Bác hiểu nhầm do em diễn đạt chưa chính xác, các máy móc của nhà xưởng gây ra nhiễu nội bộ, cái em ví dụ là nhiễu ngoại vi. có nghĩa là nhiễu từ nhiều nguồn chứ không riêng gì do các máy móc nhà xưởng gây ra. vì đang bàn về nhiễu vào đường điện lưới sinh hoạt chứ không bàn về hệ thống điện. chúng ta đang trong diễn đàn về âm thanh mà. tôi không có làm về điện trong các nhà máy nhưng có biết về các nguồn nhiễu do máy móc sinh ra, do biến tần gây ra. Mỗi người mỗi nghề mà, chia sẻ nhau thôi ai rõ về nghề nào thì kiếm ăn về nghề đó thôi bác.
Giáp Tết các bác nhà mình đều rảnh nên tham gia đông đủ cho vui, qua mỗi bài viết thì đều bộc lộ cá tính của nhau cả, nên cũng tránh hiềm khích, mất hòa khí theo kiểu chọc tức nhau hay khiêu khích, em chả tiện nói ra bác nào, nhưng chắc chắn là có bác như thế đấy. Về dây nguồn theo kinh nghiệm của em nếu thay trên cùng hệ thống của mình (ko phải hàng xóm nhé) thì em thấy sự khác biệt rõ thường thể hiện qua âm bass, dây hợp thì cho tiếng chắc, gọn, tròn trịa, dây không hợp tiếng ra thường bí, rền, nghe nhiều cảm giác mệt, không hào sảng. Tuy nhiên, để nhận biết được thì đôi loa sẽ rất quan trọng trong trường hợp này, nếu đôi loa của bác không thiên về dải trầm hoặc tiếng bass không gấu thì khó nhận ra được. Nhận xét của em là chủ quan nhưng đã được một số anh em cùng chơi một dòng loa, cùng chơi một loại nhạc đều có ý kiến như vậy, các bác tham khảo. Về mối hàn, hình như các bác DIY có nhận xét là mối hàn khá quan trọng, từ chất lượng vật liệu hàn đến kỹ thuật hàn các bác ạ (cái này thì em hóng, vì em ko hàn bao giờ)
Hàn rất quan trọng đối với e (kể cả chất liệu hàn và KT hàn): nên dây cắt m (dây dài chính hãng rồi cắt đôi, cắt ba,... và DIY bằng đầu jack WBT xịn) cũng không bằng dây hãng (có lẽ họ búng thêm tí mì chính hay bột ngọt gì đấy )- giá thành thị trường không kể đến. Nếu so kè 2 loại dây này trên cùng 1 ht là ra ngay.
Bác nói đúng nhưng làm gì có nguồn điện sạch trừ khi bác dùng bộ chuyển đổi dc-ac mà cũng chưa chắc được sine chuẩn .nếu ampli chơi nguồn đơn thì dùng acu có lẽ sạch. còn để có nguồn điện tương đối sạch thì phải có dây , ổ cắm, lọc điện, BACL bác à.
Vậy là cái dây không hợp bác đã tìm ra nguyên nhân nào chưa? còn dây hợp thì nó do đâu? bác nói về hiện tượng thì đúng rồi, dây hợp hay không thể hiện qua tiếng bass. nhưng nó còn thể hiện qua cả tiếng trung và treble nữa nếu bác mang cái dây không hợp đó đấu cho hệ thống có công suất gấp đôi bác sẽ thấy. Nói thế bác có thể biết được nguyên nhân nào dây này hợp dây kia không.
