Thực ra mấy band như Henry Cow là kiểu Avant Garde. Avant Garde đầu tiên là cổ điển, sau đó tới Jazz, rồi Pop và Rock. Cái mà chúng ta thấy trong Avant Garde Prog là kiểu của mấy bác như Frank Zappa hay Captain Beefheart rồi sau đó là các bác như Henry Cow, Univers Zero, This Heat, Art Zoyd. Sau này tiến tới có cả Cardiacs và Mike Patton, Fantomas, Mr. Bungle thì nó gần như khác biệt quá nhiều. Nhưng những band em kể thì đều rất đáng để nghe và sưu tầm các bác ạ.
Em thì rất cảm tính nên có niềm tin mù quáng là mấy đội dc Virgin chọn thời đầu đều kiệt xuất cả Frank Zappa dc ưu tiên nhất nhưng dỗi bỏ đi chứ ko đã thành nghệ sĩ đầu tiên dc kí. Mike Oldfield, Gong, Faust, Henry Cow dc ký sau đó. Có mấy tay khác đến ghi âm nhưng ko dc ký là Magma và John Cale. Nói chung là toàn quái kiệt!
Em hiểu cùng là free jazz nhưng có mấy cách tiếp cận (hay là cách phá bỏ khuôn sáo) khác nhau. Trane thì tấn công vào Harmony; Cecil Taylor thì phá Tone còn Ornette Coleman tập trung sức oánh vào nhịp điệu và giai điệu. Trane và Coleman sau này bạn bè tâm giao và ảnh hưởng qua lại nên có thể em nghe nhiều hơn và quen tai hơn. Cecil Taylor chắc là nhánh riêng nên phải nghe nhiều nữa mới quen dc. Đơn cử sau khi đi tour c Âu cùng đội của Miles (và bị Miles quỵt tiền vì cho rằng Trane chơi ko ăn í) thì Trane đã có chương trình ghi âm với Don Cherry và nguyên đội của Coleman (Haden, Ed Blackwell và Percy Heath). Cherry thì em nghe tên rất lâu rồi vì có 2 người con nổi tiếng nhưng nhạc ông này gần đây em mới nghe.
Ý e là cái đoạn trống đánh xuôi kèn thổi ngược đám ma ấy. E nghĩ free jazz là dòng nhạc rất kích thích và thách thức khán giả, e có google thấy ngta nói bạn sẽ yêu hoặc ghét free jazz từ lần đầu tiên nghe nó . Quả thực phải quên hay dở đi, chỉ là cố nghe xem nghệ sĩ đang làm gì mới băts đầu vô đc chút. E cũng nghĩ như bác phải nghe nhiều thêm, Cecil Taylor e cũng mua đc 1 ít, chưa động tới nhiều nhưng e nghĩ e cái cho Blue note là hay nhất và cũng khá dễ tiếp cận. Nếu bác có hứng thú rảnh rỗi chia sẻ xem có kiếm đc album nào hợp k
Từ đội của Charles Mingus có 2 cụ em rất thích là Eric Dolphy và Paul Bley cũng dc xếp vào free jazz nhưng hơi ngả về avant garde hơn. Piano của Paul Bley em thấy hợp hơn nhiều so với Cecil Taylor, có thể là do tc đó đã nghe nhiều Keith Jarrett (người chịu ảnh hưởng rất lớn từ cách chơi của Paul Bley).
https://www.discogs.com/master/249911-Annette-Paul-Bley-Dual-Unity cụ Paul Bley e đang mê cái này, cụ Eric Dolphy cũng vậy cũng danh mục cũng dài quá nên chưa nghe được nhiều vẫn đang mê cái Out to lunch
Em chưa nghe cái này của bác. Cụ Paul Bley có 2 bà vợ đầu đều thuộc loại quái kiệt, ngoài Annette thì bà vợ đầu là Carla Bley cũng rất đáng nghe!
