Bác @snel cho em hỏi chút. Bác biết nhiều về Thiên Chúa giáo, thánh ca Gregorian và Ngày phán xét Dies Irae trong âm nhạc cụ tỷ ra sao ạ ?
Vâng,khi nói đến những bản nhạc về Dies Irae hay Gregorian, khi có lời hát của những bản nhạc thể loại này thì dù ít, nhiều cũng dính đến Kinh Thánh - Khi đề cập đến Kinh Thánh là chúng ta đang nói đến Sự kiện Chúa Hài Đồng sinh ra _- _ Chúng ta phải xem xét ba sự kiện này. Một sự kiện đã diễn ra từ xa xưa, đó là sự ra đời của Chúa Hài Đồng. Tiếp đó là sự kiện chúng ta có thể thấy một đát nước rộng lớn (nước Mỹ) đã chấp nhận đức tin vào Đấng Christ. Sự kiện thứ ba cũng là sự kiện kỳ vỹ nhất: Sự Cứu Chuộc - Hai sự kiện sau đều đến từ Đấng Christ - Khi tất cả chúng ta ý thức và chấp nhận Đấng Christ ở bên trong chúng ta nảy nở và đơm hoa. ......Trong toàn bộ lịch sử của chúng ta, không có một nhân vật nào nổi bật như Chúa Jesus. Các bạn hãy tính thời gian của mình trước và sau khi Chúa sinh ra. Người được thần tượng hóa bởi con người và đó chính là sai lầm của họ... Sai lầm lớn của nhiều người đó là họ nhìn thấy cuộc sống của Người kết thúc trong sự đau khổ và chết trên cây thánh giá, mà hoàn toàn quên rằng số phận vĩ đại của Người là số phận sau khi Người phục sinh; Ngày nay các bạn có thể bắt gặp Người hiện diện bất cứ lúc nào, nếu các bạn muốn. Nếu các bạn tìm kiếm, các bạn sẽ tìm thấy Người. Người không phải là một vị vua áp đặt sự hiện diện của Người lên các bạn mà chúng ta cần hiểu một cách chính xác là: Người là một " Người Anh" vĩ đại luôn sẵn sàng bên cạnh để giúp đỡ các bạn, giúp đỡ mọi người. Khi Người sống trên cõi trần tục, Người chỉ đến với một số người. Ngày nay Người có thể đến được với tất cả những ai tin tưởng Người. Chúng tôi tiếp tục trích dẫn từ nguồn độc lập trong sách ra..... Người nói: Các bạn đã bao quanh Ta với sự bí ẩn quá lâu, nên không có gì ngạc nhiên khi sự ngờ vực và hoài nghi đã trở nên lấn át. Các bạn càng xây dựng tượng ảnh và tượng thần càng nhiều, bao quanh Ta với cái chết của Ta và làm cho Ta khó tiếp cận, thì những hoài nghi và bóng tối sâu thẳm hơn sẽ càng lấn sâu, khi đó vực thẳm của sự mê tín càng trở nên lớn hơn và khó vượt qua hơn.... Nên khi các bạn dũng cảm nói: 'Con biết Người' khi ấy các bạn có thể nhìn thấy Ta và biết Ta. Các bạn cần hiểu rõ là: Không có sự bí ẩn nào quanh Ta hay những Người Ta yêu quý, vì ta yêu tất cả mọi người. Có rất nhiều người chỉ thấy rằng cuộc đời của Ta kết thúc trên cây thánh giá, mà quên rằng phần đời vĩ đại hơn của Ta là như Ta bây giờ; họ hoàn toàn quên rằng Ta vẫn sống, sau cái chết đó. Sự sống không thể bị hủy hoại -- Nó vẫn liên tục tiếp diễn và cuộc sống đúng nghĩa sẽ không bao giờ bị suy đồi hay kết thúc, ngay cả khi thân thể có chết đi, điều đó cũng không bao giờ thay đổi.. <-- Các bạn lưu ý chi tiết này. Xin hãy hiểu một cách sâu sắc nhất những trích dẫn ngắn gọn trên. Em đi sâu vô chi tiết là vì khi một loại hình nghệ thuất nào dính đến Kinh Thánh là đang nói về nguồn gốc của loài người cũng như nguồn gốc về sự hình thành nên Vũ Trụ hay Trái Đất mà chúng ta đang sống. Về loại hình âm nhạc thì những bản nhạc có lời hát cũng thường chỉ đề cập đến Kinh Thánh - Như là những lời chỉ dẫn của Thiên Chúa về cách sống của Người là Hoàn hảo - Còn cách sống của con người chúng ta mang tính cá thể và đầy trở ngại - nên dễ gây ra xung đột (Gây ra sự bất hòa trong gia đình với nhau) (Gây ra chiến tranh giữa các nước với nhau)
Em cũng hơi tò mò 1 tí vì không hiểu: Dies Irae được dịch là sự/ngày cuồng nộ (của Chúa) nhưng nhạc em nghe có vẻ lại ... thanh thản? Em cảm giác như kiểu cầu siêu cho những linh hồn ra đi được yên bình? Có lẽ là do chưa hiểu về đạo hay văn hóa.
Cám ơn bác !! Em thu hoạch kha khá rồi. Lúc nào rảnh bác tiếp tục nhé. Em hỏi mấy người bên Công giáo thì họ bảo có thể thuộc nhánh Công giáo nào đó đã ly khai, đợi hỏi cha cao hơn và đợi sau Lễ Phục sinh. Bí quá em đành phải làm phiền bác
Hết cấm dịch cái là VNSO bắn tằng tằng. Tối thứ 5 ngày 28/4 thì em được vé mời, em hay đi một mình nên dư một vé. Bác nào hứng thú thì pm sớm nhé
Em đã đưa lên google drive 1 CD bản WAV Hilary Hahn theo yêu cầu của cụ TrueHD , về hình bìa đĩa các cụ cần thì NT sđt, em sẽ gửi hình qua. https://drive.google.com/file/d/1JuWg14YrX77mqvFXuUkod5X5BkfdR2SY/view?usp=share_link
Cám ơn bác rất nhiều. Tiện thể, Nhà hát Lớn Hà Nội chuẩn bị có chương trình hay đó bác - Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Áo, đích thân nhạc trưởng dàn nhạc Wiener Phiharmoniker sang. Một con sư tử chỉ huy đội quân thỏ chắc vẫn hay . Em phòng bị 1 chỗ trước rồi.
Chương trình đang vào đoạn giải lao. VNSO vẫn chán như thường nhưng violinist xứng danh concertmaster của Vienna Phiharmonik khi chơi Mozart Violin concerto số 5. Đặc biệt một chi tiết ban tổ chức quên ko thông báo, cây violin đc Mr Honek sử dụng là cây Stradivarius X-Hammerle 1709 đó Ngân hàng Quốc gia Áo cho mượn. Phê lòi !
