắc và gây nhiều tranh cãi trong nội bộ fan hâm mộ của band nhạc. Nhưng tới album tiếp theo của nhóm là Pure vào năm 2008 thì chất lượng âm nhạc có sự thay đổi đáng kể. Có vẻ như lúc này, Pendragon đã nghiêng hẳn sang Metal với nhiều ảnh hưởng của thời kỳ của In Absentia của Porcupine Tree hoặc mạnh hơn một chút nữa là Riverside. Đây là một album rất hay với nhiều đánh giá tích cực và có thể coi là album kinh điển mới của Pendragon. Phong cách nghiêng hẳn sang Metal của Pendragon còn tiếp tục trong các albums như: Passion -2011 và Men Who Climb Mountains -2014. Nói một cách trung thực thì các albums này đều có chất lượng rất ổn. Nhưng có một điều bất ổn là dường như chất lượng âm nhạc của Pendragon đang dần đi xuống, Passion chất lượng kém hơn Pure và Men Who Climbs Mountains chất lượng kém hơn Passion một chút. Một lần nữa, Pendragon quyết định thay đổi phong cách. Hẳn chúng ta cũng nhớ rằng việc thay đổi phong cách diễn ra khá thường xuyên trong sự nghiệp rất dài của nhóm. Khởi đầu là một band nhạc pha trộn giữa Pop và Neo Prog, nhóm chuyển sang phong cách Melodic Neo Prog và tạo ra những albums kinh điển trong thập kỷ 90s, rồi sau đó thì chuyển dần sang phong cách chịu ảnh hưởng của Metal trong thập kỷ 2000s và 2010s. Sau albums Men Who Climb Mountains, nhóm đã quyết định tạm dừng hoạt động trong 6 năm để tìm hướng đi mới. Album Love Over Fear -2020 (cũng là album mới nhất của nhóm tính tới thời điểm hiện tại) chứng kiến sự kết thúc của phong cách thử nghiệm kiểu Metal trong 4 albums trước đó. Nếu kết luận rằng album này quay lại với thời kỳ Melodic Neo Prog trước đó cũng không hoàn toàn là sai, nhưng có lẽ nó chưa thực sự đầy đủ. Âm nhạc trong album rất nhẹ nhàng, nhiều khi mang tính chất kiểu Acousic và đậm chất làng quê Pastoral. Âm nhạc vì thế rất nhẹ nhàng và dễ nghe hơn nhiều so với những album tăm tối, mạnh mẽ trước đó. Nhưng khác với sự thử nghiệm lần trước, việc thử nghiệm lần này có vẻ như được sự hoan nghênh nhiệt liệt hơn từ những người hâm mộ. Hầu như tất cả đều cho rằng đây là một album đỉnh cao trong sự nhiệp của Pendragon, và họ có lý do của họ. Album rất hay và nhiều cảm xúc. Cùng với sự thay đổi trong âm nhạc là sự thay đổi trong artwork (cũng giống như những lần trước). Bìa album mang nhiều tính trừu tượng và nhiều ý nghĩa, nó cũng rất đẹp nữa. Trải qua sự nghiệp kéo dài với rất nhiều sự thay đổi trong đội hình, Pendragon đã tạo dựng nên một sự nghiệp vững chắc và có lượng fan hâm mộ trung thành khá đông của Neo Prog. Âm nhạc của nhóm đặc trưng bởi khả năng chơi guitar điêu luyện của Barrett và những màn trình diễn giọng hát rất giàu cảm xúc, rất độc đáo của anh này. Với một số người hâm mộ của Prog Rock, giọng hát của anh này có vẻ hơi yếu, nhưng nhiều người khác lại thấy thích. Điều đặc biệt là lyrics của band nhạc rất hay và ý nghĩa, nhưng có lẽ đó cũng không phải là điều gì đó quá quan trọng. Điều quan trọng hơn là Pendragon đã vươn lên mạnh mẽ từ một band nhạc bị coi là bản sao của Marillion để tìm hướng đi cho chính mình, họ đã thành công với một sự nghiệp trải dài qua 5 thập kỷ. Chắc chắn họ cũng là một trong những band nhạc đáng nghe nhất của Neo Prog. Trong thời kỳ sau này, bộ sưu tập cũng có các album như sau: Believe 2005 Pure 2008 Passion 2011 Men Who Clim Mountains 2014 Và album live acoustic: Acoustically Challenged 2002 Tổng cộng có 12 albums của nhóm