@Hoang_Anh @Wildbird Và các bác khác Tạm thời tôi dừng lại mấy cái tiếng bấc tiếng chì. Zalo tôi có tin nhắn, tác giả đã gởi tiếp, tuy là gần nhưng chỉ vào thì tôi mang tiếng đời,..Nên tôi chỉ copy xxxthỏa hiệp. Bàn sâu hơn một chút, nếu các bác tò mò có thể ngâm cứu thêm cấu trúc mạch điện của cục lọc nhiễu. Trong mạch này, thường có các cuộn dây quấn ngược chiều chung lõi để suy hao bớt nhiễu mode chung (theo PA1). Có thêm vài tụ đấu từ N và L xuống đất cũng để diệt bớt thành phần nhiễu này (theo PA2). Cuối cùng là thêm một vài tụ đấu từ N sang L để ngắn mạch phần nào nhiễu vi sai (theo PA4). Tùy bộ lọc mà cấu trúc có thể khác nhau và độ phức tạp có thể thay đổi. Nhưng rõ ràng là từ nay các bác có thể đánh giá một bộ lọc dựa trên cấu trúc. Nếu chỉ có cuộn dây thì nó có tác dụng gì và không có khả năng gì. 4. Hiệu quả của biến áp cách ly Đầu tiên phải nói rằng: BACL ngoài tác dụng cách ly (chống giật) thì còn có tác dụng giảm ảnh hưởng của nhiễu. Khả năng chặn nhiễu của BACL đến từ 2 thứ: sự độc lập của hai cuộn dây và giới hạn truyền của lõi sắt. Giải thích vấn đề này có thể tương đối rắc rối và trừu tượng nhưng ta cứ đi lần lượt như sau: Sự độc lập của hai cuộn dây: giúp chặt đứt khá triệt để đường truyền dẫn trực tiếp Đ1. Điều này là rất rõ ràng vì hai cuộn sơ và thứ quấn hoàn toàn độc lập và cách điện với nhau. Sự độc lập này không những chặt vòng kín đã cưu mang nhiễu mode chung mà còn chặt luôn cả mạch kín chết người: biến áp của trạm BA > dây nóng > nhà dân > người sử dụng > qua người > xuống đất > qua đất > dây tiếp đất trạm BA > cuộn biến áp. Đặc điểm này lý giải khả năng chống giật của BACL nhưng làm phát sinh ngay một câu hỏi: nói điện bị chặn ở BACL thì cái thứ đi ra ở cuộn thứ cấp gọi là gì? Xin trả lời rằng đó vẫn là điện. Ở đây ta cần phân biệt 2 thứ: thứ bị chặn lại là điện so với đất (mode chung, gây giật nhưng không làm quạt quay hay đèn sáng), thứ mà vẫn qua được là điện so dây L với dây N (vi sai, 220 V). Tức là BACL đã chặt đứt vòng mạch mode chung (tạm gọi là chặt thứ có hại) nhưng vẫn truyền tải điện áp vi sai (220 V để nuôi thiết bị) qua con đường Đ2. Tất nhiên, đường Đ2 cũng đưa một phần nhiễu vi sai truyền qua nhưng ta sẽ bàn đến vấn đề này ở phần 2. Thay vào đó, có một điều đáng nói hơn, đó là đường truyền Đ3. Đường Đ3 được hình thành do các cuộn dây quấn sát nhau và nằm sát với lõi, vỏ BA. Cấu trúc này vô tình tạo ra các tụ điện ký sinh sơ-thứ, sơ-vỏ, thứ-vỏ. Ba tụ này hợp sức lại sẽ khép kín một phần con đường Đ1 đã đứt; và, tất nhiên, nhiễu tần số cao sẽ truyền qua. Giải quyết vấn đề này không quá khó đối với các nhà sản xuất. Họ nối đất khung lõi thép và tạo ra rồi nối đất màn chắn giữa cuộn sơ cấp và thứ cấp. Bằng cách đó, tất cả các tụ điện giờ đây đều "cắm đầu" xuống đất, tiễn toàn bộ nhiễu xuống âm phủ bằng PA4. Khả năng truyền tải của lõi sắt: là có hạn, giúp giảm ảnh hưởng của nhiễu vi sai truyền qua đường Đ2. Có hạn ở đây hiểu theo cả 2 nghĩa: về tần số và biên độ. Trong BACL, lõi sắt là phương tiện chuyên trở năng lượng từ cuộn sơ cấp sang cuộn thứ cấp. Rõ ràng nếu lõi sắt không làm việc được với tần số nào thì tần số đó sẽ bị chặn lại; và nếu lõi sắt (với kích thước giới hạn) bị bão hòa thì năng lượng chuyên