Thật ra thì Thiên Chúa, hay Thượng Đế, hay một Đấng nào đó không bao giờ trừng phạt người này hay ban thưởng người kia..Nếu có một Thượng Đến như vậy thì đó chính là Thượng Đế có trong sự “xxx muội “ của nhũng con người đó . Nên em nghĩ điều cụ cảm nhận được âm nhạc loại đó như thế nào thì nó chính là như vậy...; Khi chúng ta đi qua những hành lang tối tăm của thời gian, chúng ta thấy Tôn giáo được phân chia thành vô số giáo phái, tín ngưỡng và tín điều.. ; Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi như sau: Nền văn minh và Tôn giáo có từ khi nào?? - Khi chúng ta định nghĩa Tôn giáo là tín ngưỡng, tín điều hay giáo phái.. thì khi đó sẽ được hiểu là, Tôn giáo khi đó còn rất non trẻ và xuất hiện chưa tới hai mươi ngàn năm trước.; Nhưng, khi chúng ta định nghĩa Tôn giáo là triết lý sống thật sự, một sự tôn kính thật sự đối với chính cuộc sống của chúng ta, thì khi đó Tôn giáo chính là Căn nguyên của sự sáng tạo và chúng ta có thể truy nguyên đến toàn bộ lịch sử, thần thoại, các biểu tượng và tiếp tục truy nguyên cho đến thời kỳ con người lần đầu tiên đặt chân lên trái đất.. Em trích lược ngắn gọn một vài ý trong những quyển sách ra. Sent from VNAV Community mobile app
Dạ thấy bác nhắc Tidal, nên có playlist này [Trúc transfer từ Spotify], bác nghe thử hén https://tidal.com/playlist/cb01f424-58ff-4ba3-a16b-d9b3a7bf56c9
Em đang dọn ẹp và cấu trúc lại đống nhạc nhẽo. Riêng cái đám classic này là nhiều nhất nên em định dùng forum để ghi chú lại những điểm quan trọng, các album hay nghe. Mở topic mới thì lằng nhằng quá bởi hết phần ghi chú chưa chắc em đã tiếp tục được. Cho nên em tính mượn luôn của bác @snel nhé . Tiện thể có các bác yêu nhạc classic ở sẵn trong này góp vui và chỉnh sửa, bổ sung cho bộ sưu tập của em thêm hoàn thiện. Em định sắp xếp theo dòng thời gian, tuy khô khan nhưng dễ tạo cấu trúc nhất Cám ơn các bác trước ! Âm nhạc (classic) cũng như tình yêu, dễ dàng nếm trải hơn là phân định. Không có hai triết gia nào đưa ra một định nghĩa giống nhau về tình yêu. Một tác phẩm âm nhạc tự thân nó là một cách biểu hiện tam quan của con người. Nó mang đến chúng ta cách diễn dịch cá nhân của người nghệ sĩ về thế giới quan, giá trị quan và nhân sinh quan của tác giả đã nếm trải với tư cách là một người nghệ sĩ và một con người. Tìm đến được tận cội nguồn của tác phẩm, ta càng chiếm hữu được nó trọn vẹn, càng choáng ngợp trước những niềm vui tuyệt vời mà âm nhạc mang đến, đưa ta vươn tới những đỉnh cao của nhận thức, đến vực thẳm của tâm linh.
ÂM NHẠC TRƯỚC THỜI KỲ TRUNG CỔ (Thế kỷ 5) - THANH NHẠC Trước khi Hoàng đế Constantine Đông La Mỹ ban hành quyền tự do tôn giáo vào năm 313, âm nhạc hầu như không hiện hữu, ít nhất ngoài "ánh sáng". Các bài dân ca hoặc những thể loại tương tự đều được truyền miệng một cách không có tổ chức và hệ thống nên hầu hết các nhà sử học không công nhận lịch sử chính thức của loại hình âm nhạc này ngoại trừ các bản Thánh Vịnh của người Do Thái. Thánh Vịnh ban đầu là các bài thơ được các nhà tiên tri viết trước khi xuất hiện Chúa Jesu Christ, có nội dung ca ngợi Lord (Chúa Trời) hoặc than khóc cho số phân long đong, lưu đày của dân Do Thái. Có một số bài do chính vua David viết. Khi còn hoạt động trong bóng tối, nhạc phụng vụ Ki tô (Christ) giáo đã lấy âm nhạc phụng vụ của Do Thái kết hợp với giai điệu dân ca Hy Lạp và dùng tiếng Latin để thể hiện và nhanh chóng lan rộng ra khắp các nhà thờ mới sau sắc lệnh tự do tôn giáo. Đến thế kỷ thứ 5, một truyền thống truyền khẩu các cung điệu đã được xây dựng trong khu vực phụng vụ riêng biệt nhưng cũng là thời kỳ "trăm hoa đua nở" với các hệ thống khác nhau như La Mã, Beneventan, Ambrosian, nghi thức Gallican, Celtic, Mozarabic... Giáo hoàng Gregory I (590-604) đã nhận ra tầm quan trọng và ảnh hưởng to lớn của âm nhạc đến tâm linh. Bằng quyền lực và sự sáng suốt của mình, ngài đã thống nhất các hệ thống này và người đời sau gọi nó là Gregorian Chants - Bình ca Gregorian. Ngài đã không đụng chạm vào các giai điệu, nhưng tên của ngài vẫn sẽ luôn luôn được kết nối với âm nhạc. Bình ca (Plainchant hay Plain Song) có giai điệu bình bình, đều đều. Không như âm nhạc thế tục sau này được dùng để bày tỏ các cảm xúc của con người, khi mềm mại dịu dàng, khi tưng bừng mãnh liệt, khi buồn rầu đến chảy nước mắt, khi vui mừng đến nhảy múa reo vang, Bình ca mang tâm tình ca tụng và cầu nguyện, nhạc phổ vào lời nhưng nhạc không là chủ yếu mà lời mới chính là chủ yếu. Vì thế, không có loại nhạc Bình ca không lời. Có hai loại nhạc Bình ca: 1. Bình ca Thánh vịnh (Psalmodic Plainchant) có tính ngâm đọc (récitative), 2. Bình ca Tiền ca (Antiphonal Plainchant) có tính giai điệu (mélodic). Thực ra, qua thời gian, phân loại này rất khó nhận ra vì các tác phẩm dù nguyên thủy ở thể loại nào cũng đều đã được trau chuốt sửa đổi qua nhiều thế hệ để có được kết quả như nhìn thấy ngày nay. Khó có ai biết chắc bảy nốt nhạc đã hình thành từ lúc nào. Thời Byzantine, đã có bảy nốt nhạc với tên gọi là nē, pá, vú, gh á, dh ē, ké, zō. Vào thế kỉ thứ 11, tu si Dòng Benedictine Guido d'Arezzo (991-1033) đặt tên cho sáu nốt nhạc Bình ca là ut, re, mi, fa, sol, la, theo sáu vần đầu một thánh ca lễ kính Thánh Gioan Thanh tẩy: 1. Ut queant laxis 2. resonare fibris, 3. Mira gestorum 4. famuli tuorum, 5. Solve polluti 6. labii reatum 7. Sancte Iohannes. Vào thế kỉ thứ 17, một nhà âm nhạc học tên Giovani Battista Doni người Ý gợi ý thay UT bằng DO cho dễ đọc, do vần đầu của từ Dominus (Thiên Chúa), và thêm vào nốt si, ghép hai chữ đầu của Sancte Iohannes, làm trọn thang âm dị (gamme diatonique—diatonic scale). Riêng nốt si này, nhiều nước đọc là ti. Các khái niệm về dòng nhạc, khoá nhạc, ô nhịp, vạch nhịp, thăng