Dòng Neo Prog em cũng chưa nghe nhiều, nhưng có vẻ khá hay và cũng dễ nghe, dễ tiếp cận hơn 1 số dòng khác.
Fish (P1) Fish là giọng ca chính của Marillion và vào khoảng năm 88 thì rời bỏ band nhạc để solo và cũng đóng góp vai trò quan trọng trong lịch sử của Neo Prog. Fish chỉ là nghệ danh còn tên thật là Derek William Dick - Sinh ngày 25 tháng 4 năm 1958 (Dalkeith, Scotland). Fish có một cái họ thường gợi nhớ đến những thứ không hay nên anh dùng nghệ danh Fish, cũng chẳng mấy hay ho nhưng vẫn còn đỡ hơn họ thật của mình. Cái nghệ danh này có từ khi Fish còn trẻ, thường nằm trong bồn tắm hàng giờ nên được bạn bè đặt cho biệt danh này. Ngay từ khi còn rất trẻ, Fish đã rất thích thú với âm nhạc và là fan của The Beatles, sau đó chàng trai trẻ muốn học chơi nhạc cụ nhưng có vẻ sự khởi đầu này không mấy hợp lý và ta cũng sẽ không thấy Fish chơi nhạc cụ trên sân khấu sau này kể cả khi đã nổi tiếng. Lớn lên chút nữa, Fish càng yêu thích âm nhạc hơn, đặc biệt là những nhóm như YES, ELP và tất nhiên là PINK FLOYD. Anh này rất mong muốn thành lập một band nhạc cho riêng mình, nhưng ý tưởng này dễ dàng bị phá sản vì Fish không thể chơi bất kỳ nhạc cụ nào. Kể cả khi Fish thử đánh trống, anh cũng không thành công, và điều đó cũng không hề dễ dàng như anh và nhiều người khác tưởng tượng. Có lẽ điều duy nhất mà anh có thể làm mà không gặp nhiều khó khăn: đó chính là ca hát. Rồi Fish cũng nhận ra điểm mạnh của mình và anh học hát rất nhiều bằng cách hát các bài yêu thích của của Yes, Elton John và Deep Purple. Khi càng học lên cao, thì việc học ngày càng trở thành gánh nặng với Fish, rồi anh xin học ngành kỹ thuật xây dựng vì có nhiều thời gian lang thang bên ngoài hơn. Khoảng năm 79, Fish sang Đức du học, nhưng khi trở về, anh quyết định trở thành ca sĩ. Sau đó Fish tình cờ gặp Peter Gabriel ngoài đời thực trong một buổi hòa nhạc và nhận ra, tay này cũng chỉ là một con người bình thường, và như thế thì mình cũng có thể làm được. Fish sau đó tìm kiếm một band nhạc và sau buổi thử giọng thất bại cho Not Quite Red Fox, Fish tình cờ gặp nhóm Blewitt qua một người bạn cũ. Mặc dù band nhạc này không chơi thứ âm nhạc yêu thích của Fish nhưng anh vẫn trở thành ca sĩ của họ. Và đó là quyết định rất đúng đắn, thông qua việc trình diễn, Fish có nhiều kinh nghiệm trên sân khấu và nhờ đó mà màn trình diễn cũng như giọng hát của anh ngày càng chất lượng. Anh trở thành bạn thân của tay guitar của band nhạc, Frank Usher, người rất ấn tượng với giọng hát của Fish, khuyên anh nên đến London và tìm kiếm một band nhạc phù hợp với mình hơn. Fish đọc rất nhiều quảng cáo trên các tờ báo khác nhau. Là một người thông minh, Fish nhận ra rằng có quá nhiều band nhạc, bởi vì thế, rất khó để thực hiện tất cả các buổi thử giọng, anh đã tự tạo ra một loại tài liệu quảng cáo riêng để gửi cho các band nhạc. Một trong những quảng cáo mà anh cảm thấy thích đầu tiên là của Stone Dome Band. Fish gửi CV và nhận được số điện thoại của tay bass, Diz Minnit. Mặc dù Fish rất thích âm nhạc của nhóm nhưng đây hóa ra lại là một band nhạc nghiệp dư, như thế thì không thể thỏa mãn tham vọng của Fish. Fish và Diz sau đó cũng trở thành bạn bè và quyết định rời đi để tìm kiếm cơ hội lớn hơn. Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, Fish trở về quê và yêu cầu Diz đi theo để thành lập một band nhạc. Nhưng rồi ước mơ nhỏ nhoi đó cũng nhanh chóng thất bại, vì cả hai đều không có tiền, không có kinh nghiệm thực tế và không có bài hát nào của riêng mình. Thấy không ổn, Fish bắt đầu viết các bài hát của riêng mình và thỉnh thoảng hát lại cho Blewitt. Sau đó, Diz đọc báo và thấy có một band nhạc ở Aylesbury đang tìm kiếm một ca sĩ/tay bass. Fish liên hệ với band nhạc có tên Marillion này và bỏ học, mặc dù bố mẹ phản đối, và đến đầu năm 1981, cùng với Diz đến Aylesbury. Band nhạc này hóa ra đang sống trong một khu hoang tàn, và Fish đề nghị tiếp tục cuộc gặp gỡ tại một quán cà phê. Khi Fish say khướt và hát một số bài Genesis, band nhạc rất ấn tượng về khả năng thanh nhạc của anh này. Họ cho rằng giọng của anh rất giống Peter Gabriel, điều mà Fish coi như một lời khen vào thời điểm đó. Ngày hôm sau Fish và Diz đã hợp tác với band nhạc và ngay sau đó bài hát đầu tiên ra đời: The Web. Vào ngày 15 tháng 3 năm 1981, buổi biểu diễn đầu tiên của Marillion với Fish diễn ra. Fish cũng là người quản lý band nhạc. Fish sau đó tình cờ gặp Keith Goodwin, một người đàn ông từng làm việc cho Yes và Black Sabbath. Người đàn ông này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với Marillion và mở ra con đường dẫn đến thành công to lớn của nhóm. Fish và Steve Rothery viết hầu hết các bài hát cùng nhau. Nhưng Fish còn lâu mới hài lòng với khả năng của Brian Jelliman, đồng thời còn muốn Mick Pointer rời đi thì tốt hơn là ở lại. Đến lượt Steve, không thích cách Diz chơi bass nhưng muốn Mick ở lại. Họ đi đến thỏa thuận cuối cùng là Brian và Diz bị sa thải. Mark Kelly và Pete Trewavas tham gia band nhạc. Phần còn lại của câu chuyện thì chúng ta đã biết ở phần viết về Marillion. Rồi vào cuối năm 1988, một điều bất ngờ chết người xảy đến: Fish biến mất. Anh này đã tranh cãi với hầu hết các thành viên khác trong band nhạc và bắt đầu sự nghiệp solo. Người hâm mộ thất vọng nặng nề và tương lai của Marillion dường như rất đen tối. Fish ít nhất là gương mặt đại diện của band nhạc. Làm sao để thay thế anh chàng này bây giờ? Điều đó là có thể, và khi Marillion vào năm 1989 tung ra "Seasons End" với Hogarth, Fish đáp trả với album Vigil in a Wilderness of Mirrors. Album thực hiện với những một số nhạc sĩ thời vụ trong phòng thu này có chất lượng rất tốt và được hầu hết người hâm mộ chấp nhận. Nhưng điểm yếu chết người của Fish cũng dần bộc lộ khi anh không thể sáng tác được nhạc mà phụ thuộc vào những nghệ sĩ khác. Album tiếp theo của anh là Internal Exile, nơi âm nhạc bớt dần tính Progressive và chuyển sang Rock thông thường, cũng là nơi mà sự nghiệp của Fish dần đi xuống. Sau album cover "Songs from the Mirror" -1983, cũng không quá đặc sắc, thì album Suits -1994 lại chuyển dần sang Pop. Trước đó, Fish đã có mối quan hệ không tốt đẹp với EMI nên chuyển sang Polydor. Sau 3 albums làng nhàng, cuối cùng, thì Fish không thể hợp tác với Polydor nữa, anh này ra thành lập hãng thu âm của riêng mình và phát hành đĩa hát của chính mình ngay bất cứ lúc nào anh muốn. Do album thứ tư "Suits" không được chấp nhận từ phần đông khán giả, hậu quả của nó rất rõ ràng. Một số thành viên của band nhạc lại rời đi, rồi cả những người quản lý cũng đến rồi đi. Trong cơn thoái trào của sự nghiệp, Fish phải tự mình làm quản lý. Anh không còn công ty thu âm nào để đổ lỗi nữa về sự thất bại của các album. Thất bại với âm nhạc, Fish cũng cố gắng bắt đầu sự nghiệp diễn viên của mình. Nhưng kể cả sự nghiệp này cũng không mấy thành công. Fish sau đó quay lại thực hiện album "Ying and Yang", một album dạng cover nữa. Lần này là