trở đạt cực đại, gần như không thể tăng thêm nữa. Các BACL mà ta đang dùng đều chế tạo bằng vật liệu sắt từ. Vật liệu này truyền tải tốt 50-60 Hz nhưng khá tệ với dải tần cao; do đó, gián tiếp lọc bớt nhiễu cao tần. Ở khía cạnh còn lại, sự bão hòa từ có thể giúp giảm bớt thiệt lại tại đầu ra khi đầu vào tăng vọt đột ngột. Tất nhiên đặc điểm này không dễ lợi dụng để đạt được mục đích "lọc" như chúng ta kỳ vọng, nhưng ít nhất là nó không cho các xung nhiễu có biên độ lớn vô cực phi vào dàn máy của anh em. Xét ở điểm này, các bác thử đoán xem dùng biến áp công suất nhỏ có lợi gì không. Hehe Vậy sau phần này, ta có thể tự trả lời được một số những câu hỏi như: Tại sao BACL lại thường có màn chắn nhiễu sơ-thứ? Màn chắn này không nối đất thì sao và có nối đất thì sao? Tại sao giữa cuộn sơ-thứ của BACL lại thường được đệm để tăng khoảng cách? V.v. và v.v. 5. Thứ mà cả lọc điện và BACL đều không làm được Đó chính là chặn nhiễu lây qua đường Đ4. Tất nhiên là vậy vì cả hai công cụ trên chỉ có tác dụng chặn đường lây hữu tuyến (có thể hữu hình hay vô hình). Nhiễu điện từ (EMI và RFI) lan truyền như ma, bao phủ toàn bộ không gian quanh ta. Nếu không có phương án ngăn chặn, nó nhiễm cho tất cả: dây dẫn trước lọc và sau lọc, dây dẫn trước BACL và sau BACL, dây chạy trong thiết bị, linh kiện trên bo mạch, thậm chí là mạch sâu bên trong IC. Nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Nhiễu lây qua đường Đ4 chỉ gây ảnh hưởng đáng kể đối với đường tín hiệu chứ ít ảnh hưởng đến dây cấp nguồn trong phạm vi gia đình. Với dây tín hiệu và mạch điện, "phương án ngăn chặn" chính là che chắn tốt bằng lớp giáp hoặc vỏ kim loại nối đất. Che chắn và nối đất nghiêm túc có thể loại bỏ gần như hoàn toàn con đường Đ4 này. Bác nào muốn tìm hiểu kỹ hơn có thể đọc về lồng Faraday và các vấn đề liên quan. Sâu hơn nữa thì ít tài liệu tiếng Việt nhưng ta có thể tìm tài liệu tiếng Anh với tác từ khóa "shielding" và "grounding". 6. Kết luận chung Bài viết này đã trình bày một cách vắn tắt (dù vẫn còn khá dài dòng) một số vấn đề về nhiễu và hiệu quả của hai phương pháp lọc nhiễu mà giới audiophile thường sử dụng. Để chốt lại và cũng mở ra, em xin mạnh dạn phát biểu một số luận điểm sau về lọc điện và BACL (vẫn dựa trên quan điểm cá nhân): Khi chọn lọc điện, có hai câu hỏi quan trọng nhất cần trả lời là: Lọc cái gì (nói cách khác là nhiễu dải tần nào)? Lọc bao nhiêu thì đủ (nói cách khác là cần suy hao nhiễu bao nhiêu lần)? Chứ không phải là cục lọc mấy ampere. Khi chọn lọc điện, nếu chỉ vì sướng, chúng ta cứ mua cục nào chúng ta thích hoặc thiên hạ thích. Còn nếu quan tâm đến hiệu quả giảm nhiễu, chúng ta cần xem xét nghiêm túc đặc tuyến trong datasheet của bộ lọc. Khả năng chịu dòng (tính bằng A) không cần quá lớn, chỉ cần dư một chút. Nếu không trả lời được câu 1 và không hiểu đặc tuyến ở câu 2, phương pháp chọn lọc điện tù không mù là: ưu tiên xác to nhưng dòng nhỏ (hoặc vừa). Với những cục có dòng lớn thì xác cần phải siêu lớn. Lọc điện có cấu trúc mạch phức tạp thường tiềm ẩn khả năng lọc tốt trong một dải tần rộng. Các lọc điện có quá ít linh kiện (dù nhìn có thể hầm hố) thường được thiết kế để sơ lọc hoặc lọc một dải tần hẹp cụ thể nào đó trong công nghiệp. Các bộ lọc này