giáng... cũng bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này dù chưa được tiêu chuẩn hoá. Vì Gregory và các giáo hoàng về sau ưa thích Bình ca Gregorian hơn những thể loại âm nhạc đã phát triển ở châu Âu, thánh ca Gregorian cuối cùng đã thế chỗ cho hầu hết những thể loại khác. Phong cách Bình ca Gregorian và các thể loại thánh ca khác được gìn giữ trong nhiều bản thảo viết tay. Các ký hiệu âm nhạc được sử dụng trong những bản thảo viết tay này thuộc hệ thống ký hiệu neumes , cội rễ sớm nhất của hệ thống ký hiệu âm nhạc hiện đại. Ít nhất cũng phải đến thế kỉ thứ 9 nhiều nhạc sĩ mới cảm thấy sự cần thiết phải có một thứ âm nhạc phức tạp hơn kiểu giai điệu không nhạc đệm. Họ bắt đầu thêm vào bè giọng hát được hát đồng thời với những đoạn của thánh ca. Kết quả là sự ra đời của phong cách âm nhạc gọi là organium (hình thức âm nhạc phức điệu sớm nhất). Trong phong cách organium thời kỳ đầu, bè giọng hát được thêm vào chạy song song một cách đơn giản với giai điệu thánh ca nhưng được hát trên đó một quãng tư hay quãng năm. Về sau bè thêm vào trở thành một giai điệu đối âm độc lập. Organium có vị trí quan trọng trong lịch sử âm nhạc vì đó là bước đầu tiên hướng tới sự phát triển của kết cấu âm nhạc được biết đến là phức điệu (polyphony), việc sử dụng nó ở phạm vi rộng là đặc trưng nổi bật nhất của âm nhạc phương Tây. Vào khoảng cuối thế kỉ 12, organium được viết theo ba hoặc bốn bè giọng hát, hình thành những tác phẩm dài có thể choán đầy không gian rộng lớn của những nhà thờ Gothic bằng âm lượng lớn. Những trung tâm phát triển chính của organium là ở Pháp, tại Tu viện Saint Martial ở Limoges và tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Kỹ thuật organium kiểu Anh, gọi là gymel, đến giai đoạn này cũng đã phát triển. Đến đây chắc các Audiophile đã hình dung ra bài test âm trường hiệu quả rồi Để các nhạc sĩ có thể đọc và biểu diễn một số bè giọng hát khác nhau một cách đồng thời, một hệ thống ký hiệu âm nhạc tỉ mỉ đã được phát triển. Ký hiệu cao độ được giải quyết bằng việc sử dụng một khuông nhạc gồm 4, 5 dòng kẻ hoặc hơn thế, với mỗi dòng hay khoảng trống giữa chúng đại diện cho một cao độ cụ thể, như là ký hiệu âm nhạc ngày nay. Sự hoàn hảo của hệ thống này là nhờ ở tu sĩ Ý dòng Benedictine Guido d’Arezzo. Đến cuối thế kỉ 13 người ta đã bỏ kiểu ký hiệu cách thức và những ký hiệu đầu tiên của hệ thống những giá trị nốt dài và ngắn hiện đại đã được đưa vào sử dụng. Organum là một bước phát triển âm nhạc phức tạp ban đầu được những giáo sĩ có trình độ trong nhà thờ Cơ đốc giáo khuyến khích và đánh giá cao. Bên ngoài hệ thống tu viện còn có lớp nghệ sĩ hát rong (Minnesinger, troubadour, trouvère) đi giúp vui cho các lâu đài ở Âu châu. Nước Ý đương nhiên trở thành trung tâm của âm nhạc toàn thế giới văn minh thời đó. Tiếng Latin của miền Bắc cũng trở thành ngôn ngữ âm nhạc (thanh nhạc) chính thức và cho đến ngày nay nó vẫn chứng tỏ là ngôn ngữ để hát hay nhất thế giới mặc dù xét về tính mềm mại, uyển chuyển nó không bằng ngôn ngữ miền Nam Ý - phương ngữ Neapolitan - nhưng vượt trội về biểu cảm hùng tráng, bi thương, huyền bí, thánh khiết... Trường hợp này cũng tương tự như tiếng miền Bắc và Nam của Việt Nam chúng ta bây giờ. Câu chuyện về âm nhạc phong cách Neapolitan tạm để đến giai đoạn sau này, khi nó trỗi dậy mạnh mẽ trong thời kỳ hậu lãng mạn. Một sự thay đổi lớn về phong cách xảy ra trong âm nhạc suốt đầu thế kỉ 14. Phong cách mới được giáo sĩ cấp cao người Pháp Philippe de Vitry, một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của thời kỳ này, gọi là ars nova (tiếng Latin nghĩa là “nghệ thuật mới”). Kết quả là âm nhạc thời kỳ này phức tạp hơn mọi tác phẩm được viết trước đó, phản ánh một tinh thần mới ở châu Âu làm nổi bật sự tài tình và khéo léo của con người. De Vitry cũng tìm ra một hệ thống gồm cả những kí hiệu về thời gian. Điều này cho phép các nhạc sĩ thế kỉ 14 đạt được một sự tự do về nhịp điệu mới trong sáng tác của họ. Giọng nền thường được tiếp quản từ một phần của Bình ca Gregorian. Giai điệu vay mượn này được biết đến là cantus firmus (tiếng Latin nghĩa là “giai điệu cố định”. Thể loại âm nhạc trong đó các nhà soạn nhạc sử dụng nguyên tắc nhịp tương tự với mức độ lớn nhất là motet. Một số motet, thêm vào sự phức tạp về cấu trúc còn có một số lời ca được hát một cách đồng thời. Điều phức tạp thứ hai của ars nova liên quan đến cấu trúc tổng thể của âm nhạc được viết cho thể loại Mass (thánh ca) - phức tạp hơn, lỗng lẫy hơn !. Một đặc trưng nổi bật của ars nova là sự quan tâm hơn đến âm nhạc thế tục. Lần đầu tiên những nhà soạn nhạc lớn đã viết cả nhạc thế tục và nhạc tôn giáo. Những giai điệu không được phối hòa âm mà những người hát rong thế kỉ 13 hát đã được các nhà soạn nhạc thế kỉ 14 phát triển thành những tác phẩm ba giọng gọi là chanson (tiếng Pháp nghĩa là “bài ca”). Những mẫu hình lặp lại dòng trong lời ca áp dụng cho những chanson này quyết định hình thức tổng thể của âm nhạc. Các hình thức phối hợp thường được sử dụng nhất ở Pháp là rondeau, virelai và ballade. Ở nước Ý madrigal, caccia và ballata là những kiểu được ưa thích hơn. Mời các bác thưởng thức một trích đoạn Bình ca đã được "thế tục hoá" Giai điệu của Bình ca quyến rũ đến mức nào với tín đồ âm nhạc ?! Hãy tìm nghe Ameno của ERA. Lời bài hát của Guy Protheroe được viết bằng Pseudo-Latin , tức là nghe giống tiếng Latinh nhưng thực tế lại cố ý không có bất kỳ ý nghĩa chính xác nào nhưng nó đã quét ngang châu Âu những năm 1990s.... Nếu các bác là tín đồ của âm nhạc, của cái đẹp dù không theo Ki tô giáo, những tác phẩm của Band/nhóm nhạc như ERA, Gregorian... vẫn luôn có thể là bạn đồng hành, là bài test âm trường của hệ thống âm thanh lợi hại nhất.