phiên bản mới của các bài hát cũ của Marillion và phiên bản mới của bài hát Fish cũ. Nhưng cũng không thành công. Chán nản, Fish ngừng phát nhạc một thời gian để dành thời gian cho gia đình và sự nghiệp diễn viên vẫn còn dang dở. Do là fan hâm mộ của Marillion thời kỳ Fish nên em cũng sưu tập khá nhiều albums của Fish, trong phần này có: Vigil in a Wilderness of Mirrors 1990 Internal Exile 1991 Song From The Mirror 1993 Suits 1994 Ngoài ra còn có hệ thống CDs single cũng có nhiều bài hay, gồm: Big Wedge 1989 (single thành công nhất của album đầu tay(Vigil) The Company 1990 (single này chỉ phát hành tại châu Âu chứ không phải tại Anh Quốc, để quảng bá cho album Vigil Credo 1991 Internal Exile 1991 Never Mind The Bullocks 1992 (còn có tên là Hold Your Head Up) Lady Let It Lie 1994 (single chính trong album Suits) (còn tiếp)
Fish (P2) Câu chuyện của Fish có lẽ cũng trên đà chấm dứt nếu như không có một sự kiện diễn ra vào năm 1997, tại Bosnia, nơi Fish tham gia biểu diễn trong một chương trình của Liên Hiệp Quốc. Tại đây, Fish được giới thiệu làm quen với Steven Wilson, một cái tên cũng không hề xa lạ gì với những fan hâm mộ của Prog Rock vì là một trong những tên tuổi lớn nhất của trào lưu Prog Rock thứ 3. Giữa Wilson và Fish có sự đồng cảm về âm nhạc và Fish rất mong muốn hợp tác với Wilson. Mặc dù có sự đồng cảm, Wilson không có ý định tham gia vào một album mang tính thoái trào, nhưng Fish cũng đồng ý với những yêu cầu của Wilson về làm một album dạng khác. Những sáng tác của 2 nghệ sĩ diễn ra cởi mở và các bài hát cũng như cách tiếp cận mới được tạo ra từ sự cạnh tranh lành mạnh giữa Wilson và Fish khi cả hai đều muốn ghi dấu ấn của mình trong album mới. Kết quả là một album vẫn giữ được âm hưởng của Neo Prog (như phong cách trước đây của Fish) nhưng đưa nó vào một bối cảnh hiện đại hơn với những góc cạnh và sự hung hãn mới. Đó chính là album Sunsets on Empire -1997. Đây là một album rất hay, có chất lượng không thua gì album đầu tay, nhưng một lần nữa vấn đề quảng bá và thiếu kinh phí quảng cáo lại làm hỏng kế hoạch của Fish. Nỗ lực để quảng cáo cho album này, Fish đã tổ chức chuyến lưu diễn kéo dài 115 ngày ở 22 quốc gia khác nhau, để cố gắng mang lại cho album sự chú ý xứng đáng. Bảy tháng sau khi phát hành album và kiệt sức sau chuyến lưu diễn kéo dài, Fish lại còn nhận được tin tức tồi tệ hơn: chuyến lưu diễn thất bại và các khoản nợ khó đòi trở thành khổng lồ, Fish không thể tồn tại với tư cách là một nghệ sĩ độc lập phát hành album của mình thông qua hãng đĩa Dick Bros của chính anh nữa. Việc tài trợ cho việc thu âm album đầy tham vọng Raingods with Zippos vượt quá khả năng của anh này. Quá căng thẳng, Fish thậm chí còn tham dự khóa tu và nghỉ dưỡng tại Pháp. Nhưng sau đó thì Fish hào hứng trở lại và bắt tay vào hoàn thành nốt phần còn lại của album mới (với 3 bài hát từ kỳ nghỉ tại Pháp), Wilson vẫn xuất hiện trong album này với tư cách là nghệ sĩ guitar trong 3 bài hát. Raingods with Zippos phát hành vào năm 1999 qua hãng Roadrunners, thường được ca ngợi là một trong những thành tựu solo vĩ đại nhất của Fish cùng với album đầu tay và Sunsets on Empire của anh này. Những album sau đó của Fish là Fellini Days -2001, do Fish đồng sáng tác với John Wesley và John Young và không còn sự trợ giúp của Steven Wilson nữa và Field of Crows-2003 kết hợp với Bruce Watson và Irvin Duguid đều có chất lượng khá ổn và không kém quá nhiều so với