De Stijl/the White Stripes 1. De Stijl: Xưa lắm rồi ở HN có 1 cửa hàng tên là "Tre Việt" làm đồ nội thất từ vật liệu tre, trum, vại truyền thống nhưng lại thu hút khá nhiều người trẻ tuổi. Bí quyết của bác chủ (được học về trang trí nội thất bên Hung) là bày giữa cửa hàng chiếc ghế Red & Blue của Gerrit Rietveld, 1 tác phẩm nghệ thuật hiện đại theo phong cách "De Stijl" (The Style). Cái hay là mọi người nhìn cái ghế này xong tự nhiên quay sang nhìn tre nứa truyền thống bỗng thấy cũng... hiện đại, quên đi cái quê mùa của vật liệu. Em cũng đã nhờ bác ý thử chiêu trò ấy ở nhà: trang trí nhăng cuội rồi đặt 1 cái ghế hiện đại vào giữa ngôi nhà cũ kỹ mới mua được mà không có tiền xây lại. Khách đến ai cũng nói nhà nhìn trẻ trung mà quên béng thực tế ngôi nhà kiểu cũ với sàn lát đá Thanh hoá rẻ tiền. 2. Blues: Nhạc blues tuy đơn giản nhưng ảnh hưởng đến âm nhạc đại chúng thì vô cùng to lớn. Có lẽ bên Anh là nơi thành công nhất tg việc dùng vỏ bọc mới bên ngoài (cách trình diễn, cách ăn mặc, cách viết lời bài hát ...) để đóng gói lại điệu blues và bán nhạc cho công chúng da trắng. Việc kết hợp nghệ thuật thị giác/trình diễn vào nhạc không đâu thành công như ở Anh vào những năm 1960s. Pink Floyd, The Who, The Rolling Stones, The Beatles, Led Zeppelin, The Kinks, John Mayall & the Bluesbreakers, Cream khi khởi đầu có điểm chung: họ có thành viên học mỹ thuật và đã dùng nghệ thuật hình ảnh/trình diễn để làm công chúng bị mê hoặc bởi 1 thứ nhạc blues-rock "hiện đại", ko nhận ra bản chất mình đang nghe thứ nhạc blues truyền thống, thậm chí còn có chút quê mùa của người Mĩ gốc Phi. 3. De Stijl + Blues: Tuy nhiên, đến thập niên 1990s thì ở Mĩ nổ ra tranh cãi về thứ nhạc blues rock của dân da trắng và việc "đánh cắp" hồn người Phi của thứ nhạc này. Công chúng không chấp nhận rock theo kiểu này nữa mà chuyển sang chuộng rock kiểu khác, như metal. 1 số tay khôn ngoan như Eric Clapton vẫn tồn tại được bằng cách nghĩ ra chiêu mới: mời các bố già nhạc blues (B.B King, Robert Johnson ...) diễn cùng, ra album mang tên "From The Cradle" (ý tứ là tao từ trong nôi đã nghe blues nên dù da trắng nhưng nó ngấm vào người 1 cách hết sức tự nhiên chứ đâu phải ăn cắp nhạc). Với 1 tay trẻ tuổi chơi blues và không có điều kiện như Eric Clapton thì biết làm gì đây? Jack White (the White Stripes), 1 tay ngang đi lên từ nghề bọc ghế rồi lập ban nhạc chơi các bản covers điệu Delta blues, đã có câu trả lời theo ý tưởng của các bands rock Anh Quốc tiền bối: dùng nghệ thuật thị giác của De Stijl để hô biến blues thành thứ nhạc hiện đại của thế kỷ 21. Album De Stijl/ the White Stripes ra đời năm 2000 theo công thức: Blues + De Stijl / Blind Willie McTell + Gerrit Rietveld. Blind Willie McTell (huyền thoại nhạc blues) và Gerrit Rietveld (kiến trúc sư/nhà thiết kế thuộc trường phái De Stijl) là 2 người được Jack White ưu ái ghi lời tri ân, dù là bằng font chữ nhỏ tí ở tận cuối trang inner sleeves của album. Cộng thêm 1 tí "gia vị" nữa (chơi với tốc độ nhanh hơn, ảnh hưởng của punk), thế là chúng ta đã có band nhạc rock thuộc loại thành công nhất trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Hình ảnh hiện đại bắt mắt của De Stijl đã làm tất cả quên đi tranh cãi về việc dân da trắng chơi blues, góp phần làm sống lại thứ nhạc rock dựa trên điệu blues tưởng đã hết thời. 4. Gillis a.k.a Jack White là tay cuồng hình ảnh. Khi còn đi bọc ghế thì tay này luôn dùng 2 màu vàng-đen của De Stijl. Đến the White Stripes thì vẫn là De Stijl nhưng