ÂM NHẠC THỜI KỲ PHỤC HƯNG (Renaissance thế kỷ 15-16) Cuối thời kỳ Trung cổ, âm nhạc đang phát triển rực rỡ dưới bàn tay và khối óc của những con người uyên bác - các tu sỹ chuyên trách, các dòng tu (như Dòng Đa minh Ordo Praedicatorum, Dòng Chúa Cứu Thế Congregatio Sanctissimi Redemptoris) - cũng là thời điểm diễn ra hàng loạt các biến động lớn làm suy yếu Toà thánh. Các cuộc thập tự chinh, Giáo hoàng rời đô tới thành phố Avignon của Pháp, xung đột giữa Tổ chức Hiệp sĩ dòng Đền - Templar với Tổ chức Hiệp sĩ Hospitaller và Tổ chức hiệp sĩ Teutonic, thảm án diệt vong Dòng Templar (thứ 6 ngày 13).... khiến thần quyền giảm sút và vương quyền lên ngôi. Thời kỳ Phục hưng bắt đầu với những biến đổi nhanh chóng trong các loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên, trong khi các loại hình nghệ thuật khác phát triển rực rỡ thì âm nhạc lại chìm vào "đêm trường Trung cổ", nghệ thuật của Chúa Trời bị "thế tục hoá" đến mức "bình dân hoá" bởi những nhạc sỹ "bình dân". Chống lại những phức tạp của ars nova, hầu hết các nhà soạn nhạc đầu thế kỉ 15 ưa thích phong cách âm nhạc đơn giản hơn với những giai điệu chảy trôi êm ả, những hòa âm nghe êm/nịnh tai hơn và ít nhấn mạnh vào đối âm hơn. Nhà soạn nhạc Anh John Dunstable là người đầu tiên đẩy mạnh việc hướng tới một phong cách đơn giản hơn. Phong cách của ông sớm được các nhà soạn nhạc khác ở lục địa châu Âu tiếp thu, đặc biệt là những người phục vụ các công tước Bourgogne miền bắc nước Pháp. Trong viết nhạc đối âm, những nhà soạn nhạc thời Phục hưng dựa nhiều vào việc mô phỏng, sự trình bày liên tiếp, gần gụi về khoảng cách trong một hay nhiều bè giọng có cùng ý đồ giai điệu. Kỹ thuật mô phỏng đã được sử dụng từ cuối thế kỉ 14 nhưng trong thời Phục hưng nó đã trở thành một yếu tố cấu trúc chính trong âm nhạc. Nếu một bè giọng bắt chước một bè giọng khác một cách nhất quán trong một khoảng cách thời gian dài vừa phải, hai bè giọng sẽ hình thành nên một canon (tạm dịch là “luân khúc”). Ảnh hưởng của những nhà soạn nhạc Bourgogne đến giữa thế kỉ 15 đã suy giảm. Từ khoảng năm 1450 đến khoảng 1550 hầu hết các chức vụ về âm nhạc quan trọng ở châu Âu do những nhà soạn nhạc sinh vào thời đó ở Hà Lan, Bỉ và những vùng của nước Pháp kề cận đó nắm giữ. Những nhà soạn nhạc này thường được gọi là Người Hà Lan theo tên vùng đất quê hương họ. Những Người Hà Lan còn ưa thích kiểu âm thanh đồng nhất hơn. Sự phát triển đáng kể nhất trong âm nhạc thời kỳ Phục hưng có lẽ là Opera. Opera tiếng Latin là số nhiều của từ opus (tác phẩm), ra đời tại Florence, Ý vào cuối thế kỉ 16, thời buổi giao thời giữa thời kì Phục hưng và thời kì Baroque. Tại thành phố Florence, những nhà quí tộc như bá tước Giovanni de Bardi hay Jacopo Corci đứng ra thành lập các “nhóm hàn lâm” (Academia) vì sùng bái triết gia Hi Lạp cổ Platon với mục đích phục hồi âm nhạc Hi Lạp cổ. Những nhóm này được người dân Ý gọi là Camerata (hiệp hội) cho rằng âm nhạc Hi Lạp cổ có sức truyền cảm vì đó là âm nhạc đơn điệu (monody), phổ nhạc trên cơ sở thanh điệu, tiết tấu của thi ca. Do đó âm nhạc truyền đạt được nội dung tư tưởng của ca từ, khiến ca từ thêm sinh động, truyền cảm và có sức hấp dẫn. Và từ lối tư duy đó, một người trong số họ, ca sĩ – nhạc sĩ Jacopo Peri (1561 - 1633) đã sáng ra vở opera Dafne vào năm 1597 với phần lời của nhà thơ Ottavio Rinuccini - được coi là vở opera đầu tiên trong lịch sử âm nhạc. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại phần ca từ của vở opera này. Vào năm 1600, Peri và Rinuccini lại cùng nhau sáng tác Euridice, vở opera này còn được lưu giữ đến ngày này. Từ đó Florence trở thành nơi tập trung của những nhà soạn nhạc opera, ngoài Peri, ta còn có thể kể đến một số nhạc sĩ khác như Giulio Caccini, Pietro Strozzi, Marco da Gagliano hay Vincenzo Galilei (cha của Galileo Galilei). Những vở opera trong thời kì sơ khai này chú trọng ca từ và coi phần nhạc chỉ là vai phụ cho ca từ. Họ chú trọng đến âm nhạc đơn điệu (monody) và lên án âm nhạc phức điệu (polyphony) làm méo mó ca từ. Chính họ cũng là người đã sáng tạo ra phong cách recitativo (hát nói) rất phổ biến sau này. Sự ra đời của opera không chỉ có ý nghĩa tăng thêm một thể loại mới cho nghệ thuật âm nhạc, quan trọng hơn opera đã trở thành nhân tố thôi thúc, phát triển và hoàn thiện hệ thống mới và các thể loại mới trong thời kì Baroque. Thể loại giao hưởng bắt nguồn từ những đoạn dạo đầu trong các vở opera (tiếng Ý là sinfonia) hay những đoạn cadenza cho những nghệ sĩ piano hay violin thể hiện kĩ thuật thì xuất phát từ những đoạn hát khoe kĩ xảo của những ca sĩ opera.. Trong opera có sự kết hợp giữa sân khấu và âm nhạc; sự tham gia của các ca sỹ độc tấu, hợp xướng, dàn nhạc cùng với những loại hình nghệ thuật vô cùng đa dạng khác như ballet, mĩ thuật, diễn xuất của những diễn viên… Người Ý lấy lại quyền lực trong thánh địa âm nhạc nhưng tiếng Latin cổ điển cũng bị thay thế bởi ngôn ngữ bình dân hơn - Tiếng Italia hiện đại. Em không khoái Opera lắm do không hiểu tiếng Ý , chỉ thỉnh thoảng nghe một số trích đoạn hay aria. Các tác phẩm thời kỳ Phục hưng cũng ko hấp dẫn em và hầu như ko nghe bao giờ. Nhạc Phục hưng ấn tượng nhất đến giờ với em lại được viết ở thế kỷ 20 - Palladio của Jenkins. Palladio được lấy cảm hứng từ kiến trúc sư người Ý thế kỷ 16 Andrea Palladio , người có tác phẩm thể hiện sự tôn vinh sự hài hòa và trật tự của thời Phục hưng và được coi là cha đẻ của kiến trúc. Hai trong số những điểm nổi bật của Palladio là sự hài hòa toán học và các yếu tố kiến trúc vay mượn từ thời cổ đại cổ điển. Palladio được giới thiệu trong CD Diamond Music năm 1996 , do các London Philharmonic Orchestra chơi dưới sự chỉ huy của chính tác giả. Nó được Jenkins kết hợp với các bản nhạc khác bao gồm các biến thể từ Adiemus và tứ tấu đàn dây thứ hai của ông.