những album trước đó. Những albums này mang nhiều tính Rock hơn là Progressive nhưng vẫn có chất lượng rất tốt. Fish chỉ trở lại rất mạnh mẽ trong album 13th Star -2007, một album mang nhiều tính Progressive và cũng rất mạnh với nhiều ảnh hưởng từ Hard Rock. Album đen tối nhưng rất hay này đã làm cho người hâm mộ bất ngờ vì lúc này Fish cũng đã lớn tuổi và band nhạc hỗ trợ cho anh chỉ mới đi vào ổn định. Cũng trong năm 2007, tức là tròn 20 năm sau ngày phát hành album cuối cùng Clutching At Straws với Marillion, Fish mới tái hợp lại với các thành viên của Marillion tại buổi biểu diễn 'Hobble on The Cobbles' tại Market Square ở Aylesbury. Nhóm “Marillion” chỉ trình diễn một bài hát duy nhất "Market Square Heroes", bài hát single đầu tiên của Marillion. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn sau sự kiện này, Fish phủ nhận về một cuộc tái hợp trọn vẹn, đồng thời khẳng định rằng "Hogarth đã làm rất tốt với band nhạc ... Chúng tôi đã đi theo những con đường khác nhau trong suốt 19 năm." Với rất nhiều hoạt động ngoài lề, sự nghiệp âm nhạc của Fish gần như phát triển rất chậm, phải 6 năm sau, anh mới phát hành A Feast of Consequences -2013. Đây là một album rất hay khác của Fish mặc dù âm nhạc nhẹ nhàng hơn nhiều so với album trước. Lúc này thì đội hình band nhạc của Fish đã ổn định và chơi rất ăn ý. Album mang nhiều tính nghệ thuật và có chất lượng rất tốt. Vào những năm sau này, Fish chủ yếu đi lưu diễn. Ngoài việc trình diễn các bài hát trong sự nghiệp solo, Fish còn rất hay biểu diễn trọn vẹn những albums của Marillion (thời kỳ Fish) trong những dịp đặc biệt. Album gần đây nhất của anh này là Weltschmerz phát hành năm 2020 (7 năm sau album A Feast of Consequences) cũng có chất lượng rất tốt và cũng đạt được nhiều thành công về thương mại tại châu Âu. Trải qua rất nhiều năm, với sự nghiệp trồi sụt, giọng hát của Fish hiện tại gần như khác hẳn so với thời kì anh còn ở trong Marillion, giọng trầm và khàn hơn rất nhiều. Nhưng Fish đã phần nào chứng tỏ được năng lực của mình vì nhiều albums của Anh có chất lượng rất tốt. Tất nhiên là ta cũng cần phải cảm ơn những người đã hỗ trợ Fish như Steven Wilson hay band nhạc hỗ trợ của anh tại thời điểm hiện tại chẳng hạn. Ngoài vị trí là top 3 gồm Marillion, IQ và Pendragon thì vị trí của Fish cũng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Neo Prog vì anh có những albums hay và rất nhiều khán giả hâm mộ. Trong phần này bộ sưu tập có các albums: Sunsets On Empire 1997 album kết hợp với Steven Wilson rất hay của Fish, nó đánh dấu sự trở lại rất quan trọng trong sự nghiệp của anh này. 13th Star 2007 (là album mà Fish có một đội hình band nhạc ổn định có chất lượng rất tốt. A Feast Of Consequences 2013 (một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp của Fish.) Return To Childhood 2006 (album này chơi toàn bộ Misplaced Childhood, do Marillion không hứng thú với việc kỷ niệm các album thời kỳ Fish nên nhân dịp 30 phát hành, Fish cùng cộng sự cover lại toàn bộ album này. Đây cũng là một album chơi live rất hay), sau này Fish còn tiếp tục cover các album của Marillion. Hai album Raingod With Zippo 1999 và Fellini Days 2001 hiện giờ em đang cho mượn. Tổng cộng có khoảng 18 đĩa của Fish Cuối cùng và vé tham gia buổi hòa nhạc tại Rescue Rooms, Nottingham, England ngày 23/05/2008 trong chuyến lưu diễn 13th Star Tour.