có thể ít tác dụng hoặc thậm chí không có tác dụng gì đối với bộ dàn audio (giống như lọc bụi bằng lưới B40). Có thể ghép nối tiếp nhiều cục để tăng hiệu quả lọc (cần cân nhắc hao hụt điện). Cục lọc tổng chặn được nhiễu từ mạng điện vào nhà nhưng không chặn được nhiễu giữa các thiết bị gây chéo cho nhau. Sau lọc tổng, nhiễu vẫn tiếp tục hình thành do truyền dẫn vô tuyến. Vì vậy, cách lọc hiệu quả là sử dụng nhiều bộ lọc con thay vì một bộ lọc to. Lọc gắn càng gần thiết bị được lọc càng tốt. BACL có khả năng chặn nhiễu, dù có hay không màn chắn sơ-thứ và có hay không nối đất. Tuy nhiên, trong trường hợp có màn chắn sơ-thứ và được nối đất đúng cách, khả năng chặn nhiễu của BACL được tăng cường đáng kể. Điện sạch thì không cần lọc. Điện sạch lắp thêm lọc thì chỉ làm giảm chất lượng điện (không bàn chất âm). Điện bẩn có thể vẫn không cần lọc nếu bản thân nguồn trong thiết bị được thiết kế tốt. Bộ lọc gây thay đổi nguồn điện nên có thể dẫn đến thay đổi chất âm. Thay đổi này có thể là tốt lên hoặc tệ đi tùy thuộc vào bộ dàn và vào tai mỗi người. Xin lạm bàn điều này để nhỡ đâu lại giúp anh em đỡ cãi nhau. Xin dừng bàn phím
Cái câu này " em nghĩ nó chỉ nóng chảy hàn dính là xong chứ nhỉ" khiến cho tranh cãi không đi đến đâu đây bác. thiếc hàn nó đã tham gia vào mạch điện, nó chỉ dính nhưng nó được xem như một đoạn dây rất ngắn mà thiếc hàng thì dẫn điện không tốt bằng đồng rồi chưa kể mối hàn không đủ nhiệt sinh ra hổng khí bên trong. tuy nhiên chỉ máy móc mới phát hiện ra cái chưa đạt của mối hàn chứ nói về tai để kiểm tra thì con tranh cãi đến tết công gô . hehe
các bác thử đoán xem dùng biến áp công suất nhỏ có lợi gì không. Như vậy là khi biến áp công suất nhỏ khi yêu cầu một dòng tải lớn trong cung cấp cho loa trong tiếng trầm thì biến áp không thể cung cấp dòng điện tức thời được do vậy các bác bảo dùng biến áp cách li thấy tiếng nó bí. vì nó không đủ lớn để cần một dòng điện cho tải lớn tức thời mà không bị bão hòa từ
@Satuki pin hay accu cũng không sạch được ạ. Kết quả đo https://www.tnt-audio.com/clinica/regulators_noise4_e.html. Ở trang 1 trang này cũng có nêu quan điểm về bộ nguồn cũng hay. Không biết anh Satuki có làm amp? Cái chưa đạt của mối hàn nghe được bằng tai, vì nó ù ầm lên nếu vị trí nhạy cảm. Chắc tại em hàn dở nên phải hàn đi hàn lại Chứ em không có máy siêu âm để kiểm tra mối hàn như mấy anh làm nghề. Hoặc anh lấy bộ cọc loa WBT so giữa hàn và vặn ốc cũng được.
Nếu mối hàn ù ầm lên thì tôi khẳng định không có truyện đó, nó chỉ réo nhỏ thôi. còn ù xì ầm lên là do bạn đi mass chưa tốt thôi. nếu về lý tưởng thì pin và acu là nguồn sạch. nhưng trong thực tế thì có trường hợp acu tự phóng điện qua các bản cực và nó không sạch còn nguy hiểm cho phụ tải nữa bác à.
@Satuki CHì hàn chất luợng kém thì vẫn hàn đuợc nhưng độ tin cậy không cao...rất ảnh hưởng thậm chí dẫn đến hư hỏng thiết bị. BIểu hiện là lúc có lúc không "dẫn điện". Từ đó nó ảnh huởng đến chất âm ai nghe ra gì thì quy cho nó tội đó. Ví dụ nó không ăn mát thì nghe ra ù, không tiếp xúc vào loa thì kêu cà giựt thì nghe kiểu cà Pháo, mất hoặc làm mờ dải âm luôn...Tóm lại là vậy đi. Còn vấn đề kỹ thuật hàn thì tính sau nhưng truớc tiên ta phải có Thiếc/Chì hàn phải đạt yêu cầu.