ÂM NHẠC THỜI KỲ BAROQUE ( 1600-1750) - KHÍ NHẠC TRỖI DẬY Một thời kỳ vô cùng đặc biệt !! Đặc biệt đến nỗi tên gọi của nó cũng ko ăn nhặp gì với tiến trình lịch sử và phải đến những năm cuối cùng người ta mới thống nhất được tên gọi cho nó. Từ “Baroque” (tiếng Pháp) xuất phát từ Barroco tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là "viên ngọc trai không đều/tròn trịa" để mô tả tiêu cực âm của âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung với bố trí công phu và mang nặng tính cầu kì, trang trí của thời kì này. Nhận xét có phần châm biếm trong buổi ra mắt của Hippolyte et Aricie Rameau - vở opera đầu tiên của nhà soạn nhạc người Pháp Jean-Philippe Rameau vào tháng 10 năm 1733, được in trong Mercure de France năm 1734. Vâng ! cầu kỳ và trang trí...dĩ nhiên thuộc về giai cấp quý tộc lắm tiền. Đây là thời kỳ đánh dấu sự trở lại của âm nhạc trong vòng tay dìu dắt của giai cấp quý tộc sau suốt "đêm trường Phục Hưng" lang thang nơi đầu đường góc chợ với những giai điệu đơn giản, dung dị ...và dễ dãi. Thời đại của violin Trước thời kỳ Baroque, khí nhạc không được coi trọng nên nhạc cụ hầu như cũng không được chú ý nhiều...cho đến khi Nicolo Amati (1596 -1684) xuất hiện, sáng tạo ra cây đàn violin từ kế hợp và cải tiến các nhạc cụ của Italia. Niccolo Amati cũng đào tạo ra 2 thiên tài G. A. Guarneri và A. Stradivari, góp phần biến Cremona thành "thánh địa" của giới âm nhạc với những cây violin được định giá trên trời. Nghe đồn Niccolo Amati cũng là cảm hứng để bộ phim The Red Violin nổi tiếng ra đời. Đường vân màu đỏ, được cho là hòa sơn và máu người vợ yêu của ông ấy sau khi mất, rồi dùng tóc bà làm chổi quét - đường vân Amati). Bác nào chơi loa Sonus Faber chắc quá rõ điều này. Sonus Faber vẫn giữ truyền thống đặt tên theo nhạc cụ, nghệ nhân.... và đặc biệt các cặp loa có sử dụng vân Amati đỏ đen đầy mê hoặc thường là dòng flagship. Cũng có nhiều lời đồn rằng kỹ thuật chế tạo violin từ Amati đã thất truyền, những cây đàn Amati còn sót lại đều nằm sâu trong tầng hầm/ két an toàn của các nhà sưu tập, viện bảo tàng không dành cho số đông. Âm thanh tuyệt với của nó chỉ còn nằm trong trí tưởng tượng của các nhà văn. Violin không chia phím như các nhạc cụ khác nên người chơi phải hoàn toàn dùng cảm nhận của mình và sau 8 tuổi mới học thì ko có hy vọng vươn tới đỉnh cao nữa. Ngoài ra, nghệ sỹ trình tấu violin hoàn toàn "lộ thiên" trước khán giả nên rất cần chú ý đến phong thái, khả năng "tạo hình nghệ thuật" và "feeling" . Nhiều khi chỉ cần nhìn cách nghệ sỹ cầm đàn đã thấy đẹp rồi, cách họ cầm đàn cũng có thể đánh giá nhanh được trình độ diễn tấu của họ đến cỡ nào. Violin đi liền với kỹ thuật rung (vibrato) và láy (Trillo), không chỉ làm các nghệ sỹ nản lòng mà còn là ác mộng với các hệ thống âm thanh do micro-dynamic kinh khủng của mình. Ở những note (cao độ) cao, với kỹ thuật rung-láy hoàn hảo, violinist có thể khiến kỹ sư thu âm tồi mất việc hoặc hệ thống âm thanh kém nghỉ chơi vì ...chói ! . Violin cùng với anh chị em của mình - Viola, Cello, Contrabass - hợp thành bộ String (dây) đã thống trị thế giới âm nhạc từ đó và chỉ chịu chia sẻ một góc vinh quang cho cây đàn piano 200 năm sau đó. Khí nhạc chiếm ưu thế áp đảo - Âm nhạc chỉ đơn thuần là chính nó. Trong nghệ thuật, phong cách baroque mang tính hoành tráng. Trong âm nhạc, phong cách này được thể hiện ở cấu trúc tác phẩm nhiều chương, quy mô và phức tạp hơn nhiều so với thời kỳ Phục Hưng. Đây là lúc ra đời của nhịp, phách. Các tác phẩm baroque thường được bắt đầu bằng một phách lấy đà theo sau một dấu lặng tạo nên cảm giác nối tiếp từ một tác phẩm khác. Đầu thời kỳ Baroque đã có sự thay đổi từ kỹ thuật viết nhiều bè tương phản nhưng biệt lập sang kỹ thuật sử dụng một bè duy nhất, phụ đệm bằng những hợp âm. Sự thay đổi từ bút pháp đa âm sang hòa âm như vậy đòi hỏi phải có một hệ thống thang âm (điệu thức) mới, dẫn đến việc thay thế hệ thống mode của Nhà thờ Công giáo bằng hệ thống âm thức trưởng – thứ. Nhìn chung, đến thời kỳ Baroque, lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc có hiện tượng khí nhạc dần chiếm địa vị ngang hàng với thanh nhạc, nhờ đó, thúc đẩy việc chế tạo các nhạc khí mới và cải tiến các loại nhạc khí cũ. Càng ngày càng nhiều tác phẩm được viết riêng cho nhạc khí hơn. Do đó, cần phải trình diễn âm nhạc Baroque thật chính xác về tiết điệu. Ca sĩ thường phải hát những tác phẩm mà trong đó giọng người được sử dụng như nhạc khí . Thời Baroque, polyphonic bắt đầu phát triển mạnh. Ngoài giai điệu chính còn có các giai điệu phụ, các tác giả cũng viết thêm phần bass hoà nhịp với giai điệu chính (bass continuo), và luôn được hợp tấu rất cân đối (balance). Nhạc Baroque rất dynamic, thường đột ngột thay đổi cường độ từ êm ái sang mạnh mẻ rồi êm lại, không những làm người nghe ngạc nhiên mà còn nhấn mạnh ý tưởng âm nhạc một cách hiệu quả. Các tác giả cũng thường hay lập lại một đoạn nhạc ngắn (motif) trong giai điệu chính nhưng thay đổi chúng liên tục làm người nghe thích thú. Điểm quan trọng trong nhạc Baroque là thường có thêm "ornamentation" (đèn trang trí) - là những nốt nhạc được thêm vào đoạn nào đó trong giai điệu chính làm nó nghe hay hơn, liên tục hơn, réo rắc hơn... Chính những "ornament" này làm nhiều người thích nghe nhạc Baroque hơn các nhạc classic khác. Tuy nhiên, nó cũng yêu cầu micro-details khủng - lại thêm một bài toán khó cho kỹ sự thu âm và hệ thống âm thanh. Khí nhạc ngày càng trở nên nổi bật trong suốt thế kỷ 17 này, thường ở hình thức một tác phẩm đối âm liên tục với sự phân chia không rõ ràng giữa các đoạn hoặc các chương, nó đã sinh ra những cái tên như ricercare, fantasia và fancy. Một phong cách sáng tác thứ hai được tạo bởi những bộ phận tương phản, thường ở những kết cấu cũng một chủ điệu và đối âm, hình thức này được biết đến là canzona hoặc sonata. Rất nhiều bản khí nhạc được dựa trên những giai điệu hoặc bè trầm đã có sẵn; chúng gồm có chủ đề và các biến