luôn là 3 mầu đỏ, trắng và đen (3 mầu này cũng dc Hít-le sử dụng với hiệu quả tối đa!). Ngoài thú đam mê guitar cổ thì Jack White còn mê đĩa vinyl và lập nên hãng Third Man Records từ năm 2001, giai đoạn ai cũng tưởng cái thứ đĩa nhựa cồng kềnh và tốn kém đó sẽ có số phận chung với loài khủng long. Với 1 tay "quê mùa" ko biết dùng điện thoại di động thì nhạc số thiếu hình ảnh trên bìa đĩa có thể coi là thứ bỏ đi. Lớ ngớ thế nào Jack White lại ăn may: giờ doanh số đĩa vinyl ở Mĩ đã đạt 1 tỉ USD/năm, trong đó phân nửa chỉ mua về để ngắm chứ ko nghe. Mà nói đến vinyl ko thể ko nhắc đến Third Man Records. Đây là tụ điểm cho dân mê vinyl, với trang trí màu sắc vàng-đen cuốn hút từ cái nhìn đầu tiên. Thậm chí, cửa hàng của Third Man Records ở London còn được lên tạp chí kiến trúc uy tín AD. Em cũng có may mắn đến 1 cửa hàng Third Man Records và nhặt De Stijl/the White Stripes về, để bày chứ ko nghe
Naked City 1. Mike Patton (1 tay rocker thứ thiệt tg Mr Bungle, Fantômas và Faith No More vốn có định kiến vơi jazz) bước vào cửa hàng bán đĩa nhạc ở Santa Rosa và chả hiểu sao mình lại nhặt cái đĩa trong khu nhạc Jazz. Bìa đĩa với hình ảnh khẩu súng vứt cạnh tay mafia chết tg vũng máu trên đường phố New York làm Mike Patton ko thể cưỡng được. Sau đó là cả 1 chặng đường hợp tác với John Zorn để làm nhạc trộn giữa Jazz, Metal và vô thiên lủng các thể loại nhạc khác nhau. 2. Bức ảnh xác chết và khẩu súng do nhiếp ảnh gia Weegee chụp là hình ảnh đại diện cho 1 cái gì đó rất New York. Em khi nhỏ có mơ ước được đi New York, nơi em vẫn hình dung là giàu có, phù hoa và lãng mạn nhất trên thế gian này! Nhưng mà đặt chân đến nơi thì ấn tượng ban đầu trái ngược hoàn toàn với tưởng tượng: nó xấu, bẩn, đắt đỏ, và còn nguy hiểm nữa (đầy rẫy những kẻ vô gia cư lê lết trên những con phố như zombie vừa nhảy ra từ 1 bộ phim kinh dị). New York được coi là "đẹp" chắc nhờ khả năng biến những cái tưởng chừng xấu xí thành 1 thứ có sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Đơn cử như người Hà Nội thường xấu hổ với khách quốc tế về những cái bồn nước inox trên nóc nhà, còn người New York lại phát hiện ra ở những bồn nước nhan nhản trên các toà nhà của họ 1 "vẻ đẹp tiềm ẩn". Nếu ai đến Bảo tàng Mĩ thuật Hiện đại (MOMA) thì sẽ thấy 1 cái bồn nước to đùng được nghệ sĩ Rachel Whiteread đúc bằng nhựa resin đứng ngạo nghễ thách thức quan điểm của phần lớn mọi người về cái đẹp (ở VN sau này có Vương Văn Thạo cũng đúc resin các biểu tượng của Hà Nội đc cả Tây và ta rất thích). Tương tự, nhiều thế hệ cũng mê mẩn mafia qua tác phẩm The Godfather (Bố già). Em dc 1 tay New Yorker kể hắn và bạn bè giờ chán New York rồi vì Thị trưởng Giuliani quét sạch mafia: tao đi thôi, thế này thì New York tẻ lắm! 3. Mỗi người có thể có 1 số định kiến, với em đó là nhạc kích động bạo lực, thác loạn hay phỉ báng ... Thế nên dù thích John Zorn nhưng cái bìa đĩa với tấm ảnh khủng khiếp kia là bức tường vô hình ngăn không cho em mua đĩa nhạc thuộc dự án Naked City của John Zorn, mặc dù đây được coi là album xuất sắc nhất không những của Zorn mà của cả dòng free jazz hiện đại. Nhưng thời gian là 1 người thầy khách quan. Giờ em cũng học được cách vượt qua những định kiến, thấy được vẻ đẹp của cái bồn nước xấu xí ở New York và mê cái "hồn" (vibe) của thành phố này. Ai không thích New York nhưng đủ phiêu lưu để thử thứ âm nhạc lấy cảm hứng từ những nguồn tưởng như đối lập (Ornette Coleman, Napalm Death và Ennio Morricone) thì cũng không thể bỏ qua album này.