Lọc điện khiến chất âm tệ đi đơn giản là do linh kiện cấu thành lọc điện.Những lọc điện đắt tiền là do linh kiện chứ chẳng phải do thiết kế mạch.
@ Anhhdung. Nguồn điện sạch là quan trọng cho thiết bị dùng điện là đúng, nhưng chơi Audio thì Nguồn điện sạch cần có những đặc tính gì khác không ? tùy điều kiện để áp dụng - bể khổ là đây. Nhiều bạn chơi Audio lâu năm họ đã khuyên...Nhất Điện. Cũng thích tìm hiểu KT vì cũng có phần nghĩ đơn giản: Nguồn điện xóm - Lioa - BACL ...bộ dàn Audio và trải nghiệm. Thời gian trôi để loay hoay và lăn quay một đống phụ kiện...để rồi cho vui như bao bạn chơi Audio. Nguồn điện sạch cho Audio mình đã trải nghiệm: - Nguồn Linear cấp điện cho DAC DSD, - Nguồn Brilliant cấp điện cho CDP, Pre - Nguồn UPS cấp điện cho Amply. Bây giờ mình tìm hiểu nguồn điện chuyên dùng cho Audio. Tết này chưa biết Thủ trưởng cho được bao xiền...mấy em chân dài Shop Audio có bộ Nguồn - xinh ơi là xinh.
Bạn nói cũng có ý đúng nhưng tôi muốn hỏi sâu hơn chút về mặt kỹ thuật. do mạch nữa đó bạn ơi, mạch nguyên lý và do thông số linh kiện. Lọc điện của mấy ông tây lông đắt tiền thì toàn bộ bo mạch được đúc trong một khối đen xì cứng như đá.
Dây dẫn điện nguồn, lọc, BAL... Đều ảnh hưởng tới chất âm bộ dàn. Thậm chí chỉ thay 1 dây dẫn nguồn điện cho 1 thiết bị trong bộ dàn cũng ảnh hưởng tới chất âm, hoặc thay 1 đoạn dây trong ổ cắm, BAL, cầu chì trong máy ... Nó cũng ảnh hưởng tới chất âm. Điều này nếu chỉ nhìn dưới góc nhìn của vật lý về mặt điện học là chưa đủ để giải thích. Theo em thay đổi chất âm là hoàn toàn đúng, chỉ có ít hay nhiều và người nghe có cảm nhận được hay không. Để giải thích vấn đề này cần phải nhìn dưới góc độ "Nhiễu" do chính thiết bị như dây nguồn, BAL, cầu chì... Mang lại. Mọi thành phần tham gia bộ dàn của các cụ đều gây nhiễu. Trong các nhiễu này có nhiễu tích cực hoặc tiêu cực ( Các cụ search "Nhiễu trắng " "Nhiễu nâu ".... Để xem kỹ hơn ). Việc thay đổi 1 hoặc nhiều thành phần phụ kiện trong 1 bộ dàn như đang tranh luận sẽ tác động vào việc tăng, giảm, cân bằng ... nhiễu của bộ dàn. Từ đó nó sẽ ảnh hưởng tới âm thanh tổng thể dàn máy mà ta nhận được sau khi thực hiện các thay đổi này. Các cụ đọc kỹ phần giải thích về " Nhiễu trắng " để thấy tác dụng của nó trong dàn máy và tác động tới người nghe thế nào. Sẽ không có 1 công thức nào chuẩn về phụ kiện cho các bộ dàn khác nhau thậm chí là các bộ giàn giống hệt nhau nhưng đặt ở các không gian khác nhau bởi chính lý do này. Kể cả có máy đo nhiễu cũng mang tính định hướng vì nhiễu này phụ thuộc vào cơ chế sinh học của người nghe. Không hề vô lý khi có người bỏ ra hàng >10k$ để mua 1 dây nguồn. Thực sự họ thấy có sự thay đổi tích cực khi thay nó vào dàn máy. Như các bác biết. Thuyết phục và bán sợi dây nguồn cho khách với giá >10k$ là rất khó. Như post trên của em có nói cuối bài, em vẫn cho rằng nếu chúng ta thấy tốt hơn khi thay đổi thì mua, nếu ko thấy thì pass . Để tiền đầu tư vào các phần khác trong hộ dàn mà mình thấy hay hơn khi nâng cấp chúng.