tấu, passacaglia, chaconne và chorale prelude. Các tác phẩm theo nhịp vũ khúc thường được gộp chung thành các suite (tổ khúc). Cuối cùng các nhà soạn nhạc đã phát triển các bản nhạc theo các phong cách ứng tác (ngẫu hứng) cho các nhạc cụ đàn phím, những bản nhạc loại này được gọi là prelude, toccata và fantasia. Với sự gia tăng của các thể loại mới ở thế kỷ 17, một vài khái niệm cơ bản về cấu trúc âm nhạc đã bị biến đổi, đặc biệt là ở Ý. Một sự cách tân quan trọng khác của thế kỷ 17 đã biến phong cách giản dị, êm tai thời Phục Hưng sang một phong cách đặc trưng bởi các yếu tố nhiều tương phản, người ta biết đến nhiều cái tên khác nhau như concertato, concertate và concerto, từ concertare (tiếng Latin nghĩa là “sát cánh chiến đấu”). Những tương phản xuất hiện ở nhiều cấp độ âm nhạc, chẳng hạn như các nhạc cụ tương phản hoặc mật độ tương phản của âm thanh, ví dụ như với một nhạc cụ solo đối đáp cùng một nhóm nhạc cụ, những tỉ lệ tương phản của tốc độ và những mức độ tương phản của âm lượng. Những đặc trưng tương phản này được tạo nên để ganh đua hay luân phiên bằng một nhạc cụ khác nhằm tạo ra một phong cách âm nhạc năng nổ và kích động, được áp dụng vào âm nhạc viết cho mọi loại nhạc cụ cũng như cho giọng hát và được dùng cho mọi hình thức và thể loại. Đến đây, chắc hẳn ae audiophile đã biết rằng chúng ta đang phải chinh phục một nan đề từ 600 năm trước. So với âm nhạc Phục hưng giản dị, âm nhạc Trung cổ cần âm trường rộng, sâu còn âm nhạc Baroque nhõng nhẽo hơn - đòi hỏi cả dynamic và details. Về cuối thế kỷ 17, một hệ thống những mối liên hệ hoà âm gọi là “khoá nhạc” bắt đầu thống trị âm nhạc. Sự phát triển này tạo cho nền âm nhạc một trào lưu ngầm những mối liên hệ hệ tầm xa giúp gọt giũa đi một vài chỗ còn thô của những đối âm trong phong cách thời đầu Baroque. Đến đầu thế kỷ 18 các nhạc sĩ đã đạt tới một sự kiểm soát chắn chắn đối với những bắt buộc phức tạp của khóa nhạc. Cũng đến thời kỳ này, họ đã từ bỏ trên quy mô lớn quan niệm về sự thay đổi thường xuyên trong “Điệu” (mood) và đã bắt đầu ưa thích một phương pháp có mức độ hơn và đồng nhất hơn. Thường một bản nhạc hay chương nhạc hoàn chỉnh là một soạn thảo công phu của một năng lực cảm xúc được gọi là “làm xúc động”. Sự kiểm soát đối với khóa nhạc và sự nhấn mạnh vào các điệu đơn trên quy mô lớn đã dẫn đến cảm xúc bảo đảm và chắc chắn trong âm nhạc thời kỳ này, kể cả âm nhạc của hai nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức cuối thời Baroque là Johann Sebastian Bach và George Frideric Handel. Các nhà soạn nhạc đã thành công trong việc gửi gắm những thông điệp của mình trong tác phẩm. Nhưng không giống thanh nhạc, ý nghĩa một tác phẩm khí nhạc đã vươn lên thoát khỏi cái khung "mô phỏng" bất biến dẫu rằng âm nhạc đã được gọi là ngôn ngữ của cảm xúc (thay vì Chúa Trời). Không chỉ các nhạc sĩ Baroque mà cả các nhạc sĩ ngày nay đều phản đối mọi nỗ lực trói buộc tác phẩm vào một hình tượng cụ thể. Vì như vậy sẽ phá hoại niềm vinh quang mà chỉ khí nhạc mới có thể vượt thoát khỏi ngôn từ - tức là, không bị kìm hãm trong một ý nghĩa cá biệt. Ý nghĩa của một giai điệu là... chính giai điệu ấy! Tác giả và Tác phẩm - Những mốc son rực rỡ .......
Canon in D Major - Luân khúc của Hôn lễ Tên đầy đủ là Kanon und Gigue in D-Dur für drei Violinen und Basso Continuo. Ban đầu, bản nhạc được Johann Pachelbel (1653-1706) viết dành cho đàn violin và bè trầm, được chơi trong các nhà thờ ở hình thức thánh ca là chính. Không một ai biết chính xác thời điểm Pachelbel sáng tác tác phẩm này, chỉ biết nó được sáng tác vào khoảng thời gian sau năm 1680. Có một số giai thoại còn cho rằng, tác phẩm này được viết để mừng lễ thành hôn của Johann Christoph Bach vào ngày 23, tháng 10, năm 1694. Sau này, Canon in D được thể hiện lại bằng nhiều nhạc cụ khác nhau, từ piano, violin, classical guitar, guitar điện, harp, flute, xylophone… đến những nhạc cụ truyền thống của các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc v.v… Nó được sử dụng trong tất cả các thể loại từ thánh ca, classic, Pop, Rock, Acappella, Beatbox, Hip-hop, Dance… Khái niệm canon, còn được gọi là luân khúc (round), được đề cập đến khi cùng một dòng giai điệu được xướng lên ở những thời điểm khác nhau và với âm sắc khác nhau. Trong trường hợp của bản Canon in D Major này là với ba cây violin, các cây sau lần lượt ‘bắt chước’ xướng theo cây trước, cách nhau hai nhịp. Tài hoa của Pachelbel thể hiện rõ nét qua sự hòa âm của ba giai điệu violin tuyệt đẹp này. Chúng phối hợp chặt chẽ tới mức… cứ như thể ông đang làm toán chứ không phải viết nhạc. Canon in D đem lại sự thư thái, cảm xúc nhẹ nhàng cho người nghe ngay từ những nốt nhạc đầu tiên. Phần giai điệu được đánh giá là chuẩn mực với những phân đoạn chính được lặp lại 30 lần, không quá dài hay quá ngắn mà chỉ vừa đủ để người nghe có thể cảm nhận trọn vẹn bản luân khúc tuyệt vời này. Đây là bản nhạc rất phổ biến và không thể thiếu ở những buổi lễ thành hôn bởi sự tao nhã, mộc mạc nhưng rất trang trọng của nó. Canon in D cũng là bản nhạc classic được thế giới POP ưa thích nhất nên giữ kỉ lục về số lượng các phiên bản được phối và chơi lại ở nhiều phong cách bởi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nhất trên thế giới. Tác phẩm đặc biệt này có thể viết lại cho nhiều loại nhạc cụ và được không ít nhạc sĩ sử dụng một phần giai điệu để viết thành các ca khúc riêng. Shane Filan – cựu thành viên ban nhạc Westlife cũng từng rất thành công với ca khúc Beautiful in White. Sự kết hợp tuyệt vời từ những ca từ mang đầy ý nghĩa cùng những giai điệu trang trọng của Canon in D đã khiến ca khúc này trở thành một trong những ca khúc đám cưới được yêu thích nhất mọt thời đại. Tại Việt Nam một số bản hit một thời cũng sử dụng giai điệu của Canon in D như Cô bé mùa đông của Thủy Tiên – Đăng Khôi, Hòn Đá cô đơn – Weboys, Công chúa bong bóng – Bảo Thy… Đó là sức mạnh của âm nhạc classic. Sau gần 600 năm, nó vẫn còn nóng hổi !