Ageness Chúng ta đã tới với các band nhạc chính tạo nên tên tuổi của Neo Prog trong thập kỷ 80s như Twelfth Night, Marillion, IQ, Pendragon và phần nào đó là Fish, bây giờ chúng ta sẽ tới với một band nhạc ở ngoài nước Anh nhưng cũng chơi một thứ âm nhạc Neo Prog, rất giống với các band nhạc kể trên, nhưng tại một nước khác, đó chính là band nhạc Ageness tới từ Phần Lan. Ageness chín thức thành lập tại Helsinki vào năm 1991 do Tommy Eriksson (flute, vocal) và Kari Saaristo (Trống & bộ gõ) nhưng lịch sử của nhóm này thực chất có từ năm 1983 dưới cái tên Scarab. Các thành viên chính của nhóm lúc này đều rất trẻ, vẫn đang học phổ thông. Do không tìm được hãng đĩa tài trợ, những chàng trai trẻ này đã tự bỏ tiền sản xuất, thu âm và phát hành một album cùng tên vào năm 1983. Do điều kiện tài chính vô cùng hạn hẹp, album chỉ phát hành 180 bản. Về mặt âm nhạc thì chủ yếu là những ảnh hưởng từ Symphonic Prog chơi với keyboards điện, ngoài ra còn có ảnh hưởng rõ rệt từ Hard Rock, Metal như Rush. Ngoài ra nhóm còn có một tay violin nên đôi lúc nghe còn giống như Kansas. Nghe miêu tả âm nhạc ta cũng có thể hiểu rằng Ageness giống Marillion một cách khá kỳ lạ. Nhưng họ có giọng ca chính kém hơn Fish rất nhiều lần và so sánh với những giọng ca chính của IQ, Pendragon, Twelfth Night thì cũng còn kém rất xa. Và đấy chính là điểm trừ của album. Còn về phần âm nhạc thì nó rất tốt. Sau album đầu tay Scarab thì nhóm tan rã và phải tới năm 1991 thì các thành viên mới tái hợp lại và lấy tên là Ageness. Không cần là một nhà mật mã học thì chúng ta cũng có thể nhận ra rằng tên của band nhạc thực chất gần như là một sự đảo chữ của Genesis. Mặc dù band nhạc tuyên bố rằng thấy ngay rằng Kansas, Jethro Tull và Dixie Dregs nhưng nếu nghe nhạc của nhóm nhiều, ta sẽ thấy ảnh hưởng của Genesis và Rush mới là lớn nhất. Năm 1992, nhóm tung ra album thứ hai là "Showing Paces" có chất lượng khá tốt. Trong thập kỷ 90s, nhóm hoạt động mạnh và tung ra một số albums có chất lượng như Rituals -95, Imageness -98 với âm nhạc khá gần gũi với Marillion và IQ. Dưới đòi hỏi của người hâm mộ, nhóm còn tái phát hành album đầu tay Scarab có bonus thêm một buổi trình diễn live của nhóm tại Helsinki. Trong những năm sau đó, Agness chủ yếu đi chơi live và lưu diễn. Trên sân khấu họ thường xuyên cover âm nhạc của Rush và Peter Gabriel. Nhóm cũng thực hiện ghi âm các tác phẩm mới nhưng công việc rất chậm. Phải tới năm 2009 nhóm mới tung ra được album tiếp theo là Songs From The Liar's Lair. Một album có chất lượng rất tốt, mặc dù cũng gây ra những tranh cãi về sự sáng tạo trong âm nhạc. Ageness là một band nhạc Neo Prog khá tốt, nhất là với những fan hâm mộ của Neo Prog nghiêng nhiều hơn về Hard Rock/Metal. Bộ sưu tập có album Rituals -1995 của nhóm (do hãng Musea) phát hành.
Tim Burness Trong thập kỷ 80s, ngay tại Anh Quốc thì cũng có những band nhạc, nghệ sĩ siêu nhỏ cũng theo đuổi Neo Prog, nhưng gần như không ai biết tới. Một trong số những nghệ sĩ như vậy có thể kể tới Tim Burness. Anh này sinh năm 1961, vừa là nhà soạn nhạc và nhạc sĩ đa nhạc cụ. Tim Burness bắt đầu sự nghiệp bằng cách chơi trong nhiều band nhạc địa phương khác nhau vào cuối những năm 70s. Năm 1981, anh bắt đầu viết và thu âm tài liệu cho một album solo, và vào năm 1983, sản phẩm âm nhạc solo đầu tiên của anh này được phát hành có tên là "Burnessence". Album có chất lượng khá ổn, mặc dù không thành công lắm về mặt thương mại. Do đó, ngay sau khi phát hành album, các nhạc sĩ tham