Hi các bác, Liên quan đến lọc điện và biến áp cách ly, em có một bài viết ngăn ngắn (còn dở dang) trên shop để chia sẻ kiến thức Hôm qua, bác Dangkyhai có hỏi em về việc copy bài viết đó và đề nghị em viết nốt. Em vào đọc topic này thấy cũng vui vui nên đêm qua tranh thủ hoàn thiện nốt. Sáng nay bác Dangkyhai copy đoạn em mới viết vào đây nhưng em xin phép được paste link gốc vì em sửa cả đoạn đầu. Nếu copy từng đoạn như vậy sẽ ko đủ và hơi khó hiểu. Mời các bác chém tiếp: https://vnav.vn/threads/★-audionga-★-ha-noi-★-linh-kien-diy-cua-nga-nhat-★.39135/page-6#post-1896471 Thân chào
Bàn về nhiễu thì rất tốt, nhưng kg phải là đủ để quyết định hiệu quả dây nguồn và nguồn điện. Nói riêng về dây nguồn cho audio, còn phải xét đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và chất lượng âm thanh của thiết bị. Dây nguồn ngoài việc đảm bảo về tải là bắt buộc, thì tốc độ truyền dẫn, khả năng đáp ứng dòng tức thời, chống rung microphonic, chống nhiễu cả dây và jack,... là bí quyết và phát minh công nghệ riêng của mỗi hãng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả và kết quả hoạt động của thiết bị. Cho nên có rất nhiều dây nguồn của nhiều hãng audio là vậy. Nếu xét từng yếu tố như chống nhiễu thì mỗi hãng có cách chống nhiễu chung và riêng của hãng. Xét yếu tố tốc độ truyền dẫn, hay khả năng đáp ứng dòng tức thời là công nghệ về vật liệu sử dụng cho dây của mỗi hãng....... Thân chào!
Nếu cho rằng Phụ kiện - Dây nguồn... làm thay đổi chất âm của thiết bị. Cũng cần suy nghĩ một số giải pháp cơ bản để ít phụ thuộc vào các phụ kiện như Dây nguồn, ổ cắm...thiếu đồng nhất: 1, Nâng cấp thiết bị hiện đại hơn (đời mới) có phần xử lý nguồn điện tốt. 2, Đầu tư những Nguồn điện sạch cho các thiết bị Audio, trên cơ sở đó loại bớt các phụ kiện " làm thay đổi chất âm nguyên bản của thiết bị ". 3, Đồng bộ hóa các thiết bị Audio sẽ có tác dụng thống nhất chung các phụ kiện, tránh dùng phụ kiện thập cẩm...hầm bà làng mỗi ông một phách. Một khi thiết bị Audio của bộ dàn được chế tạo từ các nước khác nhau, các hãng khác nhau ghép lại...phụ kiện nào ? để thay đổi chất âm ! Chỉ là ý kiến cá nhân, các bác tham khảo ...
Nếu tụ điện cũng là thành phần truyền dẫn điện AC thì hãng nổi tiếng mà anh em tin tưởng sử dụng và giá kg hề rẻ kể ra như tụ Black Gate chẳng hạn rất quan tâm đến tốc độ và độ ồn do nhiễu. Nói ra để thấy tốc độ truyền dẫn, chống ồn, chống nhiễu rất hiệu quả cho thiết bị chứ kg phải là đủ tải, đủ tiêu chuẩn an toàn là nghe hay kg cần phải thay đổi. Super High Speed, Low Noise Thân chào!
Hôm nay tôi đã đọc bài viết của AudioNga. Tôi tán thành quan điểm viết bài của bác. Rất hy vọng bác AudioNga viết nhiều bài tham gia trực tiếp vào trang Nguồn điện & Dây nguồn của VNAV. Trân trọng.
@thai64 Bác ấy là giảng viên và tôi là "con chiên" của bác ấy. Mến nhau cái cách chia sẻ nhiệt tình và chân thành, không vụ lợi để thuốc nhau. Có hết đó bác, bác vào tìm hiểu xem và đặt biệt cách viết rất lôi cuốn. Đi đâu cho xa bác. Nhiều khi gần Ta mà.