Adagio in G Minor - bộ phim kinh dị tội phạm cổ điển có tính chất chân thực Là con trai cả của một nhà buôn giấy giàu có, Tomaso Giovanni Albinoni sinh ra ở Venice vào năm 1671. Sớm bộc lộ năng khiếu ca sĩ và nghệ sĩ violon, chàng trai trẻ Tomaso cuối cùng đã chuyển tài năng của mình sang sáng tác, sản xuất cả bộ sưu tập khí nhạc và opera đầu tiên của mình vào năm 1694 . Sau khi cha ông qua đời vào năm 1709, Albinoni - người tự gọi mình là "Dilettante Veneto" - đã có thể trở thành một nhạc sĩ và nhà soạn nhạc toàn thời gian, sáng tác cả opera và khí nhạc cho đến khi ông qua đời vào năm 1751. Vì các vở opera của ông chưa bao giờ xuất bản nên Albinoni chủ yếu được biết đến nhờ 99 bản sonata, 59 bản concerto và 9 bản sinfonia. Có thể nói, cùng với cây đại thụ Vivaldi và Corelli, Albinoni được coi như đã tham gia định hình và phát triển thể loại concerto 3 chương nhanh - chậm - nhanh ưa thích của mình mặc dù mình không nghe nổi một tác phẩm nào của Albinoni, ngoài trừ ..... Adagio Sau khi Albinoni qua đời, phần lớn bản nhạc chưa được xuất bản của ông đã được chuyển đến Thư viện Bang Saxon ở Dresden (Đức), nơi nó được bảo quản trước khi bị phá hủy hoàn toàn trong các cuộc ném bom của quân Đồng minh vào mùa đông năm 1945. Cùng năm đó, nhà nghiên cứu âm nhạc người Milan Remo Giazotto bắt đầu viết tiểu sử về Albinoni và lập danh mục các tác phẩm còn lại của ông, khai thác những gì còn sót lại trong kho lưu trữ của Dresden. Giazotto đã xuất bản cuốn sách của mình, Musico di Violino Dilettante Veneto - Bản nhạc vĩ cầm của tài tử Venice - và chính thức hoàn thành trọn vẹn tiểu sử của Albinoni. Tuy nhiên, 4 năm sau, Giazotto lại xuất hiện, tuyên bố rằng ông đã khôi phục được một đoạn nhạc Albinoni chưa được xuất bản từ Thư viện Bang Saxon - một đoạn của một bản thảo, có thể là từ chương chậm của một bản trio sonata hoặc sonata da chiesa ở cung Đô thứ, có thể là một phần trong Op. 4 (1708), chỉ bao gồm phần basso continuo và sáu ô nhịp của giai điệu chính. Giazotto khẳng định rằng ông đã hoàn thành chương nhạc đơn lẻ của Albinoni để tưởng nhớ, viết bản sao và xuất bản nó vào năm 1958 dưới tên mình. Nó là "Adagio in G minor for strings and organ, on two thematic ideas and on a figured bass by Tomaso Albinoni" Giazotto không thể ngờ rằng chương Adagio này lại trở lên quá nổi tiếng đến nỗi giới mộ điệu quên luôn cả cái tên dài dòng và "đồng tác giả" của nó mà chỉ biết đến tượng đài Adagio của Albinoni. Không chỉ là tác phẩm hiếm hoi có sự xuất hiện của đại phong cầm pipe organ, gần như nó che mờ tất cả các chương Adagio của các nhà soạn nhạc nổi tiếng khác. Trong giới POP, nó còn tạo ra làn sóng khủng khiếp hơn từ điện ảnh đến ca nhạc. Lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là chủ đề chính cho bộ phim năm 1961 của Alain Resnais L'année dernière à Marienbad, Adagio đã trở thành trụ cột trong văn hóa đại chúng, đặc biệt sau khi Lara Fabian phát hành đĩa đơn Adagio với phần lời tiếng Anh do Fabian, Rick Allison và Dave Pickell đồng sáng tác, phiên bản tiếng Ý của bài hát do chính Fabian soạn lời. Tuy nhiên, giới mộ điệu âm nhạc classic đã sớm nhận ra những âm hưởng Baroque tuyệt vời đó không giống với phong cách cứng nhắc của Albinoni. Một cuộc điều tra đã được tiến hành nhưng cho đến nay vẫn không có bằng chứng nào cho thấy bản nhạc là của Albinoni và bản thân Giazotto cũng chưa bao giờ công khai được các mảnh của "bản sao" đó. Có thể, Giazotto đã mưu đồ mượn danh tiếng của Albinoni để đánh bóng tên tuổi cho tác phẩm của mình nhưng ... KEKE Về cuối đời, Giazotto đã thay đổi câu chuyện của mình, phủ nhận rằng tác phẩm hoàn toàn dựa trên một đoạn sáng tác ban đầu của Albinoni. Thay vào đó, ông muốn cả thế giới biết rằng chính ông ấy, Giazotto, đã tự viết toàn bộ và Albinoni không tham gia vào đó. Tuy nhiên, đã quá muộn, Giazotto đánh giá thấp tác động khủng khiếp của bản nhạc trong lòng giới hâm mộ, cho nên, bất kể sự thật là gì, cái tên 'Albinoni's Adagio' vẫn tồn tại bất kể nó đã hơn 300 tuổi hay mới chỉ 50. "Thánh ca" nhạc Pop Phiên bản classic - crossover Phiên bản Classic (opera) Và phiên bản mình thích nhất !!!!
Bàn nhạc này hay mà bây giờ mình mới đọc đến thông tin này. Cảm ơn bạn đã chia sẻ! Tiếng đại phong cầm trong bản này mà hệ thống nào thể hiện được thì ht đó rất rất ổn, nếu không là nghe như âm thanh ù khó chịu lắm.