Naked City khó có thể coi là một dự án nhạc Jazz được vì có lẽ nghiêng nhiều về Avant Garde và Rock nhiều hơn. Đây cũng là một dự án rất quan trọng trong sự nghiệp của John Zorn dù chỉ kéo dài khoảng 4 năm. Với rất nhiều các ảnh hưởng khác nhau từ Avant Garde, Jazz, Rock, Prog, Metal, Grindcore, Ambient, Drone, Sludge... âm nhạc quá khác biệt và đặc biệt. Các albums của dự án này trên thực tế đều cực hay nhưng hiện tại rất khó kiếm, ngoại trừ album đầu tiên. Các artwork cũng đều thuộc dạng quái dị cả. Sau này do đòi hỏi lớn từ người hâm mộ, Zorn cho ra lại các bộ compilation, quái dị là phải mua 2 bộ sưu tập gồm Black Box -1997 (gồm Torture Garden và Leng Tch'e) và Complete Studio Recordings ( 5 albums còn lại và Bonus thêm Leng Tch'e) thì mới đủ bộ. Mấy cái này giờ giá cũng rất cao, đôi khi là trên trời.
Em lúc đầu định đưa bài viết về album đầu tg dự án Naked City vào chủ đề album jazz kinh điển. Các danh sách 100 albums jazz ấn tượng nhất mọi thời đại thường ko thể thiếu Naked City (ví dụ thứ 51 trong cái này: https://www.jazzwise.com/features/article/the-100-jazz-albums-that-shook-the-world). Các nhạc công chơi thì ngoài 1 thành viên tc đây của Henry Cow là nhạc rock và tay vocal, còn lại là đội hình thường được xếp vào jazz. Sau nghĩ lại thì đúng là ko hẳn là jazz nên em định đưa sang chủ đề Prog -- nhưng ngẫm ra thì cũng chả phải. Thế nên em cuối cùng vác sang đây. Dù sao bìa đĩa này cũng thật sự ấn tượng. Mike Patton thì cũng kể là mua đĩa này vì cái hình bìa, dù trước đó không bao giờ vào khu bày nhạc jazz để mua cả! Em thấy album đầu của series này thường được xếp là nhạc jazz, vì thường được mô tả là nhóm jazz của John Zorn chơi metal (ảnh hướng lớn nhất chắc của Napalm Death). Các cái sau thì không được xếp là nhạc jazz vì nó đi quá xa rồi. Bản thân John Zorn cũng phản đối việc xếp nhạc của mình thuộc thể loại gì nên điều này cũng dễ hiểu. Em thì cá nhân có cảm tình với các nhạc sĩ lộn xộn dạng "hit and miss", cái hay cái dở nhưng có nhiều ý tưởng khác nhau. Nếu bác có thời gian review thêm dạng như John Zorn, Mike Patton hay Bill Laswell như đã từng làm với Bucket Head thì em xin phép dựng máy tính lên hóng
John Zorn cũng rất nhiều đĩa và đa thể loại. Ông này còn sáng tác cả giao hưởng và thính phòng rất nhiều. Sự nghiệp cũng vài trăm albums, có thể cũng chỉ kém Buckethead một chút thôi.
Vâng, nhạc cũng khá lộn xộn khó mà theo được. Riêng cái dự án Naked City này artwork cũng rất đáng tìm hiểu, mặc dù khi ra đĩa cũng bị khá khá nhiều người phản đối. John Zorn ngoài kiến thức âm nhạc đa dạng thì cũng máu me điện ảnh và nhiếp ảnh và cũng rất quan tâm đến artwork: “Đối với tôi, bìa đĩa hát (artwork) rất quan trọng. Artwork phải thể hiện được nội dung của âm nhạc. Tôi không chỉ đơn thuần sáng tác âm nhạc. Tôi làm cả đĩa hát. Tôi không chấp nhận đưa cuốn băng cho một hãng đĩa rồi để họ ra cái đĩa nhạc theo cách họ muốn để nó bán được. Phần đóng gói đĩa nhạc cũng phải có ý nghĩa gì đó. Cái phần ngoài đĩa đó cũng là nghệ thuật.”
Em vẫn nghĩ rằng John Zorn theo đuổi dự án nhạc Rock trong Naked City. Đội hình này đúng là đội hình của nhạc Rock với guitar, bass, trống và keyboards. Nhưng dù sao thì tất cả các albums của nhóm này quá sáng tạo và đặc biệt. Trước đây có thể người hâm mộ chưa hiểu hết tầm cỡ của những albums này do nghe chưa đủ kĩ. Còn sau này thì phải nói rằng nó quá là khủng khiếp. Một phần cũng là do các albums đều khá hiếm, khó tìm. Nhưng cái boxset tuyển chọn Complete Studio Recordings phải nói là tuyệt vời. Ngoài các đĩa nhạc được remastered lại và có sự xuất hiện của cả Mike Patton (vốn chỉ tham gia biểu diễn live) trong bản bonus Grand Guignol (Vocal Version) rất tuyệt vời. Ngoài ra thì boxset này còn có quyển artwork siêu đẹp với rất nhiều tác phẩm mang tính nghệ thuật cao nữa. Có lẽ vì thế mà nó hiện vẫn đang được nhiều fan hâm mộ săn lùng ráo riết.