gia đã quyết định thành lập một band nhạc và sử dụng tên của album đầu tay làm tên nhóm. Sau một số buổi biểu diễn trực tiếp, band nhạc này phát hành album thứ hai là I Am You Are Me vào năm 1984 với chất lượng chỉ ở mức trung bình. Band nhạc sau đó có nhiều thay đổi trong đội hình rồi chấm dứt hoạt động vào tháng 3 năm 1986. Không nản chí, Burness tiếp tục sự nghiệp solo, nhưng sự nghiệp không thực sự tiến triển. Vài năm tiếp theo, Burness thường xuyên trau dồi kỹ thuật sáng tác của mình, đồng thời học một số lớp thanh nhạc để cải thiện giọng hát của chính mình. Nhưng tại thời điểm này thì cũng không còn hãng đĩa nào hứng thú với Neo Prog nên anh này cũng quyết định thành lập hãng riêng của mình, có tên là "Expanding Conciousness", và sau đó đã phát hành tất cả các sản phẩm tại đây. Năm 1989, anh phát hành đĩa đơn "Learning to Fly", tiếp theo là album "Power in Your Hands" vào năm 1990. Những sản phẩm này có chất lượng rất tốt, giúp cho Tim có các hợp đồng biểu diễn cùng với band nhạc hỗ trợ. Tốt hơn nữa là các bài hát và buổi trình diễn của anh bắt đầu được phát sóng trên đài phát thanh quốc gia. Trong những năm tiếp theo, Burness rất bận rộn với nhiều dự án phụ khác - một số thử nghiệm với nhạc dance, đóng góp âm nhạc cho dự án dark ambient TUU, biểu diễn với các band nhạc cover, quảng bá cho các nghệ sĩ cùng địa phương khác cũng như tham dự các hội thảo kinh doanh. Do đó sự nghiệp âm nhạc của anh này bị tạm dừng khá lâu. Phải mãi tới năm 1997, thì đĩa đơn single "Infinite Ocean", thực ra cũng thu âm trong thời kỳ này, mới được phát hành. Tuy nhiên, sau bản phát hành này, sẽ có nhiều công việc hơn với TUU và sự nghiệp solo của Burness hầu như bị gián đoạn cho đến khi anh này bắt đầu thực hiện album solo tiếp theo của mình vào năm 2001. Vào tháng 7 năm 2004 album "Finding New Ways To Love"phát hành và được đón nhận nồng nhiệt; nhờ sự xuất hiện của internet mà lần đầu tiên trong sự nghiệp kéo dài của mình, Tim nhận được nhiều đánh giá tích cực trên phạm vi quốc tế. Cùng với những thành công lớn hơn, là các hợp đồng biểu diễn, mà nó cũng tạo cảm hứng để Tim hoàn thành album tiếp theo là Vision On và phát hành năm 2007. Burness là một nhạc sĩ tích cực trong giới Prog underground của Vương quốc Anh kể từ cuối những năm 70, chơi trong một số câu lạc bộ nhỏ trong các buổi biểu diễn mà thành công của chúng từ rất nhỏ đến vừa phải. Các album của anh xoay quanh phong cách Melodic Neo Prog với những ảnh hưởng của Neo và Prog thập niên 70. Âm nhạc của Burness còn chịu nhiều âm hưởng của New Wave và bầu không khí atmospheric với tâm trạng nhẹ nhàng của King Crimson (những album trong thập niên 80s). Về cơ bản, các album của anh này chủ yếu dựa vào tiếng distortion (méo tiếng) của guitar, synths và giọng hát đầy gợi cảm của Burness. Đôi khi giọng hát chuyển sang một phong cách châm biếm hơn. Do Burness chơi hầu như tất cả các nhạc cụ (trừ trống) nên phần nhạc ít đa dạng về trình diễn nhạc cụ nhưng lại có sự sáng tạo tuyệt vời về mặt phong cách, mà đôi khi có thể gần với Art Rock hơn Prog, nhưng không thể phủ nhận sự gần gũi của phong cách này với các band nhạc Neo Prog của thập niên 80s. Cùng với sự mở rộng về định nghĩa Neo Prog sau này, Tim Burness cũng được xếp vào nhóm Neo. Bộ sưu tập có single 7’’ Learning to Fly rất hay của anh này.