Bởi vậy nên hiểu bản nhạc, hiểu ý đồ của người trình diễn và kỹ sư thu âm thì mọi thứ tưởng như mơ hồ, cảm tính trong đánh giá âm trường, âm hình... của hệ thống âm thanh đều có thể diễn ta được cụ thể hết
Sonata cuả Tartini - Thiên thần hay Ma quỷ Giuseppe Tartini sinh ngày 8 tháng 4 năm 1692 tại Pirano. Cha mẹ ông dự tính tương lai cho con trai mình là trở thành một linh mục dòng tu Francis (Dòng tu Phan Sinh) và nhờ thế Tartini đã được đào tạo âm nhạc cơ bản từ rất sớm. Tuy nhiên, không như những nhà soạn nhạc cùng thời, Tartini không viết opera hay bất kỳ một thể loại âm nhạc nhà thờ nào. Trước khi có Paganini, Tartini được coi là nghệ sỹ violin vỹ đại nhất thế giới nên hầu hết tác phẩm của Tartini được viết cho đàn violin. Ông đi theo những nguyên tắc hình thức của Vivaldi nhưng viết nên thứ âm nhạc có thể phô diễn được kỹ thuật chơi đàn đỉnh cao của mình. Cá nhân mình không thích nghe nhạc của Tartini (giống Albinoni) nhưng có lẽ theo nguyên tắc triết học - sự biến đổi về lượng đủ lớn sẽ sinh ra biến đổi về chất. Kỹ thuật chơi Violin đỉnh cao tủa Tartini cùng với đức tin có phần xa lánh "nhà thờ" của ông đã tạo ra tác phẩm nổi tiếng Sonata Devil's Trill - Âm láy ma quỷ, viết cho violin cùng phần đệm basso continuo. Tác phẩm đòi hỏi không chỉ kỹ thuật chơi violin cực khó, ngay cả với thời nay, mà còn cả mức độ biểu cảm nội tâm sâu sắc – một của hiếm vào thời Baroque nhưng lại rất phổ biến trong thời kỳ Lãng mạn 100 năm sau. Sonata Âm láy ma quỷ được xuất bản lần đầu năm 1798, hai mươi tám năm sau khi tác giả qua đời. Rất nhiều giai thoại được dựng lên xung quanh cái tên và nguồn gốc ra đời tác phẩm nhưng giai thoại nào cũng cho rằng bản Sonata này khởi nguồn từ một giấc mơ. Nào là trong một giấc mơ của Tartini khi ông ẩn náu tại tu viện Assini, quỷ sứ đã hiện lên ở chân giường ông và chơi một bản sonata. Lúc thức dậy, ông đã sáng tác một bản sonata cho đàn violin, mô phỏng tác phẩm mà ông đã nghe quỷ sứ chơi trong giấc mơ. Theo một giai thoại khác thì chính Tartini đã kể với nhà thiên văn học Jérôme Lalande rằng ông mơ thấy quỷ sứ hiện ra và đề nghị được làm học trò của ông. Cuối những bài học giữa họ, Tartini trao cho quỷ sứ cây đàn violin của mình và kiểm tra kĩ năng chơi của nó – ngay lập tức qủy sứ chơi đàn với một trình độ bậc thầy khiến Tartini như nghẹt thở. Khi Tartini thức dậy, ông lập tức chép lại bản sonata, cố gắng nắm bắt được những gì ông nghe được trong giấc mơ. Tuy rất thành công khi biểu diễn Sonata Âm láy ma quỷ trước các thính giả của mình nhưng Tartini vẫn luôn khẳng định: “còn thua xa so với những gì tôi đã được nghe” và “nếu tôi có thể kiếm sống bằng phương tiện khác, tôi đã đập cây đàn violin và từ bỏ âm nhạc mãi mãi”. Có hai kỹ thuật láy là láy dài và láy ngắn. Nhưng dù là kỹ thuật nào thì cũng cần sự thích ứng phù hợp giữa bàn tay và sức mạnh cơ bắp nhờ sự chuyển động nhanh, linh hoạt của ngón tay và sự dẻo dai, bền bỉ để thực hiện liên tục như một chiếc chuông điện. Có một số ngón tay được trời phú trở lên dễ dàng thực hiện những đoạn trill dài. Nhưng có những ngón tay kém may mắn hơn, mặc dù siêng năng luyện tập vẫn không bao giờ chơi trill được một cách thành thạo. Vì thế, August Emil Daniel Ferdinand Wilhelmj - một nghệ sĩ vĩ cầm vĩ đại nổi tiếng bởi có thể chất dẻo dai lại không giỏi kỹ thuật trill và staccato. Ngược lại Wieniawski, Sarasate chơi được trill từ sớm và thậm chí chơi được những đoạn trill rất dài, tạo nên một yếu tố tuyệt vời trong kỹ thuật chơi của họ. Joachim chủ yếu tỏa sáng bằng những đoạn trills ngắn, lắng đọng. Do đó ông đã chơi đoạn allegro trong bản sonata lừng danh của Tartini dựa trên kỹ thuật láy ngắn (short trill) với sự vượt trội không ai có thể bắt chước được. Nhưng...đó là những huyền thoại được kể lại mà chúng ta không có may mắn được thưởng thức. Nhưng..., lại nhưng, giới hâm mộ âm nhạc classic cuối thế kỷ 20 vẫn rất may mắn vì họ có Anne-Shopie Mutter. Kỹ thuật trill hoàn hảo cũng khiến tiếng violin của của chị cũng không ai bắt chước được... và đương nhiên, nhất là với bản sonata Devil's Trill... Phần lớn bản sonata mang những đặc trưng hoàn toàn theo thông lệ sonata thời bấy giờ. Bi kịch nội tâm được thể hiện qua những giai điệu bóng bẩy, những nốt láy duyên dáng ngập tràn trong tác phẩm. Yếu tố âm nhạc liên quan đến cái tên của tác phẩm xuất hiện ở đoạn cadenza chói sáng gần cuối tác phẩm. Nghệ sỹ vĩ cầm kiêm nhà soạn nhạc nổi tiếng Fritz Kreisler đã biên soạn lại đoạn cadenza này và nó nổi tiếng đến độ giới mộ điệu gọi nó là cadenza bravura với kĩ thuật trill rất khó vì đòi hỏi violinist phải rung, láy liên tục trên một dây đàn trong khi phải lướt note thật nhanh trên một dây khác. Và còn kinh khủng hơn khi soloist phải chơi 02 quãng tám cùng một lúc. Sau đoạn cadenza khá dài, bè basso continuo tham gia trở lại trong ít nhịp cuối cùng đầy kịch tính. Cao trào đấu tranh nội tâm vừa mới qua nhưng câu trả lời cuối cùng vẫn chưa hề xuất hiện - một cái kết lơ lửng của Tartini mang mầu sắc điện ảnh nghệ thuật đương đại. Devil's Trill dường như được sinh ra cho Anne-Shopie Mutter. Chị biểu diễn tuyệt phẩm này rất nhiều nhưng ghi âm chính thức chỉ có 02 phiên bản chính. Album Vivaldi The Four Season/Tartini The Devill's Trill (năm 1995) do chị trực tiếp chỉ đạo với nhóm Trondheim Soloists chơi bè đệm bass continue, trung thành với phiên bản gốc. Trong album Carmen-Fantasie (1993) với dàn nhạc Wiener Philharmoniker và nhạc trưởng James Levine, bản sonata này được trình diễn hoành tráng như một bài thơ giao hưởng - symphonic poem. Đây cũng là phiên bản được đánh giá hay nhất khi được tái bản liên tiếp vào năm 2005 với định dạng DSD và năm 2015 với định dạng FLAC hi-res. Rất tiếc, trên Youtube lại ko có bất cứ phiên bản nào và Youtube hay các hệ thống bình thường cũng ko thể diễn tả được tới 10% linh hồn của tác phẩm. Các ae chịu khó nghe phiên bản ghi âm khá tốt của Ray Chen... Và...hãy chú ý từ phút thứ 11'30''...