Liệu có khả năng nó ko phổ biến vì chính artwork nó đi tc nhận thức chung của công chúng? Cái Spilane và đĩa đầu của dự án Naked City em thấy khá nổi tiếng và cũng ko khó mua. Cái đầu tg dự án artwork thuộc loại lành nhất mà em đã thấy khiếp, mãi mới quen dc. Em nghe nói đến cái thứ 2 thì label Nonesuch họ ko chấp nhận ảnh bìa nữa. Thế nên John Zorn chuyển qua hãng đĩa bên Nhật là Toy's Factory rồi nhập về Mĩ. Có giai đoạn artwork bị phản đối kinh quá, hãng phải bọc giấy trơn và phải ghi thêm disclaimer là ko có í phỉ báng gì. Thế rồi Toy's Factory cũng ko chấp nhận dc nên các cái sau phải chuyển sang Avant (hãng đĩa của John Zorn bên Nhật) và Tzadik (hãng của John Zorn thành lập sau đó ở Mĩ). Giờ mọi người cởi mở và cũng hiểu ý Zorn hơn chứ thời đó nghe nói bị phản ứng ghê lắm. Nếu có thể dc lúc nào cho em xem artwork của mấy cái sau? Em thì mê Man Ray như điếu đổ nên muốn xem John Zorn lấy ảnh nào.
Naked City có nhiều người làm art work lắm. Mà toàn ảnh quái dị, nhiều cái đúng là không hợp mắt với nhiều người. Nhưng có rất nhiều hình artwork đẹp, có cả những cái của Man Ray
Mấy cái tg Torture Garden với Leng Tch'e cũng khiếp thật, nhất là với loại như em ko quen lắm với Extreme Metal. Hình như mấy cái của dự án Painkiller sau đó cũng ghê.
Thực sự những album của Zorn mang quá nhiều tính đột phá. Trong bộ compilation còn có những ý kiến của các thành viên trong nhóm và những fan hâm mộ (có Mike Patton, Mitch Harris của Napalm Death và nhiều người khác). Tại thời điểm cuối 80s đầu 90s các thành viên đã sống trong bầu không khí chỉ có âm nhạc. Trong vòng 4 năm, họ đã có tới 7 albums theo rất nhiều thể loại khác nhau. Đối với hầu như tất cả mọi người từng tham gia nhóm, đó là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của họ. Nơi họ chỉ quan tâm tới nghệ thuật mà không cần phải lo nghĩ tới bất kỳ điều gì khác.
https://www.facebook.com/share/r/17QfSxCJKa/ Các bác giúp giùm các album dàn nhạc này kiếm ở đâu? Cám ơn
Nhạc không khớp, lồng vào vớ vẩn thôi bác. Chỉ là cây organ điện tử đánh ba lăng nhăng. Bác định tìm nghệ sỹ hay tìm bản nhạc ??!! Nếu tìm nghệ sỹ thì đó là (nữ) nhạc trưởng Karina Canellakis
Cám ơn bác, mình tìm album mà có nữ nhạc trưởng đó chỉ huy dàn nhạc , ko biết người đưa lên giữa hình ảnh ban nhạc chơi có đúng ko hay lồng ghép? Nhạc cụ chơi thấy có piano guitar saxo đàn harf...Tại thấy họ chơi những bản nhạc nhẹ nghe dễ chịu nên kiếm CD nghe thử xem sao
Bác phải xác định rõ mình cần gì. Karina Canellakis là nhạc trưởng tức chuyên chơi/chỉ huy các giàn nhạc chơi classical. Mà em soi lại rồi, clips trên thì hình ảnh cũng là cắt ghép, bác quan sát sân khấu của nó sẽ rõ (ánh sáng, dụng cụ, phông nền đằng sau...). Đặc biệt là đoạn kéo Accordion, bác sẽ thấy sâu khấu đặc màu sến chúa của Andre Reu. Còn bản nhạc của Clip đó là một bản nhảm nhí thuộc thể loại easy-listening, chơi hoàn toàn bằng 1 cây organ điện tử thôi. Bác nghe kiểu gì mà ra tiếng đàn Harp, piano... ?? Bác thích nghe thì tìm trên Youtube cũng cả rổ chứ đừng nói các bản phải trả tiền. Nhàn nhất thì cứ Yanni