Final Conflict Một band nhạc rất nhỏ khác của dòng Neo Prog, có sự nghiệp kéo dài từ những năm 80s nhưng phải tới những năm 2000s thì mới được phổ biến rộng rãi đó là Final Conflict. Nhóm nhạc này thành lập từ năm 85, và có lẽ họ là fan của Marillion, nên có rất nhiều ảnh hưởng của Marillion trong âm nhạc của họ. Âm nhạc của nhóm , ngoài Marillion, có thể gợi nhớ tới một band nhạc nhe Egdon Heath, với nhiều điểm nhấn và màu sắc, những tiếng guitar solo bùng nổ, nhịp điệu thay đổi liên tục và sự tráo vai giữa guitar- keyboards tuyệt vời. Điểm nhấn của band nhạc là các sáng tác nghiêng nhiều về trình diễn giọng hát. Khả năng chơi nhạc cụ vững chắc cũng là điểm tựa hỗ trợ cho bài hát và ca sĩ. Mặc dù không quá nổi tiếng, Final Conflict luôn nổi bật trong số các band nhạc Neo Prog chuyên nghiệp của thập niên 90s vì thực sự không có ai khác giống họ. Nhóm này không chỉ có hai ca sĩ chính mà cả hai nghệ sĩ này đều chơi guitar điện, điều này thực sự mang đến một động lực rất khác. Việc chơi guitar đôi khá phổ biến trong Metal nhưng lại ít phổ biến trong Prog Rock. Band nhạc Prog Rock khác chơi cặp đôi guitar có lẽ là Jump, thế nhưng Final Conflict chưa bao giờ lấn sân sang lĩnh vực prog metal. Nhưng ngay cả Jump thì âm nhạc cũng rất khác so với Final Conflict (dù họ cũng là một band Neo Prog và chúng ta sẽ gặp ở những phần sau). Những albums đầu tiên của Final Conflict dù chất lượng không tệ nhưng gần như không nhận được sự chú nào từ giới hâm mộ Prog Rock, kể cả Neo Prog. Có thể vì những lý do này, band nhạc giảm dần cường độ hoạt động tích cực. Thế nhưng nhóm vẫn tiếp tục hoạt động và trung bình khoảng 5 năm mới ra 1 album. Các album đều có chất lượng khá ổn nhưng thường là bị đánh giá thấp. Có vẻ như band nhạc này chưa bao giờ thực sự nhận được sự chú ý và ca ngợi xứng đáng với khả năng thực sự của họ. Một phần có thể do họ ít quan tâm và biểu diễn thường xuyên ở London, nếu được thì rất có thể mọi chuyện sẽ khác. Nhưng rồi tới những năm 2010s thì số phận cuối cùng đã mỉm cười với band nhạc. Tại thời điểm này, nhóm tung ra album Return of the Artisan vào năm 2012 và cùng với sự phát triển của internet, album này nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công và được người hâm mộ ca ngợi là một trong những album hay nhất của năm. Một album sống động, mạnh mẽ, khoa trương, du dương và đầy đam mê. Album cũng chuyển hướng sang phía những band nhạc Neo Prog mạnh hơn như Deeexpus, Mystery, RPWL, Galahad, IQ, Touchstone và Porcupine Tree. Và đây là điều rất ngạc nhiên với nhiều fan hâm mộ của nhóm. Sự thay đổi này cũng khiến lượng fan hâm mộ tăng cao và chứng tỏ tài năng của band nhạc, hơn thế nữa nó là minh chứng rõ ràng cho lý do tại sao họ có thể tiếp tục tồn tại lâu đến vậy. Chất liệu mạnh mẽ kết hợp với giọng hát hay, thường là hòa âm guitar đôi, tiếng keyboards làm nền và sự tinh tế cho những cú riff mạnh mẽ và nghiêng nhiều về phần nhịp điệu sẽ khiến khán giả có cảm giác như đang nghe một thứ âm nhạc có sự kiểm soát tốt. Album cuối cùng của nhóm là The Rise of the Artisan cũng có chất lượng rất tốt và nhận được nhiều lời khen ngợi. Final Conflict là một band nhạc gạo cội của Neo Prog, nhưng lại rất ít được biết tới, ngay cả trong cộng đồng yêu mến Neo Prog. Phải tới những năm gần đây họ mới nhận được sự chú ý đáng kể với những album hay, nhiều đột phá. Với những band nhạc mà có thể hoạt động suốt 4 thập kỷ không ngừng thì chắc hẳn họ phải có những bí quyết gì đó để chờ chúng ta khám phá. Bộ sưu tập có album Return of the Artisan -2012